2018

Đừng có "giỡn nhột" với Đức

Ngay cả khi TX Thanh là một kẻ tội phạm cướp của giết người, gây nợ máu tùm lum và sống trốn chui trốn nhũi ở Đức... thì hành vi mật vụ VN sang Đức "bắt cóc" ông này vẫn là một hành vi xâm phạm chủ quyền và vi phạm pháp luật nước Đức. Đơn giản vì công an mật vụ VN, cho dầu thẩm quyền có ngang với ông trời, thì thẩm quyền này cũng bị giới hạn, trong vòng lãnh thổ nước VN mà thôi. Nhiều người bênh vực hành vi tự tiện của mật vụ VN, so sánh với các vụ bắt cóc này kia ngày trước. Mới đây thấy có ông Viện trưởng viện Hồ chí minh ở Nga cũng lên tiếng bênh vực VN với lập luận tương tự. Thì ra những người này vẫn còn đang sống trong tâm trạng "địch - ta" ở các nước "thù nghịch" hay thời chiến tranh lạnh. "Chiến tranh lạnh" chấm dứt nhưng tâm lý "địch-ta" vẫn còn bàng bạc trong tâm hồn những người được đào tạo ở các nước cộng sản cũ. Ngay cả ở những "học giả" tài hoa. VN bây giờ đã "hội nhập", với chủ trương "làm bạn với tất cả", không "theo nước này chống nước kia". Nhờ vậy chế độ độc tài công an (và đảng) trị mới trụ được đến ngày hôm nay. Những nước dân chủ tự do không còn "xốn mắt" trước thái độ hách dịch "tự kiêu cộng sản" nữa. Ngay cả các nước ASEAN, mặc dầu trước đó không bao lâu VN đã hăm he Singapour và Thái Lan mẻ răng. "Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn". VN, từ khi "đổi mới, hội nhập", đi đâu cũng cũng nói đến "tiền", mà cách nói khác là "phát triển kinh tế", Đúp lờ vê Tê Ô (WTO), thị trường chứng khoán, hiệp định hợp tác này kia khác nọ.... vì vậy được ASEAN cho gia nhập vào khối. Sau đó được (Mỹ bật đèn xanh) cho vô WTO... VN cố gắng "lột xác", cởi bỏ nón cối dép râu với cây súng AK và khẩu B40, khoát lên bộ vét tông, ôm cặp táp "làm kinh tế" với người ta. Bọn "đỉ điếm cặn bả xã hội"... trước kia vượt biên sang Mỹ, Pháp... vì có tiền nên được "nâng tầm" lên làm "khúc ruột ngàn dặm". Người ta cố gắng quên đi cái cảnh đi đâu cũng "cắp nón ăn xin". Thuở ban đầu, nước nào cũng vậy. Có ai đẻ ra đã là "triệu phú" đâu ? Phải lao động "thúi móng tay" mới có tiền rủng rỉnh. Vì vậy không ai chê bai VN nghèo hết cả. Nhưng hành vi xâm nhập vào quốc gia khác, bắt cóc người đang cư trú hợp pháp tại đây, là hành vi của một "quốc gia côn đồ". Hôm trước, Fidel Castro chết, VN tuyên bố "quốc tang". Chỉ có đôi ba quốc gia, trong đó có VN và Bắc Hàn, làm lễ truy điệu cho tên đồ tể Castro. Thêm vụ cầm súng vào nhà người ta bắt cóc, VN đứng ngang hàng với Bắc Hàn, trở thành hai nước "côn đồ" trên thế giới. Nhưng Bắc Hàn dầu sao nó cũng có khả năng "đồng ư qui tận", ngay cả đối với Mỹ hay TQ. Tức là nó có "đồ chơi". Chửi nó thì chửi nhưng không ai dám đụng tới nó. Nhưng VN thì "trên răng dưới dế". Cởi cái áo vét ra thì trở lại thuở ăn mày. Đụng với Đức e rằng còn khó khăn hơn đụng với Mỹ. Mỹ (có thể) cần VN vì Mỹ có thể dùng VN để "đối trọng" với sự "trỗi dậy" của TQ. Đôi khi VN "làm quá", Mỹ cũng xí xóa bỏ qua. Nhưng nước Đức không cần gì ở VN, ngay cả kinh tế. Tôi e ngại rằng, với cái đà "lò nóng củi ướt đốt cũng cháy". Các "học giả" VN hò dô ta đút củi sống vô lò. Điều này sẽ làm hài lòng ông Trọng (và mỗi người sẽ được ông Trọng cho cục kẹo). Nhưng nay mai Đức sẽ "trả đũa". Thứ chống mắt xem ai chết thì biết. "Lao động" VN đang sống lậu nhung nhúc ở Đức. "Sự cố ngoại giao" này trở thành một cái "cớ" rất đẹp để Đức tống cổ đám người ở lậu này về lại VN. Đừng có "giỡn nhột" với bọn Đức. Dân tộc có khả năng đội đá vá trời trên thế gian này là dân Đức. Họ nói là họ làm./.
......

Gỡ rối Ngoại giao: điệp vụ bất khả thi?

Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần lễ đã liên tục có 3 cuộc gặp gỡ của cán bộ ngoại Việt nam với quan chức cấp cao diễn ra tại Hà nội lần lượt vào ngày 2, 9 và 13 tháng 8 năm 2018. Có lẽ công tác ngoại giao chưa bao giờ quan trọng đến độ cả cơ quan tuyên giáo, công an lẫn đảng và chính phủ đều phải kết hợp với các cơ quan ngoại giao Việt nam ở nước ngoài. Cả ông Trưởng ban Tuyên Giáo Trung ương Võ Văn Thưởng có cuộc gặp với 24 trưởng cơ quan đại diện Việt nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2018-2021 vào ngày 2/8/2018, ông Tô Lâm cũng gặp gỡ với các quan chức ngoại giao này một tuần sau đó để bàn về việc “Đẩy mạnh hợp tác giữa Bộ Công an và Bộ Ngoại giao”, và ngày 13/08/2018 là cuộc gặp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với 300 cán bộ ngoại giao tại Hà nội. Tựu chung thì cả ba ông đều nhấn mạng đến tầm quan trọng của việc ổn định chế độ, chống lại các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Nỗi sợ cách mạng màu làm lung lay hay xoay chuyển chế độ từ các tác động bên ngoài chưa bao giờ thể hiện rõ đến như vậy trong não trạng lãnh đạo Việt nam. Ông Trọng chắc nịch tuyên bố rằng “đặc biệt rong năm 2017 công tác ngoại giao đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trở thành một điểm sáng trong toàn bộ những thành tựu chung của đất nước” nhờ “sự cố gắng nỗ lực của toàn hệ thống chính trị.” Thành quả ngoại giao mà ông Trọng nhắc đến có lẽ là việc bắt giữ Trịnh Xuân Thanh làm lung lay nước Đức và Châu Âu vì cách thức vi phạm luật pháp nước ngoài một cách trắng trợn vào năm 2017. Vụ bắt cóc này không được truyền thông chính thống Việt nam đưa tin ngoài việc tuyên bố dối trá rằng Trịnh Xuân Thanh đã tự về nước đầu thú để làm mồi cho chiến dịch chống tham nhũng ở Việt nam dù đại sứ Việt nam tại Đức trong một cuộc phỏng vấn đã gián tiếp thừa nhận vụ bắt cóc là có thật. Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh có lẽ đã phủ nhận một vế quan trọng trong tuyên bố “kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và các lợi ích chính đáng của ta theo luật pháp quốc tế” của ông Trọng. Thành quả của vụ vi phạm luật pháp quốc tế, luật pháp Đức và ngoại giao là sự tổn hại về ngoại giao giữa Việt nam và một số các quốc gia châu Âu. Đức đã cắt quan hệ chiến lược với Việt nam, Cộng hoà Séc ngừng cấp thị thực lao động cho người Việt và tiếp theo là Slovakia không bổ nhiệm Đại sứ mới tại Việt nam sau khi phát giác chính Bộ Trưởng Công An Tô Lâm đã lợi dụng lòng hiếu khách của Slovakia trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Các nhà điều tra Pháp cũng đã vào cuộc điều tra các Sim điện thoại được mật vụ Việt nam sử dụng để liên lạc với nhau trong vụ bắt cóc Thanh thì hệ luỵ từ đó là ông Trọng đã bị đón tiếp một cách lạnh nhạt khi đến Pháp hồi tháng 3 năm 2018 theo như nhận định của ông Lê Trung Khoa từ Đức. Nếu như Pháp cũng vào cuộc thì Việt nam đang vướng phải khủng hoảng về ngoại giao với không chỉ một mà đến bốn quốc gia châu Âu. Điều này sẽ làm cho Việt nam càng khó thuyết phục bốn quốc gia này thông qua hiệp định thương mại tự do EVFTA mà Việt nam đang rất thèm muốn trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ Trung đang làm ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của những quốc gia Đông Nam Á vốn dựa dẫm nhiều vào xuất khẩu hàng hoá trong đó có Việt Nam. Tờ Asian Nikkei Review của Nhật có nhận định Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất. Xuất khẩu của Việt nam vào thị trường Mỹ ước tính đạt 43,7 tỷ đô la hàng năm sẽ bị giảm sút do nhu cầu nhập khẩu của Mỹ giảm. Với khối lượng hàng xuất khẩu tương đương 99,2% GDP ( 226 tỷ Đô la) thì nếu thị trường nhập khẩu của Mỹ và Trung quốc bị giảm sút, thì Việt nam chỉ còn biết trông chờ vào EU. Nhưng với khủng hoảng ngoại giao đang diễn ra như hiện tại thì cánh cửa cho hàng Việt Nam được hưởng thuế suất 0% vào EU có lẽ còn lâu mới hé mở. Có lẽ khi tiền Việt nam đã bị sụt giá 1,5% trong năm nay cộng với việc gia tăng tiền lương tối thiểu lên 5,3% trong năm tới sẽ làm cho sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam ngày càng giảm sút. Khi đó nguyện vọng “đa dạng hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, thu hút vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao” của Trưởng ban Tuyên Giáo Trung Ương Võ Văn Thưởng có lẽ sẽ đi vào cánh cửa hẹp. Ông Tô Lâm lại muốn các cơ quan ngoại giao là “những tiền đồn phát hiện, ngăn chặn các đối tượng thù địch có ý đồ xâm nhập vào Việt Nam, đồng thời cũng là cửa ngõ của nước nhà mở ra thế giới, giúp bạn bè quốc tế hiểu biết và mở rộng giao lưu với lực lượng CAND Việt Nam.” Vai trò “ tiền đồn ngăn chặn các đối tượng thù địch” của các sứ quán Việt nam đã khá xuất sắc khi những người có tư tưởng chống đối nhà nước Việt nam không được cấp thị thực nhập cảnh, bị câu lưu hay buộc xuất cảnh trở lại khi họ đặt chân đến Nội Bài hay Tân Sơn Nhất. Bạn bè quốc tế đã hiểu biết lực lượng CAND Việt nam trong thời gian qua, mà người đại diện là Tô Lâm và một số mật vụ ở Slovakia hồi tháng 7 năm 2017 khi mượn chuyên cơ của chính phủ Slovakia để mang Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam. Họ hiểu được mật vụ Việt Nam và Tô Lâm bất chấp luật lệ các nước sở tại để đạt cho bằng được mục đích của mình. Mọi thứ đã quá phức tạp, giờ đây ban Tuyên giáo, Bộ Công An, Đảng và Chính phủ lại giao cho các cán bộ Ngoại giao đi gỡ rối, một việc mà giờ đây có lẽ đã vượt quá tầm với của các cán bộ ngoại giao./.
......

NGƯỜI PHỤ NỮ CAN TRƯỜNG, BẤT KHUẤT!

Tù chính trị (còn gọi là tù nhân lương tâm), bà Trần Thị Thúy đã nói: Tôi thà chết vinh còn hơn sống nhục…! Minh Hải (VNTB) Ngày 10/8/2018, tù nhân chính trị Trần Thị Thúy (SN 1971.Nguyên quán: Đồng Tháp) đã mãn án 8 năm tù giam với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ luật hình sự 1999 để về đoàn tụ với gia đình. Chia sẻ với Việt Nam Thời Báo, bà Thúy cho biết khoảng thời gian thụ án trong lao tù tuy khắc nghiệt nhưng bà thà chết vinh còn hơn sống nhục, nhất quyết không nhận tội… Một ngày sau khi về đến nhà ở Đồng Tháp, tù nhân chính trị Trần Thị Thúy đã chia sẻ với Việt Nam Thời Báo (VNTB) rằng tình hình sức khỏe sau tám năm tù giam hiện tại không được tốt, việc đi đứng rất khó và nhất là đau ở phần đầu triền miên. Bà Thúy nói: “Cái này là do vào trại giam bị bệnh thôi chứ trước kia tôi không hề, không có những bệnh gì.” Bà Thúy bị bắt vào tháng 8/2010 với cáo buộc tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Khoản 2 Điều 79 Bộ luật hình sự 1999, do trước đó bà Thúy cùng với Mục sư Dương Kim Khải, bà Phạm Ngọc Hoa, ông Nguyễn Thành Tâm, Phạm Văn Thông, Nguyễn Chí Thành và Cao Văn Tỉnh đã có những hoạt động liên quan đến việc khiếu kiện đất đai, nhà cửa, lên tiếng đấu tranh cho dân oan, đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam. Còn tờ báo Thông tấn xã Việt Nam vào ngày 18/8/2011, có tường thuật phiên xử phúc thẩm vụ án của bà Thúy do Tòa án nhân dân tối cao tại TP.Hồ Chí Minh mở nhưng mượn trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre làm nơi xét xử, cho biết “Cáo trạng của Viện Kiểm sát rằng bà Thúy là thành viên của Đảng Việt Tân, được Đảng Việt Tân huấn luyện phương pháp đấu tranh "bất bạo động" nhằm chống nhà nước Việt Nam… Tại phiên xử, do bà Thúy đã quanh co chối tội, không nhận thấy được việc làm sai trái của mình, không có thái độ ăn năn hối cải. Do đó, Hội đồng xét xử đã bác đơn kháng án và tuyên y án sơ thẩm đối với bà Trần Thị Thúy là 8 năm tù giam và 5 năm quản chế”. Chia sẻ với VNTB, bà Thúy cho biết thời điểm bà bị bắt khoảng 3 ngày thì bà đã bị đánh thô bạo tại nơi tạm giam. “Có. Ngày 10/8/2010 họ bắt tôi khoảng 3 ngày sau thì họ đánh tôi dữ lắm. Họ đánh tôi xỉu, tôi nghĩ là tôi chết rồi chứ tôi không có còn sống. Họ cho tôi uống thuốc nhưng tôi không uống, ở buồng giam họ đạp tôi họ bắt tôi uống thuốc…tôi bị đau đầu từ lúc bị bắt cho đến ngày hôm nay.” Và khoảng thời gian 8 năm tù giam là khoảng thời gian đầy khắc nghiệt đối với bà Thúy. Bà bị chuyển đổi trại và trại An Phước tỉnh Bình Dương là trại bà chấp hành án cho đến ngày về, bị đánh đập, hai lần tuyệt thực rồi chống chọi với bệnh tật. Bà Thúy cho biết, nếu không nhờ sự thăm nuôi tích cực từ phía gia đình và sự quan tâm giúp đỡ của dư luận trong ngoài nước thì bà chắc sẽ không sống nổi đến ngày hôm nay. “Cũng có khá nhiều chuyện, khoảng tháng 10/2010 lúc đó tôi bị đưa về Bến Tre gia đình tôi không có liên lạc được..họ đánh xỉu lên xỉu xuống. Họ cho tôi viết thư gửi về nhà nhưng hai ngày sau họ không gửi thư cho tôi nên tôi nói họ không giữ lời nên tôi tuyệt thực. Tôi tuyệt thực hết 3 ngày. Noí chung tôi từ lúc tháng 10/2010 cho đến tháng 6/2011, tôi hai lần tuyệt thực, lần 3 ngày và lần 5 ngày…” Dù phải đối mặt với cuộc sống khắc nghiệt ở trại giam, cán bộ trại giam nhiều lần khuyên nhận tội để được giảm án nhưng bà Thúy nói nếu ký giấy nhận tội mà thả liền bà cũng không ký, thà chết vinh còn hơn sống nhục, quyết không nhận tội. Bà Thúy chia sẻ: “Họ nhiều lần nói tôi nhận tội, nhận tội ở khoảng 4 năm về. Tôi trả lời nếu ký giấy nhận tội thả liền tôi cũng không ký. Tôi cho là tôi không có tội. Tôi làm cái việc đó là đúng nên tôi không ký. Họ kêu tôi nhận tội nhiều lần…Tôi nói họ kêu để nói chuyện gì chứ nói nhận tội là không có đáng để tôi trả lời những câu đó…tôi thà chết vinh còn hơn sống nhục.” Vì kiên cường không nhận tội nên tù chính trị Trần Thị Thúy đã không được giảm án ngày nào, 8 năm tù ở đủ 8 năm rồi về với gia đình vào hôm ngày 10/8/2018. Trước mắt bà Thúy còn phải chấp hành thêm bản án 5 năm quản chế tại địa phương./. Nguồn: VNTB
......

Cứ trả lại Trịnh Xuân Thanh là hết khủng hoảng ngoại giao?

Tròn một năm sau cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức-Việt, cơn khủng hoảng thứ hai mang tên Slovakia-Việt và cả EU-Việt sẽ chuyển qua giai đoạn mới: Thời kỳ đóng băng kéo dài nhiều năm. Đã quá muộn! Nếu vào mùa Đông năm ngoái hoặc chậm lắm là mùa Hè năm nay, những kẻ bắt cóc chịu “trả lại nguyên hiện trường” theo yêu cầu của nhà đương cục Đức, tức giao lại một Trịnh Xuân Thanh mà được một bản thông báo như thể từ trong bóng tối của Bộ Công An CSVN cho rằng đã tự nguyện về nước đầu thú (để sau đó phải lãnh đến hai án tù chung thân), thì có lẽ cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức-Việt đã tạm lắng và còn tưới thêm nước mát vào những tia lửa sắp bùng cháy của khủng hoảng Slovakia-Việt. Nhưng giờ đây khi mùa Hè năm 2018 vẫn chưa trôi qua và gần hết Châu Âu đang oằn mình trong một đợt nóng kinh hoàng, chẳng có gì được xem là kết thúc khủng hoảng hay triển vọng ngoại giao-kinh tế của chính thể độc đảng ở Việt Nam với người Đức. Ngược lại, núi lửa khủng hoảng đang nóng bỏng hơn bao giờ hết. Đã quá muộn để trả lại Trịnh Xuân Thanh! Lời thú tội của Nguyễn Hải Long – một nghi can tham gia đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức – tại Tòa Thượng Thẩm Berlin vào ngày 17 Tháng Bảy, 2018, rốt cuộc lần đầu tiên mang tính chứng cứ không thể bác bỏ về không chỉ vai trò của những con tốt Nguyễn Hải Long, Đào Quốc Oai, Lê Anh Tú và một quan chức thừa hành bậc trung là Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục An Ninh (Bộ Công An) Đường Minh Hưng, mà còn là cơ sở quá rõ để lần đầu tiên tòa án Đức tự tin công bố tên họ những “tác giả” có chức vụ cao hơn thế nhiều nằm trong Bộ Chính Trị đảng CSVN móc xích với phi vụ bắt cóc hệt như phim gián điệp thời Chiến Tranh Lạnh của thế kỷ XX. Và dĩ nhiên, chứng cứ trên càng thúc đẩy mau hơn và mạnh hơn những quyết định tiếp tới của ngành tư pháp Đức để chế tài Việt Nam, kể cả việc phát thêm lệnh truy nã quốc tế đối với một số gương mặt quan chức cao cấp nào đó thuộc công an Việt Nam, trong bối cảnh Hà Nội trong hơn một năm qua vẫn chưa có bất kỳ một động tác xin lỗi và “cam kết không tái phạm” nào trước người Đức. Sau Tháng Bảy, 2017, khủng hoảng Đức-Việt đã bùng phát và kéo theo quá nhiều hậu quả. Không chỉ trục xuất vài cán bộ ngoại giao của đại sứ quán Việt Nam tại Đức về nước, nhà nước Đức còn thẳng tay tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vào Tháng Mười, 2017, và một tháng sau đó đã thông báo ngừng luôn hiệp định về miễn trừ visa đối với quan chức Việt Nam đi công tác ở Đức. Cho dù Nguyễn Hải Long đã bất ngờ kháng án vào cuối Tháng Bảy, 2018, một động tác bị nghi ngờ là đã có những tác động đe dọa theo kiểu biệt kích từ nhà cầm quyền Việt Nam đối với gia đình của Long ở Việt Nam và khiến phiên tòa xét xử Nguyễn Hải Long có thể sẽ phải dài ra đến cuối năm 2018. Nhưng với toàn bộ lời thú tội bổ túc rất chi tiết của Nguyễn Hải Long trước Viện Công Tố, tòa án và luật sư, xem ra xác suất phản cung thành công của Long là quá thấp. Thậm chí mức án 3 năm 10 tháng tù giam mang tính khoan hồng mà Nguyễn Hải Long đã được tòa án Đức tuyên sơ thẩm, thay vì đến bảy năm rưỡi nếu “ngoan cố,” sẽ không còn giữ được trong phiên tòa phúc thẩm. Cứ “trả lại” Trịnh Xuân Thanh là xong? Vào Tháng Sáu, 2018, khi Nguyễn Hải Long còn chưa chịu nhận tội, phía Việt Nam có vẻ tưởng chừng Tòa Thượng Thẩm Berlin sẽ bị bế tắc trong vụ xử Long và sẽ không thể có kết quả đáng kể nào để tác động vào khối hành pháp Đức nhằm chế tài thêm đối với Việt Nam. Cũng vào Tháng Sáu đó, giới chóp bu Việt Nam bất ngờ trục xuất luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài sang Đức như một chiến thuật “đổi nhân quyền lấy thương mại” – một cử chỉ lấy lòng, bởi vì Đức đang đóng vai trò quyết định trong việc tác động đến nghị viện Châu Âu xem xét có ký kết và sau đó thông qua Hiệp Định Thương Mại Tự Do Việt Nam-Châu Âu (EVFTA) hay không. Đồng thời, phía Việt Nam phát tín hiệu “sẽ trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức”… Quan chức Việt Nam luôn nổi tiếng là những “chuyên gia đi đêm,” đặc biệt là những phi vụ làm ăn kinh tế và trả treo “đổi nhân quyền lấy thương mại.” Sau Tháng Bảy, 2017, chiến dịch “đi đêm” – như một phương thức đàm phán ngầm về vụ Trịnh Xuân Thanh, bao gồm cả thỏa thuận không công khai cho báo chí và dư luận biết về những nội dung đã thỏa thuận, đã được giới chóp bu Việt Nam chỉ đạo cho Bộ Ngoại Giao của chính thể quá thiếu tính chính danh này tiến hành với người Đức, mà sau đó vài nội dung trong đó đã được báo chí Đức tiết lộ. Nhưng cứ lén lút trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức thì mọi thứ sẽ trở về như cũ? Thật quá khó để hình dung theo cách trên. Bởi lúc này đây đang khác hẳn với thời điểm cuối năm 2017. Sau khi Nguyễn Hải Long đã “khai sạch” và chắc chắn đã làm sáng tỏ nhiều hành vi của một số quan chức công an cao cấp của Việt Nam trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, hy vọng “kết thúc khủng hoảng Việt-Đức” trong năm 2018 và ký kết EVFTA vào cuối năm 2018 lại một lần nữa mờ mịt. Về thực chất, “thắng lợi vĩ đại” nhất từ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là sự “kiến tạo” một bước ngoặt lớn trong trang sử quan hệ ngoại giao Đức-Việt và EU-Việt, làm thay đổi hẳn nhận thức của giới quan chức Đức và Liên Minh Châu Âu đối với phương châm “Việt Nam luôn làm bạn với tất cả các nước.” Khi nổ ra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và ít ngày sau đó, có lẽ Bộ Công An và Bộ Ngoại Giao CSVN đã tính toán không ít kế hoạch để đối phó với Đức và với dư luận. Nhưng dù mắt trước mắt sau đến thế nào, họ vẫn quên hoặc không thể nhận thức được – như một trí não bình thường – về một nhân tố căn cơ và mang tính quyết định: Đức là một nhà nước pháp quyền, lấy pháp quyền làm giá trị hàng đầu để điều hành xã hội và đối ngoại. Tam quyền phân lập là một trong những giá trị pháp quyền ấy. Với tư cách là một thành phần độc lập trong thể chế chính trị tam quyền phân lập, tòa án Đức tách rời một cách tương đối với những quyết định của chính phủ và Bộ Ngoại Giao Đức. Giờ đây, giới chóp bu Việt Nam chỉ quen tuyên rao “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” đang phải đối mặt với Tòa Thượng Thẩm Berlin chứ không chỉ còn là Bộ Ngoại Giao Đức. Sự thật là trong con mắt nước Đức, một kẻ tham nhũng như Trịnh Xuân Thanh nếu có được phía Việt Nam trả lại cho Đức cũng chẳng có ý nghĩa gì lớn. Mà trên hết, người Đức cần được chế độ vi phạm nhân quyền quá trầm trọng ở Việt Nam thật sự tôn trọng như một nhà nước pháp quyền, mà vụ Trịnh Xuân Thanh là một phép thử rất lớn. Khủng hoảng cấp nhà nước Slovakia-Việt và lan ra toàn EU Trong ít ra vài ba tháng nữa, tương lai “phục hồi quan hệ đối tác chiến lược Đức-Việt” vẫn còn khá ảo ảnh – tỷ lệ thuận với thói “mặt dày” không còn giới hạn nào của Hà Nội. Trong khi đó, dường như phía Đức vẫn lưu giữ kịch bản “cắt quan hệ ngoại giao với Việt Nam” trong tình huống vụ Trịnh Xuân Thanh không thể cứu vãn được. Trong thực tế và chắc chắn nằm ngoài sức tưởng tượng của những chóp bu “giàu trí tưởng bở” nhất của Việt Nam, ý đồ “chấp nhận trả giá đối ngoại để giải quyết đối nội” của “đảng và nhà nước ta” đã và đang phải trả giá quá đắt và chưa biết chừng nào mới trả giá xong. Không có quan hệ đối tác chiến lược với Đức, hoặc mối quan hệ này bị tạm treo vô thời hạn, Việt Nam sẽ khó có hy vọng để tham gia EVFTA (Hiệp Định Thương Mại Tự Do Châu Âu-Việt Nam) vào năm 2018 hay trước năm 2020 mà do đó có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước này thêm vài phần trăm. Hiện thời, Đức đang được xem có vai trò quyết định đối với việc Nghị Viện Châu Âu có thông qua EVFTA với Việt Nam hay không. Hậu quả từ cơn khủng hoảng Đức-Việt chưa thể kết thúc lại có thể là tiền đề mà có thể dẫn đến những bất ngờ khác và khó tưởng tượng trong tương lai, không chỉ là tương lai quan hệ giữa Đức và Việt Nam mà còn là quan hệ Việt Nam-Châu Âu. Hậu quả xảy ra với Việt Nam sẽ từ từ, dai dẳng và không kém phần đau đớn. Nhiều người dân và doanh nghiệp Việt Nam sẽ vô hình trung trở thành nạn nhân của hệ lụy trừng phạt từ phương Tây, nhưng lại chẳng dám thốt ra tên của thủ phạm đã gây ra những hậu quả ghê gớm này. Không chỉ Đức, từ Tháng Bảy đến nay, mối quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa các quốc gia như Pháp, Bỉ, Hòa Lan, Ý, Thụy Điển, kể cả một số nước khác ở Châu Âu với Việt Nam đã lạnh lẽo hẳn đi. Một khả năng có thể xảy đến là trong thời gian tới, những quốc gia như Pháp, Bỉ, Hòa Lan, Ý, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Anh sẽ có một số biểu cảm và hành động gần tương tự phản ứng của người Đức đối với Việt Nam qua vụ Trịnh Xuân Thanh. Những biểu cảm và hành động này sẽ liên đới mật thiết với viện trợ không hoàn lại, tín dụng cho vay, cũng khiến đầu tư nước ngoài của Châu Âu vào Việt Nam có thể sụt giảm đáng kể. Những ưu đãi về hàng rào thuế quan trong nhập cảng hàng Việt Nam cũng bởi thế sẽ được thả nổi theo mặt bằng thị trường chung. Thậm chí khách du lịch Châu Âu – khi đã được báo chí lục địa này dồn dập cảnh báo về “nhà nước bắt cóc” – sẽ chẳng còn mấy tha thiết đi dã ngoại ở một Việt Nam đầy rủi ro rình rập. Nhiều nước Tây Âu và cả Đông Âu sẽ có thể đặt Việt Nam vào một tầm ngắm mới và khởi tạo một hàng rào kiên cố nhằm ngăn chặn mật vụ Việt Nam hành xử theo “luật rừng” ở Lục Địa Già. Tháng Bảy, chỉ ba ngày sau vụ Nguyễn Hải Long nhận tội, chính phủ Cộng Hòa Czech đã quyết định tạm ngừng tiếp nhận đơn xin visa dài hạn cho mục đích lao động và kinh doanh đối với công dân Việt Nam. Trước đó một tháng, cựu Ngoại Trưởng Czech Lubomir Zaoralek đã cáo buộc “Việt Nam là tội phạm có tổ chức và trở thành mối đe dọa an ninh quốc gia hàng đầu” của nước ông. Điều trớ trêu là Czech lại là quốc gia được chính thể Cộng Sản ở Việt Nam xem là “nền kinh tế thân thiện nhất.” Trong khi cơn địa chấn khủng hoảng Đức-Việt còn lâu mới chấm dứt, chính thể Việt Nam lại phải đối mặt với một trận động đất với cường độ còn mạnh hơn thế nhiều. Nếu loại bài điều tra của báo chí Đức (tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung) và báo Dennik N của Slovakia ngày 3 Tháng Tám về “Robert Kaliňák đã giúp Bộ Trưởng Công An Việt Nam Tô Lâm đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen bằng chuyên cơ của chính phủ Slovakia” là có cơ sở mà cựu Bộ Trưởng Nội Vụ Slovakia Robert Kaliňák không thể phản bác được, khủng hoảng Slovakia-Việt đang chính thức bắt đầu và còn vượt trên khủng hoảng Đức-Việt một bậc. Trong khủng hoảng Đức-Việt, các cơ quan tư pháp Đức chỉ làm rõ chứng cứ vụ bắt cóc đến Nguyễn Hải Long và một quan chức công an bậc trung là Đường Minh Hưng trong bối cảnh chuyến đi Đức của Tướng Hưng là lén lút chứ không công khai và càng không chính thức, thì chuyến đi của Bộ Trưởng Công An Tô Lâm đến Slovakia ngay sau khi xảy ra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức, cùng cuộc gặp chính thức của Tô Lâm với bộ trưởng nội vụ Slovakia khi đó là Robert Kaliňák đã xác nhận rằng Tô Lâm là một đại diện chính thức của chính phủ Việt Nam, là tiền đề kéo theo mức độ xung đột ngoại giao giữa Slovakia và Việt Nam là xung đột cấp nhà nước./.
......

Làm thế nào để khởi kiện quan chức Việt Nam ở Mỹ?

Năm 1999, khi đang viết khóa luận cao học luật tại Mỹ, giữa nhiều đề tài luật pháp lý thú, tôi lựa chọn nghiên cứu một đạo luật ít nhiều có thể giúp các nạn nhân Việt Nam bị nhà nước cộng sản vi phạm nhân quyền đòi công lý ở nước ngoài, đặc biệt là tại Mỹ. Đó là Đạo luật Trách nhiệm Dân sự phạm của Người nước ngoài (Alien Tort Statute (28 U.S.C. § 1350), sau đây gọi tắt là “Luật ATS”). Khóa luận đó dài hơn 30 trang, nghiên cứu mọi khía cạnh lý thuyết và thực tiễn của Luật ATS cùng án lệ được các tòa án Hoa Kỳ phát triển trên cơ sở luật này trong thế kỷ 20, kể từ án lệ Filartiga năm 1980 như sẽ trình bày dưới đây. Bản khóa luận, tiếc thay, đã mất vì nhân viên an ninh tịch thu năm 2009 khi tôi bị bắt giam và khám nhà. Sau năm 1999, đường hướng án lệ Mỹ về Luật ATS đã bổ sung thêm nhiều nội dung mới mẻ, cũng như có nhiều vấn đề pháp lý mới phát sinh kể từ đầu thế kỷ 21. Do đó, gần đây, trước tình hình vi phạm nhân quyền ngày càng nghiêm trọng ở Việt Nam, đặc biệt là tình trạng tra tấn và giết người phi pháp tại các đồn công an gia tăng trên khắp cả nước, tôi đã nghiên cứu lại Luật ATS và cập nhật thêm sự phát triển mới của các án lệ có liên quan. Tôi cũng thêm xác quyết rằng đây là công cụ pháp lý hữu hiệu giúp nạn nhân bị vi phạm nhân quyền đòi lại công lý cho mình và thân nhân. Bài viết này chỉ giới thiệu một cách vắn tắt nhất những khái niệm và vấn đề liên quan đến Luật ATS, hầu giúp những ai quan tâm có thể chuẩn bị một vụ kiện như vậy cho mình trong tương lai khi có cơ hội. Đạo luật cổ mang tinh thần mới Luật ATS là một luật liên bang được Quốc hội đầu tiên của Hoa Kỳ thông qua lần đầu vào năm 1789 và được Tổng thống George Washington ký ban hành thành luật, nhằm trao cho các tòa án liên bang Mỹ quyền xét xử những vụ kiện mà nguyên đơn là người không mang quốc tịch Mỹ đối với các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của bất kỳ ai.[1] Nước Mỹ khi đó muốn chứng minh trước cộng đồng thế giới rằng tuy là một quốc gia mới xuất hiện nhưng họ là một nước trọng pháp trên phạm vi toàn cầu. Thế kỷ 18, lúc Luật ATS được ban hành, là giai đoạn sơ khai của luật quốc tế vốn chủ yếu quy định quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia và chỉ đặt ngoài vòng pháp luật các tội phạm quốc tế như cướp biển mà thôi.[2]  Tuy nhiên, luật quốc tế trong thế kỷ 20 và 21 đã hoàn toàn khác, phạm vi áp dụng của nó đã được mở rộng bao gồm cả việc bảo vệ nhân quyền.[3] Trong 70 năm kể từ ngày ký Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền vào năm 1948 đến nay, nhân quyền toàn cầu đã chuyển từ một ý niệm mang tính khích lệ thành một thực tiễn pháp lý. Quá trình phát triển đột phá này đã khiến cho Luật ATS trở nên quan trọng hơn vào cuối thế kỷ 20. Theo đó, những người sống sót sau những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng hoặc thân nhân của nạn nhân đã chết đều có quyền khởi kiện thủ phạm ra trước tòa án Mỹ. Từ năm 1980, Luật ATS đã được áp dụng thành công trong các vụ kiện có liên quan đến bạo lực tình dục và hiếp dâm có sự tiếp tay của nhà nước, các vụ tra tấn hoặc giết người phi pháp, tội ác chống nhân loại, tội ác chiến tranh và giam giữ tùy tiện.[4] Bên cạnh Luật ATS còn có Đạo luật Bảo vệ Nạn nhân bị Tra tấn (Torture Victim Protection Act), được thông qua vào năm 1991 và đã được Tổng thống George H. Will Bush ký ban hành thành luật vào năm 1992, trao các quyền tương tự cho công dân Hoa Kỳ và cả người ngoại quốc trong việc khởi kiện đòi bồi thường đối với các hành vi tra tấn và giết người phi pháp diễn ra ở nước ngoài.[5] Án lệ theo Luật ATS Án lệ Filartiga Vụ án đầu tiên được khởi kiện theo Luật ATS là vụ Filartiga v. Peña-Irala. Năm 1976, cha của một thanh niên từng bị tra tấn đến chết trong đồn cảnh sát ở Paraguay đã trông thấy một trong những kẻ tra tấn con trai ông đang đi bộ trên đường phố ở Manhattan, New York.[6] Người cha đã báo cảnh sát Mỹ bắt giữ tay cựu viên chức cảnh sát Paraguay đó. Sau đó, người cha và em gái của nạn nhân liền khởi kiện anh ta theo Luật ATS. Năm 1980, một tòa án liên bang ở New York đã tuyên chấp thuận yêu cầu đòi bồi thường hàng triệu USD của họ, từ đó mở ra cơ hội cho những yêu cầu đòi bồi thường tương tự.[7] Kể từ án lệ Filartiga, hàng loạt các vụ kiện theo Luật ATS đã được khởi động chống lại các cá nhân thủ phạm bị phát hiện có mặt ở Hoa Kỳ. Mọi vụ kiện như vậy đều được tòa án Mỹ xét xử vì những người sống sót sau các vụ vi phạm nhân quyền và thân nhân của nạn nhân đã chết thường không còn cách nào đòi lại công lý ở chính quê hương mình. Tiêu chuẩn Sosa: Quan điểm của Tòa án Tối cao Đường hướng của án lệ Hoa Kỳ kể từ vụ Filartiga đã được Tòa án Tối cao Hoa Kỳ xác nhận. Trong phán quyết năm 2004 đối với vụ Sosa v Alvarez-Machain, Tòa tuyên rằng Luật ATS trao cho tòa án liên bang thẩm quyền đối với các đơn kiện dựa trên các tiêu chuẩn được chấp nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế. Nói cách khác, Tòa án Tối cao đã bật đèn xanh cho việc sử dụng Luật ATS như một công cụ yêu cầu bồi thường đối với các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.[8] Trách nhiệm cá nhân đối với các vi phạm nhân quyền Tại các quốc gia thường xuyên có xung đột vũ trang hoặc bị cai trị bởi các chế độ độc tài toàn trị, việc miễn trách nhiệm đối với vi phạm nhân quyền hàng ngày có thể nói là một bất hạnh đối với người dân thấp cổ bé họng. Hệ thống tư pháp ở những nơi đó luôn thỏa hiệp hoặc bị giới cầm quyền tác động nhằm ngăn cản khởi tố hình sự những hành vi phạm tội như vậy, bởi trong hầu hết các trường hợp, thủ phạm vẫn đang đương chức. Một yếu tố khác có thể ngăn cản nạn nhân và thân nhân họ đòi bồi thường là thủ phạm có thể đã cao chạy xa bay khỏi đất nước đó. Hàng ngàn kẻ vi phạm nhân quyền như thế đã và đang trú ẩn an toàn tại Hoa Kỳ. Đối với những người tị nạn và người sống sót đang cố gắng xây dựng lại cuộc sống của mình tại Hoa Kỳ, họ có thể bị tổn thương sâu sắc khi tiếp tục nhìn thấy thủ phạm đang sống mà không bị trừng phạt. Do đó, Luật ATS cung cấp một công cụ vạch trần những kẻ vi phạm nhân quyền và không cho chúng sống an nhàn sau bao tội ác gây ra. Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với hành vi đồng lõa Bắt đầu vào giữa những năm 1990, một loạt các vụ kiện mới theo Luật ATS đã diễn ra nhằm mục đích buộc các tập đoàn đa quốc gia chịu trách nhiệm về hành vi đồng lõa trong các vụ vi phạm nhân quyền.[9]  Mặc dù một bộ phận trong cộng đồng doanh nghiệp đã phản đối dữ dội và do đó dấy lên các chỉ trích nảy lửa về việc áp dụng Luật ATS, nhưng những nỗ lực để bãi bỏ hoặc làm suy yếu đạo luật này đã thất bại. Kể từ năm 2009, hai vụ kiện về trách nhiệm doanh nghiệp, Doe v. Unocal và Wiwa v. Shell, đã đóng vai trò quan trọng trong hệ thống án lệ, dẫn đến các thỏa thuận bồi thường khổng lồ cho những người sống sót và cộng đồng của họ.[10] Khởi kiện để làm gì? Cần lưu ý, các vụ kiện theo Luật ATS không tiến hành theo thủ tục tố tụng hình sự.[11] Do đó, bị đơn không nhất thiết phải bị giam cầm, trừ trường hợp cảnh sát hoặc tòa án phát hiện bị đơn đã thực hiện các hành vi khác vi phạm luật pháp Hoa Kỳ. Chẳng hạn, trong vụ Filartiga, tay cựu viên chức cảnh sát Paraguay bị bắt giữ vì visa nhập cảnh Mỹ quá hạn. Tố quyền theo Luật ATS được thực hiện nhằm mục đích khởi động các vụ kiện dân sự mà kết quả là một phán quyết buộc bồi thường thiệt hại bằng tiền cho nguyên đơn.[12] Tuy nhiên, những vụ kiện này luôn thể hiện tầm quan trọng vì nhiều lý do khác, như nêu dưới đây, chứ không đơn thuần vì khoản tiền bồi thường mà nguyên đơn đạt được. Sự thật lên tiếng Những vụ kiện này mang đến cho các nguyên đơn cơ hội kể câu chuyện của mình và câu chuyện của nạn nhân đã khuất trong các vụ vi phạm nhân quyền. Sự thật có dịp lên tiếng để toàn thế giới thấy rõ bộ mặt phi nhân của các chế độ độc tài. Chấm dứt bất công Nhiều người sống sót và thân nhân của nạn nhân đã chết muốn đòi lại công lý và không cho phép thủ phạm sống an nhiên không bị trừng phạt như ở quê nhà của họ. Do đó, các vụ kiện này có thể được sử dụng như phương tiện trừng phạt và vạch trần hành vi của kẻ thủ ác trước một tòa án và đưa ra các bằng chứng về hành vi vi phạm trong quá khứ vào hồ sơ lưu trữ công khai. Hơn nữa, một số vụ kiện theo Luật ATS còn khiến thủ phạm bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ. Đồng thời, sau khi bị trục xuất, bằng chứng tại phiên tòa có thể được dùng để truy theo kẻ thủ ác đến tận quê nhà của chúng trong tương lai nhằm hỗ trợ thủ tục truy tố và xét xử hình sự. Từ chối nơi trú ẩn an toàn Các vụ kiện theo Luật ATS gửi một thông điệp mạnh mẽ đến các viên chức chính quyền, bao gồm các sĩ quan quân đội và công an, rằng không ai có quyền đứng trên pháp luật, bất kể đó là luật pháp nước của họ. Họ phải hiểu rằng Hoa Kỳ không bao giờ cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới. Điều kiện để khởi kiện Bị đơn hay thủ phạm phải hiện diện tại Hoa Kỳ Để khởi kiện một cá nhân viên chức chính quyền nước ngoài và buộc cá nhân đó phải chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc gián tiếp về các vi phạm nhân quyền, cá nhân đó phải có thể đích thân tham gia vào vụ kiện lúc đang có mặt ở Hoa Kỳ. Nói cách khác, thủ phạm phải sống hoặc đang đến thăm Hoa Kỳ.[13] Viên chức vi phạm nhân quyền trong khi thi hành công vụ Để có thể khởi kiện theo Luật ATS, các vi phạm phải do viên chức chính quyền, bao gồm các sĩ quan quân đội và công an, thực hiện trong khi thi hành công vụ hay đang thực thi chức trách công quyền của họ.[14] Bị đơn doanh nghiệp Có thể kiện các doanh nghiệp đồng lõa trong các vụ vi phạm nhân quyền, miễn doanh nghiệp đó có địa chỉ liên lạc ở Hoa Kỳ và đã hành động hoặc phối hợp với một cơ quan nhà nước hoặc viên chức chính quyền có liên quan đến các vi phạm.[15] Nguyên thủ quốc gia và viên chức ngoại giao Theo luật pháp Hoa Kỳ, các nguyên thủ quốc gia đương nhiệm (bao gồm vua, tổng thống và thủ tướng), bộ trưởng ngoại giao hoặc viên chức chính quyền khác có thể yêu cầu hưởng quyền miễn trừ ngoại giao và, do đó, trong nhiều trường hợp không phải chịu trách nhiệm tham gia các vụ kiện về vi phạm nhân quyền theo Luật ATS. [16] Tuy nhiên, một khi họ thôi chức, các nguyên thủ quốc gia và viên chức chính quyền khác sẽ trở thành đối tượng của các vụ kiện dân sự ngay cả đối với những vi phạm nhân quyền mà họ đã thực hiện trong khi đang tại chức.[17] Hành vi có thể bị kiện bao gồm tra tấn, giết người và vi phạm nhân quyền khác Theo Luật ATS, hành vi có thể bị kiện là mọi vi phạm nhân quyền. Điều thú vị ở đây là tố quyền theo Luật ATS cho phép người không phải công dân Hoa Kỳ lại có quyền khởi kiện rộng rãi hơn một công dân Hoa Kỳ. Theo Đạo luật Bảo vệ Nạn nhân Tra tấn (TVPA), công dân Hoa Kỳ chỉ có thể khởi kiện hai loại vi phạm là tra tấn và giết người phi pháp thực hiện ở Mỹ hoặc ở nước ngoài.[18] Trong khi đó, người không phải công dân Hoa Kỳ lại có quyền khởi kiện theo Luật ATS đối với các hành vi vi phạm thuộc phạm vi rộng hơn, bao gồm tra tấn; giết người phi pháp; bắt cóc hoặc giam giữ bí mật; tội ác chống nhân loại; đối xử tàn bạo, phi nhân hoặc hạ nhục; giam giữ tùy tiện kéo dài; diệt chủng; tội ác chiến tranh; nô lệ; và bạo lực tình dục và hiếp dâm có sự tiếp tay của nhà nước.[19] — Người Việt đang sống trong một xã hội mà quyền làm người không được tôn trọng và thậm chí bị nhà cầm quyền vi phạm. Thân thể và tự do của con người có thể bị tước đoạt bất cứ lúc nào nếu nhà cầm quyền muốn. Môi trường sống bị đe dọa bởi các doanh nghiệp chỉ biết kiếm tiền bất chấp quyền được sinh sống một cách lành mạnh của dân cư xung quanh, do nhận được sự bảo trợ và tiếp tay từ các quan chức chính quyền hoặc, nghiêm trọng hơn, từ chính bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, khi quyền làm người bị xâm phạm, người Việt có thể đòi công lý ở các tòa án tại nước mình hay không? Câu trả lời đáng buồn là không. Nguyên nhân là vì hệ thống tư pháp quốc gia bị đảng cầm quyền thao túng, khiến nó không thể mang đến công lý cho đại đa số người Việt Nam một cách độc lập và sáng suốt. Nó được thiết lập để phục dịch công lý cho đảng cầm quyền, chứ không nhằm xiển dương công lý cho toàn xã hội. Đó là lý do vì sao cần đi tìm công lý ở nơi khác và bằng một công cụ pháp lý hữu hiệu. Với mục tiêu như vậy, bài viết này đã cố gắng giới thiệu sơ lược cho mọi người một công cụ pháp lý bảo vệ nhân quyền đáng tin cậy trước tòa án Mỹ, mà tôi tin chắc có thể giúp những ai không phải là công dân Mỹ chạm được vào cánh cửa công đường của vị Bao Công hiện đại, giữa tình cảnh cánh cửa công lý chật hẹp trên quê hương Việt Nam đã khép chặt từ lâu. Công cụ đó chính là Đạo luật Trách nhiệm Dân sự phạm của Người nước ngoài như được giới thiệu ở trên. — Tài liệu tham khảo: [1] [19] Xem “The Alien Tort Statute Introduction” [2] [3] [8] [17] Xem Anthony J. Bellia Jr và Bradford R. Clark, “The Alien Tort Statute and the Law of Nations” (2011), The University of Chicago Law Review, Volume 78, Issue 2. [4] [11] [12] [13] [14] Xem “Alien Tort Statute Returns To Supreme Court”. [5] [6] [10] [16] [18] Xem Beth Stephens, “The Curious History of the Alien Tort Statute” (2014), Notre Dame Law Review, Volume 89, Issue 4. [7] [9] Xem “A Split On Companies’ Liability For Human Rights Crimes”. [15] Xem “Supreme Court Widens Scope Of Case On Corporate Accountability For Human Rights”, và “Alien Tort Statute Returns To Supreme Court”. Nguồn: Luật Khoa tạp chí
......

