70 Năm Quân Đội - Mấy Mươi Năm Sợ Tàu ?

(VNC) Đảng Cộng sản Việt Nam đang lên cơn sốt  về chuyện phải kiên định Chủ nghĩa lỗi thời Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh để bảo vệ Đảng cầm quyền, nhưng lại coi nhẹ hành động đang ngày đêm chiếm biển đảo Việt Nam của Trung Cộng ở Biển Đông.
Chuyện này được thể hiện rõ nét qua hành động phối hợp giữa hai Bộ Công an và Quốc phòng vào dịp tổ chức  các cuộc thảo luận về công tác bảo vệ chính trị nội bộ và chống lại ý kiến Quân đội đứng ngòai chính trị nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân (22/12/1944 – 22/12/2014).

BẢO VỆ MÁC ĐỂ LÙI TIẾP ?

“Bảo vệ chính trị nội bộ là bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối, Điều lệ, nguyên tắc tổ chức của đảng; bảo vệ tổ chức Đảng, bảo vệ cán bộ, đảng viên, nhằm làm cho Đảng CSVN thực sự là một đảng cách mạng chân chính, trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu cho đạo đức, trí tuệ, lương tâm và danh dự của dân tộc Việt Nam. Bảo vệ chính trị nội bộ là bộ phận của công tác xây dựng Đảng, là quy luật trong quá trình tồn tại và phát triển của Đảng, công tác bảo vệ chính trị nội bộ là nhiệm vụ quan trọng, quan hệ đến sự sống còn của Đảng và của chế độ.” (Trích Tạp chí Xây dựng đảng (XDĐ) năm 2010)
Đó là mục tiêu của chiến dịch học tập để xây dựng đảng được thi hành ở Việt Nam từ năm 2007, sau khi có Quy định 57-QĐ/TW, ngày 3-5-2007 của Bộ Chính trị về  "Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng".

Công tác này được lập lại vào tháng 12/2014 trên cả nước để chuẩn bị tổ chức Đại hội đảng lần thứ XII diễn ra vào đầu năm 2016.

Nhưng tại sao phải làm quyết liệt hơn vào thời điểm này ? Những việc xẩy ra đã chứng minh đảng đã mất định hướng khi thấy một số không nhỏ cán bộ, đảng viên tiếp tục suy thoái đạo đức, coi thường kỷ luật đảng và không còn mặn mà với Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh nữa.

Từ  năm 2010, cán bộ tuyên truyền đã viết trên báo Xây dựng đảng rằng : “ Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ chính trị nội bộ vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Công tác tuyên truyền phổ biến các quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ còn hạn chế, một số cấp ủy đảng chưa hiểu rõ yêu cầu, nhiệm vụ và trách nhiệm trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ, một số cán bộ còn thiếu gương mẫu trong chấp hành các chủ trưởng, nghị quyết của đảng, pháp luật của nhà nước, vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật.

Vẫn còn tình trạng đảng viên đi nước ngoài không báo cáo với tổ chức; phát hiện có vấn đề về chính trị hiện nay của cán bộ, đảng viên nhưng không báo cáo….”

Sau đó, trong Diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương lần 9 ngày 14/05/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong vẫn phải nhắc nhở cấp lãnh đạo: “Cần phân tích, đánh giá đúng thực trạng và đề ra các giải pháp cụ thể để tiếp tục xây dựng Đảng ta và hệ thống chính trị nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ và phương thức lãnh đạo, quản lý. Đặc biệt chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phòng chống sự suy thoái, biến chất, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; công tác bảo vệ chính trị nội bộ…”

Ba tháng sau, ngày 18/08/2014, Bộ Chính trị lại  bổ sung với Chỉ thị số 39-CT/TW để gọi là “ tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay.”
Những biện pháp dồn dập này chỉ phản ảnh công tác cần phải làm tốt hơn việc qủan lý cán bộ, ngăn chặn quốc nạn tham nhũng và chận đứng tình trạng  đã chán Chủ nghĩa Cộng sản đến tận cổ trong  đảng viên đang nẩy sinh những biến chứng báo nguy  trước thềm Đại hội đảng XII, dự trù đầu năm 2016.
Do đó mà chuyện “tự diễn biến” và “tự chuyển hoá” , hay lung lay tư tưởng trong đảng lại được thảo luận tại  kỳ Hội nghị cán bộ tòan quốc ngày 22/10/2014, tại Hà Nội, khi Ban Tổ chức Trung ương lại đem vấn đề “chính trị nội bộ” ra thảo luận.

