Tiffany Chung, người nghệ sỹ đưa tiếng nói tị nạn Việt vào lịch sử chiến tranh

Một bức tranh màu nước về người tị nạn chiến tranh Việt Nam tại triển lãm "Tiffany Chung: Vietnam, Past is Prologue" (Quá khứ là sự khởi đầu) ở bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Smithsonian. VOA Tiếng Việt “Chiến tranh Việt Nam đã được lý giải chính thức từ phía Việt Nam, trong đó không có tiếng nói của người miền Nam. Người Mỹ cũng lý giải tương tự về cuộc chiến ấy, vẫn không có câu chuyện của người miền Nam.” Tiffany Chung chia sẻ về nỗ lực giới thiệu góc nhìn về người tị nạn Việt, vốn ít khi được nhắc tới trong lịch sử cuộc chiến Việt Nam. Là một nghệ sỹ đương đại Mỹ gốc Việt và bản thân là người tị nạn, Tiffany nghiên cứu trong nhiều năm về di sản cuộc chiến cùng những hậu quả để lại, thông qua các di vật, như bản đồ, video và các bức tranh nêu bật tiếng nói và những câu chuyện của những người từng là tị nạn. Tiffany Chung, nghệ sỹ đương đại Mỹ, đang trình bày về các tác phẩm của cô tại triển lãm đầu tiên tại bảo tàng Smithsonian. “Một số người chọn viết sách để nói về cuộc chiến. Đối với tôi tiếng nói của những người miền Nam Việt Nam về chiến tranh sẽ không phải là cái gì mang tính hư cấu hay vật chất,” Tiffany nói trước cuộc triển lãm đầu tiên của cô tại Bảo Tàng Nghệ Thuật Hoa Kỳ Smithsonian (Smithsonian American Art Museum), Washington D.C. “Do đó tôi chọn cách làm tư liệu trực tiếp – để họ trực tiếp kể câu chuyện của bản thân họ.” Nhưng đó không phải là điều dễ dàng. “Tôi đã mất đến hơn 40 năm để có thể đối mặt với cuộc chiến tranh ở Việt Nam và lịch sử cá nhân, bao gồm cả thân phụ tôi, và cả tôi,” Tiffany nói. Hành trình của bố Cách đây 16 năm, Tiffany bắt đầu về thăm Việt Nam, tìm hiểu câu chuyện bố cô bị bắt làm tù binh chiến tranh và câu chuyện của mẹ cô chờ đợi trong vô vọng cho sự trở về của chồng mình, nơi gần vĩ tuyến 17. Nhưng chỉ đến khi tình cờ thấy một tấm ảnh của bố, Chung Tử Bửu, trong trang phục phi công trước một chiếc trực thăng tại Lộc Ninh năm 1970, cô mới quyết định quay trở lại Việt Nam để tìm hiểu những “chiến trường trên không”, nơi thân phụ từng tham chiến. Những chiến trường này cùng các chiến dịch mà thân phụ cô từng tham gia, trong đó có chiến dịch Lam Sơn 719, và những sự kiện lịch sử khác của chiến tranh Việt Nam, được Tiffany đưa vào một biểu đồ minh họa bằng hình ảnh và chú thích trưng bày tại Bảo Tàng Nghệ Thuật Hoa Kỳ Smithsonian. Bức tranh mà Tiffany Chung tìm thấy về bố cô, phi công Chung Tử Bửu, được trưng bày tại triển lãm. “Những di vật ấy khiến tôi thực sự đào sâu vào để bắt đầu những gì tôi làm về chiến tranh Việt Nam hôm nay,” Tiffany nói. Qua những tìm hiểu về bố mình, cô biết được nhiều điều về chiến tranh Việt Nam, về Cuộc hành quân Hạ Lào, nơi bố cô tham chiến, và Mùa hè Đỏ lửa 1972. Trực thăng ông Chung Tử Bửu bị bắn hạ; và ông bị quân miền Bắc bắt ở Lào trong chiến dịch Lam Sơn 719, 1971. Ông bị giam trong tù đến năm 1985, và 5 năm sau khi được trả tự do, cả gia đình đến Mỹ. Tiffany, sinh ra ở Đà Nẵng khi cuộc chiến đang ở cao trào năm 1969, cho biết gia đình cô cũng đã nhiều lần tìm cách vượt biên và bản thân cô từng bị giam trong tù trước khi đến được Mỹ. “Cuộc chinh phục cá nhân tôi đã mở đường đến những ký ức tổng hợp của người miền Nam Việt Nam về cuộc chiến đã để lại ảnh hưởng lớn đến cuộc sống nhiều người.” Ai cũng có lý do tham gia cuộc chiến. Việt Nam đã có lý giải của họ nhưng tôi quan tâm tới câu chuyện của những người thua cuộc... Trẻ con lớn lên trong trường chỉ được dạy về góc nhìn của chính phủ Việt Nam, còn góc nhìn của người miền Nam Việt Nam thì bị xóa bỏ hoàn toàn. Tiffany Chung, nghệ sỹ đượng đại và cựu tị nạn chiến tranh Việt Nam Trước khi dựng nên các tác phẩm nghệ thuật về chiến tranh Việt Nam, Tiffany từng có các tác phẩm nghệ thuật về cuộc khủng hoảng tị nạn Syria. Việc tìm hiểu những câu chuyện người tị nạn Syria đã giúp Tiffany vượt qua được “chính bản thân để đối diện với chính mình và nói về câu chuyện của mình.” Cô thấy có sự tương đồng của hai cuộc khủng hoảng tị nạn Việt Nam và Syria – đều là nội chiến và có rất nhiều người tị nạn. “Đó là vì sao tôi trở lại (để đối diện chính mình).” Lịch sử bỏ quên Nói về chiến tranh Việt Nam thì phải nói về người Việt Nam ở cả hai miền Nam và Bắc, theo Tiffany, người từng có thời gian trở về Việt Nam tham gia thành lập “Sàn Art,” một diễn đàn nghệ thuật cho nghệ sỹ trẻ trong nước. “Ai cũng có lý do tham gia cuộc chiến. Việt Nam đã có lý giải của họ nhưng tôi quan tâm tới câu chuyện của những người thua cuộc. Mình thua trận, thua cuộc chiến. Trẻ con lớn lên trong trường chỉ được dạy về góc nhìn của chính phủ Việt Nam, còn góc nhìn của người miền Nam Việt Nam thì bị xóa bỏ hoàn toàn.” Theo cô, lịch sử người Việt tị nạn bị xóa sạch trong lịch sử chính thống của Việt Nam. Một trong 21 người tị nạn miền Nam Việt Nam đến Mỹ được phỏng vấn trong các video trình chiếu tại triển lãm. Để những câu chuyện của người miền Nam được biết đến, Tiffany phỏng vấn hàng chục người tị nạn Việt tại Mỹ và chọn 21 cuộc phỏng vấn qua video, trong đó có thân phụ cô, để trưng bày tại viện bảo tàng Smithsonian trong triển lãm có tên “Quá khứ là sự khởi đầu” (Tiffany Chung: Vietnam, Past is Prologue), mở cửa cho công chúng từ ngày 15/3 đến 22/9 năm nay. Tiffany gọi đây là nỗ lực “dù chưa hoàn chỉnh để nói lên được một khía cạnh nào đó về chiến tranh Việt Nam.” “Bao nhiêu người tị nạn trải qua những kinh nghiệm giống nhau. Nỗ lực của mình là nhằm nói lên một phần của (chiến tranh) Việt Nam, vốn đã không được đưa vào lịch sử chính thống (của Việt Nam) cũng như không được người Mỹ quan tâm đến nhiều.” Tác phẩm trưng bày tại triển lãm này còn có những bức tranh màu nước được vẽ dựa trên những bức ảnh mà cô tìm được trong quá trình nghiên cứu về di dân Việt Nam sau chiến tranh tại kho lưu trữ của Cao ủy tị nạn Liên hợp quốc (UNHCR) tại Geneva, Thụy Sĩ. Các bức tranh màu nước được chuyển thể từ những bức ảnh về thuyền nhân chiến tranh Việt Nam được Tiffany Chung tìm thấy tại kho dữ liệu của UNHCR. Những bức tranh, được một nhóm họa sỹ trẻ của Việt Nam chuyển thể từ các bức ảnh tư liệu, cho thấy hình ảnh những nạn nhân chiến tranh Việt Nam trên các con thuyền tìm cách vượt biển để đến một nơi nào đó trên thế giới. Trong số khoảng 1,6 triệu người Việt Nam tái định cư từ 1975 đến 1997, hơn 700.000 người là thuyền nhân, theo thống kê của UNHCR. Cơ quan này ước tính khoảng 200.000-400.000 thuyền nhân đã bỏ mạng trên biển. Một thế giới khác Tiffany tới UNHCR hàng năm để làm các nghiên cứu và qua đó cô “mới biết được người Việt Nam đã đi đến nhiều nơi trên thế giới, gồm châu Phi, Mỹ La tinh và Trung Đông, ngoài những nơi mà mọi người đều biết là Mỹ và châu Âu.” Những tuyến đường người tị nạn Việt Nam vượt qua để tìm đến nơi “an toàn hơn” Việt Nam lúc đó đã được Tiffany đưa vào một tấm bản đồ lớn bằng vải thêu cũng được trưng bày tại triển lãm này. Tấm bản đồ thêu trên vải về các đường di chuyển của người tị nạn rời Việt Nam tới các nơi trên thế giới sau chiến tranh. Mặc dù được đào tạo về nhiếp ảnh và Nghệ thuật Studio ở California, Tiffany lại từng là một người vẽ bản đồ. Chính cô đã vẽ lại những đường di chuyển của người tị nạn chiến tranh Việt Nam trên một tấm bản đồ giấy và sau đó được chuyển thể sang hình thêu trên vải. (Tiffany Chung) chuyển thể chúng vào hình thức tác phẩm nghệ thuật và chúng trở nên rất quan trọng cho tư liệu lịch sử của chúng ta; đưa chúng ta tới một thế giới hoàn toàn khác. Sarah Newman, phụ trách nghệ thuật đượng đại của bảo tàng Nghệ thuật Hoa Kỳ Smithsonian “Rất nhiều những thứ này không được nói tới trong văn hóa và nghệ thuật của (Mỹ). Nó thậm chí không được nhắc tới trong lịch sử,” Sarah Newman, phụ trách nghệ thuật đương đại của Bảo tàng Nghệ thuật Hoa Kỳ Smithsonian, nói. “(Tiffany Chung) đã tới trung tâm lưu trữ của UNHCR và nghiên cứu để tìm ra những người (Việt) đi đâu sau chiến tranh, họ đi con đường nào và họ tới đâu trên thế giới này. Cô ấy chuyển thể chúng vào hình thức tác phẩm nghệ thuật và chúng trở nên rất quan trọng cho tư liệu lịch sử của chúng ta; đưa chúng ta tới một thế giới hoàn toàn khác.” Tiffany gọi sự vắng bóng những tiếng nói của người tị nạn Việt trong lịch sử chiến tranh Việt Nam là một sự “bỏ quên lịch sử do ảnh hưởng của chính trị.” “Người tị nạn không được nhắc tới trong truyền thông chính thức. Họ không được bàn tới. không được nhớ tới,” Tiffany nói. “Mọi người đều có quyền được biết về lịch sử, ký ức và sự thật.” Theo người nghệ sỹ hiện đang sống ở Houston, Texas, “Nhớ tới nó để hiểu về nó. Để lịch sử không lặp lại lần nữa.”
......

Giàu hạng ba thế giới, vẫn xài điện thoại ‘cùi bắp’ trị giá $20

Tỷ phú Warren Buffett nói chuyện tại “The Gatehouse’s Hands Up for Success.” (Hình chụp từ màn hình CNBC) GRAPEVINE, Texas (NV) – Tỷ phú Warren Buffett, người giàu thứ ba thế giới, vẫn chỉ sử dụng một điện thoại “cùi bắp” có giá thị trường chỉ khoảng $20, nếu mua trên eBay. Theo CNBC, tại buổi ăn trưa “The Gatehouse’s Hands Up for Success” tại Grapevine, Texas, hôm Thứ Năm, 28 Tháng Ba, ông Buffett bất ngờ rút cái điện thoại loại “flip,” tức là khi gọi hoặc nghe thì mở ra, xong rồi gấp lại, và nói một cách khôi hài: “Đây là điện thoại của tôi, vô tình có được. Alexander Graham Bell cho tôi mượn và tôi quên trả lại.” Điện thoại “cùi bắp” của tỷ phú Buffett là Samsung SCH-U320. Ông Buffett hiện là người sáng lập và điều hành công ty đầu tư Berkshire Hathaway, và làm chủ 5.5% cổ phiếu của đại công ty Apple, mà phần lớn doanh thu của công ty này xuất phát từ việc chế tạo và bán điện thoại iPhone. Mặc dù không sử dụng iPhone, ông Buffett có xài một sản phẩm của Apple, đó là một cái iPad, chỉ để theo dõi thị trường chứng khoán thế giới và làm nghiên cứu. Ông cũng kể, mới đây, có người tặng ông một iPhone 10 X, nhưng ông chưa đụng đến. “Người này có viết thư cho tôi, hướng dẫn cách sử dụng, nhưng tôi chịu. Thế là tôi chưa đụng vào,” tỷ phú Buffett kể tiếp. Ông Tim Cook, tổng giám đốc Apple, từng nói rằng ông sẵn sàng bay đến Omaha, Nebraska, để giúp ông Buffett sử dụng iPhone. “Tôi có nói với ông cá nhân tôi sẵn sàng đến Omaha để giúp ông,” ông Cook nói trong một cuộc phỏng vấn hồi năm ngoái. (Đ.D.) https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/giau-hang-ba-the-gioi-van-xai-dien-thoai-cui-bap-tri-gia-20/
......

Một thời Phật học rực rỡ

Manh Kim Khó có thể quên những tên tuổi khổng lồ Thích Minh Châu, Kim Định, Vũ Văn Mẫu, Tôn Thất Thiện, Bửu Lịch, Nguyễn Xuân Lại, Ngô Trọng Anh, Phạm Công Thiện, Tuệ Sĩ, Lê Mạnh Thát, Dương Thiệu Tống, Lê Tôn Nghiêm, Ngô Trọng Anh, Vũ Khắc Khoan, Bửu Lịch, Tôn Thất Thiện… Họ là những người nhẹ nhàng đặt từng viên gạch nặng chịch góp phần dựng lên tòa lâu đài tư tưởng vĩ đại của Phật học, trên nền tảng triết lý “Duy Tuệ Thị Nghiệp” (tạm hiểu: lấy việc phát triển trí tuệ làm căn bản). Tiếc thay, tòa lâu đài dang dở đã bị đánh sập sau năm 1975. Thập niên 1960 và nửa đầu những năm 1970 là sự bùng nổ của sách triết học và Phật học tại miền Nam. Trong Văn học miền Nam tổng quan, ông Võ Phiến thuật: “Tạp chí Giữ Thơm Quê Mẹ (xuất bản từ tháng 7/1965), tạp chí Vạn Hạnh (xuất bản từ tháng 1/1970), Viện Đại học Vạn Hạnh, Nhà xuất bản Lá Bối (ra đời tháng 10/1964), bấy nhiêu cơ sở văn hóa qui tụ văn nghệ sĩ, trí thức để phát huy ảnh hưởng văn hóa Phật giáo. Ảnh hưởng ấy rộng rãi và mạnh mẽ… Ngoài ra nhiều nhà xuất bản khác cùng đua nhau in sách về Phật, về Thiền của những Suzuki, Krishnamurti, sách dịch Chí tôn ca (Bhagavad Gita)… Hương thiền tỏa rộng và thấm sâu vào thi ca”… Bằng chứng rõ nhất của sự phát triển rực rỡ nền Phật học tại miền Nam trước 1975 là sự ra đời Viện Đại học Vạn Hạnh. Thành lập năm 1964, Vạn Hạnh là đại học Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam. Từ sĩ số niên khóa đầu với 700 sinh viên, đến năm 1975, Vạn Hạnh đã có gần 14.000 sinh viên. Đóng góp của Vạn Hạnh không chỉ với Phật học. Đại học này còn có phân khoa Văn học, Khoa học Nhân văn, Khoa học Xã hội, Giáo dục, Ngôn ngữ… Chỉ sau vài năm thành lập, Vạn Hạnh đã nổi như cồn, trở thành hội viên Hiệp hội Đại học Đông Nam Á lẫn Hiệp hội Khoa Học Xã Hội Đông Nam Á. Vạn Hạnh quy tụ gần như đầy đủ tinh hoa trí tuệ thuộc hàng thâm sâu và uyên bác nhất của nền học thuật khai phóng miền Nam, trong đó có ông Phạm Công Thiện, người được thầy Viện trưởng Thích Minh Châu giao nhiệm vụ soạn tất cả chương trình giảng dạy cho tất cả phân khoa Viện Đại học Vạn Hạnh từ năm 1966-1968. Ông Phạm Công Thiện sinh năm 1941. Khi viết cuốn Tiểu luận về Bồ Đề Đạt Ma và về làm việc cho Vạn Hạnh năm 1964, ông Phạm Công Thiện chỉ mới 23 tuổi và chưa từng tốt nghiệp bất cứ trường đại học nào. Vạn Hạnh không chỉ giảng dạy. Đây là nơi khai sinh ra tạp chí Tư Tưởng. Gọi là “tạp chí” nhưng ấn phẩm này là tập sách khảo cứu nặng ký cả nghĩa bóng lẫn đen. Có quyển dày đến gần 500 trang! Lấy “Duy Tuệ Thị Nghiệp” làm kim chỉ nam, Viện Đại học Vạn Hạnh lẫn tạp chí Tư Tưởng đã thắp lên ngọn đuốc khai phóng cho nền học thuật nước nhà. Ấn bản tháng 3/1973, chủ đề của Tư Tưởng là “Hướng về Quốc học”; ấn bản tháng 8/1969 là “Số đặc biệt về xã hội học và chính trị học”; ấn bản tháng 6/1973 là “Giáo dục cho ngày nay và ngày mai” (với các tác giả Thích Nguyên Hồng, Vũ Đức Bằng, Nguyễn Văn Trường, Đoàn Viết Hoạt, Phan Hồng Lạc, Lê Kim Ngân)… Ngọn đuốc Vạn Hạnh nói riêng và Phật học nói chung đã tắt phụt sau 1975. Tuệ Sĩ, Lê Mạnh Thát, Thích nữ Trí Hải bị tù. Vạn Hạnh bị xóa sổ. Phật học không rơi vào “hố thẳm tư tưởng” mà lọt sâu xuống hố trầm luân. Cần nhắc lại, chỉ 5 năm sau khi thành lập, Viện trưởng Vạn Hạnh, thầy Thích Minh Châu, đã có thể tự hào kể: “Đại Học Vạn Hạnh tuy mới năm tuổi, nhưng đã ghi được một vài tiến bộ đáng kể… Mặc dù hãy còn nhỏ bé, Đại Học Vạn Hạnh cố gắng bao gồm tất cả những phạm vi hoạt động của một trường đại học kiểu mẫu. Thư viện Đại học chiếm gần trọn lầu 3 và 4 của tòa nhà. Đó là một trong số những thư viện lớn và tối tân nhất ở Việt Nam… Phòng tham khảo rất hãnh diện có nhiều bộ sách bách khoa và tự điển của nhiều ngôn ngữ, gồm cả Sanskrit, Pali, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Trung Hoa… Tất cả Tam Tạng Kinh điển quan trọng của Phật giáo đều có ở đây: Sanskrit, Pali, Trung Hoa, Nhật Bản, Miến Điện, Thái Lan (thư viện mới thỉnh thêm bộ Tam Tạng Đại Hàn). Sách phân loại theo hai phân bộ. Phân bộ Phật Học và Phân Bộ Thế Học. Toàn bộ sách của Thư viện bây giờ có khoảng trên 20.000 cuốn…” (dẫn theo tài liệu lưu trữ của Ban tu thư Vạn Hạnh). Ấy thế, trong bài viết trên trang cá nhân ngày 16/12/2018, nhà nghiên cứu Nguyễn Lương Hải Khôi (học triết tại Nhật) thuật: “Thư viện Đại học Vạn Hạnh có hàng vạn cuốn phim quay lại bản gốc các cuốn sách cổ của các nền văn minh trong lịch sử… Những cuốn phim đó được lưu trữ trong các thùng bằng nhựa tốt, rất dày. Sau 1975, chiến sỹ ta thực hiện chủ trương vô sản hóa trí thức, tích cực tăng gia sản xuất trong trường đại học, bèn dồn tất cả phim vào một số ít thùng nhựa, số thùng còn lại thì đổ nước vào… nuôi cá. Những thùng nuôi cá vẫn đặt cạnh thùng chứa phim trong thư viện nên chỉ sau vài tháng, tất cả các cuộn phim đều bị mốc, đành phải vứt bỏ”… “Hơn 10 năm trước, tôi (Nguyễn Lương Hải Khôi) bắt đầu làm việc tại trường đại học đã tiếp quản Đại học Vạn Hạnh, xin được giấy phép vào đọc kho sách ngoại văn trước 1975… Ở hai mảng sách tiếng Anh và tiếng Nhật, thuộc các lĩnh vực triết học, văn hóa, văn học, lịch sử…, Vạn Hạnh đã cập nhật những dòng tư tưởng nóng hổi nhất đương thời… Miền Bắc không chỉ giải phóng miền Nam khỏi những văn bản cổ của văn minh nhân loại hay những trước tác nóng hổi nhất trên thế giới nửa thế kỷ trước, miền Bắc chúng ta đã giải phóng họ khỏi một nền đại học được xây dựng trên ý niệm tự do. Trong số sách Thư viện Vạn Hạnh còn sót lại, có một loại sách đặc biệt, do trường xuất bản, in những bài phát biểu của các diễn giả được mời đến nói chuyện và tranh luận với giảng viên, sinh viên của trường. Đọc những cuốn sách đó, bạn sẽ nhận ra Đại học Vạn Hạnh đương thời giống như một diễn đàn khổng lồ của xã hội dân sự, nơi tất cả các xu hướng tư tưởng khác nhau đều được cất lên tiếng nói của mình, từ chống cộng sản đến chống Hoa Kỳ, ủng hộ miền Bắc đến ủng hộ Việt Nam Cộng hòa… Tất cả đều có một không gian bình đẳng để giải thích vì sao họ suy nghĩ và hành động như vậy. Lúc đó tôi đã tự hỏi, giữa Sài Gòn thời đó thì có những tiếng nói chống lại hệ thống cộng sản là đương nhiên, nhưng tại sao chế độ Việt Nam Cộng Hòa lại để cho Đại học Vạn Hạnh (và đương nhiên không chỉ Vạn Hạnh) trở thành nơi những người chống lại mình có thể phát biểu tư tưởng? Câu trả lời nằm ở Hiến pháp 1967 của họ: Đại học là tự trị”… Ở những trang cuối tạp chí Tư Tưởng, số 5, ngày 1/10/1969, có phần “Tin tức Vạn Hạnh”. Đọc lại thấy ghi: “Thượng tọa Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, đã kết thúc cuộc thăm viếng và dự hội nghị quốc tế tại 6 nước: Hoa Kỳ, Mễ Tây Cơ, Áo quốc, Pháp, Anh, Đức đã trở về Sài Gòn vào lúc 12g40 ngày 18 tháng 9 năm 1969 trên chuyến máy bay của hãng Pan Am. Ngoài việc dự Hội nghị về “Hướng nghiệp giáo dục” tại Mễ Tây Cơ và Hội nghị về “vai trò của Đại học trong việc mưu cầu hòa bình” tại Vienne, Áo quốc, Thượng tọa còn ghé Hoa Kỳ thăm sinh viên của Viện hiện đang du học tại Mỹ quốc, ghé Luân Đôn thăm các trường Đại học Anh quốc trong một tuần lễ do lời mời của Bộ Ngoại giao Anh, ghé Đức và Pháp để thăm các cơ sở giáo dục và mời Giáo sư về dạy tại Viện… Tại Anh quốc…, Trường Giáo dục và Khoa học Á Phi (Deparment of Education and Science School of Oriental and Africa Studies) đã xin đặt sự liên lạc với Thư viện Vạn Hạnh. Bộ Phát triển Hải ngoại hứa cấp Vạn Hạnh 5 học bổng và tặng Thư viện 1 ngàn bảng Anh để mua sách tại Anh. Đại học Oxford hứa sẽ cấp học bổng cho sinh viên Vạn Hạnh. Cơ quan Oxfam hứa giúp thêm cho 2 Cô nhi viện Phật giáo vay số tiền từ 2 triệu đến 3 triệu để lập cơ sở sinh lợi tự túc (lò mì, máy nước đá…) giúp trang bị vật dụng cho một số ký nhi viện, và giúp thành lập một trường Trung học Kỹ thuật cho hệ thống Bồ đề… Tại Đức, Thượng tọa đã đi thăm vùng Bayern, Viện Đại học Munich, Goethe-Institut, Trung tâm Chính trị học Ludwigstr, Thư viện quốc gia, Đại học Rumfordstr, một trung tâm nguyên tử lực. Viện Đại học Munich đã thỏa thuận đặt sự liên hệ với Viện Đại học Vạn Hạnh (Viện Đại học Munich sẽ mời Đại đức Khoa trưởng Văn khoa và Giáo sư Khoa trưởng Khoa học Xã hội sang thăm Viện Đại học này trong vòng 1 tháng để thảo luận việc đặt sự liên hệ giữa 2 Viện)”. Cách đây 50 năm, nền Phật học Việt Nam đã phát triển đến mức đó; 50 năm sau những gì Viện Đại học Vạn Hạnh từng làm được, Học viện Phật giáo Việt Nam ngày nay “là cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học của Phật giáo, thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của nước CHXHCNVN, do Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập theo quyết định của UBND TP.HCM, số 160/QĐ-UB ngày 17/10/1983”. “Phật học XHCN” phải được “rọi chiếu” thêm “ánh sáng của Đảng”. Cần nhắc lại, trong thông báo tuyển sinh thạc sĩ Phật học khóa II (2017-2019), Học viện Phật giáo Việt Nam đã nêu rõ yêu cầu: đối tượng dự thi là cử nhân Phật học và trong các môn dự thi có “Triết học Phật giáo và Mác-Lênin”! 50 năm trước, Viện Đại học Vạn Hạnh không chỉ đóng góp cho nền học thuật khai phóng và tự do của nước nhà mà còn xây dựng được uy tín cho Phật giáo Việt Nam. 50 năm sau, Học viện Phật giáo của Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã làm được gì và Phật giáo Việt Nam đã bị biến tướng thành gì? Có ai còn nhớ lời thống thiết của thầy Thích Minh Châu trong lời mở đầu số ra mắt của tạp chí Tư Tưởng (tháng 8/1967): “Chúng tôi chỉ muốn lễ độ báo nguy với tất cả chúng ta rằng không phải lời nói là quan trọng, không phải im lặng là quan trọng, mà cũng không phải hành động là quan trọng, cũng không phải vô vi thụ động là quan trọng. Chỉ có một điều duy nhất quan trọng, chỉ có một điều quan trọng tối thượng là mỗi người phải dám nhìn thẳng bộ mặt thực của chính mình, tự hỏi rằng mình có lường gạt mình bằng những đường lối tinh vi; mỗi người phải tự hỏi rằng mình có thực sự tự do trong tư tưởng; mỗi người phải tự hỏi rằng mình có thực sự giải phóng khỏi tất cả sự sợ hãi trong ý thức và vô thức; mỗi người phải tự hỏi rằng mình có thực sự tiêu trừ hết mọi tham vọng, dù là tham vọng tâm linh”…    
......

Nước mắm trong lịch sử và văn hóa của người Việt

Trần Đức Anh Sơn Nước mắm là món “quốc hồn, quốc túy” của người Việt, là thứ làm cho ẩm thực Việt phân biệt với phần còn lại của ẩm thực thế giới. Có lẽ vì thế mà “tín đồ nước mắm” gốc Việt đã lớn tiếng khẳng định “nước mắm là sản phẩm ‘riêng có’ của người Việt”!  Nhân lúc rảnh rỗi, tôi tranh thủ lục tìm sử liệu để xem xét tính thực hư của nhận định trên, bất ngờ phát hiện nhiều điều thú vị về thứ nước chấm trứ danh này của người Việt. 1. Có phải chỉ người Việt mới biết làm nước mắm? Xin nói ngay đây là một nhận định sai lầm. Bởi lẽ, “nước mắm” đã xuất hiện ở châu Âu từ ngàn xưa. Sử liệu và chứng tích khảo cổ học được các nhà sử học châu Âu công bố cho biết nước mắm ra đời từ Carthage, một nước cộng hòa cổ ở Bắc Phi, nay là một phần của Tunisia. Từ thế kỷ II trước Công nguyên, cư dân Carthage đã phát minh ra kỹ thuật ướp cá biển với muối, kết hợp với sức nóng của ánh mặt trời vùng Địa Trung Hải để tạo ra thứ nước mắm Carthage, không chỉ để dùng mà còn để bán sang các nước láng giềng ở bờ bên kia Địa Trung Hải.  Làm nước mắm Năm 146 trước Công nguyên, người La Mã thôn tính Carthage và chiếm đoạt luôn bí quyết chế biến nước mắm của người Carthage. Từ Bắc Phi, kỹ nghệ làm nước mắm được du nhập vào La Mã, rồi lan tỏa đến các xứ Cartagena và Baelo Claudia (nay thuộc Tây Ban Nha) và Bretagne (nay thuộc Pháp), được dân châu Âu cổ xưa gọi bằng một cái tên chung là garum. Dấu tích của garum trong nền ẩm thực châu Âu hiện hữu trong cổ sử La Mã và trong những chiếc bình gốm cổ cao gọi là amphora, từng là bình đựng garum, nay đang trưng bày trong Bảo tàng Pompei (Ý) và trong một phế tích khảo cổ ở vùng Bretagne thuộc Pháp.  Người Pháp ở vùng Bretagne cũng biết làm và sử dụng “nước mắm” từ 2.000 năm trước. Theo TS. Françoise Coulon, quản thủ ở Bảo tàng Mỹ thuật Rennes, thủ phủ của vùng Bretagne, thì từ đầu Công nguyên, cư dân cổ đại ở Bretagne đã biết cách ướp cá biển với muối để chiết ra một thứ nước cốt mà họ gọi là garum và dùng nó như một thứ thực phẩm. Những sử liệu đang lưu giữ tại thư viện của Bảo tàng Mỹ thuật Rennes đã ghi nhận về cách thức làm garum của người Bretagne xưa kia. Và khi khai quật các phế tích trong vùng Bretagne, các nhà khảo cổ học Pháp đã phát hiện những công cụ bằng gốm dùng để sản xuất và để đựng thứ “nước mắm” có tên là garum này. Song nguyên nhân vì sao kỹ thuật làm “nước mắm” của người Pháp đã bị thất truyền và vì sao người dân vùng Bretagne nói riêng, dân Pháp nói chung, đã không dùng garum làm thực phẩm nữa thì vẫn là “một câu hỏi lớn, không lời đáp”!  Vào thế kỷ V sau Công nguyên, từ châu Âu, garum và kỹ thuật chế biến ra thứ nước cốt này đã theo “con đường tơ lụa trên biển” thâm nhập vào châu Á, trở thành yulu (魚露) của người Trung Hoa, ishiri (nước mắm làm từ mực) và ishiru (nước mắm làm từ cá) của người Nhật Bản, nam pla của người Thái, kecap ikan của người Indonesia, patis của người Philippines, hay nước mắm của người Việt…[1]  Trong gần 1.000 năm, từ thế kỷ V đến thế kỷ XIV, nước mắm đã được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực Trung Hoa và ẩm thực Nhật Bản, cho đến khi người Tàu tìm ra cách thức ủ men đậu nành để làm ra nước tương và dùng thứ nước này làm gia vị thay cho nước mắm, thì nước mắm mới bị lãng quên dần và rời khỏi nền ẩm thực của cả Trung Hoa lẫn Nhật Bản.  Hàn Quốc là xứ sở của kimchi, với hàng trăm món kimchi làm từ rau, củ, quả… bằng nhiều cách chế biến khác nhau, đã làm nên linh hồn của ẩm thực xứ Hàn. Một trong những món kimchi thường xuất hiện trong bữa ăn thường nhật của người Hàn Quốc là paechumak kimchi, làm từ bắp cải trắng, ớt, dấm, tỏi và miolchi aek chok, một thứ “nước mắm” của xứ kimchi. Miolchi aek chok được làm từ cá cơm với quy trình và cách thức tương tự như cách làm nước mắm của người Việt. Điều khác biệt là người Hàn Quốc chỉ dùng thứ “nước mắm” này để ướp kimchi, chứ không để nêm nếm hay làm nước chấm như người Việt mình.  Người Thụy Điển cũng có một thứ “nước mắm” riêng của họ, gọi là surstromming. Thứ “nước mắm” này được làm từ một loài cá nhỏ, tên là herrings. Người Thụy Điển bỏ cá herrings vào trong chiếc thùng gỗ lớn và cho muối vào để ướp. Sau 48 giờ, khi cá bắt đầu mềm thì người ta ngắt đầu cá và vứt bỏ phần ruột, cho thêm muối vào và ướp tiếp. Thùng cá ướp đó để được để ở ngoài trời từ 8 đến 12 tuần, trong cái nắng mùa hè với nhiệt độ từ 40 đến 60 độ F, cho đến khi thân cá nát ra và trở thành một loại mắm có mùi rất hôi. Đó chính là thứ mắm surstromming, có mùi vị khó ưa nhưng được người Thụy Điển xem là một món “delicacy” (cao lương mỹ vị). Thư tịch cổ Thụy Điển còn cho biết, vào thời Trung cổ, chính quyền chỉ cho phép bán surstromming vào các ngày thứ Năm của tháng Tám mà thôi. Và mỗi dịp surstromming được đem bán là những ngày hội ẩm thực đáng nhớ của người Thụy Điển.[2] Nhưng người Thụy Điển thường dùng món surstromming này với bia hay rượu mạnh, như một thứ thức ăn, chứ không phải là gia vị như nước mắm của người Việt.   2. Nước mắm trong các nguồn sử liệu  Không có nguồn sử liệu nào ghi lại thời gian và nơi khai sinh ra nước mắm ở Việt Nam, ngoại trừ một số tư liệu truyền khẩu cho rằng người Việt học cách làm nước mắm từ người Chăm. Tuy nhiên, những phát hiện khảo cổ học và một số sử liệu liên quan đã góp phần xác nhận điều này. Theo đó, về vương quốc Champa ở vùng Nam Trung bộ Việt Nam hiện nay từng là một “cường quốc biển”. Thuyền buôn của người Chăm từng vượt biển đi buôn bán với các nước Arab, sang tới Địa Trung Hải. Các nhà khảo cổ học ở Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Đại học Sydney (Úc) đã tìm thấy một con tàu đắm chở các thùng gỗ chứa nước mắm trên một thương thuyền Champa sang buôn bán với La Mã cổ đại (khoảng thế kỷ IV sau Công nguyên).  Cuốn Việt sử đầu tiên có đề cập đến nước mắm, có lẽ là cuốn Đại Việt sử ký toàn thư, khắc in vào năm Chính Hòa thứ 18 (1697). Trong Kỷ nhà Lê, phần viết về Đại Hành hoàng đế, sách này có ghi lại sự kiện: “Đinh Dậu, Ứng Thiên năm thứ 4 (997)… Mùa hạ, tháng 4, nhà Tống phong vua làm Nam Bình Vương. Vua sai sứ sang nước Tống đáp lễ. Vua Tống ban chiếu thư khen ngợi. Trước kia sứ Tống sang thường mượn cớ đòi cống nước mắm, nhân thế bắt đóng góp. Đến đây Tống Chân Tông, nghe biết chuyện ấy, chỉ sai quan giữ biên giới gọi đến nhận mệnh, không sai sứ sang nữa”.[3] Đoạn sử liệu này cho thấy muộn nhất là vào trước năm 997, người Việt đã biết làm và dùng nước mắm và nước mắm đã được lưu vào sử sách. Bấy giờ, nước mắm do người Việt làm ra hẳn phải là một loại đặc sản có tiếng, khiến vua chúa Trung Hoa tuy ở xa vạn dặm, cũng “ngửi thấy” mùi thơm của nước mắm, nên mới đòi triều đình Đại Việt phải triều cống nước mắm cho họ. Nhưng khi đọc đến đoạn ghi chép này trong Đại Việt sử ký toàn thư, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân đã nêu một câu hỏi rất thú vị: “Người Trung Hoa không có truyền thống ăn nước mắm, mà họ ăn nước tương, sao lại đòi cống nước mắm? Hay là thời Tiền Lê, nước mắm Việt hiếm hoi trân quý đến mức người ta phải lấy nó để bắt chẹt nhau?”.[4] Quả đúng như vậy, vì người Tàu ăn xì dầu, coi món nước chấm làm từ đậu nành này là thứ gia vị căn cốt của họ, khiến cho món ăn Tàu, nhìn bên ngoài có vẻ giống với món ăn Việt, kỳ thực, lại khác nhau một trời một vực, như nhận xét của M. Coughlin rằng: “mặc dù người Việt Nam ăn bằng đũa và thức ăn của họ thì khó phân biệt được với đồ ăn của Trung Hoa đối với một người Tây phương bình thường, đã có nhiều sự khác biệt và các sự biến cải theo khẩu vị địa phương. Nước chấm căn bản - nước mắm, món gia vị trong mọi bữa ăn, thì đặc biệt là của người Việt Nam và hoàn toàn khác với nước tương, nước chấm gia vị tiêu chuẩn của Trung Hoa”.[5]  Sau Đại Việt sử ký toàn thư, nước mắm còn xuất hiện trong các trước tác như Phủ biên tạp lục (của Lê Quý Đôn, ấn hành vào cuối thế kỷ XVIII), Lịch triều hiến chương loại chí (của Phan Huy Chú, đầu thế kỷ XIX), Gia Định thành thông chí (của Trịnh Hoài Đức, đầu thế kỷ XIX) và trong các bộ sử của triều Nguyễn như Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ và Đại Nam nhất thống chí. Trong các tài liệu thư tịch này, nước mắm được xem là thổ sản của nhiều địa phương ở Đàng Trong.  Nước mắm tỉn Phủ biên tạp lục ghi nhận nước mắm là đặc sản của xứ Thuận Quảng, là thứ mà các chúa Nguyễn bắt phải nộp thuế biệt nạp, thay thế cho thuế đinh, nghĩa là thay vì phải nộp thuế thân, thì các hộ dân làm nghề nước mắm, hàng năm phải nộp về cho triều đình nhà chúa một lượng nước mắm nhất định.  Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, trong phần Quốc dụng chí cũng chép rằng: năm Thuận Thiên thứ 5 (1013), đời Lý Thái Tổ, triều đình quy định nước mắm là một trong 6 loại thổ sản phải đóng thuế biệt nạp. Đến thời Lê, vào năm Cảnh Hưng thứ 4 (1743), triều đình ban hành hạn mức số lượng nước mắm mà các phường nghề phải nộp. Cụ thể, ở xứ Thuận Quảng, ai có phương tiện đánh bắt cá để làm nước mắm thì mỗi năm phải nạp 3 chĩnh nước mắm, người làm thuê mỗi năm nạp 1 chĩnh. Năm 1769, số nước mắm do nhà nước thu qua hình thức thuế biệt nạp này lên đến 3.000 chĩnh.[6]  Ở tỉnh Bình Thuận, nghề làm nước mắm bắt đầu hình thành ở tỉnh Bình Thuận vào khoảng cuối thời chúa Nguyễn, với khoảng 50 người, tập trung ở phường Đông Quan. Nhà nước quy định mỗi năm 30 người trong số họ phải nộp cho nhà nước mỗi người 1 thùng nước mắm, 20 người còn lại mỗi người phải nộp 2 vò mắm mòi và 1 vò mắm tép. Sang đến thời Nguyễn, nhà nước tăng thuế biệt nạp nước mắm ở Bình Thuận lên 8 vò mỗi người mỗi năm, người già người ốm phải nộp một nửa định mức. Ngoài nước mắm, chủ yếu làm từ cá cơm, mỗi người mỗi năm phải nộp thêm 1 vò mắm ướp, 1 vò mắm mòi và 1 vò mắm cá thu.[7]  Theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ thì dưới triều Minh Mạng (1820 - 1841), Nam Định và Ninh Bình là hai địa phương hàng năm phải nộp thuế biệt nạp là nước mắm về cho triều đình Huế. Còn theo sách Đại Nam nhất thống chí thì vào cuối thế kỷ XIX, nước mắm ở xã Đông Giang, huyện Thanh Lâm, tỉnh Hải Dương là nước mắm ngon nhất nước. Nghệ An cũng là một địa phương sản xuất nước mắm có tiếng thời Tự Đức (1848 - 1883), nhưng nước mắm xứ Nghệ thì nặng mùi đến độ danh sĩ Cao Bá Quát đã phải “mượn” cái mùi khó ưa của nước mắm Nghệ An để chê thơ của các thi sĩ trong Mặc Vân thi xã ở Huế: Ngán thay cái mũi vô duyên. Câu thơ Thi xã, con thuyền Nghệ An.  Về mặt chữ nghĩa, nước mắm trong các tư liệu trên được ghi bằng Hán tự là thủy hàm (水 鹹) hay hàm thủy (鹹 水), nghĩa là “nước mặn”. Bình luận về cách định danh thứ “quốc chấm” của người Việt theo Hán tự thành một thứ “nước mặn” như trên, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân than vãn: “Mấy chữ này nghe có vị mà không thấy hơi cá, mùi cá, thiệt là phiền não! Hình như các cụ có ý tốt, muốn cho nước mắm cái sự sang trọng mà kết cho nó cái tên ngoại, thật ra nghe không đã bằng cái tên nôm nước mắm”.[8]  Trong khi đó, cuốn Đông phương phong tục văn hóa từ điển do các nhà nghiên cứu Trung Quốc biên soạn, khi nêu đặc trưng văn hóa ẩm thực của người Việt đã liệt kê 4 món ẩm thực tiêu biểu của người Việt, xếp theo thứ tự là: nước mắm, thuốc lào, bánh chưng và trầu cau. Chữ “nước mắm” trong sách này được viết là Việt Nam ngư lộ (越 南 魚 露).[9] Ngư là “cá”, lộ là “giọt sương móc”. Ngư lộ là “giọt sương tiết ra từ cá”. Cách gọi này có vẻ đã diễn tả đúng bản chất sinh xuất của nước mắm, nhưng cũng chẳng gợi nên mùi vị gì cả, mà nước mắm được thiên hạ biết đến và nhớ đến, trước tiên, là nhờ cái mùi đặc trưng của nó. Vì thế, có lẽ nên giữ cho thứ nước chấm đặc hữu của người Việt này cái tên nôm na vốn có của nó là nước mắm. Và khi dịch sang ngôn ngữ khác thì nên giữ nguyên hình tướng của nó là nước mắm, hay chí ít cũng là nuoc mam, như cái cách mà Léopold Cadière, giáo sĩ và là nhà văn hóa “người Huế… gốc Pháp” đã từng làm khi chủ biên tập san BAVH trước đây.  Nước mắm không chỉ được ghi nhận trong thư tịch cổ Việt Nam mà còn được phản ánh trong các hồi ký, nhật ký của những người phương Tây từng hiện diện ở Việt Nam từ hàng trăm năm trước. Cristophoro Borri, một giáo sĩ người Ý đã từng sống ở Đàng Trong vào đầu thế kỷ XVII, đã viết trong cuốn hồi ký Xứ Đàng Trong năm 1621 của ông như sau: “Người Đàng Trong ăn cá nhiều hơn ăn thịt. Họ chuyên chú đánh cá chủ yếu là vì họ rất ham thứ nước ‘sốt’ gọi là ‘balaciam’ làm bằng cá ướp muối cho mềm và làm nhão ra trong nước. Đây là một thứ nước cốt cay cay tựa như mù tạt (moutarde) của ta, nhà nào cũng dự trữ một lượng lớn đựng đầy trong chum vại như tại nhiều nơi ở châu Âu người ta dự trữ rượu. Thứ nước cá này dùng một mình thì không nuốt được nhưng được dùng để gợi nên hương vị và kích thích tì vị để ăn cơm vốn nhạt nhẽo và không có mùi vị nếu không có thứ nước đó. Vì cơm là thức ăn chung và thông thường của xứ Đàng Trong, nên cần phải có rất nhiều ‘balaciam’ (nếu không thì không có mùi vị) và do đó phải có một lượng lớn nước mắm và cũng do đó phải liên tục đánh cá”.[10]  Hơn 170 năm sau, phái bộ người Anh do bá tước George Macartney dẫn đầu, trong hành trình đến Trung Hoa, có ghé thăm cảng Đà Nẵng vào năm 1793. Viên quan trấn thủ cửa Hàn đã làm bữa tiệc chiêu đãi khách và mời phái bộ Macartney “những đĩa thịt bò xắt miếng vuông, chấm thứ nước rất ngon” khiến các thành viên trong phái bộ cứ tấm tắc khen ngon, còn George Macartney phải ghi nhớ thứ nước chấm độc đáo ấy - nước mắm - vào trong nhật ký hành trình của mình.[11]   3. Nước mắm và người Việt Nước mắm có lịch sử tồn tại lâu dài với người Việt, là phần không thể thiếu trong đời sống và văn hóa của người Việt. Không ai có thể hình dung một bữa cơm Việt lại có thể thiếu vắng nước mắm, cũng như bữa cơm của người Hàn Quốc lại có thể thiếu món kimchi. Nước mắm vừa là gia vị nêm nếm, vừa là món ăn, vừa là một thứ thực phẩm chức năng giúp bổ sung dinh dưỡng cho người Việt, thậm chí, trong một số trường hợp, nước mắm còn là dược liệu để trị bệnh và tăng cường sinh lực cho con người.  Nước mắm chính là linh hồn của ẩm thực Việt, là thứ làm cho ẩm thực Việt khác với ẩm thực của các nước khác, thậm chí, có người còn cho rằng nước mắm là thứ có thể làm biến đổi món ăn của tha nhân thành món ăn Việt: “…bất cứ món ăn nào của Trung Hoa hoặc Pháp có sự góp mặt của nước mắm trong đó, đã trở thành món ăn Việt Nam. Giá trị của nước mắm vì thế trở nên độc nhất vô nhị trong nghệ thuật ẩm thực nói riêng, trong sức sống mạnh mẽ của văn hóa Việt Nam nói chung”.[12]  Theo số liệu của Từ điển Bách khoa Việt Nam công bố cách nay khoảng chục năm, thì mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 150 - 170 triệu lít nước mắm các loại. Từ con số này, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân tính nhẩm: “… trừ đi một ít dành cho người phương Tây đang dùng thử, đổ đồng dân Việt mỗi năm, vào độ ấy, đã cho gần 2 lít nước mắm vào người, trung bình mỗi ngày trên dưới 10 giọt”.[13] Thế mới biết người Việt “ghiền” nước mắm đến cỡ nào. Nước mắm thì người Việt Nam ở đâu cũng ăn và vùng nào ở Việt Nam cũng có. Song làm cho nước mắm “thăng hoa” thì không ai có thể làm tốt hơn người Huế, bởi trong văn hóa ẩm thực Huế, có ít nhất khoảng 30 thứ nước chấm khác nhau có nguồn gốc từ nước mắm, với đủ sắc vị: mặn, ngọt, chua, cay, vừa, đậm, nhạt…, bởi người Huế ăn mỗi món thì dùng một thứ nước chấm khác nhau.  Còn tình yêu dành cho nước mắm thì có lẽ không ai hơn người Quảng. Bàn về văn hóa ẩm thực xứ Quảng, nhiều nhà nghiên cứu gốc Quảng đều có chung nhận định là: người Quảng thích ăn mặn. Sở thích ăn mặn của người Quảng có mối quan hệ khăng khít với nước mắm (và các loại mắm nói chung). Mắm vừa là món ăn, vừa là nguyên liệu, vừa là gia vị nêm nếm đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong ẩm thực của người xứ Quảng. Bữa ăn mà thiếu hoặc ít mắm (hay nước mắm) thì người Quảng cảm thấy nhạt nhẽo, đôi khi vô vị. Nhiều ngư dân xứ Quảng, trước khi lặn xuống biển, thường bưng chén nước mắm uống cạn để chống lạnh. Không chỉ ngư dân, ngay cả người bình thường, ăn cơm xong, có khi cứ chan thêm chút mắm mà húp, cứ như thèm mắm lắm. Làm như vậy, theo họ, bữa cơm mới thật sự trọn vẹn, mặn mà.[14] “Ăn thật mặn là sở thích của đông đảo người Quảng mà cũng là nhược điểm khiến người Quảng từng mang tiếng “chặt to kho mặn” trong kỹ thuật/nghệ thuật nêm nếm/nấu nướng. Tiêu biểu cho sở thích ăn thật mặn của người Quảng là cách ăn nước mắm không pha thêm bất cứ thứ gì có thể làm nước mắm nhạt đi/bớt mặn đi như chanh, đường…”.[15] Nhà văn Nguyên Ngọc thì nhận định: “Có nhà nghiên cứu nói tương (và các loại nước chấm) làm từ đậu nành là một nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực miền Bắc, mắm (và các loại nước mắm) là một nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực miền Nam. Cũng có thể nói, mắm đứng ở trung tâm của văn hóa ẩm thực xứ Quảng, khiến cho văn hóa ấy là một văn hóa đậm đà, mạnh mẽ và điều này càng hết sức đáng chú ý - nó khiến con người trở lại gần tự nhiên hơn”.[16]  Vậy thì, nước mắm không chỉ là món ăn, là gia vị của người Việt; nước mắm còn là một phần của lịch sử, của văn hóa Việt nữa đấy. Trần Đức Anh Sơn. ***** CHÚ THÍCH: [1] Pha Lê, “Đế chế nước mắm”, Tuổi Trẻ Cuối tuần, Số ra ngày 25/8/2016. [2] Schott Ben, Schott’s Food and Drink Miscellany (London: Bloomsbury Publishing Plc, 2003).  [3] Đại Việt sử ký toàn thư, Bản in Nội các quan bản, Tập 1, (Hà Nội: KHXH, 2004), 235.  [4], [8] [13] Phạm Hoàng Quân, “Nước mắm trong những mảnh sử rời”, Tuổi Trẻ Cuối tuần, Số ra ngày 4/9/2011.  [5] M. Coughlin, “Vietnam: In China’s Shadow”, Journal of Southeast Asian Histories, Volume 8, No. 2, September, 1967.  [6] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 2, (Hà Nội: KHXH, 1992). [7] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, (Huế: Thuận Hóa, 1992), 157.  [9] Trương Điện Anh (Chủ biên), Đông phương phong tục văn hóa từ điển, (An Huy: Hoàng Sơn thư xã, 1991).  [10] Cristophoro Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621, Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch, chú thích, (TPHCM: TPHCM, 1998), 28. [11] Nguyễn Duy Chính, “Phái bộ Macartney ghé Đàng Trong”, Nghiên cứu Huế, Tập 6, 2008, 157.  [12] Hoàng Trọng Dũng, Từ bếp ngon ra, (Đà Nẵng: Đà Nẵng, 2002), 23 - 24 [14] Phạm Hữu Đăng Đạt, “Ẩm thực Đà Nẵng trong di sản văn hóa ẩm thực xứ Quảng”, Nghiên cứu đặc sản ẩm thực phục vụ phát triển du lịch ở Đà Nẵng, (Đà Nẵng: Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, 2011), 5. [15] Bùi Văn Tiếng, “Tổng quan văn hóa ẩm thực dân gian xứ Quảng”, Văn hóa Du lịch Đà Nẵng, Số Xuân Tân Mão 2011, 53.  [16] Nguyên Ngọc (Chủ biên), Tìm hiểu con người xứ Quảng, (Tam Kỳ: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam, 2004), 182.    
......

