Bản Tin Báo Chí
Ngày 20 tháng 11 năm 2022
MLNQVN Tổ Chức Tiếp Tân Đánh Dấu 25 Năm Sinh Hoạt và Công Bố Kết Quả Giải Nhân Quyền Việt Nam 2022
Little Saigon – 20/11/2022 – Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi tiếp tân đánh dấu 25 năm hoạt động (1997-2022) vào chiều ngày 20 tháng 11 năm 2022 tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng của TP Westminster, California.
Buổi tiếp tân có ba mục đích chính: Tường trình sinh hoạt của Mạng Lưới trong 25 năm qua; tri ân những người đã hỗ trợ sinh hoạt của Mạng Lưới, và công bố Giải Nhân quyền Việt Nam năm 2022.
Tham dự buổi tiếp tân có đông đảo thân hữu, những người hỗ trợ và một số quan khách. Về phía chính quyền có ông Lý Phong, trưởng văn phòng Dân biểu liên bang Alan Lowenthal mà vì lý do sức khỏe nên phút chót không đến tham dự được, Thị trưởng TP Phố West minster Tạ Đức Trí; Phó thị trưởng TP Garden Grove Diedre Thu Hà Nguyễn và một số dân cử khác trong vùng. Một số chức sắc tôn giáo, chính trị và cộng đồng và các cựu tù nhân lương tâm, bao gồm cả những người từng nhận Giải thưởng Nhân quyền Việt Nam, cũng có mặt.
Trong dịp nấy MLNQVN đã long trọng tri ân hai vị khách đặc biệt là Dân biểu Alan Lowenthal và Bà Ann Lau.
Dân biểu Lowenthal, đại biểu của khu vực 47 của California từ năm 2013. Trong suốt 20 năm phục vụ, ông đã dành thời gian và nỗ lực của mình để giúp thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền cho người Việt Nam, đặc biệt là các nhà hoạt động nhân quyền. Dân biểu Lowenthal đã bảo trợ nhiều tù nhân lương tâm Việt Nam hơn bất kỳ dân biểu hay thượng nghị sĩ nào khác. Riêng đối với Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, Dân biểu Lowenthal là một người bạn tốt và một người hỗ trợ xuất sắc trong công cuộc đấu tanh cho nhân quyền và tự do của người dân Việt Nam.
Bà Ann Lau, Chủ tịch của Visual Artists Guild, một tổ chức phi lợi nhuận đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận và biểu đạt. Hàng năm Visual Artists Guild trao Giải thưởng Tinh thần Thiên An Môn để vinh danh những cá nhân và tổ chức đã có dấu ấn trong việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận trên thế giới, đặc biệt tại Á châu. Năm 2017, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam đã nhận được Giải thưởng Tinh thần Thiên An Môn từ Visual Artists Guild, cùng với các nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng ở Trung Quốc, bao gồm Lam Wing Kee - nhà sách Hồng Kông, luật sư Nhân quyền Xie Yang, Li Heping, Wang Quanzhang, và Giang Thiên Dũng. Ngoài vinh dự này, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam còn nhận được sự hỗ trợ thân thiện và nhiệt tình từ Visual Artists Guild và bà Ann Lau trong suốt 25 năm qua.
Ba trong số những thành viên sáng lập có những đóng góp xuất sắc cho hoạt động của ML cũng nhận được bằng tưởng lục trong dịp nầy, gồm GS Nguyễn Thanh Trang, BS Lâm Thu Vân và GS Trần Đức Thanh Phong.
