’Đả hổ, đập ruồi’: Màn tấu hài Táo quân cuối năm?

Người ta được chứng kiến rất nhiều cung bậc cảm xúc ở phiên tòa xử Đinh La Thăng và đồng phạm trong những ngày vừa qua. Thật kỳ lạ trong một đại án tham nhũng ngàn tỷ, những bị cáo đứng trước cáo buộc và án tù tử hình, chung thân, lại tươi cười và giơ tay chào “quyết thắng”. Để rồi khi đến lúc tuyên án thì những kẻ từng là vua một cõi này khóc lóc, kể lể gia cảnh đáng thương, cha già, con nhỏ, bệnh tật… Thật không khác gì một vở tuồng.

Những luận cứ kết tội “vi phạm nguyên tắc quản lý gây thiệt hại nghiêm trọng”, “lạm dụng tín nhiệm, tham ô, hối lộ” trong phiên tòa cũng phi lý đến trơ trẽn.

 


Ảnh: Phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm: Phiên tranh tụng (Chiều 13/1/2018)

Trên thực tế, nguyên tắc quản lý thống nhất từ trước đến nay trong hệ thống Đảng và Nhà nước CSVN là “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Khi qui trách nhiệm cho những cá nhân Đinh La Thăng hay Trịnh Xuân Thanh về tội vi phạm nguyên tắc quản lý mà không truy cứu trách nhiệm của “tập thể”, trong trường hợp này, được chỉ rõ là Bộ Chính Trị, không khác gì chuyện “lấy thúng úp voi”.

Câu chuyện pháp đình ở xứ Việt giống như màn tấu hài Táo quân cuối năm. Khi tiêu cực, tham nhũng, tệ nạn tha hóa đến bại hoại quốc gia được đem diễn trò, mua vui, được tiếp nhận như một thứ “văn hóa” nghiễm nhiên trong đời sống xã hội Việt.

Có lẽ, những vụ xử án tham nhũng kiểu như thế này, sẽ dần trở thành trò “vòng quay tham nhũng” và các bị cáo chắc chỉ còn thiếu nước la làng vui mừng “Phúc đức… tại mẫu” như danh hài Vân Dung khi những bản án và phiên tòa chỉ còn mang tính biểu tượng nhiều hơn là sự trừng phạt của pháp luật.

Sau nhiều tháng làm rầm rộ vụ “đốt lò” chưa từng có từ trước tới nay khi đem “củi” Đinh La Thăng ra đốt, toàn bộ báo chí “lề phải”, “lề trái” đua nhau đăng bài, săn tin, phỏng đoán những diễn biến như một bộ phim hành động hấp dẫn nhiều tập. Trong khi đó, căng thẳng quân sự gia tăng đột biến ngoài biển Đông,… Hà Nội im ru không một động thái phản ứng, lặng lẽ đưa tân binh cùng bánh tét, xu hào, bắp cải ra… giữ đảo và bộ Y Tế kêu gào “hiến máu bắt buộc” cho hơn 90 triệu dân trong thời gian tới.

Một loạt mức thuế phí leo thang như một cuộc đua nước rút, trong khi đời sống của nhân dân ngày một đi xuống thê thảm bởi xu thế chung doanh nghiệp cắt giảm nhân công, lương bổng vì áp lực tăng giá, thuế phí. Tuy vậy, dường như những sự kiện ảnh hưởng lớn đến chủ quyền quốc gia, đến đời sống xã hội… bị lấn át hoàn toàn bởi phiên tòa Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Nhôm… trong “trò chơi vương quyền” do “người đốt lò” Nguyễn Phú Trọng khởi xướng và sự kiện chữ tiếng Việt cải cách của ông giáo sư Bùi Hiền. Rõ ràng, vai trò “gánh xiếc” của những sự kiện kiểu như thế này đã được ban Tuyên giáo TW của CSVN phát huy triệt để thành công.

Nhất thể hóa hay vương quyền thế tập?

Khi số phận của Đinh La Thăng đã an bài, những “thế lực” lâu nay trong PVN đã được thanh trừng triệt để bằng việc “chu di ba đời” chủ tịch PVN, cuộc chuyển giao ngai vàng ở tập đoàn lớn nhất quốc gia, nơi nắm giữ nguồn vốn hàng trăm tỷ USD và 20% GDP ở những năm hoàng kim của ngành dầu khí đã diễn ra với rất ít thông tin. Bộ chính trị quyết định bổ nhiệm bí thư Lạng Sơn Trần Sỹ Thanh tiếp quản ghế nóng Chủ tịch PVN sau nhiều tháng các phe phái dành giựt khốc liệt. Cuộc “cơ cấu lại lợi ích” của những “bố già” phía sau hậu trường định đoạt việc ai nắm “ngai vàng” của tập đoàn đáng giá nhất VN, đã được sắp đặt.


Tân Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Trần Sỹ Thanh. Ảnh: BSR

Trần Sỹ Thanh, một chính khách của thế hệ lãnh đạo thứ 3 của thể chế CSVN, sinh năm 1971 cũng giống như những thái tử Đảng đồng trang lứa như Nguyễn Thanh Nghị (1976) – bí thư tỉnh Kiên Giang hay Lê Minh Hưng (1970) – thống đốc Ngân hàng NN, đã được lựa chọn, sau những cuộc đấu sát ván của những cá mập chính trị.