Xã hội Việt Nam có hạnh phúc?

Lê Văn Sơn Từ ngày 20 tháng 3, 2012 trở đi, Liên Hiệp Quốc đã chính thức chọn làm Ngày Hạnh phúc Quốc tế (International Day of Happiness). Theo báo cáo thường niên năm 2019 thì Việt Nam xếp hạng 94 trên 156 nước trong một bảng xếp hạng ‘Quốc gia Hạnh phúc’ do Mạng lưới các giải pháp phát triển bền vững của LHQ (United Nations Sustainable Development Solutions Network) công bố. Phương thức xếp hạng được dựa trên một số tiêu chí nhất định như GDP trên đầu người, hỗ trợ của xã hội, tuổi thọ, tự do làm điều mình muốn, sự rộng lượng, và vấn đề tham nhũng. Trong đó về tự do lựa chọn trong đời rất cao, xếp thứ 23. Mảng hỗ trợ xã hội, Việt Nam xếp thứ 64. Tuổi thọ xếp 49. Tham nhũng bị xếp 86, rộng lượng 97, GDP 105. Tất nhiên những con số cụ thể đưa ra cũng chỉ mang tính tượng trưng trên văn bản giấy tờ, còn thực tế đời sống hiện sinh của xã hội có thể khác xa. Với thứ hạng 94 trên 156 quốc gia được Liên Hiệp Quốc bình chọn, Việt Nam quả là một quốc gia “vô phúc”, trong ngày Hành Phúc Quốc Tế. Nhưng hệ thống cầm quyền và bộ máy tuyên truyền vẫn mị dân bằng những khẩu hiệu bánh vẽ hoặc những con số vô thực. Thậm chí có lúc họ nói Việt Nam là quốc gia hạnh phúc thứ 5 trên thế giới, hay Việt Nam là quốc gia bình yên. Trong một xã hội mà sự bất an và rủi ro luôn kề cận trong từng bước đi, từng nhịp sống của con người thì quốc gia đó có thực sự hạnh phúc, có thực sự bình yên không? Bất an lan tràn trong môi trường giáo dục và học đường đang là vấn đề vô cùng nhức nhối. Vấn nạn bạo lực trong học đường xảy ra triền miên trong tất cả các cấp học. Con số được phát hiện và biết đến chỉ tính trong năm 2018 lên đến 2000 vụ, trong khi ngành giáo dục thống kê chỉ được vài trăm vụ. Lạm dụng, tấn công, trao đổi, mua bán tình dục trong môi trường giáo dục cũng thực trạng đáng báo động. Thầy giáo gạ tình dâm ô học sinh liên tục xảy ra ở khắp Việt Nam trong thời gian ngắn vừa qua đã khiến người dân bất bình, phẫn nộ. Một đất nước được điều hành bởi chế độ bất chính, tham nhũng có hệ thống thì vị tất xã hội đó luôn luôn bất ổn định. Dù Nguyễn Phú Trọng có hô hào quyết tâm tiêu diệt tham nhũng trong gần 2 năm qua với một số vụ án đưa ra xét xử; nhưng thực tế đó chỉ là các vụ án mang tính khỏa lấp dư luận mà thôi. Chỉ số tham nhũng của Việt Nam vẫn cao ngất ngưởng ở vị trí 86. Con số này tỉ lệ thuận cho những ai nghi ngờ công cuộc chống tham nhũng của ông Trọng là không có thực, mà thật ra chỉ là thanh trừng phe nhóm để củng cố quyền lực của mình mà thôi. Người Việt thường hay nói “thượng bất chính thì hạ tất loạn”. Hàng ngày người ta đang đọc được muôn mặt xã hội, mà trong đó hiếp dâm, cướp của, giết người xảy ra khắp nơi, phơi bày nhan nhản trên mặt báo. Có ai ngây thơ đến nỗi nhìn rõ ràng cái chết đến với mình bất cứ giây phút nào khi tham gia giao thông mà vẫn cho là hạnh phúc? Chỉ trong những ngày đầu năm 2019, số người chết vì tai nạn giao thông cao hơn cả khủng bố, chiến tranh. Trong 4 ngày đầu dịp nghỉ tết có đến 111 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông. Thống kê hàng năm thì thấy những con số vô cùng khủng khiếp, trong 2018 vừa qua toàn quốc có 8.248 người chết vì tai nạn giao thông, bị thương 14.802 người. Báo nhà nước còn đặt nghi vấn số người chết vì tai nạn lớn hơn nhiều con số công bố. Theo nhà báo Nguyễn Trung Bảo, cựu thư ký tòa soạn báo Một Thế Giới, nói với BBC thì tai nạn giao thông chính là hậu quả của chính sách nhiều năm của hệ thống cầm quyền. Nếu cho tôi được vấn trắc để chấm trong thang điểm hạnh phúc, tôi sẽ đặt vấn đề về hệ thống y tế có làm cho con người ta hạnh phúc không? “Thực trạng đau lòng của hệ thống bệnh viện tại Việt Nam”, đó là nhận định chung của người dân khi được hỏi. Vì sao? Họ cho rằng đa số các bệnh viện ở Việt Nam hiện nay đều quá tải, chất lượng khám chữa bệnh rất thấp. Mối quan hệ giữa y bác sĩ và bệnh nhân nằm trong trạng thái căng thẳng, đó là chưa nói đến vấn đề đầu tiên – tiền đâu. Nếu người bệnh không có tiền thì sự thờ ơ, vô cảm thấy rõ nơi bệnh viện. Thờ ơ vô cảm dường như trở thành một căn bệnh trong xã hội Việt Nam mà không có bác sĩ kê đơn. Người dân có sẵn sàng làm một điều gì đó cho thiện ích xã hội? Nhắm mắt, bịt tai, bịt miệng trước mọi tương tác, sự liên đới trong xã hội đang trở nên thịnh hành hơn sau gần 44 năm cộng sản cai trị. Con người ta có hạnh phúc khi không được quyền quyết định sinh mạng chính trị của chính mình, vận mệnh dân tộc của quốc gia, khi cất lên tiếng nói của tự do nhưng lại bị cầm tù? Trong quá trình đi tìm hạnh phúc, con người lại khoanh khái niệm này thành những mục tiêu rất hạn hẹp và cụ thể, ví dụ quy thành niềm vui, hay sự thỏa mãn cá nhân nhất thời thì đó không phải là bản chất của hạnh phúc. Trong một xã hội, một quốc gia mà phô diễn quá nhiều rủi ro, bất an và quyền hành chính trị công dân bị tước đoạt thì đó là quốc gia thuộc về sự bất hạnh. Portland 20/3/2019 Paulus Lê Sơn  
......

ĐIỀU GÌ TẠO NÊN KHÁC BIỆT?

Đỗ Văn Ngà Sự phát triển của xã hội loài người được đặt trên vai thế giới tự do. Quan sát thấy, lãnh đạo ngày một trẻ ra. Mark Zuckenberg mới có 33 tuổi đã có trong tay 70 tỷ đô la mà không thừa kế của bố mẹ một đồng nào, không nhờ chính phủ làm chính sách cho riêng mình. Jacinda Ardern lên nắm ghế thủ tướng New Zealand chỉ có 37 tuổi, Emmanuel Macron lên làm tổng thống Pháp ở tuổi 40, Sebastian Kurz làm thủ tướng Áo khi mới 31 tuổi, hay thủ tướng Canada lên làm thủ tướng chỉ mới 43 vv…   Vì sao hiện nay lại nổi lên nhiều lãnh đạo trẻ như vậy? Đó là kết quả của một nền giáo dục tiến bộ. Nó quyết định đến thành công của dân tộc đó. Khi nền giáo dục khai phóng, óc sáng tạo được mở toang thì trong xã hội sẽ xuất hiện những bộ óc vượt trội. Joshua Wong lãnh đạo phong trào Dù Vàng biểu tình đòi bầu cử tự do cho Hồng Kông khi cậu ta khi chưa tới tuổi 18. Và nay thế giới lại xuất hiện một Greta Thunberg - cô bé sinh năm 2003 mà đã dám đòi chính phủ Thụy Điển giảm lượng khí thải carbon theo Thỏa thuận Paris. Việc làm của cô bé nhỏ này đã trở thành phong trào lan rộng trên khắp thế giới. Đã có hơn 20.000 sinh viên trên 270 thành phố tại các quốc gia bao gồm Úc, Áo,Bỉ, Canada, Hà Lan, Đức, Phần Lan, Đan Mạch, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ hưởng ứng. Cô bé này làm được điều đó khi mới có 15 tuổi. Vô cùng trẻ! Trong khi đó tại Việt Nam, tuổi của cô bé này làm được gì? Đến những con người học hành có bằng cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ trong tay rồi còn chưa ý thức được sự đúng sai nói gì đến ý thức cộng đồng. Thụy Điển là một quốc gia rất giàu có, đáng lẽ cuộc sống sung túc sẽ làm con người thõa mãn chứ? Không! Cô bé này không thõa mãm, cô ta muốn góp bằng hành động của mình để uốn nắn chính quyền của đất nước của cô phải tôn trọng môi trường sống. Còn Việt Nam? Sống chết mặc bay đã ăn sâu vào máu. Xứ sở đã giàu có mà dân lại có ý thức cộng đồng rất cao, tài năng phát triển rất sớm. Ngược lại, xứ ta đã nghèo mà lại có ý thức cộng đồng cực kém, có người học đến bạc đầu còn ngu chứ nói gì đến tài năng phát triển sớm? Rõ ràng sự khác nhau giữa giáo dục khai phóng và giáo dục nhồi sọ là quá xa và khoảng cách ngày một xa hơn. Sự chênh lệch trong 2 nền giáo dục này sẽ khó mà san lấp được trong vài thế hệ. Sự khác biệt vời vợi giữa 2 xã hội đó nó xuất phát từ sự khác biệt chính trị, đưa đến khác biệt về giáo dục và cuối cùng là tạo ra 2 xã hội khác nhau vời vợi như vậy. Nhìn vào thấy Việt Nam và thế giới văn minh như đang đi về 2 hướng ngược nhau vậy.    
......

Cô gái 16 tuổi vận động mọi người bỏ học để biểu tình chống biến đổi khí hậu được đề cử giải Nobel hòa bình

Cô Greta Thunberg (16 tuổi) người Thụy Điển  khuyến khích học sinh, sinh viên lên tiếng đòi hành động nhanh chóng để chống biến đổi khí hậu, là linh hồn của những phong trào lan rộng khắp Thụy Điển và châu Âu. Đây sẽ là một tuần lễ đáng nhớ và bận bịu đối với Greta Thunberg. Tiếp đó, vào thứ 6, một cuộc biểu tình do Greta phát động sẽ diễn ra trên toàn thế giới, khi hàng chục nghìn người trẻ tuổi sẽ đổ xuống đường tuần hành ở 112 nước nhằm kêu gọi hành động chống lại sự biến đổi khí hậu. Thunberg viết trên Twitter rằng cuộc biểu tình vì khí hậu này sẽ diễn ra ở hơn 1700 địa điểm trên toàn cầu. Cô đã vận động và khuyến khích học sinh bỏ một buổi học để tham gia biểu tình, đòi hỏi phải có những hành động rốt ráo hơn về vấn đề biến đổi khí hậu, một phong trào đã lan rộng ra ngoài biên giới Thụy Điển đến nhiều quốc gia Châu Âu khác. Phong trào tổng thể mà Greta phát động có tên là "Thứ Sáu vì Tương lai" (Fridays For Future), bắt đầu vào tháng 8 năm ngoái khi Thunberg ngồi trước tòa nhà Quốc hội Thụy Điển mỗi ngày trong 3 tuần liền để phản đối sự thiếu hụt những biện pháp và hành động nhằm chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu. "Chúng ta đang đối mặt với một thảm họa mà rất nhiều người phải gánh chịu nhưng rất ít người lên tiếng", Thunberg phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos vào tháng 1 vừa qua. "Giải quyết khủng hoảng khí hậu chính là thử thách lớn nhất và phức tạp nhất mà con người từng phải đối mặt". Khoảng 30.000 người diễu hành ở Sydney hôm 15/3 kêu gọi chống biến đổi khí hậu. Ảnh: AFP. Theo những người tổ chức thì chỉ tính riêng tại Mỹ, khoảng 100.000 người trẻ được cho là sẽ tham gia và ít nhất 400 cuộc biểu tình riêng rẽ diễn ra ở 50 bang. Những cảnh báo về tình trạng biến đổi khí hậu trên hành tinh của chúng ta vẫn tiếp tục gióng lên. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ NASA cho biết 5 năm vừa qua chính là 5 năm nóng nhất kể từ khi có dữ liệu ghi lại bắt đầu từ cuối thế kỷ 19. Và lượng khí CO2 trong khí quyển – loại khí được cho là chịu trách nhiệm chính làm trái đất nóng lên – đã tăng lên đến mức báo động, chưa từng thấy trong hàng ngàn năm, và chắc chắn là trong hàng triệu năm trước đây. Ngoài ra, như Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo vào tháng 10 năm ngoái, cần phải có "những sự thay đổi nhanh chóng, có ảnh hưởng lớn và chưa từng thấy trong mọi khía cạnh của xã hội" để chống lại những tác động nguy hại nhất của tình trạng nóng lên toàn cầu". Mục tiêu được đặt ra là giữ mức độ nóng lên ở mức 1,5 độ C (2,7 độ F) cao hơn so với thời kỳ tiền công nghiệp, và điều này gần như là không thể trừ khi những động thái khẩn thiết và cấp bách được thực hiện. Về giải Nobel Hòa bình, Thunberg viết trên Twitter rằng cô rất "vinh dự và biết ơn vì được đề cử cho giải thưởng này". Các đề cử cho Giải Nobel Hòa bình năm nay được thực hiện bởi 3 nhà lập pháp người Na Uy và giải sẽ được trao và cuối năm. Theo Hãng tin AP ngày 14-3, Thunberg được ba nhà làm luật Na Uy đề cử giải Nobel hòa bình, coi đây là một tiếng nói nổi bật trong phong trào chống biến đổi khí hậu. Chính trị gia Freddy Andre Oevstegaard và hai thành viên của Đảng Xã hội cánh tả Na Uy cho rằng "phong trào lớn mạnh do khởi xướng có đóng góp rất quan trọng cho hòa bình". Bất cứ chính trị gia của nước nào cũng có quyền đề cử người xứng đáng đoạt giải Nobel hòa bình. Theo ông Oevstegaard, các mối đe dọa quanh vấn đề khí hậu là một trong những nguyên nhân chính của chiến tranh và xung đột trên thế giới. "Chúng tôi đề cử Greta Thunberg, vì nếu chúng ta không làm gì để giảm biến đổi khí hậu sẽ gây ra chiến tranh, xung đột và người tị nạn" - ông Oevstegaard nói. Sáu tháng trước, cô nữ sinh Thunberg cắm trại bên ngoài tòa nhà Quốc hội Thụy Điển với tấm bảng viết tay "Đình công lớp học vì khí hậu". Kể từ đó, cô bé xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, tạo nên tiếng nói của những người trẻ "vỡ mộng" vì người lớn chậm chạp trong việc chống biến đổi khí hậu. Greta Thunberg dẫn đầu một cuộc biểu tình ở Pháp hồi tháng 2-2019 - Ảnh: REUTERS Ủy ban Nobel Na Uy không bình luận công khai nào về các đề cử. Giải Nobel năm 2019 nhận được 304 đề cử, bao gồm 219 cá nhân và 85 tổ chức. Giải thưởng thường được công bố vào ngày 10-12 hằng năm. Năm 2014, nhà hoạt động trẻ Malala Yousafzai của Pakistan trở thành người trẻ tuổi nhất từng đoạt giải này ở tuổi 17.  
......

Sai lầm nghiêm trọng của Boeing sau vụ rơi 2 máy bay 737 Max

Tiết lộ nguyên nhân dòng máy bay Boeing 737 Max liên tiếp gặp nạn khi vừa mới cất cánh được vài phút. Boeing đã mắc phải sai lầm rất nghiêm trọng để dẫn đến việc gần 350 người bị chết. Câu chuyện đầu đuôi như sau: - Để tiết kiệm nhiên liệu thay vì dùng 4 động cơ Boeing dùng 2 động cơ bự hơn. - Động cơ bự để khỏi đụng đất phải làm ló lên khỏi cánh một ít. Điều này làm tăng lực nâng mũi máy bay lên. - Để máy bay thăng bằng thay vì để phi công tự nâng góc nghiêng cánh sau nhằm nâng đuôi lên thì Boeing sai lầm làm thiết bị tự động nâng như hình phía phải. Cái này họ tự hào gọi là MCAS. - Trái tim của MCAS là một cảm biến gắn đầu mũi của máy bay, dựa vào gió thổi trên dưới mà nó biết là đang ngóc đầu để MCAS tự nâng đít bù lại. - MCAS này Boeing xem nó là hệ thống tự động bù lực nâng phát sinh cho động cơ chứ không phải là một tính năng lái tự động thêm cho phi công nên không có nút tắt cũng như trong tài liệu hướng dẫn phi công không có nó. Họ muốn máy bay họ đơn giản dễ lái. Kết quả hai chiếc máy bay 737 Max có gắn MCAS vừa rớt đều có những đặt điểm sau: - Vừa cất cánh từ 5 - 6 phút. Đây là lúc lấy độ cao đầu ngóc lên một cách chủ động bởi phi công. Nhưng hệ thống tự động MCAS sẽ kích hoạt nâng đít lên bù. - Trước đó gần 2 phút phi công đều thấy không bình thường liên lạc không lưu xin hạ cánh. Đó là việc phi công thấy việc ngóc đầu lên xuống không theo ý mình bởi hệ thống MCAS tự bù. - Tai nạn làm nát máy bay, không ai sống sót bởi tiếp đất bằng cắm đầu xuống chứ không trượt ngang như thường gặp. - Ngoài ra hai sân bay cất cánh có nhiều nhà cao tầng, gần núi khiến không khí nhiễu loạn tác động lên cảm biến làm nó tưởng máy bay đang ngóc lên để MCAS tự nhúi đầu đâm xuống. ... Kết quả cuối cùng của sự ẩu này là gần 350 người bị chết, bởi Boeing quá ẩu khi tự tin mà quên đi một chân lý bất kỳ nhà Thiết kế tự động nào cũng phải biết: Máy móc tự động là để khoẻ cho người chứ không để thay thế người được. Hiện Boeing đang ngừng tất cả máy bay 737 Max này lại, họ báo sẽ cập nhật phần mềm mà tôi đoán là nó sẽ tự tắt MCAS ở độ cao dưới 5km, cùng phi công có thể tự tắt nó nếu thấy cảm biến không chính xác. Đây là bài học cho Boeing cũng như cho tất cả những người Thiết kế máy tự động !  
......

Bộ Công thương – Formosa: ‘Quan sát trực quan’ hay báo cáo láo?

Báo chí đưa tin, với phương pháp kiểm tra “quan sát bằng trực quan” từ các vị trí an toàn theo quy định của Formosa Hà Tĩnh, Bộ Công Thương cho biết, 4/5 hạng mục công trình được thi công theo thiết kế và các thiết kế điều chỉnh đã được chủ đầu tư chấp thuận/phê duyệt.   “Kết quả kiểm tra hiện trường bằng phương pháp quan sát trực quan, Đoàn kiểm tra đánh giá chất lượng của các hạng mục công trình đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật của chủ đầu tư đã phê duyệt, công trình ở trạng thái ổn định, chưa phát hiện các dấu hiệu bất thường cũng như không đảm bảo an toàn”. Báo Dân Trí tường thuật về buổi kiểm tra Formosa Hà Tĩnh của Bộ Công thương.   Bà Phạm Thúy Loan, tiến sĩ Hóa, chuyên ngành xử lý làm nguội lò phản ứng hạt nhân, đã trao đổi với người viết quanh câu hỏi liệu bằng “quan sát trực quan” có thể dùng đó để làm kết luận cho một biên bản nghiệm thu?   * Đã là đoàn kiểm tra, chắc chắn các vị trong đoàn phải có học vị, học hàm chuyên môn và họ phải có cái lý gì đó khi đưa ra kết luận từ quan sát trực quan. Ý kiến bà thế nào?   * Bà Phạm Thúy Loan: Quan sát trực quan là một quan sát cảm tính. Kết quả của quan sát này ra sao còn tùy thuộc vào trình độ nhìn và hiểu biết đến đâu của người quan sát. Tôi không được tiếp cận các dữ liệu, nhưng chỉ nhìn bằng mắt thường những cột khói xả thải ở Formosa Hà Tĩnh, tôi nghĩ rằng ô nhiễm nơi đây vẫn còn nghiêm trọng.   Đến lúc này tôi chỉ có thể chắc chắn một điều là với công nghệ xử lý làm nguội cốc ướt của Formosa Hà Tĩnh, tất yếu dẫn đến ô nhiễm như vụ thảm họa môi trường biển vừa qua. Làm nguội bằng phương pháp cốc ướt đã được thế giới thay thế bằng phương pháp cốc khô.   Tôi có đọc báo mô tả việc kiểm tra này, là phía Bộ Công Thương đã ra yêu cầu Formosa Hà Tĩnh chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý, hợp lệ của các văn bản, tài liệu trong hồ sơ hoàn thành công trình đã cung cấp cho đoàn kiểm tra. Tôi nghĩ rằng yêu cầu đó với Formosa Hà Tĩnh là cần xem xét lại. Ngay lúc ban đầu phía Formosa đã tự tiện thay đổi công nghệ luyện cốc, gây hậu quả quá nghiêm trọng khi họ hủy diệt môi sinh biển. Đó là chưa kể phần khí thải. Không thể tin họ được, nhất là với công nghệ cốc ướt hiện tại của Formosa Hà Tĩnh.     Là nhà khoa học, cần luôn có đôi mắt ngờ vực, phải đòi hỏi bằng thực chứng chứ không phải chỉ là cảm nhận. Bởi cảm nhận của một học hàm tiến sĩ không trải nghiệm bằng kinh nghiệm thực tế, mà chỉ là tháp ngà, họ sẽ quên mất rằng Formosa còn giỏi dùng đồng tiền để mua cả quan chức cấp cao để nhằm phục vụ lợi nhuận làm ăn của họ.   * Bà nghĩ sao về yếu tố đồng bộ công nghệ khi phía Việt Nam chỉ yêu cầu Formosa thay đổi việc xử lý làm nguội cốc? Vấn đề ô nhiễm ở cốc khô như thế nào?   * Bà Phạm Thúy Loan: Tôi nghĩ câu hỏi của nhà báo đã được nhiều nhà khoa học cảnh báo với chính phủ Việt Nam rồi. Tôi xin được nhắc lại, nhìn vào cột khói xả thải vào ban đêm ở nhà máy Formosa Hà Tĩnh, cá nhân tôi tin chắc rằng ô nhiễm không khí ở địa phương Hà Tĩnh đang ở mức báo động.   Trong khí thì có SO, CO, NO, dyoxit, toàn chất nếu để ra môi trường đều có hại cả.   Kể cả cốc khô người ta cũng phải có một bộ phận hóa cốc, tức là các chất hóa học đó, người ta phải làm ra những sản phẩm hóa, phải có một nhà máy đi kèm với nhà máy cốc để xử lý. Dĩ nhiên việc có một nhà máy hóa cốc là rất tốn kém, nên tôi ngờ rằng phía Formosa Hà Tĩnh đã cắt bỏ công đoạn quan trọng này đi. Lúc đó ô nhiễm không khí còn nghiêm trọng hơn, tuy không gây hậu quả ngay lập tức. Cũng không thể trách họ, trong làm ăn, nhà đầu tư nào chẳng muốn thu lãi nhiều nhất.   Tính đồng bộ mà nhà báo đặt ra, xin trả lời nhanh là phương án luyện khô chất thải chảy ra phần lớn là dạng bụi, tan vào không khí. Nếu không xử lý tốt, không ứng dụng lò đốt đứng cao, chắt hơi nước khói bụi, thu lại dạng thô cứng, mà cho tản đi, kết tủa rơi xuống thì cũng không kém phần nguy hại. Các thông tin này tôi không thấy báo chí mô tả ra sao ở bản tin về đoàn kiểm tra của Bộ Công thương như nói ở trên.   * Bằng ‘trực quan’, bà có tin vào những gì mà Formosa đã hứa hẹn với chính phủ Việt Nam?   * Bà Phạm Thúy Loan: Tôi không tin. Khi lập dự án ban đầu trình các cơ quan chức năng của Việt Nam, tôi nghĩ sự gian lận đã có chủ đích và họ hiểu cần bôi trơn ra sao. Phía quản lý Việt Nam ký duyệt, có lẽ họ không được đào tạo chuyên môn trong lãnh vực luyện thép, nên họ không thực sự để tâm vào công nghệ.   Khi xảy ra hậu quả từ xả thải bằng đường ống chôn ngầm dưới đáy biển của Formosa, lẽ ra cần xử lý bằng các tội danh hình sự, đàng này phía Việt Nam chỉ xé biên lai phạt hành chánh, và sau đó đẩy chuyện công nghệ cốc ướt làm chủ đề chính cho đòi hỏi gói tiền đền bù 500 triệu đô la.   Formosa đã có thể mua sự yên ổn làm ăn tại Việt Nam bằng tiền. Họ sẽ tìm mọi cách để kiếm lại khoản tiền đã chi đó. Tôi nói ngay như luyện cốc khô không có công nghệ hiện đại cũng ô nhiễm lắm, ra khói bụi, đối tượng là con người, mà con người Việt Nam vốn sức chịu đựng chất độc rất giỏi, nên cần thời gian lâu dài mới phát bệnh. Khi ấy, xem ra Formosa Hà Tĩnh đã quá lời và giấy phép đầu tư của họ ở Việt Nam cũng kết thúc./.  
......

Vợ chồng Tổng thống Venezuela Juan Guaido: tấm gương cho tuổi trẻ Việt Nam

Ảnh TT. Juan Guaido và vợ con Nguyễn Văn Đài – RFA| Ngày 23 tháng năm 2019, ông Juan Guaido, 35 tuổi, thủ lĩnh phe đối lập và cũng là chủ tịch Quốc hội 3 tuần trước, đã được QH Venezuela bầu làm Tổng Thống. Sự kiện này đã thổi nguồn cảm hứng vào phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ của Việt Nam ở trong và ngoài nước. Trước đó ít ai biết đến ông. Nhưng ông Juan Guaido đã có bề dày hoạt động chính trị khi đấu tranh chống lại thứ Chủ nghĩa XH phản động mà Hugo Chavez áp đặt lên đất nước Venezuela. Khi ông 15 tuổi, cũng là lúc Hugo Chavez trở thành tổng thống Venezuela năm 1999. Ông học ngành kỹ sư công nghiệp tại đại học, rồi học thêm ở Đại học George Washington, Hoa Kỳ, và một trường kinh doanh ở Venezuela. Khi còn là sinh viên, ông phản đối sự kiểm soát truyền thông của ông Chavez khi tổng thống không gia hạn giấy phép cho Radio Caracas Television. Năm 2009, ông là thành viên sáng lập đảng Ý chí Nhân dân, cùng lãnh đạo đối lập Leopoldo Lopez. Ông Guaido vào quốc hội với tư cách đại biểu dự khuyết năm 2010 và chính thức là nghị sĩ từ 2015. Juan Guaido xứng đáng là tấm gương cho tuổi trẻ VN học tập. Các bạn trẻ trong nước phải nhìn thấy và nhận thức được bản chất phản cách mạng, phản dân chủ của đảng CS và chế độ CSVN, nhận thức được quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm đứng lên đấu tranh xây dựng lên một nền chính trị dân chủ đa đảng vì các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Vậy các bạn có thể làm gì? Trước hết, thông qua mạng xã hội, các bạn chia sẻ những bài viết, thông tin về chính trị, dân chủ, nhân quyền,… qua đó các bạn có thể tìm được những người bạn có cùng quan điểm,, ý thức chính trị. Các bạn kết nhóm với nhau 3,5,7,.. người. Nhiệm vụ quan trong của mỗi thành viên của nhóm là làm sao mời được càng nhiều các bạn trẻ tham gia nhóm càng tốt. Và đây là nhiệm vụ chính và xuyên suốt. Các bạn cùng nhau tìm kiếm và chia sẻ các kiến thức về chính trị, dân chủ, kỹ năng đấu tranh, hoạt động,… Khích lệ và cổ vũ lẫn nhau, giúp nhau cùng hoàn thiện bản thân để trở thành những người hữu ích phục vụ Nhân dân và Tổ quốc. Nếu như các bạn trẻ trong nước cùng nhận thức và cùng hành động xây dựng các nhóm thì chỉ trong một năm, chúng ta có thể có hằng trăm, hàng chục nghìn nhóm trên khắp cả nước. Sau 2 đến 3 năm thì chúng ta có một lực lượng đông đảo để sức để thay đổi đất nước Việt Nam từ độc tài sang dân chủ. Các thành viên tìm và liên kết với các nhóm, các tổ chức XHDS, đảng chính trị ở trong và ngoài nước để cùng giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm, bảo vệ lẫn nhau. Và cuối cùng khi thời cơ đến thì cùng phối hợp hành động chung. Nói về sự nghiệp chính trị của Juan Guaido thì không thể không nói đến người bạn đời, người vợ tuyệt vời của ông Vợ của ông Juan Guaido là một phụ nữ xinh đẹp tuyệt trần, cô tên là Fabiana Rosales. Năm nay 26 tuổi, cô kém chồng 9 tuổi và đã có một con gái sinh vào tháng 5/2017. Con gái của họ được đặt tên là Miranda Eugenia , theo tên một tiền nhân của anh hùng độc lập Nam Mỹ Simon Bolivar. Cô không phải là người nội trợ bình thường, sau khi tốt nghiệp đại học ngành truyền thông xã hội, cô trở thành một nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền, nhà lãnh đạo phong trào sinh viên. Cô yêu chồng con nhưng điểm chung của cô với chồng chính là tình yêu nước Venezuela. 18 tuổi, cô tham gia đảng phái chính trị và tin rằng mình chính là một phần của sự thay đổi của đất nước. Cô luôn kề vai sát cánh bên chồng để ủng hộ và cổ vũ ông, ngay trên đường phố của thủ đô Caracas. Một tình yêu đẹp giữa cặp trai tài gái sắc có chung lý tưởng vì đất nước. Ngưỡng mộ và chúc phúc họ! Chúng ta cầu mong đất nước, dân tộc Việt Nam sẽ sản sinh ra hàng chục, hàng triệu,… các cặp trai tài, gái sắc như vợ chồng Juan Guaido để có thể cùng với Nhân dân VN đấu tranh đem lại tự do, dân chủ và xây dưng một nước Việt Nam phú cường./.
......

'Thị trưởng trọn đời' dựng bảo tàng cẩm thạch ở California

Anne Burke BBC Travel Khoảng 30 năm trước, Jacques-André Istel quay sang vợ, Felicia Lee, và nói: "Chúng mình sẽ ở giữa sa mạc và suy nghĩ xem sẽ làm việc gì." Đó không phải là một lời đề xuất hấp dẫn gì, nhưng khi đó Lee đã quá quen với những kế hoạch khinh suất của chồng. Nơi khỉ ho cò gáy Vào năm 1971, trong một hành động cực kỳ liều lĩnh với bản thân và người vợ sắp cưới của mình khi đó, Istel đã đưa hai vợ chồng ông bay vòng quanh thế giới trong một chiếc máy bay nhỏ, hai động cơ vốn còn lâu mới ngầu bằng một chiếc xe Chevrolet. Trước đó, ông đã dành tâm sức để thuyết phục mọi người nhảy ra khỏi máy bay: vào những năm 1950, sau khi trở về nhà từ Chiến tranh Triều Tiên, nơi ông phục vụ trong lực lượng thuỷ quân lục chiến Mỹ, Istel đã phát minh ra thiết bị và kỹ thuật nhảy dù để giúp cho những người bình thường có thể nhảy ra khỏi máy bay ở độ cao 2.500 bộ và hạ cánh như thể rơi xuống từ kệ sách cao có 4 bộ. Chẳng lâu sau, hàng ngàn người Mỹ đã thích thú với con sốt trò chơi mới: dù lượn. Lee là phóng viên của tờ Sports Illustrated - bà đã gặp ông Istel, vào lúc đó được biết đến như là 'cha đẻ môn nhảy dù thể thao Mỹ', trong một cuộc phỏng vấn cho một bài viết trên tạp chí. Bản thân bà cũng có máu phiêu lưu. "Nếu tôi nói với bà ấy là ngày ai chúng ta sẽ đi sao Hỏa, bà ấy sẽ nói là 'Cần thu xếp hành trang gì?' Istel nói. Anne Burke Và thế là vào những năm 1980, hai vợ chồng họ chuyển đến phía đông nam xa xôi của bang California, nằm cách Yuma, bang Arizona khoảng một vài dặm từ xa lộ liên bang số 8 đi vào. Ở chỗ đó, Istel đã mua được một mảnh đất rộng 2.600 mẫu từ mấy chục năm trước đó. Bên cạnh tầng ngậm nước tốt, mảnh đất nằm trên sa mạc Sonora này không có gì hay để mà chào mời cả. Nhưng 'chúng tôi đã nhận ra rằng chúng tôi yêu nơi này - sự yên bình, xinh đẹp,' Istel nói. Xung quanh không có gì nhiều ngoài một bãi đậu xe cho xe RV (nhà ở lưu động dùng để đi du lịch) và những đụn cát cao không ngờ, nơi ẩn dật ngoài sa mạc của hai vợ chồng ở một nơi gần như là khỉ ho cò gáy. Do đó cũng không có gì lạ, ít nhất là trong trí tưởng tượng cuồng nhiệt của Istel, khi ông ấy muốn làm cho nơi này trở nên sầm uất hơn. Vào năm 1985, nhà tiên phong môn nhảy dù sinh ra ở Pháp này đã vận động Hội đồng Các giám sát viên Hạt Imperial tuyên bố một điểm trong khu đất của ông là 'Trung tâm Thế giới Chính thức' (có lẽ là quá táo bạo nhưng không phải là không chính xác bởi vì bất cứ nơi nào trên bề mặt Trái Đất cũng có thể là trung tâm). Tượng đài vĩnh cửu Một địa điểm có tầm quan trọng như thế cần phải có một thị trấn riêng. Vào năm sau, Istel sáng lập thị trấn Felicity mà giờ đây có 15 cư dân và biển chỉ đường cao tốc riêng. Không gặp bất cứ chống đối nào, Istel được bầu làm thị trưởng trong cùng năm - và rõ ràng sẽ là thị trưởng suốt đời. Anne Burke Nhưng nhiêu đó chưa phải là xong với cõi Bồng lai trên sa mạc của ông. Ông có ý tưởng dựng một tượng đài bằng đá granite trên đó có khắc những chữ vinh danh những con người và địa danh quan trọng trong cuộc đời ông - những đồng đội nhảy dù, những ngôi trường ông đã học (Đại học Princeton University ở New Jersey), và gia đình ông, vốn đã chạy khỏi nước Pháp đến định cư ở New York trong thời Đệ nhị Thế chiến. Cha ông, ông André, từng là cố vấn của tướng Charles de Gaulle, và mẹ ông, bà Yvonne, là một chí nguyện viên thời chiến. Nhưng Istel không muốn làm tượng đài cho có. Nó phải tráng lệ và, quan trọng hơn, nó phải là một công trình tồn tại thật lâu dài trong tương lai. Ông thuê các kiến trúc sư cấu trúc và họ đã nghĩ ra thiết kế về một tam giác dài bằng đá granite mà có thể tồn tại đến 6.000 năm - 'chưa đến mức đến khi Trái Đất nổ tung', Istel nói. Tượng đài tam giác này được dựng lên vào năm 1991, nó dài 100 bộ, cao 4,5 bộ và trên mặt có 60 phiến đá granite đỏ được mài bóng. Độ bền của công trình là nhờ vào phần lõi bên trong: xi măng gia cố bằng thép đánh chìm vào trong rãnh sâu 3 bộ. Istel sau đó quyết định rằng ông sẽ xây thêm một tượng đài khác để vinh danh những lính thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã chiến đấu và hy sinh trong Chiến tranh Triều Tiên. Sau đó, lại có tiếp một tượng đài thứ ba, thứ tư và thứ năm. Ngày nay, 20 tượng đài bằng đá granite, được sắp xếp ở những góc nghệ thuật trên khắp sa mạc, gộp chung lại làm thành Bảo tàng Lịch sử bằng đá Granite - một kiểu như ngân hàng kiến thức ngoài trời cho mọi lứa tuổi. Một du khách đã viết trên trang du lịch TripAdvisor như thế này: bảo tàng này là nơi 'người Hỏa tinh sau này sẽ đến tìm hiểu về nhân loại'. Kiến thức bách khoa Istel đã khắc lên những tam giác bằng đá với những kết tinh cô đọng về phần lớn những gì chúng ta biết về thế giới, từ vụ nổ Big Bang cho đến cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Du khách - có hàng ngàn người đến thăm mỗi năm - có thể tìm hiểu về Hindu giáo, vụ phun trào Vesuvius, bộ tộc Zapotecs ở miền trung Mexico, Phật giáo, Chúa Giê-su ra đời, Atilla chúa tể người Hun, tiên đề Pythagore, hành vi của hải ly, triết học Hy Lạp, diễn văn Gettysburg, đổ bộ lên Mặt Trăng và những vụ khủng bố trong thời hiện đại. Christian Lamontagne  Istel được bầu làm thị trưởng Felicity vào năm 1986 - hẳn nhiên sẽ là thị trưởng trọn đời của nơi này Mặc dù xuất thân từ trường đại học danh giá, Istel tin tưởng mạnh mẽ rằng những kiến thức tự học 'có lẽ là phương thức giáo dục tốt nhất'. Ý tưởng đằng sau những dòng mô tả lịch sử ngắn gọn này là chỉ cung cấp vừa đủ thông tin để kích thích sự tìm hiểu của người đọc. Phần lớn các chủ đề, thậm chí cả vấn đề lớn - tối đa chỉ được miêu tả trong vài trăm chữ. Bà Lee đảm đương phần lớn các việc nghiên cứu và dựa trên những nhà xuất bản danh tiếng như Oxford, Britannica và Larousse. Istel viết phần nội dung, sau đó ông và Lee xem đi xem lại từng câu chữ trước khi chốt lại bản cuối cùng. Một bài viết có tựa đề 'Thời đại thú vị' phải trải qua 59 bản nháp. Một khi nội dung đã sẵn sàng, các thợ khắc chữ chuyên nghiệp bắt đầu làm việc, thường là họ làm việc cật lực dưới ánh đèn dưới bầu trời đêm để tránh cái nóng tàn bạo của sa mạc. Đi cùng với nội dung, các thợ khắc cũng khắc những hình ảnh minh họa lên những phiến đá cứng. Bảo tàng không thể trình bày tất cả mọi thứ, cho nên 'anh phải chọn lựa những chủ đề hấp dẫn,' Istel nói. Ông thường gộp những nội dung liên quan dưới một chủ đề. Bộ quy tắc Hammurabi và Mười Điều Răn cùng nằm trong mục 'Những Quan niệm đầu tiên về luật pháp'. Quan niệm của nước Mỹ về 'Vận mệnh Hiển nhiên' (ý nói về công cuộc mở mang lãnh thổ của người Mỹ) được trình bày trên một phiến đá có chủ đề 'Khai phá và Mở rộng' cùng với những chuyến thám hiểm của Meriwether Lewis và William Clark. Một số chủ đề bản thân Istel có sự quan tâm đặc biệt - nhảy dù được dành cho rất nhiều đất - trong khi các chủ đề khác là sự gợi ý của người khác. Bà Lee đã nảy ra ý tưởng trình bày về chủ đề 'Những huy hiệu của nước Mỹ'. Trào phúng và không ăn nhập Một số nội dung miêu tả mang tính trào phúng. Anne Burke Chẳng hạn như vào năm 1809, Tổng thống Mỹ James Madison đề xuất thành lập vị trí Bộ trưởng Bia. Hamburger chiếm gần 60% tổng số tất cả các bánh kẹp thịt được tiêu thụ. Con gấu xám trên lá cờ tiểu bang có tên là 'Cộng hòa Gấu' của tiểu bang California 'trông giống lợn hơn là gấu'. Một chàng cao bồi Viễn Tây điển hình 'thường cách quán bar hay người phụ nữ gần nhất hàng trăm dặm'. Nút tắt âm của TV mà Istel xem là 'một trong những phát minh vĩ đại nhất thế giới' cũng được đề cập đến. Istel hướng đến sự khách quan và là một người khá khắt khe về tính chính xác. Nhưng do ngay cả một số nguồn khả tín nhất cũng còn không đồng ý về một số điểm, đó là một thách thức khó khăn. "Câu trả lời là: anh phải làm tốt nhất trong khả năng của mình," Istel nói. Mùa hoạt động chính thức của bảo tàng là vào những tháng mát mẻ. Từ sau Lễ Tạ Ơn (ngày thứ Năm thứ tư của tháng 11) cho đến hết tháng Ba, du khách có thể tham gia vào những tua tham quan 15 phút do một vị giáo sư tình nguyện hướng dẫn, xem một đoạn băng ngắn về bảo tàng và ăn cái gì đấy tại nhà hàng nhỏ. Vào những ngày còn lại trong năm, bảo tàng cũng mở cửa nhưng chỉ dành cho những du khách tự đi không có hướng dẫn. Anne Burke Mảnh đất của Istel cũng được điểm xuyết bằng những tác phẩm nghệ thuật dường như chẳng ăn nhập với thứ gì cả nhưng lại tạo ra sự vui nhộn. Một đoạn dài 25 bộ của chiếc cầu thang gốc hình xoắn ốc của Tháp Eiffel vươn lên không ăn nhập gì vào bầu trời sa mạc. Một bản sao điêu khắc bằng đồng của 'Cánh tay Thượng đế' của họa sỹ Michelangelo, được lấy ra từ bức vẽ trên trần của Nhà nguyện Chapel ở Vatican, làm thành một chiếc đồng hồ mặt trời. Ngoài ra cũng có một kim tự tháp rỗng bằng đá granite hồng cao 21 bộ mà bên trong có một tấm bảng kim loại đánh dấu điểm trung tâm thế giới. Với mức phí là 2 đô la ngoài mức vé vào cửa bảo tàng thông thường là 3 đô la một người, du khách sẽ được cấp giấy chứng nhận là đã đứng ở ngay điểm trung tâm thế giới. Vẫn tiếp tục được mở rộng Thành phần cao nhất và ấn tượng nhất ở khu bảo tàng này là một nhà nguyện nhỏ màu trắng tọa lạc trên một ngọn đồi cao 35 bộ rất nên thơ. Istel không phải là người thật sự tin vào tôn giáo, nhưng ông nghĩ rằng đặt vào đấy một nhà nguyện là phù hợp không vì lý do nào khác hơn là 'để giữ cho chúng ta cư xử cho đúng đắn.' Istel và Lee sống bên cạnh bảo tàng trong một ngôi nhà dễ thương, tràn ngập ánh sáng với những chiếc cửa sổ lớn nhìn ra những ngọn núi màu sô cô la. Trong nhà có một thư viện chất đầy những quyển sách bọc da và một cây đàn dương cầm để cho bà Lee chơi. Istel mời khách những thức uống sủi bọt - rượu nếu họ thích - trong những chiếc cốc pha lê. Istel lên kế hoạch cho bảo tàng và tất cả những thứ xung quanh. Tuy nhiên, khi giờ đây ông đã gần 90 - ông không có kế hoạch hoạt động chậm lại. Bảo tàng này còn lâu mới hoàn tất. Hàng chục những phiến đá granite còn trống đang chờ đợi nội dung và hình ảnh minh họa. Ngoài ra cũng có một biển chỉ đường cao tốc sẽ được dựng lên và công việc không bao giờ ngừng nghỉ là theo dõi hết những nhận xét trên mạng. Istel phản hồi từng lời nhận xét - thậm chí những nhận xét hẹp hòi nhất - với sự lịch thiệp không bao giờ cạn. Nếu cư dân của các hành tinh khác một ngày nào đó thật sự đến thăm bảo tàng, Istel cũng không có gì là quá ngạc nhiên. Ông tin rằng một ngày nào đó con người sẽ lên sinh sống trên những hành tinh khác và cuối cùng là các vì sao, do đó không phải là không có khả năng một lúc nào đó họ sẽ về lại Trái Đất. Một phiến đá granite có khắc một dấu hỏi lớn bên cạnh dòng chữ sau: "Cầu mong cho những hậu duệ nhiều đời sau, có lẽ đang ở rất xa Trái Đất, hãy nhìn nhận lịch sử chung của chúng ta với sự hiểu biết và thiện ý." Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel. https://www.bbc.com/vietnamese/vert-tra-46858181
......