NHÀ BÁO LÃO THÀNH BÙI TÍN QUA ĐỜI

Nhà báo kỳ cựu Bùi Tín vừa qua đời ở Paris, Pháp, lúc 1 giờ 25 phút sáng Thứ Bảy, 11 Tháng Tám, giờ Paris, hưởng thọ 91 tuổi. Ông Bùi Tín từng mang quân hàm đại tá trong quân đội Bắc Việt, là phó ban biên tập báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của ĐCSVN. Năm 1990 ông tháp tùng một phái đoàn CSVN tham dự một cuộc hội nghị do đảng cộng sản Pháp tổ chức. Vốn bất đồng và bất mãn với những chính sách tàn ác và phá hoại đất nước của ĐCSVN, nhân dịp đó ông đã xin tị nạn tại Pháp và sống tại Paris từ 28 năm nay. Từ 28 năm nay ông Bùi Tín không ngừng viết và lên án những chính sách, hành động tệ hại của ĐCSVN đối với đất nước và dân tộc VN. Song song những bài viết của nhà báo Bùi Tín cũng thường chuyên chở những giá trị cổ võ cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam. Ông Bùi Tín mất đi, để lại nhiều thương tiếc trong giới đồng nghiệp và những người Việt yêu chuộng tự do, công lý. Công luận cám ơn ông đã để lại nhiều bài phân tích, tham luận sâu sắc lột tả bộ mặt thật của chế độ độc tài đảng trị CSVN. Ban biên tập TTĐQ xin có lời phân ưu đến gia quyến nhà báo Bùi Tín. Cầu chúc linh hồn ông sớm về cõi vĩnh hằng. ***** Nhà báo Bùi Tín để lại ‘một tài sản hết sức quý giá’ Hoàng Long Sự ra đi của nhà báo Bùi Tín, một trong những nhà bất đồng chính kiến Việt Nam nổi tiếng nhất ở hải ngoại và là blogger lâu năm của VOA, để lại nỗi buồn thương và cảm giác mất mát cho những người quen ông hoặc biết đến ông qua những bài viết sắc sảo từ hàng chục năm qua. Sau gần một tháng nhập viện trong tình trạng sức khỏe suy yếu, ông qua đời vào sáng sớm ngày 11 tháng 8 ở ngoại ô Paris, Pháp, nơi ông tị nạn chính trị kể từ năm 1990. Ông hưởng thọ 91 tuổi. Nhà báo, nhà bất đồng chính kiến Bùi Tín qua đời ở tuổi 91 “Tôi lặng người đi và cảm thấy rất bất ngờ dù biết bác tuổi đã cao và gần đây cũng ốm yếu,” ông Nguyễn Tường Thụy, một nhà báo độc lập và nhà hoạt động dân chủ, chia sẻ với VOA từ Việt Nam. Một người lính và một nhà báo, ông Bùi Tín viết nên những chương cuộc đời mình bằng trải nghiệm và hiểu biết của người từng là quan chức cao cấp bên trong nhà nước cộng sản, và sau này bằng sự phản tỉnh được khơi gợi cảm hứng bởi lý tưởng tự do và dân chủ. “Người ta nói rằng số năm tháng mà mình sống trên cuộc đời này chắc có lẽ không quan trọng bằng những việc mà mình đã làm được khi sống trên quả đất này,” nhà báo Đinh Quang Anh Thái của báo Người Việt nói với VOA từ California. “Ông Bùi Tín đã sống một cuộc đời rất trọn vẹn.” Bùi Tín nhập ngũ năm 18 tuổi vào thời Cách mạng tháng Tám năm 1945 và sau đó trở thành ký giả của báo Quân đội Nhân dân Việt Nam với bút danh Thành Tín. Sau sự kiện 30 tháng 4, 1975, ông giải ngũ và tiếp tục viết báo, vươn lên đến vị trí phó tổng biên tập báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Ông quyết định xin tị nạn ở Pháp trong một chuyến đi công cán sang Paris vào năm 1990. Đó là một sự kiện vẫn in sâu trong trí nhớ của ông Phạm Minh Hoàng. Nói chuyện với VOA từ Paris, vị giáo sư và nhà hoạt động nhân quyền này cho biết ông đọc thấy tin ông Bùi Tín đào thoát trên nhật báo Le Monde khi đó. “Tờ Le Monde đăng chuyện đào thoát của bác khá chi tiết và sau đó họ có đăng một mẩu tin của tờ Nhân dân phê phán chuyện bác đào thoát,” ông Hoàng kể lại. “Tờ Nhân dân chế giễu bác, ‘Thành Tín’ có nghĩa là người giữ chữ tín nhưng mà thực sự ông ấy là người ‘bội tín.’” Phản tỉnh và phản biện "Bội tín" với chủ nghĩa cộng sản, ông Bùi Tín tìm thấy niềm tin nơi lý tưởng tự do. Ông trở thành một trong những tiếng nói mạnh mẽ chỉ trích chính quyền Việt Nam và cổ súy cho dân chủ và nhân quyền ở quê nhà qua những bài viết phản biện. Với những trải nghiệm và mối quan hệ của một người trong cuộc, ông đem đến cho độc giả hiểu biết về nội tình của nhà nước cộng sản ít người biết tới, lý giải và phân tích mọi diễn biến bằng sự nhạy bén và am tường của một nhà báo kỳ cựu. Lập luận của ông rành mạch, ngôn ngữ của ông sắc sảo có khi đanh thép xoáy sâu vào vấn đề mà ông bàn luận. Cộng tác với VOA Tiếng Việt trong tư cách một blogger thường xuyên, ông đã viết hơn 1.000 bài bình luận từ năm 2009 cho tới nay, bám sát mọi sự kiện và diễn biến trong đời sống chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa ở Việt Nam nhưng vẫn luôn để mắt đến thời sự quốc tế, nhất là Trung Quốc và Mỹ. Ông đả kích gay gắt Luật An ninh Mạng trong một bài blog đăng ngày 13 tháng 6, một ngày sau khi nó được Quốc hội Việt Nam thông qua. Ở tuổi 91, ông tôn vinh Internet là “túi khôn của nhân loại” và phê phán luật nhằm kiểm soát dữ liệu người dùng này là “phản động.” Trong một bài viết được chia sẻ hơn 3.000 lần, ông đòi chính quyền phải trả “món nợ lưu cữu” cho người dân là ban hành luật về hội họp, biểu tình. Và ông luôn dành một tình cảm trân quý đặc biệt cho những nhà hoạt động trong nước, nêu tên và ca ngợi thành tích của họ trong một bài tổng kết đăng vào cuối năm 2017. ‘Một mất mát to lớn’ “Những gì mà bác để lại là một tài sản hết sức quý giá,” ông Nguyễn Tường Thụy nói. “Tôi không dám nói rộng nhưng đối với tôi Bùi Tín là một người thầy, vừa là nhân cách vừa là nhiệt huyết.” Ông Thụy, thành viên ban biên tập Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, cho biết ông đã “ngưỡng mộ” tài viết lách của ông Bùi Tín từ đầu những năm 1970 khi còn là một người lính trẻ mới 20 tuổi đời. Sau khi ông Bùi Tín tị nạn ở Pháp, ông Thụy nói ông thường nghe trộm “đài địch” để theo dõi ông Bùi Tín viết gì vì những bài viết đó “mở mang chúng tôi rất nhiều vấn đề.” Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam nói trong một thông cáo rằng sự ra đi của ông “là một mất mát to lớn, không chỉ đối với bản thân [hội], mà rộng hơn là phong trào đấu tranh dân chủ - nhân quyền Việt Nam.” Sự mất mát đó được cảm nhận rõ bởi nhiều nhà hoạt động. Trên mạng xã hội họ loan tin về sự ra đi của ông kèm theo những thông điệp chia buồn. “CÁC CỤ RỦ NHAU ĐI CẢ .....CÒN CHÚNG TA CHỜ NGÀY RỜI KHỎI CÕI TẠM NÀY,” nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng chia sẻ trên Facebook, sau khi loan thêm tin nhạc sĩ Tô Hải qua đời không lâu sau ông Bùi Tín. “Rõ ràng sự ra đi của bác là một mất mát lớn cho những người yêu chuộng tự do,” giáo sư Phạm Minh Hoàng nói với VOA qua điện thoại. Năm ngoái ông Hoàng bị Việt Nam tước quốc tịch và trục xuất về Pháp trong điều mà ông nói là “sự trả thù” đối với hoạt động của ông nhằm cổ súy cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Xem tất cả các bài blog của nhà báo Bùi Tín ở đây. https://www.voatiengviet.com/z/1783 https://www.voatiengviet.com/a/nha-bao-bui-tin-de-lai-mot-tai-san-het-su...
......

Tù nhân lương tâm Trần Thị Thúy ra khỏi tù

Tù nhân lương tâm Trần Thị Thúy đã ra khỏi nhà nhà tù nhỏ sáng ngày 10/08/2018 sau 8 năm bị giam giữ. Sau 8 năm bị giam giữ, chị Trần Thị Thúy, một nhà hoạt động tại Đồng Tháp trong lãnh vực dân oan, đã thoát khỏi nhà tù nhỏ, về với gia đình vào sáng ngày 10/08/2018. Chị Trần Thị Thúy, sinh năm 1971, đã bị nhà cầm quyền CSVN bắt giam từ tháng 8 năm 2010. Vì những hoạt động nhân quyền, đấu tranh cho quyền lợi của những người dân oan bị các quan chức nhà nước cướp đất đai trong nhiều chục năm qua, chị đã bị bắt giữ trong vụ án tại tỉnh Bến Tre, xôn xao dư luận vào thời điểm đó. Chị bị cáo buộc tội ‘hoạt động lật đổ chính quyền’ theo điều 79 Bộ Luật Hình Sự, và bị tuyên án 8 năm tù và 5 năm quản chế vào ngày 30/5/2011. Vào ngày 2/9/2011, sau nhiều tháng điều tra, Ủy Ban Kiểm Tra Bắt Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc (United Nations Working Group on Arbitrary Detention) đã đưa ra phán quyết liên quan đến việc nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam bắt giữ và xử án bảy người, trong đó có chị Trần Thị Thúy, trong vụ án Bến Tre này. Phán quyết từ Liên Hiệp Quốc cho biết nhà cầm quyền CSVN đã vi phạm các điều khoản của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị. Đặc biệt, Ủy Ban đã phán quyết việc CSVN dùng lý cớ những người này tham gia hoặc có dính líu tới đảng Việt Tân để kết án họ là một sự vi phạm của quyền tự do tham gia đảng phái và sinh hoạt chính trị. Nhất là khi hoạt động của những người này hoàn toàn mang tính ôn hoà và nhằm mục đích thực thi những quyền dân sự của họ. Trong suốt thời gian bị cầm tù, cũng như tại phiên tòa xét xử, chị Trần Thị Thúy cương quyết không nhận tội danh bị nhà nước cáo buộc. Vì những lý do đó, chị đã bị ngược đãi trong nhà tù trong suốt 8 năm qua. Với tình trạng giam giữ khắc nghiệt, chị đã mắc phải nhiều chứng bịnh nan y nhưng trại giam đã không cho tiến hành điều trị. Vào năm 2016, Tổ chức Ân Xá Quốc Tế đã ra thông cáo kêu gọi nhà nước Việt Nam phải chấm dứt tình trạng ngược đãi này và yêu cầu họ phải cho chị đi chữa trị. Ngày 10/8/2018, mãn hạn tù, một phái đoàn 10 người, gồm những người thân quen, ái mộ chị đã đến trại giam An Phước, Bình Dương, để đón, nhưng công an đã âm thầm áp tải chị Trần Thị Thúy về lại nguyên quán là Đồng Tháp từ lúc 5 giờ sáng. Tại nhà riêng, chị Trần Thị Thúy cho biết khi công an giải giao chị về xã, họ yêu cầu làm giấy tờ thực thi lệnh quản chế (5 năm) nhưng chị Thúy đã nhất quyết không ký vào tờ lệnh. Chị vẫn cương quyết cho rằng với bản án 8 năm tù vừa qua, chị hoàn toàn vô tội. Xin chúc mừng chị Trần Thị Thúy được về với gia đình sau những năm tháng tù đày và ngưỡng phục tinh thần bất khuất của chị.
......

Nhất nguyên cộng sản và nhất nguyên chống cộng

Nhất nguyên cộng sản (The mono-communist) và nhất nguyên chống cộng (The mono-anticommunist) là gì? Vì sao hai cái nhất nguyên “đối kháng” này lại làm chậm tiến trình dân chủ hóa Việt Nam? Nội dung bài viết nhằm giải đáp hai câu hỏi vừa nêu. I/- NHẤT NGUYÊN CỘNG SẢN VÀ NHẤT NGUYÊN CHỐNG CỘNG LÀ GÌ? 1.- Nhất nguyên cộng sản: là con đường những người Việt Nam theo ý thức hệ cộng sản, tập hợp dưới bảng hiệu đảng Cộng sản Việt Nam (gọi tắt là Việt Cộng), đã và đang theo đuổi để thiết lập chế độ độc tài tòan trị duới sự thống trị độc tôn và độc quyền của đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm thực hiện chủ nghĩa nhất nguyên cộng sản tại Việt Nam. Những người theo chủ nghĩa nhất nguyên này coi con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa (giai đoạn đầu) tiến đến xã hội cộng sản chủ nghĩa(cùng đích) là duy nhất đúng. Từ đó, họ không chấp nhận bất cứ cái nguyên nào khác; và vì vậy họ đã bằng mọi cách tiêu diệt bất cứ ai chủ trương và có hành động thực hiện chủ nghĩa dân chủ đa nguyên đa đảng tại Việt Nam. 2.- Nhất nguyên chống cộng sản: là con đường những người Việt theo ý thức hệ quốc gia (gọi tắt là Việt Quốc) đã và đang theo đuổi để chống lại con đường nhất nguyên cộng sản chủ nghĩa, nhằm lật đổ chế độ độc tài toàn trị, để thiết lập một chế độ dân chủ pháp trị đa nguyên, đa đảng tại Việt Nam (cùng đích). Nhưng để đạt được cùng đích này,một số người Việt quốc lại coi chủ trương, đường lối chống cộng của mình là duy nhất đúng, không chấp nhận chống cộng đa nguyên, nên bằng mọi cách loại trừ bất cứ chủ trương đường lối chống cộng nào khác mình. Cả hai con đường nhất nguyên cộng sản và nhất nguyên chống cộng sản, tuy mục tiêu khác nhau, đối kháng nhau, nhưng đều có chung một đặc tính chủ quan, cực đoan, coi con đường, phương thức thực hiện để đi đến mục tiêu tối hậu của mình là duy nhất đúng, không chấp nhận và quyết liệt loại trừ bất cứ cái nguyên nào khác cái nguyên của mình. Cả hai cái nhất nguyên đối kháng này đều dẫn đến hệ quả làm chậm tiến trình dân chủ hóaViệt Nam. Vì sao? II/- VÌ SAO CẢ HAI NHẤT NGUYÊN “ĐỐI KHÁNG” NÀY LẠI LÀM CHẬM TIẾN TRÌNH DÂN CHỦ HÓA VIỆT NAM? Vì cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng kéo dài quá lâu chưa phân thắng bại do các mục tiêu tối hậu của Việt cộng (xây dựng chủ nghĩa xã hội) cũng như Việt quốc (dân chủ hóa đất nước) chưa bên nào thành đạt.Trong khi tình hình thế giới chuyển biến rất nhanh đã ảnh hưởng đến tình hình quốc nội Việt Nam, tạo chuyển biến nội bộ cả hai phe Quốc-Cộng. Hệ quả là, nội bộ Việt Cộng đã phân hóa thành hai con đường nhất nguyên cộng sản và đa nguyên dân chủ xã hội. Trong khi từ nội bộ Việt Quốc thì cũng phân hóa thành hai con đường nhất nguyên chống cộng và đa nguyên chống cộng. 1.- Vì sao nhất nguyên cộng sản làm chậm tiến tình dân chủ hóa Việt Nam? Vì chiều hướng phát triển tất yếu của thực tiễn và lịch sử Việt Nam là Việt Nam phải có tự do dân chủ; chế độ độc tài toàn trị độc đảng nhất nguyên cộng sản sớm muộn phải bị tiêu vong để hình thành chế độ dân chủ pháp trị đa nguyên, đa đảng tại Viêt Nam. Chiều hướng phát triển này không thể đảo ngược, vì phù hợp với xu thế thời đại toàn cầu hóa về kinh tế (thị trường tự do hóa) và chính trị (dân chủ hóa chế độ độc tài các kiểu)trên phạm vi toàn cầu. Vì thế những người cộng sản Việt Nam nào còn theo đuổi con đường nhất nguyên cộng sản chủ nghĩa là đi ngược với chiều hướng phát triển và xu thế này, tạo sức cản làm chậm tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Thật vậy, sau khi Liên Xô sụp đổ kéo theo sự tiêu vong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa Đông âu vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, nội bộ đảng CSVN đã chuyển biến theo chiều hướng số lượng đảng viên cộng sản mất đức tin vào chủ nghĩa cộng sản ngày một gia tăng, cho đến bây giờ thì hầu như đã mất đức tin toàn đảng. Trên thực tế chỉ còn một thiểu số đảng viên CS nắm quyền, bề ngoài vẫn phải tiếp tục tuyên xưng “đức tin cộng sản” (như một tôn giáo vô thần) làm vỏ bọc cho tham vọng nắm quyền thống trị độc tôn, độc tài kéo dài thêm thời gian, dù thâm tâm họ đều biết sự tiêu vong đã là một tất yếu. Thế nhưng, dù mất đức tin toàn đảng, biết rằng chủ nghĩa cộng sản đã ở “Giờ thứ 25”, không thể và vĩnh viễn không bao giờ có thể thực hiện được tại Việt Nam, cũng như trên tòan thế giới; song để duy trì và bảo vệ ưu quyền đặc lợi của một tập đoàn thống trị độc quyền, nên bề ngoài một bộ phận thiểu số trong Cộng đảng Việt Nam đang nắm quyền vẫn cố giữ cái vỏ “Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” như một chiêu bài lừa mị; vẫn bảo nhau bày tỏ quyết tâm “xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam” bằng con đường “Kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa” (lừa bịp), dù thâm tâm đều biết là thực tế “kinh tế thị trường (tất yếu phải) định hướng tư bản chủ nghĩa” (là thực). Mặc dầu một bộ phận Cộng đảng Việt Nam vẫn cố giữ cái vỏ nhất nguyên “Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” chỉ là thiều số, nhưng nhờ ưu thế nắm quyền, lại được chống lưng của Cộng đảng Trung quốc, nên đã và đang tiếp tục thẳng tay trấn áp nhân dân và thanh trừng những đảng viên cộng sản nào “phản tỉnh”, hay “mất đức tin cộng sản” dù chiếm đa số. Những đảng viên cộng sản này dù tại chức hay đã về hưu, ai mà dám công khai bày tỏ quan điểm hay có hành động tham gia cùng quần chúng nhân dân đấu tranh chống lại con đường nhất nguyên độc tài cộng sản, lập tức bị trấn áp bằng khai trừ, tước đoạt mọi ưu quyền đặc lợi của một đảng viên. Thực trạng này dẫn đến xung đột nội bộ đảng cộng sản Việt Nam giữa hai khuynh hướng bảo thủ “nhất nguyên cộng sản” và cấp tiến “ đa nguyên dân chủ xã hội”. Hệ quả là đã phá nát sự đòan kết, sức mạnh cơ cấu tổ chức, nhân sự điều hành nội bộ đảng, bộ máy nhà nước và đẩy chế độ độc tài toàn trị CS hiện nay theo chiều hướng tiêu vong từng bước tiến đến tiêu vong hoàn toàn về mặt bản thể đã là một tất yếu khách quan. Đây là một sự chuyển thể tịnh tiến mà Cộng đảng ngoài miệng thường hô hoán là âm mưu “Diễn biến hòa bình của các thế lực thù nghịch”, nhưng thực tế đã và đang phải uốn mình theo diễn biến hòa bình, sẵn sàng đóng vai trò công cụ chiến lược quốc tế mới trong vùng, vì quyền lợi của một tập đòan thống trị độc quyền trong hiện tại, để được tồn tại trong chiều hướng mới ở tương lai. Vì thế đã có hiện tượng “tự diễn biến, tự chuyển hóa” đã và đang diễn ra một cách gia tốc trong nội bộ đảng CSVN, khiến các lãnh đạo chóp bu của “Đảng Ta” chỉ còn biết cảnh giác các đảng viên như một nguy cơ có thể làm “Mất đảng”. Đây là nỗ lực ngăn cản làm chậm lại diễn tiến này, tức là làm chậm tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Tuy nhiên, như chúng tôi đã trình bày trong bài viết trước đây để cho thấy những căn cứ trả lời cho câu hỏi “Vì sao cộng sản Việt Nam suy mà chưa sụp”. Một trong những căn cứ ấy là sự ngoan cố của thiểu số tập đoàn cộng sản cầm quyền hiện nay, dù biết rằng “con đường nhất nguyên xã hội chủ nghĩa” đã thất bại hoàn toàn và vĩnh viễn trên toàn thế giới và tại Việt Nam là không bao giờ đi đến “xã hội chủ nghĩa không tưởng”. Chính người đứng đầu tập đoàn công sản nắm quyền hiên nay là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng thú nhận “cho đến cuối thiên niên kỷ 21 này không biết Việt Nam đã có xã hội chủ nghĩa hay chưa”. Thế những tập đoàn thiểu số nắm quyền này vẫn lừa bịp trắng trợn nhân dân bằng sự kiên định tiếp tục thực hiện mục tiêu xậy dựng “Xã hội Chủ nghĩa” bằng “con đường kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Chính hành động ngoan cố của tập đoàn “nhất nguyên cộng sản này” đã làm tiến trình dân chủ hoá Việt Nam bị chậm lại, dù nó không thay đổi được chiếu hướng phát triển tất yếu của thực tiễn và lịch sử Việt Nam, rằng chế độ độc tài cộng sản tại Việt Nam tất yếu phải tiêu vong để hình thành chế độ tự do dân chủ pháp trị đích thực theo đúng ý nguyện của toàn dân. 2.- Vì sao nhất nguyên chống cộng sản cũng làm chậm tiến trình dân chủ hóa Việt Nam? Vì trong nhiều thập niên qua,người Việt quốc gia hay là người Việt Nam không cộng sản chống chế độ nhất nguyên cộng sản độc tài, độc đảng là để thành đạt mục tiêu tối hậu là thiết lập chế độ dân chủ, đa nguyên, đa đảng tại Việt Nam. Muốn thành đạt mục tiêu tối hậu này, điều tiên quyết là Việt quốc phải đoàn kết thống nhất được mọi khuynh hướng và lực lượng chống cộng để kết hợp được sức mạnh tổng hợp, toàn diện đối nội cũng như đối ngoại của các lực đẩy, lực xoay cùng chiều về phía dân chủ. Nhất nguyên chống cộng đã làm phân hóa lực lượng chống cộng là giúp nhất nguyên cộng sản tồn tại thêm thời gian, cũng là làm cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam chậm lại.Bởi vì khuynh hướng này đã quyết liệt chông lại khuynh hướng chống cộng đa nguyên trên thực địa cũng như trên lãnh vực truyền thông đại chúng. Thật vậy, sau khi chiến tranh Quốc - Cộng (1954-1975) kết thúc vào ngày 30-4-1975, cuộc nội chiến ý thức hệ quốc-cộng tại Việt Nam bước vào giai đoạn cuối cùng để khẳng định chân lý thuộc về ai, chung cuộc Việt quốc và Việt cộng ai thắng ai. Do tương quan lực lượng không cân sức giữa Việt quốc và Việt cộng, nên hơn 40 năm đã qua, kết quả chung cuộc vẫn chưa có được, dù đã đẩy được chế độ độc tài nhất nguyên cộng sản lùi dần về phía dân chủ đa nguyên. Trước những biến chuyển ngày một gia tốc của tình hình quốc tế và quốc nội nội, ngày càng có đông người Việt quốc gia chống cộng muốn đi theo con đường đa nguyên chống cộng để phù hợp với chiến luợc toàn cầu mới sau Chiến tranh Lạnh (Cold War) của các cường quốc cực, để có hiệu quả hơn, để mau chóng thành đạt mục tiêu tối hậu của sự nghiệp chống cộng là dân chủ hóa cho Đất nước. Thế nhưng, mặc dầu khuynh hướng đa nguyên chống cộng dường như khá đông nhưng vẫn giấu mặt, chỉ có rất ít cá nhân hay chính đảng quốc gia dám bày tỏ công khai một cách dè dặt, có tính thăm, chấp nhận bị đánh phá, bôi bẩn, xuyên tạc, chụp mũ “tay sai cộng sản nằm vùng”, “hòa giải hòa hợp với Việt cộng” do phản ứng của những kẻ cực đoan trong khuynh hướng nhất nguyên chống cộng biểu hiện công khai còn mạnh mẽ. Vì thực tế tại hải ngọai, mặc dầu khuynh hướng nhất nguyên chống cộng không hẳn còn là đa số; vì theo quy luật thời gian sau hơn 40 năm kết thúc chiến tranh Quốc-Cộng, số người theo khuynh hướng này đã mai một dần.Thế nhưng khuynh hướng này vẫn ở thế mạnh vì vẫn nắm “Chính nghĩa chống cộng truyền thống từ thời Việt Nam Cộng Hòa”; nay tiếp tục thực hiện phương thức và kinh nghiệm chống cộng trong thời chiến tranh Quốc-Cộng (1954-1975). Họ vẫn tin rằng con đường chống cộng này đã có hiệu quả và là con đường duy nhất đúng dẫn đến thắng lợi sau cùng.Do đó đã có phản ứng quyết liệt để chống lại, loại trừ từ trong trứng nước những khuynh hướng đa nguyên chống cộng nào mà khuynh hướng “Nhất nguyên chống cộng” cho là đã đi ngược lại chủ trương “Bất hợp tác, không đối thoại, không hoà giải hòa hợp với Việt cộng, đối kháng đến cùng để tiêu diệt chế độ độc tài toàn trị nhất nguyên cộng sản(nhưng chưa đưa ra được phương cách tiêu diệt VC nào có tính thuyết phục),để thiết lập chế độ dân chủ đa nguyên tại Việt Nam(cũng chưa đưa ra được mô hình chế độ dân chủ nào có tính khả thi, phù hợp thực trạng Việt Nam hậu CS) ”. Điển hình không cần viết ra thì người ta cũng có thể tìm thấy khá nhiều trong sinh hoạt đấu tranh chống cộng ở hải ngoại, với các trường hợp xung đột quyết liệt, giữa cá nhân với cá nhân hay với các tổ chức, đảng phái chống cộng. Những xung đột có thễ diễn ra trên sinh hoạt chống cộng thực địa hay trên lãnh vực truyền thông trên mạng, có khi “cạn tàu ráo máng” giữa hai khuynh hướng “nhất nguyên chống cộng” và “đa nguyên chống cộng ” Hệ quả của sự xung đột dẫn đến phân hóa trong nội bộ Việt quốc, lại được đối phương Việt cộng khai triệt để qua “Đặc tình thực địa” và “Đặc tình truyền thông” để khoét sâu mâu thuẫn nội bộ hay tạo ra mâu thuẫn để phá nát sự đòan kết, sức mạnh cơ cấu tổ chức chống cộng vốn đã lỏng lẻo, làm băng hoại niềm tin quần chúng chống cộng vào vai trò lãnh đạo chống cộng của các cá nhân hay các chính đảng Quốc gia và niềm tin tất thắng của chính nghĩa đấu tranh chống cộng vì tự do dân chủ cho Quê Mẹ Việt Nam. Hệ quả thực tế là ngày càng có nhiều người không tham gia các hoạt động chống cộng và công ích trong các tổ chức cộng đồng tỵ nạn cộng sản. Nhưng, trong mọi trường hợp, dù chán nản, vẫn kiên định ý chí chống cộng đến cùng, không bỏ cuộc và khi cần vẫn có hành động tham gia hay yểm trợ công cuộc chống cộng theo khả năng. Nghĩa là phần đông người Việt hải ngọai, vẫn tin tưởng cuối cùng “chính nghĩa Quốc gia dân tộc dân chủ” tất thắng “ngụy nghĩa cộng sản, phi dân tộc, độc tài, phản dân chủ”. Tất nhiên, mọi hệ quả này, nếu bất lợi cho nội bộ Việt quốc, thì lại có lợi cho đối phương Việt cộng, giúp đối phương kéo dài thời gian thống trị độc tài, độc tôn và độc quyền. Và như thế, sự thành đạt mục tiêu tối hậu của chống cộng là “dân chủ hóa đất nước” sẽ chậm lại, sẽ mất thêm thời gian. Mặc dù đó đã là một tất thắng của chân lý, là chiếu hướng phát triển tất yếu của thực tiễn và lịch sự Việt Nam, rằng: Chính nghĩa quốc gia dân tộc dân chủ tất thắng ngụy nghĩa cộng sản độc tài, độc tôn, phản dân chủ; và dân chủ đa nguyên tất thắng độc tài toàn trị nhất nguyên cộng sản và các kiểu độc tài toàn trị khác. Vì chiều hướng này phù hợp với xu thế không thể đảo ngược của thời đại: Dân chủ hóa các chế độ độc tài và thị trường tự do hóa các nền kinh tế trên phạm vi toàn cầu. III/- KẾT LUẬN Phải thấy rằng có sự khác biệt giữa sự phân hóa đưa đến xung đột nội bộ nhất nguyên cộng sản và sự phân hóa nội bộ nhất nguyên chống cộng sản: Việt cộng thì phân hóa cả mục tiêu tối hậu lẫn con đường đi đến mục tiêu tối hậu. Việt Quốc thì vẫn thống nhất trong mục tiêu tối hậu, chỉ phân hóa con đường đi đến mục tiêu tối hậu mà thôi. Và vì vậy hệ quả của sự phân hóa dẫn đến xung đột nội bộ hai nhất nguyên này rất khác nhau, trái chiều nhau. Nhận định khách quan: Sự phân hóa nội bộ nhất nguyên cộng sản hiện nay là có lợi cho mục tiêu chống cộng của Việt quốc là dân chủ hóa cho quê Mẹ Việt Nam. Vì đa số “phản tỉnh” trong nội bộ cộng đảng Việt Nam đã đi theo con đường “đa nguyên Dân chủ xã hội” mặc nhiên trở thành đồng minh của Việt quốc thì tại sao không thể kết hợp để gia tốc cho tiến trình dân chủ hóa đất nước?. Đồng thời nhất nguyên chống cộng và đa nguyên chống cộng đều có chung cùng đích “dân chủ hóa đất nước”, thay vì chống phá lẫn nhau, làm phân hóa nội bộ, mất niềm tin trong hàng ngũ chống cộng,làm giảm sức mạnh chiến đấu và làm chậm tiến trình dân chủ hóa Việt Nam; thì tại sao hai khuynh hướng chống cộng không ngồi lại với nhau, kết hợp với “đa nguyên dân chủ xã hội” của những người cộng sản phản tỉnh, để cùng hoạch định và tiến hành một sách lược chống cộng chung, khả thi, có hiệu quả để sớm đưa tiến trình dân chủ hóa cho Quê Mẹ Việt Nam đến kết thúc nhanh chóng hơn ? * Góp ý về bài viết này của Gs. Tạ Văn Tài: Tiến sĩ chính trị học, nguyên giáo sư Học Viện Quốc gia Hành chánh, Đại học Luật khoa Saigon và các Trường Luật Việt Nam, hiện là giảng sư và phụ khảo nghiên cứu Harvard Law School. “Cám ơn Thiện Ý về bài này, và xin góp ý: Tạ Văn Tài Với cách trình bày rõ ràng các nhận định và lập luận, đặc biệt với chữ màu đỏ khi nói về phe cộng sản và chữ màu xanh khi nói về phe chống cộng, anh Thiện Ý đã tỏ ra là một lý thuyết gia về các vấn đề chiến lược lớn. Anh đã tả rõ thực tế chia rẽ nội bộ trong 2 phe, do khuynh hướng nhất nguyên ở mỗi nơi muốn đè bẹp khuynh hưóng đa nguyên ở nơi đó, và làm hại cho chính quyền lợi hay mục tiêu tối hậu của họ. Tôi xin góp ý thế này: đó là sự xung đột, trong cả hai phe, giữa GIÁO ĐIỀU cứng nhắc và nguyên tắc suy tư và hành động KHÔNG giáo điều mà THEO THỰC TIỄN (PRAGMATISM) MÀ TÌM QUY LUẬT THỰC CỦA XÃ HỘI MÀ HÀNH ĐỘNG THÍCH ỨNG, QUYỀN BIẾN-THỰC TIỄN trong sinh hoạt xã hội này cũng là theo TINH THẦN KHOA HỌC là tự do tư tưởng để theo đuổi các gỉa thuyết khác nhau, thử nghiệm mãi, không gạt bỏ mà cũng xét đến gỉa thuyết hay ý kiến trái ngược nào ai khác đưa ra, cho đến khi tìm được giả thuyết nào gần sự thực của thiên nhiên và thực trạng xã hội con người nhất (và ngay gỉa thuyết này cũng sẽ tiếp tục thử nghiệm mãi để điều chỉnh nếu cần). Cái tư tưởng giáo điều trong việc điều hành kinh tế trong nước trước "Đổi Mới" đã làm Việt Nam lụn bại cho đến khi họ nhận ra phải "đổi mới hay là chết", giáo điều cũng phải nhượng bộ thực tiễn quy luật xã hội, cho nhân dân "phá rào" trả thuế theo lối "khóan sản phẩm" và làm kinh tế tư và tìm ra lối thoát kinh tế thị trường và mở cửa, tạo nên việc phát triển sau đó. Cái giáo điều trong khuynh hướng muốn cấm vận cho "Việt Cộng chết luôn" trong một số những người chống cộng giáo điều vào đầu thập niên 1990 đã kém sáng suốt hơn khuynh hướng mềm dẻo muốn bỏ cấm vận để người dân trong nước đỡ khổ và có căn bản tự chủ trong đời sống kinh tế nên dám đòi hỏi nhiều tự do kinh tế và xã hội hơn và cuộc thử nghiệm bỏ cầm vận của Mỹ từ năm 1995 đã chứng tỏ trong nước dần dần có tự do kinh tế và xã hội hơn (tuy chưa có tự do chính trị theo nguyên lý dân chủ). Tôi cũng tin tưởng như anh Thiện Ý là đa nguyên, không giáo điều, cho tự do tư tưởng để tìm tòi con đường đúng nhất sau các lần thử nghiệm, theo tinh thần khoa học và theo châm ngôn Voltaire về sinh hoạt xã hội ("tôi không đồng ý với anh nhưng sẽ liều chết để bảo vệ quyền tự do tư tưỏng và phát biểu của anh") CUỐI CÙNG SẼ THẮNG TRONG TƯƠNG LAI, vì nó hợp với lòng người trong đại đa số nhân dân, ở cả hai phe cộng sản và chống cộng. Giới trẻ ở cả hai phe sáng suốt, đã theo khuynh hướng đa nguyên, không giáo điều, tự do khám phá đường lối mới; và chỉ còn một ít "cây cổ thụ" của mỗi phe còn cứng nhắc mà thôi; mà cứng nhắc là vì thâm tâm muốn đổi mới rồi nhưng sợ diễn tiến hòa bình mau quá thì chết không được "quốc táng" mà lại còn có thể mồ mả không yên (đó là ở trong nước họ diễn tả việc rút lui dần nhưng vẫn cố tự vệ của các "cây cổ thụ"); hoặc là nói chống cộng bằng mồm tại hải ngoại cho sướng miệng (tuy cũng có thể hiểu được kinh nghiệm đau khổ của họ) mà không đưa ra giải pháp nào cho giới trẻ trong việc tìm giải pháp khả thi cho giới trẻ khi họ nghĩ tới việc làm cái gì đó cho hay tại Việt nam. Vì tư tưởng các cụ này đã sơ cứng mà không còn sức mà nghiên cứu tim tòi các on đường và giải pháp mới theo tinh thần khoa học, và khư khư giữ ý của mình, bỏ ý đó thì sợ là người ta cho là mình sai rồi./.
......

Đức Giáo hoàng cúi nhận chiếc khăn hoàng kỳ

Mấy bữa nay truyền thông nhanh chóng đưa tin chóng mặt hình ảnh Đức Giáo Hoàng Phanxicô choàng chiếc khăn Hoàng Kỳ trong buổi tiếp kiến hôm thứ tư tuần qua tại Đại thính đường Phaolô VI. Như thường lệ, những người hành hương từ khắp năm châu tiến về Giáo Đô Roma trong đó có gia đình ông Vicent Nguyễn Văn Rị cùng vợ, con, dâu, rể và cháu, tổng cộng là 18 người đang sinh sống tại giáo xứ Thánh Linh thuộc thành phố Mönchengladbach Đức Quốc. May mắn thay gia đình ông được Linh mục Johannes Van der Vorst chánh xứ Thánh Linh cùng đồng hành và hướng dẫn đi chung trong chuyến hành hương này. Theo như lời ông kể trong vui mừng rằng: Thật may mắn nhờ có Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải quen biết đang tu học tại Roma dẫn đi từ lúc 07h30 sáng thứ tư 01.08.2018. Đoàn hành hương đến xếp hàng thứ tự như các hội đoàn các quốc gia tham dự khác, lần lượt tiến vào Đại thính đường Phaolô VI để chào đón Đức Giáo Hoàng. Hội trường này chứa được khoảng 8.000 người. Nhờ đến khá sớm nên tìm được chỗ đứng bên hành lang lối giữa. Trước 09h00 nghe phát ngôn điều hợp buổi tiếp kiến trên lễ đài lần lượt giới thiệu từng đoàn hành hương các quốc gia qua nhiều thứ tiếng, đến phần giới thiệu bằng Đức ngữ có nhắc đến đoàn hành hương giáo xứ Thánh Linh thuộc thành phố Mönchengladbach Đức Quốc và đoàn gia đình cùng hô vang lên báo hiệu nhóm chúng tôi có đang mặt. Đúng 09h30 Đức Giáo Hoàng Phanxicô xuất hiện trên Cung thánh, Ngài tiến bước đi vào lối giữa hai bên, mọi tín hữu vui mừng hô vang Papa Phanxicô, Papa Phanxicô và háo hức chờ đón Ngài đi qua để được Ngài ban phép lành, và may mắn được bắt tay Ngài. Ngài tiến bước nhanh cùng phái đoàn Tòa Thánh và an ninh theo tháp tùng khá đông. Ngài hướng về bên phải chào mừng và ban phép lành, rồi lại sang bên trái, nhất là Ngài chú ý đến các cháu nhỏ vì nước trời là của chúng. Ngài đi đến ban phép lành cho chúng, hôn lên trán các trẻ thơ. Ngài tiến bước sang bên trái, chúng tôi vừa đúng điểm đối diện với Ngài, Ngài nhìn thấy chúng tôi tươi cười. Cháu nội Levis Khiêm 11 tuổi, tôi đưa khăn quàng cho cháu sẵn đứng bên cạnh cháu, phụ cháu để trao cho Đức Giáo Hoàng chiếc khăn quàng mầu vàng ba sọc đỏ, biểu tượng cho lá Hoàng Kỳ của dân tộc Việt Nam mà vua Thành Thái đã ban hành từ năm 1890. Bỗng nhiên Ngài đi đến chỗ chúng tôi và Ngài cúi xuống đón nhận chiếc khăn quàng vui vẻ tươi cười rồi Ngài ban phép lành cho mọi người chúng tôi, thật là vui mừng và hoan hỷ khi được Ngài đón nhận và tôi thầm tạ ơn Chúa. Nhìn lên màn ảnh lớn thấy hình ảnh Ngài với chiếc khăn Hoàng Kỳ qúa đẹp chúng tôi mừng vui hô vang cả ngôi Đại Thính Đường Phaolô VI. Ngài đi tiếp để ban phép lành và chào thăm tất cả mọi người hành hương hôm nay và tiến bước đi tiếp lên lễ đài. Ngài chủ tọa ban những thông điệp huấn đức cho đoàn hành hương ngày hôm nay tại Đại Thánh Đường Phaolô VI và kết thúc vào lúc gần 12h00 trưa sau khi Ngài ban phép lành cho đoàn hành hương và cho thế giới. Buổi triều kiến Đức Giáo Hoàng đã được nhiều đài truyền thông truyền hình phát sóng./. Trầm Hương Thơ
......

Đồng hành cùng Tù nhân chính trị Nguyễn Trung Trực

Hội Anh Em Dân Chủ vừa trải qua một năm đầy ắp sự biến động và với biết bao những thử thách. Xu hướng đàn áp thô bạo từ phía nhà cầm quyền đã được leo thang nghiêm trọng. Cụ thể, chỉ trong một năm vừa qua, nhà cầm quyền Việt Nam đã tiến hành bắt giam và khởi tố hàng loạt lãnh đạo của Hội Anh Em Dân Chủ theo điều 79-BLHS, tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền. Đến nay, hàng trăm năm tù và quản chế đã được nhà cầm quyền CSVN tuyên phạt các lãnh đạo của Hội thông qua những phiên tòa bỏ túi lén lút. Và tới đây, sẽ có thêm một lãnh đạo Hội Anh Em Dân Chủ là anh Nguyễn Trung Trực sắp bị đem ra xét xử sơ thẩm. Theo thông tin từ nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tại Quảng Bình vào ngày 17/8/2018 sẽ diễn ra phiên tòa xét xử anh Nguyễn Trung Trực tại tòa án tỉnh Quảng Bình – địa chỉ đường Trần Quang Khải, thành phố Đồng Hới, tình Quảng Bình. Anh Nguyễn Trung Trực là trưởng Ban điều hành Chi hội miền Trung kiêm Phát ngôn nhân của Hội Anh Em Dân Chủ. Kể từ khi tham gia Hội, anh Trực đã cùng với các thành viên Hội AEDC nỗ lực với mục tiêu đấu tranh bảo vệ các quyền con người, vận động cho một xã hội dân chủ, tiến bộ, công bằng và văn minh. Bên cạnh đó anh Nguyễn Trung Trực rất tích cực sát cánh hỗ trợ các nạn nhân chịu thiệt hại trong sự kiện “thảm họa Formosa” ở các tỉnh miền Trung. Cùng với các hoạt động khác như: tuần hành phản đối Trung Quốc xâm lược, tham gia các buổi tưởng niệm các anh hùng tử sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc tại biên giới phía Bắc và hai quần đảo Hoàng sa và Trường Sa, kỷ niệm ngày Quốc Tế Nhân Quyền… Với bản chất giả dối, đê hèn và coi thường luật pháp, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam luôn chọn nhà tù làm nơi giam giữ những người yêu nước. Để bảo vệ chế độ độc tài cộng sản, giới cầm quyền Việt Nam chọn cách bưng bít bịt miệng người dân bằng những bản án bỏ túi bởi những phiên tòa bất công, phi nhân tính. Vì lẽ đó, chúng tôi kêu gọi người dân, cộng đồng, các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức nhân quyền quốc tế và chính phủ các nước hãy cùng lên án những hành vi vi phạm của nhà cầm quyền CSVN. Mong cộng đồng hãy cùng đồng hành với Hội Anh Em Dân Chủ và TNLT Nguyễn Trung Trực trong phiên tòa bất công sắp tới. Hội Anh Em Dân Chủ Miền Trung P/S: Chúng tôi sẽ cập nhật tin tức liên quan đến phiên tòa. Xin các bạn hãy theo dõi trên trang nhà và giúp chia sẻ theo địa chỉ: https://www.facebook.com/Hội-Anh-Em-Dân-Chủ-Miền-Trung-428539540972948/
......

