Phụ nữ Ukraina kêu gọi « cấm vận » tình dục đàn ông Nga

Trong khi các biện pháp trừng phạt chính trị và kinh tế không làm Matxcơva nao núng, một nhóm phụ nữ thành đạt Ukraina đã tìm được một phương cách khác để gây ấn tượng lên tâm hồn và cả thể xác : đó là không quan hệ tình dục với đàn ông Nga. Nụ hôn của một phụ nữ Ukraina dành cho người đàn ông của mình là quân nhân đang bị kẹt trong một doanh trại ở Crimée trong vòng vây của quân Nga. Ảnh chụp ngày 03/03/2014. REUTERS/Vasily Fedosenko   « Không trao thân cho người Nga », đó là lời hiệu triệu của chiến dịch trên Facebook nhắm vào việc ngăn chận sự dòm ngó lãnh thổ Ukraina của Nga, thu hút sự chú ý trước những gì diễn ra ở Crimée. Những phụ nữ phụ trách chiến dịch này kêu gọi các đồng hương nữ giới : « Chúng ta phải chiến đấu với kẻ thù bằng mọi phương tiện ». Mục tiêu thực tế của họ còn đi xa hơn việc chấm dứt « công nghiệp tình dục » giữa hai nước. Irena Karpa, nhà văn nữ kiêm blogger và nhạc sĩ nhìn nhận : « Chúng tôi chọn cách khiêu khích vì như thế sẽ gây chú ý. Ý nghĩa thực sự sâu sắc của chiến dịch là không nên chối từ lòng tự trọng, sự tự do và Tổ quốc chúng tôi. Hoạt động này nhắm vào Putin và chính sách của ông ta, chứ không phải là phân biệt chủng tộc ». Nữ nhà văn nhắc lại sự tham gia của các phụ nữ Ukraina gốc Nga phong trào phản kháng đã khiến cựu Tổng thống thân Nga Viktor Ianoukovitch phải bỏ trốn vào tháng Hai. Chiến dịch trên đây là sáng kiến của một nhóm « phụ nữ thành đạt » gồm doanh nhân, nhà báo, nhà văn. Câu khẩu hiệu « Không trao thân cho đàn ông Nga » lấy từ bài thơ của một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất Ukraina, Taras Chevtchenko. Mang tựa đề là « Katerina », bài thơ kể lại câu chuyện một thiếu nữ nông dân yêu một sĩ quan Nga. Bị cha mẹ phản đối, cô tìm đến với người tình ở Matxcơva rồi bị bỏ rơi, cuối cùng cô tự tử. Trang Facebook của nhóm vừa ra đời đã thu hút được trên 2.300 “like”, được các trang web khác đề cập kể cả các trang mạng Nga. Một số người Nga chế giễu, số khác cảm thấy tự ái. Cũng trên Facebook, Anton Grigoriev bình luận : « Các cô từ chối những người ủng hộ cung cách xô-viết của Putin, nhưng không phải tất cả những người Nga. Chúng tôi có làm gì đâu ? Mà chính các cô cũng viết bằng tiếng Nga ». Trên trang web lifenews.ru ở Matxcơva, được cho là có liên hệ với cơ quan tình báo, một phụ nữ tên Olga Silaeva viết : « Không ngủ với đàn ông Nga à, như vậy sẽ có nhiều đàn ông hơn cho chúng tôi chọn lựa ». Những người phụ trách chiến dịch cũng bán các áo thun, tiền thu được sẽ dành để mua sắm trang thiết bị cho quân đội Ukraina đang thiếu thốn. Bản thân bà Karpa cũng đã chia tay với người yêu « đế quốc Nga » của mình, sau khi tranh cãi về đề tài quân Nga xâm lăng Gruzia năm 2008.   Các nhà hoạt động Ukraina như vậy đã bổ sung vào một danh sách dài gồm các phụ nữ ở Liberia, Kenya, Togo, Colombia và nhiều nơi khác, trong quá khứ đã sử dụng đến biện pháp « cấm vận » quan hệ tình dục để ngăn trở những người đàn ông tham gia chiến tranh. Truyền thống này có từ thời Hy Lạp cổ đại, như kịch tác gia Aristophane đã mô tả trong vở « Lisistrata » : nữ giới sử dụng cách này để những người đàn ông ngưng cuộc chiến giữa Athènes và Sparte. Nguồn: viet.rfi.fr  
......

Tổng thống đầu tiên Ukraine cảnh báo thế chiến nếu Nga xâm lăng Ukraine

Tổng thống đầu tiên của Ukraine, ông Leonid Kravchuk, cảnh báo rằng nếu Nga xâm lăng lục địa nước ông thì đó có thể là bước khởi đầu của Thế Chiến Thứ Ba. Trong một cuộc phỏng vấn đặc biệt dành cho thông tín viên Steve Herman đài VOA tại Kyiv, ông  Kravchuk cũng nói rằng ông không hối tiếc về việc đã ký từ bỏ võ khí hạt nhân của Ukraine. Ông Leonid Kravchuk (trái), tổng thống đầu tiên của Ukraine nói chuyện với Thông tín viên VOA Steve Herman tại Kyiv Ông Kravchuk với tư cách là nhà lãnh đạo đầu tiên của quốc gia Ukraine độc lập cảnh báo rằng chiến tranh sẽ lan xa ra khỏi nước ông nếu binh sĩ Nga vượt qua biên giới.   Ông Leonid Kravchuk, phát biểu với đài VOA tại thủ đô Ukraine, hôm thứ Ba, rằng ông vẫn còn hy vọng là áp lực của quốc tế có thể ngăn ngừa hành động xâm lấn hơn nữa sau khi Nga chiếm quyền kiểm soát bán đảo Crinea của  Ukraine. Ông Kravchuk nói rằng Tổng thống  Vladimir Putin của Nga “sẽ không thỏa mãn khi chỉ chiếm Ukraine. Đó sẽ không phải là điểm dừng lại … và hành động này có thể là bước khởi đầu của Thế Chiến Thứ Ba.” Mặc dầu Nga phủ nhận kế hoạch hành động quân sự thêm nữa tại Ukraine, họ đã di chuyển binh sĩ tới biên giới giữa hai nước, mà Moscow nói là các cuộc tập trận.  Một số người Ukraine và các nhà phân tích an ninh đã bày tỏ lo ngại rằng Nga có thể sẽ tìm cách nắm quyền kiểm soát các phần đất của Ukraine hay gần Moldova là nơi có số dân sắc tộc Nga đáng kể. Một số người trong nước và ở nước ngoài đã nêu nghi vấn là nếu ông Kravchuk, trong cương vị tổng thống hai thập niên trước đây, đã không đồng ý gởi tới Nga 1800 đầu đạn hạt nhân mà họ thừa hưởng sau khi tách ra khỏi Liên Xô thì Ukraine giờ đây sẽ không phải đối diện với một cuộc chiến tranh có thể xảy ra với đồng minh cũ của họ. Tuy nhiên ông Kravhuk nói ông đã ủng hộ và sẽ còn ủng hộ việc loại bỏ võ khí hạt nhân.” Và đó là lý do tại sao ông đã ký một hiệp định tại Moscow, với Tổng thống Nga lúc đó là ông Boris Yeltsin và Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton để loại bỏ tất cả võ khí hạt nhân khỏi Ukraine. Để đổi lại việc từ bỏ kho võ khí hạt nhân lớn hàng thứ ba trên thế giới vào lúc đó, Ukraine, sau Biên bản Ghi nhớ Budapest, đã nhận được bảo đảm chủ quyền từ cả Nga lẫn các cường quốc Phương Tây. Việc Nga sáp nhập Crimea, sau một cuộc trưng cầu dân ý vội vã giữa lúc xáo trộn chính trị xảy ra ở Kyiv, đã vi phạm thỏa thuận đó - theo Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu. Ông Kravchuk, Tổng thống Ukraine từ năm 1991 tới 1994, kêu gọi  Phương Tây áp đặt các biện pháp chế tài cứng rắn hơn, vì hành động của Nga và mối đe dọa quân sự mà Nga đã gây ra. Ông nói rằng mặt khác Nga có thể “vượt quá lằn ranh” và hậu quả sẽ nguy hiểm không phải chỉ cho Ukraine, mà còn cho thế giới.” Ông Kravchuck, một giới chức Cộng Sản hàng đầu tại Ukraine cho tới khi Liên Xô tan rã, đã đưa ra những lời lẽ gay gắt để mô tả Tổng thống  Putin, người mà ông nhớ như một viên chức KGB xách cặp cho những người khác. Ông Kravchuk nói rằng ông Putin “hấp thụ những phương pháp tệ hại nhất của KGB, mà ông nói là chịu trách nhiệm về việc đàn áp và tất cả những hành vi tàn nhẫn khác đã xảy ra tại Liên bang Xô viết. Ông Kravchuk nói rằng thế giới nên nhớ rằng ông Putin “được nuôi dưỡng trong tổ chức này.” Ông Kravchuk, hiện là Chủ tịch danh dự hội bạn của Ukraine với Trung Quốc, nói rằng ông hiểu được việc bỏ phiếu trắng của Trung Quốc tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý thân Nga tại Crimea là bất hợp pháp. Ông nói rằng quyết định của Trung Quốc không bỏ phiếu phủ quyết cùng với Nga, đồng minh truyền thống của  họ, thật sự là một thắng lợi nhỏ cho Ukraine. Ông Kravchuk nói rằng Trung Quốc có chung một biên giới dài với Nga và muốn hòa thuận với một nước láng giếng ngày càng trở nên hiếu chiến – một tình huống mà ông nói rằng nhân dân Ukraine chắc chắn có thể cảm thông. Nguồn: voatiengviet.com
......

Hệ lụy của việc Crimée sáp nhập vào Nga

Trong cuộc trưng cầu dân ý ngày hôm qua, 16/03/2014, các cử tri vùng Crimée, với hơn 96% phiếu thuận, đã đồng ý sáp nhập vùng lãnh thổ này vào Nga, cho dù phương Tây tuyên bố không thừa nhận cuộc bỏ phiếu này.   Câu hỏi đặt ra là việc Crimée sáp nhập vào Nga sẽ dẫn đến những thay đổi gì đối với người dân trên bán đảo này, đối với nước Nga, Ukrain và phương Tây ? Theo giới phân tích, tình hình trước và sau cuộc trưng cầu dân ý tại Crimée không có gì thay đổi. Bà Hélène Blanc, một chuyên gia về Nga, được trang francetvinfo trích dẫn, nhận định : Bán đảo Crimée đã bị cắt đứt với thế giới bên ngoài và đã bị quân đội Nga chiếm đóng. Do vậy, trong một chừng mực nào đó, vùng Crimée đã gắn với Nga và cuộc trưng cầu dân ý chỉ nhằm chính thức hóa một tình hình đã tồn tại trên thực tế. Vả lại, trước cuộc trưng cầu dân ý, vùng Crimée đã được hưởng quy chế tự trị, có một sự độc lập tương đối với chính quyền Kiev. Về mặt kinh tế, nếu sáp nhập vào Nga, thì vùng Crimée sẽ nhanh chóng chuyển sang dùng đồng Rouble, nhưng sẽ không có thêm các lợi lộc gì vì kinh tế Nga đang gặp khó khăn, tăng trưởng đi xuống, các nhà đầu tư lo ngại các trừng phạt kinh tế và nước Nga bị cô lập trên trường quốc tế. Ngoài ra, Ukraina đang cung cấp 85% nguồn nước và 82% tổng nhu cầu điện của bán đảo Crimé. Trước mắt, Nga chưa thể thay thế nguồn cung ứng này. Bị thiệt thòi nhiều nhất là cộng đồng người Tatar, có nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm từ 12 đến 15% tổng dân số vùng Crimée. Họ không nói tiếng Nga, không nói tiếng Ukraina, theo đạo Hồi, và bắt đầu di chuyển về phía tây Ukraina. Một số chuyên gia không loại trừ nguy cơ cộng đồng Tatar trở thành vật tế thần trong cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraina. Đối với Matxcơva, cuộc trưng cầu dân ý cho phép hợp thức hóa hành động dùng vũ lực chiếm Crimée. Tổng thống Vladimir Poutine muốn chứng mình rằng ông đã hành động một cách hợp pháp, tôn trọng các luật lệ quốc tế. Cho đến hôm qua, trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga vẫn khẳng định cuộc trưng cầu dân ý là phù hợp với công pháp quốc tế. Mặt khác, một giáo sư công pháp quốc tế khẳng định trên trang web francetvinfo rằng luật pháp quốc tế không cho phép cũng như không cấm ly khai. Việc sáp nhập Crimée vào Nga bảo đảm cho Matxcơva kiểm soát được căn cứ quân sự ở Sébastopol, có lối tiếp cận trực tiếp ra biển Đen, cho dù việc kiểm soát của Nga tại đây dựa trên một hợp đồng thuê có hiệu lực đến năm 2042. Trong khi đó, báo Le Monde cho rằng đây là một thắng lợi mang tính tượng trưng cao cho huyền thoại tái lập một nước Đại Nga. Trong lĩnh vực kinh tế, có thể đây là dịp để ông Putin thúc đẩy nền kinh tế chiến tranh. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây, như ngừng cấp giấy nhập cảnh, phong tỏa tài sản Nga, không làm cho ông Putin lo ngại, nhưng nếu các biện pháp trừng phạt kéo dài, thì kinh tế Nga có thể bị suy yếu và Kremlin bị cô lập. Thế hệ lụy đối với Ukraina sẽ ra sao ? Đất nước này bị mất đi 27 ngàn km vuông với hai triệu dân và lối đi ra biển Đen. Cho đến nay, bán đảo Crimée sống chủ yếu dựa vào du lịch, do vậy, Ukraina không chịu tổn thất lớn về kinh tế. Tuy nhiên, đây là một mất mát mang tính biểu tượng cao đối với chính quyền Kiev trong việc giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Đồng thời, đây cũng là một thất bại về ngoại giao của phương Tây. Cho đến tận sát ngày tổ chức trưng cầu dân ý, các nước Châu Âu và Hoa Kỳ vẫn cố tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Ukraina, với nhiều cảnh báo, đe dọa trừng phạt, cô lập Nga. Thế nhưng, theo bà Hélène Blanc, cho đến nay, chỉ có « Hoa Kỳ và trong một chừng mực hạn hẹp nào đó là Đức, là có thể đối thoại với ông Putin ». Hơn nữa, ông Putin bỏ ngoài tai mọi lời kêu gọi của phương Tây và tùy theo từng đối tác, ông có ứng xử khác nhau. Hậu quả là Nga và phương Tây hoàn toàn không hiểu nhau nữa. Theo chuyên gia này, « người Nga là những kỳ thủ tuyệt vời, họ dự ứng trước tất cả các nước đi của đối thủ » và không lộ ra chiến lược của mình. Cho đến nay, nhiều nước Châu Âu vẫn tiếp tục lo lắng về « mối đe dọa bị cắt cung ứng khí đốt mà không báo trước », từ phía Nga. Bà Hélène Blanc nhận định : « Sai lầm cơ bản của Châu Âu là không phát triển một chính sách rõ ràng và có phối hợp giữa 28 thành viên, họ hài lòng với những phản đối nhỏ nhoi thay vì cùng nhau tiến hành một cuộc đối thoại cứng rắn » với Nga. Nguồn: viet.rfi.fr
......

Thái độ của Putin ở Ukraina làm Đông Âu nhớ lại thủ đoạn của Hitler

Nhiều căn cứ quân sự của Ukraina ở Crimée vẫn còn bị biệt kích Nga không mang phù hiệu bao vây. Trước áp lực quốc tế, chủ nhân điện Kremli tuyên bố không cần thiết phải đưa quân chiếm đóng Ukraina « vào thời điểm này», tuy nhiên vẫn dọa sử dụng « mọi biện pháp » để bảo vệ công dân nói tiếng Nga. Thái độ của Vladimir Putin bị xem không khác gì Hitler thời thế chiến thứ hai. Biểu tình ủng hộ Ukraina trước sứ quán Nga tại Vacxava, Ba Lan, 02/03/2014 REUTERS/Przemyk Wierzchowski/Agencja Gazeta Trong cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraina và động thái can thiệp hung bạo của Tổng thống Nga Vladimir Putin, phản ứng mạnh nhất trong Liên Hiệp Châu Âu có lẽ phát xuất từ các thành viên Đông Âu. Cựu ngoại trưởng Cộng hòa Sec, Karel Schwarzenberg, đã so sánh Vladimir Putin với lãnh đạo Đức Quốc Xã Adolf Hitler trước khi gây ra đệ nhị thế chiến. Trả lời nhật báo Áo Osterreich ngày 03/03/2014, cựu Ngoại trưởng Cộng hòa Séc nhận định là sự kiện Nga đưa quân vào Ukraina là một sự tái diễn của lịch sử. Hitler đưa quân chiếm đóng ba nước Áo, Tiệp Khắc và Ba Lan trong những năm 1938 và 1939 cũng dưới chiêu bài bảo vệ công dân Đức bị áp bức. Khi đưa biệt kích sang vùng Crimée của Ukraina, Tổng thống Nga Putin cũng lấy cớ bảo vệ « người nói tiếng Nga bị áp bức, nhưng thực tế người Nga tại Crimée không là nạn nhân của bất cứu tình trạng bất công nào ». Các nước Đông Âu từng là nạn nhân của hai chế độ bạo ngược : Sau 5 năm bị Đức Quốc Xã chiếm đóng là thêm 45 năm bị Liên Xô thống trị. Với kinh nghiệm này, Ba Lan đã tỏ ra rất năng nổ hỗ trợ đối lập Ukraina và thuyết phục các thành viên Tây Âu, đặc biệt là hai đầu tàu Đức, Pháp cứng rắn với Matxcơva. 48 giờ sau khi biệt kích và xe bọc thép của Nga dàn quân tại Crimée thì Washington, qua tuyên bố của Ngoại trưởng John Kerry, mới lên án Nga « xâm lăng » Ukraina. Ngược lại, chính phủ Ba Lan đã có tuyên bố cảnh giác và hành động từ trước. Ngoại trưởng Radoslaw Sikorski, vào ngày 25/02/2013, cùng hai đồng sự Pháp và Đức đã đến tận Kiev. Theo Reuters, thì chính Ngoại trưởng Ba lan, lấy kinh nghiệm đấu tranh thời ông còn là sinh viên trong phong trào Đoàn Kết ở Ba Lan, thuyết phục đối lập Ukraina ký thỏa hiệp với Tổng thống Viktor Ianoukovitch, thay vì khăng khăng dồn đối thủ đến chân tường. Sau khi ký thỏa hiệp này thì Tổng thống Ukraina bỏ chạy sang Nga gây phẫn nộ trong giới dân biểu của đảng cầm quyền, Ianouvitch bị lên án là kẻ phản bội. Quốc hội Ukraina sau đó đã trao quyền Tổng thống và Thủ tướng lâm thời cho đối lập. Ba Lan cũng là thành viên của NATO muốn Liên minh Bắc Đại Tây Dương phải có biện pháp mạnh đặc biệt là thiết lập kế hoạch, hoạt động tình báo, theo dõi động thái của quân đội Nga dọc theo biên giới phía đông của NATO mà Ba Lan nằm ở tuyến đầu.   Trên thực tế, Ba Lan không sợ Putin, nhưng e ngại hệ quả nếu Ukraina bị Nga xâm lược. Từ Vacxava, nhà báo Mạc Việt Hồng, ban biên tập báo mạng Đàn Chim Việt (danchimviet. Info) phân tích : Sau cuộc họp báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 04/03/2014, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nhận định là nhờ vào áp lực của cộng đồng quốc tế, đe dọa cô lập Nga từ ngoại giao, chính trị cho đến kinh tế, cho nên Ukraina tạm thời tránh được một « kịch bản u tối » mà ông cho rằng nguy hiểm cho cả Ba Lan. Kinh nghiệm lịch sử đầy máu xương sau hai lần bị Đức Quốc Xã chiếm đóng và Liên Xô kềm kẹp đã làm cho Ba Lan cảnh giác cao độ. Thủ tướng Donald Tusk kêu gọi cộng đồng quốc tế phải luôn dè chừng Putin. Ông lưu ý, nếu trong cuộc họp báo, Tổng thống Nga « lùi một bước » thì ở một đoạn khác, chủ nhân điện Kremli quy buộc cho Ba Lan và Lithuania « huấn luyện » chiến thuật tranh đấu cho thành viên đối lập. Thủ tướng Ba Lan xem lời quy buộc này là « xa thực tế ». Ngoại trưởng Liiva Linas Linkevicius cũng cho rằng tuyên bố của Tổng thống Putin là lời « vu khống với mục đích kích động người Nga chống Litva ». Đề phòng bất trắc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel thông báo tăng cường yểm trợ quân sự cho Ba lan và ba nước Baltic, đưa thêm chiến đấu cơ phản lực F15 vào khu vực. Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ Martin Dempsey điện thoại cho đồng sự Nga Valery Gerasimov kêu gọi phía Nga « giữ thái độ chừng mực tạo cơ may giải quyết vấn đề bằng giải pháp ngoại giao ». Trong khi đó, giới chuyên gia quân sự Tây phương thuộc các viện nghiên cứu Royal United Services và IISS của Anh Quốc thẩm định, Nga sẽ không tấn công đánh chiếm Ukraina. Thứ nhất là Matxcơva đạt được mục tiêu kiểm soát Crimée, nơi có quân cảng chiến lược Sebastopol. Thứ hai, tuy quân đội Nga mạnh hơn Ukraina nhưng không dễ đánh thắng đối thủ đáng gờm này. Lý do thứ ba khiến Nga không dám động binh vì sợ phơi bày các nhược điểm khi phối hợp tác chiến ba binh chúng hải lục không quân. Dù sao đi nữa thì Tổng thống Nga cũng đã để lộ bộ mặt thật. Nguồn: viet.rfi.fr
......

Ukraina: Nga đồng ý lập nhóm tiếp xúc để đối thoại

Thủ tướng Đức Angela Merkel, một lần nữa, lại giành được thắng lợi về mặt ngoại giao. Vào lúc Hoa Kỳ và Châu Âu tỏ ra lúng túng trước thái độ cứng rắn và mang tính võ biền của Tổng thống Nga Vladimir Putin, bà Angela Merkel vào tối qua, 02/03/2014, đã thuyết phục được ông Putin chấp nhận lập nhóm tiếp xúc để tiến hành đối thoại, với hy vọng tìm được một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraina. Photo: RIA Novosti/AFP Từ Berlin, thông tín viên Nathalie Versieux cho biết thêm chi tiết. « Bà Angela Merkel đã nói chuyện điện thoại với ông Vladimir Putin vào tối qua, Văn phòng Thủ tướng Đức cho biết như vậy. Trước tiên, bà đã trách Tổng thống Nga không tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc qua việc can thiệp quân sự không thể chấp nhận được vào vùng Crimée. Theo thông cáo của văn phòng Thủ tướng Đức, Tổng thống Nga đã chấp nhận đề nghị của Đức là lập ngay một phái đoàn điều tra và một nhóm tiếp xúc, có thể đặt dưới sự chỉ đạo của Tổ chức an ninh và hợp tác Châu Âu – OSCE, để tiến hành đối thoại chính trị. Trước đó, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã tuyên bố chống lại việc trục xuất Nga ra khỏi nhóm G8, một biện pháp mà Hoa Kỳ dự tính. Theo Berlin, biện pháp này không có hiệu quả, bởi vì G8 là diễn đàn duy nhất mà phương Tây có thể nói chuyện trực tiếp với Nga. Ngoại giao Đức có truyền thống đóng vai trò hàng đầu trong quan hệ với Nga. Đối với Berlin, việc duy trì các tiếp xúc với Matxcơva đã có từ lâu và mang tính chiến lược và không thể có hòa bình trong khu vực mà không có sự tham dự của ông Putin ». Đức Tâm RFI
......

Ukraine không cho Yanukovych bay đi

Dù cho đến cuối tuần qua, người Ukraine không rõ vị tổng thống bị Quốc hội phế truất, ông Viktor Yanukovych đang trốn ở đâu, các nguồn tin cho hay ông định xuất ngoại nhưng không thành. Ảnh Yanukovych bị người biểu tình đốt tại Kharkiv Kênh truyền hình Kanal 5 của Ukraine hôm Chủ Nhật 23/2/2014 chiếu một đoạn phim từ camera đường phố gần dinh thự của ông Yanukovych hôm thứ Sáu ghi lại cảnh ông rời nhà bằng trực thăng. Camera ghi lại hình ông Yanukovych và một phụ nữ cùng một con chó lên máy bay sau khi một nhóm đàn ông chuyển lên trực thăng nhiều va-li to. (Trong đó ông Janukowitsch đem theo 560 triệu Đô La? Bild Zeitung Đức)   Theo CNN trích lại nguồn tin Ukraine thì chiếc trực thăng đã bay đến một sân bay của Kiev rồi từ đó, ông Yanukovych và nhóm người thân cận bay tiếp về phía Đông tới Kharkov. Nhưng sau đó có vẻ như ông lại muốn bay đi tiếp và Cục Biên phòng Ukraine xác nhận với báo chí ông Yanukovych và một nhóm đàn ông có vũ trang thuê máy bay tư để xuất ngoại. Tuy nhiên, cơ quan biên phòng phụ trách sân bay ở Donetsk hôm 22/2 đã không cho chiếc phi cơ này cất cánh và buộc ông Yanukovych rời sân bay vì lý do 'không có giấy tờ hợp lệ để xuất cảnh'. Theo ông Sergei Artakov, Cục trưởng Cục Biên phòng Ukraine, thì các nhân viên biên phòng ra đường băng yêu cầu ông Yanukovych không bay đi và ông đã lên một trong hai chiếc xe hơi rời phi trường về hướng không rõ. Các đại gia thi nhau đi Theo báo chí châu Âu hôm Chủ Nhật thì sau vụ cho cảnh sát vũ trang bắn vào đoàn biểu tình ở Kiev hôm thứ Năm, làm chết ít nhất 75 người, ông Yanukovych và nhóm thân cận thấy không thể làm chủ được tình hình và quyết định rút chạy.   Vẫn các nguồn tin này cho hay từ đêm thứ Năm, sân bay Zhulany ở ngoại ô Kiev chứng kiến ít nhất 80 chuyến bay tư nhân của các nhân vật giàu có, tài phiệt Ukraine. Có khoảng 30 chuyến bay rời Ukraine sang Moscow và 35 chuyến sang Tây Âu. Chế độ của ông Yanukovych bị phê phán là thường phân chia các hợp đồng nhà nước đầy giá trị cho giới tài phiệt thân hữu tức oligarkh. Hiện tình hình Ukraine vẫn trong tình trạng không rõ rệt khiến các quốc gia bên ngoài lo ngại. Báo Đức cho hay hôm 23/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin về tình hình Ukraine. Báo chí Đức được nghe tiết lộ rằng cả hai vị lãnh đạo không muốn Ukraine tan vỡ và phải được đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ. Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, bà Susan Rice, thì trả lời phỏng vấn đài NBC rằng Hoa Kỳ không muốn thấy Nga can thiệp quân sự vào Ukraine. Nguồn: bbc.co.uk/vietnamese
......

