2014

Kịch bản chiến tranh Việt-Trung

Ông Carl Thayer cho rằng các cuộc đối đầu liên tiếp trên biển có thể gây ra thiệt hại về nhân mạng Giáo sư Carl Thayer, từ Học viện Quốc phòng Úc, cho rằng một cuộc xung đột vũ trang giữa Việt Nam và Trung Quốc, nếu xảy ra, sẽ khác với cuộc chiến biên giới năm 1979. Trả lời phỏng vấn BBC ngày 22/5, ông cho rằng cuộc chiến sẽ 'kết thúc rất nhanh', với nhiều bất lợi nghiêng về phía Việt Nam. BBC: Theo ông thì căng thẳng hiện nay có leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang hay không, và nếu điều đó xảy ra, hai bên sẽ triển khai những lực lượng gì cho cuộc chiến? Giáo sư Carl Thayer: Hiện nay chúng ta đang chứng kiến một cuộc đối đầu trên biển được cả hai phía tính toán rất kỹ. Trung Quốc sẽ tiếp tục ngăn chặn tàu của Việt Nam tiếp cận giàn khoan, trong lúc Việt Nam tiếp tục duy trì sự hiện diện và tuyên truyền bằng nhiều ngôn ngữ để yêu cầu Trung Quốc rút lui. Các chuyên gia mà tôi gặp gần đây cho rằng những cuộc đối đầu liên tiếp trên biển hiện nay có thể dẫn đến thiệt hại về nhân mạng hoặc khiến tàu của một bên nào đó bị chìm. Một cuộc giao tranh theo tôi là khó xảy ra, nhưng nếu có, thì cuộc chiến đó sẽ không chỉ diễn ra trên một mặt trận như 1979. "Khó có khả năng Nga sẽ đứng ra để tiếp tế vũ khí và phụ tùng cho Việt Nam vì không muốn gây hấn với Trung Quốc" Năm 1979, Trung Quốc đã chủ trương không sử dụng không quân vì e ngại trước hệ thống phòng không rất mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, một cuộc giao tranh trong năm 2014 sẽ diễn ra trên nhiều mặt trận, với sự tham gia của không quân, hải quân, bộ binh cho đến tàu ngầm và sẽ kết thúc rất nhanh. Hiện nay, các hạm đội của Việt Nam chủ yếu tập trung ở Nha Trang và Đà Nẵng. Trung Quốc có thể tấn công các cứ điểm này rất nhanh chóng bằng thủy lôi, bằng không quân hoặc tên lửa hành trình từ chiến hạm và tiêu diệt hoàn toàn các hạm đội cũng như các cơ sở hậu cần của Việt Nam. Đây là một yếu tố rất quan trọng. Vì nếu bị hư hại, tàu của Việt Nam có thể lui về cảng, thế nhưng nếu mất cảng, các chiến hạm sẽ không thể được tiếp nhiên liệu và sẽ trở thành vô giá trị. Bên cạnh đó, một cuộc chiến kéo dài cũng khiến Việt Nam phải đứng trước câu hỏi là lấy nguồn tiếp tế vũ khí ở đâu? Việt Nam hiện có bao nhiêu nước sẵn sàng cung cấp những khí tài hiện đại cho họ?   Khó có khả năng Nga sẽ đứng ra để tiếp tế vũ khí và phụ tùng cho Việt Nam vì không muốn gây hấn với Trung Quốc. Thậm chí nếu Nga muốn giúp thì cũng đã quá trễ. Việc Trung Quốc tăng ngân sách quân sự khiến nhiều nước trong khu vực lo ngại BBC: Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ phản ứng thế nào nếu một cuộc chiến xảy ra, thưa ông? Giáo sư Carl Thayer: Việt Nam đang sở hữu hệ thống tên lửa hành trình rất mạnh, có thể bắn đến tận đảo Hải Nam hoặc đảo Phú Lâm. Nếu một cuộc giao tranh xảy ra,câu hỏi hàng đầu của các nước này là làm sao ngăn Trung Quốc tiếp tục tấn công Việt Nam mà không phải đánh Trung Quốc? Trên lý thuyết, các nước có thể lập một phòng tuyến nhằm cô lập đường hàng hải của Trung Quốc. Trừ khi Trung Quốc muốn phải đối đầu với cả hải quân của Nhật và Hoa Kỳ, các đường cung cấp dầu khí trên biển của họ sẽ bị chặn. Và đây là điểm yếu mà các học giả Trung Quốc gọi là "thế tiến thoái lưỡng nan ở Malacca". Không chỉ riêng eo biển Malacca mà cả eo biển Hormuz cũng là một điểm yếu của Trung Quốc. Tuy nhiên để duy trì một vùng cách ly như vậy sẽ rất khó khăn và cần đến sự tham gia của hải quân từ nhiều nước. Nhật Bản cũng có thể sử dụng hải quân để khống chế không cho các hạm đội của Trung Quốc tiếp tục tấn công Việt Nam. Tất nhiên, đây chỉ hoàn toàn là giả thiết vì đến nay hải quân Nhật Bản vẫn chỉ được sử dụng cho mục đích tự vệ. Tôi vẫn cho rằng Nhật Bản sẽ rất thận trọng trước các động thái gây hấn của Trung Quốc. Giáo sư Carl Thayer cho rằng giàn khoan của Trung Quốc không phải để thăm dò dầu khí BBC: Hiện Trung Quốc đang phải chi rất nhiều tiền để giữ cho giàn khoan hoạt động ở vị trí hiện nay, một số tin nói là hàng trăm nghìn đôla một ngày, có tin nói là cả triệu đôla một ngày. Nhưng Việt Nam nói những hoạt động thăm dò trước đây của họ cho thấy không có dầu ở đó. Bên cạnh đó, Trung Quốc và Nga vừa ký với nhau một thỏa thuận khí đốt. Theo ông vì sao Trung Quốc lại chọn đặt giàn khoan ở vị trí hiện nay?   Giáo sư Carl Thayer: Trước hết thỏa thuận khí đốt Nga-Trung là vấn đề dài hạn. Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu ngày một nghiêm trọng. Khi có mặt ở Hà Nội vào thời điểm tranh chấp xung quanh giàn khoan mới bắt đầu, tôi đã nói chuyện với một số nhà ngoại giao nước ngoài. Họ nói rằng các đồng nghiệp của họ ở Bắc Kinh cho biết khi được yêu cầu tiến vào khu vực lô 142 - 143, Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) ban đầu đã từ chối với lý do quá tốn kém. Tuy nhiên cuối cùng CNOOC vẫn nhận được lệnh phải tiến vào đó và được thông báo là hoạt động thăm dò dầu khí chỉ là phụ. Trung Quốc đã dự phòng phương án tháo gỡ căng thẳng bằng cách tuyên bố sẽ chỉ đặt giàn khoan ở vị trí này từ ngày 2/5 đến ngày 15/8. Tuy nhiên điều mà chúng ta chưa nghĩ đến là khi giàn khoan này thôi hoạt động và rời đi, Trung Quốc có thể đưa một giàn khác nhỏ hơn để thế chỗ dưới sự canh gác chặt chẽ. "Có thể nói rằng hành động đưa giàn khoan vào Biển Đông là để đánh dấu chủ quyền." Bên cạnh đó, thời điểm mà Trung Quốc tuyên bố sẽ rút lui giàn khoan vào tháng Tám có thể chỉ đơn thuần là do để tránh mùa bão thường xảy ra từ tháng Chín - Mười trong khu vực. Trung Quốc rõ ràng là đang phải chi rất nhiều, không chỉ cho giàn khoan đắt tiền của họ, mà còn cho cả hơn một trăm tàu đang hoạt động quanh đó - quy mô chưa từng thấy từ sau Đệ nhị Thế chiến. Điều này cho thấy đây không chỉ đơn thuần là hoạt động thăm dò dầu khí. Một nhà phân tích nói với tôi rằng dầu khí tập trung chủ yếu ở phía nam của Biển Đông. Tuy nhiên với nhu cầu hiện nay của Trung Quốc, những mỏ này sẽ cạn rất nhanh. Trung Quốc đã phải trải qua bao nhiêu phiền phức như hiện nay, chỉ để khai thác những nguồn nhiên liệu rất có hạn như thế, rõ ràng không phải là một cách huy động vốn hiệu quả. Từ đó có thể thấy điều này là nhằm một mục đích khác. Tôi nghĩ là chúng ta đã không thấy hết được tính nghiêm trọng của việc thành lập Thành phố Tam Sa và đồn trú quân ở đó, cũng như ban hành luật đánh bắt trên các vùng biển quanh đảo Hoàng Sa và Phú Lâm. Trung Quốc đang muốn có một điểm tựa vững chắc ở phía bắc Biển Đông để từ đó tiếp tục tiến về phía nam. Trong thời gian tới, chúng ta có thể sẽ thấy Bắc Kinh thiết lập một vùng nhận dạng phòng không xung quanh quần đảo Hoàng Sa và Hải Nam.   Có thể nói rằng hành động đưa giàn khoan vào Biển Đông là để đánh dấu chủ quyền.   Căng thẳng sẽ hạ nhiệt sau khi Việt Nam bồi thường cho Trung Quốc và gửi phái đoàn ngoại giao sang Bắc Kinh? BBC:Trung Quốc nói sẽ chấm dứt hoạt động thăm dò dầu khí vào tháng Tám. Tuy nhiên ông có cho rằng Bắc Kinh sẽ thay đổi kế hoạch vì ngại Việt Nam sẽ nhân đó để tuyên bố chiến thắng trong tranh chấp lần này không? Giáo sư Carl Thayer: Hiện chúng ta đang chứng kiến một sự đối đầu được tính toán rất kỹ lưỡng. Trung Quốc vẫn khẳng định chủ quyền của mình và Việt Nam vẫn kiên quyết phản đối. Từ khi tranh chấp xung quanh vấn đề giàn khoan xảy ra, Việt Nam đã đề nghị thiết lập một đường dây nóng với Trung Quốc và bị Bắc Kinh từ chối. Phía Việt Nam cũng đã hai lần đề nghị Bắc Kinh cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc, nhưng cũng bị từ chối. Các cuộc bạo động nhằm vào Trung Quốc lại càng làm cho vấn đề thêm rắc rối. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng sau khi Việt Nam đã giải quyết xong hậu quả của các cuộc bạo động, bồi thường cho Trung Quốc và giúp các doanh nghiệp Trung Quốc quay trở lại sản xuất, Bắc Kinh sẽ sớm đón tiếp các phái đoàn cấp cao của Việt Nam. "Từ khi tranh chấp xung quanh vấn đề giàn khoan xảy ra, Việt Nam đã đề nghị thiết lập một đường dây nóng với Trung Quốc và bị Bắc Kinh từ chối" Trong 4 năm qua, đã có hai phái đoàn đặc biệt như vậy được cử sang Trung Quốc để giải quyết xung đột trên Biển Đông và mỗi lần như vậy, căng thẳng đều được tháo ngòi. Có thể là ngày 15/8 tới đây, Trung Quốc sẽ rút giàn khoan, tuyên bố là đã hoàn tất mục tiêu, trong khi Việt Nam tuyên bố đã giữ vững lập trường chống đối của mình. Tuy nhiên câu hỏi ở đây là Trung Quốc có mang một giàn khoan nhỏ hơn tới để thay thế cho giàn khoan hiện nay hay không? Nếu điều đó xảy ra, Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện của mình, và Việt Nam sẽ khó thay đổi điều đó vì mỗi lần họ tìm cách tiếp cận, tàu của Trung Quốc sẽ quay trở lại. Thế nhưng quan hệ giữa hai nước đã rất tốt và việc tìm một lối ra cho căng thẳng hiện nay sẽ phục vụ cho lợi ích của cả hai bên. Trung Quốc đang muốn xây dựng đường nối miền nam nước này với các nước ASEAN, và tuyến đường đó sé đi xuyên qua Việt Nam. Đó là chưa kể những quan hệ hợp tác của hai nước trong nhiều lĩnh vực khác. Trung Quốc cũng sẽ không muốn đẩy Việt Nam về phía Hoa Kỳ hoặc tăng cường sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Philippines và ảnh hưởng đến lợi ích của Trung Quốc ở đó. Liệu Việt Nam có thể lấy Philippines làm trung gian để thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ?   BBC: Ông nghĩ như thế nào về chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Philippines vừa qua? Ông có nghĩ là Việt Nam đang muốn sử dụng các đồng minh của Hoa Kỳ làm trung gian để liên kết với Hoa Kỳ hay không? Giáo sư Carl Thayer: Đó là một câu hỏi thú vị. Trước chuyến thăm của ông Dũng thì quan hệ Việt Nam - Philippines vẫn đang tiến triển khá tốt. Tuy nhiên cả hai nước, đặc biệt là Philippines, đều là những nước yếu trong khu vực. Cả hai đã lên kế hoạch cho hải quân diễn tập chung, nhưng kế hoạch này đã bị hủy bỏ trước sự phản đối của Trung Quốc. Tuy nhiên bây giờ cả hai đang đối mặt với cuộc chơi hoàn toàn khác. Hành động của Trung Quốc hiện nay là chưa có tiền lệ và rất đáng lo ngại. Việt Nam đã làm việc với ASEAN và việc tăng cường quan hệ với Philippines giữa lúc nước này đang thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ có thể sẽ giúp cả hai nước củng cố về an ninh.   Việt Nam có thể khuyến khích Hoa Kỳ tăng cường hiện diện và sử dụng Philippines làm trung gian với Hoa Kỳ nếu cảm thấy một mối quan hệ trực tiếp là quá khó. "Hành động của Trung Quốc hiện nay là chưa có tiền lệ và rất đáng lo ngại" Chính sách của Việt Nam có ba không, đó là không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, không tham gia liên minh quân sự và không cùng với một nước chống lại nước thứ ba. Chính sách đó vẫn không thay đổi. Vấn đề ở đây là không có tàu nào của Hoa Kỳ, dù mạnh đến đâu, có thể đẩy lùi giàn khoan của Trung Quốc và vì vậy, để bảo vệ lợi ích của mình, Việt Nam cần cùng với Philippines mở ra một mặt trận mới để Philippines, với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, có hành động chống lại Trung Quốc. Hiện cũng có tin nói rằng Việt Nam có thể có hành động pháp lý với Trung Quốc, theo như thông tin mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra, dù không rõ chi tiết. Điều này có thể sẽ củng cố cho lập trường pháp lý của Philippines hiện nay trong đơn kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế. Nếu Trung Quốc thua kiện thì đường chín đoạn của họ sẽ bị tuyên là bất hợp pháp. Luật pháp quốc tế quy định phán quyết của tòa phải được thi hành ngay lập tức, không được kháng lại. Trung Quốc có thể sẽ phản đối nhưng điều đó đồng nghĩa với việc họ bị cô lập vì đó là một quyết định của quốc tế. Một quyết định như vậy cũng sẽ giúp các bên có yêu sách khẳng định chủ quyền của mình trên biển, ở những nơi mà Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của họ, nhưng luật pháp quốc tế lại không xem như vậy. Washington đã thỏa hiệp với Hà Nội về nhân quyền?   BBC: Lập trường của Washington là Hà Nội cần có một quan điểm chính trị cởi mở hơn và tôn trọng nhân quyền. Thế nhưng đối với Hoa Kỳ, căng thẳng hiện nay cũng là mối đe dọa đến ổn định trong khu vực và tự do hàng hải. Liệu Washington có chủ động thỏa hiệp hay không? Hay họ sẽ đợi sự thỏa hiệp từ Hà Nội? Giáo sư Carl Thayer: Hoa Kỳ không chỉ là một, mà chúng ta có chính quyền Obama và Quốc hội. Và theo ý kiến của tôi, chính quyền Obama đã thỏa hiệp với Hà Nội rồi. Chúng ta còn nhớ trước khi Chủ tịch Trương Tấn Sang sang thăm Hoa Kỳ, các chính trị gia cao cấp của Hoa Kỳ đã đề nghị Hà Nội phải có tiến triển về nhân quyền. Bất chấp những lời kêu gọi này, Việt Nam lại thực hiện thêm nhiều vụ bắt giữ khác. Ông Sang sau đó vẫn sang Hoa Kỳ và mang về hiệp định đối tác toàn diện. "Tôi cho rằng cuối cùng thì những lợi ích mang tính chiến lược vẫn sẽ được đặt lên trên nhân quyền" Các báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về nhân quyền, mặc dù nhận định rằng nhân quyền tại Việt Nam vẫn đang tiến triển một cách không đồng đều, nhưng cũng ghi nhận ngày càng có nhiều nhà thờ được phép hoạt động hơn.   Các nhà ngoại giao tôi gặp ở Hà Nội cũng cho rằng nhân quyền tại Việt Nam vẫn tiến triển và Hà Nội đang từng bước đáp ứng các chỉ tiêu do Hoa Kỳ đề ra. Như vậy, chúng ta thấy là chính quyền Obama thì cho rằng Việt Nam đang đáp ứng yêu cầu của Hoa Kỳ, trong khi Quốc hội lại dựa trên hàng loạt vụ bắt bớ các blogger và nhà bất đồng chính kiến gần đây để bác bỏ điều đó. Tuy nhiên tôi cho rằng cuối cùng thì những lợi ích mang tính chiến lược vẫn sẽ được đặt lên trên nhân quyền. Hành động của Trung Quốc, mặc dù ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, nhưng cũng đe dọa đến sự ổn định trong khu vực. Điều này buộc Hoa Kỳ phải lựa chọn và tôi nghĩ rằng nhân quyền sẽ bị xem là thứ yếu. Nguồn: bbc.co.uk/vietnamese
......

Tổ Quốc Tôi, Con Tàu Đã Mắc Cạn

Có lẽ, không có nơi đâu trên trái đất này, chịu nhiều đắng cay và tủi nhục như mảnh đất quê tôi. Trải qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, triều đại nào, thế hệ nào cũng phải căng mình chống giặc phương Bắc. Khi người anh hùng liệt sỹ Ngụy Văn Thà, đã lao thẳng tàu vào tàu của kẻ xâm lăng Trung cộng, để găm thân mình vào trong lòng đất, lòng biển của Tổ Quốc. Và cũng từ đó, đất nước tôi phải đối mặt với một trận chiến mới, tuy có lúc âm thầm nhưng nham hiểm, đê tiện gấp ngàn lần. Vâng! Vậy là, các anh đã hy sinh, để đốt lên ngọn lửa Hoàng Sa, rồi đến Trường Sa.   Sau trận chiến biên giới với giặc Tàu năm 1979, dường Tổ Quốc chưa bao giờ bị cô đơn và lâm nguy, trong sự yếu đuối của những người lãnh đạo đất nước như lúc này. Sự đối sách mềm dẻo, để bảo vệ được Tổ Quốc, đưa đến Hòa bình, trong tình yêu thương con người với con người, nghe ai mà chẳng khoái. Chiến tranh, đánh đấm khói lửa, (vâng) bảo đảm chỉ có kẻ điên thì mới thích. Nhưng, khi cướp đã vào nhà, ngang nhiên đánh đuổi chủ đất, rượt theo tàu cảnh sát biển VN đâm thẳng cánh, không dám phản kháng, nhũn như con chi chi. Và trên thành phố đất liền, linh khí (đoàn kết) của dân tộc chống giặc bị nhốt vào rọ, thì đối sách này, không còn là mềm dẻo nữa, mà nó là sự hèn hạ, nhu nhược. Sự hèn hạ và nhu nhược ấy, dẫn đến bán nước có một khoảng cách rất gần. Chỉ có người thần kinh, mới chọn kẻ lưu manh trộm cướp, xông vào nhà mình giết con cháu, bố mẹ anh em mình làm bạn. Nói là như vậy, nhưng rất kỳ lạ, từ thủ tướng trở xuống, cấm thấy bác đầy tớ nhân dân nào gửi con, gửi cháu sang ông bạn lớn “môi hở răng lạnh“ học hành, mà cứ dứt khoát phải gửi sang mấy thằng thù địch, đang giãy chết Âu Mỹ. Đây có lẽ, cũng là một trong nhiều mâu thuẫn, nghịch lý lớn nhất trong xã hội hiện nay. Mọi người ai cũng hiểu, cũng biết, nhưng đều mắc chứng giả vờ cả. Chả trách, hôm rồi ngồi nhậu trong đám cưới, đang lúc tranh luận rôm rả, có ông bạn bàn bên, chạy đến, ghé vào tai tôi thì thào, nói với ông cái này, đừng nói lại với ai nhé. Rượu vào, nên tự ái hơi bị cao, tôi gắt, sống gần hết đời ở đất nước tự do, có gì nói toẹt ra, thì thụp cứ như xài bạc giả vậy. Hắn nhìn trước ngó sau: Những cán bộ đảng viên ở trong nước, chỉ khi nào về hưu mới trở thành người tử tế ông ạ.     Vâng! Tử tế, mấy chục năm trước nhà làm phim Trần Văn Thủy đã phải đốt đuốc đi tìm nó. Nhưng dường như ông đã thất bại. Làm cho một nhà văn tên tuổi phải cay đắng thốt lên: Những Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, dường như thời nào cũng có, nhưng không hiểu sao, thời nay lại đẻ ra nhiều đến thế. Đúng vậy, nó không những nhiều, mà còn ngự cả từ trên thượng tầng, tràn xuống hạ tầng, sinh ra cả một bầy sâu (như lời ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói). Và chính nó đang khiêng dần nước Việt đi chôn. Trên ba mươi năm trước, thi sỹ Nguyễn Trọng Tạo có viết một câu thơ cảnh báo, rất hay: “Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa“. Thật vậy! Đã là qui luật tuần hoàn của tự nhiên, thì không ai có thể cưỡng lại được. Không có cái gì là muôn năm, là trường tồn vĩnh cửu. Chế độ xã hội cũng vậy, có thịnh thì phải suy, rồi đến lúc thối mục, sụp đổ, nhường lại cho chế độ xã hội mới, hợp với lòng người cũng như sự phát triển tư tưởng, văn hóa, khoa học kỹ thuật. Một người mặc chiếc áo đã quá cũ, quá chật, dứt khoát khi có thời cơ điều kiện, sẽ cởi phăng chiếc áo đó vứt đi, thay chiếc áo mới. Và người Homosapiens không thể sống trong xã hội thời người Neanderthals. Chính sự tiến hóa của loài người, thúc đẩy, buộc xã hội phải phát triển, văn minh hơn lên (và ngược lại). Nhìn lại lịch sử, sự sụp đổ của các triều đại, đều bắt nguồn từ cái thối nát, độc đoán của chế độ, làm bần cùng hóa đời sống người dân lương thiện. Lợi dụng lúc lòng dân ly tán, giặc phương Bắc lăm le chiếm đất giữ biển. Và sự nhu nhược của chính quyền, trước giặc ngoại xâm, càng đẩy mâu thuẫn xã hội lên cao. Bị đẩy đến chân tường, buộc giai cấp bị áp bức đứng dậy lật đổ chính quyền. Đó cũng là điều tất yếu, hợp với lẽ thường, với qui luật tự nhiên.   Phải nói, chưa bao giờ lòng người ly tán, như hiện nay. Sự kêu gào, đoàn kết xóa bỏ thành kiến, tư tưởng dường như mang nặng tính giả tạo. Cái sự ly tán, giả tạo ấy, không chỉ thấy ở trong nước, mà ngay trong cộng đồng người Việt, cùng sống trên nước Đức tự do dân chủ này. Nó thể hiện rất đậm nét trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc (ngày 11-5) của người Việt ở Berlin, qua Clips và bài tường thuật của anh Phạm Đăng Hiếu, trên mạng. Thật ra, lúc đầu tôi có ý định sẽ đi Berlin, nhưng vợ chồng ông bạn ở Frankfurt, mời dự lễ ăn hỏi cho con trai, trùng vào ngày biểu tình ở Berlin. Thấy tôi lưỡng lự, ông bạn bảo, ngày 10-5 Frankfurt cũng biểu tình, tôi sang trước một ngày, một công đôi việc. Nghe có lý, thế là tôi đi Frankfurt. Phải nói, cuộc biểu tình chống Trung Quốc của người Việt ở Frankfurt rất khí thế. Không phân biệt chính kiến tư tưởng, cờ quạt đỏ, vàng tùy ý. Với tôi, màu vàng đã đi vào quá khứ. Còn màu đỏ, không phải là màu tôi thích. Cái màu này, dường như nó gắn liền với máu và chết chóc. Có lẽ vì thế, mà người ta thường gắn nó với những chỉ dẫn nguy hiểm như đường cấm, đường ngược chiều, trong giao thông chẳng hạn.Viết đến đây, làm tôi chợt nhớ đến câu chuyện buổi tối, gần ba mươi năm về trước. Tôi và Phi Béo (Phan Hùng Phi, hiện đang là huấn luận viên bóng đá ở Berlin) nấu cơm xong, chờ một ông em mới sang, làm việc ở khu bể bơi, hay hồ tắm gì đó, về cùng ăn. Chờ mãi, mới thấy ông em về, mặt bí xị. Chúng tôi chưa kịp hỏi, hắn đã kể: Cùng ca có con người Đức, thỉnh thoảng nó bảo, hôm nay tao bị Sowjetunion, không làm việc dưới nước được, nên hắn phải làm việc dài hơn. Mà đ.biết cái bệnh Sowjetunion là bệnh gì? Phi Béo tủm tỉm cười, hắn gặng hỏi. Phi Béo giải thích, đó không phải bệnh, mà là ngày đầu tháng của đàn bà, tức là kéo cờ đỏ, tiếng lóng của chị em đấy. Cứ nghĩ đến câu chuyện này, tôi lại bật cười, như kẻ điên vậy. Thôi thì, trên pháp lý giấy tờ, mình đã là người Đức rau muống giả cày, cầm hai lá cờ Đức, châu Âu nhỏ nhỏ, xinh xinh đi giữa rừng vàng và đỏ cho nó dịu, nó lành.   Khi xem Clips của anh Phạm Đăng Hiếu với cái tựa: Nhà thơ Thế Dũng bị BTC ngăn cấm đọc thơ trong cuộc biểu tình chống TQ ở Berlin ngày 11.5.2014, tôi không khóc như anh Tùng Dương trên Facebook, nhưng đau và cảm thấy nhục. Cái đau đó không riêng ai, mà đó nỗi nhục cho cả dân tộc Việt, trước hàng ngàn con mắt người ngoại quốc, chưa kể đến Clips được sao, tải trên các trang mạng. Nó được thể hiện qua hành động bỉ ổi, vô văn hóa, vô giáo dục của ông trưởng ban tổ chức Lê Hồng Cường, khi nhảy lên sân khấu cướp, giật thơ trên tay ông Thế Dũng. Xem ra, hành động tắt Mikro, khi nhà thơ Bùi Minh Quốc và Trần Mạnh Hảo đang phát biểu trong kỳ đại hội nhà văn Việt Nam mấy năm trước, của Hữu Thỉnh còn nhân cách hơn rất nhiều, cảnh giật cướp thơ của Hội Liên Hiệp Người Việt Ở Đức mà bác GS-Tiến sỹ Nguyễn Văn Thoại cầm đầu. Hội của bác Nguyễn Văn Thoại, đại diện cho tầng lớp nào, thế lực nào, tôi không cần biết, nhưng chí ít không phải đại diện cho cá nhân tôi. Nhìn hành động cướp giật của người dưới quyền, và tấm hình GS-TS Nguyễn Văn Thoại, đứng dưới khẩu hiệu yếu đuối, nửa vế : Không chiến tranh-Việt Nam yêu hòa bình (Kein krieg- VietNam Liebt den Frieden) thấy được cái tư duy ngắn tũn của bác giáo sư này. Với cái khẩu hiệu này, chẳng khác gì la lên cho tên cướp hàng xóm biết sự yếu đuối, sợ sệt của mình. Không ai là không yêu mến hòa bình, căm ghét chiến tranh. Nhưng đi biểu tình mittinh thể hiện sự quả cảm lòng yêu nước, trước kẻ thù đang công khai cướp biển, đánh người, thì dứt khoát phải có dũng khí. Do vậy, cái khẩu hiệu trên phải có thêm vế thứ hai cho trọn ý:  Không chiến tranh-Việt Nam yêu hòa bình, nhưng sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ Quốc. Vâng! Chúng ta yêu hòa bình, nhưng hình ảnh cuốn cờ đỏ rực quanh mình, hùng hổ xông lên sân khấu, cướp giật, nó đã là bằng chứng hùng hồn nhất, thể hiện sự hiếu chiến, không riêng của ông trưởng ban tổ chức Lê Hồng Cường, mà cho cả một quốc gia, dân tộc, trước mắt bạn bè. Gỉa dụ ông Thế Dũng, có đọc thơ chống đối chế độ, hoặc làm việc gì thất thường đi chăng nữa, không thiếu gì cách xử lý khác đẹp đẽ hơn, trước hàng trăm nhà báo, Camera và bạn bè quốc tế. Tiện đây, tôi cũng mong bác GS-TS Nguyễn Văn Thoại và Lê Hồng Cường chỉ ra câu thơ nào, đoạn thơ nào trong bài: Mẹ Việt Nam Không Chỉ Nhìn Ra Biển của Thế Dũng là bức xúc cá nhân, phản động, chống lại đảng, nhà nước của các bác. Tôi không rõ, bằng cách nào, các bác được trường đại học mời giảng dạy. Chứ với cái tư duy u lì này, các bác sẽ dạy sinh viên như thế nào và họ học được gì từ các bác?   Đây có thể là hành vi bột phát, điên rồ của cá nhân Lê Hồng Cường, nhưng bác Nguyễn Văn Thoại là người đứng đầu cái hội này, nên có trách nhiệm. Thật ra các bác không có tài, không có khả năng lãnh đạo. Nó thể hiện rõ từ việc nhỏ nhất, với cái không dám gánh trách nhiệm của người lãnh đạo, qua bản tổng kết biểu tình, bằng cách không ký tên, của các bác vừa được đăng trên nguoiviet.de. Hơn nữa, trong văn bản, từ ngữ các bác không nên ví cuộc biểu tình như một cuộc chơi. Nó không đúng bản chất của sự việc, dù đó chỉ là ví dụ. Bởi vì, văn của văn bản phải mang đúng tính chính xác chính luận, rất khác văn của văn học. Cũng là người Việt sống lâu năm ở Đức, tôi có ý kiến: Nếu vì cộng đồng, các bác nên từ chức, nhường quyền lãnh đạo cho người có tài, uy tín thật sự, gần gũi, hiểu biết anh em lao động cũ và anh chị em sang sau này ở khu vực Berlin. Chứ nói thật, tôi bảo đảm, tám mươi phần trăm người Việt vùng phía đông Đức, chẳng biết bác Thoại, bác Cường là ai. Nếu như vì cổ cánh, lợi ích bè nhóm hay do cấp trên chỉ đạo các bác phải cố đấm.., thì coi như ý kiến của tôi vứt bỏ. Quả thật, tôi rất dốt về chính trị và cũng không khoái tham gia, tụ tập hội hè, đảng phái. Nhưng khi đọc và xem cái Clips của anh Hiếu Đăng Phạm, tôi khó thở, tức khí, nên buộc xả, bằng cách viết. Trong cái u tối, cuồng tín của những kẻ đội lốt trí thức này, chắc chắn không riêng gì cộng đồng người Việt sống ở trên nước Đức, mà thân gầy đất mẹ, cũng hằn lên những vết nhơ, nước biển Đông không bao giờ rửa sạch.   Leipzig ngày 21-5-2014  Đỗ Trường Nguồn:  DienDanCTM
......

Nguyên nhân Trung cộng dựng dàn khoan HD 981 trên lãnh hải Việt Nam

Ngày 01.05.2014 nhà cầm quyền Bắc Kinh cho dựng một dàn khoan dầu khổng lồ mang tên HD 981 trên lô 143, phía Nam quần đảo Hoàng Sa và cách bờ biển Việt Nam 150 dặm (khoảng 240 cây số). Dàn khoan này được sự bảo  vệ của trên 80 tầu chiến quân sự các hạng của hải quân Trung cộng. Nhà cầm quyền Bắc kinh tuyên bố cấm tầu bè không được phép di chuyển trong  khu vực dàn khoan HD 981 và phải giữ khoảng cách 3 hải lý (4,8 cây số). Trong khi nhà cầm quyền Hà Nội cáo buộc Bắc kinh xâm phạm lãnh hải của Việt Nam thì Bắc kinh cho là khu vực cắm dàn khoan HD 981 do họ vừa thực hiện chỉ cách quần đảo Hoàng Sa 17 hải lý (24 cây số) trong khi đó cách bờ biển Việt Nam những 150 hải lý (tương đương 240 cây số).   Chuyên gia về Á châu, GS Carl Thayer thuộc đại học South Wales nhận định là nơi Bắc kinh cho dựng dàn khoan HD 981 “thuộc về Việt Nam. Trung cộng (Trung quốc) không thể tự tiện đem dàn khoan vào  khai thác dầu mà không được Việt Nam cho phép.[1]”.   Các chuyên gia về Á châu cho biết sự kiện không xảy ra bình thường vì Trung cộng hành động một cách bất ngờ và chưa hề có hành động ttương tự trong quá khứ . Sự kiện cho thấy có vấn đề không đơn giản tiềm ẩn bên trong. Người viết xin được phép trình bày nhận xét của bản thân qua những tin tức thâu lượm được từ báo chí tại Đức quốc. Nối kết của hai cựu thù làm Trung cộng tăng sức mạnh Sự kiện Ukraine đã đưa Nga vào ngõ cụt bởi sự phong toả của Hoa kỳ và Liên hiệp châu âu. Để thoát khỏi vòng phong toả của thế  giới Puttin đã liên kết với Trung cộng. Đây cũng là điều mong ước của Trung cộng, điều này thể hiện qua chuyến công du Nga của Tập Cận Bình vào tháng ba năm 2013, sau khi ông này lên nhậm chức chủ tịch Trung cộng. Đây là chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của Tập Cận Bình.   Vài ngày sắp tới, một hiệp ước về việc cung cấp khí đốt cho Trung cộng từ Nga sẽ được ký kết. Hiệp ước này đã bị bế tắc từ hàng chục năm qua, các khó khăn mà phái đoàn hai nước phải vật vã thảo luận hiện nay đột nhiên được thông suốt làm các chuyên gia về Nga – Tàu phải ngạc nhiên, ngỡ ngàng. Có phải hai kẻ cựu thù đã nối kết với nhau nhằm đối phó với các quốc gia dân chủ, tự do? Nga và Tàu cộng đã cảm thấy mạnh mẽ hơn sau cuộc nối kết này vì họ sẽ cùng bênh vực nhau trước dư luận quốc tế, đặc biệt trước hội đồng bảo an LHQ.   Quan hệ giữa Trung cộng và Nga[2]    Chính sách “xoay trục về Á châu” của TT Obama   Nhận diện được hiểm hoạ của Tàu cộng nên TT Obama có chính sách về đông Á châu rõ ràng hơn người tiền nhiệm là Bush. Cuộc khủng hoảng nặng nề tại Hoa kỳ cản trở bước tiến hành, mãi ba năm trước đây TT Obama mới đưa ra chính sách “xoay trục về Á châu” (pivot to asia) nhằm cân bằng lại chính sách toàn cầu của Hoa kỳ, đặc biệt là vùng đông Á mà Hoa kỳ đã bỏ ngỏ từ hàng chục năm qua.    Mặc dù những căng thẳng tại Ukraine, TT Obama đã thực hiện chuyến công du Á châu qua các quốc gia Nhật bản, Đại hàn, Mã Lai và Phi Luật Tân từ ngày 23.04.2014 đến ngày 29.04.2014. Tại Đại hàn ông phát biểu những lời lẽ rất rõ ràng là “Mỹ sẽ không ngần ngại sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ đồng minh và đời sống của chính mình”. Đặc biệt trong chuyến công du Á châu này của TT Obama, Hoa kỳ đã ký kết “bảo đảm an ninh” cho Nhật bản. Với hiệp ước này Hoa kỳ sẽ tham chiến bảo vệ Nhật, ngay cả trong trường hợp Trung cộng xâm chiếm quần đảo Senkaku mà Nhật cùng Trung cộng đang tranh chấp. Đồng thời tại Phi Luật Tân một hiệp ước an ninh được ký kết, cho phép việc mở rộng sự hiện diện của quân đội Hoa kỳ trên quần đảo Phi Luật Tân.   Nguyên nhân dẫn đến sự kiện dàn khoan HD 981   Sự kiện dàn khoan HD 981 xảy ra chỉ 2 ngày sau chuyến công du Á châu của TT Obama. Hoa kỳ chắc chắn hiểu được những tiềm ẩn bên trong của sự kiện, do đó ngoại trưởng Kerry đã lên án Trung cộng là “khiêu khích”. Thành phần chủ yếu để Trung cộng “khiêu khích” trong sự kiện dàn khoan HD 981 không phải là Việt Nam mà chính là Hoa kỳ.   Hoa kỳ chính là nước mà Trung cộng muốn “khiêu khích” bởi vì kết qủa chuyến công du Á châu của TT Obama vào tháng 4 vừa qua cản trở kế hoạch bành trướng của Trung cộng và  Việt Nam đã trở thành nước nạn nhân Trung cộng dung làm phương tiện để “khiêu khích” Hoa kỳ bởi vì Việt Nam có trang bị quân sự yếu, đồng thời không có những hiệp ước quân sự với các quốc gia dân chủ tự do, đặc biệt với Mỹ và NATO.   Tổng kết   Một lần nữa đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta lại trở thành nơi để cường quốc tranh giành, khiêu khích nhau. Chắc chắn là Trung cộng và Hoa kỳ đã từng mời mọc CSVN trở thành “đối tác hoàn toàn” của họ. Nhưng có lẽ đa số thành viên bộ chính trị quyết định đeo đuổi chính sách “trung lập”, nghĩa là đối tác với cả hai: Hoa kỳ lẫnTrung cộng. Đây là chính sách mà CSVN thường đeo đuổi và trong quá khứ họ chỉ thành công một lần duy nhất: vừa làm bạn của Nga, vừa làm bạn của Tàu cộng trong cuộc chiến Nam-Bắc vừa qua. Khi ấy, miếng mồi “béo bở” miền Nam Việt Nam đã làm cho Nga Tàu nhịn nhau chứ không phải là do sự “lãnh đạo sáng suốt và tài tình của đảng” như các cán bộ  tuyên huấn thường rêu rao. Sau khi chiếm được miền Nam Việt Nam, CSVN bắt buộc phải chọn một trong hai và họ đã chọn theo Nga. Do đó đã xảy ra chiến tranh Campuchia và chiến tranh với Trung cộng năm 1979.   Sự kiện dàn khoan HD 981 buộc CSVN phải chọn lựa giữa Trung cộng và các quốc gia dân chủ, tự do. Nếu CSVN đứng về phía Tàu cộng thì chắc chắn Việt Nam sẽ trở thành một nước chư hầu của Trung cộng như Tây tạng, Tân cương, dân tộc Việt sẽ vô cùng cơ cực và sẽ bị hủy diệt một ngày rất gần. Đứng về phía các quốc gia dân chủ tự do, trong đó có Hoa kỳ để chống lại chế độ bá quyền Trung cộng là con đường bảo vệ dòng giống Lạc Hồng, bảo vệ Tổ quốc mà Cha Ông ta ngàn đời để lại đồng thời bảo vệ quyền lợi Dân tộc Việt, trong đó có bản than, gia đình và giòng họ của mình. Dân tộc Việt chỉ có thể vượt qua và đạt được thắng lợi nếu chúng ta đoàn kết, thống nhất trong hành động. Điều kiện đạt được đoàn kết dân tộc là mọi người Việt chúng ta phải chấp nhận nhau, không phân biệt chính kiến, tôn giáo, chủng tộc vv…   Một chính phủ và một quốc hội Việt Nam được hình thành bởi một số đảng phái chính trị khác nhau. Đồng thời người được giao trọng trách hết long, hết sức hoàn thành trách nhiệm. Mọi quyết định được dựa trên nền tảng lợi ích của tổ quốc, lợi ích của dân tộc là điều mơ ước của mọi con dân nước Việt. Có thế chúng ta mới bảo vệ Tổ quốc và xây dựng được một nước Việt Nam thực sự độc lập, giầu mạnh, công bình và nhân ái.   Nguyễn Hội   [1] Nguồn: http://www.tagesschau.de/ausland/vietnam162.html [2] Nguồn: http://www.tagesschau.de/ausland/russland-china-pipeline100.html
......

