Quê hương là chùm khế ngọt?

Nguyen Khan
 
Từ đây đến Tết NR dành nhiều thời lượng viết về quê hương, đất nước, con người... Giúp giảm bớt nhớ nhung cho đồng bào mình ở hải ngoại không về vui Tết với quê hương vì dịch cúm Tàu ngăn cản.

Bài thơ quê hương của Đỗ Trung Quân được xem là một trong những bài thơ hay nhất nói về đất nước.

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày.

Bởi ngày nay, các phương tiện giao thông hiện đại giúp sự đi lại giữa các nước dễ dàng, bang giao quốc tế rộng mở thuận lợi cho nhiều người rời bỏ quê hương định cư nước khác, cũng như giúp kiều bào dễ dàng về thăm cố hương.

Những cuộc nội chiến thường tạo ra những dòng người thua trận di tản tị nạn khắp nơi trên thế giới, đến nỗi khái niệm quê hương đất nước không còn như xưa. Tổ Quốc không còn được hiểu là một miền sông núi bất biến nơi người nào đó được sinh ra và phải được hoặc bị thuộc về, mà đã hàm nghĩa Tổ Quốc là bất cứ nước nào mà người đó chọn và được nước đó chấp nhận.

Nói cách khác, người ta định cư ở nước nào thì nước đó chính là Tổ Quốc của họ. Như vậy Tổ Quốc của một người có thể thay đổi, chỉ dân tộc là không thay đổi. Người Mỹ gốc Việt phải yêu Tổ Quốc Mỹ chứ không thể yêu Tổ Quốc Việt Nam như những người Việt quốc nội, nhưng người Mỹ gốc Việt và người Việt trong nước vẫn là đồng bào của nhau.

Chẳng hạn, nhóm tôn thất nhà Lý tị nạn qua Cao Ly tránh sự truy sát của Thái sư Trần Thủ Độ. Sau 8 thế kỷ không liên lạc với cố hương, số người Việt ít ỏi này tách rời văn hóa Việt, giao thoa văn hóa và tạp giao với người Cao Ly tạo ra những thế hệ lai không còn là người Việt thuần chủng. Song sau thế chiến thứ hai, tổng thống Hàn Quốc Lý Thừa Vãn vẫn xác nhận mình là hậu duệ nhà Lý.

Cách đây gần chục năm, một ông phó thủ tướng Đức của chính phủ thủ tướng Merkel xác nhận mình là người Đức gốc Việt. Ông này là người Việt 100%, được một người Đức nhận nuôi từ một cô nhi viện Khánh Hòa. Ông rời quê hương từ lúc còn nằm nôi, sống với cha mẹ Đức, ảnh hưởng văn hóa và giáo dục Đức 100% nên không nói được tiếng Việt và không biết gì về nguồn gốc cho đến khi thành danh mới nhận ra mình giống cộng đồng người Việt ở Đức, mới tìm hiểu và biết mình là người Việt.

Nói tóm lại, Tổ Quốc có thể thay đổi nhưng dân tộc thì dù ở bất cứ đâu vẫn là người Việt Nam. Sau 30/4/1975, hàng triệu người Việt chạy tị nạn đến nhiều nước trên thế giới, đông nhất là tại Mỹ, nhờ đó người Việt có mặt khắp nơi trên thế giới. Ngày nay người Việt hải ngoại có điều kiện và phương tiện hiện đại giao lưu với cố hương nên vẫn giữ được bản sắc dân tộc chứ không bị đồng hóa hoàn toàn như tôn thất nhà Lý ở xứ kim chi 9 thế kỷ trước.

Đương nhiên trong tương lai, miêu duệ người Việt hải ngoại sẽ tạp giao với các dân tộc bản địa tạo ra những thế hệ lai có thể có sự thay đổi (ngoại hình, màu da, tiếng nói...), song nguồn gốc người Việt sẽ còn mãi, nối truyền từ đời này qua đời khác, nhờ việc thường xuyên về thăm cố hương, nơi có bà con, dòng họ, mồ mả tổ tiên... Nên dòng giống Lạc Hồng sẽ lưu truyền mãi trong những người ly hương. Khi ấy có thể quê hương là chùm khế ngọt của Đỗ Trung Quân chẳng còn được hậu duệ người Việt hải ngoại để ý, họ chỉ quan tâm đến đồng bào và nguồn gốc dân tộc của họ. Cho nên nói rằng:

Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nỗi thành người

Là nói văn thơ thôi, chứ Lý Thừa Vãn hay ông phó thủ tướng Đức gốc Việt chỉ nhớ mình là người Việt chứ nhớ quê hương Việt Nam làm gì.

Cũng như những người Việt hải ngoại thường xuyên về cố hương là nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh em, bà con, làng xóm, bạn bè, đồng bào, nhũng dấu tích kỷ niệm... chứ không hẳn là nhớ đất nước, vì đất nước họ phải yêu phải nhớ là nơi họ đang sống, nơi họ đang thuộc về...

Tết cổ truyền Việt Nam sắp đến, chúc mọi người, đặc biệt là những người xa quê được an yên, vui vẻ và hạnh phúc !!