Hà Nội ô nhiễm không khí

Mặc Lâm – VOA|

Hà Nội không vội được đâu (tựa của tác giả)

Hôm 5 tháng 3, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đưa ra một báo cáo gây sửng sốt về ô nhiễm không khí, thông số PM2,5 cao gấp 7 lần so với mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và gấp 3 lần so với tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam. Mới đây nhất, sáng ngày 1 tháng 10 Hà Nội như có một màn sương dày đặc bao phủ nhưng thật ra đó là bụi trong không khí đang hòa trộn với nhau mà giới khoa học gọi là bụi mịn.

Chỉ số AQI lúc 6 giờ sáng ngày 30 tháng 9 tại Hà Nội có nơi lên tới 265, chỉ số bụi mịn PM2,5 là 215,4 µg/m3, cao gấp 8 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và 20 lần trung bình năm của WHO. Chỉ số của ngày 30-9 cũng cao hơn nhiều so với kết quả đo được vào cùng thời điểm ngày 29-9 với AQI ở mức 179, bụi mịn PM2,5 là 109,3 µg/m3.

Các hạt bụi mịn PM2,5 và PM10 được sinh ra từ tự nhiên như cháy rừng, khói núi lửa, các cơn bão cát, lốc xoáy, hoặc từ chất thải sinh vật, nước thải côn trùng. Nhưng đa phần bụi được tạo ra từ các hoạt động của con người. Theo giới chức trách nhiệm tại Hà Nội cho biết có 12 nguyên nhân gây ô nhiễm và tạo ra bụi mịn tại Hà Nội bao gồm: khí xả thải từ ôtô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Theo tổ chức đo chất lượng không khí thế giới AirVisual cho biết thu thập dữ liệu ở Việt Nam từ nhiều trạm đo thuộc chính phủ và phi chính phủ thì theo bảng xếp hạng 10 thành phố có chất lượng không khí xấu nhất thế giới trên tổng số 10.000 thành phố được quan trắc của ứng dụng AirVisual vào 8 giờ ngày 26/9, Hà Nội ở vị trí số 1 (chỉ số AQI luôn trên 200 - mức xấu), ngay sau là thủ đô Jakarta của Indonesia và TP HCM.

Thế nhưng theo Thứ trưởng TN&MT Lê Công Thành thì kết quả đo mức độ ô nhiễm của các trang mạng nước ngoài chỉ mang tính chất tham khảo vì chưa được chuẩn hóa. Ông cho rằng các trang mạng phản ánh chất lượng không khí trên toàn cầu là trang mạng nước ngoài mà theo Bộ tìm hiểu, thu thập thông tin từ nhiều trạm quan trắc không khí khác nhau của Hà Nội và TP.HCM lắp đặt có các trang mạng này đặt hàng và truyền thông tin cho các trang này.

Tuy nhiên trên tờ VNExpress, “Louise Watt, phát ngôn viên của IQAir AirVisual giải thích cho công tác đo đạt bụi mịn tại Hà Nội, IQAir AirVisual thu thập dữ liệu từ 14 trạm kiểm soát không khí, gồm có 10 trạm thuộc chính phủ. Đó là mạng lưới quản lý chất lượng không khí Hà Nội, (http://moitruongthudo.vn/), Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc (http://cem.gov.vn), Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. Các tổ chức phi chính phủ gồm ba đối tác của AirVisual (AirVisual Contributors) trong đó có một tổ đối tác do Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) vận hành. Ở mỗi trạm, các chỉ số được thu thập theo thời gian thực, chất ô nhiễm được đo và dựa theo Chỉ số chất lượng không khí của Mỹ (U.S. Air Quality Index value). Chẳng hạn, độ tập trung của PM2,5 là 102,2 micrograms trên mỗi m3 ở Hà Nội lúc 7h sáng nay được coi là không tốt cho sức khoẻ theo US Air Quality Index.”