VIỆT NAM KHÔNG PHẢI LÀ PHIÊN BANG CỦA TRUNG QUỐC

Tổng bí thư có lần nói Biển Đông không có gì mới, và giải quyết vấn đề Biển Đông phải biện chứng. Vậy ngày nay, người dân có quyền hỏi ông, bây giờ có gì mới không? Và giải quyết vấn đề Biển Đông phải biện chứng như thế nào? Dân tộc ta vốn hiền lành, thủy chung, luôn muốn sống êm ả, hòa hiếu với các nước, đặc biệt là các nước láng giềng như Trung Quốc. Kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ 60 năm vừa qua, chúng ta không quên nhắc đến sự giúp đỡ của Trung Quốc một cách chân thành, trân trọng. Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, bọn bành trướng càng lấn tới. Sự kiện đem giàn khoan khổng lồ HD 981 vào sâu vùng lãnh hải kinh tế của Việt Nam là hành động ngang ngược của kẻ cướp không còn cho chúng ta có “lỗ mũi” để mà thở!   Thâm hiểm , bá quyền mang tính truyền thống Người Trung Quốc thâm thuý trong mọi lĩnh vực, chữ viết tượng hình của họ giải thích phần nào cách đặt vấn đề của họ. Thí dụ chữ “Học” 學 , bao gồm tượng hình một đứa trẻ dưới một mái nhà, hoặc là ba chữ "Nữ" 女 họp lại thì thành chữ "Gian" 姦, nghĩa là gian manh. Về phương diện này thì có thể thấy người Trung Quốc họ coi thường, khinh bỉ phụ nữ thậm tệ. Những người Trung Quốc sáng tạo ra chữ Hán có lẽ là lớp người sơ khai của học thuyết "trọng nam khinh nữ". Chữ “Thuỷ” 水 được biểu tượng bởi một vạch dọc với 2 bên bờ là những vạch biểu tượng của nước tràn bờ... Từ chỗ thâm thuý chuyển sang thâm hiểm khoảng cách không xa lắm, nhưng sự thâm thuý hay thâm độc của họ lại bị quy định trong một khuôn phép nhất định, những nguyên tắc của người Tàu thường là như vậy. Họ thành công đấy nhưng cũng thất bại đấy khi đối phương biết rõ họ muốn gì, và sẽ đi những nước cờ nào để đạt kết quả, biết được đối sách của người Trung Quốc thì đối phương có thể làm họ vỡ trận. Có lẽ trong số hơn 100 nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam thì duy nhất chỉ có Trung Quốc là không muốn chúng ta mạnh mẽ và giàu có. Ngay đến các nước từng xâm lược, gây chiến với với chúng ta trước đây  cũng đang hợp tác với chúng ta khá thiện chí, hai bên cùng có lợi hoặc ít ra cũng không có nước nào “chơi xấu” như các kiểu mà Trung Quốc đã và đang thực hiện. Bởi từ hàng ngàn năm, các triều đại phong kiến Trung Quốc cho đến “người bạn 4 tốt” hiện nay luôn coi Việt Nam là chìa khóa mở cánh cổng xuống Đông Nam Á, là cái gai nhọn chọc vào cặp mắt diều hâu của chúng. Trong thư ngỏ gửi nhân dân Trung Quốc của tác giả Lê Anh Phong có đoạn viết : “Tôi không muốn tin  Người Trung Hoa xấu xí Dẫu Bá Dương có nói trong văn Bởi mong ước ngàn đời dân Việt Anh em xa đã có láng giềng gần Tôi hiểu bạn! Bạn có hiểu tôi? Khi truyền thông bị giam trong bóng tối Giữa lương tri nhân văn cao thượng Tráo trở, bá quyền lại giọng lưỡi đế vương Tổ tiên bạn vốn quay lưng ra biển Hướng cung tên thôn tính xung quanh Còn trong nước triền miên trong cát cứ Thấm thía không cái giá của yên lành?”… Phải tự cứu mình và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của thế giới Nếu tinh ý sẽ nhận thấy Dàn khoan HD 981 không phải đơn thuần là mục đích khoan thăm dò dầu vì đây là vùng nước sâu, theo đánh giá sơ bộ trữ lượng không đáng kể. Bản thân phía Trung Quốc có hơn trăm tàu xúm xít xung quanh giàn khoan không hề có tàu dịch vụ phục vụ cho công việc chuyên môn. Phía Trung Quốc cũng đã có động thái là giàn khoan có thể thăm dò đến giữa thàng 8, chủ yếu là xem thái độ phản ứng của ta và cộng đồng quốc tế. Mặt khác, lúc đó là vào mùa mưa bão, rất bất lợi cho việc khoan sâu. Muốn bảo vệ chủ quyền quốc gia chỉ có một con đường là đoàn kết, phát huy sức mạnh, lòng yêu nước của toàn dân. Phải hết sức kiềm chế, không rơi vào cái bẫy khiêu khích của Trung Quốc. Người xưa nói: “nhà nghèo biết vợ hiền, nước loạn biết tôi ngay”! Tổ quốc chúng ta đang phải trải qua những bước lâm nguy như vậy! Thời đại ngày nay, chỉ có Việt Nam mới cứu được chính mình, và sức mạnh của Việt Nam là ở Đoàn kết – Khôn ngoan, tỉnh táo – Tranh thủ được sự ủng hộ (tinh thần là chính, nhưng rất quan trọng) của kiều bào ở nước ngoài và người dân trên thế giới. Xin đừng quên rằng nếu có ai đó mang lại tự do cho mình thì chính điều đó đã khiến mình mất tự do với người đã “ban” cho cái sự tự do đó. Vừa qua, ở trong nước, có nhiều lời kêu gọi của các tổ chức về cuộc biểu tình với các câu khẩu hiệu khác nhau. Đảng ta, Nhà nước ta có nhiều bộ phận khác nhau nhưng chỉ có con đường duy nhất là đi cùng với dân tộc, với nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bởi vì mất nước là mất chế độ. Ai tổ chức không quan trọng mà phải hiểu lòng dân nghĩ gì, muốn gì, linh hồn của biểu tình chính là lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Biểu tình mà biến thành bạo loạn, đốt phá, hôi của, gây ra chết người như ở Bình Dương, Hà Tĩnh, v.v. phải bị trừng trị. Nhiều người cho rằng nguyên nhân kích động, tổ chức đám côn đồ phá hoại này có bàn tay “lông lá” của Trung Quốc, trong khi lỗi của chính quyền, an ninh lỏng lẻo. Chủ tịch Tỉnh Bình Dương đã lên tiếng xin lỗi Đảng và Chính phủ nhưng người đáng được nhận xin lỗi phải là nhân dân. Trong khi chờ đợi có luật biểu tình, chính quyền cần tỉnh táo, khôn ngoan, không chống biểu tình một cách cực đoan vì không thể và không nên bao cấp tình cảm thiêng liêng đó là lòng yêu nước. Người dân Việt Nam, từ lâu, không có ảo tưởng và mông muội bị ru ngủ bởi “4 tốt và 16 chữ vàng”. Trước mắt, Nhà nước Việt Nam phải kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, về chiến lược phát triển phải hợp lòng dân, quyết đoán xây dựng lại chính sách “thoát Hán”, từ bỏ ý thức hệ nhưng không tuyệt giao với Trung Quốc và đừng để tái lập như các sự kiện 1978-1979. Tuy nhiên, trong trường hợp bất khả kháng, phải tính đến các phương án xấu nhất. Trung Quốc tuyên bố đã rút hàng nghìn công nhân về nước, ngưng việc cho người du lịch sang Việt Nam và một số kế hoạch trao đổi song phương. Có ý kiến cho rằng Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc hơn chục tỷ đô la, nếu ngưng làm ăn thì Trung Quốc sẽ thiệt hại hơn!? Không đơn giản thế đâu, để định lượng cụ thể, tôi đã đọc thông tin, phân tích số liệu “Ảnh hưởng của việc Trung Quốc cấm vận Việt Nam hay Việt Nam bó buộc phải đóng cửa buôn bán với Trung Quốc” theo phương pháp tính dựa vào input-output analysis của chuyên gia thống kê hàng đầu trên thế giới căn cứ vào số liệu của Việt Nam và của Trung Quốc báo cho Liên Hiệp Quốc để thấy rõ các khó khăn, thiệt hại trực tiếp đến GDP, người thất nghiệp, v.v. Chúng tôi đã chuyển các tính toán cụ thể này đến những người có trách nhiệm tham khảo để có các giải pháp đối phó chủ động trước mắt cũng như lâu dài. Cần chủ động đưa ra sáng kiến tạo được sự đồng thuận trong khối ASEAN Hoàng Sa là của Việt Nam, phải đấu tranh đòi lại Hoàng Sa đang bị Trung Quốc xâm chiếm. Riêng về Trường Sa, tôi chia sẻ với quan điểm của chuyên gia Vũ Quang Việt là hiện nay người Việt, đặc biệt là giới trí thức chưa có quan điểm rõ ràng là chủ quyền Trường Sa của chúng ta đến đâu? Nếu không giải quyết được vấn đề này, thì khó có sự đoàn kết giữa các nước có liên quan trong khối ASEAN như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia. Trung Quốc đem giàn khoan HD 981 lúc mà Mỹ không có khả năng hành động trả đũa (và cũng không có cớ để hành động, dù muốn) và lúc mà các nước ASEAN chia rẽ, kể cả 5 nước đòi chủ quyền Trường Sa. Trung Quốc muốn tạo sự đã rồi. Nó hành động đúng vào lúc mà tòa án quốc tế chưa xử vụ kiện của Philippines, vào vùng biển mà Việt Nam chưa dám đưa ra tòa án quốc tế để kiện. Theo chuyên gia Vũ Quang Việt, thời Pháp tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa trên cơ sở đây là vùng đất vô chủ (và chỉ ghi được 6 địa danh trong hàng chục địa danh). Hồi ấy, dù có muốn hết, cũng không có sức thực hiện được việc hành xử chủ quyền. Nên chăng, giải pháp là các nước trong khối ASEAN có tranh chấp chủ quyền ở Trường Sa đồng ý là các kết cấu tự nhiên ở đây chỉ là đá, chứ không phải đảo. Như vậy, ai làm chủ các hòn đá thì chỉ có lãnh hải 12 hải lý. Điều này, sẽ là cơ sở cho việc Hoàng Sa chỉ có lãnh hải 12 hải lý (dù tạm thời bị Trung Quốc chiếm giữ). Việt Nam và các nước ASEAN nên công nhận chủ quyền của nhau trên các bãi đá hiện đang chiếm giữ. Đồng thời, các nước đang có tranh chấp chủ quyền ở Trường Sa có thể yêu cầu Tòa hòa giải Luật biển phán quyết là các cấu trúc thiên nhiên ở Biển Đông Nam Á lớn nhất chỉ có thể là đá (Trung Quốc không có thẩm quyền ngăn cản yêu cầu này). Nếu được phán quyết như thế, Trung Quốc cũng không thể đòi hơn 12 hải lý lãnh hải xung quanh Hoàng Sa cho họ tạm thời vấn đề chủ quyền chưa được giải quyết, và như thế không thể đụng đến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Khi Việt Nam, đòi lại được chủ quyền của Hoàng Sa, thì phán quyết nói trên không gây thiệt hại gì cho nước ta. Toàn bộ biển còn lại sẽ là biển quốc tế. Lúc đó, các nước ASEAN mới có cơ sở thảo luận với Trung Quốc “cùng nhau khai thác” phân chia lợi ích thiên nhiên trong khu biển quốc tế. Xin lưu ý khai thác trên vùng biển quốc tế khác hẳn với khai thác trên vùng đặc quyền kinh tế chủ quyền của Việt Nam. Trung Quốc nói "cùng nhau khai thác" có vẻ như là hợp tác với nhau, nhưng thật ra ý sâu xa là cái đó là của nó, nó làm chủ sở hữu, nhưng muốn người khác bỏ vốn cùng làm. Tức là muốn cùng nhau khai thác Biển Đông thì phải chấp nhận Biển Đông thuộc Trung Quốc trước đã. Việt Nam phải chủ động đưa ra sáng kiến giải quyết vấn đề trong tranh chấp ở nội bộ ASEAN về Trường Sa, tạo ra cái khung cho giải pháp trong tương lai với Trung Quốc. “Thoát Hán” không dễ nhưng phải làm Thảo luận với người bạn đồng tâm, chúng tôi chia sẻ quan điểm phải “Thoát Hán”, dù không đơn giản, vì "Hán hóa" còn bao gồm cả thần phục trong sợ hãi tất cả những gì mà Trung Nam Hải muốn! Shakespeare, nhà viết kịch nổi tiếng trên thế giới người Anh ở thế kỷ 16 (thời kỳ phục hưng) đã để cho nhân vật Hamlet có câu nói bất hủ cho đến tận ngày nay : ”To be or not to be” có nghĩa là “tồn tại hay không tồn tại”. Con người dù là động vật thượng đẳng, nhưng vẫn không thoát khỏi quy luật sinh tồn của tự nhiên, không thích ứng với hoàn cảnh thì không tồn tại. Trong sự "thích ứng" có 2 cơ chế: Có loài bản thân nó có bộ gen chống đồng huyết mà tồn tại cả triệu năm nay – Đó là cơ chế nội tại. Loại phổ biến là có "độ nhạy cảm" như ra-đa, dò biết các hiện tượng, hoàn cảnh để ứng phó, hoặc tệ hơn thì đã nếm trải thất bại rồi biết cách tồn tại. Ngoài ra, không có hai "cơ chế" ấy thì bị hủy diệt mà nay ta tìm thấy các mẩu hóa thạch của động vật có tuổi cả triệu năm. Người ta thường nói "Khôn sống, mống chết". Vậy là thiên nhiên và xã hội đều đồng nhất lý. Nếu nói dân tộc thuần túy – giống nòi thì có dân Do Thái, Dân Hán, Dân Việt... có sức sống và khôn ngoan phi thường. Đọc lịch sử hàng ngàn năm của các dân tộc ấy từ những bộ tộc nhỏ, chinh chiến, thắng thua... cuối cùng còn như ngày hôm nay do họ có gen rất đặc biệt. Nếu nói thể chế chính trị thì thể chế nào phát huy được trí khôn và tâm huyết của dân tộc thì tồn tại và phát triển. Thể chế ấy tất nhiên là pháp trị. Thời quân chủ, thỉnh thoảng có minh quân, thịnh trị, nhưng không có cơ chế lập quyền dân, ông minh quân ấy chết thì ông độc tài con phá bĩnh. Cuối cùng, họ tìm được thể chế "Quân chủ lập hiến", thực chất là dân chủ nghị viện, nhưng vẫn còn Vua làm linh hồn cho dân tộc, thế thôi. Cộng hòa đại nghị hay cộng hòa Tổng thống, nước nào cũng có thể xưng và hình thức tổ chức cũng có thể bắt chước na ná nhau, nhưng có cái khác nhau là thể chế nào có cơ chế tự phát hiện khuyết tật và tự sửa để hoàn thiện thì tồn tại và phát triển. Bởi không có thể chế nào tồn tại mà không mang trên mình nó lắm khuyết tật, chỉ có điều là hoàn cảnh nào thì khuyết tật bộc lộ, và cái hay của cơ chế/thể chế ấy là lập tức có phản ứng khắc phục (tự vệ). Quân chủ lập hiến ra đời là khả năng tự vệ cuối cùng của chế độ phong kiến. Rút kinh nghiệm Châu Âu bảo thủ, nước Mỹ có nền Cộng hòa Tổng thống như ta thấy, nó không hoàn chỉnh nhưng có khả năng tự hoàn thiện, ít nhất là hơn 200 năm tồn tại chỉ ra quy luật ấy. Châu Âu, nhất là Bắc Âu, dân chủ dù màu sắc nào, nhưng ở đó, vai trò con người là trung tâm thật sự. Vậy, ta phải khách quan, trí tuệ mà nhìn người để học, chứ không thể tự mò mẫm, thí điểm đưa đất nước phát triển dựa trên chủ thuyết mơ hồ, đến hết thế kỷ này vẫn chưa biết hình hài nó ra sao!? “Thoát Hán” là thoát ý thức hệ tư tưởng, và đặt lợi ích dân tộc lên trên hết. Nói theo cách khác, muốn thoát Hán trước hết phải thoát cái trì trệ, bảo thủ và phân liệt trong bản thân ta. Và có cuộc lột xác nào mà không đau, thậm chí da non rướm máu! Vĩ thanh Việt Nam là quốc gia độc lập có chủ quyền, không phải là phiên bang của Trung Quốc. Dân ta quyết không chịu khuất phục và luôn thể hiện ý chí tự lập, tự cường, tự cứu mình “thà hy sinh tất cả” khi vận nước lâm nguy. Nếu còn đặt lợi ích nhóm lên trên lợi ích dân tộc thì Việt Nam mãi mãi vẫn là sân sau của Trung Quốc. “Thoát Hán”, vài năm trước mắt đời sống nhân dân ta có thể vất vả hơn, nhưng tinh thần một dân tộc không hèn. Và kéo theo cả chính quyền cũng không thể bạc nhược. Đó mới là điều để xốc cả dân tộc đứng dậy.   T.V.T Nguồn: http://boxitvn.blogspot.de
......

Việt Nam sẽ đơn độc nếu bị tấn công?

Căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc nếu tiếp tục kéo dài thì khả năng một cuộc chiến ngắn hạn do Trung Quốc phát động có thể diễn ra. Câu hỏi đặt ra: Trung quốc sẽ sử dụng vũ khí nào và Việt Nam có thể ứng phó ra sao, trong bao lâu? Mặc Lâm phỏng vấn GS Carl Thayer hiện là cố vấn cho Học Viện Quốc phòng Úc để biết thêm ý kiến một chuyên gia quân sự trước những câu hỏi này. Mặc Lâm: Thưa GS nếu cuộc chiến xảy ra, liệu Trung Quốc sẽ dùng loại vũ khí chiến lược nào để tấn công Việt Nam nhằm chiếm thế thượng phong thưa ông? GS Carl Thayer: Vũ khí bí mật mà Trung Quốc xem là mạnh nhất có thể nói là hỏa tiển đạn đạo nhưng tôi nghĩ họ sẽ không cần sử dụng tới nó vì nếu chiến tranh có diễn ra sẽ là các cuộc hải chiến trên biển và Trung Quốc sẽ tận dụng sức mạnh không quân của họ để tấn công và yểm trợ cho hải quân. Những cứ điểm quan trọng của Việt Nam như Hải Phòng, Nha Trang hay Vịnh Cam Ranh sẽ bị tấn công nhằm không cho các tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam xuất kích. Trung Quốc sẽ tận dụng các loại tên lửa đất đối không trên các chiến hạm và chiến đấu cơ của họ để áp đảo làm cho Việt Nam không có cơ hội kiểm soát mặt biển.   Mặc Lâm: Trong thế mạnh quân sự giữa hai nước rõ ràng Việt Nam không phải là địch thủ của Trung Quốc. Theo ông Việt Nam có thể cầm cự và kéo dài cuộc chiến trong bao lâu?   Chắc chắn tên lửa phải được nhập từ Nga nhưng tôi rất nghi ngờ khả năng này vì Nga sẽ không thể cung cấp một cách nhanh chóng cho cuộc chiến hơn nữa không có lý do gì khiến Nga phải làm cho Trung Quốc nổi giận. Nga sẽ giữ thái độ trung lập và điều này làm cho Việt Nam thất thếGS Carl Thayer GS Carl Thayer: Việt Nam có thể tập trung nhanh chóng một lực lượng đủ mạnh để chống lại Trung Quốc với 5 triệu người dân dự bị cộng với 400 ngàn binh sĩ trên đất liền. Chiến lược mà Việt Nam dùng là sẽ tập trung vào sức mạnh mà họ kêu gọi từ toàn dân và họ sẽ chống trả từ trên bờ đối với các cuộc tấn công của Trung Quốc.   GS Carl Thayer cố vấn cho Học Viện Quốc phòng Úc  GS Carl Thayer cố vấn cho Học Viện Quốc phòng Úc tại Đài Á Châu Tự Do. RFA Các loại tên lửa sẽ được Việt Nam dùng đến là chủ yếu nhưng vũ khí phòng vệ này của Việt Nam sẽ nhanh chóng không còn trong kho dự trữ và câu hỏi đặt ra Việt Nam sẽ tiếp tục có chúng từ nguồn cung cấp nào. Chắc chắn tên lửa phải được nhập từ Nga nhưng tôi rất nghi ngờ khả năng này vì Nga sẽ không thể cung cấp một cách nhanh chóng cho cuộc chiến hơn nữa không có lý do gì khiến Nga phải  làm cho Trung Quốc nổi giận. Nga sẽ giữ thái độ trung lập và điều này làm cho Việt Nam thất thế. Việt Nam có tên lửa Bastion rất mạnh và chính xác để tự vệ. Những tên lửa này có thể tấn công căn cứ hải quân Tam Á trên đảo Hải Nam của Trung Quốc hay thành phố San Sha trên đảo Phú Lâm và các cuộc tấn công này sẽ làm cho Trung Quốc khó khăn bất ngờ. Bên cạnh đó những chiến đấu cơ tương đối hiện đại của Việt Nam cũng sẽ gây khó khăn cho tàu chiến Trung Quốc bằng các loại hỏa tiển tầm xa. Tuy nhiên phải nói là cũng rất giới hạn về số lượng. Mặc Lâm: Khi nhắm vào các quân cảng quan trọng của Việt Nam như Nha Trang hay vịnh Cam Ranh Trung Quốc sẽ có chiến thuật gì để tấn công trực tiếp vào đây? GS Carl Thayer: Chiến đấu cơ Trung Quốc phát xuất từ Hải Nam sẽ được bổ sung từ đảo Phú Lâm sẽ là lực lượng chính tấn công những căn cứ hải quân này của Việt Nam vì khoảng cách cho phép chúng bay vào rồi quay trở lại nơi xuất phát. Hỏa tiển đạn đạo từ tàu ngầm Trung Quốc sẽ được mang ra tấn công vào đất liền của Việt Nam. Tàu ngầm cũng sẽ mang thủy lôi để phong tỏa các điểm quan trọng này và ngăn không cho tàu ngầm Việt Nam ra khơi. Thế mạnh của Trung Quốc về vũ khí sẽ làm Việt Nam không thể chiến đấu từ thời điểm bắt đầu cuộc chiến và do đó Việt Nam sẽ không vận dụng được chiến lược phòng thủ.   Mặc Lâm: Lúc gần đây Hoa Kỳ có ngầm gợi ý sẽ mang chiến hạm thuộc Hạm đội 7 vào thăm Việt Nam thường xuyên hơn, theo ông nếu cuộc chiến xảy ra khả năng can thiệp của Hoa Kỳ có cao không? Việt Nam không phải là đồng minh của Hoa Kỳ cộng với cuộc chiến tranh nếu có cũng rất ngắn. Tôi cho rằng Hoa Kỳ sẽ không cho phép hải quân của họ tham gia vào cuộc chiến và vì vậy Việt Nam phải tự lo liệu cho mình mà thôi GS Carl Thayer GS Carl Thayer: Việt Nam không phải là đồng minh của Hoa Kỳ cộng với cuộc chiến tranh nếu có cũng rất ngắn. Tôi cho rằng Hoa Kỳ sẽ không cho phép hải quân của họ tham gia vào cuộc chiến và vì vậy Việt Nam phải tự lo liệu cho mình mà thôi. Mặc Lâm: Còn Nhật Bản thì sao thưa GS, họ có nắm lấy cơ hội này tham gia cuộc chiến nhằm tự bảo vệ cho chính họ trước các hành động gây hấn liên tục của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku hay không? GS Carl Thayer: Nhật Bản sẽ tập trung cao độ nếu cuộc chiến xảy ra nhưng họ sẽ không làm gì hơn là chuẩn bị một cuộc tấn công khác có thể Trung Quốc sẽ nhằm vào họ. Vì vậy tôi nghĩ Nhật Bản sẽ không có bất cứ hành động nào yểm trợ Việt Nam. Hơn nữa từ vùng biển của Nhật tới biển Đông là một chặng hành trình rất dài và sẽ rất dễ tổn thương nếu bị Trung Quốc tấn công. Mặc Lâm: Xin được hỏi ông câu cuối cùng, Việt Nam sẽ gặp các hậu quả như thề nào nếu cuộc chiến xảy ra? GS Carl Thayer: Trước tiên là giá bảo hiểm về hàng hải và hàng không sẽ tăng rất cao khi chiến tranh xảy ra. Quan hệ kinh tế là điều tệ hại nhất sẽ xảy ra cho doanh nghiệp cả hai nước, họ sẽ trở thành nạn nhân đầu tiên. Tử vong sẽ lan tràn khi cuộc chiến nổ ra và Việt Nam có thể tấn công trả đũa vào các thành phố miền Nam của Trung Quốc gây tác hại cho kinh tế tại các nhiều khu vực phía Nam sát với biên giới hai nước.   Một làn sóng tỵ nạn rất lớn khi người Hoa chạy sang Cambodia sẽ làm cho tình hình càng khó kiểm soát hơn. Vấn đề chính tệ hại nhất xảy ra cho Việt Nam là thời điểm hiện nay  không phải là thời gian của thập niên 60 khi Mỹ đánh bom xuống miền Bắc, lúc ấy người dân có thể chiến đấu trong tình trạng rất khó khăn, họ có thể dùng than để nấu nướng mà không hề gì. Tuy nhiên khi cuộc chiến xảy ra vào lúc này hàng chục thành phố miền Bắc sẽ mất điện kéo dài vì Trung Quốc cắt nguồn điện mà họ cung cấp cho Việt Nam, lúc ấy hàng triệu người dân Việt Nam sẽ trở thành con tin của Trung Quốc và đây là điểm chính mà Việt Nam sẽ gặp phải khi chiến tranh nổ ra mặc dù ngắn hạn đi nữa. Mặc Lâm: Xin cám ơn giáo sư.   Nguồn: rfa.org
......

Ai đứng sau các vụ bạo động nhân danh công nhân chống Tàu?

Cho đến nay chưa có bằng chứng nào đủ để có thể kết luận chính xác ai là thủ phạm chính trong việc biến các cuộc biểu tình ôn hoà chống Tàu Cộng xâm lược của công nhân Bình Dương, Hà Tĩnh thành những vụ bạo động, đốt phá, hôi của, thậm chí giết người nhắm vào các công nhân người Hoa và một số xí nghiệp có chủ Á Châu. Có những dư luận xầm xì đổ qua đổ lại cho một trong bốn tác nhân chính trong diễn biến này:   1- Giới công nhân; 2- Những thành phần bị nhà nước CSVN gọi là thế lực thù địch với CSVN; 3- Đảng CSVN và nhà nước của họ; 4- Bắc kinh Thử phân tích xem mỗi thành phần trên được gì, mất gì qua các vụ bạo động trên để xem ai thủ lợi nhiều nhất thì thành phần đó có xác xuất cao nhất là thủ phạm. Do thành phần công nhân gây ra? Thoạt tiên về mặt biểu kiến, thành phần này là tác nhân tự nhiên nhất. Họ là người đứng ra xuống đường biểu tình, thể hiện tinh thần yêu nước tự nhiên của người Việt. Và khi đã xuống đường được rồi, trong lúc khí thế hừng hực, sự dồn nén chịu đựng bấy lâu dễ bùng phát thành cơn thịnh nộ không kiểm soát được. Công nhân cùng với nông dân là hai giai cấp đã bị/được đảng CSVN cho ăn bánh vẽ, hứa hẹn một thiên đường trong đó họ sẽ được làm chủ, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, khiến họ đã hết lòng đổ mồ hôi xương máu làm bàn đạp cho đảng CSVN cướp chính quyền. Ấy vậy mà ngày hôm nay dưới chế độ CS, họ là hai giai cấp thiệt thòi nhất, kẻ bị mất đất mất nhà, người bị chủ nhân ngoại quốc và tư bản đỏ bóc lột hà hiếp, thậm chí bị đánh đập, đi vệ sinh cá nhân cũng bị làm khó dễ. Cho nên sự bùng nổ của những cơn cuồng nộ, nếu quả là thế, có thể hiểu được. Nhưng nếu đó là sự cuồng nộ mất tự chế, thường nó không chỉ dừng lại ở các xí nghiệp mà thôi mà nó sẽ nhân đó mà lan ra ngoài tạo ra những biến loạn xã hội để có cơ hội làm thay đổi cuộc sống cơ hàn của giới bần cùng, như thường thấy trong các biến loạn tại nhiều nơi trên thế giới. Ta đã không thấy một chỉ dấu nào cho thấy bạo động muốn lan ra các lãnh vực khác. Hơn thế nữa, những nhân chứng tại hiện trường và ngay cả chính công an CSVN đều xác nhận những kẻ kích động bạo động đập phá không phải là công nhân mà lã những kẻ từ nơi khác ở xa kéo đến. Trong khi đó, giới công nhân chỉ đứng nhìn, thậm chí có người còn can ngăn bạo động. Bởi vì người công nhân trên thực tế là người sẽ bị thiệt hại nhiều nhất khi bạo động phá nát các xí nghiệp. Dù tệ hại đến đâu thì các xí nghiệp đó vẫn là nơi sinh kế của họ trong thời buổi kinh tế vô cùng khó khăn hiện nay. Và hậu quả ngay trước mắt là các xí nghiệp liên hệ đã tạm đóng cửa vô hạn định khiến công nhân giờ đây phải nghỉ dài hạn không lương chẳng khác chi thất nghiêp. Cho nên lập luận bạo động là do sự cuồng nộ mất tự chế của công nhân là lập luận không thuyết phục được mấy ai. Do thành phần thù nghịch với chế độ CSVN gây ra? Từ phía nhà cầm quyền CSVN đã có những ý đồ đổ lỗi cho các "thế lực thù địch" muốn kích động bạo loạn để phá sự ổn định của chế độ. CSVN luôn tuyên truyền rằng các thế lực phản động thù địch luôn tìm đủ mọi cách để vận động biểu tình thật đông rồi gây bạo loạn vượt khỏi tầm kiểm soát của bộ máy công an bảo vệ chế độ, với hy vọng từ đó làm một cuộc cách mạng lật đổ chế độ. Sự tức giận của người dân trước sự xâm lược của Bắc Kinh là cơ hội để các thế lực thù địch này khai thác kích động nổi dậy. Câu hỏi đặt ra là nếu quả như thế thì tại sao sự kích động bạo động lại chỉ xẩy ra tại các xí nghiệp với thành phần công nhân? Tại sao lại không làm chuyện dễ hơn, là kích động giới nông dân, đặc biệt là bà con dân oan, vốn thứ nhất đã mất hết nhà đất nên vô cùng uất hận, thứ hai đã từng có kinh nghiệm xuống đường đối đầu với công an không còn sợ hãi nữa, và thứ ba quan tâm của họ đã vượt sang lãnh vực dân chủ nhân quyền chứ không còn chỉ giới hạn trong quan tâm quyền lợi riêng của họ. Ngoài ra nếu điểm mặt hết tất cả các thành phần đối kháng với chế độ từ trong ra ngoài nước, từ những nhóm xã hội dân sự cho đến các tổ chức chính trị, trong đó có Việt Tân, ta thấy không có ai cổ xuý việc đấu tranh bạo động cả, vì tất cả đều hiểu rõ dân Việt không muốn có bạo động chiến tranh giữa người Việt với nhau, và không thể lấy sở đoản của mình (không có công cụ bạo lực trong tay) mà đấu với sở trường của đối phương (một chế độ vốn đặt sự sinh tồn của mình trên cột trụ bạo lực chuyên nghiệp trấn áp là công an và quân đội). Trong chủ trương đấu tranh bất bạo động có cổ xuý việc biểu tình thật đông đấy, nhưng đông không có nghĩa là bạo động vì sẽ tạo cơ hội cho bộ máy bạo lực của giới cầm quyền CS trấn áp tiêu diệt thẳng tay sớm. Cho nên những toan tính đổ lỗi cho các thành phần chống đối CSVN khó mà thuyết phục được ai, nhất là khi chính những thành phần này lại lên tiếng trước cả nhà nước và công an để phản đối các hành vi bạo động, kêu gọi bà con bình tĩnh biểu tình ôn hoà. Bởi vì, họ hiểu rõ hơn ai hết trên cương vị của những người đấu tranh đứng về phía nhân dân chống độc tài, những hành vi bạo động phá hoại khủng bố sẽ chỉ làm tổn hại người dân trước tiên, làm mất đi chính nghĩa mình đang xiển dương. Do đảng CSVN gây ra? Giới cầm quyền CSVN bị thiệt hại gì khi bạo động xẩy ra? Thứ nhất, họ sẽ gặp khó khăn hơn khi giải quyết các vấn nạn kinh tế. Giới đầu tư quốc tế cảm thấy bất ổn trong không khí bạo động làm thiệt hại doanh nghiệp sản xuất, sẽ rút về hay giảm đầu tư, làm thất nghiệp gia tăng. Thứ hai, trong một khoảng thời gian ngắn, nhà nước CSVN để lại ấn tượng họ đã mất kiểm soát tình hình, không chận nổi quần chúng bạo loạn. Nhưng bên cạnh đó, họ được những gì? Thứ nhất, gián tiếp biểu thị cho Tàu cộng sự phản kháng dữ dội của dân Việt đối với Tàu cộng, trong khí vẫn có thể chối với ông thầy Bắc Kinh của họ rằng: “Em không chủ trương chống mạnh như vậy”, và có lý cớ để xin Bắc Kinh nhẹ tay: “Thầy cần em dẹp loạn, em vẫn có thể làm tốt được, nhưng xin Thầy đừng làm khó thêm cho em, thầy làm quá, dân nó càng nổi loạn, càng khó kiểm soát”. Thứ hai, cùng là CS nên Hà Nội biết rõ các đòn phép của Bắc Kinh. Họ phải chuẩn bị tình huống bị Thầy cho ăn đòn thật, phải chuẩn bị đường thủ. Cụ thể họ phải tính đường giảm bớt đạo quân thứ năm của Tàu Cộng mà họ đã trót dại để xâm nhập vào Việt Nam dưới vỏ bọc công nhân. Hà Nội cho bạo động đối với công nhân Tàu để áp lực công nhân Tàu rút bớt về nước. Kết quả như ta đang thấy, một số tàu thủy của Hoa Lục đang đón vài ngàn công nhân Tàu và gia đình họ hồi hương. Cảnh này nhắc nhiều người liên tưởng đến hiện tượng đuổi Hoa Kiều ra khỏi nước hồi cuối thập niên 70, ngay trước cuộc chiến tranh Biên Giới 1979.   Thứ ba, việc bạo động đó là cơ hội rất tốt để CSVN tuyên truyền, đổ hết tội cho các thế lực phản động, để chuẩn bị dư luận thuận lợi cho việc thẳng tay đàn áp. Ta đang thấy 1 youtube của Ban Tuyên Giáo, dư luận viên phổ biến trên mạng gọi những người biểu tình chống Tàu cộng mà không đem theo cờ đỏ hay đòi thả người yêu nước, là những kẻ nội phản muốn lợi dụng tình trạng dầu sôi lửa bỏng hiện nay để kích động bạo loạn lật đổ chính quyền, và đáng bị trừng trị. Cũng qua đó CSVN có thể hoá giải những lời kêu gọi đoàn kết dân tộc chống ngoại xâm, và dễ biện minh việc họ vẫn phải nắm vị thế độc quyền lãnh đạo nhân danh nhu cầu giữ ổn định bên trong để đối phó với bên ngoài. Họ cho chỉ thị tấn công vào cả các doanh nghiệp không phải của Hoa Lục cũng nhằm làm hình ảnh của kẻ kích động bạo động càng xấu hơn, tức những kẻ đã mất hẳn mọi lý cớ yêu nước chống xâm lược, mà chỉ còn là một đám phá hoại. Nếu bạo động chỉ giới hạn nhắm vào các doanh nghiệp từ Hoa Lục, thì khi thẳng tay đàn áp, CSVN sẽ dễ bị mang tiếng đứng về phía Tàu cộng xâm lược, hèn với giặc ác với dân, khó mà có thể giành lấy ngọn cờ dân tộc trong trường hợp thầy Bắc Kinh thẳng tay trừng phạt đàn em Hà Nội. Do Bắc Kinh gây ra? Bắc Kinh được lợi gì? Thứ nhất, kinh tế Việt Nam có thể bị thiệt hại nhiều qua vụ bạo động, đặc biệt nếu các hãng xưởng ngoại quốc đồng loạt kéo nhau ra khỏi Việt Nam. Điều này phù hợp với chính sách từ trước đến nay của Bắc Kinh là luôn ngầm phá hoại nền kinh tế Việt Nam bằng nhiều cách để giữ Việt Nam ở thế yếu, và nông dân ta thường là nạn nhân trực tiếp. Việt Nam hiện nay đang là nơi thu hút các doanh nghiệp quốc tế chuyển đầu tư vào từ Hoa Lục vì giá lao động rẻ hơn, nên Bắc Kinh chắc hẳn có nhu cầu tạo sự bất ổn trong môi trường đầu tư tại Việt Nam. Thứ hai, Bắc Kinh có thêm lý cớ để can thiệp trực tiếp vào Việt Nam. Đó là lý cớ bảo vệ quyền lợi và sự an toàn của người Tàu tại Việt Nam, theo cách của Putin đối với Crimea và Ukraina. Động thái đầu tiên là Bắc Kinh đem tàu thuyền vào Việt Nam để di tản một vài bộ phận trong khối nhiều ngàn công nhân Tàu trên khắp nước ta cho mục tiêu tuyên truyền cho bước kế tiếp. Thứ ba, Bắc Kinh tạo hình ảnh trước thế giới dân Tàu là nạn nhân của người Việt Nam. Chính người Việt mới là những kẻ quá khích, bạo động, xâm phạm sinh mạng và quyền lợi doanh nghiệp Tàu trước, và luôn cả các doanh nghiệp nước khác, nên họ sẽ có lý do chính đáng để trừng phạt. Cái hại mà Bắc Kinh chấp nhận là vài doanh nghiệp gốc Hoa Lục bị đập phá, vài người dân Tàu bị thương vong do chính chỉ thị từ Bắc Kinh gây ra. Nhưng nếu nhìn loại chiến thuật quân sự "biển người" thí quân của Bắc Kinh xưa nay, thì sinh mạng vài người dân Tàu xấu số đối với lãnh đạo Trung Cộng là con số không. Như trên, ta thấy CSVN và CS Tàu được lợi nhiều hơn hại trong vụ kích động bạo động vừa qua. Xác suất một trong hai thành phần này là thủ phạm đằng sau các bạo động rất cao. Đây là hai tác nhân có đủ điều kiện nhất để điều động những đoàn xe máy mang bảng số 36, tức đã di chuyển từ trước, từ Thanh Hoá xuống tận Bình Dương, để hành sự. Hai tác nhân này cũng đủ điều kiện nhất để ra lệnh cho các doanh nghiệp Tàu cho phép công nhân nghỉ một ngày ăn lương để đi biểu tình chống xâm lược Tàu; và ra lệnh cho công an, bình thường rất nhặm lẹ mạnh mẽ dẹp chặn bạo loạn, bỗng nhiên trở nên rất thụ động và chậm chạp để cho mấy đợt bạo động diễn ra. Sau đó chỉ vài ngày, công an lại trở lại bản chất vô cùng hữu hiệu trong việc ngăn chặn, bắt bớ những người biểu tình yêu nước ngày 18/5 vừa qua. Vậy ai là thủ phạm? CSVN, CS Tàu trực tiếp, hay CS Tàu xử dụng tay sai cật ruột trong cung đình Bắc Bộ Phủ Hà Nội? Hy vọng với thời gian sẽ lộ ra nhiều chi tiết hơn. Nhưng một điều gần như chắc chắn là các thành phần bị chế độ gọi là nội phản, tức những người dân chống Tàu thực sự, sắp phải đối diện những đợt càn quét truy bức rất tận tình của đảng và nhà nước CSVN.
......

Ðảng Cộng Sản đào nhiệm hay từ chức?

Công ty CNOOC đem giàn khoan HD-981 vào hải phận nước ta, Cộng sản Trung Quốc muốn trắc nghiệm hai điều: Một là phản ứng của người dân Việt Nam, hai là thái độ của đảng Cộng sản Việt Nam; như mục này đã viết trước đây hai tuần. Tàu TQ đón công nhân di tản rời khỏi VN hôm 19-5-2014 Ðối với phản ứng của dân Việt thì Trung Cộng có thể đoán trước được, và đã chuẩn bị đối phó. Biết trước được vì dân Việt đã từng bày tỏ lòng phẫn nộ trước các hành động gây hấn, xâm lấn của họ rất nhiều lần, dù bị chính quyền ngăn cấm. Bắc Kinh phải đoán rằng phản ứng của người Việt lần này chắc chắn mạnh mẽ hơn. Cho nên từ đầu Tháng Ba 2014, họ đã báo động, khiến công ty Hua Wei thông báo nhân viên chuẩn bị rút về nước. Họ có thể chuẩn bị phá các cuộc biểu tình của dân Việt, bằng một âm mưu xâm nhập, khích động, biến cuộc tuần hành thành ra những vụ cướp của, giết người. Thêm vào đó, cho người tấn công tất cả các công ty ngoại quốc, từ Ðài Loan, Nhật Bản, Nam Hàn, đến Singapore. Trước dư luận thế giới, hành động chống Trung Cộng của dân Việt sẽ mất uy tín, bị coi là quá khích, thay vì danh chính ngôn thuận.   Về kinh tế, họ làm giới đầu tư từ các nước Á Ðông lo sợ, rút tiền về; kinh tế nước ta sẽ gặp khó khăn. Ðây là một mũi tên bắn hai con chim. Cho tới nay, Cộng sản Trung Quốc ít nhất đã đạt được mục tiêu phá hoại kinh tế. Giá vàng đã tăng vọt, đồng tiền Việt Nam xuống giá, dân lo rút tiền khỏi các ngân hàng, trên thị trường chứng khoán, trong một tuần từ ngày 8 Tháng Năm, giá trị các cổ phiếu đã giảm sáu tỷ đô la. Tại một tỉnh Bình Dương, hàng trăm ngàn công nhân mất việc làm vì các nhà máy đóng cửa. Hậu quả tâm lý sẽ lâu dài hơn. Dư luận thế giới thất vọng về tình trạng gọi là an ninh, trật tự tại Việt Nam. Tất cả những lời khoe khoang, hứa hẹn về “ổn định chính trị” đã tan thành mây khói. Ổn định thế nào được nếu chỉ cần một nhóm người khích động là hàng chục ngàn người xuống đường đốt phá? Cả thế giới chứng kiến những biểu hiện của lòng dân phẫn uất, bất cứ lúc nào cũng có thể bùng nổ. Guồng máy cảnh sát, công an chuyên đàn áp nông dân đòi đất, công nhân đòi tăng lương, nhưng không làm gì để bảo vệ an ninh cho các xí nghiệp. Ngay bây giờ, Trung Cộng đã thành công trong hai mục tiêu tâm lý và kinh tế, cho tới khi nào người Việt Nam tìm được cách chống lại, trên cả hai mặt trận. Nhưng cho tới nay, chính quyền Việt Nam gần như tê liệt, không làm gì để chống đỡ hai cuộc tấn công đó. Ngay sau khi các cuộc đốt phá xẩy ra, đáng lẽ chính quyền cộng sản phải lập một ủy ban điều tra cấp liên bộ để tìm thủ phạm gây ra các tổn thất, và hứa hẹn sẽ trừng phạt đúng pháp luật. Ngay lập tức, phải gửi ngay những phái đoàn, từ cấp bộ trưởng trở lên, tới các nước Á Ðông có nhà đầu tư bị thiệt hại, để công khai và long trọng xin lỗi họ. Ðáng lẽ một người cấp thủ tướng chính phủ, hoặc ít nhất một bộ trưởng đầu tư cùng với bộ trưởng công an phải họp tất cả các nhà đầu tư ngoại quốc để nhận lỗi. Phải trình bày ngay các biện pháp bảo vệ tài sản của họ tại Việt Nam, và đề nghị các phương án bồi thường cho các công ty đã bị thiệt hại. Chính quyền Hà Nội không làm được những việc tối thiểu đó. Các ông lãnh đạo chỉ đưa ra những lời tuyên bố chung chung; ngay đối với người dân trong nước. Một quốc gia bị ngoại xâm đe dọa, với các đoàn quân tập trung nơi biên giới; với giàn khoan dầu trấn đóng trong vùng biển nước mình. Và những cuộc bạo loạt, cướp của, giết người trong nhiều tỉnh. Vậy mà những ông lớn không một ông nào lên tiếng trình bày mọi việc với quốc dân. Ở Nam Hàn, một tai nạn làm chết vài trăm học sinh, bà tổng thống phải lên ti vi nói chuyện với dân; ông thủ tướng nhận trách nhiệm và từ chức. Nhưng ở Việt Nam, không ai đứng ra nói một lời nào cho dân chúng biết tình hình chung và trình bày những phương cách đối phó. Hai ông Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng có nói, nhưng chỉ nói khi đi thăm các đơn vị đã bầu họ vào Quốc Hội, chứ không nói với tất cả quốc dân. Những lời nói của họ có tính cách riêng tư, trong một khung cảnh nhỏ nhoi, cả hai người không ai dùng danh nghĩa chủ tịch nước hay thủ tướng chính phủ. Còn Nguyễn Phú Trọng, không những ông ta hoàn toàn im tiếng, cả Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng khóa 9 cũng không bày tỏ thái độ, dù họ đã họp nhau suốt một tuần lễ, từ ngày 8 đến 14 Tháng Năm. Những diễn văn khai mạc và bế mạc của ông tổng bí thư, tới các thông tin hàng ngày của hội nghị tuyệt nhiên không nói gì tới hành động xâm lược của Trung Cộng. Họ làm như không có chuyện gì quan trọng, "16 chữ vàng, 4 tốt" vẫn tốt cả! Tại sao họ ngậm miệng như vậy?   Một cách giải thích tình trang trên là không một người nào, từ cấp bộ trưởng lên tới cấp thủ tướng, tổng bí thư, không ai dám công khai đưa mặt ra đối diện với quốc dân, với các đảng viên, các chính quyền nước khác và các nhà đầu tư quốc tế. Họ không dám nói, vì không biết phải nói gì. Từ trên xuống dưới đều há miệng mắc quai. Nguyên nhân căn bản, sâu xa hơn, là trong mấy tuần qua toàn bộ Bộ Chính Trị không biết họ nên làm cái gì, không biết phải làm gì. Cơ cấu lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đang rơi vào tình trạng khó nói, khó nghĩ, bối rối, có thể coi là đang tê liệt. Không ai biết phải nói gì, làm gì, vì không biết quyết định ra sao. Tình trạng tê liệt này chính là thử thách thứ hai mà Trung Cộng muốn làm, khi cho đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển Quảng Ngãi. Kết quả, cuộc trắc nghiệm cho Bắc Kinh thấy là đảng Cộng sản Việt Nam lâm vào cảnh hoàn toàn ngơ ngác và tê liệt. Những người cầm đầu đảng Cộng sản không biết phải làm gì nếu không bám lấy mối hy vọng “đồng chí, anh em, môi hở răng lạnh” đã xin được từ Hội Nghị Thành Ðô năm 1990. Suốt 24 năm qua, Trung Cộng đã dùng các lời hứa hẹn với Nguyễn Văn Linh, Ðỗ Mười ở Hội Nghị Thành Ðô để ru ngủ Bộ Chính Trị đảng Cộng sản Việt Nam. Bây giờ, sau miếng đòn HD-981, toàn ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam chợt tỉnh ngủ, nhưng vẫn chưa biết phải làm gì! Báo NY Times tiết lộ Nguyễn Phú Trọng xin nói chuyện với Tập Cận Bình, và bị từ chối. Hành động đem máy bay, tàu thủy qua đón các công nhân lậu về Trung Quốc, và cảnh đưa chiến xa, đại bác tới ngay vùng biên giới, cho thấy Trung Cộng đã dứt tình, dứt nghĩa. Trong khi đó thì Cộng sản Việt Nam vẫn chỉ năn nỉ van xin, không biết xấu hổ. Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thú nhận rằng đã 20 lần xin Bắc Kinh rút giàn khoan HD-981 đi chỗ khác, nhưng vô vọng. Tại sao phải năn nỉ đến 20 lần, điện thoại nói hai, ba lần chưa đủ sao? Tất cả, chì vì toàn bộ lãnh đạo đảng không biết phải làm gì, hoàn toàn bế tắc.   Bị Trung Cộng từ chối, nhưng Cộng sản Việt Nam vẫn không dám có thái độ dứt khoát nào, vẫn sợ không còn nơi nào bám víu. Trong mục này, ngay từ đầu chúng tôi đã đề nghị phải kiện chính quyền Trung Cộng ra trước tòa án trọng tài quốc tế, đòi lại quần đảo Hoàng Sa. Ðảng Cộng sản Việt Nam vẫn chưa dám làm điều tối thiểu đó. Một đảng viên cộng sản ở Ðà Nẵng, nhân danh một luật sư đã nói lấp liếm rằng: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở để khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, nhưng nhân dân Việt Nam luôn đặt nặng nền tảng đạo lý, coi đạo lý là cái gốc của pháp lý!” Ðây là một cách biện hộ cho đồng đảng! Một luật sư mà lại không dám dùng tới pháp luật, chỉ vì “đặt nặng nền tảng đạo lý!” Ðạo lý nào, nếu không phải là cố bám lấy 16 chữ vàng và 4 cái tốt! Trong lúc toàn dân phẫn uất rừng rực khí thế đấu tranh, đảng Cộng sản vẫn coi tình “đồng chí, anh em” giữa Trung Cộng và Việt Cộng đáng bảo vệ hơn là bảo vệ quyền lợi dân tộc. Họ bất động, không nói cũng không làm gì, vì vẫn còn muốn bám lấy Trung Cộng. Thái độ đó cho thấy đảng Cộng sản Việt Nam đã đào ngũ, trốn tránh trách nhiệm, lánh mặt, không dám đối diện với dân Việt Nam cũng như với giới đầu tư quốc tế. Không khác gì chủ tịch thành phố Sài Gòn từ chối không tiếp một luật sư đến xin phép biểu tình; chỉ hứa hẹn ngày sau sẽ cho được gặp phó chủ tịch; nhưng sang ngày sau, cả phó chủ tịch cũng biến mất. Toàn ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam đang lẩn trốn, không ai dám gặp người dân.   Hành động có liêm sỉ nhất bây giờ là toàn thể Bộ Chính Trị và Trung Ương Ðảng cộng sản Việt Nam hãy xin từ chức. Hãy tuyên bố trả lại quyền quyết định việc nước cho toàn thể dân chúng Việt Nam. Nếu không, tất cả các đảng viên cộng sản, từ trên xuống dưới, sẽ chịu trách nhiệm với lịch sử trong ngàn năm sắp tới.   nguồn: nguoi-viet.com
......