Uống nước trái cây lợi, hại thế nào cho cơ thể

Nước trái cây tươi đã trở thành món chủ đạo trong rất nhiều chế độ dinh dưỡng - đặc biệt với người tiêu dùng bận rộn và quan tâm đến sức khỏe, muốn tiết kiệm thời gian chế biến thực phẩm (và có lẽ là cả thời gian nhai nữa) mà không muốn mất đi thành phần dinh dưỡng nào. Nước trái cây cũng được cho là có thể giúp bạn vừa giảm cân, vừa "giải độc"(detox) cho cơ thể. Tất nhiên, những lý do trên khiến việc kinh doanh nước trái cây trở thành một ngành rất béo bở. Thị trường nước trái cây và rau củ toàn cầu có giá trị 154 tỷ đô la Mỹ vào năm 2016, và được trông đợi sẽ tiếp tục tăng. Nhưng nước trái cây có lành mạnh như ta nghĩ? Hầu hết thực phẩm đều có chứa đường fructose - là loại đường có tự nhiên trong tất cả các loại trái cây và nước trái cây - có vẻ như vô hại miễn là chúng không góp phần làm tăng lượng calories dư thừa mỗi ngày. Trong trái cây còn nguyên vẹn thì có chất xơ và đường thì được chứa trong các tế bào trái cây. Điều này khiến hệ tiêu hóa của chúng ta phải tốn thời gian để phá vỡ các tế bào rồi mới đưa được đường fructose vào máu. Cơ chế của chất xơ Nhưng với nước trái cây thì khác. "Nước trái cây đã loại bỏ hầu hết chất xơ," Emma Elvin, cố vấn y tế cao cấp tại tổ chức thiện nguyện Diabetes UK chuyên hỗ trợ các bệnh nhân bị tiểu đường ở Anh, nói. Do đó, nó không còn giống với trái cây nguyên quả nữa. Đường fructose trong nước trái cây được tính là "đường tự do"- tức là giống như việc cho thêm mật ong hay đường vào đồ ăn vậy. Tổ chức Y thế Thế giới (WHO) khuyến nghị một người lớn không nên dùng thêm quá 30g đường, tương đương với 150ml nước trái cây, mỗi ngày. Vấn đề là khi chất xơ bị loại bỏ thì đường fructose trong nước trái cây được hấp thụ nhanh hơn. Lượng đường trong máu tăng cao đột ngột khiến tuyến tụy phải sản sinh ra chất insulin để đưa lượng đường về mức ổn định. Qua thời gian, cơ chế này có thể bị hao mòn, khiến tăng nguy cơ gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2. Năm 2013, các nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu sức khỏe của 100.000 người mà họ thu thập từ năm 1986 đến năm 2009 và nhận thấy việc tiêu thụ nước trái cây có liên hệ với việc tăng nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2. Họ kết luận rằng, vì chất lỏng đi từ dạ dày đến ruột nhanh hơn chất rắn - thậm chí ngay cả khi lượng dinh dưỡng dạng chất lỏng mà ta uống vào chỉ tương đương với lượng dinh dưỡng trong trái cây nguyên quả - cho nên nước trái cây làm thay đổi nhanh hơn, nhiều hơn đối với lượng đường glucose và insulin trong cơ thể. Một nghiên cứu khác cũng nhận thấy mối liên hệ giữa nước trái cây và bệnh tiểu đường tuýp 2 sau khi theo dõi tình trạng dinh dưỡng và tiểu đường của hơn 70.000 y tá trong vòng 18 tháng. Các nhà nghiên cứu nói rằng nguyên nhân có thể một phần là vì nước trái cây thiếu các thành phần khác trong trái cây nguyên quả, chẳng hạn như chất xơ. Nước ép từ rau củ có thể cung cấp nhiều dưỡng chất và ít đường hơn nước trái cây ép - nhưng chúng vẫn thiếu chất xơ quý giá. Chế độ dinh dưỡng có nhiều chất xơ có liên hệ với việc giảm rủi ro bị bệnh động mạch vành, đột quỵ hay bị cao huyết áp và tiểu đường, và một người trưởng thành được khuyên nên tiêu thụ 30g chất xơ mỗi ngày. Dư thừa năng lượng Ngoài việc có liên hệ với bệnh tiểu đường tuýp 2, rất nhiều nghiên cứu cho thấy nước trái cây sẽ gây hại nếu nó khiến tăng lượng calories dư thừa trong cơ thể. Trong một phân tích dựa trên 155 nghiên cứu, John Sievenpiper, phó giáo sư Khoa Dinh dưỡng Đại học Toronto đã tìm hiểu xem mối liên hệ giữa nước giải khát có đường với sức khỏe, bao gồm nguy cơ tiểu đường và bệnh tim mạch, có tồn tại tương tự hay không nếu ta dùng các loại thực phẩm và thức uống trong chế độ ăn uống lành mạnh. Ông so sánh các nghiên cứu về hiệu ứng của đường có chứa fructose (gồm sucrose, xi-rô bắp có hàm lượng đường fructose cao, mật ong và xi-rô) với chế độ ăn kiêng được kiểm soát để không bao gồm hoặc giảm bớt các loại đường trên. Mục đích của ông là gì? Là để làm rõ những hiệu ứng của việc tiêu thụ quá nhiều calories do các loại thực phẩm chứa các loại đường khác nhau gây ra. Ông nhận thấy nếu ta nạp vào cơ thể lượng thực phẩm gây dư thừa calories từ đường, bao gồm cả nước trái cây, thì sẽ xảy có tác dụng tiêu cực. Tuy nhiên, khi lượng calories tổng thể không vượt quá mức, thì lại có một số lợi ích khi ăn trái cây nguyên quả - và thậm chí cả với nước trái cây. Sievenpiper kết luận rằng lượng nước trái cây 150ml mỗi ngày được khuyến nghị, vốn là khẩu phần trung bình, là hợp lý. Nghiên cứu này cũng kết luận rằng một số thực phẩm chứa đường fructose có thể có tác dụng tích cực về lâu về dài, giúp kiểm soát lượng đường trong máu, nếu chúng ta không nạp những thực phẩm này vào người nhiều tới mức gây dư thừa calories. Tuy nhiên, khi làm tăng quá nhiều calories, chúng có nguy cơ làm tăng lượng đường và insulin trong máu. "Ăn trái cây nguyên quả tốt hơn uống nước trái cây, nhưng nếu bạn định sử dụng nước trái cây làm phần bổ sung cho trái cây và rau củ thì cũng tốt thôi. Tuy nhiên, sẽ không tốt nếu bạn định dùng nước trái cây để giải khát thay nước và uống với lượng lớn," Sievenpiper nói. Như vậy, chúng ta biết rằng nước trái cây có thể gây bệnh tiểu đường nếu khẩu phần ăn hàng ngày khiến lượng calories nạp vào người cao hơn nhu cầu cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa rõ liệu nước trái cây tác động ra sao đến sức khỏe dài hạn của những người không bị thừa cân. "Còn rất nhiều điều ta không hiểu về chuyện lượng đường trong khẩu phần ăn thì tăng nhưng lại không làm tăng cân," Heather Ferris, phó giáo sư về y dược tại Đại học Virginia nói. "Tuyến tụy có thể tương thích với đường trong bao lâu và tốt đến mức nào một phần phụ thuộc vào gene của mỗi người." Nhưng ta nhiều khả năng là sẽ nạp vào cơ thể lượng calories nhiều hơn so với mức khuyến nghị mỗi ngày (khoảng 2.000 calories cho phụ nữ, và 2.500 cho đàn ông) vào những ngày ta uống nước trái cây, kết quả nghiên cứu nói. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy việc uống nước trái cây không hề khiến ta giảm bớt việc ăn uống các loại thực phẩm khác trong ngày. "Ta rất dễ nhanh chóng nạp vào người một lượng nước trái cây lớn, mà như thế có nghĩa là nạp thêm nhiều calories. Mà khi lượng calories tăng lên thì nó có thể làm tăng cân," Elvin nói. Điều chỉnh cách uống nước trái cây Nhưng một nghiên cứu công bố năm ngoái đã nêu ra cách để việc uống nước trái cây trở nên lành mạnh hơn. Các nhà nghiên cứu sử dụng một máy xay nước trái cây "chiết xuất dinh dưỡng", khác với loại máy xay nước trái cây truyền thống, loại máy này sẽ xay trái cây nguyên quả, gồm có cả hạt và vỏ quả. Họ theo dõi tác dụng của sản phẩm thu được từ hỗn hợp nhiều loại trái cây, và xoài đã gọt vỏ - cả hai đều có chỉ số đường huyết cao và vì vậy sẽ gây tăng lượng đường đột ngột trong máu - được xay nhuyễn bằng máy xay sinh tố chiết xuất dinh dưỡng, rồi so sánh chúng với nhóm người ăn cùng lượng trái cây nguyên quả đó. Kết quả thu được là những người uống nước xay nhuyễn từ hỗn hợp trái cây thì có mức tăng lượng đường thấp hơn so với nhóm ăn trái cây để nguyên quả, trong khi đó không có khác biệt gì giữa những người uống nước xoài xay nhuyễn và ăn xoài nguyên quả. Tuy nhiên, đây là một nghiên cứu nhỏ, và các nhà nghiên cứu không so sánh phát hiện của họ với các loại nước trái cây chiết xuất theo những cách khác, như vắt trái cây và bỏ vỏ và hạt. Gail Rees, giảng viên cao cấp về dinh dưỡng con người từ Đại học Plymouth và là nhà nghiên cứu trong nghiên cứu này, cho biết kết quả có thể là do các loại hạt trái cây bên trong nước trái cây. Nhưng bà cũng cho biết rất khó để cho lời khuyên rõ ràng từ nghiên cứu này. "Tôi nhất định sẽ nghe theo lời khuyên hiện thời uống 150ml nước trái cây mỗi ngày, nhưng nếu bạn dùng máy chiết xuất dinh dưỡng tại nhà, nó có thể giúp lượng đường trong máu khá ổn định," bà cho biết. Nhưng dù việc giữ hạt trái cây trong nước trái cây có thể tạo ra chút khác biệt trong quá trình tiêu hóa, Ferris lại cho rằng điều này không nhất thiết sẽ thay đổi sự dồi dào của thành phần trong nước trái cây. "Khi nước trái cây có một số chất xơ, nó làm chậm quá trình tiêu hóa, nhưng bạn vẫn có lượng calories thừa vì đây là thứ rất dễ uống. Tuy nhiên, đây là một bước tiến so với nước trái cây truyền thống," bà cho biết. Các cách khác mà ta có thể cải thiện hiệu quả của nước trái cây với sức khỏe là đảm bảo rằng ta chọn trái cây chín để giữ được càng nhiều dưỡng chất càng tốt, theo Roger Clemens, giáo sư y dược tại Đại học Southern California. Quan trọng là ta nhận ra những cách làm nước trái cây khác nhau sẽ thích hợp với những loại trái cây khác nhau vì tính chất vật lý của chúng, Clemens nói. Ví dụ, hầu hết dưỡng chất thực vật trong nho tập trung ở hạt nho, trong lúc ở phần thịt quả lại chỉ có rất ít. Hay hầu hết hợp chất gốc phenol và chất chuyển hóa trung gian flavonoid có ích cho sức khỏe trong cam thường nằm ở phần vỏ, là phần bị bỏ đi trong nước trái cây truyền thống. Giải mã niềm tin "thải độc" Một lý do khác khiến cho việc sử dụng nước trái cây trở nên phổ biến trong thời gian gần đây là vì có ý kiến cho rằng nước trái cây có thể giải độc cơ thể. Tuy nhiên, tác dụng được thừa nhận duy nhất về mặt y học của từ "thải độc" (detox) có nghĩa là loại bỏ các nguyên tố có hại khỏi cơ thể, gồm có chất kích thích, rượu cồn và chất độc. "Toàn bộ ý tưởng dùng chế độ ăn dùng nước trái cây để thải độc là một sự ngụy biện," Clemens cho biết. "Hàng ngày, chúng ta nạp vào người rất nhiều hợp chất có thể gây độc và cơ thể chúng ra rất giỏi thải độc, loại bỏ mọi thứ ta ăn phải." Nước trái cây cũng không phải là thần dược dinh dưỡng. "Có rất nhiều chất dinh dưỡng chứa trong các phần khác nhau của trái cây, như trong vỏ táo, sẽ bị loại bỏ khi bạn xay lấy nước," Ferris nói. "Cho nên cuối cùng bạn sẽ chỉ giống như là uống nước đường với một số vitamin." Thêm nữa, bà nói, đây không phải là cách lý tưởng để đạt tới định mức theo lời khuyên "5 khẩu phần mỗi ngày". "Người ta cố gắng ăn 5 phần trái cây và rau củ mỗi ngày và không nhận ra rằng đây không chỉ là ăn thêm vitamin," bà nói. "Nó còn là giảm lượng carbohydrate từ ngũ cốc và protein và chất béo trong khẩu phần ăn, và tăng chất xơ lên." Vì vậy dù uống nước trái cây vẫn tốt hơn là không ăn chút trái cây nào, thì vẫn phải có giới hạn. Nó đặc biệt đi kèm với rủi ro khi ta tiêu thụ hơn 150ml đường tự do mỗi ngày, hoặc khi lượng đường đó vượt quá lượng calories mà ta được khuyên nên tiêu thụ mỗi ngày. Nước trái cây cung cấp cho ta vitamin - nhưng nước trái cây không phải là giải pháp nhanh chóng để giúp ta bù đắp các thiếu hụt dinh dưỡng khác. Jessica Brown BBC Future
......

Đã đến lúc cần thay thế Facebook

Fb Trung Tinh Le Facebook đã là một môi trường tốt để chúng ta học hỏi những điều tích cực, truyền thông những hoạt động xã hội cũng như lưu trữ kỷ niệm. Và họ đáng được cảm ơn về điều này. Tuy nhiên thực tế những năm gần đây cho thấy Facebook ngày càng không tạo điều kiện để những việc trên được thực hiện tốt nhất. Những mâu thuẫn cốt lõi của họ trong mô hình và cách thức kinh doanh khó có thể cho thấy họ là một sản phẩm tiêu biểu của đạo đức và hướng thượng hiện nay và tương lai. Thứ nhất, có những bằng chứng cụ thể trong việc Facebook chia sẻ dữ liệu người dùng một cách có chủ ý như trường hợp Cambridge Analytica (hằng triệu thông tin mật của người dùng bị tiết lộ), hay cho phép các công ty như Netflix, Yahoo đọc, truy cập, thậm chí thay đổi nội dung các tin nhắn của người dùng. Dầu hứa hẹn sẽ thay đổi, Facebook khó có thể làm khác vì đơn giản đó là mô hình kinh doanh gốc rễ của họ: cho dùng miễn phí, sau đó bán dữ liệu và thông tin cá nhân của người dùng. Ban đầu là các dữ liệu không định danh, và bây giờ là ngay cả các tin nhắn, khu vực riêng tư nhất. Tất cả các tuyên bố bảo mật, các kỹ thuật số hóa tiên tiến nhất đều vô nghĩa và chỉ là lời hứa suông trước mô hình kinh doanh như vậy. Thứ nhì, trong thời gian dài, Facebook không ngừng xóa các bài viết và khóa tài khoản của nhiều người vì cho là vi phạm “tiêu chuẩn cộng đồng”. Facebook xử lý rất chậm và không dành cho người dùng sự tôn trọng đáng có trước những trường hợp này. Còn sớm để nói về sự thỏa hiệp của Facebook đối với các luật an ninh mạng của các nhà nước chuyên chế tuy nhiên rõ ràng họ đã không quan tâm đủ đến các tiếng nói đối lập. Đóng góp vào tiến trình dân chủ và lưu trữ ký ức xã hội của Facebook đã không như trước đây khi các Facebooker giờ đây phải đối diện với áp lực từ chính quyền với các điều luật vi phạm quyền tự do ngôn luận và một đội ngũ dư luận viên được trả tiền để nói và làm theo định hướng. Facebook tỏ ra lưỡng lự rất lâu trong việc đứng cùng với người dân, một điều họ đã từng làm và dẫn đến những thay đổi chính trị, xã hội trên thế giới. Điều này cũng khó thay đổi trong tương lai khi Facebook trước áp lực mở rộng cần phải tiến vào các thị trường lớn hơn đòi hỏi sự thỏa thuận với chính quyền sở tại. Điều thứ ba có thể làm một số độc giả phật ý, nhưng đó là sự thật. Facebook tạo nên một cuộc sống trên mạng ngày càng nhiều và mắc kẹt chúng ta vào cuộc sống ảo đó bằng nhiều thủ thuật không làm con người ngày càng hướng thượng hơn. Với lợi nhuận thu được từ quảng cáo và chia sẻ dữ liệu thói quen người dùng, Facebook khuyến dụ chúng ta vào màn hình máy tính, điện thoại và xa dần cuộc sống thật. Đỉnh điểm của sự tai hại này là những sản phẩm như Instagram (của Facebook) với các chức năng post và share hình. Đây là một sản phẩm rất nguy hiểm cho các trẻ em trong tuổi đang và mới lớn và là mối lo ngại của các trường học tại phương Tây. Các tại hại rõ ràng: mất rất rất nhiều thời gian đáng lẽ phải dành cho học hành và vui chơi của các em, làm nhiều em nhỏ đặc biệt là em gái tập trung một cách quá đáng vào thân thể và hình ảnh bản thân, dẫn đến những rối loạn tâm lý rất trầm trọng và nguy hiểm. Nếu có bạn nào nghĩ rằng người viết đang trầm trọng hóa vấn đề, tôi mời các bạn dừng lại suy nghĩ khoảng một phút, sau đó đọc lại những câu trên một lần nữa như những người làm cha làm mẹ. Với kinh nghiệm bản thân, tôi chân thành lưu ý các bậc cha mẹ nên đặc biệt cẩn thận với sản phẩm mạng xã hội mang tên Instagram. Sự phát triển vũ bão của Facebook, ngoài lý do là một sản phẩm công nghệ tốt (điều đã nhạt nhòa sau một vài năm đầu trong thời buổi công nghệ ngày nay), là kết quả của một chiến lược kinh doanh rất thô bạo, đặt lợi nhuận, tăng số người dùng, lên hàng đầu, một cách khéo léo nhưng bằng mọi giá. Tai hại của việc này rất lớn, và đã vượt qua những đóng góp mà nó mang lại. Không thể mong chờ Facebook thay đổi, cũng như không thể thay đổi và vực dậy Kodak từ một công ty máy ảnh phim trước làn sóng của máy kỹ thuật số, hay yêu cầu một chính trị gia thay đổi những gì đã thành tư tưởng của họ. Chúng ta cần thay thế Facebook. Chúng ta cần một mô hình khác, một cách thức khác. Đó là lý do tôi sáng lập và phát triển Livenguide https://www.livenguide.com Trang Livenguide của tác giả Lê Trung Tĩnh. Trước tiên từ mô hình kinh doanh, chúng tôi khẳng định không thâu thập dữ liệu người dùng để bán nó cho bên thứ ba. Chúng tôi tôn trọng những giá trị nền tảng như tự do biểu đạt và bảo vệ thông tin cá nhân. Tôi hiểu rất rõ rằng những điều này không chỉ đến từ một nền tảng kỹ thuật mà còn từ cam kết, dấn thân của người sáng lập và của mô hình kinh doanh mà tôi đã khẳng định bên trên. Chúng tôi phát triển một mạng xã hội có trách nhiệm, để mọi người kết nối và sống cuộc sống thật tốt hơn, gặp mặt nhau nhiều hơn chứ không phải đối diện suốt với màn hình. Livenguide có các công cụ tạo Hoạt động để mọi người cùng tham gia và gần tới đây sẽ phát triển những chức năng để mọi người gặp nhau và tương tác thật với nhau, bắt tay nhau, giúp đỡ nhau, đi xe cùng với nhau, hẹn uống cà phê với nhau, chuyển đồ cho nhau, tìm đến và du lịch với nhau. Chúng tôi không tạo nên những công cụ để gây nghiện, chúng tôi khuyến khích các bạn sử dụng Livenguide vừa phải, và khi các bạn cần. Không hạn chế và kiểm duyệt nhưng chúng tôi cố gắng tạo Livenguide thành sân chơi của những con người và những điều hướng thượng vì tôi cảm thấy trách nhiệm để trí tuệ nhân tạo sẽ là sản phẩm đẹp và lành mạnh của chính chúng ta. Livenguide không có sự bắt buộc phải phát triển vũ bão, tăng số người dùng bằng mọi giá. Chúng tôi phát triển từ tốn, vừa phải. Từng người dùng đối với chúng tôi là những con người với trí tuệ, phẩm giá và cảm xúc riêng biệt. Một cách khiêm cung và cầu thị, Livenguide ước mơ hướng đến toàn thế giới, nhưng chúng tôi tôn trọng và phục vụ từng người một. Là người Việt, tôi mong muốn tặng Livenguide đến toàn bộ người dân Việt Nam. Cùng nhau, chúng ta có thể làm được. Tôi chân thành chào đón các bạn đến với Livenguide. Một số nguồn tiêu biểu về việc tiết lộ dữ liệu của Facebook và việc xóa tài khoản người dùng https://www.nytimes.com/…/18/technol…/facebook-privacy.html… https://rsf.org/…/vietnam-how-facebook-being-abused-silence… http://www.vietnamthoibao.org/…/vntb-en-luc-can-thay-facebo…  
......

10 cách đơn giản đối phó với biến đổi khí hậu

Trong một phúc trình mới được công bố hồi tháng 9/2018, các nhà khoa học môi trường hàng đầu thế giới đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc nhất từ trước đến nay: đó là những hành động của chúng ta hiện nay không đủ để đạt được mục tiêu giữ để Trái Đất chỉ ấm lên 1,5 độ C. Chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa. Biến đổi khí hậu là có thực là điều mà khoa học đã xác định, và chúng ta đã bắt đầu chứng kiến nó tác động đến cuộc sống của chúng ta như thế nào. Nó làm tăng khả năng Miami và những nơi khác bị ngập lụt, đe dọa hàng triệu người sinh sống dọc theo Sông Brahmaputra ở đông bắc Ấn Độ và làm gián đoạn sự giao phối, sinh sản của của động thực vật. Do đó chúng ta không cần phải hỏi biến đổi khí hậu có đang xảy ra hay không - hay liệu có phải con người là nguyên nhân hay không - mà cần phải hỏi là: 'Chúng ta có thể làm gì?' Vậy chúng ta có thể làm gì? 1. Điều quan trọng nhất mà nhân loại phải làm trong những năm tới là gì, và điều đó có ý nghĩa thế nào với cá nhân tôi? Mục tiêu số một? Hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch như dầu hỏa, khí thiên nhiên và thay thế chúng bằng các nguồn nhiên liệu tái sinh và sạch hơn, trong khi phải tăng cường tính hiệu quả trong sử dụng năng lượng. "Chúng ta đến cuối thập kỷ tới cần phải cắt giảm gần phân nửa lượng phát thải CO2 (45%)," Kimberly Nicholas, phó giáo sư về khoa học bền vững tại Trung Tâm Nghiên cứu Phát triển Bền vững thuộc Đại học Lund (LUCSUS), Thụy Điển, nói. Getty Images Con đường hướng tới sự chuyển đổi đó bao gồm những quyết định hàng ngày mà bạn có thể dễ dàng làm được - chẳng hạn như lái xe và đi máy bay ít hơn, chuyển sang nhà cung cấp năng lượng 'xanh' và thay đổi cách thức bạn ăn uống, mua sắm. Đương nhiên, đúng là biến đổi khí hậu không thể được giải quyết chỉ bằng việc thay đổi thói quen mua sắm hay lái xe của bạn - mặc dù nhiều nhà khoa học đồng ý rằng những điều này là quan trọng, và chúng có thể gây ảnh hưởng đến người khác khiến họ cũng thay đổi. Những thay đổi cần thiết khác chỉ có thể được thực hiện ở quy mô hệ thống như cải cách chính sách trợ giá cho các ngành năng lượng và thực phẩm dùng khích năng lượng hóa thạch, hay đặt ra những quy định và những ưu đãi mới cho cách ngành nghề nông nghiệp, quản lý chất thải và kiểm soát tình trạng phá rừng. Một ví dụ hay về tầm quan trọng của việc này có liên quan đến các chất làm lạnh. Một nhóm vận động gồm các nhà nghiên cứu, các doanh nhân và tổ chức phi chính phủ gọi là Drawdown đã nhận thấy rằng loại bỏ chất HFC - loại hóa chất sử dụng trong tủ lạnh và điều hòa - là chính sách có hiệu quả số một để làm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Đó là vì chất này làm nóng bầu khí quyển nhiều hơn khí CO2. Tin tốt là chúng ta đã có tiến bộ toàn cầu trên lĩnh vực này; hai năm trước 170 quốc gia đã đồng ý bắt đầu giảm dần tiến tới xoá bỏ việc sử dụng khí HFC vào năm 2019. Điều này là quan trọng bởi vì chúng ta cần 'những thay đổi chưa từng có trong tất cả mọi khía cạnh của xã hội để đối phó với biến đổi khí hậu, bản phúc trình của IPCC cho biết. "Tất cả mọi người sẽ phải tham gia," Debra Robert, đồng chủ tịch của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), nhóm phụ trách soạn thảo bản phúc trình, nói. 2. Tôi có thể tác động đến việc làm thay đổi cách quản lý hay trợ giá các ngành công nghiệp không? Bạn có thể. Mỗi người chúng ta cần phải thực thi quyền của mình với tư cách là công dân và người tiêu dùng, Robert và các chuyên gia khác nói, để gây sức ép cho các chính phủ và các công ty qua đó đem đến những thay đổi cần thiết mang tính hệ thống. Một cách khác ngày càng được các trường đại học, các nhóm tôn giáo và thậm chí mới đây còn ở quy mô toàn quốc thực hiện là chuyển các nguồn tiền ra khỏi các hoạt động gây ô nhiễm - chẳng hạn tránh mua cổ phiếu của các hãng năng lượng hóa thạch, hay các ngân hàng đầu tư vào các ngành công nghiệp phát thải nhiều. Bằng cách loại bỏ các công cụ tài chính của ngành công nghiệp năng lượng hóa thạch, các tổ chức có thể vừa có hoạt động về khí hậu vừa thu được những lợi ích kinh tế. 3. Ngoài ra, đâu là hành động thiết thực nhất mà tôi có thể làm? Một nghiên cứu hồi năm 2017 mà ông Nicholas thuộc Đại học Lund là đồng tác giả đã xếp hạng 148 hành động cá nhân về biến đổi khí hậu theo mức độ tác động của nó. Đi lại không dùng xe hơi là hành động hiệu quả hàng đầu mà mỗi cá nhân có thể làm. Xe cộ gây ô nhiễm nhiều hơn so với các cách đi lại khác như đi bộ, đạp xe hay sử dụng giao thông công cộng. Getty Images Ở các quốc gia công nghiệp hóa như các nước châu Âu, từ bỏ xe hơi có thể giúp giảm 2,5 tấn CO2 - tức là khoảng một phần tư của tỷ lệ phát thải trung bình hàng năm (9,2 tấn) mà mỗi cá nhân ở các nước phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) gây ra. "Chúng ta nên lựa chọn những phương tiện hiệu quả hơn và, mỗi khi có thể, chuyển ngay sang xe điện," bà Maria Virginia Vilarino, đồng tác giả của chương viết về giảm nhẹ nguy cơ trong phúc trình của IPCC, khuyên. 4. Nhưng không phải năng lượng tái tạo cực kỳ đắt đỏ sao? Thật ra, năng lượng tái tạo như năng lượng gió và năng lượng mặt trời đang trở nên ngày càng rẻ trên khắp thế giới (tuy chi phí cuối cùng còn tuỳ thuộc vào các điều kiện cụ thể ở địa phương). Báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (Irena) cho thấy tính đến năm 2020, một vài loại năng lượng tái tạo được sử dụng nhiều nhất như năng lượng mặt trời, địa nhiệt, sinh học, thủy điện và gió bờ biển sẽ có giá ngang ngửa hoặc rẻ hơn năng lượng hóa thạch. Getty Images Một số dạng năng lượng tái tạo giờ đây đã hiệu quả hơn về chi phí. Chẳng hạn như chi phí cần thiết cho việc sản xuất các tấm năng lượng mặt trời ở quy mô nhà máy đã giảm 73% kể từ năm 2010, khiến cho năng lượng mặt trời trở thành nguồn năng lượng rẻ tiền nhất cho nhiều hộ gia đình ở Mỹ Latin, châu Á và châu Phi. Ở Anh, năng lượng gió bờ biển và mặt trời đã cạnh tranh được với khí đốt và cho đến năm 2025 sẽ trở thành nguồn sản xuất điện có giá thành rẻ nhất. Một số người chỉ trích cho rằng những giá thành này là chưa tính chi phí hòa dòng điện tái sinh vào hệ thống điện - nhưng những bằng chứng mới nhất cho thấy chi phí này là 'vừa phải' và có thể xoay sở được đối với lưới điện. 5. Nếu thay đổi chế độ ăn thì tôi có tạo ra sự khác biệt không? Đây cũng là khác biệt rất lớn nữa. Thật ra, sau năng lượng hóa thạch, ngành công nghiệp thực phẩm - nhất là ngành thịt và ngành sữa - là một trong những nhân tố gây ra biến đổi khí hậu nhiều nhất. Nếu dồn gia súc lại thành một quốc gia thì chúng sẽ là quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ. Getty Images Ngành sản xuất thịt góp phần vào tình trạng ấm lên toàn cầu qua ba con đường. Trước hết, quá trình ợ ở bò khi tiêu hóa thức ăn thải ra rất nhiều khí methane, một khí gây hiệu ứng nhà kính. Thứ hai, chúng ta nuôi chúng bằng những nguồn thực phẩm như lúa mì hay đậu nành vốn khiến cho quá trình trở nên rất không hiệu quả. Và cuối cùng, chúng cũng cần rất nhiều nước, phân bón vốn thải ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính, và nhiều diện tích đất đai - một số diện tích được lấy từ những khu rừng bị tàn phá, một nguồn phát thải khí carbon khác. Bạn không cần phải ăn chay hay ăn rau củ để tạo ra sự khác biệt: hãy cắt giảm dần dần và trở thành một người ăn uống linh hoạt. Bằng cách giảm phân nửa lượng protein động vật mà bạn tiêu thụ, bạn có thể giảm lượng carbon phát thải từ chế độ ăn uống của bạn đến hơn 40%. Cách làm ở quy mô lớn hơn sẽ như là cấm ăn thịt trong toàn bộ cơ quan, như công ty chia sẻ văn phòng WeWork đã thực hiện trong năm 2018. 6. Thói quen đi máy bay của tôi tai hại như thế nào? Máy bay chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, và chúng ta vẫn chưa tìm ra lựa chọn thay thế ở quy mô lớn. Mặc dù một số nỗ lực ban đầu trong việc dùng tấm pin năng lượng mặt trời để bay vòng quanh thế giới đã có thành công, chúng ta vẫn còn mất hàng thập kỷ mới có được các chuyến bay thương mại sử dụng năng lượng mặt trời. Một chuyến bay khứ hồi xuyên Đại Tây Dương bình thường có thể thải ra khoảng 1,6 tấn CO2, theo nghiên cứu của Nicholas - gần bằng lượng phát thải trung bình hàng năm trên đầu người ở Ấn Độ. Điều này cũng làm nổi bật sự bất bình đẳng của biến đổi khí hậu: mặc dù tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng, chỉ có một bộ phận nhỏ dân số có thể đi máy bay bay và thậm chí còn ít người hơn có thể bay thường xuyên. Có những nhóm các nhà khoa học và công chúng đã quyết định từ bỏ đi máy bay hay bay ít hơn. Các cuộc gặp ảo, đi nghỉ mát ở những nơi gần và sử dụng tàu hỏa thay vì đi máy bay đều là những cách giảm phát thải khí carbon. 7. Tôi có nên mua sắm khác đi? Rất nên. Đó là bởi vì tất cả những thứ mà chúng ta mua đều thải ra khí carbon, hoặc do cách chúng được sản xuất, hoặc do cách chúng được vận chuyển. Ví dụ, ngành may mặc chiếm khoảng 3% lượng phát thải CO2 do sản xuất trên toàn cầu, chủ yếu là do sử dụng năng lượng để sản xuất quần áo. Tốc độ như vũ bão của biến đổi thời trang càng khiến phát thải tăng lên do quần áo bị bỏ đi chỉ sau thời gian ngắn sử dụng. Vận chuyển quốc tế, bao gồm vận chuyển hàng hải và hàng không, cũng có tác động. Getty Images Hàng hóa vận chuyển từ Chile và Úc đến châu Âu hay ngược lại thường phát thải nhiều hơn hàng hóa sản xuất tại chỗ. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy do một số quốc gia trồng trọt trái mùa trong những nhà kính thâm dụng năng lượng - do đó cách tốt nhất là ăn thực phẩm vừa được sản xuất tại chỗ vừa theo mùa vụ. 8. Tôi có nên cân nhắc mình nên có bao nhiêu con hay không có luôn? Nghiên cứu của Nicholas kết luận rằng có ít con hơn là cách tốt nhất để không góp phần làm biến đổi khí hậu, với gần 60 tấn CO2 được giảm hàng năm. Tuy nhiên kết quả này lại gây tranh cãi - và nó dẫn đến những câu hỏi khác. Câu hỏi đầu tiên là liệu bạn có phải chịu trách nhiệm về phát thải của con cái bạn. Câu hỏi nữa là những đứa trẻ đó được sinh ra ở đâu. Nếu phải chịu trách nhiệm về phát thải của con cái bạn, thì bố mẹ bạn có chịu trách nhiệm về phát thải của bạn hay không? Còn nếu bạn không chịu trách nhiệm thì chúng ta sẽ suy nghĩ thế nào về về việc càng có nhiều người thì phát thải càng nhiều? Chúng ta cũng thể đặt câu hỏi liệu có con cái có phải là quyền con người không thể chối cãi hay không? Và chúng ta có thể hỏi liệu việc sinh con có nhất thiết có phải là điều xấu trong vấn đề giải quyết biến đổi khí hậu hay không: các thách thức mà chúng ta đang phải đối diện có nghĩa là chúng ta cần thêm nhiều người trong các thế hệ tương lai để giúp giải quyết vấn đề chứ không phải ít hơn. Đó là những câu hỏi khó mang tính triết học - và chúng tôi sẽ không tìm cách trả lời trong khuôn khổ bài viết này. Getty Images Điều chúng ta biết là không có hai người nào xả ra cùng một lượng khí thải như nhau. Mặc dù trung bình mỗi người thải ra khoảng 5 tấn CO2 mỗi năm, mỗi quốc gia có hoàn cảnh rất khác nhau: các nước phát triển như Mỹ và Hàn Quốc có mức phát thải trung bình (16.5 tấn và 11,5 tấn mỗi người ở hai nước này) cao hơn các nước đang phát triển như Pakistan và Philippines (khoảng 1 tấn mỗi người). Ngay cả trong phạm vi một quốc gia thì những người giàu cũng có lượng phát thải nhiều hơn những người nghèo vốn ít có khả năng tiếp cận hàng hóa và dịch vụ hơn. Do đó, nếu bạn xem xét câu hỏi này thì bạn cần phải nhớ rằng đó không phải là vấn đề bạn có bao nhiêu con cái mà là bạn đang sống ở nước nào. 9. Nhưng nếu chỉ có mình tôi hành động, chẳng hạn như ăn bớt thịt đi, hoặc ít sử dụng máy bay hơn, thì có thể thay đổi được bao nhiêu? Thật ra, không chỉ có mình bạn. Các nhà khoa học xã hội đã nhận thấy rằng khi một người có quyết định theo hướng bền vững thì những người khác cũng sẽ làm theo. Có một số ví dụ sau đây: Khách hàng tại một quán ăn ở Mỹ nếu được cho biết rằng 30% người Mỹ đã bắt đầu ăn ít thịt hơn thì sẽ nhiều khả năng gấp đôi là họ sẽ gọi một bữa ăn không có thịt. Một khảo sát trực tuyến cho thấy trong số những người nói rằng họ có quen ai đó đã từ bỏ đi máy bay vì biến đổi khí hậu, phân nửa nói rằng chính vì vậy mà họ cũng đi máy bay ít hơn. Ở California, các hộ gia đình nhiều khả năng sẽ lắp các tấm pin mặt trời ở những khu vực đã có người lắp pin mặt trời. Những người chuyên vận động người khác lắp đặt các tấm pin mặt trời sẽ đạt tỷ lệ thành công cao hơn tới 62% nếu như họ cũng lắp đặt các sản phẩm đó tại ngôi nhà của mình Các nhà khoa học xã hội tin rằng đây là do chúng ta luôn luôn đánh giá những người xung quanh ta đang làm gì và chúng ta sẽ điều chỉnh suy nghĩ và hành động một cách tương ứng. Khi mọi người nhìn thấy láng giềng của họ có hành động bảo vệ môi trường như tiết kiệm năng lượng, họ sẽ rút ra rằng những người như họ cũng coi trọng tính bền vững và do đó họ cảm thấy có nghĩa vụ phải hành động. 10. Sẽ ra sao nếu tôi không thể không đi máy bay hay giảm đi xe lại Nếu bạn đơn giản là không thể thực hiện những thay đổi cần thiết này thì hãy xem xét cách cân bằng lại sự phát thải của mình với một dự án xanh đáng tin cậy - một công cụ khác trong hộp công cụ của bạn để bù đắp cho chuyến bay hay chuyến xe mà bạn không thể không đi. Công ước Khí hậu Liên Hiệp Quốc có lưu trữ hồ sơ của hàng chục dự án trên khắp thế giới mà bạn có thể đóng góp. Cho dù bạn là một nhà nông trồng cà phê tại Colombia hay là một chủ sở hữu nhà tại California, tình trạng thay đổi khí hậu đều có tác động đến cuộc đời bạn. Nhưng điều ngược lại cũng là điều chính xác: những hành động của bạn sẽ có ảnh hưởng tới Trái Đất trong những thập niên tới - giúp làm nó tốt đẹp lên, hoặc khiến nó trở nên xấu đi. https://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-46674908 Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.  
......

Nhân loại sẽ không tránh khỏi đại dịch cúm chết chóc?

