THE STRATEGIST by John Storey – 9 Dec 2021
(John Storey là một luật sư và nhà sử học quân sự, là tác giả của cuốn Big wars: why do they happen and when will the next one be? – Các cuộc Chiến tranh lớn: tại sao chúng xảy ra và khi nào thì cuộc chiến tiếp theo sẽ xảy ra?)
Ba Gai - Ba Sàm lược dịch|
Vào tháng 10, Facebook và các nền tảng truyền thông xã hội liên quan của nó đã ngừng hoạt động trong vòng 6 giờ, trong những tình huống bí ẩn. Cùng ngày, Trung Quốc đã gửi 52 máy bay quân sự vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, đây là cuộc tấn công lớn nhất và khiêu khích nhất từ trước đến nay. Nếu các nhà lý luận quân sự đúng, những tiêu đề như thế này sẽ là tiền thân của Thế chiến thứ Ba.
Một cuộc xâm lăng Đài Loan của Trung Quốc là một kịch bản mà nhiều người lo ngại sẽ là chất xúc tác cho một cuộc chiến tranh quốc tế lớn tiếp theo. Và hầu hết các chuyên gia tin rằng chiến tranh mạng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong một cuộc xung đột như vậy, hoặc thực sự là bất kỳ cuộc chiến tranh tầm cỡ quốc tế nào đó trong tương lai. Vì vậy, một cuộc tấn công mạng nhằm đánh bật giới truyền thông Mỹ, nhằm che giấu hoặc đánh lạc hướng sự chú ý khỏi động thái của Trung Quốc chống lại Đài Loan, không phải là chuyện viển vông.
Để cho rõ ràng, không có gợi ý nào cho rằng việc Facebook ngừng hoạt động và sự xâm nhập của Trung Quốc có liên quan đến nhau. Nhưng đó là một lời nhắc nhở kịp thời về việc thế giới mạng của chúng ta dễ bị tấn công như thế nào. Chiến tranh mạng sẽ đóng vai trò gì cho một cuộc xung đột trong tương lai và nó có quan trọng như các hoạt động quân sự truyền thống hay không?
Có ba cách mà chiến tranh mạng có thể đóng một vai trò nào đó: như một giải pháp thay thế, như một bước khởi đầu, hoặc cùng lúc với các hoạt động quân sự thông thường.
Một số người tin rằng kịch bản chiến tranh mạng đang nổi lên sẽ thay thế hoàn toàn các hoạt động quân sự truyền thống, hoặc thực tế là nó đã xảy ra. Điều đó có thể đúng, nhưng nếu vậy thì không có gì đáng lo ngại. Việc đóng cửa Facebook, đóng cửa đường ống dẫn dầu hoặc can thiệp vào hoạt động của nhà máy điện, sân bay, ngân hàng hoặc nhà máy đều gây gián đoạn và tốn kém. Nhưng thiệt hại là tạm thời, và thế giới sẽ tiếp tục hoạt động. Tội phạm mạng là một phần như thứ tạp âm của nền kinh tế hiện đại, cho dù là do các tin tặc đơn độc, các nhóm tội phạm có tổ chức hay các tổ chức nhà nước xúi giục. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó không có hao tổn.
Bảo vệ bằng sự kháng cự và đối phó với các cuộc tấn công mạng là một sự tổn đối với tăng trưởng kinh tế, nhưng các quốc gia hiện đại là những thể chế mạnh mẽ và kiên cường. Nếu các hoạt động mạng là kế hoạch duy nhất mà một quốc gia áp dụng để đánh bại kẻ thù, thì sẽ mất một thời gian rất dài và chắc chắn sẽ liên quan đến hành động có đi có lại chống lại bên khởi xướng có thể gây thiệt hại tương ứng. Nếu đó là điều mà Thế chiến thứ Ba sẽ diễn ra, chúng ta có thể yên tâm ngủ ngon.
Tất nhiên, một cuộc tấn công mạng hiệu quả cao có thể đóng cửa cả một quốc gia trong một thời gian. Hãy tưởng tượng sự gián đoạn đối với một nền kinh tế phát triển hiện đại nếu nó bị mất điện, liên lạc và truy cập internet cùng một lúc và nó tiếp tục trong nhiều tháng. Nhưng một cuộc tấn công như vậy sẽ tàn khốc đến mức nạn nhân có thể cảm thấy kẻ thù đã vượt qua lằn ranh đỏ và đó là một hành động chiến tranh công khai. Sự trả thù có lẽ sẽ không chỉ giới hạn trong không gian mạng.
Các hoạt động không gian mạng có thể tạo điều kiện cho các hoạt động quân sự thông thường (chẳng hạn như xâm lược Đài Loan) bằng cách làm gián đoạn liên lạc của bên kia, làm cho các trang thiết bị quân sự của họ tạm thời bất lực không thể phản ứng. Các lực lượng quân sự hiện đại bị mù nếu không có radar và hình ảnh vệ tinh, điếc nếu không có internet và câm lặng nếu không có hệ thống viễn thông an toàn. Trong một cuộc chiến ngắn, đây có thể là tất cả những gì cần thiết. Nếu Đài Loan tạm thời bị che mắt bởi một cuộc tấn công mạng, trong một tháng sau, đất nước này có thể bị tàn phá mà người Đài Loan sẽ không có một đòn phản công nào.
