Trung Quốc bám rễ viễn thông Anh từ khi nào?

Nguyễn Hùng - VOA|

Những ngày đầu tháng Năm nước Anh chứng kiến một bộ trưởng quốc phòng mất chức vì cái rễ của hãng viễn thông Trung Quốc Huawei tại đảo quốc này.

Ông Gavin Williamson bị Thủ tướng Theresa May sa thải sau cuộc điều tra về chuyện ai để lộ tin Chính phủ Anh có thể sẽ để Huawei tham gia phát triển mạng lưới di động 5G, dù chỉ là tham gia cung cấp thiết bị vòng ngoài, chẳng hạn như hệ thống ăng-ten, chứ không phải cho phần cốt lõi của mạng 5G. Ông Williamson cùng bộ trưởng nội vụ và bộ trưởng ngoại giao được cho là đã bày tỏ lo ngại về việc để công ty Trung Quốc tham gia phát triển hệ thống 5G. Trước đó Hoa Kỳ đã cảnh báo các đồng minh đừng để Huawei dính vào phát triển công nghệ không dây thế hệ 5.

Trong số năm quốc gia có quan hệ mật thiết về chia sẻ tin tức tình báo gồm Anh, Australia, Canada, Hoa Kỳ và New Zealand, ba nước đã quyết định không để Huawei có chân trong hệ thống di động 5G, vốn sẽ tăng tốc độ tải lên và tải xuống từ 10-20 lần so với 4G.

Hai nước còn chưa quyết định chính là Anh và Canada.

Huawei đã đầu tư chừng 1,65 tỷ đô la Mỹ vào Anh trong vòng năm năm qua, tạo hàng trăm công ăn việc làm. Sau khi bị Hoa Kỳ dội gáo nước lạnh bằng việc cấm bán thiết bị vào Hoa Kỳ bên cạnh việc đòi dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc Tài chính và con gái ông chủ Huawei Nhậm Chính Phi, hãng cung cấp thiết bị mạng viễn thông số một thế giới đang có vẻ dồn đầu tư vào Anh.

London từ lâu đã mở rộng vòng tay với những xấp tiền từ các nhà đầu tư Trung Quốc. Thêm nữa, Chính phủ Anh cũng bị cho là thiếu viễn kiến khi chỉ cam kết đầu tư nhỏ giọt chừng hơn 1,5 tỷ đô la cho mạng 5G trong vòng vài năm tới so với hàng trăm tỷ đô la mà Bắc Kinh sẽ bỏ ra. Đây lại là lý do nữa họ muốn dựa vào nguồn đầu tư từ bên ngoài.

Thực tế Huawei đã bám rễ trong ngành viễn thông Anh từ năm 2005. Đó là khi họ đưa ra gói thầu có trị giá thấp hơn so với các công ty đối thủ hàng trăm triệu đô la để được chọn tham gia cung cấp thiết bị cho dự án nâng cấp mạng viễn thông trị giá 15 tỷ đô la của hãng viễn thông Anh BT. Tám năm sau các chuyên gia an ninh và tình báo của Anh mới giật mình và lên cơn “sốc” khi không có bộ trưởng nào được thông báo về sự tham gia của Huawei vào quá trình nâng cấp hệ thống viễn thông vào thời điểm ký kết hợp đồng, theo BBC.

Các chuyên gia an ninh cũng cảnh báo ngay từ năm 2008 rằng về lý thuyết chính quyền Trung Quốc có thể lợi dụng các sơ hở trong thiết bị của Huawei để thâm nhậm mạng lưới của BT. Tình báo Anh cho rằng BT đã có những biện pháp để xử lý các rủi ro như vậy nhưng chính quyền Anh lại “không có bất kỳ chiến lược” nào để theo dõi hay phản ứng trước các cuộc tấn công có thể xảy ra.

Trên thực tế BT cũng xác nhận họ đang tháo bỏ các thiết bị của Huawei trong phần cốt lõi của hệ thống 3G và 4G, đó là các phần có liên quan tới dữ liệu về người dùng và của người dùng cũng như kết nối các cuộc gọi.

Dù Huawei luôn khẳng định họ không có liên quan gì tới chính quyền Bắc Kinh, bản thân ông chủ Huawei Nhậm Chính Phi, 74 tuổi, từng thừa nhận với báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng rằng ông đã gia nhập quân đội Trung Quốc từ thời Cách mạng Văn hoá và cũng trở thành đảng viên cộng sản hồi năm 1978, chín năm trước khi ông lập Huawei.

Ông Nhậm cũng xác nhận với phóng viên BBC rằng tại Huawei có chi bộ của Đảng Cộng sản dù ông nói mọi công ty hoạt động ở Trung Quốc đều phải có chi bộ theo luật pháp hiện hành.

Ông chủ Huawei nói ông thà đóng cửa công ty có doanh số hơn 100 tỷ đô la Mỹ thay vì nghe lệnh chính phủ Trung Quốc làm phương hại tới khách hàng.

Nhưng Hoa Kỳ cũng dẫn luật được Trung Quốc thông qua trong năm 2017 mà theo đó các công ty phải “hỗ trợ, hợp tác và trao đổi trong lĩnh vực tình báo quốc gia” để nói rằng các công ty như Huawei “không an toàn và không đáng tin”.

Trong khi đó một phóng sự công phu của BBC dẫn lời chuyên gia nói rằng việc loại Huawei ra khỏi các mạng viễn thông ở Hoa Kỳ sẽ khiến nước này tụt hậu về năng lực 5G bởi họ không thể tham gia vào các mạng có sử dụng Huawei ở châu Âu và châu Á. Quyết định của Hoa Kỳ cũng được cho là sẽ tạo ra “tấm màn sắt digital” giữa một bên dùng thiết bị Trung Quốc và một bên không.

Anh đang muốn có quyết định làm hài lòng cả Hoa Kỳ và cả Trung Quốc. Trung Quốc có hài lòng không hiện chưa rõ nhưng Hoa Kỳ đã nói rằng không có mức độ tham gia nào của Huawei trong hệ thống 5G là an toàn cả. Số ít nước đã quyết định ngả về với Hoa Kỳ như Australia tin rằng không có lý do gì họ đánh đổi an ninh quốc gia bằng việc dùng thiết bị của công ty vốn không thoát khỏi hệ thống chính trị của Trung Quốc như Huawei. Quyết định của Anh sẽ ảnh hưởng tới quyết định của nhiều nước mà cho tới giờ vẫn chưa ngả về bên nào trong cuộc đua xây dựng mạng lưới 5G.