Theo lời khoe của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa thì : “ Công tác bảo vệ chính trị nội bộ đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Đảng, làm thất bại các âm mưu chia rẽ, chống phá nội bộ Đảng của các thế lực thù địch; giữ vững sự đoàn kết và vai trò lãnh đạo của Đảng, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này, đến thắng lợi khác.”
Nhưng ngay sau đó ông ta lại : “Yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cần tổ chức tốt việc phổ biến, quán triệt những nội dung, quan điểm, nhiệm vụ về công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay; từ đó xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong quản lý cán bộ, đảng viên; trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nêu cao ý thức cảnh giác cách mạng cho cán bộ, đảng viên trước những âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên; xử lý nghiêm những cán bộ đảng viên viết, nói và làm trái Cương lĩnh, Điều lệ, Nghị quyết của Đảng, tham ô, tham nhũng, cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm, gây mất đoàn kết nội bộ...”  (Theo Việt Nam Thông tấn xã,VNTTX)
Như vậy có nghĩa từ năm 2007, dưới thời Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh của Khoá đảng X, khi Quy định về "Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng" của Bộ Chính trị có hiệu lực thì mọi chuyện vẫn không nhúc nhích, mọi cấp đều ì ra để  cho tình trạng “cha chung không ai khóc” tồn tại, hay là không ai bảo được ai ?

Do đó không có gì lạ khi ông Tô Huy Rưá lại nhắc nhở : “Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị rà soát, bổ sung các quy chế, quy định về công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên..., quy định chặt chẽ hơn về quy trình xem xét, tuyển chọn, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ, bảo đảm cán bộ được tuyển chọn đề bạt, bổ nhiệm nhất thiết phải được thẩm định kỹ về tiêu chuẩn chính trị.”

“ Bên cạnh đó”, ông nói tiếp, “cần rà soát, bổ sung các quy chế, quy định về bảo mật thông tin, tài liệu trong mọi hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị; tăng cường các biện pháp quản lý cán bộ, đảng viên công tác ở nước ngoài, đi công tác nước ngoài, lưu học sinh ở nước ngoài hoặc cán bộ có quan hệ công tác với các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên đối với cấp dưới về việc chấp hành các quy định bảo vệ chính trị nội bộ.”
Như vậy có phải là một cuộc thanh lọc hàng ngũ, điều tra tư tưởng, phân chia thành phần  tranh chấp giữa các nhóm lợi ích trong đảng đã bắt đầu một cuộc thư hùng để xem phe nào, địa phương nào chiếm đa số trong Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ?

Bởi vì khi Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa ra lệnh cho “Các cấp ủy, tổ chức Đảng cần kịp thời triển khai hoàn tất các công việc trên trước khi tiến hành công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy và tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng” không phải là chuyện ngẫu nhiên hay tình cờ trên sân khấu chính trị ở Việt Nam vào thời kỳ tranh tối tranh sáng này.
Ông Rứa còn phân công rành rọt : “Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị tiến hành đợt rà soát chính trị nội bộ từ nay đến Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội XII của Đảng. Công tác phối hợp giữa cơ quan bảo vệ chính trị nội bộ Đảng với các cơ quan chính quyền, tư pháp, các cơ quan chuyên môn nghiệp vụ về an ninh trật tự cần được tăng cường; kết hợp làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ với bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, kịp thời ngăn chặn các âm mưu phá hoại nội bộ Đảng của các thế lực thù địch và làm trong sạch về chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; khôi phục niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”

CÔNG AN VÀO CUỘC

Song song với Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Công an cũng tổ chức Hội nghị  tại Hà Nội ngày 2/12/2014 để thảo luận công tác “bảo vệ chính trị nội bộ”.
Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng khoe: "Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, đa dạng và khó dự báo, tình hình trong nước tiềm ẩn các yếu tố gây mất ổn định về an ninh, trật tự, lực lượng Công an đã chủ động nắm chắc tình hình, làm tốt công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước về chủ trương, chính sách bảo vệ chính trị nội bộ; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các ban, ngành thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ chính trị nội bộ; chú trọng công tác quản lý cán bộ, bảo vệ bí mật nhà nước; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao cảnh giác cách mạng, khả năng “tự đề kháng”, “tự bảo vệ” của cán bộ, đảng viên, chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, "tự chuyển hóa", tiêu cực, vi phạm pháp luật.” (báo Công an Nhân dân)