Hồi 100 năm về trước, mùa dịch cúm dường như đã bước vào giai đoạn cuối khi không có thêm trường hợp nào Đa số những người ngã bệnh trong mùa xuân đã hồi phục nhanh chóng và tỷ lệ tử vong không còn cao hơn bình thường nữa. Các dòng tít báo trên toàn cầu tập trung vào Đại chiến Thế giới chứ không phải dịch cúm. Tuy nhiên, đến mùa thu, mọi thứ thay đổi. Virus không có gì đặc biệt đã tái xuất, nhưng lần này là với một chủng cực kỳ độc hại. Nó xé nát các cộng đồng dân cư ở Bắc Mỹ và châu Âu và nạn nhân thường tử vong chỉ sau vài giờ hay vài ngày. Chỉ trong vòng bốn tháng, Cúm Tây Ban Nha, như tên gọi chính thức của nó sau này, đã lan ra khắp thế giới và vươn đến thậm chí những nơi cách biệt nhất trên thế giới. Cho đến mùa xuân năm sau khi dịch cúm hạ nhiệt, ước tính có từ 50 cho đến 100 triệu người - tức khoảng 5% dân số thế giới - đã tử vong. Chắc chắn sẽ tái xuất? Một thế kỷ sau, trận dịch năm 1918 dường như đã là một câu chuyện kinh hoàng đã xa, giống như bệnh đậu mùa, dịch hạnh và những căn bệnh chết người khác mà nhân loại đã thanh toán hoàn toàn hay phần lớn. Tuy nhiên, dịch cúm không bao giờ hết - nó tiếp tục giết chết từ 250.000 cho đến 500.000 sinh mạng mỗi năm. Mỗi năm lại có thêm một chủng cúm theo mùa hơi khác một chút, trong khi dịch có thể trỗi dậy với sự kết hợp của các loại virus cúm khác nhau trên cơ thể động vật chủ. Sau năm 1918, nhân loại đã tiếp tục chứng kiến các trận dịch trong các năm 1957, 1968, 1977 và 2009. Do xu hướng hay biến thể của virus cúm và sự hiện diện thường trực của chúng trong tự nhiên (nó xuất hiện tự nhiên ở những loài ngỗng nước hoang dã), các chuyên gia đồng ý rằng việc một chủng virus cúm mới cũng dễ lây lan và chết chóc như là Cúm Tây Ban Nha - hoặc có thể còn nguy hiểm hơn nữa - xuất hiện chỉ là vấn đề thời gian. "Các trận dịch cúm cũng giống như động đất, bão tố và sóng thần: chúng xuất hiện và có những khi chúng có sức tàn phá nhiều hơn nhiều," ông Michael Osterholm, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, nói. "Nếu cho rằng chúng ta sẽ không gặp một trận dịch như hồi năm 1918 nữa thì đó quả là một ý nghĩ ngớ ngẩn." Nhưng khi nào nó xảy ra thì chúng ta lại không thể dự đoán được, ông nói tiếp. "Cho dù với tất cả những gì chúng ta biết, nó có thể xảy ra khi chúng ta đang nói chuyện đây."   Getty Images Chúng ta cũng không thể dự đoán chính xác mọi việc sẽ diễn ra như thế nào khi một chủng virus giống như cúm Tây Ban Nha tái xuất - nhưng chúng ta có thể đưa ra những phỏng đoán có cơ sở. Mức lây lan nhanh chóng hơn, chết chóc nhiều hơn Để bắt đầu, tác động của virus sẽ tùy thuộc vào liệu chúng ta có phát hiện được nó đủ sớm để chế ngự nó hay không, ông Robert Webster thuộc Khoa Bệnh truyền nhiễm tại Viện Nhi St Jude, nói. Chúng ta có sẵn những hệ thống để làm công việc này: bộ phận giám sát cúm của Tổ chức Y tế Thế giới liên tục giám sát sự phát triển của virus cúm tại sáu phòng thí nghiệm chủ chốt trên toàn thế giới, và một loạt phòng thí nghiệm bổ trợ với định hướng nông nghiệp để làm công việc tương tự trên mẫu của gia cầm và của lợn. "Công việc giám sát của chúng tôi có lẽ là tốt nhất có thể, nhưng chúng tôi không thể nào xem xét hết từng con chim và từng con lợn trên thế giới - điều đó là không thể," Webster nói. "Chúng ta cần phải thật sự may mắn để chế ngự dịch." Thực tế là, ông nói tiếp, loại virus đó chắc chắn sẽ xuất hiện. Một khi mà nó xảy ra, virus sẽ lan truyền khắp thế giới nhiều khả năng chỉ trong vòng vài tuần lễ do mức độ đi lại ngày nay. "Cúm là một trong những loại virus mà, một khi nó đến được với cộng đồng dân cư dễ tổn thương, nó sẽ bùng nổ," ông Gerardo Chowell, giáo sư về dịch học và thống kê sinh học và Đại học Bang Georgia, cho biết. "Mọi người đã lan truyền virus khoảng một ngày trước khi có triệu chứng." Do dân số con người trên hành tinh đã tăng vọt hơn bốn lần trong vòng thế kỷ qua, điều này nhiều khả năng sẽ tương ứng với số ca nhiễm virus và tử vong nhiều hơn so với năm 1918. Nếu vào năm 1918 có 50 triệu người chết thì ngày nay chúng ta có thể tính đến con số tử vong là 250 triệu người, ông Osterholm nói. "Tức là sẽ cần rất nhiều túi đựng tử thi - là thứ mà chúng ta sẽ dùng hết rất nhanh."   Getty Images Như lịch sử đã chứng minh, tỷ lệ tử vong sẽ không san đều giữa các nước. Trong dịch cúm Tây Ban Nha, đã có sự khác biệt trong tỷ lệ tử vong lên đến 30 lần giữa các nước. Chẳng hạn như ở Ấn Độ, virus cúm đã giết chết 8% dân số, trong khi ở Đan Mạch chưa tới 1% dân số chết. Tương tự, trong trận dịch cúm H1N1 hồi năm 2009, số ca tử vong ở Mexico vượt gấp 10 lần con số ở Pháp. Người nghèo khó chống chọi Các chuyên gia tin rằng có một số nhân tố ảnh hưởng đến sự chênh lệnh này, trong đó có sự tiếp xúc trước đó của người dân một xứ với những chủng cúm tương tự và sự dễ tổn thương nói chung của một số nhóm sắc tộc nào đó (ví dụ như người bản địa Maori của New Zealand có khả năng tử vong cao gấp bảy lần so với mức trung bình toàn cầu sau khi bị nhiễm virus cúm 1918). Những nhân tố liên quan đến đói nghèo như vệ sinh, y tế cơ sở và sự tiếp cận y tế, Chowell nói, cũng đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng đến kết quả hoành hành của virus cúm. "Hồi năm 2009 ở Mexico, rất nhiều người đến bệnh viện chỉ sau khi họ đã bệnh rất, rất nặng, và khi đó đã quá trễ," ông nói. Đối với nhiều người trong số các nạn nhân này, đó là một quyết định về kinh tế: đi khám bác sỹ có nghĩa là họ mất một ngày làm việc, do đó mất một ngày lương. "Tôi không nói là điều này đúng với tất cả mọi người Mexico, nhưng nó hoàn toàn đúng với những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất," Chowell nói. Nếu một trận dịch bùng nổ ở Mỹ hay những nơi khác vốn không có bảo hiểm y tế đại trà thì gần như chắc chắn hiện tượng kinh tế xã hội như ở Mexico cũng sẽ xảy ra đối với những người không có bảo hiểm. Để tránh tiền viện phí quá cao, những người không có bảo hiểm nhiều khả năng sẽ đợi đến chừng muộn nhất có thể mới đi nhà thương - và khi đó thì đã quá trễ. Chúng ta đã chứng kiến điều này khi xảy ra các bệnh truyền nhiễm khác và khi người ta cần tiếp cận dịch vụ y tế," Chowell nói. Cơ hội phòng bệnh bằng vaccine Vaccine là phương cách tốt nhất để chặn một dịch bệnh, ông Lone Simonsen, một chuyên gia về dịch bệnh truyền nhiễm tại Đại học Roskilde ở Đan Mạch và Đại học George Washington ở Mỹ, nói. Tuy nhiên, trước hết chúng ta phải nhận diện được virus, từ đó mới tạo ra được loại vaccine thích hợp và sau đó phân phối trên toàn cầu - một công việc mà nói thì dễ hơn làm. Các vaccine cúm - vốn thậm chí còn không hề có cho đến những năm 1940 - hiện giờ có thể sản xuất được nhanh hơn bao giờ hết, nhưng quá trình cũng phải mất vài tháng. Chưa hết, ngay cả khi có thể tạo ra được một vaccine thì chúng ta cũng không thể sản xuất đủ liều cho tất cả mọi người, Osterholm nói. "Trên toàn cầu, trong chín đến sáu tháng đầu tiên, chỉ có 1-2% dân số là tiếp cận được với vaccine," ông nói. Một hạn chế nữa, ông nói thêm, là các loại vaccine chống cúm mùa hiện nay có mức hiệu quả tối đa chỉ là 60%.   Getty Images Tương tự, mặc dù chúng ta có những loại thuốc như Tamiflu để trị cúm, nhưng chúng ta không tích trữ để đối phó với một trận dịch. "Ngày nay chúng ta thậm chí còn không có đủ thuốc kháng virus ở nước giàu nhất thế giới như Mỹ," Chowell chỉ ra. "Do đó chúng ta có thể mong đợi được gì ở Ấn Độ, Trung Quốc hay Mexico?" Trên tất cả những điều đó, những loại thuốc mà chúng ta có cũng có hiệu quả ít hơn so với những loại thuốc chữa những căn bệnh khác mà cơ bản là vì "thế giới xem cảm cúm theo mùa là một căn bệnh vặt," Webster giải thích. "Chỉ khi nào xảy ra trận dịch nghiêm trọng, chẳng hạn như HIV, thì cộng đồng khoa học mới chú ý đến nó nhiều hơn." Do những thực tế này mà cách bệnh viện sẽ nhanh chóng quá tải, Osterholm nói, và thuốc men và vaccine sẽ gần như ngay lập tức cạn hàng. "Ngay ở nước Mỹ này mà hệ thống y tế đã quá tải với bệnh cúm mùa trong năm nay, và đây thậm chí còn chưa phải là một năm đặc biệt nghiêm trọng gì," ông nói. "Nhưng điều này cho thấy năng lực của chúng ta hữu hạn tới mức nào trong việc đối phó số ca mắc bệnh tăng ồ ạt." Đảo lộn toàn xã hội Cũng như đã từng xảy ra vào năm 1918, khi mà các ca nhiễm bệnh và số tử vong tăng lên, các thành phố trên khắp thế giới nhiều khả năng sẽ sụp đổ. Các doanh nghiệp và trường học sẽ đóng cửa, giao thông công cộng không thể hoạt động, điện sẽ bị cúp và các thi thể sẽ bắt đầu chất đống trên đường phố. Thực phẩm nhanh chóng sẽ bị thiếu hụt cũng như các loại thuốc cứu mạng người khác vốn hiện giúp cho hàng triệu người bị tiểu đường, bệnh tim mạch, bị suy giảm miễn dịch cũng như các chứng bệnh nguy hiểm đến tình mạng khác có thể duy trì sự sống. "Nếu một trận dịch gây ra ngưng trệ trong việc sản xuất và vận chuyển các loại thuốc này thì chúng ta sẽ chứng kiến nhiều người chết nhanh chóng," Osterholm nói. "Thiệt hại bên lề của một trận dịch giống như hồi năm 1918 sẽ là khủng khiếp." Ngay cả sau khi virus tự thân nó yếu dần đi, tác động của nó vẫn sẽ kéo dài. Theo lời ông Simonsen thì virus cúm hồi năm 1918 là 'khủng khiếp hơn nữa' vì rằng 95% số nạn nhân tử vong không phải là những em nhỏ hay cụ già như thường xảy ra đối với bệnh cúm mà là những người lớn khỏe mạnh đang ở thời kỳ làm việc sung mãn nhất. Điều này trên thực tế đã làm mất đi một lực lượng lao động đáng kể và để lại tác động sâu sắc đối với các gia đình và khiến cho vô số trẻ em bị mồ côi.   Getty Images Các nhà khoa học chỉ mới biết tại sao điều này lại xảy ra hồi năm 2005 khi các nhà nghiên cứu dựng lại virus cúm Tây Ban Nha bằng cách sử dụng những mẫu được tìm thấy ở Brevig Mission, một ngôi làng Alaska nơi có 72 trong tổng số 80 cư dân của làng đã chết vì dịch chỉ trong vòng chưa đầy một tuần. Thi thể của một nữ nạn nhân đã được giữ gìn trong lớp băng vĩnh cửu vẫn còn trong tình trạng đủ tốt để cho phép một nhà vi sinh vật học khôi phục lại lá phổi của cô vốn vẫn còn bộ gien của virus trên đó. 'Bão cytokine' - nguyên nhân gây đau nhức khi bị cúm Trong các thí nghiệm trên động vật sử dụng các virus được khôi phục lại, các nhà khoa học đã nhận ra rằng chủng virus cúm năm 1918 sinh sôi cực kỳ nhanh. Điều này đã kích hoạt một phản ứng tự nhiên của hệ miễn dịch gọi là 'bão cytokine' mà khi đó cơ thể dồn sức để sản xuất ra các hóa chất dùng để ngăn chặn sự thâm nhập của virus. Cytokine bản thân nó cũng có sự độc hại nào đó - chúng là nguyên nhân gây đau nhức mà bệnh nhân trải qua khi bị cúm - và khi có quá nhiều cytokine sẽ khiến cho các cơ quan trong cơ thể bị áp đảo và khiến cho toàn bộ cơ thể dừng hoạt động. Do người lớn có hệ miễn dịch mạnh hơn trẻ em và người già, các nhà nghiên cứu tin rằng chính phản ứng quá mạnh của cơ thể họ trước bệnh cúm đã dẫn đến tử vong. "Cuối cùng chúng tôi đã hiểu tại sao virus cúm đó lại gây bệnh khủng khiếp như vậy," Webster nói. "Chính cơ thể bệnh nhân đã giết chết họ." Trong những thập niên sau trận dịch cúm Tây Ban Nha, các nhà nghiên cứu đã phát triển nhiều liệu pháp điều chỉnh hệ miễn dịch để giúp giảm nhẹ 'bão cytokine', nhưng những liệu pháp đó còn lâu mới hoàn hảo cũng như chúng không phổ biến rộng rãi. "Ngày nay chúng ta đối phó bão cytokine cũng không khá gì hơn so với hồi năm 1918," ông Osterholm nói. "Có một số máy móc có thể giúp bệnh nhân thở và tuần hoàn máu, nhưng trên tổng thể thì kết quả rất, rất mờ nhạt."  Getty Images Điều này có nghĩa là, cũng như hồi năm 1918, chúng ta có thể sẽ chứng kiến con số thương vong lớn ở thanh niên và người trung niên, và bởi vì tuổi thọ ngày nay cao hơn hàng chục năm so với một thế kỷ trước đây, cái chết của họ thậm chí sẽ còn tai hại nhiều hơn nữa đối với xã hội và nền kinh tế, Chowell nói. Tuy nhiên, giữa tất cả những tin xấu đó, vẫn còn có một cơ hội để cứu vớt: vaccine cúm phổ quát. Các nguồn lực lớn cuối cùng cũng được dành cho ước mơ xa vời lâu nay này và các nỗ lực tạo ra một loại vaccine đột phá như thế đang có được thời cơ. Nhưng chúng ta chỉ có thể chờ xem liệu nó có xuất hiện kịp thời để ngăn chặn đợt dịch kế tiếp hay không. https://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-46693328
......

Bỏ bằng bác sĩ để theo đuổi đam mê, họa sĩ gốc Việt được phong Hiệp Sĩ

Họa sĩ Daniel Winn (trái) phát biểu tại buổi lễ trước khi ông được phong Hiệp sĩ. Phía sau là tác phẩm nghệ thuật vẽ gia đình Hoàng Gia Đức Waldemar Schaumburg-Lippe mà ông mất hơn 3 tháng để tạo nên. (Hình: Công Thành/ Người Việt) BEVERLY HILLS, California (NV) – Có những người học và theo đuổi các ngành kĩ sư, bác sĩ vì đó là niềm đam mê của họ. Nhưng cũng có những người chọn ngành học vì muốn làm vui lòng ba mẹ, gia đình hoặc vì muốn có được thu nhập cao, ổn định. Daniel Winn là người nằm trong số này, cho đến khi ông đưa ra một quyết định mang tính bước ngoặt cho đời mình, thay đổi hoàn toàn hướng đi mà ba mẹ, gia đình đã dự định từ trước cho ông. Đó là quyết định bỏ bằng bác sĩ để theo đuổi đam mê trở thành một họa sĩ. Tối Thứ Bảy, 22 Tháng Mười Hai, 2018 là một buổi tối đặc biệt đối với người hoạ sĩ gốc Việt Daniel Winn: Ông được gia đình Hoàng Gia của Hoàng Tử Đức Waldemar Schaumburg-Lippe phong Hiệp Sĩ trong một buổi lễ tổ chức tại Winn Slavin Fine Art, Beverly Hills, California. Đây là lần tiên một họa sĩ gốc Việt có vinh dự này. Ông Daniel được gia đình Hoàng Gia Đức Waldemar Schaumburg-Lippe phong Hiệp Sĩ vì những đóng góp cho nghệ thuật và những nỗ lực trong lĩnh vực y tế và từ thiện. Tại buổi lễ, ông Daniel Winn nói với phóng viên Người Việt: “Tôi cảm thấy rất may mắn và hạnh phúc khi được gia đình Hoàng Gia Đức phong Hiệp Sĩ vì điều này rất hiếm khi xảy ra.” Hoàng tử Waldemar Schaumburg-Lippe là một trong những hoàng tử có dòng máu hoàng tộc được xếp hạng cao ở châu Âu. Thống kê vào năm 2015, họ hàng thân thích của gia đình hoàng gia này trị vì tại 25 quốc gia và 14 lãnh thổ hải ngoại trên toàn thế giới. Hoàng gia Schaumburg-Lippe chủ yếu sống ở Đức hoặc Monte Carlo, Monaco và được biết đến là ân nhân, nhà từ thiện cho nhiều tổ chức từ thiện qua nhiều thế hệ, theo thông tin từ trang mạng Wikipedia. Từ phải qua trái: Hoạ sĩ Daniel Winn, Công chúa Antonia Schaumburg-Lippe, Hoàng tử Waldemar Schaumburg-Lippe, Hoàng tử Mario-Max Schaumburg-Lippe, Dược sĩ Linh Bùi và Bác sĩ Michael Đào. (Hình: Công Thành/ Người Việt) Họa sĩ Daniel Winn đến Mỹ năm 9 tuổi. Vì niềm đam mê hội họa và điêu khắc nên từ lúc còn là sinh viên ông đã nhận làm các công việc bán thời gian tại các cửa hàng bán đồ hội họa, đóng khung tranh ảnh để kiếm tiền mua bút vẽ, màu và các đồ dùng để vẽ khác. Sau khi tốt nghiệp trường Đại Học University of California, Irvine’s School of Medicine vào năm 1992, Daniel đã có một quyết định mang tính bước ngoặt của đời mình, đó là thay vì đi làm công việc phù hợp với tấm bằng bác sĩ, ông lại quyết định đi ngược với mong muốn của gia đình để mở một cửa hàng đóng khung tranh ảnh nhỏ vào năm 1993. Ông Daniel làm việc ở đó nhiều giờ mỗi ngày và bảy ngày một tuần. May mắn, chỉ trong vòng vài năm nhiều hợp đồng sinh lợi đã đến với ông. Hoạ sĩ Daniel Winn được gia đình Hoàng Gia Đức phong Hiệp Sĩ. (Hình: Công Thành/ Người Việt) Nhờ bước chạy đà thuận lợi đó, ông Daniel tiếp tục mở thêm các phòng tranh cao cấp ở Newport Beach và Laguna Beach. Sau đó, ông sáng lập Masterpiece Publishing, Inc vào năm 1997 để giúp các họa sĩ, nhà điêu khắc khác bán các tác phẩm nghệ thuật của họ. Công ty ông đã đưa các tác phẩm đi triển lãm và bán tại nhiều nơi như New York, Los Angeles, Toronto, Montreal, Hong Kong… Năm 2014, ông Daniel được nhận giải California Senate Resolution từ Dân Biểu Liên Bang Lou Correa. Năm 2017, ông sáng lập Winn Slavin Fine Art ở Beverly Hills, California. Có mặt tại Winn Slavin Fine Art cùng với ba mẹ của mình để chứng kiến ông Daniel Winn được phong Hiệp Sĩ, anh Kirk Sorensen, một khách hàng mua tranh, cho biết những bức tranh do ông Daniel Winn sáng tạo có giá từ $15,000 đến vài trăm ngàn. Gia đình anh có mua một bức có tên gọi là “Clarity” với giá $25,000. Vợ chồng nữ diễn viên Loni Anderson và Bob Flick đến chung vui với hoạ sĩ Daniel Winn. (Hình: Công Thành/ Người Việt) Tại buổi lễ, ông Daniel cũng công bố tác phẩm nghệ thuật vẽ gia đình Hoàng Tử Đức bao gồm Hoàng Tử Waldemar Schaumburg-Lippe, phu nhân Antonia Schaumburg-Lippe và con trai ông, Hoàng Tử Mario-Max Schaumburg-Lippe. Hoàng Tử Mario-Max Schaumburg-Lippe nói với phóng viên Người Việt: “Daniel Winn là một người bạn tuyệt vời và cũng là một họa sĩ yêu thích của gia đình tôi. Tôi yêu gia đình mình và luôn muốn có một bức tranh gia đình thật đẹp. Bức tranh đặc biệt này được vẽ bởi một họa sĩ cũng rất đặt biệt. Tôi yêu bức tranh này.” Diễn viên kỳ cựu Hollywood Hank Garrett đến chia vui với hoạ sĩ Daniel Winn. (Hình: Công Thành/ Người Việt) Một số diễn viên kỳ cựu của Hollywood cũng có mặt để chia vui với ông Daniel Winn như vợ chồng nữ diễn viên Loni Anderson và Bob Flick, hay diễn viên Hank Garrett. Ông Hank Garrett, người nổi tiếng với vai diễn hitman trong bộ phim ‘Three Days of the Condor’, đem về cho ông giải thưởng New York Film Critics’ Award, cười nói: “Nhìn những bức vẽ tuyệt đẹp đang được triển lãm ở đây, tôi muốn Daniel Winn sẽ vẽ một bức tranh chân dung cho vợ tôi.” Các tác phẩm của hoạ sĩ Daniel Winn được giới yêu thích hội hoạ ưa chuộng có lẽ vì chúng có thể chạm đến tận đáy tâm hồn và cảm xúc của họ. Ông Daniel chia sẻ, một lần phó giám đốc của Wells Fargo Bank mua một bức vẽ có tên là “Knowledge Creation” của ông. Bà đã khóc khi nhìn thấy bức vẽ và nói với ông Daniel là tác phẩm đó khiến bà xúc động mạnh. Bà cảm nhận được năng lượng, tinh thần và ý nghĩa toát ra từ bức tranh. Tác phẩm “Knowledge Creation” của hoạ sĩ Daniel Winn. (Hình: ông Daniel Winn cung cấp) Ông Han, cư dân Cupertino, cựu sinh viên trường Stanford University, hiện đang làm việc ở Silicon Valley, từ Bắc California xuống để chúc mừng người bạn Daniel Winn, nói: “Điều tôi thích nhất là các tác phẩm nghệ thuật do Daniel sáng tạo thể hiện con người thật của chúng ta. Daniel là một hoạ sĩ có sức sáng tạo dường như không giới hạn và một trái tim từ thiện lớn. Bạn sẽ rất ngạc nhiên nếu biết được những việc làm giúp đỡ người khác của Daniel. Ông ấy sẵn sàng cho đi nhiều hơn là nhận lại. Đó là lý do vì sao tôi luôn ủng hộ ông ấy.” Với những gì đã đạt được sau hơn 25 năm theo đuổi đam mê hội hoạ, có lẽ ông Daniel cũng làm cho song thân của mình rất tự hào dù rằng họ đã không còn trên thế gian để chứng kiến những thành công của ông. Theo lời ông Daniel, chính ba mẹ là những người đã hiểu, yêu thương và ủng hộ cho ông rất nhiều ngay cả khi ông quyết định làm trái ý họ để theo đuổi niềm đam thật sự của đời mình. (Công Thành) — Liên lạc tác giả: nguyencongthanh@nguoi-viet.com  
......

Đêm Chúa xuống trần

Tiếng chuông giáo đường rồn rập đổ bốn phương báo tin Chúa xuống làm người. (Hình: wikimedia.org) Đêm Giáng Sinh, gió đập mạnh vào cánh cửa không ngừng, tiếng đập như có người về gọi cửa. Gia đình đang chờ các con về mừng sinh nhật Chúa. Bà chủ nhà mở cửa ra, không phải các con, bà thấy một người đàn ông lạ, trung niên, đang co ro đứng lặng yên trước hiên nhà mình. Bộ dáng của ông ta đúng là bộ dáng của một kẻ không nhà, một homeless. Ngoài trời lạnh lắm, gió rung những hàng cây dọc con phố, ông ta lang thang ngoài đó không biết đã bao lâu? Bà ái ngại mời ông khách lạ vào, bà cho thêm củi vào lò sưởi, rót cho ông một ly sữa ấm. Bà mời khách hãy ngồi xuống đây, ngay bên ánh lửa ấm áp này. Bà nghĩ, ông hãy bỏ chiếc chăn lấm lem xuống, tôi sẽ tặng ông một chiếc chăn khác lành lặn và ấm hơn. Ông cũng cần thay đôi vớ bẩn nữa, cần đi cạo râu, cần một bộ quần áo sạch. Bà khẽ khàng nói: Tôi có thể cho ông những thứ ông cần bây giờ. Hãy nói cho tôi nghe. Gia đình của ông đâu? Ông lang thang từ bao giờ, có ai đồng hành cùng ông không? Ông vẫn đăm đăm nhìn ngọn lửa không nói. Bà lại nghĩ: Đêm Giáng Sinh là đêm hạnh phúc, an bình cho mọi người trần gian. Đêm những vì sao rọi ánh sáng chan hòa xuống thế. Đêm thiên thần ca hát vang trời. Sao ông lại không có chốn về để hưởng an bình? Người khách lạ ngồi cạnh lò sưởi, lặng yên, uống từng ngụm sữa nhỏ, mái tóc bù rơi xuống vầng trán có vài nếp nhăn, hai má gầy, đôi mắt sâu cứ nhìn vào ngọn lửa. Ông không nói mình từ đâu tới, chắc rồi cũng không biết sẽ đi về đâu. Nhạc Giáng Sinh đang réo rắt đâu đây, có tiếng chuông nhà thờ đổ. Những ngọn đèn xanh đỏ chấp choáng trên cây thông ở góc nhà, những gói quà lớn nhỏ, gói trong giấy kim nhũ bên dưới gốc thông. Người khách lạ hơ hai tay mình trên ngọn lửa, hai bàn tay với nhiều vết xước và mỗi lòng bàn tay bà nhác thấy những vệt máu chưa khô hẳn, chắc vết thương đang làm độc. Người đàn bà đăm đăm nhìn người khách lạ, cố nhớ xem khuôn mặt này mình đã gặp ở đâu rồi, một nét mặt rất thân quen. Cả hai cùng im lặng. Người khách vẫn nhìn vào ngọn lửa bập bùng trong lò sưởi, bà chủ nhà nhìn khách lạ, khá lâu, cả hai cùng không nói thêm lời nào. Hương thơm từ những thanh củi thông tỏa lan khắp gian phòng khách ấm áp. Khách lạ bỗng đứng lên như từ giã, đi về phía cửa, mở nhẹ cánh cửa, bước ra. Gió bên ngoài rít lên từng cơn, những cây thông như đang nghiêng mình cúi xuống. Người khách lạ bước vào khoảng trống phía trước, một cơn gió xoay tròn như con lốc cuốn chung quanh ông. Người đàn bà đi theo khách, đứng lại ở bực cửa dõi mắt nhìn theo, chiếc chăn lem luốc của ông sao bỗng lấp lánh như mạ vàng, bộ quần áo cũ kỹ của ông óng ánh bạc và trên đầu ông một vầng hào quang đến chói mắt. Ông mất hút vào con đường như vô tận phía trước. Bà thốt lên một tiếng kêu thảng thốt. Chúa Ơi! Bà dựa lưng vào cánh cửa, giữ bình tĩnh, cố tìm người đàn ông vô gia cư, rồi lại cố tìm hình bóng của Thiên Chúa mà bà tin là cả hai đã hiện hữu trước mặt bà. Bà chỉ không biết rõ ràng đó là hai người hay chỉ là một mà thôi. Tiếng chuông giáo đường rồn rập đổ bốn phương báo tin Chúa xuống làm người. Trần Mộng Tú https://www.nguoi-viet.com
......

Trận Banh Dân Chủ

Nhìn cảnh hàng trăm ngàn người đa số còn trẻ “đi bão” một cách điên cuồng, bịnh hoạn, lố lăng sau khi đội tuyển Việt Nam thắng một trận chung kết trong một giải khu vực nhiều người không khỏi nản lòng, buồn bực, lớn tiếng chê bai, trách móc, khinh bỉ và ngay cả xỉ vả họ. Giải AFF Suzuki Cup chỉ là một giải vùng Đông Nam Á, khác với giải vô địch Á Châu với các nước có đẳng cấp thế giới như Nam Hàn, Nhật Bản tham dự. Đừng quên, gần 60 năm trước, Việt Nam Cộng Hòa đã là nước bóng đá mạnh tại Á Châu. Tại các SEA Games từ 1959 đến 1973, Việt Nam Cộng Hòa đoạt cả thảy 7 huy chương trong đó có huy chương vàng năm 1959. Trong vòng loại Thế Vận Hội Mexico 1968 Việt Nam Cộng Hòa đá bại Philippines với tỉ số lạnh lùng 10-0 hay từng đá bại Mã Lai với tỉ số khuất phục 6-1 tại Á Vận Hội Tokyo 1958. Nếu không có cơn bão độc tài toàn trị CS đang quét ngang qua ánh sáng văn minh dân chủ đã giúp cho những hàng cây kinh tế, chậu hoa chính trị, dòng suối văn hóa, khóm trúc thể thao trong khu vườn Việt Nam trở nên xinh đẹp và tươi tốt biết bao nhiêu! Mấy ngày nay, tràn ngập trên các trang mạng và diễn đàn là những câu thống trách “Phải chi họ cũng xuống đường khi Trung Cộng xâm chiếm Biển Đông!”, “Phải chi họ cũng xuống đường khi Formosa thải chất độc hủy diệt môi trường Việt Nam!”, “Phải chi họ cũng xuống đường khi luật an ninh mạng được thông qua!”, “Phải chi họ cũng xuống đường phản đối khi luật đặc khu được soạn thảo!” Rất nhiều “phải chi” liên quan đến tham nhũng, ung thư, nghèo nàn, lạc hậu khác. Nhưng những người kêu than hay thống trách quên một điều những “phải chi” đó hoàn toàn không có trong đầu đám đông “đi bão” cuồng loạn và mê tín điên khùng kia. Trong đầu đám đông là những ham muốn, dục vọng, đam mê thấp hèn được đảng CS thuần hóa qua thói quen lập đi lập lại. Thái Lan năm lần đoạt giải AFF Suzuki Cup này nhưng chắc không thể tìm ra một hình ảnh nào đáng khinh bỉ và ghê tởm như những cảnh lên đồng, trần truồng tại Việt Nam. Thích coi đá banh là một điều riêng tư và tự nhiên nhưng khi thể hiện ra ngoài xã hội, các hành vi của một người không còn riêng tư nữa mà được quy định bởi xã hội. Chế độ CS tồn tại trong một xã hội băng hoại, tha hóa, mất nhân phẩm. Cần đánh thức họ chăng? Không cần. Trong lịch sử, cách mạng dân chủ chưa bao giờ được phát động từ những đám đông tương tự như đám đông “đi bão” tại Việt Nam. Nếu đám đông kia không “đi bão” vì thắng một trận banh họ cũng vùi đầu vào quán nhậu, cờ bạc, rượu chè, hút xách chứ chắn chắn không đứng lên để chống Formosa hay luật an ninh mạng. Những người xỉ vả họ, nếu không khéo, lại cũng rơi vào chiếc bẫy do đảng CS bày ra. Bộ máy tuyên truyền CS hướng mọi khen chê vào chung một quỹ đạo tư tưởng để dễ bề kiểm soát và điều chỉnh. Đừng quên, giới cầm quyền CS cũng khuyến khích phê bình các hiện tượng xã hội miễn là không đụng tới bản chất. Tuy nhiên, phê bình hiện tượng mà không phân tích tới bản chất của nó chẳng khác gì giúp cho chế độ cách sửa sai để rồi cai trị tiếp. Năm 1978, Đặng Tiểu Bình khi vừa lên nắm quyền đã cho phát động một chiến dịch chưa từng có gọi là “Bức tường dân chủ”. Nhiều giới khác nhau tại Trung Cộng đã đến để thể hiện nguyện vọng, phê bình, than trách trên bức tường. Nhà vận động dân chủ Wei Jingsheng vào ngày 5 tháng 12 năm 1978 đã dán lên bức tường lời kêu gọi “Hiện đại hóa thứ năm” tức dân chủ hóa Trung Quốc. Sau khi nghe đủ, Đặng ra lịnh dẹp bỏ “bức tường dân chủ”, điều chỉnh các chính sách một cách thích nghi và cai trị tới ngày nay. Ai sẽ khơi mào cách mạng dân chủ? Lịch sử lần nữa cho thấy, cách mạng dân chủ thường được khơi mào từ một số ít những người ý thức và nhận ra được hướng đi của dân tộc và thời đại. Hôm đó là ngày 3 tháng 6, 1988. Một nhóm 35 người dân Lithuania họp nhau để bàn chuyện giành độc lập Lithuania khỏi khối CS Liên Sô. Họ gồm nhiều thành phần khác nhau như ca sĩ nhạc Rock Algirdas Kauspedas, diễn viên sân khấu Regimantas Adomaitis v.v.. Họ thành lập phong trào có tên là Sajudis (phong trào cải cách) và bầu Vytautas Landsbergis, một giáo sư âm nhạc không CS, làm lãnh đạo. Từ con số 35 người đó, chỉ trong vòng hai năm, phong trào đã thu thút sự tham gia của hàng trăm ngàn người và cuộc vận động độc lập cho Lithuania đã dẫn tới thành công. Lithuania tuyên bố độc lập khỏi Liên Sô ngày 3 tháng 11, 1990. Cách mạng dân chủ Mông Cổ 1990 Hôm đó là ngày 10 tháng 12 năm 1989, một nhóm thanh niên Mông Cổ chỉ vỏn vẹn 13 người tổ chức một cuộc tuyệt thực đòi thực thi dân chủ. Ngày nay lịch sử Mông Cổ gọi họ một cách kính trọng là “13 nhà dân chủ Mông Cổ đầu tiên” nhưng dĩ nhiên trong năm 1989, bộ máy tuyên truyền CS Mông Cổ gọi họ là “mười ba tên phản động”. Nhờ 13 người đó mà Mông Cổ, một quốc gia hiếm hoi được nghe nhắc đến hai chữ tự do hay dân chủ đã trở thành một nước dân chủ. Việt Nam cũng thế. Cách mạng dân chủ không khơi mào từ đám đông “đi bão” mà từ những người yêu nước dấn thân. Họ là Lê Đình Lượng (20 năm tù), Trần Huỳnh Duy Thức (16 năm tù), Đào Quang Thực (14 năm tù), Hoàng Đức Bình (14 năm tù), Nguyễn Trung Trực (12 năm tù), Lưu Văn Vịnh (15 năm tù), Nguyễn Quốc Hoàn (13 năm tù), Trần Thị Nga (9 năm tù), Nguyễn Hoàng Quốc Hùng (9 năm tù), Nguyễn Trung Tôn (12 năm tù), Trương Minh Đức (12 năm tù), Nguyễn Bắc Truyển (9 năm tù), Phạm Văn Trội (7 năm tù), Trần Anh Kim (14 năm tù) và trên 200 người khác với những bản án nặng nề tương tự. Đừng lãng quên mà hãy bằng mọi cách tập trung yểm trợ những người yêu nước dấn thân. Bởi vì, giống như tại Nga, Tiệp, Lithuania, Mông Cổ v.v..trước đây, chính những “cầu thủ” nêu trên một ngày không xa sẽ là những người ghi bàn thắng cuối cùng và quyết định trong trận banh dân chủ tại Việt Nam. Trần Trung Đạo  
......

BÃO BÓNG ĐÁ & TRÁCH NHIỆM CỦA CHÚNG TA.

"Sau một đêm chiến thắng trận chung kết, một biển rác và gần 30 người chết, 200 người bị thương và bị bắt giữ vì (tổ chức) đua xe. Không gì xót xa và đau đớn hơn thế". Kết quả như thế theo tôi là vì: 1. Xã hội quá ít niềm vui. Chúng ta không có những niềm vui như cổ động bầu cử cho một đảng nào đó hay mừng rỡ reo hò khi đảng mà mình ủng hộ thắng cử; chúng ta cũng không có niềm vui như những carnaval ở Nam Mĩ. Ngay cả những dịp tưởng là vui thì mặt người nào cũng tỏ ra lo lắng, căng thẳng. Không tin, xin hãy nhìn những lễ hội mùa xuân, thậm chí lễ hội ở Đền Hùng. Chỉ có bóng đá mới làm cho người ta thật sự hồ hởi, không còn lo lắng, không cần giữ kẽ. Thế là đi bão! 2. Xã hội quá nhiều ẩn ức. Chúng ta chẳng có gì để tự hào với các lân bang. Rất ít người nước ngoài đến nước ta học tập, rất ít người nước ngoài đến nước ta làm công việc chân tay. Rất ít nhà lãnh đạo các nước đến nước ta để cám ơn. Còn chúng ta thì sao? Không nói cũng biết rồi. Vì thế mà một chiến thắng cỏn con cũng làm chúng ta sướng điên lên: Tao thắng mày rồi nha! Thế là đi bão! Cũng tương tự như cách đây khoảng 30 năm, một anh vừa ra khỏi tình trạng chết đói, dành tiền mua được chỉ vàng 24 liền đeo vào ngón tay để khoe: Tao cũng có vàng, đâu kém gì ai. Vì vậy mà những người lao vào "cơn bão" như những con thiêu thân, gây ra tai nạn cho mình, cho người thực ra là đáng thương hơn đáng trách. Chính chúng ta, thế hệ cha anh của họ mới là những người đáng trách. Đáng trách vì chúng ta đã tạo ra một xã hội quá ít niềm vui mà lại quá nhiều ẩn ức. Đáng trách vì chúng ta đã để cho những thằng khi vui thì lè lưỡi ra như lưỡi chó trưa hè, khi hữu sự thì nói như những thằng điên cần đưa vào bệnh viện tâm thần gấp, cưỡi lên đầu lên cổ mình. Xin đừng trách những người trẻ mà hãy tự trách mình: LỖI TẠI TÔI MỌI ĐÀNG! Vâng, chính tôi, chính chúng ta, cha anh của những thanh niên chết và bị thương kia là những người có lỗi. ***** NÔ DỊCH BẰNG CẢM XÚC ĐÁM ĐÔNG Một dân tộc bị nô dịch đơn giản chỉ bởi vì họ đã sống và liên kết với nhau bằng quá nhiều cảm xúc (trực cảm, tính giác) thay vì đáng lẽ ra họ phải được soi sáng bằng lý trí và những logic của trí tuệ. Vậy nên, khó thể nào giải thoát ra được trạng thái mông muội mà đám đông được dẫn lối quá nhiều bởi cảm xúc, thứ sẽ khiến cho bất cứ ai cũng có thể trở thành một kẻ từ vì đạo hoặc là anh hùng vào bất kể thời khắc nào một khi nó muốn. Một đám đông khi đã tụ họp nhau lại, thường đã tách hẳn mình ra khỏi mọi sự dẫn dắt của lý trí, trong những con người hăng hái bị chi phối bởi cảm xúc và bản năng ấy là một làn sóng không thể nào kiểm soát bằng bất cứ sự khuyến nghị, cảnh báo hay trừng phạt nào. Và đương nhiên rằng, điều này là một thuận lợi vô cùng lớn lao cho bất cứ thể chế độc tài nào, vì lý trí thì đã được nuôi dưỡng bằng chính những sự tự chủ và trung thành với chân lý của nó, phần còn lại thuộc về cảm xúc là một lãnh địa rất dễ dàng để thâu tóm hoặc là chi phối, điều soát, thậm chí có thể giáo dưỡng được nó ngay từ khi còn niên thiếu. Mặc dù cảm xúc của đám đông rất dễ bị nguội tắt, nhưng để có thể thay thế được nó bởi những đường dẫn của tư duy lý tính sẽ cần vô cùng nhiều thời gian và phương tiện để giải quyết được nó. Cái phẩm chất tệ hại nhất của cảm xúc chính là nó rất dễ khiến con người ta rơi vào sự ảo tưởng, với đủ các ngôn từ và công thức mà có thể ngay lập tức đưa con người ta tới được địa đàng. Nhưng lý trí thì đưa đến sự hoài nghi, mà điều này dẫn tới sự trì hoãn các hành động, mặc dầu chúng đã được tính toán hoặc là chuẩn bị các kế hoạch chu đáo. Chính bởi tính nguy hại của nó ẩn chứa trong đám đông chỉ có ngọn lửa của cảm xúc dẫn lối, nó là phương tiện dễ dàng nhất và cũng là hữu hiệu nhất để một chính quyền độc tài tập trung những đám đông bị điều khiến nhưng vẫn nghĩ rằng mình là chủ thể của những hành động và những mục đích vĩ cuồng, nhằm thủ tiêu tất cả mọi đám đông ngoan cố khác. Một xã hội như vậy, nó sẽ được định hướng và đặt tất cả sự chú trọng vào việc làm cho thoả mãn cảm xúc trực tính bề mặt của đám đông bằng những niềm vui bản năng, từ nghệ thuật, thể thao cho đến những cảm xúc về lịch sử, sự công bình, lòng bác ái, tự tôn dân tộc mà chúng thực sự chẳng có lấy bất kỳ sự định lượng hay sự liên quan cụ thể nào. Đương nhiên rằng, nó chính là một trạng thái của sự nô dịch, hoàn toàn bị nô dịch mà không còn phải bàn cãi gì thêm nữa. Fb Luân Lê
......

“Đi bão” bóng đá, mặt trái “Việt Nam vô địch!”

