Đón chào năm 2019
31.12.2018
Lý Thái Hùng
Cách đây đúng một thế kỷ, nhân loại đã tìm thấy ánh sáng hòa bình sau khi Đại thế chiến lần thứ nhất kết thúc vào tháng 11 năm 1918. Cuộc đại chiến bùng nổ vào năm 1914 kéo dài trong 5 năm với 38 quốc gia tham gia, hơn 70 triệu người bị cuốn vào cuộc chiến. Vào lúc đó, có hơn 100 ngàn người Việt Nam đã bị chính quyền thuộc địa Pháp đưa sang phục vụ cho mẫu quốc tại các chiến trường ở Phi Châu và Âu Châu.
Một thế kỷ sau, nhân loại tuy không đang trải qua cuộc đại chiến nào, nhưng sự trổi dậy của Trung Quốc cùng với tham vọng muốn qua mặt Hoa Kỳ để lãnh đạo thế giới của ông Tập Cận Bình, đã là nguyên nhân gây ra cuộc chiến tranh mậu dịch giữa Mỹ và Trung Quốc trong năm 2018.
Cuộc chiến mậu dịch tuy không có tiếng súng và khói thuốc nhưng nó đe dọa sự bất ổn xã hội và có thể đẩy nhiều quốc gia rơi vào tình cảnh phá sản nếu cuộc chiến này kéo dài. Riêng Việt Nam, đàng sau những hy vọng gia tăng dòng vốn đầu tư ngoại quốc (FDI) do nhiều công ty nước ngoài và cả Trung Quốc sẽ di dời nhà máy sang Việt Nam để tránh áp thuế từ phía Hoa Kỳ, thực tế không hoàn toàn mầu hồng là thêm công ăn việc làm và tăng trưởng GDP. Những hệ quả của việc gia tăng FDI này đang đe dọa nền độc lập của nước nhà sẽ tiếp tục gia tăng, như nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư ngoại quốc và càng thêm lệ thuộc vào phương Bắc – từ phương tiện sản xuất cho đến các nguyên vật liệu, môi trường tiếp tục bị hủy hoại.
Tại buổi tọa đàm về “Sức bật kinh tế 2019 nhìn từ tam nông” do Báo Nông thôn ngày nay tổ chức hôm 19 tháng 12, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào FDI, chiếm tới 25% GDP và 75% giá trị xuất khẩu. Nhưng giá trị FDI rất thấp vì chủ yếu là gia công, không phải kỹ thuật cao do kỹ năng kém.
Đe dọa thứ hai là nguy cơ về môi sinh khi luật bảo vệ môi trường của Việt Nam lỏng lẻo, lại càng bị các công ty ngoại, nhất là Trung Quốc khai dụng để thủ lợi, trong khi guồng máy nhà nước tham nhũng sẽ nhắm mắt làm ngơ trước các vi phạm. Formosa là một điển hình.
Trong khi đó, Tiến sĩ Lưu Bích Hồ, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng Việt Nam đang đối mặt với một núi nợ. Không chỉ có nợ công, mà cả nợ của doanh nghiệp, nợ người dân lên tới khoảng 235% GDP. Tiến sĩ Lưu Bích Hồ nêu câu hỏi rằng: “Sống trên khoản nợ lớn thì làm ăn ra sao? Tiếp sau đây, nếu chịu thêm tác động của chiến tranh thương mại thì chúng ta ứng phó thế nào? Tôi lo rằng sang năm 2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.” Đó là chưa kể tới tình hình kinh tế thế giới được cho là đang bước vào giai đoạn suy giảm với chỉ dấu rõ rệt nhất là thị trường chứng khoán Mỹ xuống dốc thê thảm trong hai tháng cuối năm 2018.
Năm 2019 cũng đánh dấu một số biến cố đáng chú ý trong lịch sử Việt Nam:
45 năm (1974-2019) trận chiến Hoàng Sa
Lợi dụng lúc cuộc chiến ở miền Nam lên cao điểm trước cuộc xâm lăng của quân đội cộng sản miền Bắc, quân đội Trung Cộng dưới sự chỉ huy của Đặng Tiểu Bình đã xua quân chiếm quần đảo Hoàng Sa vào ngày 19 tháng 1 năm 1974. Sau khi chiếm Hoàng Sa, 15 năm sau, Đặng Tiểu Bình một lần nữa đã đưa quân chiếm đóng một phần của quần đảo Trường Sa vào ngày 14 tháng 3, năm 1988 sau khi bắn chìm 3 tàu, làm 64 bộ đội hy sinh.
