Xin đừng lãng quên một người tù "mồ côi"

Anh Lê Quý Lộc, 43 tuổi, Quê tại Sơn Tịnh, Quãng Ngãi, từ nhỏ đã vào Sài gòn.
Anh là một thành viên của “Nhóm Hiến Pháp”. Anh và một vài thành viên trong nhóm bị bắt hôm 4 tháng Chín, 2018,

Được biết, nhóm “Hiến pháp” được thành lập trước ngày 10/6/2018, tức là ngày nổ ra biều tình toàn quốc phản đối dự thảo Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng. Ban đầu tuyên thệ lập nhóm gồm 18 thành viên.Đã có 11 thành viên bị bắt.

Nói về hoàn cảnh của Anh Lộc, hầu hết thì giờ của anh tập trung để hoạt động nên không có khả năng chia sẻ gánh nặng gia đình khi sống cùng với người vợ tại Bình Thuận một thời gian. Sau đó vào lại Sài gòn để hoạt động với phong trào.

Anh có một người vợ hết lòng hy sinh, chịu đựng, lo cho chồng từ lúc chưa bị bắt cho đến lúc bị bắt, mặc dầu hoàn cảnh kinh tế chị rất khó khăn.

Khi anh trở lại sống tại Sài Gòn, vợ của anh Lộc đã phải vay mượn 500 triệu mua cho anh chiếc xe ô tô để anh chạy grab kiếm sống. Thay vì lo cho đời sống thì anh sử dụng Ô tô để giúp nhóm hoạt động. Cho đến khi anh bị bắt, ngân hàng xiết nợ, chị phải bán lỗ chiếc xe chỉ còn 250 triệu để trả nợ cho ngân hàng.

Trong thời gian hoạt động, ít ai biết tên của anh. Trên mạng xã hội anh Lộc không để tên thật. Vì thế khi anh bị bắt không ai biết để quan tâm và giúp đỡ cho đến khi nhóm “Gây quỹ 50K” gặp được vợ anh thì mới biết một số tin tức liên quan về những hoạt động của anh Lộc.

Nghe nói suốt hơn một năm qua, công an tìm mọi cách từ thuyết phục cho đến dùng mọi thủ đoạn để áp lực anh nhận tội và khai báo, nhưng anh kiên quyết không nhận tội cũng không khai báo gì nên hồ sơ của anh bị trả về điều tra lại.

Điều đau lòng nhất là khi anh bị bắt, tất cả người thân trong gia đình anh xa lánh vì sợ liên lụy.

Điều không may mắn nữa, là vợ chồng đám cưới, nhưng không có đăng ký kết hôn. Bởi vậy nhà tù không cho vợ của anh Lộc được phép gặp chồng, mặc dầu được chính quyền địa phương xác nhận họ là vợ chồng, có hình ảnh đám cưới chứng minh.

Chị đã chạy đôn, chạy đáo để lo đầy đủ thủ tục hợp pháp để hy vọng được gặp mặt và thăm nuôi chồng. Nhưng không biết đến bao giờ chị mới được phép vào thăm nuôi chồng?

Đây là cái giá phải trả đối với những người hoạt động vì đất nước khi bị sa cơ. Không những vậy, còn trở thành gánh nặng cho gia đình. Nhưng họ chấp nhận hy sinh để đánh đổi cho một tương lai của đất nước.

Không có sự đóng góp nào không giá trị, nhất là những đóng góp để bảo vệ sự tồn vong của dân tộc và thay đổi một xã hội tốt đẹp hơn.

Rất trân trọng sự hy sinh của anh Lê Quý Lộc và Vợ của anh.
Những người này cần được sự quan tâm và giúp đỡ.

Lê Ánh