Trước tình hình tổ chức Đại hội Đảng bộ để tiến tới Đại hội Đảng tòasn quốc lần thứ XII, ông  Trần Đại Quang lưu ý: “Trong công tác bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, phải quán triệt phương châm “chủ động phòng ngừa, giữ vững bên trong là chính”, giữ vững bên trong sẽ tạo nên sức mạnh thống nhất của tổ chức, làm cho tổ chức ổn định, vững mạnh. Do vậy, cần nhận thức rõ “giữ vững bên trong” là một nội dung cốt lõi của công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, nâng cao khả năng “tự bảo vệ” của từng cơ quan, tổ chức, khả năng “tự đề kháng” của từng cán bộ, đảng viên trước tác động “diễn biến hòa bình” cũng như mặt trái của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế.”

Trong hai diễn văn của ông Tô Huy Rứa và Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, những cụm từ “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, “diễn biến hòa bình” hay cần cảnh giác trước “các âm mưu phá hoại nội bộ Đảng của các thế lực thù địch”  đã được nói đi nói lại nhiều lần.
Hiện tượng này nói lên điều gì, nếu không chỉ để lộ ra những rối ren mất đòan kết trong đảng, tình trạng mất định hướng của cán bộ đảng viên nên phải  tự vẽ ra kẻ thù bằng ảo giác để hù họa nhau và dọa nạt dân trước Đại hội đảng XII.

Do đó, ông Quang mới bảo “giữ vững bên trong”,“tự bảo vệ” và “tự đề kháng”  vừa là “mục tiêu, vừa là động lực của công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ trong tình hình mới.”

Ông nói: “Mọi âm mưu, thủ đoạn thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch, phản động sẽ bị vô hiệu hóa, nếu nội bộ các cơ quan, tổ chức, đoàn thể đoàn kết thống nhất, thực sự trong sạch, vững mạnh.”

Nhưng nội bộ đảng hiện nay có thống nhất, trong sạch và vững mạnh không ?
Hãy nghe 61 Tướng lãnh, Trí thức và  cựu đàng viên cao cấp trong đảng viết trong Kiến nghị gửi Ban Chấp hành Trung ương và tòan thể đảng viên đề ngày 28 tháng 07 năm 2014: “Từ nhiều năm nay, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình xô-viết, được coi là dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin. Công cuộc đổi mới gần ba nươi năm qua nhằm sửa chữa sai lầm về đường lối kinh tế nhưng chưa triệt để, trong khi vẫn giữ nguyên thể chế độc đảng toàn trị kìm hãm tự do, dân chủ và chia rẽ dân tộc. Đường lối sai cùng với bộ máy cầm quyền quan liêu, tha hóa tạo điều kiện cho sự lộng hành của các nhóm lợi ích bất chính gắn với tệ tham nhũng, đưa đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện, ngày càng tụt hậu so với nhiều nước xung quanh.”

QUÂN ĐỘI CỦA AI ?

Như thế đã đủ chưa mà nhiều Dư luận viên của đảng và Quân đội đã đua nhau thi thố tài năng chống ý kiến nói Quân đội phải tách ra khỏi đảng để bảo vệ dân chống quân xâm lược Trung Quốc đang lấn chiếm biển đảo Việt Nam ở Biển Đông.

Những bài viết này tập trung vào  dịp  kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân (22/12/1944 – 22/12/2014).

Hãy trích ra đây bài viết “Không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội” của Tráng A Lâm đăng trên báo Quân đội Nhân dân ngày 15/12/2014 để thấy những sai trái trong quan niệm Quân đội phải bảo vệ ai ?

