Vừa có một ông tên Tô Lâm, được giới thiệu là Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Công an, ra lệnh như thế này: “Phải làm thế nào để từng xã, phường, thôn, xóm không có tội phạm, dân đi ngủ, đi vắng không phải khóa cửa” (*).
Ông Tô Lâm này ra lệnh đó khi dẫn một đoàn công tác về Hải Dương để “làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương về kết quả quán triệt, triển khai các chủ trương, Nghị quyết, Chỉ thị của T.Ư về công tác bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng lực lượng công an nhân dân”.
Có nhiều lý do để phải thắc mắc ông Tô Lâm... "này" là ai. Thứ nhất, tại sao là Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Công an nhưng ông lại không biết... “làm thế nào để từng xã, phường, thôn, xóm không có tội phạm, dân đi ngủ, đi vắng không phải khóa cửa” và thản nhiên chuyển “nhiệm vụ” mà chính ông thừa nhận là “nặng nề” ấy cho tỉnh Hải Dương bằng cách “yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Công an tỉnh nghiên cứu việc này”?
Thứ hai, ngoài Hải Dương, Việt Nam còn 62 tỉnh và thành phố khác trực thuộc trung ương, nhìn một cách tổng quát, đâu có tỉnh, thành phố nào mà “dân đi ngủ, đi vắng không phải khóa cửa”, nếu đó chỉ là “nhiệm vụ nặng nề” của các “Ban Thường vụ Tỉnh ủy hay Ban Thường vụ Thành ủy, Công an tỉnh, Công an thành phố” và nếu chỉ có những tổ chức, cơ quan đó phải “nghiên cứu”, đồng thời phải làm được như vậy thì tại sao không giải tán “Đảng ủy Công an Trung ương”, xóa sổ “Bộ Công an”?
Thứ ba, tại sao ông Tô Lâm này lại trở thành “Đại tướng” của một trong những bộ phận cấu thành “lực lượng vũ trang” (công an) khi ngay cả điều được xem là sơ đẳng nhất của các lực lượng vũ trang ông cũng không rành? Thời nào cũng thế và ở đâu cũng vậy, việc chào người khác theo cung cách lực lượng vũ trang phải tuân thủ nguyên tắc: Thuộc cấp phải chào trước, sau đó thượng cấp mới chào đáp lễ, chỉ khi thượng cấp bỏ tay xuống, thuộc cấp mới có quyền kết thúc chuyện chào.
Tại sao phải thế? Rất đơn giản! Tính chất của các lực lượng vũ trang đòi hỏi phải xây dựng, duy trì, đề cao “tôn ti trật tự” trong các lực lượng này. Cung cách chào của các lực lượng vũ trang không chỉ xác định đặc thù mà còn bảo vệ “tôn ti trật tự” – yếu tố quyết định tính hiệu quả trong hoạt động của các lực lượng vũ trang.
Tuy nhiên xem tấm ảnh mà tờ Thanh Niên đính kèm khi tường thuật về sự kiện ông Tô Lâm dẫn một đoàn công tác đến Hải Dương để ra lệnh như vừa đề cập, thiên hạ lại thấy ông vung tay chào một bầy thuộc cấp đang... ngồi ngắm ông và... vỗ tay hoan hô “Đại tướng” chào mình.
Tấm ảnh đó cho thấy, không những ông “Đại tướng” đã không biết gì và cũng chẳng thèm bận tâm về “quân phong, quân kỷ” mà thuộc cấp của ông cũng y như vậy. Chắc chắn dưới gầm Trời này, chỉ có Công an nhân dân Việt Nam - vốn được tổ chức, vận hành và hưởng các đặc quyền theo kiểu lực lượng vũ trang (ví dụ như cũng có đủ loại... tướng) - mới vô tri rồi trở thành... vô tư tới mức quái gở như thế! Có thể kỳ vọng gì ở lực lượng tồn tại và hoạt động theo kiểu “quân hồi vô phèng” như vậy?
***
Ngoài ông Tô Lâm... “này” (như vừa kể), còn có một ông Tô Lâm... “khác” cũng là Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Công an. Có thể ông Tô Lâm... “này” rất giống ông Tô Lâm... “khác” về nhân diện, nhân dáng, thậm chí có thể các yếu tố sinh trắc học (như vân tay) hoàn toàn tương đồng song không thể xem cả hai ông Tô Lâm là một vì ông Tô Lâm... “khác” là Tiến sĩ Luật học, Giáo sư Khoa học An ninh.
Phàm đã học luật, học về khoa học an ninh thì đương nhiên phải học “Tội phạm học”. “Tội phạm học” là một lĩnh vực khoa học chuyên nghiên cứu – lý giải về những yếu tố liên quan đến tâm lý, xã hội dẫn đến hành vi phạm tội, các đặc điểm của tội phạm, cách thức kiểm soát... Đó cũng là lý do “Tâm lý học” và “Xã hội học” là những môn học mà tất cả cá nhân học luật, học về khoa học an ninh phải biết, phải chịu bị kiểm tra xem kiến thức có đạt yêu cầu căn bản hay không?
Chắc chắn kiến thức về “Tội phạm học” hay “Tâm lý học” rồi “Xã hội học” của một Tiến sĩ Luật hay Giáo sư về Khoa học an ninh phải sâu và rộng hơn những người mà học vấn chỉ ở tầm Cử nhân. Thế nhưng hãy hỏi những cá nhân có học vị Cử nhân Luật, Cử nhân Khoa học an ninh hay Cử nhân Tâm lý, Cử nhân Xã hội học xem yêu cầu “làm thế nào để từng xã, phường, thôn, xóm không có tội phạm, dân đi ngủ, đi vắng không phải khóa cửa” có phản khoa học hay không?
Câu trả lời mà bạn nhận được có thể sẽ rất nặng nề vì chắc chắn trong số những người có kiến thức và được hỏi ý kiến sẽ có người bảo đó là đòi hỏi xuất phát từ... sự ngu dốt hoàn chỉnh, không có chút hiểu biết nào về “Tội phạm học”, “Tâm lý học”, “Xã hội học”. Lẽ nào một ông vừa là Tiến sĩ Luật, vừa là Giáo sư về Khoa học an ninh lại... tệ như thế?
Cũng cần nói thêm, sở dĩ kẻ viết bài phải thắc mắc ông Tô Lâm... “này” là ai còn vì ông Tô Lâm... “khác” đã là Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Công an từ năm 2016 tới giờ. Ai cũng có thể trả lời câu hỏi: Bảy năm qua tình hình an ninh, trật tự của xã hội Việt Nam tốt hơn hay tệ hơn? Dân chúng Việt Nam cảm thấy hài lòng hơn hay bất an hơn? Cho nên, khi ra lệnh: “Phải làm thế nào để từng xã, phường, thôn, xóm không có tội phạm, dân đi ngủ, đi vắng không phải khóa cửa” và “yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Công an tỉnh nghiên cứu”, ông Tô Lâm... “này” không chỉ “bôi tro, trát trấu” vào chính ông ta mà còn thóa mạ ông Tô Lâm... “khác” vô năng, bất tài, rõ ràng là đồ “ăn hại, đái nát”. Thế mới đểu!
Tham khảo
(*) https://thanhnien.vn/dai-tuong-to-lam-lam-the-nao-de-dan-di-vang-di-ngu-khong-phai-khoa-cua-185230808184142003.htm