Liên Âu trong năm 2018 và viễn cảnh trong năm 2019

Liên Âu (European Union – EU), với quyết định Brexit của Anh sau Cuộc Trưng Cầu Dân Ý vào tháng 6 năm 2016, hiện vẫn là khối kinh tế mạnh thứ nhất trên thế giới. Liên Âu quy tụ 28 quốc gia (513 triệu dân), có một Tổng Sản Lượng Quốc Gia lên đến 22.000 tỷ Mỹ kim đứng đầu thế giới trước Hoa Kỳ, nếu bỏ Anh ra còn 27 quốc gia (446 triệu dân) và TSLQG khoảng 19.378 tỷ Mỹ kim, ngang ngửa với Hoa Kỳ (19.390 tỷ Mỹ kim).

Trong năm 2018 vừa qua, Liên Âu đối diện với một số chuyển biến bao gồm:

– Tình hình di dân vì kinh tế đến từ Bắc Phi, các vùng chiến tranh tại Trung Đông;

– Chống khủng bố với các cuộc trở về của những công dân Liên Âu đi tham chiến trong hàng ngũ quốc gia Hồi Giáo (IS Islamic State);

– Bảo vệ chủ quyền trên mọi lãnh vực kinh tế, kỹ thuật trước các tham vọng bá quyền của Trung Quốc và cạnh tranh gay gắt với Hoa Kỳ, Nhật Bản;

– An ninh lãnh thổ tại sườn phía Đông tại các quốc gia Baltic (Estonia, Lithuania Latvia) và Ukraine của Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với sự lấn chiếm bằng quân sự của Nga tại Ukraine;

– Phân phối công bằng lợi nhuận trong một xã hội tiền tiến hoàn toàn bị tài chánh ngự trị.

***

1. Di dân

Với một tỷ lệ sinh thấp (1,6%) và một tỷ lệ gốc Hồi giáo lên đến 5% dân số toàn Liên Âu (khoảng 26 triệu, 8,8% tại Pháp, 6,3% tại Anh, 6,1% tại Đức), người dân Âu Châu ngày càng quan tâm, nêu một cách công khai vấn đề di dân (immigration) trong công luận. Di dân trở thành quan tâm hàng đầu chỉ sau vấn đề công ăn việc làm và trước cả nhu cầu chống khủng bố.

Nhiều thống kê tại các quốc gia khác nhau cho thấy sự liên hệ khá mật thiết giữa mật độ di dân khá cao và nhiều vấn đề xã hội, kéo dài trong hơn 10 năm qua (gây náo động, sách nhiễu người khác, trộm cướp, tạo thành băng đảng phi pháp quy mô, nôi của những thành phần khủng bố tại Liên Âu,…) Đặc biệt nạn mất bản sắc (lối sống, văn hóa, tôn giáo) trở thành mối nguy của xã hội, mặc dù các chính phủ tại Liên Âu và giới truyền thông luôn từ chối đề cập hay muốn dấu nhẹm.

Tại Pháp, Đức, Anh các chính sách khuyến khích hội nhập vào môi trường sống bản xứ được xem là chỉ thành công một nửa, dù hàng chục tỷ Euros đã được bỏ ra cho các chương trình này. Hậu quả là nhiều chính phủ chủ trương chấp nhận di dân một cách rộng rãi đã bị dân chúng bất tín nhiệm trong các cuộc tuyển cử cấp địa phương hay cấp quốc gia (Đức, Ý, Đan Mạch, Áo,…) Trong những cuộc tuyển cử gần đây tại nhiều nước, khuynh hướng quốc gia (populist), khuynh hữu bảo thủ (conservative) chủ trương giới hạn di dân đã đạt tỷ lệ phiếu đáng kể hay lên nắm quyền tại Bắc Âu (Thụy Điển, Đan Mạch) và Đông Âu (Hungary, Ba Lan, Áo, Tiệp), Nam Âu (Ý, Bosnia).

Tại Đức, Liên minh CDU/CSU của bà Thủ tướng Merkel đã bị mất nhiều phiếu trong các cuộc tuyển cử tại các tiểu bang Hesse, Bavaria vì chủ trương thuận lợi cho di dân của bà Merkel. Tại Pháp, chủ trương giới hạn di dân trở thành một điều bắt buộc trong chương trình chính trị của các đảng phái khuynh tả, nhằm chống lại ảnh hưởng đang lên của đảng cực hữu Rassemblement National của bà Marine Le Pen.