Ukraina truất phế tổng thống, nhưng có nguy cơ bị tan rã

Ukraina vừa lật qua một trang sử mới với việc phế truất tổng thống Viktor Ianukovitch, và việc trả tự do cho nhà đối lập Iula Timochenko. Thế nhưng, cùng với hy vọng thoát khỏi khủng hoảng là mối lo về nguy cơ nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này bị tan rã. Cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko đã kêu gọi tiếp tục biểu tình chống chính phủ trong bài phát biểu trước đám đông ở trung tâm Kiev. Hôm qua, 22/02/2014, sau khi quyết định trả tự do ngay lập tức cho nhà đối lập Timochenko, cựu thủ tướng, Quốc hội Ukraina đã thông qua nghị quyết về việc truất phế tổng thống Ianukovitch và tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn ngày 25/05 tới. Tuy nhiên, tại thành phố Kharkiv, ông Ianukovitch, đắc cử tổng thống năm 2010 và trên nguyên tắc đến tháng 03/2015 mới hết nhiệm kỳ, tuyên bố là ông không hề có ý định từ chức, đồng thời lên án điều ông gọi là “một cuộc đảo chính”. Đến đêm hôm qua, không ai biết là tổng thống bị truất phế đang ở đâu. Hôm nay, một phát ngôn viên của lực lượng biên phòng ở Donetsk ( miền Đông Ukraina ) cho hãng tin AFP biết là ông Ianukovitch đã toan hối lộ họ để phi cơ của ông được cất cánh bay sang Nga, nhưng họ đã từ chối nhận tiền. Hiện nay, tổng thống bị truất phế của Ukraina đang lẩn trốn trong vùng Donetsk, quê hương của ông và cũng là một trong những thành trì của phe ủng hộ ông. Về phần nhà đối lập Timochenko, sau khi được tự do, đã đến quảng trường Độc Lập để ngỏ lời với khoảng 50 ngàn người đứng chật cứng quảng trường. Bà đã kêu gọi những người biểu tình tiếp tục cuộc đấu tranh. Về phản ứng của quốc tế, nước Nga hôm qua cáo buộc phe đối lập Ukraina “ đã không thực hiện một nghĩa vụ nào” trong thỏa thuận ký hôm thứ sáu với tổng thống Ianukovitch và tố cáo những người mà họ gọi là “thành phần cực đoan vũ trang và những kẻ cướp phá đang đe dọa trực tiếp toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina”. Phản ứng của châu Âu thì hoàn toàn khác hẳn. Trên trang mạng Twitter hôm qua, Ngoại trưởng Ba Lan Silorski, người đã tham gia vào thương lượng giữa phe đối lập với chính quyền Ukraina cho rằng không hề có đảo chính ở Kiev. Về phần Hoa Kỳ thì hoan nghênh việc trả tự do cho nhà đối lập Timochenko, đồng thời nhắc lại rằng chính người dân Ukraina quyết định về tương lai của họ. Nhưng tương lai của nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này còn rất mờ mịt. Tại Kharkiv, các lãnh đạo của những vùng thân Nga ở miền Đông đã không nhìn nhận “tính chính đáng” của Quốc hội Ukraina, mà theo họ, đang làm việc “ dưới họng súng”. Họ cho rằng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina đang bị đe dọa. Quốc gia có 46 triệu dân này cho tới nay vẫn bị phân làm hai, một bên là miền Đông, với dân nói tiếng Nga và thân Nga, chiếm đa số, và bên kia là miền Tây, với dân nói tiếng Ukraina và có tinh thần dân tộc rất mạnh. ***** VN học được gì từ biến cố ở Ukraine? Chừng nào những nhu cầu về dân chủ, nhân quyền thực sự của nhân dân không được giải quyết, thì ổn định chính trị chỉ là bề mặt và đó là bài học mà Việt Nam có thể rút ra từ các diễn biến bất ổn đang diễn ra ở Ukraine, theo Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng từ Hoa Kỳ. http://www.bbc.co.uk/vietnamese/multimedia/2014/02/140222_prof_nguyenman... Hôm 22/02/2014, chuyên gia về quan hệ quốc tế từ Đại học George Mason nói với BBC: "Chừng nào mà những vấn đề đó chưa được giải quyết, thì tình trạng gọi là ổn cố chính trị chỉ là ổn cố về bề mặt thôi, mà luôn luôn hỗ trợ bằng bạo lực, mà bạo lực thì không bao giờ lâu dài được cả". Hôm thứ Bảy, các diễn biến chính trị đã diễn ra dồn dập tại Ukraine, nhất là sau sự kiện Tổng thống Viktor Yanukovych rời khỏi Dinh Tổng thống ở Kiev, cho tới việc Quốc hội do phe đối lập làm chủ tình hình bỏ phiếu kết tội ông. Quốc hội tại Kiev cũng biểu quyết cho phép trao trả tự ngay lập tức do cho cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko, đồng minh một thời và là "đối thủ" chính trị của Tổng thống. Trong lúc đó, những người biểu tình tiếp tục xuống đường phản đối Tổng thống và nội các ở nhiều nơi trong cả nước. Giáo sư Hùng nhân dịp này đã đưa ra lý về giải mô hình, xu thế và phương hướng giải quyết cuộc bất ổn và xung đột chính trị ở Ukraine. Ông cũng phân tích các cấp độ nguyên nhân và tác động của Nga, phương Tây đối với quốc gia Đông Âu cựu cộng sản đang trải qua bất ổn. *** Thái độ của Hoa Kỳ Trong vụ này, nhiều nhà phân tích cho rằng Washington có một thái độ rất chừng mực vì chuyện Ukraina là chuyện của Châu Âu, nên để cho Châu Âu giải quyết. Với tôi, một phần tôi đồng ý, nhưng phần còn lại thì không. Hoa Kỳ có thái độ chừng mực thì đúng, bằng chứng là ngay sau khi ông Yanukovych bị lật đổ, thông cáo của Nhà Trắng chỉ nhắc lại rằng điều quan trọng nhất là tiếng nói, quyết định của người dân phải được tôn trọng. Nhưng mặt khác, chúng ta đừng quên là trong lúc các vị ngoại trưởng EU đang họp khẩn cấp và vẫn chần chừ chưa biết có nên áp dụng biện pháp mạnh với chính phủ Kiev hay không thì Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên đưa ra biện pháp chế tài với chừng 20 nhân vật cao cấp trong chính phủ Ukraina. Chuyện Washington bày tỏ thái độ rõ rệt đó chứng tỏ sự quan tâm của của chính phủ Mỹ đối với tình hình ở Ukraina, quốc gia mà tất cả các nhà lãnh đạo cũng như các viên chức hoạch định chính sách của Mỹ đều xem là quốc gia giữ vị trí chiến lược. Một điểm khác nữa cũng cần phải nói tới là trong cuộc họp cấp bộ trưởng tài chánh của nhóm G-20 vừa mới kết thúc ở Sydney, Australia, Hoa Kỳ là nước đầu tiên lên tiếng nói sẽ cùng với những quốc gia khác sẵn sàng yểm trợ cho Ukraina, để tân chính phủ nước này có điều kiện thực hiện kế hoạch đổi mới, tái lập ổn định kinh tế, tiếp tục con đường dân chủ và phát triển. Trong số những quốc gia Hoa Kỳ nói sẽ hợp tác chung để giúp Ukraina, có cả Liên Bang Nga. Không thể nói đến Ukraina mà không nói tới Liên Bang Nga và ông Putin. Vấn đề còn lại là với một chính phủ lâm thời sắp chào đời và cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra trong vòng 90 ngày nữa, Hoa Kỳ và EU tin rằng sẽ có một người bạn đi sát với mình hơn, cho dù họ hiểu là người bạn đó cũng phải giữ mối giao hảo với cường quốc láng giềng Liên Bang Nga. (Nguyễn Khanh RFA) ***** Tymoshenko kêu gọi tiếp tục biểu tình Cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko đã kêu gọi tiếp tục biểu tình chống chính phủ trong bài phát biểu trước đám đông ở trung tâm Kiev. Bà Tymoshenko, hiện vẫn bị đau lưng, đã diễn thuyết khi ngồi trong xe lăn. Bà nói: "Cho tới khi các bạn kết thúc công việc này... không ai có quyền rút lui cả".   Bài phát biểu được đưa ra vào cuối một ngày đầy sự kiện, trong đó Tổng thống Viktor Yanukovych bị các dân biểu bỏ phiếu truất quyền và phải rời Kiev, nhưng vẫn bác yêu cầu từ chức. Bà Tymoshenko bật khóc khi nói trước đám đông ủng hộ viên vào khuya hôm thứ Bảy: "Các bạn là anh hùng". "Không ai có thể làm được những gì các bạn đã làm... Chúng ta đã loại trừ được căn bệnh ung thư và khối u này." Trong khi nhiều người trong đám đông hò reo cổ vũ Tymoshenko, không phải tất cả các thành viên đối lập đều ủng hộ bà. Trước khi bà bị cầm tù năm 2011, chỉ số uy tín của bà đã giảm sút và nhiều người Ukraine nghĩ rằng bà có lỗi một phần về tình trạng hỗn loạn hậu Cách mạng Cam, cũng như cho là bà thuộc giới lãnh đạo tham nhũng. Phóng viên BBC Tim Wilcox có mặt tại Quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev nói hàng chục người đã tỏ thái độ phản kháng bằng cách bỏ đi khi bà xuất hiện trên khán đài. Bà Tymoshenko được thả sau khi Quốc hội Ukraine thông qua thay đổi trong luật hình sự hôm thứ Sáu 21/2. Bà đã bị án tù bảy năm sau một phán quyết gây tranh cãi liên quan tơi thời kỳ bà làm thủ tướng. Sáng thứ Bảy, bà đã rời bệnh viện ở thành phố Kharkiv, nơi bà bị quản thúc chữa bệnh, và bay về Kiev. Bà nói với các nhà báo có mặt tại sân bay Kiev rằng những kẻ gây ra tình trạng bạo lực "phải bị trừng trị". Bộ y tế Ukraine nói 88 người đã thiệt mạng kể từ ngày 18/2. Giành kiểm soát Người biểu tình đã vào bên trong dinh thự của Yanukovych Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu bãi nhiệm ông Yanukovych và quyết định tổ chức bầu cử tổng thống ngày 25/5 tới. Việc bỏ phiếu nói trên được thực hiện sau khi cảnh sát ngừng canh gác dinh tổng thống, đồng thời cho phép người biểu tình vào xem bên trong dinh thự ngoại ô của ông này. Ông Yanukovych nói những gì vừa xảy ra ở Kiev là "đảo chính" và thề không từ chức. Ông so sánh hành động của phe đối lập với sự nổi lên của phe Nazi trong những năm 1930 ở Đức và cáo buộc rằng các dân biểu thuộc đảng của ông bị "đánh đập, ném đá và sách nhiễu". Phe đối lập hiện đã chiếm kiểm soát thủ đô Kiev, và sự xuất hiện lần cuối được ghi nhận của ông Yanukovych là ở Kharkiv sau khi ông tới đó vào đêm thứ Sáu. Báo chí dẫn lời quan chức Ukraine nói ông Yanukovych đã bị lính biên phòng chặn lại khi ông tìm cách bay sang Nga bằng phi cơ riêng. Trả tự do cho bà Tymoshenko là một trong các yêu sách hàng đầu của phong trào biểu tình. Nó cũng là một trong các điều kiện của thỏa thuận thương mại EU-Ukraine mà ông Yanukovych đã bác từ hồi năm ngoái, dẫn đến các đợt biểu tình phản đối và tình trạng khủng hoảng hiện nay. Chủ tịch Ủy hội Âu châu Jose Manuel Barroso đã hoan nghênh việc bà Tymoshenko được thả, nói đây là "điều tối quan trọng cho một nước Ukraine dân chủ". "Chúng tôi tiếp tục kêu gọi tất cả các bên chấm dứt bạo lực và tập trung vào đối thoại hòa bình, dân chủ." Người phát ngôn Mỹ Jay Carney Hoa Kỳ cũng khen ngợi việc này. Người phát ngôn cho chính phủ Mỹ Jay Carney nói: "Chúng tôi tiếp tục kêu gọi tất cả các bên chấm dứt bạo lực và tập trung vào đối thoại hòa bình, dân chủ". Không khí hòa bình Trong một cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói "không khí hòa bình" đã bao trùm Kiev sau khi Tổng thống Yanukovych ra đi. Tháng Tư 2013, Tòa án Nhân quyền châu Âu phán quyết rằng việc giam giữ trước khi mang Tymoshenko ra xử là bất hợp pháp, nhưng không nói gì về tội danh buộc cho bà. Tòa này cũng không ủng hộ cáo buộc của bà, rằng bà đã bị bắt vì động cơ chính trị, bị đánh đập và từ chối chăm sóc y tế. Thỏa thuận hòa bình mà ông Yanukovych và các lãnh đạo đối lập ký hôm 21/2 nay dường như bị xếp xó sau các diễn biến mới nhất. Thỏa thuận này kêu gọi khôi phục Hiến pháp 2004 và hình thành chính phủ đoàn kêt quốc gia. Nó cũng đã không có tác dụng chấm dứt biểu tình khi các đám đông vẫn trụ lại quảng trường Độc lập và kêu gọi Yanukovych từ chức. Thân thế và sự nghiệp Yulia Tymoshenko ‘Người hùng của cuộc Cách mạng Cam’ ở Ukraine, bà Yulia Tymoshenko, vừa được trả tự do sau ba năm bị cầm tù. Người phụ nữ xinh đẹp, hoạt ngôn, từng dẫn dắt cuộc đấu tranh chống lại kết quả bầu cử năm 2004, bị kết tội hồi năm 2011 vì lạm dụng quyền lực khi thỏa thuận hợp đồng khí gas với Nga. Hợp đồng này bị cho là gây hại cho Ukraine và bà Tymoshenko bị án tù bảy năm. Bà luôn luôn khẳng định rằng các cáo buộc đối với bà đều là giả dối và do người mà bà đã giúp lật đổ năm 2004, ông Viktor Yanukovych, dựng ra. Ông Yanukovych quay lại cầm quyền sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2010. Việc trả tự do cho bà Tymoshenko là kết quả của thay đổi trong luật hình sự mà Quốc hội Ukraine vừa biểu quyết thông qua như một phần trong thỏa thuận cho Liên hiệp châu Âu làm trung gian mà Tổng thống Yanukovych ký phê chuẩn hôm 21/2. Bà Tymoshenko lâu nay đã được cho như biểu tượng của phe đối lập Ukraine và các đồng minh của bà hy vọng bà sẽ sớm quay trở lại chính trường, Trong thông cáo trên website của mình, bà tuyên bố: “Nền độc tài đã sụp đổ”. Các luật sư của bà cho rằng nhà chức trách muốn cầm tù bà suốt đời. Bà còn bị buộc tội trốn thuế từ khi còn làm giám đốc một công ty năng lượng tư nhân những năm 1990. Yulia Tymoshenko 1960 – sinh ra tại Dnipropetrovsk, miền đông Ukraine Những năm 1990 – mở côngty kinh doanh năng lượng và trở nên giàu có 1999-2001 làm việc trong bộ Năng lượng nhưng bất đồng với chính phủ Leonid Kuchma 2004 – ứng viên do Kuchma đỡ đầu là Viktor Yanukovych thắng cử tổng thống nhưng kết quả bị cho là gian lận Cách mạng Cam do Tymoshenko và Viktor Yushchenko dẫn đầu đã lật đổ Yanukovych và là đòn giáng vào Nga 2005 - Tymoshenko trở thành thủ tướng nhưng quan hệ với Tổng thống Yushchenko xấu đi 2010 - Yanukovych thắng cử 2011 – bị tù bảy năm do lạm quyền trong thỏa thuận khí gas với Nga Tháng Hai 2014 – ra tù Trả tự do cho Tymoshenko là một trong các điều kiện đặt ra cho Yanukovych khi ông cân nhắc ký thỏa thuận thương mại và đối tác EU-Ukraine hồi tháng 11 năm ngoái. Bà bị bỏ tù năm 2011 và từng kêu gọi nhà chức trách cho phép bà sang một bệnh viện của Đức để các bác sỹ tại đó có thể chữa bệnh đau lưng mãn tính của bà. Vào tháng Tư 2013, Tòa án Nhân quyền châu Âu phán quyết rằng việc giam giữ Tymoshenko trước khi xét xử là bất hợp pháp, tuy chưa có quyết định gì về việc kết tội bà liên quan tới thỏa thuận khí gas năm 2009. Tòa này cũng không ủng hộ cáo giác của Tymoshenko là việc bắt giữ bà mang động cơ chính trị, cũng không xem xét tố cáo rằng bà bị ngược đãi và không được chăm sóc y tế ở trong trại giam. Đầu tiên bà bị chuyển tới nhà tù Lukyanivska, nơi bà bắt đầu bị đau lưng. Con gái của bà, Eugenia, lúc đó tuyên bố rất lo lắng cho mạng sống của mẹ. Cuối năm 2011 bà được chuyển tới một trại giam ở thành phố Kharkiv phía đông Ukraine. Tuy nhiên bệnh đau lưng của bà không thuyên giảm và các bác sỹ Đức nói bà phải được chăm sóc của chuyên khoa. Năm 2012 Tymoshenko tố cáo giám thị trại giam đã đánh bà khi bà từ chối không tới bệnh viện địa phương để chữa bệnh. Lúc đó bà đã tuyệt thực để phản đối. Nhà chức trách nói bà đã khai man. Cho tới lúc được trả tự do, Tymoshenko bị quản thúc tại một bệnh viện ở Kharkiv. Tymoshenko và Yuschenko là đồng minh trong cuộc Cách mạng Cam Cạnh tranh gay gắt Yulia Tymoshenko trở nên giàu có vào những năm 1990 khi lập một công ty năng lượng tư nhân và sau đó bắt đầu con đường chính trị. Bà bắt đầu được biết tới nhiều năm 2004 trong cuộc Cách mạng Cam, khi bà và đồng minh Viktor Yushchenko hô hào người dân xuống đường phản đối cuộc bầu cử bị gian lận có lợi cho ứng viên thân Nga Yanukovych. Tòa án Tối cao Ukraine đã chuẩn thuận khiếu nại của họ và liên minh màu Cam nắm chính quyền với nghị trình thân phương Tây và chống Nga. Tuy nhiên ngay sau khi bà Tymoshenko trở thành thủ tướng và ông Yushchenko làm tổng thống thì quan hệ giữa hai người bắt đầu trục trặc. Ông Yuschenko sa thải bà ngay cuối năm đó sau khi bà có mâu thuẫn với các đảng viên của ông. Tháng Chín năm 2007 bà được bổ nhiệm trở lại khi hai đảng nối lại quan hệ liên minh, nhưng bà và ông tổng thống vẫn tiếp tục cãi vã. Tình trạng này khiến chính phủ không đưa ra được phương cách gì khắc phục tình trạng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vốn ảnh hưởng rất xấu tới Ukraine. Cử tri bắt đầu than phiền và tới cuộc bầu cử năm 2010 thì Cách mạng Cam chỉ còn là dĩ vãng. Ông Yushchenko giành được chưa đầy 6% số phiếu trong vòng đầu, xếp thứ năm. Trong khi đó Tymoshenko duy trì vị trí đứng đầu và lọt vào vòng hai để tranh cử với Viktor Yanukovych. Tuy nhiên uy tín của bà dường như đã sụt giảm và bà thất bại. Lúc đó bà cũng cáo giác là việc bỏ phiếu đã bị gian lận, nhưng các nhà quan sát nước ngoài công nhận kết quả bầu cử. Sau đó Quốc hội đã bỏ phiếu loại Tymoshenko khỏi vị trí thủ tướng cho dù bà đã nỗ lực đấu tranh để tại vị. Trở thành đối lập, bà lên tiếng cam kết sẽ chống Tổng thống Yanukovych tới cùng: "Chúng tôi sẽ bảo vệ Ukraine trước tai họa mới xảy ra với đất nước”. Thế nhưng nhiều phân tích gia cho rằng tai họa xảy ra từ khi các cuộc đấu đá chính trị giữa các phe phái đã khiến kinh tế Ukraine xuống dốc không phanh. Tài phiệt kinh tế Những người ủng hộ Yulia Tymoshenko luôn luôn dựng lên hình tượng bà như một nữ lãnh đạo cách mạng xinh đẹp, đấu tranh không mệt mỏi với tầng lớp lãnh đạo chính trị gân guốc và tham nhũng. Các cuộc tấn công của bà hướng vào giới tài phiệt vốn kiếm bộn tiền trong thời kỳ trước Cách mạng Cam, khi ông Leonid Kuchma nắm quyền, đã khiến bà được cảm tình của nhiều người Ukraine đang bất mãn vì trì trệ kinh tế và tham nhũng. Phe chỉ trích thì nhắm tới tài sản riêng của bà. Tymoshenko sinh năm 1960 tại thành phố công nghiệp Dnipropetrovsk, tại khu vực phía đông chủ yếu nói tiếng Nga, mà nay có nhiều cử tri ủng hộ Yanukovych. Bà có bằng kỹ sư và kinh tế và khi Liên Xô sụp đổ đã nhanh chóng nắm lấy các cơ hội làm ăn. Giữa những năm 1990 bà lập ra công ty Hệ thống Năng lượng Liên hợp Ukraine, làm công việc cung cấp khí gas cho nền công nghiệp Ukraine. Một số đánh giá cho rằng Tymoshenko lúc đó là một trong những người giàu nhất Ukraine, được mệnh danh là “Nữ hoàng khí gas”. Giống như nhiều nhà tài phiệt ở Ukraine, bà chuyển sang làm chính trị và tham gia chính quyền của Yushchenko thời kỳ 1999-2001, thúc đẩy cải cách năng lượng. Bà đã bất đồng với tổng thống lúc đó là Leonid Kuchma, bị giam một tháng vì nghi vấn tham nhũng. Từ đó Tymoshenko đặt mục tiêu lật đổ ông này với một chiến dịch mà cao trào là cuộc Cách mạng Cam. Nguồn: Tổng hợp BBC, RFI, RFA...  
......

Liên Minh 14 tổ chức và mạng lưới NGO lên án Vụ Lê Quốc Quân.

Hà Nội, 19/02/2014: Liên minh 14 tổ chức và mạng lưới NGO về nhân quyền lên án mạnh mẽ trong tuần này về phán quyết của tòa phúc thẩm giữ nguyên án tù 30 tháng cho luật sư và blogger nhân quyền Việt Nam Lê Quốc Quân. Ông Quân đã bị giam cầm từ tháng Mười Hai 2012. Liên Minh cho rằng việc giam cầm ông Quân đến từ động lực chính trị và là phản ứng đối với trang blog của ông, nơi ông thường vạch ra các vi phạm nhân quyền của nhà nước Việt Nam. Ông Quân là nạn nhân của chiến dịch đàn áp có bài bản của nhà cầm quyền đối với blogger, phóng viên dân báo và giới hoạt động dân chủ.   Liên Minh bao gồm ARTICLE 19, Reporters Without Borders, Media Legal Defence Initiative, Freedom House, Avocats-sans-Frontières, Lawyers for Lawyers, Lawyer’s Rights Watch Canada, English PEN, PEN American Center, the National Endowment for Democracy, PEN International, Media Defence Southeast Asia, Front Line Defenders, and the World Movement for Democracy. “Nhà chức trách Việt Nam bắt giữ và kết án ông Quân vì phơi bày các vi phạm nhân quyền, những sai trái mà giới truyền thông nhà nước lờ đi,” Ông Robert Herman, giám đốc chương trình các khu vực của Freedom House phát biểu. Vào ngày 18 tháng Hai, tòa phúc thẩm y án bản án hôm 2 tháng Mười 2013 của ông Quân về tội dàn dựng cho là trốn thuế và kết án ông 30 tháng tù và 59 ngàn đô la tiền phạt. Phán quyết này xảy ra vài tháng sau khi Việt Nam vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng Mười Một 2013. “Sự việc Việt Nam tiếp tục đàn áp giới bảo vệ nhân quyền đưa đến các câu hỏi khúc mắc về vai trò thành viên trong Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc,”  Ông Thomas Hughes, Giám Đốc của ARTICLE 19 cho biết. “Là thành viên của cộng đồng nhân quyền quốc tế đòi hỏi có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ nhân quyền. Việt Nam sẽ được đánh giá qua cách đối xử đối với người dân. Trường hợp ông Quân minh chứng rõ nhà chức trách Việt Nam đã thất bại trong việc bảo đảm và bảo vệ các quyền căn bản, luôn cả quyền tự do ngôn luận”. Phán quyết của Tòa Phúc Thẩm cũng diễn ra tiếp theo sau lời chỉ trích của Ủy Ban Điều Tra về Bắt Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc về việc giam cầm ông Quân. "Quyết định của Việt Nam y án bản án bất công với ông Quân là một vi phạm rõ rệt về nghĩa vụ của Việt Nam cam kết với luật pháp quốc tế,” bà Nani Jansen, Luật Sư Trưởng của Media Legal Defence Initiative cho biết. “Khi bất chấp phán quyết của Ủy Ban Điều Tra rằng việc giam giữ ông vi phạm quyền tự do ngôn luận và quyền được xét xử bình đẳng, và không đếm xỉa gì đến lời yêu cầu trả tự do cho ông, Việt Nam đã thất bại với nghĩa vụ quốc tế 'duy trì tiêu chuẩn cao nhất trong việc đẩy mạnh và bảo vệ nhân quyền'.” Trong bản phán quyết ngày 29 tháng Mười Một năm 2013, Ủy Ban Điều Tra bác bỏ tính chính đáng của bản án và tính hợp pháp của việc giam cầm. Phán quyết kết luận là Việt Nam đã thất bại trong việc tiến hành một phiên xử bình đẳng và có những vi phạm trầm trọng đến độ khiến cho việc giam cầm ông Quân trở thành tùy tiện và trái với pháp luật. “Chính quyền phải bảo đảm là luật sư được thực thi chức năng chuyên môn của họ mà không bị đe dọa hay bị xen vào trái phép. Chính quyền Việt Nam lại đang làm việc ngược lại. Lê Quốc Quân phải được thả ra khỏi tù ngay lập tức,” ông Adrie van de Streek, Giám Đốc của Lawyers for Lawyers cho biết.   Nhóm bốn người gồm hai luật sư của ông Quân, vợ và mẹ của ông hiện diện trong phiên tòa kéo dài bốn-tiếng hôm thứ Hai 18 tháng Hai, trong lúc hàng trăm người biểu tình đứng bên ngoài tòa án, mặc áo ủng hộ ông. Một phái đoàn đại biểu từ Liên Hiệp Âu Châu, Hoa Kỳ và Canada cũng có mặt để quan sát phiên xử, cùng với một số ký giả. Được biết là nhiều quan sát viên bị giữ trong phòng cách biệt với điều kiện kém. “Sự hỗ trợ không ngừng nghỉ dành cho Lê Quốc Quân đến từ gia đình, bạn bè và cộng đồng quốc tế là điều rất quan trọng. Trong một lá thư gửi đến giới hỗ trợ, ông Quân viết rằng 'tôi rất vui khi biết được rất nhiều người vẫn quan tâm, theo dõi và giúp đỡ mình',” Cat Lucas, Giám đốc chương trình Writers at Risk của English PEN cho biết.   Hồ sơ nhân quyền của Việt Nam được duyệt xét tại Liên Quốc vào ngày 5 tháng Hai, 2014 trong phiên họp Kiểm Điểm Định Kỳ Phổ Quát (UPR). Nhiều quốc gia, gồm có Anh, Hà Lan, Ireland, và Úc kêu gọi Việt Nam hãy ngưng đàn áp tự do ngôn luận trên mạng cũng như ngoài mạng. Tuy nhiên, chưa đầy một tuần sau, tám blogger và nhà hoạt động bị công an mặc thường phục đánh đập và bắt giữ tại tỉnh Đồng Tháp. “Lê Quốc Quân là một người Việt Nam yêu nước, một người rất quan tâm đến việc cải thiện cuộc sống của đồng bào ông, một người quan tâm sâu đậm đến quốc gia của ông và lạc quan về viễn cảnh tương lai. Chúng tôi ngưỡng mộ sự dũng cảm của ông và khẩn cầu Nhà cầm quyền Việt Nam hãy tôn trọng quyền tự do căn bản về ngôn luận và hội họp của Lê Quốc Quân,” ông Carl Gershman, Giám Đốc của National Endowment for Democracy cho biết.   Liên Minh kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam thả Lê Quốc Quân, cũng như nhiều người bảo vệ nhân quyền, blogger, các nhà hoạt động đang bị giam cầm chỉ vì thực thi quyền tự do ngôn luận của họ.
......

EU phản đối về kết quả của phiên tòa phúc thẩm Ls. Lê Quốc Quân

THÔNG ĐIỆP LIÊN ÂU VỀ PHIÊN XỬ PHÚC THẨM LS LÊ QUỐC QUÂN   Phái đoàn EU tại Việt Nam bày tỏ quan ngại về việc Tòa án Nhân dân Tối cao Hà Nội hôm nay bác bỏ kháng cáo của luật sư Lê Quốc Quân đối với án phạt 30 tháng tù giam và phạt tiền vì tội trốn thuế trước đó. Vào tháng Tám 2013, Ủy Ban Điều Tra về Bắt Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc ra phán quyết rằng việc giam giữ ông là tùy tiện và vi phạm các tiêu chuẩn xét xử công bằng. Ủy Ban yêu cầu Chính quyền lấy những biện pháp cần thiết để cải sửa tình trạng này. Chúng tôi xin nhắc lại quyền căn bản của mọi người được bày tỏ ý kiến tự do và ôn hòa, theo Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Hiệp Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị mà Việt Nam đã ký kết. Bản án trên là một thất vọng đặc biệt trong khung cảnh Việt Nam được bầu vào Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Phái đoàn xin lập lại những lời kêu gọi trước đây rằng Việt Nam hãy tôn trọng quyền tự do ngôn luận và thả hết những người cổ xúy một cách ôn hòa cho nhân quyền trong nước. Liên Hiệp Âu Châu cũng sẵn sàng tiếp tục làm việc cùng với Việt Nam về những việc này và những vấn đề về nhân quyền và pháp luật khác. **** Hanoi, 18 February 2014 Message from the Delegation of the European Union to Vietnam on lawyer Le Quoc Quan's appeal trial The European Union Delegation to Vietnam expresses its concern over today's rejection, by Hanoi's Supreme People's Court, of blogger and lawyer Le Quoc Quan's appeal against his earlier sentence to 30 months in prison and monetary penalties on tax evasion charges. In August 2013, the United Nations Human Rights Council Working Group on Arbitrary Detention found his detention to be arbitrary for violation of fair trial standards and requested the Government to take necessary steps to remedy his situation. We recall the fundamental right for all persons to hold opinions and freely and peacefully express them, in accordance with the Universal Declaration of Human Rights and the International Covenant on Civil and Political Rights to which Vietnam is a party. The sentencing is particularly disappointing in light of Vietnam’s election to the UN Human Rights Council. The Delegation reiterates prior calls on Vietnam to respect the right to freedom of expression and for the release of all peaceful advocates of human rights in the country. The EU also expresses its readiness to continue working in partnership with Vietnam on these and other human rights and rule of law issues. EUROPEAN UNION DELEGATION TO VIETNAM Nguồn: http://eeas.europa.eu/delegations/vietnam/documents/press_corner/2014/20...
......

Trí thức Âu Châu tiếp tục lên tiếng cho Ls. Lê Quốc Quân

Ngày 15.02.2014, Giáo sư tiến sĩ Johannes Kals (người Đức), đại diện cho 49(*) trí thức Âu Châu đã gởi thư đến bà Maria Böhmer, Thứ trưởng Ngoại giao Cộng Hòa Liên Bang Đức để yêu cầu lên tiếng hỗ trợ cho Luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân, người sẽ bị nhà cầm quyền CSVN đưa ra tòa phúc thẩm vào ngày 18.2.2014 sắp tới. Trong thư gởi bà Thứ trưởng Ngoai Giao Böhmer, Gs. Kals đã đề cập đến bức thư gởi ngày 25.11.2013, trong đó ông cùng đứng tên chung hơn 30 trí thức Âu châu (đến nay đã có 41vị) gởi đến thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN trả tự do cho Ls. Lê Quốc Quân, cũng như việc phái đoàn Đức đã chất vấn phái đoàn CS Việt Nam trong phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) lần thứ 18 tại Geneva vào ngày 05.02.2014 vừa qua với 2 khuyến cáo: 143.117. Trả tự do tức khắc tất cả các tù nhân bị giam giữ tùy tiện và bồi thường thiệt hại cho họ theo như yêu cầu của Ủy Ban Điều Tra về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc, 143.171. Thực hiện các nghĩa vụ của mình theo Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) và bảo đảm đầy đủ các quyền tự do hội họp và tự do ngôn luận trên mạng Internet cũng như trong đời sống thường nhựt cho tất cả các công dân của mình. Nguyên văn bức thư như sau: Danh sách 49 trí thức Âu Châu được cập nhật vào ngày 16.02.2014 - Prof. Dr. Johannes Kals, Initiator der Kampagne für die Freilassung von Le-Quoc-Quan - Vera Lengsfeld, Bürgerrechtlerin in der ehemaligen DDR, ehemalige       Bundestagsabgeordnete und Trägerin des Bundesverdienstkreuzes     - Ingo Röthlingshöfer, Bürgermeister Neustadt a.d.Weinstraße, CDU-Kreisvorsitzender - Dr. Heiner Geißler, Bundesminister a.D.,  Ex. Generalsekretär der CDU - Prof. Dr. Wolfgang Anders, Speyer - Prof. Dr. Thomas Bäumer, Stuttgart - Dr. med. Jörg Breitmaier, Chefarzt, ärztlicher Direktor, Ludwigshafen am Rhein - Maitre Pierre Degoul – Avocat à Neuilly sur Seine / France - Maitre Alexandra Dumitresco – Avocat à Antony / France - Dr. Maryam Taheri Fard, Frankfurt am Main - Dr. Arndt Führ, Bad Kreuznach - Prof. Dr. Arnd Götzelmann, Ludwigshafen am Rhein - Prof. Dr. med. Stefan Grüne, Chefarzt, Neustadt a.d.W. - Dr. med. Alexander Hammer, Nürnberg - Prof. Dr. Eveline Häusler, Karlsruhe - Prof. Dr. Bruno Hildenbrand, Jena - Dr. Ansgar Hohmann, Ulm - Prof. Dr. Lieselotte Ihle-Schmidt, Heidelberg - Dr. med. Helene Kamb, Neustadt a.d.W. - Prof. Dr. Franz Knapp, Neustadt a.d.W. - Prof. Dr. Werner Krämer, Ludwigshafen am Rhein - Dr. med. Hartwig Neumann, Neustadt a.d.W. - Prof. Dr. Michael Schmidt, Bingen - Dr. med. Christian Schöndorf, Neustadt a.d.W. - Dr. Bernd Schumacher, Heidelberg - Dr. med. Karl-Heinz Spörkmann, Landau - Dr. Michael Stapper, Mainz - Dr. med. Margarita Straubinger-Schöndorf, Neustadt a.d.W. - Maitre Anne Tachon – Avocat à Antony / France - Dr. Christoph Vorwerk, Köln - Professeur Michel Waldschmidt, Université Pierre et Marie Curie, Paris / France - Prof. Dr. Helmut Wannenwetsch, Mannheim - Pater Dr. Heiner Wilmer, SCJ, Provinzial, Bonn - Herr Wolfgang Gruber (Ex-Senior Manager, European Bank for Reconstruction and     Development, EBRD) - Dr. Walter Steinmetz, Kaiserslautern (*) Aktualisiert am 16.02.2014 - Herr Harald Beeck, ehem. Geschäftsführer des Deutschen Sparkassenverlags - Herr Dr. Theo Blickle, Neustadt a.d. W. - Dr. Magnus Buhlert, Bremen - Herr Dr. Harald Duffner, Baden-Baden - Prof. Dr. Michael Gassenmeier, Duisburg-Essen - Herr Hans Kamb, Jurist, Neustadt a.d.W. - Frau Marita Keßler, SPD Neustadt a.d.W. - Dr.-Ing. Michael Klein, Landau - Herr Dr. Hans-Günther Knöll, Chefarzt, Neustadt a.d. W. - Herr Johannes Müller, Zahntechnikspezialist, Neustadt a.d.W. - Prof. Dr. Hans Raffée, Mannheim - Herr Heinz Schröder, Dipl. Theologe, Dipl. Ing., Neustadt a.d. W. - Herr Dr. Winfried Wiegräbe, Neustadt a.d. W. - Frau Dr. Gerburg Zech, Neustadt a.d.W.
......

16 NGO quốc tế đòi thả Ls. Lê Quốc đang tuyệt thực trong lao tù

Luật Sư và Blogger Việt Nam Lê Quốc Quân Tuyệt Thực Ngày 13 tháng 2, 2014 Phiên tòa phúc thẩm sẽ diễn ra vào ngày 18 tháng 2, 2014 Một liên minh của các tổ chức NGO quốc tế, bao gồm luôn cả Front Line Defenders, đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Việt Nam tuân thủ phán quyết của Ủy Ban Điều Tra về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc và thả luật sư nhân quyền và blogger Việt Nam Lê Quốc Quân ngay lập tức. Bản thông cáo báo chí sau đây được liên minh các NGO phổ biến ngày 13 tháng 2, 2014: Luật sư nhân quyền và blogger Việt Nam Lê Quốc Quân đang bị cầm tù đã khởi động một cuộc tuyệt thực để phản đối việc quản lý trại tù ngăn cấm không cho ông gặp luật sư, đọc sách luật và tôn giáo, gặp linh mục để hỗ trợ tinh thần trước khi ông ra tòa phúc thẩm vào ngày 18 tháng Hai, 2014 tại Hà Nội. Ông Lê Quốc Quân đã bị cầm tù từ ngày 27 tháng Mười Hai, 2012. Vào năm 2013, việc giam giữ ông Lê Quốc Quân bị Ủy Ban Điều Tra về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc lên án vì vi phạm quyền tự do ngôn luận và quyền được xét xử bình đẳng. Ủy Ban thấy rằng ông Lê Quốc Quân bị nhắm tấn công vì việc làm của ông trong vai trò luật sư và blogger, và kêu gọi trả tự do cho ông ngay lập tức hoặc việc kết án phải được duyệt xét lại bởi một tòa án độc lập. Ủy Ban cũng khuyến nghị Việt Nam bồi thường thiệt hại cho ông Lê Quốc Quân vì việc bắt giữ tùy tiện này. Chính quyền Việt Nam vẫn chưa hồi đáp về quyết định này của Ủy Ban. Một liên minh mở rộng của các NGO và mạng lưới khắp thế giới kêu gọi chính quyền Việt Nam tuân thủ quyết định của Ủy Ban Điều Tra về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc và thả ông Lê Quốc Quân ngay lập tức bao gồm: Media Legal Defence Initiative, Media Defence-Southeast Asia, Lawyers for Lawyers, Avocats Sans Frontières, Front Line Defenders, Access, English PEN, Reporters Without Borders, the Electronic Frontier Foundation, ARTICLE 19, Index on Censorship, Lawyers’ Rights Watch Canada, the National Endowment for Democracy, the World Movement for Democracy, the Electronic Frontier Foundation and PEN International. Các tổ chức kết luận là việc kết án và giam giữ ông Lê Quốc Quân là tùy tiện và vi phạm các quyền hạn được quốc tế công nhận về tự do, được gặp luật sư sớm và được xét xử bình đẳng. Ủy Ban phán rằng “Mục tiêu thật sự của việc giam giữ và buộc tội có thể là để trừng phạt ông về việc thực thi quyền [tự do ngôn luận] và răn đe những người khác làm tương tự.” Để thêm thông tin, xin liên lạc: Nani Jansen, Senior Legal Counsel, Media Legal Defence Initiative: nani.jansen@mediadefence.org and +44 780 540 4089 Gail Davidson, Executive Director, Lawyers’ Rights Watch Canada: lrwc@portal.ca and +1 604 738 0338 Adrie van de Streek, Executive Director, Lawyers for Lawyers: info@lawyersforlawyers.nl and +31 626 274 390 Jochai Ben-Avie, Policy Director, Access Now: jochai@accessnow.org and +1 347 806 9531 HR Dipendra, Director, Media Defence – Southeast Asia: dipendra3000@gmail.com and +60 13 366 1222 Eva Galperin, Senior Policy Analyst, Electronic Frontier Foundation: eva@eff.org and +1 415 436 9333 Benjamin Ismail, Head Asia-Pacific Desk, Reporters Without Borders: asia@rsf.org and +33 1 44 83 84 70 Mary Lawlor, Executive Director, Front Line Defenders: mary@frontlinedefenders.org Cat Lucas, Writers at Risk Programme Manager, English PEN: cat@englishpen.org and +44 20 7324 2539 Nathalie Muller Sarallier, Avocats Sans Frontières Network: coordination@asf-network.com and +33 5 34 31 78 50 Kirsty Hughes, Chief Executive, Index on Censorship: enquiries@indexoncensorship.org Judy Taing, Asia Programme Officer, Article 19: judy@article19.org and +1 (646) 725-1444 Sally Blair, Senior Director, Fellowship Programs, National Endowment for Democracy: sallyb@ned.org and +1 202 378 9700 Art Kaufman, Senior Director, World Movement for Democracy: artk@ned.org and +1 202 378 9700 Cathy McCann, PEN International: cathy.mccann@pen-international.org and +44 (0) 207 405 0338
......

4 Dân Biểu Hoa Kỳ lên tiếng trước phiên xử phúc thẩm Ls. Lê Quốc Quân

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng c/o Đại Sứ Quán Việt Nam 1233 20th Street NW, Suite 400 Washington, DC 20036 Ngày 14 tháng 2, 2014 Thưa Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chúng tôi viết thư này để bày tỏ mối quan ngại về phiên xử phúc thẩm Lê Quốc Quân, một luật sư đang tuyệt thực trong tù. Chúng tôi được biết rằng ông Quân, một nhà tranh đấu nhân quyền và blogger được nhiều người biết đến, đã bị bắt vào tháng 12 năm 2012 về tội trốn thuế được nhiều người xem là có động cơ chính trị. Ông bị biệt giam trong hai tháng đầu và gia đình không được thăm viếng. Vào tháng 10 năm 2013 ông Quân đã bị tuyên án 30 tháng tù giam. Ủy Ban Điều Tra về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc trong tháng 11 vừa qua đã phán quyết việc giam giữ ông Quân vi phạm những tiêu chuẩn luật pháp quốc tế, bao gồm Điều 19 và 14 của Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị, trong đó Việt Nam là một thành viên. DB Zoe Lofgren Member of Congress – DB Loretta Sanchez Member of Congress DB Frank R Wolf Member of Congress – DB Alan Lowenthal Member of Congress Chúng tôi lo âu về việc ông Quân bị giam cầm chỉ vì ông thực thi những quyền hạn ôn hòa của ông. Khi Chủ Tịch Sang viếng Tòa Bạch Ốc vào tháng 7 năm ngoái, hai vị lãnh đạo quốc gia đã tái xác định sự ràng buộc về những nguyên lý cao quí được đề cao trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền không chỉ nói rằng không ai có thể bị bắt giam tùy tiện, mà tất cả mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và quyền bày tỏ ý kiến. Vì thế, chúng tôi yêu cầu ông Lê Quốc Quân phải được thả ngay lập tức vì chúng tôi cho rằng ông bị giam giữ tùy tiện chỉ vì ông bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa. Trân trọng, Zoe Lofgren Member of Congress Loretta Sanchez Member of Congress Frank R Wolf Member of Congress Alan Lowenthal Member of Congress ***** 47 DB Hoa Kỳ yêu cầu Ngoại trưởng Kerry nêu vấn đề nhân quyền VN http://www.viettan.org/47-DB-Hoa-Ky-yeu-cau-Ngoai-truong.html
......

