Vụ án Điếu Cày đặt ra những dấu hỏi tất yếu.
Vụ bắt cóc ngay trên đường phố cho thấy tính dối trá, không dám chính danh của công quyền, khi bắt thì lu loa là buôn ma túy, khi xử án lại truy tố tội trốn thuế, một thứ tội “vớ vẩn” mà hàng chục nghìn doanh nhân thời nay đều mắc phải và có thể bị khởi tố bất cứ lúc nào nếu nhà nước muốn.
Hết 30 tháng tù giam Điếu Cày không được về nhà, bị bắt lại ngay và truy tố tiếp tội tuyên truyền chống nhà nước (Điều 88). Rất lạ, hành vi gọi là “tuyên truyền chống nhà nước” không thể phát sinh trong 30 tháng ngồi tù, vậy sao trước đây không xử lại phải xử tội “trốn thuế”? Cuộc tù tiếp theo 12 năm đã là quá nặng, nhưng đáng nói hơn là sự khắt khe ngược đãi, điều kiện giam giữ khắc nghiệt và sự thăm hỏi giao lưu với người thân bị cản trở đến mức cực kỳ khó khăn nếu chưa muốn nói là tùy tiện, bất chấp luật pháp một cách vô nhân đạo.
Không ai tin vào những cái cớ bề ngoài, ai cũng tự hỏi thực chất vụ án là gì, khiến cho nhà nước đối xử đặc biệt nghiệt ngã đối với một cựu chiến binh của chính chế độ, “tội” gì mà ghê gớm quá vậy?
Qua thực tiễn, nghiệm ra rằng chỉ có mấy “tội” này là nặng nhất, bị nhà nước ta “ghét” nhất: thứ nhất là tội xúc phạm đến tình hữu nghị 16+4, hai là tội lập tổ chức “ngoài sự lãnh đạo”, ba là tội bướng – nhất định giữ khí phách, lương tâm và danh dự cá nhân, không chịu phục tùng. Ba “tội” hàng đầu này Điếu Cày đều dính cả, trọng tâm là tội thứ nhất, nói nôm là “tội chống Tàu xâm lược”! (Nếu các nhà lãnh đạo đất nước mắc được ba “tội” này thì đáng quý biết bao!).