Đặc khu: Con át chủ bài đã lật tẩy

1. ÁT CHỦ BÀI Đà BỊ LẬT TẨY Đến bây giờ thì át chủ bài đã bị lật tẩy. Không chỉ những người quan tâm đến luật đặc khu, mà cả đất nước đều rõ tỏ, là đặc khu Vân Đồn nhắm vào Trung Quốc. Dự thảo luật đặc khu, Điều 54, khoản 4, đã được cộng đồng mạng “phổ cập”: “Công dân của nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh sử dụng giấy thông hành hợp lệ nhập cảnh vào đặc khu Vân Đồn với mục đích du lịch được miễn thị thực với thời hạn xác định; trường hợp có nhu cầu đến các địa điểm khác của tỉnh Quảng Ninh để du lịch thì làm thủ tục thông qua doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam”. Người Trung Quốc được ưu ái đặc biệt ở đặc khu Vân Đồn, được ghi rõ rành rành trong luật đầu tư. Vân Đồn là dành đặc biệt cho người Trung Quốc. Với điều khoản này, 1 tỷ 414 triệu 688 ngàn 453 người Trung Quốc, (theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc ngày 07/06/2018), chỉ cần chứng minh thư mà không cần hộ chiếu, sẽ được tự do ra vào Vân Đồn tùy thích! Thế còn 96 triệu 429 ngàn 667 người Việt Nam (cũng thống kê của Liên Hợp Quốc ngày 07/06/2018) có được tự do ra vào Thâm Quyến bằng chứng minh thư không? Không! Mở đặc khu để thêm bị thấp hèn thì mở làm gì? 2. KHÔNG CHÍNH DANH Đường đường là luật đầu tư của một quốc gia sao còn giấu giếm sự thật. Rõ ràng người dự thảo luật đã cố tình giấu hai từ Trung Quốc để che mắt nhân dân. Nhưng sao không thấy ai chỉ thẳng ra điều này? Cầm quyền mà giấu dân là không chính danh. Bới thế, Quốc hội phải trừng trị những kẻ đã cố ý đẩy Quốc hội vào tình cảnh không chính danh. 3. THÂM QUYẾN, ĐẶNG TIỂU BÌNH VÀ CON TÌ HƯU Thâm Quyến là một đặc khu cũ rích không đáng để học. Nếu muốn học thì gần có Singapore, xa hơn là Nhật, xa nữa là Đức, Mỹ. Trên thế gian này thiếu gì nơi học mà phải học Thâm Quyến. Nhưng lại lấy tiền thuế của dân để đưa đoàn nhà báo đi tham quan Thâm Quyến, nhằm cổ súy cho mở đặc khu kiểu Thâm Quyến, đi ngược lại lòng dân, làm một điều lãng phí có tội, nên phải nói đôi điều. Thâm Quyến Về tính thời sự, đặc khu Thâm Quyến mở ra khi Trung Quốc còn đóng cửa với thế giới bên ngoài, vào thập niên 1980, nhưng Việt Nam cũng đã mở cửa hơn 30 năm, từ cuối thập niên 1980, đã tiếp xúc với các nền kinh tế tiên tiến nhất như như Nhật, Mỹ, châu Âu, hơn hẳn Thâm Quyến rồi, nên Thâm Quyến không có gì mới lạ với Việt Nam nữa. Tính thời sự của Thâm Quyến đối với Việt Nam bằng 0. Đặng Tiểu Bình không đặt đặc khu ở Thượng Hải, Đại Liên hay một nơi nào khác mà ở Thâm Quyến vì Thâm Quyến cạnh Hồng Kông, để đón lõng dòng đầu tư từ Hồng Kông, do các nhà tư bản Hồng Kông đối phó với việc Hồng Kông sẽ nhập vào Trung Quốc năm 1997. Thâm Quyến phát triển là nhờ chủ yếu từ đầu tư của người Hoa Hồng Kông. Cho nên sau Thâm Quyến, đặc khu Chu Hải ở gần đó không thành công. Vì dòng đầu tư chính từ Hồng Kông đã đổ vào Thâm Quyến. Tại sao lại Thâm Quyến? Là vì con Tì Hưu. Con Tì Hưu là lòng tham vô độ, đi ngược với tuần hoàn tự nhiên. Chỉ có lòng tham và tính nghịch tặc vô độ mới nghĩ ra được con Tì Hưu. Con tì Hưu là sản phẩm của người Tàu. Cũng chỉ có Đặng Tiểu Bình, kẻ có lòng tham vô độ và nghịch tặc tày trời, nên mới mở đặc khu ở Thâm Quyến, đón dòng tiền từ Hồng Kông, không cho chảy ra khỏi Trung Hoa. Đặng Tiểu Bình là một đại Tì Hưu. Bởi thế, bất cứ ai, trước khi nghĩ rằng mình có tài khống chế được Trung Quốc khi mở ra đặc khu Vân Đồn, thì hãy tự hỏi rằng có đủ trí tuệ để nghĩ ra được con Tì Hưu quái đản hay không. Nếu không đủ trí tuệ để nghĩ ra được con Tì Hưu, thì đừng mở đặc khu Vân Đồn, vì không cản trở được Trung Quốc thâu tóm. 4. TRUNG QUỐC SẼ THÂU TÓM ĐẶC KHU VÂN ĐỒN NHƯ THẾ NÀO? Trung Quốc có muôn ngàn mưu kế để thâu tóm Vân Đồn mà Việt Nam không có cách nào ngăn chặn được. Mở đặc khu Vân Đồn là giúp cho Trung Quốc thâu tóm Vân Đồn một cách hợp pháp. Đơn giản bởi Trung Quốc có rất nhiều tiền, lòng tham không giới hạn, nhẫn tâm, thâm độc. Trung Quốc không chỉ thâu tóm Vân Đồn mà còn thâu tóm các tập đoàn lớn của Việt Nam khi cổ phần hóa. Đã cổ phần hóa thì không thể cưỡng lại được đấu giá. Mà đấu giá thì kẻ nhiều tiền sẽ thâu tóm. Sabeco là một thí dụ điển hình. Đừng nghĩ rằng tỷ phú gốc Hoa quốc tịch Thái thâu tóm Sabeco không dính dáng đến Trung quốc. Nếu quả thực chưa dính dáng thì biến thành của Trung Quốc cũng không khó gì. VTV vào phút chót đã mua bản quyền world cup từ Infront Sports & Media với giá trên dưới chừng 10 triệu usd. Nhưng ít người nhớ rằng năm 2015 Tập đoàn Đại Liên Vạn Đạt của Trung Quốc đã chi khoảng 1,1 tỉ USD để sở hữu Infront Sports & Media. Sống động hơn, hãy nhớ lại hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc. Hàng không mẫu hạm Varyag của Liên Xô vì không có tiền và do Liên Xô tan rã mà nằm phơi sương gió ở cảng Ôdexa. Một tỷ phú Hồng Kông thấy “lãng phí”nên xin được mua về làm sàn nhảy trên cảng với giá 2 triệu USD. Điều kiện là động cơ cùng các thiết bị điện tử, kỹ thuật quân sự trên tàu phải được dỡ bỏ thì mới được bán. Nhưng đồng tiền đã đưa đường chỉ lối để cuối cùng hàng không mẫu hạm Varyag được chia gói chuyển về Hồng Kông nguyên vẹn. Ít năm sau thì tự nhiên nó“tàng hình thành Liêu Ninh”. Trung Quốc đã có một thương vụ xiếc ngoạn mục, tốn dăm triệu USD mà có được chiếc hàng không mẫu hạm đáng giá nhiều trăm triệu đô la. Hơn cả là sở hữu công nghệ hàng không mẫu hạm. Rút ngắn cả chục năm trong cuộc chạy đua hàng không mẫu hạm với Nga và Mỹ. Trung Quốc sẽ thâu tóm Vân Đồn trực tiếp, hay qua bàn tay người khác, lúc này hay dăm mười năm sau. Dưới vỏ bọc của các nhà đầu tư phương Tây, Hoa Kiều các nước, và mua lại các đại gia Việt Nam đang hối hả đầu tư tại Vân Đồn để kiếm lời. Vì mục tiêu quân sự, lãnh thổ và bành trướng, Trung Quốc không đếm xỉa đến giá cả. Còn kẻ đã đi làm giàu thì không thể cưỡng lại những núi tiền. Khi trở thành đặc khu, chuyện thâu tóm Vân Đồn đối với Trung Quốc “dễ như trở bàn tay”. Đừng mơ hồ là chúng ta có chủ quyền. Chúng ta có chủ quyền, thế mà ở Đà Nẵng người Trung Quốc xây phố Tàu, người Trung Quốc mua đất rầm rầm, nhưng các ông cho là không thấy, và còn ngồi chờ người đến báo! Chúng ta có chủ quyền, không có từ nào nói đến Trung Quốc, mà Trung Quốc thắng thầu khắp mọi nơi. Chúng ta có chủ quyền, nhưng đến ông bộ trưởng “thét ra lửa” Đinh La Thăng cũng phải ngậm đắng nuốt cay, không đuổi được nhà thầu Trung Quốc. Huống hồ chi là mở đặc khu, với chỉ định mở cửa đích danh cho người Trung Quốc, thì chủ quyền đặc khu chỉ còn là cái bóng bóng. Có người phản bác tại sao lại chia rẽ với Trung Quốc. Chúng ta không chia rẽ với nhân dân Trung Quốc, mà là chống lại kẻ cầm quyền độc tài ở Trung Quốc có dã tâm thôn tính nước ta, đang ăn cướp biển đảo của ta, ngày đêm xua đuổi đâm chìm thuyền đánh cá của ngư dân nước ta, không cho chúng ta khai thác dầu khí ngay chính trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. 5. VÂN ĐỒN HỨNG CÁI GÌ? Những người cổ súy cho đặc khu đang vẽ ra những nguồn thu khổng lồ nhiều chục tỷ đô la. Trong lúc đó thì ngân sách đang thâm hụt phải đáo nợ, nên khó mà cưỡng lại chiếc bánh vẽ lợi nhuận đặc khu. Trên thực tế thì sẽ rất khác xa. Nguồn thu sẽ không như bản vẽ. Ở Vân Đồn sẽ không có hy vọng đón dòng đầu tư công nghệ cao. Thay vào đó là cơn sốt bất động sản. Tiếp đến là sòng bạc và phố đèn đỏ. Cùng với dòng khách du lịch là những tệ nạn xã hội. Trung Quốc có nhiều điều kinh khủng. Những người bảo vệ Trung Quốc vì đặc khu, hãy chỉ ra những sáng chế cách mạng bước ngoặt nào của Trung Quốc đi trước Mỹ, Nga, Đức, Nhật? Chưa bao giờ. Hiện thời Trung Quốc còn đi sau. Trung Quốc chỉ là kẻ nhái công nghệ siêu hạng. Ngạn ngữ Việt Nam có câu “thầy nào trò nấy”. Đi theo Trung Quốc là học làm hàng nhái, là làm đồ giả, là học tiểu xảo. Cho nên nếu ai đó nghĩ rằng, mở đặc khu Vân Đồn để học công nghệ tân tiến của Trung Quốc thì thật nhầm to. Đừng cao giọng về “phượng hoàng”. Sau những nguy hiểm về quân sự và lãnh thổ, điều đáng lo ngại mà Vân Đồn phải hứng chịu là những băng nhóm tội phạm từ Trung Quốc tràn sang tìm nơi trú ẩn, hành nghề, lừa đảo. Một cơ chế vào ra tự do cho người Trung Quốc là tấm thẻ xanh cho những kẻ tội phạm trốn tránh. Trung Quốc là nước ngầm khuyến khích tội phạm di cư ra nước ngoài. Có người mong rằng mở đặc khu thì có các cường quốc đến làm rào cản Trung Quốc. Lại là một giấc mơ tự sướng. Quan hệ với các cường quốc nằm ở tầng khác. Không phải ở những mưu nhỏ này. Hơn thế nữa Trung Quốc là cáo già của phép “nhân kế nó dùng kế mình”. 6. DỨT KHOÁT KHÔNG CẦN ĐẶC KHU Chìa khoá không nằm ở đặc khu. Thí điểm thể chế đặc khu không giải quyết được vấn đề cốt lõi. Muốn giải quyết vấn đề cốt lõi thì cả nước phải là một đặc khu với một cơ chế mới. Cả chục khu công nghiệp, trong đó có Dung Quất, Chu Lai , đã thất bại thảm hại. Khu công nghệ cao Láng – Hoà Lạc chưa thành công sau đã hai chục năm. Số phận ba đặc khu mới rồi cũng sẽ như vậy. Sự khác biệt mang tính nguyên tắc giữa Thâm Quyến và Vân Đồn nằm ở chỗ, Thâm Quyến là Trung Quốc mở đặc khu cho người Trung Quốc, còn Vân Đồn là Việt Nam mở đặc khu cho người Tàu. Nạn kiều năm 1976-1978 đã là một trong những nguyên do cơ bản để Đặng Tiểu Bình xua quân đánh chiếm nước ta ròng rã 10 năm trời. Nạn kiều cũng là nguyên do mà nhân dân Ucraina hiện đang hứng chịu cuộc nội chiến đau thương phân chia đất nước. Dân tộc Việt Nam không cần đặc khu. Không phải đầu tư nước ngoài, mà con người và cơ chế mới quyết định sức bật của đất nước. An nguy của Tổ Quốc là tối thượng. Không 99 năm. Không 70 năm. Không đặc khu. Hãy ngừng luật đặc khu. Đừng tạo cơ hội cho kẻ thù xâm chiếm đất đai của Tổ Tiên một cách hợp pháp. Đừng nghĩ rằng bỏ đặc khu là phải chịu thua dân. Một chính quyền mà cố thắng chính nhân dân của nước mình thì tất sẽ sụp đổ.
......

SỰ THẬT VỀ ĐẶC KHU DỄ HIỂU, DỄ NẮM

Đặc khu kinh tế là gì? - Là những khu, những vùng trong đó việc quản lý, điều hành được thực hiện theo phương thức đặc biệt, nhằm khuyến khích và thu hút đầu tư ở cả bên trong và bên ngoài lảnh thổ của một quốc gia, tạo thêm việc làm, thu nhập cho công quỹ (định nghĩa đơn thuần) - Đặc khu là hình thức nhượng chủ quyền lãnh thổ. Vì sao? Tại sao lại là 3 vị trí chiến lược bao vây biển Đông? + Nếu nói về chính sách cho nhà đầu tư: có thể áp dụng cho tất cả các nhà đầu tư nào trên thế giới nếu họ đáp ứng điều kiện đầu tư vào từng địa phương mà không cần nằm trong 1 vùng lãnh thổ đặc biệt gọi là đặc khu Các tập đoàn, công nghệ lớn của Phương Tây hầu hết đã có mặt tại Vn dưới nhiều dạng đầu tư như Samsung, Unilever, Nike, Adidas… Nên 3 vị trí trọng yếu nối liền cá đảo HS, TS và “đường lưỡi bò” chỉ chờ cho Trung cẩu nhảy vào thôi. + Ba đặc khu này sẽ hình thành 1 tường rào biên giới đặc biệt: quyền tự do xuất nhập cảnh, định cư, luật pháp, tòa án xử trên lãnh thổ đó, người Việt có tự do ra vào được không? Có vào nắm được tình hình trong đó như thế nào không? + Đơn cử một số dự luật, điều 46 người (Tq) có thể tự do làm việc trong lãnh thổ đặc khu mà không cần giấy phép lao động (90 ngày, 180 ngày, cả năm…) Nếu có phản bác thì xin lấy ví dụ của Formosa Kỳ Anh, Hà Tĩnh, vì chưa phải là đặc khu nên phải chịu sự giám sát ngặt nghèo của chính quyền. Vậy, trong chính quyền thối nát, hối lộ từ trên xuống dưới có biết trong Formosa có bao nhiêu người Tq làm việc có giấy phép không? Chính quyền có vào “thăm” được không, ngay cả công an quân sự cũng không đụng vào được. Một số câu hỏi nổi trội: 1. Đã có bao nhiêu đặc khu? - 18 đặc khu. Gồm 15 “tiểu đặc khu” là các nhà máy thép, nhà máy giấy, nhà máy nhiệt điện ví dụ như Bauxite Tân Rai (Bảo Lộc), Nhân Cơ (Đắc Nông), Thái Bình, Ninh Cơ, Quảng Trị, Formosa Vũng Áng, Ninh Thuận,… trải dài từ Bắc xuống Tây Nguyên và Nam bộ Các đặc khu này đầu tư hầu hết từ Tàu, hiệu quả kinh tế báo lỗ nhưng đã biến VN là nơi xã thải và làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt là ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, gây ung thư từ từ cho dân Việt. Và 3 đặc khu Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc sắp được thông, chỉ phải “ra được luật” như lời Chủ tịt quốc hội mà thôi. 2. Tình hình các đặc khu hiện nay - Ba đặc khu chưa thông qua đã an bài, xây dựng cơ sở hạ tầng để đón “Phượng Hoàng Bắc Phương” - Các đặc khu khác đang hoạt động thua lỗ và gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an sinh. Nên vừa mất tiền vừa mất sức khỏe, ung thư, bệnh tật, nước, không khí, đất ô nhiễm trầm trọng. Ví dụ: Formosa Hà Tĩnh, chưa biết vận hành như thế nào nội bất xuất ngoại bất nhập, lao động phần nhiều là Tq, và đã gây chết chóc cho cả miền biển Trung Bộ. Tân Rai khởi công 2008 đến 2014 lỗ 5 triệu USD + mùa màng xung quanh bán kinh 10 km bị ảnh hưởng nghiêm trọng, con lai Tàu trên 3000 trẻ. 3. Đặc khu để đón “Phượng hoàng”? Bỏ một đồng lời vài trăm đồng? Một số ĐBQH nói rằng, sẽ đón “phượng hoàng” vào đặc khu. Xin thưa hình thức đặc khu đang lỗi thời và ít mang lại hiệu quả kinh tế. Mặt tiêu cực của đặc khu thì đầy ra: như mất tự chủ đặc khu, phải nhượng đặc khu để trả nợ, các đặc khu biến thành các ổ tệ nạn ăn chơi casino, mại dâm, rửa tiền, du lịch tiêu cực… thấy rõ nhất là các khu ở Campuchia và Lào, Châu Phi do Tq đầu tư. Xin nhắc lại, Trung cẩu sẽ chẳng bao giờ là “Phượng hoàng” cả. Trong khi các chuyên gia kinh tế còn đang phản biện sự kém hiệu quả của đặc khu thì Câu nói của chủ tịt quốc hội Ngân nói đến chuyện lời lãi từ đặc khu đầu tư một lãi 100, cái này chắc bà này đã mua đất (hoặc cưỡng chế đất rẻ mạt) rồi chờ khi công bố luật thì sẽ lãi được nhường ấy. 4. Nhà nước đang lừa dối nhân dân về đặc khu? Đúng. Vì 18 đặc khu, tiểu đặc khu Trung cẩu đang đầu tư trên VN là đang đầu độc, bao vây, làm suy kiệt dân tộc, lai tạp giống nòi Việt. Vì họ biện minh trong dự luật không hề nhắc đến 1 chữ “trung quốc” nhưng bên Tq đã thông báo về việc đầu tư ở đâu, và ngân sách bao nhiêu. Bộ Trưởng kế hoạch đầu tư trợn mắt giải thích không có từ nhà đầu tư Tq nào nhưng lại nói vào tháng 1/2018: “Hành lang nối Việt Nam, Asean với Tq là một nút quan trọng trong đề án “một vành đai, một con đường” thông qua vị trí chiến lược của đặc khu kinh tế Vân Phong”. Và trên hết là ta thấy sự lệ thuốc vào Trung quốc không những từ kinh tế mà còn cả lãnh thổ và cả Lảnh đạo của VN ( Trung quốc cài cắm qua các thế hệ) Cộng sản luôn lấp liếm, che đậy và nhiều khi không biết phải nói dối làm sao nên hay có những phát biểu rất buồn cười. (Bài viết có sử dụng tài liệu từ nước ngoài)
......

TUYÊN BỐ VỀ VIỆC TRUY TỐ, PHẠT TÙ NGƯỜI BIỂU TÌNH ÔN HÒA

Hơn hai tháng qua, các tầng lớp từ nhân sĩ trí thức đến công chức, công nhân, nông dân, người buôn bán, người làm nghề tự do ở VN đều bày tỏ sự bất bình khi thấy Dự Luật Đặc khu chứa đựng nhiều bất công giữa 3 Đặc khu hành chính- kinh tế đặc biệt (3 huyện) với 710 quận huyện còn lại ở VN; và Luật An ninh mạng chuẩn bị bịt miệng người dân. Hai Luật trên còn tiềm tàng chứa đựng nhiều nguy cơ cho bành trướng Trung Cộng thâu tóm, ém quân ngay những vị trí địa lý hiểm yếu ở Đặc khu và trong lĩnh vực quan trọng (CNTT) của VN, để đợi thời cơ nuốt trọn VN. Việc người dân nhiều tỉnh thành trong cả nước xuống đường biểu tình, tuần hành trong ngày Chủ nhật 10/6/2018 phản đối Luật đặc khu, Luật ANM, đòi “tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội…” là một tín hiệu đáng mừng về tính tích cực sáng tạo công dân vì sự tồn vong, vì quyền sống trong hoà bình và phát triển của đất nước. Việc nhà chức trách bắt 52 người biểu tình ôn hòa hơp pháp chiều ngày 10/6/2018 ở TP Biên Hòa và truy tố phạt tù 20 người “BIỂU TÌNH ÔN HÒA HƠP PHÁP” với cáo buộc tội “gây rối trật tự công cộng”, một tội danh mơ hồ, mà không hề có tổ chức hay cá nhân nào là bị hại do tội đó gây ra. Từ những sự việc, nhận định trên chúng tôi khẳng định lập trường của những người ký Tuyên bố này yêu cầu nhà cầm quyền VN: - Trả tự do cho tất cả những người biểu tình ôn hòa phản đối Dự Luật đặc khu và Luật an ninh mạng ngày 10/6/2018 đã bị bắt, đang bị giam giữ, bị tù. Riêng TP Biên Hòa phải trả tự do ngay cho 20 người biểu tình bị Tòa án nhân dân TP Biên Hòa kết án ngày 30/6/2018, và lập tức Tòa án phải hủy bỏ bản án phi nhân với 20 người đi biểu tình ôn hòa hợp pháp ngày 10/6/2018 đó. - Trả lại toàn bộ tài sản (điện thoại, băng rôn, áo, xe máy…) của người biểu tình đã bị công an thu giữ, hay Tòa án đã tuyên sung công. - Xin lỗi, đền bù thiệt hại tinh thần, vật chất cho những người biểu tình ôn hòa đã bị đánh, bị bắt, bị giam giữ vô nhân đạo và phi pháp trong những năm qua. - Quốc Hội CHXHCN Việt Nam khẩn cấp xem xét thông qua Luật bảo vệ quyền biểu tình của người dân như đã minh định trong Điều 25 Hiến pháp 2013, đem lại sinh khí cho hoạt động chính trị dân chủ, tự do, văn minh, lành mạnh của nhân dân Việt Nam. Lập tại Sài Gòn ngày 4/8/2018 (Cá nhân, tổ chức đồng ý ký Tuyên bố xin gửi họ tên, địa chỉ, nghề nghiệp, chức vụ (nếu có) về Email: quyentudobieutinh18@gmail.com ) Tổ chức, cá nhân ký tên Tuyên bố TỔ CHỨC: 1. Câu lạc bộ LHĐ. Đại diện : LS Võ Văn Thôn, nguyên GĐ Sở Tư pháp TPHCM 2. Diễn đàn XHDS VN. Đại diện: TS Nguyễn Quang A 3. Nhóm Vì Môi Trường. Đại diện: Nhà báo Lê Bảo Nhi 4. Phong trào Lao động Việt. Đại diện: Cô Đỗ Thị Minh Hạnh, Chủ tịch PTLĐV 5. Phong trào Liên đới Dân oan VN. Đại diện: Bà Trần Ngọc Anh, Dân oan BR-VT 6. Tập thể Giáo xứ Mỹ Khánh, GP Vinh. Đại diện: Lm Quản xứ, Antôn Đặng Hữu Nam 7. Báo “Người Việt Xa Quê” tại CH.Séc. Đại diện: Nhà báo Nguyễn Thi …CÁ NHÂN: 1. Vũ Trọng Khải, PGS TS. Kinh tế, nguyên Hiệu trưởng trường QLKT Bộ NN& PTNT, TV CLB LHĐ, SG 2. Lê Thân, cựu tù Côn Đảo, SG 3. Đào Tiến Thi, Ths, nhà nghiên cứu Ngôn ngữ & Văn học, nguyên UV BCH Hội Ngôn ngữ học VN, HN 4. Nguyễn Thị Kim Chi, NSUT, hưu trí, TV CLB LHĐ, SG 5. Hoàng Hưng, nhà thơ- nhà báo tự do, SG 6. Lê Phú Khải, nhà báo, TV CLB LHĐ, SG 7. Hoàng Dũng, PGS TS Ngôn ngữ học, Sài Gòn 8. Phan Đắc Lữ, nhà thơ, TV CLB LHĐ, SG 9. Nguyễn Xuân Diện, TS Hán Nôm, Hà Nội 10. Nguyễn Thanh Loan, giáo viên tự do, SG 11. Ngô Thị Thứ, giáo viên Hóa THPT, Thủ Đức, SG 12. Nguyễn Thu Giang, nguyên Phó GĐ Sở Tư pháp TPHCM 13. Võ Hồng Ly, Q2, Sài Gòn 14. Kha Lương Ngãi, nhà báo, nguyên Phó TBT báo Sài Gòn GP, TV CLB LHĐ 15. Võ Văn Tạo, nhà báo tự do, Nha Trang, Khánh Hòa 16. Lê Công Định, LS, tù nhân Nhân quyền, Sài Gòn 17. Huỳnh Sơn Phước, nhà báo, nguyên Phó TBT báo Tuổi trẻ TPHCM 18. Bùi Minh Quốc, nhà thơ-nhà báo, Đà Lạt, Lâm Đồng 19. Ngô Kim Hoa, nhà báo tự do, Sài Gòn, TV CLB LHĐ 20. Lại Thị Ánh Hồng, NS, hưu trí, TV CLB LHĐ 21. Nguyễn Đăng Cao Đại, Kỹ sư XD, Sài Gòn 22. Nguyễn Mạnh Hùng, Mục sư Tin lành, Sài Gòn 23. Dương Kim Khải, Mục sư Tin lành, Sài Gòn 24. Mai Thị Nguyệt, dân oan, Long An 25. Trương Minh Tâm, dân oan, Long An 26. Phạm Thị Quẩn, dân oan, Long An 27. Trần Văn Đức, dân oan, Long An 28. Nguyễn Thị Kim Thủy, dân oan, Tiền Giang 29. Đoàn Thị Nữ, dân oan, Tiền Giang 30. Trần Thị Liễu, dân oan, Tiền Giang 31. Trần Thị Thật, dân oan, Tiền Giang 32. Trần Thị Hoàng, dân oan, Tiền Giang 33. Hồ Thị Đậy, dân oan, Bến Tre 34. Đặng Thị Kính, dân oan, Bến Tre 35. Lê Thị Ghi, dân oan, Bến Tre 36. Nguyễn Thị Đuột, dân oan, Bến Tre 37. Phan Thị Đẹp, dân oan, Bến Tre 38. Lê Thị Kẽn, dân oan, Bến Tre 39. Nguyễn Thị Xuân Tâm, dân oan, Bến tre 40. Đỗ Thị Giỏi, dân oan, Bến tre 41. Võ Thị Lệ, dân oan, Bến Tre 42. Huỳnh Thị Hường, dân oan, Bến Tre 43. Nguyễn Thị Cảnh, dân oan, Bến Tre 44. Nguyễn Thị Trí, dân oan, Bình Dương 45. Nguyễn Thị Bé Hai, dân oan, Tây Ninh 46. Đỗ Thị Ngọc Nguyên, dân oan, Đồng Nai 47. Phạm Ngọc Hoa, dân oan, Sài Gòn 48. Trần Văn Bang, Kỹ sư, TV CLB LHĐ, SG 49. Lê Ngọc Thanh, Linh mục DCCT, Sài Gòn (Cập nhật 8h sáng 6/8/18) 50. Đặng Hữu Nam, Linh mục Giáo Phận Vinh 51. Trần Thị Hài, dân oan, Bình Dương 52. Lê Thiệu (NSTriệu Mây), nhạc sỹ, Sài Gòn 53. Nguyễn Tiến Dân, nhà giáo, Hà Nội 54. Lê Hồng Hà, công nhân, Washington, Hoa Kỳ 55. Huỳnh Thùy Bửu Châu, công nhân viên, Thủ Đức, Sài Gòn 56. Lưu Thành, cựu chiến binh, Bình Phước 57. Đỗ Thành Thanh, MBA, tư vấn, Quảng Ngãi 58. Mai Thái Lĩnh, nhà nghiên cứu, CLB Phan Tây Hồ, Đà Lạt 59. Huỳnh Nhật Hải, hưu trí, Đà Lạt 60. Huỳnh Nhật Tấn, hưu trí, Đà Lạt 61. Hoàng Hạnh Nguyên, giảng viên ĐH, Huế 62. Nguyễn Văn Đức, lao động tự do, Q12, Sài Gòn 63. Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà giáo, Q. Bình Thạnh, Sài Gòn 64. Nguyễn Duy Ngọc Minh, nhân viên kinh doanh, 334 Lê Hồng Phong, TP Vũng Tàu 65. Trần Minh Thảo, Viết văn, Bảo Lộc, Lâm Đồng (CLB Phan Tây Hồ) 66. Tống Văn Công, nhà báo ở Hoa Kỳ 67. Mai Hiền, nhà báo ở Hoa Kỳ 68. Nguyễn Khắc Mai, nhà nghiên cứu, cựu cán bộ Ban dân vận TU, HN 69. Nguyễn Đình Cống, TS GS, Hà Nội 70. Phạm Duy Hiển, CCB, TP Pleiku, Gia Lai 71. Thái Quang Sa, Kỹ sư, hưu trí, Hà Nội 72. Nguyễn Anh Dũng, CCB, Hà Nội 73. Nguyễn Văn Nghi, TS, Hà Nội 74. Tô Oanh, giáo viên, hưu trí, Bắc Giang 75. Nguyễn Đình Ấm, nhà báo, Hà Nội 76. Hoàng Thị Hà, nhà giáo, hưu trí, Hà Nội 77. Nguyễn Phúc Thanh, dịch giả, Sài Gòn 78. Nguyễn Trọng Việt, Kỹ sư Thủy lợi, Bạch Mai, Q. HBT, HN 79. Nguyễn Tâm, Kỹ sư cơ điện, TPHCM 80. Đặng Doan, Gia Nghĩa, Đắk Nông FB Trần Bang
......

Đức quyết chặn thương vụ thâu tóm từ công ty Trung Quốc

Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel lần đầu tiên ngăn chặn một công ty Trung Quốc thâu tóm một công ty Đức, báo hiệu lập trường cứng rắn đối với các khoản đầu tư từ Trung Quốc. Bloomberg trích thông báo của Bộ kinh tế Đức cho biết nội các của bà Merkel hôm 1/8 đã dùng quyền phủ quyết để ngăn chặn thương vụ tập đoàn Trung Quốc Yantai Taihai mua lại công ty sản xuất máy móc công cụ Leifeld Metal Spinning của Đức, vì lo ngại thương vụ sẽ làm tăng rủi ro về an ninh quốc gia. Hãng Leifeld – có trụ sở tại thành phố Ahlen (Đức) – là một trong những nhà sản xuất kim loại chịu lực hàng đầu cho ngành công nghiệp ô tô, vũ trụ và hạt nhân. Biện pháp phòng ngừa đã được Chính phủ Đức áp dụng dù tập đoàn Trung Quốc vào phút cuối cho biết sẽ rút lại đề nghị chào mua. Chuyên gia Mikko Huotari của Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator tại Berlin đánh giá: “Leifeld thực sự là một nhà sản xuất máy móc hàng đầu. Đức nhận thức rõ ràng mối đe dọa” đặt ra bởi mục tiêu trở thành nhà sản xuất công nghệ đứng đầu thế giới thông qua chương trình “Made in China 2025” của chính quyền Đảng cộng sản Trung Quốc. Tăng cường giám sát chặt Cùng với Mỹ và Canada, Đức cũng đang có những động thái cứng rắn hơn với Trung Quốc và trở thành nhân tố đi đầu lan tỏa khắp châu Âu về ý thức cảnh giác trước các khoản đầu tư bên ngoài, đặc biệt sau khi các công ty Đức trở thành mục tiêu mua lại của chính quyền Bắc Kinh trong những năm gần đây. Các nhà hoạch định chính sách của Đức bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc đang tìm cách tiếp cận với công nghệ nhạy cảm hoặc muốn tăng cường ảnh hưởng toàn cầu thông qua việc mua lại các cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm cảng biển và mạng lưới điện. Kể từ khi Đức đẩy mạnh biện pháp ngăn chặn các vụ thâu tóm không mong muốn từ tháng 7/2017, có hơn 80 thương vụ đã bị điều tra, trong đó có hơn 1/3 là liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới nhà đầu tư Trung Quốc, một phát ngôn viên Bộ Kinh tế Đức cho biết. Chính phủ Đức chưa từng dùng luật để chặn một thương vụ đầu tư nào từ khi đạo luật kiểm soát đầu tư nước ngoài được công bố hồi năm 2004. Để thiện hiện quan điểm cứng rắn, chính phủ của bà Merkel hồi tuần trước đã giành quyền mua cổ phần tại một trong những nhà khai thác lưới điện lớn nhất nước Đức khỏi ý định thâu tóm của công ty Trung Quốc. Bộ Kinh tế nước này cũng đang xem xét các quy định thắt chặt hơn nữa về đầu tư nước ngoài từ bên trong lẫn bên ngoài EU. Các thương vụ thâu tóm bị ngăn chặn Vào tháng 5/2018, Canada đã ngăn chặn đề xuất tiếp quản công ty xây dựng Aecon từ Công ty xây dựng quốc doanh Trung Quốc (CCCC), trong khi Hạ viện Hoa Kỳ vào tháng 7 đã biểu quyết thông qua đạo luật cho phép mở rộng các đánh giá đầu tư nước ngoài vào các ngành nhạy cảm. Trong khi đó, Bộ Kinh tế Đức đang xem xét việc hạ ngưỡng để kiểm tra hoạt động thâu tóm cổ phần từ nước ngoài xuống dưới 25%. Dịch vụ tình báo thị trường nước này cũng cho biết hoạt động thâu tóm các công ty công nghệ cao ở Đức của chính quyền Bắc Kinh là một mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia. Cuối năm 2017, Chính phủ Đức đã thắt chặt điều khoản đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài, sau khi công chúng phản ứng mạnh về các vụ thâu tóm lớn bởi các tập đoàn Trung Quốc. Chẳng hạn như vụ Midea Group mua lại nhà sản xuất robot Kuka vào năm 2016, hay vụ mua lại nhà sản xuất thiết bị bán dẫn Aixtron rốt cuộc bị thất bại do sự phản đối của Mỹ. Thứ Sáu tuần trước (27/7), Ngân hàng tái thiết Đức KfW cũng công bố kế hoạch mua lại 20% cổ phần trong công ty vận hành mạng lưới điện thủ đô Berlin 50Hetz từ tay Công ty Elia System Operator của Bỉ, trước đó do công ty State Grid của Trung Quốc đề nghị mua lại. Ngăn chặn thỏa thuận “có lẽ là động thái đúng đắn”, Marcel Fratzscher, người đứng đầu Viện kinh tế DIW (Berlin) nói. “Bạn phải tự hỏi tại sao các công ty Trung Quốc vốn không có chỗ đứng ở châu Âu lại sẵn sàng chi trả nhiều hơn các công ty đối thủ để mua lại những công ty này?” Theo Bloomberg,
......

Đừng có "giỡn nhột" với Đức

Ngay cả khi TX Thanh là một kẻ tội phạm cướp của giết người, gây nợ máu tùm lum và sống trốn chui trốn nhũi ở Đức... thì hành vi mật vụ VN sang Đức "bắt cóc" ông này vẫn là một hành vi xâm phạm chủ quyền và vi phạm pháp luật nước Đức. Đơn giản vì công an mật vụ VN, cho dầu thẩm quyền có ngang với ông trời, thì thẩm quyền này cũng bị giới hạn, trong vòng lãnh thổ nước VN mà thôi. Nhiều người bênh vực hành vi tự tiện của mật vụ VN, so sánh với các vụ bắt cóc này kia ngày trước. Mới đây thấy có ông Viện trưởng viện Hồ chí minh ở Nga cũng lên tiếng bênh vực VN với lập luận tương tự. Thì ra những người này vẫn còn đang sống trong tâm trạng "địch - ta" ở các nước "thù nghịch" hay thời chiến tranh lạnh. "Chiến tranh lạnh" chấm dứt nhưng tâm lý "địch-ta" vẫn còn bàng bạc trong tâm hồn những người được đào tạo ở các nước cộng sản cũ. Ngay cả ở những "học giả" tài hoa. VN bây giờ đã "hội nhập", với chủ trương "làm bạn với tất cả", không "theo nước này chống nước kia". Nhờ vậy chế độ độc tài công an (và đảng) trị mới trụ được đến ngày hôm nay. Những nước dân chủ tự do không còn "xốn mắt" trước thái độ hách dịch "tự kiêu cộng sản" nữa. Ngay cả các nước ASEAN, mặc dầu trước đó không bao lâu VN đã hăm he Singapour và Thái Lan mẻ răng. "Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn". VN, từ khi "đổi mới, hội nhập", đi đâu cũng cũng nói đến "tiền", mà cách nói khác là "phát triển kinh tế", Đúp lờ vê Tê Ô (WTO), thị trường chứng khoán, hiệp định hợp tác này kia khác nọ.... vì vậy được ASEAN cho gia nhập vào khối. Sau đó được (Mỹ bật đèn xanh) cho vô WTO... VN cố gắng "lột xác", cởi bỏ nón cối dép râu với cây súng AK và khẩu B40, khoát lên bộ vét tông, ôm cặp táp "làm kinh tế" với người ta. Bọn "đỉ điếm cặn bả xã hội"... trước kia vượt biên sang Mỹ, Pháp... vì có tiền nên được "nâng tầm" lên làm "khúc ruột ngàn dặm". Người ta cố gắng quên đi cái cảnh đi đâu cũng "cắp nón ăn xin". Thuở ban đầu, nước nào cũng vậy. Có ai đẻ ra đã là "triệu phú" đâu ? Phải lao động "thúi móng tay" mới có tiền rủng rỉnh. Vì vậy không ai chê bai VN nghèo hết cả. Nhưng hành vi xâm nhập vào quốc gia khác, bắt cóc người đang cư trú hợp pháp tại đây, là hành vi của một "quốc gia côn đồ". Hôm trước, Fidel Castro chết, VN tuyên bố "quốc tang". Chỉ có đôi ba quốc gia, trong đó có VN và Bắc Hàn, làm lễ truy điệu cho tên đồ tể Castro. Thêm vụ cầm súng vào nhà người ta bắt cóc, VN đứng ngang hàng với Bắc Hàn, trở thành hai nước "côn đồ" trên thế giới. Nhưng Bắc Hàn dầu sao nó cũng có khả năng "đồng ư qui tận", ngay cả đối với Mỹ hay TQ. Tức là nó có "đồ chơi". Chửi nó thì chửi nhưng không ai dám đụng tới nó. Nhưng VN thì "trên răng dưới dế". Cởi cái áo vét ra thì trở lại thuở ăn mày. Đụng với Đức e rằng còn khó khăn hơn đụng với Mỹ. Mỹ (có thể) cần VN vì Mỹ có thể dùng VN để "đối trọng" với sự "trỗi dậy" của TQ. Đôi khi VN "làm quá", Mỹ cũng xí xóa bỏ qua. Nhưng nước Đức không cần gì ở VN, ngay cả kinh tế. Tôi e ngại rằng, với cái đà "lò nóng củi ướt đốt cũng cháy". Các "học giả" VN hò dô ta đút củi sống vô lò. Điều này sẽ làm hài lòng ông Trọng (và mỗi người sẽ được ông Trọng cho cục kẹo). Nhưng nay mai Đức sẽ "trả đũa". Thứ chống mắt xem ai chết thì biết. "Lao động" VN đang sống lậu nhung nhúc ở Đức. "Sự cố ngoại giao" này trở thành một cái "cớ" rất đẹp để Đức tống cổ đám người ở lậu này về lại VN. Đừng có "giỡn nhột" với bọn Đức. Dân tộc có khả năng đội đá vá trời trên thế gian này là dân Đức. Họ nói là họ làm./.
......

Người Việt tại Đức tiếp tục biểu tình đồng hành với quốc nội phản đối Luật An Ninh Mạng và Luật Đặc Khu

Frankfurt, Đức Quốc, 04.8.2018  Sau buổi biểu tình lớn, hòa nhịp cùng đồng bào nhiều nơi trên thế giới vào ngày 07.07.2018 trước tòa nhà Quốc Hội Liên Bang Đức tại Berlin. Hôm nay dù trời nắng nóng đỗ lửa với nhiệt độ 35 độ C trong bóng râm nhưng đông đảo đồng bào từ nhiều thành phố trên nước Đức đã kéo về trước tổng lãnh sự quán Cộng Sản Việt Nam tại Frankfurt để tiếp tục biểu tình phản đối, lên án nhà cầm quyền VC hèn với giặc Tàu và ác với dân qua hành vi dùng đạo luật An Ninh Mạng để xâm nhập vào đời sống cá nhân, kiểm soát và đàn áp người dân, và nhất là âm mưu dùng luật Đặc Khu hầu chính thức hóa việc bán nước cho Trung Cộng. Buổi biểu tình bắt đầu vào lúc 13 giờ bằng nghi thức chào cờ và phút mặc niệm do ông Nguyễn Hữu Dõng, Hội NVTN Köln, điều hợp. Sau đó là bài diễn văn của ông Võ Hùng Sơn, Hội trưởng Hội NVTN Frankfurt, đại diện Ban Tổ Chức. Ông nhấn mạnh nguy cơ mất nước như Tây Tạng nếu người Việt Nam không cùng nhau xuống đường đấu tranh tới cùng.    Xen kẽ những bài phát biểu bằng tiếng Việt là những bài ca đấu tranh và những bài thông tin bằng Đức ngữ do cô sinh viên Trần Thị Thanh trình bầy về tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng và ô nhiễm môi sinh do Formosa gây ra, cũng như tình trạng thực phẩm bị Trung Cộng đầu độc, và nguy cơ cho Tàu Cộng mướn đất.                                                                                               Ông Liêu Tuấn Tú, Hội NVTN Köln, cũng miêu tả tỉ mỉ vấn nạn Cộng Sản Việt Nam mang đến cho dân tộc qua hai đạo luật nêu trên.                                                                                                                    Đặc biệt có sự tham gia và phát biểu hùng hồn của LS Nguyễn Văn Đài, Hội Anh Em Dân Chủ và ông Lê Đăng Sơn, Paris, thuộc nhóm Tinh Thần Trần Văn Bá.      Ông Võ Hùng SơnÔng Nguyễn Hữu DõngÔng Liêu Tuấn TúLs. Nguyễn Văn Đài Ông Lê Đăng Sơn                                                          Phần biểu tình trước TLS quán Việt Cộng chấm dứt lúc 14 giờ. Sau đó đồng bào đã được cảnh sát tháp tùng đi tuần hành vào phố chính đến quảng trường Goetheplatz (là đại văn hào Johann Wolfgang von Goethe). Trên đường đến địa điểm đi qua các khu thương mại đoàn người biểu tình đã tạo được sự chú tâm của đông đảo dân cư cũng như du khách qua những bài thông tin bằng Đức ngữ cũng như những khẩu hiệu hô vang trời: Nieder mit den Kommunisten in Vietnam! China raus aus Vietnam! Weg mit dem Netzsicherheitsgesetz!...                                                                   Tại quảng trường Goetheplatz, mặc dầu thời tiết bỗng nhiên thay đổi từ cực nóng chuyển sang mưa gió lớn, đại diện các tổ chức và hội đoàn như Hội Cao Niên Frankfurt, Cộng Đồng Người Việt Tự Do München, Đảng Dân Tộc, Người Việt Saarland, Tập Thể cựu Chiến Sĩ VNCH, Đảng Việt Tân… vẫn lần lượt lên tiếng bày tỏ tâm tư và lập trường của mình trước hiện tình đất nước, và cùng đồng bào hô to vang trời những khẩu hiệu đòi Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền cho Việt Nam. 16 giờ 30 BTC quyết định chấm dứt buổi mít-tinh tại đây sớm hơn để di chuyển về hội trường cho đồng bào nghỉ ngơi trước khi qua phần trà đàm thân mật. Nguyễn Hiền
......

Đức điều tra về việc xây chùa tại Taucha có dính tới công an mật vụ VC

Trung tướng an ninh Phạm Dũng đội lốt Phó Thủ tướng Việt Nam, sang Đức gặp thị trưởng thành phố Taucha xin dựng chùa – Đức vào cuộc điều tra. Theo tin từ Thoibao.de, hôm 30.7.2018, trả lời câu hỏi của báo chí Đức về việc có phái đoàn của Bộ Công an Việt Nam sang dự lễ khởi công xây chùa Chân Tịnh tại Taucha (nằm gần thành phố Leipzig thuộc miền Đông nước Đức) vào tháng 10.2017. Nhiều người đã tỏ ra rất bất ngờ về thông tin „ việc xây dựng ngôi chùa này có mối quan hệ đến những cán bộ cấp cao của Bộ Công an Việt Nam.“ Một nguồn tin khác cho biết thêm những vật liệu gỗ để dựng chùa đã được đưa đến đây từ mùa đông vừa qua, việc chuẩn bị nền móng đang được tiến hành. Kế hoạch xây dựng ngôi chùa đáng lẽ đã bắt đầu ngay từ khi thời tiết đỡ lạnh (khoảng tháng 3.2018). Nguyễn Khánh Toàn Vào ngày 22.10.2017, trong lễ khởi công xây dựng ngôi chùa Chân Tịnh này, Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an đã dẫn đoàn từ Viêt Nam sang tham dự . Trong phái đoàn có Thiếu tướng Nguyễn Dĩnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát truy nã tội phạm Bộ Công an. Trước đó, để chuẩn bị xây dựng ngôi chùa này, một cán bộ an ninh cấp cao khác của Việt Nam, Trung tướng Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ đã dùng tên giả Phan Van Dong, đóng vai Phó Thủ tướng Việt Nam tới Thành phố Taucha để gặp Thị trưởng của thành phố này khi đó là ông Holger Schirmbeck, bàn về việc xây dựng một ngôi chùa Việt. Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Công an VC Điều đặc biệt gần đây, trong phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Hải Long ở Berlin về tội danh hoạt động gián điệp và hỗ trợ mật vụ Việt Nam đột nhập lãnh thổ Đức bắt cóc ông TXT, các nhân chứng cảnh sát điều tra đã khai trước tòa „ Mạng lưới gián điệp của Bộ Công an VN tại châu Âu đã được lệnh kích hoạt để tham gia vào vụ bắt cóc TXT „ và „Cục Tình báo Cộng hòa Séc đã cung cấp cho phía điều tra Đức thông tin, ông Đ.Q.Vinh vào cuối năm 2016 đã gặp một đoàn cấp cao của Bộ Công an Việt Nam tại Praha, CH Séc. Cùng thời điểm này, mật vụ Việt Nam đang nỗ lực tìm và theo dõi Trịnh Xuân Thanh tại Đức “. Có lẽ trong thời gian tới, cơ quan điều tra Đức sẽ tiếp tục làm rõ và đưa ra các thông tin mới nhất về ngôi chùa bí ẩn này, nơi luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều quan chức mật vụ cấp cao từ Việt Nam. Bộ Ngoại giao Đức cũng chuẩn bị đưa ra thông tin, giải thích lý do đã trì hoãn, chưa cấp Visa nhập cảnh cho từ 10 đến 12 người Việt Nam với danh nghĩa thợ xây sang Taucha dựng chùa. Báo chí Đức cũng bắt đầu vào cuộc. Nguyễn Dĩnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát truy nã tội phạm Bộ Công an VC Nguồn: thoibao.de
......