Viet Nam: Le Quoc Quan on hunger strike

PEN International joins a broad coalition of NGOs and networks from around the world to call for the immediate release of blogger and human rights lawyer Le Quoc Quan ahead of his appeal hearing next week. (London, 14 February 2014) Jailed Vietnamese blogger and human rights lawyer Le Quoc Quan has launched a hunger strike to protest the refusal by prison authorities to provide him access to legal counsel, access to legal and religious books, and access to a priest for spiritual guidance, ahead of his appeal trial on 18 February 2014 in Hanoi. Le Quoc Quan has been imprisoned since 27 December 2012. In 2013, the detention of Le Quoc Quan was condemned by the United Nations Working Group on Arbitrary Detention as a violation of his right to freedom of expression and his right to a fair trial. It found that Le Quoc Quan had been targeted for his work as a lawyer and blogger and called for his immediate release or for his conviction to be reviewed by an independent court. It also recommended that Viet Nam pay damages to Le Quoc Quan for his arbitrary detention. The government of Viet Nam has yet to respond to this decision.   A broad coalition of NGOs and networks from around the world is calling on the government of Viet Nam to comply with the decision of the United Nations Working Group and release Le Quoc Quan immediately. We firmly believe that the conviction and ongoing detention of Le Quoc Quan are arbitrary and violate his rights to freedom of expression, freedom of association, a fair trial and his rights as a human rights defender. Media Legal Defence Initiative, Media Defence-Southeast Asia, Lawyers for Lawyers, Avocats Sans Frontières, Front Line Defenders, Access, English PEN, Reporters Without Borders, the Electronic Frontier Foundation, ARTICLE 19, Index on Censorship, Lawyers’ Rights Watch Canada, the National Endowment for Democracy, the World Movement for Democracy, the Electronic Frontier Foundation and PEN International. Notes to editors: Le Quoc Quan was arrested on 27 December 2012 on baseless charges of tax evasion. Following his arrest, he was held incommunicado and denied permission to see his lawyer for two months. Repeated requests by his family to visit him were also denied. Mr Quan first saw a family member at his trial on 2 October 2013, at which he was convicted of evading corporate income tax and sentenced to 30 months imprisonment and a fine of 1.2 billion dong (approximately USD 59,000). He has appealed this decision. The government of Viet Nam has long persecuted Le Quoc Quan for his human rights work. In 2007, after representing numerous victims of human rights violations, he was disbarred from practicing as a lawyer on suspicion of engaging in ‘activities to overthrow the regime’. He has been arrested several times for continuing his human rights advocacy. Following an attack by unknown assailants in August 2012, he was hospitalised. The attack was never investigated by the police. For more information, please contact:   Nani Jansen, Senior Legal Counsel, Media Legal Defence Initiative: nani.jansen@mediadefence.org, +44 780 540 4089 Gail Davidson, Executive Director, Lawyers’ Rights Watch Canada: lrwc@portal.ca, +1 604 738 0338 Adrie van de Streek, Executive Director, Lawyers for Lawyers: info@lawyersforlawyers.nl and +31 626 274 390 Jochai Ben-Avie, Policy Director, Access Now: jochai@accessnow.org and +1 347 806 9531 HR Dipendra, Director, Media Defence – Southeast Asia: dipendra3000@gmail.com and +60 13 366 1222 Eva Galperin, Senior Policy Analyst, Electronic Frontier Foundation: eva@eff.org and +1 415 436 9333 Benjamin Ismail, Head Asia-Pacific Desk, Reporters Without Borders: asia@rsf.org and +33 1 44 83 84 70 Mary Lawlor, Executive Director, Front Line Defenders: mary@frontlinedefenders.org Cat Lucas, Writers at Risk Programme Manager, English PEN: cat@englishpen.org and +44 20 7324 2539 Nathalie Muller Sarallier, Avocats Sans Frontières Network: coordination@asf-network.com and +33 5 34 31 78 50 Kirsty Hughes, Chief Executive, Index on Censorship: enquiries@indexoncensorship.org Judy Taing, Asia Programme Officer, Article 19: judy@article19.org and +1 (646) 725-1444 Sally Blair, Senior Director, Fellowship Programs, National Endowment for Democracy: sallyb@ned.org and +1 202 378 9700 Art Kaufman, Senior Director, World Movement for Democracy: artk@ned.org and +1 202 378 9700 Eva Galperin, Global Policy Analyst, Electronic Frontier Foundation: eva@eff.org and (415) 436-9333 ex. 111 Cathy McCann, PEN International: cathy.mccann@pen-international.org and +44 (0) 207 405 0338 http://www.pen-international.org/newsitems/viet-nam-le-quoc-quan-on-hung...
......

Tóm lược phản ứng quốc tế về báo cáo nhân quyền Việt Nam

Sau khi đại diện nhà nước Việt Nam đọc xong bài tự khen các thành quả về nhân quyền của mình, khoảng 40 quốc gia đã lập tức nêu ý kiến. Vì số quốc gia muốn lên tiếng quá đông, mỗi đại diện chỉ được nói 65 giây.   Nhiều quốc gia yêu cầu nhà nước VN phải chấp nhận để tất cả các điều tra viên LHQ (UN Special Rapporteurs - SR) đến VN quan sát. Hiện giờ, Hà Nội chỉ chấp nhận các SR về chống nghèo đói và y tế đến VN. Vào tháng 7 năm nay mới có SR về tự do tôn giáo đến VN. Còn các SR khác về tự do ngôn luận, tụ do hội họp, v.v vẫn bị Hà Nội khước từ. Nhiều nước cũng yêu cầu nhà nước VN bỏ án tử hình, hoặc ngưng áp dụng án tử hình, và giảm bớt các loại vi phạm dẫn đến án tử hình.   Sau đây là phần tóm tắt một số nhận xét tiêu biểu. Hoa Kỳ: ·         Yêu cầu VN trả tự do cho các ông Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Điếu Cày, Trần Huỳnh Duy Thức. ·         Yêu cầu VN bỏ các đạo luật mơ hồ về an ninh quốc gia   Anh Quốc:·         Chúc mừng VN đã tham gia Hội Đồng Nhân Quyền nhưng nhà nước VN phải chứng minh thiện chí của mình bằng cách thành lập một cơ quan quan sát nhân quyền theo nguyên tắc quốc tế. Thụy Sĩ  (Switzerland): ·         VN phải tuân thủ những phán quyết của Ủy Ban LHQ Chống Bắt Giữ Tùy Tiện và trả tự do cho tất cả các người được nêu tên trong các phán quyết đó, bao gồm các vị trong vụ án Bến Tre, Đỗ Thị Minh Hạnh, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Quốc Quân, và các Thanh Niên Yêu Nước. ·         VN phải tôn trọng quyền của những người đang bị giam cầm, như được phép gặp luật sư, được gặp thân nhân thăm viếng, và không bị hành hạ trong tù Thụy Điển (Sweden): ·         58 bloggers VN đã bị bỏ tù từ năm 2009 đến nay. ·         Công an VN vẫn dùng bạo lực không có lý do chính đáng. ·         VN phải hủy bỏ tất cả điều luật nhằm hạn chế tự do ngôn luận như hiện nay. Bỉ Quốc (Belgium): ·         VN phải nâng cấp hệ thống luật pháp VN lên mức bình thường của luật pháp quốc tế. Canada : ·         VN phải bỏ các điều luật 79, 88, 258 vì nhà nước chi dùng để bắt bớ các nhà dân chủ ·         VN phải tôn trọng nguyên tắc xem bị cáo vô tội cho đến khi có phán quyết của tòa ·         VN phải chống lại tệ trạng bắt bớ tùy tiện ·         VN phải tôn trọng quyền tự do biểu tình ·         Canada sẳn sàng giúp đỡ VN cải thiệu bộ luật hình sự Trung Quốc : ·         Chúc mừng các thành quả của VN về nhân quyền ·         Hoan hô VN đã xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ người tàn tật ·         VN phải cố gắng hơn để bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em, đặc biệt chống bạo hành phụ nữ Cuba : ·         Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nói VN sẽ có một tương lai tươi sáng thì nay đã trở thành sự thật. ·         Cuba sẽ theo gương VN Đan Mạch (Denmark): ·         Rất quan tâm về số bloggers bị giam cầm ·         VN phải bỏ các điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia vì họ chỉ dùng các điều khoản đó để bóp nghẹt tự do ngôn luận. Serbia : ·         VN phải bảo đảm tính độc lập của các quan tòa và công tố viên. France : ·         VN phải xóa bỏ các điều luật 79, 88, 258 * *    * Đáp lại các phê phán và yêu cầu của chính giới quốc tế, nhà nước Việt Nam đưa ra đại diện của 4 bộ và đọc các bản đã soạn trước: Bộ Tư Pháp: ca ngợi kết quả sửa đổi hiến pháp Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư:  ca ngợi kết quả xóa đói giảm nghèo Bộ Thông Tin khẳng định: ·         Nhà nước VN không kiểm duyệt báo chí hay Internet ·         Nghị định 72 chỉ nhằm làm Internet an toàn hơn ·         Luật cấm tổng hợp tin tức báo chí là để bảo vệ bản quyền Bộ Công An khẳng định: ·         VN luôn bảo vệ tự do ngôn luận ·         VN chỉ bắt những người vi phạm luật pháp và không hề có tù nhân chính trị. Trần Sơn tường trình từ Genève ngày 5/2/2014
......

Đại sứ Việt Nam bị hải quan bắt giữ tại sân bay Frankfurt - Đức

Ngoại giao CHXHCNVN: từ bắt sò, sờ mó, buôn lậu sừng tê đến rửa tiền? Đại Sứ Nguyễn thế Cường   Tin tổng hợp – Ngày 19/12/2013, hải quan/quan thuế tại phi trường Frankfurt, Cộng Hoà Liên Bang Đức, đã bắt Đại Sứ VN tại Thổ Nhĩ Kỳ là ông Nguyễn Thế Cường với cáo buộc là đã mang 20.000 Euro tiền mặt mà không khai báo (rửa tiền).  Ông Nguyễn Thế Cường đã bị cảnh sát đưa về đồn để tra hỏi. Ông Đại Sứ Cường biện minh số tiền này là tiền Đại Sứ Quán VN tại Thổ Nhĩ Kỳ quyên góp được giao cho ông mang về nước giúp nạn nhân bão lụt. Theo nguồn tin được báo chí Đức loan tải, đó chỉ là lời khai của đại sứ Nguyễn Thế Cường, nhưng  không có loại chứng từ nào ghi nhận lời khai của ông. Cảnh sát Đức đã thả ông Cường sau khi ông đóng tiền phạt thế chân là 3.500 Euro. Chuyện Đại sứ CSVN tại Thổ Nhĩ Kỳ bị tạm giữ vì vận chuyển một lượng tiền mặt lớn mà không khai báo chắc chắn không làm nhiều người ngạc nhiên. Các viên chức ngoại giao của chế độ Hà Nội đã từng nổi tiếng khắp thế giới vì tống tiền kiều dân khi họ phải liên lạc để làm những thủ tục hành chính cần thiết như gia hạn, đổi passport, xin visa,… nhận hối lộ, bảo kê các hoạt động phi pháp, buôn lậu và thực hiện những hành vi bất xứng khác làm nhục cho quốc thể. Hiện nay phía Bộ Ngoại Giao VN đang cố viện lý do quyền đặc miễn ngoại giao để tố giác ngược lại rằng giới chức trách Đức vi phạm luật quốc tế. Tuy nhiên, đã có nhiều tiền lệ cho thấy nhân viên ngoại giao Việt Nam vi phạm các luật lệ của nước sở tại, từ việc đại sứ VN tại Mỹ đi bắt sò trong khu vực bảo vệ sinh vật biển đến nhân viên sứ quán VN tại Nhật sờ mó phụ nữ bản xứ trên xe điện đông người, đến nhân viên sứ quán VN tại Nam Phi buôn lậu sừng tê giác đang bị tuyệt chủng, v.v... ./. ** Bà Vũ Mộc Anh, bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi bị "bắt quả tang" buôn lậu ngà voi, sừng tê giáchttp://khampha.vn/ajax/printnews/index/66343/7 . **************** Politik-SkandalZoll schnappt Botschafter Botschafter The Cuong Nguyen leitet die vietnamesische Vertretung in der Türkei http://www.bild.de/regional/frankfurt/zollfahndung/schnappt-botschafter-...
......

Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Việt Nam bảo vệ các quyền tự do cá nhân

Hôm nay, 14/12/2013, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bắt đầu chuyến viếng thăm Việt Nam kéo dài 4 ngày, với mục tiêu thắt chặt quan hệ thương mại và an ninh giữa hai nước. Ông Kerry cũng sẽ nêu những quan ngại của Washington về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Trong chuyến công du Việt Nam lần này, Ngoại trưởng Kerry sẽ lần lượt đi thăm Sài Gòn, vùng đồng bằng sông Cửu Long và thủ đô Hà Nội. Ông Kerry đã viếng thăm Việt Nam tổng cộng 13 lần với tư cách thượng nghị sĩ và đây là lần đầu tiên ông đến Việt Nam với tư cách Ngoại trưởng Hoa Kỳ. Tại Sài Gòn hôm nay, ông Kerry, vốn là một tín đồ Công giáo nhiệt thành, đã dự thánh lễ tại Nhà thờ Đức Bà, một cử chỉ đáng chú ý trong một quốc gia thường bị chỉ trích vì những hạn chế tự do tôn giáo. Tiếp đến, phát biểu trước các sinh viên, nhà doanh nghiệp và nhà báo ở Sài Gòn, Ngoại trưởng Mỹ đã tuyên bố : « Việt Nam có nhiều tiềm năng để trở thành một trong những đối tác kinh tế chủ chốt của Mỹ trong khu vực ». Nhưng ông Kerry cho rằng, một « xã hội cởi mở hơn » sẽ góp phần vào sự thịnh vượng của đất nước, cho nên Ngoại trưởng Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam « nắm lấy cơ hội này để bảo vệ các quyền tự do của cá nhân ».   Chuyến viếng thăm của ông Kerry diễn ra vào lúc Hoa Kỳ đang thúc đẩy việc ký kết hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Nhưng các dân biểu Mỹ đã hối thúc Ngoại trưởng Kerry phải gắn liền đàm phán về TPP với tình hình nhân quyền ở Việt Nam.   Trong tuần này, 47 dân biểu Hạ viện Hoa Kỳ đã gởi thư cho ông Kerry bày tỏ mối quan ngại về các vụ bắt giữ ngày càng nhiều blogger và các nhà hoạt động khác ở Việt Nam. Theo hãng tin Reuters, một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết là ông John Kerry dự định nêu vấn đề nhân quyền trong các cuộc hội đàm với các lãnh đạo cao cấp của Hà Nội.   Quan chức nói trên nói với các phóng viên tháp tùng Ngoại trưởng Kerry đến Việt Nam : « Hoa Kỳ sẵn sàng trợ giúp Việt Nam phát triển kinh tế, nhưng đồng thời tin rằng những tiến bộ về nhân quyền và Nhà nước pháp quyền là những điều kiện tiên quyết cho tăng trưởng và ổn định lâu dài, cũng như cho quan hệ song phương, theo như mong muốn của Việt Nam ». Cũng theo hãng tin Reuters, trong chuyến viếng thăm Việt Nam lần này, Ngoại trưởng Mỹ còn sẽ thảo luận về phương cách Hoa Kỳ có thể giúp Việt Nam tăng cường an ninh hành hải trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc gia tăng trên vấn đề chủ quyền Biển Đông. Sau Việt Nam, ông John Kerry sẽ viếng thăm Phillipines, quốc gia cũng đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Bắc Kinh. Nguồn: RFI
......

Các tổ chức NGOs yêu cầu tòa phúc thẩm xử Ls. Lê Quốc Quân trắng án theo pháp lý

Kính gửi: Chánh án Tòa Phúc thẩm, Tòa án Nhân dân Tối cao 262 phố Đội Cấn Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam Fax: +8408048524 Ngày 10 tháng 12 năm 2013 Đồng kính gửi:   1)      Ngài Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam   2)      Ngài Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam   3)      Ngài Franz Jessen, Đại sứ Phái đoàn Liên Hiệp Âu Châu tại Việt Nam   4)      Ngài Hugh Borrowman, Đại sứ Úc tại Việt Nam   5)      Ngài Antony Stokes, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam   6)      Ngài David Devine, Đại sứ Canada tại Việt Nam   7)      Ngài Jean-Noël Poirier, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam   8)      Ngài Joop Scheffers, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam   9)      Ngài David Shear, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam                   Về việc:  Các vấn đề pháp lý củng cố cho kháng cáo của ông Lê Quốc Quân đối với tội danh “Trốn thuế” Thưa Ngài Chánh án Tòa Phúc thẩm, Các tổ chức ký tên trong thư này mong muốn bày tỏ sự ủng hộ dành cho kháng cáo của ông Lê Quốc Quân đối với bản án gần đây áp đặt lên ông vì tội trốn thuế. Qua đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh bốn vấn đề pháp lý củng cố cho kháng cáo của ông Quân, mà chúng tôi hy vọng Quý Tòa sẽ xem xét cả bốn vấn đề khi ra phán quyết về kháng cáo của ông Quân. Thứ nhất, bản thân bản án ngày 2 tháng 10 năm 2013 là không nhất quán. Tòa yêu cầu Công ty của ông Quân – Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam – phải trả tiền phạt. Điều đó cho thấy rằng tội “trốn thuế” về mặt pháp lý là bị quy cho Công ty của ông Quân chứ không phải cho cá nhân ông Quân. Luật doanh nghiệp của Việt Nam có một nguyên tắc căn bản, là công ty có tư cách độc lập và riêng biệt với giám đốc công ty. Do cá nhân ông Quân không phải chịu trách nhiệm về tội “trốn thuế” quy cho Công ty của ông theo bản án ngày 2 tháng 10 năm 2013, nên ông Quân cần được trắng án.   Thứ hai, các tổ chức ký tên trong thư này muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ nhà nước pháp quyền. Phán quyết của Quý Tòa đối với kháng cáo của ông Quân sẽ gửi một tín hiệu quan trọng đến cộng đồng quốc tế về việc Việt Nam có thực hiện nguyên tắc này hay không.   Ai ai cũng biết ông Quân là một người phê bình các chính sách của nhà nước Việt Nam. Khi thực thi, theo đúng luật pháp, quyền tự do biểu đạt của cá nhân theo Điều 19 Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), ông Quân đã nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề quan trọng như tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, vốn thường bị truyền thông nhà nước bỏ quên. Mới đây thôi, Ủy Ban Điều Tra Về Bắt Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc( UNWGAD) đã kết luận rằng việc bắt giam và truy tố ông Quân, rốt cuộc, có lẽ là để trừng phạt ông vì ông đã thực thi quyền tự do biểu đạt của mình theo Điều 19 của ICCPR. Kết luận của UNWGAD:   28. Xem xét và đọc qua các tài liệu thu thập trong vụ này, Ủy Ban tin rằng hồ sơ của ông Quân chủ yếu là các hoạt động về pháp lý của một người luật sư và một nhà tranh đấu cho nhân quyền. Việc ông bị bắt giam hiện nay có thể là kết quả của việc sử dụng các quyền tự do được bảo đảm bởi các luật nhân quyền quốc tế, một cách ôn hoà.   29. Các sự kiện dẫn tới việc bắt giam ông Quân vào ngày 27 tháng Mười Hai năm 2012 cho thấy có liên quan tới các bài viết về các quyền dân sự và chính trị của ông. Tuy ông Quân bị cáo buộc với tội danh trốn thuế. Là một người có quá trình đấu tranh cho nhân quyền và blogger, thì việc bắt giam và truy tố ông có thể nói là nhắm vào mục đích trừng phạt ông vì đã sử dụng quyền tự do dựa theo điều 19 của Luật Quốc Tế về Quyền Dân Sự Và Chính Trị (ICCPR) và cũng là để răn đe những người khác : Điều này cũng đã nhiều lần được báo cáo trong những lần bắt bớ và sách nhiễu ông Quân trước đây.[1]   Chúng tôi rất hy vọng rằng Tòa Phúc thẩm sẽ gìn giữ nhà nước pháp quyền bằng việc ra phán quyết về kháng cáo của ông Quân chỉ căn cứ vào luật pháp và các dữ kiện thực tế đã được chứng minh, mà không sợ và không chịu ảnh hưởng nào từ Cơ quan Hành pháp của Việt Nam.   Thứ ba, điều tối quan trọng là tại phiên phúc thẩm, Quý Tòa hãy đảm bảo quyền được xét xử công bằng của ông Quân theo Điều 14 ICCPR. Việt Nam là một nước tham gia ký kết ICCPR, và nghĩa vụ giữ gìn và đảm bảo quyền này là nghĩa vụ của tất cả các nhánh quyền lực trong chính quyền, trong đó có cả nhánh tư pháp. Giờ đây, khi Việt Nam đã vừa trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ, cộng đồng quốc tế sẽ theo sát kháng cáo của ông Quân với sự quan tâm lớn hơn trước. Quyết định của Quý Tòa đối với kháng cáo của ông Quân sẽ gửi đến cho cộng đồng quốc tế một tín hiệu đo lường mức độ Việt Nam tôn trọng các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền.   Quyền được xét xử công bằng của ông Quân trước sau đều đã bị Tòa án cấp dưới (Tòa sơ thẩm) bỏ qua. Chẳng hạn, đơn xin tại ngoại của ông Quân, gửi ngày 29/12/2012, đã không được xử lý bằng văn bản, mặc dù quyền được tại ngoại trước khi xét xử đã được quy định tại Điều 9 ICCPR. Việc Tòa án cấp dưới không có một phương án giải quyết nào bằng văn bản đối với đơn xin tại ngoại của ông Quân là một chỉ dấu rõ ràng cho thấy ông đã không có quyền được xét xử công bằng như luật quốc tế quy định. Hơn thế nữa, một điều kiện thiết yếu của phiên tòa công bằng, theo luật quốc tế, là phải công khai. Điều này đã không được đảm bảo trong phiên xét xử sơ thẩm ông Quân vào tháng 10/2013. Một nhà quan sát nước ngoài, thuộc Mạng lưới ASF – tổ chức có ký tên trong thư này – đã có mặt ở Hà Nội để dự buổi xét xử ông Quân hồi tháng 10. Thật đáng tiếc, nhà quan sát nước ngoài đó đã nhận thông báo rằng bà không được phép vào dự phiên tòa. Người dân Việt Nam bị nghiêm cấm tham dự phiên xử ông Quân hồi tháng 10/2013. Hơn thế nữa, Việt Nam đã không thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình, là bảo vệ ông Quân trước việc bị bắt giữ tùy tiện, bảo đảm quyền tự do thân thể của ông, bảo đảm quyền được suy đoán vô tội và được tại ngoại trước khi xét xử. Việt Nam cũng không đảm bảo quyền của ông Quân được đền bù cho những thiệt hại mà hành động bắt giữ ông trái pháp luật đã gây ra. Các nghĩa vụ pháp lý đó được thẩm định trong bản đánh giá của Lawyers’ Rights Watch Canada, một tổ chức có ký tên trong thư này, “Tuyên bố về vụ ông Lê Quốc Quân và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: Vi phạm quyền được tại ngoại trước khi xét xử”.[2] Quan trọng hơn cả, UNWGAD đã kết luận rằng việc tiếp tục giam giữ ông Quân là bắt giữ tùy tiện, bởi vì nó vi phạm Điều 9 và 10 của Tuyên ngôn Phổ quát về Các Quyền Con người, vi phạm Điều 9 và 14 của ICCPR. UNWGAD có kết luận như sau về trường hợp ông Quân:   34. Căn cứ vào các sự việc kể trên, Nhóm Làm Việc Giam Giữ Tùy Tiện đưa đến các ý kiến sau: Căn cứ vào các sự việc ông Lê Quốc Quân là tùy tiện, vì đã vi phạm Điều 9 và 10 của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Điều 9 và 14 của Công Ước Quốc Tế Về Quyền Dân Sự và Chính Trị mà Việt Nam là một thành viên ký kết, và rơi vào loại III của các loại vi phạm cần được Ủy Ban lưu tâm.[3]   Do đó, chúng tôi trân trọng kêu gọi Quý Tòa ra phán quyết trả tự do ngay lập tức cho ông Quân, hoặc đảm bảo rằng quyền được xét xử công bằng của ông Quân sẽ được tôn trọng trong quá trình xử phúc thẩm tới đây bằng cách tạo điều kiện cho ông Quân và luật sư của ông có cơ hội được lắng nghe, và bằng cách xét xử công bằng, vô tư. Ở khía cạnh này, chúng tôi viện dẫn quyết định của UNWGAD về trường hợp ông Quân: 35. Kết quả dựa trên các ý kiến nêu trên, Ủy Ban yêu cầu chính quyền [Việt Nam] thực hiện các bước cần thiết để đền bù trường hợp của ông Lê Quốc Quân, là phải trả tự do ngay lập tức, hoặc phải đảm bảo tiến trình xét xử bởi một tòa án độc lập và không thiên vị nghiêm chỉnh tuân theo các luật lệ của ICCPR.[4]   Thứ tư, việc ông Quân là một luật sư có trình độ, và việc ông có các hoạt động trong cương vị một người bảo vệ nhân quyền và blogger theo đuổi nhiệm vụ của mình, phải được Việt Nam tôn trọng, đúng như Nguyên tắc thứ 16 của Các Nguyên tắc Cơ bản của LHQ về Vai trò của Luật sư, theo đó, các nhà nước phải đảm bảo rằng mọi luật sư đều “có thể tiến hành các hoạt động nghề nghiệp mà không bị đe dọa, cản trở, sách nhiễu hay can thiệp vô lý”. Quý Tòa có thể bảo đảm rằng Việt Nam hành động phù hợp với Điều 16 của Các Nguyên tắc căn bản của LHQ về Vai trò của Luật sư, bằng cách đảm bảo rằng ông Quân không trở thành nạn nhân của hành động truy tố có ác ý và hành động bắt giữ tùy tiện. Chúng tôi kiến nghị Quý Tòa xem xét một cách nghiêm túc các vấn đề pháp lý đã được nêu rõ trong thư này, khi ra phán quyết về kháng cáo của ông Quân. Cuối cùng, chúng tôi đề nghị Quý Tòa tuyên trắng án cho ông Quân, theo nguyên tắc Nhà nước Pháp quyền và theo các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền. Trân trọng, Media Defence - Southeast Asia (MDSEA) HR Dipendra Giám đốc Article 19 Agnes Callamard Giám đốc Điều hành Réseau Avocats Sans Frontières / ASF Network Anne Lutun Điều phối viên ASF Network English PEN Cat Lucas Nhà báo, Risk Programme Manager Front Line Defenders Mary Lawlor Executive Director Lawyers for Lawyers (L4L) Adrie van de Streek Giám đốc điều hành Lawyers’ Rights Watch Canada (LRWC) Gail Davidson Giám đốc Điều hành Media Legal Defence Initiative (MLDI) Nani Jansen Cố vấn Pháp lý cao cấp National Endowment for Democracy (NED) Sally Blair Giám đốc cấp cao, chương trình Học bổng Reporters Without Borders Benjamin Ismaïl Giám đốc Khu vực châu Á-Thái Bình Dương [1]Quan điểm này đã được Ủy Ban Điều Tra Bắt Giữ Tùy Tiện (UNWGAD) thông qua tại phiên họp số 67, ngày 26-30 tháng 8 năm 2013, Số 33/2013 (Viet Nam), A/HRC/WGAD/2013.  [2]Đường link vào website http://www.lrwc.org/ws/wp-content/uploads/2013/11/LRWC.Statement-regardi... [3]Quan điểm này đã được Ủy Ban Điều Tra Bắt Giữ Tùy Tiện (UNWGAD) thông qua tại phiên họp số 67, ngày 26-30 tháng 8 năm 2013, Số 33/2013 (Viet Nam), A/HRC/WGAD/2013. [4]Quan điểm này đã được Ủy Ban Điều Tra Bắt Giữ Tùy Tiện (UNWGAD) thông qua tại phiên họp số 67, ngày 26-30 tháng 8 năm 2013, Số 33/2013 (Viet Nam), A/HRC/WGAD/2013. * Nguyên văn bản anh ngữ: The Honourable Appeal Judge 262 Doi Can Street Ba Dinh District, Hanoi City Vietnam Fax: +8408048524 10 December 2013 Copy furnished: 1)     H.E. Prime Minister Nguyen Tan Dung, Socialist Republic of Vietnam 2)     Hon. Chief Judge Truong Hoa Binh, Supreme People’s Court of Vietnam 3)     H.E. Amb. Franz Jessen– Delegation of the European Union to Vietnam 4)     H.E. Amb Hugh Borrowman—Australian Embassy in Vietnam 5)     H.E. Amb. Antony Stokes–British Embassy in Vietnam 6)     H.E. Amb.David Devine—Embassy of Canada in Vietnam 7)     H.E. Amb. Jean-Noël Poirier—Embassy of France in Vietnam 8)     H.E. Amb. Joop Scheffers–Embassy of The Netherlands in Vietnam 9)     H.E. Amb. David Shear–United States Embassy in Vietnam Subject:          Legal issues in support of Mr Le Quoc Quan’s appeal against his conviction for alleged ‘tax evasion’ Dear Hon. Appeal Judge, The signatory organisations wish to express their support for the appeal of Mr Le Quoc Quan against his recent conviction on charges of alleged tax evasion. In this context, we would like to highlight four important legal issues in support of Mr Quan’s appeal which we hope this Honourable Court will take into consideration as it decides on the appeal of Mr Quan.  First, the 2 October 2013 judgment is internally inconsistent. The judgment ordered the company of Mr Quan---Solution Co., Ltd. Vietnam--- to pay a fine. This implies that the alleged ‘tax evasion’ was legally imputed upon the company of Mr Quan and not on Mr Quan himself. It is a fundamental principle of Vietnamese corporate law that a company has a separate and distinct personality from its directors. Since Mr Quan is not personally liable for the alleged ‘tax evasion’ legally imputed upon his company by the 2 October 2013 judgment, he should be acquitted. Second, the signatory organisations would like to stress the importance of upholding the rule of law. The decision of this Honourable Court on Mr Quan’s appeal will send an important signal to the international community on Vietnam’s adherence to this principle. It is well-known that Mr Quan has been critical of the policies of the Vietnamese government. In lawful exercise of his right to freedom of expression under Article 19 of the International Covenant on Civil and Political Rights (ICCPR), Mr Quan had raised public awareness on important issues such as human rights abuses, commonly ignored by Vietnamese state media. Just recently, the UN Working Group on Arbitrary Detention (UNWGAD) concluded that Mr Quan’s detention and prosecution might eventually be to punish him for exercising his right to freedom of expression under Article 19 of the ICCPR. As concluded by the UNWGAD: 28. Considering and reading trough all documentation submitted on this case, the Working Group believes that the profile of Mr. Quan is dominated by his work as a lawyer and as a human rights defender. His current detention might be the result of his peaceful exercise of the rights and freedoms guaranteed under international human rights law. 29. The events leading up to Mr. Quan’s arrest on 27 December 2012 indicate that his arrest and detention could be related to his blog articles on civil and political rights. Although the charge against Mr. Quan is one of tax evasion, given Mr. Quan’s history as a human rights defender and blogger, the real purpose of the detention and prosecution might eventually be to punish him for exercising his rights under article 19 of the International Covenant on Civil and Political Rights (ICCPR) and to deter others from doing so: This point is reportedly underlined by the previous arrests and harassment of Mr. Quan.[1] We fervently hope that this Honourable Court will uphold the rule of law by deciding Mr Quan’s appeal based solely on the law and the proven facts, without fear of or influence from the Executive Branch of Vietnam. Third, it is essential that, during the appeal, the Honourable Court ensures Mr Quan’s right to a fair trial under Article 14 of the ICCPR. Vietnam is a state party to the ICCPR and the obligation to uphold and guarantee this right extends to all branches of government, including the judiciary. Now that Vietnam is a recently elected member to the UN Human Rights Council, the international community will be following Mr Quan’s appeal with increased interest. This Honourable Court’s decision on Mr Quan’s appeal will signal to the international community the measure in which Vietnam respects international human rights standards. Mr Quan’s fair trial rights have been consistently ignored by the Lower Court. For example, the bail application Mr Quan filed on 29 December 2012 has not been resolved in writing, while the right to pre-trial release is guaranteed under Article 9 of the ICCPR. The absence of any written resolution by the Lower Court on Mr Quan’s application for bail is a clear indication that he has not been accorded his right to a fair trial under international law. Further, one essential condition of a fair trial under international law is a public hearing. This was not fulfilled during the October 2013 trial of Mr Quan before the Lower Court. A foreign observer from signatory organization ASF Network was in Hanoi to attend the October trial of Mr Quan. Regrettably, the foreign observer was formally informed that she was not allowed to attend Mr Quan’s trial. The Vietnamese public was also strictly kept outside of the October 2013 trial of Mr Quan. Moreover, Vietnam has failed in its legal obligations to protect         Mr Quan from arbitrary detention, to protect his right to liberty,              to ensure his right to the presumption of innocence and his right to pre-trial release. Vietnam also failed to ensure Mr Quan’s right to reparation for suffering caused by his unlawful detention.  These legal duties are examined in the review prepared by signatory organization Lawyers’ Rights Watch Canada, “Statement regarding the matter of Mr. Le Quoc Quan and the Government of the Socialist Republic of Viet Nam: Violation of rights to pre-trial release.”[2] More importantly, the UNWGAD has concluded that Mr Quan’s continued detention is arbitrary for contravening Articles 9 and 10 of the Universal Declaration of Human Rights and Articles 9 and 14 of the ICCPR. As concluded by the UNWGAD on Mr Quan: 34. In the light of the preceding, the Working Group on Arbitrary Detention renders the following opinion: The deprivation of liberty of Mr Le Quoc Quan is arbitrary, being in contravention of articles 9 and 10 of the Universal Declaration of Human Rights and articles 9 and 14 of the International Covenant on Civil and Political Rights to which Viet Nam is a party, and falling within category III of the categories applicable to the consideration of the cases submitted to the Working Group.[3] Hence, we respectfully call upon this Honourable Court to order the immediate release of Mr Quan, or to ensure that Mr Quan’s right to a fair trial is respected during the appeals process by giving him and his counsels the opportunity to be adequately heard, and by rendering an impartial judgment. In this regard, we invoke the conclusion of the UNWGAD on Mr Quan: 35. Consequent upon the Opinion rendered, the Working Group requests the Government to take necessary steps to remedy the situation of Mr Le Quoc Quan, which is immediate release, or ensure that charges are determined by an independent and impartial tribunal in proceedings conducted in strict compliance with the provisions of the ICCPR.[4] Fourth, Mr Quan’s profession as a qualified lawyer, and his activities as human rights defender and blogger in pursuit of his professional functions, must be respected by Vietnam in accordance with Principle 16 of the UN Basic Principles on the Role of Lawyers, which provides that Governments should ensure that lawyers “are able to perform all of their professional functions without intimidation, hindrance, harassment or improper interference.” The Honourable Court can ensure that Vietnam acts in accordance with Principle 16 of the UN Basic Principles on the Role of Lawyers by ensuring that Mr Quan is not subjected to malicious prosecution and arbitrary detention. We petition this Honourable Court to seriously consider the legal issues highlighted in this request in deciding Mr Quan’s appeal.                              We ultimately petition this Honourable Court to acquit Mr Quan, in accordance with the Rule of Law and International Human Rights standards. Most respectfully, Media Defence - Southeast Asia (MDSEA) HR Dipendra Director Article 19 Thomas Hughes ExecutiveDirector Réseau Avocats Sans Frontières / ASF Network Anne Lutun ASF Network Coordinator English PEN Cat Lucas Writers at Risk Programme Manager Front Line Defenders Mary Lawlor Executive Director Lawyers for Lawyers (L4L) Adrie van de Streek Executive Director Lawyers’ Rights Watch Canada (LRWC) Gail Davidson Executive Director Media Legal Defence Initiative (MLDI) Nani Jansen Senior Legal Counsel National Endowment for Democracy (NED) Sally Blair Senior Director, Fellowship Programs Reporters Without Borders Benjamin Ismaïl Head of Asia-Pacific Desk [1]Opinions adopted by the Working Group on Arbitrary Detention at its sixty-seventh session, 26–30 August 2013, No. 33/2013 (Viet Nam), A/HRC/WGAD/2013. [2]http://www.lrwc.org/ws/wp-content/uploads/2013/11/LRWC.Statement-regardi... [3]Opinions adopted by the Working Group on Arbitrary Detention at its sixty-seventh session, 26–30 August 2013, No. 33/2013 (Viet Nam), A/HRC/WGAD/2013. [4]Opinions adopted by the Working Group on Arbitrary Detention at its sixty-seventh session, 26–30 August 2013, No. 33/2013 (Viet Nam), A/HRC/WGAD/2013.
......