Việc công bố kết quả Giải Nhân quyền Việt Nam 2022 được đưa vào chương trình buổi tiếp tân thay vì có một cuộc họp báo riêng như những năm trước. Trong phần công bố kết quả Giải Nhân quyền 2022, TS Nguyễn Bá Tùng, Trưởng Ban Điều hành MLNQVN cho biết, MLNQVN đã nhận được 19 đơn đề cử từ trong nước và hải ngoại. Sau một tháng làm việc cẩn trọng, Ban Tuyển chọn đã bầu chọn được 3 ứng viên xuất sắc cho Giải Nhân quyền năm nay: đó là Nhà thơ Trần Đức Thạch, Nhà báo Nguyễn Tường Thụy, và nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh và Liên Minh Dân Tộc Việt Nam Tự Quyết (Xin xem phần thành tích đính kèm). Ông cũng cho biết Lễ Trao Giải Nhân quyền Việt Nam năm 2022 sẽ được tổ chức tại TP Frankfurt, Đức Quốc, cùng với sự hợp tác của Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức nhân dịp Ngày Quốc tế Nhân quyền, 10-12-2022.
Sau cùng nhiều khách mời đặc biệt đã phát biểu cảm tưởng, gồm có Linh mục Nguyễn Hữu Lễ đến từ Tân Tây Lan, Hòa thượng Thích Không Tánh lên tiếng từ Việt Nam, thị trưởng TP Westminster và phó thị trưởng TP Garden Grove. BS Võ Đình Hữu, thay mặt Hội Đồng Liên kết Quốc nội-Hải ngoại, nhân dịp nầy cũng trao tặng DB Lowenthal và MLNQVN hai bằng tưởng lục.
Sau đây là tóm tắt tiểu sữ đấu tranh của các vị nhận Giải Nhân Quyền Việt Nam Năm 2022
NHÀ THƠ TRẦN ĐỨC THẠCH
Tù nhân lương tâm Trần Đức Thạch, sinh năm 1952 ở Nghệ An. Ông từng là cựu chiến binh quân đội Bắc Việt, trong cuộc nội chiến hai miền Nam-Bắc.
Sau khi giải ngũ, ông tham gia đấu tranh chống lại bất công xã hội ở địa phương, và cùng một số nhà hoạt động khác như Nguyễn Xuân Nghĩa và Vũ Văn Hùng tập hợp đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Ông là tác giả của hàng trăm bài thơ, một tiểu thuyết và nhiều bài báo, qua đó, ông đả kích sự bất công xã hội, thiếu vắng công lý, và vi phạm nhân quyền.
Tác phẩm gây chấn động cả nước là tập hồi ký “Hố chôn người ám ảnh”. Trong tác phẩm nầy, ông đã thuật lại những điều ông đã chứng kiến qua vai trò tiểu đội trưởng trinh sát thuộc tiểu đoàn 8, Sư đoàn 341 trong trận đánh quanh tỉnh lỵ Long Khánh vào tháng 4, 1975. Bộ đội Bắc Việt đã xả súng đại liên thảm sát hàng trăm thường dân vô tội ở xã Tân Lập, bây giờ gọi là Xuân Lập, thuộc huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai. Khi ông nghe tiếng súng và chạy đến, yêu cầu đồng đội dừng bắn thì được biết cấp trên đã ra lệnh “giết nhầm hơn bỏ sót.”
Vì những hoạt động ôn hòa để đòi công lý, nhân quyền, dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ, ông đã bị chính quyền CSVN bắt và đưa ra xét xử vào ngày 6-10-2008, và bị kết án 3 năm tù và 3 năm quản chế về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.
Sau khi ra tù, ông liên tục bị nhà cầm quyền địa phương sách nhiễu, khủng bố, bắt bớ, câu lưu vì ông không chịu từ bỏ lý tưởng tự do-dân chủ-nhân quyền, cũng như những việc làm ôn hoà đấu tranh cho lý tưởng của ông.
Năm 2013, ông gia nhập Hội Anh Em Dân Chủ với mục đích đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền.
Vì thế ông bị bắt lần thứ hai vào ngày 23-4-2020 với cáo buộc “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân”. Ngày 15-12-2020, Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên xử ông 12 năm tù giam và 3 năm quản chế trong một phiên tòa sơ thẩm vỏn vẹn chỉ trong vòng buổi sáng. Ngày 24-3-2021, Tòa phúc thẩm y án tòa sơ thẩm trong 1 phiên tòa chưa đầy 2 giờ đồng hồ.
