Ông Nguyễn Xuân Phúc phải giữ lời “đóng cửa Formosa”

Quỳnh Hương - Web Việt Tân

Ngày 6 tháng Năm, báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin Công an môi trường Hà Tĩnh “bó tay” với hàng triệu tấn chất thải của công ty gang thép Formosa.

Sự kiện này được cộng đồng mạng nhanh chóng chia sẻ và gây nhiều phẫn nộ nơi người dân khiến nhà cầm quyền CSVN hoảng hốt, buộc các tờ báo điện tử phải gỡ xuống ngay tức khắc. Điều này cho thấy là nhà cầm quyền CSVN rất lo ngại làn sóng chống đối Formosa bùng nổ trở lại.

Theo báo cáo của Công an Hà Tĩnh thì Formosa đang thải ra 14 nhóm chất thải với danh mục của hàng nghìn tên chất thải khác nhau… vượt ngưỡng, và Formosa không cung cấp cho cơ quan chức năng theo dõi, quản lý.

Theo văn thư của công an, mỗi năm Formosa thải ra một khối lượng chất thải rắn là gần 4 triệu tấn. Để độc giả dễ hình dung, 4 triệu tấn tương đương với một khối có chiều ngang, dọc là 200 mét (2 lần chiều dài của một sân banh) và cao 100 mét (chiều cao của một tòa nhà 33 tầng).

Trong 3 năm qua, Formosa đã thải ra ít nhất (vì đó chỉ là báo cáo chính thức, mà sự thật phải nhiều hơn mà người dân không được biết) là gấp 3 lần khối chất thải khổng lồ như tả ở trên đã đi vào lòng đất và biển ở Hà Tĩnh. Và nạn xả thải vẫn đang tiếp diễn.

Formosa Hà Tĩnh là một dự án có mức đầu tư cam kết lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay. Nó có tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 28 tỷ USD, có nhà máy sản xuất gang thép có công suất 22,5 triệu tấn/năm.

Formosa được ký hợp đồng thuê đất đến 70 năm, với mức tiền thuê đất chỉ vỏn vẹn 96 tỷ VND. Dự án có tổng diện tích đất và mặt nước tới 3.300 ha. Thuế thu nhập chỉ là 10%.

Ngoài ra Formosa còn được miễn thuế thu nhập trong bốn năm đầu và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo, được miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị, thuế tài nguyên.

Báo cáo môi trường quốc gia 2016 của Bộ Tài Nguyên – Môi Trường đánh giá sự cố môi trường biển miền Trung do nước thải công nghiệp của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh được xếp đứng đầu danh sách các công ty gây ô nhiễm.

Ngày 4 tháng Tư, 2016, một ngư dân ở Vũng Áng chuyên hành nghề lặn biển phát hiện thấy đường ống xả thải khổng lồ chôn ngầm dưới vịnh của Formosa, sau đó là cá bắt đầu chết trên diện rộng, khởi đầu từ Hà Tĩnh và lan dần ra Quảng Bình, Quảng Trị và đến Thừa Thiên− Huế. Điều này đã kéo theo những cuộc biểu tình cháy đỏ khắp cả nước, đặc biệt ở 2 thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn.

Những người dám xuống đường lúc đó phải đối mặt với cơn thịnh nộ từ phía chính quyền, cụ thể hơn là chịu sự bạo lực, sự đàn áp không nương tay của lực lượng công an – dân phòng/dân quân tự vệ và đương nhiên, máu người dân đã đổ. Cũng không thể không nhắc tới những số phận vì việc này phải đi tù – anh Hoàng Bình, Nguyễn Văn Hóa,  ông Lê Đình Lượng, v.v.

Số hải sản chết dạt vào bờ được đánh giá khoảng 100 tấn, trên 17.600 tàu cá và gần 41.000 người đã bị ảnh hưởng trực tiếp. Trên 176.000 người phụ thuộc bị ảnh hưởng theo. Do không thể đánh bắt trong phạm vi từ bờ đến 20 hải lý, có tới 90% tàu lắp máy công suất thấp và gần 4.000 tàu không lắp máy đã phải nằm bờ. Sản lượng khai thác ven bờ thiệt hại khoảng 1.600 tấn/tháng.

Với hoạt động nuôi trồng thủy sản, có 9 triệu tôm giống bị chết, hàng ngàn lồng nuôi cá cũng bị thiệt hại. Về lâu dài, do các rạn san hô, phù du sinh vật cũng chết nên có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi thức ăn biển, khiến suy giảm đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản khu vực, ảnh hưởng đến sinh kế lâu dài của dân. Theo ông Nguyễn Xuân Phúc, sự cố này gây ra đã gây thiệt hại 0,3% GDP của Việt Nam.