Tài liệu: Báo cáo sơ bộ của LHQ về quyền văn hóa của VN - (29/11/2013)

Báo cáo viên Đặc biệt về các quyền văn hoá Chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, ngày 18-29/11/2013 Các kết luận và khuyến nghị sơ bộ Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2013. Thưa báo giới, thưa các quý bà quý ông, Tôi rất vui mừng được chia sẻ với quý vị kết quả quan sát sơ bộ của tôi khi kết thúc chuyến thăm chính thức trong 12 ngày với tư cách là Báo cáo viên Đặc biệt về các quyền văn hoá. Tôi xin được bắt đầu bằng lời cảm ơn trân trọng gửi tới Chính phủ Việt Nam đã mời tôi tới thăm và làm việc chính thức, và cũng cảm ơn Chính phủ đã nỗ lực rất nhiều trong việc hỗ trợ sắp xếp chương trình làm việc cũng như bố trí các cuộc họp toàn diện và lý thú.   Tôi xin được nhấn mạnh tầm quan trọng của lời mời này. Việc đảm bảo quyền thụ hưởng văn hoá của tất cả mọi người là một vấn đề phức tạp và để hoàn thành nhiệm vụ này là việc không hề dễ dàng. Điều này đã được minh chứng qua các chủ đề cụ thể tôi đã đề cập đến trong suốt chuyến thăm của mình, đó là: quyền được thụ hưởng nghệ thuật, tự do sáng tạo và biểu đạt nghệ thuật, quyền của người dân trong việc thể hiện bản dạng văn hoá của họ, và quyền tiếp cận và thụ hưởng di sản văn hoá của chính họ cũng như của người khác, vấn đề về dạy lịch sử trong nhà trường, và tác động của du lịch đối với việc thụ hưởng các quyền văn hoá.   Trong suốt chuyến thăm và làm việc của tôi tại Việt Nam, Tôi đã đi thăm Hà Nội, Thành phố HCM, Hội An, Sa Pa, cũng như một số làng bản ở Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và Lào Cai. Tôi đã có cơ hội gặp mặt và làm việc với nhiều quan chức Chính phủ ở cấp quốc gia và địa phương, phụ trách các lĩnh vực văn hoá, du lịch, giáo dục, thông tin truyền thông, công tác dân tộc thiểu số, cũng như rất nhiều quan chức khác của Uỷ ban nhân dân các cấp, Ban Tuyên Giáo Trung Ương của Uỷ ban Trung ương Đảng, đại biểu quốc hội và đại diện các hội và hiệp hội. Tôi cũng đã gặp gỡ với các nghệ sĩ, giới học giả, giám đốc và cán bộ công tác tại các viên nghiên cứu hoặc các thiết chế văn hoá, đại diện của xã hội dân sự, thành viên của các cộng đồng dân tộc, những người tham gia trực tiếp vào lĩnh vực du lịch, và các cơ quan của Liên Hợp Quốc. Tôi xin trân trọng cảm ơn tất cả các cá nhân và tổ chức đã dành thời gian gặp mặt, tiếp đón nồng nhiệt, và trên hết là đã nhiệt tình chia sẻ với tôi rất nhiều thông tin.   Tôi xin được làm rõ rằng tôi là chuyên gia độc lập thực hiện báo cáo cho Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc và Hội Đồng Nhân Quyền của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam vừa trúng cử thành viên của Hội đồng ngay trong tháng này. Mặc dù được Hội Đồng Nhân Quyền bổ nhiệm, nhưng tôi không phải nhân viên chính thức của Liên Hợp Quốc và vị trí hiện tại tôi của tôi là vị trí danh dự. Tư cách độc lập của tôi có vai trò rất quan trọng và nó cho phép tôi thực hiện các chức năng nhiệm vụ của mình một cách trung lập. Ngày hôm nay, tôi sẽ chỉ đưa ra một số ý kiến ban đầu của mình. Ngoài ra, tôi sẽ tiếp tục phát triển các ý kiến đánh giá của mình trong báo cáo chính thức, khi đó tôi mới đưa ra các khuyến nghị cụ thể. Tôi sẽ trình bày báo cáo này tại kỳ họp lần thứ 25 của Hội Đồng Nhân Quyền vào tháng 3 năm 2014 tại Geneva. Thưa quý vị,   Việt Nam hiện đang ở một thời khắc quan trọng, tại đó các bạn đạt được những tiến bộ to lớn về phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo ở các khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa, và đã có nhiều nỗ lực hướng tới việc hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Những tiến bộ này là vô cùng ấn tượng. Tôi có thể lấy dẫn chứng là ở các bản làng nông thôn mà tôi đã đến thăm, đường xá đã được xây dựng nhiều, trường học được thành lập và nhiều nhà cửa đã được hỗ trợ hoặc tu sửa.   Tôi tin rằng các chương trình như vậy sẽ trở nên hiệu quả hơn nữa nếu sự tham gia của các cộng đồng địa phương và việc sử dụng tri thức của họ, trong đó có cả tri thức truyền thống, được đảm bảo. Sự cứng nhắc trong quá trình thiết kế và thực hiện các chương trình, cùng với hướng tiếp cận từ trên xuống đã ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của các chương trình này. Ví dụ, ở các làng, bản thường xuyên bị lũ lụt thì các mô hình nhà truyền thống của người dân thích hợp với đối phó lũ hơn rất nhiều so với mô hình nhà mà các chương trình hỗ trợ của chính phủ đang khuyến khích. Tôi đánh giá cao việc phát huy kiến trúc truyền thống trong việc xây các nhà văn hoá ở khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, tôi khuyến khích Chính  phủ nên cho người dân được thực sự lựa chọn mô hình kiến trúc mà họ muốn, dù là truyền thống hay hiện đại,đối với ngôi nhà riêng của họ, khi Chính phủ mở rộng các chương trình hỗ trợ về nhà ở. Nói tổng quát hơn, tôi khuyến khích Chính phủ cần đảm bảo có nhiều sự linh hoạt hơn trong chính sách và tham vấn thực sự với các cộng đồng có liên quan khi phát triển các chương trình. Cần xây dựng một mô hình thực hành mới trong đó người dân có được không gian để đóng góp vào việc thiết kế các chương trình có ảnh hưởng to lớn tới lối sống của họ.   Tôi tin rằng Chính phủ cũng như nhiều bên liên quan khác trong xã hội Việt Nam đã để ý thấy các chương trình phát triển có thể có tác động tiêu cực đối với các quyền văn hoá của con người, đặc biệt là các quyền của các dân tộc thiểu số. Chính phủ cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc xác định và giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực này để cho đất nước được hưởng lợi đầy đủ từ chính sức mạnh của các nền văn hoá đa dạng của các dân tộc nhằm thúc đẩy phát triển bền vững. Điều này có liên quan mật thiết đối với lĩnh vực du lịch. Với việc sử dụng văn hoá như một nguồn lực để phát triển, Việt Nam đang hấp dẫn một số lượng ngày càng nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Rất nhiều chương trình đã được phát triển nhằm giúp người dân của các cộng đồng dân tộc bán được sản phẩm nghề thủ công của họ và tiếp cận được với thị trường, cũng như biểu diễn minh hoạ văn hoá truyền thống của họ thông qua nhiều lễ hội và chương trình biểu diễn khác nhau. Điều này đã cho phép các cộng đồng tham gia vào quá trình phát triển kinh tế ở khu vực họ sinh sống, và cũng giúp Chính phủ thúc đẩy hình ảnh về một đất nước đa văn hoá. Tuy vậy, nhiều thách thức vẫn còn đó. Như quý vị đã biết, tôi đã đi thăm Sa Pa và các làng bản xung quanh. Ở đó, tôi có thể thấy rằng, mặc dù du lịch đã mang lại nguồn sinh kế phụ trợ cho người dân địa phương, nhưng họ lại không phải là đối tượng hưởng lợi chủ yếu từ nguồn doanh thu này. Cần có các biện pháp đảm bảo rằng những người dân mà di sản của họ được đem ra sử dụng để thúc đẩy du lịch, phải được trao quyền để quản lý các hoạt động này theo hướng có lợi nhất cho họ. Ngoài ra, tôi cũng đặc biệt quan ngại đối với những tình huống trong đó con người ta được yêu cầu trình diễn chứ không phải thực sống đời sống văn hoá riêng của họ, hoặc là để lưu giữ một cách mô phỏng một số khía cạnh cụ thể trong văn hoá của họ để thoả mãn nhu cầu của khách du lịch, hoặc, ngược lại, thay đổi một số khía cạnh cụ thể trong văn hoá của họ nhằm thoả mãn các nhu cầu đó ví dụ như thay đổi truyền thống ăn ở, hay rút ngắn việc thực hiện một số tập quán, hoặc bán vé cho những người muốn tham gia. Tôi muốn nói đến ví dụ lễ hội đua bò Bảy Núi truyền thống của người Khmer ở một số tỉnh miền nam Việt Nam.   Một ví dụ khác là về Cồng chiêng. Nhiều cộng đồng ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên vẫn đang chơi Cồng chiêng và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể. Cồng chiêng được coi là một nhạc cụ linh thiêng và quý giá, chỉ được đem ra chơi vào những dịp đặc biệt. Tuy nhiên ngày nay Cồng chiêng còn được đem ra biểu diễn theo yêu cầu của khách du lịch ở một số nơi, và rõ ràng điều này đã làm mất đi tầm quan trọng văn hoá ban đầu của sinh hoạt này. Tôi thực sự thấy rằng trong những trường hợp như vậy, các cộng đồng có liên quan phải được tham vấn là có nên trình diễn hay không, như thế nào, bao giờ và ở đâu, và được chia sẻ các khía cạnh có liên quan đến di sản văn hoá của họ. Tất nhiên, khó có thể ngăn cản hoặc thậm chí dù chỉ mong muốn ngăn cản sự tiến hóa của những thực hành văn hóa đang diễn ra hàng ngày sống động khi các nhóm có sự giao lưu tương tác với nhau. Điều này có thể là rất tích cực. Tuy nhiên, Chính phủ có trách nhiệm đảm bảo rằng du lịch không dẫn đến chỉ còn sân khấu hóa những thực hành văn hóa, còn chủ nhân của văn hóa chỉ đóng vai văn hóa của mình, hay vắn tắt hóa con người xuống thành một số hình thức thể hiện văn hóa của họ mà không thừa nhận tính nhân văn trong đó. Vì thế, rất cần phải để cho các cộng đồng tự do phát triển văn hóa của họ, ở cả bên ngoài các khu vực phát triển du lịch. Chính phủ nên hỗ trợ không chỉ các hoạt động biểu diễn văn hóa hay sản phẩm truyền thống dành cho du khách mà cũng cần cùng với cộng đồng có liên quan, trên cơ sở nguyện vọng của họ, xây dựng những chương trình để tiếp tục thực hành văn hóa của họ nếu đó là nguyện vọng của họ. .   Tôi cũng quan ngại trước những trường hợp đời sống và văn hóa của cộng đồng địa phương hoặc cộng đồng thiểu số đã bị các chương trình phát triển phá vỡ hoàn toàn. Ví dụ, tôi được biết rằng người dân ở giáo phận Cồn Dầu ở Đà Nẵng đã và vẫn đang tiếp tục bị cưỡng chế khỏi mảnh đất họ đã sống lâu đời để dọn đường cho một dự án nhà ở tư nhân lớn. Tôi hy vọng rằng chính phủ sẽ kịp thời can thiệp để giải quyết trường hợp cụ thể này. Nhìn chung hơn, tôi khuyến nghị Chính phủ đảm bảo việc công nhận sở hữu tập thể đối với đất đai cho những cộng đồng có ước muốn giữ và phát triển nếp sống truyền thống của họ, thường là dựa vào nông nghiệp, vào rừng, chăn nuôi hay đánh cá. Tôi cũng đã thảo luận một vấn đề nữa liên quan đến định nghĩa thế nào là hủ tục hay tập quán không tốt cũng như “mê tín dị đoan”. Theo tôi hiểu, những khái niệm này cần được làm rõ như là những thực hành mâu thuẫn với các quyền con người hay hạ thấp nhân phẩm. Tôi cũng khuyến khích chính quyền xác định những thực hành này thông qua các cuộc thảo luận với những cộng đồng liên quan. Tôi hoan nghênh những sáng kiến tích cực đã được Chính phủ thực hiện. Những sáng kiến này bao gồm công việc của Viện Ngôn ngữ học trong việc tài liệu hóa và bảo tồn các ngôn ngữ dân tộc thiểu số và xây dựng các bộ chữ viết, cũng như dự án nghiên cứu thí điểm tiến hành cùng UNICEF để thúc đẩy giáo dục song ngữ cho người H’mong, J’rai và Khmer, ba trong số những nhóm thiểu số lớn, ở cấp mầm non và tiểu học. Nghiên cứu đã chứng minh, học sinh được thụ hưởng những chương trình này có kết quả học tập tốt, và tôi khuyến nghị mạnh mẽ với Chính phủ tiếp tục hỗ trợ dự án giáo dục song ngữ, mở rộng phạm vi đến các nhóm khác, các khu vực khác và các cấp học khác. Đồng thời, một số người đã thông tin cho tôi, qua đó bày tỏ quan ngại đối với bộ chữ đang được áp dụng cho một số nhóm. Ở đây, một lần nữa, cách thức tích cực để giải quyết những quan ngại đó là mời các nhà nghiên cứu và giới học thuật của chính những cộng đồng dân cư liên quan tham gia vào quá trình ra quyết định. Thưa quý bà, quý ông, Một trong những vấn đề then chốt với Việt Nam ngày nay là có một không gian cho các cuộc tranh luận và biểu đạt những quan điểm đa nguyên. Một ví dụ rõ ràng liên quan đến vấn đề này, mà tôi rất quan tâm, là việc dạy môn lịch sử với chỉ một bộ sách giáo khoa trong các nhà trường. Như đã đề cập trong báo cáo chuyên đề của tôi về viết sách sử và dạy sử trước Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc năm nay (A/68/296), việc dạy sử nên khuyến khích tư duy phê phán, học tập từ phân tích và tranh luận, và tạo cách tiếp cận so sánh và đa chiều hơn là ấn trẻ em vào quan điểm đơn chiều. Cách tiếp cận này đặc biệt cần sử dụng rộng rãi nhiều loại học liệu, bao gồm nhiều loại sách giáo khoa của nhiều nhà xuất bản. Tôi khuyến khích nhiều bên liên quan ở Việt Nam tham khảo báo cáo này của tôi.   Tôi có ấn tượng tích cực rằng Chính phủ và xã hội dân sự hiện nay đang nỗ lực định nghĩa lại biên độ không gian cho những tiếng nói đa dạng có thể cất lên.Tôi khuyến nghị mạnh mẽ với Chính phủ mở rộng hơn không gian ấy, trên cơ sở Hiến pháp của các bạn cũng như các tiêu chuẩn quốc tế. Cơ chế chính trị và cấu trúc của chính quyền hiện nay ở Việt Nam, cùng với rất nhiều các hội đoàn thể đang hoạt động chủ yếu như các phương tiện truyền đạt những quyết định của chính phủ, để lại không gian rất nhỏ bé cho xã hội dân sự tự biểu đạt mình, đặc biệt với những người làm công tác nghiên cứu hay các nghệ sỹ và những người khác có thể có tư duy phê phán đối với những chính sách của Chính phủ. Đã đến lúc Việt Nam đảm bảo tự do nhiều hơn cho các biểu đạt nghệ thuật cũng như cho các tự do học thuật, và cho phép những tiếng nói đa dạng tìm được chỗ đứng của mình. Sự thiếu vắng các nhà xuất bản tư nhân đã làm giảm đáng kể phạm vi cất lên của những tiếng nói độc lập có thể được nghe thấy. Hiến pháp quy định những quyền cơ bản, nhưng thường rất khó có thể thụ hưởng những quyền này do rất nhiều các quy định và sự thiếu rõ ràng cụ thể trong quy định việc nào là chấp nhận được, việc nào là không. Không may là các quy trình tư pháp vẫn chưa giúp làm rõ những thước đo rõ ràng của các luật cụ thể.  Thưa các quý bà và quý ông, Các nghệ sỹ có thể giải trí cho người dân, nhưng họ cũng có thể đóng góp vào những tranh luận xã hội, đôi khi đưa ra những diễn ngôn đối lập. Trong lúc tôi rất vui vì một số người cung cấp thông tin cho tôi nói rằng họ đã thấy một không gian mở hơn để tự biểu đạt, tôi cũng quan ngại sâu sắc trước tình trạng một số nghệ sỹ đã bị tầm soát, sách nhiễu, hoặc bị giam giữ. Trong các cuộc thảo luận của tôi với chính quyền, ví dụ, tôi đã nêu ra những trường hợp bị kết tội theo điều 88 Bộ luật Hình sự do “tiến hành tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Tôi muốn nhấn mạnh rằng những biểu đạt nghệ thuật là một phần không thể tách rời của đời sống văn hóa và là trái tim của những nền văn hóa sinh động cũng như trong hoạt động của một xã hội dân chủ. Vì thế, tôi chân thành hy vọng rằng Chính phủ sẽ xem xét lại chính sách của mình để đảm bảo tự do hơn cho các biểu đạt nghệ thuật và sáng tạo, tuân theo những tiêu chuẩn quốc tế. Tôi vô cùng biết ơn Chính phủ Việt Nam đã mời tôi tiến hành chuyến thăm này, cho phép tôi được hiểu sâu thêm những vấn đề hết sức nhạy cảm mà quan trọng. Lời mời của Chính phủ đã khẳng định việc Chính phủ thực sự coi trọng những vấn đề liên quan đến thụ hưởng các quyền văn hóa. Tôi hiểu rằng điều này thật sự rất khó khăn, đặc biệt thách thức với Chính phủ để đảm bảo “sự đồng thuận” mà Chính phủ khuyến khích dựa trên những quan điểm, biểu đạt và văn hóa đa dạng của người dân. *Special Rapporteur in the field of cultural rights, Visit to Viet Nam, 18 - 29 November, 2013Preliminary conclusions and recommendations Hanoi, 29 November 2013. Members of the press, ladies and gentlemen, I am very pleased to share with you my preliminary observations at the end of my 12-day official visit as the UN Special Rapporteur in the field of cultural rights. Let me begin by warmly thanking the Government of Viet Nam for inviting me and for their extensive work in facilitating a comprehensive and interesting programme of work. I wish to stress how important this invitation is. Ensuring the enjoyment of cultural rights by all is a complex issue and not an easy task to accomplish. This was demonstrated by various topics I have addressed during my visit: the right to enjoy the arts and to freedom of artistic expression and creativity, the right of people to manifest their cultural identity and to access and enjoy their own cultural heritage as well as that of others, history teaching in schools, and the impact of tourism on the enjoyment of cultural rights. During my stay in Viet Nam, I visited Hanoi, Ho Chi Minh City, Hoi An and Sa Pa, as well as a few villages in the Da Nang, Quang Nam and Lao Cai Provinces. I had the opportunity to hold meetings with numerous Government officials at the national and local levels, responsible in the areas of culture and tourism, education, information and communication, ethnic minorities, as well as various officials of People’s committees, the Central Commission for Propaganda and Education of the Party’s Central Committee, representatives of the National Assembly and Unions. I also met with artists, academics, directors and staff working in research institutes or cultural institutions, representatives of civil society, members of ethnic communities, people involved in the tourism industry and UN agencies. I would like to thank them all for their time, warm hospitality, and, above all, the wealth of information they shared with me. I wish to clarify that I am an independent expert who reports to the UN General Assembly and the UN Human Rights Council, to which Viet Nam was elected this month. Although appointed by the Human Rights Council, I am not employed by the United Nations and the position I hold is honorary. My independent status is crucial and enables me to fulfil my functions impartially. Today, I will confine myself to a few preliminary remarks and considerations. I will develop my assessment in a written report, in which I will also formulate recommendations. I will present this report at the 25th session of the Human Rights Council in March 2014 in Geneva. Ladies and gentlemen, At present, Viet Nam finds itself at an important juncture. Enormous progress has been achieved in the area of economic development, the reduction of poverty including in remote and rural areas, and the efforts towards the fulfilment of the Millennium Development Goals have been impressive. I can testify that in the rural villages I visited, roads had been or were being built, schools established, and housing facilitated or repaired. I believe that such programmes would have been even more efficient had the participation of local communities and the use of their knowledge, including their traditional knowledge, been ensured. Rigidity in programming and implementation and top-down approaches negatively impact effectiveness. For example, in villages regularly flooded by water, traditional houses are more appropriate than those promoted under governmental schemes. I appreciate that traditional architecture has been promoted in building communal houses in the Central Highlands. However, I encourage the Government, when extending support for housing, to offer people real choices regarding the architecture, whether traditional or modern, they want for their own individual houses. More generally, I encourage the Government to ensure greater flexibility in policies and meaningful consultations with concerned communities when developing programmes. A practice needs to be developed whereby people have the space to contribute to the design of programmes that significantly impact their way of life. I believe that the Government, as well as multiple actors in the Vietnamese society, have taken note of possible detrimental impacts of development programmes on the people’s cultural rights, in particular the rights of ethnic minorities. The Government should significantly increase its efforts to map and to mitigate such negative effects so that the country can fully benefit from the strength of the varied cultures of its peoples to promote sustainable development. This is particularly relevant with respect to tourism. By using culture as a resource for development, Viet Nam attracts a steadily rising number of international visitors as well as internal tourists. Multiple programmes have been developed to help people of ethnic communities to sell their crafts and access the markets, as well as to showcase their traditional cultures through various festivals and performances. This has allowed communities to participate in the economic development of their region, and has also enabled the Government to promote a more multi-cultural image of the country. Many challenges remain, however. As you know, I visited Sa Pa and its surrounding villages. And there, I could note that, although tourism has provided a supplementary source of livelihood to local people, unfortunately they are not the primary beneficiaries of the revenue generated. Measures are needed to ensure that the people whose cultural heritage is being used to promote tourism are empowered to manage these activities to their best advantage. In addition, I am particularly, concerned by situations where people are asked to perform rather than live their own cultures, either to retain artificially specific aspects of their culture to satisfy the tourists’ demands, or, conversely, to modify certain aspects of their culture to satisfy those demands such as modifications of food or accommodation patterns, or the foreshortening of customs or having tickets for participation. I am talking for example of the Khmer’s traditional sport of Bay Nui bull race, in some provinces of Southern Vietnam. Another example relates to the Cong drum, which is played by many communities in the central highlands and is included in the UNESCO list of intangible cultural heritage. The Cong is considered as a sacred and precious musical instrument, to be used only on very specific occasions. However, today it is also being played on demand for tourists in some places, thus clearly losing its original cultural significance. I strongly believe that in all such cases, the concerned communities must be consulted on whether, how, when and where to perform and share aspects of their cultural heritage. Of course, it is not possible, or desirable, to prevent the evolution of cultural practices that inevitably occurs when groups interact with each other. This can also be quite positive. However, it is the responsibility of the Government to ensure that tourism does not lead to the mere folklorization of its peoples’ cultures, meaning reducing people to certain manifestations of their culture and not acknowledging their humanity. It is therefore particularly important to enable communities to freely develop their cultures, including outside of touristic areas. The Government should not only support cultural performances and crafts for tourists, but also develop programmes in cooperation with the concerned communities including for continuing cultural practices should this be their wish. I am also concerned by cases of local or minority communities whose ways of life and culture have been completely disrupted by development programmes. For instance, I was informed that the people of the Con Dau Parish near Da Nang underwent, and are still undergoing, forced evictions from the land they had traditionally tilled to make way for the development of a mega private housing scheme. I hope the Government will intervene in a timely manner to resolve this particular case. More generally, I encourage the Government to ensure that the collective ownership of land is recognized for communities wishing to retain and develop their traditional ways of life, most often based on agriculture, forest husbandry or fishing. Another issue I have discussed at length with governmental officials relates to the definition of what constitutes bad practices or customs as well as “superstition”. My understanding is that such terms need to be clarified as practices contradicting human rights or undermining human dignity. I also encourage the authorities to identify such practices through discussions with the concerned communities. I would like to welcome positive initiatives put in place by the Government. These include the work of the Institute of Linguistic to document and preserve ethnic languages and develop scripts, as well as the pilot research project conducted with UNICEF to promote bilingual education for the Hmong, J’rai and Khmer, three of the largest minority groups, at the pre-school and primary school levels. As research demonstrates, students benefiting from such programmes have done very well. I strongly encourage the Government to support the bilingual education project and extend this to other groups, regions and grades. At the same time, some of my interlocutors expressed concern regarding the script that is being used for some groups. Here, again, a positive way forward to address such concerns is to include in the decision-making process researchers and academics belonging to these communities. Ladies and gentlemen, One of the key issues for Viet Nam today is the space available for debate and the expression of a plurality of voices. One striking example of this, which is of concern to me, relates to history teaching, as only one history textbook is in use in schools. As stated in my thematic report on the writing and teaching of history submitted this year the General Assembly (A/68/296), history teaching should promote critical thought, analytic learning and debate, enabling a comparative and multi-perspective approach rather than moulding children into a unidimensional perspective. This entails in particular the use of a wide array of teaching materials, including textbooks from a range of publishers. I encourage relevant actors in Viet Nam to look at my report. I am encouraged that the Government and civil society are currently trying to re-define the contours of the space available for a diversity of voices to be articulated. I strongly encourage the Government to widen that space, in accordance with its own constitution and international standards. The political and governmental structure in Viet Nam, together with various Unions, which act mainly as vehicles for transmitting the government’s decisions, currently leaves little space for civil society to express itself, in particular when it comes to academics, artists and others who may be critical of the Government’s policies. It is time for Viet Nam to ensure greater freedom of artistic expression as well as academic freedoms, and to allow a multi voice narrative to find its place. The absence of private publishing houses greatly reduces the scope for independent voices to be heard. The constitution provides for fundamental rights but it is often very difficult to enjoy these due to multiple regulations and the lack of clearly defined specifications of what is acceptable or not acceptable. It is unfortunate that judicial processes have not helped to clarify the parameters of specific laws. Ladies and gentlemen, Artists may entertain people, but they also contribute to social debates, sometimes bringing counter-discourses. While I am happy to note that a number of interlocutors stated they had noticed an increased space for self-expression, I am deeply concerned that a number of artists have been under surveillance, harassed, or detained. In my discussions with the authorities for example, I have raised the case of some artists who have been convicted under article 88 of the Criminal Code for “conducting propaganda against the Socialist Republic of Viet Nam”. I would like to emphasize that artistic expressions are an integral part of cultural life and are at the heart of vibrant cultures and the functioning of democratic societies. Therefore, I sincerely hope that the Government will review its policy to ensure greater freedom of artistic expression and creativity, in accordance with international standards. I am extremely grateful to the Government of Viet Nam for inviting me to visit, enabling me to deepen my understanding of these very sensitive but important issues. The Government’s invitation confirms how seriously it is taking issues relating to the enjoyment of cultural rights. I know how difficult this is, in particular when the challenge is for the Government to ensure that the “unity” it promotes is based on the diverse opinions, expressions and cultures of the people. See full statement in VietNamese nguồn: http://www.ohchr.org/EN/NewsEvents/Pages/DisplayNews.aspx?NewsID=14035&LangID=E
......

THÊM TIN VUI: 17 THANH NIÊN CÔNG GIÁO & TIN LÀNH THẮNG KIỆN TẠI LIÊN HIỆP QUỐC

Vào ngày 28 tháng 1 năm 2014 sắp tới, Việt Nam sẽ phải ra điều trần trước LHQ ở Geneva theo tiến trình Universal Periodic Review (4 năm một lần). Vừa là thành viên mới của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ, để xem kỳ này Việt Nam sẽ phải ú ớ thế nào.   Trường hợp của 17 Thanh Niên Công Giáo & Tin Lành đã được Giáo sư Allen Weiner, giám đốc chương trình Luật Quốc Tế tại Đại Học Luật Standford đệ đơn đã một năm rưỡi nay rồi. Qua quá trình tìm hiểu và liên lạc để đối chất với Hà Nội, đến hôm nay Cao Ủy Nhân Quyền LHQ đã chính thức ra phán quyết về vụ này.   Trong bản quyết định số 26/2013, LHQ bác bỏ việc hợp tác với Đảng Việt Tân là lý do để bắt các nhà hoạt động này. LHQ nêu lên mâu thuẫn của Hà Nội: một mặt Hà Nội cho rằng đảng Việt Tân là một tổ chức khủng bố, mặt khác thì Hà Nội nói rằng các nhà hoạt động này đã từng tham dự và hợp tác với Việt Tân qua các khóa huấn luyện đấu tranh bất bạo động để cổ xúy dân chủ tại Việt Nam. Việc được huấn luyện về phương thức đấu tranh bất bạo động và hợp tác với đảng Việt Tân để mang lại thay đổi là một việc làm ôn hòa, mà LHQ cho rằng không thể nào là lý do để bắt người. LHQ tuyên bố rằng đây là những nhà hoạt động trẻ ôn hòa và việc bắt giữ họ là vi phạm các quyền căn bản mà một công dân Việt Nam phải được hưởng. LHQ cũng cho rằng việc dùng những điều khoản 88 and 79 để giam cầm các bạn trẻ này đi ngược lại với Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và kêu gọi chính quyền Hà Nội điều chỉnh lại để phù hợp với vị trí của Việt Nam trong LHQ. Trong phần kết luận, LHQ kêu gọi Hà Nội thả ngay 17 nhà hoạt động này, đồng thời điều chỉnh việc áp dụng luật pháp Việt Nam cho phù hợp với luật quốc tế. Đọc thêm ở đây: http://blogs.law.stanford.edu/newsfeed/2012/07/25/stanford-law-schools-a...
......

Liên Hiệp Quốc phán quyết CSVN bắt giam Ls. Lê Quốc Quân tùy tiện

THÔNG CÁO BÁO CHÍ Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Kêu Gọi Trả Tự Do Cho Nhà Hoạt Động Blogger Việt Nam Ngày 2 Tháng Mười Hai 2013 Việc giam giữ một blogger Việt Nam, và là luật sư, nhà hoạt động nhân quyền Lê Quốc Quân đã bị Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc lên tiếng chỉ trích là vi phạm quyền tự do ngôn luận và quyền được xét xử công bằng.   Ủy Ban Điều Tra về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc, do Cao Ủy Nhân Quyền LHQ thành lập, đã đưa ra phán quyết rằng Lê Quốc Quân trở thành mục tiêu tấn công vì việc hoạt động và viết blog. Ủy Ban kêu gọi trả tự do cho ông ngay lập tức, hoặc bản ản phải được xem xét lại bởi một tòa án độc lập. Ủy Ban còn đề nghị Việt Nam phải bồi thường thiệt hại cho ông Lê Quốc Quân vì việc bắt giữ tùy tiện này. Trong lúc ông Lê Quốc Quân đi tù vì bị cho là trốn thuế, Ủy Ban nhận thấy rằng việc giam giữ ông có thể là “hệ quả của việc ông thực thi các quyền tự do được luật pháp nhân quyền quốc tế bảo đảm” và “có liên hệ đến các bài viết blog về quyền chính trị và dân sự”. Ủy Ban Điều Tra về Bắt giữ Tùy tiện nói thêm là “với quá trình hoạt động về nhân quyền và viết blog, mục tiêu thực sự của việc giam giữ và truy tố ông cuối cùng chỉ là trừng phạt về việc thực thi quyền hạn [tự do ngôn luận] của ông và răn đe những người khác không được làm vậy.”   Phán quyết của Ủy Ban Điều Tra về Bắt giữ Tùy tiện là để trả lời cho kiến nghị đệ đơn từ các tổ chức Media Legal Defence Initiative, Media Defence-Southeast Asia, Lawyers for Lawyers, Avocats Sans Frontières, Front Line Defenders, Access, English PEN, Reporters Without Borders, the Electronic Frontier Foundation, ARTICLE 19, Index on Censorship and Lawyers’ Rights Watch Canada. Các tổ chức này kêu gọi chính quyền Việt Nam tuân theo quyết định của Ủy Ban Điều Tra về Bắt giữ Tùy tiện và trả tự do cho ông Lê Quốc Quân ngay lập tức. Họ lập lại nhận định là việc kết án và giam giữ ông Lê Quốc Quân là tùy tiện và vi phạm quyền tự do ngôn luận, quyền tự do hội họp, quyền xét xử công bằng và những quyền hạn của một nhà hoạt động nhân quyền. Phán quyết của Ủy Ban (A/HRC/WGAD/2013) có thể tải xuống từ trang web của Media Legal Defence Initiate nơi đây. Ghi chú cho các biên tập:   Ông Lê Quốc Quân bị bắt vào ngày 27 tháng Mười Hai năm 2012 về tội cáo buộc trốn thuế vô căn cứ. Sau khi bị bắt, ông bị giam biệt tăm và không được phép gặp luật sư trong hai tháng. Lời yêu cầu của gia đình đi thăm bị liên tiếp từ chối. Ông Quân lần đầu tiên gặp người nhà trong phiên xử 2 tháng Mười năm 2013. Phiên xử này kết tội ông trốn thuế lợi tức công ty và kết án 30 tháng tù giam và nộp phạt 1.2 tỷ đồng (khoảng USD 59,000). Ông Quân đã kháng án lên tòa phúc thẩm.   Chính quyền Việt Nam đã đàn áp ông Lê Quốc Quân từ lâu vì các hoạt động nhân quyền. Năm 2007 sau khi bênh vực cho nhiều nạn nhân bị vi phạm nhân quyền, ông bị tước quyền luật sư vì tình nghi có “những hoạt động lật đổ chế độ”. Ông đã bị bắt giữ nhiều lần vì tiếp tục các hoạt động nhân quyền. Ông phải đi bệnh viện sau khi bị kẻ lạ hành hung vào tháng Tám 2012. Công an đã lờ đi không điều tra vụ hành hung này. Xin liên lạc để biết thêm chi tiết: Nani Jansen, Senior Legal Counsel, Media Legal Defence Initiative Gail Davidson, Executive Director, Lawyers’ Rights Watch Canada Adrie van de Streek, Executive Director, Lawyers for Lawyers Jochai Ben-Avie, Policy Director, Access Now HR Dipendra, Director, Media Defence – Southeast Asia Eva Galperin, Senior Policy Analyst, Electronic Frontier Foundation Benjamin Ismail, Head Asia-Pacific Desk, Reporters Without Borders Mary Lawlor, Executive Director, Front Line Defenders Cat Lucas, Writers at Risk Programme Manager, English PEN Nathalie Muller Sarallier, Avocats Sans Frontières Network Kirsty Hughes, Chief Executive, Index on Censorship Thomas Hughes, Executive Director, Article 19 Nguồn: http://www.viettan.org
......

