Võ Văn Thưởng rời ghế, Ánh Xuân lại làm quyền chủ tịch nước

Lê Văn Đoành|

Sau khi bàn bạc, cân nhắc, lấy phiếu kín trong các ủy viên, Bộ Chính trị quyết định triệu tập kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương bất thường khoá 13, thống nhất kết thúc vai trò của ông Võ Văn Thưởng.
Thời gian họp vào lúc 15 giờ 00 chiều ngày 20-3-2024 tại Hà Nội. Địa điểm tại Trụ sở Trung ương Đảng, số 1 Hùng Vương, Ba Đình Hà Nội. Nội dung kỳ họp, Bộ Chính trị khoá 13 sẽ có tờ trình đề nghị Ban Chấp hành Trung ương: Xem xét và đồng ý cho thôi tất cả các chức vụ của ông Võ Văn Thưởng: Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Đồng ý để Võ Văn Thưởng ngưng công tác và nghỉ hưu.

Chỉ đạo ủy ban Thường vụ quốc hội triệu tập phiên họp đại biểu quốc hội bất thường vào lúc 8 giờ sáng 21-3-2023 để bỏ phiếu, ra nghị quyết miễn nhiệm chức Chủ tịch nước và cho thôi làm đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với Võ Văn Thưởng.

  • Bế mạc phiên họp bất thường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra thông báo về việc đồng ý cho bà Võ Thị Ánh Xuân, ủy viên Trung ương khóa 13, giữ quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cho đến khi Quốc hội bầu chủ tịch nước mới.
  • Như vậy, Võ Văn Thưởng sẽ bị truất phế kể ngày 22-3-2024 và chính thức nghỉ hưu vào ngày 1-12-2024.
  • Việc giới thiệu nhân sự thay Võ Văn Thưởng để quốc hội phê chuẩn, ngồi vào ghế chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ phải chờ đến kỳ họp dài ngày của Hội nghị Trung ương 9, diễn ra trong nay mai.

Đây sẽ là lần thứ nhì trong nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 13, bà Võ Thị Ánh Xuân đảm nhận vị trí quyền Chủ tịch nước. Tháng 1-2023, bà Xuân giữ quyền Chủ tịch nước, thay cho ông Nguyễn Xuân Phúc bị phế truất. Đến ngày 2-3-2023, bà Xuân bàn giao cho tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Và trong những ngày sắp tới, bà Xuân nhận trở lại cái “quyền chủ tịch nước” lần thứ hai.

Đây là sự kiện hiếm hoi trong lịch sử đảng CSVN: Bà Xuân là phó chủ tịch nước làm việc với ba đời chủ tịch nước trong cùng một nhiệm kỳ. Cũng như ông Lê Khánh Hải, cháu nội đích tôn lãnh tụ Lê Duẩn, hiện là Chủ nhiệm Văn phòng chủ tịch nước, cũng có cơ hội phục vụ ba đời chủ tịch trong nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo Quy định số 214-QĐ/TW của Bộ Chính tri, ngày 2-1-2020 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh dành cho vị trí chủ tịch nước, có đoạn “đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh Bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương, tham gia Bộ Chính trị một nhiệm kỳ trở lên”.

Nhằm tránh xáo trộn quá nhiều trong “bộ tứ” quyền lực, thời điểm này đảng sẽ chỉ thay đổi ghế chủ tịch nước. Hiện tại chỉ có hai ứng viên đủ tiêu chuẩn đáp ứng Quy định 214-QĐ/TW là bà Trương Thị Mai và Tô Lâm.

Nhà nước cộng sản chưa có tiền lệ phụ nữ giữ chức chủ tịch nước, nên có lẽ Tô Lâm sẽ là ứng viên duy nhất cho cái ghế này.
Đây được xem là cơ hội duy nhất để Tô Lâm làm “nhân sự đặc biệt” ở lại đại hội 14. Nếu không lên chủ tịch nước kỳ này, Tô Lâm sẽ từ giã chính trường và sẽ về vườn sau tháng 1-2026.

Từ nay đến Hội nghị Trung ương 9, sẽ có những thay đổi bất ngờ trong thượng tầng chính trị Việt Nam. Được biết Hội nghị Trung ương 9 sẽ giải quyết nhiều việc quan trọng như: Giới thiệu nhân sự chủ tịch nước, bầu bổ sung ủy viên Bộ Chính trị, bố trí nhân sự đảm nhiệm vị trí Trưởng ban Kinh tế Trung ương và thay đổi các ghế bộ trưởng, bí thư một số tỉnh thành…

Quan thì cứ đánh nhau để chia chác kiếm ăn, đại thần triều đình thì dốc hết binh đao để tranh giành quyền lực đứng đầu thiên hạ, còn dân đen thì lầm lũi “đốn củi đốt than” kiếm sống qua ngày. “Đất nước chưa bao giờ được như hôm nay” ông giáo Nguyễn Phú Trọng ạ!