Đảng chỉ đạo báo chí đến bao lâu nữa…

Võ Văn Thưởng

Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân|

Báo chí cộng sản ngay từ những ngày đầu xuất hiện đã được định danh là “báo chí cách mạng” để phân biệt với báo chí tư sản, được đánh giá là nọc độc văn hoá đồi truỵ của Tây phương. Chính vì vậy trong bộ máy tuyên truyền của đảng CSVN, báo chí được coi như công cụ hàng đầu truyền bá tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin trong quần chúng, nhằm thực hiện thành công đường lối cai trị của đảng. Hay nói một cách hoa mỹ hơn, báo chí cách mạng là “vũ khí tư tưởng sắc bén” của đảng và nhà nước, nhưng Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ươngđối với dân gian thì nó là phương tiện khủng bố của đảng đối với người dân.

Mới đây, trong một bài báo nhan đề “Tăng cường công tác xây dựng đảng trong các cơ quan báo chí nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí”,  Võ Văn Thưởng đánh giá báo chí cách mạng trong những thời kỳ vừa qua “đã làm tốt” vai trò tay sai của đảng để uốn nắn dư luận xã hội theo ý của lãnh đạo. Ông Thưởng cũng không quên khoe, Ban Tuyên Giáo Trung Ương hiện đang nắm chặt trong tay 868 cơ quan báo chí, 66 đài phát thanh, truyền hình; một hãng thông tấn quốc gia và hơn 20 ngàn nhà báo. Gần 1000 cơ quan truyền thông nhà nước này, sinh hoạt nghề nghiệp trong môi trường bị kiểm soát chặt chẽ mà nhà nước gọi là tự do hàng triệu lần báo chí nước khác, thứ tự do của bầy chim trong lồng.

Bên cạnh vai trò đã đánh giá là làm tốt của báo chí, trưởng ban tuyên giáo cũng gián tiếp thừa nhận sự thất bại của mình khi cho rằng “báo chí chưa nhạy bén chính trị, chưa quan tâm việc đấu tranh phản bác các quan điểm thù địch, chống phá đảng và nhà nước”, cũng như khuynh hướng “thương mại hoá báo chí”.

Phải chăng đây cũng là hiện tượng chuyển hoá trong báo chí nhà nước mà ông Thưởng né tránh không dám nói ra. Trong khi ấy ông lại đổ thừa cho báo chí “chưa coi trọng đúng mức” công tác xây dựng đảng, nhưng đó chính là công tác mà ban tuyên giáo bỏ quên và gây ra tình trạng mà Phó Ban Tuyên Giáo Lê Mạnh Hùng nói báo chí nhà nước có hiện tượng xa rời sự chỉ đạo của lãnh đạo đảng.

Tuy nhiên, chung quanh mớ bùng nhùng do chính đảng tạo ra cho báo chí, người ta có thể hỏi: Vì sao đảng phải nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí trong tình trạng độc quyền báo chí như hiện nay?

Theo quan niệm thông thường, phẩm chất của một tờ báo in hay báo điện tử, hay một cơ quan truyền thanh, truyền hình thể hiện trong những bài viết được độc giả yêu thích, xem nhiều, đọc nhiều. Vì những bài báo ấy đã đáp ứng đúng nguyện vọng, thị hiếu của mọi tầng lớp độc giả và nhất là đem đến cho họ những món ăn tinh thần bổ ích cho kiến thức và hiểu biết xã hội chung quanh. Điều này rõ ràng không thấy trong một nền báo chí bị chỉ đạo và kiểm soát gắt gao như báo chí Việt Nam.

Để đạt được những điều căn bản nêu trên, ban biên tập một tờ báo phải là những người không chỉ có trình độ chuyên nghiệp nhất định về báo chí, mà còn phải là những nhà quản lý giỏi, những người nắm vững kỹ thuật trình bày một vấn đề trên báo thuộc bất cứ lãnh vực nào trong đời sống xã hội, chính trị. Có như thế tờ báo mới đáp ứng được nhu cầu của độc giả, khán thính giả của mình. Trong thời đại ngày nay, phẩm chất của báo chí còn thể hiện ở tính cách khách quan, minh bạch và tôn trọng sự thật. Còn phê bình, chọn lựa là quyền dành cho mọi tầng lớp độc giả.

Trong khi đó, ở Việt Nam hay một vài quốc gia còn theo thể chế độc tài cộng sản thì quan niệm lại khác. Các cơ quan báo chí, truyền hình, phát thanh được đảng cộng sản coi như công cụ quan trọng để tuyên truyền và khống chế người dân. Trong chiều hướng đó, dưới sự chỉ đạo của ban tuyên giáo, báo chí phải bỏ quên chức năng thông tin kịp thời những sự kiện xã hội, chính trị mà đảng cần giấu diếm. Tệ hơn nữa, còn đánh lừa dư luận bằng những tin tức mập mờ có lợi cho nhà nước. Quan trọng và nguy hiểm nhất, đảng sử dụng báo chí như một vũ khí lợi hại để bêu xấu những người bất đồng chính kiến và khủng bố người đọc mà mục tiêu sau cùng là làm cho mọi người phải sợ và phục tùng tuyệt đối mệnh lệnh của đảng.

Có lẽ sợ người ta quên hay đội ngũ “báo chí cách mạng” không làm đúng theo ý đảng nên ông Võ Văn Thưởng mới viết một bài dài để nhắc nhở, chỉ đạo báo chí phải nâng cao chất lượng. Mà muốn nâng cao chất lượng thì phải coi báo chí là công cụ của đảng, phải tăng cường công tác xây dựng đảng trong báo chí, sinh hoạt và giữ gìn kỷ cương theo đúng điều lệ đảng. Tuyệt nhiên người ta không nghe ông Thưởng đề cập đến chuyện nâng cao chuyên môn nghề nghiệp ký giả hay nâng cao giá trị tin tức, phẩm chất bài viết. Hoá ra đảng chỉ đạo báo chí không phải để làm cho mối dây liên lạc giữa nhân dân và chính quyền tốt hơn mà là chỉ đạo một công cụ vô tri như con dao, cái búa. Đây là dấu hiệu đảng đang dần dần đánh mất khả năng thống trị của mình qua hào quang quá khứ.

Trưởng Ban Tuyên Giáo Võ Văn Thưởng dường như đang ngủ mơ, vì trong thời đại ngày nay, thời đại mà báo chí, truyền thông đã vượt biên giới đi vào phổ biến sâu rộng trong mọi ngành nghề. Đời sống xã hội cũng có nhiều lựa chọn hơn loại báo chí nào phù hợp với thị hiếu của các tầng lớp độc giả, kể cả quan điểm chính trị. Cho nên bây giờ mà ông Thưởng muốn đem xích sắt trói buộc báo chí dù mệnh danh là “báo chí cách mạng”, phải đi đúng con đường đảng vạch ra thì cũng không dễ như xỏ mũi dắt trâu. Quả thật ông Thưởng đang muốn kéo xã hội Việt Nam trở về thời cổ lổ sỉ, nơi mà miếng cơm manh áo của báo chí được đảng ban phát.

Do vậy, không ai có đủ kiên nhẫn để đọc hết bài viết chỉ đạo dài lê thê của Võ Văn Thưởng; mà người đọc khi chỉ mới nhìn qua cái tựa đều phải chửi thầm “đồ tâm thần…”!

Phạm Nhật Bình