Để thắng được Trung Cộng

Câu nói “Không có đế quốc nào tồn tại mãi mãi” thoạt nghe rất bình thường và hiển nhiên vì lẽ đơn giản trên đời này không có gì tồn tại mãi mãi, tuy nhiên quy luật đó đã được chứng minh rất nhiều lần trong lịch sử bằng bao máu xương của nhân loại. Một đế quốc vừa hình thành ở Á Châu và đang đe dọa cho hòa bình thế giới: Đế quốc Trung Cộng. Đế quốc này sẽ tồn tại thêm được bao lâu và sẽ sụp đổ bằng cách nào vẫn còn là chủ đề được các nhà phân tích chính trị, các sử gia bàn cãi không chỉ trên bên ngoài Trung Cộng mà ngay tại đầu não của cơ chế độc tài. Trung Cộng tồn tại được bao lâu? Trên cả nước Trung Cộng có một nơi duy nhất được quyền phê bình đảng CS và một nhóm người rất nhỏ trong số hơn một tỉ dân được trao đặc quyền tự do tranh luận về ngày tàn của đảng CS mà không sợ trả thù, nơi đó là Trường Đảng Trung Ương trực thuộc Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSTQ và nhóm người đó là những cán bộ lý luận cao cấp của trường. Trong một biệt điện hoàng gia cũ ở phía tây Bắc Kinh được đổi thành Trường Đảng, một số nhỏ chuyên gia ưu tú nhất của trường dành trọn thời gian chỉ để làm một việc là phân tích mọi sai lầm của lãnh đạo đảng, mọi chiến lược ngắn hạn cũng như dài hạn của đảng, mọi kế hoạch kinh tế, các chính sách đối nội và đối ngoại của đảng. Và câu hỏi chính được đặt ra cho nhóm người có đặc quyền này “Đảng CS sẽ tồn tại bao lâu và những khả năng nào xảy ra sau khi đảng sụp đổ”. Dĩ nhiên mục đích tranh luận không phải để lật đổ chế độ mà nhằm tìm các biện pháp thích nghi ngăn chận kịp thời mọi sai lầm, sơ sót để cỗ máy độc tài khỏi rơi xuống hố như trường hợp Liên Xô. Hiện nay tồn tại hai quan điểm đối lập nhau về tương lai Trung Cộng. Một quan điểm của đảng CSTQ cho rằng Trung Cộng là một nước có biệt lệ về văn hóa chính trị nên làn sóng cách mạng dân chủ tại châu Âu trước đây cũng như Bắc Phi vừa qua không đập vào bờ Trung Cộng. Một quan điểm khác gồm những học giả chuyên về Trung Cộng, trí thức Trung Quốc có ảnh hưởng và ngay cả một số viên chức CS cao cấp có khuynh hướng tự do cho rằng đảng CS phải chết nhưng vấn đề là chết bằng cách nào mà thôi. Điều đó cũng cho thấy, nỗi lo sợ một ngày cơ chế độc tài CSTQ sẽ sụp đổ ám ảnh thường xuyên trong suy nghĩ của lãnh đạo CSTQ và hai yếu tố lớn nhất dẫn đến sự sụp đổ của Trung Cộng vẫn là chính trị và kinh tế. Về chính trị. Bài học Thiên An Môn cho lãnh đạo Trung Cộng biết nguy cơ hàng đầu vẫn là khát vọng tự do của con người. Dân chủ là hướng đi của thời đại. Năm 1900 mở đầu cho thế kỷ 20 trên thế giới chỉ có 12 phần trăm nhân loại sống trong các cơ chế chính trị được gọi là dân chủ. Đầu thế kỷ 21, 120 trong số 192 quốc gia được quốc tế công nhận là những nước được lãnh đạo bởi các chính phủ do dân bầu. Nhiều lãnh đạo CSTQ đổ lỗi sự sụp đổ của Liên Xô lên đầu Mikhail Gorbachev như Giáo sư Shen Zhihua, chuyên viên về Liên Xô của đại học Đông Hoa và cả cựu Chủ Tịch Trung Cộng Giang Trạch Dân từng phát biểu “Gorbachev phản bội cách mạng”. Tuy nhiên họ cố tình không quan sát đến tiến trình chuyển hóa không ngừng của xã hội con người. Giáo sư Archie Brown thuộc đại học Oxford, Anh quốc, trong tác phẩm Sự vươn lên và sụp đổ của chủ nghĩa Cộng sản (The Rise And Fall Of Communism) nêu ra 8 lý do khiến chủ nghĩa Cộng sản sụp đổ, trong đó lý do hàng đầu không phải là kinh tế hay quân sự mà là sự thay đổi xã hội. Sự chuyển hóa tri thức nhanh hay chậm tùy theo điều kiện mỗi nước nhưng là một tiến trình không thể bị ngăn chận bởi bất cứ một cơ chế độc tài nào. Những nguồn đối kháng từ bên trong các nước CS đã âm thầm lớn mạnh chỉ chờ cơ hội là bùng vở như được chứng minh qua việc 300 ngàn thanh niên Đông Đức tham dự buổi nhạc hội của Bruce Springsteen vào ngày 19 tháng Bảy 1988 và hàng ngàn thanh niên Đông Đức hô to khẩu hiệu tự do muôn năm trên bờ tường Bá Linh tối ngày 9 tháng 11 năm 1989. Sức sống của đất nước cũng như của xã hội là một dòng chảy không bao giờ ngừng nghỉ, các thế lực cầm quyền độc tài chỉ là những khe đá, có thể làm chậm dòng thác văn minh nhưng không thể ngào ngăn chận được. Tóm lai, yếu tố chính tác động vào sự sụp đổ của Liên Xô, hệ thống CS tại châu Âu và sẽ diễn ra tại Trung Cộng cũng như Việt Nam chính là nội lực phát xuất từ xã hội, kết quả của các phong trào xã hội và sự chuyển hóa không ngừng của xã hội. Về mặt kinh tế xã hội. Như lịch sử đã chứng minh sự phát triển của giai cấp trung lưu là nguồn thúc đẩy của cách mạnh dân chủ vì đó là giai cấp có học thức, có phương tiện và có nhiều nhu cầu vật chất cũng như tinh thần cần được thỏa mãn. Cách đây 20 năm, giai cấp trung lưu này không tồn tại nhưng nay là một lực lượng đông đảo và phát triển theo lũy thừa. Thành phần trung lưu chiếm 14 phần trăm dân số thành thị tại Trung Cộng và có lợi tức bình quân từ 17 ngàn đô la đến 37 ngàn đô la. Với hướng phát triển xã hội có tính quy luật đó, theo giáo sư David Shambaugh, giám đốc Chương trình Chính sách Trung Quốc thuộc đại học George Washington sự suy thoái của đảng CSTQ đang diễn ra sẽ giống như các triều đại Trung Hoa trước đây, chiếm đoạt, hưng thịnh và sụp đổ. Trong một tổng kết mới đây The World Bank’s International Comparison Program cho rằng Trung Cộng với GDP 2011 là 13.5 ngàn tỉ đô la, sẽ qua mặt Mỹ nhanh hơn dự đoán. Thống kê này dựa trên việc so sánh sức mua tương đương (purchasing power parity) của hàng hóa giữa hai quốc gia. Tuy nhiên nhiều nhà kinh tế không đồng ý vì không thể dùng giá cả của những ổ bánh mì, bao thuốc lá để làm thước đo cho mức độ giàu nghèo giữa hai nước trong lúc những món hàng quan trọng nhất lại không thể mua tại Trung Cộng. Tom Wright của Wall Street Journal ví dụ một cách chính xác và cụ thể, Trung Cộng không thể mua một chiếc tàu, một giàn hỏa tiển hay một chiếc xe Đức đắt tiền mà phải trả bằng một giá hối suất cao gấp nhiều lần. Nếu tính trên phạm vi cả nước, theo phân tích của Global Public Square staff, Trung Cộng không đứng nhất, nhì hay thậm chí 30 mà đứng sau cả Peru. Nhưng dù phát triển kinh tế nhanh, sự phát triển đó vẫn phải đồng hành với các phát triển chính trị, văn hóa để tạo nên một xã hội thịnh vượng hài hòa. Điều đó không tồn tại tại Trung Cộng. Các thành tựu kinh tế của Trung Cộng được đổi bằng sự chịu đựng, hy sinh, mồ hôi, xương máu của nhiều dân tộc khác và ngay tại Trung Cộng hàng trăm triệu dân thiểu số vẫn phải tiếp tục sống trong xã hội tham nhũng, độc tài, nghèo đói, bất công, bạc đãi. Hai nhà lý luận CS Lin Zhe và Chen Shu, thành viên trong nhóm nhỏ của trường đảng có đặc quyền phê phán, mặc dù tin rằng đảng CSTQ sẽ tồn tại lâu cũng thừa nhận tham nhũng kinh tế có thể làm sụp đổ đảng. Bà Lin Zhe dành 20 năm để nghiên cứu phương pháp diệt tham nhũng tại các cấp đảng vì theo bà “Tham nhũng là mối đe dọa nguy hiểm có thể dẫn đến sự sụp đổ của đảng và nhà nước”. Ngọn núi lửa Trung Cộng Tuyệt đại đa số con người không ai muốn chiến tranh và là người Việt Nam lại càng không muốn có chiến tranh. Tuy nhiên, chiến tranh và hòa bình không phải là chuyện muốn hay không muốn mà đó là hai mặt biện chứng nhân quả của một quá trình mang tính lập lại của phát triển xã hội loài người. Sau khi hiệp ước Versailles được ký kết, Thống chế Pháp Ferdinand Foch nhận xét “Đây không phải là hòa bình mà chỉ là cuộc đình chiến hai mươi năm”. Thế chiến thứ hai bùng nổ 20 năm và 65 ngày sau đó. Nhận xét của danh tướng Ferdinand Foch không phải là lời tiên đoán của các ông thầy bói nhưng vì các nguyên nhân kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội dẫn đến thế chiến thứ nhất chẳng những không giải quyết mà còn tác động vào nhau để tạo thành nguyên nhân cho thế chiến thứ hai đẫm máu hơn. Tương tự, Trung Cộng với chính sách cực đoan về cả đối nội lẫn đối ngoại đang là mầm mống cho một chiến tranh khốc liệt tại Á Châu.   Đảng Cách Mạng Thể Chế Mexico (Mexico’s Institutional Revolutionary Party) cầm quyền được 71 năm và chế độ độc tài CS Liên Xô tồn tại được 74 năm nhưng cả hai đều đã mất quyền lãnh đạo. Trung Cộng tồn tại đến nay được 65 năm nhưng liệu sẽ thoát ra ngoài sự chi phối của quy luật “không có đế quốc nào tồn tại mãi” hay không. Câu trả lời dĩ nhiên là không. Một khi ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc cực đoan Đại Hán như giòng nham thạch đang cuồng cuộn sôi trong lòng núi, khả năng chuyển hóa từ độc tài sang dân chủ một cách hòa bình tại Trung Cộng là một chuyện khó xảy ra. Với các mâu thuẫn bên trong và thù địch bên ngoài vô cùng sâu sắc, không có cách mạng nhung, cách mạng da cam nào mà chỉ có máu chảy ngập đường phố Bắc Kinh, Thượng Hải và các vùng Tân Cương, Ninh Hạ, Nội Mông, Tây Tạng. Việt Nam với quan hệ hữu cơ về chính trị tư tưởng và với vị trí chiến lược trong vùng biển Đông cũng khó thoát khỏi ảnh hưởng đầy tai họa của cách mạng máu. Giáo sư Yuan-kang Wang thuộc đại học Western Michigan viết trong tạp chí Foreign Policy “Nếu quyền lực tiếp tục gia tăng, Trung Quốc sẽ mở rộng ảnh hưởng đến vùng Đông Á. Chính sách này sẽ không tránh khỏi tạo nên sự cạnh tranh an ninh với Mỹ trong khu vực và các vùng chung quanh. Washington đang bước ra khỏi mối bận tâm Iraq và Afghanistan và đang là ‘mấu chốt’ hướng tới Á Châu. Như người Trung Quốc thường nói “Một núi không thể có hai cọp”, nhớ ráng hết sức mình, trò chơi còn tiếp tục”. Ngọn núi lửa Trung Cộng sẽ phun tuy chưa biết chính xác ngày nào.   Bài học cho Việt Nam   Lịch sử để lại nhiều bài học về chính sách đối ngoại khôn ngoan, nhưng đáng học nhất vẫn là bài học về cách giải quyết xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Xô. Từ khi thành lập nền cộng hòa Thổ năm 1923, Thổ Nhĩ Kỳ là một nước cô đơn. Chiến tranh với Anh vừa chấm dứt bằng chiến thắng nhưng bị các quốc gia dân chủ Tây Phương cô lập. Quân đội không nhỏ nhưng chỉ được trang bị võ khí còn lại từ thời đế quốc Ottoman và thế chiến thứ nhất. Để được an toàn, chính phủ Thổ kết thân với một anh láng giềng bên kia Hắc Hải cũng đang bị cô lập, đó là Liên Xô. Cuối thập niên 1930, khi Đức Quốc Xã trở thành mối đe dọa, Stalin quyết định phải kiểm soát Eo Biển Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chận các chiến hạm các quốc gia không thuộc vùng Hắc Hải di chuyển qua đó và đề nghị Thổ cùng phối hợp để làm việc này. Thổ từ chối sang nhượng chủ quyền Eo Biển. Stalin khó chịu nhưng vẫn phải tiếp tục duy trì quan hệ hữu nghị với Thổ. Khi Thổ nhích gần tới Anh và Pháp qua việc tham gia Balkan Pact 1934 và Saadabad Pact 1937 do khối Tây Phương chủ trương, Liên Xô công khai bày tỏ quan điểm gọi là “khó hiểu khi Thổ lại thương thảo với những kẻ cựu thù”. Trước tham vọng xâm lược ngày càng lộ liễu của Liên Xô, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ còn một con đường duy nhất là đứng hẳn về phía Tây Phương. Tuy nhiên, muốn thân các quốc gia dân chủ Tây Phương, trước hết giới lãnh đạo Thổ phải tiến hành các cải tổ chính trị. Tổng thống Mustafa İsmet Inonu, người tiếp tục chính sách của cố tổng thống Mustafa Kemal Ataturk mở rộng chính phủ theo hình thức đa đảng. Mỹ đánh giá thiện chí của Thổ qua các cải cách chính trị và cũng thấy cần phải tích cực ngăn chận ảnh hưởng Liên Xô trên vùng Hắc Hải, đã gởi chiến hạm lừng danh USS Missouri đến Istanbul vào tháng Tư 1946. Thiết giáp hạm USS Missouri là niềm kiêu hãnh của hải quân Mỹ, từng tham dự hai trận Iwo Jima và Okinawa, và cũng là nơi Mỹ nhận sự đầu hàng của Nhật. Anh theo bước Mỹ, cùng tham gia cuộc diễn tập quân sự trong vùng biển Aegean tháng Chín 1946. Báo chí Liên Xô lên án Mỹ, Anh và cho rằng hai nước này đang thiết lập căn cứ quân sự trong vùng Eo Biển Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ không thừa nhận nhưng cả thế giới lúc đó đều biết Mỹ quyết tâm bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ. Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ từ một nước tách ra khỏi một đế quốc tan rã, giành độc lập bằng xương máu chống lại khối dân chủ Tây Phương, bị cô lập, trung lập trong thế chiến thứ hai nhưng đã khôn khéo từng bước xích lại gần với những kẻ cựu thù và cuối cùng được trở thành hội viên của NATO. Để biết ơn và xiển dương các giá trị dân chủ, mỗi năm chính phủ Thổ dành một ngân sách lớn để viện trợ cho các đề án nhằm cải cách dân chủ khắp thế giới. Năm 2012, Thổ Nhĩ Kỳ viện trợ 3.4 tỉ đô la cho 121 quốc gia. Thổ cũng dành riêng 1 tỉ đô la trong ngân sách để viện trợ nhân đạo và được xếp vào hàng thứ tư trên thế giới chỉ sau Mỹ, Cộng đồng Châu Âu và Anh Quốc. Để thắng được Trung Cộng Qua xung đột giữa Liên Xô và Thổ Nhĩ Kỳ chúng ta có thể rút ra bốn điều kiện để thoát ra khỏi sự khống chế và sẽ thắng được Trung Cộng trong trận cuối cùng: 1. Việt Nam phải có dân chủ trước Trung Cộng. Phần đông các nhà phân tích chính trị Việt Nam đồng ý rằng Việt Nam phải có dân chủ mới bảo vệ được đất nước. Điều đó đúng nhưng cần phải nói thêm, dân chủ không chỉ giúp bảo vệ đất nước mà còn để thắng được Trung Cộng. Ngoài ra, dân chủ phải đến sớm, đừng đợi đến khi chiến tranh Á Châu bùng nổ, máu đổ, thây phơi mới đến. Chỉ có một Việt Nam đoàn kết dưới ngọn cờ dân chủ mới thật sự tập trung được sức mạnh tổng hợp của dân tộc và là nền tảng cho một quốc gia dân chủ thịnh vượng lâu dài. Trung Cộng không sợ USS George Washington hay bom nguyên tử mà sợ dân chủ và rất lo “sân sau” CSVN trở thành một nước dân chủ. Vũ khí dân chủ sẽ gây một phản ứng dây chuyền dẫn tới sự tan vỡ toàn bộ cơ chế CS. Một Trung Cộng mênh mông có nguy cơ tan thành nhiều mảnh, chủ quyền ngay tại lục địa còn không giữ được nói chi là chủ quyền trên hai nhóm đảo Hoàng Sa, Trường Sa xa xôi. 2. Đoàn kết dân tộc. Dân chủ là điều kiện tiền đề trong chính sách đối ngoại nhằm tạo sự tin cậy nơi các nước dân chủ Tây Phương nhưng quan trọng nhất là nền tảng của đoàn kết dân tộc. Một dân tộc chia rẽ không thắng được ai. Đây là thời điểm để xác định lại lòng yêu nước. Yêu nước ngày nay không phải là phó sản của chủ nghĩa dân tộc cực đoan hay bùa mê CS mà gắn liền với với quyền lợi sống còn của đất nước và hướng đi dân chủ nhân bản của thời đại. Trong cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Iraq, nhiều người nghĩ kẻ có lợi nhiều nhất sẽ là dân tộc Kurds. Nhưng không, họ là những người chịu đựng thiệt thòi nhiều nhất. Trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, Saddam Hussein tàn sát không thương tiếc các cuộc nổi dậy của nhân dân Kurds ly khai trước sự làm ngơ của Mỹ. Nhiều nhà phân tích cho rằng Mỹ phản bội lý tưởng độc lập của nhân dân Kurds. Điều đó chỉ đúng một nửa. Nửa còn lại là sự phân liệt vô cùng trầm trọng trong tập thể 35 triệu Kurds sống trong nhiều quốc gia vùng Tây Á. Một dân tộc chia rẽ, cấu xé nhau, không có một hướng đi chung, không thể vận dụng được sự ủng hộ từ quốc tế và cũng không xứng đáng để được quốc tế ủng hộ. Tương tự, Mỹ bỏ 900 tỉ đô la hay 3 ngàn tỉ đô la tùy theo cách tính và 4486 nhân mạng để lật đổ Sadam Hussein, không phải chỉ nhằm đem lại hòa bình dân chủ cho nhân dân Iraq. Tuy nhiên, nếu là một dân tộc khôn ngoan, đây là cơ hội giúp Iraq vượt qua những khó khăn trong vài năm nữa trở thành một cường quốc trong thế giới Ả Rập và nếu họ không làm được thì cũng đừng đỗ thừa cho Mỹ, đổi tội cho Saddam Hussein mà phải trách ở chính mình. 3. Chủ động chiến lược hóa vị trí quốc gia. Việt Nam chỉ trở thành một vị trí chiến lược sau khi Trung Cộng thôn tính toàn lục địa Trung Hoa 1949 nhưng trước đó thì không. Tương tự, Ai Cập trước 1976 không quan trọng hơn Thổ Nhĩ Kỳ hay Iran nhưng sau khi Tổng thống Anwar Sadat bỏ đồng minh Liên Xô để bước sang phía thế giới tự do, Ai Cập trở nên một đồng minh chiến lược của Mỹ ở Trung Đông và được viện trợ ít nhất 1.5 tỉ đô la hàng năm từ đó đến nay. Vì lợi ích kinh tế cũng như về các giá trị nhân quyền, Mỹ mong muốn được thấy Trung Cộng trở thành một quốc gia dân chủ trong một châu Á và Thái Bình Dương ổn định. Trung Cộng là nhà băng của nhiều quốc gia trên thế giới kể cả Mỹ, nhưng không giống như các công ty tài chánh Lehman Brothers hay Merrill Lynch, khủng hoảng chính trị tại Trung Cộng sẽ gây tác hại vô cùng trầm trọng đối với nên kinh tế thế giới không thể đo lường được. Biết chủ động chiến lược hóa, quốc tế hóa, quan trọng hóa vị trí của quốc gia cũng như biết khai thác mối lo của cường quốc sẽ làm cho vị trí của quốc gia quan trọng hơn trong tranh chấp quốc tế. Trái lại, chủ trương của lãnh đạo CSVN “không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia” là chủ trương tự cô lập, không đúng về lý thuyết lẫn thực tế chính trị và sẽ chết tức tưởi trong cô đơn mà không được ai ngó ngàng. 4. Đoàn kết với láng giềng cùng hoàn cảnh và tham gia các liên minh tin cậy: Việt Nam đang đứng trước những ngã ba, ngã năm trong bang giao quốc tế nhưng dù bao nhiêu ngã cũng chỉ có thể đi trên một con đường trong một thời điểm nhất định. Sự liên minh khôn khéo trong nhiều trường hợp giúp quốc gia tránh được chiến tranh hay có thêm thời gian để chuẩn bị chiến tranh. Giáo sư Alastair Smith thuộc đại học Washington University đã công thức hóa toán học nhiều mô thức liên minh trong lịch sử bang giao quốc tế và kết luận các quốc gia có những liên minh không đáng tin cậy sẽ dễ bị tấn công hơn là các quốc gia có sự liên minh tin cậy. Hiện nay tại Á Châu có bốn liên minh quân sự gồm ba liên minh tin cậy Mỹ-Nhật, Mỹ-Phi, Mỹ-Nam Hàn và liên minh SCO về biên giới gồm Trung Cộng, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Russia, Tajikistan và Uzbekistan. Khi chảo dầu Á châu được đun nóng hơn, nhiều liên minh quân sự mới tương tự như Tổ chức Liên phòng Đông Nam Á (SEATO) trong thời chiến tranh Việt Nam sẽ ra đời. Đối với Mỹ, vùng biển Đông Á là huyết mạch kinh tế lẫn an ninh của các nước đồng minh với Mỹ như Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines, Indonesia, liên minh được với Mỹ vừa có thể thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa đất nước vừa bảo đảm an ninh. Bốn điều kiện để thắng được Trung Cộng chỉ có thể thực hiện nếu lãnh đạo là những người thực tâm vì đất nước. Điều đó không có tại Việt Nam. Rồi mai đây, sau trận đánh ghen HD-981 này, lãnh đạo CSVN lại lên đường sang Bắc Kinh triều cống, lại 16 chữ vàng, lại ca ngợi tình đồng chí, nghĩa anh em thắm thiết. Cơn hờn giận giữa hai đảng CS theo thời gian có thể sẽ nguôi ngoai nhưng trên các vùng biên giới, trong lòng biển Việt Nam, máu của ngư dân Việt Nam, của người lính biển Việt Nam sẽ không ngừng chảy. Dân tộc Việt Nam lại bị đảng dắt đi vòng vòng trong ngõ cụt tối tăm như đã và đang đi suốt 39 năm qua. Do đó, chọn lựa một lối thoát, một hướng đi cho đất nước không phải là chọn lựa của lãnh đạo CSVN nhưng 90 triệu người dân Việt Nam phải can đảm đứng lên quyết định vận mạng chính mình. Trần Trung Đạo Nguồn: hennhausaigon2015.com
......

Ân Xá Quốc Tế biểu tình trước Tòa Đại Sứ Việt Cộng tại London

......

Thông Cáo Báo Chí: Đảng Việt Tân sẽ tiếp tục tiến hành Đấu Tranh Bất Bạo Động

  THÔNG CÁO BÁO CHÍ      Đảng Việt Tân sẽ tiếp tục tiến hành Đấu Tranh Bất Bạo Động   Trong bài viết “Phản đối đâu chỉ là yêu nước cực đoan” của ký giả BBC Bill Hayton đề cập về những cuộc biểu tình chống giàn khoan HD 981 của Trung Quốc trong các ngày qua tại Việt Nam, có đề cập đến vai trò của đảng Việt Tân trong biến cố ở Bình Dương. Tuy cách viết của ký giả Bill Hayton dựa trên ý kiến của một số người, nhưng qua những gì mà nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam công bố, các bạo động tại Bình Dương có rất nhiều nghi vấn do sự dàn dựng của bộ máy công an, để đổ trách nhiệm bạo hành cho giới đấu tranh dân chủ.   Trong suốt nhiều thập niên qua, không chỉ người Việt Nam mà cả thế giới đều đã thấy quá rõ ai là những kẻ chuyên cậy dựa vào các biện pháp bạo hành và khủng bố một cách có hệ thống, từ những cảnh công an đánh chết người ngay trên đường phố đến những cảnh dân chết với thương tích đầy mình trong các đồn công an. Hơn thế nữa, trong các vụ bạo động vừa qua, càng lúc càng có nhiều bằng chứng cho thấy công an đã cố tình làm ngơ để sự việc xảy ra và cố tình trì hoãn gần cả một ngày sau mới kéo đến. Nay họ lại bắt gần cả ngàn công nhân để gọi là "điều tra". Trong khi đó, lực lượng dân chủ Việt Nam, bao gồm cả Đảng Việt Tân, từ lâu đã nhận thức và tiến hành phương thức Đấu Tranh Bất Bạo Động vì đây là con đường duy nhất để không bước vào đấu trường bạo động mà chế độ độc tài có ưu thế tuyệt đối; Đây là con đường cần thiết để tiết kiệm xương máu và tránh các đổ vỡ, hầu bảo vệ khả năng phục hồi của đất nước sau khi thoát độc tài; Và đây là con đường văn minh, nhân bản của con người ở thế kỷ 21. Đã đến lúc giới lãnh đạo đảng CSVN ngưng trò đóng kịch kệch cỡm, vì các nhóm bạo động đang nằm ngay trong hàng ngũ công an và thành phần côn đồ do họ thuê mướn. Hãy thả ngay gần một ngàn công nhân vô can đang bị bắt giữ chỉ để đánh lạc hướng dư luận và che đậy cho nhóm bạo hành thật.   Ngày 18 tháng 5 năm 2014 Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng Mọi chi tiết xin liên lạc: Hoàng Tứ Duy: +1 (202) 470-0845 Ðối Ðầu Bất Bạo Ðộng để tháo gỡ độc tài - Xây Dựng Xã Hội Dân Sự để đặt nền dân chủ - Vận Ðộng Toàn Dân để canh tân đất nước
......

„Mặt trận“ Sài Gòn sáng 18.05.2014 không yên tỉnh

Sáng nay, 18.05.2014, trung tâm Sài gòn không diễn ra biểu tình kéo dài, nhưng cũng không yên tỉnh. Bắt bớ ngăn chặn khắp nơi. Tuy bị ngăn chặn quyết liệt nhưng biểu tình vẫn nổ ra Trung tâm Sài Gòn, điểm tập kết biểu tình- Ảnh Lê Anh Hùng Nhà báo Kha Lương Ngãi thoát ra khỏi nhà từ chiều hôm qua, sáng nay vừa lấp ló ra trung tâm để tham dự cuộc biểu tình chống Tàu cộng xâm lược thì bị một nhóm an ninh theo dõi và "chộp" được ngay ngã tư NTMK- NKKN sau đó bị đưa về phường 6 quận Ba là phường có ông "kẹ" nổi tiếng với câu nói "tự do là con c...". Hồi 9.30, Anh điện thoại cho tôi biết vẫn còn đang ở trong phường, không biết đang bị làm gì. Nhiều người yêu nước dự định đi biểu tình ôn hòa khác đều bị chặn ngay tại nhà hoặc trên đường đi. Tôi ra khỏi nhà cũng từ chiều hôm qua nên yên ổn đến địa điểm biểu tình tại công viên 30.4. Tôi gởi xe, đi bộ lượn qua một vòng quanh công viên, gặp rất nhiều anh em cũng đã đến được vị trí tập kết. Tuy nhiên cứ mỗi anh chị em, lại có đến từ 2 đến 3 người mặc thường phục kèm sát. Dọc trên trục đường Phạm Ngọc Thạch, người dân đứng tụ lại từng nhóm đều bị lực lượng dân phòng và công an đến xua đuổi quyết liệt. Tôi gặp một nhóm khoảng 3,4 anh chị em từ miền Bắc vào, vui quá tay bắt mặt mừng giữa rừng máy quay của những kẻ lạ mặt. Tôi kéo một anh bạn cũng từ phía Bắc vào, đến một ghế trống khuất phía trong để nói chuyện, thế mà cũng có đến 4 người đi theo và có hai người lén lút dùng máy ghi hình. Trước đó, tại nhà Cụ Lê Quang Liêm của Phật Giáo Hòa Hảo, lực lượng công an vây kín và xông vào kiểm tra, sau đó bắt đi một cách trái phép cô Nguyễn Ngọc Lụa và hai tín đồ Hòa Hảo từ miền Tây lên. Nhà cụ Liêm Phật Giáo Hòa Hảo bị bao vây và bắt người trái phép giữa ban ngày - ảnh Thụy Nga Công an đang kiểm tra nhà cụ Liêm Tuy ngăn chặn quyết liệt và kèm chặt và cô lập tất cả người dân có mặt tại địa điểm dự định biểu tình, nhưng vẫn có một nhóm anh chị em tập họp lại được để hô vang khẩu hiệu chống Tàu cộng. Theo Facebooker Ngô Thị Hồng Lâm, ngay sau đó nhóm người ôn hòa nầy cũng bị bắt đưa lên xe ngay tức khắc. "Theo tin mới nhận được từ trung tâm cuộc biều tình chống Trung Quốc xâm lược của những người yêu nước tại Sài Gòn, nổ ra được một ít phút thì bị dập tắt bởi các lực lượng được bố trí sẵn đã xông vào đàn áp đánh đập, bắt người khiêng lên xe giống như những lần biểu tình trước đây".- Ngô Thị Hồng Lâm Những người dự định đi biểu tình sáng nay tại Sài Gòn là những người đã tham dự biểu tình tuần trước. Đó là những công dân yêu nước, bày tỏ thái độ phản đối Tàu cộng xâm lược một cách ôn hòa, theo đúng quy định của pháp luật. Trong số những người nầy lại có nhiều người tôi biết, đó là những người tham dự hầu hết các cuộc biểu tình chống Tàu cộng từ trước đến nay ở Sài Gòn. Những cuộc biểu tình luôn luôn ôn hòa, tổ chức vào ngày cuối tuần không ảnh hưởng đến công ăn việc làm, không gây rối trật tự giao thông và đặc biệt chưa hề gây thiệt hại của cải vật chất cho bất kỳ ai. Thế nhưng những công dân yêu nước ôn hòa nầy khi muốn biểu thị lòng yêu nước của mình trước quân xâm lược thì bị bắt bớ, đánh đập hoặc giám sát, ngăn chặn quyết liệt nagy từ đầu. Nhà văn Nguyễn Đình Bổn: Vừa đi một vòng Sài Gòn về, từ Gò Vấp đến trung tâm thành phố trùng trùng lớp lớp công an, áo xanh nhạt và áo xanh dương, bộ đàm cầm tay, xe nhá đèn, tiếng loa vang tại công viên kêu gọi "nhân dân bình tỉnh" (?). Sao nhân dân, ít nhất của thành phố này yên lòng được, nếu một sáng chủ nhật chạy ra đường, người biểu tình đâu không thấy, chỉ thấy dày đặt công an? Tôi đã nhìn thấy ngay cả những biểu hiện ôn hòa nhất cũng không cho phép sáng nay tại Sài Gòn Cuộc biểu tình nhanh chóng nổ ra và bị dập tắt ngay tức khắc Sài Gòn 18.05.2014, Lính kín Mã tà đông hơn người yêu nước: Phải chi việc làm nhanh nhạy và quyết liệt đó của lực lượng an ninh, công an, dân phòng...triển khai kịp thời đối với bọn đầu gấu ở Bình Dương và Biên Hòa trong các ngày 13 và 14.5 thì hàng vạn công nhân không bị mất việc làm, hàng trăm nhà máy không bị đập phá, cướp bóc và hàng chục nhà máy khác không bị đốt cháy ra tro. Những tên đầu gấu xấu xa tồn tại từ lâu nay ở các khu công nghiệp, khống chế và ăn chặn trên đầu công nhân, nay được dịp giật dây công nhân, tổ chức bạo động để quậy phá thì không bị theo dõi để ngăn chặn. Ngay hôm xảy ra sự cố thì lực lượng công an và an ninh đồ sộ đã không xuất hiện kịp thời để ngăn chặn, trấn áp bọn bạo loạn. Viết đến đây thì nghe điện thoại của anh Kha Lương Ngãi gọi đến. Anh báo anh đã ra khỏi đồn công an phường 6 quận Ba lúc 11 giờ kém. Anh kể anh bị ngăn chặn đến ba lượt khi đi từ quán cà phê đến địa điểm tập kết biểu tình. Đợt đầu mời anh vào quán cà phê, đợt hai chặn anh giữa đường đòi kiểm tra túi xách vì nghe báo "anh có liên quan đến một vụ buôn lậu", đợt ba đưa anh vào công an phường để kiểm tra túi xách. Một cựu phó tổng biên tập, một nhà báo chân chính, một công dân ôn hòa như anh Kha Lương Ngãi mà còn bị đối xử một cách thô bạo và tệ mạt như vậy. HNC Tin mới nhất theo facebooker Quang Cảnh: Quang Cảnh đã thêm 2 ảnh mới. 39 phút • Đã chỉnh sửa • 1 EM SV ĐI BIỂU TÌNH BỊ ĐÁNH DÃ MAN! Em này tên Vanda Lâm, người gốc Khơ-me, sinh viên; từng tham gia phỏng vấn và biểu tình cùng dân oan. Em giơ cao tấm bảng này lên và cùng mọi người hô to những khẩu hiểu chống Trung cộng. Chẳng bao lâu đám an ninh nhào vô đánh em rất dã man rồi đưa lên xe chở về đồn. Đến giờ vẫn chưa liên lạc được với em.  
......

Berlin: Người Việt tị nạn tại Đức biểu tình chống Trung cộng xâm lăng Việt Nam

Vào lúc 12 giờ ngày thứ Sáu, 16.5.2014, một cuộc biểu tình của người Việt tị nạn tại Đức chống hành vi xâm phạm chủ quyềnViệt Nam của bá quyền Bắc Kinh qua việc đưa dàn khoan HD-981 vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế VN đưọc diễn ra trước Sứ quán Trung cộng tại Berlin. Dù là ngày thứ Sáu trong tuần nhưng cũng đã quy tụ hơn 80 đồng bào tại Berlin, Hamburg, Bremen,... tham dự. Trong này có những đồng bào đã tham dự biểu tình trước đó tại Postdamer Platz và đặc biệt có sự tham dự của ông bà Võ Đại Tôn, đến từ Úc châu, nhân chuyến đi thăm đồng bào tại Âu Châu trong tháng này.   Với dàn cờ vàng tung bay trước gió, các Biểu ngử dàn dọc dài theo cây cầu Jannowitzbrücke đối diện ĐSQ Trung cộng với các nội dung bằng tiếng Đức, Việt, Hoa: Trung quốc quốc cút khỏi VN; Trung quốc phải tôn trọng Chủ quyền lãnh thổ và Lãnh Hải, Độc lập của VN; HS - TS là của VN; Trung quốc phải tôn trọng luật biển của LHQ; Dàn khoan phải dời khỏi VN;... Truyền đơn cũng được phân phát đến người Đức qua lại. Có người Đức tìm đến BTC để hỏi lý do Biểu tình.... Sau nghi thức chào cờ, mặc niệm khai mạc, cụ Nguyễn đình Tâm đã nói lên mục đích của cuộc biểu tình và lên án hành động xâm lược của TQ cùng tội ác tay sai ban nước của tập đoàn lãnh đạo CSVN.  Phát biểu trước cuộc biểu tình, bằng Viêt ngữ và Anh ngữ ông Võ Đại Tôn hùng hồn lên án hành động xâm lấn của TQ. Ông khẳng định dân tộc VN sẽ cương quyết bảo vệ Biển đảo VN đến cùng và cực lực lên án hành đông bá quyền của Trung cộng tại biển Đông và tập đoàn  lãnh đạo CSVN. Bằng Đức ngữ, các ông Trần Văn Các và Phạm Công Hoàng đã nói lên bối cảnh của sự kiện xâm phạm chủ quyền VN của Trung cộng và kêu gọi tẩy chay hàng hóa của Trung quốc  cho đến khi nào Bắc Kinh chấm dứt hành động khiêu khích dân tộc VN. Phát biểu trước cuộc biểu tình còn có ông Nguyễn Đình Phúc, đại diện hội NVTNCS tại Hamburg và ông Nguyễn Duy Tân, một đồng bào tại Berlin cũng đã lên án bá quyền Trung cộng và lãnh đạo Việt cộng bán nước. Xen kẻ những phát biểu là những bản nhạc đấu tranh và những dòng thơ gợi lên lòng tự hào của dân tộc Việt Nam trước giặc Tàu phương Bắc. Ông Phạm Công Hoàng và ông Trần Văn Các, thay mặt đoàn biểu tình đại diện BTC đã đến trước cổng Sứ quán Trung cộng để trao kháng thư. Trước khi cuộc biểu tình chấm dứt, Ông Nguyễn Đình Tâm, đại diện BTC đã ghi nhận sự đóng góp vào việc chung, cụ thể là tham dự cuộc biểu tình, góp phần của những người con dân Việt vào việc chung khi đất nước đang trong cơn nguy biến.   Cuộc biểu tình chấm dứt lúc 14 giờ cùng ngày.   Hình ảnh quang cảnh cuộc biểu tình: Cụ Nguyễn Đình Tâm Ông Võ Đại Tôn Trao Kháng Thư  
......

TUYÊN BỐ CHUNG CỦA MỘT SỐ TỔ CHỨC XÃ HỘI DÂN SỰ VỀ CÁC CUỘC BIỂU TÌNH CỦA CÔNG NHÂN CHỐNG TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC

Trong những ngày vừa qua, hàng vạn công nhân trên cả nước đã tự tổ chức biểu tình chống việc nhà cầm quyền Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực quần đảo Hoàng Sa, xâm phạm chủ quyền của đất nước ta. Hành động dũng cảm đó thể hiện lòng yêu nước thiết tha tiềm tàng trong nhân dân ta nói chung và tầng lớp công nhân Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, do thiếu các công đoàn thật sự đại diện cho quyền lợi của công nhân, một số cuộc biểu tình không được tổ chức chặt chẽ đã bị kẻ gian lợi dụng, kích động; chúng gây ra những hành động cực đoan như đập phá nhà máy, thậm chí bạo động gây thương vong, gây rối loạn xã hội. Hiện tượng này làm bộc lộ hai khuyết điểm căn bản của xã hội Việt Nam hiện nay: 1) Các quyền tự do căn bản của người dân – như tự do tư tưởng và tôn giáo, tự do ngôn luận và báo chí, tự do hội họp và lập hội, tự do biểu tình,… đã không được thực thi. Đảng CSVN và Chính phủ tìm mọi cách để ngăn cản các cuộc biểu tình – kể cả biểu tình để thể hiện lòng yêu nước, chống lại âm mưu xâm lược của ngoại bang; nhưng đến khi cần đến tiếng nói của người dân thì lại có những hoạt động khiến ai cũng hoài nghi rằng một mặt ngầm cho phép, mặt khác lại tìm cách khống chế và lèo lái các cuộc biểu tình theo hướng ca ngợi đảng cầm quyền.   2) Lực lượng công nhân tại Việt Nam hiện nay chưa có cơ quan đại diện đủ uy tín và năng lực để bảo vệ cho quyền lợi của họ. Trong thực tế, hầu hết các cuộc đình công trong thời gian qua đều do công nhân tự phát đấu tranh. Quyền đình công chỉ là một thứ quyền mang tính “hình thức”, có trên giấy tờ chứ không có trong thực tế. Đời sống công nhân cơ cực, khi bị bóc lột không có ai lo toan, khi bị đàn áp cũng không có tổ chức nào đứng ra bảo vệ.   Nối tiếp lời kêu gọi do ông Huỳnh Tấn Mẫm khởi xướng ngày 14-5-2014 vừa qua, chúng tôi thiết tha kêu gọi toàn thể các anh chị em công nhân trong tất cả các nhà máy - dù thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp người Việt hay người ngoại quốc, hãy cùng nhau hợp lực để đưa cuộc đấu tranh yêu nước của các bạn đi đúng hướng, bảo đảm cho cuộc đấu tranh diễn tiến một cách ôn hòa, bất bạo động. Cần xác định hướng đi đúng đắn hiện nay là chống âm mưu xâm lược của Trung Hoa cộng sản, kết hợp với đòi các quyền lợi chính đáng cho công nhân. Về phương thức đấu tranh, để đạt được hiệu quả cao nhất, vừa phải đấu tranh kiên trì, có tổ chức, vừa phải đề phòng sự kích động từ bên ngoài, không để xảy ra các hành vi manh động hay bạo động nhằm tránh gây tổn thất cho xã hội hoặc gây thiệt hại cho chính quyền lợi của tầng lớp công nhân. Chúng tôi đề nghị các bạn công nhân hãy sát cánh cùng tất cả các giới, các tầng lớp khác trong cuộc đấu tranh chung nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia, giành lại các quyền tự do căn bản cho người dân. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ các bạn trong việc đòi hỏi Đảng CSVN và Chính phủ tạo điều kiện để thực thi quyền đình công cũng như quyền thành lập các công đoàn độc lập, nghĩa là các công đoàn do chính công nhân bầu ra, có đủ tư cách để đại diện cho quyền lợi của mình. Chúng tôi cũng đặc biệt ghi ơn sự hy sinh của những người đã chịu cảnh tù đày vì đã đấu tranh cho quyền lợi của công nhân. Hy vọng rằng trong một ngày không xa, những con người tiên phong đó sẽ được trả tự do vô điều kiện và được xã hội vinh danh một cách xứng đáng. Sự đoàn kết của lực lượng công nhân trong cả nước nhất định sẽ giành được thắng lợi. Chúng tôi nguyện sẽ liên đới, sát cánh cùng tất cả các bạn trong cuộc đấu tranh chính nghĩa đó. Dân tộc Việt Nam nhất định sẽ trường tồn! Tổ quốc Việt Nam nhất định sẽ đứng vững trước mọi phong ba bão táp!   Ngày 15 tháng 5 năm 2014   Diễn đàn Xã hội Dân sự Bauxite Việt Nam Nhóm Thân hữu Đà Lạt Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam Hội Anh em Dân chủ Hội đồng Liên tôn Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam Hiệp hội Đoàn kết Công nông Việt Nam Nguồn: bolapquechoa.blogspot.de
......

Giải pháp duy nhất cho đảng CSVN để bảo vệ chủ quyền quốc gia

Phần I: Chiến lược bành trướng của Trung Quốc   Trung Quốc có tiềm lực kinh tế, quân sự rất hùng hậu. GDP và chi phí quân sự đều đứng thứ hai trên thế giới. Nền kinh tế luôn đòi hỏi nguồn nguyên, nhiên liệu rất lớn cho sự phát triển. Bởi vậy, việc tìm kiếm các nguồn nguyên, nhiên liệu luôn được ưu tiên trong chính sách bành trướng của Trung Quốc. Chúng ta hãy cùng suy xét xem quốc gia nào trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương là mục tiêu bành trướng đầu tiên của Trung Quốc? Nhìn lên phía Bắc của Trung Quốc là một nước Nga hùng mạnh về quân sự và rất cứng rắn trong vấn đề chủ quyền quốc gia. Hải quân Nga không nhân nhượng mà đã nổ sung vào tàu cá của TQ khi xâm phạm lãnh hải của họ. TQ còn thua kém Nga rất nhiều về tiềm lực quân sự. Do vậy, TQ không thể bành trướng sang nước Nga. Nhìn sang phía Tây là các nước Trung Á, là vùng đệm chiến lược của Nga. Tiếp đó là Afganistan, quân Mỹ và Nato đang đóng quân ở đó. Tiếp đến Pakistan đang là đồng minh của TQ. Còn Ấn Độ là cường quốc kinh tế, quân sự, là đối thủ ngang sức của TQ. Tiếp theo là Miến Điện, đang là đồng minh, đối tác tốt của TQ. Nhưng tương lai, Miến Điện có thể là đồng minh của Mỹ và phương Tây. Phía Nam là Philippin và Việt Nam. Philippin có hiệp an ninh với Mỹ và là đồng minh lâu năm của Mỹ. TQ không thể tùy tiện mà bành trướng sang Philippin. Việt Nam có biển Đông với trữ lượng dầu khí, khoáng sản và thủy hải sản dồi dào. Kinh tế kém phát triển và phụ thuộc nhiều vào TQ về nguồn nguyên liệu. Chi phí quốc phòng chỉ bằng 1/30 của TQ. Lực lượng hải quân và không quân chỉ bằng 1/3 hạm đội Nam Hải của TQ. Việt Nam không có đồng minh để có thể giúp đỡ quân sự, chuyên gia quân sự, hậu cần, thông tin tình báo,… nếu sảy ra xung đột. Chính quyền và đảng CS cầm quyền thì tham nhũng, nhu nhược và không đoàn kết, đánh mất niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân. Bởi vậy, Việt Nam là mục tiêu yếu nhất và dễ nhất trong chiến lược bành trướng của TQ. Và thực tiễn đã, đang và sẽ chứng minh điều này. Chiến lược bành trướng của TQ đối với VN Hiện tại và tương lai, Trung Quốc không sử dụng quân sự để tấn công đánh chiếm các đảo của VN ở quần đảo Trường Sa trước. Mà TQ đang và sẽ tiếp tục sử dụng chiến thuật lấn chiếm từng bước vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN. Họ tiếp tục sử dụng lực lượng quân sự, bán quân sự, dân sự với số lượng áp đảo để tiếp tục duy trì và đặt các dàn khoan mới. Mỗi năm, họ có thể đặt từ 2-3 dàn khoan và từng bước lấn chiếm cho tới khi hết các vùng biển có tiềm năng dầu khí của VN.   Các giải pháp đối phó của VN: Việt Nam chỉ đưa các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư ra thực thi công vụ, thì chẳng khác gì con muỗi cắn vào mông con voi. Chỉ tự thiệt hại về kinh tế, tài sản, thương vong về người mà trong khi TQ vẫn tiếp tục lẫn chiếm. Việt Nam sử dụng quan hệ ngoại giao để kêu gọi và được cả thế giới ủng hộ, lên tiếng, thì đó cũng chỉ là những phát ngôn, tuyên bố chính trị, ngoại giao. TQ vẫn trơ mặt mà tiếp tục lấn chiếm. Lợi ích quốc gia về kinh tế, chính trị, an ninh của họ vẫn quan trọng hơn. Các nước khác dù ghét TQ nhưng vẫn là đối tác kinh tế của họ. Việt Nam kiện TQ ra các tòa án quốc tế và thắng kiện. VN cũng không đủ sức mạnh để dùng các phán quyết, bản án đã thắng đó để thi hành án, thực thi phán quyết với TQ. Thắng kiện nhưng không đòi lại được chủ quyền lãnh hải quốc gia. Cuối cùng là Việt Nam phải dùng giải pháp quân sự để bảo vệ chủ quyền lãnh hải quốc gia. VN  không có đồng minh và tiềm lực quân sự lại thua kém TQ. TQ sẽ mượn cớ VN dùng vũ lực giải quyết tranh chấp, TQ sẽ uy hiếp trên đất liền và dùng toàn bộ sức mạnh tiêu diệt lực lượng quân sự của VN trên biển, đánh chiếm toàn bộ quần đảo Trường Sa. Lúc đó, người VN muốn rửa chân ở biển cũng phải xin phép TQ. Việt Nam không thể một mình, đơn phương dùng giải pháp quân sự với TQ. Vậy, giải pháp nào để VN có thể bảo vệ được chủ quyền lãnh hải quốc gia của mình? Phần II: Giải pháp cho đảng CSVN để bảo vệ chủ quyền lãnh hải quốc gia.   Muốn bảo vệ được chủ quyền lãnh hải quốc gia, muốn phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế và trở thành một quốc gia hùng mạnh về kinh tế, quân sự. Việt Nam phải xây dựng được các mối quan hệ đồng minh chiến lược. Từ đó VN có đủ sức mạnh về quân sự cùng với sự giúp đỡ của các đồng minh thì mới có thể bảo vệ được chủ quyền quốc gia. Lựa chọn quốc gia để xây dựng mối quan hệ đồng minh: Có hai quốc gia mà VN có thể lựa chọn để xây dựng mối quan hệ đồng minh.   Thứ nhất là Nga, nhưng Nga đang sa lầy ở Ukraine, bị Mỹ và các nước phương Tây bao vây, cấm vận. Mâu thuẫn, tranh chấp giữa Nga với Mỹ và các nước phương Tây sẽ còn kéo dài. Bởi vậy, Nga rất cần TQ để buôn bán, làm ăn. Đồng thời, Nga cũng cần TQ trong các liên kết chính trị, kinh tế để đối phó với phương Tây. Do vậy, Nga không bao giờ muốn làm phật lòng TQ để xây dựng quan hệ đồng minh với VN chống TQ. Thực tế, từ khi TQ xâm lược VN trên biển Đông, Nga chưa lên tiếng để bênh vực cho VN. Thậm chí, Nga còn mong TQ và VN có mâu thuẫn, chiến tranh với nhau để Nga bán vũ khí và làm TQ suy yếu một phần. Chắc chắn, Nga sẽ không bao giờ đồng ý xây dựng mối quan hệ đồng minh với VN. Thứ hai là Mỹ, Mỹ luôn luôn muốn VN đứng về phía Mỹ, cùng chia sẻ mối quan tâm và lợi ích trên biển Đông. Nước Mỹ với tiềm lực kinh tế, quân sự hùng mạnh của họ, Mỹ hoàn toàn có đủ khả năng không chỉ giúp VN phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế. Mà còn bán vũ khí, viện trợ vũ khí, cung cấp thông tin tình báo, hỗ trợ hậu cần, huấn luyện,…. Giúp VN có đủ năng lực đối phó với TQ trên biển Đông. Khi VN đã xây dựng được quan hệ đồng minh với Mỹ, thì VN sẽ dễ dàng trong việc xây dựng  quan hệ đồng minh với Nhật, Hàn Quốc, Úc, Canada, các nước phương Tây và Nato. Từ đó VN sẽ nhanh chóng phát triển về kinh tế, tăng cường tiềm lực quốc phòng đủ sức bảo vệ chủ quyền quốc gia. Làm sao để xây dựng mối quan hệ đồng minh với Mỹ? Trở ngại lớn nhất và duy nhất là vấn đề nhân quyền và dân chủ. Nước Mỹ chỉ có thể xây dựng mối quan hệ đồng minh với một nước VN dân chủ và tôn trọng nhân quyền. Vậy muốn xây dựng được quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ để có thể bảo vệ được chủ quyền quốc gia và phát triển kinh tế đất nước. Đảng CSVN phải thả hết tù chính trị, cải thiện và tôn trọng các quyền con người. Công nhận và cho phép các tổ chức chính trị, đảng phái chính trị thành lập và hoạt động bình đẳng. Sửa đổi Hiến pháp, luật bầu cử và tiến hành bầu cử tự do, công bằng. Làm được điều này, đảng CSVN không chỉ xây dựng được quan hệ đồng minh chiến lược với Hoa Kỳ. Mà còn hòa hợp, hòa giải dân tộc và đoàn kết được tất cả người Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước trong việc xây dựng, phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc. Giải pháp duy nhất mà VN có thể bảo vệ được chủ quyền quốc gia đó là đảng CSVN phải cải thiện và tôn trọng nhân quyền, dân chủ hóa xã hội. Xây dựng các mối quan hệ đồng minh chiến lược với Hoa Kỳ và các cường quốc phương Tây. Hà Nội, ngày 14-5-2014 Ls Nguyễn Văn Đài Nguồn: RadioCTM
......