Vấn đề di dân sẽ luôn trở thành đề tài nổi cộm trong công luận và sẽ là yếu tố quan trọng quyết định lá phiếu người dân tại Liên Âu trong nhiều năm trước mặt.

2. Chống khủng bố

Với sự tan rã của “Quốc Gia Hồi Giáo” (IS) tại Syria và Iraq, trước các cuộc tấn công của Liên quân (lực lượng Kurdes, Syria tự do, Hoa Kỳ, Pháp,…) chống khủng bố Daesh, khoảng 3.000 người mang quốc tịch các quốc gia Liên Âu đã đi tham chiến trong hàng ngũ Daesh tại Syria, và trong số này nhiều người đã trở lại Liên Âu sinh sống, cư ngụ (Pháp (323), Bỉ (121), Đức (850), Anh (400+),… và hơn một nửa có xác suất sẽ tiếp tục hoạt động. Một số đông những thành phần này đã nằm trong danh sách bị các cơ quan an ninh theo dõi, nhưng không bị bắt giữ hay cấm đoán về di chuyển vì luật lệ các quốc gia thuộc Liên Âu không “thích hợp” cho nhu cầu chống khủng bố.

Hiện nay, lục địa Âu Châu trở thành một loại hậu cần cho các hoạt động khủng bố nhằm vào Liên Âu hay xa hơn là Hoa Kỳ. Đa số các chính phủ Liên Âu có công dân đi tham chiến trong hàng ngũ khủng bố Daesh đều không muốn họ trở về nhưng không có luật lệ hay biện pháp ngăn cấm. Nhất là tuyến đường trở về bằng đường bộ, xuyên qua Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và các quốc gia vùng Balkan đều là những nơi mà kiểm soát biên giới rất lỏng lẻo và bị mua chuộc dễ dàng?

Lục địa Âu Châu là nơi xảy ra nhiều hoạt động khủng bố nhất trên thế giới, ngoại trừ vùng Trung Đông (16 vụ năm 2018, 35 vụ năm 2017, 23 vụ năm 2016,…) Tuy nhiên số nạn nhân đã suy giảm rất nhiều so với các cuộc tấn công quy mô tháng 11 năm 2015 tại Pháp với hơn 130 người chết, 350 bị thương, nhờ các biện pháp theo dõi các tổ Hồi giáo chìm bởi các cơ quan an ninh, cũng như sự hợp tác mật thiết giữa các nước trong Liên Âu và Liên Âu – Hoa Kỳ.

Do dó, vấn đề chống khủng bố vẫn là mối quan tâm hàng đầu của Liên Âu và NATO, với sự truy lùng khủng bố tại dải Sahel (chiến dịch Barkhane với quân đội Pháp và lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ) cũng như sự hiện diện quân sự lâu dài tại Trung Đông (Djibouti, Quatar, Arabie Saoudite, Syria) và Trung Á (A Phú Hãn, Iraq) và trên Ấn Độ Dương.

3. Bảo vệ chủ quyền về kinh tế, kỹ thuật

Hiện nay, Trung Quốc đang mua hay tham gia vốn đối với các công ty có công nghệ cao tại Liên Âu cũng như tại Hoa Kỳ về kỹ thuật nano, trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI), khả năng theo dõi qua mạng toàn cầu (spyware), kỹ nghệ robot (robotics), kỹ thuật đóng tàu chiến… nhằm lấy cắp, chiếm đoạt các kỹ thuật có tính chất chiến lược.

Sau khi bị ngăn chặn, cũng như nhiều thành phần thừa hành bị Hoa Kỳ bắt quả tang trộm cắp kỹ thuật tiền tiến, bị bắt giam và truy tố, Trung Quốc đổi hướng nhằm vào các hãng xưởng tại Liên Âu vốn có hợp đồng, đối tác về sáng chế với các công ty Hoa Kỳ. Trong 6 tháng đầu 2018, do ảnh hưởng về hàng rào quan thuế đánh vào các sản phầm “made in China” tại Hoa Kỳ, đầu tư TQ (FDI) vào Liên Âu lên đến 20 tỷ Mỹ kim trong lúc đầu tư vào Hoa Kỳ sút giảm mạnh, xuống còn 2,5 tỷ Mỹ kim.