Tác gỉa viết : “Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội là một thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” Quân đội ta của các thế lực thù địch. Càng gần đến dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, thì thủ đoạn đó càng rộ lên, với những chiêu trò mới nguy hiểm hơn. Điều đó cần phải lên án, bác bỏ...
Trong xã hội hiện đại, mỗi quốc gia đều có một hay đa đảng lãnh đạo và quân đội của quốc gia đó luôn gắn và phục tùng sự lãnh đạo của đảng chính trị cầm quyền. Vì thế, luận điệu đòi "phi chính trị hóa” quân đội là sự xuyên tạc, bịa đặt, hòng mưu đồ chính trị. Quan điểm quân đội chỉ trung thành với Tổ quốc là phi lý và chưa bao giờ thực tiễn xác nhận. Những gì đã trải qua trên thế giới cho thấy, quân đội của bất kỳ nước nào, trong quá trình xuất hiện và trưởng thành, cũng luôn là một lực lượng chính trị quan trọng được nhà nước, giai cấp cầm quyền quan tâm lãnh đạo, xây dựng.”

Lập luận này sai lầm vì Quân đội từ dân mà ra. Nhiệm vụ duy nhất và trên hết của Quân đội mỗi Quốc gia là bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Dân không phải để bảo vệ đảng cầm quyền. Đảng cầm quyền có thể thay đổi nhưng Quân đội của Quốc gia thì mãi mãi là của dân để giữ nước, không phải để tham vọng quyền bính.
Ở các nước tự do và dân chủ, chính phủ xây dựng và nuôi dưỡng quân đội là để bảo vệ độc lập và sự vẹn tòan lãnh thổ và bảo vệ dân. Nếu những kẻ lãnh đạo đi ngược lại quyền lợi của dân hay không bảo vệ được lãnh thổ thì quân đội  ra tay đứng về phiá dân để áp lực đòi thay đổi để bảo vệ quyền lợi tối thượng của Tổ Quốc.
Trường hợp Việt Nam Cộng sản thì khác. Đảng lập ra Quân đội nhưng lại sử dụng Quân đội để bảo vệ chế độ theo ý muốn của kẻ cầm quyền nên Quân đội đã để mình biến thành tay sai cho đảng.
Sự biến thể vai trò quốc phòng của Quân đội thành kẻ thỏa hiệp bảo vệ chế độ cho đội ngũ lãnh đạo chưa bao giờ được dân bầu ra, hay được ủy thác lãnh đạo Quốc gia là Quân đội ấy đã đi ngược lại quyền lợi của dân.
Càng ngụy biện hơn khi đề cao vai trò lãnh đạo của đảng đối với Quân đội khi Quân đội ấy phải phải theo lệnh đảng để bảo vệ cái chủ nghĩa Cộng sản ngọai lai không do dân chọn và đang làm cho dân nghèo nước mạt thì sự đồng lõa này chỉ hại dân và hại nước mà thôi.

Tác gỉa Tráng A Lâm đã  đưa ra lập luận cho rằng “các thế lực thù địch đang ráo riết đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, hòng xóa bỏ những nước XHCN còn lại và các lực lượng tiến bộ trên thế giới, trong đó có Việt Nam”.
Vì vậy , theo lời người viết, các thế lực này đã: “Xác định Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam là mục tiêu tập trung chống phá; trước mắt là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, “phi chính trị hóa” quân đội, làm rệu rã tinh thần, mất sức chiến đấu, tiến tới vô hiệu hóa lực lượng trung thành, chủ lực, nòng cốt bảo vệ Đảng Cộng sản, chế độ XHCN ở Việt Nam.”

Dư luận viên Tráng A Lâm cũng chỉ trích ý kiến muốn “quân đội trung lập về chính trị, đứng ngoài những biến động chính trị-xã hội, không chịu sự lãnh đạo của bất cứ đảng phái chính trị nào.”

Ông Lâm viết : “Lý tưởng chiến đấu của Quân đội ta là vì độc lập dân tộc và CNXH, vì hạnh phúc của nhân dân. Đó là lý tưởng cao đẹp không chỉ mang tính cách mạng, khoa học, mà còn thấm đượm tính nhân văn sâu sắc; không chỉ phản ánh sự vận động, phát triển đúng quy luật của xã hội Việt Nam đương đại, mà còn phản ánh khát vọng thiêng liêng tự giải phóng, giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vươn lên làm chủ của các thế hệ người Việt Nam xuyên suốt hành trình lịch sử. Đồng thời, thể hiện tình cảm sâu nặng, trách nhiệm chính trị, đạo đức cao cả của quân đội đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân.”