Cờ Đài Loan, quyền Việt Nam

Lá cờ của Đài Loan phấp phới ở Bình Dương, Việt Nam, có lẽ không qua được 72 tiếng đồng hồ, nhưng bản thân sự có mặt của nó như là một cuộc kháng chiến không mệt mỏi về chủ quyền của mình. 2 ngày sau khi có tin hãng gỗ Kaiser ở Khu Công Nghiệp Mỹ Phước, tỉnh Bình Dương được treo cờ Đài Loan để phân biệt với các công ty trung Quốc trong khu vực này, nhằm tránh các cuộc biểu tình bao động nhằm vào Trung Quốc, Bộ ngoại giao Trung Quốc đã giận dữ yêu cầu Việt Nam phải "sửa sai" về việc này. Thông cáo của Bộ ngoại giao Trung Quốc phát đi dõng dạc vào ngày 31/7/2018. Dĩ nhiên, sớm muộn gì công ty Kaiser cũng sẽ phải hạ cờ và thay bằng hình thức gì đó khác. Bởi sự cho phép treo cờ, chắc chắn hoàn toàn nằm ở ý kiến chủ quan của chính quyền địa phương. Mà nguyên nhân chính là Kaiser là công ty đóng góp đến chiếm 5% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam, vào thị ttrường quan trọng là Hoa Kỳ. Nhưng điều đó không có ý nghĩa gì, khi so với sức nặng của nền kinh tế Việt Trung, khi nền kim ngạch thương mại song phương Việt Nam- Trung Quốc lần đầu tiên sẽ chạm mốc 100 tỷ USD. Mạnh tiền, đồng nghĩa mạnh quyền. Dĩ nhiên, đó là chưa nói đến tình hữu nghị kỳ lạ giữa hai đảng cộng sản, không liên quan gì đến nhân dân Việt Nam. Không chỉ Việt Nam, nhiều hãng máy bay đi ngang biển Đông hiện nay, nằm trong vùng kiểm soát Trung Quốc từ tháng 7 vừa qua đã phải đổi tên gọi trên bản đồ và cách xưng hô, để xác định Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Dĩ nhiên, Việt Nam cũng đang phải tiến hành những yêu cầu này của Trung Quốc. Số phận của lá cờ Đài Loan nhắc cũng như dự báo rất nhiều điều về một Trung Cộng và Việt Nam. Vô số những tàu cá mang cờ VN đi trong vùng biển gần đảo Hoàng Sa đều bị tấn công dã man vì Trung Quốc không muốn lá cờ chủ quyền Việt Nam xuất hiện trong vùng họ chiếm đóng. Nhượng bộ để hạ cờ Đài Loan ở Bình Dương lúc này, cũng là cách mà Việt Nam luôn né tránh và im lặng về giá trị của một đất nước mà họ nắm quyền, nên việc hy sinh ai đó khác, cho mối liên minh ma quỷ ấy, cũng không lạ. Lá cờ của Đài Loan có thể coi như một cuộc khởi nghĩa nho nhỏ bất thành trong lòng liên minh các thù địch. Nó lại nhắc nhớ khi ông Hoàng Khôn Minh, ủy viên Bộ Chính Trị, trưởng Ban Tuyên Truyền Trung Ương của đảng Cộng Sản Trung Quốc ghé Sài Gòn và nơi ông Nguyễn Thiện Nhân tiếp đón phải che bản đồ Việt Nam có Hoàng Sa - Trường Sa. Ông Nhân quả cũng có một cơ hội "khởi nghĩa" nhỏ nếu để cho tay Hoang Khôn Minh ấy nhìn thấy tấm bản đồ chủ quyền Việt Nam. Nhưng không, ước muốn ấy, hy vọng ấy luôn chỉ có ở những người yêu nước và đủ nhân cách. Một tay buôn gỗ mà có lòng ái quốc hơn cả một nhân vật lãnh đạo, quyền kiểm soát một hệ thống chính trị kiểu ấy có đáng để so sánh cùng? tuankhanh's blog
......

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Lực Lượng Công An (Phường) & Điệp Vụ 004

Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa. Thành ngữ VN Nhà báo Phạm Đoan Trang vừa viết một stt ngắn khiến rất nhiều người hoá ... tâm tư: Ngày hôm qua, 25/7/2018, Toà thượng thẩm Berlin ra phán quyết, chính thức khẳng định Trịnh Xuân Thanh bị Bộ Công an Việt Nam tổ chức bắt cóc, trong đó họ đưa ra một số cáo buộc, nôm na là: Ý tưởng và mệnh lệnh đưa ra là của Nguyễn Phú Trọng, Tô Lâm là người triển khai ý tưởng, Đường Minh Hưng trực tiếp điều phối. Như vậy, nếu cảnh sát Đức chỉ phát lệnh truy nã quốc tế đối với người trực tiếp chỉ huy chiến dịch mà lại không truy nã người có ý tưởng và người trợ giúp triển khai ý tưởng thì thật không công bằng. Truy nã tướng Hưng mà lại không truy nã tướng Lâm và Tiến sĩ Trọng, anh em tâm tư. Ngay bên dưới stt thượng dẫn là ý kiến của nhà văn Nguyễn Tường Thụy: “Thật là mình cũng rất ‘tâm tư’. Nó chả công bằng tẹo nào.” Tôi đang rảnh, rất rảnh, nên cũng đâm ra hơi băn khoăn (chút xíu) nhưng không phải vì lẽ “công bằng” mà vì đôi ba chuyện bèo nhèo, và eo sèo khác. Thoibao.de (13/04/2018) trích dẫn nguồn tin từ Cộng Hòa Séc cho biết “đã có từ 10 đến 20 triệu Euro được phía Việt Nam chuyển sang thông qua văn phòng MoneyGram của ông Nguyễn Hải Long trong khu chợ Sapa của người Việt tại Séc ... có lẽ phía Việt Nam đã chuyển từ 10 đến 20 triệu Euro để chi cho trả cho toàn bộ chiến dịch bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh cũng như các khoản phí khác.” Sao mà tốn kém dữ vậy cà? Điệp vụ Berlin chỉ được thực hiện bởi vài cái xe thuê,  một cái máy bay mượn, và nhân sự đều là người ăn lương của nhà nước hết trơn mà – theo như lời khai của phu nhân ông Trịnh Xuân Thanh, bà Trần Dương Nga (“Nhiều Cán Bộ Cao Cấp Bộ Công An Việt Nam Liên Quan Bắt Cóc Ông Trịnh Xuân Thanh”) trước toà án Đức: 1.Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an;  2.Trung tướng Đường Minh Hưng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an;  3.Trung tướng Lê Mạnh Cường hiện giữ chức vụ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo (Tổng cục V);  4.Phạm Văn Hiếu;  5.Lưu Trung Việt; 6.Vũ Quang Dũng;  7.Vũ Hồng Minh;  8.Phạm Minh Tiến; 9.Đào Công Duy; 10.Vũ Trung Kiên; 11.Đặng Tuấn Anh; 12.Nguyễn Thế Đôn. Thôi cứ tính cho nó gọn là 15 triệu Euro, hay khoảng 17 hay 18 triệu USD, đi. Chi phí mọi thứ, dù cho vứt tiền qua cửa sổ chăng nữa, e cũng khó đến 5 hay 6 triệu MK. Phần còn lại, nếu chia đều, mười hai vị có tên tuổi thượng dẫn mỗi người được lãnh “thêm” cỡ một triệu đô la. Lợi tức trung bình hằng năm của một người dân Việt chưa đến ba ngàn (chính xác và cập nhật là USD 2.546) mà cán bộ đi công tác vài ngày, hay vài tháng, lại  “ẵm” cả triệu thì e hơi quá lố. Đây là tiền thưởng chăng? Hãy xem qua cách thực hiện “Điệp Vụ Bá Linh” coi họ xứng đáng được “tưởng thưởng” cắc bạc nào không? Tờ Der Spiegel (Tấm Gương) – tuần báo lớn nhất, có uy tín đứng nhất nước Đức và phát hành khắp thế giới – có một bài tường thuật dài 3 trang với nhiều chi tiết mới mà trước đây chưa hề được các nhân viên điều tra của Đức tiết lộ. Xin được ghi lại đôi ba đoạn: “Sáng chủ nhật, ngày 23 tháng 7, bầu trời u ám. Đúng 10 giờ 39 phút cặp nhân tình rời khỏi khách sạn và đi bộ trong công viên Tiergarten (Vườn thú). Vụ bắt cóc diễn ra không đầy một phút. Những người đàn ông tóm lấy cô gái, cô ta đã chống cự kịch liệt đến nỗi các nhân chứng tưởng rằng cô ấy đang bị động kinh. Trịnh Xuân Thanh cũng đấm đá dữ dội, ngay cả khi ông ta bị đẩy xuống sàn xe bắt cóc VW Multivan màu ánh bạc mang biển số 2AB-3140. Kính râm và điện thoại Iphone 7 của ông bị rơi trên vỉa hè. Khi người qua đường nhặt nó lên, thì hình ảnh của một bông hoa hiện ra trên màn hình... Buổi sáng hôm đó cảnh sát đã nhận được nhiều cuộc điện thoại báo động của các nhân chứng. Một nhân chứng đã bám theo chiếc xe bắt cóc đến Cổng Brandenburg. Khi xe dừng ở đèn đỏ anh ta nhảy ra khỏi xe và chạy đến những nhân viên cảnh sát để báo động, nhưng chiếc xe VW bắt cóc đãphóng chạy mất. Đúng 11 giờ 13 phút, chiếc xe bắt cóc đến Đại Sứ quán Việt Nam tại Berlin-Treptow. Chiếc xe đã đỗ tại đây suốt 5 tiếng đồng hồ... Trong vụ này, hầu như không có bất kỳ người tham gia nào cung khai, kể cả 2 nạn nhân bị bắt cóc dẫu rằng họ có thể nói. Mặc dù thế, các nhà điều tra Đức đã tái dựng được từng phút của vụ bắt cóc. Công nghệ giám sát đã giúp họ: những chiếc xe do nghi phạm Nguyễn Hải Long thuê mướn đều có trang bị hệ thống định vị GPS. Nhờ đó mà họ biết được chính xác lộ trình của xe và xác định chính xác hành trình di chuyển đúng từng giây. Các đoạn băng video thu từ các trạm xăng đã tiết lộ ai đã lái xe, chiếc xe nào và khi nào. Một hệ thống kiểm tra tự động biển số xe, gọi là hệ thống Kesy, được sử dụng trong bang Brandenburg nhằm chống trộm xe, đã cung cấp thêm thông tin. Từ đó, các nhà điều tra đã phát họa được một họa đồ di chuyển của các thủ phạm và những chiếc xe của họ... Những kẻ bắt cóc cố gắng che giấu danh tính của họ, nhưng vô ích. Mặc dù họ đột ngột thay đổi khách sạn, trong thời gian ngắn họ hủy bỏ phòng đã được đặt trước và thanh toán bằng tiền mặt, nhưng khi đặt trước phòng ở khách sạn, họ lại lấy tên thật.” [Hiếu Bá Linh – Thoibao.de (Biên dịch) Bản điện tử tóm tắt trên Der Spiegel online: http://www.spiegel.de/politik/deutschland/entfuehrung-in-berlin-vietname... Ngoài những sai lầm rất sơ đẳng và ấu trĩ vừa kể, những Điệp Viên 004 của Việt Nam còn phơi bầy cho mọi người nhìn thấy cái phương thức làm việc rất cẩu thả (và vô cùng tắc trách) theo đúng với “truyền thống của đám công an phường” ở xứ sở này. Ông Voges, trưởng nhóm điều tra chuyên án Trịnh Xuân Thanh, đã khai trước tòa án Đức hôm 19.6 chi tiết sự việc như sau: “Các hình ảnh Video ghi lại tại khách sạn Sheraton Berlin cho thấy, ông Trịnh Xuân Thanh và bà Đỗ Thị Minh Phương cùng nhau rời khỏi đây vào sáng Chủ nhật 23.7, sau 15 phút đã xẩy ra vụ bắt cóc ngay gần đó, tại công viên Tiergarten Berlin. Tại phòng của bà Phương đã thuê ở khách sạn Sheraton qua hệ thống Booking.com, cảnh sát đã tìm thấy 2 chiếc bàn chải chải đánh răng, qua xác định bằng AND phát hiện một chiếc của bà Phương, chiếc còn lại của ông Thanh. Trong tủ quần áo cũng tìm được các bằng chứng ADN tương tự của 2 người. Dấu vết ADN của ông Thanh cũng được lấy từ căn hộ nơi ông và Vợ đang sống ở Berlin. Đặc biệt trên chiếc xe VW T5 biển số Séc đã tìm thấy nhiều vết máu lớn, theo tường thuật của một cảnh sát điều tra ‘những vết máu này to như đồng 2 Euro và đều của ông Thanh, tại đây cũng tìm thấy nhiều sợi tóc và dấu vết ADN của bà Phương trên tựa ghế của xe.’ Ngay phía dưới ghế phụ đã phát hiện thêm 2 sợi dây siết bằng nhựa có dính vết máu của ông Thanh cùng 1 hộp xịt hơi cay.” (“Tường Thuật Từ Tòa Thượng Thẩm Tại Berlin Hôm 19.6.2018,” Trung Khoa - Thoibao.de) Tuy để lại đủ thứ tang vật (bầy hầy) khắp mọi nơi như thế nhưng ngay tối hôm đó, nhóm Điệp Viên 004 vẫn thản nhiên đi “uống rất nhiều bia” để ăn mừng – như lời khai của ông Nguyễn Hải Long. Theo Wikipedia tiếng Việt thì Thượng Tướng Tô Lâm có học hàm giáo sư Ngành Khoa Học An ninh và học vị tiến sĩ Ngành Luật Học. Còn Trung Tướng Đường Minh Hưng cũng có học hàm phó giáo sư và học vị tiến sĩ ... gì đó. Gì thì gì cả hai ông, rõ ràng, đều văn võ song toàn cả. Tuy chưa bao giờ có hân hạnh được ngồi nghe hai vị “giáo sư” này giảng dậy lần nào nhưng cứ nhìn vào con số 20 triệu Euro chi phí cho Điệp Vụ Berlin thì tôi vẫn có thể (tạm) kết luận về họ như sau: “Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa!”     tuongnangtien's blog
......

BAO GIỜ CÂY CSVN NGÃ?

Một người bạn FB hỏi: “Dám hỏi lão ca tại sao CSVN suy mà vẫn chưa chịu sụp?” Câu hỏi đó có thể phải trả lời bằng một cuốn sách. Nhưng nghĩ lại, cũng nên trả lời dù sẽ rất vắn tắt. Người viết dùng câu chuyện cây thông già sau vườn để dẫn chứng. Sau nhà có một cây thông già nằm giữa hàng rào chung với nhà láng giềng. Cây thông trơ trụi, sần sùi, những cành lớn đã mục nát và rơi xuống đất, nhưng cây thì chưa chết. Nhựa vẫn còn và giữ cho cây sống. Mướn thợ tới chặt thì ngại tốn tiền không đáng, chỉ mong một cơn gió mạnh để làm cho cây ngã nhưng mấy năm rồi cây vẫn còn đứng đó. Mỗi mùa gió lớn đi qua cây cong xuống một chút nhưng rồi lại thẳng lên sau cơn gió. Lý do dễ hiểu vì chưa có một cơn gió nào đủ mạnh để làm cây, dù mục lắm rồi, ngã xuống. Chế độ CSVN cũng vậy. Những năm ngay sau 1975, bao bọc chung quanh chế độ là những cành lá sum suê như “liên hiệp”, “mặt trận”, “hội đoàn”, “thành phần thứ ba”, “kháng chiến Nam Bộ” v.v… Thời gian đi qua. Những “thành phần thứ ba” đã sáng mắt, những “kháng chiến Nam Bộ” lần lượt qua đời, những “liên minh”, “hội đoàn” chìm dần vào bóng tối lãng quên. Đảng CS như cây thông già cằn cỗi, trơ trụi, đứng được nhờ vào “thành phần phên giậu” làm phân bón. Điều đó cho thấy, cây yếu nhưng tiếc thay gió chưa đủ mạnh. Nhiều lúc, các phong trào xã hội như vụ chống Formosa, vụ chống Đặc Khu bùng nổ, chúng ta có cảm tưởng lần này sẽ thành công. Tuy nhiên, phong trào chìm xuống cũng nhanh như khi phong trào bùng nổ. Lý do? Cuộc vận động dân chủ cho Việt Nam chưa có một đầu tàu đủ mạnh. Sau cách mạng CS Nga 1917, người dân Nga chỉ cần ba năm để sáng bừng đôi mắt. Sự căm hận lan rộng khắp nơi. Tiếng ta thán vang lên khắp nước. Từ 1918 đến 1920, Nga gần như khánh kiệt. Các cuộc nổi dậy chống Cộng bùng nổ tại nhiều nơi và bị đàn áp đẫm máu. Dù sao, Lenin tại hội nghị đảng CS Nga tháng 2, 1921, cũng buộc phải lùi bước và áp dụng chính sách kinh tế gọi là “kinh tế mới” qua đó chấp nhận sự tồn tại của nhiều thành phần kinh tế. Dù chỉ ba năm đã sáng bừng đôi mắt, cuộc đấu tranh của nhân dân Nga cũng như của các dân tộc khác trong khối CS Liên Sô, đã phải cần thêm 70 năm nữa để thay đổi chế độ. Yếu tố chính giúp cho cuộc vận động dân chủ tại Nga thành công là sự thống nhất quan điểm và mục đích đấu tranh trong các thành phần chống CS thời đó. Năm 1989, trước một phiên họp của “Nhóm dân biểu liên vùng” quy tụ các thành phần ưu tú của Nga trong đó có B. Yeltsin, nhà vật lý nguyên tử Andrei Sakharov đề nghị tập trung mọi nỗ lực vào một mục đích và chỉ một mà thôi trong giai đoạn đó: “Xóa bỏ điều 6 hiến pháp”, tức điều 4 trong hiến pháp của CSVN. Tất cả đồng ý và cùng dùng đó như mục tiêu để thúc đẩy cuộc cách mạng dân chủ tại Nga thành công, dẫn đến sự sụp đổ của CS toàn Liên Sô. (Nguyễn Minh Cần, Đảng CSVN qua những biến động trong phòng trào CSQT, nxb Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ, 2016) Điều người viết muốn lập lại ở đây, chỉ khi nào các thành phần chống CSVN, bất mãn với đảng CSVN, có quyền lợi mâu thuẫn với đảng CSVN, không đồng ý với đảng CSVN, thoát ly khỏi đảng CSVN, cùng chấp nhận vượt qua mọi tiêu cực để dứt khoát tập trung một mục đích duy nhất là chấm dứt quyền cai trị độc đảng của đảng CSVN, cách mạng dân chủ tại Việt Nam mới có thể thành công. Điều đó cũng có nghĩa, ngày nào chuyến tàu cách mạng dân chủ vừa yếu ớt, vừa còn phải kéo theo mấy chục toa chất đầy mâu thuẫn, tiêu cực, phe phái, hiềm khích tôn giáo, quan điểm hẹp hòi, nhận thức khác nhau, mục đích khác nhau thì điểm hẹn một ngày phục hưng dân tộc vẫn còn xa. FB Trần Trung Đạo
......

DUY TRÌ DÂN CHỦ

Để đảm bảo dân chủ trường tồn, cần gì? Cần một lãnh đạo có tinh thần dân chủ, cần người dân có tinh thần dân chủ, hay cần một thể chế chính trị đảm bảo dân chủ? Để hiểu sâu về vấn đề này xin hãy đào sâu những nền dân chủ trên thế giới hình thành như thế nào và nó duy trì ra sao?   Nước Mỹ giành độc lập từ tay Anh Quốc ngày 04/07/1776. Và đến ngày 17/09/1786 thì bản Hiến pháp ra đời. Bản Hiến pháp này là một bản thiết kế nhà nước tam quyền phân lập theo mô hình nhà nước cộng hoà đầu tiên trên thế giới ra đời. Như vậy nhóm soạn thảo Hiến pháp phải là những người đã nhiễm tinh thần dân chủ từ Âu Châu. Nếu những con người lập quốc ấy, có máu độc tài, chắc chắn không có bản Hiến pháp ấy ra đời. Và nước Mỹ chắc chắn cũng loay hoay trong hàng thế kỷ nữa mới có dân chủ.   Nước Hàn Quốc những thập niên 80 của thế kỷ trước đã dân chủ hoá từng bước theo những cuộc biểu tình đòi yêu sách của người dân. Và đến cuối thập niên thì Hàn Quốc có dân chủ. Mỹ khởi sự nền dân chủ bằng chủ trương của các nhà lập quốc, còn Hàn Quốc là từ đòi hỏi toàn dân. Như vậy, qua 2 mô hình trên ta đều thấy có điểm chung, đấy là phải có con người dân chủ. Từ sau khi độc lập đến nay, nước Mỹ chưa một lần rơi vào hoạ độc tài. Câu hỏi đặt ra là, nếu một người có máu độc tài làm tổng thống trong một bộ máy tam quyền phân lập đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, thì ông ta có lộng hành được không? Chính một thể chế chính trị phân quyền đã kiểm soát những việc làm độc đoán của tổng thống. Ví dụ, nếu tổng thống ban sắc lệnh vi hiến, tòa bảo hiến sẽ bác bỏ. Nếu tổng thống phạm tội, quốc hội sẽ luận tội để truất phế chức vụ tổng thống. Sau khi truất phế, tư pháp sẽ truy tố. Và Hàn Quốc từ 1990 đến nay, không ít tổng thống bị truy tố. Cho nên, khi thiết lập nền dân chủ thì cần có con người dân chủ. Và khi duy trì dân chủ thì cần 2 yếu tố là nhà nước tam quyền phân lập đúng nghĩa và con người dân chủ. Chính 2 yếu tố này hội đủ, nó sẽ hoá giải tổng thống có máu độc tài. 2 yếu tố, con người và thể chế là cực kỳ quan trọng.   FB Đỗ Ngà
......

SỰ THẤT VỌNG MANG TÊN VŨ NHÔM

Biết rằng, cuộc chống tham nhũng sẽ không truy đến gốc rễ cuối cùng, sẽ không đi đến kẻ chủ mưu cuối cùng, rằng vẫn sẽ có vùng cấm. Nhưng đã có lúc ảo tưởng đợi chờ những nước cờ quyết liệt hơn nữa. Không. Vụ án xử kín. Quá chóng vánh. Và thất vọng. Trước hết, để tránh bàn cãi không cần thiết, phải khẳng định rằng, ủng hộ cuộc chống tham những của TBT Nguyễn Phú Trọng, và rằng cuộc chống tham nhũng đã có những kết quả tích cực. Nhưng vì Đất nước đang tràn ngập tham nhũng. Tham nhũng xuất phát từ các đỉnh núi cao nhất, tràn xuống khắp các hang cùng ngõ hẻm. Nên mới mong múc bớt nhơ nhớp tham nhũng hơn nữa. Bởi thế, người dân khắp cả nước đã ngỏng cổ, vểnh tai, đợi chờ phiên xử Vũ Nhôm. Nhưng cách xử Vũ Nhôm cho thấy người chơi bài đã quyết định kết thúc bài sớm. Không phải không biết, rằng tướng Trần Việt Tân và tướng Bùi Văn Thành sẽ bị giáng sao, rằng tướng Bùi Văn Thành sẽ mất hết chức vụ. Nhưng cách đóng cửa vụ án Vũ Nhôm cho thấy hình phạt quá nửa vời. Vũ Nhôm đã chiếm đoạt bao nhiêu tài sản của nhân dân? Vũ Nhôm đã hối lộ bao nhiêu quan chức? Vũ Nhôm đã tiếp tay cho những quan chức nào tham nhũng? Vũ Nhôm đã khuynh đảo và tha hóa bộ máy nhà nước như thế nào? Tội của Vũ Nhôm không phải chỉ ở làm lộ bí mật nhà nước. Tội chính của Vũ Nhôm là tội cướp đoạt. Tội chính của vũ Nhôm là hối lộ. Khung hình phạt cao nhất cũng không đủ cho Vũ Nhôm. Đừng nói 9 năm tù giam. Nhưng kẻ có tội lớn hơn Vũ Nhôm lại chính là những kẻ đứng sau Vũ Nhôm, trong đó có Bùi Văn Thành. Chính những kẻ như Bùi Văn Thành mới là cội nguồn sinh ra những Vũ Nhôm. Tội của Bùi Văn Thành không chỉ cách chức. Tội của Bùi Văn Thành phải được xét xử. Tội Bùi Văn Thành lớn hơn tội Vũ Nhôm.   Bùi Văn Thành,Trần Việt Tân Còn nữa, những ai đứng sau Bùi Văn Thành? Bùi Văn Thành không thể ngang tàng bất chấp khi không có người cao hơn nữa chống lưng. Có phải những người đó đã gói gọn vụ Vũ Nhôm trong khuôn viên “làm lộ bí mật quốc gia” nên trở thành “kín” và chóng vánh? Vì thế nên mới thất vọng. Người ta đã xử nhẹ Vũ Nhôm vì những kẻ đã bảo kê cho Vũ Nhôm. Cho nên, Trần Việt Tân, Bùi Văn Thành phải bị xét xử. Không thể chỉ cách chức, giáng sao. Những kẻ chủ mưu khác cũng phải bị xét xử. Dẫu biết rằng tham nhũng mới rồi cũng sẽ tràn đến. Nhưng tiếp tục chống tham nhũng là rất cần thiết. Chống tham nhũng ngay cả vì mục tiêu phe phái cũng là có lợi. Chống tham nhũng phải được nhiệt tình ủng hộ. Nhưng cơ chế này mới là cội nguôn sinh ra các ổ tham nhũng như Vũ Nhôm. Chừng nào chưa cách mạng cơ chế thì không thể chống tham nhũng hiệu quả. Người dân đợi chờ TBT Nguyễn Phú Trọng không phải chỉ là chống tham nhũng, mà lớn hơn là cách mạng cơ chế. Nói ngắn gọn,“Đốt lò” không phải là sứ mệnh chính của TBT, mà là của cơ quan luật pháp. Sứ mệnh chính của TBT là cải cách thể chế. FB Nguyen Ngoc Chu
......

Bản án Đặc khu Yêu nước 2018

20 người tham gia cuộc biểu tình chống Luật Đặc khu ở Đồng Nai hôm 10/6/2018 bị đem ra xét xử ngày 30/7/2018 với tội danh cáo buộc "gây rối trật tự công cộng". Ảnh: vnews Ngày 30 tháng 7 năm 2018 diễn ra một phiên tòa lịch sử lần đầu tiên tại tỉnh Đồng Nai, với số lương lên đến 20 con người đã bị điệu ra tòa án xét xử vì tội “yêu nước“. Họ bị kết án theo cái điều gọi là “gây rối trật tự công cộng” trong bộ hình luật của chế độ chỉ vì họ xuống đường biểu lộ tình yêu quê hương đất nước trước nguy cơ diệt vong. Ngày 10.6.2018, một ngày đi vào lịch sử của dân tộc ở thế kỷ 21 này, và cũng là biến cố chính trị toàn dân lớn nhất từ khi cộng sản cai trị trên toàn cõi Việt Nam. Đã có hàng trăm ngàn người xuống đường biểu tình trên mọi nẻo đường của dãi đất hình chữ S để chống lại dự luật Đặc Khu 99 năm – luật bán nước cho Trung Cộng. Quả thật, Người Đồng Nai đã hòa mình với tinh thần dân tộc, cùng xuống đường biểu tình hết sức ôn hòa và nhân văn, để rồi ngày hôm nay họ bị kết án, bị tù ngục. Danh sách 20 người biểu tình chống luật đặc khu: Trần Nguyễn Duy Quang, Phạm Ngọc Hạnh, Nguyễn Đình Trường, Phạm Văn Linh, Đinh Mã Phong, Nguyễn Thị Thùy Dung, Hồ Công Di, Diệp Út Tiền, Nguyễn Thị Trúc Ly, Nguyễn Thị Lan Anh, Phạm Ngọc Huyền, Đinh Kha Ly, Võ Như Huỳnh, Đoàn Văn Thưởng, Nguyễn Thị Thủy, Nguyễn Thanh Toàn, Nguyễn Thị Tuấn, Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Nguyễn Thị Trúc Anh, Nguyễn Thị Ngọc Liễu. Họ là những ai ? Họ thuộc mọi giai tầng trong xã hội, là trí thức, là bạn sinh viên, em học sinh, là người già, thanh niên. Nhiều người trong số 20 người bị cộng sản kết án là công nhân, thợ hồ, là tiểu thương buôn bán. Nhưng tựu trung một điểm để họ gặp nhau đó là tình yêu nước, tình yêu nước đó như ngàn suối, ngàn sông gặp nhau ở cửa biển rồi hòa vào, ào ào cùng sóng biển, sóng người cuộn dâng lòng yêu nước lên đến đỉnh điểm. Chớ trêu thay ! cộng sản lại sợ hãi điều đó. Vì vậy, chế độ vong nô đã tìm bắt bỏ tù những con người ưu tú, những đứa con ngoan của đất Mẹ Việt Nam. Tại Bình Thuận 7 người, rồi 10 người, đã bị kết án, có thể còn tiếp diễn, và đến 20 người tại Đồng Nai bị kết án chỉ vì biểu tình phản đối luật đặc khu. Cộng sản muốn người dân nước Nam phải cúi đầu làm thân trâu ngựa, để cho họ mặc sức bóc lột, áp bức. Họ thực hiện chính sách gieo rắc nỗi sợ hãi trong nhân dân để tháng Mười tới đây 3 cái đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được thông qua, đất Việt được giao cho Tàu cộng mà không có sự phản kháng nào của nhân dân. Biểu tình là quyền chính đáng của người dân được hiến định trong Hiến pháp Việt Nam. Ấy thế mà, “tất các vụ xét xử và bản án liên quan đến biểu tình đều bị công an, viện kiểm sát và tòa án do đảng cộng sản lãnh đạo lươn lẹo gọi là "gây rối trật tự công cộng", để kết án họ vi phạm pháp luật. Còn bản chất anh chị em đi biểu tình là thực hiện QUYỀN CHÍNH TRỊ CÔNG D N, Hiến pháp bảo hộ quyền này tuyệt đối, không có luật nào có thể xâm phạm quyền này. Do đó các bản án đều có dấu hiệu vi hiến minh nhiên. Mà những ai công khai vi hiến là công khai chống lại chế độ” - Linh mục An Tôn Lê Ngọc Thanh, DCCT Sài Gòn lời bình trên Facebook cá nhân ngay khi phiên tòa kết thúc. Đến đây cho ta thấy rõ ràng hơn về nỗi đau của dân ta là nền chính trị độc tài cộng sản, do cộng sản thiết lập, bởi cộng sản cai trị và vì quyền lợi của cộng sản. Một chế độ cai trị không có ý thức hệ dân tộc, không mảy may, không tơ vương một chút thiện ích nào cho nhân dân và đất nước. Thử hỏi rằng, trong cơn điên loạn cuối cùng của chế độ này, họ còn có thể bắt, giết, cầm tù những ai ai là con dân đất Việt thể hiện lòng yêu nước nữa đây ? họ có thể triệt tiêu lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam được không vậy ? Mặc dầu vậy, Đất nước không chết đâu, anh linh của tiền nhân, hồn thiêng sông núi nước Nam sẽ len lỏi vào từng thớ thịt, từng hơi thở của con dân đất Việt mà đứng lên chống kẻ nhu nhược, chống quân xâm lược, chống lại tập đoàn bán nước để gìn giữ quê cha đất tổ. Cái tinh thần chống giặc phương Bắc Trung Cộng trong nhân dân không súng đạn nào, không nhà tù nào có thể khuất phục. Chắc hẳn, cộng sản hiểu điều đó lắm chứ nhưng họ vẫn cố tình đi ngược lại lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Những bản án xét xử người yêu nước chống luật đặc khu hôm nay như thêm một bằng chứng rõ ràng hơn trong bản án bán nước của chế độ cộng sản. Dân ta sẽ ghi vào lịch sử và đưa những tên tội đồ dân tộc ra xét xử. Portland, OR 7/30/2018 Paulus Lê Sơn
......

Lộ rõ tính chất phe nhóm trong cách xử Trương Minh Tuấn và Đinh La Thăng

Cả hai ông Trương Minh Tuấn và Đinh La Thăng đều bị Ủy ban kiểm tra trung ương kết luận về các vi phạm đều là rất nghiêm trọng; nhưng các biện pháp kỷ luật đã cho thấy có sự khác biệt trong cách đối xử phe nhóm. Tại sao? Ảnh: Trương Minh Tuấn (trái) và  Đinh La Thăng. Ngày 27 tháng 4, 2017 Ủy ban kiểm tra trung ương đảng ra thông báo về những vi phạm của Đinh La Thăng trong thời kỳ làm Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tập đoàn dầu khí (2008-2011) là rất nghiêm trọng và đề nghị Bộ chính trị, Trung ương đảng xem xét biện pháp kỷ luật. Trong Hội nghị Trung ương 5 vào ngày 7 tháng 5, 2017 ông Đinh La Thăng bị kỷ luật cảnh cáo và cách chức Ủy viên Bộ Chính Trị. Đến ngày 10 tháng 5, 2017 ông Định La Thăng bị Bộ Chính Trị cho thôi chức Bí Thư Sài Gòn nhưng được cử về làm Phó Ban Kinh Tế Trung Ương. Lúc này Đinh La Thăng những tưởng là mọi chuyện sẽ êm thấm, tạm trú trong Ban Kinh Tế để làm lại cuộc đời, và đã tuyên bố rằng: “Các biện pháp kỷ luật của Bộ chính trị có lý và có tình.” Nói cách khác, Đinh La Thăng đã hy vọng rằng còn giữ được ghế Trung ương thì sẽ có cơ may phục hồi… Nhưng đến ngày 8 tháng 12, 2017, Bộ công an đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam ông Đinh La Thăng để điều tra hai tội: 1/ Làm mất trắng 800 tỷ đồng mà Tập đoàn dầu khí đã hùn vốn vào trong Ngân hàng Ocean Bank; 2/ Làm thiệt hại dự án xây dựng nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Phiên tòa xét xử Đinh La Thăng được dựng lên cấp tốc với hai phiên xử. Phiên xử thứ nhất liên quan đến vụ Nhà máy Nhiệt Điện Thái Bình 2 bị kết án 13 năm tù vào ngày 21 tháng 1. Phiên xử thứ hai liên quan đến vụ Ocean Bank bị kết án 18 năm tù và bồi thường 600 tỷ đồng vào ngày 29 tháng 3. Nói tóm lại, lò đốt tham nhũng của ông Trọng đã nướng Đinh La Thăng 31 năm tù giam và phải bồi thường thiệt hại 600 tỷ đồng. Với kết quả này ông Thăng đã trở thành “ma tù” của một chế độ không tình, không lý. Trong khi đó, Trương Minh Tuấn dính với vụ MobiFone mua 95% cổ phần của công ty tư nhân AVG với giá 8,889 tỷ đồng đã được báo chí đề cập từ đầu năm 2016; nhưng mãi đến ngày 24 tháng 3, 2018 Thanh Tra Chính Phủ mới công bố kết quả thanh tra và cho rằng vụ mua bán này có “nguy cơ” gây thiệt hại 7,000 tỷ đồng. Lý do Thanh Tra Chính Phủ gọi là “nguy cơ” vì Trương Minh Tuấn đã được lãnh đạo mách nước là phải dàn xếp để cho AVG trả lại số tiền đã nhận từ MobiFone để chạy tội. Chính vì thế mà đúng một tháng sau khi Thanh Tra Chính Phủ công bố “nguy cơ”, bên AVG đã tự động trả lại toàn bộ 9,000 tỷ đồng cho MobiFone qua trung gian của Trương Minh Tuấn vào ngày 26 tháng 4, 2018. Ngày hôm sau, 27 tháng 4, Nguyễn Phú Trọng yêu cầu đưa vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG vào diện theo dõi của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng; cùng ngày, Ủy ban kiểm tra trung ương đảng công bố kết luận điều tra 5 cá nhân vi phạm rất nghiêm trọng trong vụ này là Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng 4T [Thông Tin, Truyền Thông]), Trương Minh Tuấn (Bộ trưởng 4T), Lê Nam Trà (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone), Phan Đình Trọng (Vụ trưởng Vụ quản lý Doanh nghiệp của Bộ 4T), Cao Duy Hải (Tổng giám đốc MobiFone). Ngày 16 tháng 7, 2018, Bộ Chính trị ra quyết định, thi hành kỷ luật Trương Minh Tuấn bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ 4T. Ngày 23 tháng 7, Trần Đại Quang, Chủ tịch nước ký quyết định “tạm đình chỉ” chức Bộ trưởng 4T của Trương Minh Tuấn. Ngày 27 tháng 7, Trưởng ban tổ chức Phạm Minh Chính thay mặt Bộ chính trị đến văn phòng ban tuyên giáo đọc quyết định của Bộ chính trị cử Trương Minh Tuấn về làm Phó ban tuyên giáo trung ương. Những diễn tiến kỹ luật đối với Trương Minh Tuấn rõ ràng là có sự nương tay ở bên trong Bộ chính trị, khác xa với các biện pháp kỷ luật đối với Đinh La Thăng. Cả hai đều bị ghép tội “cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng”. Cả hai gây thất thoát tài sản nhà nước nhưng Đinh La Thăng thì bị quy kết làm thiệt hại non 1,000 tỷ đồng cho hai vụ Ocean Bank và Nhiệt điện Thái Bình 2, trong khi Trương Minh Tuấn bị quy kết có “nguy cơ” thiệt hại 7,000 tỷ đồng khi mua công ty AVG. Nhưng kết quả kỷ luật thì Đinh La Thăng phải ngồi tù 31 năm, bị phạt bồi thường 600 tỷ đồng và nhất là bị khai trừ ra khỏi đảng. Tức là ông Thăng không chỉ bị tù mà còn mất hết tất cả quyền lợi sau hơn 30 năm phục vụ đảng CSVN. Trong khi đó, Trương Minh Tuấn chỉ bị mất ghế Bộ Trưởng 4T nhưng vẫn còn giữ ghế Ủy viên Trung Ương và tiếp tục làm Phó ban tuyên giáo. Rõ ràng là Nguyễn Phú Trọng đã chỉ giơ cao đánh khẽ đối với Trương Minh Tuấn để cho qua vụ lình xình MobiFone mua công ty AVG. Trong thâm tâm, Nguyễn Phú Trọng không muốn làm tổn thương đàn em trong khối Tuyên Giáo, vốn là lãnh địa quan trọng mà ông Trọng sẽ lui về cố thủ khi bị đối phương tấn công. Đinh La Thăng hoàn toàn trái ngược với Trương Minh Tuấn. Thăng là đàn em của Nguyễn Tấn Dũng và là nhân vật có nhiều triển vọng thay thế ghế Tổng Bí Thư ở Đại Hội 13 vào tháng 1 năm 2021. Nếu không triệt hạ Thăng thì với vị trí Bí Thư Sài Gòn hay Phó Ban Kinh Tế Trung Ương, Đinh La Thăng có thể tạo thành hậu cứ riêng với sự hậu thuẫn của gia đình Nguyễn Tấn Dũng. Nói tóm lại, triệt hạ Đinh La Thăng nhưng nương tay với Trương Minh Tuấn cho thấy là Nguyễn Phú Trọng chỉ hành xử theo quyền lợi phe nhóm, mượn danh chống tham nhũng để triệt hạ đối thủ và củng cố quyền lực. Bàn tay “đốt lò” liệu có đen hơn “thanh củi”? Trung Điền http://viettan.org/lo-ro-tinh-chat-phe-nhom-trong-cach-xu-truong-minh-tu...  
......

Lê Đình Lượng – Đối diện án tử vì chống giặc tàu và Formosa

Ngày 30/7/2018 phiên tòa xét xử người bảo vệ dân quyền Lê Đình Lượng sẽ diễn ra. Một nhà hoạt động quá nổi danh trên mạng xã hội nhưng lại có thể đối diện với mức án cao nhất là tử hình. Lê Đình Lượng là ai và đã làm gì để trở thành mục tiêu của chế độ với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”? Nhà hoạt động Lê Đình Lượng bị khởi tố với quy kết “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79, Bộ luật hình sự (BLHS). Theo thông tin từ người thân, ông Lượng sẽ ra tòa theo khoản 1 điều 79 BLHS với khung án từ 12 đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Nhiều người đã thắc mắc về những hoạt động nào mà khiến nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam sợ hãi như vậy? Trước tiên phải khẳng định rằng trong xã hội Việt Nam, với các vụ án mang tính chính trị việc bắt bớ hay quy tội một ai là một việc làm hết sức dễ dàng và hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của đảng cộng sản. Nhà cầm quyền để bảo vệ sự tồn tại độc quyền cách độc đoán của mình sẵn sàng bỏ tù tất cả những ai mà họ cho là có thể ảnh hưởng đến sự tồn vong của họ. Người lính chống giặc Tàu và tay sai Cũng giống như nhiều nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền bị bắt giam – ông Lê Đình Lượng mang trong mình một lý tưởng về thể chế dân chủ đa nguyên, và công bằng xã hội. Ông thực hiện lý tưởng đó qua việc trợ giúp các nạn nhân Formosa, đòi lại quyền được đi học và chống nạn lạm thu cho học sinh nông thôn hay trực diện đương đầu với những mưu đồ Hán Hóa hoặc bán nước. Có thể nói rằng ông Lượng là người bình thường với ước mơ phi thường là thay đổi xã hội một cách ôn hòa văn minh. Ông sinh ra và lớn lên tại giáo xứ Vĩnh Hòa, giáo phận Vinh tại mảnh đất Yên Thành, Nghệ An. Đây cũng là quê hương của Luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân, người gọi ông Lê Đình Lượng bằng chú. Thời trai trẻ ông đã trực tiếp tham gia bảo vệ tổ quốc, tham gia cuộc chiến biên giới năm 1979 để kháng Tàu Cộng. Là một cựu binh vì lòng ái quốc, ông sau đó tiếp tục là một người hoạt động vì quê hương dân tộc. Trước thảm họa mất nước vào tay “bạn vàng” của đảng cầm quyền, ông Lê Đình Lượng cũng đã tham gia ký tên phản đối dự án Boxit Tây Nguyên. Không chỉ bằng việc tham gia ký tên, ông đã cùng những người quen tổ chức biểu tình tại gia chống giặc Tàu và tham gia các buổi lễ tưởng niệm các tử sĩ hi sinh tại Hoàng Sa, Trường Sa trong cuộc chiến chống giặc phương bắc. Đặc biệt từ khi thảm họa môi trường do Formosa xả thải trực tiếp ra biển Miền Trung thì ông càng tham gia sâu vào việc đòi lại công bằng cho người dân quê ông. Ông Lượng đã viếng thăm, trợ giúp về mặt tinh thần và vật chất các ngư dân. Nhưng còn hơn thế là ông đã đến để giúp họ, đồng hành với họ trong những tháng ngày làm đơn khởi kiện Formosa. Ông Lê Đình Lượng quen biết rộng, giao thiệp rộng nhất là từ vụ Formosa, thì mối quan hệ của ông lại gia tăng. Trong khả năng của mình ông Lê Đình Lượng đi chỗ này chỗ kia để làm cầu nối nhiều người tới nơi họ được trợ giúp. Những người như ông Lê Đình Lượng, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Văn Hóa, Nguyễn Văn Oai, Trần Thị Xuân, Nguyễn Trung Trực… đã sống và hoạt động trực tiếp ngay tại những điểm nóng bài trừ Formosa – một công ty được bảo kê bởi tiền của Trung Quốc – là một thách thức của nhà cầm quyền vốn được gọi là “hèn với giặc ác với dân”. Tùy khi tổ quốc và nhân dân cần, ông Lê Đình Lượng đã có cách của riêng mình để thực hiện nghĩa vụ của một công dân. Một con người bình thường với trái tim nóng Dường như ai cũng phải thừa nhận rằng tuy lớn tuổi nhưng ông Lê Đình Lượng tinh thần tươi trẻ và rất nhiệt tình. Không phải là những chính trị gia lão luyện hay màu mè, mà ngược lại ông chân chất bình dân, có hơi chút xềnh xoàng gần gũi. Tôi cảm nhận được sự hăng hái và nhiệt huyết đó, không chỉ vì ngày tôi mãn án tù ông đã lặn lội từ Nghệ An vào Lâm Đồng thăm tôi. Mà còn là khi ông sốt sắng trợ giúp các nạn nhân Formosa cùng với các linh mục. Và cũng không phải chỉ có mình tôi được đón nhận sự nồng ấm tình người đó, nhiều người đã được ông Lượng giúp cách vô vị lợi và tận tâm. Nhất là gia đình của các tù nhân lương tâm, những ai từng bị giam tại các trại tù nơi Nghệ An thì đa phần người nhà của họ đều được ông Lượng đồng hành. Chúng ta không tô hồng hay tâng công một ai nhưng tự trong sâu thẳm tâm thức mỗi người, một hành động từ trái tim sẽ đi thẳng đến trái tim. Và nơi cung lòng của mẹ Việt Nam, ông Lê Đình Lượng đã xứng đáng là một người con hiếu thảo. Trần Minh Nhật
......

