ảnh cộng đoàn Giáo xứ Mỹ Khánh GP Vinh chia tay Cha xứ An Tôn Đặng Hữu Nam về Tòa Giám Mục.
Cuộc chia ly dạt dào cảm xúc giữa người đi và kẻ ở
Tôi chưa từng gặp Linh mục Đặng Hữu Nam, cũng chưa một lần nói chuyện với ông. Tôi chỉ biết về ông qua các trang mạng xã hội mà phần đa là những bài chửi bới, thoá mạ ông mà thôi. Tuy nhiên, trong xã hội trắng đen lẫn lộn này, những người bị dư luận viên chửi nhiều thì phần đa là người tốt, và ông Nam, chắc hẳn không phải là ngoại lệ.
Tôi không phải là giáo dân nên tôi không hiểu về giáo lý, giáo luật nên không dám bàn về việc việc miễn nhiệm, cách chức hay một hình thức gì đó tương tự của người hoặc cơ quan cấp trên đối với Linh mục Nam. Tôi chỉ thấy rằng, khi ra đi, ông vẫn giữ được tình cảm với giáo dân nơi ông từng gắn bó, điều này trái ngược với những gì mà người ta nói về ông. Tôi tin chắc rằng, những người dân trong tấm hình dưới đây họ không khóc để được chụp hình và họ cũng không “diễn” để lấy lòng vị linh mục kia vì ngay lúc này, ông không còn bất kỳ quyền lực với họ nữa. Những gì đọng lại, đó là tình người, là những gì đã qua ông đối xử với họ...
Sẽ có ai đó sẽ so sánh hình ảnh này với hình ảnh của ông Kim Jung Un bên Bắc Triều Tiên, nhưng điều này là khập khiễng vì ông Kim ấy đang ngự trị trên đỉnh cao quyền lực và những người kia “không khóc không được”. Còn nhiều quan chức Việt chúng ta chắc hẳn sẽ rất chạnh lòng khi nhìn vào hình ảnh này vì khi họ rời nhiệm sở, đến anh bảo vệ gác cổng cũng không muốn nở nụ cười chứ đừng nghĩ tới chuyện họ chào tạm biệt trong nuối tiếc. Mấy tháng trước khi “về vườn”, đa số các vị đều rất tâm tư vì họ bị sốc vì quyền lực gần như bị vô hiệu và không còn nhiều người xoắn xuýt, xum xoe như trước nữa.
P/s: Tôi cũng từng làm vị trí quan trọng của một đơn vị lớn, quản lý gần 100 cán bộ, nhân viên. Tôi ra đi vì không còn phù hợp với triết lý kinh doanh của chủ đầu tư (nếu không nói là mâu thuẫn với họ) nhưng tôi không mâu thuẫn với nhân viên cấp dưới và tôi thoải mái khi ra đi cũng như mỗi lúc ghé về thăm chốn cũ...