Chân Trời Mới Media (Thanh Thảo): Hôm mồng 10 tháng 5 vừa qua, Tòa Bạch Ốc đã chính thức ra thông cáo cho biết Tổng thống Obama sẽ viếng thăm Việt Nam từ ngày 22 đến 25 tháng 5 và sau đó sẽ đến Nhật Bản dự hội nghị G7.
Cũng lúc, Trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Daniel Russel đã có cuộc họp báo tại Hà Nội, cho biết một số nội dung sẽ được mang ra thảo luận giữa lãnh đạo Việt Mỹ. Việc Tổng thống Obama đến viếng thăm Việt Nam trong lúc xảy ra những cuộc biểu tình bảo vệ môi trường của người dân, chắc chắn có ít nhiều tác động lên tình hình Việt Nam. Để tìm hiểu về vấn đề này, xin mời quý quý vị theo dõi phần nhận định của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân trong chương trình hôm nay.
Thanh Thảo: Kính chào ông Lý Thái Hùng. Thưa ông, cuối cùng thì Tổng thống Obama đã sắp xếp chuyến viếng thăm đầu tiên tại Việt Nam trong nhiệm kỳ cuối cùng. Theo ông đánh giá mối quan hệ giữa CSVN và Hoa Kỳ, dưới thời Tổng thống Obama ra sao và liệu chuyến viếng thăm có mang lại những điều gì mới?
Lý Thái Hùng: Ông Obama là vị Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ viếng thăm Việt Nam từ sau khi hai nước tái lập bang giao năm 1995. Người đầu tiên là Tổng thống Clinton viếng thăm Việt Nam năm 2000, hai tháng trước khi rời Tòa Bạch Ốc. Người thứ hai là Tổng thống George W. Bush viếng thăm Việt Nam năm 2006, nhân tham dự Hội nghị APEC tổ chức tại Hà Nội. Chuyến thăm của TT Obama dự trù từ ngày 22 đến 25 tháng 5.
Quan hệ giữa CSVN và Hoa Kỳ dưới thời của Tổng thống Clinton và Bush phần lớn là nhằm bình thường hóa ngoại giao và trao đổi mậu dịch sau nhiều thập niên coi nhau là thù địch. Do đó, các trao đổi của hai phía đa số tập trung vào những đàm phán để thiết lập sự hợp tác song phương về kinh tế là chính.
Hơn thế nữa từ năm 1993 sau khi Tổng thống Bill Clinton bãi bỏ cấm vận đối với CSVN cho đến năm 2014 khi vụ giàn khoan HD 981 xảy ra, CSVN coi Trung Quốc là chỗ dựa an toàn nên vì thế mà Hà Nội luôn luôn giữ khoảng cách về phương diện chính trị đối với Hoa Thịnh Đốn.
Sau vụ Trung Quốc mang giàn khoan HD 981 vào trong thềm lục địa Việt Nam và nhất là cho bồi đắp 6 bãi đá ngầm mà Bắc Kinh đã chiếm của Việt Nam vào năm 1988 biến thành những căn cứ quân sự trong quần đảo Trường Sa, lãnh đạo CSVN đã tìm cách tiếp cận với Hoa Kỳ để vừa mua vũ khí chiến lược, vừa vận động ảnh hưởng của Hoa Kỳ ngăn chận sự bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Những diễn tiến trên cho thấy là trong 16 năm qua, từ mối quan hệ giao thương kinh tế dưới thời hai Tổng thống Clinton và Bush và nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama, ngày nay CSVN bắt đầu muốn xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ, kể từ sau chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Trương Tấn Sang vào năm 2013.
Nói chung, mối quan hệ giữa CSVN và Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Obama đã có những diễn biến tích cực hơn, trong đó, vấn đề hợp tác quốc phòng và an ninh chiến lược tại Biển Đông, tuy chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu, nhưng đã là dấu ấn nổi bật hiện nay.
