Tang lễ một người, dù ghét hay yêu, thì thương tiếc vẫn là điều nên làm (nghĩa tử là nghĩa tận). Đó là cái chủ nghĩa nhân đạo hình thức mà truyền từ đời này sang đời kia, vì sao, cũng kết thúc một kiếp người.
Nhưng nếu đặt trong một xã hội, mà sự “đồng thuận”, “tiếc thương”, và hàng loạt những mỹ từ khác được dựng nên để làm nên cái chết vĩ đại của một cá nhân thì “niềm vui trong ngày đại tang” lại phản ánh một trạng thái trái ngược và chứa đựng những điều đáng suy nghĩ.
Ông Lê Mạnh Hà, nguyên Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Tp. HCM, con trai cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã có một sự “trải nghiệm” đầy bi đát đó. Khi thông báo cái chết của cha ông, một người trải qua 3 cuộc chiến, một người kiêm những chức vụ cao nhất về mặt quân sự lẫn dân sự thì số người phản hồi (comment) chửi rủa, công kích và số lượt phản hồi bằng cảm xúc vui mừng (biểu tượng cười) cao nhất trong số các phản hồi.
Con trai cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã miệt mài xóa các phản hồi chửi rủa, công kích, và nó nhiều đến mức ông buộc phải xóa bài đăng.
Điều này cho thấy gì?. Nếu xã hội Việt Nam thực sự bày tỏ được sự tự do thì những cái chết của “lãnh tụ ĐCSVN” sẽ không phải là niềm tiếc thương, mà là sự vui mừng – hoan hỉ. Nó là sự phá vỡ cảm xúc và quan điểm vốn bị đè nén, bị đóng khuôn mẫu bởi các luật lệ từ chính ĐCSVN. Nó cho thấy, bất kỳ một “lãnh tụ ĐCSVN” đều mang trong mình những tội ác, mà nhân dân sẽ là người phán xử bằng cách này hay cách khác. Những màn “nước mắt, tiếc thương lãnh tụ” chỉ là những chiêu trò hình thức, bơm đặt không hơn không kém trong một xã hội thiếu thông tin, và sau khi được cởi mở, không ít người đã rùng mình, phản tỉnh. Thậm chí, giật mình khi nhìn thấy bóng dáng mình ngày xưa ở những màn trò “tiếc thương, khóc lóc” như cách dân Bắc Triều Tiên hạ mình dưới lãnh tụ Kim Jong-Un.
Cái chết của Cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh, và phản ứng sau đó như một sự thu nhỏ những gì đã và đang tiếp tục diễn ra ở Đông Âu. Đó là hàng tá tượng đài bị giật đổ, chủ nghĩa cộng sản bị cấm phổ biến, những tên lãnh tụ ở các thành phố, con đường bị thay thế, và người dân tiếp tục cảnh giác trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản dưới tên gọi mỹ miều – “phong trào cánh tả”. Nói cách khác, đó là sự bày tỏ rõ ràng với những gì mà một cá nhân cộng sản từng làm với đất nước, một tổ chức cộng sản từng làm với quốc gia.
Màn “khóc lóc, tiếc thương” sẽ ngày càng ít đi, và thực sự là như vậy, nó là quy luật bất biến của xã hội buộc phải đi lên. Những cá nhân lãnh đạo, những lão thành cách mạnh sẽ tiếp tục bị thế hệ sau phán xét, về việc làm đúng-sai của họ. Đó không phải là chủ trương “xét lại lịch sử”, mà là xu hướng “trả lại cho lịch sự giá trị sự thật” sau hàng thế hệ bị bưng bít bằng hệ thống tuyên truyền dày đặc.
Và thực tế này đã làm nên những niềm vui trong ngày “đại tang”.
Tất nhiên, không phải hầu hết là như thế, vẫn còn không ít người – trong đó có những thanh niên tiếp tục thần tượng hóa những “lãnh tụ”. Và khi một Facebooker là Bạch Cúc lên tiếng về cái chết của Cố chủ tịch nước Lê Đức Anh, lập tức trăm phản hồi đã tấn công, nhục mạ bà, thậm chí là phá hoại công việc làm ăn – kinh doanh của bà trên Facebook.
Nhưng những con số này sẽ ít đi, khi những “đứa trẻ” đó lớn lên về nhận thức, và đến một thời điểm trải qua những hậu quả do chính quyết sách và chủ trương “lãnh tụ” để lại. Và khi là nạn nhân, họ sẽ hiểu, “lãnh tụ” vì dân là ít, nhưng tư lợi lại là nhiều.
Câu chuyện “niềm vui trong ngày đại tang” cũng nhắc nhở chính các lãnh đạo hiện thời rằng, có thể bằng quyền lực, họ được phúng viếng nhiều hoa, tổ chức đám tang thật lớn, và khu “lăng mộ” rộng đến ngàn m2. Nhưng họ sẽ sớm bị quên lãng, và bị công kích trong các bài học lịch sử về sau. Do đó, thực tâm vì dân hơn, thực tâm là lãnh đạo, và hướng tầm nhìn đến một cánh cửa mà tương lai dân tộc này hòa vào sự “phổ quát của nhân loại”, hơn là “một mình một chợ”. Khi đó, một lãnh đạo sẽ không trở thành một lãnh tụ, nhưng lại trở thành một vĩ nhân.
Và trong ngày họ mất đi, thì khi đó mới là ngày đại tang thực sự trong lòng dân tộc.