Buổi sáng Sài Gòn sau ‘siêu bão’ bóng đá mừng đội tuyển bóng đá Việt Nam đoạt chức vô địch Đông Nam Á lần thứ 2, đường phố vắng lặng và đầy rác. Ở sân tập thể dục Phú Thọ, quận 11, người đàn ông trung niên nói. “Tôi thông cảm với tụi nhỏ đi bão nhưng vẫn thấy sợ. Ăn mừng đá banh mà như lên cơn thần kinh, bất bình thường quá.” “Đi bão” là từ người dân Việt Nam dùng gần đây để chỉ hiện tượng hàng trăm ngàn người ở các thành phố, đặc biệt là Sài Gòn hay Hà Nội, đổ ra đường ăn mừng bằng nhiều cách, bất chấp luật lệ giao thông. Chỉ riêng môn thể thao bóng đá mới có chuyện người hâm mộ đổ ra đường đi bão, và cấp độ bão tùy vào ý nghĩa của từng giải đấu, vòng đấu, nhưng kỳ cục thay khi vô mùa tranh cúp ‘ao làng’ bóng đá Đông Nam Á thì khỏi cần dự báo cũng biết có bão nhỏ, bão lớn hoặc siêu bão. Chế độ Hà Nội mặc nhiên cho phép các cơn bão bóng đá càn quét các đô thị lớn, tỉnh lẻ và cả vùng quê, hay nói cách khác là chế độ cài cắm động lực cho các cơn bão bóng đá nổ ra để đám đông, nhất là giới trẻ ‘xả xú bắp’ để quên đi các vấn nạn xã hội, kinh tế, chính trị và vận mệnh quốc gia dân tộc ngày một bếp bênh tồi tệ. Một bà mẹ trẻ đơn thân đến từ vùng quê miền Tây, bất chấp chuyện an toàn bà rất thích thú khi đưa đứa con trai mới ba tuổi của mình “đi bão.” Bà cho biết. “Cắm đầu làm hoài cũng vậy hà, thấy người ta bão mình cũng bão luôn chớ có biết coi bóng đá đâu.” Trong số cả triệu người “đi bão” đêm mừng Việt Nam vô địch cúp Đông Nam Á hôm 15 Tháng Mười Hai 2018, thì ý nghĩa và tinh thần thể thao chỉ là bèo bọt, cái chính mà đám đông biết coi đá banh được thỏa mãn cơn khát chiến thắng, vô địch, nhưng số đông lớn hơn có cơ hội được biểu lộ niềm vui tập thể, thứ niềm vui duy nhất chế độ độc tài không cấm đoán bắt bớ. Không cần phải lên mặt đặt đánh giá đám đông được cho phép vui mừng tập thể đó đáng thương hại hay đáng khinh thường. Vấn đề là gần nửa thế kỷ với mấy thế hệ sinh ra dưới ách độc tài, thì đám đông hoặc là biểu lộ vui mừng tập thể theo áp chế tuyên truyền chính trị của chế độ, hoặc tùy tiện vui mừng tập thể, tùy tiện “đi bão” mừng thắng trận đá banh, đó là tất cả quyền con người mà hơn 90 triệu công dân Việt Nam được chế độ cho phép có. Đâu phải các công dân thích môn bóng đá và ủng hộ đội tuyển Việt Nam không biết đoạt chức vô địch ở vùng trũng bóng đá thế giới chẳng đáng giá gì. Sau trận chung kết với Malaysia, một người hâm mộ bóng đá bày tỏ: “Giá mà được đá trận chung kết với Thái, thắng cái nước đè đầu mình mới sướng!” Cái thời dư luận các thế hệ trước lấy Nhật Bản, Đại Hàn làm chuẩn về thể thao, văn hóa… để phấn đấu bằng hoặc vượt qua đã rơi vào tuyệt vọng lâu rồi. Ở các giải tranh cúp bóng đá khu vực trước trước đây, dân mê bóng đá Việt Nam coi chuyện quật ngã được đội tuyển Thái Lan là xứng tầm để nổi “siêu bão,” nhưng ngày nay được thắng Cambodia, Lào hay Philippines cũng đủ: “Tự hào quá Việt Nam ơi!” Như vậy cơn “siêu bão” lớn nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam đêm 15 Tháng 12, mừng đội tuyển Việt Nam vô địch còn cho thấy sự biểu lộ niềm vui tập thể xuống hạng thấp hơn, và có thể đưa ra nhận xét không hề quá đáng, người hâm mộ bóng đá hay chỉ là người ăn theo niềm vui bóng đá, mượn chiến thắng bóng đá mà họ biết chỉ là chiến thắng hạng bét, nhất thời làm điểm tựa để lừa dối sự mặc cảm tự ti đang chế ngự trong từng cá nhân và cả đám đông. Lịch sử ở Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu trước đây, cho thấy cách họ biến thành tựu thể thao thành nội dung tuyên truyền kích động và cả ru ngủ công dân như thế nào. Các cơn bão người ăn mừng chiến thắng bóng đá ở mọi cấp độ tràn xuống đường khắp Việt Nam hôm qua và sắp tới, hoàn toàn khác với việc thể hiện niềm vui tập thể ăn mừng chiến thắng thề thao ở các nước văn minh. Như vậy các cơn bão bóng đá ở Việt Nam dưới chế độ độc tài hiện hành, với các khẩu hiệu tự phát đi kèm với màu cờ sắc áo đỏ chói như “Việt Nam Vô Địch” hay “Tự Hào Quá Việt Nam Ơi” ngày càng cho thấy không phải là biểu hiện cảm xúc hướng về về sự thành công của giá trị cộng đồng, mà chỉ là một trạng thái chân không tập thể cứ cố níu kéo chộp bắt bất cứ thứ gì có thể có để khỏi bị nhận chìm vào vũng lầy hèn nhược, thua kém. Trần Tiến Dũng Nguồn: Người Việt
......

Little Saigon: Xuống đường Bảo Vệ Người Tị Nạn Việt Nam bị chính phủ Mỹ trục xuất

Nhiều người thuộc các sắc dân khác cùng tham gia biểu tình Bảo Vệ Người Tị Nạn Việt Nam tại Little Saigon hôm sáng Chủ Nhật, 15 Tháng 12, 2018 - Photo: RFA Trước 9 giờ sáng Thứ Bảy, 15 Tháng Mười Hai, nhiều cơ quan truyền thông dòng chính lẫn địa phương đã có mặt cùng những người tham gia tập trung tại sảnh trước cửa thương xá Phước Lộc Thọ trong một cuộc xuống đường Bảo vệ người tỵ nạn gốc Việt có nguy cơ bị trục xuất về Việt Nam. Tuy nhiên, nhân viên bảo vệ của khu thương mại này đã không cho phép đoàn người tập trung nơi đây mà phải dời hẳn ra bên ngoài khu thương mại. Dù hơi gặp chút khó khăn ban đầu, nhưng không vì thế làm giảm đi khí thế của những người có mặt, trong đó hầu hết là những người trẻ thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Có rất đông người thuộc các sắc tộc khác cùng tham gia. Đặc biệt, không có bất cứ nghị viên gốc Việt nào có mặt trong cuộc biểu tình này. Thay vào đó, có sự góp mặt của anh Lý Vĩnh Phong, đại diện Dân Biểu Alan Lowenthal, nghị viên Sergio Contreras của thành phố Westminster, cựu thị trưởng thành phố Garden Grove Bảo Nguyễn, nhiều bác sĩ, giáo sư gốc Việt, và nhiều người trẻ. Trưa ngày Thứ Sáu, 14 Tháng Mười Hai, một thông cáo báo chí được phổ biến qua email và facebook kêu gọi một cuộc xuống đường biểu tình Bảo vệ Người Tị Nạn Việt Nam có nguy cơ bị trục xuất. Các hội đoàn bất vụ lợi đồng tổ chức cuộc biểu tình này, gồm có: Asians and Pacific Islanders Re-Entry of Orange County (APIROC), VietRISE, VietUnity SoCal, Viet Rainbow of Orange County (VROC), và Common Ground OC. Trước đó, vào ngày 12 Tháng Mười Hai, 2018, báo The Atlantic đưa ra nguồn tin cho rằng Nội các của Tổng Thống Donald Trump đang tái khởi động những nỗ lực để trục xuất số di dân Việt Nam vốn là những người được sống hợp pháp ở Hoa Kỳ trong nhiều thập niên qua. Nhiều người trong số họ đã trốn thoát khỏi đất nước sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975. Đây là được cho là động thái mới nhất trong kế hoạch của Tổng Thống Trump, đó là chính sách khắc nghiệt về nhập cư và tị nạn. Lập trường siết chặt nhập cư mới nhất của chính quyền Trump diễn ra trong bối cảnh thời điểm gia hạn thỏa thuận về trục xuất người di cư gốc Việt tới gần. The Atlantic dẫn lời bà Katie Waldman, người phát ngôn Bộ An Ninh Nội Địa, cho biết 5,000 người gốc Việt bị kết án đã có lệnh trục xuất. Họ là những người chưa được công nhận là công dân Mỹ. Tham gia trong cuộc biểu tình, Bác Sĩ Lương Lý, người sang Mỹ từ năm 1987 theo diện đoàn tụ gia đình ODP, cho biết: "Lý do chính tôi có mặt hôm nay thứ nhất Việt Nam là người tị nạn, thứ hai vì nhân quyền cho người Việt Nam. Ông tổng thống Trump muốn thay đổi chính quyền, muốn trục xuất những người phạm tội, dù lớn hay nhỏ. Nhưng nếu đã vi phạm luật pháp Mỹ thì đều bị trục xuất khỏi nước Mỹ. Đây là một điều rất quan trọng đối với người Việt Nam. Vì khi họ phạm pháp, có nhiều loại lớn hay nhỏ, thành ra khi trục xuất những người Việt Nam mà Mỹ và Việt Nam từng đồng ý với nhau vào năm 1995 là không trục xuất họ nên làm như vậy rất ảnh hưởng đến nhân quyền của người Việt Nam, ảnh hưởng tới gia đình của người Việt Nam tại Mỹ." Mặc dù chân yếu phải chống gậy, ông Nguyễn Văn Phát, 89 tuổi, sang Mỹ từ trước ngày 30 Tháng Tư, 1975, cũng nhờ con gái chở đến tham gia biểu tình cùng mọi người: "Tôi thấy việc ông Trump là là sai nên tôi phải đi đến đây để ủng hộ những người biểu tình chống lại điều sai. Hiện giờ tôi đã có quốc tịch Hoa Kỳ nên chuyện này không ảnh hưởng gì nhưng điều ông Trump làm đối với những người khác là sai, nên tôi đến ủng hộ những người này." Giáo sư Thúy Võ Đặng thuộc trường đại học UCI chia sẻ: "Quyết định của tổng thống Trump có thể sẽ tạo ra những bất lợi cho cộng đồng mình. Thúy cũng sinh ra trong một gia đình tị nạn, giống như rất nhiều người trong cộng đồng Việt Nam tại Quận Cam, cho nên mình nên tìm hiểu thêm về vấn đề này. Thúy hy vọng rằng nếu có thêm một tiếng nói của Thúy cũng có thể giúp ích cho cộng đồng tìm hiểu thêm." Tham gia cùng đoàn biểu tình, ông Jerald Kern, ngoài 70 tuổi, cho biết, ông đã sống cùng cộng đồng này 23 năm, các con ông lớn lên với cộng đồng người Việt nơi đây, bạn gái của con trai lớn của ông là người Việt Nam. Ông thấu hiểu tâm tư của những người Việt tị nạn đã bỏ nước ra đi từ sau cuộc sụp đổ năm 1975. Ông không chấp nhận việc chia cắt, ly tán. Theo ông, những người có mặt hôm nay không chỉ đứng lên vì cá nhân họ, vì gia đình họ, mà vì tất cả những người tị nạn hiện diện ở hiệp chủng quốc này. Bác Sĩ Tâm Lý Xuyến Đông tham gia cuộc biểu tình với nhiều trăn trở của một người từng tiếp xúc nhiều với những bệnh nhân có tâm bệnh mà nguyên nhân xuất phát từ những khủng hoảng tinh thần liên quan đến chính sách trục xuất, cưỡng bách hồi hương này: "Thực sự vấn đề này mang lại rất nhiều khủng hoảng cho các gia đình Việt Nam có con cái nằm trong danh sách bị trục xuất, bị cưỡng bách hồi hương. Mà đó thực ra đâu còn là quê hương của các bạn, thậm chí có bạn không còn biết tiếng Việt. Có những người cha mẹ đã bị tâm bệnh rất là nặng vì khía cạnh này. Vừa rồi có một bạn bị cưỡng bác hồi hương đã gửi thư qua, có người về Việt Nam được mấy tháng thì chết. Mình làm trong ngành này, gặp những phụ huynh cha mẹ có con ở trong tình trạng này cũng mang tâm bệnh, đây là khía cạnh của sự sống và sự chết của con người, rất nhiều khủng hoảng, rất nhiều bi kịch xảy ra, nhất là khi có những cha mẹ đi vượt biên đã sống chết để mang con mình qua đây mà bây giờ con mình lại có thể bị trả về Việt Nam, có quá nhiều đau thương mà tôi nghĩ điều này vô cùng bất nhẫn cho cuộc sống người Việt Nam mình ở đây." Người được truyền thông Mỹ và địa phương chú ý nhiều nhất có lẽ là anh Tùng Nguyễn, người đã từng phạm tội năm 16 tuổi, phải trả giá bằng 18 năm tù giam. Tuy nhiên, anh được Thống Đốc tiểu bang California ra lệnh ân xá năm 2011, và mới đây, anh lại được Thống Đốc Jerry Brown ra quyết định xóa tất cả các tội mà anh đã phạm phải và đã trả giá, được phục hồi các giá trị về quyền công dân. Anh nói: “Là một người từng nằm trong hoàn cảnh này, Tùng đã từng ở tù, Tùng đã từng lầm lỡ khi còn nhỏ, Tùng ở tù 18 năm. Nhưng sau khi Tùng ra tù, Tùng thay đổi cuộc đời, làm lại cuộc đời, Tùng sống và giúp đỡ cho mọi người, cho cộng đồng trong xã hội và những công việc Tùng làm đã được Thống đốc Jerry Brown ân xá cho Tùng, xóa hết tội cho Tùng vì những gì Tùng đã trải qua. Những kinh nghiệm Tùng đã trải qua, Tùng muốn đem điều đó đóng góp và giúp đỡ cho mọi người, bảo vệ cho những người Việt Nam tị nạn đã đến Mỹ trước năm 1995.” Tùng Nguyễn chỉ trích quyết định của chính quyền Tổng thống Trump trục xuất người Việt vì anh cho rằng đó là một vi phạm về nhân quyền. “Hành động này là hành động ly tan gia đình, không có chút thương xót hay xem xét lại tội lỗi của những người như Tùng làm là mấy chục năm rồi, không ai phạm thêm một tội nào hết, sao bây giờ lại đến ly tan gia đình người ta, bắt cha phải mất con, vợ phải mất chồng, trục xuất những người như Tùng về Việt Nam rồi như thế nào? Có những người không nói đươc tiếng Việt Nam thì làm sao họ sống được ở Việt Nam? Rồi vợ con của họ sống bên này họ sống như thế nào? Cho nên đây là một sự vi phạm nhân quyền rất là trầm trọng.” Liên quan đến vấn đề này, hôm Thứ Năm, 13 Tháng Mười Hai, 26 dân biểu liên bang Hoa Kỳ, đã gởi thư phản đối chính quyền Donald Trump và yêu cầu tôn trọng thỏa thuận hiện tại với Việt Nam, không trục xuất những người đến Mỹ trước năm 1995. Ngọc Lan - RFA https://www.rfa.org/vietnamese
......

Vì sao người Việt cuồng loạn với chiến thắng của đội tuyển bóng đá quốc gia?

Đội tuyển BĐVN cách đây 10 năm (2008) và nay (2018) mới giành được 2 lần Cup vô địch của một giải đấu gồm 10 đội tuyển quốc gia thuộc “vùng trũng” nhất của bóng đá thế giới. Vậy sao người Việt lại ăn mừng những chiến thắng này đến mức phải gọi là “cuồng loạn”!? Đặc biệt là chiến thắng, được huy chương Bạc của đội tuyển U23 tại giải U23 Châu Á hồi tháng 1/2018, toàn dân đổ ra đường, Quốc Hội, Chính Phủ, chính quyền các địa phương tổ chức đón các cầu thủ cứ như những người anh hùng chinh phục Sao Hỏa trở về! Trong khi đội U23 Uzbekixtan vô địch thì trở về trong không khí rất bình thường. Mấy trận đội tuyển VN thắng ở giải Vô địch châu Á và được xếp thứ 4; rồi những trận Bán kết giải AFF Cup 2018, đội tuyến BĐVN thắng Philippines, Mã Lai, cũng hàng triệu người “đi bão”, hỗn loạn giao thông, gây ra cái chết cho mấy chục người, hàng trăm người thương tích, một cách vô nghĩa và rác rưởi đầy phố phường... Người ta chở cả nhà trên xe máy, cả trẻ nhỏ, cụ già, phóng như điên; người ta phất cờ, thổi kèn, đánh trống, gõ nồi xoong...; người ta hò hét đến thất thanh, cháy cổ “Việt Nam vô địch”! “Việt Nam vô địch, đéo cần nói nhiều”!... Ở các làng quê hang cùng, ngõ hẻm đến nhiều người Việt Nam ở nước ngoài cũng “tụ tập đông người”, hò hét, nhảy múa, reo mừng chiến thắng... Vì sao người Việt lại “máu” bóng đá đến vậy nhỉ? Mình đã có ý kiến rằng, nên đổi tên nước thành “CỘNG HÒA BÓNG ĐÁ VIỆT NAM” sẽ thấy “Thế nước đang lên”; sẽ có “Đại đoàn kết toàn dân tộc”; sẽ “Phát huy được tiềm năng, thế mạnh và mọi nguồn lực cho phát triển”; sẽ “Hòa quyện lòng yêu nước với tình yêu bóng đá” để dân ta “sẵn sàng hy sinh để bảo vệ màu cờ sắc áo của Tổ quốc”; sẽ có tinh thần chống ngoại xâm “Quyết tử cho Tổ quốc bóng đá quyết sinh”!... Và có lý do để gào thét “Tự hào Việt Nam hỡi, Tự hào Việt Nam ơi”, một cách không dối lòng... Vì sao nhỉ?. 1. Có phải vì người Việt YÊU BÓNG ĐÁ? Hình như không phải! Nếu yêu bóng đá thực lòng, thì những trận đấu của các CLB đã kín sân, chứ không lèo tèo khán giả ở nhiều trận đấu; nếu yêu bóng đá, đã có nhiều người dân mua cổ phiếu của các CLB bóng đá và gắn bó với đội bóng cả lúc thành công lẫn khi sa sút, khó khăn... Nếu yêu bóng đá, người ta sẽ hứng thú thưởng thức vẻ đẹp của bóng đá; sẽ chú ý đến việc phân tích chuyên môn của các trận đấu; sẽ quan tâm đến tài năng, nghệ thuật, phẩm chất của mỗi cầu thủ... Và như thế lý trí sẽ cân bằng với cảm xúc, không có chuyện phát cuồng rồ dại khi đội nhà thắng và khùng điên khi đội nhà thua... 2. Vì “MÁU THÀNH TÍCH? “Thi đua lập thành tích”, “Đón danh hiệu...”, “Đón Huân chương”, “Mừng chiến thắng” ...đã ăn vào máu người Việt Nam rồi! Từ 1946, Cụ Hồ phát động “thi đua tăng gia sản xuất và giết giặc lập công”; “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua”! Nhờ nghệ thuật tài tình đó, mà chính phủ chỉ có “hai bàn tay trắng” đã làm nên bao kỳ tích trong kháng chiến chống Pháp và những năm sau hòa bình 1954 ở miền Bắc. Chẳng có gì ngoài những lời động viên, mấy tờ Giấy khen, mấy cái Huy hiệu mà huy động được bao nhiêu nhiệt huyết của người dân quên mình vì “thành tích”! Giai đoạn ấy, làm được như vậy là là kỳ tài! Nhưng “bài học thi đua” áp dụng vào phong trào Hợp tác xã nông nghiệp, rồi “người người thi đua, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua”... suốt 60 – 70 năm qua đã làm hỏng tất cả! Tất cả đều thành giả dối ở mức độ nào đó! Tất cả không quan tâm đến chất lương và quá trình làm ra sản phẩm, mà chỉ chạy theo thành tích hão huyền, dối trá, được tô vẽ hào nhoáng. Từ đứa trẻ mẫu giáo đã cố ép mình theo cô để được “Phiếu bé ngoan”; học sinh lên lớp 100%, thi THPT đỗ 98% đến 100%, một lớp có 100% HS tiên tiến, trong đó 80% tiên tiến xuất sắc... Rồi GDP tăng trưởng nhất nhì thế giới; rồi xuất khẩu hàng đầu; vốn FDI đổ vào VN nhất khu vực; Rồi “Sài Gòn như Singapore”, “Hà Nội như Paris”, tỉnh nào cũng là “Đầu tàu”, là “Trung tâm ... của thế giới”; rồi những “Quả đấm thép”, rồi dấy lên phong trào” Khởi nghiệp, sáng tạo”, “Đi đầu trong cách mạng 4.0”... nghe dậm dật cả người! Nhưng tỉnh ra thì thấy đất nước tan hoang “rừng vàng, biển bạc”; môi trường sống bị hủy hoại; dân ta gánh một núi nợ chất chồng; nhìn vào đâu so sánh với các nước trong khu vực cũng thua kém, cũng tụt hậu ngày càng xa. Chả có “thành tích” gì là thật, là để ăn mừng xứng đáng, là để tự hào đúng nghĩa...Buồn bực quá! Tủi hổ quá!... Ôi đây rồi: Đội BĐVN chiến thắng! Đó là sự thật! Thật 100%, có trọng tài quốc tế công nhận! Truyền hình công khai, khắp các nước khu vực! Vậy là bao nhiêu tủi hổ dồn nén bùng lên, “vỡ òa”, giải tỏa bao ẩn ức, bùng cháy bao khát khao, hy vọng, không sao kìm nén nổi nữa! Người ta gào to lên “Việt Nam vô địch”, “Việt Nam chiến thắng”, “Tự hào Việt Nam”... tự đáy lòng, trào dâng cảm xúc thật, nước mắt tràn mi; không phải ngượng ngùng, xấu hổ... Bao nhiêu năm khao khát mới có một THÀNH TÍCH THẬT để tự hào! Nỗi niềm là thế. 3. Vì “MÁU LỄ HỘI”? Người Việt vốn có truyền thống sinh hoạt cộng đồng quần tụ đông vui. “Ăn no rồi lại nằm khèo; hễ thấy trống chèo, vác bụng đi xem”. Thấy ở đâu ồn ào, “có đám” là phải chạy đến hòa vào đám đông. Đám ma, đám cưới, đám rước... đám gì cũng đông. “Theo thống kê của Bộ VH- TT- DL, hiện cả nước có 7.966 lễ hội. Tính ra, trung bình mỗi ngày diễn ra khoảng 22 lễ hội. Tức là bình quân mỗi giờ, ở Việt Nam lại có một lễ hội được tổ chức” (https://laodong.vn/…/infographic-nhung-con-so-khung-ve-le-h…). Lễ hội là phải càng đông vui, càng chen vai thích cánh, “mông chạm mông, vú cọ vú”, càng thích; là phải cờ phướn rợp trời, loa loa vang điếc óc, chiêng trống inh tai, hò reo ầm ĩ... mới thỏa lòng! Vậy là “Lễ hội mừng chiến công bóng đá” đáp ứng được “máu lễ hội” của người Việt. 4. Vì “ĐƯỢC XẢ STRESS”. Cuộc sống “phóng thể” lao theo bao nhiêu cám dỗ, gặp bao nhiêu thất bại, căng thẳng, lo hãi... khiến nhiều người tâm trạng bất an. “Theo thống kê của Bộ Y tế vào năm 2017, tại Việt Nam, có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến liên quan tới stress, 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Còn thông báo tại Viện Sức khỏe tâm Thần cho thấy có 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. (https://baomoi.com/bao-dong-gia-tang-benh-ly-ve-…/c/27714755..). Với tình trạng tâm thần như vậy, khi được tự do xả tress, người ta sẽ trở nên hưng cảm thái quá, khó kiểm soát nổi hành vi... Người ta thấy nhiều người nhảy nhót trên nóc ô tô đang chạy; có cô gái cởi phăng hết quần áo; nhiều chàng trai phóng xe máy đến rợn người; những đám đông uống bia rượu xả láng; nhiều đoàn người phất cờ, trống chiêng, hò hét “đi bão” gần hết đêm, chẳng biết là mình đi đâu, để làm gì! 5. Vì “ĐƯỢC CHÍNH TRỊ HÓA”? Ở Việt Nam, biểu tình chống Trung cộng chiếm biển đảo, giết hại ngư dân; biểu tình phản đối Formosa hủy diệt môi trường; biểu tình lên án chặt phá cây xanh; biểu tình chống cưỡng chế phá nhà, cướp đất... Tất cả những hành vi chính đáng của người dân như trên, nhưng gây lo hãi cho chính quyền, đều bị đàn áp dã man. “Cấm tụ tập đông người”! “Đi biểu tình là do các thế lực thù địch xúi giục, thuê tiền”! “Là bị kẻ địch lợi dụng lòng yêu nước”; “là chống phá chế độ”; “Là âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”!...Thậm chí chính quyền còn nuôi một đội quân chuyên đi canh cổng, ngăn chặn không cho nhiều người dân ra khỏi nhà, sợ đi biểu tình. Xã hội căng thẳng, bức bối... Thế mà ăn mừng chiến thắng của bóng đá thì tha hồ tụ tập đông người, hàng triệu người xuống đường biểu tình hô “Việt Nam vô địch”, càng làm các quan chức chế độ khoái chí. Và chính họ mới lợi dụng sự cuồng dại vì bóng đá của người dân để “Tôn vinh lòng yêu nước, tự hào dân tộc”, mới hò hét “Thế nước đang lên”; mới bắt các cầu thủ đến “Chào Thủ tướng”, “Chào Chủ tịch Quốc hội”... để các vị được PR không mất tiền. Bóng đá đang bị Chính trị hóa: Đi biểu tình cổ vũ bóng đá là “yêu nước”; đi biểu tình chống xâm lược, tham nhũng là “phản động”! Vậy là tình yêu bóng đá bị lợi dụng, nống lên thành “yêu nước”, “tự hào dân tộc” để khỏa lấp đi bao nhiêu nỗi xấu hổ, tủi nhục, đắng cay của đất nước này. Nhưng có một niềm an ủi và hy vọng: Sự “cuồng vọng bóng đá”, cho thấy dân ta vẫn có một sức sống tiềm ẩn, sẵn sàng vùng lên mãnh liệt, vì một cái gì đó chạm vào lòng yêu nước, tự hào dân tộc chính đáng. Dân tộc này vẫn chưa chịu câm nín, lụi tàn, chỉ mê lầm tí thôi! 17/12/2018 FB Mạc Van Trang  
......

Số người Việt bị Mỹ trục xuất tăng hơn 70 phần trăm so với năm ngoái

   Chính quyền Trump giờ đang diễn dịch lại thỏa thuận năm 2008 giữa Mỹ và Việt Nam bảo vệ những người Việt tị nạn chiến tranh đến Mỹ trước năm 1995 khỏi bị trục xuất. Số lượng người gốc Việt bị Mỹ trục xuất trong năm 2018 tăng hơn 70 phần trăm so với năm trước, theo một báo cáo của cơ quan thi hành di trú liên bang, tiếp tục mức tăng mạnh dưới thời chính quyền Trump vốn đang ráo riết xúc tiến chính sách di trú khắt khe hơn.   Báo cáo được công bố giữa lúc nhiều bản tin của giới truyền thông trong tuần này cho biết chính quyền Trump sẽ tái tục việc trục xuất về Việt Nam một số người tị nạn chiến tranh đến Mỹ trước năm 1995, bất chấp một thỏa thuận mà hai nước đã kí vào năm 2008 cung cấp sự bảo vệ cho những người này.   Trong năm tài chính 2018, Cơ quan Thi hành Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) đã trục xuất 122 người được xác định mang quốc tịch Việt Nam, tăng lên từ mức 71 người trong năm tài chính 2017, theo báo cáo tổng kết của cơ quan công bố hôm thứ Sáu. Con số này trong năm 2016 là 35 người, 32 người năm 2015 và 48 người năm 2014, năm đầu tiên mà ICE liệt kê cụ thể số lượng người bị trục xuất theo nước mà họ mang quốc tịch.   Không rõ trong số 122 người này có bao nhiêu người đến Mỹ trước năm 1995, thời điểm mà Mỹ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao. VOA không thể liên lạc được ngay với ICE để yêu cầu cung cấp con số cụ thể, nhưng BuzzFeed News tuần này cho biết 11 người đến Mỹ trước 1995 đã bị trục xuất kể từ tháng 7 năm 2017, theo số liệu mà ICE cung cấp tại tòa án trong các vụ kiện tụng.   Tuy nhiên trong số 86 yêu cầu trục xuất mà Mỹ đã chuyển cho Việt Nam trong năm nay, chỉ có một yêu cầu được chấp thuận, BuzzFeed News cho biết.   Nguồn: Cơ quan Thi hành Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) The Atlantic hôm thứ Tư loan tin chính quyền Trump đã tái tục chính sách trục xuất một số người nhập cư gốc Việt mà họ đã lặng lẽ rút lại vào tháng 8. Tạp chí này dẫn lời một phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội nói rằng chính quyền Trump giờ diễn dịch lại thỏa thuận 2008 rằng nó không áp dụng cho những người không có giấy tờ hoặc phạm tội hình sự.   Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã gặp các đại diện của sứ quán Việt Nam ở Washington nhưng từ chối cho biết thêm chi tiết về thời gian và địa điểm, cũng như những gì đã được bàn thảo tại các cuộc thương lượng đó, theo The Atlantic.   “Hiện đang có 5.000 người ngoại quốc từ Việt Nam phạm tội hình sự đã bị kết án với lệnh trục xuất cuối cùng – những người này không phải là công dân Mỹ và đã bị bắt giữ, kết án và cuối cùng bị một thẩm phán di trú liên bang ra lệnh trục xuất dưới thời các chính quyền tiền nhiệm," Katie Waldman, một phát ngôn viên của Bộ An ninh Nội địa, được dẫn lời nói. “Ưu tiên của chính quyền này là trục xuất những người ngoại quốc phạm tội hình sự trở về đất nước quê nhà của họ.”   Tin tức này đã khơi ra chỉ trích từ các nhà lập pháp Mỹ, phần lớn theo Đảng Dân chủ, đại diện những khu vực đông người Việt sinh sống. Trong một bức thư đề ngày 13 tháng 12, họ mạnh mẽ chống đối việc chính quyền thương thuyết lại thỏa thuận 2008 và hối thúc ông Trump “tôn trọng tinh thần nhân đạo” của nó.   Truyền thông ở Mỹ cũng tường trình dồn dập về diễn biến này trên báo đài tiếng Anh trong những ngày qua, từ vùng thủ đô Washington cho tới khu Little Saigon ở miền nam California. Đa phần những cư dân người Việt được phỏng vấn bày tỏ sự bất mãn, chống đối và lo ngại về những gì có thể xảy ra sắp tới.   “Tôi hoàn toàn không đồng tình với [chính sách đó],” một người phụ nữ nói với đài FOX 5 DC tại khu trung tâm thương mại Eden ở thành phố Falls Church, bang Virginia. “Chúng tôi đóng thuế và giúp hỗ trợ cộng đồng của mình mà.”   Madison Nguyễn, người từng là phó thị trưởng San Jose ở bắc California, được báo The San Francisco Chronicle dẫn lời nói rằng lật ngược thỏa thuận 2008 sẽ làm tan nát các gia đình trong cộng đồng người Việt ở Mỹ.   “Chuyện đó rõ ràng là đáng hổ thẹn và tàn ác,” bà nói.   Tùng Nguyễn, 43 tuổi, từng bị thọ án 18 năm tù vì dính líu trong một vụ cướp của và giết người năm 16 tuổi, giờ tích cực vận động cho trẻ vị thành niên dính vào vòng tù tội. Bị trục xuất là nỗi lo sợ thường trực của anh.   “Bây giờ Trump muốn tiếp tục gán cho chúng tôi là tội phạm vì điều mà chúng tôi đã làm lúc còn nhỏ,” anh Tùng trả lời phỏng vấn của đài CBS Los Angeles. “Vấn đề là nếu chúng tôi ra tù mà vẫn tiếp tục phạm tội thì rõ ràng chúng tôi đáng phải chịu như vậy. Nhưng 20, 25 năm rồi chúng tôi chẳng phạm tội gì cả, chúng tôi sống cuộc đời bình thường,”   “Điều tôi muốn nói là, hãy nhìn con người tôi bây giờ này,” anh nói. Người Việt hải ngoại 
......

26 dân biểu Mỹ phản đối TT Trump đòi trục xuất người Việt Nam

WASHINGTON, DC (NV) – Nhiều dân biểu liên bang Hoa Kỳ hôm Thứ Năm, 13 Tháng Mười Hai, gởi thư phản đối chính quyền Donald Trump và yêu cầu tôn trọng thỏa thuận hiện tại với Việt Nam, không trục xuất những người đến Mỹ trước năm 1995. Trả lời phỏng vấn nhật báo Người Việt, Dân Biểu Alan Lowenthal (Dân Chủ), đại diện Địa Hạt 47 của California, nói: “Sáng nay, tôi cùng với 25 đồng viện khác tại Hạ Viện gởi thư cho Tổng Thống Donald Trump, Ngoại Trưởng Mike Pompeo, và Bộ Trưởng Nội An Kirstjen Nielsen, yêu cầu họ tôn trong thỏa thuận Mỹ ký với Việt Nam năm 2008, theo đó, những người Việt Nam tị nạn đến Mỹ trước ngày 12 Tháng Bảy, 1995, không bị trục xuất.” “Tôi rất bực mình và vô cùng khó chịu vì chính quyền Donad Trump tìm cách trục xuất hàng ngàn người Việt Nam,” Dân Biểu Lowenthal nói tiếp. “Cả hai chính quyền George W. Bush và Barack Obama đều thừa nhận tính cách luân lý của thỏa thuận này, để bảo vệ những người tị nạn trong thời chiến tranh Việt Nam đang sống hàng chục năm tại Hoa Kỳ.” Ông cho biết thêm: “Tôi rất tự hào dẫn đầu 25 đồng viện của tôi ở Hạ Viện để phản đối bất cứ cố gắng nào của chính quyền tìm cách tái thương thuyết thỏa thuận với Việt Nam, vì như vậy sẽ gây nguy hiểm cho những người này.” Ông Lowenthal cũng cho biết, sáng Thứ Năm, bản thân ông có gọi điện thoại cho Bộ Ngoại Giao Mỹ lên tiếng phản đối dự định của chính quyền Hoa Kỳ, đồng thời nhắc lại vụ ông Michael Phương Minh Nguyễn, cư dân Orange, đang bị Việt Nam giam cầm từ Tháng Bảy.   Dân Biểu Alan Lowenthal Phóng viên nhật báo Người Việt có hỏi ông, nếu chính quyền Donald Trump vẫn tiếp tục tìm cách trục xuất những người Việt Nam này, liệu ông và các đồng viện của ông có định giới thiệu một dự luật, hoặc làm một điều gì đó, để ngăn chặn hay không. “Chắc chắn chúng tôi sẽ phản ứng. Tuy nhiên, bây giờ Quốc Hội sắp nghỉ Đông, và phải đợi tới Tháng Giêng, 2019, khi khóa 116 nhóm họp, lúc đó mọi thứ mới bắt đầu,” vị dân biểu đại diện vùng Little Saigon nói. “Trước mắt, chúng tôi sẽ ngồi xuống để xem bước kế tiếp là gì. Có thể chúng tôi sẽ mở một cuộc điều trần, yêu cầu đại diện Bộ Ngoại Giao đến để chất vấn. Chúng tôi cũng có thể thông qua một nghị quyết kêu gọi chính quyền tôn trọng thỏa thuận hiện nay.” Thỏa thuận giữa Việt Nam và Hoa Kỳ Ngày 24 Tháng Giêng, 2008, ông Lê Dũng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam, được ông Nguyễn Thế Cường, phát ngôn viên tòa Đại Sứ Việt Nam ở Washington, DC, trích lời cho biết về thỏa thuận trục xuất người Việt phạm pháp ở Mỹ như sau: “Ngày 22 Tháng Giêng, 2008, tại Hà Nội, bà Julie Myers, phụ tá bộ trưởng Bộ Nội An Hoa Kỳ, và ông Đào Việt Trung, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam, ký một thỏa thuận, theo đó, chỉ nhận những công dân Việt Nam không phải là công dân Mỹ hoặc công dân bất cứ nước nào, trước đây từng sống ở Việt Nam và hiện không sống tại quốc gia thứ ba, vi phạm luật Hoa Kỳ và bị giới chức thẩm quyền ra lệnh trục xuất, sau khi hoàn tất án tù vì phạm tội.” “Thỏa thuận này không áp dụng với công dân Việt Nam đến Mỹ trước ngày 12 Tháng Bảy, 1995, ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.” “Chương trình hồi hương sẽ được thực hiện một cách trật tự và an toàn, phù hợp với luật của Mỹ, luật quốc tế, và các điều khoản trong thỏa thuận này, trong khi cũng xét đến vấn đề nhân bản, đoàn tụ gia đình, và các trường hợp đặc biệt của từng cá nhân hồi hương, trong khi tôn trọng phẩm giá của người bị trục xuất.” Một nhà tù của sở di trú, giam những người nằm trong diện bị trục xuất. (Hình minh họa: AP Photo/Ted S. Warren, File) Nhiều dân cử phản đối Cũng trong ngày Thứ Năm, Văn Phòng Dân Biểu Lowenthal gởi cho nhật báo Người Việt một thông cáo báo chí cho biết, trong lá thư gởi cho phía hành pháp, 26 dân biểu viết rằng: “Các điều khoản của thỏa thuận 2008 thừa nhận lịch sử phức tạp giữa hai quốc gia và tình trạng thảm khốc mà sau đó hàng trăm ngàn người Việt Nam bỏ trốn đến Hoa Kỳ tìm tự do và tránh bị đàn áp chính trị sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc. Nhiều người trong số này từng chung vai sát cánh chiến đấu hoặc hỗ trợ chính phủ Mỹ trong suốt cuộc chiến tranh.” Lá thư của 26 vị dân cử Mỹ kết luận: “Chúng tôi mạnh mẽ phản đối bất cứ cuộc tái thương thuyết nào đối với thỏa thuận này nhằm xóa bỏ điều khoản bảo vệ đối với những người Việt Nam tị nạn, bao gồm cả dự định hủy bỏ thỏa thuận bảo vệ những người Việt Nam đến Mỹ trước năm 1995, cũng như các điều khoản xem xét mang tính nhân bản đối với tất cả những người khác. Chúng tôi yêu cầu quý vị tôn trọng tinh thần và chủ đích nhân bản bao gồm trong thỏa thuận hiện tại. Nếu không, quý vị sẽ đẩy hàng ngàn người Việt Nam trở lại nơi mà họ bỏ trốn nhiều năm trước đây, làm ly tán hàng ngàn gia đình, và làm ảnh hưởng một cách tệ hại đến các cộng đồng di dân và tị nạn tại Mỹ.” Hôm Thứ Năm, cựu Ngoại Trưởng John Kerry viết trên Twitter như sau: “Đáng khinh bỉ. Trong nhiều năm – từ George H.W. Bush tới John McCain và Bill Clinton – làm việc một thời gian dài để hàn gắn vết thương và quên đi cuộc chiến – bây giờ chính quyền lại quay lưng lại với những người từng trốn khỏi quê hương, những người từng chiến đấu với chúng ta. Chính quyền làm vậy để được cái gì?” Dân Biểu Liên Bang Harley Rouda (Dân Chủ), đại diện Địa Hạt 48, bao gồm một phần Little Saigon, hôm Thứ Tư tweet ra như sau: “Quyết định đơn phương của chính quyền Donald Trump hôm nay nhắm vào việc trục xuất người Mỹ gốc Việt là sai trái và không thể chấp nhận được. Người Mỹ gốc Việt là một bộ phận quan trọng của Địa Hạt 48. Tôi sẽ làm việc với Quốc Hội để phản đối quyết định này.” Ngoài ra, cũng hôm Thứ Năm, một số dân cử địa phương trong vùng Little Saigon, như Thượng Nghị Sĩ California Tom Umberg, Dân Biểu California Tyler Diệp, Giám Sát Viên Orange County Andrew Đỗ, và Nghị Viên Westminster Sergio Contreras đều gởi thông cáo báo chí đến nhật báo Người Việt cho biết rất quan tâm cũng như phản đối dự định của chính quyền Donald Trump trong việc trục xuất người Việt Nam đến Mỹ trước năm 1995. Nhiều tổ chức phản đối Hôm Thứ Tư, 15 tổ chức cộng đồng và hơn 50 dân cử tiểu bang và địa phương cùng tham gia với hai tổ chức Asian American Advancing Justice (AAAJ) và Southeast Asia Resources Action Center (SEARAC) gởi thư cho tổng thống, ngoại trưởng, và bộ trưởng Nội An, kêu gọi họ ngưng thay đổi bất cứ điều khoản gì trong thỏa thuận giữa Mỹ và Việt Nam, liên quan đến trục xuất. AAAJ và SEARAC cho biết, sự thay đổi này có thể làm cho hơn 8,500 người Việt Nam có khả năng bị trục xuất. “Trong nhiều năm qua, thỏa thuận này bảo vệ hàng ngàn gia đình Việt Nam, coi nước Mỹ là nhà từ hàng chục năm qua,” cô Phi Nguyễn, một luật sư phụ trách tố tụng tại AAAJ, được thông cáo báo chí của tổ chức này trích lời cho biết. “Thỏa thuận này bảo đảm những người qua Mỹ trước năm 1995 không bị trả về Việt Nam. Chính quyền chúng ta không nên quay lưng lại với họ.” Chính quyền Donald Trump không công nhận thỏa thuận Hôm Thứ Tư, nhật báo The Atlantic cho biết, chính quyền Donald Trump đang tái khởi động những nỗ lực để trục xuất số di dân Việt Nam vốn là những người sống hợp pháp ở Hoa Kỳ trong nhiều thập niên qua, nhưng có lệnh bị trục xuất. Nhiều người trong số họ đã trốn thoát khỏi đất nước sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975. Đây là hành động mới nhất trong kế hoạch của Tổng Thống Trump, thực hiện chính sách khắc nghiệt về nhập cư và tị nạn. Theo The Atlantic, việc này chắc chắn sẽ gây nhiều bất ngờ lẫn phản đối bởi vì Tòa Bạch Ốc từng rút lại kế hoạch trục xuất những người này hồi Tháng Tám. Tuy nhiên, bây giờ, chính quyền Trump cho rằng những di dân gốc Việt đặt chân đến Hoa Kỳ trước khi mối quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia được thiết lập là đối tượng chính của Luật Di Trú, nghĩa là họ nằm trong diện bị trục xuất. Chính quyền của ông Trump vào năm ngoái đã bắt đầu theo đuổi việc trục xuất nhiều người nhập cư bị cáo buộc là những “người nước ngoài phạm tội bạo lực.” Lập trường siết chặt nhập cư mới nhất của chính quyền Trump diễn ra trong bối cảnh thời điểm gia hạn thỏa thuận về trục xuất di dân gốc Việt sắp được gia hạn vào Tháng Giêng, 2019. The Atlantic cho biết, trong năm 2017, Tòa Bạch Ốc đã đơn phương thay đổi thỏa thuận theo hướng nhằm tước bỏ sự bảo hộ đối với những người phạm tội, cho phép chính phủ Mỹ trục xuất một phần những người nhập cư gốc Việt tới nước này trước ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước. Sau đó, chính sách này bị rút lại vào Tháng Tám vừa qua. Tuy nhiên, phát ngôn viên của tòa đại sứ Mỹ tại Hà Nội cho biết chính phủ Hoa Kỳ một lần nữa muốn đảo ngược tình huống. “Chính quyền Washington hiện tại tin rằng thỏa thuận năm 2008 không thể bảo vệ những người gốc Việt nhập cư trước năm 1995 khỏi khả năng bị trục xuất,” phát ngôn viên yêu cầu không nêu danh tính nói với The Atlantic. Phát ngôn viên tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội nói với The Atlantic, quyết định “lật ngược” này diễn ra trong bối cảnh Bộ Nội An có gặp đại diện Việt Nam tại Washington, DC, mới đây. Tuy nhiên, người này từ chối tiết lộ chi tiết nội dung và thời gian diễn ra cuộc gặp. The Atlantic dẫn lời bà Katie Waldman, phát ngôn viên Bộ Nội An, cho biết hiện có khoảng 8,000 người gốc Việt bị kết án đã có lệnh trục xuất. Họ là những người chưa được công nhận là công dân Mỹ. (Ðỗ Dzũng) ——– Liên lạc tác giả: dodzung@nguoi-viet.com  
......