Hans-Georg Maassen – Lãnh đạo cơ quan bảo hiến Đức: Trung Quốc thu mua công nghệ đe dọa đến an ninh quốc gia

Trong lúc nước Anh đang có kế hoạch thắt chặt quy định các doanh nghiệp nước ngoài mua bán sáp nhập để để phòng các công ty trong lĩnh vực nhạy cảm rơi vào tay công ty nước ngoài. Mới đây, quan chức cấp cao của cơ quan bảo vệ hiến pháp của Đức cho biết, việc Trung Quốc mua lại các công ty công nghệ cao của Đức đã tạo thành mối de dọa đối với an ninh quốc gia Đức. Bloomberg News đưa tin, trong một bản báo cáo thường niên về rủi ro an ninh, Hans-Georg Maassen – người phụ trách tối cao của cơ quan bảo vệ hiến pháp Đức đã nhấn mạnh về vấn đề các doanh nghiệp Trung Quốc mua lại các công ty công nghệ cao của Đức. Nội dung báo cáo cũng nhắc đến các cuộc tấn công mạng đến từ Trung Quốc và Nga, ngoài ra còn nhắc đến mối đe dọa từ Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.  Bản báo cáo này đã miêu tả chi tiết về bức tranh mà chính phủ Trung Quốc thông qua các doanh nghiệp quốc doanh để mở rộng sức ảnh hưởng ra nước ngoài. Các doanh nghiệp quốc doanh này của Trung Quốc mua lại công nghệ của Đức, tạo thành mối đe dọa đối với kinh tế và an ninh của nước Đức. Hans-Georg Maassen nói, những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc đã giảm thiểu các cuộc tấn công mạng truyền thống nhắm vào các công ty Đức và nhường chỗ cho hành động thu mua. Ngày 24/7, ông Hans-Georg Maassen chia sẻ với phóng viên: “Nếu chúng ta cho rằng đứng sau người mua là chính phủ nước ngoài, và dã tâm vượt quá phạm vi mua bán thông thường, vậy thì đương nhiên chúng ta phải chú ý đến điểm này.” Trong bản báo cáo này còn nói thêm, cơ quan tình báo của Trung Quốc đã chuyển hướng sang các hoạt động gián điệp chính trị, nhất là việc thu thập thông tin của các cơ quan thuộc Liên minh châu Âu (EU) và thông tin về Hội nghị G20, nhằm đánh giá xem cách nhìn nhận của những cơ quan này đối với Trung Quốc như thế nào. Nước Đức trở thành một trong những mục tiêu doanh nghiệp Trung Quốc thu mua công nghệ Sau khi Đức trở thành mục tiêu mà Trung Quốc nhắm tới để mua lại công nghệ trong mấy năm gần đây, chính phủ của bà Merkel trở thành nước đầu tiên trong các nước thuộc EU tiến hành sàng lọc đối với các doanh nghiệp nước ngoài tiến hành đầu tư vào Đức. Khi còn là Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức, ông Sigmar Gabriel đã biểu thị thái độ phản đối việc công ty Trung Quốc mua lại công ty Đức. Tháng 12/2016, chính phủ Mỹ đã ngăn chặn một Quỹ đầu tư của Trung Quốc thu mua một công ty sản xuất thiết bị bán dẫn của Đức là Công ty Aixtron SE,  công ty này có một nhà máy và một số văn phòng tại Mỹ. Trước đó, Ủy ban đầu tư nước ngoài Mỹ (CFIUS) đã khởi động một cuộc điều tra và phủ quyết giao dịch mua lại công ty Aixtron. Bên cạnh đó, Công tỵ Lưới điện quốc gia Trung Quốc (SGCC) vẫn luôn có ý đồ mua 20% cổ phần của 50Hertz Transmission GmbH (một công ty hàng đầu về điện lưới ở Đức). Hồi tháng 3 năm nay, 50Hertz Transmission GmbH tuyên bố, hoan nghênh Công ty Elia (Bỉ) mua lại 20% cổ phẩn của 50Hertz Transmission GmbH. Điều này có nghĩa là kế hoạch sáp nhập cổ phần của SGCC đã thất bại. Tuy nhiên trong ngành ô tô, năm nay, nhà tỷ phú Trung Quốc Lý Phúc Thư đã bất ngờ trở thành cổ đông duy nhất và lớn nhất của công ty Daimler AG – công ty mẹ của Mercedes-Benz, điều này khiến cho chính phủ của bà Markel lo lắng. Chính phủ Đức thắt chặt quy định doanh nghiệp nước ngoài mua lại công ty Đức Báo cáo liên quan đến rủi ro an ninh do Hans-Georg Maassen và Bộ trưởng Nội chính Horst Seehofer cùng phát biểu, họ coi hoạt động mua lại doanh nghiệp Đức của Trung Quốc thuộc về nỗ lực nhằm thu nhỏ khoảng cách về cạnh tranh với các doanh nghiệp ở thị trường nước ngoài, bởi vì nhu cầu trong nước Trung Quốc đã giảm thiểu. Đương nhiệm Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier hôm 26/4 có phát biểu với báo giới cho biết, do ngày càng lo lắng Trung Quốc và các đối thủ cạnh tranh khác có được trong tay công nghệ cốt lõi, nên chính phủ Đức có thể sẽ hạ thấp ngưỡng can dự vào việc nước ngoài mua lại doanh nghiệp Đức. Năm ngoái, Đức đã đẩy mạnh kiểm soát đầu tư đối với nước ngoài, mở rộng ngưỡng 25% cổ phần mà chính phủ có thể can thiệp sang các lĩnh vực thương mại khác. Peter Altmaier cho biết, chính phủ đang thắt chặt các quy định này lại. Hồi tháng 1/2018, Thứ trưởng Bộ Kinh tế Đức Matthias Machnig trả lời phỏng vấn của Bloomberg có nói: “Trung Quốc tăng cường đầu tư vào lĩnh vực có tính chiến lược. Vấn đề chúng tôi đưa ra là, phải chăng chỉ đơn thuần là muốn công nghệ của Đức chuyển dịch sang Trung Quốc, đương nhiên nếu có nghi ngờ về an toàn, vậy thì cần chiểu theo hồ sơ để tiến hành nghiên cứu và đánh giá.” Tại hội nghị của Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) hồi tháng 7 mới đây, Phó đại diện thương mại Mỹ tại WTO là Dennis Shea cho biết: “Xét thấy Trung Quốc có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đến thương mại quốc tế và sức ảnh hưởng này không ngừng lớn mạnh, và kinh tế Trung Quốc lấy quốc gia làm chủ đạo, chủ nghĩa trọng thương và phương thức đầu tư tạo thành tổn hại nghiêm trọng đến đối tác thương mại, do đó cần nhanh chóng  kết thúc hành vi này của Trung Quốc”. Đại sứ EU trú tại WTO Marc Vanheukelen cho biết, cần nhấn mạnh vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, “bởi vì cùng với việc Bắc Kinh ngày càng chú trọng đến sáng tạo mới và sản xuất công nghệ cao, những vấn đề này chắc chắn có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.” Nguồn: trithucvn.net
......

Thông Cáo Báo Chí - Phản đối phiên tòa xử doanh nhân và nhà hoạt động dân quyền Lê Đình Lượng

VIỆT NAM CANH TÂN CÁCH MẠNG ĐẢNG Email: lienlac@viettan.org – Web: www.viettan.org – FB: facebook.com/viettan Thông Cáo Báo Chí Phản đối phiên tòa xử doanh nhân và nhà hoạt động dân quyền Lê Đình Lượng       Sau một năm giam giữ phi lý, nhà cầm quyền CSVN sẽ đưa nhà hoạt động dân quyền Lê Đình Lượng ra xử sơ thẩm với cáo buộc theo Điều 79 vào ngày 30 tháng 7 tại tòa án tỉnh Nghệ An. Ông Lê Đình Lượng là một doanh nhân thành công tại Nghệ An thuộc giáo xứ Vĩnh Hòa, một người hoạt động tích cực chống bất công xã hội, tham nhũng và ô nhiễm môi trường. Ông Lê Đình Lượng đã bị công an Nghệ An bắt cóc vào chiều ngày 24 tháng 7, 2017 khi đang trên đường trở về nhà sau khi đến thăm gia đình tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai. Theo cáo trạng, nhà hoạt động dân quyền Lê Đình Lượng đã không khai bất cứ điều gì, nhưng Viện Kiểm Sát lại dựa trên nội dung điều tra của công an Nghệ An để quy chụp tội “âm mưu lật đổ” nhà nước. Nhưng quan trọng hơn, công an Nghệ An lại căn cứ trên một số chi tiết về kết bạn, likes trên Facebook và share thông tin bài vở đăng trên Facebook với nick Lỗ Ngọc, để quy kết Điều 79 đối với ông Lê Đình Lượng. Những cáo buộc nói trên cho thấy nhà cầm quyền CSVN đã bắt đầu dùng Luật An Ninh Mạng kèm với các điều khoản an ninh quốc gia để khống chế cộng đồng mạng và quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam. Cáo trạng còn đề cập đến khả năng Bộ Công An lấy dữ liệu người dùng nếu Facebook đặt máy chủ tại Việt Nam, dẫn đến nhiều nguy hại mà cộng đồng mạng Việt Nam sẽ phải đối diện. Nhà hoạt động dân quyền Lê Đình Lượng là nạn nhân khởi đầu của đạo luật bóp nghẹt này. Cáo trạng ghi rằng ông Lê Đình Lượng tham gia đảng Việt Tân và vì vậy vi phạm Điều 79. Ủy ban Điều tra về Bắt Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc (UNWGAD) đã phán quyết rằng tham gia hội nhóm, như đảng Việt Tân là quyền căn bản phải được tôn trọng. CSVN đã vi phạm các quy định của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền về quyền tham gia các đoàn thể, đảng phái và quyền tự do ngôn luận. Đảng Việt Tân đang cùng với một liên minh các NGO quốc tế và một số tổ chức Việt Nam phát động chiến dịch #NgưngNgayĐànÁp, và mở cuộc vận động cho quyền tự do trên mạng. Những phiên xử phi lý đối với những người yêu nước chỉ làm nhanh tiến trình tan rã chế độ mà thôi. Ngày 27 tháng 7 năm 2018 Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng Mọi chi tiết xin liên lạc: Hoàng Tứ Duy: +1 202-596-7951 Ðối Ðầu Bất Bạo Ðộng để tháo gỡ độc tài – Xây Dựng Xã Hội Dân Sự để đặt nền dân chủ – Vận Ðộng Toàn Dân để canh tân đất nước
......

Hội NVTNCS Nürnberg & phụ cận hội thảo về luật an ninh mạng và luật đặc khu của CSVN

Vào ngày 22.07.18, Hội NVTNCS tại Nürnberg và vùng phụ cận cùng phối hợp với Hội NV tại Schweinfurt đã tổ chức một buổi hội thảo về Dự luật đặc khu và luật an ninh mạng (ANM) tại Hauptstrasse  Schweinfurt. Đặc biệt có dự hiện hiện của Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và vợ là chị Vũ Minh Khánh. Mở đầu chương trinh là nghi thức khai mạc chào cờ và mặc niệm. Sau đó ông Bùi Văn Tân, Hội trưởng Hội Nürnberg chào mừng quan khách và nói lên mục đích và ý nghĩa của buổi tổ chức. Tiếp theo là phần trình bày của ông Nguyễn Thế Bảo thuộc Ban chấp hành Hội Nürnberg. Bằng những hình ảnh qua slide show sống động, ông Bảo đã trình bày về tình hình VN như vụ Formosa, đã gây ra ô nhiễm một vùng biển rộng lớn của 4 tỉnh miền Trung làm cho đời sống của người dân tại đây rất khó khăn. Thứ đến là ải Nam Quan, Thác bản giốc, quần đảo Hoàng Sa và một số đảo và bải đá tại Trường Sa cũng đã mất vào tay giặc Tầu. Nay nhà cầm quyền csvn lại âm mưu bán nước bằng cách cho TQ thuê đất làm đặc khu với 3 vùng như Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc và còn đưa ra luật ANM hầu bịt miệng người dân cũng như thẳng tay đàn áp người dân khi họ lên tiếng cảnh giác, phản đối. Ông Bùi Văn Tân, Hội trưởng Hội NVTNCS tại Nürnberg&vùng phụ cận chào mừng quan khách Sau đó, LS Nguyễn Văn Đài đã trình bày về những khó khăn về hệ quả của luật ANM một khi luật bịt miệng người dân này có hiệu lực vào đầu năm tới 2019. Luật sư Đài Kêu gọi người dân trong cũng như ngoài nước hãy mạnh dạn phản đối và bất  hợp tác với nhà cầm quyền csvn về mọi mặt. Đề cập đến việc triệt hạ giới đấu tranh dân chủ tại VN, Ls. Đài cho biết nhà cầm quyền CSVN  đi qua 4 bước: 1- đe dọa thân nhận 2- truy lùng 3- Triệt đường kinh tế, ngăn chặn hỗ trợ từ bên ngoài 4- bỏ tù Ls. Nguyễn Văn Đài đang trình bày Ngoài ra, LS Đài cũng chia sẻ về những cuộc ruồng bố của công an để bắt cá nhân ông tại Nghệ An năm 2015 cũng như những anh chị em thuộc hội AEDC. Nhiều người bị bắt và bị đánh đập dã man. Sau phần trình bày của LS Đài là phần hội thảo. Nhiều câu hỏi liên quan đến LS Đài sau khi được thoát khỏi cảnh ngục tù và cuộc sống hiện tại. Đã được Ls. Đài giải đáp thỏa đáng. Sau phần giải lao LS Đài đã chia sẻ về sự ra đời và hoạt động của hội AEDC qua những hình ảnh slide show  và videoclip. Chị Vũ Minh Khánh cũng chia sẽ về những kinh nghiệm đấu tranh với công an trong khi chồng đang bị lao tù. Chồng bị bắt tù đày, nỗi đau của người vợ còn đau hơn roi vọt trong tù. Chị đã kễ lại những dằn vặt, khổ đau...khi anh trong tù và chị phải dấn thân vào cuộc đấu tranh không có đường chọn . Góp phần cho buổi hội thảo thêm khí thế bằng những ca khúc đấu tranh do hai anh Vĩnh Điệp và anh Trung Việt, thành viên của Hội NVTNCS Nürnberg & vùng phụ cận đảm trách. Để giúp đở cho các TNLT và gia đình, Hội NVTN tại Nürnberg đã quyên góp tại chổ được 1000€, số tiền này sẽ được một mạnh thường quân tại Schweinfurt, người cho mượn hội trường tổ chức hội thảo, đứng ra nhận lãnh trách nhiệm gởi về VN. Buổi hội thảo chấm lúc 18 giờ cùng ngày sau bửa cơm chiều do vị mạnh thường quân tại Schweinfurt khoảng đải./.
......

HÃY TRẢ LẠI SỰ TRONG TRẮNG CHO ĐỸ.

Cô kia gởi đơn kiện. Tại đồn, anh công an hỏi: "Cô kiện ai, về chuyện gì?"Cô gái đáp: "Em kiện thế lực thù địch nói em làm đĩ!" "Hừm! Ai là thế lực thù địch? Mà cô có làm đĩ không?" "Dạ thế lực thù địch là bà hàng xóm của em. Còn chuyện làm đĩ thì em không có làm đĩ; em chỉ cho thuê đặc khu!" Anh công an nhướng mắt: "Cho thuê đặc khu là sao?" Cô gái mĩm cười: "Em cho đàn ông thuê cái "đặc khu" của em theo giờ; mỗi giờ một triệu. Người thuê muốn làm gì thì làm, hết giờ, trả tiền xong thì ai về nhà nấy!" Anh công an trợn mắt nạt: "Đó là làm đĩ; làm đĩ thì nói làm đĩ, cho thuê đặc khu cái đệch!" Cô gái cãi: "Anh nói sai rồi! Xã hội xã hội chủ nghĩa của ta không có đĩ; chỉ ở các nước tư bản mới có đĩ. Giống như bác Lê Duẩn từng nói chỉ ở các nước tư bản mới có lạm phát, còn xã hội chủ nghĩa của ta hết tiền thì in tiền ra xài, không sợ lạm phát..."Anh công an cắt ngang: "Cô đừng có mà lẽo mép... Hễ nằm ngửa cởi quần bán thân cho đàn ông chơi rồi lấy tiền là làm đĩ..." Cô gái lại cãi: "Anh nói sai rồi. Chỉ có gái tư bản mới bán thân lấy tiền; còn ta chủ nghĩa xã hội không có bán thân. Ta chỉ trao đổi. Cụ thể là cho thuê. Không có làm đĩ. Giống y như nhà nước cho thuê 3 cái đặc khu vậy. Thế lực thù địch gọi đó là bán nước; nhưng ta gọi là cho thuê, không phải bán. Anh làm công an mà không thông suốt chính sách của đảng là sao?!" Anh công an đỏ mặt, nạt: "Địt mẹ! Thì không bán... cũng được. Vậy cô thưa đòi cái gì?" "Em đòi cái thế lực thù địch phải trả lại sự trong trắng cho em!" Anh công an đưa hai tay lên trời: "Trả lại sự trong trắng cho cô? Cô mà.... trong trắng? Hừm! Mà trả bằng cách nào?" Cô gái cười: "Để em hỏi anh cái này. Anh có nghe vụ nâng điểm ở Hà Giang gần đây không?" "Tôi có nghe! Chuyện đó liên quan gì tới chuyện làm đĩ của cô?" "Ông bí thư tỉnh Hà Giang nói người ta tự động nâng điểm con gái ổng để làm khó ổng. Ổng nói ổng quyết tâm lấy lại sự trong trắng cho ổng, cho con gái ổng. Ông bí thư đó cũng bị oan như em; em thì tự nhiên bị thế lực thù địch vu khống là làm đĩ; ổng thì tự nhiên bị thế lực thù địch thò tay vào nâng điểm cho con gái. Nói thiệt với anh nha, có chết em và ổng cũng phải lấy lại sự trong trắng cho mình..."Anh công an xua tay lia lịa: "Thôi được rồi! Cô về đi... cô rất trong trắng..." Cô gái cười toe:"Em về. Nhưng hễ bọn thế lực thù địch còn gọi em là đĩ này đĩ nọ thì em còn trở lại. Nói thiệt với anh nha, em cũng như các cán bộ lãnh đạo nhà nước ta lâu nay cứ bị bọn thế lực thù địch gọi là phường đĩ điếm; đứa đĩ mồm dưới, đứa đĩ mồm trên. Để coi kỳ này ông bí thư Hà Giang lấy lại sự trong trắng của ổng bằng cách nào?...." FB Ngo Du Trung
......

Bộ Trưởng Công An Tô Lâm: Tên Tội Phạm Nguy Hiểm Nhất Thế Giới!

Tô Lâm sinh ngày 10 tháng 7 năm 1957 tại Hưng Yên, bố là Đại tá Tô Quyền cựu giám đốc công an tỉnh Hưng Yên, trước khi nghỉ hưu là cục trưởng cục V26(nay là Tổng cục 8). Trước khi lên Bộ trưởng, Tô Lâm từng giữ chức phó Tổng cục trưởng, rồi Tổng cục trưởng Tổng cục an ninh phụ trách khu vực Âu châu, rồi lên Thứ trưởng phụ trách đối ngoại. Ảnh: Tô Lâm - Trịnh Xuân Thanh - Nguyễn Phú Trọng Khi còn giữ chức phó Tổng cục trưởng, Tô Lâm chỉ huy mạng lưới an ninh hoạt động tại các nước Đông Âu, Liên Xô cũ. Bởi vậy trong vụ án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại CHLB Đức, Tô Lâm đã chỉ huy trung tướng Đường Minh Hưng, đàn em và đang là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục an ninh(vị trí của Tô Lâm trước đây) và mạng lưới an ninh tại Đức, các nước Đông Âu cùng với an ninh từ Việt Nam sang để thực hiện. Tô Lâm còn trực tiếp bay sang Slovakia để nhờ mượn máy bay của chính phủ Slovakia chở Trịnh Xuân Thanh sang Nga, rồi sau đó về Việt Nam. Chỉ riêng trong vụ án bắt cóc Trinh Xuân Thanh, Tô Lâm đã giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu. Hành vi phạm tội của Tô Lâm không chỉ vi phạm pháp luật Việt Nam, mà còn vi phạm luật pháp của CHLB Đức, vi phạm luật pháp quốc tế. Tô Lâm không chỉ là tội phạm của Việt Nam mà còn là tội phạm quốc tế. Hành vi phạm tội của Tô Lâm gây trấn động nước Đức và Âu Châu, gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất giữa Việt Nam và CHLB Đức. Tới mức ngày 22 tháng 9 năm 2018, CHLB Đức đã tuyên bố tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Giờ đây khi nhắc tới Việt Nam, người dân Đức nghĩ ngay đến một số từ như bắt cóc, khủng bố, vi phạm nhân quyền. Đầu tháng 10 năm 2017, Cơ quan điều tra của CHLB Đức đã phát lệnh truy nã trung tướng Đường Minh Hưng, mà lẽ ra phải phát lệnh truy nã đỏ đối với Tô Lâm.   Ngày 17 tháng 7 năm 2018, sau khi Nguyễn Hải Long đã thú nhận tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Chính phủ CH Séc đã tuyên bố ngưng cấp visa dài hạn cho công dân Việt Nam. Và lý do mà Bộ trưởng Bộ nội vụ CH Séc đưa ra là “Việt Nam đã trở thành một mối nguy an ninh trong lĩnh vực xuất khẩu tội phạm có tổ chức.” Ở trong nước, từ ngày ngày Tô Lâm lên Bộ trưởng Bộ công an, đã tiến hành các chiến dịch đàn áp, bắt giữ hàng trăm người hoạt động nhân quyền, tự do và dân chủ, hoạt động môi trường. Tại sao Tô Lâm lại điên cuồng phạm tội như vậy? Những ai theo dõi tình hình chính trị Việt Nam thì đều thấy rõ khi Nguyễn Tấn Dũng còn đang là đương kim Thủ tướng. Tô Lâm và Nguyễn Tấn Dũng như hình với bóng, nhất là trong các chuyến công du quốc tế của Nguyễn Tấn Dũng. Tại Hội nghị trung ương 6 của đảng CSVN tháng 10 năm 2012, thực hiện quyết định của Bộ chính trị là đưa Nguyễn Tấn Dũng ra xem xét kỷ luật. Trong suốt thời gian diễn ra hội nghị, việc kỷ luật Nguyễn Tấn Dũng gần như đã thống nhất, nhưng ngay trước khi bỏ phiếu, Tô Lâm đã có phát biểu với hàm ý bảo vệ Nguyễn Tấn Dũng và đe dọa những ai dám bỏ phiếu kỷ luật Nguyễn Tấn Dũng. Kết quả cuối cùng là Nguyễn Tấn Dũng không bị kỷ luật và tại vị cho tới hết nhiệm kỳ. Điều này làm Nguyễn Phú Trọng vô cùng tức tối và uất ức tới mức đã khóc khi phát biểu kết thúc hội nghị. Tháng 10 năm 2015, khi diễn ra đại hội đảng bộ tỉnh Kiên Giang để bầu bí thư tỉnh ủy. Tô Lâm trực tiếp đến dự và chỉ đạo hội nghị với hàm ý ủng hộ Nguyễn Thanh Nghị, con trai của Nguyễn Tấn Dũng. Kết quả Nguyễn Thanh Nghị dành 100% số phiếu bầu.   Sau khi đánh bại được Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng coi Tô lâm là kẻ đáng ghét nhất và cần phải tìm cách kiểm soát và khi có cơ hội sẽ loại bỏ. Bởi vậy, lần đầu tiên trong lịch CSVN, một Tổng bí thư tham gia đảng ủy công an trung ương.   Tô Lâm lên Bộ trưởng với hàm thượng tướng và đã được nửa nhiệm kỳ mà chưa được phong đại tướng. Trong khi những người tiền nhiệm như Lê Hồng Anh, trước khi lên Bộ trưởng chỉ là binh nhất, ngay sau đó được phong đại tướng. Trần Đại Quang lên Bộ trưởng với hàm trung tướng, chỉ chưa đầy một năm đã lên thượng tướng rồi đại tướng. Điều này cho thấy, Nguyễn Phú Trọng đã dùng quyền lực trong đảng để ngăn chặn và khống chế Tô Lâm. Để từng bước lấy lòng và tránh để Nguyễn Phú Trọng trả thù, cũng như tỏ ra trung thành với đảng, chế độ. Tô Lâm đã làm mọi việc một cách tận tụy để chiều lòng Nguyễn Phú Trọng. Như đàn áp khốc liệt phong trào dân chủ, đấu tranh nhân quyền ở trong nước. Khi biết mong muốn của Nguyễn Phú Trọng là bắt Trịnh Xuân Thanh bằng mọi giá. Tô Lâm đã bất chấp mọi hậu quả khi vi phạm pháp luật Việt Nam, CHLB Đức, và quốc tế trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Tại sao Tô Lâm lại là tên tội phạm nguy hiểm nhất? Giới tội phạm quốc tế trong các lĩnh vực khủng bố, bắt cóc, buôn lậu ma túy, buôn bán người,… Không có tên nào chính thức, công khai trong bộ máy chính quyền và giữ chức vụ Bộ trưởng quan trọng như Tô Lâm. Đứng đầu Bộ công an với quân số hàng trăm ngàn người, có mạng lưới điệp viên trải rộng trên thế giới, được vũ trang và trang bị những thiết bị hiện đại nhất cho ngành an ninh. Nên việc phạm tội của Tô Lâm gây ra nguy hiểm cho mọi người dân trong nước và cả cộng đồng quốc tế. Ở trong nước, Tô Lâm cùng với ngành công an không chỉ phạm tội trực tiếp như tham ô, hối lộ, mua quan bán chức, vi phạm các quyền con người, bảo kê cho các nhóm lợi ích phạm tội, bảo kê cho các loại tội phạm khác và dùng các nhóm lưu manh côn đồ tấn công bạo lực những người hoạt động nhân quyền và dân chủ. Tô Lâm còn thực hiện việc xuất khẩu tội phạm có tổ chức ra nước ngoài(như lời của Bộ trưởng Nội vụ CH Séc đã tuyên bố). Khi Tô Lâm thực hiện một hành vi phạm tội, thì có rất nhiều, thậm trí có hàng trăm, hàng ngàn người có chức vụ cùng tham gia, với các phương tiện, thiết bị hiện đại. Tô Lâm còn có thể dùng quyền lực vừa là ủy viên bộ chính trị, Bộ trưởng công an để huy động các ngành, các cấp ở trong và ngoài nước cùng tham gia phạm tội. Tô Lâm cùng sử dụng cả các quan hệ ngoại giao, chính trị quốc tế để phục vụ cho việc phạm tội của mình. Bởi vậy, có thể kết luận rằng: Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ công an Việt Nam là tên tội phạm nguy hiểm nhất thế giới! Luật sư Nguyễn Văn Đài - nguyenvandai's blog
......

Truyền thông mạng và sự hình thành xã hội dân sự ở Việt Nam

“…vô hiệu hoá những qui định bịt miệng dân, chặn chia sẻ thông tin của Luật An ninh mạng có lẽ là công việc lớn trước mắt, cần đến sự tập trung trí tuệ của giới khoa học công nghệ người Việt toàn cầu…” (Trải nghiệm của một người trong cuộc Tôi xin phép được chia sẻ với các nhà nghiên cứu có mặt trong Hội thảo này (Hội thảo Hè, Varsaw 13-14/7/2018) một số trải nghiệm và vài điều rút ra từ đó của một người trực tiếp tham dự vào việc hình thành xã hội dân sự ở Việt Nam thông qua truyền thông mạng trong vòng 15 năm lại đây. Ảnh: Nhà văn Hoàng Hưng   Có thể coi năm 2003 là cái mốc khởi đầu, khi tôi tham gia viết bài trên mạng talawas.org của nhà văn Phạm Thị Hoài, sau đó công khai đứng tên trong Ban Biên tập với tư cách BTV trong nước phụ trách mảng văn hoá văn nghệ. Có thể nói, tuy ra đời sau diendan.org ở Paris, talawas.org là mạng hải ngoại đầu tiên kết nối được nhiều cây bút trong nước, đó là nhờ lợi thế của một Chủ biên có điểm xuất phát chưa xa từ trong nước, và do đó, có mối quan hệ sâu rộng và quan điểm khá đồng nhất với những cây bút cấp tiến trong nước. Hơn nữa, với bản chất một diễn đàn tự do về văn học và mở rộng ra các vấn đề học thuật, các vấn đề văn hoá xã hội, trước khi dấn thân vào các vấn đề chính trị, talawas.org dễ huy động những tiếng nói trong nước lâu nay bị “vòng kim cô” siết chặt vẫn còn e dè với những cơ sở “có yếu tố nước ngoài” – cũng có nghĩa là yếu tố rất dễ gây hoạ cho họ. Đã có cả một số nhân vật quan chức đang tại vị xuất hiện trên diễn đàn này, như ông Chủ tịch Hội Nhà văn, bà Phó Trưởng ban Văn hoá của Quốc hội, ông Vụ trưởng Vụ Văn nghệ Ban Tư tưởng Văn hoá của Đảng Cộng sản… talawas.org và cái đuôi của nó là talablog đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử sau 10 năm làm người “tiên khu” cho phong trào truyền thông mạng trong nước. Phong trào này cũng đã trải qua 10 năm hình thành, phát triển. Tôi xin phép điểm lại bước đi của phong trào này qua 3 phương diện: Các blog, website; Facebook và hệ thống báo công dân; Các cuộc “biểu tình” trên mạng. 1/ Các blog, website cá nhân và tập thể: Trong 10 năm qua, từ trong nước đã xuất hiện rất nhiều blog, website cá nhân, tập thể hết sức đa dạng, bao trùm mọi lĩnh vực của đời sống, thu hút lượng người theo dõi và người đọc rất lớn. Tất nhiên “câu view” nhiều nhất vẫn là những loại blog ăn chơi nhảy múa, sex xiếc… nhưng trong đó không ít blog, website cá nhân và tập thể mang tính phản biện về chính trị xã hội, được quy về “lề trái” hoặc “lề dân”. Tác động xã hội của nhiều blog, website loại này khá lớn, đặc biệt là đến giới cán bộ đã về hưu và cả đang tại chức lâu nay vẫn… mơ ngủ, nhất là khi chủ nhân những blog này là những người từng có vị trí trong hệ thống chính thống. Chính điều đó làm nên mối lo thực sự của lãnh đạo đảng Cộng sản, vì nguy cơ “tự diễn biến, tự chuyển hoá” ngày càng mạnh trong nội bộ hệ thống. Bởi thế, chính quyền đã kiên quyết xoá bỏ những blog, website trực diện các vấn đề thời sự chính trị có lượng người đọc lớn, từ cách gây áp lực để chủ nhân phải ngưng, cho đến cách cực đoan là bắt giam chủ nhân như Phạm Viết Đào, Nguyễn Quang Lập, Trương Duy Nhất, Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Ngọc Già… Cho đến nay, còn lại một số blog, website chưa bị khủng bố đến mức phải tuyệt tích. Ngoài boxitvn là trang web ra đời từ kiến nghị phản đối vụ khai thác bauxite, biến thành mạng phản biện của trí thức về mọi mặt chính trị xã hội; trang vietnamthoibao với những phân tích, bình luận bám sát những vấn đề thời sự và mới phát triển nghiệp vụ điều tra phỏng vấn khiến nó đang dần dần trở thành một tờ báo thực sự; phần lớn còn lại là những mạng chủ yếu thuộc lĩnh vực phổ biến tri thức chung, hay đi sâu về văn hoá, nghệ thuật như vanviet.info, lichsuvn.net, luatkhoa.org, … và khá nhiều blog, website của giới trẻ trong các lĩnh vực giáo dục, văn hoá, xã hội, môi trường, kinh doanh, giải trí. Tác dụng “khai dân trí” (bao gồm quan trí, đảng trí) của những trang mạng này theo con đường Phan Châu Trinh là rất căn cơ. Nhận xét chung về những trang mạng “lề dân” hiện hành có “đại bản doanh” trong nước là: 1. Nội dung không liên quan trực tiếp đến chính trị hoặc mang tính phản biện nhưng không đối đầu đến mức gay gắt với chính quyền. 2. Có một Ban biên tập gồm những tên tuổi quen thuộc trong giới trí thức, nhân sĩ. 3. Có số cộng tác viên nước ngoài ngày càng tăng. Thí dụ: Theo thống kê của vanviet, trang này có khoảng 150 tác giả ở nước ngoài, chiếm một nửa số tác giả có mặt; vanviet đã hợp tác với báo Người Việt ở Mỹ để xuất bản sách “40 năm Thơ Việt Hải ngoại”; bauxitevn có Ban phụ trách hỗn hợp trong-ngoài nước… Đó chính là sự thể hiện “hoà hợp dân tộc” một cách cụ thể và hiệu quả, không cần đến các khẩu hiệu suông của nhà nước Việt Nam, vì đó là sự hoà hợp của những người Việt Tự do, không phân biệt trong - ngoài nước 4. Một số trang đã trở thành hình thức hoạt động chủ yếu của những tổ chức xã hội dân sự mới ra đời như Ban vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam với trang Văn Việt và Giải thưởng Văn Việt; Hội Nhà báo Độc lập với trang Việt Nam Thời báo. Mới ra đời là trang “Lão mà chưa an” của nhóm trí thức cao tuổi cùng tên. 5. Đã có những trang mạng đứng đắn mà chủ biên là người trẻ, có trình độ, có bạn đọc thuộc giới trẻ. Đó là điều rất đáng mừng, bổ sung rất cần thiết cho những trang mạng “già” của “lề trái” có những hạn chế rất rõ – thậm chí là những yếu tố lạc hậu về cách nhìn, phương pháp tiếp cận thực tế và năng lực công nghệ thông tin. 2/ Hệ thống báo công dân: Hạn chế của loại hình blog, website là chúngngày càng bị ngăn chặn triệt để bởi “tường lửa” của an ninh Việt Nam. Từ chỗ chỉ ngăn chặn một số trang mạng trực tiếp phản biện về chính trị, vài năm gần đây “vạn lý hoả thành Việt Nam” đã chặn tất cả các trang không có giấy phép của Bộ Thông tin truyền thông, trong đó có cả các đài phát thanh nước ngoài trước đây không bị chặn như VOA, RFA, RFI, BBC… Nhưng họ chưa chặn được Facebook. Theo một ước lượng năm 2018, VN có khoảng 55 triệu (có nguồn tin nói tới 58 triệu) người có tài khoản FB, tức là hầu hết số dân ở độ tuổi tích cực. Đã xuất hiện khá nhiều fanpage mang tính chất như một tờ báo tập thể thuộc nhiều lĩnh vực, có hàng vạn người tham gia. Rất nhiều website, blog bị tường lửa đã mở tài khoản trên FB. Trong số đó có khoảng một trăm nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền hoặc trí thức cấp tiến. Theo RFI, nhiều Facebooker loại này có đến trên 100.000 «follower» (người theo dõi), có facebooker thu hút số lượng người theo dõi tới trên 400.000. Đáng lưu ý là có những nhà báo dùng FB để gửi gắm những ý kiến, những bài viết không thể đăng trên tờ báo chính thống của mình. Đã hình thành một thứ văn phong Facebook, nổi bật ở những “chuột thủ ngàn like” như Huy Đức Oshin (San Hô), Tuấn Khanh, Lưu Trọng Văn… Ở họ, ngoài tính ngắn gọn, tức thời, “đoản đao” là đặc điểm cần có của các status FB, có sự hấp dẫn hoặc của thông tin độc, phát hiện scoop, hoặc của sự phân tích sắc sảo, hoặc của cảm xúc dễ lây lan, hoặc kết hợp của những ưu điểm trên. Quan trọng hơn, Facebook đã trở thành một hệ thống báo công dân rất phong phú và đầy sức mạnh. Mỗi người có tài khoản FB là một nhà báo, phát hiện và ghi nhận các thực tế từ khắp ngõ ngách trên đất nước, đưa tin cực nhanh, phát tán rất rộng. Nhiều trường hợp “báo FB” đã lấn át báo chí chính thống, thậm chí là nguồn cung cấp tin mà báo chí chính thống phải dựa vào, là nguồn bằng chứng không thể bác bỏ, tố cáo kẻ ác, bênh vực người oan, lật nhào nhiều kết luận áp đặt của các “cơ quan chức năng”. Youtube cũng là một phương tiện truyền thông hữu hiệu tương tự, có vai trò như một hệ thống Tivi công dân, tuy chưa sâu rộng như Facebook, nhưng mầm mống đã hình thành với những Youtuber thu hút đông người xem như ca sĩ Mai Khôi, người vừa đoạt Giải Nhân quyền Vaclav Havel năm 2018, Kênh CHTV (Chấn Hưng Tivi) ở Hà Nội. Trong tương lai, loại hình Tivi công dân chắc chắn sẽ ngày càng phát triển. 3/ Các cuộc “biểu tình” trên mạng: Có thể coi cuộc đầu tiên là vào đầu năm 2008, đó là cuộc phản đối việc thu hồi tập “Thơ Trần Dần”. An ninh Việt Nam thực sự bất ngờ với hình thức thu thập chữ ký qua thư điện tử, không kịp trở tay. Chỉ trong 3 ngày, kiến nghị thu được gần 150 chữ ký trong-ngoài nước, có những tên tuổi quan trọng, và Cục Xuất bản lập tức phải thu hồi lệnh thu hồi. Tiếp theo, là Thỉnh nguyện thư về vụ giải tán, xua đuổi 400 tu sinh tu viện Bát Nhã, năm 2009, nhờ mạng thư điện tử và 3 website talawas, diendan và boxit vn, đã thu được trên 400 chữ ký trong-ngoài nước, có tiếng vang quốc tế (đã lan truyền qua nhiều đài phát thanh, báo chí và hãng tin lớn của nước ngoài), tác động đáng kể vào việc đối xử của nhà nước Việt Nam với các tu sinh và Tu viện Làng Mai sau đó. Bước tiến lớn là vụ kiến nghị phản đối khai thác bauxite Tây Nguyên (2009, trước Thỉnh nguyện thư Bát Nhã), thu được hàng chục ngàn chữ ký, tuy không ngăn cản được nhưng cũng khiến nhà cầm quyền phải cân nhắc hạn chế kế hoạch khai thác. Sự đúng đắn của kiến nghị đến nay đã được minh chứng. Một số kiến nghị khác có tác động đáng kể với nhà cầm quyền như kiến nghị trả tự do cho nữ sinh viên Phương Uyên, cho nhà văn blogger Nguyễn Quang Lập, Tuyên bố về vụ Formosa… Song, tác động quan trọng nhất của những kiến nghị, tuyên bố này là: góp phần lớn vào việc “đề tỉnh quốc dân”, phá vỡ nóc vòm mộ độc quyền tuyên truyền nhồi sọ của nhà nước. Từ buổi đầu chỉ có một số nhỏ trí thức có đầu óc tự do và lòng can đảm, ngày càng có đông người tham gia ký tên, trong số đó không ít người từng suy nghĩ và phát biểu tiêu cực “có tác dụng gì đâu, ai thèm nghe…”. Từ chỗ chỉ lan truyền trong giới quen thuộc với mạng, đã lan toả đến người dân thường, người dân quê (như Tuyên bố về vụ cướp đất Văn Giang đã được in ra truyền đến hàng trăm gia đình nông dân ký tên trên giấy). Từ “biểu tình” về những vấn đề thiết thực, cụ thể với người dân như đất đai, môi trường, đến “biểu tình” về các vấn đề chính trị lớn lao như phản đối Giàn khoan của Tàu Cộng, góp ý sửa đổi Hiến pháp (bản Kiến nghị 72 do 72 nhân sĩ khởi xướng đã thu được con số chữ ký lớn nhất từ trước đến nay, khoảng 15.000). Nói theo ngôn ngữ Cộng sản, đó là quá trình “từ tự phát đến tự giác”. Vài năm gần đây, ta chứng kiến sự sụt giảm về con số ký tên các kiến nghị, tuyên bố do các nhóm hay cá nhân khởi xướng theo kiểu thủ công (tập họp chữ ký qua email thân hữu, qua các blog và website). Thay vào đó là các kiến nghị tập họp chữ ký tự động như change.org. Kiến nghị gửi Tổng thống Obama đề nghị can thiệp với nhà nước VN về vụ Formosa, thu được tới 100.000 chữ ký, Tuyên bố phản đối Luật An ninh mạng mới đây tính có gần 70.000 chữ ký. Hạn chế của loại hình kiến nghị này là chỉ người biết tiếng Anh có thể thao tác, và ít tác động trực tiếp tới chính quyền VN do không lan toả đến đông đảo dân thường và không nêu bật được tên tuổi những người có uy tín xã hội có thể khiến chính quyền e nể. Việc phổ biến rộng khắp mạng xã hội đã khiến các cuộc “biểu tình trên mạng” lan rộng khắp cộng đồng dân chúng. Sự chia sẻ các ý kiến phản biện, nhất là các dòng cảm xúc, phản ứng ngắn gọn trên FB đã trở thành một kiểu “biểu tình” tập họp hàng vạn người một cách mau lẹ và hiệu quả, có lẽ cũng bất ngờ với các “cơ quan chức năng” như 10 năm trước họ bất ngờ với những kiến nghị lần đầu truyền qua email và các website. Và có thể nói, chính các cuộc “biểu tình trên mạng” đã đưa tới “biểu tình trên đường”. Cuộc biểu tình phản đối giàn khoan Tàu Cộng năm 2014 có thể coi là cuộc đầu tiên khởi nguồn từ mạng xã hội. Đến năm 2015, Tuyên bố trên mạng về Tội ác đầu độc biển của Formosa đã khiến chính quyền lo sợ, phải đưa cả hình ảnh tên tuổi những người mà họ coi là khởi xướng lên tivi để cảnh cáo. Ngoạn mục nhất là vụ phản đối Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng vừa qua. Suốt mươi ngày trước, FB tràn ngập những bài phản biện phân tích sắc sảo thuyết phục của các chuyên gia về hai Dự luật, những Tuyên bố, Thư ngỏ, Kiến nghị… lấy được chữ ký của hàng ngàn người theo cách “thủ công” truyền thống và hàng chục ngàn người trên change.org. Lần đầu tiên FB hầu như không còn chỗ cho những status “ăn chơi nhảy múa” khoe “hàng”, khoe mèo khoe váy… Và lần đầu tiên, ta nghe được tiếng nói trung thực, mạnh dạn của không ít quan chức, trí thức, văn nghệ sĩ lâu nay gắn bó với chính quyền, lần đầu tiên có những hội đoàn chính thống cất lời ngược với chủ trương của “Đảng ta”. Những thông tin và tri thức đúng đắn ấy đã lan truyền khắp dân chúng, vô hiệu hoá hoàn toàn mạng lưới tuyên truyền lừa bịp dày đặc! FB đã trở thành quảng trường vĩ đại không thể ngăn chặn cho các cuộc biểu tình quần chúng trong thời đại 4.0! Cũng có thể nói chính nó là tác nhân chủ yếu dẫn đến cuộc Tổng Biểu tình toàn quốc lớn nhất kể từ sau 1975 trong những ngày tháng 6 năm 2018. Có thể coi đây là bước ngoặt trong nhận thức chính trị của công dân Việt Nam: Sau vụ “Luật Đặc khu” và An ninh mạng, trên đất nước này, khó ai còn có thể mở miệng nói “mọi việc đã có Đảng, nhà nước lo”, khó ai có thể ngủ yên trên “giường chiếu hẹp” với “giấc mơ con” của riêng mình. Cũng chính vì biết rõ điều ấy, người ta cố kết thông qua Luật An Ninh mạng, với những điều khoản trắng trợn bóp nghẹt tự do thông tin, bất chấp mối nguy sụt giảm khoảng 1,5 % tổng thu nhập quốc dân nếu được thực hiện, bất chấp sự tẩy chay của giới đầu tư quốc tế và những cam kết thương mại quốc tế mà Việt Nam đã ký kết! Tình hình mới nhất được giới phản biện trên FB chia sẻ là đã có tình trạng FB Việt nam gỡ bỏ một số bài viết “nhạy cảm” theo quan điểm nhà cầm quyền, cho thấy nguy cơ nhà kinh doanh sẵn sàng thoả hiệp với chính quyền để đảm bảo lợi ích của mình. Một lời kêu gọi chuyển mạng xã hội để duy trì hiệu quả phản biện đã được đưa ra. * Để kết thúc, xin phép chia sẻ một trải nghiệm gần nhất về vai trò của truyền thông mạng. Trong chuyến đi thăm Cụ Kình và nông dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội tháng 5 vừa qua, nhóm trí thức chúng tôi được chứng kiến cuộc phối hợp tác chiến tuyệt vời của dân Đồng Tâm để phá vỡ mưu hèn kế bẩn nhằm sách nhiễu chúng tôi, từ đó ngăn chặn những người ủng hộ bà con Đồng Tâm, cô lập người dân Đồng Tâm. Gian kế nguỵ tạo một vụ va chạm giao thông đã bị vô hiệu hoá ngay từ phút đầu với những clip video quay tại chỗ bằng điện thoại thông minh của dân Đồng Tâm và phát tán lên FB, lên Youtube ngay lập tức với gần trăm ngàn người xem! Kết quả là lực lượng Công An mất hơn 6 tiếng loay hoay không biết đối phó ra sao với hàng vạn người phản đối trên mạng và hàng trăm người dân kéo đến trụ sở Uỷ ban Xã đòi trả tự do cho chúng tôi! Tất nhiên, ai cũng thấy là vai trò và tác động của truyền thông mạng đối với qúa trình dân chủ hoá Việt Nam còn rất khiêm tốn và chậm chạp, không như kỳ vọng của tất cả chúng ta. Nguyên nhân chính ai cũng thấy được là sự thiếu tổ chức, mà nguyên nhân của nguyên nhân cũng rất dễ hiểu là quyết tâm sắt đá của một chính quyền toàn trị sẵn sàng áp dụng mọi biện pháp để bóp chết mọi sự tập họp từ trong trứng. Cũng xin chưa đề cập ở đây mặt trái của truyền thông mạng, trong đó có fake news do cả hai phía chống Cộng cực đoan lẫn dư luận viên “AK 47” tạo ra nhằm mục đích khác nhau, nhưng đều gây nhiễu, tác động khá tiêu cực đến sự giác ngộ chính trị đúng đắn của đại chúng. Tự nhận là một “người trong cuộc”, nhưng tôi nghĩ chẳng có người Việt Nam nào là “người ngoài cuộc” đối với công cuộc dân chủ hoá gian nan của đất nước, ai cũng “trong cuộc” với cách hành xử phù hợp vị thế địa lý và tâm lý của mình. Và các bạn ở ngoài nước đang rất dễ dàng làm “người trong cuộc” với sự liên kết trực tiếp trên mạng hiện nay. Tự do của truyền thông mạng là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội dân sự Việt Nam. Và như thế, vô hiệu hoá những qui định bịt miệng dân, chặn chia sẻ thông tin của Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua có lẽ là công việc lớn trước mắt, cần đến sự tập trung trí tuệ của giới khoa học công nghệ người Việt toàn cầu. Hoàng Hưng. FB Hoang Hung
......

Ai âm mưu đưa Bí thư tỉnh Hà Giang Triệu Tài Vinh vào tròng?

