Sản xuất vải để hưởng lợi từ EVFTA và CPTPP: Bài toán nan giải cho Việt Nam!

: RFA|

Quốc hội Việt Nam vào đầu tháng 6 chính thức phê chuẩn Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-Châu Âu (EVFTA) và từ ngày 1/8 tới đây hiệp định bắt đầu có hiệu lực.

Ngành dệt may của Việt Nam, trong năm 2019, là ngành xuất khẩu lớn thứ ba với kim ngạch gần 40 tỷ USD, chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Và, khi EVFTA được thực thi, hàng may mặc Việt Nam sẽ được giảm thuế từ 12% xuống còn 0%.

Trước đó, Việt Nam cũng đã ký kết tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), có hiệu lực từ ngày 14/1/2019.  Hiệp định này quy định toàn bộ sản phẩm dệt may xuất khẩu, ngay từ khâu sản xuất xơ sợi, nhuộm… đến vải, quần áo thành phẩm đều được sản xuất trong nội khối CPTPP thì được hưởng thuế xuất-nhập khẩu bằng 0%.

Nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam cho rằng thông qua hai Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường và hưởng ưu đãi thuế.

Mặc dù vậy, theo báo cáo của Chương trình nghiên cứu chiến lược Mekong-Trung Quốc (MCSS) thì doanh nghiệp dệt may Việt Nam không dễ dàng tận dụng được ưu đãi của hai Hiệp định EVFTA và CPTPP. Đơn cử, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ tận dụng hiệp định thương mại (FTA) của Việt Nam rất thấp là không tự chủ được vấn đề xuất xứ hàng hóa.

Sản xuất vải là “nút thắt cổ chai”

Trong báo cáo “Dệt may Việt Nam: Tác động của COVID-19 và còn xa hơn nữa,” được công bố vào cuối tháng 6 vừa qua, nhóm nghiên cứu của MCSS ghi nhận yếu tố quan trọng nhất gây cản trở nằm ở khâu sản xuất vải, mà MCSS gọi là “nút thắt cổ chai” của ngành dệt may Việt Nam. Theo ghi nhận của MCSS, nhập khẩu vải và nguyên phụ liệu ngành dệt may hiện vào khoảng 40% giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc; trong đó 70% vải nhập khẩu phục vụ cho mục đích may xuất khẩu. Chi phí cho nhập khẩu nguyên phụ liệu đang chiếm khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp.

Tương tự, hồi tháng 6/2019, truyền thông trong nước dẫn lời của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết 70% lượng vải để sản xuất đồ may mặc phải nhập khẩu từ Trung Quốc, còn nhập từ các nước như Nhật Bản, Malaysia (trong nội khối CPTPP) là rất ít.

Đồng thời, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết 99% hàng phụ trợ của ngành may mặc chính là vải, nhưng hiện Việt Nam mới chỉ dừng ở khâu sản xuất sợi nên tỷ lệ lớn vải phải nhập khẩu về để may mặc.

Một chủ doanh nghiệp kinh doanh liên quan ngành dệt may ở Việt Nam, nói với RFA về nguyên nhân vì sao các doanh nghiệp Việt Nam chọn nhập khẩu vải từ Trung Quốc mà không sản xuất ở nội địa, hay mua vải từ các thị trường nước ngoài khác:

“Ở trong nước có sản xuất vải, nghĩa là nhập sợi và nguyên vật liệu từ Trung Quốc về để sản xuất ở Việt Nam nhưng giá thành tính ra vẫn cao hơn giá thành nhập vải trực tiếp từ Trung Quốc về. Tôi chưa nói đến khâu sản xuất nguyên vật liệu. Hiện nguyên vật liệu cũng chưa hề có và bây giờ mà đầu tư vào thì sẽ mất rất nhiều thời gian, tại vì trước giờ nhập về từ Trung Quốc rất rẻ và cũng phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều quá. Ngay cả Indonesia cũng rất mạnh về gia công may mặc thì nguyên vật liệu, họ cũng nhập từ Trung Quốc. Ngay cả Thái Lan cũng có duy nhất một nhà máy sản xuất thuốc nhuộm. Và Ấn Độ cũng vậy, chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Ấn Độ sản xuất được thuốc nhuộm cho sợi cotton nhưng cũng yếu lắm, cạnh tranh không lại. Cho nên, nếu doanh nghiệp ở Việt Nam đầu tư vào thì bao giờ mới cạnh tranh được, trong khi mọi thứ có sẵn ở Trung Quốc.”

Vị nữ doanh nhân, không muốn nêu tên, cho biết thêm các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan phát triển rất mạnh về sản xuất vải. Tuy nhiên trong khoảng 1 thập niên qua, các nước này cũng đã dịch chuyển nhà máy đến Trung Quốc vì lĩnh vực dệt, nhuộm gây ô nhiễm rất nặng cũng như thị trường nhân công ở Trung Quốc rất đông và rất rẻ. Do đó, quanh quẩn thì doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng lại mua vải có xuất xứ từ Trung Quốc.

Một số các chuyên gia trong ngành dệt may Việt Nam nhìn nhận Hiệp định CPTPP với lãi suất 0% là rất có lợi cho doanh nghiệp sản xuất đồ may mặc trong nước, vì thị trường của 11 quốc gia tham gia là rất lớn và các nước này lại không có lợi thế về may mặc. Và, để được hưởng lợi từ CPTPP thì Việt Nam phải “nội địa hóa” toàn bộ các sản phẩm là nguyên phụ liệu cho ngành may mặc.

