NTV
Vũ Ngọc Chi chuyển ngữ
Nhà khoa học chính trị Timo Lochocki ủng hộ vai trò lãnh đạo của Đức trên thế giới, vì Hoa Kỳ không còn là đối tác mạnh mẽ của các nền dân chủ tự do. Tuy nhiên, Lochocki cho biết trong một cuộc phỏng vấn với NTV, trước tiên Đức phải xác định lợi ích quốc gia của mình.
NTV: Cuốn sách của ông có tên là “Lợi ích của người Đức”. Ông có muốn truyền bá “Nước Đức trên hết” như Trump không?
Timo Lochocki: Không giống như Trump. Trước hết, lợi ích của Đức phải được xác định một cách độc lập – không có Hoa Kỳ, và thật không may là không có cả Pháp, vì các thế lực phản dân chủ có thể sớm tiếp quản chính quyền ở đó.
Đức là nền dân chủ tự do vĩ đại cuối cùng; thật không may, chúng ta không còn một đối tác lớn nào có chung lợi ích tương tự – ngoại trừ, có lẽ là Vương quốc Anh. Do đó, lần đầu tiên lợi ích của Đức cũng mang tính chất phổ quát. Bởi vì theo quan điểm của tôi, nước Đức trên hết có nghĩa là: Nền dân chủ tự do trên hết.
NTV: Theo quan điểm của ông, Hoa Kỳ sẽ không còn là một nền dân chủ tự do nữa?
Timo Lochocki: Kể từ chiến thắng bầu cử của Trump, chúng ta đã nghe những người bạn Mỹ nói những điều như: Đây là năm 1933 của chúng tôi. Với cuộc bầu cử và lễ nhậm chức của Trump, chúng tôi có thể đã chứng kiến khoảnh khắc Hoa Kỳ nói lời tạm biệt với nền dân chủ tự do.
Tôi nghĩ rằng, rất khó có khả năng Hoa Kỳ sẽ quay trở lại con đường dân chủ ổn định. Trong trường hợp xấu nhất, Trump sẽ tái cấu trúc hệ thống để không còn cuộc bầu cử công bằng và tự do nào nữa trong bốn năm nữa.
Trong trường hợp tốt nhất, đảng Dân chủ có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử một lần nữa. Ngay cả khi đó, cứ bốn năm chúng ta lại có nguy cơ một người như Trump sẽ lên nắm quyền. Vì vậy, kịch bản tốt nhất là chúng ta mất đi đồng minh quan trọng nhất sau mỗi bốn năm. Đối với chúng ta, điều này có nghĩa là chúng ta không thể dựa vào đối tác này trong tương lai gần. Do đó, trong mọi trường hợp, chúng ta không nên liên kết lợi ích quốc gia của mình quá chặt chẽ với Hoa Kỳ.
NTV: Trong cuốn sách này, ông chỉ ra rằng ngành xuất khẩu của Đức và các ngân hàng thường thành công trong việc trình bày lợi ích của họ như là lợi ích của toàn bộ nền kinh tế Đức, thậm chí là của xã hội Đức. Ai là người định nghĩa lợi ích của người Đức?
Timo Lochocki: Đức vẫn chưa phải xác định lợi ích quốc gia của mình vì chúng ta luôn cho rằng lợi ích cơ bản của chúng ta phần lớn trùng khớp với lợi ích của người Mỹ, Pháp và Anh. Sau đó, một số ngành kinh tế cũng đóng góp thêm ý kiến của mình. Rồi thì chính trị Đức có thể tập trung vào việc đại diện cho những lợi ích này. Do đó, chúng ta không có văn hóa, không có không gian tư tưởng quốc gia, không có cơ quan ra quyết định phân định lợi ích quốc gia chống lại các lợi ích riêng lẻ được vận động hành lang tốt. Với cuốn sách của mình, tôi muốn đề xuất chính xác điều đó: Rằng chúng ta nên thảo luận về lợi ích quốc gia của mình.
NTV: Ông đòi hỏi nước Đức phải trở thành “nền dân chủ mạnh nhất” trên thế giới. Điều đó có phải khiến Cộng hòa Liên bang Đức trở nên cực kỳ kiêu ngạo sao?
Timo Lochocki: Thậm chí tôi còn nói rằng, nước Đức có thể và nên trở thành một nước Mỹ mới, nền dân chủ tự do hùng mạnh nhất thế giới. Tất nhiên, nguồn tài nguyên vật chất của Đức nhỏ hơn của Hoa Kỳ. Nhưng Đức có một số lợi thế rất lớn. Đầu tiên, đây là khả năng cải cách của nước Đức, vì cuộc chiến văn hóa vẫn còn ở giai đoạn sơ khai ở đây. Trên thực tế, tốc độ này đang tăng nhanh ở đây, nhưng chỉ trong hai hoặc ba năm trở lại đây – theo tôi thì đó là thảm họa lớn nhất.