Blogger Điếu Cày được trao giải Tự do báo chí quốc tế 2013 vắng mặt

Bộ ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức gặp các nhà báo Janet Hinostroza của Ecuador và Nedim Sener của Thổ Nhĩ Kỳ là hai trong số bốn người đoạt giải tự do báo chí quốc tế của năm nay, hôm 21.11 vừa qua.   Giải tự do báo chí quốc tế do Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ), một Tổ chức phi chính phủ, thực hiện. Tham dự lễ trao giải có ba Hinostroza và ông Sener là hai khôi nguyên. Đặc biệt có mặt Uzra Zeya, Quyền trợ lý Ngoại trưởng về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động cùng Roberta Jacobson, Trợ lý Ngoại trưởng Tây bán cầu và Mark Toner, Phó trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Á-Âu và châu Âu về các vấn đề về thách thức sự tự do báo chí trong nước. Các quan chức Mỹ tham dự đã bày tỏ lo ngại về số phận của các nhà báo trên toàn thế giới và tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với tự do ngôn luận, xem tự do báo chí như một quyền con người phổ quát và là một thành phần quan trọng của bất kỳ xã hội dân chủ nào. Hai người đoạt giải Tự do báo chí quốc tế của CPJ không có mặt là Youssef Bassem, người Ai Cập và Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), một trong những blogger nổi tiếng nhất của Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Hải không thể đến Hoa Kỳ vì ông đang phải chấp hành án phạt tù theo vì bị kết tội “tuyên truyền chống nhà nước”. Youssef dự kiến ​​sẽ đến New York để nhận giải thưởng CPJ sau dịp này.   Ủy ban bảo vệ nhà báo có trụ sở tại New York có mục tiêu thúc đẩy tự do báo chí trên toàn thế giới và bảo vệ quyền lợi của các nhà báo đưa tin tức mà không sợ bị trả thù, công nhận những hoạt động can đảm của các phóng viên phải đối mặt, hoặc đã có kinh nghiệm, bị bỏ tù hay bị ngược đãi trong các quốc gia họ làm việc. **** State Department Officials Meet With International Press Freedom Award Winners Media Note Office of the Spokesperson Washington, DC November 22, 2013   On Thursday, November 21, the State Department hosted journalists Janet Hinostroza of Ecuador and Nedim Sener of Turkey – two of the four winners of this year’s International Press Freedom Awards, chosen by the independent non-governmental organization Committee to Protect Journalists (CPJ). Ms. Hinostroza and Mr. Sener briefed Uzra Zeya, Acting Assistant Secretary of State for Democracy, Human Rights, and Labor; Roberta Jacobson, Assistant Secretary of State for Western Hemisphere Affairs; and Mark Toner, Deputy Assistant Secretary of State for European and Eurasian Affairs about press freedom challenges in their countries. U.S. officials expressed concerns about the plight of journalists worldwide and reaffirmed the United States’ commitment to freedom of expression, including for members of the press, as a universal human right and a vital component of any democratic society. The other two CPJ awardees, celebrated Egyptian satirist Bassem Youssef and Nguyen Van Hai (a/k/a Dieu Cay), one of Vietnam's best known bloggers, were not present for the State Department meetings. Nguyen Van Hai could not come to the United States because he is serving a prison sentence under a law that bars “conducting propaganda against the state.” Youssef is scheduled to attend the CPJ ceremony in New York to receive his award. The New York-based Committee to Protect Journalists promotes press freedom worldwide and defends the rights of journalists to report the news without fear of reprisal, annually recognizes the courageous service of reporters who face, or have experienced, imprisonment or other persecution for exposing realities in the countries in which they work. http://www.state.gov/r/pa/prs/ps/2013/11/218005.htm Nguồn: VRNs
......

Phản đối VN và một số quốc gia khác ứng cử vào Hội Đồng Nhân Quyền LHQ

Phản đối việc các nước Algeria, Trung Quốc, Cuba, Jordan, Nga, Saudi Arabia và Việt Nam ứng cử vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Kiến Nghị Chung gởi Đại Sứ Hoa Kỳ Samantha Power và Cao Ủy Đối Ngoại Liên Hiệp Âu Châu Catherine Ashton Thưa quý vị, Chúng tôi ký tên dưới đây là những dân biểu quốc hội, những nhà đấu tranh cho nhân quyền và những tổ chức phi chính phủ, kêu gọi quý vị hãy công khai phản đối tư cách ứng viên của các nước Algeria, Trung Quốc, Cuba, Jordan, Nga, Saudi Arabia, Việt Nam vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, trong cuộc tuyển cử vào tháng 11 năm 2013. Chúng tôi kêu gọi quý vị có hành động để hủy bỏ những ứng viên rõ ràng là không xứng đáng này, có nguy cơ đe dọa tới uy tín của Hội Đồng - và của toàn thể Liên Hiệp Quốc. Theo Nghị Quyết 60/251 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ứng viên vào Hội Đồng Nhân Quyền phải là những quốc gia "duy trì được tiêu chuẩn cao nhất trong việc cổ súy và bảo vệ nhân quyền." Tuy nhiên, ai cũng biết rằng, các nước Algeria, Trung Quốc, Cuba, Jordan, Nga, Saudi Arabia và Việt Nam đều không hội đủ những tiêu chuẩn căn bản của thành viên Hội Đồng. Những nước này đều có hồ sơ xấu, nếu không nói là cực kỳ tồi tệ, trong việc bảo vệ nhân quyền trong nước, và trong việc cổ động cho nhân quyền tại Liên Hiệp Quốc. Thay vì trao cho những chính phủ phi dân chủ này tầm ảnh hưởng lên những quyết định quan trọng về nhân quyền, chúng tôi kêu gọi quý vị hãy đưa ra nghị quyết tại Liên Hiệp Quốc, buộc những quốc gia này phải chịu trách nhiệm, và lên án những vi phạm nhân quyền thô bạo và có hệ thống. Im lặng là đồng lõa. Vì lợi ích của hàng triệu triệu người trên thế giới đang cần một hội đồng nhân quyền quốc tế đáng tin cậy và hữu hiệu, xin đừng lặng im. Trân trọng, Edward McMillan-Scott, MEP European Parliament Vice-President for Human Rights & Democracy Baroness Deech Member of the British House of Lords Academic, lawyer, bioethicist, former Principal of St Anne’s College, Oxford Honourable Irwin Cotler, MP Member of Canadian Parliament, Liberal Party Critic for Rights & Freedoms, International Justice Former Justice Minister & Attorney General Dr. Mantas Adoménas, MP Lithuania Michael Danby, MP Australia Emanuelis Zingeris, MP President of the Parliamentary Forum for Democracy, Lithuania Matyas Eörsi Secretary General of the Parliamentary Forum for Democracy, former MP, Hungary Egidijus Vareikis, MP Lithuania Bi-khim Hsiao Member of the Legislative Yuan, Taiwan Hans van Baalen Member of the European Parliament United Nations Watch Hillel Neuer, Executive Director Switzerland Human Rights Foundation Thor Halvorssen, President Initiatives for China Yang Jianli, President Council for a Community of Democracies Robert LaGamma, President The Gulf Institute Ali AlAhmed Mothers and Women against Repression Sylvia Iriondo, President M.A.R. Por Cuba Viet Tan Do Hoang Diem, Chairman Cuban Democratic Directorate John Suarez, International Secretary United Towns Agency for North South Cooperation Simonne Piazzini, Secretaire Generale Associated Country Women of the World Sharon Hatten, UN Committee Chair Consumers Protection Association Lehlohonolo Chefa Lesotho Gram Bharati Samiti (GBS) Bhawani Shanker Kusum, Executive Director India Christian Coalition Charles Mwape, President Zambia TicinoTibet Tashi Albertini, President Gender Empowerment and Development (GeED) Tilder Kumichii, Programme Coordinator Cameroon Consorcio desarrollo y Justicia Carlos E . Tinoco Venezuela Nguồn: UN Watch
......

RSF: Việt Nam tận dụng mọi cách đàn áp quyền tự do ngôn luận

Một tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế có trụ sở tại Pháp tố cáo Việt Nam đang tận dụng mọi cách thức có thể để đàn áp các tiếng nói bất đồng quan điểm với nhà nước qua việc dùng điều luật 258 để truy tố một thanh niên dùng Facebook kêu gọi công lý cho người thân. Bà Nguyễn thị Kim Lien mẹ của Đinh Nhật Uy (phải) và Đinh Nguyen Kha Blogger Đinh Nhật Uy sắp bị đưa ra xử tại Tòa án Nhân dân Tỉnh Long An vào ngày 29/10. Anh bị cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước’ vì đăng tải lên Facebook cá nhân ý kiến và các hình ảnh chống Trung Quốc xâm lấn Biển Đông, phản đối bản án 4 năm tù của em trai về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ trong vụ xử hai sinh viên chống Trung Quốc, Đinh Nguyên Kha-Nguyễn Phương Uyên được quốc tế lưu ý.   Tổ chức Phóng viên Không Biên giới RSF nói với VOA Việt ngữ việc truy tố Đinh Nhật Uy cho thấy mức độ đàn áp khốc liệt các quyền tự do căn bản của con người tại Việt Nam bao gồm quyền tự do bày tỏ quan điểm và quyền tự do internet. Ông Benjamin Ismail, Giám đốc phụ trách ban Á Châu-Thái Bình Dương thuộc Tổ chức Phóng viên Không Biên giới: “Khi một người dùng mạng xã hội Facebook để đòi công lý và kêu gọi phóng thích cho em trai của mình mà bị nhà cầm quyền bắt và truy tố điều này chứng tỏ sự đàn áp ngày càng nặng tay của Hà Nội và mức độ không chấp nhận chỉ trích của nhà cầm quyền Việt Nam đã lên tới đỉnh điểm.” Mẹ của blogger Đinh Nhật Uy đã gửi thư mời tất cả mọi người cùng các cơ quan ngoại giao, nhân quyền, và truyền thông quốc tế đến tham dự phiên tòa tại Long An vào thứ ba tuần tới để mục kích sở thị phiên xử mà nhà nước gọi là ‘công khai’. Trong số các bên được mời có đài VOA và sáng lập viên trang Facebook, ông Mark Zuckerberg, với tư cách người có trách nhiệm-nghĩa vụ liên quan. Cáo trạng nói Đinh Nhật Uy nói bôi nhọ nhà nước bằng các bình luận đăng trên Facebook được nhiều người thích và chia sẻ cũng phê phán phiên tòa xử Đinh Nguyên Kha là bất công trong các cuộc phỏng vấn với báo đài nước ngoài, trong đó có đài VOA.  Ông Benjamin Ismail nói thật đáng tiếc RSF không thể tham dự phiên tòa của Uy theo lời mời của gia đình vì nhà nước Việt Nam không hoan nghênh sự hiện diện của tổ chức bảo vệ nhân quyền này. Tuy nhiên, ông Ismail cho rằng sáng lập viên Zuckerberg của Facebook nên dự phiên xử của Uy để thấy rằng trong khi trang mạng xã hội toàn cầu do chính ông lập ra giúp mọi người trên thế giới chia sẻ thông tin và biểu đạt quyền tự do ngôn luận thì cũng có nhiều người bị biến thành những nạn nhân bị tù tội chỉ vì sử dụng Facebook tại một số quốc gia như Việt Nam. RSF nói điều luật 258 là một hình thức khác của sự bóp nghẹt quyền tự do tư tưởng tại Việt Nam sau các điều luật đã bị phê phán nặng nề như 88 (tuyên truyền chống nhà nước) hay 79 (âm mưu lật đổ chính quyền). Tổ chức Phóng viên Không Biên giới kêu gọi Việt Nam hủy bỏ tất cả các điều luật mà họ mô tả là vi phạm nhân quyền và bị thế giới lên án này. VOA
......

LM Nguyễn Văn Lý được giải thưởng 'Truman-Reagan Medal of Freedom”

WASHINGTON DC.- Sáng hội Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản trên thế giới vinh danh và trao giải thưởng năm nay cho linh mục Nguyễn Văn Lý hiện đang bị tù tại Việt Nam. Linh mục Nguyễn Văn Lý bị một Công an CSVN bịt miệng khi ngài lên tiếng đả kích Cộng Sản tại phiên tòa ở Huế ngày 30/3/2007. Tấm hình này được coi như biểu tượng của sự vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. (Hình: AFP/Getty Images)   Theo nguồn tin từ Hoa Thịnh Đốn, Sáng Hội Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản (Victims of Communism Memorial Foundation) vừa quyết định vinh danh và trao huy chương  “Truman-Reagan Medal of Freedom” năm nay cho linh mục Nguyễn Văn Lý vì đã đấu tranh không ngừng nghỉ cho nhân quyền, tự do tôn giáo, bất chấp tù tội, nguy hiểm bản thân nên đã bị nhà cầm quyền CSVN kết án tù. Giải thưởng và huy chương “Truman-Reagan Medal of Freedom” dành cho linh mục Nguyễn Văn Lý sẽ được tổ chức trao tặng tại Hoa Thịnh Đốn vào ngày 1/11/2013 tới đây. Linh mục Nguyễn Văn Lý, 67 tuổi, đã bị nhà cầm quyền Việt Nam bỏ tù 3 lần mà thời gian ở tù tổng cộng đã gần 20 năm, chưa kể các năm tháng bị quản chế. Hiện ông đang bị giam giữ ở nhà tù Ba Sao tỉnh Nam Hà với bản án 8 năm với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước”. Dù đã bị tai biến mạch máu ít nhất 3 lần trong nhà tù, nhiều lúc không thể tự di chuyển đi đứng và gần với cái chết, ông vẫn không được nhà cầm quyền CSVN trả tự do dù có sự vận động mạnh mẽ của các chính phủ và quốc hội các nước Tây phương, đặc biệt là Hoa Kỳ. Linh mục Lý đã tố cáo nhà cầm quyền CSVN thi hành các chính sách cai trị ngược lại với những cam kết quốc tế về nhân quyền, đòi chế độ trả lại cho nhân dân các quyền tự do căn bản như quyền tự do báo chí, tự do phát biểu, tự do hội họp lập hội, tự do tôn giáo, tuy có ghi trong bản hiến pháp của chế độ nhưng bị hạn chế nghiêm ngặt trong thực tế. Linh mục Nguyễn Văn Lý là một trong những người sáng lập Khối 8406, một tổ chức công dân vận động dân chủ hóa đất nước, đòi CSVN bỏ điều 4 hiến pháp dành độc quyền cai trị cho đảng Cộng Sản và đòi bầu cử quốc hội trực tiếp, tự do ứng cử và bầu cử. Tượng nữ thần Dân Chủ tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, nhắc nhở mọi người về hơn 100 triệu nạn nhân bị Cộng Sản sát hại khắp trên thế giới. (Hình: Wikipedia) Bất cứ người dân nào đi ra ngoài khuôn khổ của nhà cầm quyền độc tài tại Việt Nam, đều bị bắt bỏ tù dựa trên những điều luật hình sự mơ hồ. Khi còn là quản xứ họ đạo An Truyền gần thành phố Huế, linh mục Lý đã cùng giáo dân treo biểu ngữ “Tự do tôn giáo hay là chết” quanh nhà thờ. Sáng hội Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản có cựu tổng thống George W. Bush là chủ tịch danh dự. Sáng Hội Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản là một tổ chức vô vị lợi mang tính giáo dục ở Hoa Kỳ. Tổ chức được thành lập theo một đạo luật năm 1993 với mục đích tưởng niệm hơn 100 triệu nạn nhân đã bị Cộng Sản sát hại trên thế giới. Linh mục Nguyễn Văn Lý từng được nhiều vị dân cử tại Hoa kỳ và quốc hội Liên Âu đề cử giải thưởng Nobel Hòa Bình. (TN) Nguồn: nguoi-viet.com
......

Mặt trái của mô hình kinh tế Đức

Trong khu vực đồng tiền chung châu Âu, kinh tế Đức được coi là một tấm gương sáng để noi theo. « Phép lạ » kinh tế của Đức làm mê hoặc các đối tác châu Âu của Berlin. Vào lúc cả châu Âu đang lao đao vì tác động của khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Hy Lạp, nước Đức của thủ tướng Merkel vẫn tăng trưởng ở số dương –dù không cao lắm, và là một trong những quốc gia châu Âu có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất. Uy tín của Berlin lớn đến nỗi các nhà tài trợ quốc tế đều sẵn sàng cho Đức vay tín dụng với lãi suất thấp. Một người vô gia cư tại Đức bới thùng rác trên quảng trường Alexanderplatz tại Berlin. REUTERS/Thomas Peter/files Từ năm 2011 tới nay, trong hầu hết các cuộc tuyển cử tại châu Âu, từ Pháp đến Ý, từ Tây Ban Nha đến Bồ Đào Nha, các chính quyền mãn nhiệm đều bị cử tri trừng phạt vì không đủ sức vực dậy kinh tế trong cơn khủng hoảng. Riêng tại Đức, thì sau hai nhiệm kỳ thủ tướng, bà Angela Merkel lại được người dân tin tưởng để tiếp tục điều hành đất nước thêm một nhiệm kỳ ba. Những thành tựu kinh tế gần đây của Đức củng cố vị thế của bà thủ tướng Đức đầu tiên, cả trên sân khấu quốc tế lẫn trên bàn cờ chính trị của nước Đức. Không ai có thể phủ nhận những thành tựu kinh tế của chính quyền Merkel khi mà vào năm 2012, thâm hụt ngân sách của Pháp tương đương với 4,8 % GDP thì tại Đức chính phủ lại thu nhiều hơn chi : thặng dư ngân sách của chính quyền liên bang tương đương với 0,2 % tổng sản phẩm nội địa của quốc gia này. Nhìn đến một chỉ số khác là tỷ lệ nợ công so với GDP : nợ công của Pháp đã lên đến 90,8 %, của Đức là 83 %, tức là thấp hơn nhiều so với trung bình trong khối euro (90,2%).                              Bà Angela Merkel Thủ Tướng CHLB Đức Trong lúc Pháp bối rối vì các dự báo cho thấy tỷ lệ tăng trưởng gần như ở số không, thì kinh tế Đức sẽ tăng khoảng từ 0,5 đến 0,7 % trong năm 2013. Trên thị trượng lao động, tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong khu vực đồng tiền chung châu Âu là 11,7 %. Tại Đức, chỉ có 6,8 % người trong tuổi lao động không có việc làm. Chỉ nội một điểm này cũng đủ biến nước Đức của thủ tướng Merkel thành « thiên đường » trong mắt người lao động, đặc biệt là tại những quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp lên tới 27 % như Hy Lạp hay Tây Ban Nha.                                             Phép màu kinh tế của Đức do đâu mà có ? Đâu là những bí quyết thành công của Berlin và đâu là những giới hạn của mô hình kinh tế Đức ? Lợi thế của nước Đức Trong quá trình thống nhất đất nước, các chính phủ Đức liên tiếp đã phải mạnh dạn tiến hành cải tổ trong suốt gần 20 năm, đặc biệt là kể từ năm 2000 thủ tướng Gerhard Schroeder đã cải tổ sâu rộng thị trường lao động của Đức, xét lại toàn bộ chính sách lương bổng và hệ thống bảo hiểm xã hội. Trả lời đài RFI Pháp ngữ, nhà báo Marc Vignaud đặc trách về các hồ sơ kinh tế của tạp chí Le Point nêu lên một vài điểm son trong mô hình kinh tế của Đức, và không quên nhắc đến công lao cựu thủ tướng Schroeder : Ông Gerhard Schröder cựu Thủ Tướng CHLB Đức " Mô hình phát triển kinh tế của Đức có nhiều nét tiêu biểu. Trước hết vào khoảng năm 2000, kinh tế Đức đã tìm cho mình một vị trí riêng biệt trên bàn cơ thương mại quốc tế. Nhờ vậy mà ngành xuất khẩu của Đức đi lên. Bên cạnh đó còn phải kể đến công lao thủ tướng Schroeder. Ông là người đã cởi trói cho thị trường lao động của Đức. Chính sách tự do hóa thị trường lao động đó đã cho phép những người không cần có tay nghề cao vẫn có thể dễ dàng tìm việc làm, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, cho dù họ không được trả lương cao. Vào năm 2005, Đức có 4,9 triệu người thất nghiệp. Đến cuối năm 2012, số đó giảm xuống còn 2,3 triệu. Tỷ lệ thất nghiệp ở Đức hiện vào khoảng 6 % trong khi chỉ số đó tại Pháp vẫn là gần 11 %." Bên cạnh chủ trương mạnh dạn cải tổ của Berlin, phải nêu lên ba yếu tố khác để giải thích về phép màu kinh tế của Đức trong hơn một chục năm qua. Thứ nhất, trong 15 năm trở lại đây, dân số Đức không hề tăng mà còn có khuynh hướng giảm sút- giảm đi 400 ngàn trong thời gian từ 2000 đến 2010. Đức lại không hề bị tác động của hiện tượng bong bóng địa ốc. Hai yếu tố đó cộng lại, khiến các nguồn tiết kiệm của Đức chủ yếu được dùng để đầu tư vào sản xuất, vào các doanh nghiệp thay vì đầu tư vào giáo dục hay nhà ở. Nét tiêu biểu thứ nhì là về cơ cấu thì từ đầu những năm 2000, nền công nghiệp của Đức đã chọn cho mình một hướng đi riêng, chủ yếu là để đáp ứng nhu cầu của các nền kinh tế đang trỗi dậy (xe hơi, xe tải, máy cày, máy móc sản xuất …). Vì vậy Đức vẫn là nhà xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới. Lợi thế thứ ba là ngành ngân hàng Đức tương đối được coi là « mở rộng », các chi phí ngân hàng cũng như lãi suất tín dụng trung bình thấp hơn so với ở những nơi khác trong khối euro. Đó là động cơ khuyến khích các doanh nghiệp vay vốn đầu tư. Bên cạnh ba lợi thế cơ bản đó, kinh tế Đức trong thập niên vừa qua đã gặp nhiều may mắn. Vào năm 2004 khi mà Liên Hiệp Châu Âu mở rộng cửa đến các nước Đông Âu cũ thì Đức đã lợi dụng thời cơ mua lại nhiều cơ sở công nghiệp của các nước cộng sản cũ với giá rẻ, qua đó củng cố thêm mạng lưới công nghiệp quốc gia. Thế rồi cơ may thứ nhì lại mở ra khi vào năm 2009 khi mà thế giới đang chao đảo dưới tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu và của khu vực đồng euro, thì Đức được coi là một thành trì kiên cố, là một trong những địa điểm đầu tư an toàn nhất hành tinh. Tư bản của thế giới đang được ký gửi ở các ngân hàng nam Âu, đổ về nước Đức. Lãi suất ngân hàng của Đức nhờ vậy được đẩy xuống mức thấp chưa từng thấy. Điều này khiến các doanh nghiệp của Đức dễ dàng đi vay để đầu tư và nâng cao năng suất. Hàng « made in Germany » vốn đã tốt lại càng có khả năng cạnh tranh cao. Đó cũng là lý do vì sao cho dù đồng euro có tăng giá so với đô la, ngành xuất khẩu của Đức vẫn không bị khuynh đảo. Thách thức của thành công Nhưng mô hình kinh tế Đức bắt đầu bị đặt trước nhiều thử thách. Đành rằng chủ trương cởi trói thị trường lao động, do cựu thủ tướng Schroeder khởi xướng hơn một chục năm trước đây đã giúp cho các doanh nghiệp không bị bó buộc về khối lượng giờ làm việc hay về mức lương cố định. Giới chủ không bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên, đồng thời họ được quyền dễ dàng tuyển dụng hoặc sa thải nhân viên tùy theo tình hình thời cuộc. Đây là một lợi thế không nhỏ khi biết rằng 80 % các doanh nghiệp Đức là những cơ sở tư nhân cỡ vừa và nhỏ. Chính nhờ vậy mà tỷ lệ thất nghiệp của Đức luôn được coi là thấp vào bậc nhất tại châu Âu. Nhưng cái giả phải trả của phép màu kinh tế đó là tại nền kinh tế số 1 châu Âu này, lại có tới 20 % dân số Đức trong cảnh bị coi là « bấp bênh ». Hơn 6 triệu người lao động đi làm với đồng lương chỉ bằng 75 % so với mức lương tối thiểu của Pháp. Tại Đức hiện không có mức lương tối thiểu. Từ năm 2000 đến 2010, lương trung bình tại Đức chỉ tăng 1 %. Nhưng khi nhìn đến thu nhập thực sự của người lao động Đức, tức là sau khi họ phải đóng thuế thì lương của những tầng lớp có thu nhập thấp nhất, chẳng những đã không tăng mà lại còn bị giảm đi từ 16 đến 22 % trong cùng thời kỳ. Cuộc chạy đua để nâng cao năng suất và lợi nhuận của các doanh nghiệp đã khiến xã hội Đức trở nên bất công hơn. Về điểm này, tổng biên tập tạp chí kinh tế Alternatives économiques , Guillaume Duval một chuyên gia nghiên cứu về kinh tế Đức, phân tích thêm về mặt trái của chính sách cởi trói thị trường lao động của cựu thủ tướng Schroeder, đồng thời ông điều chỉnh lại một vài thông tin sai lạc về cái được gọi là thành tựu của Đức trong công cuộc đẩy lui thất nghiệp : « Trên thực tế, khi ông Schroeder lên cầm quyền, Đức có tỷ lệ nghèo khó và bất công xã hội thấp hơn so với Pháp. Ngày nay hai chỉ số đó ở Đức tương đương với tình hình ở Pháp. Cựu thủ tướng Schroeder được giới chủ hoan nghênh, nhưng chính sách của ông cũng đẩy không ít người lao động vào hoàn cảnh bấp bênh. Một phần lớn giới làm công ăn lương không được hưởng các điều khoản an sinh xã hội. Hiện có khoảng 6 triệu người lao động ở Đức đi làm với đồng lương chưa đầy 6 euro/giờ. Dư luận Đức chán ngán với chính sách lương bổng tồi tệ đó và họ bắt đầu đòi chính phủ phải quy định để bảo đảm cho người dân một mức thu nhập tương đối đủ sống và có thể chấp nhận được. Ngoài ra dưới nhiệm kỳ của ông Schroeder, nợ công của Đức cũng đã tăng vọt. Tuy nhiên sở dĩ kinh tế Đức đứng vững trong gần 10 năm qua, và đặc biệt là kể từ sau khủng hoảng tài chính thế giới và của khu vực đồng tiền chung châu Âu, điều đó có được là nhờ : dân số của Đức không ngừng sụt giảm. Khối lượng người gia nhập thị trường lao động giảm đi, đương nhiên là tỷ lệ thất nghiệp phải được giảm xuống. Đó không có gì là phép lạ cả.   Ngoài ra, chính sách khuyến khích phụ nữ sinh con là một điều tốt cho tương lai, nhưng trong ngắn hạn chính sách đó đòi hỏi nhà nước phải đầu tư vào trường học, nhà trẻ, phải tạo điều kiện cho phụ nữ có con mà vẫn có thể đi làm … tất cả những biện pháp đó đè nặng lên ngân sách của nhà nước. Trong khi Pháp phải chi ra những khoản tốn kém đó, thì Đức không phải làm như vậy. Đó cũng chính là lý do vì sao Đức trả lương giáo sư hơn nhiều so với Pháp nhưng ngân sách của Đức dành cho ngành giáo dục lại thấp hơn đến 1,5 % GDP so với của Pháp. Ngoài ra, do dân số giảm, nhu cầu địa ốc không tăng, từ 15 năm qua, giá nhà đất ở Đức vẫn giậm chân tại chỗ. Đây là một lợi thế không nhỏ. Khi biết rằng, năm 2009, trung bình giá nhà mới xây ở Đức chỉ bằng 1/3 so với ở Pháp. Điều đó có nghĩa là, nhờ không phải chi ra quá nhiều để có được một mái nhà, người Đức dễ dàng chấp nhận đi làm với đồng lương thấp hơn. Đây là một lợi thế rất lớn đối với ngánh ản xuất, xuất khẩu của Đức ». Câu hỏi đặt ra đối với chính quyền Đức là phải lựa chọn giữa hai giải pháp, hoặc là để nạn thất nghiệp tăng hoặc là phải chấp nhận hy sinh, đi làm dù với đồng lương ít ỏi. Đó là một sự chọn lựa về mô hình kinh tế và xã hội. Không thể trả lời mô hình của Pháp hay của Đức tốt hơn. Ngoài ra Đức như tổng biên tập nguyệt san kinh tế Alternatives Economiques, Guillaume Duval vừa nói, Đức còn là một quốc gia nơi mà phụ nữ chỉ có một chỗ đứng rất khiêm tốn trên thị trường lao động. Điều đó là một trong những yếu tố giải thích vì sao tỷ lệ thất nghiệp ở Đức thấp. Chỉ mới chưng 10 năm gần đây phụ nữ bắt đầu đi làm nhiều hơn. Nhưng vấn đề đặt ra là lương họ thấp, công việc lại bấp bênh, và phần lớn những người chấp nhận đi làm không có tay nghề cao. Đức là nơi khác biệt về lương bổng giữa phái nam và nữ được coi là cao nhất tại châu Âu. Khác biệt về khối lượng giờ là việc cũng vậy. Trung bình một phụ nữ Đức làm việc ít hơn một phụ nữ Pháp đến 3 giờ mỗi ngày. Khác biệt đó rất lớn và nó kèm theo nhiều tác động về phương diện kinh tế, xã hội, gia đình … Ngoài ra, tại Đức có những người đi làm nhưng lương tháng lại chưa đầy 450 euro. Số này hầu như không đóng góp vào các quỹ an sinh xã hội và họ cũng không được hưởng trợ cấp y tế, xã hội hay hưu trí. Có khoảng 7 triệu rưỡi người lao động ở Đức trong tình cảnh này. Khắc phục những thiếu sót về phương diện xã hội, sẽ là trọng tâm của các cuộc thương lượng sắp mở ra vào ngày 04/10/2013 giữa đảng bảo thủ Dân chủ Thiên chúa giáo của bà Angela Merkel với đảng Dân chủ Xã hội cấp tiến để thành lập chính phủ liên minh. Tổng biên tập nguyệt san Alternatives Economiques, Guillaume Duval điểm ra một số những ưu tiên của chính phủ Merkel trong nhiệm kỳ sắp tới: « Bà Merkel đã cam kết bảo đảm cho người lao động một mức lương tối thiểu. Chính phủ cũng sẽ có một chính sách ưu đãi hơn dành cho các gia đình, chẳng hạn như xây thêm trường học và nhà trẻ, để tạo điều kiện cho các bà mẹ đi làm, khuyến khích phụ nữ có con. Ngoài ra thì Berlin cũng sẽ đầu tư vào hạ tầng cơ sở vì trong nhiều năm qua, Đức đã giảm chi tiêu công cộng đáng kể. Hạ tầng cơ sở bị xuống cấp. Nói tóm lại trong nhiệm kỳ tới, thủ tướng Merkel sẽ nới lỏng các khoản chi tiêu, và qua đó, kích thích tiêu thụ và đầu tư tại Đức. Một cách gián tiếp thì chính sách này của Berlin sẽ ảnh tạo nên một đà mới cho các đối tác châu Âu. Chắc chắn là không có chuyện Đức giúp đỡ các đối tác yếu kém trong khu vực đồng euro ». Theo thẩm định của Viện nghiên cứu kinh tế Đức, quốc gia này cần đầu tư thêm ít nhất là 7 tỷ euro trong những năm tới để tu chỉnh hệ thống cầu đường. Chính sách tiết kiệm chi tiêu công cộng của Berlin trong những năm qua khiến 20 % hệ thống xa lộ của Đức bị xuống cấp và có tới 40 % các tuyến đường giao thông cần được tu bổ. Nguồn: RFI  
......

Phiên xử phiền phức của Hà Nội

Vụ xử án nhà đối kháng Lê Quốc Quân đạt kết quả chính yếu là tạo ra thêm phản đối. 2 Tháng Mười, 2013 Bây giờ chúng ta hiểu tại sao chế độ cộng sản Việt Nam do dự khá lâu trước khi đem Luật sư đối kháng Lê Quốc Quân ra xét xử hôm thứ Tư. Trong lúc ông Lê bị kết án với cái tội ngụy tạo trốn thuế và bị lãnh án tù giam 30 tháng và bị phạt $57,000 thì bên ngoài toà án Hà Nội hàng trăm người ủng hộ ông tụ tập để phản đối. Những hoạt động của ông Lê được sự đồng tình của quần chúng ngày càng khó chịu với sự giới hạn về tự do ngôn luận của Hà Nội. Tội thật sự của ông Lê là viết blog năm ngoái thách đố quyền lực độc tôn của Đảng Cộng Sản. Ông còn viết blog về nhân quyền và chỉ trích Hà Nội về cách ứng xử với Trung Quốc trong việc tranh chấp lãnh hải. Tội trốn thuế mà Hà Nội đã từng sử dụng với những nhà đối kháng khác nhằm để khuất lấp bản chất chính trị của sự việc. Việc đó không có kết quả. Các nhà làm luật Hoa Kỳ viết thư cho Hà Nội kêu gọi thả ông Lê. Hàng trăm người Việt bất chấp công an để biểu tình trước tòa án xét xử ông Lê trong tuần này cũng hiểu rõ điều chế độ đang làm. Một quan sát viên đánh giá đây là cuộc biểu tình công chúng lớn nhất đối với một vụ xử đối kháng cho đến nay, và diễn ra trong bối cảnh mà Hà Nội ngày càng đàn áp mạnh giới đối kháng. Vụ xử này còn là một điều khó chịu trên diễn đàn quốc tế đối với nhà cầm quyền. Phiên xử ban đầu dự tính là vào tháng Bảy nhưng hoãn lại giờ chót khi Hà Nội thấy quá bẽ bàng nếu kết án ông Lê ngay trước khi chuyến công du của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang qua Washington gặp Tổng Thống Barrack Obama. Trong khoảng thời gian 2006-2007, ông Lê là nghiên cứu sinh của một chương trình về xã hội dân sự do National Endowment for Democracy tổ chức, tài trợ bởi quốc hội Hoa Kỳ. Ông Trương Tấn Sang và Obama sẽ tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Hợp Tác Kinh Tế Á Châu-Thái Bình Dương ở Bali, Nam Dương vào tuần tới. Khi đụng đầu nhau, có thể ông Obama nên nhắc ông Trương rằng vi phạm nhân quyền là chướng ngại chính cho một mối bang giao tốt hơn. Nếu Hà Nội mặn mòi trong việc hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ về giao thương và các vấn đề chiến lược trong vùng biển Nam Hải, thả tự do cho ông Lê có lẽ là một bước hữu ích. BBT-WebVT chuyển ngữ Nguồn: WSJ
......

