ánh mắt của một thiếu nữ Myanmar khi bị đánh đập tra tấn vì đòi sống tự do trước chính quyền độc tài.
ÁNH MẮT
CỦA
LƯƠNG TRI
Ánh mắt em, con gái
Thắp sáng cả lương tri
Ánh mắt đáng nghĩ suy
Về niềm tin, chân lý
Ánh mắt của lý trí
Nhìn ác quỷ hiện hình
Ánh mắt của thần linh
Chất chứa tình nhân loại
Hỡi cường quyền bại hoại
Hãy hối cải, dừng tay
Hỡi chuyên chế, độc tài
Hãy quay đầu , dừng lại
Mắt em, người con gái
Thắp sáng cả đêm dài
Thắp sáng cả ngày mai
Là tương lai Miến điện
Ma quỷ còn ẩn hiện
Dân tộc còn oan khiên
Thần thánh không thể thiền
Mắt em, tâm Phật hiện !
.........18/03/2021.......NQV......Nguyễn Quốc Việt
Trí Thức An Nam
Tôi đã đọc và nghĩ rất nhiều về người trí thức. Thế nào là trí thức? Lao động trí óc không thôi chưa thể gọi là trí thức. Anh phải dùng “trí” của mình để “thức” xã hội. Cái xã hội ấy không phải là danh từ “xã hội” chung chung, đó phải là một xã hội đan bện trong thiết chế chính trị, một xã hội không bao giờ được trừu xuất khỏi chính thể đã tạo nên nó.
Một nhà khoa học đóng cửa trước cái khí quyển chính trị mà anh ta thuộc về để chỉ cặm cụi với những ống nghiệm và trang sách mà đích đến là một bãi lầy nhiễm độc không một hạt giống hay hạt chữ nào có thể nảy mầm hay lên xanh thì đó là gì nếu không phải là một sự ngu dốt? Có thể không là ngu dốt, nhưng hèn. Mà cái hèn ấy rốt cuộc lại từ đâu sinh ra? Từ sự ngu dốt. Vì kẻ có trí tuệ không bao giờ hèn nhát. Hắn nhìn thấy sự liên đới trùng trùng và nhìn thấy viễn cảnh tai họa trên đầu hắn và gia đình hắn một ngày kia, không thể trốn thoát, không thể lẫn tránh. Và hắn hành động.
Các nhà khoa học sẽ không thể được tha thứ nếu im lặng trước những bất công bạo tàn mà một thể chế chính trị đang gây ra trước mắt ông ta. Ông ta, hoặc là đui mù, hoặc là khốn nạn. Còn đối với phường giá áo túi cơm mang danh nghệ sĩ, mang danh nhà giáo, nhà khoa học… thì càng đáng khinh hơn nữa. Chúng 2 lần gây họa: Một lần ăn tốn cơm dân, và một lần tiếp tay cho cái ác. Hay là họ thực sự không nhìn thấy? Ô! Nếu thế thật thì quả là vi diệu.Tôi chưa từng thấy một giáo chủ hay một khoa học gia chân chính nào không mở miệng khi chứng kiến cái ác và sự tồn vong của con người trước mắt ông ta.
Tôi không biết các người đang ở đâu. Và làm gì. Khi ngoảnh mặt với nỗi đau của đồng loại để nằm liếm láp bộ lông của chính mình, chắc các người phải thấy thỏa mãn lắm, vì chúng đã mượt, và bóng láng. Đó là “thành công”, là “sự nghiệp”. Nó gây tê và làm đê mê cho đến tận giây cuối cùng của một kiếp sống. Nó xứng đáng là thần dược của chốn không có con người.
Đau khổ ư? Bất lực ư? Đừng nói dối, không có kẻ nào đau lại không ngoác mồm ra mà la lên một tiếng cả. Dù chỉ là “hừ hừ”.
“Tháp ngà” ư “kinh viện” ư? Được thế đã mừng lắm. Nghề xào nấu và món lẩu thập cẩm vẫn đang được ưu chuộng nhất hiện nay. Hãy cứ ở đó mà làm một nhà khoa học “hàn lâm” đi, những đóng góp của quý vị đã nhiều và nặng đến nỗi ngày nay không còn một ngành khoa học hay lĩnh vực nào có thể ngóc đầu dậy nổi.
Thật ra tôi cũng không nên trách các người, vì tôi chẳng có tư cách gì để làm việc đó cả. Trong lúc nói những lời này thì cùng với khinh bỉ các người, tôi đang khinh cả tôi nữa. Chúng ta đáng khinh.
Chỉ hi vọng, thay vì căm ghét tôi, xin hãy cùng xấu hổ. Cúi đầu xuống. Để một lần ngẩng lên.
----------
Bài hùng biện của một học sinh trong cuộc thi "Socrates học đường 2019" với chủ đề "Người trí thức và tương lai xã hội" do tôi tổ chức. Hình là tôi thêm vào để tăng tính thời sự khi đăng tải lại nội dung bài thi.
TH
18.03.2021
Thái Hạo