Trong mấy ngày qua, hàng loạt những người hoạt động trong nước đã bị công an sách nhiễu bằng nhiều cách khác nhau. Có người bị chận bắt giữa đường. Có người bị công an ùa vào nhà bắt và lôi đi như súc vật. Có người bị hành hung, bị đe dọa là gia đình sẽ bị phá nát nếu không ngưng chống phá chế độ. Khầu hiệu « sống và làm theo pháp luật » đang bị guồng máy độc tài dẫm nát. Hình ảnh nhân quyền Việt Nam vốn đã u ám, lại càng u ám hơn với hàng loạt sự kiện sách nhiễu này.
Ngày 16/12/2016, đúng vào ngày LS Nguyễn Văn Đài bị bắt cách đây 1 năm, tòa án Thái Bình xử ông Trần Anh Kim và ông Lê Thanh Tùng với một bản án vô cùng nặng nề. Đây là bằng chứng của sự bội phản. Trung tá Trần Anh Kim, một người đã từng tham gia chiến đấu ngay đầu năm 1979 tại vùng biên giới Lạng Sơn. Điều đau đớn cho ông là sự đóng góp để bảo vệ đất nước đã được trả giá bằng sự bội phản của đảng cộng sản. Ông đã nói lên sự đau đớn này trong một cuộc phỏng vấn với đài Chân Trời Mới ngày 5/3/2015 "tôi đã tận tụy đóng góp cho đất nước, cho Đảng. Nhưng cái Đảng này đã phản bội tôi, phản bội những chiến sĩ đã nằm xuống".
Sự đàn áp của nhà cầm quyền Việt Nam gia tăng đột ngột vào những ngày cuối năm 2016. Có người cho rằng "khoảng trống quyền lực" đang xảy ra tại Mỹ trong giai đoạn chuyển giao quyền lực sau bầu cử là một cơ hội cho Việt Nam thẳng tay đàn áp những người dân chủ. Điều đó đúng một phần. Tuy nhiên, vào năm 2007, khi nhà cầm quyền bắt LM Nguyễn Văn Lý, LS Nguyễn Văn Đài, LS Lê Thị Công Nhân và hàng loạt những người tham gia khối 8406, tổng thống Bush đã cầm quyền được hơn 6 năm và không có cuộc bầu cử nào ở Mỹ, sự đàn áp năm 2007 cũng lên đến cao điểm. Áp lực của quốc tế chắc chắn có ảnh hưởng, nhưng quyền lực thống trị và sự tồn tại của chế độ mới là yếu tố quyết định. Khi đảng cộng sản nhận thấy sự tồn tại của họ bị đe dọa, sự đàn áp sẽ gia tăng, với mục tiêu loại trừ mối đe dọa này.
Chế độ CSVN có đủ những triệu chứng của con bệnh ngặt nghèo, hết thuốc chữa. Sự riệu rã bên trong nội bộ đã bột phát thành những cuộc thanh trừng đẫm máu, không khoan nhượng. Sự suy kiệt về tài chánh đưa đến những hỗn loạn trong hệ thống ngân hàng, báo hiệu nguy cơ phá sản của nền kinh tế. Sau thảm họa Formosa và cách giải quyết của nhà cầm quyền, sự mất lòng tin của nhân dân đối với chế độ đã lên đến đĩnh điểm. Nên mọi loại tin đồn, như tin đồn đổi tiền, đều được người dân tin là thật, vì họ không còn tin gì vào chế độ này nữa.
Trong khi đó, phong trào dân chủ ngày một trưởng thành, với sự nhập cuộc của nhiều tầng lớp quần chúng, mà đại đa số là giới trẻ. Nhà cầm quyền không còn độc quyền trên lãnh vực thông tin. Mạng xã hội, đặc biệt là facebook, đang dần dần trở thành một vũ khí lợi hại của phe dân chủ. Nhận thức sự đe dọa của phong trào dân chủ và với những khó khăn tứ bề hiện nay, guồng máy độc tài chỉ có một chọn lựa. Đó là đàn áp và mức độ đàn áp sẽ ngày một dữ dội hơn, để cố gắng tồn tại.
Nhưng, như một con mồi bị rơi vào mạng nhện, sự vùng vẫy của nó có thể gây thiệt hại một số đường tơ, nhưng càng vùng vẫy, càng bị cột chặt trong mạng nhện và sau cùng cũng kiệt sức mà chết. Chúng ta, mỗi người Việt Nam, hãy là một đường tơ, tuy mong manh, dễ đứt, nhưng nếu có vô số đường tơ, chúng ta sẽ có khả năng cột chặt chế độ độc tài này và đưa nó từ tình trạng hấp hối, chuyển sang từ trần !
Chìa khóa thay đổi tương lai đang thật sự nằm đang trong tay chúng ta, trong tay của mỗi người Việt Nam.