Toàn Bộ Bí Quyết 3 Phút

Những thói quen chỉ gói gọn trong 3 phút dưới đây sẽ đem lại tác dụng tuyệt vời mà nếu bỏ qua bạn sẽ đánh mất cơ hội thay đổi lối sống, cải thiện sức khỏe của mình. 1. Đi vệ sinh không quá 3 phút Phó Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện số 3 Đại học Bắc Kinh, bác sĩ Diêu Vĩ cho biết, trong lúc đại tiện, mỗi centimet vuông đường ruột đều phải chịu từ một vài áp lực không hề nhỏ. Nếu chúng ta có thói quen đọc sách hay hút thuốc khi đi vệ sinh, thời gian đại tiện sẽ càng kéo dài, thời gian ruột chịu áp lực cũng theo đó mà tăng lên. Duy trì tình trạng này lâu ngày sẽ khiến niêm mạc ruột sa xuống và trở thành nguyên nhân dẫn tới các bệnh nguy hiểm như bệnh trĩ, táo bón… Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến nghị thời gian đi đại tiện không nên kéo dài quá 3 phút. 2. Không tức giận quá 3 phút Bạn sẽ bất ngờ nếu biết một người tức giận trong 10 phút sẽ tiêu hao năng lượng tương đương với một lần tham gia thi chạy cự li 3.000m. Nghiêm trọng hơn, khi tức giận, các phản ứng sinh lý sẽ khiến cơ thể giải phóng nhiều chất gây hại. Bởi vậy đa số những người thường xuyên tức giận đều sở hữu tuổi thọ không cao. Vì vậy, bạn hãy học cách không để cơn giận vượt quá 3 phút. Chỉ duy trì những cảm xúc tiêu cực trong khoảng thời gian này sẽ giữ an toàn cho sức khỏe cũng như tinh thần, đồng thời cũng giúp bạn cũng nhanh chóng lấy lại sự bình tĩnh. 3. Ăn nóng – lạnh cách nhau 3 phút Bác sĩ Tôn Ninh Linh (Trưởng khoa Tim, Bệnh viện Nhân Dân trực thuộc Đại học Bắc Kinh) giải thích, sau khi ăn đồ nóng, các mạch máu sẽ giãn ra. Lúc này, nếu bạn uống thêm một lượng lớn nước lạnh sẽ khiến mạch máu đột ngột co lại, huyết áp tăng cao, kéo theo đó là hàng loạt triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn, đau dạ dày, chướng bụng. Cần nhấn mạnh rằng, tình trạng này vô cùng nguy hiểm những người có huyết áp cao. Vì thế, bạn không nên dùng liên tiếp các thực phẩm có nhiệt độ chênh lệch quá cao trong một khoảng thời gian ngắn. Nếu vừa ăn đồ nóng xong, bạn cũng nên đợi ít nhất 3 phút rồi mới dùng đồ uống lạnh để tránh kích thích dạ dày. 4. Nằm trên giường 3 phút Theo thống kê, có đến gần 25% trường hợp trúng gió và đột tử xảy ra vào khoảng thời gian sau khi thức dậy lúc sáng sớm. Do đó, bác sĩ Tôn Ninh Linh khuyến cáo người trung niên, người cao tuổi có tiền sử mắc bệnh tim hoặc bệnh cao huyết áp nên nằm nhắm mắt trên giường khoảng 3 phút rồi mới rời giường sau khi thức dậy. Bên cạnh đó, những đối tượng này có thể vận động nhẹ nhàng các khớp, cổ ngay trên giường để tránh tình trạng huyết áp tăng – giảm đột ngột. 5. Thở bụng 3 phút mỗi ngày Huấn luyện viên bơi lội Vương Tranh Huấn đến từ Học viện Thể dục Thể thao Thủ Đô cho biết, thở bụng chẳng những cung cấp đủ dưỡng khí mà còn giúp điều hòa các rối loạn của tạng phủ. Bạn chỉ cần nắm rõ 4 nguyên tắc thở gồm sâu, đều, chậm rãi, êm dịu và thực hiện đúng phương pháp luyện tập của cách thở này trong 3 phút mỗi ngày là có thể đạt được tác dụng phục hồi sức khỏe rất kỳ diệu. 6. Đánh răng trong 3 phút Theo các chuyên gia nha khoa Hàn Quốc, phương pháp đánh răng “3-3-3” được coi là lựa chọn lý tưởng để làm sạch và bảo vệ răng miệng. Theo lý giải, phương pháp này thực hiện hết sức đơn giản: mỗi ngày đánh răng 3 lần, đánh răng sau bữa ăn 3 phút và đánh răng trong thời gian 3 phút. Đến từ bệnh viện Hựu An, Bắc Kinh, Trưởng khoa Răng miệng Trần Thế Chương còn cho biết thêm, nguyên tắc cơ bản khi đánh răng là “chạm đến mọi mặt”. Nói cách khác, răng phải được chải sạch ở các góc độ từ trong ra ngoài cho đến mặt trên. 7. Đun nước thêm 3 phút Hiện nay, hầu hết nguồn nước máy chúng ta đang sử dụng đều được xử lý bằng Clo. Trong quá trình Clo kết hợp với các chất hữu cơ trong nước, các chất như hydrocacbon có chứa halogen, chloroform và các hợp chất có khả năng gây ung thư khác sẽ được sinh ra. Nhiều kết quả thử nghiệm đã cho thấy, hàm lượng các chất này có mối liên hệ mật thiết với sự thay đổi của nhiệt độ nước và thời gian nước sôi. Vì vậy, chỉ cần đun nước thêm 3 phút sau khi sôi, hàm lượng các chất này trong nước sẽ có thể giảm xuống đến mức tiêu chuẩn an toàn tuyệt đối. Theo kiến giải của các chuyên gia y tế, phương pháp đun nước khoa học nhất là sau khi lấy nước vào ấm, bạn nên đợi một chút rồi mới bắt đầu đun. Đến khi nước sắp sôi, bạn mở nắp ấm ra và tiếp tục đun cho tới khi nước sôi khoảng 3 phút. Như vậy, các chất độc hại trong nước sẽ bị làm bay hơi một cách hiệu quả. 8. Pha trà bằng nước sôi trong 3 phút Đến từ Ban nghiên cứu lá trà thuộc Viện Nông nghiệp Trung Quốc, Phó trưởng ban Giang Dụng Văn kiến nghị, khi phà trà, chúng ta nên sử dụng nước từ 70 tới 80 độ C để ngâm trà trong khoảng 3 phút, sau đó đổ lần nước này đi và rót nước mới vào, đợi thêm 3 phút nữa rồi mới dùng. Khi pha như vậy, trà mới giữ được hương vị tuyệt hảo. Hơn nữa, vào lúc này, caffeine trong trà đã được tiết hết ra, giúp phát huy tối đa công dụng giúp tinh thần tỉnh táo của loại đồ uống này. 9. Ấn giữ khóe mắt khoảng 3 phút Bác sĩ Lý Doanh (Trưởng khoa Mắt bệnh viện Hiệp Hòa Bắc Kinh) đã chỉ ra rằng, khi tra thuốc, bạn nên dùng tư thế ngồi xuống một chỗ hoặc nằm ngửa ra, đầu hơi ngả về phía sau, mắt nhìn lên trên. Sau đó dùng ngón trỏ của bàn tay trái nhẹ nhàng kéo vành mắt dưới xuống, tay phải cầm thuốc nhỏ mắt, nhỏ 1-2 giọt vào mí mắt, rồi từ từ đẩy mí mắt lên trên để nước nhỏ mắt chảy đều ra toàn phần kết mạc. Sau khi nhỏ xong, bạn từ từ nhắm mắt lại, dùng ngón trỏ ấn giữ khóe mắt khoảng 3 phút. Khoảng thời gian 3 phút này có thể ngăn nước nhỏ mắt chảy vào mũi, đồng thời giúp thuốc lưu lại trên nhãn cầu lâu hơn để có thể phát huy công dụng tối đa. 10. Dừng 3 phút khi vận động Khi vận động với cường độ mạnh, chúng ta thường có cảm giác “thở không ra hơi” vào những lúc đuối sức. Lúc này, tốt nhất bạn nên dừng lại nghỉ ngơi một chút. Trên thực tế, bạn chỉ cần nghỉ tập trong 3 phút là các múi cơ của cơ thể đã bổ sung đầy đủ năng lượng để chuẩn bị cho lượt tập kế tiếp. ST
......

Trái Đất gồng mình cõng 10 tỉ dân năm 2050

Tính đến ngày 01/11/2018, thế giới có 7,1 tỉ dân. Trong 30 năm nữa, con số này sẽ là 10 tỉ và đến năm 2100 sẽ có khoảng 12 tỉ dân. Các nhà khoa học rung chuông báo động. Nhật báo kinh tế Les Echos (13/11/2018), trích số liệu trên trang chủ của Viện Nghiên cứu Dân số Pháp (Ined), theo đó mỗi giây có 2,7 công dân mới, mỗi năm dân số thế giới tăng thêm 89 triệu người (150 triệu sinh ra và 61 triệu người qua đời). Liệu Trái Đất có đủ sức gánh vác 10 tỉ dân vào năm 2050 ? Ký chung một bài viết trên Le Monde, khoảng 20 nhà khoa học và chủ doanh nghiệp, cùng rung hồi chuông báo động và kêu gọi « kìm hãm mức tăng dân số ». Theo họ, đây là nguyên nhân làm đảo lộn môi trường và khí hậu và « kéo hành tinh chúng ta đến thảm họa thực sự ». Khuyến cáo được đưa ra là cần tài trợ các chương trình kế hoạch hoá gia đình và tránh thai, đặc biệt là ở châu Phi. Dù có nhiều chương trình hành động được khuyến cáo để hạn chế hiện tượng Trái Đất nóng lên (dùng bóng đèn tiết kiệm năng lượng, ô tô hybrid chạy xăng điện...), nhưng theo hai nhà khoa học Seth Wynes và Kimberly Nicholas, thuộc đại học Lund (Thụy Điển), « bớt một đứa con là giải pháp tốt nhất cho môi trường ». Khuyến cáo này từng bị chỉ trích, nhưng một lần nữa lại trở thành chủ đề thời sự sau khi AFP đăng lại một biểu đồ về hiện tượng này nhân dịp khối GIEC công bố một báo cáo mới về biến đổi khí hậu vào tháng 10/2018. Câu hỏi đặt ra : « Trái Đất có khả năng chứa bao nhiêu người ? » Ngay từ năm 1679, nhà nghiên cứu tiên phong người Hà Lan về sinh học tế bào, Antoni van Leeuwenhoek, cho rằng không quá 13,4 tỉ. Từ đó, nhiều nghiên cứu khác đưa ra số liệu mới : từ vài trăm triệu đến vài chục tỉ. Năm 2017, trong một diễn đàn chung trên tạp chí BioScience, 15.000 nhà khoa học từ 184 nước khẳng định khả năng tiếp nhận của Trái Đất đã đạt đến giới hạn, nhưng không đưa ra con số cụ thể, đồng thời kêu gọi « xác định lâu dài tổng dân số (mà Trái Đất) có thể chịu được ». Thực vậy, một cá nhân tiêu thụ càng nhiều nguồn tài nguyên thì họ chừa lại càng ít cho những người khác. Hiện tại, nhân loại cần đến 1,5 Trái Đất để hưởng được các dịch vụ của thiên nhiên, với mức tiêu thụ hiện nay. Vì vậy, hàng năm, tổ chức Global Footprint Network công bố « ngày vượt giới hạn », có nghĩa là ngày nhân loại đã tiêu thụ hết tài nguyên mà Trái Đất có thể tái tạo trong một năm. Trong thập niên 1970, mốc này là ngày 29/12, đến năm 2018, ngay từ ngày 01/08, nhân loại bắt đầu ăn lạm vào nguồn tài nguyên. Thay đổi cách sống Nhà nghiên cứu Jacques Véron, Viện Nghiên cứu Dân số (Ined), nhấn mạnh : « Giảm bớt bất bình đẳng là thách thức lớn nhất của dân số tương lai ». Thực vậy, 80 quốc gia thiếu nước, 1/5 dân số thế giới không có nguồn nước sạch và một tỉ con người không đủ ăn. Một nghiên cứu do tổ chức phi chính phủ Mỹ Union of Concerned Scientists công bố tháng 10/2017 chỉ đích danh 90 công ty chính chuyên sản xuất dầu lửa, khí đốt, than và xi măng gây ra 57% lượng khí CO2 trong khí quyển, một nửa của mức tăng nhiệt độ trên thế giới và khoảng 30% mức tăng của mực nước biển so với năm 1880. Một nguyên nhân khác được tổ chức Grain công bố là do « các tập đoàn công nghiệp sản xuất thịt và sản phẩm sữa ». Theo tổ chức phi chính phủ này, 20 tập đoàn lớn nhất -trong lĩnh vực trên - phát thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính hơn cả toàn nước Đức cộng lại. Theo khuyến nghị của Grain, « nếu muốn nuôi sống cả hành tinh mà vẫn chống biến đổi khí hậu, thì thế giới phải nhanh chóng đầu tư vào việc chuyển hướng sang các hệ thống cung cấp thực phẩm dựa trên các nhà sản xuất nhỏ, nông nghiệp sinh thái và các chợ địa phương ». RFI
......

BỒN CẦU BILL GATES & Ô TÔ VƯỢNG VIN

Tỷ phú Bill Gates vừa cho ra mắt chiếc bồn cầu không cần nước và ống xả, sử dụng hóa chất để biến chất thải thành phân bón. Ông cho biết, đây là “đứa con tinh thần” ấp ủ suốt 7 năm qua với gói đầu tư trị giá hơn 200 triệu USD của dự án nghiên cứu thuộc quỹ Bill & Melinda Gates. Giới thiệu tại cuộc triển lãm Bắc Kinh 6/11 vừa qua, Bill Gates cầm trên tay một chiếc lọ đựng phân người để minh họa cho “giá trị mới” từ chiếc bồn cầu thông minh này, và tầm quan trọng đến tuyệt kỳ của nó trong mục tiêu cải thiện vệ sinh con người. Việc phát minh ra chiếc bồn cầu Bill Gates, có thể giúp cứu sống trên 500.000 người và tiết kiệm trên 200 tỷ USD/ mỗi năm. Hàm lượng trí tuệ và giá trị nhân bản, dù chỉ là một chiếc bồn cầu. Doanh nhân thế giới, với tư duy và phẩm cách như Bill Gates, không ít. Thậm chí nhiều người di chúc ngay lúc thịnh vượng nhất, rằng để lại 99% tài sản cho xã hội. Các đại gia, tỷ phú Việt ngược lại, đa phần chỉ chúi đầu von vén cho gia đình, dòng tộc, cháu con. Ai chỉ cho tôi xem, có được sản phẩm made in Việt Nam nào đủ ngửng đầu để khoe cùng thế giới? Doanh nghiệp Việt, những tỷ phú, đại gia như Vượng Vin có gì, ngoài việc ăn vào đất, giàu lên nhờ đất. Đến một đô thị lớn và phát triển năng động như Đà Nẵng, bao năm rồi vẫn không có nổi doanh nghiệp nào ra hồn, quanh đi quẩn lại cũng chỉ toàn mấy tay cò đất. Một Bill Gates rót hàng trăm triệu USD đầu tư nghĩ cái bồn cầu cho dân. Một Vượng Vin nghĩ cách lấy đất của dân xây “giấc mơ ô tô” cho mình. *** “Giấc mơ Việt Nam” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng mơ thế khi cắt băng khánh thành nhà máy ô tô Vinfast, gọi những chiếc xe Vinfast là “giấc mơ Việt”. Tôi thấy khôi hài. Chiếc ô tô Vinfast đang được tâng bốc ồn ào như “niềm tự hào Việt”, thực chất có phần trăm nào thuộc tư duy và chất xám Việt Nam? Hoàn toàn không. Công nghệ Đức, tư duy Đức, đến cái bu loong cũng Đức. “Trí tuệ Vượng” có gì ngoài… đất? Xã hội hiện đại, cái gì người khác làm tốt rồi, kẻ đi sau chỉ nên theo khi có thể làm tốt hơn. Đi sau, những sản phẩm bắt chước nếu chỉ tệ kém hơn, thì mãi mãi vẫn là thằng bắt chước, khó thoát kiếp ăn mày. Nó cũng chẳng khác chi chuyện mấy anh nông dân miền Tây năm nào hí hoáy chế ra một chiếc “trực thăng bay” rè rè trên ruộng lúa. Vậy mà báo chí ca ngợi ngút trời, như thể một tài năng sáng tạo. Tôi cười không nhặt được mồm. Ngợi ca chi mấy chàng nông dân tập tò “phát kiến” ra cái nguyên lý bay mà loài người đã phát hiện từ hơn 200 năm trước. Nhìn ở nghĩa này, ô tô Vượng Vin khác gì mấy chiếc “trực thăng bay” của những anh hai lúa miền Tây. Thay vì cướp đất dân khoanh lô bán nền, xây những “giấc mơ Vinfast”, hãy trả lại đất cho dân, bắt tay cùng nông dân đầu tư cho một môi trường và công nghệ nông nghiệp hiện đại. Hoặc hướng đến một chiếc bồn cầu như Bill Gates thử xem? Và không chỉ những doanh gia trọc phú như Vượng Vin, điều này là muốn nói với cả các bộ óc quản trị quốc gia. Đừng chúi đầu chạy theo những giấc mơ “Cờ Lờ Mờ Vờ” thế. Trong vô vàn những mục tiêu phát triển, chưa phát được cái gì, thôi thì trước hết cố làm cho ra một cái bồn cầu, một hệ thống nhà xí đàng hoàng, lịch sự văn minh, thay chuyển chuyện ỉa đái của dân chúng, há chẳng trí tuệ và nhân bản hơn những “giấc mơ Vượng Vin” sao? Fb. Trương Duy Nhất
......

Ăn chuối mỗi ngày, được gì và mất gì?

Chuối là loại quả vô cùng tốt cho sức khỏe. Nhiều chuyên gia khuyên nên ăn 1 trái chuối mỗi ngày để tăng cường sức khỏe. Dưới đây là những công dụng tuyệt vời với sức khỏe của bạn nếu ăn 1 quả chuối mỗi ngày. Cải thiện tiêu hóa: Chuối có khả năng cải thiện tiêu hóa mà không gây kích ứng. Loại trái cây này cũng chứa tinh bột khó được tiêu hóa và hỗ trợ vi khuẩn khỏe mạnh phát triển. Ngoài ra, nếu bạn đang bị khó tiêu hoặc ợ nóng, chuối là một loại trái cây rất tốt. Chuối có thể ăn sau khi tiêu chảy vì nó bổ sung các khoáng chất đã bị mất. Giảm huyết áp: Nếu bạn bị huyết áp thấp, ăn 2 quả chuối mỗi ngày sẽ làm cho huyết áp trở lại bình thường. Điều này là do chuối chứa khoảng 420 gam kali. Kali giúp cân bằng các tác động tiêu cực của muối, do đó làm giảm huyết áp của bạn. Giúp giảm cân: Chuối cũng có thể giảm cân nếu bạn ăn hai quả chuối nhỏ mỗi ngày. Đó là do hàm lượng chất xơ cao trong chuối sẽ giữ cho dạ dày của bạn đầy trong một khoảng thời gian dài hơn. Chuối cũng chứa tinh bột giúp giảm sự thèm ăn và ngăn tăng cân. Làm giảm nguy cơ thiếu máu: Chuối làm giảm nguy cơ bị thiếu máu (do thiếu sắt trong máu). Điều này có thể làm thiếu cơ thể thiếu hồng cầu (hemoglobin) và mệt mỏi. Ăn 2 quả chuối mỗi ngày sẽ làm tăng lượng sắt bằng cách kích thích sự hình thành các tế bào hồng cầu mới. Chuối bù đắp sự thiếu hụt vitamin: Chuối rất giàu vitamin B6. Vitamin này có thể giúp sản xuất hemoglobin, insulin và axit amin cần thiết để tạo ra các tế bào khỏe mạnh. Chuối cũng chứa vitamin C giúp trung hòa các gốc tự do có hại. Chuối tăng cường tâm trạng: Chuối làm giảm mức độ căng thẳng và cải thiện tâm trạng của bạn bởi vì chúng chứa tryptophan. Tryptophan là một chất cơ thể cần để sản xuất serotonin - hormone hạnh phúc. Ngoài ra, chuối cũng chuối chứa nhiều magiê có khả năng cải thiện chất lượng giấc ngủ. Tăng cường năng lượng: Ăn hai quả chuối trong bữa sáng sẽ làm tăng năng lượng bên trong bạn. Đó là do hàm lượng kali có trong chuối cung cấp năng lượng cho cơ thể. Chuối cũng là một bữa ăn nhẹ hoặc món tráng miệng tuyệt vời.
......

6 món ăn ngon lại chứa đầy ký sinh trùng

Thức ăn chính là nguồn đưa ký sinh trùng vào người. Những thực phẩm sau đây chứa nhiều ký sinh trùng nhất. Bạn cần phải xem kỹ trước khi ăn để tránh rước bệnh vào người. Chúng ta thường xem tin tức về những bệnh nhân có hàng ngàn ký sinh trùng tồn tại trên cơ thể và cảm thấy vô cùng sợ hãi. Nhưng lại nghĩ rằng đó là những trường hợp cá biệt. Theo các bác sĩ thì việc ký sinh trùng “sống chung” trong cơ thể người không phải là bệnh hiếm gặp, chỉ là mắt thường ít nhìn thấy hoặc bệnh chưa nặng đến mức có biểu hiện rõ rệt. Việc ăn chín uống sôi tưởng chừng như là điều bình thường ai cũng biết. Thế nhưng thói quen ăn sống, ăn tái, đặc biệt là đối với những món thịt vẫn diễn ra phổ biến và hầu như ít người quan tâm đến tác hại. Theo các chuyên gia dinh dưỡng và sức khỏe, sau đây là 5 món ăn có chứa nhiều ký sinh trùng nhất. Khuyến cáo chúng ta nên đặc biệt cẩn thận khi ăn. Nếu không để ý, mỗi bữa ăn của bạn có thể trực tiếp đưa vào cơ thể hàng ngàn ký sinh trùng.   1. Thịt bò tái, bít tết Món thịt bò khi đưa lên miệng, bên trong vẫn còn nguyên màu máu đỏ, đặc biệt là món bít tết với khối thịt dày mà chỉ nướng sơ qua. Theo các chuyên gia sức khỏe, ăn bò tái là cách nhanh nhất đưa ký sinh trùng vào cơ thể một cách nghiêm trọng. Thịt bò thông thường có chứa ký sinh trùng sán dây, màu trắng đục, thân dẹt phẳng, có nhiều đốt, có chiều dài từ 4-8 mét. Loại ký sinh trùng này gây hại không lường hết cho sức khỏe của người bệnh. Nhưng chúng ta hiện nay lại có thói quen ăn thịt bò tái vì nhiều người cho rằng ăn tái thơm ngon và không bị dai so với thịt bò chín. Để đảm bảo an toàn và sức khỏe, các chuyên gia khuyên bạn nên nấu chín thịt bò trước khi ăn. 2. Gỏi cá sống Người có thói quen trong ăn uống thường thích ăn món gỏi cá, hay còn gọi là sashimi, sushi theo cách ăn của người Nhật. Do món cá sống có hương vị đặc biệt, tươi ngon nên nhiều thực khách dù biết có thể có ký sinh trùng nhưng vẫn không cưỡng lại được sự hấp dẫn của nó. Cá sống chứa nhiều ký sinh trùng sán lá gan và các ký sinh trùng khác. Loài ký sinh này khi xâm nhập vào cơ thể sẽ nhanh chóng đi vào gan và túi mật, làm hỏng gan nhanh chóng. Khi phát bệnh, cơ thể bắt đầu có dấu hiệu đau nhức, đầy hơi kèm theo đau bụng. Nếu kiểm tra sẽ thấy chức năng gan hoạt động bất thường. 3. Lươn Lươn là món ăn bổ dưỡng, tuy nhiên nếu bạn không nấu chín kỹ (chẳng hạn như ăn lẩu, chỉ nhúng sơ qua) thì đây chính là món ăn gây ra nhiều ký sinh trùng vào cơ thể. Do đặc điểm môi trường sống trong vùng nước đọng lâu ngày là điều kiện thuận lợi khiến cho lươn bị nhiễm ký sinh trùng. Khi vào thời điểm mùa sinh của ký sinh trùng, tỉ lệ nhiễm trùng của lươn có thể lên tới hơn 50%. Lươn được xem là loài có tỉ lệ nhiễm ký sinh trùng cao, đặc biệt là ấu trùng giun tròn. Khi ấu trùng này xâm nhập vào cơ thể, nó sẽ nhanh chóng tấn công lên vùng mắt, gây ra mù lòa. Cần chú ý khi nấu món này phải thật chín kỹ, nhiệt độ đủ làm cho nước nóng sôi và tối thiểu phải đun sôi từ 4-5 phút mới có thể ăn. 4. Tôm hùm Hiện nay nguồn nước bị ô nhiễm nên dẫn đến một trong số loại bị nhiễm ký sinh trùng có tỉ lệ cao đó là tôm hùm. Khi chúng ta ăn tôm chưa được nấu chín kỹ, ký sinh trùng đi theo món ăn nhanh chóng vào cơ thể, đặc biệt là loài sán lá phổi. Khi ăn món tôm hấp hoặc nướng chưa đủ chín, sán lá phổi sẽ tiếp cận nhanh vào phổi và ký sinh trong đó khiến người nhiễm bệnh gặp bất lợi lớn về sức khỏe. Biểu hiện khi bị nhiễm ký sinh trùng này là ho, đau ngực, ho ra máu, nghiêm trọng hơn có thể gây chảy máu vùng phổi. Hãy nhớ rằng phải chế biến tôm hùm thật chín kỹ, không ăn vùng vỏ ngoài. 5. Ốc Ốc là 1 món ăn được nhiều người ưa chuộng đặc biệt là các bạn trẻ bây giờ. Nhưng loại ốc khi luộc không chín khi ăn vào thì nguy cơ tiềm tàng bạn bị nhiễm ký sinh trùng giun ống là rất cao. Vì đa phần khi ăn ốc đều luộc sơ qua rồi ăn ngay khi vừa trên bếp đưa xuống, ký sinh trùng giun ống tròn (tên khoa học là Angiostrongylus cantonensis) sẽ xâm nhập vào cơ thể. Sau khi bị nhiễm, ký sinh trùng giun ống tròn này có thể xâm nhập vào não, gây ra bệnh viêm màng não. Ốc đồng sống trong môi trường ao hồ đầm lầy nước đọng, dễ bị ô nhiễm nên không chỉ có ký sinh trùng giun ống mà còn có rất nhiều loại ký sinh trùng khác. Ghê sợ hơn, mỗi con ốc có thể chứa tới từ 3000-6000 ký sinh trùng giun ống. Vì thế các chuyên gia khuyến cáo, nếu ăn ốc, bạn phải nấu thật chín. Tuyệt đối không nên ăn ốc chín tái. 6. Ếch, nhái: Nhiễm sán nhái sparganosis Những món ăn đặc sản như ếch, nhái nhiễm ấu trùng sán nhái không được nấu chín kỹ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thì rất dễ có nguy cơ mắc phải bệnh sán nhái sparganosis. Hơn nữa, ở một số địa phương, người dân có tập tục dùng thịt ếch, nhái sống đắp vào da hoặc mắt để chữa bệnh viêm tấy tại chỗ; ấu trùng sán sẽ chui vào da, mắt và gây nên khối u ở đó. Thực tế, ấu trùng sán có thể ký sinh ở mắt, ở da, thậm chí ở vùng màng ruột, thận, bàng quang, phổi, xoang ngực, tim và mô não. Tiên lượng bệnh nặng khi ấu trùng sán nhái xâm nhập sâu vào bên trong. Quy tắc ăn an toàn: Bắt buộc nấu chín kỹ các món liên quan đến ếch, nhái và rắn. Trong môi trường tự nhiên, sparganosis có thể chịu được thay đổi nhiệt độ từ -10 ℃ – 56 ℃. Ở nhiệt độ lạnh (-20˚C), sau 2 giờ sán mới chết, còn ở nhiệt độ 56 ℃ thì sau 5 phút sán mới chết. Chúng có thể tồn tại trong thể động vật từ vài năm đến 30 năm. Các chuyên gia cho rằng, việc cảnh báo về tác hại của ký sinh trùng trong các thực phẩm sống là việc họ cần phải làm thay vì cho rằng họ nói ra điều đó gây hoang mang cho thực khách “mê” những món tươi sống và món tái. Therealtz © VietBF
......

Bí quyết làm sạch mạch máu: 10 phút gập duỗi chân mỗi ngày

Nếu một ống nước không được làm sạch, các vết bẩn sẽ bám chặt vào thành ống, gây nên tắc nghẽn và trầm tích. Sau một thời gian dài, ống nước sẽ bị hư hỏng và rò rỉ.   Mạch máu của chúng ta cũng vậy; tất cả các mạch máu trong cơ thể đều được liên kết với nhau, với tổng chiều dài hơn 150.000 km. Với một “đường ống” dẫn máu dài như vậy, đương nhiên, rất dễ bị tắc nghẽn. Khi nó bị tắc, cơ thể có thể “sụp đổ” ngay lập tức. Theo thống kê, tử vong do bệnh huyết khối gây ra chiếm 51% trong tất cả các trường hợp tử vong trên toàn thế giới, vượt xa khối u, chết vì bệnh truyền nhiễm, và các bệnh khác gây ra bởi hô hấp và khí quản.   Huyết khối tắc ở đâu đều có thể gây ra tử vong   “Thủ phạm” đầu tiên gây tắc nghẽn mạch máu chính là tắc động mạch hay còn gọi là “cục máu đông”, nó giống như nút chai tắc nghẽn các mạch máu trong cơ thể.   Trong điều kiện bình thường, cơ thể sẽ tự phá vỡ những cục máu đông, nhưng do tuổi tác, căng thẳng cuộc sống, ít vận động và các lý do khác, quá trình phá vỡ cục máu đông của cơ thể bị chậm lại. Một khi huyết khối không thể bị phân hủy, nó sẽ tích tụ trên thành mạch máu và có thể di chuyển trong dòng lưu thông máu.   Tắc động mạch bất luận ở đâu, cũng đều có thể ảnh hưởng tính mạng.. Nếu tắc động mạch tại động mạch cổ, có thể dẫn đến nhồi máu não.   Nếu cục máu đông đi tới đường ruột có thể gây chảy máu ruột, ruột thiếu máu hoại tử, không kịp thời cứu chữa sẽ dẫn đến tử vong. Cục máu đông chạy tới thận, có thể dẫn đến tổn thương thận, thậm chí nhiễm độc.   Phương pháp điều trị trong 10 giây   Chỉ 10 giây nhưng có thể giúp làm sạch mạch máu và ngăn ngừa huyết khối. Thực hành động tác này, thông qua sự chuyển động của khớp mắt cá chân, đóng vai trò như một máy bơm, tăng tuần hoàn máu ở các chi dưới và ngăn ngừa sự hình thành huyết khối.   Phương pháp cụ thể   Dùng toàn bộ sức kéo gập bàn chân trong 10 giây sau đó lại dùng toàn bộ sức kéo căng , làm đi làm lại, trước khi bị đau thì hạ xuống, không giới hạn số lần, càng nhiều càng tốt.   Mỗi lần kéo gập chân, kéo căng chân cố gắng đạt đến biên độ lớn nhất, động tác phải dùng hết sức có thể từ từ chậm rãi, 2 chân cùng thực hiện đồng thời hiệu quả sẽ càng cao.   Các bài thuốc tự nhiên   Trong hoạt động thường nhật, mọi người cũng có thể phối hợp với các thực phẩm tan máu đông, có thể tăng thêm hiệu quả.   Các loại đậu   Các nhà khoa học y học Nhật Bản đã phát hiện ra rằng đậu đen Trung Quốc có chứa một lượng lớn urokinase có thể làm tan cục máu đông. Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là bột đậu tương sản sinh ra một lượng lớn vitamin B và kháng sinh. Vì vậy, họ tin rằng người cao tuổi ăn nhiều đậu tương có thể có hiệu quả ngăn ngừa hình thành và làm tan huyết khối.   Còn một cách nhìn khác cho rằng bột đậu nành chứa một lượng lớn các hoocmon có thể làm tan cục máu đông và có hiệu quả ngăn ngừa sự hình thành huyết khối trong não. Nói tóm lại, ăn các loại hạt đậu có hiệu quả trong việc cải thiện lưu thông máu trong não.   Ăn như thế nào: Kết hợp đậu với các loại rau của quả hoặc những loại thực phẩm mà bạn yêu thích, nên ăn ít nhất 50g mỗi ngày.   Những khi chế biến đậu nành đừng cho quá nhiều muối như thế dễ gây nên các bệnh về tim mạch đột quỵ, hoặc cao huyết áp.   Rau quả   Cà chua có nhiều chất dinh dưỡng có lợi ích đối với sức khỏe con người. Axit hữu cơ như axit malic và axit xitric trong cà chua cũng giúp tiêu hóa, và điều hòa chức năng dạ dày – ruột.   Cà chua có chứa axit axetic, có thể làm giảm mức cholesterol và giúp tăng lipid máu, giúp cầm máu, giảm huyết áp và cholesterol. Ăn 1-2 quả cà chua mỗi ngày có thể làm tăng sự linh hoạt của mạch máu, giải thể và làm sạch cục máu đông, ngưng chảy máu nướu răng, tăng cường khả năng chống lại ung thư, rất có lợi cho người cao huyết áp và bệnh tim.   Các loại hạt   Hạt óc chó có chứa arginine, giúp giảm xơ cứng động mạch và giữ cho các động mạch đàn hồi. Nó cũng chứa các chất chống oxy hoá và axit alpha-linolenic, góp phần tăng sức khoẻ động mạch.   Hiệp hội Dinh dưỡng Mỹ khuyến cáo mọi người ăn quả óc chó 2 hoặc 3 lần một tuần tốt nhất, đặc biệt là những người phụ nữ lớn tuổi và sau mãn kinh, bởi vì quả óc chó giúp bảo vệ tim mạch, có chứa arginine, axit oleic, chất chống oxy hóa. Nhưng đừng lạm dụng nó mỗi ngày, sử dụng 3 ~ 5 lần mỗi tuần có thể gây hại cho cơ thể.   Mỗi ngày ăn một bông cải xanh giúp thanh lọc máu   Bông cải xanh chứa nhiều flavonoid, là chất làm sạch máu rất tốt, có thể làm sạch cholesterol một cách hiệu quả, đồng thời ngăn ngừa sự tập trung tiểu cầu và giảm tỷ lệ mắc bệnh tim.   Trái óc chó giàu phốt pho, có thể nuôi dưỡng thần kinh trong não, nhưng cũng chứa rất nhiều axit linoleic kết hợp với bông cải xanh làm thức ăn có thể làm tăng chức năng làm sạch các mạch máu.   Canh rong biển măng tây giúp hạ huyết áp   Rong biển khô giàu taurine, có thể bảo vệ cơ tim, tăng cường chức năng tim, và ngăn ngừa sự xuất hiện của cao huyết áp và xơ vữa động mạch vành.   Măng tây chứa nhiều axit amin, khoáng chất, saponin, flavonoid và các thành phần khác để làm sạch mạch máu, bệnh nhân có độ lipid máu cao nên thường xuyên ăn.   Canh mộc nhĩ    Tremella polysaccharides trong mộc nhĩ có thể diệt vi khuẩn tự do, thúc đẩy quá trình cơ thể sản xuất kháng thể và interferon để điều trị chứng xơ cứng mạch máu.   Mộc nhĩ đen có chứa polysaccharides, có hiệu quả ngăn ngừa sự hình thành của huyết khối, đồng thời có thể ngăn ngừa cholesterol lắng đọng máu và ngưng tụ, có thể cho mạch máu được “giảm béo”. Huyết khối là một kẻ giết người ẩn mình, 99% ca tắc động mạch không có bất kì biểu hiện gì.   Các chuyên gia khuyên bạn nên sử dụng phương pháp chống huyết khối trong 10 phút đơn giản và thiết thực này. Bạn có thể làm điều đó trước khi đi ngủ. Hãy chia sẻ nó với người mà bạn quan tâm.  
......

Thải độc và dưỡng sinh với ‘huyệt vạn năng’ chỉ 3 phút mỗi ngày

Đây được mệnh danh là “Huyệt vạn năng” bởi khả năng hỗ trợ trị liệu tới hơn 90 loại bệnh khác nhau. Hợp là sự kết hợp lại, cùng nhau, Cốc là khe, khoảng không giữa 2 dòng suối. Huyệt nằm ở khe chính giữa điểm kết nối của ngón tay cái và ngón tay trỏ nên người xưa gọi là huyệt hợp cốc.  Trên tay chúng ta có một huyệt vị, được mệnh danh là ‘Huyệt vạn năng’ của cơ thể, đó chính là huyệt hợp cốc. Hợp là sự kết hợp lại cùng nhau, Cốc là khe, khoảng không giữa 2 dòng suối. Huyệt nằm ở khe chính giữa điểm kết nối của ngón tay cái và ngón tay trỏ, người xưa gọi là huyệt hợp cốc. Khi mở rộng 2 ngón tay cái và ngón trỏ ra, bàn tay xòe rộng như miệng hổ, nên còn được gọi là hổ khẩu. Theo Đông y, nó có thể có tác dụng điều trị tới hơn 90 loại bệnh nặng nhẹ khác nhau. Đây được mệnh danh là ‘huyệt vạn năng’ của cơ thể. Trung Quốc đã từng có bác sỹ chỉ chuyên dùng huyệt này để điều trị bệnh, chữa hiệu quả và thành công nên được tôn vinh là “Bác sỹ huyệt hợp cốc”. Vậy công dụng nổi bật nhất của huyệt này là gì?    1. Giảm đau Hợp cốc là huyệt thứ tư của Kinh Đại Trường, một trong lục huyệt trị bệnh ở vùng mắt, đầu, miệng. Kinh Đại Trường và Kinh Thủ thái âm phế tương hỗ trong ngoài. Phía trên huyệt hợp cốc nối với Kinh Thủ thái âm phế và cạnh mũi, phía dưới nối với Kinh Túc dương minh vị và ngón trỏ. Điều này cũng có nghĩa là bất cứ bộ phận nào đi qua Kinh Đại Trường, từ ngón trỏ đi qua cánh tay và bả vai cho tới tất cả khuôn mặt đều có thể chịu sự tác động ảnh hưởng của huyệt đạo này. Khi những bộ phận này bị đau đều có thể thông qua ấn huyệt để xoa dịu. Đau răng, đau đầu, đau vai, đau bụng kinh…đều có thể bấm vào nó để làm dịu nhẹ. Hợp là sự kết hợp lại, cùng nhau, Cốc là khe, khoảng không giữa 2 dòng suối. Huyệt nằm ở khe chính giữa điểm kết nối của ngón tay cái và ngón tay trỏ, người xưa gọi là huyệt hợp cốc.  2. Làm đẹp, dưỡng nhan, hỗ trợ trị liệu các bệnh ở đầu Đại Trường kinh có tác dụng điều chỉnh quan trọng tới ngũ quan trên khuôn mặt chúng ta. Theo Đông y, đây là huyệt vị cần nhớ tới đầu tiên khi bị đau ở vùng đầu và mặt. Nghĩa là, khi xuất hiện các triệu chứng bệnh ở vùng đầu, mặt như đau đầu, liệt mặt, sốt, khô miệng, đau họng đều có thể bấm vào huyệt vị này để hỗ trợ làm dịu. Khi áp dụng kiến thức y học cổ truyền vào quá trình làm đẹp, các chuyên gia đều biết tới tác dụng của huyệt Hợp cốc. Kiên trì ấn huyệt vị này, người bị mụn trứng cá, nám da, dị ứng, da nhạy cảm và các bệnh bên ngoài da đều có tác dụng hỗ trợ trị liệu hiệu quả.   3. Hỗ trợ phòng ngừa và điều trị cao huyết áp Những người huyết áp không ổn định hay bị say xe, có thể bấm huyệt vị này để ổn định tình hình. Nó vừa có tác dụng phòng bệnh, vừa có thể chữa bệnh, nên có thể bấm vào nó hằng ngày.   4. Hỗ trợ điều trị các vấn đề về dạ dày, đại tràng Hợp cốc có tác dụng trị liệu hiệu quả các chứng bệnh liên quan tới dạ dày, đại tràng. Do huyệt vị nằm trên Kinh Túc dương minh vị, nên sẽ kết nối từ đại tràng xuống chân, kích thích huyệt này sẽ mang lại tác dụng thông khí cho dạ dày và lá lách, hỗ trợ điều chỉnh các vấn đề trong dạ dày, đại tràng. Theo Đông y, thường xuyên ấn vào huyệt vị này có thể hỗ trợ giúp ổn định chức năng Tỳ vị, cải thiện chức năng tiêu hóa. Đây được xem là “bạn đồng hành” của người mắc bệnh đau dạ dày, buồn nôn, nôn ói, táo bón, đi tả, trướng bụng… Hợp cốc là huyệt vị cần nhớ tới đầu tiên khi bị các bệnh ở đầu và mặt (Ảnh: read01.com) 5. Được mệnh danh là ‘viên thuốc cảm” tự nhiên Theo kinh nghiệm của y học cổ truyền, khi xuất hiện các triệu chứng cảm nhẹ, có thể ấn huyệt hợp cốc ở tay trái và phải 100 lần, lực ấn hơi mạnh lúc cảm thấy hơi đau tê một chút sẽ đạt được hiệu quả trị liệu không ngờ. Kinh Dương minh đại tràng trên bàn tay là kết nối với Kinh Thái âm phế, nếu thường xuyên bấm vào huyệt này có thể thúc đẩy chức năng hoạt động của hệ miễn dịch, nâng cao khả năng phòng ngừa và chống lại các loại bệnh khi thời tiết giao mùa. Bấm huyệt hợp cốc có thể khơi thông tuyến mồ hôi, tăng cường khả năng bài tiết mồ hôi, có ích lợi trong việc phòng tránh và điều trị các bệnh liên quan đến phong hàn, phong nhiệt, thể chất hư nhược, cảm mạo.   6. Là huyệt vị cấp cứu quan trọng Vào mùa hè thời tiết oi bức, có rất nhiều người thể chất yếu dễ bị cảm nắng, mệt lả… Khi gặp tình trạng này, có thể dùng tay ấn vào huyệt Hợp cốc, liên tiếp trong vòng 2 -3 phút, có thể hỗ trợ làm giảm các triệu chứng trên. Cách xác định vị trí: Giơ bàn tay lên, sờ vào vùng lõm của điểm giao kết giữa ngón trỏ và ngón cái, phần lõm sâu sát với xương nối chính là huyệt hợp cốc. Hợp cốc là huyệt vị quan trọng trong hệ thống kinh lạc của cơ thể (Ảnh: drugsofcanada.com) Lợi thế của huyệt hợp cốc là vị trí thuận tiện, dễ xác định. Có thể dùng ngón tay cái của tay này bấm huyệt cho tay kia vào bất kỳ thời gian nào trong ngày mà không cần phải chuẩn bị. Khi xác định đúng được vị trí huyệt, khi ngồi tàu xe, máy bay, lúc nghỉ ngơi xem Tivi, thậm chí, trong khi làm việc bạn cũng có thể dừng tay bấm khoảng 1-3 phút. Vừa bấm vừa và ấn nhẹ sẽ càng tăng hiệu quả. Lưu ý: Đây là huyệt vị tác động mạnh lên toàn cơ thể, những người thể trạng yếu hoặc người bị bệnh đang trong thời gian mệt mỏi thì không nên bấm vì tính kích thích của huyệt khá cao. Phụ nữ có thai cũng không nên bấm huyệt này. Theo Secretchina Kiên Định biên dịch
......

Lĩnh ngộ được 5 chữ ‘không’ này thì phúc phận tràn đầy

Đời người đổi thay như đất trời đủ 4 mùa: thu – đông – xuân – hạ. Mùa xuân tuổi trẻ, khí chất bừng bừng, rong ruổi trên đường gió bụi. Mùa đông xế bóng, là lúc phải nghĩ đến dưỡng thân và dưỡng tâm. Bởi thế, nhân sinh mới có 5 chữ không này ai ai cũng cần thấu hiểu.    1. Việc không làm Không làm việc vô nghĩa, không làm việc quá sức, không làm việc khiến mình hối hận về sau. Hãy sống thuận theo quy luật đất trời và học cách chấp nhận. Nếu không có được những gì mình yêu thì hãy yêu những gì mình đang có.   2. Điều không nhìn Nhìn bằng hai mắt, chi bằng nhìn bằng một mắt. Nhắm một mắt, mở một mắt sẽ tốt hơn. Tính toán chẳng phải kẻ thông minh. So đo quá không thành người quân tử. Có những chuyện phải biết buông tâm, nâng lên được thì cũng đặt xuống được.   3. Việc không quản Đừng nghĩ cách thay đổi người khác, trước hết hãy thay đổi thái độ của mình.   “Không cô thì chợ vẫn đông”, trong đời chớ bao giờ xem mình là người quan trọng nhất. Việc không cần quản, chớ nhọc sức đi làm. Người không cần quản, chớ tổn trí hao tâm. Nghĩ cho mình một chút, tìm kiếm một niềm vui, bớt dần những hằn học. Được vậy, còn lo chi đời chẳng đẹp tươi? Nghĩ cho mình một chút, tìm kiếm một niềm vui, còn lo chi đời chẳng đẹp tươi. (Ảnh: pngtree.com) 4. Điều không cho Về già, hãy giữ cho mình chút vốn liếng. Những gì không thể chi trả thì đừng chi trả. Những gì không thể cho cũng đừng vội vã cho đi. Để lại cho con cháu càng ít thì con cháu càng hiền minh. Thứ gì cũng đem cho thì con cháu trở thành kẻ ỷ lại, há miệng chờ sung. Tự lực cánh sinh mới là làm người một cách chân chính.   5. Không chờ đợi Cuộc sống là không chờ đợi. Đợi chờ quá khứ, tương lai chi bằng sống hết mình cho hiện tại. Nhưng đời người có biết bao thứ khiến người ta phải đợi, phải chờ. Đợi nghỉ hưu, đợi tiền tiết kiệm, đợi con cái trưởng thành…  Cuối cùng là đợi đến lễ cử hành tiễn biệt của chính bản thân mình. Nhân sinh như mộng, một giấc mộng thoáng qua, như hoa rơi, nước chảy cứ mãi vô tình. Trăm năm tựa như ánh chớp hư không, chợt lóe lên rồi chìm sâu vào màn đêm đầy uẩn khúc. Việc đáng làm thì hãy đi làm. Người đáng gặp thì hãy kết duyên. Nhất định phải sống thật tốt. Nhất định phải cảm thụ được ý nghĩa của sinh mệnh của mình. Bởi con người chính là tinh hoa của vũ trụ… Tiểu Phi
......

