Thời gian gần đây vấn đề biên giới Việt nam-Campuchia bỗng dưng trở thành điểm nóng. Phe đối lập, đảng cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) tổ chức kéo dân chúng xuống các cột mốc để phản đối điều mà họ cáo buộc là chính phủ của thủ tướng Hun Sen nhượng bộ, hiến đất trong việc cắm mốc biên giới giữa Cam Bốt-Việt Nam, gây ra các cuộc xung đột hai bên liên tiếp xảy ra trên tuyến biên giới.
Chính phủ hai bên nỗ lực giải quyết nhằm kìm hãm sự lan tỏa ra diện rộng, song tình hình có vẻ như vượt tầm kiểm soát của cả chính phủ hai bên. Với áp lực ngày càng gia tăng từ phe đối lập, đã cho thấy chính phủ của thủ tướng Hun Sen đã có những động thái giao động, nhượng bộ, xuống thang. Ông ta cho tìm bản đồ gốc được lưu tại Liên hiệp quốc và các nước Pháp, Anh, Mỹ để xác định lại biên giới lãnh thổ của quốc gia mình.
Nguyên cớ gì dẫn đến xung đột trên bùng phát gia tăng? Để diễn giải câu hỏi này cần lần lại và xâu chuỗi các sự kiện diễn ra trong quá khứ để nhận ra bản chất của nó là gì.
Miền đất mầu mỡ các tỉnh miền Tây Nam bộ hiển nhiên từ những thủa xa xưa nó đã trở thành một phần lãnh thổ của Việt Nam. Lịch sử để lại, dân tộc Khơ me từ lâu đã trở thành một dân tộc trong cộng đồng người Việt.
Năm 1978, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc xấu đi bởi liên tiếp xảy ra các vụ lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam trên đất liền và biển đảo. Chính quyền Bắc kinh dùng con bài Người hoa gây rối từ bên trong chống Việt Nam. Đáp lại Việt Nam tìm mọi cách đẩy người Hoa về nước, sự kiện đó đã đẩy mâu thuẫn lên đỉnh điểm. Ngay sau đó, chính quyền Khơ Me Đỏ đã ngang nhiên phát động cuộc chiến đẫm máu trên toàn tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia, tàn sát thảm khốc người dân vô tội.
Việt Nam tổ chức phán kháng và tấn công Campuchia, lật đổ chính quyền Khơ Me Đỏ, lập nên chính quyền Hun Sen ngày nay vào ngày 7/1/1979.
Cũng ngay sau đó ngày 17/2/1979, Trung quốc tiến hành cuộc chiến xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía bắc nhằm “dạy cho Việt Nam bài học”.
Cựu Hoàng Shihanuck, một ông vua gần như trong suốt thời gian về cuối đời ông ta sống lưu vong bên Trung quốc, thỉnh thoảng mới về thăm đất nước Campuchia. Ông ta là người có quan điểm không thân thiện với Việt Nam.
Khi còn sinh thời, ông ta lập trang web để thể hiện quan điểm đó của mình, khẳng định toàn bộ các tỉnh miền Tây nam bộ là đất Campuchia, “ở đâu có cây thốt nốt, ở đó là đất Campuchia”.
Ông cũng không ngần ngại bộc lộ ý định muốn chiếm lĩnh lấy lại miền đất này. Chẳng biết khi ông qua đời có để lại di chúc cho dân Cam Bốt như Hồ chí Minh hay không, nhưng Đảng của nhà vua cùng các đảng chính trị đối lập với đảng của thủ tướng Hun Sen luôn thể hiện trong cương lĩnh của mình trong các cuộc vận động tranh cử là: “Đấu tranh đòi lại phần lãnh thổ mà trước đây Việt Nam đã xâm chiếm”.
Tình hình Campuchia những năm gần đây đang trên đà ngày càng xấu đi đối với đảng nhân dân Campuchia cầm quyền và chính phủ của thủ tướng Hun Sen. Được Việt Nam dựng lên sau cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Khơ me đỏ, Đảng nhân dân cách mạng Campuchia (nay là đảng Nhân dân Campuchia) cùng chính quyền nhà nước Campuchia đến nay đã trải qua 36 năm cầm quyền, một quãng thời gian quá dài trị vì đất nước.
