Những câu chuyện Việt Nam

Tân Phong|

Câu chuyện về cái chết đầy nghi vấn của ông thứ trưởng bộ Dục mới 48 tuổi, đang có tương lai rực rỡ ở đại hội sắp tới bỗng nhiên trượt chân rớt từ tầng 8 xuống đất như một củ khoai khiến cho toàn thể giới báo chí “lề trái” nhốn nháo y như vụ Yên Bái mấy năm trước khi các đồng chí cộng sản đã thẳng tay nã súng vào đầu nhau. Hơn 800 tờ báo chí “lề phải” đương nhiên không được quyền “mở mồm” về những vụ “nhạy cảm” như thế nên đành đào bới vụ nước sạch Sông Đà nhiễm dầu thải khiến cho hơn 1 triệu dân cư Thủ đô tháo dạ, ghẻ lở và phải tắm bằng nước La Vie.

Quả là một thời điểm hiếm có để ban tuyên giáo Trung ương có thể thở phào nhẹ nhõm kéo sự chú ý của người dân Việt ra khỏi những câu chuyện về chủ quyền ở Tư Chính, hay sức khỏe của nền kinh tế quốc gia đang phải cần khẩn cấp “chích doping liều cao” tới hơn 20 tỷ USD để duy trì cho đến năm 2020.

Quả thực, nghề làm quan ở xứ cộng sản xem ra không còn dễ dàng nữa. Thậm chí, nó nên xếp vào loại nghề nghiệp có rủi ro cao với những cái chết rất lạ như “nhiễm virut lạ”, “ung thư gan” khi đang còn khỏe mạnh và… té lầu vì trượt vỏ chuối chẳng hạn. Tuy vậy, sức hấp dẫn của nghề này vẫn rất mạnh mẽ. Đơn giản, vì không nghề nào kiếm tiền dễ như thế cả. Dễ tới mức, chỉ cần mượn một tấm bằng trung cấp xin vào làm hợp đồng ở một cơ quan tỉnh ủy, “lấy lỗ làm lãi” cho dăm bảy quan anh là một em cắt tóc gội đầu cũng làm tới trưởng phòng hành chính tỉnh ủy.

Nếu không bị các đồng chí tố cáo thì không khéo còn có thể làm tới …chủ tịch quốc hội chứ chẳng chơi. Về hiệu quả kinh tế thì nghề làm quan quyết không thua nghề làm thày chùa, sư sãi có thẻ đảng viên và vượt xa so với nghề buôn ma túy hay làm đĩ hạng sang. Tỷ lệ chết vì “bệnh nghề nghiệp” vẫn rất thấp, còn nếu chỉ “kỷ luật” hay hy hữu đi tù như anh Đinh La Thăng thì cũng vẫn sướng như vua. Chính vì lẽ đó, mục tiêu cắt giảm số công nhân viên chức cho bộ máy công quyền hoàn toàn xa vời nếu không nói là bất khả thi.

Xứ Việt vô vàn chuyện lạ, báo chí Việt Nam thừa thãi mông vú và scandal. Dân chúng xem ra đã bội thực scandal showbiz và Lotus thì bây giờ có scandal chính trị. Vấn nạn xã hội nhức nhối tới mức làm con người ta trơ lỳ về cảm xúc, tê liệt về nhân tâm từ lúc nào không hay. Nếu như chịu khó la cà ở những quán cóc vỉa hè ở thủ đô “văn vật” thì ta thấy nhiều sự khác thường đáng sợ. Ngày trước, dân tình còn bàn tán xôn xao về chuyện anh Minh kiểm lâm đem súng bắn hai quan đầu tỉnh xứ Yên Bái với đủ mọi suy đoán. Rồi đến “cái lò” của ông Trọng, cũng được bàn ra, tán vào xôm tụ lắm, mấy ông cựu chiến binh phát biểu hùng hồn ở tổ dân phố cứ như là tự tay mình làm được điều vĩ đại cho Công lý vậy.

Việc biểu tình chống Trung Cộng, Tư Chính, biển đảo và cái chết của ông Đại Tướng, Chủ Tịch Trần Đại Quang… ai cũng rành chuyện như là chính trị gia chuyên nghiệp đang chém gió ở quốc hội hay bộ ngành này nọ. Ai bảo dân Việt mù chính trị, không quan tâm chính trị đâu. Họ biết nhưng biết để … chẳng làm gì cả vì vẫn nghĩ “mọi chuyện đã có đảng lo”. Nhưng năm nay, những câu chuyện về HD 8, “lò ta, lò địch” và bây giờ là ông thứ trưởng té lầu chết xem ra …nhạt thếch như nước ốc. Bà bán nước chè viả hè còn cười bảo “Chết đứa nào, bớt đứa đó. Có đứa nào tử tế hơn đứa nào đâu!” – nghe lạnh lùng, sắt máu dễ sợ.