Giải Nobel Y học 2018: Liệu pháp giúp hệ miễn dịch tự tấn công ung thư

Hai nhà khoa học James Allison (người Mỹ) và Tasuku Honjo (người Nhật) đã giành được giải Nobel Y học năm 2018 cho một phương pháp tiên phong trong điều trị bệnh ung thư. Vì sao hệ miễn dịch không tấn công tế bào ung thư? Hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể chúng ta khỏi nhiều loại bệnh tật. Vậy bạn có bao giờ tự hỏi tại sao hệ thống miễn dịch không tấn công và loại bỏ các tế bào ung thư? Người ta từng cho rằng đó là bởi tế bào ung thư trông giống tế bào thường nên hệ miễn dịch không đáp lại. Nhưng không hẳn vậy, bởi người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch sau thời gian dài sẽ thấy gia tăng khả năng ung thư, cho thấy hệ miễn dịch có tấn công và loại bỏ ung thư, chỉ là vì sao hệ miễn dịch không tấn công hiệu quả đối với ung thư thì trước đây người ta chưa rõ. Giáo sư James P.  Allison (70 tuổi) là chủ tịch của Immunology và giám đốc điều hành tại Trung tâm Ung thư MD Anderson thuộc Đại học Texas. Ông đã phát hiện ra loại protein CTLA-4 có tác dụng kìm hãm hệ thống miễn dịch, do đó khi kìm chế loại protein này, người ta có thể “mở khóa” – kích thích tế bào miễn dịch tấn công các khối u trong cơ thể. Giáo sư Tasuku Honjo (76 tuổi) tại trường Đại học Kyoto Nhật Bản, trong 34 năm qua đã phát hiện loại protein PD-1 ở tế bào miễn dịch hoạt động như một chất ức chế, nhưng với một cơ chế hoạt động khác. Liệu pháp dựa trên phương pháp của ông đã chứng tỏ được hiệu quả trong việc điều trị chống ung thư. (ảnh: Nobel Prize) Giải thích sơ đồ trên: 2 hệ thống khác nhau được phát triển bởi 2 nhà nghiên cứu thắng giải Nobel năm nay. Ở cả 2 hệ thống, APC là một tế bào miễn dịch có vai trò đưa protein tới tế bào T để nó có thể xác định “mục tiêu” cho hệ miễn dịch. Ở bên trái, nếu CTLA-4 (màu vàng, do GS. Allison nghiên cứu) được gắn vào tế bào T, nó sẽ kìm chế phản ứng miễn dịch. PD-1 (bên phải, do GS. Honjo nghiên cứu) cũng hoạt động tương tự nhưng nó cũng xuất hiện ở cả tế bào ung thư, cho thấy đây là cơ chế để tế bào ung thư “né” bị tấn công bởi hệ miễn dịch. Ủy ban giải Nobel cho biết nghiên cứu khai thác hệ thống miễn dịch cơ thể để tấn công tế bào ung thư của hai vị bác sĩ này được xem là một “bước ngoặt trong cuộc chiến chống ung thư”. Cách tiếp cận này được gọi là lý thuyết trạm kiểm soát miễn dịch, đã “cách mạng hóa điều trị ung thư và cơ bản đã thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về việc có thể kiểm soát ung thư như thế nào,” ủy ban cho biết. Theo GS Allison, ông được ủy ban giải Nobel gọi điện thông báo giải thưởng vào sáng thứ Hai và được cho biết đây là giải thưởng đầu tiên cho liệu pháp điều trị ung thư. “Tôi vẫn còn trong trạng thái hơi sốc và nó còn chưa lắng xuống“, Aliison nói với CNN. “Tôi muốn hét lớn lên với tất cả bệnh nhân ngoài kia, những người đang phải chịu đựng ung thư để họ biết rằng chúng tôi đang có tiến triển.” Allison cho biết ông là một khoa học gia bình thường và không nghiên cứu thứ này để cố gắng chữa trị ung thư. Ông chỉ muốn biết tế bào T hoạt động như thế nào. Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, tế bào T, một loại bạch cầu, là một phần của hệ thống miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng và có thể giúp chống lại ung thư. “Bệnh ung thư giết chết hàng triệu người mỗi năm và là một trong những thách thức sức khỏe lớn nhất của nhân loại“, Ủy ban Giải Nobel viết trên Twitter. “Bằng cách kích thích khả năng của hệ thống miễn dịch cơ thể để tấn công các tế bào khối u, những người đoạt giải Nobel năm nay đã thiết lập một nguyên lý hoàn toàn mới để điều trị ung thư”. Giải Nobel Sinh lý học và Y học được trao 108 lần cho 214 người đoạt giải từ năm 1901 đến 2017. Mai Hoa
......

Ly Hương, Sự Chọn Lựa Nghiệt Ngã!

Cuối cùng cũng đến ngày em gái út cùng chồng và con sang Mỹ định cư. Thế là lại thêm một gia đình người thân nữa của tôi rời bỏ đất nước này. 43 tuổi, em đang có việc làm ổn định ở một doanh nghiệp nhà nước với mức thu nhập vài chục triệu đồng mỗi tháng. Hai vợ chồng có biệt thự, xe hơi và chồng còn sở hữu một cơ ngơi làm ăn riêng, tuy nhỏ nhưng cũng đáng để cho nhiều người phải mơ ước. Vậy mà điều gì đã khiến các em bỏ hết mọi thứ và dắt díu ba đứa con nhỏ dại từ giã quê hương để bắt đầu làm lại cuộc sống nơi xứ người cách đây nửa vòng trái đất? Câu trả lời nghe vẫn quen thuộc như nhiều lần tôi đã từng nghe: “Vì tương lai con cái!”. Vâng! Đó là lý do mà rất nhiều người Việt trong dòng chảy nhập cư nước ngoài những năm gần đây thường  nêu lên để giải thích cho việc ra đi của mình. Thật chua chát khi hơn 40 năm sau ngày 30-4-1975, ký ức “thuyền nhân” lại trở về dưới một dạng thức khác. Lần này, các “thuyền nhân” ra đi không phải trong tâm thế trốn chạy hoảng loạn, vội vã mà là được cân nhắc, chuẩn bị cẩn thận. Không phải trên những chiếc thuyền lênh đênh đầy bất trắc mà là trên những chuyến bay tiện nghi, an toàn. Không phải lén lút, vô định mà là công khai và được chuẩn bị sẵn mọi thứ cho đến khi cầm visa trong tay mới lên đường. Các công ty tư vấn nhập cư dạo này nhan nhản khắp nơi với những chương trình mời gọi đi định cư châu Âu, Mỹ, Canada, Úc…     43 năm sau ngày 30-4-1975 với bao nhiêu cơn sóng thuyền nhân, dòng người ra đi vẫn tiếp diễn! Giờ gặp nhau, người ta hỏi thăm đã có PR (permanent resident) của nước nọ nước kia chưa, như một điều bình thường! Người có tài tìm đường đi theo dạng skill worker hoặc doanh nhân khởi nghiệp. Người có tiền thì bỏ tiền ra mua quốc tịch hoặc “thẻ xanh” cho nhanh. Người ít cả tiền và tài thì hy vọng kiếm được một suất đi lao động nước ngoài rồi tìm đường ở lại bằng đủ cách. Lớp trẻ đi du học hầu hết cũng không muốn trở về. Năm 2014, báo chí thông tin có 12/13 quán quân của cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” không trở về nước sau khi kết thúc thời gian du học ở Úc với học bổng toàn phần cho người chiến thắng chung cuộc. Con số đó đến nay chắc đã tăng thêm sau bốn năm. Tháng 7-2017, Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ công bố báo cáo hằng năm cho thấy Việt Nam đứng trong top 10 nước hàng đầu mua nhà tại Mỹ. Trả lời BBC, tổ chức này cho biết chỉ trong thời gian từ tháng 4-2016 đến tháng 3-2017, công dân Việt Nam đã mua bất động sản tại Mỹ trị giá lên tới 3,06 tỷ USD. Đó là mới tính số tiền chuyển đi để mua nhà tại Mỹ chứ chưa tính ở các nước khác và tất nhiên, đó cũng chỉ là phần nổi của tảng băng! Đất nước như một bao gạo bị thủng để trí lực, tài lực cứ chảy dần ra nước ngoài cho đến khi rỗng ruột. Quê hương chôn rau cắt rốn ở đây mà dường như chỉ là chốn dừng chân tạm bợ với rất nhiều người Việt bây giờ… Làm sao có thể trách em tôi cũng như hàng triệu người dân khác đã và đang tính bỏ nước ra đi? Bởi cái lý do “vì tương lai con cái” nghe nhẹ bâng vậy mà trĩu nặng quá chừng! Sự lo toan và hy sinh vô bờ cho con cái vốn là nét văn hoá đặc trưng của người Việt. Những bậc cha mẹ thuộc nhiều thế hệ đã trải qua các cuộc chiến tranh trên đất nước nhỏ bé này, càng khổ cực nhiều ở đời mình lại càng thấm thía sâu sắc ước mơ về một cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho đời con cháu. Nhưng nỗi lo bây giờ không còn là chuyện cơm ăn áo mặc hàng ngày cho phần “con”, như trong thời kỳ phải thắt lưng buộc bụng vì chiến tranh và sự mông muội. Nỗi lo bây giờ là về chất lượng cuộc sống cho nhu cầu của phần “người”. Có thể nào sống an yên khi môi trường bị phá hoại tàn khốc, tài nguyên đất nước bị khai thác tới cạn kiệt, thực phẩm bẩn tràn lan khắp nơi và tham nhũng thì như ổ dịch bệnh hoành hành từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài? Có thể nào sống hạnh phúc khi nền giáo dục và y tế ngày càng xuống cấp, các phúc lợi xã hội không chỉ kém chất lượng mà còn tiếp tục giảm sút, các giá trị văn hoá – đạo đức bị tha hoá và đảo lộn?… (Đồ họa: Nguyễn Hoàng Thanh Tâm)   Bây giờ, bước ra đường là thấy lo: Lo nạn cướp giật, móc túi; lo tai nạn giao thông; lo ăn uống bị ngộ độc thực phẩm; lo hít khói bụi bị ung thư; lo bọn trẻ bị dụ dỗ sa vào ma túy hoặc bị xâm hại, bắt cóc… Cứ thế mà ngút ngàn triền miên lo. Thà chỉ phải lo cơm áo như ngày xưa còn dễ hơn bội phần! Xã hội càng bất ổn, lòng người càng bất an. Làm sao có thể yên tâm để con cái lớn lên trong một môi trường sống như vậy? Chưa kể, những lời đồn đoán về một tương lai xám xịt của đất nước gắn với những thỏa thuận của Việt Nam và Trung Quốc trong Hội nghị Thành Đô năm 1990 cũng là một trong những nguyên nhân gây hoang mang khiến cho nhiều người phải tính đường tháo chạy trước. 28 năm qua, Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam vẫn giữ bí mật, nhất quyết không công khai những nội dung đã ký kết với Đảng cộng sản và Nhà nước Trung Quốc trong Hội nghị Thành Đô. Vì thế, những đồn đãi càng ngày càng lan rộng, bất chấp mọi nỗ lực trấn an dân chúng của chính quyền. Và dù đã bước sang thế kỷ 21, thế nhưng nhà nước Việt Nam vẫn chủ trương quản lý, định hướng về tư tưởng và bưng bít thông tin không khác gì ở trong thế kỷ trước. Hôm biết tin Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng, một người quen của tôi là tiến sĩ trong lĩnh vực tài chính từng hăm hở từ Mỹ trở về nước cách đây 10 năm ngậm ngùi chia sẻ: “Em đã hoàn tất thủ tục cho cả gia đình trở lại Mỹ cách đây mấy tháng, nhưng vẫn còn cố nấn ná… Giờ thì phải ra đi thôi chị ạ, không thể để bọn trẻ lớn lên trong bầu không khí ngày càng ngột ngạt thế này…”. Bao nhiêu người trẻ có tri thức và nặng tình với quê hương đã “vội vã trở về, vội vã ra đi” như thế? *** Hồi đi thăm Israel, tôi thường đứng lặng thật lâu trước hình ảnh những con tàu hồi hương hiện diện khắp mọi nơi, như một niềm kiêu hãnh trong lịch sử lập quốc của đất nước này. Đó là những chuyến tàu từ châu Âu, châu Mỹ… đưa hàng triệu người Do Thái ở khắp nơi trên thế giới trở về xây dựng quê hương sau khi Israel chính thức được thành lập vào năm 1948. Những gương mặt người Do Thái hồi hương khi ấy còn vương nét nhọc nhằn sau Thế chiến, nhưng vẫn bừng sáng niềm hy vọng vào tương lai và ý chí quyết tâm kiến thiết quốc gia. 70 năm sau khi lập quốc, ngày nay Israel đã trở thành một trong số các quốc gia phát triển hàng đầu và là nền kinh tế lớn thứ 34 thế giới (tính theo GDP danh nghĩa năm 2016). Những chuyến tàu hồi hương ngày đó đã mang về cho quốc gia này vốn liếng quý nhất là những con người tinh hoa để xây dựng thành công một đất nước đã từng không có tên trên bản đồ thế giới.   Còn chúng ta? Sau 73 năm thành lập và thống nhất đất nước (dài hơn thời gian lập quốc của Israel), những chuyến tàu (cả tàu thuỷ và tàu bay) sao lại chỉ mang dân ta ra đi mà không có trở về? Lịch sử dân tộc Việt Nam dường như gắn liền với các cuộc di dân, nhưng chua xót hơn là cho tới tận bây giờ, những cuộc di dân ra nước ngoài vẫn chưa biết bao giờ mới dừng lại? Bao câu hỏi cứ quay quắt trong tôi khi nghĩ đến em gái. Ngoài kia, trời Sài Gòn vẫn vần vũ mưa. Tiếng hát Thái Thanh vọng từ nhà ai đó nghe nức nở: “Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui,  khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi…”. Và trong tôi, không hiểu sao cứ thấp thoáng khôn nguôi hình ảnh những con tàu hồi hương về Israel cùng những con tàu ly hương rời Việt Nam… Nguyễn Thị Oanh
......

Vì sao chúng ta không được vứt pin đã sử dụng vào thùng rác?

Nhiều người cho rằng những cục pin sử dụng trong các thiết bị điện tử chỉ là vật dụng nhỏ bé vô hại. Tuy nhiên, sau khi sử dụng, các viên pin này trở thành phế thải, nếu không thu gom, xử lý đúng cách mà vứt thẳng vào thùng rác sẽ gây ô nhiễm môi trường và nguy hại đáng kể đến sức khỏe cộng đồng. Sau khi sử dụng, các viên pin được liệt kê vào danh mục rác thải độc hại và khó phân hủy. Thông thường, khi pin không còn giá trị sử dụng, người dân có thói quen vứt bừa bãi hoặc bỏ chung vào thùng rác gia đình như các loại rác thải khác, và xử lý chúng bằng hai phương pháp: Chôn lấp hoặc đốt. Nghiên cứu của Viện Khoa học môi trường và Phát triển (Bộ TN&MT) cho thấy, cả hai phương pháp trên đều ảnh hưởng xấu đến môi trường. Khi chôn lấp pin, các kim loại nặng như: Chì, kẽm, niken và thủy ngân có trong pin sẽ thấm vào đất, nguồn nước ngầm và gây ô nhiễm nguồn nước.  Hoặc khi đốt, các thành phần nguy hại trong pin sẽ bốc lên thành khói độc, hay chất độc của pin đọng lại trong tro gây ô nhiễm không khí. Lượng thủy ngân có trong một cục pin cũng có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1m3 đất trong vòng 50 năm… Khi chúng ta hít qua đường ăn uống hoặc hít thở, các độc tố phát tán từ pin có thể gây hại não, thận, hệ thống sinh sản và tim mạch. Một lượng nhỏ của chì cũng có thể gây hại cho cơ thể. Nó có xu hướng thay thế vị trí của tất cả các kim loại khác trong cơ thể người. Ví dụ chì sẽ chiếm chỗ của canxi trong xương, chiếm chỗ của kẽm và canxi trong các protein, chiếm chỗ của canxi trong các phản ứng truyền xung điện não, thay thế sắt trong máu… Tóm lại chì gây rối loạn hoặc ngưng các phản ứng sinh hóa diễn ra bình thường trong cơ thể. Nó gây còi xương, chậm lớn ở trẻ, huyết áp cao đối với người lớn, tổn hại máu và xương, gây chứng mất trí và giảm khả năng suy nghĩ, giảm sinh tinh, thậm chí là vô sinh, giảm chức năng của thận… Khi nhiễm độc kẽm, người bệnh thường nôn mửa nhiều và có thể bị chảy máu đường ruột. Tình trạng chung của cơ thể thường không ổn định, hay run rẩy, giảm mức phản xạ tự nhiên, đôi khi bị tê liệt. Khi Cadmium xâm nhiễm vào cơ thể người, nó sẽ là tác nhân dẫn đến nhiều loại bệnh như loãng xương, thiếu máu, suy gan thận, gây nhiều loại ung thư như ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, đối với phụ nữ có thai, nó làm tăng nguy cơ gây dị dạng cho thai nhi… Cần nâng cao ý thức với việc loại bỏ pin sau khi sử dụng ở Việt Nam Việt Nam đã có các nghị định và quyết định của Chính phủ về việc hướng dẫn quản lý, thu hồi, xử lý chất thải và phế liệu trong đó có pin và ắc quy đã qua sử dụng. Tuy nhiên, có lẽ do thiếu truyền thông và hướng dẫn, phần lớn người dân chưa có ý thức phân loại rác thải độc hại và pin tại nguồn. Hiện nay, các viên pin không còn giá trị sử dụng đều bị bỏ chung với rác thải sinh hoạt mà chưa ý thức được đây chính là một trong những hành vi gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Hầu hết các cơ quan xử lý rác và chất thải ở Việt nam cũng không có hướng dẫn hay truyền thông đến người dân cách phân loại, bảo quản, vận chuyển và xử lý các sản phẩm pin và ắc quy sau khi sử dụng cũng như không chỉ rõ nơi thu gom và xử lý các rác thải độc hại này. Đối với các nước phát triển, các nhà chức năng có quy định rất nghiêm ngặt về việc dán nhãn ghi rõ thành phần cấu tạo nên pin và ắc quy cũng như như cách phân loại, bảo quản, thu gom và tái chế sau khi sử dụng. Tuy nhiên, các nhà máy sản xuất pin ở Việt Nam hiện chưa thực hiện tốt việc này. Đây cũng là một điểm còn khiếm khuyết trong công tác quản lý và sản xuất loại sản phẩm này. Giải pháp tạm thời Trong khi chờ các cơ quan chức năng có hành động cụ thể trong việc hướng dẫn phân loại, bảo quản, vận chuyển và xử lý các sản phẩm pin và ắc quy đã qua sử dụng, có lẽ chúng ta cần thực tự mình tìm lấy giải pháp tạm thời. Bạn hãy kiếm một chiếc lọ thủy tinh sạch, bỏ các thỏi pin đã qua sử dụng vào lọ để đảm bảo chúng không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, lưu ý để lọ xa tầm với của trẻ em. Mỗi năm một lần, bạn hãy trực tiếp chuyển pin trong lọ cho công nhân thu gom rác thải sinh hoạt và thông báo rằng chúng là pin đã qua sử dụng để họ có cách xử lý theo đúng quy định. Đối với những bình ắc quy đã qua sử dụng, hãy tìm chỗ khô ráo, sạch sẽ và xa tầm tay trẻ em để bảo quản tạm thời, rồi ngay lập tức chuyển chúng trực tiếp kèm theo thông báo cho các công nhân thu gom rác thải sinh hoạt. Thiết nghĩ, cùng với mức độ sử dụng các loại pin và ắc quy ngày càng gia tăng, việc nâng cao ý thức của nhà quản lý, đơn vị sản xuất và người tiêu dùng đồng thời có các hành động cụ thể và kịp thời đối với việc xử lý loại rác thải đặc biệt này là điều hết sức cần thiết hiện nay. Theo Trithucvn  
......

Không cần tới 1 phút, tất cả mỡ máu tích tụ trong cơ thể bạn sẽ bị đánh tan mà không cần 1 viên thuốc

Mạch máu bị tắc nghẽn do mỡ tích tụ sẽ gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí là mất mạng. Căn bệnh này đang trẻ hóa đối tượng tấn công… Vì vậy, hãy phòng ngừa ngay từ hôm nay trước khi quá muộn. Bạn sẽ không lo về tác dụng phụ của thuốc với phương pháp này. Bạn có tin không? Chỉ với 3 loại nguyên liệu bao gồm tỏi, chanh, gừng sẽ giúp bạn thông tắc các động mạch, loại bỏ các chất béo tích tụ trong máu bấy lâu nay.  Chắc chắn đây là tin vui cho những ai đang mang trong mình 2 triệu chứng nguy hiểm trên. Tuy nhiên, bạn sẽ phải vô cùng ngạc nhiên vì công dụng của chúng còn vượt xa những gì bạn tưởng tượng. Mỡ "lấn chiếm" đường đi của máu. Loại nước uống thần kỳ này có tác dụng điều trị và ngăn ngừa các triệu chứng mệt mỏi, nhiễm trùng, cảm lạnh. Ngoài ra, chức năng gan sẽ được cải thiện, ngăn chặn sự phát triển của gốc tự do chỉ với 3 loại nguyên liệu duy nhất. Được biết, tỏi giàu allicin, đây là thành phần làm nên điều kỳ diệu của hỗn hợp này, do đó, chúng có tác dụng giảm mỡ máu , cholesterol xấu, hỗ trợ chức năng gan… Gừng chứa tinh dầu giúp cải thiện hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng của cơ thể. Còn chanh giúp trung hòa mùi vị của tỏi và gừng, giúp bạn dễ dàng thưởng thức loại nước uống này. Bạn hãy yên tâm khi sử dụng hỗn hợp này vì tỏi, gừng và chanh khi kết hợp với nhau hoàn toàn không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào cho cơ thể. Ngược lại, chúng còn có vô số các lợi ích kể trên. Nguyên liệu - 4 củ tỏi lớn. - 4 trái chanh. - Gừng có kích thước 3-4cm. - 2 lít nước. Chuẩn bị Chanh gọt vỏ, gừng, tỏi rửa sạch cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn, nếu không có dụng cụ chuyên dụng bạn hãy dùng dao bằm nhuyễn. Hỗn hợp vừa xay xong đổ vào nồi rồi thêm 2 lít nước đã chuẩn bị sẵn, bắc lên bếp nấu sôi, khuấy đều khoảng 10 phút rồi hãy tắt bếp, để nguội. Dùng rây lọc hỗn hợp lấy nước cho vào chai thủy tinh. Cách uống Mỗi ngày, nên uống 200ml trước bữa ăn khoảng 2 tiếng, tốt nhất, nên áp dụng vào buổi sáng khi dạ dày còn đói. Việc tiêu thụ vào buổi sáng sẽ kích thích toàn bộ hệ tiêu hóa hoạt động, quá trình đào thải chất độc cũng diễn ra tốt hơn. Lưu ý: - Nhớ lắc kỹ chai trước khi sử dụng. - Bảo quản trong tủ lạnh khi chưa sử dụng hết. - Uống hết hỗn hợp, dừng 6 ngày rồi tiếp tục thực hiện thêm 1 liệu trình. Nếu cơ thể đang gặp các vấn đề nêu trên hoặc đơn giản bạn muốn tăng cường sức khỏe, hãy thực hiện theo hướng dẫn và sử dụng mỗi ngày. Đặc biệt, công thức này rất tốt cho người cao tuổi, giúp khôi phục năng lượng, tinh thần và trẻ hóa cơ thể. Chúc bạn sống vui khỏe.
......

11 phát minh mới không ngờ có được

Một ủy viên của văn phòng bằng sáng chế Hoa Kỳ từng tuyên bố: “Tất cả mọi thứ có thể được phát minh đều đã được phát minh”. Tuy nhiên, điều này chẳng hề đúng! Hiện vẫn có rất nhiều phát minh khiến người ta phải thốt lên rằng: Thật sao! Chúng ta hãy cùng xem 11 phát minh hiện đại làm cho cuộc sống dễ dàng hơn và thú vị hơn sau đây: 1. Áo sơ mi không thấm bẩn Công ty Labfresh của Hà Lan bắt đầu bán những chiếc áo sơ mi không bị vấy bẩn, kể cả bị đổ cà phê, rượu vang đỏ, nước tương hay dầu ăn. Sản phẩm này được tạo ra nhờ công nghệ độc đáo mới bao gồm 98% INDUO cotton và 2% elastane. Những chất liệu này không bị ảnh hưởng bởi vết bẩn, lại còn thoáng hơi, kháng mùi và không bị nhăn. 2. Túi nhựa ăn được Để giải quyết vấn đề môi trường, công ty EnviGreen của Ấn Độ đã tạo ra một loại nhựa phân hủy sinh học. Nó được làm từ 100% hợp chất hữu cơ, gồm tinh bột tự nhiên, rong biển và dầu, nhưng vẫn giống nhựa thật. Dù có ăn loại túi này thì cũng không ảnh hưởng đến sức khoẻ của bạn vì nó tiêu hóa được. Thông thường phải mất từ 5 năm đến 200 năm để một túi nhựa có thể phân huỷ. Tuy nhiên, loại túi này chỉ cần 180 ngày hoặc 15 giây trong nước sôi đã phân huỷ. Đây là tin tuyệt vời cho các quốc gia đang phải đối mặt với vấn đề rác thải nhựa. 3. Quần áo "lớn lên" cùng con trẻ Nhà thiết kế Ryan Yasin, London đã tung ra những bộ quần áo đặc biệt có thể "lớn lên" cùng với trẻ em. Những đường xếp ly được dập ngang dọc tạo thành đường vân đẹp mắt. Những đường vân này có thể kéo dãn ra được và tùy vào kích cỡ của đứa trẻ, quần áo sẽ tự động điều chỉnh vừa vặn với cơ thể của trẻ nhất. Đây là một sáng chế tuyệt vời dành cho các ông bố bà mẹ. 4. Quần tất không bị rách Công ty dệt may Sheerly Genius của Mỹ đã chế tạo ra chiếc quần tất bền nhất trên thế giới. Sheerly Genius đã tiến hành thực nghiệm và rút ra kết luận rằng chúng có độ bề cao gấp 50 lần so với quần tất thông thường, bởi họ sử dụng các vật liệu giống như trong áo khoác chống đạn. Phụ nữ hiện nay rất chuộng quần tất, nhưng lại thường rất dễ rách. Mục tiêu chính mà những người sáng tạo ra sản phẩm này là giảm được lượng rác thải dệt may. 5. Quần jeans thông minh Lần đầu tiên, công ty Spinali Design đã tạo ra chiếc quần jeans ‘thông minh’ giúp người mặc xác định được hướng đi chính xác. Bộ cảm biến được đặt 2 bên đùi được kết nối sẵn với điện thoại thông qua Bluetooth, giúp người dùng biết họ cần rẽ trái hay phải. Nó sẽ rung lên khi bạn bị lạc đường để thông báo. 6. Piqapoo - thiết bị giúp cún đi vệ sinh Nhà phát minh người Israel đã sáng chế ra Piqapoo - một chiếc kẹp mềm gắn vào đuôi các chú chó. Khi chúng đi vệ sinh, phân rơi vào một cái túi, sau đó bạn có thể ném đi một cách dễ dàng. Và dĩ nhiên, bạn sẽ không cần phải dùng đến tay để hốt nữa. Thiết bị này làm cho cuộc sống của chủ nhân những chú chó trở nên dễ chịu hơn nhiều vì không phải lo dọn dẹp ‘sản phẩm’ mà thú cưng của mình để lại. 7. Caffein dạng xịt Chuyên gia hóa sinh Mỹ, Ben Yu đã tạo ra sản phẩm có tên "Sprayable Energy" và tuyên bố đây là dạng năng lượng xịt cục bộ chứa caffein đầu tiên trên thế giới. Theo ông Yu, người dùng có thể xịt caffein lên da mà không phải trải nghiệm cảm giác hưng phấn mạnh, hấp thu lượng calo không cần thiết hay bị ảnh hưởng bởi dư vị khó chịu như khi sử dụng các loại nước uống tăng lực hoặc cà phê. 8. Robot có thể nói chuyện với người Robot cá nhân Jibo trông giống như nhân vật hoạt hình Pixar - nó có đầu lớn và mặt tròn, có thể thể hiện hàng loạt các loại cảm xúc khác nhau. Nó có thể cười khúc khích, khiêu vũ, tạo bản tin, chụp ảnh và quay sang bạn nếu bạn gọi nó. Như những người sáng tạo hứa hẹn, họ sẽ phát triển với mọi mô hình mới và cuối cùng sẽ làm cho thay đổi kiểu giao tiếp của con ngươi với robot. 9. Một cốc tự làm nóng cà phê Giám đốc điều hành của Ember Technologies Clay Alexander đã tạo ra một chiếc cốc ‘thông minh’. Với hệ thống giữ nhiệt điều khiển bằng ứng dụng ở bên dưới, nó có thể hỗ trợ giữ nhiệt độ cần thiết cho cà phê hoặc trà - từ 49 đến 60 độ C. Cốc hiện có giá gần 80 USD và đã có mặt trên gần 5.000 quán cà phê Starbucks tại Mỹ. 10. Kem lạnh Halo Top Loại kem lạnh này giúp cho các tín đồ ăn ngọt có thể thưởng thức món ăn khoái khẩu của mình mà không lo bị tăng cân bởi Halo Top không chứa đường, mà chỉ chứa một ít protein và một lượng calo thấp (360 calo). Chính vì lý do này mà Halo Top đã trở thành sản phẩm bán chạy nhất tại Mỹ. 11. Răng tái sinh từ tế bào gốc Tiến sĩ Jeremy Mao của Đại học Columbia, Mỹ, cho biết ông đã bước đầu thành công trong việc tạo ra răng bằng tế bào gốc. Phương pháp này đặc biệt ở chỗ nó không gây ra đau đớn mà bạn hoàn toàn có một bộ răng mới chỉ sau 9 tuần. Tuy nhiên, dự án này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và chưa được phổ biến rộng rãi.  
......

Tại sao ta ghiền món ăn cay?

Con người khắp thế giới đều yêu thích những món ăn cay xé lưỡi. Đồ ăn Thái, Mexico, món Hoa, món Ấn, thức ăn kiểu Ethiopia - đầy các món ăn cay tê người và tràn đầy hương vị. Thú vui phổ biến là xếp hạng những loại ớt cay nhất thế giới và các món ăn gây xuýt xoa nhiều nhất, kể cả khi nếu đã vượt quá ngưỡng chịu cay nhất định thì chuyện món nào cay hơn có thể sẽ là chủ đề gây tranh cãi. Getty Images   Chủ quan mà nói, ai có thể dám chắc một nhà hàng Ấn Độ của Ông góa Phaal - phải đeo kính bảo hộ khi nấu ăn với ớt có độ cay xếp hạng 1.000.000 trên thang điểm Scoville Scale về chuẩn vị cay toàn thế giới - liệu có cay hơn khi ăn ở nhà hàng Suicide Burrito của người Hàn Quốc?   Đặc sản lẩu gà nhất định phải thử ở Hong Kong -  http://www.bbc.com/vietnamese/vert-tra-43230449   Sự thật về tempura Nhật Bản   Nấm siêu đắt Croatia mang danh 'đặc sản Ý' Tìm khoái lạc trong cơn đau vật vã -  http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2015/11/151120_why-pain-fee... Có rất nhiều món cay để thử: từ những loại phổ biến như cà ri Ấn vindaloo với ớt ma hay món lẩu Tứ Xuyên, nơi thực khách phải rẽ đám ớt nổi lềnh bềnh trên nồi súp lẩu để tìm ra những miếng rau, thịt thơm ngon cay bốc lửa. Điều gì thôi thúc ta ăn cay? Dù bạn yêu thích hương vị cay mãnh liệt đó, thì có bao giờ bạn tự hỏi tại sao một số món ăn lại cạnh tranh để trở thành nhà vô địch về độ cay, trong khi một số món khác chỉ có một chút vị cay thoảng qua? Đây là câu hỏi thôi thúc những nhà nhân học và lịch sử ẩm thực trong thời gian dài. Thật vậy, một điểm thú vị là nơi có khí hậu ấm hơn lại có vẻ vượt trội hơn về các món ăn cay. Hẳn là phải có gì đó liên hệ giữa vị cay với tính chất kháng sinh; quả vậy, một số nghiên cứu đã chỉ ra điều này. Trong khảo sát về sách nấu ăn toàn thế giới, các nhà nghiên cứu ghi chép: "Khi nhiệt độ trung bình (chỉ dấu cho thấy tỷ lệ thức ăn hư hỏng khi không có tủ lạnh) tăng lên, thì hàm lượng các món có ớt, số lượng ớt trong từng món, tổng số ớt được dùng, và việc sử dụng các loại ớt chống vi khuẩn hiệu quả đều tăng lên." Getty Images   Ở nơi có khí hậu nóng, trước khi thức ăn đông lạnh bị hư hỏng nhanh chóng, ớt có thể từng giúp giữ thực phẩm lâu hơn, hoặc ít nhất là khiến món ăn đó ngon miệng hơn. Người ta cũng cho rằng vì thức ăn cay khiến mọi người đổ mồ hôi, nên có thể giúp người ăn thấy mát dịu hơn ở những vùng khí hậu nóng trên thế giới. Hiệu ứng giảm nhiệt bốc hơi xảy ra khi chúng ta đổ mồ hôi thực sự tốt để cân bằng nhiệt độ trong cơ thể. 'Cuộc chiến Hummus' ở Trung Đông - http://www.bbc.com/vietnamese/vert-tra-42650949 Món mì Ý hiếm hoi nhất thế giới Phong cách Anh trong những quán ăn 'đặc Anh' Tuy nhiên, ở khu vực khí hậu có độ ẩm cao thì việc bạn đổ mồ hôi bao nhiêu cũng không quan trọng: sự bốc hơi đó cũng sẽ không giúp gì nhiều cho bạn vì đã có quá nhiều độ ẩm trong không khí. Một nghiên cứu về những người uống nước nóng sau khi tập thể dục cho thấy họ thấy dịu mát nhanh hơn những người uống nước lạnh, nhưng chỉ hiệu quả trong điều kiện độ ẩm thấp. Điều này sẽ không đúng ở Thái Lan vào tháng Tám. Nhưng thức ăn cay không giới hạn ở vùng nhiệt đới. Dù ớt có nguồn gốc ở Châu Mỹ, loại thức ăn gây cay này được trồng khắp nơi trong thế kỷ 15 và 16, theo chân những thương lái Châu Âu. Những hương liệu gây cay khác, không giống với vị cay của ớt, nhưng vẫn có hương vị rất mạnh và đem lại sự thú vị cho món ăn - đã phổ biến tại Châu Âu hàng thế kỷ, như gừng, tiêu đen và quế từ phương Đông. Những món cực kỳ cay từng rất được ưa chuộng trước kia, nhưng nay không mấy ai nghĩ tới vì cay quá. Nhiều công thức nấu ăn trong sách dạy nấu nướng thế kỷ 18 của người Anh sử dụng tới các loại gia vị như đinh hương và nhục đậu khấu chẳng hạn. Getty Images Trong ẩm thực châu Âu có nhiều món sử dụng các loại gia vị phong phú, chẳng hạn như nhục đậu khấu Tại sao lại có sự thay đổi này? Một trong những khả năng là càng về sau nay, việc ăn quá nhiều vị trong một món ăn sẽ bị coi là hơi quê mùa, như tác giả Maanvi Singh từng viết trong tác phẩm The Salt (Muối). Những món mà ngày nay chúng ta coi là món Âu truyền thống có xu hướng tập trung vào phối hợp các vị hòa hợp, thay vì đưa vào nhiều vị đối lập, mãnh liệt và nổi loạn. Đó có thể là vì giá ớt ở Châu Âu trong những năm 1600 sụt giảm và người ta dễ dàng bỏ thêm bao nhiêu ớt vào thức ăn tùy thích, khiến những nhà ẩm thực không còn thích thú gì với ớt. Thế giới có nên ăn giống người Quảng Đông? - http://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-40313807 Kỳ lạ nhà hàng ‘phục vụ đồ ăn thừa’ Mẹo hay để hơi thở hết mùi tỏi khó chịu - http://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-38711370 Từ món ăn chấp nhận được đến ẩm thực cao cấp, người ta bắt đầu chú ý đến món ăn tập trung vào hương vị tinh khiết nhất của nguyên liệu cơ bản, kết hợp với hương liệu để giúp vị ngon đó nổi bật hơn. Nói đơn giản là - thức ăn đã trở nên kiểu cách hơn, Singh viết, và điều đó đã xóa sạch sự hấp dẫn của vị cay trong món ăn Âu. Thật vậy, người ta không nên xem nhẹ vai trò của văn hóa con người trong việc quyết định liệu một vị có cay hay không. Cũng như động vật, chúng ta sử dụng hương vị là cách để quyết định thực phẩm nào là an toàn để ăn, và khi đã quen với những hương vị nào đó có vẻ quen thuộc, chúng ta sẽ thích các món đó hơn. Không ngạc nhiên gì nếu người nào đó từng quen với vị ớt sẽ bắt đầu thích các món có ớt hơn món không ớt. Ngày nay, ta có lý do riêng để ăn món cay, và những lý do đó là bởi chúng có adrenaline chứ không phải vì vị thế xã hội hay thuần túy vì hương vị… Phản ứng tâm lý với ớt, như ta từng đề cập đến, là kết quả của các cảm biến nhiệt độ được kích hoạt trong miệng. Phản ứng cơ thể của bạn như thể bạn đã đốt cháy nó, khiến bạn đổ mồ hôi và nhổ ra, hoặc trong một số trường hợp khó chịu là ói ra. Sự hứng khởi gây ra trải nghiệm dữ dội không để lại hậu quả lâu dài được coi là một phần của sự hấp dẫn, cũng như với những người ghiền đồ cay, là được tỏ vẻ khoe khoang một chút. Tính chất kháng sinh và nguyên tắc cân bằng nhiệt độ cơ thể có lẽ không phải là yếu tố hấp dẫn người ta ăn đồ cay ngày nay, cũng là chút gì đó để suy nghĩ, điều đang cho ta suy ngẫm, và hãy cảm ơn ngôi sao may mắn của bạn, trong lúc đợi món cà ri kế tiếp được dọn ra. Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future. http://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-43230452
......

Con trai Thủ tướng trở thành linh mục

Ngày 27.5, thầy Tymoteusz đã được thụ phong linh mục. Cha là con trai của nữ Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo và đã cử hành thánh lễ mở tay tại nhà thờ thành phố quê nhà, nơi cha được lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Cuối thánh lễ, vị linh mục trẻ trao phép lành đầu tay cho mẹ mình, và bà tỏ ra rất tự hào. “Đây là ngày trọng đại cũng như là niềm vui lớn cho gia đình. Chúng tôi hết sức hạnh phúc và hãnh diện !”. Đó là những lời nói đầu tiên của nữ Thủ tướng Ba Lan với giới truyền thông, khi bà bước ra khỏi nhà thờ sau thánh lễ mở tay của con mình. Cha Tymoteusz Szydlo đã lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Nicolas de Bielsko-Biala Các nhà báo Ba Lan và quốc tế có mặt rất đông tại thánh lễ đều nhận định : việc con trai của vị đứng đầu chính phủ được phong chức linh mục là điều vô cùng đặc biệt. Tuy nhiên, trường hợp này không phải chưa xảy ra trong lịch sử đương đại. Trước đây là trường hợp của linh mục Paul Adenauer. Ngài là con trai ông Konrad Adenauer, Thủ tướng Đức trong giai đoạn 1949-1963. Nhưng đây là lần đầu một vị lãnh đạo tại châu Âu chứng kiến con mình được thụ phong trong khi vẫn còn đương nhiệm. Cha Tymoteusz Szydlo, 25 tuổi, đã lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Nicolas de Bielsko-Biala, miền nam Ba Lan, cách biên giới Séc và Slovakia vài cây số. Ngày hôm sau, cha đã cử hành thánh lễ mở tay, trong thành phố quê nhà Przecieszyn, thuộc mền tây đất nước, gần biên giới Đức. Như mười hai linh mục trẻ khác thuộc “Khóa Gioan Phaolô II” được thụ phong ngày hôm ấy ở giáo phận, cha Tymoteusz đã được chuẩn bị trong hơn sáu năm tại chủng viện Tổng Giáo phận Kracow. Trong thánh lễ đầu tiên, cha Tymoteusz Szydlo đã cảm tạ sâu sắc hồng ân Chúa : “Lạy Chúa, ngôn ngữ loài người không thể diễn tả lời tạ ơn của con dâng lên Ngài. Do đó, với lòng khiêm tốn, con chỉ có thể xin cho con luôn phục vụ Ngài, Đấng chí thánh”. Cuối thánh lễ, vị linh mục trẻ chúc lành cho rất nhiều tín hữu đã hiện diện, trong đó có cha mẹ và thân nhân của ngài. Hình ảnh đầy ấn tượng : Thủ tướng Ba Lan quỳ gối bên chồng và lãnh nhận “phép lành” của con mình.
......

Thời đại kỹ thuật số : Khai tử tiền giấy, tiền đồng ?

