Cái chết của Lưu Hiểu Ba giải Nobel Hòa Bình 2010, nhà ly khai hàng đầu ở Trung Quốc vẫn để lại nhiều dư âm xúc động trên báo chí Pháp, đặc biệt nhật báo Le Monde đã dành nhiều trang bài để nói về nhà đấu tranh vì dân chủ này. Xã luận của nhật báo Le Monde chạy tựa : « Lưu Hiểu Ba và sự lãnh đạm của phương Tây ».
Dân Hồng Kông tưởng niệm Lưu Hiểu Ba. Ảnh 15/07/2017.
Reuters
Mở đầu bài viết, le Monde nhắc lại vào năm 2008 khi chọn đặt tên cho cương lĩnh đấu tranh vì dân chủ ở Trung Quốc là « Hiến Chương 08 », nhà ly khai Lưu Hiểu Ba và các bạn bè ông muốn có sự liên tưởng tới bản « Hiến Chương 77 » nổi tiếng do nhà ly khai của Cộng Hòa Séc, Vaclav Havel soạn thảo năm1977.
So sánh với các nhà đấu tranh vì tự do dân chủ nổi tiếng trên thế giới, Le Monde nhận thấy, Vaclav Havel cũng giống như Lưu Hiểu Ba đã phải ngồi tù nhiều năm vì một bản hiến chương, nhưng rồi ông đã trở thành tổng thống. Đến Nelson Mandela, một biểu tượng đấu tranh vì tự do và quyền con người, cũng đã trở thành lãnh đạo đất nước Nam Phi sau 27 năm bị giam cầm. Giống như Mandela, Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hòa Bình khi đang ở trong tù. Nhưng chỉ có cái chết mới giải thoát được ông khỏi vòng giam cầm của chế độ Cộng Sản Bắc Kinh.
Le Monde nhận thấy có điểm khác biệt rõ rệt giữa số phận của Lưu Hiểu Ba với những nhà đấu tranh nổi tiếng khác. Vaclav Havel, Nelson Mandela hay Andrei Sakharov thì được các chính phủ dân chủ trên thế giới quan tâm đấu tranh liên tục đòi tự do cho họ. « Không có một cuộc gặp cấp cao hay hội nghị quốc tế nào mà tên của họ không được nhắc tới. Nhiều cuộc thương lượng ở cấp cao nhất đã từng diễn ra để đòi tự do, cải thiện điều kiện giam giữ cho họ hay thậm chí có cả những cuộc mặc cả trao đổi », Le Monde nhấn mạnh.
Tuy nhiên với trường hợp Lưu Hiểu Ba thì khác. Gần đây nhất, tại thượng đỉnh G20 diễn ra trong hai ngày 07 và 08/07 ở Hambourg, Đức, vấn đề Lưu Hiểu Ba được né tránh khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng có mặt ở đó. Tờ báo nhắc thêm sự kiện trong cuộc họp báo chung giữa tổng thống Pháp và Mỹ tại Paris, được một nhà báo Trung Quốc đặt câu hỏi về ấn tượng của họ đối với ông Tập Cận Bình, ông Macron thì gọi đó là « một trong những lãnh đạo lớn của thế giới » còn ông Trump thì tán dương đó là « một người bạn, một lãnh tụ tài năng, một người rất tốt ». Nhưng cả hai không đả động một lời nào về cái chết của giải Nobel Hòa Bình trong khi bị giam cầm.
Mặc dù sau đó tổng thống Pháp đã có vài dòng trên Twitter bày tỏ cảm xúc về cái chết của nhà ly khai. Ngoại trưởng Mỹ thì cũng kêu gọi Bắc Kinh để bà Lưu Hà vợ góa của Lưu Hiểu Ba được tự do ra nước ngoài. Xã luận của Le Monde ghi nhận, trong tất cả các phản ứng từ phương Tây về cái chết của Lưu Hiểu Ba, người ta tránh nói đến nhân quyền, hay bản án phi nhân đạo của chính quyền Trung Quốc đối với những nhà đối lập .
Le Monde bình luận : « Đó là hành động thiếu tư cách đạo đức và là một sai lầm chính trị. Chủ tịch Tập đã cố công thể hiện vai trò cường quốc kinh tế đang lên. Ông ta cũng cố tỏ ra là một đồng minh của châu Âu trên mặt trận khí hậu, một nhân tố đáng kể trong các cuộc đàm phán thương mại, ông ta có thể làm tất cả những điều đó nhưng đồng thời phải tôn trọng cuộc sống của những công dân của nước mình dám đấu tranh vì tự do. Các nước phương Tây có trách nhiệm nhắc nhở ông Tập điều đó. Điều tối thiểu giờ đây là phương Tây đấu tranh đòi tự do cho bà Lưu Hà để bà được lựa chọn nước bà đến ».
Theo vi.rfi.fr