Ngày càng lộ bàn tay của nhà cầm quyền sau các vụ bạo động (1)

Đi giữa dòng bạo động (P.1) Thật oan cho hàng mấy trăm công nhân thật sự (chứ không phải công an đội lốt công nhân) đang bị bắt làm "dê tế thần". Lúc 10g sáng ngày 14/5, Tôi cùng 2 người bạn là Thiên Văn và Phạm Thy quyết định chạy xuống khu Gò Vấp, gần Lái Thiêu, khi nghe nghe tin các công ty ở khu Tân Thới Hiệp bắt đầu có đình công. E rằng sẽ có đập phá và bạo động, chúng tôi không dám mang theo nhiều máy móc, chủ yếu là mang theo sự liều lĩnh, để tìm hiểu vì sao lại có những chuyện đập phá và cướp bóc như trên các trang mạng xã hội mô tả. Lý do của chuyến đi này được thôi thúc từ đêm trước. Ngay khi chúng tôi nhận được những hình ảnh những chiếc thiết giáp tiến vào Sài Gòn, những đoàn xe biểu tình được dẫn đầu bởi một chiếc xe Matiz bí ẩn, được chuẩn bị hình cờ búa liềm và ngôi sao, làm náo loạn nhiều con đường. Trong đêm, nhà văn Nguyễn Đình Bổn nhắn tin “anh buồn quá, công nhân bị lợi dụng, rồi sẽ có người chết”. Nhà báo Mạnh Kim thì gọi, giọng lo lắng “tôi quá sốt ruột nên làm một vòng coi tình hình, có gì mình liên lạc nhau nhé”. Lúc đó, tôi cũng đang chạy trên các con đường dẫn đến tòa Tổng Lãnh Sự Trung Quốc. Thành phố im lặng, nhưng nặng nề trong lòng những người đang quan tâm đến thời sự đất nước. Trên đường đi đến Tân Thới Hiệp, chúng tôi được Huy Đoàn, một người bạn ở gần đó cho biết tình hình vắng lặng. Các công ty đã cho công nhân nghỉ việc và dán thông báo giới thiệu mình không là người Trung Quốc trong sự lo sợ. Chúng tôi quyết định đi ngõ ra Sóng Thần, Bình Dương, vì nghe nói có một đoàn biểu tình đang tụ tập ở đó. Gần giữa trưa, nắng tháng 5 gắt và khó chịu vô cùng, ai cũng tìm chỗ mát để né. Vậy mà chỉ đi được một đoạn, chúng tôi tìm thấy hàng loạt các xe gắn máy cầm cờ, trống…v.v gầm rú phía trước. Trong các nhóm ào ạt đi như vậy, có đủ nữ lẫn nam. Cứ thỉnh thoảng lại nghe tiếng hô “Việt Nam Muôn Năm”, “Đả đảo Trung Quốc”… như một cách làm hiệu để đoàn không bị lạc hướng. Dự đoán các nhóm này sẽ đi về khu công nghiệp ở Sóng Thần, Bình Dương, nên chúng tôi quyết định bám theo. Có vẻ như không có sự kiểm soát nào. Những đoạn đường mà mọi ngày, CSGT vẫn đứng khắp nơi, nay vắng lặng một cách khó hiểu. Cảm giác thật khó tả khi gia nhập vào đoàn người. Chúng tôi cảm nhận thấy một điều rất rõ, những nhóm xuống đường này đang kiểm soát thị trấn, kiểm soát thành phố mà không có bất kỳ sự ngăn chận nào. Duy chỉ có hoạt động hết sức thầm lặng và kiên trì của các nhóm dân sự xã hội ở vài nơi nhằm hạ nhiệt của các đoàn người đang lên cơn sốt. Ngay trong đoàn, chúng tôi nhìn thấy 2,3 chiếc xe với các bạn trẻ cứ chạy song song và dúi cho những người biểu tình các tờ photocopy. Tôi thúc Thy chạy vượt lên và xin một tờ. Nội dung trong đó ghi rằng “Lời kêu gọi khẩn cấp Kính gửi các bạn công nhân ở tỉnh Bình Dương và cả nước”. Với phông chữ khoảng 12pt, tràn trang giấy là lời kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh và kêu gọi đừng cướp phá, sẽ bất lợi cho Việt Nam. Dĩ nhiên, có những người đọc, có những người vứt sau lưng. Nỗ lực hạ nhiệt của những nhóm dân sự xã hội thật đáng khâm phục. Ngay trong khu Công nghiệp Sóng Thần, giữa những đám cháy và sự kích động điên cuồng của đám đông chạy đi chạy lại, gậy và cờ, hò hét, vẫn có một nhóm thanh niên im lặng dũng cảm đứng dựng băng-rôn lớn, trên đó có dòng chữ ghi “Hãy biểu tình đúng cách. Không đập phá tài sản. Không lấy tài sản”. Tim thắt lại, tôi nghĩ không biết vào những lúc đám đông ít tự chủ nhất, những lúc sự điên dại lên cao nhất, có khi nào họ trở thành những vật hy sinh hay không? Nắng càng gắt, dường như sự điên loạn càng dâng. Dọc con đường đi về của thị xã Thuận An, thuộc Bình Dương, thật không thể tin nổi vào mắt mình. Chúng tôi nhìn thấy hàng loạt các công ty bị đốt cháy, đập phá… quang cảnh không khác gì đã xảy ra một cuộc chiến. Gần như 100% công đã đóng cửa. Cho đến khi chúng tôi đến đây, đã là ngày thứ 3 của các cuộc bạo động, nhưng hầu như chạy suốt vài mươi cây số, tuyệt nhiên không hề thấy bóng công an, CSGT hay CSCĐ. Sự lo sợ xuất hiện ở nhiều nơi. Các ATM không hoạt động nữa, tiền rút đi. Nhiều ngân hàng tăng cường bảo vệ và được lệnh không giữ nhiều tiền mặt ở các chi nhánh có sự biến. Công ty Song Tain là một trong những nơi có quang cảnh thê lương nhất. Cả hệ thống nhà máy bị đốt rụi. Lửa tràn ra tận ngoài đường nhựa, làm chảy và cháy đen một đoạn lớn. Hàng rào bị lật ngửa. Khắp nơi đều có dấu đập phá và sổ sách bị quăng ra sân. Khói vẫn còn nghi ngút. Nơi này dường như bị đám đông tàn phá không phải một lần. Sự chà xát và đập, cướp khiến chủ công ty phải cầu cứu. Đến trưa ngày 14/5, một nhóm khoảng 6,7 CSCĐ được điều đến và ngồi gác trong bóng mát, sau bức tường công ty. Nhưng lúc này thì có vẻ như không còn gì để bảo vệ nữa. Một người dân ở đây cho biết có một vài công ty còn níu lại một ít tài sản như nhà kho, xe tải… thì cầu cứu CSCĐ đến bảo vệ phần còn lại, giữa hoang tàn. “Hình như là có trả tiền bảo vệ phụ ngoài giờ”, người dân này nói. Nhưng trên con đường mà chúng tôi chứng kiến hàng chục công ty bị đốt, phá, cướp… số những nơi có CSCĐ đứng giác chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng có vẻ gì đó nhẹ nhàng không căng thẳng lắm của người bảo vệ. Điều đó được xác định một lần nữa khi chúng tôi chạy đến một công ty Đài Loan khác, theo dấu một làn khói đen ngùn ngụt lên trời, có thể nhìn thấy rõ từ 2,3 cây số. Nơi này không còn rõ tên họ vì bảng hiệu đã bị đập. Chữ làm bằng ximăng và nhôm thì giờ chỉ còn là những mảnh vụn rải rác. Lửa vẫn còn cháy. Một tiểu đội CSCĐ có mặt nhưng đang ngồi nghỉ trong bóng mát, ăn cơm hộp. Không có dấu hiệu nào là xe chữa cháy sẽ đến. Một cô bán nước gần công ty cho biết lửa cháy từ cuộc bạo động lúc 5,6 giờ sáng cho đến giờ, không ai dập cả, toàn bộ ban giám đốc đã đi trốn. Điều lạ là giữa những người bàng quan, có một 1,2 nhân vật ăn mặc không là công nhân đứng gần đó, mặt rất khó chịu khi chúng tôi hỏi thăm và chụp hình. Thậm chí nếu chúng tôi không nhanh chóng rời khỏi nơi đó, có thể sẽ gặp rắc rối. Lúc này đã hơn 12g trưa, nhưng cái nóng của thời tiết vẫn không căng bằng cái nóng của thời sự. Các đoàn cầm cờ đỏ, gậy và khẩu hiệu vẫn ầm ầm đi qua, chạy về phía các công ty ở Khu công nghiệp Bình Dương. Dĩ nhiên, chúng tôi cũng không thấy công an. Vài chốt gác của dân phòng mà chúng tôi chạy qua đều bị đập nát, cũng không có ai trực ở đó nữa. Thành phố rộn rịp và hoang tàn. Đi thêm một đoạn nữa, chúng tôi bị lọt vào giữa một nhóm bạo động. Nhóm này có khoảng chừng 20, đến 30 người nòng cốt. Họ luôn chạy đầu, mang theo hung khí và hò hét để tập trung người. Các công ty mà chúng đi qua, gương mặt các nhân viên của công ty bảo vệ phái đến, rúm ró vì sợ hãi. Trước cánh cửa mọi công ty đều có treo băng-rôn: “Chúng tôi ủng hộ Việt Nam”, “Phản đối Trung Quốc”, “Tôi yêu Việt Nam”… Ai cũng biết, có thể đó là lời nói dối, nhưng lúc này, nói dối có thể cứu mạng và cứu tái sản của nhiều người. Tuy nhiên, cay đắng hơn là trước một vài cánh cổng đã bị lật đổ. Hàng rào bị phá… có cả băng-rôn “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh”, “Việt Nam Muôn Nam”… bị vứt chỏng trơ dưới đất. Lá bùa hộ mạng cuối cùng cũng đã không còn hiệu nghiệm ở một vài nơi. Ở một công ty khác hợp tác làm ăn với Đài Loan, chúng tôi chạy dọc theo đường vào công ty, thấy những tờ giấy “Hoàng Sa – Trường Sa – VN” được dán như một cứu cánh để biện minh cho sự tồn tại của mình. Một cảm giác thật khó tả. Trước đây không lâu, rất nhiều người cầm hay mặc áo có dòng chữ này đã bị bắt, đã bị tù… Nay thì khẩu hiệu đó đang là miễn tử kim bài cho khá nhiều công ty Trung Quốc hay Đài Loan. Tách đoàn hò hét, chúng tôi ghé vào công ty của Đài Loan. Bảng hiệu đã bị đập. Chỉ còn đọc được mơ hồ là Seui Yuang hay là gì đó. 3 viên bảo vệ gồm hai nữ, một nam ngồi thất thần trước công ty đổ nát. Thấy chúng tôi ghé vào, gương mặt của họ sợ hãi thấy rõ. Người bảo vệ nam, khoảng trên 50 tuổi bước ra, mặt rất căng thẳng, dù khi biết chúng tôi không phải là người biểu tình. “Bác à, những người đập phá này có phải là công nhân không?”, tôi hỏi. “Không, họ chưa bao giờ là công nhân, họ chuyên nghiệp”, bác bảo vệ già nói, giọng thảng thốt. “Bác thấy họ là dân ở đây hay ở nơi khác đến?”. Người bảo vệ mặt đanh lại như nửa muốn trả lời, nửa muốn im lặng. Tôi quay sang hỏi cô gái bảo vệ, khoảng trên 30 tuổi, “Sao mình không gọi công an đến giúp?”. “Không ăn thua gì, họ không đến hoặc đến lúc không còn cần nữa”, cô bảo vệ nói như gào lên, giọng có vẻ tức giận pha trộn sự sợ hãi. Tôi quay ra nhìn ngoài cửa thì thấy một đám đông bạo động đang ập đến. Nhóm dẫn đầu cũng khoảng 30 người, nhưng đằng sau sắp đến thì cả trăm hơn. Mặt cả 3 người bảo vệ biến sắc. Một trong hai cô bảo vệ nhấn số gọi công an, nhưng ít giây sau đó, thả máy xuống, thở nặng nhọc: đầu dây bên kia đột  ngột bị cắt ngang. Đám đông tràn vào sân. Tôi đứng nép vào phòng bảo vệ nhìn ra. Những thanh niên mày mặt rất lạ lùng, không thể là công nhân, trang bị gậy sắt, gậy gỗ và cờ tràn vào sân công ty như một đạo quân xâm lược. Tiếng chửi thề, hú hét, tiếng gầm máy xe…v.v biến sân công ty đang vắng lặng trở thành hỗn loạn. Ngay lập tức tức tiếng đổ vỡ vang lên. Ai đó sau lưng tôi ném một viên gạch lớn vào cửa kính tòa nhà. Linh tính như nhắc tôi nên vừa kịp né người qua, và nghe tiếng kính vỡ xoang xoảng. Tôi cầm máy chạy vào bên trong để ghi lại cảnh đập phá này. Cảnh tượng bên trong còn hãi hùng hơn. Tất cả mọi thứ bị đập nát. Kính vỡ và gãy đổ khắp mọi nơi. 2 thanh niên xông vào căn phòng trước đây có là nơi làm việc sổ sách và kéo liên tục các hộc tủ ra xem còn thứ gì có thể lấy được hay không. Cứ mỗi lần không tìm thấy, họ lại đập. Có một chi tiết tôi ngạc nhiên là chính những người cầm cờ đỏ ngoài kia, khi vào đến phòng này, khi thấy một lá cờ đỏ treo trên tường đã giật xuống. Họ là ai? Phòng tiếp tân của công ty thì cảnh đập phá diễn ra như một lễ hội. Khắp nơi vang tiếng đổ, bể. Trước mắt tôi là một thanh niên đội nón bảo hiểm, tay cầm gậy sắt, đập liên tục vào mọi thứ trước mắt. Suýt nữa thì anh ta đánh trúng một cô gái đang lom khom nhặt một bàn phím vi tính bị vứt dưới đất. Bất ngờ anh ta quay qua nhìn tôi và chiếc máy quay chằm chằm. Biết không xong, tôi vờ bước nhanh ra khỏi nơi đó. “Thằng này ở đâu ra vậy?”, tôi nghe tiếng anh ta hỏi một ai đó. Tôi bước nhanh hơn, phía trước cổng là đám đông đang hò hét, vung gậy và cờ. “Nói tụi ở ngoài chận nó lại”, tôi còn kịp nghe câu đó trước khi bước ra đến sân. Đoạn sân ra đến cổng chưa bao giờ dài đến vậy, mà tôi thì không thể chạy lúc này. Bất ngờ tôi thấy Thy và Văn bỏ xe chạy vào đón tôi. Tín hiệu từ bên trong đã được truyền ra, giờ đây hơn 70-80 người cầm hung khí đón tôi ở cửa với ánh mắt đầy sát khí khiến Thy và Văn phải nhảy vào kèm tôi ra. Nhưng dường như không kịp rồi. Một thanh niên tóc nhuộm vàng, mặt không thể là công nhân, nhìn mặt tôi, hỏi lớn bằng giọng Thanh Hóa “Này, này, chú kia!”. Lao nhao trong đám đông đó, tôi nghe thấy tiếng hô “Nó là Tàu, đập nó chết đi!”. Có tiếng hò reo sau lời hô đó. Tôi giữ mặt lạnh, quay sang người thanh niên tóc vàng, trả lời lớn, để mọi người có thể nghe thấy tôi nói tiếng Việt “Có chuyện gì không?” Dường như mọi thứ hơi chựng lại một chút. Một người khác có vẻ hung hăng hơn “Mày vào đây quay phim làm gì?”. “Để coi”, tôi đáp, chân bước nhanh ra ngoài, liếc mắt thấy mấy người bạn đã quay đầu xe, nổ máy. “Mày là nhà báo à?”. Lại nghe có tiếng nói “ĐM, nó giả dạng đó, đập nó!”. Tôi phải làm tỉnh, quay người lại, cười lớn “Tao mà nhà báo cứt gì!”. Thoáng thấy 3 người bảo vệ đứng đờ người nhìn tôi. Không biết là họ sợ cho tôi, hay sợ cho chính bản thân họ lúc này. Ngay sau đó, tôi leo lên xe Thy. Xe vọt đi. Đám đông nhìn theo, may mắn là những người đó chưa đủ say máu để đuổi theo. Trên đường đi, Văn nói bên ngoài lao nhao nói tôi là người Hoa (nhìn cũng có vẻ giống nhỉ) nên phải đập cho chết. Thật là may, tôi biết nói tiếng Việt. Khoảng 1 tiếng đồng hồ sau đó, tôi nghe tin từ khu công nghiệp Mỹ Xuân 2, gần Bà Rịa, cho biết một người Trung Quốc vừa bị đánh phải đi cấp cứu. Anh ta cũng không kịp giải thích mình là một ông chủ đầu tư hay là một du khách vì đám đông đã quá khích, không còn nghe. Tôi rùng mình và chợt nghĩ lại, nếu khi nãy, họ không còn nghe giải thích, có lẽ tôi cũng đang nằm trên một chiếc xe cấp cứu. (Phần 2 – Những nhân vật bí ẩn trong dòng người) ================================================== Những hình ảnh khác Công ty bị đốt, nhưng mọi thứ vẫn lặng lờ. Người áo xanh theo dõi và nhìn chúng tôi với ánh mắt rất khó chịu Những người đến đập phá có chủ đích rất chuyên nghiệp. “Họ không là công nhân”, các bảo vệ của công ty cho biết. Người thanh niên này đập phá mọi thứ, không cần lý do. Ít phút sau, anh ta suýt đánh trúng cả người phụ nữ gần đó. Một công ty bị nghi ngờ là của Trung Quốc đã bị đốt nhiều lần trong một ngày, bị đập phá và cướp đến tan hoang. Đám đông dẫn đầu bạo động chỉ vài mươi người, có chủ đích hẳn hoi. Họ luôn khích động và gào lên “Công ty Trung Quốc” để mọi người tràn vào đập phá mà họ muốn. Công ty nào cũng phải dán bùa. Kể cả khẩu hiệu nhạy cảm trước đây “HS-TS-VN” http://nhacsituankhanh.wordpress.com/2014/05/15/di-giua-dong-bao-dong-p-1/
......

Ngày càng lộ bàn tay của nhà cầm quyền sau các vụ bạo động (2)

Đi giữa dòng bạo động (P.2) Thật oan cho hàng mấy trăm công nhân thật sự (chứ không phải công an đội lốt công nhân) đang bị bắt làm "dê tế thần". Vì muốn để người đọc dễ tìm kiếm liền mạch, xin được giữ lại tựa cũ, chỉ đánh dấu là phần 2. Thật ra, tôi muốn đặt phần viết này cái tên “Những nhân vật bí ẩn trong dòng người” nhằm muốn nhấn mạnh thêm những điều lạ lùng mà chúng tôi chứng kiến, mà từ đó, chúng tôi tin rằng đó là những điều bất thường, không đơn giản là bạo động “tự phát”. Đám đông đang “ngắm nghía”, chuẩn bị tràn vào đập phá một công ty. Chạy khỏi đám đông hỗn loạn và hung dữ đó, cả 3 chúng tôi lạnh toát người, dù trời trưa nắng, nhiệt kế chỉ 37 độ C. Điều đầu tiên khi đã an toàn, tôi nhắc mọi người đi mua khẩu trang. Lúc này, đám đông xuất hiện ở các con đường đã nhiều hơn. Họ đang cần cái gì đó để giải tỏa, cần một cái gì đó để đập phá, thể hiện sức mạnh của mình. Vừa chạy vừa điểm lại các sự kiện, Văn nhắc tôi rằng phần lớn những người có vẻ như chỉ huy, hướng dẫn mọi người. đều chạy trên các xe có biển số 36 – số Thanh Hóa. Tôi sực nhớ đến một người bạn ở Bình Dương đã nhắn tin nói với tôi về các cuộc bạo động xảy ra, một cách buồn phiền rằng “người Bình Dương không tệ như vậy, phần lớn các người gây bạo loạn đều đi xe số ba mươi mấy”. Quả là như vậy thật. Những người chạy trên những chiếc xe có số như 36, đều trang bị kỹ lưỡng bằng ống sắt, xà beng, cờ trống… như một cách có tính toán trước. Chúng tôi quyết định đảo một vòng qua các chốt dân phòng, đồn công an để tìm hiểu tình hình. Trong khu vực có bạo loạn, hầu hết đều vắng lặng. Thậm chí các chốt gác dân phòng, chốt an ninh của khu công nghiệp đã bị đập phá tan hoang. Không còn ai trực ở đó nữa. Những người bạo động thành từng đoàn, chạy đi chạy lại như chốn không người. Sự sợ hãi của các nhân viên bảo vệ công ty đến cực độ. Khi chúng tôi ghé qua cửa một công ty để chụp lại các biểu ngữ tung hô Việt Nam như một lời van nài để yên cho họ, người bảo vệ từ phòng trực vốn đã bể hết kính cửa, vùng chạy hớt hải. Công ty này cũng đã bị đập phá trước đó. Chúng tôi lại quyết định nhập vào một đám đông khác, đang gầm gừ trước cửa công ty khác, tên liên doanh bằng nhôm đã bị đập, chỉ còn chữ Việt Nam. Rồi đột nhiên một giọng Trung Bắc, kiểu giọng Nghệ An hét lên “vào đập đi anh em”. Cả đoàn người bị kích động rú ga tràn vào sân công ty, ập đến mọi nơi. Tiếng thùng gõ rầm rập. Người bảo vệ im lặng, nép mình, lùi lại. Thậm chí anh ta không dám nhìn theo những người cầm đầu vì sợ mang vạ. Tôi bấm Thy, quyết định chạy theo một vài xe, có người la hét và hung hãn như là những chỉ huy. Họ chạy vòng quanh sân công ty, háo hức tìm những thứ có thể đập, có thể đốt. Không tìm thấy, họ đạp và đập luôn những chậu cây kiểng. Tôi giữ máy ghi hình liên tục những người này, nhất là khi họ hối thúc những người khác đang phân vân về việc có nên đập phá tiếp hay không. Cũng là điều không may, một người ngồi sau chiếc xe dẫn đầu bắt đầu chú ý chúng tôi. Người thanh niên đeo khẩu trang, lưng quấn một lá cờ đỏ, tay cầm một gậy sắt dài. Anh ta nhìn chằm chằm chúng tôi, thả gậy sắt xuống sân, kéo một đường dài tóe lửa như đe dọa. Thấy không ổn, Thy trở đầu xe, băng qua một lớp khói mù mịt do ai đó đập và xịt các bình cứu hỏa. Chiếc xe đó theo sau nhưng chựng lại một chút vì khói. Người cầm gậy sắt nhìn theo chúng tôi, sốt ruột đập gậy sắt liên tục và mạnh vào một thanh tay cầm-cầu thang bằng nhôm, có lẽ vì không theo kịp. Chúng tôi chạy vòng ra trước công ty. Đám đông đang tràn vào các văn phòng đập phá. Một người giọng Thanh Hóa, đứng trên yên chiếc xe số 36, hét vào cửa sổ cho đám đông phá, đập hiệu quả hơn. “Đồng hồ kìa, bảng viết bằng kính kìa, đập hết đi”. Anh này hét lớn, phụ họa ngay sau đó là những tiếng xổn xoảng vang lên khắp nơi. Qua những lần nhìn thấy, chúng tôi nhận ra rằng có những tốp người, rõ ràng chỉ có mục đích tàn phá để làm chứng tích. Còn có những người theo sau hôi của, đôi khi chỉ là những kẻ hám lợi và vô tổ chức mà thôi. Rất nhiều xe và container của các công ty đã bị lật, bị đốt chứ không bị hôi của. Hủy diệt là một mệnh lệnh rất rõ ràng, mà không phải người Việt bình thường nào đi theo đám đông cũng dám làm. Quay xe ra ngoài, Văn ngoắc tay chỉ cho tôi thấy: đám đông khi nãy đòi giết thằng “Tàu” cũng vừa ập vào. Thật là họa vô đơn chí. Hôm đó, tôi lại mặc một chiếc áo màu vàng, nổi hơn bình thường, rất dễ nhận ra. Toát mồ hôi lạnh, chúng tôi lủi thật nhanh ra cửa và phóng đi. May mắn là cơn say đập phá khiến họ không kịp nhìn thấy chúng tôi giữa đám đông đang hò hét. Lúc đó, đã gần 2 giờ chiều. Cả 3 quyết định tìm hiểu thêm tình hình ở các khu công nghiệp gần đó như Long Bình, Biên Hòa 2… xem có loạn như vậy không. Chúng tôi tiếp tục chạy lên Long Bình, vì biết có ở lại xem tiếp cũng không còn an toàn nữa. Gần vào cửa ngõ khu công nghiệp Long Bình, chúng tôi nhìn thấy dấu hiệu của những đợt bạo động sắp đến: đó là cờ và băng-rôn khẩu hiệu đang được bán giá rẻ ngay trên các con đường đi vào. Mỗi chiếc xe tấp vào, đi ra với lá cờ đỏ như dự báo điều không lành sắp đến. Tuy nhiên, nơi này an ninh có vẻ được kiểm soát tốt hơn, có lẽ do ít công ty của Đài Loan và Trung Quốc. Công an cũng thấp thoáng xuất hiện ở nơi này, tuy nhiên chủ yếu là trưng bày, để giữ yên một vài công ty chứ vẫn không thể nào kiểm soát hết được những làn người cầm cờ trống, ào ạt ra vào cửa khu công nghiệp. Tuy vậy khi chạy một vòng khu công nghiệp để xem thử, dấu hiệu của sự bất ổn của khu công nghiệp là các băng-rôn giới thiệu mình không phải của Trung Quốc đã xuất hiện, giăng khắp nơi. Có nơi đã bị đánh sập cửa, dù có băng-rôn “Việt Nam muôn năm”. Trừ một vài công ty của Nhật còn làm việc, còn lại dường như đã tạm ngưng hoạt động. Một đám đông cầm cờ chạy vụt về phía khu công nghiệp Biên Hòa 2. Chúng tôi lại đi theo. Con đường dẫn vào khu công nghiệp này đang vắng, vì chưa đến giờ tan ca 1, cũng như rất ít công ty còn làm việc. Nơi này cũng không an ninh. Phía ngược chiều bên đường, một chiếc xe chạy cầm cờ, người ngồi sau mang ống tuýp nước bằng sắt dài, nhìn rất đáng ngại. Xe này chạy ào ạt vào trong nội khu công nghiệp. Nếu là ngày thường, chắc chắn chiếc xe đó đã bị CSGT chận lại. Nhưng hôm nay thì khác, họ chạy như trên xa lộ tự do. Chúng tôi phát hiện một chiếc xe khác, có 2 người mặc áo bộ đội, cũng trang bị hung khí, chạy vòng vòng quanh khu công nghiệp. Khi theo dõi 2 người này, chúng tôi nhận ra bảng số xe của họ cũng không phải người Bình Dương. Phương thức của họ khá đơn giản: Cứ chạy vòng quanh, và hò hét khi gặp vài chiếc khác. Cứ như vậy đến vòng thứ 4, thứ 5, số lượng người của họ đã lên đến vài chục. Văn gọi đó là chiến thuật tuyết lăn – khi bắt đầu lăn thì nhỏ nhưng cứ quấn thêm tuyết và to dần theo đường dốc. Quả là như vậy, khoảng 20 phút sau, nhóm này đã có trên 100 người. Khi đã đủ đông, 2 người mặc áo bộ đội này dẫn đầu và giơ gậy hét, chỉ vào cửa các công ty “Công ty của Trung Quốc, vào đi”. Đám đông ồ lên và ào đến trước cửa. Tuy nhiên, khi khám phá đó chỉ là công ty của Thái Lan, 2 người này thất vọng và lại dẫn đầu, miễn cưỡng lên đường. Thy chở tôi và quyết định tách ra, chạy hơi vượt lên. Một trong hai người mặc áo bộ đội thấy chúng tôi tách đoàn, đã chỉ gậy vào chúng tôi, hét lên, giọng Thanh Hóa “đi hướng này”. Dần dần, chúng tôi nhận ra trong đám đông đó, có người rất tỉnh táo cho một mục đích, có người rất náo động thiếu suy nghĩ, chỉ ăn theo. Nhưng những người tỉnh táo đã kiểm soát tình hình. Vượt qua một con đường tắt, chúng tôi ra đến ngã tư trong khu công nghiệp Biên Hòa 2. Bên kia đường là 2 người công an địa phương, đeo dùi cui, mà cả giờ đồng hồ rong ruỗi chúng tôi hiếm hoi mới gặp được. Đậu xe bên cạnh chúng tôi là hai thanh niên, cũng vừa trờ tới. Trong tích tắc ấy, bất ngờ từ cuối đường, một đám đông hơn trăm người cầm cờ đỏ, hò hét xuất hiện. Chúng tôi nhìn qua bên đường, xem phản ứng của 2 anh công an. Một anh quay đầu xe lại chạy ào đi, một anh khác bất chấp là đèn đỏ, băng xe chạy vụt qua mặt chúng tôi. Có giọng của người thanh niên đậu xe bên cạnh, hỏi “Ơ, thế công an không chặn đám này lại à?”. Anh thanh niên có vẻ lớn tuổi hơn, mang kính râm, trả lời lạnh lùng “Chặn? chặn cái con C.” Thy cố nhịn cười mà không được, phì ra. Đám đông mà chúng tôi thấy tràn đến cổng một công ty Hàn Quốc. Nơi này, ban giám đốc như đã có chiến thuật đối phó, họ cho nhân viên khuân ra 5,6 thùng nước khoáng để mời, cỗ vũ. Đám đông lại hò hét, giơ chai chiến lợi phẩm và chạy đi. Tội nghiệp, sự cổ vũ giống như nín nhịn cho giật cô hồn vậy. Đám đông này cũng có người chỉ huy, và có những phụ tá. Người chỉ huy là một anh người Bắc, đội nón bộ đội và đeo kính đen. Những người trong nhóm của anh ta đều có chung hung khí là những dùi cui gỗ có hình dạng như điếu cày. Đến nơi nào cần xô cửa xông vào, họ hò hét và thúc mọi người tràn vào. Ở một công ty của Singapore, quản lý đứng trên thành cửa chắp 2 tay lạy, nói khẩn khoản “Nơi này không có Trung Quốc đâu”. Đáp lại lời van xin đó, anh này hô khẩu hiệu cho đám đông hô theo “Mở cửa hay lật ngửa – Mở cửa hay lật ngửa”. Cuối cùng thì cửa phải mở, đám đông tràn vào. Những người bí ẩn đó làm hết sức hết lòng với nhiệm vụ, là thúc và nhắc mọi người tiến vào. Lẫn trong đám đông, tôi thấy có vài nhân viên an ninh thường phục theo dõi. Họ nhìn, và gọi điện thoại. Nhiệm vụ của họ là gì, tôi không được rõ. Ở một đoàn khác, sau khi chạy vòng qua công ty Fujitsu của Nhật Bản, họ phát hiện thấy một công ty liên doanh, nghi ngờ là với Đài Loan. Bài bản và cách thức cũ lại xuất hiện, dù con người và nhóm hoàn toàn khác nhau. Trong khi hỏi có mở cửa không thì một người trong nhóm chỉ huy đã đem xà beng lại nạy cửa. Ban quản lý sợ hãi và cố gắng tránh mọi thiệt hại bằng cách vờ vui cười vỗ tay cổ vũ, sau đó mở cửa cho đám đông này vào khám xét. Một người đàn ông tóc bạc, có vẻ là có chức vụ của công ty đứng vỗ tay, nói lớn liên tục “vào xem tự nhiên, không có Trung Quốc đâu”. Nhân viên công ty xếp thành hai hàng, vỗ tay râm ran như đón đoàn nguyên thủ quốc gia. Trong đoàn biểu tình này, có một người đàn ông bí ẩn, mặc áo công nhân, nhưng dáng vẻ rất thủ lãnh, phất tay liên tục, hét cho đám đông tiến vào. Cảm giác cay đắng lẫn lộn trong tôi khi nhìn thấy gương mặt cổ vũ, cười nhưng méo xệch của người quản lý. Hóa ra trong thời đại của chúng ta, khi nghe con người vỗ tay, không có nghĩa là đón chào hay cùng suy nghĩ nhé. Tại sao có những người chỉ huy bí ẩn trong đám đông, và họ có những phụ tá của mình phối hợp rất ăn ý? Hầu hết những đoàn biểu tình đó, tôi luôn nhìn thấy thấp thoáng những an ninh thường phục, họ đã ghi nhận được điều gì? Một người an ninh khi đứng nhìn đám đông, thấy tôi quay hình đã quay mặt đi để tránh. Rõ ràng chính quyền đã không hoàn toàn thả lỏng, mà họ đã có cách kiểm soát theo một chiến thuật nào đó. Ngay cả việc vắng bóng các công an, CSCĐ, đó là một chiến thuật hay quyết bỏ lỏng? Công an Bình Dương sau cuộc bạo động 2 ngày, cho biết đã bắt giữ hơn 150 người, khi đám đông tiến công vào các căn nhà của Ủy ban, khi cao trào đập phá đang lên. Và nếu như vậy, đã có những chiến thuật và những phòng bị được tính toán trước? Mọi câu hỏi chưa thể trả lời được lúc này. Điều cần nhất mà chúng ta cần là để lòng yêu nước không biến thành bạo động, người yêu nước không bị chụp mũ là những kẻ kích động. Lòng yêu nước cần hợp nhất để chống lại giặc thù, chống luôn cả những kẻ tôn thờ sức mạnh Trung Quốc. Trong khả năng của mình, tôi cùng những người bạn của mình chỉ có thể giới thiệu những nghi vấn, cho mọi người tham khảo. Sự thật và lòng yêu tự do cho đất nước này sẽ giải thoát chúng ta. Rã rời sau một ngày chạy gần trăm cây số với những điều nghẹt thở, tôi lại ngồi xuống và viết như cho một cuộc chiến – của mình và bạn bè, anh chị quanh tôi, vốn vẫn đang miệt mài từ nhiều năm tháng: Những cuộc chiến đi tìm sự thật! Hai người mặc áo bộ đội này, chỉ huy và luôn hô hào chỉ điểm “công ty Trung Quốc”. Người mặc áo xanh này, cũng là một nhân vật bí ẩn, hô hào vào thôi thúc người ta tiến vào vây các công ty “Mở cửa hay lật ngửa?” … và lật ngửa sau khi mở cửa! Người mặc áo xanh công nhân, ra lệnh với vẻ oai vệ cho các “phụ tá” tiến vào Khí các “phụ tá” chậm chạp chưa thúc được người bên ngoài tràn vào, mặt anh ta bộc lộ sự tức giận Tiến chiếm một công ty khác, chú ý những gậy gỗ trắng cùng loại được trang bị của các “phụ tá”. Thủ lĩnh bí ẩn của một nhóm khác (nón bộ đội, kính râm) đang phất tay, kêu gọi tiến vào Thấy bên dưới còn do dự, anh ta chạy xuống thúc hối, quát tháo kêu gọi mọi người tiến vào công ty Một công ty cháy, nhưng không thấy bóng xe cứu hỏa ở đâu Trong các bảng giới thiệu mình “yêu VN” để tránh bị đập phá, có cả làm thơ Lời kêu gọi biểu tình ôn hòa xuất hiện lẻ loi Đám đông tiến vào và đập phá một công ty Mục tiêu chính là đập phá chứ không cần lấy đồ, hôi của Cho dù có hô khẩu hiệu ủng hộ, công ty cũng bị đốt, bị đập phá tan tành Nguồn: http://nhacsituankhanh.wordpress.com/2014/05/16/di-giua-dong-bao-dong-p-2/
......

Nga sẽ ngưng hỗ trợ Trạm Không gian để đáp lại chế tài của Mỹ

Moscow cho hay Nga sẽ rút các hỗ trợ cho Trạm không gian Quốc tế trước cuối thập kỷ này, để đáp lại các chế tài của Hoa Kỳ đối với Moscow về việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin lắng nghe video trực tiếp với Trạm Không gian Quốc tế từ Siberia. Phó Thủ tướng Dmitri Rogozin đưa ra loan báo này hôm thứ Ba. Ông nói Điện Kremlin cũng sẽ cấm Hoa Kỳ hoạt động hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu GPS tại các địa điểm trên lãnh thổ của Nga bắt đầu vào tháng 6. Thêm vào đó, ông Rogozin nói rằng Moscow sẽ cấm Washington sử dụng các động cơ hỏa tiễn do Nga sản xuất để phóng vệ tinh quân sự.   Các biện pháp trừng phạt mới nhất của Nga đưa ra vào lúc Hoa Kỳ xúc tiến kế hoạch không cấp phép xuất khẩu cho các thiết bị kỹ thuật cao có thể giúp ích cho quân đội của Nga. Trong một từ chối yêu cầu của phía Hoa Kỳ được gia hạn sử dụng trạm không gian đến năm 2024, Phó Thủ tướng Rogozin gọi Washington là “một đối tác không đáng tin tưởng…họ chính trị hóa tất cả mọi thứ.” Phi thuyền Soyuz của Nga đã đảm nhận việc chuyên chở tất cả các phi hành gia đến trạm không gian và về lại trái đất kể từ năm 2011, khi Hoa Kỳ kết thúc dự án phi thuyền con thoi. Hôm thứ Ba, Moscow cũng lập lại yêu cầu chính phủ Kiev đến ngày 2 tháng 6 phải trả trước gần 1,7 tỉ đôla tiền khí đốt mà Nga sẽ cung cấp cho Ukraine vào tháng tới. Yêu cầu phải thanh toán tiền mua khí đốt trước lần đầu tiên được đưa ra hồi tuần trước, khi Moscow nói rằng Ukraine không thanh toán đúng hạn chót khoản nợ 3,5 tỉ đôla tiền năng lượng. Nguồn: voatiengviet.com
......