Nhưng nêu bảo “Chủ nghĩa Xã hội”, hay Cộng sản cũng vậy là lý tưởng chiến đấu của Quân đội thì chính cái Quân đội này đã đồng lõa với đảng để cướp đi quyền tự quyết của nhân dân.
Lịch sử đã chứng minh nhân dân yêu chuộng hòa bình và nhân bản Việt Nam chưa bao giờ bỏ phiếu hay tán thành việc đảng CSVN đem chủ nghĩa ngọai lai Cộng sản làm nền tảng để xây dựng đất nước.
Chính cái chủ nghĩa sắt máu này đã cướp đi mạng sống của hàng chục triệu người dân Việt Nam từ năm 1930 đến nay. Quyết định sai lầm theo chủ nghĩa Cộng sản là của riêng ông Hồ Chí Minh và của đảng CSVN.

PHẢI NGHE VÀ LÀM THEO TRUNG HOA ?

Nếu Quân đội còn tiếp tục mơ sảng lấy Chủ nghĩa Cộng sản được nói hoa mỹ là Chủ nghĩa Xã hội làm lý tưởng chiến đấu như  cuộc chiến Việt Nam đã chứng minh thì không chỉ là thảm kịch của lịch sử mà là thảm họa của dân tộc.

Phải chăng đó là lý do tại sao trong chuyến thăm Trung Hoa trong 2 ngày 16 và 17/10/2014 của phái đòan 13 tướng lãnh Việt Nam do Bộ trưởng Quốn phòng Phùng Quang Thanh cầm đầu, phía Viêt Nam đã thoả thuận với Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Hoa Thường Vạn Tòan cùng  : “Tăng cường đoàn kết giữa hai quân đội, cung cấp sự bảo đảm vững chắc cho củng cố vị thế cầm quyền của Đảng Cộng sản ở hai nước, bảo vệ sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội.”

Tại sao Quân đội của nhà nước Việt Nam độc lập có chủ quyền, không phải là một Tỉnh hay Huyện của Trung Hoa mà  phải đồng ý với Tướng Thường Vạn Tòan  để bảo vệ “vị thế cầm quyền của đảng Cộng sản hai nước” ?
Nói cách khác, nếu Quân đội Trung Hoa chưa thay đổi nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối Đảng phải cầm quyền, dù phải chống lại đòi dân chủ hóa chế độ của nhân dân,  thì Quân đội Việt Nam cũng không dám làm trái ý phương Bắc ?

Hèn chi mà Bộ Quốc phòng Việt Nam  đã không dám tổ chức hàng năm để tưởng nhớ khỏang 45 ngàn đồng đội và đồng bào đã gục ngã trong chiến tranh chống quân Tầu xâm lược ở biên giới từ năm 1979 đến 1989.
Bộ Quốc phòng và Chính phủ Việt Nam cũng ngăn chặn mọi hình thức tổ chức ở tầm mức Quốc gia để ghi công 64 chiến sỹ Hải quân đã hy sinh trong cuộc chiến quân Trung Cộng xâm lược Trường Sa tháng 3/1988. Họ cũng ngỏanh mặt làm ngơ công lao bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của 74 chiến sỹ của Việt Nam Cộng Hòa đã bỏ mình khi chống quân Trung Cộng xâm lăng chiếm  Hòang Sa tháng 01 năm 1974.

Và Quân đội này, đến cuối năm 2014 cũng không dám có phản ứng, dù chỉ tối thiểu, trước việc Trung Cộng  mở rộng, xây dựng và thiết lập các căn cứ quân sự, sân bay, bến cảng trên 8 đảo và đá, đặc biệt tại hai đảo chiến lược Gạc Ma và Chữ Thập, mà Trung Cộng đã chiếm bất hợp pháp ở Trường Sa năm 1988.

LÃNH ĐẠO SAI LẦM

Vậy mà, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người mà nguyên Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nhận xét có tư tưởng  thân Trung Hoa, vẫn có thể tiếp tục sai lầm trong bài viết “Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định phát triển Quân đội”, do Thông tấn xã Việt Nam phổ biến ngày 18/12/2014 để kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân (22/12)
Ông Trọng ca ngợi sai lầm rằng Quân đội Nhân dân : “Đã chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chiến lược quân sự quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; đánh giá, dự báo, xử lý đúng đắn các tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.”

