Cuối năm 2018, ông Nguyễn Xuân Phúc bỗng dưng nổi tiếng với câu nói chắc như bắp: “Điều tôi muốn nhấn mạnh là niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của đảng… chưa bao giờ lớn và sâu sắc như lúc này!”
Có thật là sự lãnh đạo của đảng đã tác động mạnh mẽ vào niềm tin nhân dân như ông Phúc tuyên bố hay là người ta quá chán chường không muốn nói nữa?
Niềm tin vốn là một tình cảm của con người, xuất phát từ sự cảm phục, đến từ rung động của con tim. Trong lãnh vực chính trị, niềm tin của người dân đối với chế độ được căn cứ vào sự thành công hay kết quả tốt đẹp của một lời hứa và việc làm của người lãnh đạo. Cụ thể hơn niềm tin dựa trên số phiếu chứ không thể là lời hứa chung chung.
Nhưng ở Việt Nam hiện nay, khi chính sách chính phủ đưa ra luôn đem lại sự thất bại do cán bộ bất tài hay chỉ nhằm phục vụ lợi ích nhóm, bỏ qua quyền lợi người dân dĩ nhiên vấn đề niềm tin không còn phải đặt ra.
Do đó có thể xác định niềm tin trong chính trị, không thể là một món hàng để trao đổi hay rao bán, nhất là khi sự kỳ vọng tốt đẹp mà người ta chờ đợi từ nhiều thập niên qua không bao giờ sờ mó hay thấy được một cách cụ thể. Dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN, người dân Việt cùng có nhận định chung là đảng thường xuyên nói rất tốt mà không làm, hoặc nói nhiều, hứa hẹn thật nhiều mà làm thật ít hoặc làm qua loa để kiếm tiền bỏ túi.
Lãnh đạo cộng sản cũng là những người luôn cố tình đưa ra những lời nói tạo dựng được những chiêu bài đẹp đẽ mang tính khoa trương trong mục đích tuyên truyền lừa bịp mọi người. Nói khác đi trong trường hợp này, đảng bắt người dân ăn những cái bánh vẽ mà ăn hoài không hết.
Điều này cũng giống như những sáo ngữ mà ông Phúc hay dùng: nào là chính phủ kiến tạo, Hà Nội phải đẹp như Paris, v.v.
Đã đến lúc, CSVN phải chấm dứt buôn bán niềm tin thay vì tuyên bố linh tinh những điều không tưởng nhằm mục đích tự huyễn hoặc sự bất tài của mình.
Nhìn thực tế trong 3 năm qua, sau màn tranh đoạt chức tổng bí thư từ Nguyễn Tấn Dũng, chưa bao giờ Nguyễn Phú Trọng lại chú trọng đến nhu cầu buôn niềm tin đến thế. Họ buôn những gì?
– Nguyễn Phú Trọng đề cao chiến dịch đốt lò chống tham nhũng của mình đã kỷ luật được 17 ngàn đảng viên và 60 cán bộ thuộc trung ương quản lý. So với hơn 4 triệu đảng viên các cấp mà đa số đều biết cách đục khoét của công thì đây là con số quá nhỏ không thấm vào đâu. Vả lại thống kê cũng chỉ nói chung chung là “kỷ luật”, mà theo kinh nghiệm đối với cán bộ phạm tội, đại đa số chỉ nhận những hình thức khiển trách hay cảnh cáo qua loa.
Cố tình để lọt tội phạm “phe ta” như trong vụ án MobiFone mua AVG có liên quan tới Bộ trưởng Bộ 4T Trương Minh Tuấn cũng là một hình thức khinh thường sự hiểu biết của người dân. Nhưng Nguyễn Phú Trọng vẫn ca ngợi điều đó như một thành tích hiếm có để lấy lòng nhân dân và củng cố niềm tin vốn đã rơi rớt từ lâu.