Trung Quốc đã thắng trên Biển Ðông

Trên các diễn đàn mạng, trước sự hoài nghi của nhiều người đối với khả năng ứng phó của Việt Nam về vụ Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào khu vực thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, các dư luận viên của Hà Nội đều đưa ra luận điệu giống nhau: Đừng coi thường Việt Nam! Việt Nam đã có sẵn kế sách đối phó với Trung Quốc. Việt Nam sẽ ra tay ở một thời điểm thích hợp nào đó. Và chắc chắn họ sẽ thắng. Thật ra, một chiến thắng về quân sự trên mặt trận trên biển của Việt Nam đối với Trung Quốc, với giới quan sát quốc tế, là một không tưởng. Nhiều người lập luận: Về quân sự, Việt Nam đứng vào hàng thứ mười mấy trên thế giới. Thì đành vậy. Có điều, khi nói như thế, người ta quên nhìn vào Trung Quốc: Bây giờ họ chỉ thua Mỹ. Khoảng cách giữa Việt Nam và Trung Quốc, do đó, vẫn còn rất xa.   Hơn nữa, ở khía cạnh này, sức mạnh chủ yếu của Việt Nam là ở con người, một yếu tố chỉ phát huy hết tiềm lực của nó trong cái gọi là chiến tranh nhân dân. Nhưng không ai có thể sử dụng chiến tranh nhân dân trên biển được. Đưa cả hàng chục ngàn chiếc tàu đánh cá ra khơi để tham gia vào trận chiến chỉ là một cách tự tử tập thể. Trên biển, chỉ có một yếu tố quan trọng: vũ khí; trong vũ khí, chỉ có hai đặc điểm đáng kể: số lượng và trình độ kỹ thuật. Ở cả hai, Việt Nam đều thua Trung Quốc rất xa. Sự thua kém này có thể bù đắp được với một điều kiện: Việt Nam có thêm nhiều đồng minh giúp đỡ. Nhưng chuyện đồng minh, những nước có thể tham gia chia lửa với Việt Nam trong cuộc đối đầu với Trung Quốc hiện nay, gần như là một con số không to tướng. Trước mắt, trong hơn hai tuần hục hặc, chủ yếu chỉ lấy vòi rồng xịt nước vào nhau, chứ chưa có tiếng súng nào nhắm vào nhau nổ cả, người ta có thể đánh giá: Trung Quốc đã thắng. Thắng đến cả mấy bàn. Tuy nhiên, trước khi nói đến chuyện thắng hay thua, chúng ta cần phải căn cứ vào mục tiêu của Trung Quốc trong việc gây hấn ấy. Thắng, khi người ta đạt được mục tiêu; và thua, khi người ta không đạt được tất cả hoặc phần lớn các mục tiêu ấy. Vậy, mục tiêu của Trung Quốc trong việc đưa giàn khoan đến khu vực Biển Đông là gì? Hầu như mọi người đều đồng ý với nhau, có hai mục tiêu chính: kinh tế và chính trị. Kinh tế chỉ là phụ: Một là, đây chỉ là giai đoạn thăm dò chứ không phải khai thác; hai là, theo sự đánh giá của các chuyên gia quốc tế, triển vọng khai thác được dầu khí ở khu vực này (lô 143) khá thấp. Chính trị mới là mục tiêu quan trọng hàng đầu. Tầm quan trọng ấy nằm ở hai điểm: Một, nó là một bước mới trong cả tiến trình cưỡng đoạt Biển Đông từ Việt Nam; và hai, nó nhằm trắc nghiệm phản ứng của ba đối tượng chính: Việt Nam, khối ASEAN và Mỹ. Có thể nói, một cách tóm tắt và rõ ràng, ở cả ba cuộc trắc nghiệm ấy, Trung Quốc đều thành công. Thứ nhất, về phía Việt Nam, cho đến nay, họ vẫn sử dụng một sách lược mà Trung Quốc cũng như cả thế giới đã biết rõ từ lâu: cứng rắn nhưng tự kiềm chế đến tối đa. Dù Trung Quốc ngang ngược đến mấy, Việt Nam cũng vẫn muốn giải quyết tranh chấp bằng hoà bình, nghĩa là luôn luôn cố gắng tránh việc sử dụng bạo lực để có thể làm bùng nổ một cuộc chiến tranh mà họ nắm chắc phần thua. Sự tránh né ấy khiến cái gọi là “cứng rắn” chỉ còn là một động thái mang tính chất tu từ học. Nói cách khác, người ta tin là Việt Nam sẽ tiếp tục kéo dài cuộc chiến tranh tu từ (rhetoric war) ấy cho đến khi Trung Quốc chấm dứt cuộc thăm dò vào tháng tám tới. Khi Trung Quốc rút giàn khoan HD-981 về sau khi đã hoàn tất nhiệm vụ, họ sẽ tuyên bố với nhân dân trong nước: Họ đã “chiến thắng”! Thứ hai, về phía ASEAN, chiến thắng của Trung Quốc càng dễ thấy. Trong cuộc Hội nghị cao cấp của khối vào ngày 11 tháng 5 tại Miến Điện, Nguyễn Tấn Dũng đã đọc một bài diễn văn khá mạnh mẽ, trong đó, lần đầu tiên ông gọi đích danh Trung Quốc, kẻ đang hung hăng đe doạ hoà bình trong khu vực và ông cũng kêu gọi các nước trong Khối cùng nhau bày tỏ sự phản đối đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, kết quả là gì? Trong thông báo chung cuối hội nghị, người ta chỉ đồng ý với nhau ở lời kêu gọi chung chung và đầy khuôn sáo: “Hai bên Trung Quốc và Việt Nam nên kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định của khu vực; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.” Coi như huề. Họ không phê phán Trung Quốc. Họ cũng không hề bày tỏ là sẽ đứng vào phe nào nếu cuộc xung đột nổ lớn. Thái độ này, thật ra, cũng chả có gì khó hiểu. Có hai lý do chính. Một là, giữa Việt Nam và một số nước khác trong khối cũng đang tranh chấp với nhau về một số hòn đảo, và vì những tranh chấp ấy, cho đến nay, hầu như họ vẫn từ chối hợp tác với nhau trong cuộc đương đầu với Trung Quốc. Hai là, không kể một số nước đã bị Trung Quốc mua chuộc (trong đó có nước láng giềng và xưa nay vốn bị xem là đàn em thân tín của Việt Nam: Campuchia), tất cả các nước đều lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, bởi vậy không ai thấy có lợi gì trong việc liên kết với Việt Nam để chống lại Trung Quốc cả. Nếu có một số nước muốn làm điều đó, thì các nước còn lại sẽ tìm cách phá đám để cuối cùng không đi đến một thông báo chung, như điều đã xảy ra trong cuộc hội nghị tại Campuchia năm ngoái. Thứ ba, về phía Mỹ, cho đến nay, đó là nước lên án Trung Quốc một cách mạnh mẽ nhất với việc cho hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là “khiêu khích”. Tuy nhiên, chắc chắn là Mỹ sẽ không đi xa hơn việc phê phán gay gắt ấy. Có nhiều lý do. Một là, do những khủng hoảng kinh tế và những khó khăn ở Afghanistan cũng như do tâm lý mệt mỏi của quần chúng Mỹ, chính phủ Mỹ không hề sẵn sàng để dấn thân vào bất cứ một cuộc tranh chấp nào khác nữa. Hai là, một trong những nguyên tắc căn bản làm nên chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Obama là “lãnh đạo từ đằng sau” (lead from behind), mà điển hình là việc tham gia vào cuộc lật đổ Muammar Gaddafi ở Libya vào năm 2011. Theo nguyên tắc này, có thể nói Mỹ chỉ có thể giúp đỡ Việt Nam trong cuộc đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông với hai điều kiện: Việt Nam phải quyết tâm chống lại Trung Quốc trước và phải có một số đồng minh khác sẵn sàng nhảy vào góp sức với Việt Nam. Ngoài ra, còn có thêm yếu tố này nữa: Mỹ chỉ có thể tham dự nếu họ tin cậy Việt Nam. Không có sự tin cậy ấy, không thể có quan hệ hợp tác chiến lược để tiến hành chiến tranh. Kinh nghiệm ở Syria chứng minh điều đó: Mấy năm qua, các cuộc xung đột ở đó đã giết chết cả trăm ngàn thường dân vô tội và làm cho cả triệu người phải chạy sang các nước láng giềng để tị nạn, Mỹ vẫn án binh bất động. Lý do, ai cũng biết: Mỹ, dù rất ghét nhà độc tài Bashar al-Assad, nhưng vẫn nghi ngờ các thành phần đối kháng, trong đó, có những nhóm vốn bị xem là bài Mỹ và khủng bố. Dưới mắt Mỹ, giới lãnh đạo Việt Nam không phải là khủng bố, nhưng lại là những kẻ bài Mỹ. Không ai đem xương máu dân chúng nước họ để hy sinh cho những kẻ cứ ra rả chửi mình! Nếu cả ba cuộc trắc nghiệm trên của Trung Quốc đều thành công, chả có gì quá đáng nếu chúng ta nói: cho đến nay, ở thời điểm này lúc chưa có bên nào nổ súng cả, Trung Quốc đã thắng Việt Nam trong cả ba ván. Với ba chiến thắng ấy, Trung Quốc không cần đánh Việt Nam, họ cũng thắng ở trận cuối cùng: Làm cho mọi người mặc nhiên thừa nhận là Trung Quốc có toàn quyền trên Biển Đông. Khi việc thăm dò chấm dứt, họ có thể mang giàn khoan HD-981 về nước và sau đó, khi cần, họ có thể ung dung trở lại. Chiến tranh, nếu có, cũng chỉ là những trận đánh võ mồm, chủ yếu để lừa dân trong nước. Chưa bao giờ tôi viết bài nào mà lại có tâm trạng đau đớn và tức tối như lúc viết bài này. Nhưng chúng ta chỉ có thể hy vọng thay đổi tình hình nếu chúng ta can đảm nhìn vào sự thật. Cả việc bị lừa dối hay tự lừa dối đều chỉ làm tăng thêm và/hoặc kéo dài thảm kịch.  
......

Ngu xuẩn nào hơn?

Đây là lúc Việt Nam cần một chính phủ thông minh, đảm bảo được sự vững bền các giá trị quốc gia chứ không chỉ làm thỏa mãn các đòi hỏi tức thời của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Công cuộc đòi lại chủ quyền trên Biển là bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa chứ không chỉ có phần biển Trung Quốc vừa đặt giàn khoan. Công cuộc đó không chỉ giải quyết bằng tuần mà có khi phải bằng thế kỷ.   Hà Nội đã có cơ hội để nhận ra sai lầm khi giữ các tranh chấp này trong mối quan hệ song phương suốt hai thập niên qua. Nay phải bắt đầu lại bằng từng bước đi, trước hết là khẳng định chủ quyền về pháp lý trước cộng đồng quốc tế. Thay vì chỉ dựa vào một định chế dễ chia rẽ như ASEAN, Hà Nội cần có những nỗ lực ngoại giao ngay để thiết lập một định chế mới giữa ba quốc gia có nhiều quyền lợi liên quan trên Biển Đông: Việt Nam, Philippine và Malaysia.   Thật là ngu xuẩn khi coi Trung Quốc là "đồng chí tốt, láng giềng tốt". Nhưng còn ngu xuẩn hơn khi nghĩ là có thể dựa vào ai đó để tuyệt giao với Bắc Kinh. Thật là sai lầm khi để chiến tranh, cho dù cục bộ, xảy ra. Sự kiện Bình Dương hôm nay cho thấy Bắc Kinh có khả năng khai thác các mâu thuẫn làm nảy sinh cả loạn lạc bên trong (tôi chưa có chứng cứ để khẳng định công nhân bạo động hôm nay có bàn tay Bắc Kinh). Tàu Việt Nam chỉ nên tiến gần giàn khoan HD 981 khi có sự chứng kiến của "đệ tam nhân". Về khả năng "gắp lửa bỏ tay người" người Việt không bao giờ có thể sánh với người Trung Quốc. Đừng để họ nổ súng trước và chúng ta bị coi là hiếu chiến. Nguồn: https://www.facebook.com/Osinhuyduc?fref=ts
......

Lại một màn "phản đối Tàu" khó hiểu

Báo chí của đảng CSVN vừa đồng loạt loan tin: "Ngày 12-5, lãnh đạo Sở Ngoại vụ TP/HCM đã mời đại diện Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP/HCM đến để phản đối về việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) và một lượng lớn tàu bảo vệ vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông." Một kiểu mitting quốc doanh phản đối giàn khoanTrung quốc tại Tp. HCM trước cuộc biểu tình của quần chúng nhân dân 11-5 Tại sao nhà cầm quyền lại cứ phải coi dân như những người rỗng óc hoàn toàn thế nhỉ? Đối với loại việc nghiêm trọng như xâm phạm hay tranh chấp lãnh thổ giữa 2 nước và theo đúng thủ tục ngoại giao thì chỉ có Bộ Ngoại Giao nước này triệu tập đại sứ của nước kia đến để phản đối chính thức mà thôi. Nếu Bộ Ngoại Giao CSVN không dám làm điều đó với đại sứ Tàu ngay tại Hà Nội thì không bao giờ có chuyện một cấp nhỏ hơn là một sở ngoại vụ thành phố mời lãnh sự nước khác đến để nói chuyện biên giới.   Nhiệm vụ chính yếu của sở ngoại vụ tại cấp thành phố là liên lạc với các lãnh sự quán khi có người của nước đó đang bị công an bắt giữ hay mới bị tai nạn trầm trọng. Chấm hết. Do đó, có thể nói chắc rằng: -         Cái cậu ở sở ngoại vụ TP/HCM còn lâu mới dám "mời" lãnh sự Tàu đến để nói chuyện giàn khoan. Loại sáng kiến tự phát đó, nếu có, sẽ cho cậu về trồng rau kiếm sống ngay. -         Và cậu lãnh sự Tàu tại TP/HCM cũng còn lâu mới đến sở ngoại vụ để nói chuyện giàn khoan. Nó mà đến cho mục đích đó thì cũng mất chức liền. Xin nhớ là đến bác TBT Nguyễn Phú Trọng muốn thưa chuyện với ngài Tập Cận Bình về giàn khoan mà nó còn không thèm nhấc phôn nữa kìa. Cậu lãnh sự Tàu dám qua mặt Tập hoàng đế không? Và qua mặt cả hoàng đế lẫn đại sứ Tàu để nó được cái giải gì? Hóa ra đây cũng lại là một trong những trò lủn mủn, len lén, vừa đủ để bịp người Việt mà vẫn đủ xa thủ đô Hà Nội để không đến tai Bắc Kinh kẻo các ngài bên ấy lại bực mình.   Tại sao lãnh đạo đảng và nhà nước không dồn tâm trí đối phó thật với Tàu mà cứ lo dàn dựng những trò "biểu tình mềm mại", ngoại trưởng gọi điện thoại cho Tàu không cắm dây, rồi lại sở ngoại vụ xử lý chuyện biên giới, ... thế này nhỉ?
......

Nơi nào có quốc doanh, nơi đó có phá hoại.

Trong danh sách quốc doanh vừa được bổ xung thêm một loại nữa: biểu tình quốc doanh. Có người bảo, quốc doanh thì quốc doanh, miễn có lợi cho quốc gia dân tộc tố cáo dã tâm xâm lăng của Trung Quốc ra trước thế giới là được rồi. Bình Minh đã bắt nhịp để mọi người hát ...(11 tháng 5, 2014) Trước khi cuộc biểu tình nổ ra mình cũng nghĩ vậy nhưng tới sáng Chúa Nhật 11 tháng 5 thì mới vỡ lẽ ra, đã quốc doanh thì làm gì cũng thất bại, kể cả việc dễ nhất là biểu tình chống Trung Quốc. 7 giờ 30 lượn xe một vòng qua các khu vực được thông báo là sẽ tập trung biểu tình mà chỗ đẹp nhất, được du khách ngoại quốc chú ý nhất là Nhà hát lớn thành phố. Dựng xe chỉ thấy vài người tập thể dục chạy bộ ngang, vài người bán hàng rong cũng như các anh CSGT vẫn đứng ngay góc đường như mọi khi. Không có gì hứa hẹn một đám đông sẽ tập trung nơi đây. Trên cao dưới cái vòm của Nhà hát thành phố một tấm băng rôn có hàng chữ "Chương trình biểu diễn nghệ thuật cuối tuần" như đe dọa bất cứ sự tập trung nào. Một người quen chạy ngang cho biết mấy anh trong nhóm 54 đang tới, một số uống cà phê phía sau nhà hát. Mình yên tâm, tò mò tiến gần bậc thểm nhà hát, trên đó một dàn nhạc đã đễ sẵn. Hỡi ơi, lại nhảy đầm hay sao nữa đây? Lo lắng thêm chút thất vọng, được biết chính xác ngày hôm qua thành phố đã cho phép rồi mà, không lẽ vừa cho vừa chặn?     Không một tiếng đả đảo TQ. Không một từ ngữ mạnh mẽ nào được thốt ra. Đã vậy lâu lâu kèm theo khẩu hiệu mà cả nước đã nghe đến mòn tai ca tụng HCM, ca tụng đảng, ca tụng hòa bình do những cái loa đảng mang ra trình diễn và thanh niên ngồi đứng chung quanh xúm xít hô theo Hơn 8 giờ một nhóm thanh niên xếp hàng kéo tới vừa đi vừa cười nói ồn ào. Rồi những biểu ngữ màu xanh da trời hoành tràng được căng ra. Các vị trong nhóm kêu gọi biểu tình lần lượt có mặt. Micro mở lên, ông Huỷnh Tấn Mẫm chưa kịp nói đã nghe tiếng nhạc ầm ầm. Ông Mẫn bị chiếm micro phải dùng loa cầm tay phát biểu. Sau một hồi giằng co ban nhạc rút lui nhường đất lại cho người khác phát biểu. Đại diện thành đoàn, quan chức chính phủ đua nhau lên nói, có cả nhà sư cũng thừa lệnh leo lên tụng được mấy lời. Ông này nói chưa xong ông khác tiếp lên như một buổi ca nhạc ngoài trời. Nhưng thay vì nhạc, những bài phát biểu dài lê thê vô vị và rất quốc doanh, nghĩa là có thể tìm thấy trong bất cứ một đại hội, hội nghị, hay buổi họp phường, tổ dân phố nào. Không một tiếng đả đảo Trung Quốc. Không một từ ngữ mạnh mẽ nào được thốt ra. Đã vậy lâu lâu kèm theo khẩu hiệu mà cả nước đã nghe đến mòn tai ca tụng Hồ Chí Minh, ca tụng đảng, ca tụng hòa bình do những cái loa đảng mang ra trình diễn và thanh niên ngồi đứng chung quanh xúm xít hô theo. Như những cái máy, những thiếu nữ trẻ trung cầm biểu ngữ ca tụng Bác cuời vô tư còn tạo dáng cho người khác chụp ảnh khiến mình lạnh người mặc dù trời Sài Gòn rất nóng. Rồi họ hát.     Rồi cả một tập thể ấy nghiêng ngã đưa cao tay theo bài hát. Hết ca tụng bác Hồ tới ca tụng súc vật. Khi lời hát một con vịt xòe ra hai cái cánh…thì nhiều người chịu không nỗi phải bỏ đi kiếm đường sang nhà Văn hóa Thanh niên. Mùi xú uế của cái tập thể thanh niên làm theo lời bác ấy quyện vào tâm trí như một vết nhơ của thành phố này Một tập thể quốc doanh đi biểu tình chống Trung Quốc được một khuôn mặt trẻ trong giới showbiz là Bình Minh đứng chính giữa choàng lá cờ đỏ trên người dẫn nhịp để hát. Họ hát gì? Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Ôi vui gì, thắng gì với ai nữa mà cất lên tiếng hát nghe đầy phản trắc như vậy? Phản phúc với những chiến sĩ cảnh sát biển đang bị chúng vây hãm hành hạ bằng súng nước ngoài kia. Vui gì khi số phận của dân tộc như chỉ mành treo chuông. Vui gì khi cả nước sùng sục nỗi nhục nhã vì thân phận nhược tiểu.   MC Bình Minh xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc Rồi cả một tập thể ấy nghiêng ngã đưa cao tay theo bài hát. Hết ca tụng bác Hồ tới ca tụng súc vật. Khi lời hát một con vịt xòe ra hai cái cánh… thì nhiều người chịu không nỗi phải bỏ đi kiếm đường sang nhà Văn hóa Thanh niên. Mùi xú uế của cái tập thể thanh niên làm theo lời bác ấy quyện vào tâm trí như một vết nhơ của thành phố này, nơi Bác từng ra đi tìm đường cứu nước. Ngày nay Bác không còn nữa để tiếp tục cứu nước lần thứ hai cho chúng nhưng đám hậu duệ vẫn không để yên, kéo bác cùng với mấy con vịt ra hù dọa bọn xâm lược. Tới nhà Văn hóa Thanh niên hòa theo đoàn biểu tình thì đến phiên các biểu ngữ quốc doanh làm cho nhiều người chóng mặt, buồn nôn. Nào là Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm rồi Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta, hay Đoàn kết dân tộc là sức mạnh Việt Nam rồi Sinh viên Việt Nam yêu chuộng hòa bình, sinh viên Việt Nam đề nghị TQ rút giàn khoan….     Các biểu ngữ quốc doanh làm cho nhiều người chóng mặt, buồn nôn. Nào là Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm rồi Chủ tịch HCM vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta, hay Đoàn kết dân tộc là sức mạnh VN rồi Sinh viên VN yêu chuộng hòa bình, sinh viên VN đề nghị TQ rút giàn khoan…. Những thanh niên cầm các biểu ngữ ấy tỏ ra rất phấn khích vì hình như đây là một cuộc vui hiếm gặp trong đời họ. Họ phấn khích là phải vì chung quanh là những người thua họ xa về thể lực lẫn hình dáng. Trong khi họ trẻ trung yêu đời là vậy thì những thanh niên nam nữ ngoài quốc doanh trạc tuổi với họ lại rắn rỏi và sương gió, mặt đầy vết nhăn. Trên tay những người ngoài quốc doanh ấy là những tấm bảng nhỏ bé, những tờ giấy in, những tấm vải vội vàng viết lên những giòng chữ chống Trung Quốc xem không hoành tráng chút nào so với những gì mà tuổi trẻ đại diện thành đoàn cầm trên tay. Tôi chia sẻ sự sảng khoái và tự hào của họ vì tôi biết họ không có chỗ để ưỡn ngực trước đám đông bằng chỗ này, nơi mà người ta nói rằng cả thế giới sẽ nhìn vào để thấy sự hào hùng của thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh. Họ không ưỡn ngực mới là chuyện lạ. Tuy nhiên hình như họ nhầm chỗ. Chỗ của những thanh niên này là vũ trường, là các chương trình do Bình Minh làm MC. Chỗ của họ là các cuộc vui thâu đêm suốt sáng. Mang họ tới đây giống như mang tiền các tập đoàn quốc doanh đầu tư không đúng chỗ. Họ là nợ xấu sau cuộc biểu tình này. Nợ xấu của cả một thế hệ mà nhiều chục năm sau chưa chắc gì trả nỗi. Khi những giòng chữ này sắp kết thúc, một video mới nhất chiếu cảnh biểu tình trước Đại sứ quán Hà nội có cảnh dãy thanh niên mặc đồng phục xanh đứng sau barrier bảo vệ tòa Đại sứ Trung Quốc bị người biểu tình sỉ vả. Trong hàng thanh niên ấy hình ảnh một cô bé lấy tay che mặt đã làm mình muốn khóc. Cố gái ấy xấu hỗ che mặt trước đám đông vì ý thức việc làm của cô là sai trái. Tôi biết phía sau hai bàn tay ấy là những giọt nước mắt và chúng sẽ là một kỷ niệm buồn lẫn tủi hỗ kéo dài trong đời cô sau này. Chưa kịp buồn lâu thì tới một chuyện xấu hỗ khác. Báo New York Times đăng bài viết của Keith Bradsher dẫn lời một viên chức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc thuật lại rằng ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa đề nghị sang Bắc Kinh gặp Chủ tịch Tập Cận Bình nhưng đề nghị này đã bị từ chối. Một ý nghĩ an ủi cho tôi: may ra giờ này ông Trọng tuy đang ngồi trong phòng riêng nhưng vẫn lấy tay che mặt như cô gái tại Hà Nội. Nghĩ tới đó thay vì cười thì tôi lại thở dài, rất dài… Nguồn: rfa.org
......

Chống Nội Thù Hay Chống Ngoại Xâm Trước?

Trước hết, hãy cùng định nghĩa “nội thù” là gì, là ai? Nội thù của dân tộc Việt Nam chính là những cá nhân, tập đoàn hay hệ thống cai trị nào đã khiến cho người dân phải sống trong nơm nớp lo sợ, bị tước đi quyền sống căn bản của mình, hủy hoại tiềm năng vươn lên của dân tộc, đẩy xã hội tha hóa tới mức bất công, tệ nạn, tham nhũng tràn lan, và đưa đất nước tới họa diệt vong bởi chiến tranh hoặc nạn ngoại xâm. Câu hỏi “chống nội thù hay ngoại xâm trước” được đặt ra trong hoàn cảnh ngặt nghèo của đất nước ta hiện nay vì chính chế độ độc tài đương quyền là đầu mối cho ngoại xâm, khi họ đã:   • Bán rẻ lương tâm với Bắc Triều để tìm đồng minh chiến lược trong cuộc chiến “nồi da xáo thịt” Bắc-Nam/Quốc-Cộng trước năm 1975 (1945-1975), và bây giờ để duy trì quyền lực độc tôn trên đất nước. Lãnh đạo chế độ đã dâng hiến biển, đảo Tổ Tiên cho giặc, Hán hóa đất nước và tỏ ra nhu nhược trước những gây hấn của kẻ thù. • Ngăn chặn sức bật cứu nước của toàn dân khi trấn áp các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, và bỏ tù người yêu nước. Chưa kể đến tội họ đã hủy hoại mọi tiềm năng chiến đấu của dân tộc sau gần 4 thập niên bần cùng hóa đất nước trong một chủ thuyết ngoại lai, phi nhân và ngu xuẩn. Nhưng nếu chúng ta dồn nỗ lực để dẹp sạch “nội thù”, thì liệu có tạo ra hoàn cảnh thuận lợi cho ngoại xâm tiến tới? tạo cơ hội cho những Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc trong guồng máy hiện tại “cõng rắn cắn gà nhà”? Đợi dẹp xong nội thù thì có thể ngoại xâm đã thực hiện được mưu đồ ăn cướp bán phần hay toàn phần trên các vùng thuộc chủ quyền đất nước?   Do vậy, thực tế nhất là chúng ta phải làm cả hai việc song song: 1. Toàn dân “phất cờ khởi nghĩa” - không chờ đợi sự “cho phép” hay “lãnh đạo chống xâm lược” vốn chẳng hề có của những nhân vật “đỉnh cao” vẫn đang nhắm mắt bịt tai trước nhu cầu của đất nước và nguyện vọng của người dân. 2. Với chính nghĩa sáng ngời của dân tộc, những người thực tâm yêu nước trong hàng ngũ cầm quyền hiện nay sẽ bước về phía nhân dân để cùng bảo vệ quê hương. Trong khí thế sôi sục của toàn dân trước họa xâm lăng hiện nay, thành phần nào đi ngược với lòng dân chắc chắn sẽ bị đào thải. 3. Đây là cơ hội bằng vàng cho một thể chế đã có quá nhiều sai phạm có cơ hội sửa sai, chuộc lỗi, tái tạo lại tư duy cũng như cách hành xử để được cùng đồng hành với dân tộc. Mong là nguy cơ ngoại xâm và tinh thần bất khuất, độ lượng của dân tộc có thể “cảm hóa” được những người lầm đường, lạc lối, để họ biết tôn trọng quyền biểu tình của nhân dân, thả hết các tù nhân lương tâm, thành khẩn chung sức, chung lòng với toàn dân trong công cuộc cứu quốc cấp bách này. Cũng có người âu lo rằng nếu toàn dân cùng với chế độ hiện nay “bắt tay” chống quân xâm lược và sau đó dân tộc Việt Nam chiến thắng, rồi những kẻ cầm quyền và hệ thống cai trị độc tài hiện nay sẽ lại vin vào “hào quang chiến thắng” của toàn dân để áp đặt tiếp thể chế toàn trị của họ lên đất nước, nhất là trong tay của họ vẫn còn công an và quân đội, thì sao? Trước hết, như đã đề nghị ở trên, dân tộc chúng ta không hề muốn "bắt tay" với những kẻ thân Tàu đang ngồi ở ghế cai trị và nay đang lo chống đỡ cho Bắc Kinh. Dân tộc chỉ đón nhận những người còn lòng yêu nước và đặt vận mạng đất nước lên trên hết. Hơn thế nữa, nỗi âu lo nêu trên, trong thực tế sẽ không còn, nhất là ở thời điểm hiện nay! Cuộc đấu tranh của dân tộc để giành lại quyền làm chủ đất nước trong nhiều thập niên qua, kinh nghiệm của thế giới, và với các phương tiện truyền thông hiện đại, dân tộc chúng ta đã trông thấy rất rõ con đường phải đi; chính họa xâm lược và tình trạng tụt dốc thê thảm của dân tộc so với thế giới đã đánh thức cả nước về: • Hiểm họa độc tài – dù dưới hình thức nào đi chăng nữa. • Nhu cầu dân chủ hóa và canh tân đất nước. • Hiểm họa ngoại xâm và Hán hóa - sẽ luôn chờ chực nếu Việt Nam không có dân chủ. Từ những ý thức này, mọi thành phần dân tộc - kể cả hàng ngũ đảng viên Cộng sản - sẽ không để yên cho độc tài ngự trị. Đặc biệt, trong nỗ lực chung vai sát cánh để chống ngoại xâm, đại khối dân tộc sẽ phải đứng chung về một phía, để lằn ranh giữa dân tộc và thiểu số độc tài bán nước, cơ hội chủ nghĩa trở nên rất rõ, rất đậm. Đây chính là cơ hội để toàn dân sàng lọc: Thiểu số nào manh tâm lợi dụng lòng yêu nước để thực hiện tham vọng quyền lực của riêng mình sẽ bị lật tẩy và đào thải./. 10 tháng 5, 2014 Ts Trần Diệu Chân
......

Lời kêu gọi toàn quốc tránh kháng chiến, phiên bản tháng 5/2014

Trước sự kiện Trung Quốc kéo giàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam, ngày 11/5/2014, bác Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính Trị Đảng CSVN long trọng đọc lời Kêu gọi toàn quốc tránh kháng chiến, thể theo mẫu thư của bác Hồ Chí Minh năm 1946. Chúng tôi xin đăng cả 2 phiên bản để bà con học hỏi: Phiên bản 1946: Kêu gọi cứu nước khỏi tay Pháp Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước. Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta! Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm! Kháng chiến thắng lợi muôn năm! Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 1946 Hồ Chí Minh -------   Phiên bản 2014: Kêu gọi cứu nước khỏi tay Tàu   Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn có chỗ dựa, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, nước bạn càng lấn tới, vì bạn quyết tâm mượn nước ta cho bằng hết mới thôi! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất đảng, nhất định không chịu thôi làm chư hầu. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải quì xuống! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải biết lạy để cứu Tổ quốc. Ai có tay lạy tay. Ai có đầu lạy đầu. Không có tay thì lạy bằng trán, bằng cổ, bằng lưng, bằng gối. Ai cũng phải ra sức lạy đại Hán để cứu nước. Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến cái lưng cuối cùng, để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao cong lưng trầy gối, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta! Việt Nam thu nhỏ gọn muôn năm! Đảng quang vinh thắng lợi muôn năm!   Hà Nội, ngày 11 tháng 5 năm 2014 Nguyễn Phú Trọng ====== Trong quá trình lấy ý kiến toàn đảng về Lời Kêu Gọi phiên bản 2014 , một số cán bộ "suy đồi đạo đức chính trị" đã dám đặt câu hỏi: "Tại sao đảng ta đánh Pháp xâm lược hăng thế mà nay lại quyết tâm "duy trì hòa bình" bằng mọi giá trước sự xâm lược của Trung Quốc?", Ban Tuyên Giáo Trung ương đã kịp thời cô lập các phần tử này và phát hành tài liệu học tập cho toàn đảng với các giải thích rất có lý có tình như sau: - Đây là cách đảng ta bồi hoàn những giúp đỡ to lớn của nước bạn trong thời gian chúng ta có chiến tranh chống lại các đế quốc xâm lược khác, thay cho cả thế giới cộng sản. - Tuy các phần biển đảo đã là của bạn nhưng trong nhiều trường hợp, bạn vẫn cho chúng ta khai thác chung khi có thể được. - Chúng ta đang áp dụng một cách sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với mối quan hệ giữa 2 nước ở thế kỷ 21. Bác Hồ đã chẳng làm gương nhịn nhục các đoàn cố vấn nước bạn sang dạy ta Cải Cách Ruộng Đất đấy sao? - Nhưng quan trọng hơn cả là sự khác biệt về vị trí của Đảng ta hiện nay so với thời 1946. Đảng ta đang ở vị trí làm chủ đất nước rồi.
......

Tuyên bố chung của 20 tổ chức trên thế giới về giàn khoan TQ trong lãnh hải VN

TUYÊN BỐ CHUNG CỦA CÁC HỘI ĐOÀN VIỆT-NAM TRÊN KHẮP THẾ GIỚI VỀ GIÀN KHOAN HẢI-DƯƠNG 981 XÂM NHẬP VÙNG BIỂN VIỆT-NAM   Ngày 3 tháng 5, 2014, chính quyền Bắc Kinh thông báo việc đưa một giàn khoan cực lớn mang tên Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam (ở 15o29’ Bắc/110o12’ Đông, tương đương với Lô 143 trong vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam). Đây là một địa điểm nằm gọn trong vùng Đặc quyền kinh tế 200 hải lý cách xa bờ biển Việt Nam như được định nghĩa trong Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (theo Công Ước LHQ về Luật Biển). Chính quyền Bắc Kinh còn cảnh cáo là các tàu ngoại quốc không nên đến gần giàn khoan trong vòng ba hải lý. Bắc Kinh còn gởi 80 chiếc tàu đủ loại, trong đó có 7 tàu chiến, xuống để ngăn chặn không cho Việt Nam thực thi chủ quyền của mình trong vùng biển đó. Tất cả những hành động trên đã được đơn phương thực hiện nhằm tìm cách thực thi đường lưỡi bò chín vạch đòi hơn 80 phần trăm của Biển Đông, một sự đòi hỏi không hề được công nhận bởi Ủy Ban Luật Biển của Liên Hiệp Quốc và bị hầu hết thế giới coi là bất hợp pháp.   Hành động của Trung-Cộng được xem là "khiêu khích và không giúp ích vào việc duy trì hoà bình và ổn định ở trong khu vực" (theo phát ngôn nhân Jen Psaki của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngày 7 tháng 5, 2014) nên dư luận ở Việt Nam cũng như trên thế giới đều phẫn nộ trước hành động bá quyền cướp biển này của Trung Quốc. CHÚNG TÔI, CÁC CỘNG ĐỒNG, HỘI ĐOÀN VÀ ĐOÀN THỂ CỦA NGƯỜI VIỆT TRÊN KHẮP THẾ GIỚI, DO ĐÓ TUYÊN BỐ: Thứ nhất, chúng tôi cực lực lên án hành động mới nhất và trắng trợn nhất này của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, một bước đi nữa trong trò chơi nguy hiểm của Trung Quốc đùa giỡn với chiến tranh trong một vùng đang phát triển mạnh, một vùng đã có được hòa bình trong hơn một phần tư thế kỷ. Thứ hai, chúng tôi đoàn kết với hầu như tuyệt đại đa số 90 triệu dân VN ở trong nước để đòi hỏi Trung Quốc phải tức khắc rút lui giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam, đồng thời lên án Hà Nội đã quá nhu nhược trong chính sách biển Đông. Thứ ba, chúng tôi đòi hỏi nhà cầm quyền Hà Nội chấm dứt việc đàn áp và bắt giam các tiếng nói dân chủ, và hãy trả tự do ngay lập tức tất cả các tù nhân lương tâm bị bắt giữ vì chống lại chính sách bành trướng của Bắc Kinh. Thứ tư, chúng tôi hối thúc việc đem kiện Trung Quốc trước các tòa án quốc tế (đặc biệt là Tòa Án Quốc Tế La Haye và Tòa Án Quốc Tế Hamburg về Luật Biển) để nhờ các tòa án này phân xử hành động xâm lăng của Trung Quốc đối với lãnh hải và hải đảo của Việt Nam trong Biển Đông. Thứ năm, chúng tôi kêu gọi sự đoàn kết trong các quốc gia ASEAN khi cuối tuần này có những cuộc thương thảo để chuyển Tuyên Bố về Hành Xử ở Biển Đông thành Quy Tắc Hành Xử nhằm bảo đảm hòa bình và ổn định ở trong khu vực. Thứ sáu, chúng tôi kêu gọi dư luận thế giới hãy dứt khoát lên án các tham vọng bá quyền của Trung Quốc nhằm biến Biển Đông với những tài nguyên vô lượng của nó thành một "nội hải" của Trung Quốc. Chúng tôi cám ơn các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ, đã lên tiếng không chỉ vì Việt Nam mà còn vì hòa bình và an ninh quốc tế, không trừ quyền tự do hàng hải qua vùng này ở Biển Đông. Chỉ khi nào có được một nỗ lực tập thể và đoàn kết như vậy thì chúng ta mới có thể bảo vệ được hòa bình thế giới và ngăn ngừa bàn tay đầy tham vọng cướp đất cướp biển của Trung Quốc. Ngày 11 tháng 5 năm Hai Nghìn Mười Bốn. NHỮNG CỘNG ĐỒNG, HỘI ĐOÀN, ĐOÀN THỂ VIỆT NAM ĐÃ KÝ VÀO BẢN TUYÊN BỐ NÀY: 1. Cộng Đồng Việt Nam vùng Washington DC, Maryland và Virginia (Đoàn Hữu Định, Chủ Tịch) 2. Đảng Dân Chủ Nhân Dân Việt Nam (Đỗ Thành Công, Phát ngôn nhân) 3. Đảng Vì Dân (Nguyễn Công Bằng, Chủ Tịch) 4. Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Việt Nam (Nguyễn Mai, Việt Nam, và Trương Quốc Việt, Úc Châu – Đồng phát ngôn viên) 5. Họp Mặt Dân Chủ (Lâm Đăng Châu, Đại diện Ban Phối Hợp) 6. Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do (Trần Ngọc Thành, Chủ Tịch) 7. Liên Minh Dân Chủ Việt Nam (Nguyễn Quốc Nam, Phó Chủ Tịch) 8. Lực Lượng Dân Tộc Cứu Nguy Tổ Quốc (Trần Quốc Bảo, Chủ tịch Hội Đồng Điều Hợp Trung Ương) 9. Lực Lượng Dân Tộc Quật Khởi (Bùi Anh Thư, Phát ngôn nhân) 10. Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam (Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, Trưởng Ban Phối Hợp) 11. Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt tại Hoa Kỳ (Nguyễn Ngọc Bích, Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hợp Trung Ương) 12. Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại (Đỗ Như Điện, Điều hợp viên) 13. Phụ Nữ Vì Nhân Quyền Việt Nam (Lanney Trần, Chủ Tịch) 14. Tập Hợp Vì Nền Dân Chủ (Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, Đại diện) 15. Tổng Hội Nha Kỹ Thuật Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (Đoàn Hữu Định, Đại diện) 16. Trung Tâm Nhân Quyền Việt Nam (Luật sư Trần Thanh Hiệp, Chủ Tịch) 17. Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam (Nguyễn Văn Tánh, Chủ Tịch) 18. Viện Quốc Tế vì Việt Nam (G.S. Đoàn Viết Hoạt, Đại diện) 19. Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (Đỗ Hoàng Điềm, Chủ Tịch) 20. Việt Nam Quốc Dân Đảng, Hội Đồng Điều Hợp TƯ các Cơ Sở VNQDĐ tại Hải Ngoại (Trần Tử Thanh, Chủ Tịch)   DECLARATION OF VIETNAMESE ORGANIZATIONS ALL OVER THE WORLD RE. THE CHINESE HAIYANG 981 RIG IN VIETNAM’S WATERS On May 3, 2014, the Chinese government announced the introduction of a giant exploratory rig, Haiyang 981, into Vietnam’s waters (15o29’ N/110o12’ E, corresponding to Lot 143 of Vietnam’s EEZ) with the intention of searching for oil and gas in the continental shelf of Vietnam, well within the 200-mile exclusive economic zone of Vietnam, as defined by UNCLOS (UN Convention on the Law of the Sea). It further warned all foreign vessels not to come within three nautical miles of the rig. Beijing also sent an armada of some 80 ships, seven of which are destroyers, down to the area to prevent Vietnam from exercising its sovereignty in the area. All of the above was done unilaterally in an attempt to impose its nine-dash claim of sovereignty over more than 80 percent of the Southeast Asian Sea, a claim never acknowledged by UNCLOS and considered totally illegal by the rest of the world. This being "provocative and unhelpful to the maintenance of peace and stability in the region" (Jen Psaki at the State Department, May 7, 2014), public opinion both inside Vietnam and in the world is outraged at this latest hegemonistic "sea" grab by China. WE, THE FOLLOWING VIETNAMESE ORGANIZATIONS IN THE WORLD, HEREBY DECLARE: One, that we condemn in the most vigorous terms this most recent and blatant act of aggression by the People’s Republic of China, another step in China’s dangerous game of toying with war in a fast developing region which has known peace for more than a quarter century. Two, that we join the vast majority of the 90 million Vietnamese inside Vietnam in demanding an immediate withdrawal of the giant Haiyang 981 rig from the waters of Vietnam; at the same time, we condemn Hanoi for its spineless policy regarding the Southeast Asian Sea, which allowed for China’s predatory moves. Three, that we demand an immediate stop to the repression and arrest of democracy activists and the immediate release of all prisoners of conscience currently in jail because of their opposition to the expansionist policies of Beijing. Four, that we urge that a suit be brought against China in international courts (including the International Court of the Hague and the Hamburg International Court on the Law of the Sea) for its acts of aggression against Vietnam regarding Vietnamese property in the Southeast Asian Sea. Five, that we appeal to the solidarity of ASEAN in the upcoming talks with China on transforming the DOC (Declaration of Conduct) into a COC (Code of Conduct) in the Southeast Asian Sea in view of securing peace and stability in the region. Six, that we appeal to world public opinion in condemning in no uncertain terms the hegemonistic ambitions of China as it tries to make the Southeast Asian Sea with its immense resources into an "internal sea" of China. At the same time, we thank all countries, and in particular the United States of America, for speaking up on behalf not only of Vietnam but also of international peace and security, including threats to the freedom of navigation in the Southeast Asian Sea. Only such a concerted effort could possibly stay the hands of China and its over-ambitious land and sea grabs in the defense of world peace. Done on this 11th day of May Two Thousand and Fourteen VIETNAMESE ORGANIZATIONS SIGNING ON TO THIS DECLARATION:   1. Alliance for Democracy in Vietnam (Mr. Nguyen Quoc Nam, Vice Chairman) 2. Assembly of Vietnamese Democrats (Lam Dang Chau, Representative, Coordinating Committee) 3. Center for Human Rights in Vietnam (Attorney Tran Thanh Hiep, Director) 4. Committee to Protect Vietnamese Workers (Mr. Nguyen Van Tanh, Chairman) 5. Federation of Free Vietnamese Labor (Mr. Tran Ngoc Thanh, Chairman) 6. The Federation of Technical Strategic Directorate Associations (Mr. Doan Huu Dinh, President) 7. For the Vietnamese People Party (Mr. Nguyen Cong Bang, Chairman) 8. International Institute for Vietnam (Professor Doan Viet Hoat, Director) 9. The People’s Force to Save Vietnam (Mr. Tran Quoc Bao, Chairman 10. National Resurgence Force (Ms. Bui Anh Thu, Spokesperson) 11. NCVA (National Congress of Vietnamese Americans) (Mr. Nguyen Ngoc Bich, Chairman) 12. Overseas Vietnamese Laity Movement (Mr. Do Nhu Dien, Coordinator 13. The People’s Democratic Party of Vietnam (Mr. Do Thanh Cong, Spokesperson) 14. The Rally for Democracy (Dr. Nguyen Quoc Quan, M.D., Representative) 15. The United Workers and Farmers Organization of Vietnam (Ms. Nguyen Mai, Viet Nam, and Mr, Truong Quoc Viet, Australia - Co-spokespersons) 16. Viet Tan Party (Mr. Do Hoang Diem, Chairman) 17. Vietnam Human Rights Network (Dr. Nguyen Ba Tung, Chairman) 18. Vietnam Nationalist Party, Central Coordinating Council of Overseas Chapters (Mr. Tran Tu Thanh, Chairman) 19. Vietnamese Community of Washington DC, Maryland and Virginia (Mr. Doan Huu Dinh, Chairman) 20. Vietnamese Women for Human Rights (Ms. Lanney Tran, Chairperson)
......

Ngày Lịch Sử Dân Tộc

Sáng hôm nay Sài Gòn bừng rực lửa Ánh hào quang sáng rực giữa Hà thành Lời hiệu triệu của hồn thiêng sông núi Quốc hận thét gào, nhiệt huyết trào dâng Trên khắp nẻo tựu về bao thế hệ Từ thiếu nhi đến các cụ bát-cửu tuần Những đoàn người theo nhịp bước oai hùng Và khẩu khí âm vang như địa chấn Hoàng-Trường Sa là xương máu Việt Nam Như tiếng vọng ngàn xưa dòng lịch sử Bạch Đằng Giang nước lũ cuốn quân thù Gương Trưng, Triệu núi Tùng sông Hát   Trống Mê Linh quyết bảo vệ Long Bào Điện Diên Hồng ánh đuốc ngút trời cao Đến hùng khí vua Quang Trung, Lê Lợi Ngày Ba Tháng Sáu Sài Gòn chói lọi   Ánh hào quang lan toả khắp năm Châu Từ Tô-ky-ô, Đức Quốc, đến Paris Bắc-trung Mỹ Cali sang Châu Úc Những biểu ngữ sáng ngời liên tục   Vang lời hô toang màng nhĩ quân thù Làm khiếp đảm kinh tâm quân vô loại Lệnh ban ra ngăn cấm biểu tình Nên uất hận đau lòng nhiều nhân sĩ   Đề kháng thư đòi bạch hoá bang giao Bọn mãi Quốc cớ nào thừa nhận tội Buôn bán non sông cõng rắn cắn gà nhà Hãy nghe đây loài vong bản ngụy tà   Dòng máu Việt đã bao đời bất khuất Há nào khuất phục bọn vô nhân Những ngày qua là sóng dậy toàn dân Sẽ đáp lời non sông đứng lên quật khởi Cuộc thư hùng chánh nghĩa với gian tà Những đợt tuần hành, hào khí ngất trời xanh Trang sử vàng rạng rỡ chẳng còn xa   Tiếng Gọi Thanh Niên Mục Đồng   hỡi lớp trẻ là niềm tin nước Việt hãy cùng nhau nung sôi bầu nhiệt huyết hãy cùng nhau khơi lại trống Mê Linh mở hội nghị Diên Hồng trong thời đại   hãy vùng lênh hỡi ý chí nam nhi hãy xóa tan non những hờn nước nhục hận sông Gianh đăng đẳng mấy mươi năm hãy xóa bỏ cái mùa xuân chiến thắng hãy đánh tan cái lịch sử bịp lừa đân hãy xé nát cái phong trào đồng khởi nó đã làm rách nát cả Việt Nam hỡi thanh niên hỡi chí trai đất Việt   hãy đứng lên cùng sánh bước chung vai ta tranh đấu trong ôn hòa nhân đạo dùng con tim để đánh đổ bạo quyền lấy sức mạnh đuổi quân thù ra lãnh hải chí kiêu hùng lấy lại ải Nam Quan hỡi lớp trẻ là hồn thiêng tổ quốc   hãy lắng nghe lời than thở của non sông tiếng thác đổ sóng rền sông núi hận là lời than tiếng khóc của non sông đây uất hận của Tây Nguyên đất đỏ kia căm hờn của ven biển cát vàng tiếng than khóc của oan hồn trong đêm vắng dân kêu oan thống thiết ngút trời cao   hỡi thanh niên hãy cùng nhau chung sức đem tình yêu để đổi lấy TỰ DO   hãy đoàn kết cùng nhau ta đoàn kết nó cho ta thêm ý chí kiên cường và cho ta thêm sức mạnh vô biên sẽ chiến thắng độc quyền toàn trị và TỰ DO DÂN CHỦ sẽ về ta hỡi lớp trẻ là mầm xanh của tổ quốc hãy góp sức cùng nhau ta góp sức muôn bàn tay ta tô điểm sơn hà cùng vá lại một Việt Nam rách nát cho tiền nhân không uất ức tủi lòng rồi chúng ta cùng nhau vang tiếng MẸ VIỆT NAM ƠI! khúc hát khải hoàn ca.      
......