Nếu nhìn vào thực trạng ở Hòang Sa và Trường Sa thì Quân đội Nhân dân chưa có bất cứ hành động cụ thể  nào để chận đứng các hoạt động bành trướng lãnh thổ và chủ quyền biển của Bắc Kinh, nói chi đến giấc mơ chiếm lại Hoàng Sa và 8 đảo và bãi đá ở Trường Sa ?
Ông Trọng còn bảo : “Chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức duy nhất lãnh đạo Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sự lãnh đạo quân đội không thể phân chia cho bất kỳ một cá nhân nào, một lực lượng chính trị nào khác. Nhà nước quản lý quân đội thống nhất chặt chẽ trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật. Vì vậy, tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với quân đội đặt trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ với tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về mọi mặt đối với quân đội.”

Nói như thế liệu ông Trọng có qúa tham lam không và quên rằng Quân đội là của dân, do dân mà có và vì dân mà chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc trên hết, không phải là đội quân riêng của đảng cầm quyền và chỉ biết phục vụ quyền lợi của Lãnh đạo, thay vì của dân ?
Hơn nữa khi ông Trọng nói “Sự lãnh đạo quân đội không thể phân chia cho bất kỳ một cá nhân nào, một lực lượng chính trị nào khác” là ông Trọng đã tiếm quyền của dân là người chủ của đất nước. Đảng CSVN, hay bất cứ phe nhóm nào không có quyền và không ai cho phép coi nước Việt Nam là của riêng mình bởi vì Đảng chỉ có trên 3 triệu đảng viên, trong tổng số hơn 90 triệu dân.
Nguyên lý cơ bản là thiểu số phải phục tùng đa số, không có chuyện ngược lại. Ông Nguyễn Phú Trọng đã lợi dụng độc tài cầm quyền để dùng Quân đội bảo vệ quyền lợi của đảng mà ông  mạo nhận là quyền lợi của cả dân tộc.
Càng sai lầm trong bài viết là khi Tổng Bí thư đã nhân danh đảng duy nhất cầm quyền để dùng Quân đội chống lại nhu cầu và đòi hỏi dân chủ tự do đang ngày một lên cao ở Việt Nam.

Nghiêm trọng hơn, ông còn lấy Quân đội để bảo vệ cái Chủ nghĩa ngọai lai đã bị nhân dân Nga và nhiều dân tộc Đông Âu nguyền rủa và ruồng bỏ (từ 1989 đến 1991) là Chủ nghĩa Mác-Lênin để ép buộc nhân dân Việt Nam phải tiếp tục chấp nhận cho đảng lãnh đạo.
Hành động của ông  Trọng đã  tái khẳng cam kết của Đại tướng Phùng Quang Thanh ở Bắc Kinh hồi giữa tháng 10/2014 với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Hoa Thường Vạn Tòan rằng Quân đội phải bảo vệ “vị thế cầm quyền của đảng Cộng sản hai nước” !
Do đó không còn ngạc nhiên khi thấy ông Trọng bảo Quân đội là: “ Lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh chống những quan điểm sai trái, bảo vệ chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.”
Tổng Bí thư đảng CSVN còn  không ngần ngại đe dọa : “Phải đẩy mạnh đấu tranh, làm thất bại âm mưu và hoạt động "diễn biến hòa bình" nói chung và "phi chính trị hóa" quân đội nói riêng của các thế lực thù địch. Thực chất, "phi chính trị hóa" quân đội là thủ đoạn cực kỳ nham hiểm của thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng nước ta, tách rời quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, làm cho quân đội không còn là công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị tin cậy của Đảng và Nhà nước. Bài học từ Liên Xô và các nước Đông Âu những năm 90 của thế kỷ XX đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với chúng ta.”

Lập luận chụp mũ và hù họa nhân dân như vậy thì ông Nguyễn Phú Trọng có còn bĩnh tĩnh để biết rằng Quân đội là con đẻ của dân, do dân và vì dân , không phải là “công cụ bạo lực sắc bén” để nuôi dưỡng những kẻ độc tài chỉ biết “bảo vệ chủ nghĩa Marx-Lenin” để thỏa mãn tham vọng chính trị, thay vì giữ nước và dựng nước ?  -/-

Phạm Trần

(12/014)
=END=