Dưới sự chỉ đạo, định hướng của đảng cộng sản Việt Nam, quá trình vận hành của đảng này đã không ít gặp sóng gió. Pen xô Van được Việt Nam đưa lên làm tổng bí thư đầu tiên của đảng từ năm 1979 đến năm 1981. Năm 1981, ông được quốc hội nước này bầu làm thủ tướng chính phủ, theo đó ông thôi chức tổng bí thư để chuyển sang Heng Samring. Nhưng không bao lâu ông bị cách chức thủ tướng vì có quan điểm bất đồng với Heng Sasmring trong quan hệ ứng xử với Việt Nam. Pen xô van tuyên bố: “Một kẻ đóng khố không thể trông cậy vào kẻ mặc quần đùi”.
Nhân vật trung thành nhất đối với Việt Nam và được phía Việt Nam tin tưởng phải kể đến Heng Samring và Hun Sen. Nhưng đến nay người dân Cam Bốt dường như đã nhàm chán đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền cùng với những gương mặt lãnh tụ cũ kỹ.
Trong cuộc bầu cử quốc hội Cam puchia năm 2013, đảng này giành được 66 ghế, trong khi đảng Cứu nguy dân tộc (CNRP) giành được 55 ghế trong tổng số 123 ghế trong quốc hội. Đây là kết quả thấp nhất của đảng cầm quyền, mất 22 ghế so với nhiệm kỳ trước.
Trong tình thế này đảng của thủ tướng Hun Sen có nhiều phần là sẽ thất cử trong cuộc bầu cử của nhiệm kỳ tới. Không những thế, rất có thể cuộc bầu cửa sẽ diễn ra trước thời hạn.
Một khi đảng Cứu nguy dân tộc của Sam Rainsy thắng cử, việc đầu tiên của họ là sẽ gây hấn với Việt Nam, đòi xem xét lại toàn bộ việc cắm mốc biên giới; đòi lại đất mà lịch sử để lại khu vực Tây nam bộ vân, vân…
Việc bùng phát đụng độ trên tuyến biên giới Việt Nam-Cam Bốt trong khi Việt Nam đang có những động thái xoay trục theo hướng thân Mỹ và sự phản ứng ngày càng gay gắt với Trung quốc về vấn đề biển đông cho thấy nhà cầm quyền Trung quốc đang toan tính nước cờ dùng con bài Campuchia gây áp lực cho Việt Nam.
Chuyến công du Trung quốc của Bộ trưởng quốc phòng Campuchia, cùng với lời tuyên bố mới đây của thủ tướng Hun Sen: “Việc cắm mốc biên giới có nhiều nơi cần xem xét lại”, cũng như việc ông ta hứa với người dân Campuchia rằng: “Sẽ đề nghị phía Việt Nam ngồi lại đàm phán để điều chỉnh các cột mốc cắm sâu vảo lãnh thổ Campuchia”, cho thấy người Campuchia đã sẵn sàng quay lưng lại với Việt Nam.
Tình thế Việt Nam đang đứng trước những tiềm ẩn nguy cơ đến vận mệnh đất nước. Trên tuyến biên giới phía bắc, hàng trăm cây số vuông đã bị trao vào tay Trung cộng thông qua việc phân định, cắm mốc biên giới. Trên biển Đông, biển đảo đã và đang bị xâm lấn. Phía Tây nam đang nổi lên nguy cơ tiềm ẩn về sự toàn vẹn lãnh thổ. Tây nguyên đòi độc lập, Tây bắc, người H’Mông đòi xưng vua. Tất cả các điểm nóng trên đang tạo thế gọng kìm từ bốn phía gây áp lực, đe dọa đất nước ta.
Nhìn hình ảnh người dân Cam Bốt sát cánh cùng những người đại biểu của họ thị sát biên giới, phản đối chính phủ Campuchia trong việc cắm cột mốc biên giới, chúng ta không thể không chạnh lòng khi người dân Việt Nam lên tiếng phản đối Trung quốc xâm chiếm biển đảo, lập tức phải chịu cảnh đàn áp, bắt bớ, tù đày.
Chính sách đu dây của Việt Nam, một sách lược khôn lỏi, ma mãnh đã lỗi thời, thế giới đã từ lâu nhận rõ bản chất của giới cầm quyền Hà nội. Hình thành một liên minh Dân tộc trên nền tảng sự đoàn kết thực sự của người dân (chứ không phải đoàn kết để bảo vệ đảng, như đảng vẫn hô hào), mới đủ sức mạnh để chặn đứng những âm mưu thôn tính nước, nay đang là mệnh lệnh trái tim, khối óc của dân tộc Việt Nam.
Hơn lúc nào hết giới cầm quyền cộng sản Việt Nam, thay vì trung thành với phương Bắc, hãy thể hiện lòng trung thành với tổ quốc của mình trước vận mệnh của dân tộc đang đứng bên bờ vực thẳm.
Vi Đức Hồi