Đối với Trần Đức Thạch, cho dù tiếng súng đã ngưng, nhưng cuộc chiến chống lại sự ác để dành lại quyền làm người chưa bao giờ kết thúc. Trước tòa án CS trong phiên xử phúc thẩm tháng 3 năm 2021, TNLT Trần Đức Thạch nói:
“tôi xác định phiên tòa này là những nốt nhạc cuối của bản hùng ca, bi tráng của cuộc đời tôi. Nó sẽ không kết thúc tại đây mà nó sẽ ngân nga mãi theo thời gian, theo dòng chảy lịch sử của người dân nước Việt, của những người yêu nước và hy sinh cho sự công chính.
Tôi rất tự hào vì được cùng anh chị em dấn thân cho sự nghiệp dân chủ của Việt Nam và sự nghiệp chống Trung Quốc thao túng, xâm lược Việt Nam…”
Hiện nay tù nhân lương tâm Trần Đức Thạch bị giam cầm tại trại 5, huyện Thống Nhất, Thanh Hóa. Sức khỏe của ông càng ngày càng suy nhược do tuổi già và điều kiện giam cầm vô nhân đạo của lao tù cộng sản; tuy nhiên ý chí của ông vẫn luôn kiên trì. Bà Nguyễn Thị Chương, vợ nhà thơ Trần Đức Thạch thuật lời ông nói với bà khi bà cùng hai người thân đi thăm ông tại nhà tù ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa: “Dù có 12 năm (tù) hay 20 năm (tù) hay không có ngày trở về, ông vẫn giữ nguyên ý chí của mình.”
NHÀ BÁO NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Nhà báo Nguyễn Tường Thụy sinh năm 1952. Năm 20 tuổi ông gia nhập quân đội cộng sản Bắc Việt, và xuất ngũ 22 năm sau đó; tuy nhiên ông chưa bao giờ là đảng viên Đảng CSVN. Trong 22 năm phục vụ trong quân đội, ông có dịp va chạm với các đảng viên và guồng máy vô nhân tính của cộng sản nên ông đã thấu hiểu được sự lừa bịp gian trá của chế độ chính trị nầy.
Kinh nghiệm sống thực đó đã giúp ông có một thái độ dứt khoát khi bước vào cuộc chiến cho lý tưởng cho nhân phẩm và tình người.
Từ năm 2011, Nguyễn Tường Thụy tham gia nhiều hoạt động đấu tranh cho công bằng xã hội và chủ quyền đất nước; như các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, tuần hành bảo vệ cây xanh Hà Nội, cứu trợ nạn nhân thiên tai và người nghèo khổ, và lên tiếng cho dân oan. Ông là Phó Ban điều hành của “Hội Bầu Bí Tương Thân”, một tổ chức xã hội dân sự tương trợ của những tù nhân lương tâm và dân oan. Ông là thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức xã hội dân sự có mục đích “xây dựng một xã hội dân chủ tiến bộ, công bằng và văn minh tại Việt Nam.”
Năm 2016 Nguyễn Tường Thụy làm đơn ứng cử Quốc hội khóa 14 với tư cách độc lập mặc dù trong đơn ứng cử ông khẳng định rằng: “Việc ứng cử vào Quốc hội không có nghĩa là tôi chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng CSVN (thể hiện trong điều 4 Hiến pháp) cũng như những điều khoản bất cập khác.” Tuy nhiên chính quyền cộng sản, thông qua cơ chế hội nghị cử tri ở địa phương đã bác đơn ứng cử của ông.
Ngoài các hoạt động dấn thân đa dạng đó, phương tiện đấu tranh chính của Nguyễn Tường Thụy là ngòi bút. Ông viết báo, viết blog và là chủ trang blog và trang Facebook mang tên ông với nhiều triệu lượt truy cập. Ông cũng là cộng tác viên của Đài Á châu Tự do (RFA).
