Tho Nguyen
Năm 2009 tôi có viết về cuộc gặp gỡ Jami Liu, anh bạn người Đài Loan [1].
Chúng tôi tình cờ quen nhau qua internet, khi tôi tìm một số sản phẩm quang điện cho thị trường Đức. Thấy chất lượng sản phẩm của Jami tốt, giá cả phải chăng, tôi đã đặt vấn đề hợp tác ngay. Sau mấy tháng thử nghiệm, chúng tôi đã tạo được sự tin tưởng lẫn nhau. Biết tôi về Việt Nam ăn Tết, Jami hẹn sau Tết sang thăm tôi. Jami có Know How về sản xuất điện “sạch”, tức là bằng pin mặt trời, còn tôi là một thành viên cuồng nhiệt của phong trào “Xanh” tại Đức. Hồi đó Nhật, Đức và Đài Loan còn đi trước Trung Quốc về công nghệ Solar nên Jami có nhờ tôi tìm mối để đầu tư vào linh vực này ở Việt Nam. Nhưng đáng tiếc là mưu sự của hai chúng tôi không thành. Nay thì Trung Quốc đã dẫn đầu về công nghệ này và có thể nói là thâu tóm thị trường thế giới.
Nhân các căng thẳng ở Hong Kong, Đài Loan và vụ Covid-19, tôi nhớ đến tâm sự của Jami Liu. Tôi muốn đưa ra đây giúp mọi người có cái nhìn thực tế hơn. Trung Quốc đang là một thách thức lớn của nhân loại và người ta không thể đánh đổ nó bằng chửi cho sướng miệng. Người tử tế không thể mong thiên tai giết hại hàng trăm triệu người Trung Quốc để thỏa sự căm giận. Kể cả khi hận thù thắng đạo đức thì đập Tam Hiệp không thể bị phá vỡ bằng tin giả.
Thời kỳ Tống, Nguyên về trước, Đài Loan được gọi là Formosa, từng là quê hương của các sắc dân Polynesie (hiện còn ở Nam Thái Bình Dương). Sau đó Formosa lần lượt là thuộc địa thuộc của Hà Lan, Tây Ban Nha và Nhật Bản. Mãi đến thế kỷ 17 những làn sóng người Hán chạy trốn chiến tranh mới di cư ra đó và cái tên Đài Loan (Taiwan) ra đời. Năm 1949 Tưởng Giới Thạch cùng 2 triệu quân đổ ra đảo. Quốc Dân Đảng (Kuomintang, viết tắt là KMT) đã đàn áp và Hán hóa người bản xứ rất tàn bạo. Kết quả là trong 24 triệu dân trên đảo, hiện người Hán chiếm hơn 90%.
Nền văn hóa Hán đã gắn bó hai lãnh thổ Hoa-Lục và Đài Loan, dù đi hai con đường khác nhau. Từ khi Đặng Tiểu Bình mở cửa Trung Quốc, Đài Loan đã phát triển ngoạn mục nhờ đầu tư vào Trung Quốc và cũng nhờ sức mua của Trung Quốc đổ vào đó.[2]
Từ 1993 đến nay, đầu tư của tư bản Đài Loan vào TQ luôn nằm ở mức 70-85% tổng giá trị đầu tư của họ ra nước ngoài(xem biểu đồ). Phải nói là không nước nào mà sự thịnh vượng lại phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc như Đài Loan. Cũng không ở đâu mà sự đe dọa của Trung Quốc về lãnh thổ, về quan hệ quốc tế lại nặng nề như Đài Loan. Trước khi chính quyền Nixon công nhận Trung Quốc là thành viên chính thức của LHQ trong năm 1971, Đài Loan là đại diện duy nhất cho cái tên China trong toàn bộ các tổ chức và dự án quốc tế. Từ chỗ gần 100 nước, nay chỉ còn 14 nước nhỏ giữ quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Họ phải ngậm đắng từ bỏ cái tên China để khi thì bị gọi là Taipei, khi thì là Taiwan. Gân cổ lên cãi mới tránh được từ “Province of China” (Tỉnh của Trung Hoa).
Jami than thở “Người Đài Loan chúng tớ luôn đau đầu mỗi khi có một cuộc thi quốc tế nào, từ Olympic, giải bóng đá đến các cuộc thi gái đẹp”.
