Quy Định 37 là trận đồ để ông Trọng nắm quyền vĩnh viễn

Phạm Nhật Bình -Việt Tân  

Cách nay đúng 10 năm, ông Nguyễn Phú Trọng lần đầu tiên được bầu làm tổng bí thư đảng CSVN thay thế Nông Đức Mạnh tại đại hội XI (1/2011). Gần một năm sau, ông Trọng ký ban hành Quy Định số 47 vào ngày 1 tháng Mười Một, quy định 19 điều đảng viên không được làm nhằm mục đích “tăng cường kỷ cương, kỷ luật của đảng và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng và tính tiên phong gương mẫu của đảng viên…”

Đọc qua 19 điều đảng viên không được làm này, ai cũng thấy đó là sự minh chứng trên giấy trắng mực đen, tình trạng suy đồi mọi mặt của hầu hết cán bộ đảng viên trong hệ thống đảng và bộ máy cầm quyền. Đó cũng chính là 19 tội lỗi mà đảng viên thường xuyên phạm phải trong những năm dài độc quyền tàn phá đất nước, khiến cho những lời xưng tụng về phẩm chất, đạo đức, gương mẫu của người cộng sản trở thành lố bịch trước mắt quần chúng. Dù sao ông Trọng cũng không đến nỗi nhắm mắt làm ngơ mà phải bạch hóa sự âu lo của mình, trước hết cho sự tồn vong của đảng vì sự suy đồi của đa số đảng viên.

10 năm sau, một lần nữa tại Hội Nghị Trung Ương 4 khóa XIII, ngày 25 tháng Mười, ông Trọng lại ký Quy Định 37 thay thế Quy Định 47 trước đây. Quy định mới này cấm đảng viên thêm nhiều điều như: Điều 5, không được phát tán bài viết, bài nói, phỏng vấn, hồi ký khi đảng chưa cho phép; Điều 9, không được nhập quốc tịch nước ngoài; không chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài cũng như không được mở tài khoản ngân hàng và mua bán tài sản; Điều 17, không can thiệp, tác động để vợ hoặc chồng, con, cha mẹ, anh chị em ruột đi du lịch, du học bằng nguồn tài trợ của các tổ chức liên quan.

Nói một cách tổng quát, Quy Định 37 lần này bao gồm 19 điều cấm đảng viên không được làm đã ban hành năm 2011, nay càng siết chặt thêm với những nội dung mới mà lần trước còn để lọt. Tại sao ông Trọng phải ra nhiều điều cấm đảng viên như vậy?

Ông Nguyễn Phú Trọng lên nắm chức tổng bí thư đảng từ đại hội XI năm 2011, nhưng lúc ấy quyền hạn hầu như tập trung vào tay Nguyễn Tấn Dũng, người đứng đầu chính phủ đang được sự ủng hộ từ các tỉnh. Ngay cả việc kỷ luật Nguyễn Tấn Dũng vì những thất bại nặng nề về kinh tế cũng không thành, ông Trọng đành cay đắng chịu thua “đồng chí X” lúc đó.

Đến năm 2016, trong đại hội XII ông Trọng mới thực sự nắm quyền lực đảng trong tay khi loại được “bố già” Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi cuộc đua vào ghế tổng bí thư, được mô tả là một cuộc tranh hùng gay cấn giữa hai nhân vật đầy tham vọng trong đảng. Một thỏa thuận ngầm để Nguyễn Tấn Dũng về quê “làm người tử tế” nhưng mở ra con đường thăng tiến trong đảng cho hai người con trai sau này.

Từ năm 2016 đến nay, Nguyễn Phú Trọng tung ra chiến dịch đốt lò nhưng chỉ mới nhặt được loại rác rưởi, sạn cát. Đây là những cán bộ mặc dù đã được trung ương quy hoạch thành cán bộ chiến lược, nhưng dễ dàng bị kinh tế thị trường đốt cháy do lao vào suy đồi trong tư tưởng và hành động từ sự cám dỗ của đồng tiền. Dù công cuộc đốt lò chống tham nhũng chỉ diệt được ruồi, nó luôn được đề cao là đạt được thành công “toàn diện, đồng bộ và rõ nét,” ông Trọng vẫn chưa hoàn toàn nắm chặt được quyền lực trong tay.

Muốn làm được điều này, trong đại hội XIII ông Trọng  ra sức xoay chuyển tình thế, vượt qua quy định của trung ương, tiếp tục ngồi lại ghế tổng bí thư lần thứ ba. Giờ đây để có thể tiếp tục ở vị trí “thái thượng hoàng” trong mai sau, ông Trọng phải tạo một dấu ấn cho tên tuổi mình.

Về lý thuyết, ông Trọng ra sức nhồi nhét cái gọi là tiến lên xã hội chủ nghĩa dù chính ông cũng không hình dung hay xác định được thời gian nào Việt Nam có xã hội chủ nghĩa hoàn thiện. Về mặt nhân sự, ông Trọng đưa ra Quy Định số 37 siết chặt thêm hàng ngũ đảng viên để qua đó cho mọi người thấy quyền lực vô hạn của mình. Đồng thời tạo thành một bộ lọc hầu tuyển chọn những cán bộ sẵn sàng trung thành với mình và dùng đó như một lý do để cô lập các đảng viên không tin vào con đường tham quyền cố vị của tổng bí thư.

Nói tóm lại, Quy Định 37/2021 là trận đồ do chính Nguyễn Phú Trọng giăng ra – chứ không phải trung ương đảng gì cả – với mục đích tạo thành một thế trận mới để qua đó cô lập, loại trừ những đảng viên không nằm trong vòng kiềm tỏa của ông Trọng. Nói cách khác, Quy Định 37 là sự chuẩn bị cho con đường bám chặt ghế tổng bí thư cho đến chết như họ Tập đang làm bên Trung Quốc./.