Người cháu của cựu chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - kẻ lọc lõi và tinh quái nhất trong những “bố già”, được lựa chọn để nắm giữ một nguồn lực quan trọng quốc gia trong khi hoàn toàn không có chuyên môn cũng như kinh nghiệm công tác trong ngành công nghiệp năng lượng then chốt này. Tiêu chí “nhất hậu duệ” đã trở thành tiêu chí số 1 và cũng là duy nhất trong sự lựa chọn của Đảng? Câu chuyện tiếu lâm “đồng chí này là con đồng chí nào?” trở thành nguyên tắc bổ nhiệm cán bộ, “hồng” hơn “chuyên”.

Phạm Chí Dũng, nhà báo thạo tin và am hiểu chính trị Việt Nam đã có một bình luận “Đảng không làm thay mà Đảng đã làm luôn” vai trò của Chính Phủ trong việc bổ nhiệm các vị trí then chốt trong các cơ quan Chính phủ và nhân sự các tập đoàn Nhà nước trong xu hướng nhất thể hóa hai hệ thống song trùng Đảng và Chính Phủ.

Cuộc chiến “đả hổ, đập ruồi” ngoài mục đích thâu tóm quyền lực, sẽ là bước cần thiết để nhất thể hóa bộ máy thể chế khi áp lực Nợ công tăng nhanh và nguồn ngân sách để nuôi cùng lúc 2 bộ máy khổng lồ là đảng và chính phủ đã chiếm ngót ngét 70% ngân sách đang cạn kiệt.

Trong thời buổi “ghế ít, đít nhiều” thì những thái tử Đảng sẽ phải tranh giành không khoan nhượng với nhau để có được những mỏ vàng như PVN, Vinacomin, Vinafood… nhằm tiếp tục sự nghiệp “ăn không từ một thứ gì” của dân. Những “ông tõi con” mới ngày nào chỉ biết ăn chơi đế vương, chân dài, siêu xe… đến giờ khoác lên mình bộ áo vét đắt tiền và nghiễm nhiên trở thành những CEO các tập đoàn hàng đầu quốc gia, chính khách là chuyện không còn gì lạ ở thiên đường XHCN.

... Hạ màn đi

Sẽ chẳng có nhiều đột biến ở những vở tuồng Công lý nơi pháp đình xứ Việt như những suy diễn “đoán già, đoán non” của các nhà báo, fbker… “lề trái”. Những Đinh La Thăng, Vũ Nhôm, Vũ Huy Hoàng… làm sao so được với bản lĩnh của Bạc Hy Lai? Thậm chí một tâm thế của kẻ bị biến thành “tốt thí”, ít nhất, cũng phải là “con tốt đã qua sông” cũng sẽ không bao giờ có ở các “chính khách Việt” suốt đời chỉ biết đớp hút, ngập chìm trong rượu Ballantines 30, lòng heo và chân dài?

Những lời cuối cùng của Đinh La Thăng “sẵn sàng chấp nhận mọi án phạt, xin lỗi Tổng bí thư, xin lỗi nhân dân, tuyệt đối trung thành Đảng, tuyệt đối trung thành Nhân dân…” như một đứa trẻ tiểu học học thuộc lòng một bài văn mẫu, có lẽ đã nói lên tất cả. Vở bi hài kịch này đã quá nhạt và nên hạ màn sớm cho đỡ tốn thêm giấy mực và những phiên tòa kệch cỡm.

Những Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Văn Bình… ra đi, để tiếp tục có những Trần Sỹ Thanh, Nguyễn Thanh Nghị, Nguyễn Đức Chung, Lê Minh Hưng… thì cũng có khác gì đâu?


Một trong những siêu xe của Võ Trung.

Những “đỉnh cao trí tuệ” của Đảng sẽ tiếp tục con đường đưa dân tộc Việt Xuống Hồ Cả Nút và làm cao thêm những núi tiền bạc cho các gia tộc Đỏ. Dân cư mạng gần đây đang choáng ngợi trước những bộ sưu tập siêu xe, đồng hồ nhiều triệu USD của một thiếu gia đời cuối 9X là cháu nội của vị “tướng của nhân dân” Võ Nguyên Giáp nổi tiếng là thanh liêm khi còn sống.

Những thiếu gia Đỏ kiểu Võ Trung này cũng như hàng trăm ngàn những hậu duệ đảng, là minh chứng sống động nhất cho cái gọi là lý tưởng Cộng sản và mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh” trong cái “thiên đường của một số kẻ” nhưng là địa ngục của hơn 90 triệu người dân ở xứ này.

Thay vì chạy theo những bài mang tính thời sự của vụ “đốt lò”, mong lắm thay, những fbker, blogger “lề trái” có những cảnh tỉnh thiết thực hơn cho người dân trước thảm trạng hiện diện trước mắt.

Hài “Táo quân” mỗi năm chỉ có một vở, nhưng những tấn hài kịch bi thảm của đất nước này thì đang diễn ra từng ngày và nó không phải là một vở tuồng để giải trí. Những tấn hài kịch Táo quân kiểu “đập ruồi, diệt hổ” hôm nay là bi kịch bằng máu, nước mắt, là kết cục đau đớn, nhục nhã của dân tộc này.

Những tấn bi hài kịch này không phải để cười, không phải để bình phẩm trong những cuộc “trà dư tửu hậu” hay tiếp tục ngồi chờ xem như những tập tiếp theo của chương trình Táo quân cuối năm.

Tân Phong
14.01.2018

Theo http://www.viettan.org