SÀI GÒN BIỂU TÌNH QUA TƯỜNG THUẬT CỦA MỘT NHÀ BÁO NỮ

BIỂU TÌNH TẠI NHÀ VĂN HÓA THANH NIÊN SỐ 4 PHẠM NGỌC THẠCH Sương Quỳnh Tôi cùng các bạn NO-U và một số bạn bè khác đã gặp nhau tại nhà VHTN theo lời kêu gọi của 20 Tổ Chức Dân Sự. Yêu nước không độc quyền nên chúng tôi đã xuống đường bằng cả nhiệt huyết và quyết tâm.. Lúc đầu chúng tôi bị AN và biểu tình quốc doanh lấn át. Chúng tôi cũng đã lường trước như vậy. Nhưng tiếng hô: - ĐẢ ĐẢO TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC    - TRUNG QUỐC CÚT KHỎI VIỆT NAM                    - ĐẢ ĐẢO - ĐẢ ĐẢO...   Đương nhiên gặp nhau cùng ý tưởng thì sao lại không? Người dân đến 4 Phạm Ngọc Thạch khá đông, Tiếng hô quện vào nhau, vang dậy trời đất. Khi chúng tôi rẽ sang Hai bà Trưng hướng về TLS Trung Quốc, thì nhóm "quốc doanh" hướng đoàn đi thẳng ra đường Phạm Ngọc Thạch. Chúng tôi tách ngay, mặc dù một số người đứng ngăn cản. Tôi và các bạn NO-U luồn qua mấy người này chạy phía trước, đoàn Dân trùng trùng đi theo. Thế là cờ quạt nhóm "quốc doanh" đành chấp chới lục tục quay lại.đi . Trên đoạn đường này thì đã xuất hiện nhiều Nhân Sĩ trí thức . Tôi đi bên nhà thơ Phan Đắc Lữ và nhà văn Phạm Đình Trọng. "Quốc doanh" hoàn toàn mất tự chủ. Chúng tôi bám sát ba-ri e trên đường Hai bà Trưng gần TLS Tàu cộng, và gào lên : ĐẢ ĐẢO TRUNG QUỐC XÂM LƯỚC. Lúc này một người đàn ông cầm loa chen lên cạnh tôi, bắt đầu ra rả: Đề nghị bà con không......chưa hết câu tôi ghé sát vào loa hét liên tục: ĐẢ ĐẢO TRUNG QUỐC XÂM LƯƠC. ĐẢO ĐẢO TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC. Hăn chẳng nói được câu nào nữa. Ông ta chen sang chỗ khác, đến cạnh bác Phan Đắc Lữ và Phạm Đình Trọng cũng đang đứng sát ba-ri-e, tôi liền bám theo sát,. Hắn vừa bật loa, tôi lại hét vào liên tục: ĐẢ ĐẢO TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC. bác Lữ và anh Trọng gào theo: ĐẢ ĐẢO- ĐẢ ĐẢO. Hắn cứ tắt rồi bật, tôi cứ thấy bật là gào vô, chẳng khác nào cầm hộ loa cho tớ. Một cậu AN chay vào kéo áo ông này: anh ra ngoài này đi. Hắn đi rồi chúng tôi cười rũ. nếu anh Hai của hắn ngồi trong TLS có nghe thấy tiếng ĐẢ ĐẢO của chúng tôi, thì : "xin lỗi, đâu có phải do bọn tao, do đàn em chúng mày tạo điều kiện đấy chứ".     Chúng tôi quay lại, lúc này những khẩu hiệu: TỰ DO CHO NGƯỜI YÊU NƯỚC- BÙI HẰNG- ĐIẾU CÀY - BA SÀM được tung ra. Một số AN đã nhảy vào cướp. Tất cả chúng tôi hô vào mặt chúng: ĐẢ ĐẢO TAY SAI BÁN NƯỚC- những tiếng gầm lên: ĐẢ ĐẢO- ĐẢ ĐẢO. Chị Vũ Thị Phuong Anh còn dơ cả nắm đấm lên phản đối về phía chúng, làm chúng phải chuồn mất. Và bắt đầu những tiếngt hô vang - TỰ DO CHO NGƯỜI YÊU NƯỚC, - TỰ DO CHO DÂN TỘC VIỆT NAM - TỰ DO CHO VIỆT NAM - TỰ DO CHO ĐIỀU CÀY -TỰ DO CHO BA SÀM -TỰ DO CHO BÙI HẰNG TỰ DO CHO TRẦN HUỲNH DUY THỨC -TỰ DO CHO TRẦN ANH KIM...vv   Ngày của mẹ nhưng mẹ cũng đi chống Tàu cộng xâm lăng   Người sắp làm mẹ cũng đi biểu tình   Đã vang lên suốt con đường từ hai Bà trưng đến nhà hát TP. Chúng tôi tiếp tục đi sang đó vì "quốc doanh" hoàn toàn vỡ trân với những lời hô của chúng tôi. Chỉ có mấy chú cơ đỏ sao vàng được bảo kê đi đầu, nhưng chúng tôi cứ lâu lâu đứng lại hô , làm chúng lại vội vàng tụt lại, (làm như cùng đoàn) cố gắng dương cái cờ đỏ sao vàng để có vẻ" lãnh đạo toàn diện". Khi đến nhà hát TP, đoàn Nhân Dân dứt khoát không chịu sang nhập cuộc, đứng lại và tìm đường khác để đi. Đàng sau chúng tôi, họ đã cho thông xe, những chiếc xe ùn tắc đã ngăn cản chúng tôi quay lại. Các bạn NO-U một lần nữa tìm đường thoát, chạy len lỏi thoát sang bên kia đường và Người Dân lại trùng trùng theo đi về hướng chợ Bến Thành. Ở đây, chúng tôi thấy nhiều nhà báo nước ngoài đứng chụp hình, và người dân đứng ở đây hóng chuyện đã vỗ tay reo hò cùng chúng tôi, có người chạy vào và cùng hô vang: TỰ DO CHO DÂN TỘC VIỆT NAM- TỰ DO CHO NGƯỜI YÊU NƯỚC. Cờ quạt "quốc doanh" lại cố sống cố chết chạy ra đằng trước. Đến bùng binh chúng tôi đổi hướng rẽ đường Nguyễn Huệ. mấy bạn này trối chết chạy theo.   Chưa bao giờ tiếng thét ĐÒI TỰ DO được hét vang trên đường phố Sài Gòn như ngày hôm nay. Những tiếng thét bị đè nén, những tiếng thét uất hận, những tiếng thét đòi QUYỀN LÀM NGƯỜI vang dội và hào hùng . CÁC BẠN ƠI TÔI THẬT TỰ HÀO, ĐỒNG BÀO ƠI TÔI THẬT HÃNH DIỆN ĐÃ ĐƯỢC ĐỨNG CHUNG MỌI NGƯỜI NGÀY HÔM NAY.       Nguồn: huynhngocchenh.blogspot.de
......

Khắp nước biểu tình chống Trung Quốc

Sáng hôm nay Chủ Nhật ngày 11 tháng 5. 2014, người dân quan tâm đến việc Trung Quốc kéo giàn khoan dầu HD 981 vào sâu trong khu đặc quyền kinh tế Việt Nam biết rằng sẽ có biểu tình tại Hà Nội và Sài Gòn để chống lại hành động xâm lược này. Được biết hàng ngàn người đã âm thầm chờ đợi để sáng hôm nay biểu lộ lòng yêu nước cũng như sự phẫn nộ qua hành động biểu tình chống Trung Quốc lần đầu tiên trên ba miền đất nước. Tại Hà Nội vào lúc 8 giờ hàng trăm người dân đã tập trung đông đảo tại công viên Lenin và cùng nhau tiến tới trước Đại sứ quán Trung Quốc. Trên tay họ là những biểu ngữ chống Trung Quốc bằng nhiều câu chữ khác nhau. Anh Nguyễn Đức Quốc, từ Lăng Cô, Huế ra Hà Nội hai ngày trước đây cho biết: “Bây giờ mọi người đang dần dần đổ về tại công viên Lenin cũng được ba bốn trăm người rồi theo thông báo thì lúc 9 giờ mới bắt đầu. Công an đứng chung quanh rất nhiều nhưng chưa thấy hàng rào. An ninh cầm máy quay phim quay người tham gia biểu tình rất đông. Đồng bào các nơi đổ vể rất đông có Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An đang tập trung lại.” Sài Gòn Biểu tình chống Trung Quốc Xâm lược Đà Nẵng bất ngờ biểu tình chống Trung Quốc xâm lược Không khí biểu tình rực lửa tại Hà Nội     Chị Nga một khuôn mặt bất đồng chính kiến nổi tiếng cho chúng tôi biết cụ thể: “Hôm nay người dân Việt Nam có xuống đường để phản đối Trung Quốc xâm lược trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc. Lực lượng an ninh mật vụ cùng lực lượng dư luận viên từng đàn áp các cuộc biểu tình trước đây cũng có mặt. Hôm nay được huy động thêm bộ đội thanh niên sinh viên cầm biểu ngữ cờ đỏ sao vàng để chống Trung Quốc.” Không riêng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài gòn, thành phố tiêu biểu của miền trung là Đà Nẵng cũng có biểu tình chống Trung Quốc, Anh Nguyễn Văn Thạnh có mặt từ sớm tại công viên 2 tháng 9 cho biết: “Hôm nay chắc cũng trên trăm người. Anh chị em đến thể hiện chính kiến củ mình đố với hành vi xâm lược của Trung Quốc có rất nhiều khẩu hiệu và an ninh cũng như lực lượng chức năng không làm khó dễ gì anh em họ chỉ thực hiện chức năng của họ. Bây giờ sau khi làm lễ các anh linh liệt sĩ anh em sẽ tập trung tuần hành đến Hội đồng Nhân dân thành phố.”   Ở Đà Nẵng không biết chắc chắn số lượng người biểu tình là bao nhiêu nhưng tại Thp.HCM thì người ta đoán chừng con số có thể lên tới it nhất hai ngàn người sẽ có mặt tại Nhà Hát lớn thành phố và Nhà văn hóa Thanh Niên gần khu vực Hồ Con Rùa. Tại Nhà hát lớn thành phố từ 8 giờ đã có vài chục người tập trung và 30 phút sau đã lên đến vài trăm người. Có một trở ngại cho người biểu tình giống như tại Hà Nội trước đây đã làm.  Đó là một dàn nhạc đã được mang tới trước nhà hát thành phố.   Không biết đây là sự sắp đặt hay chỉ vô tình nhưng ông Lê Công Giàu một thành viên trong nhóm người kêu gọi biểu tình cho biết: “Bây giờ đang tập họp trước nhà hát lớn nhưng chưa đông lắm chỉ vài trăm người. Có một dàn nhạc trước nhà hát theo tôi nghĩ thì nó vẫn chơi hàng tuần lát nữa mình sẽ nói với họ. Tôi nghĩ lần này nhà nước sẽ không cản trở đâu.” Tuy nhiên khác với sự yên ắng tại các nơi, nhà thờ Dòng Chúa Cứu thế không được tự do tập trung người biểu tình như những khu vực khác. Lúc 8 giờ một số an ninh, dân phòng cùng với cảnh sát giao thông đã bao vây DCCT. Những khuôn mặt trước đây từng đàn áp dân oan cũng có mặt như muốn cảnh cáo những người biểu tình sáng nay. Chị Trần Ngọc Anh, một trong hàng chục dân oan chuẩn bị tham gia biểu tình cho biết:   “Đúng rồi đang bị bao vây và bây giờ bắt đầu xuất phát. Chúng nó bao vây thì kệ nó mình cứ ra chứ biết sao bây giờ? Những khuôn mặt mà chúng tôi thường bị cưỡng chế bắt lên xe gặp tụi tôi biết chứ. Chúng tôi là dân oan chúng tôi biết tụi nó chứ.” Bùng nổ Đến 9 giờ 30 sáng tại Hà Nội người biểu tình tập trung rất đông đảo con số đã lên đến hơn hai ngàn người.   Những khuôn mặt từng biểu tình chống Trung Quốc trước đây gần như đầy đủ. Có rất nhiều an ninh, dư luận viên, dân phòng trà trộn vào nhưng tất cả đều hướng về Đại sứ quán Trung Quốc để tỏ thái độ chống đối sự xâm lược của Bắc Kinh và không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra trong đoàn người biểu tình. Blogger Khúc Thừa Sơn cho biết: Từ chuyện giàn khoan HD 981 của Trung Quốc xâm phạm biển Đông thì người dân Việt Nam đều xuống đường để chống đối. Không những tại Hà nội mà người dân cả nước đều cùng chung một tiếng nói. Chưa bao giờ thấy người dân Việt Nam đoàn kết một lòng như thế này. Mọi người đang diễu hành trên đường rất là khí thế tập trung đầy đủ các nhân sĩ trí thức đủ mọi thành phần. Hình ảnh cho thấy hàng trăm dân phòng đứng sau những hàng rào dã chiến mang băng đỏ đứng nhìn nhưng không có một sự cố nào xảy ra.   Nhà báo tự do JB. Nguyễn Hữu Vinh ghi nhận: Đoàn biểu tình đã từ sứ quán Trung Quốc ra đến bờ hồ. Khí thế người dân hết sức hừng hực và mạnh mẽ. Khá nhiều người không thể đếm hết được nhưng tôi nghĩ phải hơn nghìn người. Hôm nay công an khá mềm mại hòa nhã không đến nỗi làm những trò bẩn như các cuộc biểu tình trước đây. Tại Đà Nẵng do con số người tham gia biểu tình ít ỏi hơn và không khí biểu tình cũng êm dịu hơn so với Hà Nội và ThP-HCM. Hơn trăm người đã giải tán vào lúc 10 giờ sáng sau khi tuần hành tới UBND thành phố. Không có ghi nhận rắc rối nào xảy ra. Anh Nguyễn Văn Thạnh cho biết: Tình hình phản đối đã xong bây giờ đã giải tán rồi ạ. Tuy nhiên nhìn chung cuộc biểu tình lớn và đa dạng, quan trọng nhất đã diễn ra tại thành phố HCM. Lúc 9 giờ 30 sáng nhà thơ Đỗ Trung Quân thuật lại: Sáng nay rất nhiều đoàn, do đó ai nhập vào đoàn nào thì chỉ biết đoàn đó. Đoàn của chúng tôi vừa mới ra Lãnh sự quán Trung Quốc xong và một nhóm khác rẽ ra. Bây giờ tôi thấy một nhóm lớn tập trung rất đông tại Nhà hát thành phố. Thực ra tình hình cài răng lược đã xảy ra. Tôi cho là khí thế hừng hực và một điều đáng ghi nhận là lực lượng an ninh giữ trật tự khá tốt cho đoàn biểu tình. Hai nữa họ không phá sóng điện thoại như mọi lần ở khu vực nhạy cảm và cũng chưa xảy ra va chạm gì cho tới giờ này. Hiện tại tôi đang đứng trước nhà hát thành phố và tôi cho rằng người tham dự biểu tình hôm nay có thể hơn ba ngàn người. Nhóm biểu tình "quốc doanh"!   Trước nhà hát lớn thành phố nơi một nhóm nhân sĩ tổ chức biểu tình đã có một sự cố nhỏ đó là sự không đồng thuận giữa ban tổ chức cuộc biểu tình và Thành đoàn. Theo lời kể lại của ông Huỳnh Kim Báu thì có sự phá rối âm thanh khi ông Huỳnh Tấm Mẫm phát biểu. Cuộc biểu tình tại Nhà hát lớn được Thành đoàn cho một số rất lớn thanh niên tham gia nhưng các phát biểu của họ làm người dân phẫn nộ. Các ngôn từ như “Việt Nam muốn giữ hòa hiếu với Trung Quốc” hay “Việt Nam luôn kiểm chế”, “người dân đứng sau chính phủ” hay “sống và làm việc theo pháp luật”…đã bị la hét chống đối và cuộc biểu tình đôi lúc tưởng có thể vỡ ra nhưng cuối cùng không có gì đáng tiếc xảy ra.   Ông Huỳnh Kim Báu một thành viên tổ chức thuật lại sự việc này:   Bọn quốc doanh, cái đoàn thanh niên nó cướp diễn đàn nó đem khẩu hiệu của nó ra kêu gọi “bình tĩnh, hòa khí” tùm lum hết thì tụi anh chiếm lại diễn đàn để hô đúng khẩu hiệu của tụi anh. Cái thứ hai là hai mươi tổ chức xã hội dân sự tại số 4 Duy Tân thì lực lượng khoảng 2 ngàn người còn lực lượng bên này tổ chức thành đoàn thì khoảng 1.000 người. Bây giờ anh đang tham gia cuộc biểu tình của 3 ngàn người của quần chúng nhân dân tự phát đang đi trên đường Võ Thị Sáu dự kiến sẽ kéo đến Lãnh sự quán Trung Quốc nhưng chắc chắn sẽ bị nó ngăn. Ông Huỳnh Tấn Mẫm, người có phát biểu trước Nhà Hát lớn hôm nay thuật lại: Thấy rõ ràng là họ muốn phá nhưng phá không được. Thành đoàn thì nó không phối hợp nhưng nó có mặt nó cố ý phá. Không biết từ phía công an hay phía Thành đoàn nhưng rõ ràng là vào giờ chót thì nó lại có phá rối đối với một số anh em phát biểu, có sự giằng co chỗ đó. Mình thấy khí thế quần chúng rất là dữ dội, nhìn chung rất tốt, khí thế quần chúng đang lên quyết tâm phản đối Trung Quốc rất mạnh mẽ. Lúc 10 giờ 30 hơn năm ngàn người đã tập trung biểu tình tại nhiều địa điểm của thành phố HCM. Từng đoàn người kéo ngang Lãnh sự quán Trung Quốc, Nhà văn hóa Thanh Niên ở số 4 Duy Tân và trên các con đường như Võ Thị Sáu, Đồng Khởi cùng vài con đường khác cho thấy khí thế của người dân đã bùng dậy không còn bị kềm chế như trước đây. Trong tất cả các đoàn biểu tình đều có an ninh và thành đoàn thanh niên trà trộn cái răng lược. Người biểu tình đều biết nhưng không cần chú ý và không gây đụng chạm. Những biểu ngữ của nhà nước ghi các dòng chữ như: “Biểu tình bằng lòng yêu nước, không lợi dụng xuyên tạc và kích động bạo lực” chen với một rừng biểu ngữ cầm tay tuy nhỏ bé nhưng mạnh mẽ của nhân dân và các tổ chức dân sự.   Từ Hà Nội Luật sư Hà Huy Sơn có mặt trong đoàn biểu tình cho biết nhận xét của ông: Trước hết cuộc biểu tình này là thành công và theo quan sát của tôi thì cuộc biểu tình này được nhà nước ủng hộ. Tôi cho rằng đây là dịp thức tỉnh cái nhận thức của người dân vể vấn đề chủ quyền cũng như bày tỏ quan điểm trước các vấn đề xã hội của đất nước. Con số người dân tham gia biểu tình vượt trội thành phần nhà nước tại thành phố HCM đã làm các cuộc biểu tình mang một ý nghĩa rất lớn. Những nhân vật bất đồng chính kiến tham dự biểu tình nói với đài Á Châu Tự do họ tin rằng nhân dân sẽ thức tỉnh trước dã tâm thôn tính Biển Đông của Trung Quốc sau những cuộc biểu tình đầy ý nghĩa của ngày hôm nay. Nguồn: rfa.org Hình Internet tổng hợp:   Người biểu tình tại Hà Nội căng tấm băng rôn: “Thủ tướng Đức chỉ cho Tập cận Bình bản đồ TQ không có Hoàng sa Trướng sa” Khu vực chợ Bến Thành Khu vực nhà thờ Đức Bà Hai hình ảnh biểu tình trái ngược Đây là cuộc biểu tình quốc doanh để chụp hình  đăng báo của nhà cầm quyền tại Sài Gòn:  
......

Đức quốc: Người Việt biểu tình chống Trung Quốc xâm lược

Đáp lời sông núi đang thôi thúc kêu gọi, ngày 10.05.2014, Liên Hội Người Việt Tị Nạn tại CHLB Đức cùng phối hợp với  Ủy Ban Điều Hợp Công Tác Đấu Tranh tại CHLB Đức đã tổ chức và mời gọi đông đảo đồng bào tụ về trước Tổng lãnh sự quán Trung cộng tại thành phố Frankfurt, trung tâm tài chính của châu Âu, để tham dự cuộc biểu tình phản đối hành vi xâm lược của bá quyền Bắc Kinh đã cho kéo dàn khoan ngang nhiên vào tận lãnh hải của Việt Nam để hoạt động thăm dò, và còn xấc xược bất chấp công pháp quốc tế.   Cuộc biểu tình bắt đầu lúc 12 giờ trưa bằng nghi thức chào cờ Đức, Việt và mặc niệm. Sau đó đại diện các tổ chức hội đoàn như: Liên Hội NVTN tại CHLBĐ, ông Trịnh Đỗ Tôn Vinh,Ủy Ban Điều Hợp Công Tác Đấu Tranh tại CHLBĐ, ông Nguyễn Thanh Văn,Hội Văn Hóa Phụ Nữ Việt Nam Tự do tại Đức, bà Phương Thị Phi Nga,HNVTNCS Ruhrgebiet, các anh Vũ Duy Minh Khoa, Nguyễn Trần Xuân Phong,HNVTNCS tại Köln, ông Nguyễn Hữu Dõng,Liên Minh Cộng Hòa Việt Nam, ông Vũ Duy Toại,HNVTNCS tại Saarbrücken, ông Tạ Văn Khánh,HNVTNCS tại Nürnberg, ông Bùi Văn Tân,CĐNVTNCS tại Odenwald, ông Lê Trung Ưng,HNVTNCS tại Frankfurt, ông Võ Hùng Sơn,HNVTD tại Krefeld, ông Lê Thanh Vân,Đảng Dân Tộc, ông Trần Phước Thiện, đã lần lược phát biểu trước cuộc biểu tình nói lên cho người dân Đức địa phương biết lý do có cuộc biểu tình hôm nay cũng như bày tỏ sự căm phẩn của mình và tố cáo âm mưu và hành vi xâm lược Việt nam của Trung cộng. Đồng thời cũng tố cáo hành động bán nước của tập đoàn lãnh đạo CSVN, những Lê Chiêu Thống thời nay của VN. Muốn cứu nước thì không còn cách nào ngoài việc gở bỏ chế độ độc tài CSVN hiện nay.   Với một khí thế bừng bừng,  những khẩu hiệu bằng tiếng Đức, Việt và Hoa đã được hô vang  với nội dung: Trung quốc hãy cút khỏi biển Đông, Trung quốc không được đụng tới VN, Đã đảo bọn bành trướng Trung quốc, Trung Quốc phải tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Trung quốc hãy ngưng ngay hành động hung hăng chống lại Việt Nam.  Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam,…   Xen lẫn hô khẩu hiệu những bài hát đấu tranh rực lửa. Trong đoàn người tham dự biểu tình người ta thấy ngoài số đồng bào tại Frankfurt và đồng bào đến từ các tỉnh xa khác như Köln, Krefeld, Stuttgart, Nürnberg, Saarland, Mannheim, Neustadt, Witten,…còn có sự tham dự của nhiều người trẻ, nhóm Điểm Sáng, đảng Dân Tộc, đảng Việt Tân và một số nhân sĩ trí thức tại Đức như Võ sư trưởng Vovinam Nguyễn Văn Nhàn, TS. Dương Hồng Ân, Bs. Trần Huê thuộc Nhóm Diễn Đàn 21,…   Sau khi chấm dứt cuộc biểu tình trước TLS Trung cộng, đoàn biểu tình diễn hành đến Roßmarkt. Trên lộ trình diễn hành đoàn biểu tình đi ngang qua lãnh sự quán CSVN. Ngang đây đoàn biểu tình đã không quên hô to những khẩu hiệu đã đảo tập đoàn lãnh đạo Hà Nội buôn dân bán nước. Cơn mưa chiều cũng bắt đầu kéo tới, nhưng không vì vậy mà làm bớt khí thế của đoàn diễn hành với những khẩu hiệu vang dội. Tại Roßmarkt, Trung tâm thành phố Frankfurt, đoàn biểu tình đã một lần nữa trình bày cho người dân bản xứ biết về bối cảnh của vấn đề. Lên án và tố cáo trước dư luận thế giới hành động bá quyền này của Trung quốc. Khẳng định các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt nam, mà Trung quốc đã cậy thế nước lớn cưỡng chiếm bằng vũ lực quần đảo Hoàng Sa vào ngày 19 tháng Giêng năm 1974 và một số đảo của VN thuộc quần đảo Trường Sa vào ngày 14 tháng Ba năm 1988. Kêu gọi các quốc gia yêu chuộng dân chủ, hòa bình, công lý, văn minh tiến bộ trên thế giới giúp nhân dân Việt Nam, trong việc đòi lại hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa.   Cuộc Mít Tin tại Roßmarkt chấm dứt vào lúc 16 giờ cùng ngày.  
......

Hà Nội: Biểu tình chống TQ đã diễn ra trước sứ quán TQ chiều nay 09-05-2014

17 giờ ngày 09.05.2014: Biểu tình tại ĐSQ Trung quốc ở Hà Nội http://www.radiochantroimoi.com/wp-content/uploads/2014/05/20140509-ctm-...   Mời xem phim - https://www.youtube.com/watch?v=LHKRDr92PpQ Bức xúc trước việc nhà cầm quyền Bắc Kinh, đứng đầu là Tập Cận Bình đã điều giàn khoan khổng lồ cắm sâu vào lòng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, nhiều người dân Hà Nội đã kéo đến Đại sứ quán Trung Quốc, 46 Hoàng Diệu, HN để biểu tình phản đối. Ý đồ xâm lược Việt Nam của bọn bành trướng Bắc Kinh đã hoàn  toàn bộc lộ! Và Việt Nam đã thực sự bị xâm lược! Từ nay, Biển Đông ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Cả một dải biển trời lồng lộng đẹp tươi, đầy cá và tài nguyên có thể rơi vào tay giặc bất kể lúc nào! Trường Sa bị đe dọa! Lý Sơn có thể trở thành bàn đạp để tiến vào đất liền. Toàn bộ Miền Trung và Tây Nguyên, những công trình kiên cố do người Trung Quốc xây dựng và kiếm soát với hàng vạn nhân công trá hình sẽ có thể bất ngờ làm nội ứng, đón tiếp các cuộc đổ bộ.   Tổ Quốc  thực sự lâm nguy! Đoàn biểu tình biểu lộ lòng căm phẫn và thái độ kiên quyết chống xâm lược, buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan phi pháp ra khỏi vùng biển Việt Nam. Đồng thời yêu cầu nhà nước Việt Nam phải có biện pháp mạnh mẽ thích đáng để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.   Những người biểu tình đã hô vang các khẩu hiệu: -Đả đảo Trung Quốc xâm lược! -Đả đảo “đường lưỡi bò” phi pháp! - Trung Quốc cút khỏi Biển Đông! - Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam! Cuộc biểu tình diễn ra trước cửa Đại sứ quán Trung quốc, 46 Hoàng Diệu, HN, trong giờ tan tầm rất đông người qua lại.  Sau đó, những người biểu tình tự giải tán. Nhận được thông tin, phóng viên Trần Quang Thành đã liên lạc với Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện để tim hiểu thêm sự việc. Mời quý thính giả theo dõi sau đây:  http://www.radiochantroimoi.com/wp-content/uploads/2014/05/20140509-ctm-... radiochantroimoi.com
......

Không ai cứu được Việt Nam cả!

Nhìn hình ảnh những chiếc tàu Việt Nam bị tàu Trung Quốc uy hiếp, nhiều người thấy nóng mặt; càng nóng mặt hơn nữa khi thấy những phản ứng đầy tức giận nhưng đồng thời cũng đầy sự kiềm chế đến nhẫn nhục của thủy thủ đoàn Việt Nam. Thật ra, theo tôi, sự kiềm chế tội nghiệp ấy không có gì đáng trách. Việt Nam không còn chọn lựa nào khác. Đánh nhau trên biển, Việt Nam không thể có kết quả nào khác ngoài sự bại trận. Ai cũng biết Việt Nam không phải là đối thủ của Trung Quốc. Trên bộ, còn chơi trò du kích. Ngoài biển khơi, vũ khí và khoa học kỹ thuật quyết định tất cả. Hơn nữa, sự nhịn nhục còn là một chiến thuật cần thiết về phía Việt Nam: Họ cần có thật nhiều hình ảnh để chứng minh với thế giới họ chỉ là nạn nhân chứ không phải là nhữnng kẻ khiêu khích như Trung Quốc tuyên truyền. Tính chất nạn nhân ấy cần một thời gian để tạo ấn tượng mạnh và sâu đủ để thu hút sự đồng cảm, và từ đó, sự ủng hộ của quốc tế. Không nên trách móc nhà cầm quyền Việt Nam trong chiến thuật chịu đựng nhẫn nhục ấy. Điều đáng trách của họ nằm ở chỗ khác: Dường như, với họ, chịu đựng nhẫn nhục là một chiến lược chứ không phải là chiến thuật, nghĩa là có tính lâu dài chứ không phải chỉ tạm thời, trong một vài ngày hay một vài tuần, vài tháng. Bởi, nếu đặt câu hỏi, sau khi đóng vai trò nạn nhân ấy rồi, Việt Nam sẽ làm gì? Nổ súng ư? – Thì chắc chắn cũng sẽ bị đánh giập đầu ngay tức khắc. Chờ đợi quốc tế nhảy vào giúp đỡ để đương đầu với Trung Quốc ư? Câu trả lời đã hiển nhiên: Sẽ không có ai cả. Nhìn lại, người ta dễ dàng nhận ra ngay một sai lầm chiến lược cực kỳ nghiêm trọng của chính quyền Việt Nam: Lâu nay, hầu như mọi người đều biết âm mưu thâm độc của Trung Quốc trên Biển Đông nhưng chính quyền Việt Nam hoàn toàn không có một kế hoạch nào để chuẩn bị và đối phó cả. Thì đành là họ có mua một số tàu ngầm, tàu thủy và vũ khí của Nga. Nhưng số lượng những chiến cụ và vũ khí ấy so với Trung Quốc chẳng khác nào kiến chọi với voi. Điều ai cũng thấy nhưng Việt Nam không hề làm, hoặc nếu làm, chỉ là giả bộ làm: tìm kiếm đồng minh thực sự có đủ sức để giúp đỡ Việt Nam trong trận đấu nhau với Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng lăng xăng đi đây đi đó,  cũng ký hiệp ước này hiệp ước nọ, nhưng thứ nhất, chủ yếu với các nước thuộc loại trung, trong đó, không có nước nào có thể là địch thủ của Trung Quốc cả; thứ hai, quan hệ giữa Việt Nam với các nước ấy vẫn rất hời hợt, không có nước nào tin cậy và thương yêu Việt Nam đủ để có thể nhảy ra chia lửa với Việt Nam trong trận chiến với Trung Quốc cả. Nhưng dại dột nhất là Việt Nam đã không có đủ thiện chí để xây dựng một quan hệ tin cậy với Mỹ, nước duy nhất có khả năng giúp Việt Nam đương đầu với Trung Quốc. Chơi với Mỹ, họ chỉ tính toán những trò lặt vặt, kiểu bắt dân làm con tin, khi nào Mỹ yêu sách thì thả vài người rồi lại bắt vài người khác. Trên các phương tiện truyền thong, thậm chí, trên các diễn đàn chính thức của đảng, thỉnh thoảng vẫn chửi Mỹ, xem Mỹ như kẻ thù, người đứng đằng sau xúi giục cho âm mưu “diễn tiến hòa bình”. Có thể nói, chưa bao giờ Việt Nam cô đơn như hiện nay. Thời kháng chiến chống Pháp, họ được Trung Quốc giúp đỡ; thời chiến tranh Nam Bắc, cả Trung Quốc lẫn Liên Xô giúp đỡ; thời chiến tranh biên giới với Trung Quốc, họ được Liên Xô giúp đỡ. Bây giờ: hoàn toàn không. Đó không phải là một thất bại về ngoại giao mà còn là một thất bại về chiến lược. Hình như không ai thấy, hoặc nếu thấy, họ cũng mặc kệ không thèm làm. Chính quyền Việt Nam không những cô đơn trong quan hệ quốc tế. Họ còn cô đơn trong quan hệ với dân chúng. Suốt bao nhiêu năm vừa qua, họ thẳng tay trấn áp một cách phũ phàng và tàn bạo tất cả những người yêu nước lên tiếng cảnh báo nguy cơ xâm lược của Trung Quốc. Không phải ngẫu nhiên mà dư luận trong nước lâu nay vẫn xem chính quyền chỉ là một bọn nhu nhược hoặc, gay gắt hơn, bán nước. Khi, vì sợ Trung Quốc hay vì muốn bênh vực cho Trung Quốc, họ giang chân đạp thẳng vào mặt những kẻ đi biểu tình chống Trung Quốc, họ hoàn toàn tự cô lập với nhân dân. Bây giờ, ở cái thế vừa cô lập với dân chúng trong nước vừa cô lập với thế giới bên ngoài như vậy, có lẽ chính quyền Việt Nam không có chọn lựa nào khác ngoài việc giả vờ cứng rắn một hồi, lại tiếp tục nhẫn nhục chịu đựng để Trung Quốc muốn làm gì trên Biển Đông thì làm. Mặc kệ. Quyền chức và tài sản của họ vẫn nguyên vẹn. Kẻ thua trận, cuối cùng, là đất nước và nhân dân. Nguyễn Hưng Quốc
......

Biểu tình hay không biểu tình?

Kể từ khi Bắc Kinh cho kéo giàn khoan 981 vào thềm lục địa Việt Nam, đã có nhiều tranh luận gay go trên thế giới mạng về câu hỏi " Có nên biểu tình chống Trung Quốc hay không?". Và khi nhà cầm quyền CSVN len lén tung tin công an sẽ "bảo vệ" cuộc biểu tình ngày 11/5/2014 sắp tới, các tranh luận lại càng gay go hơn. Người viết xin tóm lược một số luận điểm chính đã xuất hiện như sau.   Câu hỏi: "Nên biểu tình lúc này hay chờ xem nhà nước đối phó với Bắc Kinh ra sao?" đã dẫn đến các câu trả lời như sau: ·                     Toàn dân Việt Nam đã xem rất rõ hậu quả của chính sách "đối phó bằng phương thức ngoại giao" của lãnh đạo CSVN suốt từ Hội Nghị Thành Đô 1990 đến nay rồi. Các phản đối ngoại giao, mà chính yếu chỉ nói cho người Việt nghe, đã lập lại quá nhiều lần, từ những vụ cắt cáp 2 tàu thăm dò dầu khí đến hàng trăm vụ bắn, giết, cướp, đánh ngư dân Việt. Đến nay loại phản đối ngoại giao vô dụng đó đã vô tình trở thành lời cam kết là Hà Nội sẽ không làm gì thêm nếu Bắc Kinh  tiếp tục rấn bước xâm lược kế tiếp. Vì vậy, người Việt nên chờ đến bao giờ và hy vọng sẽ thấy gì sau khi chờ đợi? ·                     Hơn thế nữa, việc toàn dân biểu tình, cùng bày tỏ lòng yêu nước là nền tảng bắt buộc phải có cho BẤT KỲ đối sách nào của nhà cầm quyền. Mọi chính sách quốc phòng thành công trong lịch sử Việt Nam đều phải đặt trên nền tảng lòng yêu nước của toàn dân.   Câu tự vấn: "Biểu tình chống Trung Quốc xâm lược thì đem lại ích lợi gì?" cũng đã được trả lời: ·                     Người dân Việt Nam cần biểu tình  để gởi thông điệp cho Bắc Kinh. Đây là thông điệp thực sự chứa đựng sự phẫn nộ tột cùng của dân tộc Việt Nam chứ không phải loại phản đối lấy lệ đã quá nhàm của nhà nước CSVN. ·                     Người dân Việt Nam cần biểu tình để thử nghiệm mức thành thật muốn bảo vệ đất nước của nhà cầm quyền CSVN. Nếu các trò trấn áp xảy ra, toàn dân sẽ thấy rõ lãnh đạo đảng vẫn chỉ quan tâm đến cái ghế cai trị của họ trên hết, nghĩa là muốn tiếp tục giữ chỗ dựa Trung Quốc bất kể tình trạng nguy hiểm đang đối diện đất nước. ·                     Nhưng quan trọng hơn cả, cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược nhằm báo nguy và đánh thức lòng yêu nước của toàn dân vốn đã bị trấn áp trong nhiều năm qua đến độ gần như biến mất. Lòng yêu nước này là nền tảng vô cùng hệ trọng cho mọi nỗ lực bảo vệ đất nước.   Và lo lắng: "Nhưng nếu công an cứ nêu lý do chưa có luật biểu tình để trấn áp thì sao?" được đáp ứng với các luận điểm: ·                     Về mặt đạo lý, công an và giới lãnh đạo đảng KHÔNG CÓ THẨM QUYỀN gì để cấm cản người dân bày tỏ lòng yêu nước. Những hình ảnh trấn áp chỉ cho thấy họ công khai chống lại lòng yêu nước của dân tộc. ·                     Về mặt pháp lý, công an và giới lãnh đạo đảng cũng KHÔNG CÓ THẨM QUYỀN gì để cấm cản. Hiện nay, Việt Nam không có luật qui định việc đọc sách nơi công cộng, qui định việc mỗi ngày dân được ăn mấy bữa, qui định dân phải uống nước bằng ly hay bằng tay, v.v... và có ai chờ khi có các luật đó mới làm không? Nguyên tắc dân được làm tất cả mọi việc mà luật không cấm cũng vừa phát ra từ chính miệng ông Nguyễn Tấn Dũng trong thông điệp đầu năm 2014. Hơn thế nữa, quyền biểu tình là một phần của quyền tự do ngôn luận được ghi trong các văn bản quốc tế về nhân quyền mà Hà Nội đã ký kết, và cũng được công nhận trong chính bản Hiếp Pháp mà đảng CSVN áp đặt lên cả nước. ·                     Do đó, dù công an dùng bất kỳ loại lý cớ nào để trấn áp biểu tình thì chính họ đều biết đó chỉ là ngụy biện và lãnh đạo đảng CSVN biết họ sẽ phải trả giá đắt cho những hành động bạo hành côn đồ của công an đối với người biểu tình yêu nước. Hàng ngàn máy chụp hình của người dân sẽ theo dõi từng hành vi, từng bộ mặt, và từng bảng tên của công an. Nhưng rắc rối hơn, câu hỏi " Nếu nhà nước tổ chức các cuộc biểu tình thì sao, có nên tham gia không?" cũng đã được góp ý: ·                     Nên tận dụng các cuộc biểu tình loại này để giương lên các băng rôn, các biểu ngữ mang thông điệp của những người Việt yêu nước thực sự, chứ không chỉ có những khẩu hiệu phản đối "cầm chừng" của nhà cầm quyền. Cụ thể như những biểu ngữ kêu gọi thả ngay những người yêu nước trong tù ngục; kêu gọi chấm dứt ngay chính sách 16 chữ vàng nguy hiểm; yêu cầu xác định Bắc Kinh là thù hay là bạn; tuyên bố nhân dân Việt Nam đứng cùng nhân dân Trung Quốc chống lại chủ nghĩa bá quyền của giới lãnh đạo Bắc kinh,... Nếu công an giật xé các băng rôn, biểu ngữ của người dân thì hình ảnh đó, một khi lan truyền khắp mạng Internet, sẽ là bằng chứng không thể chối cãi về sự giả tạo của lãnh đạo đảng. ·                     Nhưng quan trọng hơn nữa, loại biểu tình này, dù mang tính biểu kiến, vẫn tạo tiền lệ rất tốt cho các cuộc xuống đường trong tương lai. Những người Việt yêu nước sẽ tiếp tục các cuộc biểu tình trong những tuần, những tháng kế tiếp chứ không làm một lần cho có rồi thôi, như nhà cầm quyền mong muốn. Nếu họ trấn áp các lần biểu tình kế tiếp thì một lần nữa bộ mặt gian dối của lãnh đạo đảng sẽ hiện rõ.   Tóm tắt lại, người yêu nước cần và sẽ khai dụng mọi tình huống để đánh thức lòng yêu nước của đồng bào mình càng nhiều, càng nhanh, càng quí. Tình trạng đất nước đã và đang nguy ngập lắm rồi!
......

Phản đối Trung Quốc là cổ xúy chiến tranh?

Trong vài năm qua, và đặc biệt khi xảy ra việc Bắc Kinh kéo giàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam, nhà cầm quyền CSVN đã cho lực lượng dư luận viên tung ra luận điểm cáo buộc rằng: những ai phản đối Trung Quốc là những người chỉ muốn chiến tranh, muốn đổ máu. Có thể nói ngay rằng sau 2 cuộc chiến điêu linh trong thế kỷ 20 trên đất nước Việt Nam, không người Việt yêu nước nào còn muốn thấy chiến tranh trên đất nước mình. Nhưng sợ hãi chiến tranh đến độ làm ngơ việc từng phần đất nước bị xâm chiếm thì CHẮC CHẮN KHÔNG PHẢI là truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nếu cha ông Việt suốt 5000 năm qua sống khiếp nhược như thế thì đã không còn đất nước và dân tộc Việt Nam trên trái đất này. Thế hệ hiện nay có trách nhiệm đối với xương máu của cha ông đã đổ ra suốt bao đời và trách nhiệm đối với các thế hệ tương lai. Việc nhân danh hòa bình để tránh né trách nhiệm bảo vệ tổ quốc của giới lãnh đạo đảng CSVN là một ngụy biện trắng trợn. Cứ tạm dùng các quan điểm của đảng CSVN để đặt câu hỏi: Tại sao Pháp và Mỹ xâm chiếm Việt Nam thì phải đánh bằng mọi giá, đòi đốt cả dãy Trường Sơn để đánh; còn Tàu xâm chiếm Việt Nam thì bỗng dưng lãnh đạo đảng lại nhất định "duy trì hòa bình" bằng mọi giá? Phải chăng đảng chỉ dùng việc chống ngoại xâm làm phương tiện để lên nắm độc quyền cai trị mà thôi? Còn khi kẻ xâm lược là chỗ dựa để tiếp tục nắm quyền thì mất một phần đất nước cũng chẳng sao? Phản đối Trung Quốc lại càng không đương nhiên là phải có chiến tranh khi còn khá nhiều phương cách  khác nữa để chận đứng bàn chân kẻ xâm lược, từ liên kết với các quốc gia Đông Nam Á để lập phòng tuyến chung chống chủ nghĩa bành trướng, đến vận động cường quốc lớn như Hoa Kỳ vào quân bình thế lực tại Biển Đông, đến kiện Bắc Kinh ra tòa quốc tế như Philippines đang làm, v.v.. Nhưng cho đến nay lãnh đạo CSVN từ khước tất cả các phương thức đó. Qua miệng của chính thứ trưởng quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, nhà cầm quyền CSVN kiên quyết chỉ nói chuyện tay đôi với Bắc Kinh, tức làm đúng  điều mà Bắc Kinh muốn: Việt Nam thương thuyết ở vị thế một đàn em yếu kém và lệ thuộc. Nhưng dù đối phó bằng cách nào đi nữa, dù có chiến tranh hay không, thì nhà cầm quyền CSVN vẫn TRƯỚC HẾT phải làm những việc cơ bản sau đây nếu họ thực sự muốn bảo vệ đất nước: ·                     Ngưng ngay việc cấm cản người dân Việt bày tỏ lòng yêu nước. Chính sách cấm đoán đó vô cùng nguy hại vì nó làm chết dần nền tảng yêu nước của toàn dân. Không một chính sách quốc phòng hiệu quả nào trong lịch sử Việt Nam mà không dựa vào lòng yêu nước của toàn dân. ·                     Thả ngay và xin lỗi những người yêu nước đang bị giam cầm. Không ai có thể tin giới lãnh đạo CSVN thực sự muốn bảo vệ tổ quốc nếu họ cứ tiếp tục giam giữ những người yêu nước chỉ vì sợ những vị này dấy lên được lòng yêu nước rộng khắp trong dân chúng. ·                     Công khai phủ nhận ngay bản công hàm Phạm Văn Đồng. Bản văn vô cùng tai hại này đang làm nền tảng pháp lý cơ bản cho Bắc Kinh lấn chiếm Biển Đông. Ngay cả giàn khoan 981 theo lý luận của Bắc Kinh vẫn nằm trong hải phận 12 hải lý tính từ Hoàng Sa, mà Hoàng Sa đã được công hàm Phạm Văn Đồng xác nhận thuộc lãnh hải lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc. Bản văn đó cũng đang ngăn cản việc Việt Nam kiện Bắc Kinh trước toà án quốc tế. ·                     Và quan trọng hơn hết, ngưng ngay việc làm ngơ cho Trung Quốc lan lấn một cách vô cùng nguy hiểm trên khắp nước Việt Nam và trong guồng máy cai trị từ trung ương đến địa phương. Hiện nay không còn ai biết Bắc Kinh đã và đang giấu những gì ở hàng trăm các khu biệt lập dọc theo biên giới, giữa các tỉnh thành, tại các vị trí chiến lược như Nóc Nhà Đông Dương và hầu hết các cao điểm biên giới. Các đường xa lộ có thể dùng để chuyển quân thẳng từ biên giới Việt Trung vào đến Hà Nội cũng đã xây xong. Và gần đây là các phát hiện về việc các hoạt động chuẩn bị cắt đôi nước Việt Nam ở nơi hẹp nhất khi cần thiết; v.v... Những âm mưu đó nguy hiểm không kém gì việc Bắc Kinh kéo giàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam. Nói tóm lại, phản đối Trung Quốc xâm lược không đương nhiên đồng nghĩa với chủ trương chiến tranh. Loại ngụy biện đó hoàn toàn chỉ là thủ thuật đánh lạc hướng dư luận của những kẻ vẫn còn ôm hy vọng "chỉ chống Trung Quốc vừa đủ để tiếp tục nắm quyền". Điều bất hạnh cho đất nước là Bắc Kinh biết rất rõ và đã tận dụng những hy vọng đó của giới lãnh đạo CSVN trong suốt mấy thập kỷ qua./.
......