Ông Triệu Tài Vinh, Bí thư tỉnh Hà Giang lại lọt vào tâm của một trận bão: Thiên hạ mới phát giác con gái ông nằm trong nhóm 114 thí sinh thi tốt nghiệp phổ thông trung học 2018 được ông Vũ Trọng Lương, Phó Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng của Sở Giáo dục tỉnh Hà Giang, sửa điểm để điểm tất cả các môn mà những thí sinh này đã thi đều cao ngất. Vụ sửa – nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học 2018 ở Hà Giang khiến dân chúng phẫn nộ vì ngoài việc được công nhận tốt nghiệp phổ thông trung học, điểm thi tốt nghiệp phổ thông trung học còn là cơ sở để xét tuyển vào đại học. 114 thí sinh mà bài thi nhiều môn vốn chỉ đạt 0,75 điểm hay 1 điểm, 1,2 điểm được nâng lên thành 8,75 điểm, 9 điểm, thậm chí 9,5 điểm sẽ gạt hàng trăm đứa trẻ xứng đáng hơn nhiều khỏi các đại học mà chúng và gia đình chúng mong ước. Vụ sửa – nâng điểm vừa kể bùng lên thành scandal sau khi Bộ Giáo dục – Đào tạo tuyên bố, kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học 2018 “ tổ chức đúng kế hoạch, bảo đảm nghiêm túc, khách quan, an toàn”. Giờ, công chúng không chỉ đòi Bộ Giáo dục – Đào tạo thanh tra thêm hoạt động khảo thí ở Sơn La mà còn thúc cơ quan này thanh tra hoạt động khảo thí trên toàn quốc trong những năm vừa qua. Cho đến giờ này, trừ con gái ông Vinh, người ta chưa biết 113 thí sinh còn lại đã được sửa – nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học 2018 ở Hà Giang là con, cháu những ai. Tuy “đứng mũi chịu sào” song ông Vinh rất tự tin. Thông qua báo chí, ông Vinh nhắn nhủ với công chúng rằng, ông không biết gì về việc con gái ông “bị” nâng điểm. Ông Vinh còn nêu ra giả định, chuyện nâng điểm cho con gái ông có thể là một âm mưu, nhằm “đưa lãnh đạo vào tròng”. Liệu có bao người tin con gái ông Vinh “bị” chứ không phải được nâng điểm và có thể có cái gọi là âm mưu nhằm đưa ông Vinh “vào tròng”? Xem phản ứng của dân chúng cả trên hệ thống truyền thông chính thức lẫn mạng xã hội ắt ai cũng thấy là chẳng có bao nhiêu người đồng tình với cách lý giải của ông Vinh. Ở Việt Nam có một thực tế là những viên chức như ông Vinh thích sao thì… nói vậy chứ không cần dân tin. Cách nay ba năm, ông Vinh từng khuấy động dư luận khi bị tố giác, không chỉ gia đình mà cả gia tộc ông Vinh đang chia nhau nắm giữ những vị trí chủ chốt của nhiều ngành, thuộc đủ mọi cấp ở Hà Giang: Bà Phạm Thị Hà – vợ ông Vinh là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn. Ông Vinh có ba em trai thì một người là Bí thư huyện Quang Bình (Triệu Tài Phong), một người là Phó Chủ tịch huyện Hoàng Su Phì (Triệu Sơn An), một người là cán bộ lãnh đạo Sở Bưu chính – Viễn thông Hà Giang (Triệu Tài Tân). Địa vị xã hội của em gái ông Vinh – bà Triệu Thị Giang – cũng không nhỏ. Bà Giang là một cán bộ lãnh đạo của Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Hà Giang, chồng bà Giang – ông Mạc Văn Cường – em rể ông Vinh thì giữ chức vụ Phó Công an thành phố Hà Giang… Đó là chưa kể nhiều người khác trong gia tộc của ông Vinh, bà con của Bí thư tỉnh đang chia nhau làm lãnh đạo nhiều ngành, nhiều cấp khác ở Hà Giang. Dẫu thời điểm ấy ông Vinh khẳng định, “không cảm thấy vui khi những người trong gia đình được bầu, bổ nhiệm làm lãnh đạo”, tuy nhiên vì “tình cảm thua nguyên tắc”, thành ra không thể ngăn cản việc thân nhân trở thành cán bộ chủ chốt, lãnh đạo nhiều ngành, nhiều cấp “đúng quy định của Đảng, Nhà nước”… nhưng chẳng ai tin. Công chúng không chỉ không tin cá nhân ông Vinh mà còn mỉa mai cả hệ thống công quyền Việt Nam vì chỗ nào cũng thấy cảnh gia đình, gia tộc chia nhau “phục vụ cách mạng” ở đủ mọi ngành, mọi cấp như gia đình, gia tộc ông Vinh. Do sự bất bình càng lúc càng tăng, năm ngoái, chính phủ Việt Nam phải tổ chức thanh tra “bổ nhiệm người nhà”. Cho dù Hà Giang là 1/11 địa phương được xem là “nóng” bởi hiện tượng “bổ nhiệm người nhà” và giữa năm ngoái, Bộ Nội vụ của chính phủ Việt Nam tuyên bố đã “khắc phục những sai sót trong việc bổ nhiệm cán bộ, công chức, đồng thời đã xem xét, xử lý trách nhiệm những tập thể, cá nhân có liên quan” song ông Vinh vẫn yên vị! Trở lại với vụ sửa – nâng điểm cho 114 thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học 2018 ở Hà Giang, ông Vinh cho rằng: “Các cháu không có lỗi gì cả. Con tôi năm nay thi tốt nghiệp như thế này không phải lỗi của cháu, không phải lỗi của tôi. Báo chí cần định hướng tốt để dư luận có cái nhìn tốt nhất, con lãnh đạo nói chung chất lượng học có đúng như thế không mới là quan trọng”. Ông Vinh cũng đã thề sẽ “xử lý nghiêm”. Công chúng có tin hay không cũng chẳng sao. Nguồn: VOA
......

Ly Hương, Sự Chọn Lựa Nghiệt Ngã!

Cuối cùng cũng đến ngày em gái út cùng chồng và con sang Mỹ định cư. Thế là lại thêm một gia đình người thân nữa của tôi rời bỏ đất nước này. 43 tuổi, em đang có việc làm ổn định ở một doanh nghiệp nhà nước với mức thu nhập vài chục triệu đồng mỗi tháng. Hai vợ chồng có biệt thự, xe hơi và chồng còn sở hữu một cơ ngơi làm ăn riêng, tuy nhỏ nhưng cũng đáng để cho nhiều người phải mơ ước. Vậy mà điều gì đã khiến các em bỏ hết mọi thứ và dắt díu ba đứa con nhỏ dại từ giã quê hương để bắt đầu làm lại cuộc sống nơi xứ người cách đây nửa vòng trái đất? Câu trả lời nghe vẫn quen thuộc như nhiều lần tôi đã từng nghe: “Vì tương lai con cái!”. Vâng! Đó là lý do mà rất nhiều người Việt trong dòng chảy nhập cư nước ngoài những năm gần đây thường  nêu lên để giải thích cho việc ra đi của mình. Thật chua chát khi hơn 40 năm sau ngày 30-4-1975, ký ức “thuyền nhân” lại trở về dưới một dạng thức khác. Lần này, các “thuyền nhân” ra đi không phải trong tâm thế trốn chạy hoảng loạn, vội vã mà là được cân nhắc, chuẩn bị cẩn thận. Không phải trên những chiếc thuyền lênh đênh đầy bất trắc mà là trên những chuyến bay tiện nghi, an toàn. Không phải lén lút, vô định mà là công khai và được chuẩn bị sẵn mọi thứ cho đến khi cầm visa trong tay mới lên đường. Các công ty tư vấn nhập cư dạo này nhan nhản khắp nơi với những chương trình mời gọi đi định cư châu Âu, Mỹ, Canada, Úc…     43 năm sau ngày 30-4-1975 với bao nhiêu cơn sóng thuyền nhân, dòng người ra đi vẫn tiếp diễn! Giờ gặp nhau, người ta hỏi thăm đã có PR (permanent resident) của nước nọ nước kia chưa, như một điều bình thường! Người có tài tìm đường đi theo dạng skill worker hoặc doanh nhân khởi nghiệp. Người có tiền thì bỏ tiền ra mua quốc tịch hoặc “thẻ xanh” cho nhanh. Người ít cả tiền và tài thì hy vọng kiếm được một suất đi lao động nước ngoài rồi tìm đường ở lại bằng đủ cách. Lớp trẻ đi du học hầu hết cũng không muốn trở về. Năm 2014, báo chí thông tin có 12/13 quán quân của cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” không trở về nước sau khi kết thúc thời gian du học ở Úc với học bổng toàn phần cho người chiến thắng chung cuộc. Con số đó đến nay chắc đã tăng thêm sau bốn năm. Tháng 7-2017, Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ công bố báo cáo hằng năm cho thấy Việt Nam đứng trong top 10 nước hàng đầu mua nhà tại Mỹ. Trả lời BBC, tổ chức này cho biết chỉ trong thời gian từ tháng 4-2016 đến tháng 3-2017, công dân Việt Nam đã mua bất động sản tại Mỹ trị giá lên tới 3,06 tỷ USD. Đó là mới tính số tiền chuyển đi để mua nhà tại Mỹ chứ chưa tính ở các nước khác và tất nhiên, đó cũng chỉ là phần nổi của tảng băng! Đất nước như một bao gạo bị thủng để trí lực, tài lực cứ chảy dần ra nước ngoài cho đến khi rỗng ruột. Quê hương chôn rau cắt rốn ở đây mà dường như chỉ là chốn dừng chân tạm bợ với rất nhiều người Việt bây giờ… Làm sao có thể trách em tôi cũng như hàng triệu người dân khác đã và đang tính bỏ nước ra đi? Bởi cái lý do “vì tương lai con cái” nghe nhẹ bâng vậy mà trĩu nặng quá chừng! Sự lo toan và hy sinh vô bờ cho con cái vốn là nét văn hoá đặc trưng của người Việt. Những bậc cha mẹ thuộc nhiều thế hệ đã trải qua các cuộc chiến tranh trên đất nước nhỏ bé này, càng khổ cực nhiều ở đời mình lại càng thấm thía sâu sắc ước mơ về một cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho đời con cháu. Nhưng nỗi lo bây giờ không còn là chuyện cơm ăn áo mặc hàng ngày cho phần “con”, như trong thời kỳ phải thắt lưng buộc bụng vì chiến tranh và sự mông muội. Nỗi lo bây giờ là về chất lượng cuộc sống cho nhu cầu của phần “người”. Có thể nào sống an yên khi môi trường bị phá hoại tàn khốc, tài nguyên đất nước bị khai thác tới cạn kiệt, thực phẩm bẩn tràn lan khắp nơi và tham nhũng thì như ổ dịch bệnh hoành hành từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài? Có thể nào sống hạnh phúc khi nền giáo dục và y tế ngày càng xuống cấp, các phúc lợi xã hội không chỉ kém chất lượng mà còn tiếp tục giảm sút, các giá trị văn hoá – đạo đức bị tha hoá và đảo lộn?… (Đồ họa: Nguyễn Hoàng Thanh Tâm)   Bây giờ, bước ra đường là thấy lo: Lo nạn cướp giật, móc túi; lo tai nạn giao thông; lo ăn uống bị ngộ độc thực phẩm; lo hít khói bụi bị ung thư; lo bọn trẻ bị dụ dỗ sa vào ma túy hoặc bị xâm hại, bắt cóc… Cứ thế mà ngút ngàn triền miên lo. Thà chỉ phải lo cơm áo như ngày xưa còn dễ hơn bội phần! Xã hội càng bất ổn, lòng người càng bất an. Làm sao có thể yên tâm để con cái lớn lên trong một môi trường sống như vậy? Chưa kể, những lời đồn đoán về một tương lai xám xịt của đất nước gắn với những thỏa thuận của Việt Nam và Trung Quốc trong Hội nghị Thành Đô năm 1990 cũng là một trong những nguyên nhân gây hoang mang khiến cho nhiều người phải tính đường tháo chạy trước. 28 năm qua, Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam vẫn giữ bí mật, nhất quyết không công khai những nội dung đã ký kết với Đảng cộng sản và Nhà nước Trung Quốc trong Hội nghị Thành Đô. Vì thế, những đồn đãi càng ngày càng lan rộng, bất chấp mọi nỗ lực trấn an dân chúng của chính quyền. Và dù đã bước sang thế kỷ 21, thế nhưng nhà nước Việt Nam vẫn chủ trương quản lý, định hướng về tư tưởng và bưng bít thông tin không khác gì ở trong thế kỷ trước. Hôm biết tin Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng, một người quen của tôi là tiến sĩ trong lĩnh vực tài chính từng hăm hở từ Mỹ trở về nước cách đây 10 năm ngậm ngùi chia sẻ: “Em đã hoàn tất thủ tục cho cả gia đình trở lại Mỹ cách đây mấy tháng, nhưng vẫn còn cố nấn ná… Giờ thì phải ra đi thôi chị ạ, không thể để bọn trẻ lớn lên trong bầu không khí ngày càng ngột ngạt thế này…”. Bao nhiêu người trẻ có tri thức và nặng tình với quê hương đã “vội vã trở về, vội vã ra đi” như thế? *** Hồi đi thăm Israel, tôi thường đứng lặng thật lâu trước hình ảnh những con tàu hồi hương hiện diện khắp mọi nơi, như một niềm kiêu hãnh trong lịch sử lập quốc của đất nước này. Đó là những chuyến tàu từ châu Âu, châu Mỹ… đưa hàng triệu người Do Thái ở khắp nơi trên thế giới trở về xây dựng quê hương sau khi Israel chính thức được thành lập vào năm 1948. Những gương mặt người Do Thái hồi hương khi ấy còn vương nét nhọc nhằn sau Thế chiến, nhưng vẫn bừng sáng niềm hy vọng vào tương lai và ý chí quyết tâm kiến thiết quốc gia. 70 năm sau khi lập quốc, ngày nay Israel đã trở thành một trong số các quốc gia phát triển hàng đầu và là nền kinh tế lớn thứ 34 thế giới (tính theo GDP danh nghĩa năm 2016). Những chuyến tàu hồi hương ngày đó đã mang về cho quốc gia này vốn liếng quý nhất là những con người tinh hoa để xây dựng thành công một đất nước đã từng không có tên trên bản đồ thế giới.   Còn chúng ta? Sau 73 năm thành lập và thống nhất đất nước (dài hơn thời gian lập quốc của Israel), những chuyến tàu (cả tàu thuỷ và tàu bay) sao lại chỉ mang dân ta ra đi mà không có trở về? Lịch sử dân tộc Việt Nam dường như gắn liền với các cuộc di dân, nhưng chua xót hơn là cho tới tận bây giờ, những cuộc di dân ra nước ngoài vẫn chưa biết bao giờ mới dừng lại? Bao câu hỏi cứ quay quắt trong tôi khi nghĩ đến em gái. Ngoài kia, trời Sài Gòn vẫn vần vũ mưa. Tiếng hát Thái Thanh vọng từ nhà ai đó nghe nức nở: “Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui,  khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi…”. Và trong tôi, không hiểu sao cứ thấp thoáng khôn nguôi hình ảnh những con tàu hồi hương về Israel cùng những con tàu ly hương rời Việt Nam… Nguyễn Thị Oanh
......

Nhìn lại vụ Will Nguyễn

Sau hơn 1 tháng bắt và giam giữ trái phép, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam tại Thành Hồ cuối cùng đã phải dựng ra một phiên tòa vội vã vào lúc 11 giờ sáng ngày 20 tháng 7, kết tội Will Nguyễn đã có hành động gây rối trật tự công cộng và trục xuất ra khỏi Việt Nam. Will Nguyễn bị an ninh chìm trấn áp và bắt giữ ngay tại cuộc biểu tình ngày 10-06-2018 tại Sài Gòn. (Ảnh: Facebook) Will Nguyễn bị an ninh bắt giữ ở gần công viên Hoàng Văn Thụ, nơi xảy ra cuộc biểu tình chống Dự Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng hôm mồng 10 tháng 6. Đây là 1 trong 15 khu vực mà an ninh CSVN cho là người dân đã tụ họp đông đảo biểu tình, khiến cho đường phố bị tê liệt trong nhiều tiếng đồng hồ. Riêng Will Nguyễn không chỉ bị kết tội gây rối trật tự mà còn bị kết tội làm cản trở lưu thông khiến cho nhiều hành khách mắc kẹt không đến được phi trường nên nhiều chuyến bay đã bị hủy.   Ngoài ra, trước khi đưa ra tòa, an ninh CSVN cũng đã dàn dựng một số thông tin như Will Nguyễn đã mang về hơn 1 triệu Mỹ Kim để phân phát thuê người đi biểu tình, và một clip nhận tội rằng “hối hận vì gây chuyện cho những người ra phi trường.” Sự dàn dựng nói trên không ăn nhập gì với nhau và đã giúp cho dư luận thấy là bộ máy an ninh CSVN đã rất lúng túng sau khi bắt giữ Will Nguyễn.   Thứ nhất, cuộc biểu tình chống Dự Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng bùng nổ tại 13 nơi (Hà Nội, Nghệ An, Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang, Cam Ranh, Phan Rí, Phan Thiết, Đồng Nai, Bình Dương, Sài Gòn, Tây Ninh, Mỹ Tho), riêng Sài Gòn có đến 15 địa điểm tụ họp biểu tình hôm 10 tháng 6 là điều bất ngờ đối với lãnh đạo CSVN và bộ máy an ninh. Chính sự bất ngờ này khiến họ như bắt được vàng khi bắt được Will Nguyễn trong cuộc biểu tình ở công viên Hoàng Văn Thụ – một “nhân tố” quan trọng để hy vọng qua đó tìm ra manh mối thế lực phản động. Tiếp tục lo sợ các cuộc biểu tình bùng nổ, an ninh Thành Hồ đã động viên hơn 10 ngàn an ninh chìm và nổi, tung lưới bắt giữ hàng trăm người mà họ nghĩ là đang tham gia cuộc biểu tình diễn ra một tuần sau đó, sáng Chủ Nhật ngày 17 tháng 10, để thanh lọc và tiếp tục bắt những “thế lực phản động” như Will Nguyễn. Nhưng an ninh Thành Hồ đã không tìm ra manh mối “thế lực phản động” nào tổ chức và điều động cuộc biểu tình hôm 10 tháng 6, mà chỉ thấy toàn là những người yêu nước và không liên hệ đến bất cứ tổ chức hay lực lượng nào. Điều này đã khiến cho bộ máy an ninh Thành Hồ càng thêm lo âu và lúng túng vì trong não trạng của họ là, với một cuộc biểu tình to lớn của ngày 10 tháng 6, không thể không có “thế lực phản động” ở phía sau khi mà số người tụ họp quá đông và lan tỏa quá nhanh, khiến cho bộ máy an ninh trên toàn quốc không kịp trở tay. Bình thường ra, an ninh giữ Will Nguyễn từ 3 ngày đến tối đa 10 ngày, và sau đó là âm thầm trục xuất nếu không tìm ra bất cứ manh mối “phản động”. Nhưng lần này do áp lực từ sự hốt hoảng của chính Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc ra chỉ thị phải “triệt để” truy tìm phản động, bộ máy an ninh đành phải giữ Will Nguyễn lâu hơn… Rốt cuộc là sau một tháng giam giữ, gán cho Will Nguyễn bản án “gây rối loạn trật tự” và tống ra khỏi Việt Nam cho thấy là bộ máy an ninh CSVN đã không dàn dựng ra nổi kịch bản có “phản động” xúi giục để lấy điểm với lãnh đạo. Thứ hai, qua vụ bắt giữ Will Nguyễn cũng như bắt giữ và truy tố 102 người mà an ninh gán ghép dính vào cuộc bạo động xảy ra ở Bình Thuận tối ngày 11 tháng 6 tại Phan Rí và Phan Thiết, cho thấy là sự phẫn nộ của người dân trong cuộc biểu tình vào ngày 10 tháng 6, nằm ngoài sự hiểu biết của bộ máy an ninh CSVN trong thời đại mạng. Dưới sự khống chế toàn diện xã hội, an ninh CSVN luôn luôn tự hào rằng không người dân nào dám có những hành động tự phát chống đối nếu không có sự liên kết của một nhóm phản động. Vì thế mà cứ sau mỗi biến sự, bộ máy an ninh luôn luôn nhắm vào “lực lượng phản động”, nhưng họ đã không biết rằng sự căm phẫn của người dân đến từ con tim căm hờn, và ngày hôm nay đã đến mức không còn có thể chịu đựng được nữa. Dự Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng đã như giọt nước làm tràn ly, khiến cho mọi người dân đều nhìn thấy rằng chế độ và thành phần lãnh đạo CSVN hiện nay chính là những tội đồ bán nước đang tìm cách khống chế các tiếng nói yêu nước. Với truyền thống yêu nước, người Việt Nam đã không thể chấp nhận việc lãnh đạo CSVN núp dưới cái gọi là cho thuê 99 năm của Luật Đặc Khu để bán đất nước cho Tàu Cộng. Mặc dù Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố sẽ sửa lại thời điểm cho thuê dưới 99 năm và Bộ Chính Trị ra quyết định tạm ngưng biểu quyết Dự Luật Đặc Khu, nhưng người dân đã không còn tin vào nhóm lãnh đạo chỉ còn biết dựa vào Trung Quốc để giữ quyền lực. Chính yếu tố này đã khiến cho hàng trăm ngàn người tham gia biểu tình tại 13 địa điểm ở khắp nước và hàng chục Thành Phố lớn ở hải ngoại, trong đó có Will Nguyễn. Tóm lại, qua sự kiện Will Nguyễn người ta thấy rõ hơn sự bất lực của bộ máy an ninh trong việc dàn dựng ra kịch bản “thế lực phản động” trong cuộc biểu tình hôm 10 tháng 6. Điều này mang một ý nghĩa quan trọng là phong trào đấu tranh tại Việt Nam đã không chờ ai lãnh đạo hay kêu gọi, mà bắt đầu nối tay nhau tràn xuống đường phố, với hành trang là tinh thần chống bá quyền Trung Cộng và bọn tay sai bán nước ở Bắc Bộ Phủ. Trung Điền - viettan.org  
......

Báo Chí Đu Dây Và Cây Búa Trừng Phạt

Từ lâu, nền báo chí Việt Nam chỉ được phép sản xuất ra những sản phẩm mà chính quyền yêu thích. Nếu một sản phẩm báo chí nào đó làm chính quyền khó chịu và dị ứng, ngay lập tức, cây búa trừng phạt sẽ lừng lững xuất hiện. TÂM ĐIỂM CỦA ĐÀN ÁP Sự kiện báo Tuổi Trẻ online bị đình bản 3 tháng và báo Tuổi Trẻ bị phạt 220 triệu đồng không làm nhiều người ngạc nhiên, nhất là đối với các nhà báo. Tuổi Trẻ, tờ báo hiếm hoi ở Việt Nam biết luồn lách để đưa một phần sự thật đến với công chúng, luôn luôn là tâm điểm của đàn áp. Vào năm 1992, báo Tuổi Trẻ nhận cú đàn áp đầu tiên từ chính quyền. Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ lúc ấy là bà Vũ Kim Hạnh- một nhà báo tài năng và tâm huyết. Dù giữ chúc vụ tổng biên tập, nhà báo Vũ Kim Hạnh vẫn đi nhiều và viết nhiều. Đầu năm 1992, bà có chuyến đi đến đất nước bí ẩn và khép kín Bắc Triều Tiên, bà đã viết và cho đăng tải một phóng sự nhiều kỳ về cuộc sống nghèo khổ, bất hạnh của người dân ở đất nước cộng sản Bắc Triều Tiên. Bài phóng sự này thực sự gây nên một trận bão kinh người trong nhận thức của người Việt Nam lúc ấy, khiến hàng ngàn người hoài nghi về các giá trị cộng sản. Tuy nhiên, bà chỉ bị các cơ quan công quyền nhắc nhở. Sau đó ít lâu, vào giữa năm 1992, nhà báo Vũ Kim Hạnh cho đăng một số tư liệu chưa được công bố liên quan đến đời tư của ông Hồ Chí Minh, mà thông tin chấn động nhất là việc ông Hồ Chí Minh có một người vợ Trung Quốc tên là Tăng Tuyết Minh. Ngay lập tức, bà Vũ Kim Hạnh bị đình chỉ chức vụ tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, và sức ép chính trị đối với báo Tuổi Trẻ cũng ngày càng lớn. Năm 2001, đến lượt một tổng biên tập khác của Tuổi Trẻ là Lê Văn Nuôi bị kỷ luật. Trong giai phẩm số xuân 2001, Tuổi Trẻ cho đăng tải kết quả một điều tra xã hội, theo đó, thần tượng của giới trẻ Việt Nam chính là tỉ phú công nghệ Bill Gates chứ không phải là các lãnh tụ Việt Nam. Với nhà chức trách Việt Nam, kết quả điều tra này là sự bôi xấu lãnh tụ, và ông Lê Văn Nuôi đã trở thành nhà báo oan. Năm 2005, lần đầu tiên một phóng viên của báo Tuổi Trẻ- và cũng là lần đầu tiên một phóng viên trong làng báo chí nhà nước, bị truy tố vì thông tin báo chí. Đó là phóng viên Lan Anh với loạt bài điều tra về hãng dược phẩm Zuellig Pharma thao túng thị trường tân dược nhập khẩu được cơ quan điều tra và tòa án kết luận rằng “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”. Năm 2008, nhà báo Nguyễn Văn Hải của báo Tuổi Trẻ và nhà báo Nguyễn Việt Chiến của báo Thanh Niên đã bị công an bắt giam và phải hầu tòa do thông tin về vụ án đình đám PMU 18. Chỉ sau đó mấy tháng, vào tháng 01-2009, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ là ông Lê Hoàng đã phải rớt chức vụ do chịu trách nhiệm về các thông tin trong vụ PMU 18. Vào năm 2012, nhà báo Hoàng Khương của báo Tuổi Trẻ đã phải hầu tòa và nhận bản án 04 năm về tội đưa hối lộ do thực hiện một loạt bài điều tra về những tiêu cực trong ngành cảnh sát giao thông. LIÊN TIẾP GIEO SẦU Khi nhà nước quản lý chặt chẽ báo chí, nhà nước liên tục gieo sầu lên báo chí. Và, báo Tuổi Trẻ không phải là một biệt lệ nhận ưu sầu. Trong năm 2017, điệp khúc"Đình Bản" do Bộ thông tin- truyền thông khởi xướng đã liên tục vang lên. Nhiều nhà báo, cả nhà báo lề phải và lề trái, đều nhất trí cho rằng, ông Trương Minh Tuấn, bộ trưởng Bộ TT-TT kiêm phó Ban Tuyên giáo trung ương là sát thủ ghê gớm nhất đối với báo chí từ xưa đến nay. Vào tháng 11- 2017, Bộ TT-TT ra quyết định : “Đình bản chuyên trang, phạt 140 triệu đồng báo điện tử Người đưa tin”. Theo đó, Bộ TT&TT quyết định đình bản tạm thời hoạt động chuyên trang Phụ nữ và Đời sống của báo điện tử Người đưa tin, xử phạt 140 triệu đồng. Theo quyết định này, báo điện tử Người đưa tin đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong bài viết đăng ngày 29/10 trên chuyên trang Phụ nữ và Đời sống (tên miền phununews.vn) của Báo có thông tin vi phạm quy định tại điểm b, khoản 6, điều 8 nghị định số 159/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Báo điện tử Người đưa tin bị xử phạt 140 triệu đồng và bị áp dụng hình phạt bổ sung đình bản tạm thời (tước quyền sử dụng giấy phép) của chuyên trang Phụ nữ và Đời sống (tên miền phununews.vn) trong thời gian 3 tháng. Cũng vào tháng 11-2017, Bộ TT- TT ra quyết định: “Đình bản ba tháng tạp chí điện tử Nhà quản lý” vì đã đăng bài viết sai sự thật. Quyết định nêu rõ: Tạp chí điện tử Nhà quản lý bị đình bản tạm thời hoạt động trong thời gian 3 tháng vì Tạp chí đã đăng bài viết "Bình Phước: Báo chí đứng bên lề công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng?" ngày 21/8 có thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đã bị xử lý hành chính. Trước đó, ngày 10-11- 2017, Cục Báo chí đã quyết định xử phạt hành chính về thông tin sai sự thật bài viết trên Tạp chí này 40 triệu đồng. Không chỉ tháng 11-2017 mà tháng 10-2017 cũng là tháng chết chóc của báo chí Việt Nam. Vào ngày 27-10, Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn ký quyết định về việc đình bản trong 3 tháng đối với báo điện tử Tầm nhìn vì đã vi phạm quy định trong giấy phép hoạt động báo chí điện tử; không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, mặc dù đã được cơ quan quản lý nhà nước về báo chí nhắc nhở, yêu cầu khắc phục nhưng báo tiếp tục vi phạm. Trước đó nữa, vào đầu tháng 10-2017, Bộ TT&TT đã quyết định đình bản tạm thời hoạt động của báo Sức khỏe cộng đồng 3 tháng do nội bộ mất đoàn kết, không đủ điều kiện hoạt động của cơ quan báo chí theo quy định. NHỮNG UẨN ỨC LẠ LÙNG Kể từ ngày Internet và mạng xã hội xuất hiện, báo chí Việt Nam đối diện với hai sức ép khủng khiếp: hoặc tuyên truyền một chiều theo định hướng của chính quyền, hoặc đáp ứng nhu cầu bạn đọc bằng các thông tin trung thực. Rõ ràng, hai sức ép đó hoàn toàn đối chọi lẫn nhau, vì nếu tuyên truyền một chiều sẽ không có bạn đọc, nếu đáp ứng nhu cầu bạn đọc sẽ bị chính quyền thổi còi. Và báo chí Việt Nam đã buộc phải lựa chọn một lối đi lạ đời: đu dây giữa giả dối và le lói sự thật, giữa cái tốt và thấp kém, giữa hư và thực của ma trận thông tin. Chính quyền Việt Nam không thích một nền báo chí đang phôi thai khát vọng độc lập, họ chỉ thích một nền báo chí công cụ. Đối với chính quyền, phạt tiền, đình bản và kỷ luật các tổng biên tập là giải pháp hữu hiệu để quản lý báo chí chặt chẽ hơn, để dập tắt trong trứng nước những ước vọng tốt đẹp của người làm báo. Trong làng báo nhà nước Việt Nam, không phải ai cũng hèn. Đối với vài cơ quan báo chí nhà nước, việc được Bộ TT-TT xử phạt là một chứng chỉ xác nhận rằng, báo này có dũng khí, trung thực và tôn trọng bạn đọc. Một số tổng biên tập còn tếu táo cho rằng, phải có nhiều phúc lắm phước báo họ mới bị- được Bộ TT-TT xử phạt. Trong thế giới văn minh và dân chủ, nhà nước không bao giờ xử phạt báo chí bằng các quyết định hành chính và quan liêu. Các cơ quan nhà nước cũng ít khi kiện báo chí ra tòa vì sợ dư luận đánh giá là hạn chế hoặc đàn áp tự do báo chí. Đặc biệt, các tổng thống, thủ tướng và các chính trị gia lại càng không trách cứ và chỉ trích báo chí chứ không nói là kiện báo chí ra tòa án, vì họ hiểu rằng họ là người của công chúng, vì họ không muốn vô tình hạn chế tự do báo chí. Các siêu sao nghệ thuật và thể thao cũng không kiện báo chí ra tòa, trừ khi báo chí đụng chạm đến những riêng tư thân nhân của họ. Chỉ có công dân bình thường, các tổ chức kinh tế, các tổ chức văn hóa và phi lợi nhuận mới kiện báo chí ra tòa án nếu họ thấy báo chí đơm đặt và thông tin sai sự thật. Ở thế giới văn minh và dân chủ này, báo chí càng tự do người dân càng nhận thức được nhiều sự thật, qua đó càng tiến bộ và văn minh. Từ nhiều năm qua, các tổ chức có uy tín về xếp hạng chỉ số tự do báo chí như Tổ chức phóng viên không biên giới( RSF), Freedom House...đều xếp hạng Việt Nam có chỉ số tự do báo chí thứ 175/ 180 quốc gia được khảo sát và đánh giá. Không có báo chí tư nhân, không có báo chí độc lập, và có bàn tay lông lá của chính quyền thọc sâu vào mọi mặt hoạt động báo chí là nguồn gốc sâu xa của thảm họa thứ hạng thấp đau lòng này. Các sự thật- dù cay đắng hay ngọt ngào- đã không đến được với người dân, và khi không được tiếp cận sự thật, khi không có phản biện, tâm trí của người dân mụ mị đi trong những mớ bòng bong nhận thức. Qua sự kiện Tuổi Trẻ bị phạt 220 triệu đồng và Tuổi Trẻ online bị đình bản 3 tháng, một số người ở Việt Nam đã đặt ra câu hỏi tưởng chừng ngây ngô nhưng thực ra rất thú vị và trí tuệ: có nên đình bản tất cả 800 cơ quan báo chí nhà nước Việt Nam hay không? Sẽ có rất nhiều câu trả lời, trong đó chắc chắn có câu trả lời này: Nếu đình bản 800 cơ quan báo chí nhà nước thì cũng tốt thôi, vì nhiều giả dối sẽ không đến được với người dân! TÂM DON
......

Về thế và lực quân sự hiện nay của Trung Quốc

Tóm tắt: Năm 2015, Trung Quốc thực hiện điều chỉnh chiến lược quốc phòng, nhằm xây dựng quân đội trở nên hùng mạnh bậc nhất thế giới vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (01/10/2049). Cùng năm 2015, Trung Quốc công bố Sách trắng Quốc phòng nêu rõ tăng cường hiện đại hóa quân đội, quốc phòng, đối phó với thách thức an ninh của Trung Quốc đang tăng lên. Năm năm qua, một trong những thay đổi lớn nhất ở Trung Quốc là thay đổi tiềm lực, lực lượng, cơ cấu tổ chức quân đội. Đến nay, bức tranh toàn cảnh về thế và lực quân sự của Trung Quốc đã có những thay đổi đáng chú ý. Tuy lực và thế quân sự của Trung Quốc được cải thiện, nhưng thiếu kinh nghiệm tác chiến thực tế, Trung Quốc sẽ gặp khó khăn lớn khi tiến hành chiến tranh với cường quốc khác. Trong khi đó, Trung Quốc có ưu thế hơn hẳn các nước khu vực.   Trung Quốc tăng cường mạnh mẽ tiềm lực quân sự   Nhờ kinh tế liên tục tăng trưởng từ khi cải cách, mở cửa bốn thập kỷ qua, ngân sách quốc phòng cũng tăng lên. Từ năm 1996, Trung Quốc tăng chi phí quân sự trung bình 11%/năm. Mấy năm gần đây, ngân sách quân sự của Trung Quốc tăng 7,6%.   Tổ chức quân đội Trung Quốc chuyển sang cơ bản giống mô hình quân đội Mỹ. Hệ thống chỉ huy gồm Quân ủy Trung ương, đứng đầu là Chủ tịch Quân ủy (cũng chính là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đảm nhiệm) có quyền chỉ huy tối cao và tuyệt đối, thông qua Bộ Tổng tham mưu liên hợp (như mô hình Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ) và các Bộ Tư lệnh liên hợp chiến khu, các Tổng bộ.1 Lãnh đạo Trung Quốc nắm toàn quyền kiểm soát các lực lượng vũ trang. Quân đội Trung Quốc đặt công tác xây dựng chính trị, tư tưởng lên hàng đầu, chú trọng sáng tạo phát triển lý luận quân sự mới, loại bỏ quan niệm “một khẩu súng, một đôi chân, ba bát cơm, bốn quả lựu đạn”. Trung Quốc đứng thứ sáu châu Á về quân số tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Trung Quốc thành lập ba Bộ tư lệnh mới.2 Lục quân chuyển từ “phòng ngự khu vực” sang cơ động liên khu vực và toàn cầu, nâng cao khả năng tác chiến liên chiến trường. Hải quân giữ nguyên ba (03) hạm đội và một (01) Sư đoàn thủy quân lục chiến, nhưng tăng lên ba (03) chi đội hộ vệ khu trục cho mỗi hạm đội. Hải quân chuyển trọng tâm từ “phòng thủ ngoài khơi” sang kết hợp với “bảo vệ vùng biển mở”; tăng cường khả năng cơ động và tác chiến liên hợp trên biển. Không quân Trung Quốc chuyển trọng tâm từ phòng thủ lãnh thổ sang tiến công và phòng thủ. Quân chủng hỗ trợ chiến lượcđược thành lập, trên cơ sở sáp nhập Lực lượng pháo binh II (tên lửa chiến lược), bộ đội tác chiến điện tử (mạng) và bộ đội phát triển vũ khí chiến tranh không gian,3 tăng cường khả năng đánh đòn trả đũa hạt nhân, tiến công tầm trung và tầm xa. Trung Quốc cắt giảm quân số,4 tiến tới đưa tỉ lệ lục quân so với hải quân, không quân tiếp cận tỉ lệ 4/6 như các nước Mỹ, Anh, Pháp. Nét nổi bật là Trung Quốc cắt giảm quân số lục quân, nhưng tăng quân số hải quân, không quân và tên lửa chiến lược,5 tức tăng quân số ở các đơn vị được trang bị vũ khí công nghệ cao. Trung Quốc chú trọng đầu tư trang bị, hiện đại hóa, bổ sung trang bị mới, tăng cường đáng kể sức mạnh của quân đội. Ngoài lực lượng đã có,6 năm 2017, hải quân Trung Quốc có thêm 1 tàu sân bay, dẫn đầu công nghệ đẩy cho tàu ngầm. Tháng 3/2017, Trung Quốc bắt đầu đóng tàu đổ bộ tấn công loại lớn. Tháng 6/2017, Trung Quốc hạ thuỷ tàu chiến tân tiến nhất châu Á, tạo bước chuyển lớn trong quá trình hiện đại hóa trang bị hải quân. Tại Thái Bình Dương, Trung Quốc hoàn tất bồi đắp đảo quy mô lớn trên 7 thực thể;7 nối liền các đảo nhân tạo, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng 3 đường băng dài 3.300 m, cho phép các máy bay chiến đấu hiện đại hạ cánh, biến chúng thành những “căn cứ dân sự – quân sự” nhằm tăng cường sự hiện diện lâu dài trên Biển Đông. Trung Quốc đạt được thỏa thuận xây dựng cảng nước sâu ởCô Công (Cam-pu-chia), thời hạn sử dụng là 99 năm, cách Biển Đông vài trăm cây số, có thể trú đậu tàu thuyền có lượng giãn nước đến hàng vạn tấn; tuần dương hạm và tàu sân bay Trung Quốc có thể ghé cảng, từ đây nhanh chóng vươn ra Biển Đông hoặc vươn tới Ấn Độ Dương.   Ngoài Quân chủng Hải quân, Trung Quốc chú trọng xây dựng lực lượng Dân quân biển từ ngư dân, sử dụng tàu đánh cá để tập trận trong vùng tranh chấp. Ngư dân được huấn luyện quân sự, trợ cấp về nhiên liệu và đá trong các chuyến đánh bắt cá, có nhiệm vụ thu thập thông tin về các tàu nước ngoài đi qua Biển Đông, tham gia tìm kiếm cứu hộ, vận chuyển nguyên vật liệu để xây dựng, cải tạo đảo đá hay ngăn chặn tàu nước ngoài trong trường hợp hải quân không tiện can thiệp. Đây là chiến lược “đánh cá, bảo vệ, chiếm giữ và quản lý” – một phần trong chiến lược tổng thể nhằm làm chủ vùng Tây Thái Bình Dương.   Tại Ấn Độ Dương, Trung Quốc mở rộng sự hiện diện quân sự trên đại dương này. Lần đầu tiên, Trung Quốc có căn cứ quân sự ở nước ngoài, trong chủ trương thiết lập chuỗi các căn cứ quân sự ven biển dọc các tuyến đường vận tải từ Trung Quốc sang châu Phi, Trung Đông. Căn cứ quân sự đầu tiên đặt tại Di-bu-ti, nối Biển Đỏ và Vịnh A-đen, gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phivà Ấn Độ Dương, đồng thời còn nhằm ngăn Mỹ hỗ trợ lực lượng cướp biển vùng Sừng châu Phi hoạt động trên tuyến đường giao thông hàng hải quan trọng của Trung Quốc. Trung Quốc hiện đang tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng tại Pa-ki-xtan, Nê-pan, Xri Lan-ca, Mi-an-ma và Man-đi-vơ, thực chất là nhằm mở rộng hoạt động ở Ấn Độ Dương và khống chế Ấn Độ.   Về không quân: tháng 12/2016, Trung Quốc đưa vào biên chế máy bay chiến đấu tàng hình FC-3 thế hệ thứ 5, chấm dứt độc quyền của phương Tây sản xuất loại máy bay này. Tháng 3/2017 Trung Quốc đưa vào sử dụng máy bay chiến đấu tàng hình loại mới nhất J-20, tương đương máy bay tàng hình F-35 của Mỹ.8 Lực lượng tên lửa: Trung Quốc liên tục hiện đại hóa tên lửa, tăng cường khả năng răn đe chiến lược. Năm 2017, Trung Quốc đưa vào sử dụng tên lửa mới DF-31AG,9 cải tiến tên lửa phòng không tầm trung DF-16G với độ chính xác hơn. Năm 1996, Trung Quốc mới bắt đầu nghiên cứu phát triển tên lửa đạn đạo thông thường, nhưng tiến bộ nhanh, đến năm 2015, Trung Quốc đã triển khai hơn 1.200 tên lửa đạn đạo (tầm bắn của tên lửa DF-21C bao phủ toàn bộ Đông Nam Á) với độ lệch mục tiêu chỉ vài mét. Tháng 2/2017, Trung Quốc đưa vào biên chế tên lửa đạn đạo có độ chính xác cao, có thể đặt trên các bệ phóng di động và tấn công tất cả tàu chiến, tàu ngầm, căn cứ không quân cách biên giới Trung Quốc 2.000 km,10 đe doạ các căn cứ quân sự của Mỹ đóng ở Nhật Bản, đe dọa Nhật Bản, Đài Loan, Phi-líp-pin.11 Như vậy, khả năng giành quyền kiểm soát trên không, trên biển và mục tiêu tấn công tầm xa của Trung Quốc nâng lên rõ rệt, có thể phòng ngự biển gần hiệu quả. Một số hạn chế về Lực của Trung Quốc về quân sự Tuy Trung Quốc liên tục tăng ngân sách quân sự, nhưng đến nay mới đạt khoảng 147,7 tỷ USD, trong khi đó ngân sách quân sự năm 2017 của Mỹ đã lên tới 626 tỷ USD, tức là ngân sách quốc phòng Trung Quốc mới bằng một phần tư chi phí quân sự của Mỹ. Ngân sách này lại phải chi phí cho giảm quân, tăng cường trang bị hiện đại quân đội, nên chi phí cho huấn luyện sẽ bị hạn chế. Trung Quốc chậm thu hẹp khoảng cách với các cường quốc phát triển về sản xuất những trang bị chủ yếu. Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đứng thứ tư trên thế giới,12 không phải là nước nắm công nghệ gốc, nên hạn chế khả năng nghiên cứu, phát triển các phương tiện chiến đấu chủ yếu như máy bay chiến đấu hay tên lửa không đối không tiên tiến. Việc tinh giảm biên chế gặp khó khăn về tạo việc làm, bảo đảm phúc lợi xã hội. Chính phủ khó bố trí ngân sách hỗ trợ quân nhân giải ngũ. Nội trị Trung Quốc gặp không ít thách thức, như khủng bố, xung đột sắc tộc, tôn giáo, vấn đề Hồng Công, Ma Cao… khiến quân đội phải dàn trải nguồn lực để đối phó. Quân đội Trung Quốc nhìn chung vẫn ít dịp thử thách, thiếu kinh nghiệm tác chiến, năng lực sử dụng vũ khí hạn chế, khả năng tấn công từ xa và kỹ thuật tác chiến chống tàu ngầm còn yếu; chưa phát triển được năng lực tác chiến biển xa đáng tin cậy. Tương quan về Thế Một số điểm “thuận lợi” đối với Trung Quốc   Các thách thức an ninh đối với Mỹ hiện không chỉ có ở Đông Bắc Á mà cả ở Đông Nam Á, nơi Mỹ gần như không hiện diện quân sự.13 Trung Quốc sẽ nhiều cơ hội “rảnh rang” hơn để vươn ra làm chủ khu vực. Nhờ thi hành chính sách đối ngoại láng giềng, Trung Quốc thành công trong việc dùng quan hệ thương mại, viện trợ kinh tế để dành “tình cảm” của nhiều nước ASEAN. Tiềm lực quân sự của Trung Quốc hiện nay vượt xa tất cả các nước khu vực cộng lại. Hợp tác quốc tế nổi bật nhất đến nay của quân đội Trung Quốc là tập trận với hải quân Nga, rèn luyện khả năng hoạt động ở các vùng biển xa nhằm mục tiêu ngăn chặn Mỹ. Trung Quốc còn mở rộng hoạt động sang Ấn Độ Dương, châu Phi, Địa Trung Hải, Ban-tích, Pri-mô-ri-e.   Một số điểm hạn chế về “Thế quân sự” Việc thực hiện mục tiêu “cường quân” của Trung Quốc thách thức trực tiếp lợi ích và địa vị của Mỹ, làm cho thách thức an ninh của Trung Quốc tăng lên. Mỹ tăng cường hiện diện, củng cố các liên minh quân sự trong khu vực. Mỹ có căn cứ ở Hawaii, 54.000 quân đóng tại Nhật Bản, 28.500 quân đồn trú tại Hàn Quốc, tăng cường quan hệ quân sự, bán vũ khí cho Đài Loan. Tuy thực hiện chính sách “một Trung Quốc”, nhưng Mỹ vẫn đối xử với Đài Loan như “đồng minh”. Đồng thời, Mỹ lại có kế hoạch triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa tầm xa giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc, đem mối họa đến gần biên giới Trung Quốc hơn, tạo nên thế bao vây, kiềm chế Trung Quốc ở phía Bắc. Mỹ tăng cường quan hệ quân sự với Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a, Áp-ga-ni-xtan, tạo thế kiềm chế Trung Quốc ở phía Nam Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và phía Tây. Biển Đông là môi trường tác chiến thuận lợi cho hải quân và không quân Mỹ khi can thiệp vào eo biển Đài Loan để bảo vệ vùng lãnh thổ này. Do vậy, việc giành và giữ quyền khống chế Biển Đông trở nên rất quan trọng đối với việc duy trì sức mạnh quân sự của Mỹ ở Đông Á. Mỹ tỏ thái độ cứng rắn trong vấn đề Biển Đông, trong hoạt động ngoại giao cũng như trên thực địa nhằm kiềm chế Trung Quốc, cam kết đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên vùng biển này. Ngoài ra, từ năm 2016 tới nay, Mỹ tập trận chung với Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc để tăng cường khả năng phối hợp. Kiểm soát Biển Đông, tranh chấp trên Biển Hoa Đông, tăng cường sức mạnh tổng hợp, Trung Quốc đang tạo nên sức ép, nguy cơ đối với Mỹ, ngăn chặn sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đông. Không những thế, Trung Quốc từng bước ép Việt Nam, Phi-líp-pin và tất cả các nước khác phải chấp nhận yêu sách về Biển Đông của Trung Quốc, buộc các nước ven Biển Đông chạy đua vũ trang, làm cho khu vực thêm bất ổn. Trong khi Mỹ có trên 60 đồng minh quân sự trên thế giới, thì Trung Quốc gần như không có đồng minh (trừ Triều Tiên và chừng mực nào đó là Cam-pu-chia); Trung Quốc vẫn bị bao vây trong vành đai đảo thứ nhất (từ Nhật kéo xuống Phi-líp-pin và Ma-lai-xi-a); ít kinh nghiệm tác chiến thực tế và chính trị nội bộ bất ổn. Những thách thức này sẽ tiếp tục gây khó khăn cho Trung Quốc. Nhật Bản nỗ lực hiện đại hóa quân đội và tăng cường các chính sách an ninh, phản ứng nhanh, mạnh đối với việc Trung Quốc triển khai hoạt động “quân sự hóa” ở Biển Đông, tranh chấp quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Nhật Bản lo lắng về các giàn khoan mới do Trung Quốc xây dựng trên vùng biển mà cả hai nước đều tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế. Nhật Bản luôn khẳng định không có tranh chấp  vì quần đảo này thuộc chủ quyền của Nhật Bản cả về pháp lý lẫn lịch sử. Trong khi đó, các tàu hải giám Trung Quốc ngang nhiên đi vào vùng lãnh hải của Nhật Bản ở gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, khiến một số nhà phân tích dự đoán rằng cuộc tranh chấp này có thể leo thang thành xung đột. Trung Quốc không chỉ cạnh tranh chiến lược với Mỹ, tranh chấp với Nhật Bản mà còn tranh chấp biên giới với Ấn Độ. Tranh chấp này tồn tại từ khi Ấn Độ mới ra đời. Ấn Độ cho rằng địa vị địa -chính trị của mình ở Nam Á bị Trung Quốc thách thức khi Trung Quốc thúc đẩy toàn diện ý tưởng “Vành đai và Con đường” đi qua khu vực Nam Á và Trung Á gần Ấn Độ. Cạnh tranh, tranh chấp không chỉ diễn ra giữa Trung Quốc với các nước lớn, mà Trung Quốc còn uy hiếp chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của các nước có yêu sách chủ quyền ở Trường Sa, làm gia tăng cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực, khiến môi trường an ninh Trung Quốc và các nước xung quanh Biển Đông phức tạp hơn.14 Trung Quốc có “truyền thống” dùng vũ lực đánh chiếm các đảo,15  do đó các nước khu vực tỏ lo ngại trước việc Trung Quốc tôn tạo đảo, đá, triển khai tên lửa, quân sự hóa các đảo nhân tạo. Thay lời kết luận Từ sau năm 2012, tiềm lực, sức mạnh, cũng như thế quân sự của Trung Quốc cải thiện rõ rệt. Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 đặt mục tiêu đến năm 2035 cơ bản thực hiện hiện đại hóa quốc phòng và quân đội; đến giữa thế kỷ XXI, hoàn thành xây dựng quân đội Trung Quốc thành quân đội hàng đầu thế giới. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng. Hiện nay, Trung Quốc gặp không ít thách thức bên trong, lo bất ổn nội trị, sợ bị phong tỏa, sợ không kiểm soát được vấn đề Đài Loan, Hồng Công, Ma Cao, sợ bị láng giềng tấn công trên bộ, sợ có lãnh thổ ly khai, sợ bị ném bom tầm xa, sợ bị tấn công vào các vị trí chiến lược, sợ tình hình leo thang hoặc mất kiểm soát. Bên ngoài, trên các hướng, trừ hướng phía Bắc, đều tồn tại những nguy cơ an ninh; những thách thức này tăng lên cùng với quá trình Trung Quốc vươn lên thành cường quốc khu vực, cường quốc toàn cầu, nên không dễ gì Trung Quốc có thể dành chiến thắng dễ dàng nếu gây ra chiến tranh với các nước lớn. Bên cạnh đó, cạnh tranh Trung – Mỹ gay gắt, “không hòa, không chiến”, không có điểm kết thúc ngay tại khu vực. Không phải lúc nào cạnh tranh, xung đột giữa cường quốc mới nổi lên và cường quốc đang suy yếu cũng nổ ra chiến tranh. Nhưng với “giấc mộng Trung Hoa” và so sánh lực và thế quân sự Trung Quốc hiện nay với từng nước khu vực, không loại trừ khả năng Trung Quốc xâm lấn, đánh chiếm các đảo của các nước ven Biển Đông. Đây là điều các nước, nhất là các nước nhỏ và trung bình, cần cảnh giác, chuẩn bị lực lượng, phương án để sẵn sàng đối phó./. Thiếu tướng, PGS, TS.  Nguyễn Hồng Quân, Viện Chiến lược Quốc phòng. Bài viết được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, Học viện Ngoại giao, Số 1 (112) Tháng 3/2018. TÀI LIỆU THAM KHẢO     Bộ Ngoại giao. Về cải cách quân đội Trung Quốc. Báo cáo tháng 12/2015.     Quốc vụ viện Trung Quốc. Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc. Năm 2015.     Robert, Haddick. Fire on the Water: China, America, and the Future of the Pacific, Appapolis: Naval Institute Press. 2014.     South China Morning Post, ngày 14/7/2017. http://www.scmp.com/news/china. —————— 1 Bộ Ngoại giao, Về cải cách quân đội Trung Quốc, Báo cáo tháng 12/2015. 2 là Bộ Tư lệnh Lục quân, Bộ Tư lệnh Tên lửa và Bộ Tư lệnh Hỗ trợ chiến lược.   3 Bộ Ngoại giao, Về cải cách quân đội Trung Quốc, Báo cáo tháng 12/2015. 4 Năm 2013, lục quân có 850.000 binh sĩ, hải quân có 235.000 binh sĩ và không quân có 3 98.000 binh sĩ. 5 Theo Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc, năm 2013, quân đội Trung Quốc có 1,483 triệu người, trong đó, lục quân 850.000, hải quân 235.000, không quân 398.000 người. Tháng 9/2015, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố tiếp tục cắt giảm 13% quân số (khoảng 300.000 quân), hoàn thành vào cuối năm 2017. 6 Trung Quốc đã có 2 tàu sân bay, 75 tàu ngầm, 29 tàu khu trục, 52 tàu hộ vệ, 162 tàu rải, quét thủy lôi, 265 tàu tên lửa, 240 tàu pháo, 98 tàu đổ bộ, 208 tàu bảo đảm và hậu cần. Bên cạnh đó, Trung Quốc có lực lượng không quân, hải quân với 140 máy bay ném bom, rải ngư lôi; 144 chiếc máy bay cường kích Q-5, JH-7, Su-30MK2; 10 máy bay tiêm kích; 31 máy bay trinh sát, tuần tra, chống ngầm; 3 máy bay tiếp dầu (nhằm phục vụ tác chiến xa, lâu); 174 trực thăng và máy bay vận tải; 122 máy bay huấn luyện. Số lượng tàu chiến hiện đại của Trung Quốc chiếm 7 % số lượng tàu nổi, trang bị tên lửa đất đối không tầm ngắn và tầm xa, tên lửa hành trình chống hạm siêu âm và hệ thống tác chiến chống ngầm nâng cấp. Tỷ trọng tàu ngầm tấn công hiện đại hóa của Trung Quốc năm 2010 tăng lên 48%, nay tăng lên 66%. 7 Trong hai năm, Trung Quốc đã bồi đắp các đảo nhân tạo, cải tạo 1.300 hecta đất trên các đảo ở Trường Sa, bằng tất cả các nước xung quanh thực hiện trong vòng 40 năm qua, diện tích rộng gấp 17 lần, không tính diện tích Trung Quốc đã cải tạo quần đảo Hoàng Sa. 8 Máy bay J-20 có tầm bay xa hơn, năng lực cung cấp nhiên liệu lớn hơn và mang được nhiều vũ khí hơn máy bay chiến đấu F-22 và F-35 của Mỹ. Đây là thách thức đối với Hàn Quốc và Nhật Bản. 9 DF-31 AG sử dụng nhiên liệu rắn, có khả năng di chuyển trên đường và có thể được phóng đi từ xe 8 cầu dùng để chuyên chở.So với tên lửa DF-31 và DF-31A, tên lửa DF-31AG có khả năng di chuyển và khả năng tồn tại tốt hơn. Tên lửa DF-31AG cùng với tên lửa DF-31A thể hiện vị thế cường quốc và năng lực quốc phòng của Trung Quốc. 10 Haddick, Fire on the Water: China, America, and the Future of the Pacific, Appapolis: Naval Institute Press. 11 Dẫn theo South China Morning Post, ngày 14/7/2017.   12 Sau Mỹ, Nga và Pháp 13 Năm 1943, Mỹ xác định 66 vị trí chiến lược mà hải quân và không quân Mỹ cần bảo vệ để ngăn chặn các cuộc tấn công từ châu Á – Thái Bình Dương. Về sau, Mỹ lập các căn cứ quân sự trong khu vực đều dựa trên hệ thống 66 vị trí này. Sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ điều chỉnh, rút nhiều căn cứ và duy trì chủ yếu ở Đông Bắc Á. 14 In-đô-nê-xi-a tăng cường lực lượng tại quần đảo Natuna, triển khai hệ thống phòng không tối tân nhất, 4 đơn vị đặc nhiệm, trang bị hệ thống phòng không tầm trung trên đảo Pulau Natuna Besar, bố trí thêm 8 máy bay chiến đấu, một phi đội máy bay không người lái đến căn cứ không quân ở thủ phủ quần đảo Natuna; mở rộng hai căn cứ không quân và hải quân tại chỗ, tăng gấp đôi binh lính đồn trú, tới 2.000 quân. Mỹ giúp Phi-líp-pin hiện đại hóa Trung tâm Theo dõi Duyên hải và tăng cường chia sẻ tin tức tuyệt mật giữa Mỹ và Hải quân Phi-líp-pin. 15 Năm 1956 và năm 1974 Trung Quốc dánh chiếm Hoàng Sa, năm 1988 chiếm Johnson South Reef (đá Gạc Ma), Gaven Reef (đá Ga Ven), Hughes Reef (đá Tư Nghĩa) thuộc Trường Sa; năm 1995 Trung Quốc chiếm Mischief Reef (bãi đá Vành Khăn), năm 2012 chiếm bãi đá Scarborough… Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông
......