Năm 2014, khi Hội Nhà báo Độc lập ra đời, Nguyễn Tường Thụy đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch hội. Đây là một tổ chức xã hội dân sự chuyên biệt với mục đích “Phản ánh trung thực và sâu sắc những vấn đề nóng bỏng của xã hội và đất nước” và “Phản biện đối với những chính sách bất hợp lý của nhà nước liên quan đến quản lý xã hội và tự do báo chí.” Trong vai trò nầy, ông thu thập và trình bày các sự kiện tiêu cực trong xã hội được dư luận quần chúng quan tâm trong mọi lãnh vực từ chính trị, kinh tế, xã hội, và văn hóa…
Chỉ vì những nhận định khác với đường lối của Đảng CSVN, nhà báo Nguyễn Tường Thụy thường xuyên bị an ninh theo dõi, sách nhiểu, hăm dọa và nhiều lẩn bị hành hung. Công an cũng thường xuyên tìm đủ mọi cách để hạn chế sự đi lại của ông, không cho ông ra khỏi nhà để gặp gỡ các nhà hoạt động khác và đại diện của VP Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Nhiều lần ông bị bị bắt vào đồn cảnh sát, vào trại “Phục hồi nhân phẩm” ở Lộc Hà, hoặc trụ sở công an TP tại Số 6, Quang Trung, Hà Nội…
Ngày 21-11-2019, nhà báo Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà Báo Độc lập bị bắt và truy tố về tội “sản xuất, tàng trữ, phổ biến” tài liệu chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngày 23-5-2020, một toán công an chìm và nổi của TP Hà Nội bất ngờ xông vào nhà ông, lục soát mọi vật dụng cá nhân và bắt ông đi.
Ngày 5-1-2021, chỉ sau nửa ngày nghị án, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên nhà báo Phạm Chí Dũng 15 năm tù, nhà báo Nguyễn Tường Thụy và nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn cùng mức án 11 năm tù. Ngoài án tù, cả ba người còn bị tuyên phạt ba năm quản chế. Tất cả ba người đều bị quy kết tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117 Luật Hình sự VN.
Ở trong nhà tù, quản giáo trại giam có nói với ông Thuỵ là nếu nhận tội thì án có thế giảm xuống còn 7,8 năm. Tuy nhiên, ông luôn khẳng định mình vô tội, không yêu cầu giảm án. Khi được khuyến khích làm đơn xin xử phúc thẩm. Nguyễn Tường Thụy đã xé đơn khi bị buộc phải viết theo hướng dẫn của viên công an. Trong một bức thư gởi ra từ nhà tù, Ông viết: “Tôi bình thản nhất định không nhận tội để giảm án. Người ta chỉ sống có một lần. Nếu cho làm lại tôi vẫn làm như thế thôi.”
Hiện nay, Nguyễn Tường Thụy bị giam tại nhà tù An Phước, tỉnh Bình Dương. Sức khỏe của ông càng ngày càng suy giảm vì tuổi già và nhiều bệnh tật.
NHÀ HOẠT ĐỘNG LƯU VĂN VỊNH VÀ LIÊN MINH DÂN TỘC VIỆT NAM TỰ QUYẾT
Ông Lưu Văn Vịnh sinh năm 1967 tại Hải Dương, cư ngụ tại quận Tân Bình, Sài Gòn. Từ năm 2014, ông Vịnh bắt đầu tiếp xúc và họp mặt với các nhà hoạt động đối lập để thảo luận về các vấn đề nhân quyền và dân chủ. Ông tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, phản đối nhà máy Formosa gây ô nhiễm môi trường biển, và yểm trợ dân oan khiếu kiện đòi lại tài sản bị chính quyền cộng sản cưỡng chiếm.
