Chính phủ Ấn Độ yêu cầu các doanh nghiệp thương mại điện tử như Flipkart và Amazon India phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm bán trên mạng để hạn chế hàng Trung Quốc.
Giới quan sát nhận định chính phủ Ấn Độ quyết tâm hạn chế số lượng hàng hóa Trung Quốc bán tại nước này. Động thái này cũng sẽ giúp kích thích các nhà sản xuất trong nước.
Hồi đầu tháng, Ấn Độ đã cấm cửa hơn 50 ứng dụng di động Trung Quốc tại nước này, bao gồm những ứng dụng phổ biến như WeChat, TikTok và Baidu Maps. Chiến dịch tẩy chay hàng "Made in China" cũng nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ hàng triệu người tiêu dùng và doanh nghiệp Ấn Độ.
Liên đoàn Thương nhân Ấn Độ - đại diện của 70 triệu thương nhân - kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc từ giữa tháng 6. Việc thông quan smartphone và dược phẩm Trung Quốc bị hoãn lại ở các cửa khẩu từ tháng 6.
Ngành công nghiệp Ấn Độ cũng quyết liệt hành động. Mới đây, JSW Group, một trong những nhà sản xuất thép hàng đầu Ấn Độ, tuần trước tuyên bố sẽ cắt giảm nhập khẩu từ Trung Quốc từ mức 400 triệu USD năm ngoái xuống 0 USD trong hai năm tới.
Theo một khảo sát của LocalCircles, có đến 87% người dân Ấn Độ cho biết sẵn sàng tẩy chay hàng Trung Quốc hoặc ngưng dùng các sản phẩm của công ty Trung Quốc như Xiaomi, Huawei, TikTok, WeChat,... trong ít nhất một năm.
Chính phủ Ấn Độ cũng đã thay đổi quy định mua hàng và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, ưu tiên sản phẩm xuất xứ nội địa. Hàng nghìn tấn hàng hóa từ Trung Quốc mắc kẹt ở cảng Chenai - cảng hàng hóa lớn nhất Ấn Độ - vì hải quan Ấn Độ tạm hoãn thông quan hàng hóa sau vụ đụng độ ở biên giới Ấn - Trung.
Hàng hóa nguồn gốc từ Trung Quốc phải qua kiểm duyệt 100% trước khi được thông quan vào nội địa, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Các hàng hóa bị hoãn thông quan bao gồm linh kiện, phân bón, dầu mỏ và xe hơi.
Theo zing