NTV: Chiến tranh văn hóa ông muốn nói ở đây là tranh chấp chủ yếu liên quan đến chính trị bản sắc. Có gì sai với điều đó?
Timo Lochocki: Chiến tranh văn hóa càng khốc liệt, ví dụ như tranh chấp về di cư, thì quốc gia càng mất khả năng thỏa hiệp – và các vấn đề kinh tế sẽ không còn được chú ý nữa. Nhưng Đức vẫn có khả năng thỏa hiệp, và vẫn có khả năng đạt được đa số hai phần ba trong Bundestag và Bundesrat, có thể khởi xướng các dự án cải cách lớn. Và AfD vẫn còn quá yếu để ngăn chặn điều đó. Tình hình này có thể vẫn tiếp diễn sau cuộc bầu cử liên bang năm 2029. Điều này có nghĩa là, trái ngược hoàn toàn với các quốc gia khác, chúng ta có khả năng thực hiện những cải cách lớn lao.
Điều này cũng đúng về mặt kinh tế: Một số phần trong cuộc tranh luận của Đức về mức nợ của đất nước hoàn toàn vô nghĩa, xét về mặt chính sách tài khóa. Mức nợ của chúng ta rất thấp và chúng ta có uy tín/ tín dụng cao đến mức có thể vay 100 tỷ euro mỗi năm trong mười năm và đầu tư vào quốc phòng, giáo dục và đổi mới sáng tạo. Chúng ta có thể khởi xướng những cải cách to lớn mà các quốc gia khác không có khả năng thực hiện.
Sức mạnh của Đức mạnh gấp đôi so với Pháp và bằng một nửa so với Hoa Kỳ. Bạn không thể đảo lộn thế giới bằng điều đó được. Nhưng bạn vẫn có thể điều khiển một số thứ trên thế giới theo cách bạn thấy phù hợp. Và chúng ta chắc chắn có thể định hình châu Âu nhiều hơn theo cách có lợi cho tất cả các nền dân chủ tự do.
NTV: Ông mô tả AfD và Đảng Xanh là những nhân vật chính của cuộc chiến văn hóa, nhưng không nguy hiểm như nhau. Có phải là có mâu thuẫn ở đây không?
Timo Lochocki: AfD và Đảng Xanh là hai cực của cuộc chiến văn hóa, nhưng trong số các đảng thì CDU/CSU và Đảng Xanh mới là những đảng dẫn đầu cuộc chiến văn hóa này. Chỉ riêng AfD sẽ không thể đưa không gian diễn ngôn quốc gia vào trục văn hóa. Để làm được điều này, luôn cần những người được tầng lớp trung lưu tin tưởng. Do đó, những người chủ chốt trong cuộc chiến văn hóa là CDU/CSU và Đảng Xanh.
NTV: Ông cũng mô tả nợ quốc gia lớn hơn là điều kiện tiên quyết để nước Đức trở nên hùng mạnh. Làm sao có thể đạt được điều này nếu Thủ tướng tiếp theo tên là Friedrich Merz?
Timo Lochocki: Trước hết, theo quan điểm của tôi, cuộc đua giành chức Thủ tướng diễn ra rộng mở hơn nhiều so với người ta nghĩ. Và sau đó Liên minh CDU/CSU đã bắt đầu quá trình thay đổi lập trường về phanh nợ. Quan điểm của FDP hiện cũng đang bị nhiều doanh nhân chỉ trích gay gắt. Họ cũng phụ thuộc vào khả năng tự bảo vệ của nước Đức, vào cơ sở hạ tầng không bị xuống cấp và họ cần viện trợ đầu tư để có thể trở thành quốc gia dẫn đầu thị trường thế giới.
Tôi tin rằng CDU/CSU có thể dễ dàng nới lỏng phanh nợ bằng cách tranh luận về năng lực quốc phòng và nhu cầu thúc đẩy đổi mới – bởi vì tất nhiên chúng ta không thể đi vay nợ để chi tiêu, tiêu dùng. Với CDU/CSU, việc vay hàng năm 30 tỷ euro cho quốc phòng và 70 tỷ euro cho đổi mới sáng tạo có thể khả thi. Chỉ riêng điều đó thôi cũng đã là một bước đi cơ bản đúng hướng. Không điều nào trong số này gây rắc rối về chính sách tài khóa và trong vòng vài năm, sẽ đưa Đức trở lại vị thế dẫn đầu về chính sách an ninh và tiềm năng đổi mới.
NTV: Phải chăng phanh nợ hiện nay cũng là một phần của cuộc chiến văn hóa? Liệu CDU/CSU có gặp khó khăn lắm để thay đổi hướng đi không?
