Ông Pompeo sang Việt Nam có phải là bất ngờ?

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo (nh Internet)
Thanh Thanh|

Chuyến thăm Việt Nam hai ngày 29 và 30/10 của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, được truyền thông quốc tế đánh giá là "bất ngờ" trong lộ trình sang châu Á lần này. Thế nhưng, nó hoàn toàn không bất ngờ khi xâu chuỗi các sự kiện và có vẻ như là đã được sắp xếp một cách hoàn hảo. Ngoài những nghị sự quan trọng trong chương trình làm việc của ngoại trưởng Hoa Kỳ, về liên kết quốc gia vùng hạ lưu sông Mekong, về kinh tế, và tự do hàng hải Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được công khai trên truyền thông chính thống. Thì sự "bất ngờ" này mở ra một điều thú vị, khi có thể mục đích quan trọng nhất trong chuyến sang thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo không phải là những việc trên.

Điểm lại những sự kiện liên quan gần đây nhất để có thể hiểu thêm. Ngay trong tuần lễ đầu tiên của tháng tháng 10 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có chuyến thăm đến Tokyo, Nhật Bản. Nơi ông có cuộc gặp cùng tân Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide và dự họp với các ngoại trưởng thuộc "Bộ tứ kim cương" (QUAD) bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Đối với Hoa Kỳ, chuyến đi này của ông Pompeo tới Nhật Bản vẫn không nhằm mục đích nào khác ngoài tìm kiếm, và muốn xác nhận sự ủng hộ của các thành viên còn lại, đặc biệt là Nhật Bản, trong các kế hoạch ứng phó đối với Trung Quốc. Thế nhưng, điểm đặc biệt trong cuộc họp của "Bộ tứ kim cương" lần này, lại là việc Nhật Bản đề xuất sự tham gia rộng lớn hơn của các nước khác khi nói về các thách thức của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông.

Hơn chục hôm sau, vào ngày 18/10, tân thủ tướng Nhật Bản Suga chọn Việt Nam là điểm đặt chân đầu tiên, trong chuyến công du đầu tiên của mình trên cương vị thủ tướng. Việc chọn Việt Nam là điểm đến của ông Suga, với lý do mà bộ Ngoại giao Nhật Bản đưa ra là: "Quan hệ đối tác chiến lược giữa Nhật Bản và Việt Nam đang phát triển hết sức mạnh mẽ." và "Việt Nam, với tư cách chủ tịch ASEAN năm 2020, đóng vai trò quan trọng trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản đối với ASEAN." Cùng với đó, trong họp báo ngày 19/10, ông Suga cho biết Việt Nam đóng vai trò trọng yếu khi Nhật Bản thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Qua những tuyên bố trên, có thể nhìn thấy được Việt Nam là lựa chọn điểm đột phá mở của Nhật Bản đối với ASEAN, trong đề xuất mở rộng tham gia của các nước khác tại cuộc họp của "Bộ tứ kim cương" trước đó.

Trở lại với chuyến đi được truyền thông quốc tế gọi là "bất ngờ" của ngoại trưởng Hoa Kỳ, Mike Pompeo tới Việt Nam. Trên trang chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ, lịch trình của ông Mike Pompeo từ ngày 25 đến 30.10 chỉ là công du bốn nước bao gồm Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives và Indonesia. Thế nhưng, bằng một thông cáo ngắn của bộ ngoại giao Việt Nam khi cho biết Ngoại trưởng Hoa Kỳ đến Hà Nội vào hai ngày 29 và 30/10. Thậm chí, chỉ ít phút trước khi Ngoại trưởng Mỹ bay từ Jakarta đến Hà Nội vào lúc 16h ngày hôm qua, bộ ngoại giao Hoa Kỳ mới thông báo về chuyến sang thăm Việt Nam của ông Pompeo. Đã tạo ra một sự bất ngờ rất có thể là một dụng ý, bởi nó không chỉ dành cho giới truyền thông mà mục đích chính là dành cho Trung Quốc. Bởi Trung Quốc là nguy cơ chung đối với lợi ích của hai quốc gia Việt - Mỹ, và chuyến đi này của ông Pompeo cần một sự bất ngờ, vì yếu tố gây áp lực ngăn chặn nếu biết trước từ phía Trung Quốc lên Việt Nam trong các quyết định hợp tác với Mỹ là hoàn toàn có thể xảy ra.

Câu hỏi đặt ra là, điều gì đứng sau kịch bản chuyến thăm bất ngờ này của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo? Đến lúc này ý tưởng biến "Bộ tứ kim cương" thành một liên minh quân sự như kiểu NATO vẫn còn khá xa vời. Nhưng căn cứ từ yêu cầu thực tế đối với chính sách quan hệ quốc tế của từng nước. Thì việc thứ trưởng Bộ quốc phòng Việt Nam, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đề xuất thành lập một trung tâm gìn giữ hòa bình của Châu Á - Thái Bình Dương là rất khả thi. Nó phù hợp với mục tiêu an ninh khu vực của "Bộ tứ kim cương", và tạo ra cơ chế cho phép sự can thiệp quốc tế vào các vùng có tranh chấp nóng như Biển Đông trước sự gây hấn ngày càng ngang ngược của Trung Quốc. Có thể nói rằng, hoạch định chiến lược an ninh của "Bộ tứ kim cương" và nhu cầu cần một sự trợ giúp từ những nước lớn cho các quốc gia có tranh chấp ở ASEAN có một điểm chung, đó đều là chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Vì lẽ đó, trong chuyến đi "bất ngờ" nhưng không phải là bất ngờ của ông Pompeo sang Việt Nam. Sẽ không có gì ngạc nhiên khi có một tuyên bố thỏa thuận về hợp tác an ninh giữa ASEAN/Việt Nam và "Bộ tứ kim cương", về việc đảm bảo cho sự ổn định hòa bình ở khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông, trên lộ trình tiến đến việc thành lập trung tâm gìn giữ hòa bình Châu Á - Thái Bình Dương.

Nếu những nhận định trên là chính xác, thì phải nói là ông cựu "trùm CIA" Mike Pompeo đã rất "cáo già" và "diễn viên" Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đã rất "cao tay", khi hai ông cùng nhau tạo ra một vở diễn ngoại giao hay như thế trước mắt Trung Quốc. Và đây là một tín hiệu của Việt Nam rất đáng được quan tâm, khi sự dịch chuyển sang phía Phương tây đã nhìn thấy rõ.