Blogger Điếu Cày được giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế 2013 của CPJ

Ông Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày đã được Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) quyết định trao tặng giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế năm 2013, cùng với ba nhà báo của Ecuador, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ. Tin này được loan trên trang web của tổ chức CPJ có trụ sở tại New York vào hôm qua 26/09/2013.   Ông Joel Simon, giám đốc điều hành của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo tuyên bố : « Vào thời điểm mà thông tin đã trở thành tài nguyên toàn cầu, bốn nhà báo trên đây đã bất chấp nạn kiểm duyệt và trấn áp để mang lại thông tin cho chúng ta. Chúng tôi nhìn nhận lòng can đảm, sự dấn thân và sự chối từ im lặng của họ ». Thông cáo của CPJ cho biết, bốn nhà báo được giải – Janet Hinostroza ( đài Teleamazonas, Ecuador), Bassem Youssef (đài Capital Broadcast Center, Ai Cập), Nedim Sener (báo Posta, Thổ Nhĩ Kỳ) và Nguyễn Văn Hải (tức blogger Điếu Cày, Việt Nam) – đang phải đối mặt với những sự trả thù do công việc của họ, kể cả quấy rối về luật pháp, đe dọa về thân thể và bắt giam. Cũng theo thông cáo trên, bà Janet Hinostroza đã buộc phải tạm ngưng một chương trình truyền hình sau khi bị đe dọa, ông Youssef bị điều tra về các bản tin châm biếm, ông Sener bị quy tội hoạt động khủng bố vì các bài điều tra mang tính chỉ trích và có thể bị lãnh án 15 năm tù. Ông Nguyễn Văn Hải, một trong các blogger nổi tiếng nhất Việt Nam, đã thành lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do trong một đất nước mà báo chí đều do Nhà nước kiểm soát, và đã bị 12 năm tù kèm theo 5 năm quản chế theo một điều luật mơ hồ về « tuyên truyền chống Nhà nước ». Các bài viết trên blog của ông dưới bút danh Điếu Cày đề cập đến những vấn đề nhạy cảm về chính trị, trong đó có những bài phản đối Trung Quốc xâm lấn Hoàng Sa và Trường Sa, và chống giới chức tham nhũng. Ông Nguyễn Văn Hải cũng kêu gọi xuống đường phản đối rước đuốc Olympic Bắc Kinh đến Thành phố Hồ Chí Minh tháng 12/2007. CPJ nhắc lại, ông Nguyễn Văn Hải bị giam giữ 5 tháng vào năm 2008 trong khi không bị cáo buộc tội danh nào, đến tháng 9/2008 bị kết án hai năm rưỡi tù giam vì tội « trốn thuế ». Sau khi mãn án, ông vẫn phải tiếp tục ở tù vì lại bị lãnh thêm một bản án mới, và tháng 7/2013 blogger này đã tuyệt thực hơn một tháng để phản đối các điều kiện giam giữ. Theo một nghiên cứu của CPJ, đến cuối năm 2012 tại Việt Nam có ít nhất 14 nhà báo bị giam cầm, đứng thứ nhì trên thế giới chỉ sau Trung Quốc. Ủy ban Bảo vệ Nhà báo là tổ chức phi lợi nhuận hoạt động độc lập với mục tiêu bảo vệ tự do báo chí trên toàn thế giới. Giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế được thành lập từ năm 1991, mỗi năm trao giải cho bốn nhà báo đã tỏ ra dũng cảm trước mọi đe dọa. Bốn nhà báo đoạt giải năm nay sẽ được vinh danh tại lễ trao giải thưởng niên của CPJ và được mời dự ăn tối tại New York ngày 26/11/2013. Trong quá khứ, có những nhà báo bị cầm tù nhiều năm sau đó khi được trả tự do đã đến dự lễ, và có ba phóng viên được truy tặng giải.   CPJ International Press Freedom Awards 2013 23rd Annual Ceremony and Dinner To benefit the Committee to Protect Journalists Four journalists who face imprisonment or other persecution for exposing realities in Ecuador, Egypt, Turkey, and Vietnam will be honored with the Committee to Protect Journalists' 2013 International Press Freedom Awards, an annual recognition of the courageous reporting that defines free media. The awardees--Janet Hinostroza (Teleamazonas, Ecuador), Bassem Youssef (Capital Broadcast Center, Egypt), Nedim Şener (Posta, Turkey) and Nguyen Van Hai (Dieu Cay, Vietnam)--are confronting severe reprisals for their work, including legal harassment, physical threats, and imprisonment. Hinostroza was forced to temporarily give up one television program to ensure her safety after being threatened; Youssef has come under legal investigation for his satirical newscast; and Şener is charged with terrorist activity for his critical reporting and could be sentenced to 15 years in prison. Nguyen Van Hai, one of Vietnam's best known bloggers, created an independent alternative in a country where all news publications are controlled by the government. Consequently, he is serving a 12-year prison sentence under a vague law that bars "conducting propaganda" against the state. CPJ will present Paul Steiger, founding editor-in-chief of ProPublica, with the Burton Benjamin Memorial Award for lifetime achievement in the cause of press freedom. Steiger, who served as CPJ chairman for six years, from 2005 to 2011, was managing editor of The Wall Street Journal from 1991 to 2007. All of the winners will be honored at CPJ's annual award and benefit dinner in New York City on November 26, 2013. Lara Logan, CBS News correspondent and CPJ board member, will host the event. Daniel L. Doctoroff, chief executive and president of Bloomberg L.P., is the dinner chairman. Full press release available in Arabic, English, Spanish, and Turkish. CPJ International Press Freedom Awards: Tuesday, November 26, 2013 Grand Ballroom The Waldorf-Astoria New York City For tickets, please call CPJ's Development Office at +1 (212) 465-1004, ext. 113. CPJ 2013 International Press Freedom Awardees: Janet Hinostroza, Ecuador Bassem Youssef, Egypt Nedim Şener, Turkey Nguyen Van Hai, Vietnam Burton Benjamin Memorial Awardee: Paul Steiger, United States Media contact: Magnus Ag, Advocacy and Communications Officer; email: mag@cpj.org; tel: +1.212.300.9007 Nguồn: RFI  - CPJ.org/awards/
......

LS Lê Quốc Quân được báo Pháp vinh danh

Luật sư đấu tranh cho nhân quyền Lê Quốc Quân vừa được tuần báo Nouvel Observateurs vinh danh là 1 trong 50 người góp phần làm cho bộ mặt nhân loại thay đổi trong tương lai. 50 người này là những nhà chính trị, kỹ nghệ gia, nhà khoa học và những nhà đấu tranh ở các quốc gia còn bị cai trị bởi những chế độ hà khắc. Từ Sài gòn, ông Lê Quốc Quyết, em trai luật sư Lê Quốc Quân trao đổi về sự kiện này với chúng tôi: “Đây là một tin cho gia đình cảm thấy được động viên phần nào đó nhân ngày sinh của anh Quân. Đó không chỉ là niềm khích lệ cho gia đình chúng tôi, mà nhiều anh em cũng cảm thấy được khích lệ, vì thực ra, trong Phong Trào ở VN, khi thế giới quan tâm đến cá nhân nào đó ở Việt Nam thì cũng là sự quan tâm chung của Phong Trào. Điều này rất tốt.   Hôm thứ Sáu 13 tháng 9 là sinh nhật của anh Quân, cũng là lúc mà anh bị tạm giam đúng 8 tháng 16 ngày mà gia đình vẫn chưa được gặp mặt. Việc họ giam giữ anh Quân chờ xét xử đã qua thời hạn. Việc này hết sức bất thường đối với một vụ án kinh tế và cả vụ án chính trị ở Việt Nam. Do đó việc khiếu nại của các tổ chức NGO về chuyện nhà cầm quyền Việt Nam giam giữ anh Quân một cách tùy tiện là hoàn toàn có cơ sở và đúng đắn. Có thể bây giờ anh Quân bị giam giữ mà chẳng có lệnh nào cả. Bởi vì các lệnh tạm giam anh ấy đã hết hạn từ thuở nào rồi. Và gia đình cũng không nhận được bất cứ thông báo nào cả.”
......

Tổ Chức Quốc Tế và Chính Giới Chúc Mừng Sinh Nhật LS Lê Quốc Quân

Dân biểu Hoa Kỳ Loretta Sanchez cũng chúc mừng sinh nhật Ls Lê Quốc Quân. Lời chúc từ DB Sanchez: "#HappyBirthdayLeQuocQuan! Most of us spend our birthdays with our friends and family, but today Mr. Le Quoc Quan, a prominent Vietnamese lawyer and blogger, is turning 42 in prison. Please join me in sending him our wishes and prayers, as he has spent the past 8 months in arbitrary detention for being a human rights defender. Defending human rights, blogging about social justice and engaging in civil actions are patriotic acts that contribute to the development of one's country. My thoughts and best wishes are with him and his family. I call on the Government of Vietnam to release attorney Le Quoc Quan immediately and unconditionally." Tạm dịch: Trong ngày sinh nhật, thì hầu hết ai trong chúng ta cũng muốn chung vui cùng gia đình thân hữu, nhưng LS Lê Quốc Quân, một luật sư nhân quyền và blogger lại phải mừng sinh nhật thứ 42 của ông trong lao tù. Lên tiếng bảo vệ nhân quyền, viết blog về các vấn đề liên quan đến công bằng xã hội, và tham gia những sinh hoạt dân sự là những hành động ái quốc góp phần vào việc phát triển đất nước. Xin các bạn hãy cùng tôi gửi anh lời chúc sinh nhật và giữ ông trong lời cầu nguyện của chúng ta, vì ông đã bị giam giữ trái phép trong 8 tháng vừa qua chỉ vì tội yêu nước. Tôi kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam hãy tra tự do vô điều kiện cho LS Lê Quốc Quân!   Tổ chức bảo vệ tự do ngôn luận và tư do internet, Electronic Frontier Foundation (EFF) gởi lời chúc mừng sinh nhật Ls Lê Quốc Quân trên facebook và chúc anh sớm được tự do. Tổ chức EFF là một trong 19 tổ chức nhân quyền đã gửi thư đến Tổng thống Obama hồi tháng 7, yêu cầu can thiệp cho Ls. Lê Quốc Quân. #HappyBirthdayLeQuocQuan Luật sư nhân quyền Marily Paralika ở tổ hợp luật sư quốc tế White & Case LLP gởi video chúc mừng sinh nhật đến Ls Lê Quốc Quân. #HappyBirthdayLeQuocQuan   Tổ chức quốc tế ARTICLE 19, trụ sở tại Anh vừa tweet lời chúc sinh nhật thật cảm động sau đây :   Tạm dịch: Chúng ta sẽ không ngừng nghỉ cho đến khi anh được tự do. Trong tình đoàn kết, cùng nhau đấu tranh cho tự do ngôn luận tại Việt Nam. #HappybirthdayLequocquan. Let us not rest until he is free. In solidarity: we fight for #freespeech in #Vietnam — cùng với Quan Le   Tổ chức quốc tế Media Legal Defence Initiative, trụ sở tại London đã đăng lời chúc dưới đây  gởi đến Ls Lê Quốc Quân: The MLDI team: "#HappybirthdayLequocquan. We wish you freedom" Đây cũng là tổ chức đã miệt mài đề xướng các nỗ lực vận động cho Ls. Lê Quốc Quân, như kiến nghị gửi Liên Hiệp Quốc, UNESCO, Tổng thống Obama v.v. #HappyBirthdayLeQuocQuan — cùng với Quan Le Tổ chức Lawyers for Lawyers, trụ sở ở Hòa Lan, bảo vệ luật sư nhân quyền cùng hướng về Ls. Lê Quốc Quân. Lawyers for Lawyers từng đề xướng bức thư chung với 12 NGOs quốc tế yêu cầu ngoại trưởng John Kerry lên tiếng cho anh Quân. #HappyBirthdayLeQuocQuan   Dân biểu Canada Wayne Marston và các phụ tá tại văn phòng của ông ở Hamilton East, Canada, chung lời chúc sinh nhật Ls. Lê Quốc Quân trong lao tù.    
......

Sự phát tán của loại vũ khí chiến tranh này có thể là dấu chấm hết cho sự tồn tại của loài người…

Trong thời gian gần đây, quan hệ quốc tế đang trở nên căng thẳng vì tình hình chính trị ở Syria. Sau những nghi ngờ của một số nước phương Tây về việc về việc Syria có sử dụng vũ khí hóa học đối với thường dân, Mỹ và các quốc gia đồng minh đe dọa sẽ sử dụng những biện pháp can thiệp quân sự vào mảnh đất ở khu vực Trung Đông này. Mới đây nhất, chính quyền Mỹ đã cho công bố những báo cáo, bao gồm một loạt chứng cứ về sự tồn tại của một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở ngoại ô Damascus ngày 21/8 vừa qua. Theo đó, cuộc tấn công này đã làm 1.429 người thiệt mạng, bao gồm 426 trẻ em. Vậy vũ khí hóa học là gì, chúng có ảnh hưởng như thế nào tới cuộc sống con người và điều gì sẽ xảy ra nếu loại vũ khí này phát tán, bùng nổ trên toàn thế giới? Vũ khí hóa học là gì? Vũ khí hóa học là một dạng vũ khí quân sự thường được sử dụng trong chiến tranh, có khả năng hủy diệt và sát thương hàng loạt, giống như vũ khí sinh học, vũ khí hạt nhân… Nói đơn giản, đây là tập hợp các thiết bị quân sự có sử dụng hóa chất (ở cả 3 thể rắn, lỏng, khí) khi được phát tán sẽ gây ra tổn thương trực tiếp trên cơ thể người hoặc tử vong. Tùy theo hóa chất được sử dụng, người ta chia vũ khí hóa học thành 3 loại chính: loại sử dụng chất độc thần kinh, sử dụng hơi cay và sử dụng chất độc hô hấp. Sức mạnh hủy diệt của vũ khí hóa học? Trên thực tế, con người biết sử dụng loại vũ khí tàn bạo này từ rất sớm. Những phiên bản đầu tiên chính là các mũi tên tẩm độc của thổ dân da đỏ. Thời đó, người ta đã biết tới việc bỏ độc vào nguồn nước để tiêu diệt quân địch. Trước Công nguyên, người Ấn Độ đã từng vận dụng khói hơi ngạt trong các trận chiến của mình. Ở phương Tây, các chiến binh Spartan cũng đốt gỗ trộn với mù tạt và lưu huỳnh để tạo ra hơi cay của riêng mình dùng trong chiến tranh. Thời kỳ hoàng kim của loại vũ khí này là trong hai cuộc chiến tranh thế giới và hình ảnh tàn bạo của phát xít Đức thảm sát hàng triệu người vô tội bằng khí độc sẽ còn ám ảnh chúng ta mãi về sau. Một số loại chất độc chính từng được sử dụng là VX, Sarin, clo, phosgene,… Trong đó, Sarin là một chất độc thần kinh, độc tính mạnh gấp 500 lần cyanide (Hidro xyanua) và có thể giết chết một người trưởng thành trong vòng 1 phút. VX lại sở hữu khả năng hủy diệt lớn, giết chết 75% những ai bị chất này dính lên người trong vòng 7-8 giờ đồng hồ. Phosgene có mùi cỏ mới, sẽ gây phù phổi nếu vô tình hít phải và giết chết người bị nhiễm trong vòng 1-2 ngày. Cho tới ngày nay, trên thế giới có không ít quốc gia trên thế giới tuyên bố sở hữu kho vũ khí hóa học. Có thể kể tới như Mỹ, Ấn Độ, Iraq, Nhật Bản. Gần đây, cả thế giới đang nín thở theo dõi tình hình ở Syria khi báo chí và chính quyền phương Tây nghi ngờ nước này sử dụng vũ khí hóa học với dân thường. Dù điều đó có đúng hay không thì với khả năng hủy diệt hàng loạt của mình, sẽ không sai khi cho rằng, nếu vũ khí hóa học bùng nổ trên thế giới, đó cũng sẽ là dấu chấm hết cho lịch sử loài người. Bí kíp sống sót trước thảm họa vũ khí hóa học Cả nhân loại đều hiểu được sự nguy hiểm mà vũ khí hóa học đem lại. Do đó, một tổ chức giải trừ vũ khí hóa học (OPCW) quy tụ 189 quốc gia đã được thành lập năm 1997 nhằm thực hiện những nỗ lực không mệt mỏi, ngăn chặn sự phát triển cũng như giải trừ, tiến tới xóa bỏ vũ khí hóa học trên thế giới. Với những nỗ lực này, nhiều khả năng, một thảm kịch vũ khí hóa học trên quy mô toàn cầu có lẽ sẽ chỉ có trên lý thuyết. Song, không ai có thể chắc chắn 100% điều gì. Bởi vậy, giống như thảm họa hạt nhân, sự bùng nổ trên quy mô toàn cầu của vũ khí hóa học cũng như Ngày Tận thế đang treo lơ lửng trên đầu chúng ta. Để sống sót qua “cái chết không báo trước” này, hãy làm theo những hướng dẫn sau: Cố gắng nhận biết một cuộc tấn công hóa học càng nhanh càng tốt. Bạn có thể làm điều này bằng cách nghe thông tin từ truyền hình, radio. Đa phần các chất độc hóa học được sử dụng có thể không màu nhưng có mùi đặc trưng như mùi hắc của khí clo, mùi mù tạt… Khi tiếp xúc với những loại khí như vậy, cơ thể bạn gần như phản ứng tức thì: da tấy đỏ, ngứa, khó thở, mù tạm thời… Nếu biết mình đang nằm trong vùng tấn công hóa học, hãy tìm những vùng đất cao nhất và tới đó. Phần lớn chất độc hóa học nặng hơn không khí, do đó việc làm trên giúp bạn hạn chế đáng kể khả năng bị dính chất độc. Sau đó,  cởi hết toàn bộ quần áo đang mặc, bọc vào túi nhựa và vứt đi vì chắc chắn hóa chất đã dính lên chúng. Bạn cần nhanh chóng tắm rửa bằng xà phòng cẩn thận, rửa mắt với nước 10-15 phút để loại bỏ những mầm mống hóa chất có thể sót lại trên da. Cuối cùng, hãy giữ bình tĩnh để điều hòa nhịp thở. Sự hoảng loạn khiến bạn thở nhanh hơn, hít nhiều khí hơn bình thường và làm tăng nguy cơ hít phải khí độc. Để bảo vệ phổi, hãy sử dụng mặt nạ phòng độc hoặc bịt mũi bằng bông tẩm nước tiểu. Nước tiểu có khả năng trung hòa một số chất độc hóa học đang được sử dụng hiện nay. Trong Thế chiến thứ I, quân đội Canada đã sống sót nhờ vận dụng phương pháp này. Tạm kết: Sự bùng nổ vũ khí hóa học xảy ra chính xác khi nào là điều không ai dám chắc. Nhưng chuẩn bị trước là chuyện hoàn toàn nên làm. Thường xuyên cập nhật tin tức, tìm hiểu chính xác những bí kíp phòng thân là điều sẽ giúp bạn sống sót qua “cái chết không báo trước” này. * Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Discovery, Business Insider, Global Post, Wikihow, Wikipedia...
......

Mạng Lưới Blogger Việt Nam Gặp Phái đoàn EU Trước Thềm Đối Thoại Nhân Quyền

Chiều ngày 10/9, 5 thành viên của Mạnglưới Blogger Việt Nam đã có cuộc gặp với đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam để đưa bản Tuyên bố 258 và trao đổi về tình hình nhân quyền trong nước. Đáng chú ý là cuộc gặp này diễn ra ngay trước phiên đối thoại nhân quyền 2013 giữa EU và Việt Nam. Đại diện Mạng lưới Blogger Việt Nam trao Tuyên bố 258 cho bà Veronique Arnault, đại diện Phái đoàn EU sang dự phiên Đối thoại Nhân quyền 2013 với Việt Nam. Bà Véronique Arnault, Giám đốc phụ trách nhân quyền của Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu (EEAS, tương đương với một Bộ Ngoại giao chung của EU), vừa đến Hà Nội để bắt đầu đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam. Đối thoại nhân quyền năm nay diễn ra vào ngày 11/9, và bà đã dành riêng cho các blogger thuộc Mạng lưới Blogger Việt Nam một cuộc gặp chính thức. Tham dự cuộc gặp, ngoài bà Véronique Arnault, còn có một số quan chức cấp cao của EU: bà Delphine Malard, Cố vấn thứ nhất, phụ trách Ban Chính trị, Báo chí và Thông tin; ông Juan Jose Almagro Herrador, cố vấn Ban Chính trị, Báo chí và Thông tin; ông Konstantin Von Mentzingen, quan chức về Việt Nam và Đông Nam Á; và bà Rose Ieremia, Đại sứ Hy Lạp tại Việt Nam. (Hy Lạp cùng với Ireland và Litva giữ chức chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu nhiệm kỳ 2013-2014). Phó Đại sứ Thụy Điển Elenore Kanter, người từng tiếp các blogger Việt Nam trong cuộc gặp “nghẹtthở” ngày 7/8 khi 5 blogger phải khó khăn lắm mới qua được hàng rào an ninh để vào Đại sứ quán, cũng tham dự. Phía Mạng lưới Blogger Việt Nam có 4 blogger với đầy đủ đại diện từ ba miền đất nước: NguyễnTường Thụy, Nguyễn Chí Tuyến (Hà Nội), Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tức blogger Mẹ Nấm, ở Nha Trang), Châu Văn Thi (blogger Yêu Nước Việt, ở Sài Gòn). Mạng lưới Blogger Việt Nam sẽ có bài tường thuật chi tiết về cuộc gặp này với Phái đoàn EU. Đại diện Mạng lưới blogger Việt Nam và phái đoàn EU trao đổi về tình hình nhân quyền Việt Nam Đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam EU tổ chức đối thoại định kỳ về nhân quyền với hơn 30 nước ngoài EU. Mỗi cuộc đối thoại đều được tiến hành căn cứ vào Nguyên tắc chung của EU về đối thoại nhân quyền. Các vấn đề đưa ra trong mỗi cuộc đối thoại được quyết định theo từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, một số vấn đề thuộc diện ưu tiên thì sẽ luôn ở trong chương trình nghị sự của mỗi cuộc đối thoại. Đó là việc ký, phê chuẩn và thực hiện các công ước nhân quyền quốc tế, hợp tác với các thủ tục và cơ chế nhân quyền quốc tế, chống tra tấn, xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử, bảo đảm quyền trẻ em, quyền phụ nữ, tự do biểu đạt và vai trò của xã hội dân sự. Tham gia đối thoại là các quan chức nhà nước về nhân quyền, bao gồm cả đại diện từ các cơ quan chức năng như quốc hội, bộ tư pháp, bộ nội vụ, công an, thi hành án, v.v. Đối thoại giữa EU và các tổ chức xã hội dân sự ở nước sở tại thường diễn ra song song, bên lề những cuộc đối thoại cấp nhà nước. Ngay sau cuộc gặp với Mạng lưới Blogger Việt Nam, Phái đoàn EU đã tiếp tục gặp gỡ (không chính thức) một số quan chức, để chuẩn bị cho đối thoại  nhân quyền chính thức vào ngày 11/9. Mạng lưới Blogger Việt Nam tuyenbo258.blogspot.comtuyenbo258@gmail.com Nguồn: tuyenbo258.blogspot.de
......

Các nhà bảo vệ nhân quyền Vi Đức Hồi, Paulus Lê Sơn và Nguyễn Văn Oai bị ngược đãi trong tù

Bản dịch của Hành Nhân (Defend the Defenders) Dựa trên những thông tin được cung cấp cho Front Line Defenders vào ngày 24/08/2013, những nhà bảo vệ nhân quyền Vi Đức Hồi và Nguyễn Văn Oai được lệnh phải chịu biệt giam trong 6 tháng từ 20/07/2013 nhằm trả đũa việc phản đối của họ đối với việc ngược đãi người bạn cùng bảo vệ nhân quyền Paulus Lê Sơn. Những nhà bảo vệ nhân quyền này hiện đang bị giam giữ tại nhà tù Nam Hà. Từ trái sang phải: ông Vi Đức Hồi, anh Paulus Lê Sơn, anh Nguyễn Văn Oai Ông Vi Đức Hồi là một nhà hoạt động dân chủ và thành viên của Khối 8406, một mạng lưới ủng hộ dân chủ của những nhà bảo vệ nhân quyền và các tổ chức nhân quyền. Ông cũng là một người lãnh nhận giải thưởng nhân quyền Hellman/Hammett năm 2009. Năm 2011, ông bị kết án 8 năm tù giam. Vào ngày 26/04/2011, phiên tòa phúc thẩm đã giảm án xuống còn 5 năm và 3 năm quản chế. Ông Paulus Lê Sơn là một blogger, một nhà hoạt động cho người bị nhiễm HIV và là một nhà báo viết những vấn đề về công bằng xã hội ở Việt Nam, đã bị bắt vào ngày 03/08/2011. Ông đã bị kết án 13 năm tù giam và 5 năm quản chế. Vào ngày 23/05/2013, bản án đó được tòa phúc thẩm giảm xuống còn 4 năm tù giam và 4 năm quản chế. Ông Nguyễn Văn Oai là một thành viên của một tổ chức Công giáo Dòng Chúa Cứu Thế và tích cực tham gia vào việc thăng tiến và bảo vệ các quyền lợi về kinh tế, xã hội và văn hóa ở Việt Nam. Cả hai người (Sơn và Oai) đều bị kết án them điều 79 của BLHS liên quan đến “tiến hành những hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Vào ngày 18/07/2013, Paulus Lê Sơn bị cai ngục đánh đập dã man vì ông không chào họ. Mặc dù chân ông bị gãy và cần được chăm sóc y tế, nhưng ông đã bị đưa vào biệt giam. Khi thăm viếng ông vào ngày 21/08/2013, gia đình Paulus Lê Sơn nhận thấy rằng ông vẫn còn đau đớn và đi lại khó khăn. Không chấp nhận sự đối xử hà khắc này của các cai ngục, Vi Đức Hồi, Nguyễn Văn Oai và nhà hoạt động về quyền lợi đất đai Đỗ Văn Hòa đã đệ đơn khiếu nại các cai ngục và, như một dấu hiệu phản đối, họ cũng từ chối lao động. Ngoài ra, Vi Đức Hồi đã gởi một thỉnh nguyện thư đến Chủ tịch nước Việt Nam yêu cầu ông xem xét những điều kiện giam giữ ở nhà tù Nam Hà. Như một sự trả đũa cho những hành động này, cả ba người đàn ông đã bị biệt giam trong 6 tháng. Mặc dù họ được phép cho gia đình thăm gặp mỗi tháng một lần, nhưng họ không được tiếp cận với luật sư hoặc bác sĩ. Để biết thêm thông tin về các trường hợp của Paulus Lê Sơn và Nguyễn Văn Oai, xin vui lòng xem Lời kêu gọi khẩn cấp do Front Line Defenders công bố vào ngày 14/11/2011 và 16/05/2013, và bản cập nhật vào ngày 24/05/2013. * Nguồn: Front Line Defenders
......

Từ một cậu bé đánh giày đã trở thành một vị tổng thống của quốc gia Ba tây (brazil) nhờ giàu lòng nhân ái.

Mẫu chuyện đáng để chúng ta suy gẫm trong cuộc sống.Xin mời các bạn theo dõi. Cách chia hai đồng bạc... Chú bé Lula ,sinh ra vào tháng 10 năm 1945, tại 1 gia đình nông dân ở Ba-Tây ( Brazil ) . Luiz Inácio Lula da Silva  tổng thống Brazil ( 2002 - 2010 ) Vì nhà nghèo, nên từ lúc mới 4 tuổi, thằng nhỏ đã phải đi bán đâu phụng ngoài đường, nhưng vẫn quần áo tả tơi, và thiếu ăn . Sau khi được lên tiểu học, lúc đó đã dọn lên thủ đô Rio de Janeiro, sau buổi học chú bé thường hay cùng với 2 người bạn cùng lứa đi đánh giầy ở đâu đường, hôm nào không có khách, thì coi như là nhịn đói. Năm 12 tuổi, vào 1 buổi xế chiều, có 1 người khách, là chủ 1 tiệm giặt ủi và nhuộm áo quần đến chiếu cố, 3 đứa trẻ chạy lại chào hàng. Ông chủ tiệm nhin vào 3 cặp mắt van xin khẩn khoản đó, không biết quyết định chọn đứa nào. Cuối cùng ông ta nói : Đứa nào cần tiền nhất, thì tôi cho nó đánh giầy, và sẽ trả công 2 đồng. Công đánh 1 đôi giầy chỉ có 20 xu, 2 đồng đúng là 1 món tiền rất lớn. 3 cặp mắt đều sáng lên.   Một đứa nhỏ nói : từ sáng đến giờ cháu chưa được ăn gì cả, nếu không kiếm được tiền hôm nay, cháu sẽ chết đói ! Đứa khác nói : "Nhà cháu đã hết thức ăn từ 3 ngày nay, mẹ cháu lại đang bệnh, cháu phải mua thức ăn cho cả nhà tối nay, nếu không thì lại bị ăn đòn…“ . Cậu Lula nhìn vào 2 đồng bạc trong tay ông chủ tiệm, nghĩ ngợi 1 lúc, rồi nói : “Nếu cháu được ông cho kiếm 2 đồng này, thì cháu sẽ chia cho 2 đưá đó mỗi đứa 1 đồng !!”Câu nói của Lula làm Ông chủ Tiệm và 2 đứa nhỏ kia rất là ngạc nhiên. Cậu giải thích thêm: “Tụi nó là bạn thân nhất của cháu, đã nhịn đói hết 1 ngày rồi, còn cháu thì hồi trưa còn ăn được ít đậu phụng, nên có sức đánh giầy hơn chúng nó, Ông cứ để cháu đánh đi, chắc chắn Ông sẽ hài lòng” Cảm động trước câu nói của thằng nhỏ, Ông chủ tiệm đã trả cho hắn 2 đồng bạc, sau khi được hắn đánh bóng đôi giầy. Và thằng nhỏ Lula giữ đúng lời, đã đưa ngay cho 2 đứa bạn mỗi đứa 1 đồng. Vài ngày sau, Ông chủ Tiệm đã tìm đến thằng nhỏ Lula, nhận chú bé cứ sau buổi tan học là đến học nghề ở tiệm giặt nhuộm của ông ta, và bao cả bữa cơm tối. Tiền lương lúc học nghề tuy là rất thấp, nhưng so với đánh giầy thì khá hơn rất nhiều. Thằng bé hiểu rằng : Chính vì mình đã đưa tay giúp đỡ những người khốn đốn, nên mới đem đến cho mình cơ hội làm thay đổi cuộc đời. Từ đó, miễn là có khả năng, chú bé Lula không ngần ngại giúp đỡ những người sống khốn khổ hơn mình. Sau, Lula nghỉ học đi làm thợ trong 1 nhà máy, để bênh vực cho quyền lợi của những người thợ, cậu ta tham gia vào công-đoàn, năm 45 tuổi, Lula lập ra đảng Lao-Công. Năm 2002, trong cuộc ứng cử tổng-thống, khẩu hiệu của Lula là : Ba bữa cơm no cho tất cả những người trong quốc gia này. Và đắc cử làm Tổng Thống xứ Brazil. Năm 2006 đắc cử nhiệm kỳ 2, cho 4 năm tới. Trong 8 năm tại chức, Ông ta đã thực hiện đúng lời mình đã hứa : -93% trẻ em và 83% người lớn ở nước này được no ấm. Thực hành đúng tâm niệm : giúp đời !! Và nước Ba-tây dưới sự lãnh đạo của Ông đã không còn là "con khủng long nhai cỏ" mà đã trở nên "Con mãnh sư Mỹ Châu". Và xây nên nền kinh tế đứng thứ 10 trên thế giới. Luiz Inácio Lula da Silva : đó là tên của vị tổng thống Brazil ( 2002 - 2010 ) Nguồn: facebook.com/radiochantroimoi
......