Tổng thống Obama là người đưa ra chính sách đối ngoại “xoay trục về Á Châu” và coi Biển Đông là một vùng biển chiến lược nhằm ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc, do đó, chuyến viếng thăm của Tổng thống Obama, sẽ lôi kéo hàng ngũ “thoát Trung” trong nội bộ CSVN gia tăng nhiều hơn.
Trong chiều hướng đó, khi Tổng thống Obama tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương trong chuyến viếng thăm lần này, sẽ không chỉ đẩy mạnh các hợp tác về quốc phòng mà còn mở ra một thế liên kết mới về quân sự với các đồng minh của Hoa Kỳ tại Á Châu, bao gồm Phi Luật Tân, Mã Lai, Nhật Bản, Úc Châu.
Thanh Thảo: Trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ ông Daniel Russel, cho biết là Tổng thống Obama sẽ thảo luận 5 vấn đề với lãnh đạo CSVN như hợp tác kinh tế và TPP; nhân quyền và luật pháp; an ninh trên Biển Đông; vấn đề tồn đọng sau chiến tranh; giao lưu người dân giữa hai nước. Theo ông thì đâu là những vấn đế có tầm quan trọng trong chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Obama, thưa ông?
Lý Thái Hùng: Đây là 5 lãnh vực mà CSVN và Hoa Kỳ đã và đang xúc tiến. Tuy nhiên, có ba lãnh vực mà tôi cho là phía Hoa Kỳ sẽ đặc biệt nhấn mạnh trong chuyến viếng thăm của Tổng thống Obama lần này là vấn đề hợp tác kinh tế song phương phải thỏa theo các quy định của Hiệp ước TPP; vấn đề hợp tác trong lãnh vực nhân quyền và cải cách luật pháp tại Việt Nam; vấn đề hợp tác quốc phòng và an ninh chiến lược trên Biển Đông.
Vấn đề hợp tác kinh tế song phương có liên hệ rất nhiều đến các điều kiện mà Hoa Kỳ từng đưa ra, đòi hỏi CSVN phải tôn trọng quyền con người, chấm dứt các vụ bắt bớ, đàn áp những người tự do dân chủ và cải cách luật pháp để hình thành một xã hội pháp quyền.
Tuy nhiên, đây là lãnh vực mà CSVN tìm cách câu giờ hoặc chơi trò “trao đổi con tin” qua việc tống xuất những nhà đấu tranh qua Hoa Kỳ khi bị áp lực từ phía Hoa Thịnh Đốn. Vì thế, khả năng tác động của Hoa Kỳ lên mặt trận nhân quyền và cải sửa luật pháp để buộc CSVN phải nhượng bộ hoặc thực thi còn khá giới hạn.
Vấn đề còn lại liên quan đến hợp tác an ninh quốc phòng là điều mà cả CSVN và Hoa Kỳ rất quan tâm hiện nay. CSVN muốn mua vũ khí sát thương của Hoa Kỳ như dàn ra đa máy bay trinh sát; ngược lại Hoa Kỳ muốn CSVN phải hợp tác chặt chẽ hơn về an ninh chiến lược Biển Đông. Đây sẽ là điểm quan trọng mà Tổng thống Obama muốn đặt vấn đề với Hà Nội trong chuyến viếng thăm này.
Thanh Thảo: Hiện có trên 140 ngàn chữ ký yêu cầu Tòa Bạch Ốc lên tiếng về thảm kịch cá chết hàng loạt tại Việt Nam, vì thế dư luận chung rất quan tâm là liệu sự hiện diện của ông Obama có thể là nguồn xúc tác làm bùng nổ lớn những cuộc biểu tình hiện nay không thưa ông?
Lý Thái Hùng: Sự kiện có hơn 140 ngàn chữ ký gửi đến Tòa Bạch Ốc sau khi xảy ra vụ cá chết hàng loạt, trong vòng non một tháng là điều đáng cho chúng ta quan tâm.