Tuy bị Trung Quốc đe dọa trực tiếp như vậy, nhưng không ở đâu lực lượng thân Hoa Lục lại mạnh như ở Đài Loan. Cho đến 2016, KMT vẫn cầm quyền với chiều hướng ủng hộ chính sách “Một Trung Hoa”. KMT thân Bắc Kinh không chỉ vì quá khứ Quốc-Cộng hợp tác trong chiến tranh chống Nhật, không chỉ bởi các mối quan hệ huyết thống giữa các giòng họ lãnh đạo, từ họ Tôn đến họ Tống, mà còn bằng sự tương đồng về thể chế. Quốc Dân đảng coi mô hình xã hội Trung Quốc hiện nay là những gì họ Tưởng đã thực hành từ 1949 ở Đài Loan: Chủ nghĩa Tư bản được bảo trợ bằng chế độ độc tài đẫm máu. Tưởng Kinh Quốc đã từng được Stalin nuôi dưỡng, giáo dục hàng chục năm ở Moscva. Từ người sáng lập KMT là Tôn Trung Sơn đến cha con nhà Tưởng, tinh thần xuyên suốt luôn là chủ nghĩa dân tộc.
Trong các vấn đề lãnh thổ, KMT và đảng Cộng Sản Trung Quốc luôn có sự tương đồng. Đường lưỡi bò hiện nay do Tưởng Giới Thạch đưa ra. Trước khi Trung Quốc trả lại đảo Bach Long Vĩ cho Việt Nam 1957 thì Đài Loan đã cho quân chiếm đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ tháng 5.1956.
Giả sử KTM thống trị Trung Quốc, tranh chấp lãnh thổ Việt-Trung vẫn tồn tại, chỉ ở dạng khác. Trên phương diện chủ nghĩa dân tộc, trước khi người Mỹ đưa ra khái niệm One China, cha ông ta đã biết việc này từ lâu.
Trung Quốc xây dựng được chính quyền trung thành với họ ở Hong Kong và Macao cũng như tìm được mối liên hệ với Đài Bắc vì luôn có những lực lượng tinh hoa sinh ra, lớn lên ở xứ tự do nhưng vẫn ủng hộ Bắc Kinh. Đó chính thành công của chủ nghĩa dân tộc Hán. Mao Trạch Đông từng đề cao chủ nghĩa Đại Hán. Nhưng với một dân tộc chết đói, chỉ biết đấu tố nhau và giải trí bằng loa phường nên con hổ giấy bị chính đồng bào của mình ở các lãnh thổ này khinh bỉ, xa lánh.
Cải cách kinh tế, hiện đại hóa đã đem lại cho Trung Quốc một diện mạo mới, cho nền kinh tế một vị thế mới và cho người Trung Hoa một cảm giác mới về dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc Hán bỗng trở nên hấp dẫn với nhiều người Hoa ở mọi nơi trên thế giới này, chẳng riêng gì ở Hong Kong hay Đài Loan.
Về chính trị, từ cuối những năm 1980 Đài Loan đã bước lên con đường dân chủ. Sự khác biệt về xã hội, về lối sống giữa hai bờ eo biển Đài Loan ngày càng rõ nét. Dưới các chính quyền dù là KMT hay DPP (Đảng Tiến bộ Nhân dân), tuy việc làm ăn với Hoa-Lục vẫn phát triển, nhưng đối sách với Bắc Kinh và nỗ lực giữ nền độc lập đã khác nhau, tùy theo sức ép bên trong và bên ngoài.
Hiện nay, xu thế độc lập của bà Thái Anh Văn đang thắng thế. Người dân Đài Loan khiếp sợ khi thấy nguyên tắc “Một quốc gia, hai chế độ” ở Hong Kong đang bị xóa bỏ. Họ nhìn vào lối sống của các du khách Trung Quốc sang du lịch, shopping mà lo cho tương lai con cái mình.
2009 Jami rất lo Trung Quốc sẽ vượt phương Tây về công nghệ pin mặt trời. 2011 điều đó xảy ra khiến hàng loạt hãng Tây Âu và Nhật phải đóng cửa. Từ 2011 đến nay kinh tế Trung Quốc đã chuyển từ tăng trưởng số lượng sang phát triển chiều sâu. Trong một số lĩnh vực về điện tử, tin học, trí tuệ nhân tạo, Trung Quốc đang có ưu thế.
Tỉnh táo mà nhìn nhận thì điều đó là bình thường. Từ đầu công nguyên cho đến thế kỷ 18 Trung Quốc và Ấn Độ, hai nền văn minh lớn nhất hành tinh đã chiếm đến ¾ tổng sản lượng toàn cầu và luôn dẫn đầu về công nghệ. Máy hơi nước của James Watt và CNTB đã đảo ngược được tình thế (xem biểu đồ). Chưa đầy 200 năm sau, chủ nghĩa tư bản “Mèo trắng- Mèo đen đi hia đỏ” đã tìm cách lập lại thế quân bình.
Hiện nay tại Trung Quốc đã có những vùng mà thu nhập, trình độ công nghiêp hóa cao hơn cả ở Đài Loan và Hong Kong. Nhưng lối sống và trình độ nhận thức của con người thì vẫn kém xa. Đó chính là cái vốn quý nhất mà nhân dân ở các lãnh thổ này đang phải bảo vệ.
(Còn tiếp)
[1] http://www.talawas.org/?p=1689
[2] https://journals.openedition.org/regulation/10177?lang=en