Đại diện Mạng lưới Blogger Việt Nam gặp gỡ với Tòa Đại Sứ Đức tại Hà Nội

Vào sáng nay, thứ tư, 28/8, một số đại diện của Mạng lưới Blogger Việt Nam (MLBVN) sẽ có một buổi tiếp xúc và trao đổi với Đại sứ quán Đức. Đây là tiếp nối nỗ lực của MLBVN trong việc vận động quốc tế quan tâm đến bản Tuyên bố 258, yêu cầu nhà nước Việt Nam hủy Điều 258 BLHS, trong bối cảnh Việt Nam đang tranh cử để trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. MLBVN sẽ cập nhật tin tức đến các bạn từ giờ cho đến chấm dứt buổi tiếp xúc. Được biết vào 7h sáng hôm nay an ninh TP. Hà Nội đã trao giấy mời và yêu cầu blogger Nguyễn Chí Đức lên đồn công an làm việc liên quan đến vấn đề công dân Việt Nam Nguyễn Chí Đức đã cùng với các blogger Trịnh Anh Tuấn, Đào Trang Loan, Nguyễn Hoàng Vi, và Nguyễn Đình Hà trao Tuyên bố 258 cho Đại sứ quán Australia vào ngày 23 tháng 8 vừa qua. Anh Nguyễn Chí Đức đã từ chối yêu cầu này của công an. Xin nhắc lại trong thời gian qua, nhiều đại diện khác nhau từ khắp ba miền đất nước của MLBVN đã tiếp xúc với các đại diện của Cao uỷ Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền (OHCHR), Liên minh Báo chí Đông Nam Á (SEAPA), Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW), Ủy ban Luật gia quốc tế (ICJ), Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), Tổ chức Người Bảo vệ Tuyến đầu (Front Line Defenders), Đại sứ quán các nước Mỹ, Thụy Điển và Australia. Bên cạnh đó, hôm Chủ nhật vừa rồi các thành viên của Mạng lưới Blogger Việt Nam cũng đã tổ chức gặp mặt "Cafe 258" tại Hà Nội và Sài Gòn. * 10h20: Các đại diện cho Mạng lưới Blogger Việt Nam đến ĐSQ: Chị Đặng Bích Phượng (Phương Bích), Nguyễn Hoàng Vi, chị Lê Hiền Giang, Lê Thị Phương Lan  và Đào Trang Loan Vào lúc 10h28 các bạn đã vào bên trong ĐSQ Đức, 2 phút trước giờ hẹn chính thức. Ra tận ngoài cổng tiếp phái đoàn đại diện blogger Việt Nam là hai quan chức cao cấp của ĐSQ. * Được biết, Đại sứ quán Đức tỏ ra rất quan tâm đến bản Tuyên bố 258. Cuộc gặp được chuẩn bị chu đáo. Trước giờ gặp, hai quan chức cấp cao của Sứ quán đã ra tận cổng, chờ ở ngoài đường để đón các blogger vào - đề phòng trường hợp họ bị lực lượng công an cản trở. Điểm đặc biệt của buổi gặp hôm nay là các blogger đến Sứ quán gồm toàn phụ nữ. Đó là các blogger Đặng Bích Phượng (blog Phương Bích), Lê Hiền Giang (Sông Quê), Lê Thị Phương Lan (Lan Lê), Đào Trang Loan (Hư Vô), và Nguyễn Hoàng Vi (An Đổ Nguyễn). Blogger Phương Bích được biết đến qua nhiều bài viết về các vấn đề chính trị-xã hội và cả đời sống thường nhật, với giọng văn trong sáng, dung dị, chân thật và rất nữ tính. Ngày 21/8/2011, chị là một trong 47 blogger ở Hà Nội bị bắt vì tham gia biểu tình chống Trung Quốc. Chị bị giam 6 ngày trong Hỏa Lò, và khi được tự do, đã viết loạt bài nổi tiếng“Bước chân vào chốn ngục tù” gây xúc động cho nhiều độc giả mạng. Hai blogger Lan Lê và Sông Quê đều là thành viên tích cực của câu lạc bộ No-U và phong trào biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội. Sinh năm 1991, blogger Hư Vô còn rất trẻ nhưng đã tham gia tích cực trong các hoạt động xã hội như làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo, và biểu tình chống chính sách gây hấn của Trung Quốc đối với Việt Nam. Đầu năm nay, dịp trước Tết Nguyên đán, Hư Vô đi phân phát quà Tết cho dân oan vô gia cư, và bị công an Hà Đông bắt giam vô cớ trong đồn. Chỉ cho đến khuya, sau khi các blogger kéo đến và phản đối quyết liệt, công an mới thả cô gái trẻ. An Đổ Nguyễn, sinh năm 1987, cũng là một blogger rất nhiệt tình, năng nổ trong các hoạt động đấu tranh và vận động cho nhân quyền ở Việt Nam. Cô từng tham gia phân phát Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền trong ngày dã ngoại 5/5 vừa qua, sau đó có xô xát với công an và bị sách nhiễu thường xuyên từ đó tới nay. * Tường trình buổi gặp gỡ: ĐSQ Đức nhiệt tình lắng nghe và chia sẻ với blogger Cuộc gặp của 5 thành viên Mạng lưới Blogger Việt Nam với Đại sứ quán Đức tại Việt Nam đã diễn ra rất tốt đẹp ngay từ đầu, với việc quan chức cấp cao của Sứ quán đích thân ra tận cổng đón các blogger trước sự chứng kiến của ít nhất 30 nhân viên công an. Theo dự kiến, cuộc gặp diễn ra vào lúc 10h sáng nay, 28/8. Tuy nhiên, từ sáng sớm, người của sứ quán đã xác nhận có tới 25 công an đứng ngồi rải rác quanh khu vực. 10h, khi taxi chở nhóm blogger dừng lại trước cổng tòa nhà, các nhân viên công quyền này lập tức đổ xô tới, chĩa máy quay phim, máy ảnh vào mọi người. Hai quan chức (người Đức) của Đại sứ quán cũng đã chờ sẵn để đón các blogger, nhưng khi họ đưa blogger qua cổng thì có hai người mặc sắc phục trong lực lượng an ninh chặn nhóm blogger lại, buộc phía sứ quán phải can thiệp. Cuối cùng, các đại diện của Mạng lưới Blogger Việt Nam cũng vào được bên trong, nhờ sự giúp đỡ tận tình của Sứ quán. Như MLBVN đã đưa tin, cuộc gặp hôm nay có 5 blogger và đều là các gương mặt nữ, đó là: Đặng Bích Phượng (tức blogger Phương Bích), Lê Hiền Giang (facebooker Sông Quê), Lê Thị Phương Lan (Lan Lê), Nguyễn Hoàng Vi (An Đổ Nguyễn) và Đào Trang Loan (Hư Vô). Phía Đại sứ quán Đức, có ông Felix Schwarz, Lãnh sự và tham tán chính trị, và ông Jonas Koll, Bí thư thứ nhất phụ trách Văn hóa, Báo chí và Chính trị. “Chúng tôi ở bên các bạn” Hai tiếng của cuộc trò chuyện đã diễn ra trong không khí ấm áp và đầy chia sẻ, với nhiều chi tiết xúc động. Blogger Nguyễn Hoàng Vi kể lại, trong lúc vội vàng ra khỏi taxi để tìm cách vào trong Đại sứ quán, các blogger đã để quên bản Tuyên bố 258 trên xe. Tuy nhiên, khi biết việc này, “bên sứ quán Đức không hề giận mà họ lại rất cảm thông, vì họ cảm nhận được sự nguy hiểm, khi mà bên ngoài cổng, trên vỉa hè, có rất nhiều an ninh trang bị camera, máy chụp hình. Họ nói họ đã in sẵn Tuyên bố 258 và blogger có thể dùng bản in sẵn đó để trao cho họ”. Các blogger bắt đầu làm việc với đại diện sứ quán Đức Hai ông Felix Schwarz và Jonas Koll cũng tỏ ra đặc biệt quan tâm đến tình trạng bị đàn áp của từng cá nhân blogger có mặt, kể cả những nguy hiểm, trục trặc về an ninh trên đường tới Sứ quán dự buổi gặp. Cả hai ông đều cảm thấy “không thể tưởng tượng nổi” khi nghe các blogger trình bày sơ qua về tình hình vi phạm nhân quyền – vốn diễn ra tràn lan ở Việt Nam những năm qua. Phía các blogger cũng khá ngạc nhiên khi biết rằng, Đại sứ quán Đức không đánh giá cao sự cải thiện nhân quyền ở Việt Nam qua phiên tòa phúc thẩm xét xử Phương Uyên hôm 16/8 vừa qua. Đức nhìn nhận rằng Việt Nam chỉ muốn làm đẹp hình ảnh bề nổi với dư luận quốc tế, trong khi ở bề chìm, tình hình đàn áp và bắt bớ vẫn tiếp tục. Về bản Tuyên bố 258, ra ngày 18/7/2013, của Mạng lưới Blogger Việt Nam, Đại sứ quán Đức cho rằng sự khách quan, đầy đủ và súc tích của Tuyên bố 258 sẽ giúp Mạng lưới thành công trong việc thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế; và Đức sẽ vận động để đưa Tuyên bố này ra phiên họp UPR tháng 1-2 năm tới tại Geneva (phiên họp tổng kết bản đánh giá định kỳ phổ quát – Universal Periodic Review – của Việt Nam với tư cách ứng viên vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc). Các blogger Việt Nam bày tỏ cảm ơn và trân trọng đối với thiện ý của Đại sứ quán Đức. Tuy nhiên, blogger Hoàng Vi phát biểu rằng: “Việc tự do thông tin, báo chí, ngôn luận ở Việt Nam bị xếp ở mức thấp nhất thế giới thực sự là điều khiến chính người Việt Nam phải trăn trở, suy nghĩ, bởi vì đó phần lớn là do ý thức của chính người dân Việt Nam chúng tôi.  Chỉ những nỗ lực của chính người dân Việt Nam mới có thể thay đổi, cải thiện được tình hình. Nhưng chúng tôi mong với vị thế và sức mạnh ngoại giao của các nước, cộng đồng quốc tế sẽ hỗ trợ chúng tôi, trước mắt là giúp để Điều 258 vi phạm tự do ngôn luận phải bị bãi bỏ” – Hoàng Vi khẳng định. Cả 5 blogger nữ đều cảm nhận được sự cảm thông và chia sẻ rất lớn từ Đại sứ quán Đức. Không ai nói thành lời nhưng dường như mọi cử chỉ, mọi hành động của hai nhà ngoại giao đại diện cho nước Đức đều toát lên một điều: Chúng tôi ở bên các bạn, những blogger đấu tranh cho nhân quyền của người dân Việt Nam. Buổi gặp kết thúc với việc Đại sứ quán Đức cho biết sẽ cùng Liên minh Châu Âu đặt vấn đề để Chính phủ Việt Nam xóa bỏ Điều 258 Bộ luật Hình sự cũng như những điều luật vi phạm nhân quyền khác... ... Đã quá trưa. Trước cổng, rất đông an ninh Việt Nam vẫn đứng chờ các blogger. Đại sứ quán đề nghị dùng xe công vụ đưa mọi người về nhà, thậm chí bố trí người của sứ quán đi cùng để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, các blogger chỉ xin được hỗ trợ xe. Đôi bên bịn rịn chia tay. Hai ông Felix Schwarz và Jonas Koll tiễn cả nhóm ra tận xe, rồi mới quay trở vào. Blogger Hư Vô, Hiền Giang,  Felix Schwarz - Lãnh sự và Tham tán chính trị,  Jonas Koll - Bí thư thứ nhất phụ trách Văn hoá, Báo chí và Chính trị, Phương Bích, Hoàng Vi, và Phương Lan   Blogger Phương Bích và Hiền Giang trao Tuyên bố 258 cho đại diện ĐSQ Đức - ông Felix Schwarz và Jonas Koll Ông Felix Schwarz và blogger Hư Vô - Đào Trang Loan Ông Felix Schwarz và blogger Nguyễn Hoàng Vi Các nhân viên ĐSQ Đức đã tận tình cho xe đưa các bạn từ ĐSQ về tận Nhà hát lớn Mạng lưới Blogger Việt Nam tuyenbo258.blogspot.comtuyenbo258@gmail.comhttp://tuyenbo258.blogspot.de/
......

21 quốc gia đồng lên tiếng về NĐ 72

Freedom Online Coalition Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Văn Phòng Phát Ngôn Nhân Ngày 26 tháng 8, 2013 Phát biểu của MARIE HARF, Phó Phát Ngôn Nhân Bản Lên Tiếng Chung của Liên Minh Về Quyền Tự Do Trên Mạng về Nghị Định 72 của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Liên Minh Về Quyền Tự Do Trên Mạng vô cùng quan ngại với thông báo của Việt Nam về Nghị Định 72 sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 9 tới đây. Nghị định này áp đặt thêm nhiều giới hạn về việc sử dụng và truy cập Internet tại Việt Nam. Lấy thí dụ, Nghị Định 72 hạn chế các luồng thông tin trên mạng và giới hạn việc chia sẻ một số loại tin tức và thông tin. Nghị Định 72 có vẻ như không phù hợp với nghĩa vụ của Việt Nam đối với Công Ước Quốc Tế về Quyền Chính Trị và Dân Sự, cũng như cam kết của Việt Nam với bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Nghị Định 72 có thể gây nguy hại đến nền kinh tế Việt Nam vì trói buộc việc phát triển thương mại tại Việt Nam, giới hạn sáng kiến, cản trở đầu tư nước ngoài. Một mạng Internet tự do, mở rộng là điều kiện cần có cho một nền kinh tế hiện đại hoạt động toàn vẹn; các đạo luật như Nghị Định 72 giới hạn tự do sẽ không giúp cho giới kinh doanh và giới phát minh có được đầy đủ công cụ để cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu. Liên Minh Về Quyền Tự Do Trên Mạng ghi nhận là nghị quyết 20/8, được biểu quyết bởi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng 7, 2012, khẳng định rằng nhân quyền áp dụng trên mạng cũng như ngoài đời. Liên Minh Về Quyền Tự Do Trên Mạng kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam điều chỉnh Nghị Định 72 để thay vào đó cổ xúy cho mọi cá nhân có điều kiện thực thi quyền tự do con người, luôn cả quyền tự do ngôn luận. Liên Minh Về Quyền Tự Do Trên Mạng là một tổ chức xuyên vùng của 21 chính phủ cùng hợp tác để thúc đẩy tự do Internet trên toàn cầu. Liên Minh là diễn đàn để cho các chính phủ có cùng tư tưởng phối hợp các nỗ lực và làm việc chung với xã hội dân sự và giới tư doanh để hỗ trợ mọi cá nhân có điều kiện thực thi nhân quyền và các quyền tự do căn bản trên mạng. Liên Minh Về Quyền Tự Do Trên Mạng được thành lập tại một hội nghị do chính quyền Hòa Lan tổ chức vào năm 2011, và các hội nghị tiếp theo đó tại Kenya vào năm 2012, tại Tunisia vào năm 2013. Chính quyền Estonia, chủ tịch Liên Minh, sẽ tổ chức hội nghị kế tiếp vào mùa xuân năm 2014. BBT-WebVT chuyển ngữ # # # -------------------------------------------------------------------------------- August 26, 2013 2013/2034 Statement by MARIE HARF, DEPUTY SPOKESPERSON Freedom Online Coalition Joint Statement on the Socialist Republic of Vietnam’s Decree 72 The Freedom Online Coalition is deeply concerned by the announcement of Vietnam’s new Decree 72, which will impose further restrictions on the way the Internet is accessed and used in Vietnam when it comes into effect September 1. For example, Decree 72 restricts online information flow and limits the sharing of certain types of news and other speech. Decree 72 appears to be inconsistent with Vietnam’s obligations under the International Covenant on Civil and Political Rights, as well as its commitments under the Universal Declaration of Human Rights. Decree 72 risks harming Vietnam’s economy by constraining the development of businesses in Vietnam, limiting innovation, and deterring foreign investment. An open and free Internet is a necessity for a fully functioning modern economy; regulations such as Decree 72 that limit openness and freedom deprive innovators and businesses of the full set of tools required to compete in today’s global economy. The Freedom Online Coalition notes that resolution 20/8, adopted by consensus by the UN Human Rights Council in July 2012, confirms that human rights apply online as well as offline. The Freedom Online Coalition calls on the Vietnamese government to revise Decree 72 so that it promotes the ability of individuals to exercise their human rights, including the right to freedom of expression. The Freedom Online Coalition is a cross-regional group of 21 governments that collaborate to advance Internet freedom worldwide. The Coalition provides a forum for like-minded governments to coordinate efforts and work with civil society and the private sector to support the ability of individuals to exercise their human rights and fundamental freedoms online. The Freedom Online Coalition was formed at a conference hosted by the government of the Netherlands in 2011, and held further meetings hosted by Kenya in 2012, and Tunisia in 2013. The government of Estonia, chair of the Coalition, will host the next conference in spring 2014. # # # Nguồn: Viettan.org
......

Mang Lưới Blogger VN: Trao đổi với ĐSQ Australia về tình hình nhân quyền Việt Nam

Vào 9h sáng nay, thứ sáu, 23/8, một số blogger thuộc Mạng lưới Blogger Việt Nam đã có cuộc gặp với Bí thư thứ hai của Đại sứ quán Australia, để trao bản Tuyên bố 258. Các blogger Việt Nam trao Tuyên bố 258 cho ông David Skowronski,  Bí thư thứ hai của Đại sứ quán Australia   Phía Mạng lưới có các blogger: Trịnh Anh Tuấn, Đào Trang Loan, Nguyễn Hoàng Vi, Nguyễn Chí Đức và Nguyễn Đình Hà. Đây đều là các blogger đã ký vào bản Tuyên bố 258, yêu cầu Nhà nước hành xử có trách nhiệm trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền để chứng tỏ Việt Nam là một ứng viên phù hợp cho cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.   Trong số các blogger có Nguyễn Hoàng Vi, cô gái đến từ Sài Gòn và là người tham gia tích cực trong cuộc “dã ngoại nhân quyền” ngày 5/5 vừa qua. Tại buổi gặp, các blogger đã trình bày với quan chức Đại sứ quán Australia về tình hình nhân quyền Việt Nam, đặc biệt là cách hành xử của chính quyền đối với sự biểu đạt bất bạo động của người dân. Họ cũng cung cấp thông tin về những vụ việc diễn ra gần đây: bắt giữ ba blogger, bắt bớ, đánh đập một nhóm sinh viên ở Hà Nội, bắt giam blogger Nguyễn Văn Dũng tức Aduku Adk. Các blogger cũng nêu rõ lý do đưa ra tuyên bố 258, trình bày nội dung chính của Tuyên bố cũng như giới thiệu sơ lược quá trình gặp gỡ trao Tuyên bố đến các cơ quan quốc tế thời gian vừa qua. Từ trái qua: Nguyễn Chí Đức, Trịnh Anh Tuấn, Nguyễn Hoàng Vi, David Skowronski, Nguyễn Đình Hà, Đào Trang Loan Phía Đại sứ quán tiếp nhận Tuyên bố, đồng thời, ông David Skowronski hỏi về những khó khăn mà giới blogger phải đối mặt ở Việt Nam. Ông cũng hỏi từng người về những cản trở họ đã chịu trước đây. Ông tỏ ra đặc biệt quan tâm đến phản ứng của chính quyền với các blogger tham gia ký Tuyên bố 258. Nhóm blogger cho biết họ đánh giá cao những đóng góp của Chính phủ cũng như tòa đại sứ Australia với sự phát triển của Việt Nam nói chung và tình hình nhân quyền Việt Nam nói riêng. Ai cũng  mong muốn Australia trong tương lai sẽ chú ý hơn nữa đến các vấn đề quyền con người ở Việt Nam. Cuộc gặp hôm nay là buổi tiếp xúc thứ ba giữa Mạng lưới Blogger Việt Nam và các đại sứ quán. Hai lần trước đây, họ đã gặp cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ và Thuỵ Điển ở Việt Nam. Mạng lưới Blogger Việt Nam tuyenbo258.blogspot.comtuyenbo258@gmail.com nguồn: tuyenbo258.blogspot.com/
......

36 Dân Biểu Hoa Kỳ lên tiếng về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam.

Ngày 23 tháng 7, 2013 Tổng Thống Barack Obama Tòa Bạch Ốc 1600 Pennsylvania Avenue NW Washington, DC 20500 Kính thưa Tổng Thống Obama,   Chúng tôi viết thư để bày tỏ sự quan tâm sâu sắc về những vi phạm nhân quyền đang xảy ra liên tục tại Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Chính quyền Việt Nam luôn coi thường những quyền tự do căn bản, bao gồm các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và tự do tôn giáo. Chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục các hành vi bắt bớ và giam cầm tùy tiện những công dân chỉ vì họ chỉ trích chính quyền, trong đó có nhiều nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền được nhiều người biết đến. Chính quyền Việt Nam cũng thường xuyên có những hành vi đàn áp các dân tộc và các tôn giáo thiểu số với những bằng chứng kỳ thị và đàn áp mà không ít lần đã dẫn tới những hành vi bạo lực đối với các dân tộc như Khmer Krom, Montagnards, Hmong, và các tín đồ Công giáo, Tin lành, Phật giáo, và còn nhiều nhóm người khác nữa. Vào ngày 25 tháng 7, Ông sẽ có cơ hội để đưa các vấn đề này lên hàng đầu trong buổi hội kiến với Chủ Tịch Nước Việt Nam Trương Tấn Sang tại Tòa Bách Ốc. Trước tình hình nhân quyền tại Việt Nam ngày một xấu đi, chúng tôi kêu gọi Tổng Thống bày tỏ lập trường mạnh mẽ trong việc áp lực chính quyền Việt Nam phải tuân theo các quyền tự do căn bản đã được quy địnhi trong chính Hiến Pháp của nước Việt Nam. Chúng tôi kêu gọi Tổng Thống hãy yêu cầu ông Sang phải có những giải pháp để cải thiện tình trạng nhân quyền và chấm dứt đàn áp các tiếng nói đối kháng tại Việt Nam. Đây là quan điểm được sự ủng hộ nhất trí của lưỡng đảng trong Quốc Hội. Vào ngày 27 tháng 6, Uỷ Ban Đối Ngoại Hạ Viện đã đồng thuận thông qua H.R. 1897, Dự luật Nhân Quyền Việt Nam. Đây là một dự luật với nhiều biện pháp mạnh mẽ cho thấy sự quan ngại của Hoa Kỳ về những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Thêm vào đó, chúng tôi kêu gọi Tổng Thống hãy đặt việc cải thiện nhân quyền làm điều kiện với Việt Nam trong dự tính tham gia Hiệp Định Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương. Chúng tôi tin rằng Hoa Kỳ phải tỏ rõ sự cương quyết trong việc cổ võ cho quyền căn bản và quyền tự do cho tất cả mọi người, trong đó có người dân Việt Nam. Chúng tôi mong được tiếp tục làm việc cùng với nội các của Tổng Thống để chúng ta cùng tiếp tục cải thiện nhân quyền tại Việt Nam. Kính, Các Dân Biểu Quốc Hội Hoa Kỳ đồng ký tên: ALAN LOWENTHAL WILLIAM R. KEATING JANICE HAHN GERALD CONNOLLY JAMES P. MCGOVERN ERIC SWALWELL RANDY WEBER JULIA BROWNLEY TED DEUTCH LOIS FRANKEL LORETTA SANCHEZ GRACE MENG RAUL RUIZ, M.D. ZOE LOFGREN MARK TAKANO JUDY CHU SUSAN DAVIS JUAN VARGAS GRACE NAPOLITANO JARED HUFFMAN MICHAEL M. HONDA MICHAEL MICHAUD SHEILA JACKSON LEE ELIOT ENGEL HENRY A. WAXMAN GEORGE MILLER ILEANA ROS-LEHTINEN BRAD SHERMAN DANA ROHRABACHER JAN D. SCHAKOWSKY CHRISTOPHER H. SMITH SCOTT PETERS ADAM SCHIFF LINDA SANCHEZ DORIS MATSUI JOHN GARAMENDI GENE GREEN  
......

Dân biểu Hoa Kỳ họp báo về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam

Vào sáng ngày 23/7/2013, tức 2 ngày trước cuộc hội kiến giữa Chủ tịch nước CHXHCNVN Trương Tấn Sang và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, một cuộc họp báo của các dân biểu Hoa Kỳ đã diễn ra ngay trước tiền đình Quốc Hội Mỹ. Các dân biểu hiện diện bao gồm bà Loretta Sanchez, ông Chris Smith, ông Alan Lowenthal, bà Susan Davis, và ông Ed Royce - Chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại Hạ Viện. Cùng có mặt là các vị đại diện của các tổ chức nhân quyền quốc tế: Freedom House, Reporters Without Borders (Phóng Viên Không Biên Giới); và đại diện các tổ chức đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam: Nghị Hội Toàn Quốc Người Mỹ Gốc Việt, Ủy Ban Vận Động Chính Trị cho Nhân Quyền Việt Nam, Đảng Việt Tân, Đặc biệt có sự hiện diện của ông Đoàn Hữu Định, Chủ tịch Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt tại Washington DC, Virginia, và Maryland và cũng là trưởng ban tổ chức cuộc biểu tình vào ngày 25/7 khi cuộc hội kiến đang diễn ra tại Nhà Trắng. Từng diễn giả đã trình bày chi tiết và đưa ra các trường hợp cụ thể về tình trạng vi phạm nhân quyền ngày càng trầm trọng tại Việt Nam. Các dân biểu thay mặt cho cộng đồng cử tri đồng thanh yêu cầu Tổng Thống Obama hãy đứng với dân tộc Việt Nam và có thái độ mạnh mẽ đối với những kẻ đang chà đạp nhân quyền tại đất nước này. Đặc biệt một bức thư chung của 35 gia đình Tù Nhân Lương Tâm gởi Tổng Thống Obama đã được công bố trong dịp này. Cuộc họp báo hôm nay đã bắt đầu chuỗi hành động  tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam trong 2 ngày sắp tới để dàn chào chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của ông Trương Tấn Sang. Quốc Huy, Hồng Giang tường trình từ Washington DC Những tiếng nói chung cho Nhân Quyền Việt Nam trước ngày hội kiến Bên cạnh các bài phân tích, bình luận về cuộc hội kiến sắp tới giữa Chủ tịch nước CHXHCNVN Trương Tấn Sang và Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama, chúng tôi đặc biệt ghi nhận sự xuất hiện của các bản lên tiếng chung dồn dập từ nhiều hướng sau đây: -         Bức thư chung mang chữ ký 82 nhà trí thức Việt Nam gởi ông Trương Tấn Sang, với lời kêu gọi hãy đừng bỏ lỡ "thời cơ thuận lợi để đẩy tới công cuộc 'giải Hán hóa' mà dân tộc ta bao đời nung nấu, quyết thoát khỏi quỹ đạo Trung Quốc hội nhập vào thế giới dân chủ, văn minh." (http://diendanctm.blogspot.com/2013/07/tri-thuc-vn-uu-tu-ve-van-nuoc-gui...) -           Bức thư chung của 35 gia đình Tù Nhân Lương Tâm gởi ông Obama, với lời kêu gọi: "Tổng thống yêu cầu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và nhà nước Việt Nam trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm đang bị giam giữ, trước khi Mỹ đặt bút ký quan hệ đối tác với Việt Nam." (http://diendanctm.blogspot.com/2013/07/gia-inh-cac-tu-nhan-luong-tam-vie...) -           Bản lên tiếng chung của 12 tổ chức quần chúng  người Việt phân tích rằng: "Việc Tổng Thống Barack Obama can thiệp một cách nghiêm chỉnh và mang lại kết quả cụ thể cho các tù nhân lương tâm trên đây sẽ cho thấy Hoa Kỳ tuân thủ cam kết của mình, luôn đặt dân chủ và nhân quyền, những hòn đá tảng của nền cộng hòa Mỹ, lên trên những toan tính lợi ích tầm thường, dù thương mại hay quân sự." (http://diendanctm.blogspot.com/2013/07/cac-to-chuc-quan-chung-len-tieng-...) -           Bức thư chung của 18  tổ chức nhân quyền quốc tế gởi ông Obama, với lời kêu gọi can thiệp cụ thể cho luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân đang bị giam cầm: "Vì tầm quan trọng to lớn của sự chú ý của thế giới về nỗ lực đem lại tự do cho ông Quân cũng như giúp cho ông được trở lại với các hoạt động nhân quyền cần thiết, chúng tôi hy vọng Ông nắm bắt cơ hội qua cuộc viếng thăm của Chủ tịch Sang sắp tới để yêu cầu ông Quân được thả ngay lập tức." (http://diendanctm.blogspot.com/2013/07/diendanctm-hom-nay-23-7-2013-tai....) Ngoài ra, chúng tôi cũng được biết  một bức thư về tình trạng nhân quyền Việt Nam, mang chữ ký của 37 dân biểu, nghị sĩ Hoa Kỳ, vừa được Dân biểu Lowenthal trao tận tay Tổng Thống Obama vào sáng hôm nay.    Diễn văn bằng Anh ngữ trong cuộc họp báo. Ông Hoàng Tứ Duy, phát ngôn viên đảng Việt Tân: "Để phát huy hết tất cả tiềm năng của người dân và nền kinh tế VN, xã hội VN phải là một nơi mà người sinh viên có thể tìm thông tin online mà không bị chặn, một blogger viết bài mà không bị bắt". Opportunity for President Obama to redefine U.S.-Vietnam relations Viet Tan July 23, 2013 The United States is correct in recognizing Vietnam as a strategic nation. With its dynamic population and enormous economic potential, Vietnam has the potential to contribute to a stable and prosperous region. But Vietnam is also the new Myanmar in terms of repression. The Hanoi regime continues to detain peaceful activists, censor the Internet and block the development of civil society. The number of political trials has increased over the last year. When they meet this week, President Obama should remind Truong Tan Sang that the key to unleashing Vietnam’s economic potential and ensuring its security is empowering its people. This can only happen through true political freedom, starting with the release of activists such as human rights attorney Le Quoc Quan, blogger Dieu Cay and musician Viet Khang. If the U.S. is to develop a strategic relationship with Vietnam, it must be a Vietnam where university students can freely blog about the country’s foreign policy challenges and citizens can peacefully demonstrate for their country’s territorial interests. It must be a Vietnam in which the role of the military is to defend the homeland, not a political regime. Likewise, if the U.S. is to complete a high standard Trans-Pacific Partnership Agreement with Vietnam, Hanoi must respect the rule of law and international norms. Unfortunately, this is not the case in the Socialist Republic of Vietnam where the government applies tax evasion charges to silence dissent and flaunts its international commitments on human rights. Virtually all Vietnamese welcome closer ties with the U.S. In many ways, the interests of Americans and Vietnamese are aligned on economic engagement, regional security and political openness. President Obama has the opportunity now to stand with the Vietnamese people. Truong Tan Sang is the president of the Socialist Republic of Vietnam, but the people have never elected him to office. In the short term it may be necessary for Washington to deal with autocrats. To advance long-term U.S.-Vietnam interests, President Obama must heed the words from his second inaugural address: “our interests and our conscience compel us to act on behalf of those who long for freedom.” Contact: Duy Hoang +1.202.596.7951 http://www.viettan.org/Opportunity-for-President-Obama-to.html Quốc Huy, Hồng Giang, Thế Quyên tổng hợp Nguồn: DiendanCTM
......

18 NGO gởi thư đến TT Obama yêu cầu thả Ls. Lê Quốc Quân

(Ấn bản anh ngữ đính kèm bên dưới) Kính gởi Tổng Thống Hoa Kỳ Tòa Bạch Ốc 1600 Pennsylvania Ave. NW Washington, DC 20500 Bản sao kính gởi:Ngoại trưởng John Kerry Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Ngày 23 tháng 7, 2013 Thưa ông Tổng Thống, Các tổ chức ký tên dưới đây trân trọng yêu cầu Ông nêu vấn đề với nhà cầm quyền Việt Nam về việc bắt giữ và giam cầm tùy tiện ông Lê Quốc Quân, một luật sư, blogger và nhà đấu tranh nhân quyền nổi bật. Chúng tôi được biết ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước Việt Nam sẽ hội kiến ông vào ngày 25 tháng 7, 2013, và chúng tôi thành khẩn mong Ông dùng cơ hội này để trao đổi về trường hợp của Lê Quốc Quân. Ông Quân là một luật sư đủ tư cách và là một blogger năng nổ hiện đang bị giam cầm vì đã thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và lập hội ôn hòa, và vì các hoạt động tranh đấu nhân quyền của ông. Trước khi bị bắt, trên trang blog nổi tiếng của mình, ông đã phơi bày các vụ vi phạm nhân quyền mà các cơ quan truyền thông của Nhà nước Việt Nam thường phớt lờ. Trước khi bị tịch thu giấy phép hành nghề luật sư năm 2007, ông Quân đã bào chữa các vụ án nhân quyền tại tòa; ông đã bị bắt giam trong 100 ngày khi ông trở về Việt Nam năm 2007 sau chuyến đi Hoa Kỳ, tại đó ông từng là một cựu nghiên cứu sinh của chương trình Reagan-Fascell tại Học viện Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ (National Endowment for Democracy). Vào tháng 4 năm 2011, ông bị bắt giữ một lần nữa và sau đó được trả tự do mà không bị buộc tội. Vào tháng 8 năm 2012, ông Quân bị đả thương nghiêm trọng trong một vụ hành hung mà ông nghi là do bàn nhân viên Nhà nước. Ngày 27 tháng 12 năm 2012, ông Quân lại bị bắt và bị buộc tội “trốn thuế”. Ông đã bị biệt giam trong vòng hai tháng đầu tiên và tuyệt thực 15 ngày. Ngay lúc này ông Quân vẫn đang bị giam cầm và không được phép gặp gia đình. Phiên xử dự kiến diễn ra vào ngày 9 tháng 7, 2013, nhưng đã bị hoãn vào giờ chót mà chưa được thông báo ngày xử mới. Việc bắt và giam giữ ông Quân vi phạm những cam kết quốc tế, đặc biệt ở điều khoản 19, 21 và 22 của Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị. Các điều khoản này buộc nhà nước có nhiệm vụ phải bảo vệ quyền tự do ngôn luận, hội họp và lập hội của ông Quân. Cách đối xử với ông cũng đi ngược lại nhiệm vụ của nhà nước phải bảo đảm và bảo vệ các quyền hạn của người hoạt động nhân quyền, như đã liệt kê trong bản Tuyên Ngôn của Liên Hiệp Quốc về Những Nhà Bảo Vệ Nhân Quyền. Nhiều thông tin chi tiết hơn về ông Lê Quốc Quân và sự can thiệp bất hợp pháp đối với các quyền con người của ông được trình bày trong bức Thư Tố Cáo kèm theo đây, bức thư gần đây đã được gởi đến những Báo Cáo Viên Đặc Biệt của Liên Hiệp Quốc. Vì tầm quan trọng to lớn của sự chú ý của thế giới về nỗ lực đem lại tự do cho ông Quân cũng như giúp cho ông được trở lại với các hoạt động nhân quyền cần thiết, chúng tôi hy vọng Ông nắm bắt cơ hội qua cuộc viếng thăm của Chủ tịch Sang sắp tới để yêu cầu ông Quân được thả ngay lập tức. Xin cảm ơn Ông đã lưu tâm đến những yêu cầu của chúng tôi. Xin hãy liên lạc với chúng tôi nếu Ông có câu hỏi hoặc cần thêm thông tin. Trân trọng, Media Legal Defence Initiative (MLDI) Nani Jansen Senior Legal Counsel Access Jochai Ben-Avie Policy Director Action des chrétiens pour l’abolition de la torture (ACAT) François Picart Chairman Article 19 Agnes Callamard Executive Director Réseau Avocats Sans Frontières / ASF Network Anne Lutun ASF Network Coordinator Electronic Frontier Foundation Eva Galperin Global Policy Analyst English PEN Robert Sharp Head of Campaigns and Communications Front Line Defenders Mary Lawlor Executive Director Human Rights Watch John Sifton Asia Advocacy Director International Federation for Human Rights (FIDH) Karim Lahidji President Lawyers for Lawyers (L4L) Adrie van de Streek Executive Director Media Defence - Southeast Asia HR Dipendra Director National Endowment for Democracy Sally Blair Senior Director, Fellowship Programs PEN American Center Larry Siems Director, Freedom to Write and International Programs Reporters Without Borders Christophe Deloire Director-general Southeast Asian Press Alliance Gayathry Venkiteswaran Executive Director Vietnam Committee on Human Rights Vo Van Ai President World Movement for Democracy Art Kaufman Senior Director -------------------------------------------------------------------------------- The President of the United States The White House 1600 Pennsylvania Ave. NW Washington, DC 20500 Copy to:The Honourable John Kerry Secretary U.S. Department of State 23 July 2013 Dear Mr President, The signatory organisations respectfully request that you raise with the Vietnamese Government the arrest and arbitrary detention of Mr Le Quoc Quan, prominent lawyer, blogger and human rights defender. We understand that President Truong Tan Sang of Vietnam will meet with you on 25 July 2013 and we sincerely hope that you will take this opportunity to discuss Mr Quan’s case with him. Mr Quan is a qualified lawyer and active blogger who is currently detained for exercising his rights to freedom of expression, association, and peaceful assembly, and for his activities as a human rights defender. Prior to his arrest, Mr Quan exposed human rights abuses commonly ignored by Vietnamese state media on his popular blog. He defended human rights cases in the Vietnamese courts until he was disbarred in 2007, when he was arrested and detained for 100 days upon his return from the United States where he had been a Reagan-Fascell Democracy Fellow at the National Endowment for Democracy in Washington, D.C. In April 2011, Mr Quan was arrested again and ultimately released without charges. In August 2012, he was severely injured in a violent attack committed by what he believes were State agents. On 27 December 2012, Mr Quan was arrested and charged with alleged ‘tax evasion.’ He was detained incommunicado for the first two months and went on hunger strike for fifteen days. At this moment, Mr Quan is still imprisoned and is not allowed visits from his family. His trial was scheduled to take place on 9 July 2013, but was postponed at the last moment until further notice. Mr Quan’s arrest and detention are in violation of Vietnam’s obligations under international law, in particular Articles 19, 21 and 22 of the International Covenant on Civil and Political Rights, which impose duties on the government to protect Mr Quan’s rights to freedom of expression, association and peaceful assembly. His treatment also contravenes state duties set out in the UN Declaration on Human Rights Defenders, to ensure and protect the rights of human rights defenders. More detailed information about Mr Quan and Vietnam’s unlawful interference with his human rights is set forth in the attached Letter of Allegation recently sent to the Special Rapporteurs of the United Nations. Given the great importance of international attention to the effort to secure Mr Quan’s freedom, and to enable him to return to his indispensable human rights work, we hope you will seize the opportunity of President Sang’s upcoming visit to request the immediate release of Mr Quan. Thank you for your kind consideration of our request. Please do not hesitate to have your staff contact us should you have any questions or need any additional information about this important case. Most respectfully, Media Legal Defence Initiative (MLDI) Nani Jansen Senior Legal Counsel Access Jochai Ben-Avie Policy Director Action des chrétiens pour l’abolition de la torture (ACAT) François Picart Chairman Article 19 Agnes Callamard Executive Director Réseau Avocats Sans Frontières / ASF Network Anne Lutun ASF Network Coordinator Electronic Frontier Foundation Eva Galperin Global Policy Analyst English PEN Robert Sharp Head of Campaigns and Communications Front Line Defenders Mary Lawlor Executive Director Human Rights Watch John Sifton Asia Advocacy Director International Federation for Human Rights (FIDH) Karim Lahidji President Lawyers for Lawyers (L4L) Adrie van de Streek Executive Director Media Defence - Southeast Asia HR Dipendra Director National Endowment for Democracy Sally Blair Senior Director, Fellowship Programs PEN American Center Larry Siems Director, Freedom to Write and International Programs Reporters Without Borders Christophe Deloire Director-general Southeast Asian Press Alliance Gayathry Venkiteswaran Executive Director Vietnam Committee on Human Rights Vo Van Ai President World Movement for Democracy Art Kaufman Senior Director Nguồn: NGOs
......

