Ở Việt Nam, giá như có một nền báo chí tự do, hay mong ước nhỏ hơn, có lấy vài tờ báo độc lập, thì chắc chắn công chúng không nhiều thì ít cũng phải hình dung được đôi chút về bậu sậu lãnh đạo: tư cách, tính tình, niềm tin triết lý, quan điểm chính trị, địa chỉ nhà riêng, công việc hàng ngày, hàng tháng...
Nhưng với hệ thống báo chí công cụ như bấy lâu nay thì công chúng không có được thông tin gì như thế, mà nói chung là không có thông tin gì hữu ích về chính trị, chính sách công... cả. Quan hệ của các nhà báo với “các cụ các bác trên ấy” (tức là với đám lãnh đạo ”Đảng và Nhà nước”) chỉ có giá trị cá nhân: Để nhà báo (cấp cao) nhét bổng lộc cho đầy túi tham, thể hiện mình vừa nhân văn vừa cấp tiến mà lại vừa được an toàn; và để nhà báo (cấp thấp) có cái mà lấy le với bạn bè, người thân, gia đình họ mạc, ra cái điều “tôi có thông tin, tôi biết hết, tôi biết trước, tôi biết chuyện ấy từ lâu rồi” v.v.
Nói chung, gần như không thể dựa vào những thông tin chính thống trên mặt báo do cái đám nhà báo ấy cung cấp để mà suy ra được cái gì hay ra được quyết định gì đúng đắn cả.
Tuy thế, từ những thông tin kiểu “ông chú Vietel” rỉ tai thì người ta lại biết được rằng đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng có ít nhất là hai chỗ nhột, hay là hai điều mà y rất ghét nghe nói đến:
- Thứ nhất là chuyện thời trẻ, Nguyễn Phú Trọng trốn nghĩa vụ quân sự, nôm na là trốn lính. Trong lúc lứa thanh niên cùng tuổi hy sinh trên chiến trường thì đảng trưởng-quốc trưởng tương lai ngụy tạo hồ sơ, chạy chọt sao đó mà không phải ra trận, chỉ ở hậu phương hăng say học hành. Xứ mù thằng chột làm vua, cả làng đi lính thì thằng đần ở lại quê nhà nghiễm nhiên được xơi hết chị em trong làng, sinh viên Phú Trọng đương nhiên là học hành giỏi giang tấn tới, quan lộ thênh thang ta bước... để dân Việt có một đảng trưởng-quốc trưởng như hôm nay.
- Thứ hai là chuyện kê khai tài sản cá nhân. Nghe nói cứ mỗi lần ở đâu đó có đả động tới chuyện này, Nguyễn Phú Trọng tức lắm. Chẳng gì y cũng được cái tiếng là “thanh liêm” bấy lâu nay; dân chúng nào ai nghe nói đến biệt phủ nào của tổng bí thư. Tuy thế số bất động sản mà y và họ hàng hang hốc nắm giữ, nếu lộ ra để phải kê khai thì cũng rất mệt. Mà theo quy chế thì dễ phải công khai - luật đảng cũng có quy định cả rồi. Nói chung là khó chịu. Phú Trọng bực mình ba cái chuyện mấy chục đảng viên gửi kiến nghị đòi y minh bạch tài sản lắm.
Đó là hai chỗ “nhạy cảm” của đảng trưởng mà cộng đồng mạng có thể “đi sâu” phân tích, yêu cầu minh bạch... Tuy nhiên, lợi thế của Nguyễn Phú Trọng là y hoàn toàn xa lạ với thế giới Internet, mạng xã hội, cách mạng 2.0... các cái (chưa nói tới cách mạng 4.0 nhé). Y thậm chí không biết dùng điện thoại thông minh. Xung quanh y rất đông đảo cố vấn, tham mưu các loại, nhưng rặt một phường xu nịnh, giá áo túi cơm; chúng chỉ minh họa đường lối cho y ngắm và xưng tụng cho y vui tai là chính chứ cố vấn với tham mưu cái nỗi gì. Sách báo y đọc hiện nay không có gì khác ngoài tờ Nhân Dân và các phụ trương phụ bản của nó. Dĩ nhiên y không bao giờ vào mạng. Cho nên công luận đối với y chỉ là tiếng ruồi muỗi vo ve, chân lý vẫn chói sáng dưới bầu trời phương Bắc - đồng chí Tập đại đế làm gì cũng sáng suốt - và An Nam đô hộ phủ vẫn thanh bình.
Chỉ vài giờ nữa thôi, y sẽ rưng rưng lên ngôi vua. Lịch sử nước CHXHCN Việt Nam sẽ mãi ghi tên Nguyễn Phú Trọng như một nhà lãnh đạo thanh liêm, yêu nước, yêu CNCS, cả cuộc đời dốc lòng phụng sự tình hữu nghị quốc tế và ái hữu vô sản... Sẽ không ai bảo y là thằng giặc, trẻ trốn lính, già bán nước, tham nhũng quyền lực, sĩ diện háo danh tới mức bệnh hoạn, và vì ngôi cao lãnh đạo mà cam lòng dâng hiến chủ quyền đất nước cho ngoại bang. Y tin như thế.
Âu đấy cũng là cái lợi của việc không dùng mạng xã hội, không tiếp cận Internet.
Bài viết của nhà báo Pham Doan Trang về tân CTN sắp ra LÒ!