Từ đầu năm 2016, Formosa đã nhập 297 tấn hoá chất độc hại để phục vụ thi công và súc rửa đường ống để chuẩn bị cho giai đoạn vận hành. Có hàng trăm tấn hóa chất cực độc phục vụ súc xả đường ống đã được Formosa nhập khẩu và sử dụng mà không hề thông báo cho cơ quan quản lý tại địa phương theo luật định.

Chiều ngày 29 tháng Sáu năm 2016, tại trụ sở Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, gần 50 đại diện các bộ, ngành cùng các nhà khoa học đã chứng kiến Formosa nhận lỗi, cam kết các trách nhiệm liên quan đến xử lý ô nhiễm, bồi thường kinh tế cho người dân vùng cá chết.

Mức bồi thường 500 triệu USD cho cả 3 vấn đề: 1) thiệt hại của người dân; 2) hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; và 3) phục hồi môi trường biển. Số tiền bồi thường thật là nhỏ nhoi, ngay cả nếu chỉ so với dân số của 4 tỉnh bị ảnh hưởng chính là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên−Huế là gần 4 triệu người. Trong đó, số ngư dân đánh bắt cá biển và người nuôi trồng thuỷ sản ven biển xấp xỉ 1 triệu người; số người làm dịch vụ du lịch, chế biến thuỷ hải sản, xuất khẩu cũng cỡ vài chục ngàn người. Tính ra bồi thường sinh kế bình quân cho mỗi đầu người chỉ khoảng 125- 130 USD cho gần 4 tháng xảy ra thảm hoạ. Nghĩa là mỗi tháng mỗi người dân được đền bù khoảng 1 triệu đồng.

Chưa đến một tháng sau, ngày 23 tháng Bảy 2016, báo chí trong nước loan tải thông tin các cơ quan chức trách đã phát hiện 8 điểm chôn lấp và xử lý chất thải của Formosa Hà Tĩnh tại nhiều khu vực thuộc tỉnh Hà tĩnh. Theo báo cáo của Sở Tài Nguyên – Môi Trường tỉnh Hà Tĩnh lúc đó  thì khi kiểm tra chứng từ xuất kho cho thấy số lượng chất thải của Formosa Hà Tĩnh đã đưa ra khỏi nhà máy lên đến 267 tấn.


Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc tại Cty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh hôm 24/7/2017. Ảnh: TPO/TTXVN.

Hôm 24 tháng Bảy 2017, tại buổi thị sát khu liên hợp gang thép của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) và làm việc với FHS, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và các bộ, ngành liên quan, ông Nguyễn Xuân Phúc nói rằng “Không an toàn thì không được sản xuất; nếu vi phạm trở lại thì phải đóng cửa nhà máy. Việc nâng công suất nhà máy phải đi liền với bảo vệ môi trường.”

Ngày 6 tháng Năm, 2019 Formosa lại tái phạm với hàng triệu tấn chất thải rắn, một bằng chứng cho thấy những kẻ bảo kê cho Formosa đã nhúng tay vào tội ác với nhân dân Việt Nam, tàn phá môi trường sống của người Việt Nam. Điều đặc biệt ở đây là cảnh sát môi trường phải ‘bó tay’ với hàng triệu tấn chất thải ấy ngay trên lãnh thổ của mình. Vậy thì đứng trước sự việc hơn 3,5 triệu tấn bùn thài này, ông Phúc phải thực hiện điều đã hứa là “đóng cửa Formosa ngay tức khắc nếu tái phạm.”

Sự kiện cảnh sát môi trường Hà Tĩnh bó tay ngay trên vùng đất quản lý của mình đối với một công ty có bóng dáng rất lớn của Trung Cộng ở phía sau thì việc Hà Tĩnh rơi vào vùng chi phối của Tàu ngày càng quá rõ ràng. Nói cách khác, Trung Cộng rất gian manh trong những thủ đoạn bành trướng và nếu Hà Tĩnh đã bị Trung Cộng chi phối thì đất nước Việt Nam không bao giờ “thoát trung” nổi. Công an Hà Tĩnh thì bó tay, lãnh đạo trung ương, nhất là Bộ Tài Nguyên và Môi Trường thì bị mua chuộc, vậy chúng ta còn trông chờ điều gì ở chính phủ Nguyễn Xuân Phúc?

Chẳng lẽ cả dân tộc ta đành bó tay đứng nhìn tập đoàn Formosa hủy hoại đất nước mình hay sao?

Chúng ta phải tiếp tục xuống đường cho đến khi Formosa đóng cửa.

Quỳnh Hương