Cảnh nhóm dư luận viên áo đỏ giăng cờ búa liềm, ngăn cản người dân tưởng niệm những anh hùng đã hy sinh bảo vệ lãnh thổ. Ảnh: Facebook
Hàng năm, người Việt ở trong và ngoài nước đều tổ chức các sinh hoạt kỷ niệm hai biến cố Hoàng Sa và Trường Sa trong sự đàn áp và khủng bố của bộ máy công an CSVN do chế độ lo sợ đàn anh Bắc Kinh phật lòng. Tuy nhiên, những đàn áp của chế độ không thể ngăn nổi lòng yêu nước và sự căm phẫn đối với các hành động bá quyền của phương Bắc, nên vì thế kỷ niệm 45 năm Hoàng Sa, và 31 năm Trường Sa, những người Việt yêu nước sẽ không thể ngồi gục đầu im lặng mà phải có những hành động tích cực để cùng nhau nói với giặc Tàu: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.”
30 năm (1979 – 2019) trận chiến biên giới phía Bắc
Trận chiến biên giới phía Bắc hay còn gọi là chiến tranh biên giới Việt-Trung nổ ra vào ngày 17 tháng 2 năm 1979, do Đặng Tiểu Bình chỉ huy để gọi là “dạy cho Việt Nam một bài học” sau những căng thẳng của hai nước kéo dài nhiều năm từ năm 1975. Trung Cộng đã xua 300 ngàn quân và hàng ngàn xe tăng, đại pháo tấn công vào 6 tỉnh phía Bắc. Cuộc chiến kết thúc sau khi Trung Quốc tuyên bố rút quân ra khỏi Viêt Nam vào ngày 16 tháng 3 năm 1979.
Sáng ngày 17/2/1979, mặc dù các cuộc tấn công của Trung Quốc diễn ra trên cả biên giới 6 tỉnh phía bắc của Việt Nam, nhưng chủ yếu là ở 3 mặt trận Lạng Sơn, Cao Bằng và Lào Cai. Ngoài 3 mặt trận này, Trung Quốc đã tấn công ít nhất là 39 địa điểm trên dọc biên giới dài 1281 cây số.
Tuy mục tiêu của Trung Quốc là buộc CSVN phải rút ra khỏi Campuchia không thành, nhưng cuộc chiến đẫm máu đã để lại nhiều tang thương và hậu quả khủng khiếp đối với nền kinh tế Việt Nam, cùng mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước kéo dài hơn 10 năm. Đến năm 1990, lãnh đạo CSVN thân chinh qua Thành Đô, khấu tấu để quỵ lụy Bắc Kinh đồng ý bình thường hóa và tái lập quan hệ “răng môi” kéo dài từ đó cho đến nay.
Kể từ năm 1990, CSVN hoàn toàn lệ thuộc Trung Quốc trên các lãnh vực từ kinh tế, xã hội, đảng, đoàn, quân sự dưới cái gọi là “16 vàng – 4 tốt”. Trong sự lệ thuộc đó, CSVN đã ngang nhiên dâng nhượng lãnh thổ (mất thác Bản Giốc và Ải Nam Quan, Hoàng Sa, Trường Sa), xóa bỏ các di tích một thời được lập lên để tưởng nhớ các chiến sĩ, đồng bào đã anh dũng chiến đấu chống lại quân xâm lăng phương Bắc. Những mộ bia, những đài tưởng niệm và nhất là những câu viết nói lên lòng hào hùng, dũng cảm của dân tộc đã bị bôi xóa, đập phá. Chúng ta không thể chấp nhận sự hèn hạ này mà phải cùng nhau tái lập để tưởng nhớ đến những con người đã một thời hy sinh cho Tổ Quốc.
30 năm (1989-2019) biến cố Đông Âu
Biến cố Đông Âu là nhóm từ dùng để nói về cuộc tranh đấu thành công của phong trào đấu tranh giành lại tự do dân chủ xảy ra tại 8 nước cộng sản ở Đông Âu vào giữa thập niên 80, dẫn đến sự sụp đổ của khối Cộng sản Liên Xô vào năm 1991. Biến cố này bắt đầu từ Ba Lan vào tháng 1 năm 1980, khi một số người lao động đã liên kết, thành lập Công Đoàn Độc Lập do Lech Walesa lãnh đạo, dần dần đã trở thành một lực lượng chính trị đối lập. Trong suốt gần 8 năm từ 1981 đến năm 1988, công đoàn đã bị đàn áp nặng nề, các thành viên lãnh đạo đều bị bắt giữ.
Nhưng đến tháng 4 năm 1989, trước sức ép của các cuộc đình công chính quyền Ba Lan đã thối lui, chấp nhận Công đoàn Đoàn kết là một tổ chức hợp pháp và được tham gia cuộc bầu cử quốc hội ngày 4 tháng 6 năm 1989. Qua cuộc bầu cử này, Công đoàn Đoàn kết đã chiến thắng bất ngờ.
Ông Lech Walesa (cầm micrô), Lãnh đạo Phong trào Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan. Ảnh: AFP
Sự chiến thắng của Công đoàn Đoàn kết Ba Lan như là khởi điểm, đã đưa đến những diễn biến chính trị làm sụp đổ chế độ độc tài Cộng sản tại 8 quốc gia (Ba Lan, Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc, Đông Đức, Rumania, Bulgaria, Albania và Nam Tư) trong vùng Đông Âu vào năm 1989.