Doanh nhân Diệp Thành Kiệt, một chuyên gia ngành may mặc và da giày Việt Nam, giải thích rõ về vấn đề này theo CPTPP và EVFTA:

“Đối với dệt may mà muốn hưởng thuế suất bằng không, tức là hưởng thuế suất ưu đãi, thì một trong những điều kiện là vải phải sản xuất tại Việt Nam. Thực ra vấn đề vải thì Việt Nam hiện nay có thể đảm đương khoảng 40% dung lượng để xuất khẩu trên cả nước. Tuy nhiên Việt Nam vẫn phải nhập một số vải từ Trung Quốc và một số nước khác. Riêng đối với Hàn Quốc thì Liên Minh Châu Âu cho phép chúng ta được lấy vải Hàn Quốc cộng vào và xem đó như vải nội địa. Đó là lợi thế rất lớn, tuy nhiên không phải vải nào của Việt Nam cũng được nhập từ Hàn Quốc hết. Nếu anh không bảo đảm được tỷ lệ quy định nội địa của EVFTA thì anh sẽ không được hưởng thuế ưu đãi. Không được hưởng thì thiệt thòi phải chịu là mức thuế cao. Đó là khuyến cáo không chỉ đối với ngành dệt may mà với tất cả các ngành.”

Một bài toán vĩ mô nan giải!

Giới chuyên gia ngày manh mặc Việt Nam ghi nhận tốc độ phát triển của ngành dệt may hiện nay là 15% và dự kiến đến năm 2025, quy mô dệt may Việt Nam sẽ tăng gấp đôi, nhu cầu về vải sẽ lên tới 20 tỷ mét. Như thế, thách thức của ngành dệt may Việt Nam là làm cách nào để sau 5 năm nữa phải có đủ 20 tỷ mét vải mỗi năm?

Theo “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030,” được Bộ Công thương phê duyệt và ban hành vào trung tuần tháng 4/2014, trong đó quy hoạch định hướng phát triển sản phẩm, lĩnh vực quan trọng bao gồm xây dựng chương trình sản xuất vải phục vụ xuất khẩu phát triển các sản phẩm dệt kỹ thuật, sản phẩm dệt phục vụ y tế; phát triển nguồn nguyên liệu xơ bông, các loại cây có xơ sợi, xơ sợi nhân tạo và phụ liệu; và tăng cường cho ngành may xuất khẩu để tận dụng cơ hội thị trường.

Tuy nhiên, trên thực tế thì lại là một bài toán khó mà không thể có đáp số, theo nhận định của những người có kinh nghiệm trong ngành dệt may.

Vị nữ doanh nhân ẩn danh ở Sài Gòn lên tiếng:

“Nói như vậy thôi, nhưng làm không dễ đâu. Khi sản xuất ra vải thì thứ nhất là sợi, sợi polyester gây ô nhiễm môi trường vì sản xuất từ nhựa. Thuốc nhuộm thì siêu ảnh hưởng đến môi trường, ô nhiễm tất cả con sông. Việt Nam đánh đổi bài toán môi trường sẽ như thế nào? Hiện Việt Nam đang rất yếu trong vấn đề đó, đang bị ô nhiễm về nguồn nước, nguồn không khí, khí thải rất nặng nề. Vì thế, đó là một bài toán vĩ mô rất lớn và Chính phủ phải xem xét. Chính phủ đầu tư thì phải bắt tay từ cơ sở hạ tầng, từ các vấn đề xử lý môi trường và phải đầu tư vào máy móc công nghệ, dùng để sản xuất ra sợi, sản xuất hóa chất, dùng để dệt may. Hiện tại máy móc và nguyên vật liệu đều mua từ Trung Quốc. Việt Nam muốn sản xuất vải thì hãy đầu tư vào con người, vào trí tuệ, vào sáng tạo để sáng chế ra được những máy móc hiện đại hơn, để có thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất.”

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, hồi tháng 6 năm ngoái nói với báo giới quốc nội rằng khó khăn nhất của dệt may hiện nay là “đầu ra” cho vải. Báo Sài Gòn Giải Phóng Online trích nguyên văn lời của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh rằng “Anh đầu tư vào vải, làm ra vải cho đất nước nhưng lại không bán được cho khâu may, bởi vì người ta không mua. Vì người ta phải mua theo chỉ định của khách hàng của người ta.”

Ông Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết thêm đầu tư vào một nhà máy dệt không chỉ vài triệu USD, mà phải lên tới vài trăm triệu USD. Chính vì vậy, theo ông Khánh, chỉ khi nào ngành dệt may Việt Nam đủ lớn thì mới có thể thu thu hút các nhà đầu tư vào ngành này.

Tuy vậy, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tuấn lại trưng dẫn một công ty của Hà Lan đang đầu tư ở Việt Nam muốn mang vào một loại máy nhuộm không dùng nước và xả thải, nhờ sử dụng khí CO2 để phun lên vải, sợi. Ông Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh “Nhưng địa phương lại không cho phép, vì không sử dụng… nước, không cho ra nước thải nên không cấp.”

Đây chỉ là một ví dụ trong rất nhiều bất cập về khâu sản xuất vải tại Việt Nam. Và qua phản ảnh của các doanh nghiệp trong ngành dệt may cũng như thông tin từ thứ trưởng Bộ Công thương thì những ích lợi từ các FTA, đặc biệt hai Hiệp định thế hệ mới EVFTA và CPTPP vẫn còn nằm ngoài tầm tay với của doanh nghiệp dệt may Việt Nam.