Thứ nhất, ban tổ chức đã thành công trong việc quốc tế hóa phong trào bảo vệ môi trường tại Việt Nam nên đã kết hợp vụ cá chết với chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng Thống Obama. Điều này làm cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Tòa Bạch Ốc rất lưu tâm cũng như bày tỏ sự trân trọng về việc nhận hơn 140 ngàn chữ ký nói trên.
Thứ hai, kết quả của hơn 140 ngàn chữ ký đã đặt Tổng thống Obama không thể né tránh việc đề cập đến vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tại Việt Nam khi gặp lãnh đạo CSVN cũng như ở các buổi nói chuyện công khai với người dân.
Vì thế vào ngày 22 tháng 5 tới đây, chắc chắn sẽ có những cuộc biểu tình lớn tại Sài Gòn và Hà Nội khi Tổng thống Obama đặt chân đến Sài Gòn, trạm đầu tiên của chuyến viếng thăm.
Do đó, sự hiện diện của Tổng thống Obama tại Việt Nam vào thời điểm đang lên cao của các cuộc biểu tình bảo vệ môi trường, sẽ là một tác động thôi thúc hàng ngàn người xuống đường để vừa đón Tổng thống Obama, vừa bày tỏ khát vọng tự do.
Nếu CSVN hoảng loạn, ra tay đàn áp thô bạo như đã xảy ra hôm mồng 8 tháng 5, hoặc tung công an, cảnh sát để ngăn chận cuộc biểu tình của người dân, thì sẽ chỉ tạo thêm sự phẫn nộ và sức bộc phá của làn sóng biểu tình có thể sẽ lan rộng trên toàn quốc.
Thanh Thảo: Ông đánh giá mối quan hệ Việt Mỹ sẽ ra sao sau chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng thống Obama?
Lý Thái Hùng: Sau khi xảy ra vụ giàn khoan HD 981, lãnh đạo CSVN không còn coi Trung Quốc là chỗ dựa an toàn. Chính sự nghi ngờ về sự bành trướng của Bắc Kinh, nội bộ lãnh đạo chia làm hai khuynh hướng “bám Trung” và “thoát Trung” .
Nhóm bám Trung, thuộc khuynh hướng bảo thủ, giáo điều tiếp tục đặt niềm tin vào Trung Quốc là thành trì bảo vệ xã hội chủ nghĩa và coi Hoa Kỳ là thế lực nguy hiểm, dùng “diễn biến hòa bình” để làm sụp đổ các chế độ cộng sản.
Nhóm thoát Trung, tuy không muốn đối đầu nhưng vì lo sợ sự bành trướng của Trung Quốc, nên có khuynh hướng muốn hợp tác với Hoa Kỳ để ngăn chận các tham vọng của Trung Quốc, cụ thể là ở Biển Đông.
Hiện nay so về thực lực thì phe bám Trung vẫn còn mạnh và nắm vị trí thống trị trong nội bộ đảng, đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng. Vì thế, dù CSVN muốn hợp tác quốc phòng và an ninh chiến lược với Hoa Kỳ, cũng chỉ nằm trong một giới hạn mà Bắc Kinh cho phép.
Nói cách khác, quan hệ giữa CSVN và Hoa Kỳ vẫn còn một trì lực rất lớn từ chính lãnh đạo CSVN. Đó là họ chỉ muốn hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ để được mua vũ khí chiến lược, mua xong rồi Hà Nội sẽ quay lưng, tiếp tục khấu tấu Bắc Kinh như hiện nay.
Do đó, chuyến đi của Tổng thống Obama có thể đạt một vài kết quả ngắn hạn liên quan đến những cam kết về hợp tác kinh tế song phương, quốc phòng; nhưng về lâu dài, quan hệ Việt Mỹ tiếp tục đi khập khễnh, không có gì thay đổi cho đến khi có những biến động lớn đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của đảng CSVN.
Thanh Thảo: Xin cảm ơn ông Lý Thái Hùng.