Ngày nay, trước nhiều bằng chứng hiển nhiên, các chính phủ, giới chức trách nhiệm về an ninh, quốc phòng, an ninh mạng, giới nghiên cứu đều rất dè chừng trong những hợp tác với Trung Quốc. Nói cách khác, dư luận đều trở nên rất thận trọng với bất cứ đề nghị cộng tác, hợp đồng, trao đổi kỹ thuật, đầu tư đến từ các hãng xưởng Trung Quốc, vì họ đều biết là đảng CS Trung Quốc điều khiển đằng sau, và xử dụng như bình phong nhằm tiếm đoạt chủ quyền về kinh tế, kỹ thuật. Cho đến nay, sau nhiều đợt vận động của Trung Quốc, Liên Âu vẫn chưa chấp nhận nền kinh tế Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường, vì vẫn hoàn toàn nằm trong sự chi phối của đảng CSTQ.

Nhiều nghiên cứu, tuy không phổ biến rộng rãi, cho thấy mức tương quan khá mật thiết giữa việc lấy cắp kỹ thuật sản xuất qua việc chuyển nhượng kỹ thuật nhằm có thể bán hàng hóa, mở xưởng sản xuất tại TQ, và mức khiếm dụng nhân công tại Liên Âu. Nghiên cứu còn cho thấy, việc mở hãng sản xuất tại Đông Âu như Ba Lan, Tiệp, Rumania, Hungary sẽ tiết kiệm được nhiều ngân khoản về kiểm phẩm, chuyên chở, di chuyển nhân viên và tránh được bị bắt chẹt, tham nhũng.

Hình ảnh một Trung Quốc với giá nhân công rẻ, một thị trường hơn 1,4 tỷ người tiêu thụ, không còn mức hấp dẫn, trước chủ trương bá quyền, ngang nhiên chiếm đoạt kỹ thuật, mua vốn để giết chết hãng đối thủ. Việc này đã khiến chủ trương sản xuất hàng hóa ngay tại Liên Âu ngày trở nên phổ quát, sau hơn 2 thập niên toàn cầu hóa. Việc bảo vệ bản sắc, chủ quyền một dân tộc bắt đầu ngay từ việc bảo vệ chủ quyền về mặt sản xuất, kinh tế, tiềm năng về kỹ thuật… Nói chung là bảo vệ tiềm năng chất xám, sáng tạo trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0.

4. Bảo vệ an ninh lãnh thổ tại phía Đông Liên Âu

Việc dùng quân đội xâm chiếm Sebastopol, bán đảo Crimea (tháng 3, 2014) và công khai giúp võ khí cho phe ly khai (phần đất đông dân gốc Nga), cho thấy bản chất xâm lược của Nga vẫn còn nguyên vẹn và cho thấy lãnh đạo Nga sẵn sàng xử dụng mọi phương tiện để khuynh đảo, chiếm lại các lãnh thổ bị mất, củng cố vị trí của họ, sau khi Liên Bang Xô Viết tan rã vào năm 1991.

Các quốc gia sườn phía Đông của NATO, giáp ranh với Nga, hay các quốc gia thuộc Liên Xô cũ như các quốc gia Baltic, Ba Lan, Romania đều hiểu tầm quan trọng về bảo vệ an ninh lãnh thổ, qua sự hiện diện của NATO, đặc biệt của Hoa Kỳ ngay trên lãnh thổ của họ, với sự trú đón thường trực nhiều đơn vị Hoa Kỳ và các hệ thống võ khí tối tân (hỏa tiễn chống hỏa tiễn Patriot, Radar Aegis trên bộ, hệ thống kiểm báo tiền phương EWS). Trong lúc số lượng quân đội Hoa Kỳ trú đóng tại Đức, Ý, Anh ngày càng bị cắt giảm đến mức tối thiểu, nhưng có thể bù vào bằng hỏa lực các hệ thống võ khí tầm xa (long range), đặt trên chiến hạm và tàu ngầm phóng hỏa tiễn SSGN của Hoa Kỳ và NATO (Pháp) có khả năng can thiệp từ xa hơn 1000 cây số.

Tuy nhiên, các cuộc tranh chấp hiện nay, tuy có phần quân sự, nhưng thường được bắt đầu bằng các cuộc chiến trên mạng (cyberwar), tuyên truyền bằng tin giả (fake news) qua các mạng xã hội, nhằm điều hướng dư luận, bất lợi cho các nỗ lực đối kháng cần thiết. Ngày nay, các đơn vị tác chiến trên mạng của TQ và Nga đều có khả năng khống chế các mạng xã hội bằng dư luận viên, cách thức gây hỏa mù, đầu độc dư luận bằng những hình thức rất tinh vi.