Streit um Ölbohrinsel: China auf Konfrontationskurs

Der Streit um die Vorherrschaft im Chinesischen Meer verschärft sich: Chinesische Schlepper haben Küstenwachboote aus Vietnam gerammt, als sich diese einer umstrittenen neuen Ölplattform näherten. Mehrere Menschen wurden verletzt. Hanoi - Im Streit um die Vorherrschaft im Südchinesischen Meer ist es zu einer erneuten Auseinandersetzung gekommen: Chinesische Schiffe griffen am Mittwoch vietnamesische Boote an, als diese die Verankerung einer Bohrinsel verhindern wollten. Die chinesische Hochseeschlepper rammten die fremden Boote und schossen mit Wasserkanonen auf sie. Dabei wurden mindestens sechs Vietnamesen verletzt, zahlreiche Boote beschädigt. ANZEIGE China hatte die Bohrinsel am 1. Mai in das Südchinesische Meer geschleppt. Vietnam hatte daraufhin nach Angaben der dortigen Küstenwache sofort Einheiten zum Schutz der Fischerei entsandt. Nach Angaben eines Offiziellen, der anonym bleiben möchte, wollten die vietnamesischen Schiffe verhindern, dass die Ölplattform an die vorgesehenen Position gebracht wird. Als sich die Vietnamesen der Bohrinsel weiter näherten, wurden sie angegriffen. "Unsere Polizei- und Fischereischutzkräfte haben extreme Zurückhaltung geübt, wir werden das auch weiterhin so machen", sagte der stellvertretende Kommandeur der vietnamesischen Küstenwache, Ngo Ngoc Thu, auf einer Pressekonferenz in Hanoi. "Aber wenn (die chinesischen Schiffe) uns weiter rammen, werden wir uns auf ähnliche Weise verteidigen." Auf der Pressekonferenz wurde auch ein Video gezeigt. Darauf ist zu sehen, wie chinesische Schlepper die vietnamesischen Schiffe rammen und mit Feuerlöschkanonen auf sie schießen.Ein Video der vietnamesischen Küstenwache dikumentiert den Angriff. Darauf zu sehen sind auch die Schäden an den beteiligten Schiffen. USA nennen Chinas Vorgehen "provokativ" China verteidigte sein Vorgehen: Die Ölplattform liege in chinesischen Hoheitsgewässern und das Bohren dort sei daher "normal und legal", sagte eine Sprecherin des chinesischen Außenministeriums. Zuvor hatte das Land erklärt, ausländische Schiffe seien innerhalb eines Radius von 4,8 Kilometern um die Anlage herum verboten. Die Außenministerium der USA bezeichnete die Aktion Chinas als provokativ und nicht hilfreich, die Stabilität in der Region zu erhalten. Erst vor wenigen Tagen hatte US-Präsident Barack Obama die Region besucht und Verbündeten wie den Philippinen seine Hilfe zugesagt. Im Südchinesischen Meer kommt es immer wieder zu ähnlichen Zwischenfällen. Erst Stunden vor der Ausschreitung hatten philippinische Behörden ein Fischerboot aus China gestoppt und die elf Besatzungsmitglieder festgenommen. . China beansprucht praktisch das gesamte Gebiet des Südchinesischen Meeres, in dem große Öl- und Gasvorkommen vermutet werden. Peking liegt daher im Konflikt mit den Asean-Staaten Philippinen, Vietnam, Brunei und Malaysia sowie mit Taiwan. Der Streit hatte bereits 1974 und 1988 zu blutigen Gefechten zwischen China und Vietnam geführt. Die Asean-Staaten werfen Peking vor, zunehmend aggressiv aufzutreten. jbe/AP/
......

Hà Nội: họp báo công khai vụ đụng độ với tàu TQ tại giàn khoan HD-981 trong vùng biển VN

Chiều hôm nay, 7-5-2014, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chính thức mở cuộc "Họp báo quốc tế về việc Trung quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển chủ quyền Việt Nam ở biển Đông". Cuộc họp báo diễn ra lúc 16 giờ với sự tham dự rất đông các phóng viên trong nước và quốc tế. Chủ tọa buổi họp báo, ngoài ông Lê Hải Bình, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao người ta thấy có các ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia; ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng/ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; ông Ngô Mai Thịnh, Cục Kiểm ngư/Bộ NN&PTNT; ông Đỗ Văn Hậu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Theo ông Lê Hải Bình thông tin từ ngày 1 đến ngày 5-5-2014 Trung Quốc đã cho Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đưa giàn khoan HD-981 và nhiều tàu vào hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam. Ngày 2-5-2014, dàn khoan được đưa vào định vị khoan tại vị trí có tọa độ 15o29’ Vĩ Bắc, 111o12’ Kinh Đông, cách bờ  biển Việt Nam khoảng 120 hải lý, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia cho biết ngay sau khi sự vụ xảy ra, phía Việt Nam đã nhiều lần "lên tiếng, trao đổi với phía Trung Quốc, trong đó có tiếp xúc giữa đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam và tùy viên quân sự Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội". Riêng phía Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có "8 cuộc giao thiệp nghiêm túc" với phía Trung Quốc tại Hà Nội và Bắc Kinh. Tuy nhiên, theo ông, tình hình hiện nay hết sức căng thẳng khi Trung Quốc sau đó điều thêm nhiều tàu đến khu vực giàn khoan. Sau đó, phóng viên báo chí được xem những video ghi lại từ hiện trường, cho thấy sự hung hăng và quyết liệt tấn công tàu Việt Nam của các loại tàu Trung Quốc trong những ngày qua tại khu vực giàn khoan HD-981   Theo ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, đến thời điểm hiện nay TQ đã huy động tới 80 tàu các loại, trong đó có 7 tàu quân sự, được nhận diện gồm: tàu hộ vệ tên lửa số hiệu 534 (Giang Hồ II), tàu tuần tiễu tấn công nhanh số hiệu 753...; phối hợp cùng 33 tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính và các tàu vận tải, tàu cá, cùng hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực hàng ngày. Mục đích tham gia bảo vệ cho giàn khoan HD-981 hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam.   Ông Thu cũng xác nhận "một nhóm tàu cá vũ trang và tàu quân sự đã mò vào cách đảo Lý Sơn chỉ có 50-60 hải lý. Khi tàu thực thi pháp luật của Việt Nam ra kiểm tra, ngăn chặn việc xâm phạm trái phép của giàn khoan HD-981, các tàu bảo vệ của Trung Quốc, được sự yểm trợ của máy bay, hung hăng đâm thẳng và dùng vòi rồng áp lực cao phun vào tàu Việt Nam nhằm làm hư hỏng tàu thuyền và các trang thiết bị, gây thương tích cho thủy thủ trên tàu." Cụ thể, theo ông Thu, lúc 8 giờ 10 phút ngày 3-5, tại khu vực cách giàn khoan HD-981 khoảng 10 hải lý, tàu hải cảnh 44044 chủ động đâm thẳng vào mạn phải tàu CSB 4033, hậu quả tàu này bị vỡ ở mạn phải chiều dài 3m, rộng 1m. Cú đâm làm hư hỏng máy phải và các trang thiết bị khác. Sau đó, lúc 8 giờ 30 phút ngày 4-5, đến lượt tàu hải cảnh 44103 của TQ đâm vào tàu CSB 2012, do tàu 2012 đã tăng tốc vòng tránh nên chỉ bị đâm vào đuôi. Ngoài ra tàu võ trang Trung Quốc còn chủ động đâm va, phun nước vào nhiều tàu Kiểm ngư và tàu thực thi pháp luật khác của Việt Nam. Hậu quả làm hư hỏng các trang thiết bị và bị thương 6 kiểm ngư.   Tàu CSB Việt Nam bị tàu Trung quốc dâm vở   Ngay lúc trưa ngày hôm nay, 7-5, trước cuộc họp báo, tàu hải cảnh 3411 của TQ đã tiếp tục đâm vào tàu CSB 8003 của Việt nam, đồng thời sử dụng máy bay vũ trang số hiệu 8321 bay ngay phía trên tàu CSB 8803 để uy hiếp. Đối với các tàu quân sự được trang bị vũ khí đều mở bạt che súng, pháo để sẵn sàng sử dụng bất cứ lúc nào, gây nên tình trạng cực kỳ căng thẳng trên thực địa. Trong khi đó phía lực lượng Việt Nam đã có mặt tại hiện trường hành thực hiện quyền kiểm tra, ngăn chặn hành động xâm phạm trái phép của Trung Quốc, chỉ "phát tín hiệu yêu cầu giàn khoan và các tàu Trung Quốc phải rời khỏi vùng biển Việt Nam" và "kiên trì, kiềm chế trước hành động hung hăng, ngang ngược của các tàu Trung Quốc." Hình ảnh video cho thấy các tàu hải cảnh Trung Quốc ra tay tấn công rất mạnh các tàu kiểm ngư Việt Nam. Đại diện Cục Kiểm ngư VN cho biết, từ ngày 2- 5 tới nay, cứ 1-2 tàu hải cảnh TQ kèm 1 tàu kiểm ngư VN. Có lúc có đến 5 tàu Trung Quốc vây quanh 1 tàu kiểm ngư 762 của VN, tàu 762 bị đâm 4 lần vào mũi. Sau đó còn bị đâm vào mạn làm vỡ cửa kính. Tuy vậy, ông khẳng định là "kiểm ngư Việt Nam sẽ dùng mọi biện pháp đẩy lùi dàn khoan của Trung Quốc."   Video Tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam trong vụ giàn khoan HD 981   http://www.youtube.com/watch?v=PoeD2otc_tk   Trong phần trả lời câu hỏi tại buổi họp báo, ông Ngô Ngọc Thu khẳng định "đến giờ phút chưa có người nào bị chết trên biển. chỉ có 6 kiểm ngư viên Việt Nam bị thương tích phần mềm...", và ông cũng cho biết sẽ tiếp tục bám trụ và giải quyết mọi việc trên biển, "nhưng mọi sự chịu đựng có giới hạn. Nếu tiếp tục đâm vào chúng tôi, chúng tôi cũng sẽ có tự vệ tương tự để đáp lại",  ông Thu nói sau nhiều ngày qua đã bị phía TQ liên tục gây hấn bằng hành động trên .   Liên quan đến thông tin Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam trong những ngày qua đã tạo ra 1 làn sóng phản đối mạnh mẽ trên cả nước trước tình hình đang ngày càng nóng ở Biển Đông. Các tin tức không phối kiểm được đã có những khai triển điều động quân ở nhiều nơi, mục đích chưa rõ tại vài tỉnh thành. Riêng lực lượng Cảnh Sát Biển , lực lượng kiểm ngư Việt Nam đã triển khai lên đường sáng hôm nay 7-5-2014, cũng như điều động thêm các tàu CSB bổ sung ra biển thay cho 1 chiếc bị tàu TQ tấn công gây hư hại nặng. Tin  cũng cho biết đã có 4 chiến sĩ kiểm ngư hy sinh và một vài người khác đang bị thương nguy kịch. Trong khi đó các nhóm xã hội dân sự Việt Nam đã lên tiếng kêu gọi một cuộc biểu tình vào ngày Chủ Nhật 11-5 tới đây để phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, đồng thời kêu gọi Nhà Cầm Quyền có những biện pháp mạnh mẽ hơn, để giải quyết và khẳng định chủ quyền biển. Phía chính quyền cũng ra sức vận động một cuộc biểu tình dưới sự kiểm soát của họ. Theo nguồn tin hãng AP sau buổi họp báo hôm nay, đây bước khiêu khích lớn nhất của Trung quốc trong âm mưu từng bước khẳng định chủ quyền trên biển Đông hiện đang tranh chấp với các nước. Một số nhà phân tích lo ngại một cuộc đụng độ sẽ nổ ra giữa hải quân VN và TQ tại khu vực đang được coi là một điểm nóng của thế giới hiện nay, nếu cả hai bên đều không chịu lùi bước. Nguồn tin trích dẫn lời hai nhà ngoại giao nước ngoài nói Việt Nam đã triển khai 29 tầu tuần duyên và tầu hải quân có trang bị vũ khí tới khu vực gần giàn khoan khi biết đến ý định của Trung Quốc,  trong khi đó theo lời một nhà ngoại giao Trung Quốc tuyên bố "việc Việt Nam triển khai quân được hiểu như là một cuộc 'biểu dương lực lượng' để bắt Bắc Kinh phải rút giàn khoan", nhưng điều này có vẻ khó xảy ra. Trung Quốc đã tuyên bố rằng các tầu nước ngoài không được phép tới gần trong phạm vi 3 hải lý  quanh giàn khoan trị giá 1 tỷ đô la này.  
......

Tuyên bố của Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam

Tuyên bố của Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam về việc Trung Quốc cho giàn khoan HD – 981 và các tàu vũ trang xâm chiếm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam   Ngày 2/5/2014 Trung Quốc đã đưa trái phép giàn khoan HD – 981 vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam,thực hiện một bước đi mới có tính chất đột biến cực kỳ nguy hiểm trong “chiến lược” xâm chiếm Biển Đông đã được hoạch định từ rất lâu của họ. Càng nghiêm trọng hơn là họ đã cho 80 tàu quân sự và hải giám theo giàn khoan tiến vào hải phận Việt Nam, và ngày 3 và 4/5/2014 đã tấn công các tàu ngư chính và cảnh sát biển của Việt Nam làm nhiệm vụ. Đây rõ ràng là hành động xâm lược không thể chối cãi. Ngày hôm nay, Nhà nước Việt Nam đã có những tuyên bố và những biện pháp khẳng định chủ quyền Việt Nam tại vùng biển mà giàn khoan HD – 981 của Trung Quốc tiến vào.   Chúng tôi, những người viết văn trong Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam kiến nghị Nhà nước có những biện pháp cương quyết hơn nữa, không để Trung Quốc thực hiện được “việc đã rồi” theo ý muốn thâm độc của họ. Thái độ cương quyết một cách tỉnh táo của Nhà nước chắc chắn sẽ được sự ủng hộ của toàn dân, là nhân tố vô cùng quan trọng để tạo nên sức mạnh to lớn của đất nước nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Ngược lại, mọi thể hiện nhu nhược hay không minh bạch trước các hành động leo thang trắng trợn của Trung Quốc sẽ khiến lòng dân bất bình, đi đến nguy cơ bất tín nhiệm chính quyền, vô cùng nguy hiểm cho vận mệnh quốc gia. Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam xác định trách nhiệm cùng với mọi tổ chức xã hội dân sự động viên các thành viên của mình sát cánh ủng hộ Nhà nước Việt Nam thực hiện cuộc đấu tranh bằng mọi biện pháp để buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan HD – 981 cùng mọi tàu quân sự và hải giám ra khỏi vùng biển Việt Nam, chấm dứt mọi hành động xâm chiếm đất và biển của việt Nam. Chúng tôi kêu gọi các nhà văn Việt Nam, các nhà văn gốc Việt thuộc mọi quốc tịch, bằng ngòi bút, bằng mọi hành động khác trong khả năng của mình, góp phần cho chiến thắng của chính nghĩa Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông. Chúng tôi kêu gọi các nhà văn Trung Quốc chân chính đứng về phía chính nghĩa, làm cho nhân dân Trung Quốc hiểu rõ sự thực về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, không để nhà cầm quyền Trung Quốc kích động tư tưởng nước lớn nhằm biện minh những hành động bành trướng của họ. Chúng tôi kêu gọi các nhà văn thuộc mọi quốc gia đứng về phía quyền lợi chính đáng của Việt Nam cũng như của các nước nhỏ ở Đông Nam Á trong cuộc đấu tranh chống âm mưu chiếm đoạt Biển Đông của Trung Quốc. Tổ quốc lâm nguy! Con mắt Bạch Đằng, con mắt Đống Đa, con mắt Điện Biên Phủ đang dõi theo mọi hành vi của con cháu hôm nay trong sứ mệnh bảo vệ từng tấc đất, tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc mà cha ông đã dựng chủ quyền qua ngàn năm mồ hôi và máu. Tất cả những người Việt Nam yêu nước, không phân biệt chính kiến,trong giờ phút hiểm nguy này của Tổ quốc hãy đoàn kết một lòng bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.   Hà Nội ngày 7/5/2014 Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam Nguồn:Tuyên bố của Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam về việc Trung Quốc cho giàn khoan HD – 981 và các tàu vũ trang xâm chiếm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam | Văn Việt
......

Giàn khoan HD-981 và những bước tính của Bắc Kinh

Nói về tham vọng của Trung Quốc, thì cả thế giới đều biết, Trung Quốc muốn thống trị thế giới. Tuy nhiên, việc muốn là một chuyện, còn khả năng để thực hiện lại là vấn đề khác.   Có lẽ, trong thế kỷ 21 này, để thực tế hơn, Bắc Kinh chỉ mới nghĩ đến một nửa Thái Bình Dương (Thái Bình Dương). Chính vì vậy, trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 6/2013, trong cuộc tiếp kiến với Tổng thống Barak Obama, Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nói: “Thái Bình Dương đủ rộng cho cả Mỹ và Trung Quốc”. 1. Trung Hoa, một dân tộc bất hạnh Nhân dân Trung Quốc đang bắt buộc phải tôn thờ Mao Trạch Đông, một “nhà lãnh đạo đã giết chết số lượng nhân dân lớn nhất trong lịch sử, tổng cộng là 77.000.000 người, vượt xa người đứng thứ hai là Joseph Stalin với 43.000.000 người”. Rõ ràng, một dân tộc đang phải tôn thờ con người như thế là một dân tộc bất hạnh. Để vớt vát danh dự cho Mao và lý do để việc thờ Mao phần nào được chính danh, Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh giá công trạng của Mao bằng việc thống nhất Trung Hoa và “mở mang bờ cõi” (xâm lược Tây Tạng, Ấn Độ, Ngoại Mông, Hoàng Sa, Trường Sa, lấn biên giới đất liền với các nước xung quanh…). Tuy nhiên, sự bất ổn hiện nay ở Tân Cương, Tây Tạng lại đang là nguy cơ làm tan rã Trung Quốc. Hàng năm, Trung Quốc chi phí để ổn định nội địa còn hơn cả chi phí quốc phòng. Liệu Trung Quốc có thống nhất và ổn định lâu dài? (Không phải ngẫu nhiên mà Mỹ và các nước dân chủ phương Tây, một mặt về ngoại giao vẫn công nhận “một Trung Quốc”, nhưng vẫn công nhận và tiếp kiến thủ lĩnh Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng?! Rõ ràng, vẫn còn hy vọng độc lập đối với các dân tộc Tân Cương, Tây Tạng).   Đường ra phía Tây Thái Bình Dương của Trung Quốc đã bị Nhật Bản, một cường quốc hàng đầu thế giới chặn lại. Lịch sử như không chiều lòng người Hán. Nguồn: Đời sống và Pháp luật Mặc dù có tham vọng chia đôi Thái Bình Dương với Mỹ, nhưng lịch sử nhân loại như có con đường đi riêng của nó. Bản đồ châu Á-Thái Bình Dương cho thấy, toàn bộ cửa ra phía Tây Thái Bình Dương của Trung Quốc, ở ngả Đông Bắc Á, đã bị Nhật Bản một cường quốc hàng đầu thế giới chặn lại. Người Nhật đã xác định rằng nếu để Trung Quốc chiếm được Senkaku, thì rồi sẽ dần mất luôn cả quần đảo Okinawa ở phía Nam. Chính vì vậy, không bao giờ Trung Quốc thực hiện được mưu đồ chiếm Senkaku và do đó, không bao giờ Trung Quốc ra được Tây Thái Bình Dương theo ngả Nhật Bản. Mặc dù hung hăng thành lập “Đường nhận dạng phòng không-ADIZ” ở Đông Bắc Á (biển Hoa Đông), nhưng Bắc Kinh cũng chỉ dám “ôm” Senkaku mà thôi, còn xa mới với đến quần đảo Okinawa của Nhật. Vậy thì lấy đâu ra con đường ra Tây Thái Bình Dương và muốn đến Hawaii của Mỹ và “chia đôi Thái Bình Dương”! 2. Tại sao Bắc Kinh lại đưa giàn khoan HD-981 ra Biển Đông ở thời điểm này? Trong bài “Vì sao Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ vào Biển Đông?”, Thiếu tướng Lê Văn Cương, cựu Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an, cho biết:   “Việc đưa giàn khoan HD-981 vào Biển Đông tại thời điểm này cho thấy Trung Quốc đã có một sự tính toán rất kỹ. Đây là thời điểm cả Mỹ và Nga đang tập trung vào Ukraine. Ngoài ra, việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào Biển Đông còn có tác động lớn từ Hoa Kỳ. Cụ thể, trong các chuyến đi thăm Trung Quốc vừa rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố Mỹ sẽ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Nhật Bản theo Hiệp định an ninh Mỹ-Nhật ký năm 1960. Đặc biệt là chuyến công du 4 nước châu Á vừa qua của Tổng thống Mỹ, ông Obama đã tuyên bố Mỹ sẵn sàng bảo vệ đồng minh Nhật Bản về an toàn lãnh thổ trong đó có cả quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư). Khi đã lật bài ngửa như vậy, Trung Quốc sẽ chưa dám làm gì ở Senkaku trong khi trước đó, Mỹ không có thái độ rõ ràng về vấn đề này. Trung Quốc chỉ nắn gân từng nước nhưng trước thái độ rõ ràng như vậy của Mỹ, Trung Quốc sợ và không dám động đến Nhật Bản và Mỹ. Và khi không dám động đến Mỹ và Nhật Bản thì Trung Quốc quay ra Biển Đông. Bản chất của Trung Quốc không thay đổi, luôn muốn làm bá chủ Biển Đông”. Theo người viết bài này, nhận xét trên đây của Thiếu tướng Lê Văn Cương là đúng, tuy nhiên mới chỉ là “yếu tố bên ngoài”; ngược lại, quan hệ hai nước Việt-Trung, mới là nguyên nhân chính. Lý do quan trọng nhất để Bắc Kinh hành động ở thời điểm này là Việt Nam đã phụ thuộc sâu vào Trung Quốc ở hầu hết các lĩnh vực then chốt, gồm: kinh tế, chính trị, ngoại giao. Từ sau hội nghị Thành Đô (1990), Bắc Kinh đã khéo léo buộc Việt Nam phải phụ thuộc gần như hoàn toàn. Biết rằng, bán tài nguyên thô là tàn phá đất nước, trước sau rồi cũng sụp đổ, nhưng tại thời điểm này, nếu không khai thác bán cho Trung Quốc, thì kinh tế Việt Nam sẽ hết sức khó khăn. Hiện tại, Việt Nam không có bất cứ một cơ hội để đáp trả hoặc làm trái ý Bắc Kinh, ngoài việc chiếu lệ phản đối qua phát ngôn trên truyền hình, báo chí.   3. Bước ngoặt và sai lầm lịch sử Ngay sau khi báo petrotimes.vn, vào tối ngày 04.5.2014 đưa tin: “Trung Quốc ngang ngược kéo giàn khoan khổng lồ vào vùng biển Việt Nam”, thì cộng đồng mạng Internet Việt Nam đã dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ. Sự kiện này nhìn từ phía Trung Quốc, có thể xem là bước ngoặt lịch sử trong việc “hiện thực hóa” cái gọi là “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đã trình Liên Hợp Quốc cách đây đúng 5 năm (07.5.2009-07.5.2014), có thể được ví như sự kiện Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma vào ngày 14.3.1988. Ngày 04.5.2014, báo Thanh Niên đã đặt câu hỏi: “Trung Quốc định xây dựng sân bay trái phép trên đảo Gạc Ma?”. Thật dễ hiểu, Trung Quốc đã và đang hút cát, xây tường bao và biến Gạc Ma thành một tàu sân bay thực thụ, làm tiền đề khống chế và xâm lược Trường Sa trong tương lai. (Tại cảng Vũng Áng, dân Hà Tĩnh cho biết, Trung Quốc dùng tàu hút cát đắp lấn biển rộng thêm 300 ha (theo quy hoạch), chỗ đắp sâu nhất là 15 m; tạo luồng cho tàu ngầm có thể vào khu vực này được, những đường hầm mà ô tô tải hai chiều chạy băng băng như báo chí đưa tin, cho ta khẳng định hệ thống ngầm ở khu vực Vũng Áng ở trong đất liền và ngoài biển là rất khó tưởng tượng). Như vậy, tại Trường Sa, việc hút cát là vừa đắp làm sân bay, vừa tạo luồng cho tàu cỡ lớn, kể cả tàu ngầm vào được. Nếu nhớ rằng Trung Quốc dự tính đầu tư 5 tỷ USD để xây căn cứ quân sự ở Trường Sa thì không có gì là khó hiểu cả. Một lần nữa, cùng với việc để mất Gạc Ma hơn 25 năm trước, và để Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đến gần 150 km, đây là một thất bại mang tính lịch sử của Việt Nam.   Theo thông tin của Hải quân Việt Nam, Trung Quốc đang huy động nhiều phương tiện, thiết bị để mở rộng căn cứ quân sự trên đảo Gạc Ma, thuộc cụm đảo Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Họ đang nạo xúc đá san hô, mở một luồng lớn cho tàu vào đảo, đồng thời đổ cát tạo thành một bãi nổi dài 500m, rộng 200, cao 4-5m. Nguồn: FB Nguyễn Văn Đài   Để Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đến gần 150 km, là một thất bại mang tính lịch sử của Việt Nam. Nguồn: petrotimes.vn Có thể nói, sự kiện ngày 04.5.2014, Trung Quốc cho đặt giàn khoan HD-981 vào sâu đến 89 hải lý (148 km), phía trong đường đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, họ đã thực hiện được các mục tiêu: 1. Họ xâm lược Việt Nam không cần súng đạn; tạo tiền lệ để từng bước thực hiện ở các nơi khác, tiến đến thực hiện đầy đủ theo “đường lưỡi bò”. 2. Họ nắm chắc được rằng Việt Nam chỉ phản đối chiếu lệ mà không kiện ra tòa án quốc tế, hoặc không tuyên bố dùng giải pháp quân sự để buộc Trung Quốc rút lui, có nghĩa là Việt Nam đã chấp nhận đầu hàng để mất vùng biển tại khu vực giàn khoan HD-981 hạ thủy (tọa độ 15 độ 29’58” vĩ Bắc-111độ 12’06” kinh Đông) trở ra đường 200 hải lý. 3. Bắc Kinh sẵn sàng và đã xé bỏ các công ước quốc tế về biển (ngược lại, đây là điểm yếu mà Bắc Kinh không biện minh được, và các nước có cơ sơ để kiện và người Mỹ có lý do để can thiệp). 4. Đâu là hy vọng cho người Việt Chưa bao giờ lịch sử Việt Nam lại trớ trêu và đen tối như hiện nay. Mặc dù vậy, không bao lâu nữa, giai đoạn này sẽ qua đi, và cơ hội để giành lại những gì đã mất ngoài Biển Đông vẫn chưa phải là hết đối với người Việt. Bởi vì hành động của Trung Quốc là hành động xâm lược, chà đạp lên luật pháp và công ước quốc tế. Nếu như Trung Quốc không có đường ra Tây Thái Bình Dương ở ngả Nhật Bản, thì Trung Quốc cũng không có đường ra ở ngả Đông Nam Á, bởi vì, vì sự sống còn của mình, người Việt được sự trợ giúp quốc tế sẽ lại vùng lên. Và như vậy, Việt Nam và Nhật Bản, là hai quốc gia sẽ chặn đường ra biển của Trung Quốc, trong mưu đồ bá chủ đại dương của họ. Không chỉ bị thế giới đề phòng, sự bất ổn hiện nay ở Tân Cương, Tây Tạng trong nội địa Trung Quốc, lại đang là nguy cơ làm tan rã Trung Quốc. Một thể chế chính trị mà các quan tham nhũng bằng nhiều cách để vơ vét, để rồi sau đó thi nhau chạy trốn ra nước ngoài sinh sống, thì thể chế đó chắc chắn sẽ sụp đổ. Biết được nguy cơ ngày, Tập Cận Bình đã rất mạnh tay trong việc chống tham nhũng (gọi là “đập ruồi, đả hổ”), nhưng còn duy trì chế độ cộng sản thì ông ta nhất định sẽ thất bại. Hơn lúc nào hết, người Việt hãy tìm cho mình một hướng đi trước Bắc Kinh, để tránh một sự sụp đổ như đã được báo trước. 05.5.2014 H. M. Nguồn: boxitvn.blogspot.de
......

Ông thủ tướng lại không yên?

Việc nhà đương cục Trung Quốc kéo giàn khoan thăm dò dầu khí vào trong vùng biển Đông - cách đảo Lý Sơn của Việt Nam chỉ trên 200km, hôm 02/5/2014 - trở thành sự kiện vô cùng nghiêm trọng đối với Việt Nam, dù không mấy ai ngạc nhiên, với cung cách "giao thiệp bên ngoài" của nước CHXHCNVN. Nó nghiêm trọng không chỉ vì Trung Quốc tỏ rõ tham vọng xâm lược biển đảo Việt Nam, mà còn ở chỗ, chỉ cách 3  hôm sau "người ta" bắt ông Nguyễn Hữu Vinh - chủ trang web nổi tiếng Basam.info - người có quan điểm chống giặc phương Bắc quyết liệt.   Nhiều người gắn kết hai việc này với nhau, trong đó một số coi như là hành động "mềm nhũn" trước ngoại xâm phương Bắc từ phía nhà cầm quyền nước CHXHCNVN. Vụ bắt Anh Ba Sàm Xin phép gọi ông Nguyễn Hữu Vinh vừa bị bắt bằng bút danh để tránh lẫn lộn hay nhầm lẫn với ông J.B Nguyễn Hữu Vinh (một người Công giáo, một blogger). Nêu rõ việc này, vì dạo qua một số diễn đàn, trong đó có những diễn đàn không mấy thiện cảm với phong trào dân chủ - nhân quyền, không biết vì vô tình hay hữu ý, một số ý kiến lầm lẫn giữa người này thành người kia bởi có cùng họ tên, nhưng nhân thân hai nhân vật này hoàn toàn khác nhau. Trên trang CAND,  bản tin với giọng điệu cộc lốc [1] cho biết blogger Anh Ba Sàm và cô Nguyễn Thị Minh Thúy bị bắt, với cách gọi trống không "họ tên" của hai vị này. Vô lễ hơn, khi tờ CAND gọi họ bằng chữ "đối tượng" - một cách miệt thị, cách gọi này vi phạm Quyền Con Người. Cần nhớ, cho tới nay hai người này vẫn còn nguyên vẹn quyền công dân cho tới khi nào, (ít nhất) có quyết định khởi tố bị can, lúc đó cũng chỉ nên gọi hai công dân này là: Bị can. Giới công an nói riêng và giới cầm quyền nói chung phải dẹp bỏ cách gọi như thế từ trong suy nghĩ hỗn xược đối với dân, từ lâu ăn sâu vào "tâm khảm". Không những thể hiện văn hóa rất kém, tờ CAND còn tỏ ra thiếu hiểu biết tối thiểu pháp luật, bằng cách viết: "...Theo cơ quan An ninh điều tra, hai đối tượng trên đã có hành vi đăng tải các bài viết trên mạng Internet nội dung xấu, thông tin sai lệch làm giảm uy tín, mất lòng tin trong nhân dân về cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, công dân, quy định tại Điều 258 – Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...". Một tờ báo không được phép "kết tội" bất kỳ ai, cho dù là "kết tội" ăn... "theo cơ quan An ninh điều tra", bất chấp đó là báo CAND - "cơ quan của đảng ủy công an trung ương và bộ công an". Hơn nữa, khi báo CAND cho biết ý kiến trên là của "cơ quan an ninh điều tra", chứng tỏ "cơ quan này" đã tiết lộ bí mật công tác (theo quy định tại điều 286, 287 Luật hình sự), bởi mới vừa bắt khẩn cấp với những dấu hiệu ban đầu được cho là phạm vào điều 258, chưa điều tra, kết luận rõ ràng lại vội vàng công bố cho một tờ báo. Như thế nó càng thể hiện tính tùy tiện, bất chấp pháp luật của giới công an bấy lâu nay. Thêm vào đó, khái niệm "bắt khẩn cấp" sử dụng khi nào? Theo điều 81 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định:   Điều 81. Bắt người trong trường hợp khẩn cấp 1. Trong những trường hợp sau đây thì được bắt khẩn cấp: a) Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; b) Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn; c) Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ. Đối chiếu với những gì mà báo CAND đăng so với khoản 1 điều 81 Luật TTHS, cho thấy việc bắt blogger Anh Ba Sàm và cô Nguyễn Thị Minh Thúy không thỏa đáng: 1- Nếu bị quy kết phạm vào điều 258, tức không thuộc khái niệm "tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng" - mục a. 2- Không có "người bị hại" nào với tư cách "chủ thể bị xâm phạm" và càng không có "người có mặt" nào "chính mắt trông thấy và xác nhận" việc hai người này làm điều gọi là "tội phạm" - mục b.   3- Cả blogger Anh Ba Sàm và cô Minh Thúy không cho thấy "dấu vết" gì cả, bởi vì khi dùng chữ "dấu vết", tức đồng nghĩa người bị nghi phạm tội đã "bỏ trốn" hay chứng cớ đã "phá hủy" xong và còn rơi rớt "chút ít" gì đó, trong khi những bài điểm tin, những câu bình luận (nếu có) đầy trên basam.info (trước đây) từ lâu. Thêm vào đó, họ vẫn ở sờ sờ tại Hà Nội với địa chỉ rõ ràng do chính báo CAND chỉ ra, tức là họ không việc gì phải "trốn" và càng không thỏa đáng với cụm từ "tiêu hủy chứng cớ" đặt trong điều kiện cần và đủ với cụm từ "...người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn...". Với thời buổi internet hiện nay, nếu có thể gọi là "chứng cớ" - nó vẫn còn nguyên đó, ngay trên basam.info. Thậm chí giả sử việc bắt 2 người này có liên quan đến trang Dân Quyền và Chép Sử Việt, giới công an cần phải bằng mọi cách, khôi phục ngay lập tức 2 trang đó để chứng minh cái gọi là "chứng cớ" có liên quan. Ai đã phá và ngăn chận hai trang này, ngay trong hôm bắt giữ 2 blogger nói trên?   Anh Ba Sàm Với nhân thân từ lâu mọi người đều biết và thường gọi thuộc thành phần "con của công thần", Anh Ba Sàm được nhìn với tư cách [2] "...cực kỳ hiểu biết, thông minh, có học và không háo danh, không cơ hội..." như nhà báo Đoan Trang nhận định. Anh Ba Sàm còn là người [2] "...hành xử như một trí thức, một công dân có trách nhiệm với tương lai của đất nước. Chỉ riêng trong lĩnh vực báo chí, anh đã có một sự nghiệp mà không mấy nhà báo Việt Nam nào làm được...." - nhà báo Huy Đức nhận xét. Blogger Anh Ba Sàm xuất hiện nhiều lần trong các cuộc biểu tình chống giặc phương Bắc tại Hà Nội cũng như theo dõi, đưa tin sát sao, nóng bỏng về các cuộc biểu tình tương tự tại Sài Gòn. Hôm 09/12/2012, cuộc biểu tình chống Trung Cộng diễn ra tại Sài Gòn, nhà thơ Đỗ Trung Quân cho biết [3]: "...an ninh thường phục xuất hiện ngay bên cạnh “ anh Q ! tôi nói chuyện “ trong tíc tắc tôi nghĩ thầm an ninh sài gòn cực giỏi, góc khuất thế, sau tấm rèm che mà vẫn túm được tôi...". Sau đó, nhà thơ Đỗ Trung Quân hiểu ra sự "cực giỏi" của công an [3]: "...Giờ đọc anh Ba Sàm tôi mới than trời biết được cái lý do mình bị phát hiện nhanh đến thế .ối anh Ba Sàm ôi ! anh đưa tin thế này có khác gì chỉ chỗ tôi khi họ vẫn theo dõi web của anh từng phút hôm nay: Nhà thơ Đỗ Trung Quân từ KS Continental-Saigon điện thoại cho biết...". Anh Ba Sàm, ngoài nhận định như nhà báo Đoan Trang và Huy Đức, cũng được biết từng là thiếu tá an ninh A25 được đào tạo bài bản, lăn lộn nhiều năm cùng với việc mở công ty thám tử tư và từng được mời dự các hội thảo do phía cầm quyền tổ chức như [4]: Hội thảo “Tác động của truyền thông xã hội lên tác nghiệp báo chí” vào ngày 24-12-2012 và hội thảo "Bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử của các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, hải đảo và chủ quyền quốc gia thời hiện đại" ngày 9-3-2014. Vụ bắt bà Bùi Thị Minh Hằng Trang Dân Luận dẫn bài của facebooker Trần Thị Cẩm Thanh [5], tường thuật việc con trai bà Bùi Thị Minh Hằng tổ chức kêu gọi mọi người ký tên để kêu oan cho mẹ mình, bị bắt giữ vô pháp kể từ hôm tháng 2/2014 đến nay. Trong đó, cho thấy một tấm ảnh với những dòng chữ: "Ủng hộ xăng cho Bùi Hằng", "Bùi Thị Minh Hằng là rác rưởi xã hội". Những "bảng hiệu" này do vài thanh niên trẻ với vẻ mặt tự tin xuất hiện trước ống kính không e dè. Nơi diễn ra vụ việc là tại Hà Nội vào sáng ngày 04/5/2014. Trong bài tường thuật cho biết, lực lượng công an xuất hiện rất nhiều và vẻ như vô tình ngó lơ việc nhiều kẻ mặc thường phục, công khai uy hiếp, mắng nhiếc và đòi hành hung con trai của bà Hằng. Hành vi này cùng những "bảng hiệu" khiêu khích đầy tính "kích động bạo lực" nói trên, khiến người ta liên tưởng đến cụm từ "bảo kê" hoặc "dung dưỡng" ngay giữa lòng Thủ đô Việt Nam, khiến người quan sát không thể không nhắc lại tính chất "cát cứ địa phương" - một đặc tính tồn tại dai dẳng bao năm qua trên hầu hết các tỉnh thành nước CHXNCNVN. Bà Bùi Thị Minh Hằng cũng từng bị "di lý" từ Sài Gòn ra Hà Nội, từ đó bị nhốt tù oan 5 tháng và sau đó được trả tự do. Liên quan đến việc trả tự do không rõ ràng, bà Hằng theo đuổi vụ kiện Nguyễn Thế Thảo một cách kiên trì [6]: "...Tôi sẽ kiện cho đến ngày hoặc là TÔI hai là Nguyễn Thế Thảo không còn có mặt trên cõi đời này nữa...". Trước đó, việc bắt bà Hằng vô cớ và trả tự do vô duyên, được blogger Anh Ba Sàm cho hay [7]: "...Dấu hỏi về vụ bắt giữ này, liệu có phải là một cái tát của đối thủ chính trị muốn làm mất mặt ông thủ tướng (?), đã được làm rõ hơn khi chỉ ít lâu sau, đích thân thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công an phải làm thủ tục trả tự do cho Bùi Hằng “vô điều kiện”. Không những ông thủ tướng đich thân ra lệnh, mà thông tin quanh mệnh lệnh của ông, rồi chính quyền Hà Nội có vẻ như cố tình trì hoãn, lại như còn được “rò rỉ” một cách nhanh chóng và khác thường ra bên ngoài qua một đài phương Tây nữa". Từ bấy đến nay, không biết chứng cớ nào có thể làm cho blogger Anh Ba Sàm khẳng định "đích thân thủ tướng" yêu cầu thả bà Hằng?   Ông Thủ tướng lại không yên? Hà Nội - Thủ đô của nước CHXHCNVN - với giàn lãnh đạo chủ yếu: ông Phạm Quang Nghị (về mặt đảng) - ông Nguyễn Thế Thảo (về mặt chính quyền) - ông Nguyễn Đức Chung (về mặt công an). Nơi đây, vừa qua vợ chồng ông Nguyễn Bắc Truyển bị hành hung công khai, khi đến Đại sứ quán Úc để trình bày về vi phạm nhân quyền của giới cầm quyền Lấp Vò - Đồng Tháp. Tại địa phương này, như Anh Ba Sàm cho biết "...đích thân thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công an phải làm thủ tục trả tự do cho Bùi Hằng", người ta cũng biết Viện Toán cao cấp vẫn đang phải tốn kém đi thuê địa điểm làm văn phòng, bất chấp Thủ tướng yêu cầu Hà Nội có nhiệm vụ cấp đất cho Viện Toàn này làm dự án từ hơn 3 năm qua.   Nơi đây cũng đang tranh chấp đất đai với nhà thờ Thái Hà mà Nguyễn Đức Chung - Giám đốc công an Hà Nội, cho biết vẫn còn rất nhiều "đất đẹp" do tình hình bất động sản đóng băng. Từ đó ông Chung gợi ý phía Nhà Thờ làm đơn xin đất để giải quyết cho vấn đề "mượn rồi không trả" thuộc về lịch sử người cộng sản "để lại", nên giờ này rất khó để "trả", cho nên các vị Linh Mục cần chuyển từ "đòi" qua "xin" sẽ hợp "đạo lý" hơn (!). Trong khi chờ đợi, Nhà thờ Thái Hà vẫn hay bị "kiểm tra hành chính" [8], ví như vào tháng 2/2014. Việc "kiểm tra" lại không có lý do, nên người ta gọi là "quấy phá" chốn linh thiêng. Hôm 29/4/2014, với tình hình giải ngân vốn rất chậm chạp cho tất cả các dự án trên toàn quốc, báo Thanh Niên cho biết [9]: "...Thủ tướng cũng phê bình lãnh đạo Hà Nội là địa phương có nhiều dự án chậm bàn giao mặt bằng, khi báo cáo xong không ở lại nghe ý kiến chỉ đạo của Chính phủ”.   Không lẽ "rừng nào cọp đó" vẫn tồn tại trong thế kỷ 21, tại Việt Nam - nơi mà  "rừng vàng" không còn và "biển bạc" gần như mất  với cả nghĩa đen và nghĩa bóng? Kết   Đối mặt với: - Phiên đối thoại Nhân quyền Việt - Mỹ ngày 12/5/2014, - Hơn 200 yêu cầu từ kỳ UPR vừa qua, chờ hồi đáp vào tháng 6/2014,   - Nhu cầu được gia nhập TPP, - Một số tù nhân lương tâm vừa được trả tự do, - Nền kinh tế có nguy cơ vỡ nợ, - Lòng dân ngày càng mất hẳn tin tưởng vào chế độ với nhiều biểu hiện vùng lên tự phát, - Áp lực thế giới cùng người dân trong nước và người Việt hải ngoại đòi xã hội tự do dân chủ, - Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng và chủ yếu nhằm bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và những giá trị văn hóa, lịch sử, đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch".   - Đặc biệt,  việc Trung Quốc kéo giàn khoan thăm dò vào biển Đông... ..."bắt khẩn cấp" blogger Anh Ba Sàm và Nguyễn Thị Minh Thúy, có vẻ tỏ ra "nóng vội", thiếu tỉnh táo với "điều 258" - tội danh không có gì là nghiêm trọng, nó trở nên quá khẩn trương trong tình hình "giữa muôn trùng vây" - đó chẳng lẽ là cách mà chính phủ nên "ưu tiên" hành động "khẩn"? Có lẽ do vậy mà người ta đang bàn tán xôn xao về kế sách "tá đao sát nhân"? Tuy nhiên, với nhận định cá nhân, người viết cho rằng 2 kế sách "Sấn đả hỏa kiếp" và "Man thiên quá hải" có vẻ phù hợp hơn trong việc bắt giữ 2 blogger nói trên?   Vụ việc vẫn còn quá sớm để đưa ra nhận định xác đáng hơn, cho đến khi nào "quyết định khởi tố" được biết, thay vì thông tin "cụt ngủn" và bí ẩn như báo CAND đưa tin? Nguyễn Ngọc Già [1] http://www.cand.com.vn/vi-VN/bandoc/2014/5/230207.cand [2]http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/05/140506_anh_ba_sam.shtml [3] http://huynhngocchenh.blogspot.com/2012/12/sai-gon-mit-tinh.html [4] http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/y-basam-arrested-05062014051937.html [5] http://www.danluan.org/tin-tuc/20140506/tran-thi-cam-thanh-an-ninh-triet... [6] http://danoanbuihang.blogspot.com/2013/10/co-le-toi-se-lai-phai-ra-cong-... [7] http://www.basam.info/2013/06/03/tin-thu-hai-03-06-2013/#more-103189 [8] http://vhtttg.blogspot.com/2014/02/khan-cap-ca-ha-noi-tan-cong-thai-ha-n... [9] https://vn.news.yahoo.com/ph%E1%BA%A3i-gi%E1%BA%A3i-ng%C3%A2n-v%E1%BB%91... Nguồn: http://12bennuoc.blogspot.com.au/2014/05/ong-thu-tuong-lai-khong-yen.htm...
......

Minh Bạch Với Nhân Dân

Không đơn giản để kéo một giàn khoan cỡ lớn cả tỷ đô la vào một vùng biển rồi kéo ra như một con thuyền khi bị nước chủ nhà la lối. Đây là loại giàn khoan chỉ đóng cho một vị trí khai thác dầu khí, vị trí này được khảo sát, thăm dò vô cùng phức tạp, công phu, mất nhiều thời gian, mất hàng năm, sau đó mới quyết định đóng giàn khoan thích ứng cũng phải mất hàng năm trời. Như thế, việc Trung Quốc cho kéo giàn khoan khủng vào vùng biển chủ quyền Việt Nam không phải là hành vi "bất ngờ hồ đồ", tất cả đều đã chuẩn bị từ mấy năm trước. Nếu suy luận trên là đúng thì việc hô to phản đối, quan ngại với lại cái gì đi nữa cũng chỉ là trò diễn. Điều cốt yếu lúc này là phải có ngay những ý kiến chất vấn mạnh mẽ của đại biểu Quốc hội- đại diện nhân dân với cơ quan nhà nước rằng: Có hay không một sự thỏa thuận từ trước? Nhân dân cần sự minh bạch: Hợp tác? Đổi? Lợi ích Quốc gia được và mất? Nếu tất cả những điều đó không xảy ra mà thực sự là hành vi xâm phạm chủ quyền thì phải vây, đuổi tới cùng- đơn giản không chỉ là ý chí chủ quyền mà ngay cả Luật pháp quốc tế cũng chỉ rõ như vậy. Mần đi! Cu Vinh cuvinhkhoailang.blogspot.com ****** Hà Nội phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan nổi vào vùng biển Việt Nam Theo nguồn tin báo chí trong nước, hôm qua 4/5/2014, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào vùng Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam.   Vào ngày 02/05/2014, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ra thông cáo cho biết  Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc ( CNOOC) đã đưa giàn khoan nổi Hải Dương 981 vào vị trí cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý (có tọa độ 15029’ vĩ Bắc, 111012’ kinh Đông), nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Cục Hải sự Trung Quốc, cũng đã xác nhận giàn khoan HD – 981 của họ đang tiến hành các hoạt động khoan tại tọa độ nói trên. Ngày 04/5/2014, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có thư gửi Chủ tịch và Tổng giám đốc của Tổng Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc cực lực phản đối hành động này và kiên quyết yêu cầu Tổng Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Trả lời báo chí về hành động nói trên của Trung Quốc, ngày 04/05/2014, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình khẳng định vị trí tọa độ hoạt động của giàn khoan dầu Trung Quốc « nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý ». Ông Lê Hải Bình tuyên bố « Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển của Việt Nam khi chưa được phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị, Việt Nam kiên quyết phản đối ». Cũng trong ngày hôm nay,  trang tin Vietnamnet ở trong nước dẫn các nguồn tin báo chí Đài Loan cho biết quân đội Trung Quốc đang chuẩn bị xây dựng một cơ sở quân sự tại Gạc Ma, một đảo nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1988. Theo các nguồn tin trên, Trung Quốc có thể sớm xây dựng một sân bay mới trên đảo Gạc Ma để tăng cường khả năng triển khai lực lượng ở Biển Đông. Phát ngôn viên Lê Hải Bình, hôm qua một lần nữa khẳng định : « Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình được xác định phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 ». Nguồn: viet.rfi.fr  
......