Giải pháp nào thoát họa Bắc Thuộc?

Những cuộc biểu tình rầm rộ và đầy khí thế của nhiều tầng lớp nhân dân lan rộng đến nhiều thành phố trong nhiều ngày qua đã làm rung chuyển “Triều đình tân An Nam đô hộ phủ Ba Đình” của quốc vương Nguyễn Phú Trọng và triều thần cộng sản Hà Nội. Đây là một xuống đường đông đảo về số lượng, mở rộng phạm vi trên cả nước, với cường độ mạnh được truyền thông mô tả theo ngôn ngữ hiện đại là “chưa có tiền lệ” hay nói theo ngôn ngữ người xưa là “Vô tiền (nhưng chưa phải là ) khoáng hậu”. Vì đúng là trước đây chưa từng xảy ra (vô tiền), nhưng sau này (khoáng hậu) vẫn có thể xảy ra với số lượng người dân tham gia đông hơn, mạnh hơn, lan rộng hơn trên cả nước. Bởi vì mục tiêu tối hậu của các cuộc biểu tình hiện nay liên quan đến sự sống còn của dân tộc, đất nước và Tổ Quốc, đụng chạm và khơi dậy lòng yêu nước mãnh liệt của toàn dân Việt Nam. Ngày nào mục tiêu tối hậu ấy chưa đạt được thì nhân dân không thể ngồi yên, các cuộc xuống đường vẫn tiếp tục nổ ta với cường độ mạnh mẽ hơn. Những khẩu hiệu được hô vang hay viết trên biểu ngữ đã cho thấy mục đích tối hậu của các cuộc xuống đường biểu tình của quần chúng nhân dân là cảnh báo nghiêm trọng cho toàn dân và công luận thế giới biết ý đồ xâm lăng Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Quốc là có thật. Ý đồ này đã và đang được Bắc Kinh thực hiện bằng những thủ đoạn tinh vi, nham hiểm, với sự tiếp tay của tập đoàn lãnh đạo Cộng đảng Việt Nam. Việc quốc hội của đảng cầm quyền cộng sản độc tôn này muốn thông qua Dự luật “Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” gọi tắt là “Dự luật đặc khu kinh tế” (special economic zone) là hành động mới nhất trong nhiều việc làm trước đây của tập đoàn tay sai bán nước CSVN, giúp Trung Quốc thực hiện ý đồ xâm chiếm Việt Nam một cách tịnh tiến theo kiểu “Tằm ăn dâu”. Vậy giải pháp nào để cứu nước thoát họa Bắc thuộc một lần nữa ? Vì nghe đâu đây vang vọng tiếng réo gọi của Hội Nghị Diên Hồng lịch sử đời Nhà Trần năm xưa “Toàn dân nghe chăng ! Sơn hà nguy biến ! Hận thù đằng đằng! Biên thùy rung chuyển!!!...” Câu trả lời tổng quát của chúng tôi là: để cứu nước thoát họa Bắc thuộc một lần nữa, Việt Nam cần và bằng mọi cách, phải thay đổi chế độ chính trị từ độc tài toàn trị cộng sản chủ nghĩa (giả) qua dân chủ pháp trị dân tộc chủ nghĩa (là thật, tuy đã trễ, nhưng chưa muộn, vẫn còn cứu vãn được)     Vì sao phải thay đổi chế độ chính trị mới cứu nước thoát họa Bắc Thuộc?     Thay đổi chế độ chính trị như thế nào? I. VÌ SAO PHẢI THAY ĐỔI CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ MỚI CỨU NƯỚC THOÁT HỌA BẮC THUỘC? Vì chế độ chính trị hiên nay gọi là “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt nam” đã là “cái thòng lọng” hay là “Vòng kim Cô Đỏ” mà Tàu cộng đã dùng để xiết cổ và lèo lái các thế hệ lãnh đạo Cộng đảng Việt Nam trong nhiều thập niên qua. Từ Chủ tịch đảng cộng sản Việt Nam Hồ Chí Minh qua các đời Tổng Bí Thư Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh đến Nguyễn Phú Trọng hiện nay, Tàu cộng đã qua những người này từng bước xích hóa dân tộc Việt Nam để tiến tới cùng đích Trung hoa hóa Việt Nam; một giấc mộng ngàn năm trong lịch sử của các hoàng đế Trung Hoa vẫn chưa đạt được do đụng phải ý chí quật cường, tinh thần độc lập tự chủ và sức đề kháng mãnh liệt của các thế hệ dân tộc Việt Nam. Vậy muốn cứu nước thoát họa Bắc thuộc lần thứ 5 trong lịch sử (*), điều tiên quyết là Việt Nam cần gấp rút chuyển đổi chế độ chính trị từ độc tài toàn trị cộng sản chủ nghĩa bán nước (vốn là nguyên nhân đưa đến hiểm họa mất nước) qua chế độ dân chủ pháp trị dân tộc chủ nghĩa để giữ nước. thoát hiểm họa Bắc thuộc. Vì sao? Vì, theo sự hiểu biết của chúng tôi, sau khi thay đổi chế độ chính trị ở một quốc gia, theo công pháp và tập quán quốc tế, chính quyền trong chế độ mới có quyền thay đổi chính sách đối nội, đối ngọai. Vi thế chính quyền mới có thể đơn phương tuyên bố hủy bỏ hay ngưng thi hành để thương thảo lại các Hiệp ước song phương cũng như đa phương nào bất lợi, bất công hay bất bình đẳng do bị ép buộc trong những hoàn cảnh lịch sử nhất định. Đã có nhiều tiền lệ quốc tế mà gần nhất là hành động của Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump từ khi nhậm chức (20-1-2016) đã đơn phương rút Hoa Kỳ ra khỏi các hiệp định đa phương mà Ông cho là không công bằng gây thiệt hại cho quyền lợi đất nước Hoa Kỳ. Tỷ như Hiệp ước biến đổi khí toàn cầu, Hiệp ước TPP, Hiệp ước nguyên tử với Iran và đang tìm cách xét lại các hiệp ước song phương cũng như đa phương khác xét thấy bất lợi quá đáng cho Hoa Kỳ… Việt Nam trong tương lai, sau khi chuyển đổi chế độ chính trị, chính quyền trong chế độ mới cũng có thể hành xử tương tự. Tỷ như các hiệp định về biên giới Việt-Trung trên đất liền, biển đảo, hiệp ước khai thác quặng Bauxit Tây Nguyên, Thuê rừng đầu nguồn quá dài hạn, đặc khu Formosa Hà Tĩnh và các mật ước Việt-Trung ký trong Hội Nghị Thành Đô năm 1990, mà có lời đồn doán là hiệu lực thi hành từ năm 2020 có hậu quả nghiêm trọng đến chủ quyền đất nước, độc lập dân tộc.v.v… Tất nhiên, sẽ có người lo ngại và không tin Việt Nam sau chuyển đổi chế độ chính trị qua dân chủ pháp trị có đủ tư thế thực hiện một chính sách đối ngoại như thế với Trung Quốc. Vì Hoa Kỳ là một đại cường quốc có thể chủ động hành xử như thế được và có thể tự thân vượt qua được những khó khăn trở ngại do hàng động đơn phương của mình gây ra phản ứng ngược chiều nhưng Việt Nam là nước nhỏ, tương qua lực lượng không cân sức, với nhiều ràng buộc, hệ lụy quá khứ cũng như hiện tại với đại cường Trung cộng đầy tham vọng đất đại và theo đuổi chủ nghĩa bá quyền, thì làm sao Việt Nam có thể chủ động thực hiện và khả năng vượt qua những khó khăn trở ngại do Tầu cộng phản ứng. Thế nhưng chúng tôi cho rằng mọi vấn đề dù khó khăn cách mấy cũng có cách giải quyết. Cổ nhân có câu “Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu…”; có nghĩa là sự việc khi phát triển đến cùng cực thì sẽ biến hóa, khi đã biến hóa thì sẽ thông suốt, và khi đã thông suốt thì sẽ thành tưu lâu bền. Con voi khổng lồ chưa chắc đạp chết một con kiến nếu nó nằm đúng kẽ hở của chân voi... Lịch sử Việt Nam đã chứng minh “con rồng Việt Nam” nhỏ bé đã bao phen đánh thắng các cuộc xâm lăng của “Con voi Trung quốc” và làm thất bại ý đồ đồng hóa dân Việt sau hàng ngàn năm Bắc thuộc. Vì vậy, không chỉ là niềm tin mãnh liệt mà sẽ là thực tế sẽ xẩy ra: Việt Nam nhất định sẽ thoát được họa Bắc thuộc, giữ vững được độc lập chủ quyền và sự trường tồn của Tổ Quốc Việt Nam, nếu chuyển đổi kịp thời chế độ chính trị từ độc tài toàn trị cộng sản chủ nghĩa qua chế độ dân chủ pháp trị dân tộc chủ nghĩa. Bởi vì. Sự chuyển đổi này sẽ thống nhất được toàn lực quốc gia, tập trung và huy động được sức mạnh và tài trí tinh hoa của toàn thể quốc dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước; với những người lãnh đạo chính quyền mới trong một chế độ dân chủ pháp trị do dân bầu chọn tự do, trong số những ứng viên tài giỏi, đức độ và đầy lòng yêu nước từng được chứng tỏ qua lời nói và hành động thực tiễn. Một “chính quyền của dân, do dân và vì dân” đúng thực chất này sẽ huy động, phát huy và kết hợp được sức mạnh lịch sử (đấu tranh dựng nước, giữ nước) và sức mạnh thời đại (yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường,tinh thần đoàn kết chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, tài trí sáng tạo trên mọi lãnh vực…) của trên 90 triệu quốc dân Việt Nam trong nước và người Việt hải ngoại khắp nơi trên thế giới. Mặt khác, chính quyền trong chế độ dân chủ pháp trị này, bằng chính sách đối ngoại đa phương, cũng sẽ tạo được hậu thuẫn mãnh mẽ của quốc tế nói chung, các cường quốc dân chủ như Hoa Kỳ, Anh quốc, và các nước trong liên minh Châu Âu nói riêng… vốn có những mâu thuẫn tiềm tàng về lợi ích quốc gia với Trung Quốc và coi tham vọng bá quyền của Trung như một hiểm họa chung của nhân loại cần gian chỉ, tiêu diệt. Ngoài ra, Tổ chức Liên Hiệp Quốc mà Việt nam là một hội viên và cộng đồng các quốc gia trên thế giới, chắc chắn sẽ không để cho Trung Quốc ỷ mạnh hiếp yếu, nuốn làm gì thì làm đối với Việt Nam. Tất nhiên, chủ yếu vẫn là sực mạnh nội lực của dân tộc, sự đoàn kết trên dưới một lòng của toàn dân Việt Nam, sẽ là nhân tố quyết định và sẽ là bảo đảm cho sự thành tựu của “giải pháp cứu nước thoát họa Bắc thuộc”. II. VIỆT NAM CẦN THAY ĐỔI CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ NHƯ THẾ NÀO? Theo nhận định của chúng tôi, thì Việt Nam đang ở giai đoạn cuối của quá trình đi vào quỹ đạo của thế chiến lược toàn cầu mới (thị trường tự do hóa toàn cầu song song với dân chủ hóa toàn cầu…). Nghĩa là quá trình hình thành một chế độ chính trị “dân chủ pháp trị đa đảng và cơ cấu kinh tế thị trường tự do” đã gần đến kết thúc. Vì vậy có hai cách chuyển đổi chế độ độc tài toàn trị cộng sản chủ nghĩa qua dân chủ pháp trị dân tộc chủ nghĩa: 1. Một là chuyển đổi hòa bình, êm dịu: nếu những người lãnh đạo đương quyền CSVN tỏ ra khôn ngoan hơn, biết dừng lại đúng lúc. Cách chuyển đổi này là hoàn toàn tốt cho nhân dân, có lợi cho đất nước và cho chính đảng CSVN. Bởi vì, sự chuyển đổi này không xây xáo trộn, bất ổn có hại cho đất nước. Đảng CSVN vẫn có thể bảo vệ được quyền và lợi cho một tập đoàn thống trị trong quá trình chuyển đổi và sau khi chuyển đổi chế độ từ độc tài toàn trị độc đảng qua dân chủ pháp trị đa đảng. Nghĩa là các lãnh đạo CSVN sẽ tránh được số phận bi thảm của các nhà lãnh đạo các chế độ độc tài cộng sản Rumani ở Đông âu, hay không cộng sản vùng Trung Đông như Lybia, Yemen, Ai Cập… khi ngoan cố bám lấy quyền hành làm nhân dân nổi dận phải trừng phạt. Nếu chấp nhận cách chuyển đổi này theo đúng ước muốn của nhân dân, đảng CSVN vẫn có chỗ đứng và tiếng nói trên chính trường (tương tự như ở Nga và các nước cựu cộng sản Ðông Âu). Nghĩa là, ở cuối quá trình chuyển đổi, nếu đảng CSVN chủ động kết thúc quá trình bằng sự tự giác từ bỏ độc quyền thống trị, một mình đi bước trước hay cùng với các lực lượng chính trị quốc gia, dân tộc, dân chủ thiết lập một thể chế chính trị dân chủ pháp trị đa đảng. Hành động cụ thể khả tín là chủ động tự mình tuyên bố tu chỉnh hay hủy bỏ toàn bộ bản hiến pháp hiện hành, làm bản hiến pháp mới hay sửa đổi biến cải bản hiến pháp hiện hành thành bản hiến pháp dân chủ đa đảng (tốt nhất là lưỡng đảng hay tam đảng để tránh phân tán, bất ổn chính trị như kinh nghiệm ở một số nước); song song với việc trả tự do vô điều kiện cho các tù nhân chính trị và chấm dứt mọi hành vi bắt bớ giam cầm những người bất đồng chính kiến hay vì lý do tôn giáo. Ðồng thời, điều chỉnh các văn kiện lập pháp và lập quy cho phù hợp với thể chế dân chủ đa đảng, song song với việc thực thi, tôn trọng, bảo vệ các quyền tự do dân chủ và các nhân quyền cơ bản… Tất cả các việc cần làm trên, nhằm hình thành khung cảnh dân chủ đa nguyên, tiền đề chế độ dân chủ pháp trị và tạo niềm tin cho các lực lượng chính trị quốc gia, dân tộc dân chủ (về sự thực tâm của người CS) để bước vào sân khấu chính trị tranh cử với đảng cộng sản (nếu còn giữ nguyên tên đảng) hay đảng của những cựu đảng viên cộng sản (nếu biến thể thay tên khác như đảng Xã hội hay Xã hội Dân chủ chẳng hạn). Trong điều kiện này, các chính đảng thuộc mọi khuynh hướng có thể nắm quyền bằng phương thức dân cử thông qua các cuộc ứng cử, tranh cử và bầu cử tự do. Nếu đảng cộng sản vẫn là một chính đảng mạnh, được nhân dân tín nhiệm, họ vẫn có thể tiếp tục nắm quyền. Tất nhiên, dù đảng cộng sản nắm quyền hay bất cứ chính đảng nào khác cũng phải cai trị theo hiến pháp và luật pháp chế độ dân chủ pháp trị, đa đảng đã được ban hành. Cách chuyển đổi này trong hoàn cảnh hiện tại người ta e ngại có vẻ khó thành tựu vì phe đang nắm quyền của Ông Tổng Trọng đã bị “thòng lọng” hay “Vòng Kim Cô Đỏ” Trung Cộng xiết chặt êm ái bằng liều thuốc mê “Bốn Tốt, 16 chữ vàng” trong quan hệ Việt-Trung, khó mà “thoát Trung” cho được. Đúng như Tổng Bình, hoàng đế vương quốc cộng sản Trung quốc từng phán “Trung quốc và Việt Nam cùng chung vận mệnh”. 2. Hai là, chuyển đổi bằng bạo lực cách mạng của quần chúng: nếu những người lãnh đạo đương quyền CSVN ngoan cố bám lấy quyền hành, hay muốn “thoát Trung” mà không thoát ra được vì “tay đã nhúng máu ăn thề” tuyệt đối trung thành với Bắc Thiên Triều. Cuộc cách mạng này sẽ phải nổ ra trong điều kiện lượng dân chủ đã tích lũy thừa đủ, sức chịu đựng của nhân dân đã dâng cao đến biên độ “tức nước vỡ bờ” thì chế độ đương quyền tại Việt Nam sẽ bị lật đổ bằng chính sức mạnh của quần chúng nhân dân. Nghĩa là, vào thời điểm đó, mâu thuẫn giữa nhà cầm quyền CSVN đã không còn là mâu thuẫn với một vài giai cấp trong xã hội, mà trở thành mâu thuẫn đối kháng (một mất, một còn) với mọi giai cấp, với toàn xã hội. Giai cấp cầm quyền (là đảng CSVN) sẽ bị cô lập, sẽ tạo ra tiền đề sụp đổ là “tình thế cách mạng chín muồi”, như V. Lenine lãnh tụ đảng cộng sản Bolsevik Nga đã dạy họ; rằng trong tình thế này cuộc cách mạng quần chúng nhằm lật đổ chính quyền sẽ nổ ra và chắc chắn thành công. Lúc đó các công cụ bảo vệ chế độ chuyên chính CS (quân đội, công an…) sẽ đứng về phía nhân dân, sẽ quay súng bắn vào đầu những kẻ cầm quyền độc tài ngoan cố hay sẽ bỏ chạy để mặc làn sóng biểu tình của nhân dân ào lên đè bẹp giai cấp cầm quyền bằng sức nặng của số đông chứ không cần sức mạnh của bạo lực quân sự. Ðây không chỉ là lý luận Mác-Lê về đấu tranh cách mạng mà là một thực tế đã xẩy ra tại Liên Xô vào cuối thập niên 1990, khi nhân dân Liên Xô bao vây trụ sở Duma (Hạ viện). Lúc ấy, dân chúng ào lên, quân đội, công an, mật vụ vốn là công cụ bảo vệ nền chuyên chính vô sản Xô viết thiết lập hơn 70 năm ở đất nước này(1917-1991), đã bỏ chạy. Chế độ Xô viết đã sụp đổ tan tành, kéo theo sau đó sự tiêu vong của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa Ðông Âu, để cùng hình thành chế độ dân chủ pháp trị đa đảng, với cơ cấu kinh tế thị trường tự do như hiện nay, Việt Nam qua các cuộc biểu tình lan rộng khắp nơi trên cả nước của nhiều giai cấp trong đó có cả các cán bộ đảng viên “phản tỉnh” công khai hay dấu mặt, như là dấu hiệu tiền “Tình thế cách mạng đã chín muồi”. Nghĩa là cuộc cách mạng chưa xẩy ra vì cao trào xuống đường của nhân dân mới chỉ là “điều kiện cần”; nhưng sẽ xẩy ra nay mai khi xuất hiện thêm các “nhân tố đủ” là sự lãnh đạo và tính tổ chức quy mô để tập trung được sức mạnh cao trào quần chúng vào mục tiêu chuyển đổi chế độ độc tài toàn trị cộng sản qua dân chủ pháp trị. Những nhân tố mới này xuất phát từ đâu? Người dân đang trông chờ sự hổ trợ tích cực về mặt đối ngoại của các lực lượng quốc gia dân tộc dân chủ ở hải ngoại, để tìm hậu thuẫn quốc tế. Nhưng quan trọng hơn có tính quyết định là người dân trông chờ hành động thức thời của những cán bộ đảng viên cộng sản “phản tỉnh” công khai hay còn giấu mặt, tại chức hay đã về hưu trong các ban ngành của cơ cấu chính quyền dân sự cũng như quân sự của chế độ hiện nay. Nhất quân đội, công an và các lực lượng vũ trang đã “phản tỉnh”, đứng về phía nhân dân, bất động, không dùng bạo lực đàn áp nhân dân dã man theo kiểu Thiên An Môn Tàu cộng (1989); trái lại hãy hành động như lực lượng cảnh sát chiến đấu ở Ninh Thuận đã làm trong cao trào nhân dân biểu tình vừa qua; hay giống như quân đội và cảnh sát Liên Xô đã không bắn vào nhân dân Liên Xô bao vây Viện DUMA quốc hội Liên Xô, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Boric Yeltsin, một trong những lãnh đạo hàng đầu bên cạnh Tổng Bí thư cuối cùng của đảng CSLX Mikhail Gorbachev đã “phản tỉnh” đứng về phía nhân dân để chuyển đội hòa bình chế độ “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Liên bang Xô Viết” độc tài toàn trị, qua chế độ dân chủ pháp trị “Cộng hòa Liên Bang Nga” ngày nay; cùng lúc đã giải phóng cho nhiều dân tộc trong vùng bị đảng cộng sản Nga cưỡng ép sát nhập thành Liên Bang Xô Viết kể từ sau cái gọi là cuộc Cách mạng Tháng 10 Nga năm 1917 cướp chính quyền, thiết lập Liên bang Xô Viết, chế độ cộng sản đầu tiên tồn tại hơn 70 năm mới sụp đổ (1917- 1991). Nhân dân hy vọng và tin tưởng rằng, những cán bộ đảng viên CSVN “Phản tỉnh” sẽ là những “nhân tố đủ”, đóng một vai trò quan trọng có tính quyết định thắng lợi cho cuộc cách mạng của quần chúng nhân dân trong giai đoạn chuyển đổi cũng như sau khi hoàn tất chuyển đổi. Cách chuyển đổi này chúng tôi cho là chẳng đặng đừng, không ai mong muốn xẩy ra, có thể gây nhiều đổ máu và nhiều hậu quả tai hại. Thế nhưng ở thế cùng, cách chuyển đổi này khả thi, có cơ may thành công ít đổ máu (nếu tập đoàn thống trị mau chóng chấp nhận trao chính quyền lại cho nhân dân mà không phản ứng điên cuồng trước khi rãy chết…). Đồng thời sau đó, tình hình sớm được ổn định, tránh được xáo trộn bất lợi cho đất nước, nhờ những người lãnh đạo chế độ mới hầu hết cũng đều xuất thân từ chính quyền chế độ đương thời, có sẵn năng lực và kinh nghiệm điều hành, quan lý các ban ngành trong hệ thống công quyền quốc gia. III. KẾT LUẬN Để cứu nước thoát nguy cơ Bắc thuộc, chúng tôi nghĩ không có con đường nào khác là phải gấp rút, bằng mọi cách Việt Nam phải chuyển đổi chế độ độc tài toàn trị cộng sản chủ nghĩa qua chế độ dân chủ dân tộc chủ nghĩa. Qua cao trào xuống đường biểu tình rầm rộ và đầy khí thế thể hiện lòng yêu nước cao độ của mọi tầng lớp nhân dân Việt nam, dường như sự uất hận của nhân dân với nhà cầm quyền đã gần đến biên độ “Tức nước, vỡ bờ” hay là “Đêm trước” của “Tình thế cách mạng chín muồi” theo luận điểm của lãnh tụ Cộng sản Nga Vladimir Lenin, rằng “đấu tranh cách mạng lật đổ” là sự nghiệp của quần chúng. Nhưng sự thành công của cuộc cách mạng này thực tế cho thấy không thể thiếu vai trò lãnh đạo và tham gia của các cán bộ đảng viên cộng sản “phản tình”. Nhất là Quân đội, công an và các lực lượng võ trang “phản tỉnh” cần đứng về phía nhân dân, bất động, không đàn áp nhân dân để bảo vệ một chế độ phản dân hại nước đã quá lâu và lỗi thời, cần được thay thế, vì lợi ích tối thượng của đất nước. Nhân dân Việt Nam ước mong rằng, các cán bộ đảng viên cộng sản dân sự cũng như quân sự sẽ can đảm vượt qua sự sợ hãi, tin tưởng vào sức mạnh vạn năng của lòng yêu nước của toàn dân; can đảm đứng vào hàng ngũ nhân dân, đưa cao trào đấu tranh của quần chúng nhân dân hiện nay đến tình thế “Cách mạng chín muồi” tạo tiền đề chuyển đổi chế độ từ độc tài toàn trị cộng sản chủ nghĩa qua dân chủ pháp trị dân tộc chủ nghĩa. Tổ quốc Việt Nam lâm nguy, giờ lịch sử đã điểm, mọi tầng lớp quốc dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước cần làm tất cả những gì có trong khả năng, góp phần thành tựu một giải pháp hữu hiệu để cứu dân cứu nước thóat họa diệt vong Bắc thuộc./. ----- (*) Chính sử Việt Nam ghi nhận rằng: Dân tộc Việt Nam đã bị nước Tàu đô 998 năm qua 4 thời kỳ Bắc thuộc: 1). Bắc thuộc lần thứ nhất. (111 TCN-39). Nhà Triệu, nhà Hán 2). Bắc thuộc lần thứ hai. (43-541). Đông Hán, Đông Ngô, Tào Ngụy, nhà Tấn, nhà Tề, nhà Lương. 3). Bắc thuộc lần thứ ba. (602-905). Nhà Tùy, nhà Đường. 4). Bắc thuộc lần thứ tư. (1407-1427). Nhà Minh Và hiện tại Việt Nam đang đứng trước nguy cơ Bắc thuộc lần thứ 5. Đó là nguy cơ có thật, nhưng mãi cho đến năm 1990, sau Hội nghị Thành Đô, Ông Nguyễn Cơ Thạch, một cán bộ cao cấp, ủy viên Bộ Chính Trị đảng CSVN đã chính thức xác nhận: “Một thời kỳ Bắc thuộc rất nguy hiểm đã bắt đầu”. Vì sự xác nhận này, Ông Thạch đã bị Cộng đảng Việt Nam loại ra khỏi Bộ Chính Trị và cách chức Bộ Trưởng Ngoại Giao.
......

HẬU QUẢ “HÀNH TRÌNH ĐI LẠC ĐƯỜNG” CỦA NGUYỄN THANH TÚ: THẤT BẠI TRONG VỤ KIỆN VIỆT TÂN VÀ ĐÀI RFA

Mọi người đều biết, sau phim tài liệu Terror in Little Saigon, vì tin rằng đảng Việt Tân “giết hại cha mình”, Con trai của cố ký giả Đạm Phong là Nguyễn Thanh Tú đã không ngừng mở ra những cuộc đánh phá đảng Việt Tân. Chẳng những thế, càng về thời gian sau, Tú còn mở rộng việc đánh phá sang những cá nhân, tổ chức khác như đài RFA, SBTN, ông Nguyễn Văn Khanh, bà Liuby Liu … cũng như VOICE, Trịnh Hội, …(mà Tú tự cho là “tay chân của Việt Tân”)… Cụ thể, sau nhiều chuẩn bị, tháng 7 năm 2017, một mình Nguyễn Thanh Tú chính thức đứng là nguyên cáo (plaintiff), nộp đơn kiện trước toà Southern District, tiểu bang Texas một loạt các cá nhân và tổ chức sau:   . Các giám đốc Hội đồng Quản trị Phát thanh (BBG Board of Governor): Leon Aron, Ryan Crocker, Michael Kempner, Jefferey Shell, Mathew Armstrong. . Đài Ái châu Tự do (RFA) cùng một số nhân sự gồm ông Nguyễn Văn Khanh, bà Libby Liu, John Lansing, Bernadette Burns, Susan Lavery, Alan Tanenbaum, Norman Thompson. . Đảng Việt Tân hay Vietnam Reform Party cùng những nhân vật chủ chốt như Hoàng Tứ Duy, Đỗ Hoàng Điềm, Hoàng Cơ Định, Đặng Vũ Chấn, Xuyen Dong Matsuda, L Thái Hùng, Trang Huỳnh.   . Công ty Nhật Báo Người Việt Inc. cùng cá nhân ông Phạm Phú Thiên GiaoVụ kiện dựa trên cơ sở (chủ quan của Tú), cho rằng “Việt Tân là một tổ chức thương mại, con buôn chính trị và khủng bố, mô phỏng theo khuôn mẫu của Đảng Cộng Sản”, tổ chức BBG cùng các giám đốc, cá nhân các ông Nguyễn Văn Khanh, bà Liuby Liu - những người có trách nhiệm quản trị đài RFA - là dùng tiền của người đóng thuế để hỗ trợ cho 1 tổ chức (Việt Tân) không có giấy phép, lừa gạt đồng hương trong gần 40 năm qua. Cùng trong vụ này, Tú cũng kiện các blogers, những người viết các bài viết mà Tú cho là đã vu cáo, phỉ báng, chụp mũ Tú là cộng sản hoặc làm lợi cho cộng sản. Tú lập luận rằng các cá nhân, mà Tú cho là các thành viên cao cấp của Việt Tân ở Mỹ, đã phối hợp để phỉ báng Tú qua việc tổ chức các cuộc họp báo và gắn kết những lời chỉ trích Việt Tân vào mối quan hệ với cộng sản. Tú cũng nói thêm rằng RFA và các bị cáo Việt Tân “đã bắt tay vào một cuộc săn lùng ma quỷ để phỉ báng Tú với những cáo buộc sai trái về việc liên kết hoặc hành động cho đảng cộng sản ở Việt Nam.” Sau gần một năm, với bao nhiêu đợt hầu toà, tranh cãi, tốn kém rất nhiều thì giờ, tiền bạc, công sức của bao người, kết quả thật đáng tiếc cho Tú: Ngày 28 tháng 6 năm 2018 vừa qua, Tòa án bác bỏ tất cả các yêu sách mà Tú muốn chống lại tất cả các bị đơn, ngoại trừ đơn kiện Việt Tân phỉ báng của Tú liên quan đến thông cáo báo chí ngày 1 tháng 5 năm 2018 của Việt Tân. Quyết định của Tòa án, dài 65 trang, ghi lại rất nhiều biểu quyết (motions), gồm các điểm quan trọng sau: Đối với các cáo buộc của Tú về BBG, RFA, Việt Tân và những cá nhân có liên quan: · Tòa án thấy rằng bài viết đăng trên blog (RFA) là một vấn đề quan tâm của công chúng (áp dụng Đạo luật TCPA – Strategic Lawsuit Against Public Participation). (trang 15-18) · Tòa án thấy rằng tuyên bố trên blog (nói rằng hành động của Tú có lợi cho Đảng Cộng Sản) không phải là một thực tế có thể kiểm chứng được, vì vậy không phải là sự phỉ báng. (Trang 28-31) · Tòa bác bỏ khiếu nại mang tính thuyết âm mưu (conspiracy claim) của Tú vì nguyên cáo không đưa ra được các bằng chứng rõ ràng và thuyết phục. (Trang 49-54) · Tòa thấy rằng không có hậu quả đau khổ xảy đến cho Tú như đã khiếu nại (Trang 57-60) . Toà bác bỏ các chứng cớ, các biện hộ, cáo buộc của Tú chung quanh lời dịch, các email… (của Đặng Vũ Chấn, Xuyến Đông Matsuda, Trinity Hồng Thuận) liên quan đến việc chụp mũ, phỉ báng Tú (hành động có lợi cho cộng sản…) Tòa phán quyết rằng đấy là những vấn đề quan tâm của công chúng (Trang 18-20) . Toà bác bỏ các cáo buộc của Tú rằng Hoàng Tứ Duy, Angelina Trang Huỳnh, Hoàng Cơ Định, Don Bùi phỉ báng, chụp mũ mình qua các lời phát biểu, bài viết (trên Facebook, trên trang web của Việt Tân…) vì lý do tương tự - áp dụng đạo luật TCPA về quan tâm của công chúng. (Trang 21-26) . Dựa trên tinh thần của đạo luật TCPA, Toà bác bỏ tất cả những cáo buộc của Tú cáo buộc các cá nhân, tổ chức Việt Tân đã phỉ báng Tú (Trang 18-28; Trang 31-47) Kết quả: Tòa Án cho phép các bên bị Tú kiện (defendants) gửi báo cáo và các chứng từ án phí hợp lý của mình trong vòng 30 ngày kể từ phán quyết (28/06/2018) để toà ra lệnh cho nguyên đơn (plaintiff –Tú) bồi hoàn lại các tổn phí đó. Tóm lại là, một người tưởng đâm đơn kiện người khác lại bị toà án bãi bỏ vì nội dung thưa kiện hoặc không chính đáng, hoặc thiếu căn cứ và bị toà bắt phải trả tiền luật sư phí pháp lý cho các bên mình đi thưa !!! Nhận xét của người viết: 1. Vì uy tín của các cá nhân, các tổ chức, vu cáo của Tú gây nên một không khí không lành mạnh trong sinh hoạt cộng đồng người Việt ở hải ngoại và chắc chắn làm lợi cho nhà cầm quyền Cộng Sản trong nước. 2. Tú có đoán trước hoặc phần nào biết trước là mình có thể thất bại, không thắng kiện không ? Chắc là có, vì khi khởi kiện, người luật sư giỏi ắt đã phải cho Tú biết được khả năng phần trăm thắng hay thua kiện. Nhưng tai sao Tú tiến hành vụ kiện, lại còn đánh trống khua chiêng về vụ kiện của mình trong suốt thời gian dài trước và sau đó ? 3. Tú có thơ ngây đến độ cáo buộc đảng Việt Tân là Việt Cộng, nhưng lại ngang nhiên cầm máy quay phim về Việt Nam, đi lại tự do như chỗ không người để “phỏng vấn các nhân chứng sống” hầu kết tội VT (tức VC)? Vô tình hay cố ý? Câu trả lời dễ dàng: mục đích của Tú không phải để thắng kiện mà là : a. Xử dụng vụ kiện để có cớ vu khống, phỉ báng các cá nhân, tổ chức có uy tín, gây hoang mang chia rẽ trong công đồng người Việt ở hải ngoại. b. Cố tình tiến hành thưa kiện để buộc các cá nhân tổ chức ấy phải mệt mỏi đối phó với quá trình kiện tụng. 4. Vì danh dự cá nhân, uy tín tổ chức và vì công luận, hành động phỉ báng, chụp mũ, bôi nhọ, khiêu khích không ngừng nghỉ, nhiều cá nhân, tổ chức trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại lâu nay, đặt những nạn nhân đến việc phải đương đầu với Tú. Sự bắt buộc phải đương đầu này không ngoài chủ ý của Tú: muốn vắt kiệt sức nạn nhân vào các vụ kiện tụng (như cuộc tranh cãi này). Và tôi tin rằng, vì mục đích tốt nhất cho công cuộc chung, không sớm thì muộn, những cá nhân, tổ chức đã, đang bị Tú đánh phá sẽ có hành động để bảo vệ mình. Thấy được những mục đích này, tự khắc hiểu được Nguyễn Thanh Tú là ai, gây chia rẽ đánh phá cộng đồng để làm gì ? Và chắc moi người cũng sẽ phải tự đặt câu hỏi : NTT lấy tài nguyên nhân lực ở đâu mà hành động được như thế trong một “công tác” tốn kém như vậy? Tôi dành câu trả lời cho những người đọc có chút hiểu biết thông thường và tâm thiện. Vũ Tiền Phong Tháng 7 năm 2018Theo baothamnhung.com  
......

Tử hình Đặng Văn Hiến và ‘cú lừa đáng tởm của bạo quyền chuyên chế’.

Hôm 12 Tháng Bảy, 2018, tòa án chế độ Hà Nội tuyên y án tử hình anh Đặng Văn Hiến, người nổ súng chống cưỡng chế đất ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông làm 3 người chết, 13 người bị thương. Ông Đặng Văn Hiến tạm biệt gia đình trước khi đầu thú. (Hình: Facebook Mai Quốc Ấn) Từ bản án bất công này, dư luận nhớ lại những vụ án người nông dân nổi dậy chống lại nhà cầm quyền cướp đất như vụ Đoàn Văn Vươn, Đồng Tâm,… Thật không thể nhớ hết từ năm 1975, sau gần nửa thế kỷ áp đặt sự cai trị với thứ luật đất đai phi nhân, chế độ Cộng Sản tại Việt Nam đã tuyên bao nhiêu bản án xô đầy người nông dân vào tử lộ. Về án tử hình dành cho nông dân Đặng Văn Hiến, người nông dân này đã bóp cò súng giết chết đám sai nha thừa lệnh đảng và tư sản đỏ xông vào dùng vũ lực cướp đất của ông. Tất nhiên ông giết người là sai, nhưng vì sao người nông dân chân chất này lại liều lĩnh dùng bạo lực. Đó là sự phản kháng cuối cùng của một con người bị dồn vào chân tường không lối thoát. Không ai có thể thản nhiên đứng nhìn những tài sản của mình bị phá, cướp, không ai chấp nhận tương lai của gia đình bị cùng quẫn. Những phát súng của Đặng Văn Hiến là bi kịch của người phản ứng tự vệ, quyết liều mạng cố giữ lấy mảnh đất sinh tồn cho mình và gia đình, thái độ và hành động đó khó tránh được. Đã vào đường cùng, lối thoát duy nhất của họ là chống trả vì họ không còn tin vào công lý, tin vào thứ luật đất đai gọi là sở hữu toàn dân nhưng thực chất là sở hữu của đảng và đám cường quyền ăn theo đảng. Thảm kịch của người nông dân và các gia đình sai nha bị người nông dân này giết là bằng chứng cho thấy, khi quốc thổ bị đảng chiếm đoạt thì công lý về quyền sở hữu công dân không hề tồn tại với đất nước và dân tộc này.   Vợ ông Đặng Văn Hiến (giữa) đau đớn khi nghe tòa y án tử hình dành cho chồng mình. (Hình: Soha) Nếu là người sống trong nước, không ai còn lạ việc hệ thống tham quan và tầng lớp tư sản đỏ làm giàu từ đất đai, hay nói rõ hơn là sự cấu kết dựa vào luật đất đai của chế độ để phất lên. Thật mỉa mai thay cho cái gọi là đất đai thuộc sở hữu toàn dân, trong khi thực chất toàn bộ quốc thổ Việt Nam là của đảng Cộng Sản Việt Nam, với vài triệu người đã chiếm lấy cả quốc thổ làm tài sản riêng. Gần đây, không kể đến vụ nông dân tự thiêu, các vụ tự vận vì mất đất, mất nhà sau khi khiếu kiện hàng chục năm trời không kết quả. Chỉ cần vụ một đảng viên cấp cao ở Sài Gòn ngang nhiên đồng ý thực hiện thương vụ công ty Tân Thuận (công ty của đảng) bán 32ha đất tại Phước Kiểng, Nhà Bè cho công ty Quốc Cường Gia Lai, thì biết bản chất quốc thổ Việt Nam đã bị cướp thành tài sản riêng tùy tiện bán mua như thế nào. Thêm nữa nếu nhìn thấu đáo thì việc ồn ào dư luận mất bản đồ hay thay đổi quy hoạch Thủ Thiêm, đẩy hàng trăm gia đình vào cảnh chỉ sau một chữ ký của quan chức cao cấp đảng là thành dân vô gia cư, đến mồ mả ông bà cũng không có chỗ lưu vong. Dư luận rất đúng khi cho rằng: hầu hết tài sản kinh khủng của cán bộ đảng cao cấp, tài sản của các đại gia đỏ đều từ quốc thổ cướp đoạt hoặc đền bù với giá rẻ mạt mà có. Không kể phần đất đai, nhà cửa của người di tản, vượt biên, bị đánh tư sản sau khi đảng chiếm được miền Nam, thì toàn bộ tài sản quốc thổ của cả nước mà đảng đoạt được từ tay người dân là vô số kể. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, thứ luật kéo dài hệ thống bất nhân khắp đất nước, thứ luật tạo mọi điều kiện cho bạo quyền cường hào gây ra đau thương tang tóc cho lương dân. Hãy nhìn tất cả tư sản đỏ và tham quan đang ngạo nghễ, phè phỡn, khoe tài sản đất đai đoạt được với giá đền bù rẻ mạt thì rõ. Nếu hôm nay gia đình ai đó vẫn còn bình yên sống trên mảnh đất gầy dựng từ mồ hôi xương máu của mình không có nghĩa là ngày mai, ngày kia hay ngày sau của con cháu họ không bị đạp đuổi tước đoạt. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân chính là cú lừa gạt đáng tởm nhất của bạo quyền chuyên chế. Trong suốt lịch sử dân tộc, chỉ thời đại này mọi người Việt Nam mới phải sống trong vòng vây lừa gạt bằng “luật pháp.” Trần Tiến Dũng.
......