Nói chung, các quốc gia Liên Âu đều phối hợp chặt chẽ với Hoa Kỳ về các biện pháp trả đũa, nhằm bắt Nga phải trả giá cao cho các âm mưu xâm chiếm tại Ukraine (một quốc gia có quy chế phối hợp partner với NATO), cũng như các âm mưu diệt trừ đối kháng qua đầu độc bằng hóa chất cực độc (vụ Sergei Skripal bên Anh), qua việc chế tài một cách nghiêm nhặt các quan chức cao cấp và các công ty trong vòng đai thân cận Tổng thống Nga Putin, theo tinh thần đạo luật Global Magnitsky.

Về mặt quốc phòng, các quốc gia Liên Âu đều bước vào chu kỳ phải tân trang quân đội, gia tăng tỷ lệ ngân sách cho quốc phòng (3% ngân sách), nhằm có phương tiện trong cuộc chiến chống khủng bố ngay trong vùng giáp ranh Nam Liên Âu (Bắc Phi, Trung Đông, miền Trung Châu Phi), cũng như đảm nhận nhiều trách nhiệm bảo vệ biên giới phía Đông, theo yêu cầu của Hoa Kỳ. Nhằm cho Hoa Kỳ rảnh tay dồn sức đối đầu với 2 siêu cường đối thủ là Nga và Trung Quốc tại Ấn Độ Dương và vùng Á Châu – Thái Bình Dương

5. Tái phân phối công bằng hơn về phúc lợi

Các mô hình dân chủ và phát triển kinh tế tại Liên Âu đều cho thấy đã đạt đến mức giới hạn, không cho phép một mức phân phối công bằng hơn phúc lợi cho mọi người dân. Dù các mô hình dân chủ Liên Âu đều đặt nặng vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt cho những giới có lợi tức thấp. Các khuynh hướng dân tộc (populism) đã được nhiều hưởng ứng trong dư luận Liên Âu, khi người dân không còn chấp nhận những lời hứa xuông hay những biện pháp kinh tế và xã hội không còn hợp thời nữa, rập khuôn theo khung suy nghĩ của một thiểu số ưu tú, kế thừa từ đầu thế kỷ trước.

Các cuộc biểu tình của áo gi-lê vàng tại Pháp, từ tháng11/2018 đến giữa tháng 12/2018, vẫn chưa chấm dứt, biểu hiện cho một sự phẫn nộ của một số đáng kể dân chúng thuộc thành phần lợi tức thấp và trung bình, tiểu thương, nông dân,… (hơn 30%), những người nai lưng đi làm nhưng cuối cùng không còn được hưởng phúc lợi đúng mức nữa trong một nền kinh tế điều khiển bởi tài chánh và lợi nhuận bằng mọi giá. Nhất là khi, hy vọng có được cải tổ đúng mức về thuế khóa nhằm cải tiến lợi tức nơi vị Tổng Thống trẻ tuổi nhất của nền Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp đã sụp đổ. Với hậu quả, người dân sẽ dồn lá phiếu của họ cho một khuynh hướng khác, nhiều phần lần này là cho khuynh hướng dân tộc, đang nẩy nở khắp Liên Âu.

Viễn cảnh Liên Âu trong 2019

Tuy có một tỷ lệ thất nghiệp cao nhất so với các nước tiền tiến như Hoa Kỳ, Nhật, Úc Châu, Liên Âu vẫn là một khu vực hàng đầu về kinh tế, sáng tạo kỹ thuật, phát triển con người (human development). Các vấn đề di dân, chống khủng bố, bảo vệ chủ quyền cần có được giải pháp thích nghi nhanh chóng.

Những quốc gia đầu tàu tại Liên Âu như Pháp, Đức, Ý cần cải tổ sâu rộng nhằm chống lại hiểm họa tự hủy bằng những mô hình chính trị, kinh tế, xã hội mới ngoài những quy luật, mô hình cổ điển về chính trị, kinh tế, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ 4.0, nhu cầu bảo vệ chủ quyền về quốc phòng và kinh tế, và nhu cầu phân phối phúc lợi công bằng hơn.

Những biện pháp mới này nhằm xây dựng tinh thần trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, nhưng đồng thời liên đới, trong một thế giới vẫn còn đầy rẫy tranh chấp cho tham vọng bá quyền, thống trị các dân tộc khác, vẫn còn đầy rẫy những hiểm họa hủy diệt nhân loại qua khủng bố, chiến tranh nguyên tử, hóa học.

Nguyễn Ngọc Bảo
https://viettan.org/lien-au-trong-nam-2018-va-vien-canh-trong-nam-2019/