Năm nay, đánh dấu đúng 30 năm biến cố đã tạo một chuyển đổi lịch sử của nhân loại là đã giải phóng hơn 1/3 nhân loại ra khỏi cuộc sống tăm tối và độc tài, độc ác tại các cuộc gia cộng sản. Không những thế, chính biến cố này đã tạo động lượng cho nhiều dân tộc vùng dậy để chấm dứt các thể chế độc tài trong những năm qua. Hiện tại thế giới chỉ còn 4 quốc gia độc tài bám chặt chủ nghĩa xã hội là Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên và Cuba cần phải thay đổi tận gốc rễ, đó chính là guồng máy chính trị đã và đang đày đọa hàng tỷ người trên những vùng đất này.
Nhưng trên hết, 3 sự kiện sau đây mới là ngòi nổ của năm 2019 tại Việt Nam.
Thứ nhất, công ty luyện thép Formosa Hà Tĩnh, sau 3 năm đóng cửa vì xảy ra thảm họa tàn phá môi trường 4 tỉnh ven biển miền Trung, dự trù sẽ chính thức tái hoạt động vào cuối tháng 4 năm 2019. Theo “thỏa thuận” giữa Bộ tài nguyên môi trường với công ty Formosa thì khi nào công ty luyện thép này cải chế nước thải chất độc thành dạng khô – chứ không còn là dạng nước để có thể chuyên chở đi nơi khác xử lý – thì mới được hoạt động. Muốn cải chế chất độc từ dạng nước sang dạng khô không dễ dàng và rOKất nhiều tốn kém; nhưng Formosa không thể để đầu tư hơn 10 tỷ Mỹ Kim nằm phơi nắng. Nhiều phần CSVN sẽ phải để cho công ty Formosa vận hành nhà máy trở lại mà không thực sự theo đúng điều kiện cải chế nước thải, và đây là cơ hội để cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường qua thảm họa Formosa bùng phát trở lại.
Thứ hai, sau nhiều trì hoãn, CSVN sẽ phải mang dự luật đơn vị hành chánh ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Văn Phong, Phú Quốc (Dự luật đặc khu) ra thảo luận và thông qua ở Quốc hội trong năm nay. Mặc dù dự luật chưa thông qua nhưng việc xây dựng hạ tầng cơ sở, khách sạn, casino, phi trường… vẫn đang tiến hành với một số đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc. Để răn đe dư luận và ngăn chận những cuộc biểu tình có thể xảy ra, CSVN đã đưa ra tòa và kết án rất nặng hơn 60 người đã tham gia cuộc biểu tình chống dư luật đặc khu hôm mồng 10 tháng 6 tại Bình Thuận và Đồng Nai. Điều mà ai cũng thấy rõ, dự luật đặc khu nằm trong chiến lược bành trướng “một vành đai – một con đường” của Bắc Kinh nên sự phẫn nộ của người dân chắc chắn sẽ bộc phát khi mà Quốc hội CSVN mang vấn đề này ra thảo luận và biểu quyết trong năm 2019.
Thứ ba, để chuẩn bị việc “thay máu” những nhân sự thuộc các phe nhóm khác trong trung ương đảng nhiệm kỳ 13 (2021-2026), ông Nguyễn Phú Trọng với tư cách lãnh đạo tiểu ban nhân sự sẽ bắt đầu chọn lọc, luân chuyển một số cán bộ ở các Bộ và các cấp Tỉnh, Thành phố trong năm 2019. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra sự rạn nứt ngấm ngầm trong nội bộ, nhất là những cán bộ ở một số ngành trung ương, địa phương có nhiều liên hệ với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong quá khứ. Tình trạng này dẫn đến một hệ quả khác với trước đây, thay vì xảy ra những đấu đá ở thượng tầng trước mỗi kỳ đại hội, thì nay là những chống phá ngầm làm trì trệ công việc ở các ban ngành, dẫn đến tình trạng đình đọng công việc nếu không là tê liệt hoặc hủy hoại guồng máy vận hành. Hiện tượng này đã và đang xảy ra ở Đà Nẵng và Sài Gòn, nơi xảy ra nhiều vụ án trong kế hoạch đốt lò của ông Trọng.
Nếu năm 2018 là năm mà CSVN khủng bố mạnh mẽ đối với phong trào dân chủ và kế hoạch đốt lò của ông Trọng lên đỉnh điểm với hàng trăm cán bộ bị kết tội qua nhiều vụ án, thì năm 2019 sẽ là năm nội bộ CSVN phát sinh nhiều hiện tượng rệu rã, đấu đá, triệt tiêu do phe nhóm ông Trọng đang muốn giành độc quyền kiểm soát đảng trong 5 năm tới. Đây cũng là cơ hội để cho sức bật của người dân bùng phát, nương theo các biến cố lịch sử và nhất là từ hai ngòi nổ “thảm họa Formosa” và “dự luật đặc khu” trong năm 2019.
Lý Thái Hùng
Ngày Đầu Năm 2019
https://viettan.org/don-chao-nam-2019/
......
⤑