Những câu chuyện bàn tán thế sự hôm nay thưa vắng lắm. Người dân lo lắng, quan tâm cái gì hơn thế? Ah, họ quan tâm ăn cái gì để không chết sớm vì ung thư, uống cái gì không bị nhiễm độc và làm thế nào để kiếm được thêm tiền hơn cho cuộc sinh nhai đang ngày một khó khăn. Thế cũng là quan tâm chính trị đấy. Chính trị của sinh tồn!

Người ta không còn quan tâm đến Công lý nữa, không quan tâm đến Luật pháp nữa vì biết rằng những thứ đó ở xứ này như trò hề rẻ tiền, cũng như … mông vú ở showbiz mà thôi. Họ quan tâm đến sự tồn tại của họ và gia đình trong một thời biến loạn sắp tới. Họ tê liệt với sự mệt mỏi từ cuộc “sống mòn, chết yểu” và một xã hội đầy rẫy những thứ nhảm nhí rác rưởi. Không còn tin vào cái gì nữa, không có mong đợi gì tốt đẹp hơn cả và mục đích duy nhất là tồn tại. Những kẻ giàu có hơn thì lo hưởng thụ, thỏa mãn các nhu cầu bản năng.

Chẳng biết làm sao, cái loa rè ở quán café bẩn thỉu bên đường rống lên cái bài hát ngớ ngẩn rất thịnh hành khoảng chục năm về trước của một cô diva xứ Đông Lào “Tình yêu đến em không mong đợi gì. Tình yêu đi em không hề hối tiếc. Ngày xa xưa em hát với dòng sông. Và giờ đây em hát giữa dòng đời, dù dòng đời không êm ái như dòng sông…” Có lẽ rất đúng với trạng thái tình cảm ở người dân xứ này. Một sự vô cảm, vô tri và câm lặng đang bao trùm lên tất cả và bỗng nhiên khi có những tấn bi kịch nào đó kinh khủng xảy ra thì lại ồn ào thêm vài hôm mà thôi.

Hôm qua, chat với một đứa em làm việc ở nhà máy Vinfast ở dưới Hải Phòng, nó khoe lương được 30 “củ” – một mức lương khá cho một kỹ sư cơ khí ra trường được 7 năm ở Việt Nam và nó kiếm được việc làm cho vợ ở một trường mầm non tư thục cũng được 6 triệu. Hai vợ chồng bỏ Thủ đô về thành phố cảng Hải Phòng, nơi có mức sống dễ chịu hơn và thu nhập tốt hơn khi nó ở Hà Nội. Mục tiêu phấn đấu của nó sẽ cố gắng mua một căn hộ của Vingroups trong 3 năm tới dưới Hải Phòng. Vingroups là một cái tên có mặt ở khắp mọi nơi tại Việt Nam trong khoảng thời gian 15 năm trở lại đây. Bây giờ, có một công việc tốt ở Vingroups, mua nhà ở Vinhomes, đi xe Vinfast, con cái học ở Vinschool …đang là một điều đáng mơ ước cho những người trẻ Việt Nam. Người ta gọi đó là những “công dân Vins hay là giai cấp Vins”.

Sau thất bại thảm hại của những tập đoàn nhà nước suốt 30 năm qua, khiến cho giờ đây tất cả các tập đoàn hay tổng công ty nhà nước có chữ Vina – “thương hiệu quốc gia” – thì đều được người dân nghĩ ngay tới vỡ nợ và tham nhũng. Chỉ riêng những khoản nợ do chính phủ bảo lãnh cho những tập đoàn này đã lên tới hơn 27 tỷ USD đến hạn phải trả.

Mới đây nhất, việc chậm trễ trả nợ đã khiến cho Moody’s đánh tụt hạng tín nhiệm quốc gia xuống mức Ba3 khiến 17 ngân hàng bị hạ điểm và ảnh hưởng toàn bộ nền kinh tế vốn đang quá “mong manh dễ vỡ”. Những thiên tài AQ đảng cộng sản lại loay hoay với cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” và chính phủ “kiến tạo” cuả ông Nguyễn Xuân Phúc đang bắt đầu một cuộc trường chinh mới, cố gắng trở thành một quốc gia “tư bản hoang dã”, sau nhiều thập kỷ “quá độ lên chủ nghĩa xã hội”.

Tân Phong