Ngày 15-7-2016, ông Lưu Văn Vịnh đăng một bản thông báo trên Facebook cá nhân, tuyên bố thành lập tổ chức Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết với mục đích đòi hỏi “ĐCSVN phải trao trả lại quyền dân tộc tự quyết cho toàn dân, để người dân có toàn quyền chọn lựa một thể chế chính trị mà mình muốn, bằng chính thật sự lá phiếu của mình, trong một thể chế tam quyền phân lập.”
Ngày 6-11-2016, Công an TP. Hồ Chí Minh bắt khẩn cấp ông Lưu Văn Vịnh và một thanh viên khác của Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết là ông Nguyễn Văn Đức Độ.
Ngày 5-10-2018, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm các thành viên của tổ chức Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết gồm: Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Đức Độ, Từ Công Nghĩa và Phan Trung. Theo cáo trạng, ông Vịnh và các bạn đấu tranh của ông đã có hành vi tuyên truyền đả kích, bôi nhọ, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau phiên tòa chóng vánh chưa được một ngày, tất cả 5 bị cáo bị kết tội “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân” với những bản án nặng nề: Ông Lưu Văn Vịnh 15 năm tù giam, ông Nguyễn Quốc Hoàn 13 năm tù giam, ông Nguyễn Văn Đức Độ 11 năm tù giam, ông Từ Công Nghĩa 10 năm tù giam, và ông Phan Trung 8 năm giam. Cả 5 người còn bị phạt thêm mỗi người 3 năm quản chế.
Dù tay bị còng, cả 5 người đều vung tay liên tục hô lớn “Đả đảo phiên tòa”, “Đả đảo phiên tòa bất công”, và “Đả đảo Cộng sản.”
Cả năm người đều phủ nhận các cáo buộc, khẳng định mình vô tội và kháng cáo, nhưng trong phiên tòa phúc thẩm ngày 18-3-2019 TAND TP Hồ Chí Minh giữ nguyên mức án.
Trong thờ gian bị giam giữ để điều tra các thanh viên Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết bị đánh đập và tra tấn. Mãi cho đến ngày 12-11-2017, ông Lưu Văn Vịnh mới được phép gặp gia đình lần đầu tiên kể từ khi bị bắt vào tháng 11 năm trước.
Các tổ chức nhân quyền quốc tế đã kêu gọi Việt Nam hủy bỏ bản án và trả tự do các thành viên này ngay lập tức.
Tháng 4-2018, Nhóm Công tác Về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc công bố ý kiến rằng “việc giam giữ bất hợp pháp một năm đối với nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh ‘tạo ra các điều kiện có thể dẫn đến vi phạm Công ước chống tra tấn, và bản thân nó có thể cấu thành hành vi tra tấn hoặc đối xử tệ bạc.’”
Trước phiên tòa sơ thẩm, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói “Việt Nam nên bãi bỏ các cáo buộc có động cơ chính trị đối với năm nhà vận động ủng hộ dân chủ từ một nhóm chính trị thách thức sự độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính quyền nên thả họ ngay lập tức vô điều kiện.”
Ngay sau phiên tòa sơ thẩm, bà Minar Pimple, Giám đốc Cấp cao về Hoạt động Toàn cầu của Tổ chức Ân xá Quốc tế nhận định “Bản án tàn nhẫn và vô nghĩa này rõ ràng là nhằm ngăn chặn quyền tự do biểu đạt của người dân.”
Dù thời gian tồn tại chưa đầy bốn tháng kể từ ngày công bố hoạt động, Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết đã chứng tỏ rằng quyền được tự do chọn lựa một thể chế chính trị mà mình muốn vẫn luôn là một khát vọng phổ quát của con người, đặc biệt là của người Việt Nam đang sống dưới ách độc tài chuyên chế cộng sản. Ông Lưu Văn Vịnh và các bạn của ông đã ý thức và hy sinh tranh đấu cho lý tưởng nhân quyền nầy cho dù phải chuốc lấy những năm tháng tù tội.