GIẤC MƠ NHÂN PHẨM : CHỈ TOÀN GẬY & ĐÁ

Có thể nói Luật Đặc Khu và cuộc trấn áp ngày 17/6 đã biến những người dân VN bình thường trở thành những nhà hoạt động. Và đó là khởi đầu một “cuộc chiến” mới. Trong cuộc chiến này, nhà cầm quyền Hà Nội sẽ phải đương đầu với một sức mạnh mà họ thầm hiểu rằng với nó; quân đội, súng ống, xe tăng,… hỏa lực dù mạnh thế nào cũng chỉ là bùn đất! Hãy bắt đầu từ cuộc biểu tình ngày 10/06. Có hai điều cần ghi nhớ trong cuộc tổng biểu tình này: - Thứ nhất là số người tham gia. Cuộc biểu tình hôm ấy không chỉ vài trăm, không chỉ ở một vài nơi, nó là một biển người! - Thứ hai là động lực của cuộc biểu tình. Nhiều video còn ghi lại những khuôn mặt đầy cảm xúc, những nụ cười hạnh phúc của người nhập cuộc. Hàng ngàn người đã xuống đường ở Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận, Khánh Hòa, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Nghệ An,… Và cái làn sóng biểu tình dữ dội ấy đã cho lãnh đạo CS nhìn thấy họ đã chạm vào thứ quý giá nhất của dân tộc Việt Nam: “lòng ái quốc”. Khi lòng ái quốc thức dậy cái hình ảnh của giòng người xuống đường hôm ấy đã là “Những làn sóng khủng khiếp” như lời của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ai cũng biết điều mà dân tộc VN luôn tự hào là lòng ái quốc và truyền thống chống ngoại xâm. Trong cái hiện thực nhục nhã và thấp kém vì sự nhu nhược của lãnh đạo VN trước Trung Quốc, giữa dòng người biểu tình hôm ấy - việc nói KHÔNG với Luật Đặc khu và An Ninh Mạng không chỉ biểu hiện cái quyết tâm bảo vệ đất nước; mà người dân VN như đã tự giải thoát, đã tìm lại được tự do và nhân phẩm của chính mình. Khoảnh khắc ấy, cái khoảnh khắc vô giá thể hiện trách nhiệm và quyền tự quyết của mình; người dân VN như chuyền cho nhau hơi ấm của đồng đội, niềm tự hào và cái cảm xúc thiêng liêng của thứ tình yêu tưởng rằng đã khô cạn trong một xã hội vô cảm. Nhà báo Trương Duy Nhất gọi ngày ấy là ngày của “một Sài Gòn cháy bỏng”. Anh đi giữa biển người mênh mông, thầm cảm ơn Sài Gòn đã cho anh được cháy, được thét gào đến khản cả giọng giữa hàng ngàn tiếng hô đáp trả: “Vì độc lập, phản đối đặc khu! - Vì tự do, phản đối luật an ninh mạng!” Và rồi một cuộc trấn áp hung bạo nhắm vào người dân đã diễn ra sau đó vào ngày 17/6 tại công viên Tao Đàn. Nếu gọi cuộc tổng biểu tình ngày 10/6 là “Phép thử của lòng yêu nước” thì chúng ta gọi tên cuộc trấn áp hung bạo này là gì? “Một cảnh thuần hóa động vật?” Trong cái nóng và sự im ắng của một nồi áp suất vừa được đẩy thêm củi, dù không thích bạo lực, tôi vẫn muốn gọi một cái tên gần với sự thật nhất bằng hai câu thơ của facebooker Đặng Ngữ: Chẳng còn giấc mơ nào Trong mơ chỉ toàn gậy và đá! Hai câu thơ trên Đặng Ngữ viết về cuộc phản kháng của người dân ở Bình Thuận. Rõ ràng lãnh đạo CS mới là kẻ kích động bạo lực khi cho huy động lực lượng công an, an ninh vây bắt, tập trung hơn 300 thường dân ở công viên Tao Đàn. Hình ảnh những viên an ninh thi hành công vụ hôm đó được mô tả lại như những kẻ tàn bạo, máu lạnh, thô lỗ, mất nhân tính... Họ “mày-tao” với bất cứ ai, bạt tai, lên gối, đánh đổ máu … giữa thanh thiên bạch nhật bất cứ người dân nào, bất chấp kẻ bị đánh là phụ nữ hay người lớn tuổi. Mạng xã hội và thế giới được một phen mục kích cảnh thuần hóa động vật trên những con người VN! Thời khắc ấy, cả người bị đánh lẫn người phải mục kích cảnh đồng bào mình bị tra tấn tàn nhẫn; cái đau thấm vào da thịt, khắc vào tâm hồn, thấm sâu trên từng dây thần kinh não bộ của mọi người. Facebooker Bùi Văn Thuấn, dù là người ngoại cuộc, anh không bị tập trung ở công viên Tao Đàn cũng không bị đánh, nhưng anh chia sẻ: “Sự đau đớn trong tôi lớn đến mức, tôi chỉ ước ao: Giá như đây chỉ là giấc mơ, rằng tôi đang ngủ mà gặp ác mộng." Quả thật, cuộc trấn áp ngày 17/06 đã làm rất nhiều người dân VN bừng tỉnh. Cái thế giới mà họ đang cố sống yên lành đó chẳng còn yên lành. Tổ quốc, nơi duy nhất, điều thiêng liêng duy nhất, niềm mong muốn cuối cùng đã không còn thuộc quyền của họ. Một thông điệp đầy bạo lực từ chính quyền đã được trực tiếp gởi thẳng đến mỗi công dân VN. Tôi muốn mở ngoặc ở đây để nhắc về tác giả Vikto Frankl, người đã giúp tôi vượt qua nỗi đau. Khi lắng nghe tiếng khóc của các chị Lụa, chị Loan…nạn nhân của cuộc trấn áp ngày 17/6, tôi cũng như bạn, tiếng khóc của họ làm đau những trái tim VN; làm lây lan cả sự thống khổ khi chúng ta bất lực nhìn người dân vô tội dưới bàn tay hung bạo của cường quyền. Frankl là một chuyên gia tâm lý người Do Thái. Ông là người đã sống sót trải qua các trại tập trung tàn bạo nhất của Đức Quốc Xã để trở thành một trong những tác giả làm thay đổi thế giới. Ông sống sót nhờ luôn trung thành với quan niệm: “Điều gì không đánh gục được ta sẽ khiến ta mạnh mẽ hơn”. Nếu những suy tư của Frank có thể làm thay đổi thế giới thì tôi tin rằng thái độ của anh Toàn, chị Loan, chị Lụa, cô sinh viên Trương thị Hà,… cái cách mà những người dân bình thường này ứng xử với bạo lực sẽ làm thay đổi vận mệnh của đất nước mình. Nhưng khoan hãy đặt cho nó những mỹ từ to tát như bản lĩnh dân tộc hay sức mạnh của lòng ái quốc. Như bao quốc gia cộng sản khác, sau gần một thể kỷ bị tàn phá bởi độc tài và bạo lực, những tố chất tốt đẹp của dân tộc VN gần như cạn kiệt. Những gì người Việt Nam cần ngày hôm nay là một cuộc đấu tranh cho chính bản thân họ, cuộc đấu tranh vì nhân phẩm. Đấu tranh để giành lại các quyền và giá trị phổ quát của một con người. Đó là thái độ của sinh viên Trần Hoàng Phúc trong phiên tòa phúc thẩm của anh ngày 10/7/2018. Khác với phiên tòa sơ thẩm, lần này Trần Hoàng Phúc tuyên bố anh sẽ giữ quyền im lặng; tuyệt đối không trả lời bất cứ câu hỏi nào của viện kiểm sát và hội đồng xét xử. Và anh đã làm như thế. Đó là thái độ không sợ hãi của nhà hoạt động Trần Văn Chúc ở Lâm Đồng. Anh bị công an giả dạng côn đồ xông vào rẫy hành hung đến gãy tay chỉ vì tham gia cuộc biểu tình ngày 10/6. Đó là thái độ của anh Toàn, người bị đánh trong đồn công an đến hôn mê, đến nỗi phải nhập viện. Khi được phỏng vấn, dù vẫn chưa ngồi dậy được, anh nói bằng một giọng run run, xúc động nhưng quả quyết: “tuy tôi bị đánh nhưng tôi sẽ không sợ”. Và facebooker Đinh thị Thu Thủy, người trải nghiệm những trận đòn của công an ở công viên Tao Đàn đã gởi một thông điệp mạnh mẽ nhất đến đồng bào của chị: “Hơn 20 giờ đồng hồ tại nơi đây sẽ cho bạn một thế giới khác, khác đến nỗi bạn sẽ quyết định dành cả cuộc đời kể cả hy sinh tính mạng cho việc chống lại những gì bạn đã trải qua…” Cái đường ranh của phẩm giá đang được người dân VN phân định một cách rõ ràng. Và tôi tin rằng họ hạnh phúc với cái chọn lựa khó khăn nhưng mạnh mẽ này. Đối với tôi một ngày mới đang bắt đầu và cuộc đời thật đẹp khi những con người cùng khổ này quyết định khoác cho cái thập tự trên vai họ một ý nghĩa thực sự. Nguyệt Quỳnh
......

Dekontaminierung: Wurden Ausländer gezielt für Arbeiten in Fukushima eingesetzt?

Vào ngày 13.7.2018, tờ báo Tấm Gương (Spiegel) của Đức đăng tải bài viết với nhan đề: „Dekontaminierung: Wurden Ausländer gezielt für Arbeiten in Fukushima eingesetzt?“ được dịch "Khử nhiễm phóng xạ: Có hay không chuyện chủ ý dùng người nước ngoài vào lao động tại Fukushima?" Trong bài có nhắc đến công nhân lao động VN, những công nhân này thay vì qua Nhật để học cách điều khiển máy lại được xử dụng trong việc tẩy rửa đơn giản tại Fukushima. Dư luận đặt câu hỏi nhà cầm quyền và các cơ quan chức năng VN có lưu tâm đến sự việc này hay không? Hay là sau khi đã nhận được phí môi giới xong thì „đem con bỏ chợ“ ? Dưới đây là nội dung bài báo được Bảo Quốc chuyễn ngữ: Xuyên qua một chương trình đào tạo công nhân từ Việt Nam có cơ hội sang Nhật Bản. Tại đây họ đã bị buộc phải đảm nhận các nhiệm vụ nguy hiểm trong nhà máy điện hạt nhân từng xảy ra tai nạn tại Fukushima. Đây là một vụ bê bối làm rung chuyển Nhật Bản: Công nhân nước ngoài được cho là đã được sử dụng trong việc khử nhiễm khu vực xảy ra thảm họa hạt nhân tại Fukushima. Theo báo cáo mới, bốn công ty Nhật Bản có liên quan trong vụ việc này. Qua truyền thông của Nhật Bản, trong một báo cáo của chính phủ thì những công ty này bị cáo buộc là đã sử dụng lao động nước ngoài - những người này đến được nước sở tại xuyên qua một chương trình đào tạo - cho những công việc nguy hiểm. Có bao nhiêu công nhân đã bị sử dụng vào các biện pháp khử nhiễm phóng xạ vẫn chưa rõ. Theo báo cáo thì một trong bốn công ty nêu trên đã bị xử phạt và trong vòng 5 năm không được phép thuê nhận bất kỳ người học nghề nước ngoài nào. Bộ Tư pháp vì chuyện này đã kiểm tra tổng cộng 182 công ty xây dựng. Cho đến cuối tháng 9, thêm 830 công ty khác sẽ bị kiểm tra. Vào tháng 3 người ta đã biết rằng công nhân Việt Nam được sử dụng vào các công việc tẩy rửa đơn giản tại Fukushima. Trong khuôn khổ của chương trình đào tạo thì đáng lẽ ra những người này qua để học cách điều khiển máy. Chính phủ đã tuyên bố rằng sử dụng lao động như vậy không phù hợp và bắt đầu mở một cuộc điều tra. Lao động Việt xuất khẩu sang Nhật Chương trình đào tạo cho người di cư đã có từ năm 1993. Vào cuối năm ngoái, hơn 250.000 người nước ngoài đã được tuyển dụng tại Nhật Bản. Do dân số bị lão hóa nên quốc gia này đang tìm kiếm công nhân ở nước ngoài. Các nhà phê bình cáo buộc những công ty tham gia vào chương trình đào tạo có sự bóc lột và cũng như có những điều kiện làm việc tệ hại. Tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima trên đảo Honshu của Nhật Bản vào tháng 3 năm 2011 đã xảy ra một thảm họa hạt nhân tệ hại nhất sau thảm họa Tschernobyl vào năm 1986. Nguyên nhân là một trận động đất lớn: Trận động đất này đã kích hoạt một cơn sóng thần tấn công vào nhà máy. Hàn ngàn công nhân vẫn đang làm việc về hậu quả của vụ tai nạn. Hàng ngàn công nhân vẫn đang di chuyển vật liệu ô nhiễm và phải đối đầu với các rò rỉ cũng như nước bị ô nhiễm.
......

TNLT NGUYỄN NGỌC NHƯ QUỲNH ĐANG TUYỆT THỰC TRONG TÙ

    TNLT NGUYỄN NGỌC NHƯ QUỲNH ĐÃ TUYỆT THỰC 10 NGÀY QUA VÀ VẪN CÒN ĐANG TIẾP TỤC TUYỆT THỰC. THÔNG CÁO Theo tin tức của gia đình chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh(Mẹ Nấm) đã được các trang mạng xã hội và truyền thông quốc tế đăng tải. Chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã tuyệt thực ở trong tù từ ngày 6 tháng 7 năm 2018. Lý do mà chị Quỳnh phải tuyệt thực là do điều kiện nơi giam giữ hết sức tồi tệ, không đảm bảo kín đáo cho sinh hoạt cá nhân của phụ nữ. Đồng thời trại giam đã sử dụng một số phụ nữ giam chung để khủng bố tinh thần và thể chất với chị Quỳnh. Tới hôm nay, ngày 15 tháng 7 năm 2018, chị Quỳnh đã tuyệt thực được 10 ngày. Theo các chuyên gia y tế, việc tuyệt thực dài ngay sẽ gây tổn hại nghiêm trọng tới sức khỏe về não, thận, tim mạch,… và cuối cùng là sinh mạng. Tình trạng sức khỏe của chị Quỳnh hiện ra sao, gia đình chị không được biết. Tổ chức Hội Anh Em Dân Chủ thấy rằng việc chính quyền cộng sản Việt Nam giam giữ chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh như vậy là hành động tra tấn tù nhân về cả thể chất và tinh thần, đó là việc làm tội ác, vô nhân đạo, trái với Công ước Quốc tế về chống tra tấn mà chính quyền CSVN đã tham gia và ký kết. Tổ chức Hội Anh Em Dân Chủ lên án mạnh mẽ chính quyền cộng sản Việt Nam đã vi phạm nhân quyền, độc ác, vô nhân đạo, vi phạm Công ước Quốc tế về chống tra tấn trong việc giam giữ chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Tổ chức Hội Anh Em Dân Chủ kêu gọi đồng bào Việt Nam ở trong và ngoài nước, các tổ chức, đảng phái chính trị, các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước hãy lên án mạnh mẽ hành động tàn ác, vô nhân đạo và vi phạm Công ước Quốc tế về chống tra tấn của chính quyền cộng sản Việt Nam. Tổ chức Hội Anh Em Dân Chủ yêu cầu chính quyền cộng sản Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức và không điều kiện cho chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. ngày 15 tháng 7 năm 2018 Hội Anh Em Dân Chủ
......

20 cách bất tuân dân sự – Phản kháng dễ làm nhưng hiệu quả

FB Tí Phạm: Đây là giai đoạn chín mùi cho BẤT TUÂN DÂN SỰ. Tại sao?  1- Kinh tế của chế độ csvn đã đi đến chỗ rệu rạo và kiệt quệ.  2- Hà Nội đang bị bủa vây tứ phía và đã mất viện trợ và các giúp đỡ, vay mượn ưu đãi.  3- Trung Quốc đang loay hoay trong cuộc chiến mậu dịch.  4- Lòng dân đang oán thán cực độ.  5- Nội bộ cộng sản đang phân hóa trầm trọng.  6- Các công cụ bảo vệ chế độ đang hoang mang, mệt mỏi và lo sợ.  7- Các công cụ tuyên truyền cho chế độ bị mất tác dụng và đi đến chỗ phản tác dụng. Bất tuân dân sự là phương thức đấu tranh nhằm: 1. Xây dựng ý thức của người dân nhằm kết hợp chặt chẽ và hành động cụ thể. 2. Làm rệu rạo xương sống kinh tế để làm suy yếu lực lượng bảo vệ chế độ. 3. Làm phân hóa và đổ nát cỗ máy chế độ. 4. Làm cho Trung Quốc thấy rằng nuốt Việt Nam là điều không thể được và làm cho bọn đày tớ của Trung Quốc thấy rằng bán Việt Nam là điều không thể xảy ra. 5. Chuẩn bị cho một cuộc thay đổi trọng đại. Mỗi ngày, cứ mỗi người ở Việt Nam trong số 50 triệu người, tiết kiệm, không tiêu xài 20 ngàn đồng, thì sẽ bị hụt 1000 tỉ đồng trong thị trường tiêu dùng. Đây chỉ là một khía cạnh nhỏ, chưa kể đến những tác động dây chuyền khác… HÃY PHẢN ĐỐI THUẾ PHÍ VÀ LÀM RỖNG NGÂN KHỐ BẰNG HÀNH ĐỘNG HỢP PHÁP.  
......

CÁI ĐẸP VIẾT LÊN TÊN CROATIA

Ông thủ lĩnh cộng sản ở nước nào cũng có mộng đế vương, có đầu óc vĩ cuồng, có khẩu khí đại ngôn và có nỗi thèm khát lưu danh sử sách. Ông cộng sản nông dân Lê Duẩn của xứ sở nghèo đói phải cầu cạnh nước ngoài xin từng khẩu súng để giữ chính quyền, ngửa tay nhận từng bao hạt bo bo ở châu Âu chỉ để nuôi gia súc về để nuôi dân, năn nỉ xin từ cái nhà máy gang thép cổ lỗ, công nghệ phế thải để xây dựng nền công nghiệp. Vậy mà sau khi lấy máu của dân làm chiến tranh giành được cả giang sơn, làm chủ được cả dải đất hình chữ S bên bờ biển Đông, ông liền nghĩ ngay đến thâu tóm cả ba nước trên bán đảo Đông Dương thành một liên bang để ông làm hoàng đế cả liên bang Đông Dương. Đầu óc vĩ cuồng của ông cộng sản xuất thân bên dòng sông ngắn ngủi, nhỏ hẹp như dòng suối Thạch Hãn đã làm ông cộng sản vĩ cuồng đàn anh bên dòng sông cuồn cuộn Dương Tử nổi giận. Ông vĩ cuồng Dương Tử liền tung hơn nửa triệu quân nện cho ông vĩ cuồng Thạch Hãn một đòn dằn mặt ở biên giới. Cái giá của đầu óc vĩ cuồng cộng sản Lê Duẩn đã phải trả bằng máu của hàng trăm ngàn mạng người dân Việt Nam. Ông cộng sản gộc Vladimir Ilis Lenin làm chủ được nước Nga liền thâu tóm các nước trong vòng ảnh hưởng của Nga Hoàng trước đây, dồn các nước nhỏ bé từ bờ biển Baltic đến các nước lọt thỏm giữa thung lũng Trung Á vào cái rọ Liên Bang, xóa đi những cái tên riêng gắn liền với tinh hoa văn hóa dân tộc độc đáo được lắng đọng, kết tinh từ ngàn năm lịch sử để mang một cái tên chung lạnh lùng, hợm hĩnh: Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết và người dân phải quên đi cái hồn văn hóa dân gian từ ngàn đời của cha ông để tiếp nhận cái gọi là văn hóa công nông ô hợp, tạp nham. Ông cộng sản ương ngạnh trên bán đảo Balkan, Josip Broz Tito khi nắm được quyền lực nhà nước cũng lập ra Liên Bang theo hình mẫu Liên Bang Xô Viết. Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Nam Tư ra đời đã đẩy những đất nước có lịch sử lâu đời, có nền văn hóa đặc sắc Macedonia, Slovenia, Montenegro .  .  . vào hư vô quên lãng, đã xóa tên những dân tộc Croatia, Serbia .  .  . trên bản đồ chính trị thế giới. Cuối thế kỉ 20, hệ thống cộng sản thế giới sụp đổ cái rụp. Các hợp tác xã nhà nước Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa tan rã. Các hộ nhà nước cá thể liền được tách ra thành những nước độc lập. Dù những quốc gia đôc lập đã ra đời nhưng người dân bình thường trên thế giới suốt gần một thế kỉ chỉ biết có Liên Xô, Liên Bang Xô Viết cùng vài nước lớn trong Liên Bang như nước Nga, nước Belarus, nước Ukraina. Còn các nước nhỏ, chẳng ai biết đến. Nhờ có tập tùy bút Daghestan Của Tôi và những bài thơ lấp lánh hồn dân tộc Daghestan của nhà thơ Rasun Gamzatov mà cả thế giới mới biết đến đất nước Daghestan tươi đẹp, dân tộc Daghestan tinh tế và sâu sắc nhưng đã một thời bị chìm khuất trong Liên Bang Xô Viết. Nhờ có tiểu thuyết Vĩnh Biệt Gunxarư, tiểu thuyết Người Thầy Đầu Tiên của nhà văn Chyngyz Aytmatov mà loài người được biết trên hành tinh xanh của 7 tỉ người có 6 triệu người Kyrgyzstan sống ở miền núi đồi và thảo nguyên Trung Á đã tạo ra nền văn hóa Kyrgyzstan đặc sắc. Ông thủ lĩnh cộng sản Tito qua đời và Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Nam Tư tan vỡ bung ra thành nhiều nhà nước độc lập nhưng tên những nước nhỏ bé độc lập ở Balkan còn quá lạ lẫm, khó nhớ và thế giới rất ít người biết về sự có mặt của những đất nước này trong cộng đồng nhân loại. Đất nước Bosnia may mắn có nhà văn Ivo Andric được giải Nobel văn học năm 1961 và tiểu thuyết Nhịp Cầu Trên Sông Drina của ông đươc dịch ra nhiều ngữ văn trên thế giới, trong đó có cả chữ Việt, nhờ vậy thế giới mới biết đến đất nước Bosnia trong Liên bang Nam Tư, biết đến nền văn hóa Bosnia , biết đến đời sống tâm hồn dân tộc Bosnia. Đất nước Croatia cũng có nhà khoa học Vladimir Prelog được giải Nobel về hóa học năm 1975. Nhưng hóa học chỉ có trong phòng thí nghiệm. Văn học là trang sách. Trang sách là cuộc đời và trang sách có trong mọi nhà. Vì vậy số đông người dân trên thế giới chỉ biết có nhà văn Ivo Andric của Bosnia mà rất it người biết đến nhà khoa học Vladimir Prelog của Croatia. Nhưng Croatia lại chinh phục thế giới, lại viết tên mình vào trí nhớ, vào tình yêu của loài người bằng vẻ đẹp khác. Vẻ đẹp bóng đá và vẻ đẹp chính trị. Năm 1991 Croatia tuyên bố độc lập thì chỉ bảy năm sau đội bóng đá với sắc áo ca rô trắng đỏ của đất nước Croatia nhỏ bé chỉ có hơn 4 triệu dân đã giành huy chương đồng trong kì hội bóng đá tưng bừng cả hành tinh, World Cup 1998. Kỳ hội bóng đá hành tinh năm nay, World Cup 2018, sau sáu trận thắng những đội bóng lừng lẫy, thắng những nền bóng đá khổng lồ của khắp các châu lục với đủ màu da, các cầu thủ bóng đá Crotia đã đi đến tận trận cuối cùng, trận chung kết. Thắng đội Nigeria của lục địa đen 2 – 0. Thắng đội Argentina của lục địa Nam Mỹ 3 – 0. Thắng đội Icelend của Bắc Âu 2 – 1 .  .  . Và trận bán kết thắng đội bóng England, nơi ra đời môn bóng đá, đội bóng có truyền thống lâu đời nhất thế giới, các cầu thủ Croatia đã tạo cho bóng đá vẻ đẹp lộng lẫy, ngây ngất và say đắm. Bóng đá không chỉ là thể thao, không chỉ là thể lực. Bóng đá còn là nghệ thuật, là tâm hồn, là cái đẹp. Cái đẹp trong đôi chân dẫn bóng như vờn, như múa, như ảo thuật của Lionel Messi, Argentina. Cái đẹp trong cú sút như chớp giật, như sét nổ của De Buyne, Belgium. Cái đẹp trong khoảnh khắc vút bay người đánh đầu của Luis Suarez, Uruguay. Cái đẹp trong dáng bay lượn mềm dẻo như người nhện của thủ môn Hugo Lloris, France. Trong sáu trận đấu đã qua ở World Cup 2018, đội bóng Croatia với những cầu thủ nghệ sĩ Luka Modric, Ivan Rakitic, Mario Mandzukic, Danijel Subasic .  .  . đã tạo được những vẻ đẹp đó trong khoảnh khắc trên sân cỏ nước Nga nhưng sẽ còn lưu mãi trong lí tưởng thẩm mĩ của hàng trăm ngàn người có mặt trên sân cỏ nước Nga và còn mãi trong cảm hứng về cái đẹp của hàng tỉ người ngồi trước màn hình TV xem truyền hình trực tiếp WC. Ở World Cup 2018, Croatia còn cho thế giới thấy vẻ đẹp của nền chính trị Croatia qua vẻ đẹp đầy nữ tính và vẻ đẹp chân chất, dung dị, gần gũi với người dân, gần gũi với đời sống người dân của bà Tổng thống Kolinda Grabar Kitarovic. Bà Tổng thống đi máy bay phổ thông cùng người dân. Bà Tổng thống đến sân vận động, ngoài buổi ra mắt xã giao, phải ngồi khu vực VIP cùng nguyên thủ các nước, những trận đấu khác của đội bóng Croatia, bà ngồi cùng hàng ghế bình dân với cổ động viên Croatia. Bà Tổng thống vào phòng tập kết cầu thủ, kiễng chân lên ôm từng cầu thủ, cảm ơn từng công dân Croatia đã làm cho thế giới biết đến tên Croati, biết đến vẻ đẹp Croatia.   Nhìn bà Tổng thống Croatia kiễng chân hân hoan ôm từng cầu thủ, từng công dân Croatia tôi lại chạnh nhớ đến hình ảnh bà Chủ tịch Quốc hội nhà nước cộng sản Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân vít đầu từng cầu thủ U23 Việt Nam để các cầu thủ phải cúi gập người trước bà chủ tịch Quốc hội. Hình ảnh những thần dân trước vương quyền phong kiến cộng sản. Càng thấy vẻ đẹp của tài năng Croatia, của nền chính trị Croatia, càng ngậm ngùi cám cảnh cho thân phận đen bạc của người dân Việt Nam trong thể chế của những ông thủ lĩnh cộng sản còn ôm mộng đế vương phong kiến, còn vung vãi máu dân cho những vĩ cuồng cộng sản. FB Phạm Đình Trọng
......

Sự sống mọc lên từ cái chết

Việc tuyên y án tử hình đối với Đặng Văn Hiến, người nông dân cầm súng để tự vệ trước bước đường cùng ở Đăk Nông, thì rất dễ dàng, nhưng để xác lập được công lý bằng sự thật thì nó đã vốn là thứ trở nên quá khó khăn đối với những người nhân danh luật pháp để xét xử. Ông Đặng Văn Hiến tại phiên xử Phúc thẩm hôm 12 tháng Bảy, 2018. Ảnh: Báo Mới Trước sự im lặng kéo dài nhiều năm ròng của chính quyền địa phương, những người dân bị thu hồi đất từ doanh nghiệp đã phải chống trả lại sự đàn áp và tấn công có đầy đủ vũ khí với lực lượng đông đảo là những kẻ cướp bóc. Và khi tình thế buộc họ phải phản kháng, nếu biết rằng họ cũng sẽ lại bị buộc phải chết bởi một bản án chờ sẵn phía trước, ắt hẳn, họ sẽ không lựa chọn việc ra đầu thú mà có thể họ đã có một toan tính khác. Tôi vẫn chưa hiểu tại sao lại áp dụng tình tiết “có tính chất côn đồ” trong vụ án này đối với Hiến. Vì rằng, toà án tối cao đã có hướng dẫn thế nào là có tính chất côn đồ khá rõ ràng, ở đó nói lên thái độ thách thức pháp luật, xem thường luân lý, coi rẻ tính mạng và sức khoẻ của người khác mà chỉ vì những lý do hết sức đơn giản, nhỏ nhặt. Hơn nữa, trong vụ án này, Hiến đã bị dồn nén suốt gần chục năm trước sự bức áp, tấn công từ lực lượng hùng hậu được bảo kê của doanh nghiệp nhằm cướp đất của người dân nơi đây. Họ đã không được nương dựa vào luật pháp và trong sự thờ ơ của chính quyền sở tại, trước cuộc công ráp có vũ khí và Hiến đã bắn chỉ thiên để cảnh báo, nhưng những tên này vẫn hung hãn đàn áp những người quẫn cùng, nó là nguyên cớ để buộc Hiến phải nổ súng, nhất là khi đứng trước cơn mưa đá ném vào nhà và trước sự áp sát ráo riết của những tên côn đồ này. Đó là một sự phòng vệ, đó là hành động được khởi phát do tinh thần bị kích động mạnh và dựa trên các hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của chính nạn nhân. Vậy tại sao không xem xét những tình tiết đó để ra phán quyết? Với án tử hình được tuyên, vòng ai oán vẫn sẽ cứ tiếp diễn và tiến sâu vào vòng luẩn quẩn nhưng ngày càng khiến cho mọi thứ tệ hại hơn, khi những người khác nhìn vào đó chỉ thấy sự bất công và họ trở thành nạn nhân hai lần liên tiếp mà không lối thoát nào được mở ra. Có lẽ, mọi chuyện sẽ phải xảy ra như nó phải như vậy theo một cách tự nhiên mà nó không thể khác được. Cũng như sau mỗi phiên toà chính trị mà tôi tham gia, nó đưa tôi đến một suy nghĩ mặc nhiên rằng, dường như những sự đấu tranh theo luật pháp và bằng lẽ phải sẽ không khiến họ nhận thức được vấn đề hay thay đổi được sự bất công đang tồn tại ngày càng khốc liệt hơn. Họ không nhận ra được sự nghiêm trọng và khẩn thiết của tình thế. Những tiếng súng vang lên như những tiếng chuông cảnh tỉnh tất cả chúng ta về những gì đang diễn ra trong đời sống xã hội hôm nay ở một trạng thái bế tắc và hỗn loạn khi dần tới sự cùng cực cuối cùng. Tử hình một người nông dân cầm súng hôm nay, những người dân còn lại sẽ nghĩ gì khi lâm vào bước đường cùng như thế? Nguồn: FB Luân Lê
......

NHÀ TÙ LÀ MỘT HỆ THỐNG ĐÀY ĐỌA THÂN NHÂN

Nếu 40 năm trước đã từng có hàng trăm ngàn người lính miền Nam bị đày ải ra Bắc trong các trại tù "cải tạo" để vợ con thân nhân phải trèo đèo vạn dặm đi thăm nuôi, thì ngày nay thân nhân gia đình những tù nhân chính trị cũng phải vạn lý nhọc nhằn mỗi tháng đi thăm chồng, vợ, con. Giam tù chính trị xa nguyên quán là một chính sách nhằm duy nhất mỗi một việc: ĐÀY ĐỌA thân nhân gia đình người tù. Điểm sơ một số trường hợp: - Anh Nguyễn Bắc Truyển, bị giam tại trại An Điềm, Quảng Nam, cách nguyên quán Sài Gòn 833 km. - Mục Sư Nguyễn Trung Tôn, bị giam tại trại Gia Trung, tỉnh Gia Lai, cách nguyên quán Thanh Hóa 984 km. - Anh Trương Minh Đức, bị giam tại Trại 6 Nghệ An, cách Sài Gòn 1378 km. - Chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bị giam tại Trại 5 Thanh Hoá, cách Khánh Hòa 1197 km. - Anh Hoàng Bình, bị giam tại Trại An Điềm, Quảng Nam, cách Nghệ An 676 km. - Anh Trần Huỳnh Duy Thức, bị giam tại Trại 6 Nghệ An, cách Sài Gòn 1378 km. - Anh Trần Hoàng Phúc, bị giam tại Trại 1 Hà Nội, cách Sài Gòn 1615 km. - Chị Nguyễn Đặng Minh Mẫn, bị giam tại Trại 5 Thanh Hóa, cách Trà Vinh 1636 km. - Chị Trần Thị Nga, bị giam tại Trại Gia Trung, Gia Lai, cách nguyên quán Hà Nam 1077 km. Đảng CSVN đâu chỉ đày ải một người tù. Họ đày đọa cả gia đình. Thế nhưng, như hầu hết mọi trường hợp, các bản án tù đày đã chẳng bao giờ làm người ta chùng bước.  
......

THƯ GỞI ANH TUẤN.

Thưa anh Trương Minh Tuấn Bộ trưởng bộ 4T( nay mai sẽ :vốn là bộ trưởng bộ 4 T) Tối ni em đọc bên trang thầy MVH và được biết tin anh bị kỷ luật. Nói thiệt em " bàng hoàng như ngỡ trái tim rơi/ như bỗng tắt vầng mặt trời hạnh phúc" em trích thơ của Dương Hương Ly cho nó máu anh nã! Em không tin anh bị kỷ luật, vì anh là đảng viên là uỷ viên là bí thư đảng ...mà đảng là phải dương cao ngọn cờ cách mạng, là chí công vô tư là hy sinh xương máu vì nhân dân là phục vụ nhân dân tổ quốc... hà cớ chi anh bị kỷ luật(?) Nhớ hôm nào biển nhiễm độc do thằng fomosa thải độc, anh cùng với anh Hà bộ tài môi và một số đầy tớ cao cấp xung phong xuống biển tắm biển để làm gương , để chứng minh biển sạch... tấm gương ni ngời ngời báo chí. Chưa đủ, anh còn ở trần trùng trục , mặc quàn xà lỏn, bụng to tổ chát , ngồi bên bãi biển lộng gió mát rượi ăn cá biển. Ôi! Cái tay trái của anh cầm đôi đũa mới duyên dáng làm sao, mới điệu đà mềm mại làm sao! Tay gắp miệng nhai nhồm nhoàm, chóp chép...chóp chép, nhồm nhoàm mới đáng yẻu làm sao!   Lãnh đạo Bộ Trưởng TN & MT cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã xuống  tắm ở bãi biển Cửa Việt (Quảng Trị) giải độc Formosa Cán bộ lãnh đạo là phải rứa chơ! Đâu cần lãnh đạo có, đâu khó có lãnh đạo. Rứa mới được dân tin dân yêu mến , rứa mới xoa dịu lòng dân đang sục sôi căm phẫn chơ! Mô có phải như mấy cha cán bộ ngồi phòng lạnh nghe bọn cấp dưới láo lường lẻo mép báo cáo thành tích vinh quang rồi quang vinh để lộn tùng phèo cả lên, khiến cái lò của chú Trọng cháy đùng đùng. Rứa mà tối ni đọc bên trang của thày MVH nghe tin anh bị kỷ luật! Em đéo tin(!) em đéo có tin (!) Pha ấm trà nóng, ngồi chiêu mấy hớp cho huyết áp hắn ổn định , em xem lại nguồn cung cấp thông tin. Em là em đéo có tin báo lá cải bị chổi cào rách , đéo có tin bọn bút nô đĩ thoả nghe lời bọn thế lực thù địch tung tin gây hoang mang dư luận, hòng chia rẽ lòng dân đại đoàn kết, nhận 3 trăm ngàn biểu tình phá phách làm mất trật tự an ninh... Em kiểm tra nguồn mô đưa tin. TTXVN anh Tuấn nã! Thôi rồi! TTXVN thì không trật! Ri là tiêu đời anh à! Ri là anh bị đốt vô lò luôn à? Ri là cái lò chú Trọng lại sắp bùng lên sau thời gian lạnh nguội? Anh Tuấn ơi! Làm quan đến chức thượng thư bộ 4T quyền sinh quyền sát trong tay, anh từng hô mưa gọi gió ... rứa mà tham lam chi nữa hè? " Bạc ác chi mi lắm hỡi tiền ? Mi làm thiên hạ hóa ra điên Mi bôi mặt nạ đen thành trắng Mi biến nhân tình thẳng hóa xiên Mi đạp luân thường vô một phía Mi xô nhân nghĩa dạt đôi bên Mi xui thế giới đâm nhau mãi Bạc ác chi mi lắm hỡi tiền ?" Em lại trích nguyên con bài ni cho nó máu ( đéo nhớ tên tác giả). Chỉ vì tiền thôi đúng không anh Tuấn? Nghẹn... Ấm trà cũng vừa cạn. Em cũng cạn từ anh nã. Dừng ngang ni vì viết thêm càng chua xót! Thôi thì trước sau chi anh cũng bị vô lò, cầu mong anh dũng cảm như khi tắm biển , như khi ăn cá, đừng như anh Xuân Thanh khóc lóc xin bác tổng nương tay, đừng như anh Thăng to mồm quát tháo vậy mà sợ làm ma bên trong nhà ngục anh hí! Biên mấy dòng gởi anh Tuấn cũng là lời từ biệt anh! Chào thân ái và quyết thắng. Thảo nguyên hoang. Em của anh! FB Thảo Nguyên Hoang Mã
......

Tổ chức Hội Anh Em Dân Chủ lên tiếng phản đối phiên tòa vi phạm nhân quyền của CSVN

HỘI ANH EM DÂN CHỦ THÔNG CÁO Ngày 10 tháng 7 năm 2018, Tòa án Cấp cao tại Hà Nội đã xét xử phúc thẩm vụ án tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với ba nhà hoạt động nhân quyền. Bản án đã được công bố: Ông Vũ Quang Thuận bị y án 8 năm tù và 5 năm quản chế; ông Nguyễn Văn Điển bị y án 6 năm tù và 4 năm quản chế; ông Trần Hoàng Phúc bị y án 6 năm tù và 4 năm quản chế. Tổ chức Hội Anh Em Dân Chủ thấy rằng đây là một bản án bất công và vô lý đối với ba nhà hoạt động nhân quyền nói trên. Các ông Vũ Quang Thuận, Trần Hoàng Phúc và Nguyễn Văn Điển chỉ sử dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin để bày tỏ các quan điểm chính trị khác biệt với quan điểm của chính quyền cộng sản Việt Nam. Đồng thời họ sử dụng mạng internet và các trang mạng xã hội để phản ánh một cách trung thực và khách quan những vấn đề xảy ra trong xã hội với những bình luận và quan điểm riêng của họ. Chính quyền cộng sản Việt Nam đã sử dụng hệ thống cơ quan tư pháp của mình để đàn áp, bắt giữ và cầm tù ba nhà hoạt động nhân quyền nói trên. Hành động của chính quyền cộng sản Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp Việt Nam, các Công ước quốc tế về các quyền chính trị và dân sự. Chính quyền cộng sản đã chà đạp thô bạo lên các quyền con người về chính trị, hành động này được coi là chống lại Nhân dân Việt Nam, chống lại loài người. Tổ chức Hội Anh Em Dân Chủ cực lực lên án những vi phạm nhân quyền trong vụ án nói trên của chính quyền cộng sản Việt Nam. Tổ chức Hội Anh Em Dân Chủ yêu cầu chính quyền cộng sản Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức và không điều kiện cho ba nhà hoạt động nhân quyền nói trên và phải bồi thường cho họ. Làm tại Frankfurt, ngày 11 tháng 7 năm 2018 Phó Chủ tịch Tổ chức Hội Anh Em Dân Chủ Luật sư Nguyễn Văn Đài
......

Luật an ninh mạng rồi có sao không?

Hôm qua một ông Giáo sư quen biết gọi điện hỏi thăm và khuyên bảo: - Này, chính quyền nó ra cái luật ANM thì facebook có còn không? - Chắc họ muốn dẹp cả Internet, vì nó làm họ mất độc quyền thông tin, tuyên truyền. Người ta than “Trời đã sinh ra cộng sản, sao còn sinh ra Internet”! Người ra Luật ANM chắc muốn đuổi cả Google lẫn Facebook để dùng mấy nhà mạng của Trung cộng luôn. Nhưng không may cho họ là dân ta không chịu đâu, và những cam kết trong các Hiệp định quốc tế cũng không cho phép họ muốn cấm gì thì cấm! - Thế nghĩa là Google, Facebook vẫn còn? Nhưng chắc họ kiểm duyệt gắt gao lắm đấy. Mà tôi đã bảo, ông viết góp ý, phản biện làm chó gì! Mình hao tâm, tổn trí, mà chúng nó có nghe đâu! Mà không khéo còn bị vạ lây... - Vẫn biết thế, nhưng “chúng nó” không nghe, thì “Viết cho đồng bào tôi xem”! Rồi trong số “chúng nó” cũng có một số đứa muốn nghe, muốn biết thì sao? - Nhưng cái Luật ANM nó ra mà ông vẫn viết thế là nó quy cho tội “Bội nhọ đảng và nhà nước”, “Tuyên truyền, kích động lật đổ chính quyền nhân dân”... là lôi thôi lắm đấy... - Thì sống với Bụt mặc áo cà sa, sống chung với Ma phải mặc áo giấy, chớ sao! Đại khái sẽ viết là: “Đồng chí bí thư tỉnh ủy nâng đỡ không trong sáng nữ nhân viên K. khiến cô mang bầu; đồng chí chỉ thị cho cô K. đi khắc phục hậu quả, nhưng do bác sĩ làm sai quy trình, nên cô K. đã anh dũng hy sinh”...; Hay: “Hôm nay có khoảng 5000 người tụ tập đông người đi trên các phố..., mang theo các khẩu hiệu..., họ hô đả đảo...nhưng không biết do kẻ xấu nào kích động. Các lực lượng CA áo vàng, áo xanh và cả lực lượng xã hội đen, à xin lỗi, xã hội đỏ ra sức dùng công cụ hỗ trợ để giải tán đoàn người. Nhiều chiến sĩ CA đã giơ chân hơi cao, vung dùi cui hơi mạnh, giơ tay vuốt tóc trúng má... khiến nhiều người tự ngã gây trầy xước, tự chảy máu... (xem hình). Nhiều người đã tự nguyện để CA khiêng lên xe đưa về đồn. Ở đồn, CA đã tuyên truyền, giải thích rất nhân văn, nhưng do nhiều người bức xúc, tự làm mình đau, phải vào bệnh viện cấp cứu...; Hoặc sẽ viết: Thủ tướng yêu cầu Hà Nội, Sài gòn phải tiến kịp Hồng Kong, Singapore... nhưng vì 2 thằng kia nó không chịu đứng im, mà di chuển nhanh hơn, nên khoảng cách ta và nó ngày càng xa. Tiên sư hai thằng phản động, không chịu đợi ta!... Đấy, viết thế thì “bôi nhọ”, “nói xấu”, “kích động” ở chỗ nào? Với lại cứ theo bài chửi dân gian, chửi bâng quơ, đại khái: - Cha bố năm đời mười đời cái thằng cướp đất của bà, mày làm giàu trên mồ hôi xương máu của dân; cả lò cả ổ nhà mày đi bộ thì chết đường chết chợ, đi đường thủy thì Hà bá dìm chết cả lũ, đi máy bay thì Thiên lôi đánh tan xác bọn bay... - Tổ sư cha tam tứ, ngũ đại cái lũ bán nước kia, lịch sử sẽ ghi tên tuổi chúng mày để ngàn đời nhân dân nguyền rủa, đào mồ cuốc mà lũ chúng bay lên... - Tiên sư bố cả lũ cái bọn “ăn của dân không chừa thứ gì”, cả lò, cả ổ nhà mày ăn... của bà đây này!... Ồi dào, dân ta phát huy truyền thống đấu tranh sáng tạo, thiên biến vạn hóa, ai bịt được miệng dân! Món chửi này có truyền thống hàng ngàn năm rồi, ai cấm được? Trong thời đại công nghệ 4.0, lòng dân phẫn uất, thì cái “Văn hóa sỉ nhục” này nở rộ như nấm mùa xuân, lan tràn khắp hang cùng ngõ hẻm và vang xa khắp năm châu bốn biến. Việt Nam lại tự hào là nước có “Văn hóa chửi” đỉnh cao của nhân loại!... - Thế thì chịu bố rồi! - Thưa giáo sư, chịu Nhân dân ta, chứ chịu gì tôi!
......

Pages