Sở dĩ chúng tôi trích dẫn khá nhiều vì muốn chứng minh rằng lời phủ định của Thứ trưởng TN&MT Lê Công Thành là thiếu căn cứ. Những gì mà tổ chức IQAir AirVisual đã và đang làm trong tinh thần khoa học và có thể dễ dàng xác minh độ tin cậy của một tổ chức phi chính phủ. Những số đo chính xác của họ không phải để tham khảo mà cần thấy rằng đó là công trình khoa học đáng tin cậy và cần dựa vào để đối phó với những gì đang xảy ra.

Trước mắt là sức khỏe cộng đồng có thể nguy hại đến toàn bộ quốc gia vì bụi mịn hòa cùng các loại ô nhiễm không khí khác hoàn toàn có thể làm kiệt quệ sức khỏe người dân bởi những căn bệnh ung thư hay bệnh về hô hấp, tim mạch. Mức độ nguy hiểm của bụi mịn rất đáng sợ PM2,5 và PM10 đi vào đường hô hấp khi con người hít thở. Trong khi PM10 đi vào cơ thể qua đường hô hấp và tích tụ trên phổi, thì PM2,5 đặc biệt nguy hiểm hơn vì chúng bé đến mức có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu.

Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới WHO và Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế IARC cho biết nếu mật độ PM10 trong không khí tăng lên 10 µg/m3 thì tỷ lệ ung thư tăng 22%, và mật độ PM2,5 tăng thêm 10 µg/m3 thì tỷ lệ ung thư phổi tăng đến 36%.

Sự nguy hiểm đã lộ rõ và người dân Hà Nội không biết làm gì hơn là mang khẩu trang tránh bụi. Từ nhu cầu này một loại khẩu trang đặc biệt chống bụi mịn đã được bày bán với giá khó tin: một hộp khoảng 20 cái được bán gần 500 ngàn đồng nhưng vẫn có rất nhiều người tranh nhau mua còn mức độ an toàn thì chưa có cơ quan chức năng nào xác nhận.

Để đối phó với bụi mịn, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nhận định nồng độ bụi mịn PM2,5 tại Hà Nội ở mức cao nhất trong 5 năm qua và ông khuyến cáo "người dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh hô hấp nên hạn chế ra bên ngoài, tham gia giao thông và các hoạt động ngoài trời" Đây là giải pháp khó hiểu và cũng rất khó thực hiện bởi không ai có thể ở mãi trong nhà để tránh bụi trong khi bao tử không ngớt thôi thúc phải kiếm tiền.

Trong khi đó Bộ Y Tế hoàn toàn im lặng không có một hướng dẫn nào dù đơn sơ nhất cho người dân nhằm phòng tránh hay sơ cứu nếu có trường hợp nhiễm bệnh.

Xưa nay câu nói quen thuộc “Hà Nội không vội được đâu” mang hàm nghĩa “với hoàn cảnh hiện tại của Hà Nội, chuyện muốn làm nhanh một việc gì đó theo ý mình là khó thực hiện, cần phải chọn cách giải quyết phù hợp”. Đó là nói về người dân bắt buộc phải dựa dẫm vào quan trên, nhưng bây giờ thì cái câu nói cửa miệng ấy đã lan sang nhà quan, nhất là các quan trong Bộ Tài nguyên Môi trường.
Phủ định kết quả của một cơ quan độc lập nhưng không có bất cứ một quyết sách cụ thể nào đối phó vấn nạn ô nhiễm không khí là cách mà Bộ TN&MT đang làm. Người dân không khó để đoán định rằng rồi đây hàng đống lý do phủ định khác sẽ được đưa ra nhằm tránh né trách nhiệm cụ thể trong đó không thiếu lý do khách quan do người dân tạo nên và cũng tại người dân không ý thức trách nhiệm gìn giữ môi trường.

Con lừa già kéo cỗ xe trách nhiệm vẫn mãi ì ạch trên con đường phục vụ nhân dân và người Hà Nội một lần nữa thấm thía câu “sấm” “Hà Nội không vội được đâu” nay đã vào thẳng chốn quan trường và vì vậy nỗi lo bụi mịn có kéo dài tới đâu cũng “tại xã hội này nó thế”./.