Nhưng trong một cuộc chiến dài hơn, bất kỳ lợi ích nào của việc tung một đòn đánh qua mạng đầu tiên sẽ chỉ là tạm thời. Hệ thống chắc chắn sẽ được khôi phục hoặc tìm thấy các giải pháp thay thế. Một con tàu trên biển có thể bắn súng và tên lửa mà không cần vệ tinh. Các kíp xe tăng và lính mặt đất hoàn toàn có khả năng hạ gục kẻ thù của họ trước khi có Internet.
Trong Thế chiến thứ Hai, Đức giáng một đòn đầu tiên tàn khốc vào Liên Xô vào tháng 6 năm 1941 khi nước này tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ – Chiến dịch Barbarossa – khiến không quân Liên Xô trên thực địa và quân đội của họ không được chuẩn bị sẵn sàng. Nhật Bản cũng đã thành công trong việc đánh bật các bộ phận lớn của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tại Trân Châu Cảng trong một cuộc tập kích bất ngờ. Những thành công ban đầu này không mang lại chiến thắng cho phe Trục. Các nguồn lực lớn hơn của Đồng minh cho thấy họ đã phục hồi, tiêu diệt kẻ thù của mình và nghiền nát chúng. Một Trân Châu Cảng trên không gian mạng không có gì đảm bảo cho sự thành công lâu dài.
Trong một cuộc chiến tranh hiện đại kéo dài và dằng dai, các hoạt động không gian mạng sẽ đóng một vai trò quan trọng. Các lực lượng quân sự không còn có thể dựa vào các vệ tinh mà họ đã quá phụ thuộc vào. Các nền tảng vũ khí đắt tiền dựa vào thông tin liên lạc hiện đại để vận hành có thể chứng tỏ sự đầu tư lãng phí so với các loại xe tăng, súng và pháo kiểu cũ.
Nhưng các hoạt động không gian mạng không có khả năng tự quyết định. Trong nhiều năm, những người đam mê không quân đã dự đoán rằng ném bom chiến lược sẽ thay thế nhu cầu của các hoạt động mặt đất truyền thống. Chúng ta vẫn đang chờ đợi. Riêng lực lượng không quân thì chưa bao giờ chiến thắng trong một cuộc chiến tranh (khác hẳn với việc góp phần vào chiến thắng). Các sự kiện thường được quyết định trên mặt đất. Tương tự như vậy, các cuộc chiến trong tương lai khó có thể được quyết định chỉ trong không gian mạng.
Mối nguy thực sự của chiến tranh mạng không phải là nó sẽ thay thế các hoạt động quân sự thông thường, mà là nó sẽ kích động chúng. Ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình khá rõ ràng khi đối phó với xe tăng, tàu chiến và máy bay, nhưng lại có màu xám không rõ ràng khi đối phó với phần mềm độc hại và phần mềm điều khiển tự động các tác vụ trực tuyến. Nếu các quốc gia cảm thấy an toàn hơn khi tham gia vào cuộc xung đột đằng sau bức màn ẩn danh do Internet cung cấp, thì nguy cơ xảy ra một tính toán sai lầm thảm khốc sẽ tăng lên.
Ba Sàm lược dịch
***
Đài Loan có thể tập trận chung với Mỹ và đồng minh
Cẩm Bình
RIMPAC đem lại cơ hội tập trận chung với Mỹ và các nước khác cho Đài Loan - Ảnh: USNI News
Nếu Đạo luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA) năm tài khóa 2022 được Thượng viện Mỹ thông qua và Tổng thống Joe Biden ký ban hành, Đài Loan có thể tham gia tập trận chung Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) sắp tới.
NDAA vừa vượt qua cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Mỹ với tỷ lệ ủng hộ áp đảo. Phiên bản được Hạ viện Mỹ ủng hộ có nội dung kêu gọi tiến hành hoạt động huấn luyện cùng tập trận thiết thực với Đài Loan. Theo đó, nếu được Mỹ sẽ mời Đài Loan tham gia RIMPAC năm 2022 để giúp đỡ lực lượng phòng vệ của đảo tự trị tăng cường năng lực.
Sắp tới Thượng viện Mỹ sẽ xem xét và bỏ phiếu, nếu thông qua sẽ đưa sang Tổng thống Biden. Theo thạc sĩ Richard Bitzinger thuộc Học viện Quan hệ quốc tế S.Rajaratnam (Singapore): “Quyết định cuối cùng tùy thuộc vào việc Tổng thống Biden đánh giá mời Đài Loan tham gia có đáng hay không. Hiện tại, tôi nghĩ cơ hội Đài Loan được mời là 50/50”.
RIMPAC là cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất thế giới, tổ chức mỗi hai năm một lần tại vùng biển quanh Hawaii. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ (nay là Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương) chịu trách nhiệm chỉ huy.
Trung Quốc từng tham gia vào năm 2014 và 2016, nhưng bị loại khỏi vào năm 2018 và 2020. Cựu đại tá hải quân Mỹ Grant Newsham nhận định: “Đài Loan tham gia RIMPAC mang ý nghĩa rất quan trọng về chính trị, đóng vai trò như dấu hiệu cho thấy Mỹ và các nước tham gia RIMPAC khác ủng hộ Đài Loan”.
“Nếu Mỹ không giúp lực lượng quân sự Đài Loan phá vỡ thế bị cô lập hơn 40 năm và trao cho họ cơ hội huấn luyện với lực lượng khác, năng lực phòng vệ của Đài Loan không thể nâng cao được”, ông nói thêm.
Đến nay Mỹ vẫn chưa tiến hành bất cứ hoạt động tập trận chung nào với Đài Loan, nhưng vào tháng 10 đã đưa quân đặc nhiệm cùng lính thủy đánh bộ đến đảo tự trị thực hiện nhiệm vụ huấn luyện.