Timo Lochocki: Tôi tin rằng cuộc chiến chính trị này phải được chấp nhận và có thể giành chiến thắng. Các cuộc khảo sát cho thấy, người Đức – nếu trừ đi vài phần trăm ở bên trái và bên phải – rất cởi mở với những lập luận hợp lý về vấn đề này. Nếu bạn giải thích cho mọi người lý do tại sao điều này là cần thiết, họ sẽ đồng ý.
Nền chính trị Đức chỉ bị cho là đang gánh nợ, nhưng đổi lại, nước ta nhận được nền kinh tế hiệu quả cao mang lại lãi suất cực kỳ tốt. Và rất dễ giải thích: Giống như việc đến ngân hàng Raiffeisenbank vay 1.000 euro với lãi suất ba phần trăm. Sau đó, bạn mang tiền đến ngân hàng tiết kiệm và nhận được lãi suất tám phần trăm cho 1.000 euro – do đó, tài sản của bạn tăng thêm 50 euro “chỉ như vậy”.
Đây chính là tình hình mà nước Đức đang gặp phải do quá trình xây dựng Khu vực đồng tiền chung châu Âu. Với mỗi 1000 euro chúng ta vay và đầu tư một cách khôn ngoan, chúng ta sẽ thu lại được 1050 hoặc thậm chí 1100 euro. Vì vậy, chúng ta tăng của cải quốc gia bằng cách gánh “các khoản nợ Schwaben” để châm biếm việc “bà nội trợ Schwaben” tiết kiệm.
NTV: Cuốn sách của ông thấm đẫm tinh thần lạc quan. Ông lấy thông tin đó ở đâu khi vấn đề chính của ông là mức độ dân chủ đang gặp nguy hiểm?
Timo Lochocki: Chúng ta có thể thấy điều gì đã sai ở những quốc gia khác đã tham gia sâu vào cuộc chiến văn hóa trong suốt hai mươi năm. Đó là lợi thế của chúng ta. Chúng ta biết những biện pháp đối phó nào là cần thiết: Một gói cải cách mà chúng ta có khả năng thực hiện về mặt chính trị và đủ mạnh về mặt kinh tế để thực hiện.
Những lời than vãn và kêu ca hiện nay ở Đức hoàn toàn trái ngược với khả năng hành động thực sự của chúng ta. Chúng ta có mọi cơ hội để bảo đảm rằng đất nước này có một tương lai tươi sáng và thậm chí có thể ảnh hưởng đến các nền dân chủ khác và đảm nhận vai trò lãnh đạo trên toàn thế giới.
NTV: Từ năm 2019 đến cuộc bầu cử liên bang năm 2021, ông đã làm việc trong ban quản lý Bộ Y tế Liên bang dưới quyền Jens Spahn. Quan điểm của ông chịu ảnh hưởng của CDU ở mức độ nào?
Timo Lochocki: Nếu lòng yêu nước không xa lạ với một người và anh ta tin vào một nhà nước mạnh mẽ, nếu anh ta cho rằng có một thứ như lợi ích chung đôi khi quan trọng hơn lợi ích cá nhân, thì đó là quan điểm của giai cấp tư sản, cũng như sự ưa chuộng rõ ràng đối với một lực lượng vũ trang hiệu quả và tuyên bố của Đức về quyền lãnh đạo ở châu Âu. Tôi đồng ý với điều đó.
Ngược lại, phần tôi về chính sách thuế và xã hội có lẽ gần với phe Seeheimer của SPD hơn, và có lẽ cũng gần với cánh nhân viên của Công đoàn hơn. Nhưng thật ra, tôi thấy lập trường của mình gần giống với quan điểm mà tất cả các đảng trung dung của Đức có thể chấp nhận.
NTV: Còn FDP với lập trường về vấn đề vay nợ thì sao?
Timo Lochocki: Đó thật sự là sự khác biệt lớn nhất. Đó chính là cốt lõi của vấn đề: Để huy động nguồn lực của Đức, bạn phải chi tiền, rất nhiều tiền. Chúng ta phải hiểu rằng, chúng ta càng đầu tư khôn ngoan trước thì chúng ta sẽ càng kiếm được nhiều tiền. “Nợ Schwaben” cho phép chúng ta làm điều đó.
Hubertus Volmer nói chuyện với Timo Lochocki
_________
Chú thích:
AfD: Đảng cực hữu dân túy có khuynh hướng phân biệt chủng tộc.
CDU/CSU: Liên minh trung hữu. Qua các cuộc thăm dò bầu cử, hiện liên minh này có nhiều triển vọng sẽ nắm quyền sau cuộc bầu cử quốc hội vào ngày 23 tháng 2 với thủ tướng mới là ông Friedrich Merz.
“Bà nội trợ Schwaben”: Ẩn dụ cho cách quản lý gia đình tiết kiệm. Ở Đức, người Schwaben chủ yếu sống ở bang Baden-Württemberg cũng như một phần của Bayern, nổi tiếng sống tiết kiệm.