Điều 258 và Bộ Công an đang trấn áp quyền Tự Do Ngôn Luận

Bản lên tiếng của MLBVN về việc blogger Anh Ba Sàm - Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thuý bị bắt khẩn cấp Vào ngày 5 tháng 5 năm 2014, Cơ quan An ninh điều tra (CQANĐT) thuộc Bộ Công an đã thực hiện lệnh khám xét và bắt khẩn cấp đối với hai công dân là ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy. Trong đó, ông Nguyễn Hữu Vinh là một blogger nổi tiếng được nhiều người biết đến với tên gọi Anh Ba Sàm và là người sáng lập trang web basam.info đã đóng góp rất nhiều cho Tự do Ngôn luận tại Việt Nam.   Trước hành vi bắt người dựa trên sự suy diễn và áp dụng tùy tiện Điều luật 258 như trên, Mạng lưới Blogger Việt Nam (MLBVN) có những nhận định như sau: 1. Nếu ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy bị bắt với lý do "đã có hành vi đăng tải các bài viết trên mạng Internet nội dung xấu, thông tin sai lệch làm giảm uy tín, mất lòng tin trong nhân dân về cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, công dân” thì: - CQANĐT có trách nhiệm phải chỉ rõ và chứng minh những bài viết nào của hai công dân trên có "nội dung xấu" và đưa ra những tiêu chuẩn làm căn cứ cho kết luận đó. - CQANĐT có trách nhiệm phải chứng minh uy tín của "cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội" đã bị giảm đi vì các bài viết được đăng tải bởi hai công dân này. - CQANĐT có trách nhiệm phải chứng minh lòng tin trong nhân dân về "cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội" đã bị mất chỉ vì các bài viết được đăng tải bởi hai công dân này. 2. Tòa án phải là cơ quan sau cùng, dựa trên pháp luật và công lý, phán xét và xác nhận rằng, liệu nhà nước, tổ chức xã hội đã thực sự bị giảm uy tín, bị mất lòng tin trong nhân dân vì những bài viết của ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy hay không?   3. Mạng Lưới Blogger Việt Nam tuyệt đối tin rằng ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy chỉ thể hiện quyền tự do ngôn luận của công dân được quy định bởi Hiến pháp Việt Nam, được công nhận bởi các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký, bởi những giá trị phổ quát mà Việt Nam trong vai trò là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã cam kết tôn trọng và thực thi. Sau các blogger Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất, Đinh Nhật Uy... ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy là hai nạn nhân mới nhất của Điều 258 và sự áp dụng điều luật này một cách tùy tiện của Bộ Công an. 4. Mạng Lưới Blogger Việt Nam quan ngại rằng với sự tiếp tục bắt giam tùy tiện này vẫn tiếp diễn, bất kỳ công dân Việt Nam nào đang thể hiện quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam cũng có thể bị "bắt khẩn cấp" vì sự lạm quyền và tùy tiện của Bộ Công an. Do đó, Mạng Lưới Blogger Việt Nam kêu gọi các thành viên và các bạn blogger: 1. Hãy cùng xem việc bắt giữ khẩn cấp blogger Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy là hành động tấn công vào quyền tự do ngôn luận của tất cả chúng ta. Nó cũng là mối đe dọa cho mỗi cá nhân blogger và tất cả tập thể blogger Việt Nam. Mỗi chúng ta đều có thể trở thành người tù Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất, Nguyễn Hữu Vinh Nguyễn Thị Minh Thúy bất cứ lúc nào. 2. Hãy cùng nhau tranh đấu cho tự do của blogger Anh Bà Sàm và bà Nguyễn Thị Minh Thúy như tranh đấu cho tự do của chính chúng ta. Chúng ta không thể chấp nhận số phận của những "người tù đang ngồi chờ bị bắt khẩn cấp" bất cứ lúc nào.   3. Hãy cùng nhau bắt tay nhau phối hợp, huy động quần chúng, tranh đấu cho tự do của các blogger bằng những chiến dịch lớn trên mạng, bằng những vận động quốc tế, đặc biệt là Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Hãy cho cả nước và thế giới thấy rằng: Điều 258 và Bộ Công an đang trấn áp quyền Tự Do Ngôn Luận và blogger Việt Nam nhất định không chấp nhận và sẽ tranh đấu chống lại những sai trái, bất công, vi phạm Hiến pháp và lạm dụng luật pháp đến cùng.   Mạng Lưới Blogger Việt Nam nguồn: mangluoiblogger.blogspot.com
......

CA lại dùng điều 258 bắt khẩn cấp blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh

Bộ công an nhà cầm quyền Việt Nam hôm nay, 5-5-2014, đã thực hiện khám xét nhà khẩn cấp và bắt blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh tại nhà riêng ở số 5/2/4D phố Đặng Văn Ngữ, phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội, và nơi ở Phòng số 1508, tòa nhà G03, Khu đô thị Ciputra, phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội. Blogger Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh đã bị CA dùng điều 258 bắt khẩn cấp ngày 5-5-2014 Theo Bộ Công an, lý do bắt anh Nguyễn Hữu Vinh, chủ nhân trang blog nổi tiếng Ba Sàm, vì "có hành vi đăng tải các bài viết trên mạng Internet nội dung xấu, thông tin sai lệch làm giảm uy tín, mất lòng tin trong nhân dân về cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, công dân, quy định tại Điều 258 – Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa XHCN Việt Nam." Đây là điều luật mơ hồ nhà cầm quyền thường đưa ra làm lý do để đàn áp bắt bớ nhằm bịt miệng những blogger, những nhà báo tự do không cùng quan điểm với nhà nước và đảng CSVN.   Ngoài blogger Ba sàm, cùng lúc trong ngày hôm nay, công an cũng đã khám xét nhà thực hiện bắt khẩn cấp bà Nguyễn Thị Minh Thúy tại nhà ở số 411 – E1, Khu tập thể Thành Công, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Minh Thúy được coi như là người phụ giúp blogger Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, bị bắt cũng theo điều 258 BLHS. Được biết, từ tháng 3 năm ngoái trang nhà mang tên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có những loạt bài chuẩn bị dư luận, bôi nhọ nhằm lên án những thành viên chủ trương trang blog Ba Sàm là "phản quốc". Theo trang nhà Nguyễn Tấn Dũng, anh Nguyễn Hữu Vinh sinh ngày 15/09/1956, là con út trong một "gia đình có truyền thống cách mạng", cha là "cụ Nguyễn Hữu Khiếu – Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô". Ngoài việc lãnh đạo trang blog Anh Ba Sàm, anh Nguyễn Hữu Vinh còn điều hành blog Việt Sử Ký. Cũng có thể vì gia thế của anh nên nhà cầm quyền đã để yên cho đến nay mới ra tay triệt hạ anh. Theo dư luận thì nhà cầm quyền đang có kế hoạch truy quét các blogger, gia tăng bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận đang bộc phát của người dân, đặc biệt là giới blogger . Các blogger đã lên tiếng báo động, xem việc bắt giữ khẩn cấp blogger Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy là hành động tấn công vào quyền tự do ngôn luận của người dân, đồng thời kêu gọi cùng nhau tranh đấu cho tự do 2 nạn nhân mới bị bắt này như là đấu tranh cho sự đe dọa của chính bản thân mình trong những ngày tới.
......

Ls. Lê Công Định: Tưởng niệm Tướng Nguyễn Khoa Nam

Vào ngày 1/5/1980, sau bữa ăn trưa, ba tôi ngồi uống trà và trò chuyện với các anh em chúng tôi về những ngày tháng Tư của 5 năm về trước. Ba tôi, người thuộc bên thắng cuộc phía miền Nam, đã tham gia chiến tranh vì mơ ước hòa bình và, cũng như nhiều người đương thời, ông đã vỡ mộng vài năm sau khi cuộc chiến kết thúc. Ông kể với lòng kính phục về Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Quân đoàn 4 của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), vị danh tướng đã tuẫn tiết sau khi Sài Gòn thất thủ. Tôi đã thay đổi suy nghĩ của mình và bắt đầu hoài nghi về lịch sử hiện đại của đất nước sau câu chuyện về tướng Nguyễn Khoa Nam và đặc biệt sau sự kiện ba tôi bị chính những đồng chí thuộc bên thắng cuộc phía miền Bắc bắt giam không xét xử trong suốt 6 tháng trời từ tháng 8/1980 chỉ vì ông bất đồng cách điều hành một công ty thương nghiệp quốc doanh thời ấy. Ông vốn là thầy giáo dạy toán và Pháp văn bậc trung học ngày xưa, rồi trở thành ký giả, từng đi tù 5 năm có xét xử đàng hoàng thời chính quyền của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm vào năm 1960. Bài học lớn nhất ông truyền lại cho con cái là lòng khoan dung, không oán hận bất kỳ ai gây đau khổ cho mình. Năm ấy tôi vừa 12 tuổi. Tôi bắt đầu đọc lại sách và tài liệu về lịch sử Việt Nam và thế giới được in trước 1975 ở Sài Gòn. Tôi lang thang một mình đến các nhà sách cũ từ đó. Đọc sách và trao đổi với ba tôi là cách tốt nhất giúp tôi hiểu rõ những sự kiện quá khứ mà nhà trường và báo chí XHCN cố tình viết khác đi. Có thể nói, đó là quá trình tự đào luyện lại chính mình, như thể tiêm ngừa để không bị “nhiễm trùng” bởi lối giáo dục nặng tính tuyên truyền và thiếu tôn trọng sự thật của hệ thống này. Tôi cũng giữ thói quen ấy kể cả khi vào học trường luật năm 1985. Thú thật, tôi luôn hoài nghi giá trị kiến thức của tất cả sách vở do các nhà xuất bản quốc doanh in ấn, dù vẫn đọc chúng thường xuyên để tìm hiểu. Trở lại câu chuyện ban đầu, hình ảnh về tướng Nguyễn Khoa Nam do ba tôi kể lại đã khiến tôi lao vào tìm hiểu nhiều hơn về các vị danh tướng VNCH khác, mà thật lòng tôi rất kính trọng, giống ba tôi. Đọc quyển sách “Chân dung các tướng ngụy Sài Gòn” được bên thắng cuộc in và tái bản nhiều lần sau 1975 nhằm mục đích bôi nhọ quân đội và tướng lĩnh của bên thua cuộc, tôi không khỏi bật cười với ý nghĩ rằng chân dung tồi tệ mà tác giả muốn phác họa cho các tướng VNCH thật ra thích hợp và xứng đáng dành cho những sĩ quan QĐNDVN thời bình ngày nay hơn.   Khi học ở Mỹ vào năm 2000, tôi đã đến viếng bia tưởng niệm Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam do đồng bào hải ngoại lập để tưởng nhớ ông tại bang Texas. Ngày 1/5/2010, 35 năm kể từ ngày ông qua đời, tôi đã viết bài thơ tưởng niệm ông tại nhà giam trong lúc chờ xét xử phúc thẩm vụ án của mình, như sau:   Dòng dõi văn gia, chí trai binh nghiệp, Xứng tôn phong hổ tướng Nam phần. Sống trung chính, chết đường đường lẫm liệt, Thành đô thất thủ, đoạn phong trần! Từng thao lược, can trường xông trận mạc, Giặc thù phơi xác, máu loang chân. Binh nghĩa dũng lặng thầm nan tảo Bắc, Định yên bờ cõi sá gì thân! Ôi chiến cuộc hồi tàn gây thảm họa, Đau niềm cố quốc, khóc tướng quân! (Kính tặng gia đình Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam và các tướng lĩnh, binh sĩ VNCH) Nguồn: https://www.facebook.com/LSLeCongDinh/posts/1412420875698359?fref=nf
......

Frankfurt - Đức: Cầu nguyện cho quê hương trong ngày Đau Thương Dân Tộc

Cầu Nguyện Liên Tôn tưởng niệm ngày Quốc-Hận 30.4.2014 tại giáo xứ St. Lioba Frankfurt am Main- Bonames / Germany cùng với ông bà Võ Đại Tôn   Sáng nay trời mưa phùn, gió lạnh như cùng khóc số phận của toàn nước Việt Nam cách đây 39 năm rơi vào ách thống trị của độc tài đảng trị Cộng Sản. Đây là lời tâm sự của ông Võ Đại Tôn với đồng bào tại phòng hội giáo xứ St. Lioba. Ông không ngủ được nên dậy sớm, thầm nguyện cầu với Hồn Thiêng Sông Núi và các Đấng Anh Linh cho dân tộc.  Trong phần nghi lễ khai mạc do bà Lê Nhất Hiền điều hợp, người chiến sĩ cho tự do, dân chủ và nhân quyền này, mặc dầu tuổi cao và thân thể mang đầy thương tích vì nhiều lần bị tra tấn dã man, đã long trọng, kính cẩn quỳ xuống trước bàn thờ Tổ Quốc và các anh hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, ngâm bài văn tế hết sức cảm động. Cả hội trường im phăng phắc. Chỉ nghe có tiếng sụt sùi…   Linh mục Đinh Xuân Minh, người đứng ra mời đồng bào tham dự buổi Cầu Nguyện Liên Tôn, đã cảm tạ đặc biệt ông bà Võ Đại Tôn và tất cả những nỗ lực của nhiều người cho buổi gặp gỡ hôm nay. Ngoài ra, linh mục còn nhấn mạnh thành quả chống cộng sản nổi bật của vị tân thánh Đức giáo Hoàng Gioan Phalô I I, gốc người Ba-Lan, Sứ Điệp Fatima và vai trò của các giá trị tôn giáo trong công cuộc đấu tranh chống cộng sản.   Nữ mục sư Tin-Lành bà Nguyễn Thanh Dung trích Lời Phúc-Âm „Hãy cầu nguyện cho kẻ thù“ để đến đây cùng nhau nguyện cầu cho đất nước, quê hương, đồng bào của chúng ta, và đau nỗi đau chung khi phụ nữ Việt Nam bị mang bán như những món hàng. Bà kêu gọi hãy dùng ý chí và tấm lòng thay vì vũ khí và bạo lực.  Đại diện Phật Giáo gồm ông Nguyễn Văn Phẩy, bà Lê Nhất Hiền, ông Hoàng Tôn Long, ông Nguyễn Khắc Giang và bà Lê Tuyết Mai xướng lên bài ca Phật Giáo Việt Nam. Sau đó là phần tụng kinh trong bầu không khí trang nghiêm cho quê hương  và những nạn nhân của chế độ Cộng Sản Việt Nam.   Trong phần tâm sự chiến sĩ Võ Đại Tôn nhấn mạnh, những món nợ ân tình với đồng bào thì không khi nào trả được. Vì thế, ông càng hạnh phúc khi được tiếp tục „đồng cảm và đồng hành với các bạn.“. Đặc biệt ông cám ơn linh mục Đinh Xuân Minh, BS Trần Văn Tích (chủ tịch Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại CHLBĐ) đã viết lá thư tay dài tâm sự (lúc này người ta thấy vị ngục sĩ rơi nước mắt cảm động), và nhất là anh chị Trí – Mai, hai người em trong nhà, âm thầm đóng góp công sức cho chuyến đi sang Âu Châu này… Và như để vinh danh Tổ Quốc, tưởng niệm các nạn nhân và lên án chế độ phi nhân nghĩa, ông Võ Đai Tôn kể 3 câu chuyện sau liên quan đến biến cố 30.4. và liên quan đến tình thương tổ quốc, mà biểu tượng là Mẹ Việt Nam / Mẹ Âu Cơ / Người phụ nữ Việt Nam: a) Khi tham dự một Hội Nghị Nhân quyền tại Moskau, nơi ông cắm cờ vàng ba sọc đỏ, đã có một người con gái Việt Nam là đảng viên cộng sản được chỉ định làm thông dịch viên tiếng Nga cho ông. Sau bốn ngày làm việc, khi chia tay ra phi trường, người nữ đảng viên cộng sản đó nói: „Cho cháu xin Bác một điều duy nhất là được gọi Bác bằng Bố.“ Ông Võ Đại Tôn xúc động đánh giá rằng, đây là một cử chỉ nói lên tình tự dân tộc cao quý.   b) Câu chuyện thứ hai diễn ra trong chuyến đi Đông Nam Á để trùng tu 2500 ngôi mộ của những thuyền nhân Việt Nam bị bỏ hoang tại các trại tỵ nạn. Người bản xứ đã thuật lại bối cảnh về một ngôi mộ mang tên „Miếu ba Cô“ như sau: Ba người phụ nữ này đã bị hải tặc hiếp áp. Vì không thể chấp nhận mối nhục này nên ba vị đã cùng treo cổ tự vận. Dân cư địa phương cảm phục nên đã lập miếu này để tưởng nhớ. Ông Võ Đại Tôn uất ức đặt câu hỏi: „Chế độ nào đã đưa người phụ nữ Việt Nam đến cùng cực đó?“   c) Trong suốt thời gian 10 năm bị biệt giam, nằm trong xà lim tăm tối, liếm máu mình sau những khi bị tra tấn dã man (96 lần), ông Võ Đại Tôn đã chứng kiến một tiến trình phũ phàng, phản ảnh bản chất thâm độc và vô luân của chế độ cộng sản: Số lúc ấy, có một bé gái 5 tuổi thỉnh thoảng đi ngang qua khe cửa sổ nhà tù và ném xuống những mảnh giấy để tù nhân xếp thành tầu hoặc máy bay cho bé chơi. Bẵng đi một thời gian, bé gái 10 tuổi, có lúc vẫn đi ngang qua khe cửa sổ nhưng hoàn toàn im lặng không nói gì. Đến năm 15 tuổi có lần cháu gái đi ngang qua, tù nhân gọi lại, nhưng cháu quắc mắt, nói:“Câm mẹ cái mồm mày lại! Đồ phản động!“ Đau điếng trong lòng ông Võ Đại Tôn nhận định: Chế độ Cộng Sản Việt Nam vô lương tâm, mị dân, biến thế hệ trẻ thành công cụ cai trị vô tri, vô giác. Trích lời của mục sư Tin-Lành Martin Luther King „Tôi có một giấc mơ: Tôi không sợ những lời chống đối, nhục mạ, nhưng sợ sự im lặng của bạn bè.“, ông Võ Đại Tôn kêu gọi hãy lên tiếng vì im lặng là tiếp nối cho sự ác bành trướng; hãy dùng những viên đạn đúc bằng máu của tim, kết tinh từ tiếng gọi của tình thương Dân Tộc. Và ông quyết tâm đi đến cùng mục tiêu như trong bài thơ „Mẹ Việt Nam ơi! Chúng con vẫn còn đây!“ mà ông viết năm 1972: „Chúng con nguyện đi dựng lại Quê Hương!“ Phu nhân Võ Đại Tôn  người phụ nữ tuyệt vời   Qua phần đặt câu hỏi, anh Trịnh Đỗ Tôn Vinh, xin bà phu nhân Võ Đại Tôn chia xẻ về những động lực, yếu tố nào đã giúp bà kiên trì chờ chồng và nuôi con suốt mười mấy năm trời: „Khi vừa nghe tin chồng bị bắt, tay chân tôi rụng rời. Trái tim tôi tan nát. Tôi vô cùng đau khổ nhưng cũng rất hãnh diện… Nhờ tình thương của gia đình tôi, tình yêu của tôi cho anh Tôn, và những giúp đỡ của chính phủ Úc đi kiếm tin mà tôi mới có thể vượt qua được những khó khăn và cám dỗ của những năm tháng dài mong chờ… Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam liên tục chơi trò đưa banh, đẩy trách nhiệm trả lời những văn thư của bộ ngoại giao Úc Châu lúc thì qua bộ nội vụ, lúc thì qua bộ ngoại vụ… Cho mãi tới khi một tờ báo lớn ở Úc loan tin Hoàng Cơ Minh bị chết năm 1989, và ở cuối bài có ghi, Võ Đại Tôn đã bị xử tử, thì tôi đã liên tục lên bộ ngoại giao để xin giấy khai tử… Mãi đến năm 1991, chiều hôm đó bộ ngoại giao gọi điện thoại cho tôi, thông báo, ngày mai chồng bà sẽ về… Chưa tin được, tôi gọi trực tiếp cho ông giám đốc sự vụ Á Châu nhờ ông xác định… Rồi lòng tôi lâng lâng, ôm con mà không sao ngủ được… Đến khi đài VOA loan tin tôi mới cảm thấy trong lòng như bài hát của Trầm Tử Thiêng: „Có tin vui trong giờ tuyệt vọng“… Khi ra tới phi trường rất đông đồng bào đang chờ, tôi thấy được đồng cảm và vô cùng tri ơn…“ Trong phần văn nghệ các bạn trẻ như Lộc - Lan - Thông v.v. mời mọi người cùng hòa ca những nhạc phẩm rất thôi thúc và động viên tinh thần mọi người: „Một ngày Việt Nam, Ngày thoát bóng đêm dài lầm than. Ngày thế giới reo mừng hòa vang. Trong khúc hát một ngày “Việt Nam”. (Trúc Hồ / Trầm Tử Thiêng) MINH-HOÀI
......

Lời nhắn gửi của blogger Điếu Cày nhân ngày Tự do Báo chí

Ngày 27/4/2014, con trai blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải là Nguyễn Trí Dũng cùng một số nhà hoạt động đã đến trại giam số 6 (Thanh Chương – Nghệ An) để làm thủ tục thăm nuôi định kỳ hàng tháng. Như thường lệ, chỉ một mình Nguyễn Trí Dũng được vào bên trong để thăm gặp bố. Lúc 15:15 phút chiều, Điếu Cày với mái tóc cắt ngắn bước ra gặp con với một tâm trạng đầy vui vẻ và lạc quan.   Theo lời kể của Nguyễn Trí Dũng, hai bố con bị ngăn cách bởi một cánh cửa sắt. Sức khỏe của Điếu Cày đang chuyển biến xấu do chứng bệnh 'Giời leo' (y học gọi là zona), tay trái gần như mất cảm giác, thường xuyên đau nửa đầu. Mặc dù đã nhiều lần gửi đơn yêu cầu được chăm sóc y tế và khám chuyên khoa, nhưng phía trại giam chỉ thực hiện các thủ tục đo tim mạch và cho uống những loại thuốc không rõ nguồn gốc.   Kiên trì đấu tranh Năm nay bước sang tuổi 62, với thời gian ngồi tù tổng cộng 6 năm nghiệt ngã, blogger Điếu Cày vẫn cho thấy bản lĩnh của một tù nhân lương tâm đầy kiên cường và bất khuất. Ở trong tù, anh vẫn tiếp tục đấu tranh và gửi đơn thư phản đối bản án bất công mà nhà cầm quyền CSVN đã cố tình áp đặt. Cho đến nay, Điếu Cày vẫn chưa nhận được bản an phúc thẩm và quyết định thi hành án. Theo anh, điểm mấu chốt là phía CA đã sử dụng những bằng chứng không đúng sự thật để kết tội anh cùng các thành viên CLB Nhà báo Tự Do, đặc biệt là trong phiên xử kín tất cả quyền của bị can - bị cáo đã bị tước bỏ. Điếu Cày liệt kê tổng cộng anh đã gửi 12 lá đơn từ lúc chuyển sang trại 6 Nghệ An. Tuy nhiên đến giờ vẫn chưa có hồi âm. Một vài lần, VKSND Nghệ An và VKSND Tối Cao đã cho người xuống hứa hẹn nhưng đây cũng chỉ là hình thức câu giờ nhằm tránh thời điểm 'nhạy cảm'. Anh nhắn nhủ gia đình và bạn bè bên ngoài tiếp tục thực hiện các thủ tục kháng nghị, tố cáo những vi phạm nghiêm trọng trong vụ án các blogger CLB Nhà Báo Tự Do. Về đời sống trong tù, Điếu Cày cho biết hiện tại anh vẫn đang bị biệt giam, bị cách ly và cô lập hoàn toàn. Cán bộ trại giam số 6 đã tước đoạt hoàn toàn các quyền được học tập và sinh hoạt văn hóa của anh. Trong tù, Điếu Cày chỉ được đọc duy nhất tờ báo Nhân Dân, sau khi nội dung tờ báo của đảng này đã được qua một khâu kiểm duyệt gắt gao của cán bộ trại giam. Nhiều tài liệu, sách vở về pháp luật do gia đình gửi vào cũng bị phía trại giam từ chối không nhận. Về bệnh tật, do điều kiện giam giữ khắc nghiệt và không được chăm sóc y tế đúng mức, bệnh tật của Điếu Cày đã chuyển biến nặng hơn, đặc biệt là đối với chứng bệnh zona thần kinh (bệnh giời leo). Tinh thần lạc quan Tại buổi thăm gặp, Nguyễn Trí Dũng đã cập nhật cho bố một số thông tin về các hoạt động đấu tranh bên ngoài, trong đó có việc EU đề nghị chính phủ VN được vào thăm gặp blogger Điếu Cày nhưng liên tiếp đều bị từ chối. Điếu Cày và con trai Điếu Cày tỏ ra rất vui khi biết có nhiều nhà hoạt động đã đi cùng Nguyễn Trí Dũng vào tận trại 6 - Nghệ An để ủng hộ tinh thần. Anh gửi lời cảm ơn đến tất cả mọi người về các nỗ lực đấu tranh đòi dân chủ và nhân quyền trong thời gian qua.  Tại buổi thăm gặp, Nguyễn Trí Dũng đã đọc cho bố nghe bức thư của bà Dana gửi đến Điếu Cày. Mặc dù bức thư bị CA giật lấy ngay sau đó với lý do 'thư chưa kiểm duyệt', nhưng Điếu Cày vẫn có thể nghe và hiểu được sự quan tâm của dư luận quốc tế. Điếu Cày gửi lời hỏi thăm và cảm ơn đến tất cả mọi người, các cơ quan, tổ chức ở trong và ngoài nước. Nhân dịp này, Điếu Cày cũng chuyển lời cảm ơn Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) đã có nhiều nỗ lực nhằm vận động trả tự do cho anh.   Lời nhắn gửi nhân ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới Cũng tại buổi thăm gặp, Điếu Cày nhắn nhủ gia đình và bạn bè bên ngoài cần làm các thủ tục kháng nghị bản án bất công, đặc biệt là vận dụng các cơ chế Nhân Quyền của Liên Minh Châu Âu và Liên Hiệp Quốc để tiếp tục gây áp lực. Nhân ngày Tự Do Báo Chí Thê Giới 5/3 sắp tới, Điếu Cày tiếp tục kêu gọi các nỗ lực đấu tranh đòi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và nhà nước pháp quyền tại Việt Nam. Điếu Cày cho biết, điều anh hết sức quan tâm hiện nay không phải là luật hay hiến pháp 2013 mà Việt Nam trưng ra, mà chính là những thông tư nghị định do chính phủ ban hành. "Theo thông lệ thì khi một văn bản thấp hơn mà lại có nội dung trái lại với văn bản cấp cao hơn thì cán bộ nhà nước phải thực hiện theo văn bản cấp cao hơn. Nhưng tại Việt Nam thì những thông tư, nghị định, chỉ thị là thứ duy nhất được thực hiện triệt để và đa số chúng đều vi hiến và vi phạm pháp luật..." "Hiến pháp và pháp luật là do 500 đại biểu Quốc hội bầu ra phê duyệt, nhưng thông tư nghị định và chỉ thị lại chỉ do một người trong nhà nước ký duyệt, vì vậy mà việc ban hành và thi hành thông tư nghị định đó đã hoàn toàn vứt bỏ tất cả những lá phiếu của nhân dân vào sọt rác", blogger hiện đang bị kết án 12 năm tù giam phân tích. Về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam, trong tư cách là một người sáng lập CLB Nhà Báo Tự Do, Điếu Cày khẳng định: "Hơn 700 tờ báo tại VN chỉ ưu tiên định hướng dư luận theo ý nhà nước chứ không phải là đưa những thông tin xác thực đến với người dân." 'Tạm xong nhiệm vụ' Lúc 15:45, buổi thăm nuôi kết thúc sau 30 phút ngắn ngủi. Khi chia tay, Nguyễn Trí Dũng cố gắng chạy đến chỗ cổng ra vào để ôm bố. Trong lúc hai bố con ôm nhau, Điếu Cày vẫn tỏ ra đầy lạc quan và mạnh mẽ. Anh vui vẻ nói với con: "Mọi người cố gắng lên, tinh thần bố rất tốt. Không có gì đâu. Bố bây giờ như người đã tạm làm xong nhiệm vụ, xem như bố tạm nghỉ ngơi thôi mà, có gì đâu mà". Sau nụ cười dí dỏm, anh liền ngẫu hứng xuất khẩu một câu thơ 'con cóc': "Sài Gòn là chốn biểu tình - Trại 6 là chỗ chúng mình nghỉ ngơi" - "Con nhớ chưa? Thơ cho dễ nhớ...[cười]"   Khi bố bị đưa đi mất dạng, Nguyễn Trí Dũng bị CA giữ lại khoảng nửa tiếng để lập biên bản và gửi trả một số đồ đạc mà trại giám không cho nhận như: sách nhạc, bản đồ thế giới, sách pháp luật... Chia sẻ cảm nghĩ sau cùng về buổi thăm gặp bố, Nguyễn Trí Dũng cho biết: "Trong suốt buổi gặp, bố tôi cười rất nhiều. Bố còn nói "Bố bây giờ như người tạm làm xong nhiệm vụ", có thể nói là ông đang cảm thấy rất thư thái. Tất cả đều nhờ vào sức mạnh của công luận quốc tế, và tất nhiên bố lúc nào cũng biết bạn bè ở ngoài cũng đang nỗ lực rất nhiều".   Nguồn: danlambaovn.blogspot.com
......

Blogger Điếu Cày được đề cử giải Vaclav Havel 2014

Một tù nhân lương tâm đang bị cầm tù ở Việt Nam, blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, được đề cử giải nhân quyền Vaclav Havel 2014.   Nhóm Văn Lang Praha, một tổ chức hoạt động với khẩu hiệu "vì một xã hội dân sự", gởi đơn đến Nghị Hội Hội Đồng Châu Âu đề cử ông Điếu Cày cho giải thưởng này   Trả lời Đài Á Châu Tự Do, ông Nguyễn Quốc Vũ, thành viên của Nhóm Văn Lang, cho biết có ba lý do để ông Điếu Cày được đề cử: "Thứ nhất, ông Nguyễn Văn Hải Điều Cày là người đầu tiên đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận một cách có tổ chức. Đây là lần đầu tiên mà ông lập ra Câu lạc Bộ Nhà Báo Tự Do và một cách trực diện chống lại sự đàn áp quyền tự do ngôn luận trong nước. Lý do thứ hai là dù chính quyền đã dùng khá nhiều biện pháp để đàn áp để bắt ông phải nhận tội nhưng ông vẫn một mực trung thành vời những gì mà mình tin tưởng.Cuối cùng, ông đã trở thành  một biểu tượng cho cuộc đấu tranh cho tự do ngôn luận mà rất nhiều hội đoàn về sau này ở trong nước đều đồng ý." Xin được nhắc nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Hải Điều Cày bị bắt ở Sài Gòn hồi tháng Tư năm 2008 về tội trốn thuế và bị kêu án 30 tháng tù giam. Ông đã không được thả sau khi mãn hạn tù mà bị giữ lại với lý do tiếp tục điều tra tội tuyên truyền chống phá nhà nước. Tháng Chín năm 2012, ông Điều Cày Nguyễn Văn Hải bị tòa tuyên án 12 năm tù. Cùng bị xử với ông có nhà báo tự do Tạ Phong Tần lãnh 10 năm tù, nhà hoạt động Phan Thanh Hải 4 năm tù giam. Tháng Ba năm 2013, ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đã tuyệt thức 30 ngày trong tù để phản đối cách hành xử  khắc nghiệt của cán bộ trại giam sau khi ông từ chối ký tên vào  biên bản nhận tội.   Trường hợp blogger cũng là nhà  bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Hải bị kết án nhiều năm tù, bị phân biệt đối xử trong lúc ở tù, khiến nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế phải chú ý và lên tiếng can thiệp cho ông trong nhiều năm qua. nguồn: rfa.org/vietnamese/
......

Mạn đàm về “người hùng truyền thông”

VRNs (03.05.2014) – Sài Gòn Xin được mở đầu bài viết bằng một câu chuyện của chú bé con trai chúng tôi. Khi cả nhà đi xem đồ điện máy ở một siêu thị điện máy trên đường Cách mạng tháng 8 thì bị bảo vệ làm khó dễ. Bé Samuel của chúng tôi có vẻ không vui, và anh chàng nói: “Hay là mình về mời anh hùng truyền thông An Thanh ra cho họ sợ”. Chuyện ấy nhỏ thôi, nhưng làm chúng tôi phải suy nghĩ nhiều. Trong mắt trẻ thơ, anh hùng là một con người có sức mạnh phi thường, khiến ai cũng cúi mình sợ hãi. Và học sinh ở nhà trường nước ta được dạy rằng anh hùng là người dùng sức mạnh cơ bắp, dùng súng dùng gậy một cách hùng hổ cho đối phương khiếp sợ. Nhưng trong một thế giới văn minh hơn, nhân bản hơn, thì anh hùng là người có sức mạnh nội tâm, biết lao mình vào các hoạt động công ích một cách không mệt mỏi, và dám đòi cho con người quyền được làm người. Khi cháu bé nhắc đến anh hùng truyền thông, có thể cháu nghĩ rằng vị ấy sẽ có thể đem lại công bằng ở nơi này. Trong thế giới văn minh với Internet, con người gần nhau đến độ có thể đưa bàn tay ra nâng đỡ nhau một cách dễ dàng. Cái gần gũi ấy khác hẳn xã hội Việt nam ngày nay. Trong xã hội này đi đâu cũng thấy khẩu hiệu: văn minh, văn hóa, nếp sống mới, vân vân và vân vân. Nhưng đi kèm khẩu hiệu ấy là xả rác, là văng tục, là đánh nhau, là coi nhau như kẻ thù, là lấy tài sản người khác y như hái lá rừng. Thế giới văn minh đem con người lại gần nhau. Trong buổi hội thảo về “Tự do Thông tin” do Truyền Thông Chúa Cứu Thế tổ chức ngày 1/5 vừa qua, Cha Giám tỉnh DCCT nói rằng thế giới bây giờ như một ngôi làng, trong đó thông tin được loan đi rất nhanh. Thế giới còn hơn một ngôi làng nữa, vì tin trong làng đi từ đầu làng đến cuối làng phải mất 15 – 20 phút, chứ trên Internet, thông tin đi trong tích tắc. Cái thế giới này không cho phép con người dùng sức mạnh cơ bắp từ thời tiền sử nữa. Sức mạnh của thế giới này nằm ở sự liên đới, ở sự thật và tình yêu, và những giá trị cũng như nguyên tắc khác mà Giáo huấn Xã hội Công giáo đề cao. Thế thì anh hùng chính là người sống cho các nguyên tắc và giá trị đó, cổ vũ và loan truyền những điều đó bất chấp khó khăn hiểm nguy cho cá nhân mình. Nói cách khác, anh hùng là những con người dám xả thân vì cộng đồng (mà không cần phải hành hung hay bắn giết ai cả. Hành động vũ lực trong thế giới ấy lại nói lên cái hèn nhát). Trong buổi hội thảo ấy, các tham dự viên cùng chia sẻ niềm vui với hai vị anh hùng thông tin Việt Nam (trong ba vị) vừa được Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới vinh danh. Hai vị đó là linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh và tiến sĩ Phạm Chí Dũng (vị thứ ba là blogger Trương Duy Nhất đang bị giam giữ). Hai vị anh hùng truyền thông trong buổi hội thảo cũng là hai diễn giả chính hôm ấy. Một vị trình bày giáo lý Công Giáo về truyền thông và một vị nói đến thực trạng thông tin ở nước ta và vài nơi trên thế giới. Nội dung bài thuyết trình và sức cuốn hút của các đề tài đã được đề cập đến rồi, ở đây chúng ta chỉ xin nhấn mạnh điểm này: nếu anh hùng là người có sức mạnh nội tại, thì chắc chắn họ có thể “truyền thông” sức mạnh ấy cho những người đi với họ. Trên đường Emmau, hai môn đệ cảm thấy lòng bừng cháy lên khi đàm đạo với Đức Giêsu. Ở đây chúng ta chỉ xin phép được phân tích khía cạnh tự nhiên của cuộc đàm đạo này mà chưa nói đến chiều kích siêu nhiên. Sự thông thái, sức mạnh nội tâm và niềm xác tín của Con Người Giêsu đủ sức làm bùng cháy lên những đống tro tàn nguội lạnh nhất. Nếu ai chứng kiến bầu khí cử tọa nóng lên dần trong buổi hội thảo về truyền thông hôm ấy, sẽ cảm nhận được rằng sức mạnh nội tâm và sức mạnh của sự thật có sức lan tỏa đến mức nào. Và sức lan tỏa ấy làm cho mọi người hiểu thêm về sứ mạng truyền thông của mình. Danh hiệu anh hùng truyền thông là cao quý (năm nay cả thế giới chỉ có 100 người), nhưng sự cao quý không chỉ nằm ở chỗ được thế giới tôn vinh, mà còn ở sức lan tỏa cho cộng đồng. Thật may mắn, buổi hội thảo truyền thông đã thực hiện được bước khởi đầu “lan tỏa” ấy. Mỗi công dân cũng sẽ là một người hùng truyền thông ở nơi mình sống (hy vọng được tổ chức phóng viên… nhiều biên giới trao tặng danh hiệu!) khi họ biết dùng thông tin phục vụ công ích, bảo vệ sự thật, cổ vũ tình liên đới, rao truyền đức ái theo như Giáo huấn Hội thánh. Trong thời đại Internet, thế giới phẳng này, hầu như ai cũng đang làm truyền thông, qua email, qua các mạng xã hội và những phương thế thông tin khác. Ước chi “tính anh hùng” trong lãnh vực chuyên biệt này sẽ trở thành đặc tính chung cho tất cả những ai có lương tri, muốn thăng tiến chính mình và cộng đồng của mình.   Gioan Lê Quang Vinh, VRNs Nguồn: chuacuuthe.com
......

Tin Nhanh Số 6 -- Cuộc vận động cho nền Báo Chí Độc Lập tại Việt Nam

Buổi hội thảo tại Washington DC về Quyền Tự Do Thông Tin tại Việt Nam Vào lúc 12:30 trưa ngày 1/5/2014, cuộc hội thảo với 6 nhà báo và bloggers từ Việt Nam đã bắt đầu tại trụ sở của đài Á Châu Tự Do. Chương trình được chia thành hai chủ đề: - Chủ đề 1: Những thách đố trong việc cổ xúy cho Nền Báo Chí tự do tại Việt Nam - Chủ đề 2: Xã hội dân sự, chính quyền Hoa Kỳ, các công ty Internet có thể làm gì để hỗ trợ nền truyền thông độc lập tại Việt Nam. Ngoài các diễn giả từ Việt Nam, còn có Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích - Nguyên Giám Đốc Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do; Bà Libby Liu - Tổng Giám Đốc Đài Á Châu Tự Do; Ông Scott Busby - Thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ; Ông Đỗ Hoàng Điềm - Chủ Tịch Đảng Việt Tân; Ông Jox Fox - Thuộc tổ chức ACCESS; Bà Meredith Whittaker - Thuộc hãng Google. Trước khi vào chương trình chính, Ban Tổ Chức cũng đã thông tin về buổi hội thảo rất thành công với chủ đề Quyền Tự Do Thông Tinvừa diễn ra khoảng 8 tiếng trước tại Sài Gòn.   Sau đây là phần tóm tắt các ý chính trong các câu hỏi và trả lời:   Hỏi: Xin giải thích câu nói thường được nghe là tất cả báo chí Việt Nam chỉ có 1 tổng biên tập.Nhà báo Tô Oanh: ... Mấy trăm tờ báo chỉ có 1 tổng biên tập vì gửi bài thì có biên tập báo xét; rồi tổng biên tập của báo xét lại; rồi có Ban Tuyên Giáo triệu tập các tổng biên tập để dặn dò kiểm duyệt. Vì sự tự kiểm duyệt, và định hướng từ trên xuống cho nên mọi nội dung các báo chí đều giống nhau, và không dám đụng đến các đề tài nhạy cảm...   Hỏi: Xin cho biết tình hình blogger trong thời gian qua.Nhà báo Nguyễn Tường Thụy: ... Báo chí do nhà nước kiểm soát chặt chẽ. Viết blog bị coi như là viết báo bất hợp pháp. Việt Nam hiện có khoảng 1,000 tờ báo kể cả báo ảnh, báo nói, tv, radio, v.v... Như ông Tô Oanh đã nói chỉ có 1 tổng biên tập do đó nội dung nhàm chán. Nhờ có internet nên có báo mạng, tuy chưa nhiều nhưng những người bất đồng chính kiến đã dùng nó để lên tiếng, và là tiếng nói đáng kể... Hỏi: Các blogger thường đề cập đến các đề tài nào? Nhà báo Nguyễn Tường Thụy: ... đa số tập trung vào các việc: phản ảnh sự thật ở VN, phanh phui những điều gì báo nhà nước giấu kín. Báo mạng truyền bá tư tưởng tự do dân chủ và những tư tưởng tiến bộ. Vì vậy báo mạng là một lực lượng thúc đẩy xã hội đáng kể. Các bloggers phải trả cái giá cho những nỗ lực đó. Những người bị tù vì viết blog là Điếu Cày, Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất và nhiều người khác bị xách nhiễu, đe dọa... Hỏi: Xin cho biết các trói buộc của nhà nước VN về InternetBlogger Nguyễn Đình Hà: ... Nghị quyết 72 kiểm soát Internet, bao gồm 2 điểm nổi bật. 1) chia sẻ thông tin, đường dẫn bị cấm nếu không đúng ý nhà nước; 2) trói buộc các công ty internet tại VN hay từ ngoại quốc muốn đầu tư vào VN. Họ phải cung cấp thông tin về khách hàng nếu có yêu cầu của chính phủ. Phải đặt máy chủ tại VN. Phải thực hiện các quy định kiểm duyệt, kiểm soát thông tin.... Về mặt kỹ thuật, nhà nước dùng các phương thức: lập lực lượng dư luận viên, làm chậm đường truyền, tấn công trang mạng. Thêm vào đó bắt bớ, xử tù những ai lên tiếng trên mạng.... Hỏi: Trong dài hạn, liệu Nghị quyết 72 có thành công không?Blogger Nguyễn Đình Hà: ... Nghị quyết 72 hết sức mơ hồ, vi phạm quyền tự do ngôn luận. Do vậy người dân phải dùng biện pháp bất tuân dân sự để tiếp tục phổ biến thông tin. Còn các công ty nhà mạng Việt Nam vẫn phải tuân theo nghị định này, nhưng các công ty ngoại quốc có vẻ bất hợp tác. Điển hình như hãng Google đã quyết định không đặt mạng chủ tại VN, không hợp tác với nhà nước VN. Xin cám ơn Google!   Hỏi: Xin cho biết thêm về các blogger đang bị xách nhiễu, trù dập, hay bị án tù.Phóng viên độc lập Lê Thanh Tùng: ... Một số blogger bị tù và gia đình bị xách nhiễu như Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Paulus Lê Sơn, Lê Quốc Quân.... Trong khi họ bị án tù thì gia đình bị xách nhiễu. Như trường hợp mẹ của Tạ Phong Tần tự thiêu. Paulus Lê Sơn, mẹ buồn sinh bệnh qua đời mà Lê Sơn không được thông báo gì cả. Nhà cầm quyền ngăn trở không cho gia đình đi thăm viếng tù nhân. Thay vì giam ở miền Nam, họ cố tình đem ra miền Bắc để gia đình khó đi gặp. Các tù nhân blogger cũng bị đối xử bất công trong tù. Như trong lúc các tù nhân khác được tắm trong nhà thì chị Tạ Phong Tần bị bắt phải tắm ngoài trời rất lạnh. Anh Điếu cày phải tuyệt thực nhiều ngày để phản đối sự đối xử bất công. Còn lại là những blogger, ký giả khác cũng bị xách nhiễu nặng nề. Như trường hợp blogger Nguyễn Tường Thụy, công an nhào vô nhà đánh đập và bắt nhiều người bạn của ông đi. Trong số đó có mẹ con Phương Uyên... Hỏi: Xin hỏi bà Kim Chi. Bà từng là văn công phục vụ chế độ, nhưng trong thời gian qua bà viết blog và công khai từ chối bằng khen của thủ tưởng Nguyễn Tấn Dũng, tại sao?Nghệ sĩ Kim Chi: ... Tôi phản đối chính là vì những bất công mà các bạn nãy giờ đã chia sẻ; những người đi biểu tình chống Trung Quốc bị hạch sách, bắt bớ; chính sách ruộng đất làm ngơ cho các quan chức cướp bóc của dân. Năm nào cũng thấy nhiều dân oan đi biểu tình, khiếu kiện. Tôi nhìn thấy tất cả sự bất công ở những người dân oan ngồi trước phủ chủ tịch. .. Tôi không thể nào làm ngơ trước những bất công đó. Tôi cảm thấy những người lãnh đạo rất là hèn với giặc, ác với dân. Tôi không thể đi ngược lại với nhân dân. Tôi phải cùng họ đòi quyền làm người, quyền sống... Hỏi: Tại sao chỉ viết blog mà lại bị trấn áp đến thế?Nhà báo Ngô Nhật Đăng: ... Mọi chính quyền độc tài đều xây dựng trên nền tảng dối trá. Rất sợ sự thật. Còn có an ninh tư tưởng văn hóa nữa cơ. Từ hồi thời ông Hồ Chí Minh đã có những chính sách bóp nghẹt báo chí rồi. Điển hình là vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Từ những thập niên 60 đã có các vụ án trừng phạt những người "xét lại chống đảng". Số lượng nhà văn, nhà báo bị đàn áp còn nhiều hơn nữa ... Hỏi: Tình hình báo tư nhân sắp tới sẽ ra sao ?Nhà báo Ngô Nhật Đăng: ... báo mạng [lề dân] sẽ tác động ngược vào hệ thống báo nhà nước. Buộc họ phải xem lại cách đưa tin của họ. Mọi người quyết tâm để có báo tư nhân....   Phần 1 của cuộc hội thảo kết thúc với phần phát biểu qua video của 2 nhà báo bị nhà cầm quyền ngăn cản là Anh Nguyễn Lân Thắng và Chị Huyền Trang.   Huy Nhân, Thuận Quyên, Thanh Lan, Bảo Trang tường thuật   2 giờ chiều ngày 1/5/2014 (giờ Washington DC)
......

Pages