34 Dân Biểu Liên Hiệp Âu Châu lên tiếng cho nhân quyền Việt Nam

Baroness Catherine Ashton of Upholland Phó Chủ Tịch/ Đại diện Cao cấp Liên minh Châu Âu, phụ trách Ngoại giao và Chính sách An ninh Sở Ngoại Vụ Âu Châu 1046 Brussels Vương Quốc Bỉ CC: Karel De Gucht 1049 Brussels Ủy Viên Giao Thương Vương Quốc Bỉ Brussels, ngày 11 tháng 7, 2013 Chúng tôi viết thư này để chia sẻ mối quan tâm về tình trạng nhân quyền ngày càng tồi tệ tại Việt Nam. Trong năm nay có khoảng 50 nhà bảo vệ nhân quyền và nhà đấu tranh dân chủ bị kết án và bị tù tội. Họ đã phải hứng chịu việc bị giam giữ tùy tiện, đe dọa, thẩm vấn và bị tước đoạt quyền hạn về luật pháp. Nhà cầm quyền vẫn tiếp tục giới hạn quyền thực thi tôn giáo và cấm đoán các tổ chức tôn giáo độc lập. Các chức sắc của nhiều nhóm tôn giáo tại Việt Nam đang bị buộc phải từ bỏ niềm tin, tài sản cơ sở tôn giáo bị tịch thu hoặc bị đập phá, và trong một số trường hợp, họ bị bỏ tù. Gần đây chúng tôi chứng kiến tình trạng bắt giữ các bloggers gia tăng. Mặc dầu có nhiều lời kêu gọi từ cộng đồng thế giới, ngay cả Quốc Hội Âu Châu, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn tiếp tục giới hạn quyền tự do ngôn luận và kiểm duyệt mạng. Họ nhắm tấn công các hoạt động trên mạng bằng cách phát tán mã độc để theo dõi cư dân mạng, ngăn cản truy cập vào các trang mạng, và bảo kê cho các cuộc tấn công vào các trang mạng tiếng Việt nằm bên ngoài Việt Nam. Quốc gia này đang chứng kiến một sự đổ vỡ về pháp trị. Các nhà đấu tranh cho nhân quyền bị bắt giữ dựa vào những cáo buộc mơ hồ, và thường là dựa vào các điều luật hình sự liên hệ đến "lật đổ chính quyền nhân dân", "tuyên truyền chống đối nhà nước". Ngoài ra, luật pháp Việt Nam cho phép "giam giữ hành chính" mà không cần đem ra xét xử. Đã có những trường hợp mà chính quyền cáo buộc các nhà đối kháng tên tuổi với những tội danh phi chính trị, thí dụ như "trốn thuế". Ủy Ban Điều Tra về Bắt Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc đã phán xét là việc bắt giữ và giam cầm các nhà hoạt động chính trị, kể cả thành viên của Việt Tân, là vi phạm điều luật quốc tế. Với tình trạng trên, chúng tôi yêu cầu Bà làm những điều sau đây: 1) Kêu gọi trả tự do cho các tù nhân chính trị, bao gồm Luật sư Cù Huy Hà Vũ và Luật sư Lê Quốc Quân; blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần và Paulus Lê Sơn; nhà đấu tranh dân oan Trần Thị Thúy; nhạc sĩ Việt Khang; tác giả Vi Đức Hồi; Mục sư Dương Kim Khải, Mục sư Nguyễn Công Chính và Hòa Thượng Thích Quảng Độ; sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha; và những nhà hoạt động nhân quyền bị kết án trong những năm gần đây, và đặc biệt là từ đầu năm nay. 2) Cổ xúy vai trò tích cực hơn cho EU trong việc hỗ trợ xã hội dân sự tại Việt Nam. Phái đoàn đại diện EU tại Việt Nam nên tiếp tục gặp gỡ và hỗ trợ những tổ chức quần chúng thuần túy, đặc biệt là các nhóm nhằm cải tổ xã hội và luật pháp, dân chủ và nhân quyền. Ngoài ra, gặp gỡ các nhà hoạt động nhân quyền và gia đình họ, cũng như đi thăm những ai đang bị giam cầm là điều hết sức quan trọng. 3) Nhấn mạnh với nhà cầm quyền Việt Nam phải thi hành cải tổ luật pháp và hủy bỏ các điều lệ trong bộ Luật Hình Sự từng được sử dụng để giam cầm các nhà hoạt động nhân quyền. Hơn thế, cần nhấn mạnh với nhà cầm quyền Việt Nam phải ra điều luật bảo vệ quyền biểu tình ôn hòa, tụ họp, thực thi tự do ngôn luận, và được thành lập tổ chức chính trị và xã hội. Cuối cùng, vấn đề các luật sư nhân quyền bị tước quyền hành nghề cần được nêu lên. 4) Xa hơn nữa, cột các quan tâm nhân quyền vào các thương thảo với Việt Nam: nhấn mạnh yếu tố cải thiện nhân quyền trước khi có phái đoàn cao cấp đến Việt Nam, đưa các vấn đề nêu trên vào các cuộc đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam và lập lại điều kiện nhân quyền của quan hệ ngoại giao EU, luôn cả giao thương, với các quốc gia thứ ba. -------- [1] Nghị quyết Quốc Hội Âu Châu ngày 18 tháng Tư, 2013 về Việt Nam, đặc biệt về tự do ngôn luận. [2] EU nên tôn trọng lời cam kết vào ngày 25 tháng Sáu 2012 trong bản Khung Sườn Chiến Lược và Kế Họach Hành Động về Nhân Quyền và Dân Chủ, đặt vấn đề nhân quyền vào tất cả chính sách bên ngoài, kể cả giao thương. Việc thực thi Khung Sườn Chiến Lược và Kế Họach Hành Động về Nhân Quyền và Dân Chủ cần được duyệt xét, do đó, cũng trong khuôn khổ quan hệ EU-Việt Nam và phản ảnh phần thứ hai của bản Báo Cáo EU Hàng Năm về Nhân Quyền và Dân Chủ trên Thế giới sẽ được phát hành vào tháng 9 năm 2013. Trân trọng, Thành viên Quốc Hội Âu Châu Graham Watson Ramon Tremosa i Balcells Justina Vitkauskaite Bernard Sarah Ludford Konrad Szymanski Nils Torvalds Chris Davies Norica Nicolai Edward McMillan-Scot Marian Harkin Charles Tannock László Tõkés Christiana Muscardini Nicole Kiil-Nielsen Jean Lambert Niccolò Rinaldi Ivo Vajgl Bernd Posselt Hans Van Baalen Emilio Menéndez del Valle Tunne Kelam Renate Weber Jorg Leichtfried Giommaria Uggias Ana Maria Gomes Marietje Schaake Kristiina Ojuland Jelko Kacin Keonidas Donskis Reinhard Hans Butikofer Cristian Dan Preda Bastiaan Belder Iuliu Winkler Alexander Lambsdorff (Bản dịch của BBT-WebVT) http://viettan.org/34-DB-Quoc-hoi-Au-Chau-len-tieng.html
......

12 NGO gửi thư đến Đại diện Cấp cao EU Catherine Ashton về phiên toà sắp xử Ls Lê Quốc Quân

Baroness Catherine Ashton Đại diện Cao cấp Liên minh Châu Âu phụ trách Ngoại giao và Chính sách An ninh Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu 200, rue de la Loi B-1049 Brussels, Bỉ Email: Nabila.MASSRALI@ec.europa.eu   Ngày 1 tháng 7 năm 2013 V/v: Ông Lê Quốc Quân và phiên tòa xử ông sắp diễn ra vào ngày 9 tháng 7 năm 2013 Thưa Bà, Các tổ chức ký tên ở đây trân trọng yêu cầu Bà dành sự quan tâm đặc biệt cho trường hợp bắt giữ một luật sư, blogger và là người đấu tranh cho nhân quyền nổi tiếng ở Việt Nam – ông Lê Quốc Quân. Như Bà hẳn đã biết, ông Lê Quốc Quân hiện đang bị giam giữ một cách tùy tiện vì đã thực hiện quyền tự do ngôn luận, quyền tự do hội họp và lập hội ôn hòa, cũng như vì những hoạt động bảo vệ nhân quyền của ông. Ông Lê Quốc Quân là một luật sư có trình độ và là một blogger tích cực. Trên trang blog nổi tiếng của mình, ông đã phơi bày các vụ  vi phạm nhân quyền mà các cơ quan truyền thông của Nhà nước Việt Nam thường bị phớt lờ. Trước khi bị tịch thu giấy phép hành nghề luật sư năm 2007, ông Lê Quốc Quân đã các vụ án nhân quyền tại tòa. Ngay sau khi từ Hoa Kỳ trở về Việt Nam năm 2007, ông đã bị bắt giam trong 100 ngày. Vào tháng 4 năm 2011, ông bị  bắt giữ một lần nữa và sau đó được trả tự do mà không bị buộc tội. Vào tháng 8 năm 2012, ông Lê Quốc Quân bị thương nghiêm trọng trong một vụ hành hung có thể có liên quan đến các nhân viên Nhà nước. Ngày 27 tháng 12 năm 2012, ông Lê Quốc Quân lại bị bắt và bị buộc tội “trốn thuế”. Những lời buộc tội này được xem là không có căn cứ và được đưa ra chỉ vì mục đích ngoài luật pháp nhằm buộc ông Lê Quốc Quân phải im lặng. Việc giam giữ ông chờ ngày xét xử đối với các lời buộc này đã vi phạm những điều khoản về quyền tự do trong Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR). Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã cam kết việc tuân thủ Công ước này. Điều 9 của Công ước quy định rằng việc giam giữ trước khi đưa ra tòa chỉ được sử dụng trong những tình huống đặc biệt khi những nguy cơ chắc chắn đối với an ninh công cộng và/hoặc đối với tính toàn vẹn của hệ thống pháp lý không thể được ngăn chặn một cách thích đáng bằng các phương tiện khác (ngoài việc phải bắt giữ). Chúng ta biết không có bằng chứng hay bất cứ mối nguy hiểm nào đối với công chúng hoặc đối với tính toàn vẹn của hệ thông pháp lý Việt Nam khi ông Lê Quốc Quân được tại ngoại. Hơn nữa, ông Quân đã bị biệt giam trong vòng hai tháng đầu tiên và hiện vẫn đang ngồi tù. Phiên tòa xét xử ông sẽ diễn ra tại Tòa án Nhân dân Hà Nội vào ngày 9 tháng 7 năm 2013. Chúng tôi hiểu rằng phiên tòa sẽ được xử công khai. Nhiều thông tin chi tiết hơn về ông Lê Quốc Quân và sự can thiệp bất hợp pháp đối với các quyền con người của ông được trình bày trong bức Thư Tố Cáo kèm theo đây, bức thư gần đây đã được các tổ chức  ký tên ở đây gởi đến những Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc. Ông Lê Quốc Quân nằm trong danh sách các tù nhân cần được quan tâm của Liên Hiệp Âu Châu. Sự hiện diện của những nhà quan sát quốc tế có thể khuyến khích chính quyền Việt Nam tôn trọng những nghĩa vụ nhân quyền quốc tế. Vì thế chúng tôi trân trọng yêu cầu Bà gởi một phái đoàn cấp cao đến tham dự phiên tòa ngày 9 tháng 7 sắp tới. Thêm vào đó, chúng tôi hối thúc Bà lên tiếng bày tỏ sự quan ngại của Bà với chính quyền Việt Nam và yêu cầu họ phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Lê Quốc Quân. Xin hãy liên lạc với chúng tôi nếu Bà có câu hỏi gì hoặc cần thêm thông tin. Trân trọng,   Tổ chức L4L (Luật sư Bảo vệ Luật sư) Adrie van de Streek Giám đốc điều hànhinfo@lawyersforlawyers.nl PO box 7713, 1007 JC Amsterdam, Hà Lan   Tổ chức Article 19 (Điều 19) Agnes Callamard Giám đốc điều hànhinfo@article19.org   ASF Network (Mạng lưới ASF) Anne LUTUN Điều phối viên mạng lưới ASFcoordination@asf-network.com   Electronic Frontier Foundation (Quỹ Giới tuyến Điện tử) Eva Galperin Nhà phân tích chính sách cao cấpeva@eff.org   English PEN (Văn bút Anh) Jo Glanville Giám đốcjo@englishpen.org   Tổ chức Front Line Defenders (Những người bảo vệ tiền tuyến) Mary Lawlor Giám đốc điều hànhmary@frontlinedefenders.org   Tổ chức Index on Censorship (Chỉ số Kiểm duyệt) Kristy Hughes Giám đốc điều hànhkirsty@indexoncensorship.org   Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) James Lin Trưởng văn phòng phụ trách Đông Nam Ájlin@fidh.org   Tổ chức Lawyers’ Rights Watch Canada (Giám sát Quyền lợi Luật sư Canada) Gail Davidson Giám đốc điều hànhlrwc@portal.ca Tổ chức Media Defence – Đông Nam Á HR Dipendra Giám đốcdipendra3000@gmail.com   Tổ chức Media Legal Defence Initiative(MLDI) Nani Jansen Trưởng ban cố vấn pháp lýnani.jansen@mediadefence.org   Tổ chức Phóng viên Không biên giới (Reporters Without Borders) Benjamin Ismail Trưởng ban phụ trách châu Á Thái Bình Dươngasia@rsf.org   (Defend the Defenders) Nguồn: Lawyers’ Rights Watch Canada  
......

Dân Biểu Hoa Kỳ bất bình về việc Ls. Lê Quốc Quân tiếp tục bị giam cầm

Ngày 25 tháng 6, 2013 Kính gửi ông Nguyễn Tấn Dũng Thủ tướng nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam c/o Tòa đài sứ Việt Nam 1233 20th Street, NW, Suite 400 Washington, DC 20036 Thưa ông Nguyễn Tấn Dũng, Qua lá thư này chúng tôi muốn bày tỏ mối quan tâm sâu sắc về việc Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam bất chấp các quyền căn bản về con người và vẫn tiếp diễn nỗ lực đàn áp bất đồng chính kiến. Chúng tôi bất bình về việc luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân tiếp tục bị giam cầm, không được phép gặp gia đình và luật sư kể từ khi ông bị bắt ngày 27 tháng 12, 2012. Ông Lê Quốc Quân là một luật sư nổi bật, một nhà bảo vệ nhân quyền, blogger, và một cựu nghiên cứu sinh của chương trình Reagan-Fascell tại Học viện Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ (National Endowment for Democracy), đã bị nhà cầm quyền Việt Nam quấy rối liên tục kể từ năm 2007. Chúng tôi cho rằng qua việc bảo vệ nhân quyền, viết blog về các vấn đề liên quan đến công bằng xã hội và tham gia vào những sinh hoạt dân sự là những hành động ái quốc đóng góp vào việc phát triển đất nước. Ông đã có một số cam kết với cộng đồng quốc tế để cải thiện tình trạng nhân quyền nhưng rõ ràng là quyền tự do ngôn luận, tự do ý kiến và tự do lập hội vẫn không được công nhận tại Việt Nam. Chính sách đàn áp liên tục các quyền căn bản của công dân Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam sẽ tác hại đến mối bang giao hai nước. Chúng tôi kêu gọi ông hãy làm người chủ xướng để thúc đẩy nhà cầm quyền Việt Nam tôn trọng các cam kết này. Chúng tôi nhấn mạnh lần nữa mối quan tâm sâu sắc về việc bắt giữ ông Quân. Chúng tôi kêu gọi ông có những biện pháp để trả lại tự do tức khắc và vô điều kiện cho luật sư Quân. Chúng tôi mong đón nhận hồi âm trực tiếp từ ông. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và muốn làm việc với ông để các quyền con người được bảo đảm. Trân trọng,
......

Nhà đấu tranh nhân quyền Lê Quốc Quân phải được xét xử công bằng và được chăm lo sức khỏe.

Vào ngày 13/6/2013, Trung tâm Robert F. Kennedy (RFK Center) gởi thư đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam tôn trọng những chuẩn mực nhân quyền được công bố trong Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị cũng như Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc trong việc bảo vệ nhà đấu tranh nhân quyền Lê Quốc Quân không bị tra tấn và bị ngược đãi, cho phép ông được tiếp xúc với gia đình và luật sư ngay lập tức, và chăm lo sức khoẻ cần thiết cho ông.   Ông Quân là một luật sư nhân quyền và blogger đã bị biệt giam tại nhà tù Hỏa Lò số 1 kể từ ngày 27/12/2012. Mặc dầu bị cáo buộc tội trốn thuế, dường như lý do chính khiến ông Quân bị bắt giữ là thực thi một cách chính đáng quyền hành nghề luật sư và hoạt động bảo vệ nhân quyền của ông. Trước khi bị bắt, ông Quân viết rất nhiều về tự do tôn giáo, quyền dân sự, đa nguyên và làm luật sư thiện nguyện trong những vụ án liên quan đến những nhà đấu tranh nhân quyền bị giam cầm, quyền lao động, quyền sở hữu đất đai, và quyền công nhân. Ông Quân đã bị ngăn cản trong việc gặp luật sư và gia đình, và tình trạng sức khỏe của ông không được rõ. Phiên xử của ông dự tính sẽ diễn ra vào ngày 9/7/2013 sắp tới. Trung tâm RFK quan tâm sâu sắc về tình trạng sức khoẻ của ông Quân và khẩn kêu gọi nhà chức trách Việt Nam hãy bảo đảm để ông Quân có được một phiên tòa công bằng theo chuẩn mực nhân quyền quốc tế.* * * * Lá thư của Trung Tâm RFK gởi Thủ tướng Việt Nam như sau: Ngày 13 tháng 6 năm 2013 Kính gởi ông Nguyễn Tấn Dũng Số 1 Hoàng Hoa Thám Ba đình, Hà Nội, Viet Nam Fax: 84 080.48924 Thưa ông Nguyễn Tấn Dũng, Với tư cách Chủ tịch của Trung tâm Robert F. Kennedy cho Công Lý và Nhân Quyền (RFK Center) và Giám đốc Trung Tâm RFK và chương trình Cộng Tác cho Nhân Quyền, chúng tôi quan tâm sâu đậm về sự giam cầm ông Lê Quốc Quân và phiên xử sắp tới của ông ngày 9/7/2013. Ông Quân, một luật sư nhân quyền và blogger, đã bị nhân viên nhà nước bắt giữ trong lúc ông đưa con đi học ngày 27/12/2012. Ông bị cáo buộc tội trốn thuế, nhưng chúng tôi lo ngại rằng ông Quân bị bắt vì ông thực thi một cách chính đáng quyền hành nghề luật sư và hoạt động bảo vệ nhân quyền của ông. Trước khi bị bắt, ông Quân viết rất nhiều về tự do tôn giáo, quyền dân sự, và chính trị đa nguyên cho một số kênh truyền thông và trên blog của ông. Hiện nay ông đang bị biệt giam tại Hỏa Lò số 1 và đang đợi ngày ra tòa vào ngày 9/7 sắp tới. Ông bị ngăn cản rất nhiều trong việc gặp luật sư và gia đình, và tình hình sức khỏe của ông hiện không được rõ. Trong lúc bị giam giữ, Trung tâm RFK khẩn cầu nhà chức trách Việt Nam hãy bảo đảm cho ông Quân không bị tra tấn và ngược đãi, cho ông được gặp gia đình và luật sư ngay lập tức, và được chăm lo sức khỏe cần thiết. Trong khi Việt Nam đã đồng ý ký Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị (ICCPR) vào ngày 24/9/1982, chúng tôi mạn phép được nhắc nhà chức trách Việt Nam về nghĩa vụ phải tuân thủ Điều 9 của ICCPR, trong đó bảo đảm quyền tự do và an toàn của cá nhân, và phủ nhận việc bắt và giam cầm tùy tiện của một cơ phận nhà nước. Thêm nữa, Điều 19 của ICCPR còn bảo đảm "quyền nêu quan điểm mà không bị ngăn cản", bên cạnh quyền tự do ngôn luận, trong đó bao gồm "quyền tìm hiểu, đón nhận và phổ biến tin tức và sáng kiến dưới mọi thể dạng không giới hạn, qua lời nói, giấy trắng mực đen, qua kỹ thuật, hoặc qua bất kỳ phương tiện tự chọn". Ngoài ra, Đại Hội Đồng LHQ nêu rõ trong bản Tuyên ngôn về Quyền hạn và Trách nhiệm của các cá nhân, nhóm, và cơ quan xã hội để cổ xúy và bảo vệ các quyền con người được thế giới công nhận và những quyền tự do căn bản (Tuyên Ngôn LHQ về các nhà bảo vệ nhân quyền), được Đại Hội Đồng LHQ chấp thuận vào 9/12/1998, công nhận rằng mọi người đều có quyền “tự do phổ biến, truyền đạt, phát tán đến người khác ý kiến, thông tin, kiến thức về nhân quyền và các quyền tự do căn bản” và các quốc gia phải “có biện pháp cần thiết để cho các cơ quan thẩm quyền có đủ khả năng bảo vệ tất cả, từng người một hay nhóm, chống lại các mối đe dọa, bạo động, trả thù, phân biệt đối xử tàn tệ theo luật hay trên thực tế, bị áp lực hay những hành vi nào khác chỉ vì việc thực thi quyền hạn chính đáng của họ” theo Tuyên Ngôn. Việt Nam đang vi phạm những ràng buộc nhân quyền này đối với trường hợp của ông Quân. Giam cầm ông Quân chỉ vì ông viết bài trên blog là một vi phạm rõ rệt quyền tự do ngôn luận của ông. Giam giữ ông Quân vì sự liên hệ của ông với những nhà đối kháng khác là một vi phạm quyền tự do hội họp và quyền tự do lập hội một cách ôn hòa, như có nêu trong ICCPR. Hơn nữa, với việc giam giữ ông Quân chỉ vì những hoạt động nhân quyền, Việt Nam đã không đáp ứng được nghĩa vụ theo Tuyên Ngôn LHQ để bảo vệ quyền hạn của ông Quân trong tư cách một nhà hoạt động nhân quyền. Trung tâm RFK khẩn kêu gọi nhà chức trách Việt Nam hãy bảo đảm cho ông Quân có một phiên tòa theo các chuẩn mực nhân quyền quốc tế. Chúng tôi mong đón nhận hồi âm. Trân trọng, Kerry KennedyChủ tịch Robert F. Kennedy Center for Justice and Human Rights Santiago A. CantonGiám đốc, Partners for Human Rights Robert F. Kennedy Center for Justice and Human Rights Cc: Ambassador Nguyen Quoc Cuong Tòa Đại Sứ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Fax: 202 861-0917 Nguồn: Kennedy Center for Justice and Human Rights  
......

Quốc Hội Mỹ sẽ vinh danh "người tù Hỏa Lò" John McCain vào tháng 4

Người "tù Hỏa Lò Hà Nội" nổi tiếng John McCain hơn bốn thập niên trước đây, từng là ứng cử viên Tổng Thống Hoa Kỳ, sẽ được Quốc Hội Hoa Kỳ vinh danh trong tháng 4 tới đây trong một buổi lễ đánh dấu ngày ông thoát khỏi nhà tù cộng sản Việt Nam. Ông John McCain là sĩ quan phi công của lực lượng Hải Quân Hoa Kỳ đã bị bắn rơi trong một phi vụ trên miền Bắc VN trong cuộc chiến Việt Nam hồi năm 1968. Sau 5 năm rưỡi bị giam cầm ở nhà tù Hỏa Lò, mà người ta đặt cho cái tên là “Khách sạn Hilton Hà Nội”, ông được trả tự do vào ngày 14 tháng 3 năm 1973. Giờ đây ông John McCain đã là Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa trong Quốc Hội Hoa Kỳ. Hồi tuần qua, nhân dịp đánh dấu 40 năm ngày ông thoát cảnh lao tù, Tổng Thống Obama đã có cuộc găp gỡ có riêng tư với các Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa và bày tỏ lòng biết ơn đối với sự nghiệp phục vụ trong quân đội của ông John McCain.   Hôm qua 21-3, tin từ tiết lộ từ quốc hội Hoa Kỳ cho hay sẽ có bữa tiệc đặc biệt vào ngày 11-4, sau khi Quốc Hội quay lại làm việc sau 2 tuần nghỉ hằng năm. Hiện chi tiết chương trình đặc biệt vinh danh người tù Hỏa Lò nổi tiếng này chưa được công bố chính thức.   Riêng các quan sát viên thì dịp kỷ niệm ngày TNS John McCain được tự do sẽ là dịp hai Đảng ngồi lại với nhau ở Hoa Thịnh Đốn, một cơ hội khá hiếm hoi trong bầu không khí "đấu khẩu" nặng nề hiện nay.
......

44 Tướng Sĩ quân đội Đài Loan Làm Gián Điệp cho Trung Quốc

8 Thượng tướng 3 sao, 18 Trung tướng, 16 Thiếu tướng, 25 Thượng tá, 14 Trung tá, 4 Thiếu tá tham gia đường dây gián điệp của Bắc Kinh. Thời báo Hoàn Cầu ngày 1/1 dẫn nguồn tin tức tờ Apple Đài Loan cho hay, vụ Thiếu tướng La Hiền Triết, cựu Cục trưởng Thông tin bộ tư lệnh lục quân Đài Loan bị xử tù chung thân hồi năm ngoái do làm gián điệp cho Trung Quốc tưởng đã êm xuôi, nhưng gần đây lại lộ ra một bản danh sách 87 sĩ quan quân đội Đài Loan được cho là tham gia đường dây làm gián điệp cho Trung Quốc. La Hiền Triết, lon Thiếu tướng bị xử tù chung thân vì tội làm gián điệp cho Trung Quốc Đặc biệt trong số sĩ quan bị phát hiện làm gián điệp cho Trung Quốc bị phanh phui lần này có cả 2 viên quan chức cấp cao gồm Hoắc Thủ Nghiệp, Thượng tướng cấp 1 (4 sao, tương đương cấp Đại tướng) cựu Tổng tham mưu trưởng và Lâm Trấn Di, Tổng tham mưu trưởng sắp mãn nhiệm, lon Thượng tướng 4 sao. Hoắc Thủ Nghiệp,cựu Tổng tham mưu trưởng Đài Loan đã nghỉ hưu, lon Thượng tướng 4 sao Trước đó, giới chức Đài Loan ra thông báo, bắt đầu từ ngày 1/1/2013 sẽ bắt đầu điều chỉnh cơ cấu nhân sự Bộ Quốc phòng Đài Loan theo hướng tinh giản, trong đó hạ cấp quân hàm của ghế Tổng tham mưu trưởng từ Thượng tướng 4 sao xuống Thượng tướng 3 sao, vì vậy Lâm Trấn Di được cho là sắp nghỉ hưu và quân đội Đài Loan đang chuẩn bị nhân sự thay thế. Lâm Chấn Di, lon Thượng tướng 4 sao, Tổng tham mưu trưởng quân đội Đài Loan từ 2/2/2009 và chuẩn bị nghỉ Theo danh sách của tờ Apple Đài Loan tiết lộ, trong số 87 sĩ quan làm gián điệp cho Trung Quốc, ngoài 2 viên quan chức cấp cao nói trên còn có 8 Thượng tướng 3 sao, 18 Trung tướng, 16 Thiếu tướng, 25 Thượng tá, 14 Trung tá, 4 Thiếu tá tham gia đường dây gián điệp của Bắc Kinh. Trình Nhân Hoằng, một quan chức thuộc Ủy ban Giám sát Đài Loan nhận định, đây là vụ trọng án gián điệp lớn nhất, số lượng nhiều nhất, chức vụ cao nhất trong lịch sử. Trong số quan chức, tướng tá Đài Loan bị phát hiện lần này có 4 người bị coi phạm tội nghiêm trọng nhất, gồm Kim Nãi Kiệt, lon Trung tướng, cựu Cục trưởng Cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu, Hác Bảo Tài, Phó cục trưởng Cục Tình báo, Triệu Thế Chương và Dương Thiên Tiếu, lon Thượng tướng, cựu Tư lệnh Lục quân Đài Loan. Trình Nhân Hoằng và Triệu Xương Bình, 2 quan chức thuộc Ủy ban Giám sát Đài Loan phụ trách vụ trọng án này cho biết, do tính chất vụ án gián điệp đặc biệt nghiêm trọng, liên quan tới “bí mật quốc gia” nên không thể cung cấp các thông tin chi tiết cho báo chí.
......

Vietnam macht Bloggern kurzen Prozess

Seit Jahren erhöht Vietnam den Druck auf Internetaktivisten. Im Eilverfahren wurden jetzt drei regierungskritische Blogger wegen "Propaganda gegen den Staat" zu langjährigen Haftstrafen verurteilt. Mehrfach war der Prozess verschoben worden, doch am Ende dauerte die Verhandlung nur einen halben Tag. Wegen Kritik an der kommunistischen Regierung sind drei Blogger zu langjährigen Haftstrafen verurteilt worden. Die zwei Männer und eine Frau müssen für vier bis zwölf Jahre ins Gefängnis. Ein Gericht in Ho-Chi-Minh-Stadt habe sie für schuldig befunden, im Internet Artikel veröffentlicht zu haben, in denen sie sich gegen die Regierung wandten, sagte Anwalt Ha Huy Son.  Unterdrückter "Bürgerjournalismus"   Bei einem der Angeklagten handelt es sich um Nguyen Van Hai, besser bekannt als Dieu Cay. Er hatte bereits seit 2008 eine zweieinhalbjährige Haftstrafe wegen Steuerhinterziehung abgesessen. Doch anstatt ihn nach beendeter Haftzeit freizulassen, klagten ihn die Behörden erneut an. Dieu Cay war von US-Präsident Obama namentlich erwähnt worden, als dieser sich im Mai 2012 gegen die Unterdrückung des "Bürgerjournalismus" in Vietnam ausgesprochen hatte. Dieu Cay sowie die beiden Blogger Phan Thanh Hai und Ta Phong Tan hatten 2007 gemeinsam den "Free Journalists' Club" gegründet und auf dessen Webseite mehrfach regierungskritische Artikel veröffentlicht. Die Mutter der früheren Polizistin Ta Phong Tan hatte sich im September 2011 aus Protest gegen die Verhaftung ihrer Tochter vor dem Regierungsgebäude in der südlichen Provinz Bac Lieu selbst verbrannt. Menschenrechtsorganisationen hatten die Inhaftierung und den Prozess scharf verurteilt und mehrfach die unverzügliche Freilassung der Angeklagten gefordert. Rupert Abbott, Vietnam-Experte bei Amnesty International, bezeichnete die Blogger als "politische Gefangene", deren einziges "Verbrechen" es gewesen sei, "friedlich von ihrem Recht auf freie Meinungsäußerung Gebrauch gemacht" zu haben. Brad Adams von Human Rights Watch sagte, sie hätten sich nichts zuschulde kommen lassen, außer "Geschichten zu veröffentlichen, von denen die Regierung nicht will, dass das Volk sie liest."  Angst vor den digitalen Stimmen   Seit 2011 setzt die vietnamesische Regierung die Bloggerszene massiv unter Druck. Die Szene im Lande ist eine der aktivsten in ganz Südostasien. Schätzungsweise jeder dritte Vietnamese ist täglich im Internet unterwegs. Die jüngere Generation geht dafür vor allem in Internetcafés, die es nicht nur in den Städten, sondern auch auf dem Land überall gibt. "Die Blogger haben eine ganz wichtige Funktion übernommen", sagt der Vietnamexperte Jörg Wischermann im Gespräch mit der DW, "da sie das staatlich verordnete Schweigen in den Medien außer Kraft gesetzt haben." Die staatlichen Medien schweigen vor allem über die heftigen Konflikte, die im ganzen Land schwelen und regelmäßig ausbrechen. Bauern werden von Immobilienspekulanten enteignet oder mit minimalen Kompensationszahlungen abgespeist. Beamte sind oft beteiligt oder profitieren indirekt. Wenn sich die Bauern zur Wehr setzen, kommt es zu teilweise brutalen Einsätzen der Polizei. In den letzten Monaten sind die Berichte darüber aus den offiziellen Medien verschwunden. Die Regierung fürchtet die Proteste der Bauern, die "eine tragende Säule des Landes" seien, sagt Wischermann. Nur Blogger haben über das Schicksal der Bauern berichtet, Fotos und Videos veröffentlicht.  Maßnahmen gegen unabhängige Berichte Polizisten sichern das Gerichtsgebäude, in dem der Prozess gegen die Blogger stattfand. Um der Berichterstattung im Internet zu begegnen, hat die regierende Kommunistische Partei Vietnams (KPV) schon auf ihrem elften Parteitag im Jahre 2011 eine härtere Gangart gegen Regimekritiker beschlossen. Ende Juli 2012 wurde in Vietnam ein Internet-Dekret verabschiedet, wobei zur Zeit noch unklar ist, ob es tatsächlich in ein Gesetz umgesetzt wird. Das Dekret umfasst 60 Abschnitte, die alarmierend vage gehalten sind. So soll der Missbrauch von Informationen im Internet, die gegen die Sozialistische Republik Vietnam gerichtet sind, ebenso unter Strafe gestellt werden wie Angriffe, die die große Einheit des Volkes oder die guten Gebräuche und Traditionen des Landes unterminieren. Das Dekret fordert eine umfassende Filterung von Internetinhalten sowie die Anmeldung von privaten Webseiten unter dem richtigen Namen der Betreiber. Nicht zuletzt sollen Privatpersonen und Internetdienstanbieter für Verstöße auch von Dritten belangt werden können. So wundert es nicht, dass Vietnam auf dem aktuellen Index zur Pressefreiheit der Organisation "Reporter ohne Grenzen" nur auf Platz 172 von insgesamt 179 Staaten rangiert. Auf der Rangliste der "Feinde des Internets" belegt Vietnam Platz 3. Reporter ohne Grenzen berichtete über die handfesten Mittel, die der vietnamesische Staat anwendet, um die Blogger in ihre Schranken zu weisen. Unliebsame Blogger würden auch in ihrem Privatleben lückenlos überwacht, auf offener Straße bedroht und angegriffen, verhaftet oder durch stundenlange Verhöre eingeschüchtert, hieß es bei Reporter ohne Grenzen.  Regierung setzt sich rigoros durch   Der Zweck derartiger Dekrete und Verordnungen sei nicht, die Bloggerszene tatsächlich zu kontrollieren, wie Wischermann sagt. "Dass das technisch überhaupt nicht umzusetzen ist, haben auch schon die vorherigen Dekrete und Verordnungen gezeigt. Es geht darum, gewisse polizeiliche Maßnahmen zu rechtfertigen." Die Regierung schaffe mit den Verordnungen einen legalen Rahmen, der es der Polizei ermögliche, an einzelnen Personen ein Exempel zu statuieren.   http://www.dw.de/vietnam-macht-bloggern-kurzen-prozess/a-16135751  
......

Pages