– Trong hơn 30 năm được gọi là đổi mới, nền kinh tế có phát triển nhưng hoàn toàn là kết quả của kinh tế thị trường, trong lúc định hướng xã hội chủ nghĩa không mang lại điều gì tốt đẹp như đảng tự hào. Những chỉ số gia tăng trong hoạt động kinh tế hoàn toàn dựa trên đầu tư ngoại quốc. Mới đây chuyên viên Bộ Tài chánh trong một hội nghị tổng kết cũng phải thừa nhận đầu tư nước ngoài (FDI) đã đóng góp đến 20% mức tăng trưởng GDP và chiếm 70% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam.
Trong lúc ấy kinh tế quốc doanh luôn luôn giữ vai “chủ đạo” thì kinh doanh be bét và tư doanh gượng sống qua ngày nếu không muốn đệ đơn khai phá sản! Vì thế cũng chẳng có mấy ai tin vào con số do Tổng cục Thống kê đưa ra: năm 2018 tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước tăng 7,08%.
– Lãnh đạo thì luôn mồm hô hào phục vụ nhân dân, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư nhưng thực tế thì ngược lại. Nền hành chính vẫn lấy phương châm hành dân làm chính trong khi các tỉnh đua nhau xây trụ sở thật “hoành tráng”, một cách tiêu xài lãng phí tiền thuế của dân nhưng vẫn tự hào phục vụ nhân dân. Người dân đi vào cửa công luôn luôn phải thủ sẵn bao phong bì lót túi, nếu không sẽ gặp sự sách nhiễu từ tinh vi đến trắng trợn, bắt đầu từ anh bảo vệ gác cổng đến quan trưởng phòng. Các sắc thuế, phí, lệ phí đánh thẳng vào đời sống người dân nghèo mỗi năm mỗi tăng cao nhằm mục đích tận thu cho ngân sách thâm hụt kinh niên.
Thực tế cũng cho thấy là miệng thì hô hào niềm tin dựa từ dân nhưng trong đối xử, người dân chỉ là những con bò sữa cho chế độ mà thôi. Điều này thể hiện ngay trong câu chúc tết từ hàng chục năm qua treo khắp hang cùng ngõ hẻm, đảng CSVN đã viết rằng “Mừng Đảng – Mừng Xuân”. Điều này cho thấy đảng là trên hết, dân là thứ phụ. Và sự tồn tại của đảng trong mọi trường hợp bao giờ cũng đặt trên sự tồn vong của đất nước.
Mới đây nhất, qua vụ xử hai cựu thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân liên hệ đến vụ chiếm đoạt những khu đất vàng do Vũ Nhôm cầm đầu, trong thực tế không khác câu nói “đầu voi đuôi chuột”.
Tội “cố ý làm trái” thao túng quyền lực, hỗ trợ Vũ “nhôm” thu tóm hàng loạt khu đất vàng của quốc gia từ Đà Nẵng tới Sài Gòn, nhưng hai viên tướng công an chỉ nhận một bản án nhẹ nhàng. Quan toà xử tội phạm tham nhũng như xử những tên ăn cắp vặt, càng làm cho người dân thấy hệ thống tư pháp Việt Nam chỉ là trò hề trong tay nhà nước độc tài.
Thử hỏi, người dân còn niềm tin nào cho công cuộc chống tham nhũng mà Nguyễn Phú Trọng khoe khoang “lò đã nóng, củi tươi cho vào cũng cháy”? Có lẽ cái kết quả to lớn nhất của ông Trọng trong thời gian qua là Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2018 do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI, Transparency International) công bố, Việt Nam chỉ đạt 33/100 điểm, xếp hạng 117/180 toàn thế giới, sụt 10 hạng so với năm 2017.
Thử hỏi ngày hôm nay, khi Nguyễn Xuân Phúc nói “hành trang lớn nhất là niềm tin của nhân dân” rõ ràng đây chỉ là trò buôn bán niềm tin của đảng trong lúc sạt nghiệp mà thôi.
Phạm Nhật Bình
- Khi ý đảng khác với lòng dân
- Ba lý do ông Trọng không nên thoái thác công khai tài sản cá nhân
- Già nửa nhiệm kỳ, ông Trọng ‘chống tham nhũng’ tới đâu?