XIN VIỆC VÀ NHỤC NHÃ VÌ TÌM VIỆC

Hôm qua tình cờ tôi có đọc được một bài báo của một tác giả An Yên trên báo VTC viết về một cử nhân đứng “xin việc” bên lề đường. Tôi thực sự ngạc nhiên khi người viết báo cũng như ban biên tập VTC coi hành động này như là một việc làm nhục nhã.

“Xin việc” có nhục nhã không? Không, thưa các bạn. Việc một người bằng nỗi lực của bản thân tìm kiếm cho mình một cơ hội được làm việc một cách chính đáng thì không có gì là nhục. Cái nhục ở đây nên dành cho tác giả của bài viết và ban biên tập CTV thì đúng hơn.

Vì sao? Chúng ta hãy xét bài báo này trên hai khía cạnh: ngôn từ và nội dung.


Cử nhân đại học Anh 'đứng đường' tìm việc làm là chuyện bình thường.

VỀ NGÔN TỪ

Trong bài báo này có một từ mà nếu xét ra nó không có nghĩa gì cả, đó là từ “xin việc”. Tại sao phải xin việc? Xin việc để làm gì? Nếu có xin thì tất có cho, vậy ai sẽ cho chúng ta việc? Nếu họ cho chúng ta việc, vậy họ có phải trả tiền cho cái “cho” của họ không?
Không biết từ bao lâu, trong xã hội chúng ta tồn tại những cái xin rất kỳ cục như: xin nhập học, xin thay đổi nhân khẩu, xin vay vốn ngân hàng, xin ly hôn … và đến cả xin việc.

Ở đây tôi chỉ bàn về hai chử “xin việc”. Việc tại sao lại xin? Việc, nếu xin được rồi thì có quyền đòi lương không? Người cho bạn việc rồi thì có phải trả thêm lương vì đã “lỡ cho” việc không? Chỉ với vài câu hỏi nhỏ thì chắc mọi người cũng có thể thấy sự bất hợp lý khi chúng ta sử dụng từ “xin việc”.

Chúng ta cần phải phân biệt rõ là không ai đi xin việc cả, chúng ta đi “tìm việc” để làm và chúng ta mong nhận lại một khoản thù lao để thực hiện công việc đó. Và người tuyển dụng có trách nhiệm phải trả một khoản thù lao đó cho chúng ta khi chúng ta giúp họ thực hiện một công việc. Nếu chúng ta đã từng một lần ứng tuyển vào công ty nước ngoài, chúng ta sẽ thấy “thư ứng tuyển” (Letter of Application) hay “phiếu đăng ký dự tuyển” (Application form) mà không có một cái gì gọi là đơn xin việc như ở Việt Nam. Là những người chơi đùa cùng “ngôn ngữ” và sống bằng “ngôn ngữ”, chẳng lẽ cả nhà báo và ban biên tập lại không phân biệt được ý nghĩ của từ “xin” và “ứng tuyển” hay sao? Hay do ý thức xin – cho đã ăn sâu trong tiềm thức của họ?

Tôi nghĩ rằng, đã đến lúc chúng ta phải bỏ đi ý thức xin – cho mà biểu hiện rõ nét nhất đó là hàng loạt cái “xin” hoàn toàn vô lý đó.

VỀ NỘI DUNG

Tôi thật sự ngạc nhiên khi có người coi hành động đi tìm việc để làm một cách quang minh chính đại như vậy là một sự nhục nhã. Tại sao nhục nhã? Câu ta xin cái gì của ai sao? Cậu ta trộm cắp hay cướp giật cái gì của ai sao? Việc mà cậu ta làm chỉ đơn giản là thông báo cho những người đi ngang qua đó biết là cậu ta sẵn sàng cho một công việc mới. Vậy có gì là nhục nhã?

Cái nhục nhã mà tôi thấy ở đây là: một xã hội đã đẩy cậu ta vào con đường khốn khổ, một xã hội mà các cử nhân hầu như bế tắc khi tìm việc để mưu sinh. Và một cái nhục nhã nữa là một tòa báo đã dùng tiền của chính cha mẹ cậu ta để sỉ nhục mong muốn chính đáng của cậu ta là tìm được một việc làm để nuôi sống bản thân và gia đình nhỏ của cậu.

Tôi không biết tác giả bài báo và VTC đăng tải bài viết này với mục đích gì, nhưng tôi đoán rằng, họ sợ một làn sóng dư luận đồng tình phía sau hành động đó, và điều đó bôi xấu lãnh đạo của họ. Họ viết một bài báo để chặn đứng dư luận và bưng bô cho lãnh đạo của mình. Nhưng mà, cho dù là vì mục đích gì đi nữa, thì việc dùng ngòi bút để sỉ nhục một cá nhân với một ước muốn trong sáng như vậy là một hành động vô đạo đức, vô nhân tính.
Rất mong rằng, trong xã hội chúng ta, những nhà báo như An Yên và tòa báo như VTC ít thôi, càng ít càng tốt.

Theo FB Duy Le