Chúng ta nghĩ gì khi những tờ giấy bạc hay những đồng tiền xu chỉ còn được trưng bày trong viện bảo tàng sau khi đã hoàn toàn biến mất khỏi các dịch vụ mua bán hàng ngày trên thế giới ? Từ Âu sang Á, tiền ảo, tiền điện tử ngày càng phát triển. Thẻ tín dụng và điện thoại thông minh đang trở thành những phương tiện thanh toán rất phổ biến. Tiền giấy "mất dạng" ở TQ ?Reuters Trung Quốc, nơi đầu tiên không còn tiền mặt ? Trả tiền taxi, mua một bó rau hay đóng học phí cho con mà không cần xuất hầu bao một tờ giấy bạc, hay một đồng xu. Dân cư tại những thành phố lớn ở Trung Quốc đang dùng điện thoại thông minh với những ứng dụng Alipay hay WeChat Pay thay cho ví tiền. Ở những thành phố lớn từ Thượng Hải đến Bắc Kinh, từ Trùng Khánh đến Thiên Tân, từ Tây An đến Hàng Châu ... với điện thoại di động có gài ứng dụng của WeChat hay Alibaba, ai cũng có thể đi chợ mà không cần ra khỏi nhà hay rời công sở. Ai cũng có thể đặt mua từ vé máy bay đến gọi cơm hộp văn phòng cho những bữa ăn trưa với phương tiện thanh toán này. Theo công ty tư vấn về các dịch vụ mua bán trên mạng của Trung Quốc iResearch, trụ sở tại Thượng Hải, chỉ riêng trong năm 2016, số lượng người sử dụng điện thoại thông minh để mua bán trên internet hay mua bán trực tiếp đã được nhân lên gấp ba. 5.000 tỷ đô la các khoản mua bán tại Trung Quốc được thanh toán bằng phương tiện này. China Market Research Group chuyên nghiên cứu về thị trường tại nước đông dân nhất địa cầu dự báo chỉ trong một chục năm nữa Trung Quốc sẽ là một trong những nền kinh tế đầu tiên không còn sử dụng tiền mặt. Hiện tại số lượt thanh toán qua điện thoại thông minh của Trung Quốc đã lớn hơn so với Mỹ từ 40 đến 50 lần ! Tổ chức Better Than Cash được Liên Hiệp Quốc hỗ trợ trong nhiệm vụ giúp đỡ các nước nghèo từ bỏ tiền mặt để quay sang dùng tiền điện tử, thẩm định các dịch vụ thanh toán bằng tiền ảo tại Trung Quốc đang tăng với mức chóng mặt. Năm 2010, 61 % các khoản mua bán dùng tiền mặt. Đến năm 2020, tỷ lệ đó sẽ rơi xuống còn 30 %. Sau khi đã thành công vượt bực trong nước, cả Alibaba lẫn WeChat cùng đang muốn "đổ bộ" ra nước ngoài : mục tiêu của hai tập đoàn này là theo chân người Trung Quốc khi họ du lịch ở nước ngoài. Alibaba đã mở dịch vụ thanh toán trên mạng cho người Trung Quốc tại Đức. WeChat đang tìm cách đuổi theo hãng do Mã Vân sáng lập ra này. Hàn Quốc "phi vật thể hóa" đồng tiền Nếu có dịp tham quan Hàn Quốc, tại Seoul, đừng ngạc nhiên khi đi mua hàng bằng tiền "thật" nhưng được thối lại bằng tiền "ảo". Từ tháng 4/2017 một số cửa hàng lớn ở thủ đô Hàn Quốc bắt đầu thử nghiệm một phương tiện thanh toán mới. Mục tiêu đề ra là từ nay đến năm 2020 Hàn Quốc cũng sẽ trở thành một nền kinh tế "Cashless" : không dùng tiền giấy, tiền xu khi mua bán. Tại nền kinh tế lớn thứ tư tại châu Á này, chỉ còn 14 % các khoản thanh toán sử dụng tiền mặt, 55 % dùng thẻ tín dụng. Một nghiên cứu của Ngân Hàng Trung Ương Hàn Quốc công bố tháng 12/2016 cho thấy có đến 51 % người dân xứ này muốn "phi vật thể hóa đồng tiền", để khỏi vướng bận với ví tiền khi mua sắm. Giám đốc Viện Tài Chính Seoul Lee Hyo Chan giải thích với tờ báo Anh Financial Times : Dẹp tiền mặt sẽ giúp cho Ngân Hàng Trung Ương Hàn Quốc tiết kiệm được mỗi năm 40 triệu đô la, vì phải mất hơn 10 won mới sản xuất ra được một đồng tiền có trị giá 10 won. Quản lý khối lượng tiền giấy và tiền đồng lưu hành trên toàn quốc đòi hỏi nhiều tốn kém. Khi không còn phải nặng gánh về việc quản lý khối lượng tiền mặt lưu hành, kinh tế xứ Hàn sẽ tăng thêm được 1,2 điểm tăng trưởng. Vấn đề đặt ra là tới nay, một phần dân số Hàn Quốc – chủ yếu là những người lớn tuổi, vẫn có thói quen dùng tiền mặt. Với các vị cao niên, tiền mừng tuổi, hay hiếu-hỉ, biếu xén bắt buộc phải là phong bì với những tờ giấy bạc ở bên trong ! Châu Âu : tiền điện tử khai tử tiền giấy Tiền mặt đang "mất dạng" dần ở châu Âu. Tại Pháp chẳng hạn, trong 15 năm trở lại đây, số lượng các dịch vụ thanh toán bằng thẻ tín dụng tăng lên cấp ba lần. Thẻ tín dụng là phương tiện thanh toán trong 50 % các khoản giao dịch. Thậm chí từ đầu những năm 2000, ngành ngân hàng Pháp còn cung cấp thêm những phương tiện cho phép ta trả tiền mà không cần rút thẻ tín dụng ra khỏi ví. Ngược lại ngày càng có ít người rút tiền mặt ở ngân hàng. Từ rất lâu nay, nhân viên ngân hàng không còn giữ két, mọi dịch vụ rút hay gửi tiền mặt đều qua các quầy tự động. Thống kê của cơ quan tư vấn McKinsey cho thấy, trung bình mỗi người Pháp sử dụng 301 lần thẻ tín dụng một năm. Pháp đứng hàng thứ 6 trong khối châu Âu. Tuy nhiên khác với Đan Mạch hay Thụy Điển, ở Pháp, dùng thẻ tín dụng để thanh toán những khoản tiền rất nhỏ còn chưa được phổ biến. Thí dụ như đi mua một ổ bánh mì chưa đến 1 euro, ít ai rút credit card ra để trả. Có rất nhiều cửa hàng không nhận thẻ tín dụng nếu bạn mua dưới 15 euro. Bởi vì chi phí mà chủ hiệu phải trả cho ngân hàng còn quá cao. Đây là khác biệt rất lớn so với ở Thụy Điển chẳng hạn, nơi mà có tới 80 % các khoản mua bán trên đường phố đều được thanh toán bằng kỹ thuật số. Ngay tại bảo tàng của ban nhạc Abba, nổi tiếng với ca khúc Money, Money, Money, quầy bán vé không nhận tiền mặt, gây lúng túng không ít cho du khách nước ngoài. Nhiều người xem đây là dấu hiệu rõ rệt nhất "khai tử" tiền giấy và tiền đồng tại xứ Bắc Âu này. Một ông bán bánh mì xúc xích trên lề đường ở Stockholm thản nhiên nhận thẻ tín dụng, dù giá mỗi cái bánh chưa đến 2 đồng. Ông nói trả tiền như vậy tiện lắm, không sợ làm rơi tiền, không sợ bị móc túi. Với khách hàng, không biết đếm tiền cũng chẳng sao, không ai bị thiệt thòi. Maria, chủ hiệu bán hoa ở Copenhagen, Đan Mạch cho biết bà bị trấn lột hồi lễ Giáng Sinh khi trên đường ra ngân hàng, từ đó trở đi Maria nhất quyết không dùng tiền mặt nữa. Đan Mạch đang chuẩn bị một dự luật cho phép thương gia từ chối nhận tiền mặt của khách hàng. Tại Đức, tới nay 75 % các khoản giao dịch vẫn được thanh toán bằng tiền mặt. Pháp gắn bó với tiền giấy, tiền đồng không kém. Theo Ngân Hàng Trung Ương Pháp Banque de France, năm 2016, khối lượng tiền giấy ở Pháp tăng 7 %. Cashless, "hay" hay "dở" ? Trong mục tiêu chống nạn rửa tiền, bài trừ các nguồn tài trợ bất chính, từ tháng 9/2015 Pháp cấm thanh toán bằng tiền mặt khi số tiền vượt quá 1.000 euro thay vì 3.000 euro như trước đó. Trả lời đài phát thanh tư nhân Europe 1 giám đốc ngân hàng Natixis, Philippe Waechter nêu lên những lợi thế khi sử dụng kỹ thuật số để chuyển ngân : "Đúng là chúng ta đang sắp bị cấm thanh toán bằng tiền mặt khi số tiền vượt quá ngưỡng 1.000 euro và so với Đức thì Pháp đang đi trước một bước. Hiện nay tại Pháp, hơn 50 % các khoản giao dịch được thanh toán bằng tiền mặt, tỷ lệ đó là 75 % ở bên Đức. Cái này là do thói quen và bản tính của mỗi dân tộc thôi. Nhưng phải thấy là việc giới hạn sử dụng tiền mặt, nhất là khi dùng để trả những khoản tiền lớn, có lợi ở nhiều điểm : nó cho phép chống nạn rửa tiền, chống các vụ mua bán trái phép bởi vì khi phải thanh toán bằng thẻ tín dụng, hay chuyển tiền qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, thì mọi chuyện đều phải minh bạch. Ta biết rõ ai mua hay bán gì, lúc nào và tiền ở đâu ra". Biết rõ ai mua bán những gì, mua bán với ai và ở thời điểm nào chính là mối lo ngại của một số người muốn bảo vệ đời tư. Nhiều tổ chức bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng sợ rằng, những thông tin rất cá nhân đó sẽ được khai thác trong các chiến dịch quảng cáo, khuyến mãi … Đó là chưa kể khi những thông tin này lọt vào tay các tổ chức tội phạm. Một lợi thế khác khi dẹp bỏ tiền mặt là tiết kiệm được từ khâu in ấn, đến lưu hành đồng tiền. Trong trường hợp của Hàn Quốc, các chuyên gia dự trù tiết kiệm được khoảng 40 triệu đô la mỗi năm. Ngân Hàng Trung Ương Đan Mạch thẩm định là sẽ giảm được một khoản tốn kém tương đương với từ 0,3 cho đến 0,7 % tổng sản phẩm nội địa. Trường hợp của Thụy Điển khá đặc biệt : Quốc gia Bắc Âu này luôn tiên phong trong lĩnh vực tiền tệ. Năm 1661, Ngân Hàng Thụy Điển là định chế tài chính đầu tiên phát hành tờ giấy bạc, (cho dù là những tờ giấy tiền đầu tiên của nhân loại lưu hành từ cách nay cả ngàn năm, dưới triều đại thời nhà Tống – Trung Quốc). Thụy Điển cũng là nền kinh tế đầu tiên lập ra Ngân Hàng Trung Ương với mục đích ổn định chính sách tiền tệ quốc gia. Bước sang thế kỷ 21, lại cũng Thụy Điển tiên phong trên mô hình "Cashless society" : hầu hết người dân Thụy Điển không dùng từ "trả tiền" khi phải thanh toán một khoản giao dịch, mà họ dùng động từ "swish" vì sử dụng ứng dụng cùng tên làm phương tiện mua bán. Trong lúc tại Hoa Kỳ, lượng tiền mặt lưu hành tương đương với 7,7 % tổng sản phẩm nội địa. Trong khu vực đồng euro, tỷ lệ đó là 10,3 %. Tại Thụy Điển, tiền mặt lưu hành chỉ tương đương với 2,1 % GDP mà thôi. Lịch sử tiền tệ của thế giới luôn chứng minh rằng, từ 650 năm trước Công Nguyên, chưa một phương tiện thanh toán mới được phát hiện nào đủ sức thuyết phục để đẩy các công cụ cũ vào quá khứ. Thời đại công nghệ số không là một ngoại lệ. Tiền điện tử có sức hấp dẫn tới mấy đi chăng nữa cũng khó làm quên đi những đồng giấy bạc cũ kỹ, hay những đồng xu cáu bẩn vẫn được trao đổi hàng ngày trên đường phố hay ở ngoài chợ. Bên cạnh những tính toán "được", "thua", liên hệ giữa con người với tiền bạc còn là vấn đề văn hóa, là thói quen. http://vi.rfi.fr/chau-a/20170801-thoi-dai-ky-thuat-so-khai-tu-tien-giay-...
......

TƯỞNG NHỚ NGƯỜI MỸ PHÁT MINH RA EMAILS

Ảnh: Ks. Ray Tomlinson người phát minh ra Emails Đã vào thập niên thứ hai của thế kỷ 21, mỗi ngày có hàng tỷ Emails được gởi đi. Có những Emails chuyên về thương mại, công việc. Có những Emails vô thưởng vô phạt, không ảnh hưởng đến hòa bình thế giới, hay hạnh phúc cá nhân, nhưng người đọc mệt mỏi với loại thư điện tử này, nên thẳng tay đưa vào thùng rác (spam mails). Có cả những bức thư tình ngắn gọn thời "dot com" của những người đang yêu. Cả tỷ người trên thế giới thi nhau gõ keyboard, gởi, nhận thư điện tử mỗi ngày. Có cả phim "You got mails" với tài diễn xuất tuyệt vời của Tom Hanks, và Meg Ryan đưa về một lợi nhuận khổng lồ cho Hollywood. Không biết có ai trong cả tỷ người nghĩ đến người phát minh ra Emails? Chắc là ít ai nghĩ đến "cha đẻ" của Emails. Người kỹ sư điện tài ba, người sáng tạo ra Emails, và dấu @ đã qua đời hôm thứ bảy, ngày 5 tháng 3 vì bệnh tim. Thật ra, trước khi ông Ray Tomlinson khai sinh dấu hiệu @ vào năm 1970, người ta đã có thể gởi information qua lại cho nhau, nhưng chỉ gởi và nhận được nếu cùng sử dụng một máy computer. Không thể gởi data cho một người khác ở ngay phòng bên cạnh nếu người gởi và người nhận ở hai máy khác nhau, Anh chàng kỹ sư trẻ, tự nhận mình là "a nerdy guy from MIT" (trường Đại học Massachusetts Institute of Technology lẫy lừng khắp thế giới đã đào tạo cho Mỹ nhiều nhà khoa học tài năng.) cặm cụi làm việc với niềm đam mê của một người "chỉ biết học thôi chả biết gì" (a nerd). Ray tốt nghiệp cao học (master degree) về ngành Điện (Electrical Engineer) ở MIT năm 24 tuổi, sau khi đã có cử nhân (bachelor degree) ở Rensselaer Polytechnic Institute vào năm 1963. Thời sinh viên, ông đi thực tập ở IBM và đã làm cho các kỹ sư ở đó khâm phục trí thông minh, và khả năng làm việc của một anh chàng mới bước vào tuổi hai mươi, thiếu cả kinh nghiệm làm việc lẫn kinh nghiệm sống. Ra trường, ông về làm việc cho Bolt Beranek and Newman((BBN), sau này được Công ty kỹ thuật Raytheon mua lại. Tomlinson làm ở đó như là một programmer giỏi, một nhà khoa học được tất cả mọi người kính trọng. Hơn nửa thế kỷ qua, vẫn ở cùng một công ty, với nhiều thay đổi, các nhà lãnh đạo, đến rồi đi, anh kỹ sư trẻ Ray Tonlinson, bước vào tuồi trung niên, roi bạc tóc, vẫn làm việc ở văn phòng quen thuộc của mình, vẫn yêu những con số, những project khoa học cho đến lúc ông qua đởi vì bệnh tim vào ngày thứ bảy 5 tháng 3 năm 2016.
......

Cánh tay mặt của Trump !

Thông thường đứng sau một người đàn ông thành công luôn là bóng dáng của một người phụ nữ. Nhưng có lẽ đối với Trump là không phải vậy, cái gì với Trump dường như cũng khác với đời .. Đúng vậy, đứng sau sự thành công của Trump không phải một người phụ nữ mà là ... chàng rể Jared Kushner ! Hình Jared Kushner Jared Kushner là cái một người hoàn toàn trái ngược tất cả với con người của Trump. Nếu Trump sôi nổi, đôi khi bực dọc to tiếng ngay cả trước công chúng, thì Jared Kushner lại rất nhỏ nhẹ, rất ngoại giao và không bao giờ thích lộ mặt trước công chúng. Nếu Trump luôn là người luôn tìm đến "ánh sáng", thì Jared Kushner luôn khép nép trong "hậu trường"... Tài không đợi tuổi, năm 2004 Jared Kushner vừa tốt nghiệp Harvard , với 23 tuổi thì anh đã phải gánh nặng mọi việc trong gia đình anh: Cha anh, tỷ phú bất động sản, bị bắt tù 2 năm vì trốn thuế ... Anh rất hiếu thảo, tuần nào cũng vào thăm cha trong tù, và một mình đảm nhiệm cả công ty địa ốc đang chao đao ... Khi mọi việc dưới sự lèo lái của Jared Kushner vào ổn định, anh bỏ ra 10 triệu dollar để mua tuần báo "New York Observer", chuyên viết về những nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực kinh tế, chính trị và truyền thông. Với số tuổi vừa 25 Jared Kushner là chủ nhiệm trẻ nhất của nước Mỹ .. Và định mệnh đưa đẩy năm 2009 anh đã gặp Ivanka Trump, cô con gái rượu của Trump trong mọt bữa ăn trưa. Trai tài gái sắc gặp nhau, và vì quá yêu anh chàng vừa bảnh trai vừa duyện dáng Ivanka xin cha cho mình được vào Do Thái giáo để được kết hôn với người yêu ... Trump thật sự cũng bị quyến rũ trước tài năng bẩm sinh của Jared Kushner, và đành lòng cho cô con gái rượu theo Do Thái giáo để làm vợ Jared Kushner. Jared Kushner đối với Trump một mực kính sợ và thương yêu như cha ruột của mình. Tất cả mọi việc tài chánh từ đó Trump luôn bàn bạc với anh con rể rất tương đắc này ... Khi Trump lao vào cuộc vận động tranh cử Tổng Thống, Jared Kushner quả tình cũng chẳng mặn nồng lắm, vì bản thân Jared Kushner không thích sự ồn ào của đời sống chính trị. Nhưng chuyện gì đến thì phải đến, vài tháng trước khi bầu cử, Trump bị tất cả báo chí truyền thông Mỹ và thế giới tấn công ngày đêm, nặng nhất là sỉ vả ông là tên kỳ thị chủng tộc và khinh bỉ phụ nữ. Không thể im lặng được nữa, Jared Kushner đã dùng tuần báo của mình để cứu danh dự cho cha vợ. Anh viết: "gia đình chúng tôi có gốc là dân Do Thái, đã thoát chết trước sự tàn bạo của Phát Xít Đức ở Ba Lan, nếu Trump là kẻ kỳ thị, tôi không thể là con rể của ông, và ông cũng không thể cho con gái theo đạo Do Thái như vậy..." Từ đó Jared Kushner bước ra ánh sáng, và làm việc tận lực trong ban hổ trợ bầu cử cho Trump ... Thế cờ từ đó càng ngày càng tiện lợi cho Trump- Jared Kushner lợi dụng luật bầu cử của Mỹ, bằng tất cả sự thông minh, anh lên kế hoạch khuyên Trump nên bỏ những tiểu bang không thể thắng mà nên tập trung tài lực vào những tiểu bang "chưa ngã ngũ". Và kết quả như thế nào thì chúng ta ai cũng biết... Jared Kushner gần như một cố vấn không lương cho Trump và Trump cũng tin tưởng tuyệt đối vào con rể mình .. Theo vài nguồn tin "hành lang" thì có thể Jared Kushner sẽ là đại sứ đặc biết của Trump để giải quyết lò lửa Trung Đông. Đây là vấn đề nhức nhối hàng đầu của thế giới mà bao nhiêu đời Tổng Thống Mỹ cũng không giải quyết được... Không biết Trump có thể chấp nhận sự vắng bóng một tài năng thiên phú luôn bên cạnh mình, để cho anh con rể tập trung giải quyết vấn đề lò lửa Trung Đông hay không .. Chờ xem ! FB Lâm Mạnh Di
......

Một phát minh mớí chữa lửa không cần nước

Thế giới đang “phát sốt” vì một phát minh vô cùng "đặc biệt" của chàng kỹ sư người Mỹ gốc Việt Hình: 2 kỹ sư thuộc Đại học Geogre Mason (Mỹ) Một sinh viên cao học người Mỹ gốc Việt cùng bạn đã phát minh ra thiết bị có thể dập lửa mà không dùng tới nước. Được biết thiết bị cầm tay này dập lửa bằng cách phát ra âm thanh ở âm tần thấp nhằm khuếch tán oxy xung quanh ngọn lửa khiến nó dần bị tắt. Hiện phát minh đặc biệt của 2 chàng trai này đang khiến thế giới “phát sốt”. Thay vì dùng nước, giờ đây những đám cháy lớn có thể được dập tắt trong nháy mắt bằng… sóng âm tần số thấp, nhờ phát minh mới của kĩ sư gốc Việt. Một phát kiến về dập lửa đã được 2 kỹ sư thuộc Đại học Geogre Mason (Mỹ) ra mắt. Cụ thể, đây là một thiết bị có thể dập lửa mà không dùng tới nước. Việt Trần – một sinh viên cao học người Mỹ gốc Việt và người bạn, Seth Robertson đã cùng nghiên cứu để cho ra mắt thiết bị phát sóng âm tần số thấp, và áp dụng vào việc dập lửa. Được biết, hai tác giả chỉ mất hơn 600 USD và 1 năm nghiên cứu để cho ra đời sản phẩm. Nhưng đây được coi là một phát kiến rất thực tế, do thiết kế đơn giản, tiện dụng. Không những thế, còn có thể giảm thiểu tối đa thiệt hại trong quá trình chữa cháy. Về cơ bản, phát kiến này là một thiết bị cầm tay có khả năng phát ra âm thanh ở âm tần thấp (30-60 hertz) nhằm khuếch tán oxy xung quanh ngọn lửa và khiến chúng tắt ngúm. Hầu hết các tờ báo lớn trên thế giới đang “phát sốt” vì sáng chế mang tính thời đại này. Trang CNET nổi tiếng của Mỹ nhấn mạnh: “Hãy tưởng tượng nếu tất cả thứ bạn cần để dập tắt đám cháy là một chiếc loa, đó là một ý tưởng đã được Bộ Quốc phòng Mỹ chứng mình từ năm 2012. Nhưng đây là lần đầu tiên trong lịch sử, ý tưởng đó đã được thử nghiệm thực tế”. Nhờ video clip thử nghiệm thiết bị với một đám cháy từ cồn, tin tức của hai nhà sáng tạo trẻ tràn ngập khắp mặt báo ở nước Mỹ. Việt Trần chia sẻ anh cũng đồng thời nhận được rất nhiều ý kiến ủng hộ cũng như góp ý chuyên môn của các nhà khoa học trên khắp thế giới. Hiện phát minh của hai kỹ sư này đang được nghiên cứu mở rộng quy mô thử nghiệm trước khi đăng kí bằng sáng chế.  
......

Trump thừa hưởng bộ óc 'thiên tài' từ người cha gốc Đức

Nếu không nhờ người cha giàu có, tổng thống tân cử của nước Mỹ có thể đã không có ngày hôm nay. *Donald Trump và cha tại sân trượt băng Wollman Rink, Công viên Trung tâm, New York, năm 1987. Ảnh: Getty. Ngay từ khi sinh ra, Donald Trump dường như đã được lập trình để thành công. Với khối tài sản thừa kế lớn, nhà tài phiệt địa ốc thẳng tiến vào danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ - Forbes 400. Sau khi được bầu làm tổng thống thứ 45 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, ông sẽ trở thành một trong những tổng thống giàu nhất mọi thời đại. Không có gì ngạc nhiên khi trong bài phát biểu chiến thắng, người đầu tiên Trump bày tỏ lòng biết ơn là cha mẹ mình. Mặc dù vị tỷ phú luôn cho rằng thành công của ông là nhờ “tự thân vận động”, Donald Trump thực tế đã “dựa dẫm” khá nhiều vào người cha giàu có, nhất là trong thời đầu lập nghiệp. Cha nào con nấy Fred Christ Trump thường được cho là khá tương phản với người con trai hào nhoáng của ông, Donald Trump, người xây dựng những tòa tháp mạ vàng ở Manhattan, tiêu điểm của các báo lá cải, ngôi sao truyền hình thực tế và giờ là tổng thống đắc cử của đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, những gì Donald Trump thừa hưởng không chỉ là đế chế bất động sản của cha. Như New York Times mô tả, Fred Trump chính là hiện thân của Donald Trump ở thời của ông, một doanh nhân, một đối thủ nặng ký, kẻ phỉnh phờ các chính trị gia và ưa tranh cãi. Sinh năm 1905 tại New York trong một gia đình nhập cư người Đức, Fred Trump làm việc trong một cửa hàng thịt ở tuổi lên 10. Cha mất sớm, ông làm việc bán thời gian khi còn học phổ thông để chu cấp cho người em trai sáng dạ, John, người sau này trở thành giảng viên của Viện Công nghệ Massachusetts. Ở tuổi 21, Fred Trump, cùng với mẹ của mình, bà Elizabeth, đã thành lập công ty xây dựng Elizabeth Trump & Son, đặt tên như vậy bởi vì chỉ có bà là đủ tuổi để ký séc. Ông bắt đầu xây dựng nhà ở Queens, New York, sau đó xây dựng doanh trại và căn hộ cho binh sĩ Mỹ dọc Bờ Đông trong Thế chiến II. Công việc làm ăn nhanh chóng phát đạt, ông tiếp tục xây công ty, căn hộ cho người thu nhập thấp và các dãy nhà ở Brooklyn và Queens. Fred Trump "ăn nên làm ra" phần lớn nhờ vào chương trình nhà ở liên bang của chính phủ cùng bối cảnh chính trị, xã hội thuận lợi. Gần như ngay sau khi Tổng thống Franklin D. Roosevelt thành lập Cục Quản lý Nhà ở Liên bang (FHA) vào những năm 1930, ông đã háo hức tìm cách tận dụng các khoản vay trợ cấp. Năm 1934, trong bối cảnh vật lộn với thời kỳ Đại suy thoái, nguồn tài trợ từ FHA đã cho phép Fred Trump hồi sinh công việc làm ăn. Ông bắt đầu xây dựng vô số các căn nhà ở Brooklyn và bán ra ở mức 6.000 USD mỗi căn. Tuy vậy, tài năng kinh doanh của Fred Trump là không thể phủ nhận. Chính ông là người đã dạy cho con trai cách tiếp thị bản thân “kiểu Mỹ”. Hàng thập kỷ trước khi Donald Trump gắn mác tên họ của gia đình lên tòa tháp đầu tiên, cha ông đã đặt tên cửa hàng tạp hóa của mình là ‘Trump Market’ và khu nhà ở tại đảo Coney là ‘Trump Village’. Để thu hút sự chú ý, ông cũng gắn các mác giá kiểu như $ 3.999,99. “Nhiều hơn một xu thôi cũng sẽ không bán được”, Donald Trump nhớ lại lời cha dạy. Hai cha con Trump cùng ông bầu quyền Anh, Don King, tại Atlantic City, New Jersey, năm 1987. Ảnh: AP. Vị tỷ phú từng nói ông đã học được nhiều giá trị từ cha. Đặc biệt, trực giác nhạy bén của ông trên thương trường được rèn luyện qua việc theo cha đến công trường và nhìn ông tận dụng từng đồng đôla. “Cha tôi sẽ nhặt nhạnh mùn cưa, đinh, phế liệu, ông ấy sẽ sử dụng tất cả những thứ có thể dùng được, tái chế chúng bằng cách nào đó và đem bán”, ông Trump cho biết trong một bài phát biểu cho Hiệp hội Xây dựng Nhà ở Quốc gia. Ông cũng chứng kiến phong cách đàm phán cứng rắn của cha mình, ngay cả ở nhà. Trước đây, một số người bạn của Trump từng bất bình về việc người cha giàu có của Trump không mua cho con trai chiếc găng bóng chày mới. Donald giải thích rằng cha ông có lý khi nghi ngờ con trai sẽ lờ đi giá cả của chiếc găng mình ao ước và tìm cách bắt vị thương gia mua cho bằng được. Người cứu con trai khỏi nợ nần Sự nghiệp của Donald Trump được xây dựng trên nền tảng sự giúp đỡ của người cha, từ những năm đầu quản lý công ty bất động sản của gia đình, tạo quan hệ với giới chính trị hay các khoản vay bảo lãnh hàng triệu USD cho những giao dịch đầu tiên. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Fred Trump đã tìm cách cứu con trai khỏi rắc rối sau khi khu sòng bạc Trump’s Castle ở Atlantic City, New Jersey, để lỡ một khoản thanh toán lãi suất trong tháng 12/1990. Donald cùng cha mẹ tại Học viện Quân sự New York. Ảnh: Gia đình Trump. Hai nhà báo của Washington Post là Michael Kranish và Marc Fisher đã mô tả chi tiết sự việc này trong cuốn sách ‘Trump Revealed’. Nếu Fred chỉ đơn giản viết cho Donald một tấm séc, số tiền đó sẽ được sử dụng để thanh toán khoản nợ của sòng bạc Taj Mahal nhưng ông đã không làm vậy. Ông cử một luật sư đến Trump’s Castle để tuồn tiền vào kho bạc đang cạn kiệt của sòng bài. Vị luật sư được cử đến, Howard Snyder, đã tới quầy đổi phỉnh và đưa ra tấm séc trị giá 3,35 triệu USD rút từ tài khoản của Fred. Sau đó, Snyder bước tới một bàn blackjack, nơi người chia bài được trả tổng cộng 670 phỉnh màu xám trị giá 5.000 USD. Ngày hôm sau, ngân hàng chuyển khoản thêm 150.000 USD vào tài khoản của Fred tại Castle. Một lần nữa, Snyder lại đến sòng bạc và thu thêm tổng cộng 30 phỉnh. Việc này cho phép Donald sử dụng khoản vay phi pháp trên theo bất cứ cách nào ông muốn. “Chắc chắn, Castle đã thanh toán khoản nợ ngay trong ngày luật sư của Fred mua lô phỉnh đầu tiên”, Kranish và Fisher viết. Chiến thuật tinh vi này đã đem lại lợi ích tài chính vẹn cả đôi đường. Donald Trump không những tránh khỏi việc vỡ nợ mà còn tránh được nguy cơ mất quyền kiểm soát Trump’s Castle. Ngoài ra, ông cũng không cần trả lãi suất cho vị khách đã giữ lại phỉnh mà không đổi ra tiền mặt. Di sản của nhà Trump Donald Trump gia nhập công ty của gia đình vào năm 1968 khi mới 22 tuổi. Fred Trump đã cho con trai vay tiền và để Donald bước chân vào ngành kinh doanh bất động sản ở Manhattan, theo Times. Những năm cuối đời, Fred Trump mắc phải căn bệnh Alzheimer tuổi già. Ông qua đời năm 1999, để lại khối tài sản trị giá khoảng 250-300 triệu USD. Dù giàu có, ông được biết đến là người sống giản dị. Donald Trump và cha, Fred Trump, năm 1992. Ảnh: Splash News. “Theo các con trai, hàng ngày ông thường lái chiếc Cadillac đến một trong các công trường sau giờ làm việc”, Times viết trong cáo phó. “Trong bộ âu phục lịch lãm, với ngoại hình đẹp như tạc và nụ cười tươi rói, trông ông hệt như một ngôi sao điện ảnh – ông bước qua những chiếc đinh tán và sàn nhà bằng ván ép, nhặt lấy những chiếc đinh không sử dụng để giao lại cho thợ mộc vào ngày hôm sau”. Năm 1946, khi Donald Trump vẫn còn đang quấn tã khi người cha Fred đã chi tiền vào một quỹ ủy thác cho con mình. Ngay từ khi còn nhỏ, Donald Trump đã được hưởng khoảng 12.000 USD một năm, mức thu nhập nhiều gấp 4 lần một gia đình bình thường. Là con trai thứ 2 nhưng lại được cha yêu quý, Donald Trump đã kế thừa phần lớn thành quả từ người cha khi tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình mà người anh không mấy hứng thú. Khi vị tỷ phú New York đắc cử tổng thống nhờ khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, người ta lại nhớ đến “giấc mơ Mỹ” một thời. Hơn 70 năm trước, Fred C. Trump, người sinh ra trong một gia đình nhập cư gốc Đức, đã hiện thực hóa nó tại trung tâm tài chính lớn nhất thế giới. Nhờ vậy mà giờ đây, trong bài phát biểu chiến thắng, con trai ông, tổng thống kế nhiệm của nước Mỹ, có thể tuyên bố trước toàn thế giới rằng “Không giấc mơ nào là quá lớn, không thử thách nào là quá nhiều”.
......

BẠN CẦN GÌ KHI TUỔI ĐÃ XẾ CHIỀU...?

Khi Tuổi Già đến với bạn, bạn sẽ thấy trên thế giới này mọi thứ đều giảm giá trị! Những thứ bạn hừng hực lao vào kiếm tranh giành khi tuổi trẻ thì giờ gần như vô nghĩa! Khi trẻ, nội tiết tố thấm đẫm trong máu bạn, làm bạn thấy Ngọc Trinh luôn quá hấp dẫn và thèm muốn, bạn cật lực làm lụng để được ngủ với những cô nàng như vậy! Bạn cũng bị những siêu xe làm cho điên cuồng, bị những giày hiệu túi hiệu làm cho choáng váng, bị những món ăn ngon nhà hàng sang trọng làm khó cưỡng nổi! Nhưng khi tuổi già đến, tình dục chỉ là câu chuyện lịch sử, răng cỏ tiêu hoá chả còn biết ngon miệng, ăn bào ngư vi cá cũng chả tiêu nổi, sức khoẻ cũng chả đủ để lái chiếc siêu xe..., và khi đó, tiền đối với bạn chỉ là thứ nhạt nhẽo! Và lúc đó, Tình Già với nhau lại là thứ quý báu nhất! Con cái nó có yêu thương bạn đến đâu nó cũng không thể hiểu được cái đau nhức trong xương cốt của bạn, nó có chăm lo cho bạn đến đâu cũng không thể hiểu được cảm xúc trở thành người thừa của xã hội nó buồn đến thế nào! Và bạn lại có xu hướng không muốn làm phiền con cái, bạn không muốn nó vì bạn mà chậm lại cuộc đua đời mà nó đang hăng hái, cũng giống bạn khi xưa! Và khi đó chỉ có tình bạn già là hiểu nhau và chia sẻ với nhau được mà thôi! Và Tình Già đó phải được xây dựng từ lúc còn trẻ, phải tốn hàng chục năm để có sự ấm áp lúc xế chiều! Vậy ai giờ còn mãi tất bật với những cuộc đua nẹt lửa hàng ngày, hãy bớt lại một chút, tìm và xây dựng cho mình Một Mối Tình Già đi, không thì sẽ muộn đấy!   FB Hòa Augustino
......

Texas dẫn đầu Mỹ về sử dụng năng lượng tái tạo

Texas, nơi nổi tiếng về sản xuất dầu hỏa, đã trở thành tiểu bang đứng đầu trong việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió. Và việc sản xuất năng lượng mặt trời tăng trưởng nhanh chóng tại tiểu bang này nhờ vào nguồn ánh sáng mặt trời dồi dào và giá thành các tấm năng lượng mặt trời giảm mạnh trong những năm gần đây. Các tấm năng lượng mặt trời ở Texas. Hình. Vào tháng 4 năm nay, Ngoại trưởng John Kerry đến thăm địa điểm nghiên cứu về mặt trời của Trường đại học Texas ở Austin. Tại đây ông Kerry nói về lợi ích kinh tế và môi trường của việc phát triển năng lượng mặt trời. “Hàng triệu việc làm sẽ được tạo ra trong việc xây dựng và bảo trì và điều hành tại những cơ sở sản xuất loại năng lượng này.” Các đảng viên Cộng hòa bảo thủ hiện kiểm soát quốc hội tiểu bang nghi ngờ về biến đổi khí hậu, nên việc họ ủng hộ năng lượng tái tạo chỉ vì giá thành. Tiểu bang đã đầu tư vào đường điện cao thế và những hạ tầng cơ sở khác để mang điện giá rẻ từ các turbine gió tại những khu vực xa xôi đến những trung tâm thành thị lớn. Ông Michael Skelly, chủ tịch và là người sáng lập công ty Cleanline Energy nói: “Bạn sẽ thấy trong vòng 5 hay 10 năm tới, sẽ có nhiều đầu tư trong lưới điện, và việc này sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho việc phát triển năng lượng mặt trời.” Ông Andy Bowman là chủ tịch của công ty Pioneer Green Energy, một công ty hầu hết chú trọng đến năng lượng gió, nhưng hiện nay đang phát triển những dự án về năng lượng mặt trời. Ông Bowman nói: “Nhiều công ty năng lượng gió đã chuyển biến thành công ty năng lượng mặt trời và năng lượng gió vì năng lượng mặt trời đã trở nên quá rẻ. Năng lượng mặt trời cạnh tranh không những với năng lượng gió mà với cả năng lượng hóa thạch nữa.” Bà Jennifer Ronk, một chuyên gia về năng lượng tái tạo tại Trung tâm Nghiên cứu Tiên tiến Houston nói một công ty phát triển năng lượng gió lẫn năng lượng mặt trời là hợp lý. “Gió thổi nhiều về ban đêm, không phải là lúc chúng ta sử dụng cao nhất. Do đó nếu có thể đặt một số tấm năng lượng mặt trời vốn có thể sản sinh nhiều năng lượng vào ban ngày, thì hệ thống được cân bằng rất nhiều.” Bà Ronk nói thêm một viễn ảnh rất khích lệ là việc chế tạo các loại pin và những phương cách khác tích trữ năng lượng dư thừa để sử dụng khi cần nhất. “Đã có nhiều cuộc nghiên cứu, nhiều chế tác. Tôi nghĩ là sẽ rất thích thú để thấy những gì xảy ra trong vòng 3 đến 5 năm tới.” Bà Ronk nói việc sử dụng than đá chắc chắn sẽ giảm nhiều hơn nữa tại Texas và các nơi khác, chính yếu là vì khí đốt thiên nhiên rẻ hơn và sạch hơn, chứ không phải vì năng lượng gió và năng lượng mặt trời. “Tôi không nghĩ thế giới sẽ đóng cửa tất cả nhà máy điện lớn tại các nơi và chạy mọi thứ bằng năng lượng mặt trời. Trong dài hạn không phải như vậy. Tôi nghĩ sẽ có một giải pháp hỗn hợp với một kết quả tối ưu.” Bà Ronk nói những lò phản ứng hạt nhân mới sẽ cung cấp năng lượng sạch, nhưng giá thành và sự lo sợ của công chúng về các tai nạn khủng khiếp sẽ giảm bớt sự thu hút của các nhà máy điện hạt nhân. http://www.voatiengviet.com/a/texas-dan-dau-my-ve-su-dung-nang-luong-tai...
......

Khai thác vàng từ linh kiện iPhone?

Một chiếc iPhone nạm kim cương sẽ tốn của bạn 95 triệu đôla, thế nhưng nếu những chiếc iPhone xa xỉ như vậy nằm ngoài tầm với của bạn, đừng buồn, vì mỗi chiếc điện thoại thông minh đều chưa các kim loại quý như vàng, bạc, đồng, bạch kim và palladium. Đây không chỉ là những chi tiết thú vị về thiết bị điện tử không bao giờ rời xa bạn nửa bước. Getty Images   Những kim loại quý này đang ngày càng trở nên quý hiếm vì chúng ta đang đối diện với nguy cơ không còn khả năng khai thác chúng từ lòng đất. Điều này cũng đủ để thấy chiếc điện thoại thông minh của bạn có giá trị nhiều hơn bạn nghĩ. Giá trị tiềm ẩn của những kim loại quý bên trong thiết bị điện tử cũ của bạn, và cách tốt nhất để tách chúng ra, là chủ đề được thảo luận tại Hội thảo Những Ý tưởng Thay đổi Thế giới của BBC Future tại Sydney vào tháng 11 năm 2016.   Chính xác thì chiếc điện thoại thông minh của tôi có những gì?   Các điện thoại cũ là những két sắt tí hon chứa các loại kim loại và khoáng sản quý. Một chiếc iPhone thường chứa khoảng 0,034 gram vàng, 0,34 gram bạc, 0,015 gram palladium và chưa đến một phần nghìn gram bạch kim. Nó cũng chứa những loại kim loại ít giá trị hơn như nhôm (25g) và đồng (khoảng 15g).   Đó chỉ mới là bắt đầu. Các điện thoại thông minh cũng chứa các loại đất hiếm, vốn có rất nhiều trên Trái Đất nhưng tốn rất nhiều tiền để khai thác như yttrium, lanthanum, terbium, neodymium, gadolimium và praseodymium.   Bên cạnh đó, nhựa, kính, pin... cũng nằm trong danh sách những nguyên liệu dài dằng dặc. Tất cả những nguyên liệu này đều chiếm một tỷ lệ khá nhỏ bên trong chiếc điện thoại. Thế nhưng ngày nay có khoảng hơn 2 tỷ người đang sử dụng điện thoại thông minh và con số này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, mật độ của những nguyên liệu này trong các điện thoại, ví dụ như vàng và bạc, cao hơn rất nhiều so với mật độ trong các quặng có trọng lượng tương đương. Một tấn iPhone sẽ có tổng lượng vàng cao hơn 300 lần so với một tấn quặng vàng và có lượng bạc cao hơn 6,5 lần so với một tấn quặng bạc.   Vì sao chúng ta cần quan tâm? Hai tỷ người sử dụng điện thoại thông minh nâng cấp lên điện thoại mới sau khoảng 11 tháng. Điều này đồng nghĩa với việc điện thoại cũ của họ bị vứt vào một góc nào đó và rơi vào lãng quên. Chỉ 10% trong số này được tái chế. Chúng thực sự là những mỏ vàng đang ẩn mình trong những chiếc hộp, kệ tủ. Trong thời đại ngày nay, khi mà ngày càng nhiều tài nguyên đang trở nên khan hiếm, việc tránh lãng phí những nguyên liệu này sẽ giúp mang lại lợi ích cho môi trường cũng như cho nền kinh tế.   "Một tấn iPhone sẽ có tổng lượng vàng cao hơn 300 lần so với một tấn quặng vàng và có lượng bạc cao hơn 6,5 lần so với một tấn quặng bạc." Hàm lượng kim loại quý trong từng chiếc điện thoại khá nhỏ. Thế nhưng việc khai thác những kim loại này từ điện thoại sẽ trở nên hấp dẫn hơn ở một quy mô lớn: Một triệu chiếc điện thoại có thể mang lại 16 tấn đồng, 350kg bạc, 34kg vàng và 15kg palladium. Thách thức ở đây là làm sao để khai thác những nguyên liệu này một cách an toàn và tiết kiệm. Một lượng lớn những rác thải công nghệ, trong đó có điện thoại di động, được chuyển đến những nước như Trung Quốc, nơi chúng được tháo gỡ bằng những phương pháp kém an toàn. Quý Tự, một thị trấn thuộc tỉnh Quảng Đông ở phía đông nam Trung Quốc, được mệnh danh là bãi rác thải công nghệ lớn nhất trên thế giới. Điều này đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cư dân ở đây và khiến cho đất đai, nguồn nước, không khí bị ô nhiễm. Getty Images Các thiết bị điện tử chứa nhiều kim loại quý và đất hiếm, nhưng đa phần việc phân tách chúng được thực hiện ở những nơi ô nhiễm như tại Quý Tự, Trung Quốc Ngay cả việc tái sử dụng rác thải công nghiệp ở chính quốc gia tạo ra chúng cũng mang lại nhiều thách thức. Tại Úc, việc tái chế rác thải công nghệ yêu cầu quy trình nấu chảy ở quy mô công nghiệp, vốn rất tốn kém và cũng không hề thân thiện với môi trường. Có cách nào khác tốt hơn không? Tất nhiên là có. Cách tốt nhất là tránh đổi điện thoại thường xuyên. Thế nhưng có lẽ đây cũng là cách thiếu thực tế nhất. Vì vậy, chúng ta cần có những cách tốt hơn. Nhà khoa học về chất liệu, Veena Sahajwalla, từ Đại học New South Wales, đang từng bước tìm giải pháp cho vấn đề toàn cầu này. Sahajwalla, người đại diện cho sự kiện của BBC tại Sydney vào tháng 11 năm 2016, cho rằng cần có những 'nhà máy cực nhỏ', với khả năng tách rời các kim loại quý từ điện thoại một cách vệ sinh và hiệu quả, và nung chảy những thành phần còn lại. Phương án của bà tập trung vào việc giảm thiểu sự tiếp xúc giữa con người với những vật liệu nguy hiểm bên trong điện thoại thông minh. Những bảng mạch điện tử có thể được tách rời bởi những cánh tay robot, sau đó được đưa vào một lò luyện kim có chức năng sử dụng những phản ứng chính xác ở nhiệt độ cao để tách rời các kim loại quý. Tất cả những thành phần độc hại hoặc không còn giá trị sử dụng có thể được tiêu huỷ một cách an toàn. Những nhà máy siêu nhỏ này sẽ có kích cỡ bằng một container tàu biển, và chúng có thể tạo nên cơ hội kinh doanh cho những ai muốn khai thác vàng từ rác thải công nghệ. Biết đâu, nếu làm công việc này đủ lâu, bạn có thể tự tạo ra cho mình một chiếc điện thoại thông minh nạm vàng hoặc kim cương. Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future. http://www.bbc.com/future/story/20161017-your-old-phone-is-full-of-preci... Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-37741844
......

Việt Nam đón chào một "thuyền nhân" trong phái đoàn của Tổng Thống Obma

Trong phái đoàn thăm Việt Nam lần này của Tổng Thống Hoa Kỳ có một nữ cố vấn đặc biệt đó là Elizabeth Phu - người Việt tị nạn cộng sản. 36 năm trước bà đã phải rời "thiên đường xã hội chủ nghĩa" để tới nước Mỹ "tư bản giãy chết" để định cư. Nay bà trở về trong tư cách công dân Mỹ và là cố vấn đặc biệt của Tổng Thống Obama. Elizabeth Phu là Giám đốc phụ trách các vấn đề Đông Nam Á và Châu Đại Dương của Nhà Trắng và là thành viên của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ. Năm nay Elizabeth Phu 39 tuổi nhưng đã có 15 năm kinh nghiệm làm việc ở những vị trí cao cùng Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng trong vấn đề đối ngoại và an ninh nội địa, giám đốc Về Đe Dọa Toàn Cầu, đặc biệt là làm việc sát cánh dưới hai thời tổng thống là George Bush và Barack Obama. Trước 1975, cha của bà từng làm việc cho Hoa Kỳ và sau đó bị đi tù cải tạo một thời gian. Ra tù cải tạo, gia đình lâm vào tình cảnh bế tắc, thế là gia đình quyết định vượt biên. Trong một chuyến hải hành đầy gian nan trên một chiếc thuyền với 253 người, nhưng cuối cùng thì cũng đến trại tị nạn Mã Lai. Sau đó gia đình bà đã được sang Mỹ làm lại cuộc đời. Tuy mới chỉ 3 tuổi nhưng bà đã có những kỉ niệm về những khốn khổ của một người trong trại tị nạn. Lớn lên Elizabeth theo học ở UC Berkeley về khoa học chính trị, rồi tiếp tục theo học tiến sĩ về ngành quốc tế học tại UC San Diego, và Trường Eisenhower thuộc Đại Học Bộ Quốc Phòng. Bà Elizabeth Phu từng chia sẻ “Hoa Kỳ là một đất nước chào đón tất cả mọi người cần sự giúp đỡ, những người muốn làm việc chăm chỉ và tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình". Với tư cách là cố vấn các vấn đề Đông Nam Á và châu Đại Dương, bà Elizabeth Phu là người lên kế hoạch cho những chính sách đối ngoại với các quốc gia Đông Nam Á và ASEAN, đồng thời bà cũng là người tham vấn cho Tổng thống Obama cách ứng phó với các sự kiện ngoại giao, quân sự, kinh tế trong khu vực. Bà cũng là người có tiếng nói quan trọng trong vấn đề “xoay trục chiến lược” của tổng thống Obama. Trò chuyện với Thời Báo Los Angles, Bà Elizabeth ôn lại câu chuyện gia đình mình vượt biên vào năm 1978 và bày tỏ lòng tri ân sự hào phóng của nước Mỹ: “Dù là một người tị nạn đến từ một quốc gia đang phát triển nhưng tôi vẫn có thể lớn lên thành công trên nước Mỹ và có cơ hội tuyệt vời được làm việc trong Nhà Trắng. Điều này khiến tôi cảm thấy vô cùng tự hào”. Lần hồi hương này, bà Elizabeth Phu không còn phải là một “thuyền nhân” chạy trốn nữa nhưng là một yếu nhân mà cả dân tộc và cộng sản phải e dè và nể phục. Paul Minh Nhật
......

Pages