Phiên tòa Thới Lai

Ảnh Nhóm Báo Sạch trước tòa Thới Lai ngày 28.10.2021   

KẾT QUẢ PHIÊN TOÀ SƠ THẨM NHÓM “BÁO SẠCH”

Chiều nay 28/10 TAND huyện Thới Lai, Cần Thơ tuyên án các thành viên nhóm Báo Sạch sau hai ngày xét xử sơ thầm. Các bản án cụ thể:
Trương Châu Hữu Danh: 04 năm 06 tháng tù.
Nguyễn Phước Trung Bảo 02 năm tù.
Lê Thế Thắng 03 năm tù.
Nguyễn Thanh Nhã 02 năm.
Đoàn Kiên Giang 03 năm tù giam.
Cả 5 người đều bị cáo buộc tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích NN, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 - BLHS năm 2015.
 

Nguyễn Thông

Mấy hôm nay, địa danh Thới Lai được người ta nhắc đến. Nếu không có phiên tòa cấp huyện, tôi dám chắc người xứ An Nam này chả mấy ai biết Thới Lai. Có khi mấy ông bà hơi già già còn nhầm thành Phù Lai, nói ở Thừa Thiên-Huế, bởi từng thuộc “Mà đất Phù Lai vẫn tốt cà”, hoặc nghĩ nó ở Bến Tre, “Thới Lai, Thới Thuận liền hai trận/Ba bốn nghìn quân, bảy máy bay”. Nếu hỏi mấy thí sinh săn tiền “Ai là triệu phú” rằng Thới Lai ở đâu, có khi 99% hết cả 4 quyền trợ giúp vẫn tắc tị.
 
Thới Lai là một huyện của Cần Thơ. Đất Nam Bộ nhiều vùng kiêng húy theo quy định triều Nguyễn, nên Thái bị đổi thành Thới. Thới Lai, Thới Bình, Thới An, Bình Thới… Tên người lại càng phải kiêng, nên có nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thới, tướng Nguyễn Thới Bưng. Ngay cả những câu châm ngôn cũng bị đổi. Hồi năm 1977 tôi nghe ông Nguyễn Hộ nói ở nhà văn hóa Thanh niên (quận 1), kết thúc bài, ông cao hứng “hết cơn bĩ cực tới hồi thới lai”. Gần chục năm sau, bởi khác quan điểm với mấy ông kễnh, nên ông Hộ thới lai chửa thấy đâu lại rơi vào bĩ cực.
 
Rào đón như thế không phải không có ý, mà để người đọc đỡ mệt, giống như màn khởi động trước khi vào trận. Nói về tòa án xứ này mệt lắm, bởi pháp luật nào có ra pháp luật. Nhà cháu đặt tên “Phiên tòa Thới Lai” do người ta xử mấy anh nhà báo nhóm Báo Sạch ở Thới Lai, giao cho cấp huyện xét xử.
 
Không khó lắm để nhận ra ý đồ của nhà cai trị khi để tòa án huyện cầm trịch. Họ cố tình coi các bị cáo là mấy anh nhố nhăng vớ vẩn, tòa cấp nào xử chả được. Nếu hệ thống tư pháp có tòa cấp xã cấp ấp, chắc họ chả ngại giao cho xã ấp luôn. Để nhằm nói rằng, dư luận đừng có xía vào, chuyện vặt chuyện nhỏ của chúng tôi trong nhà, giống như ông bố lấy cái xe điếu quất vài nhát vào đít thằng con trốn học, vậy thôi.
 
Tòa huyện Thới có lẽ cũng chẳng hào hứng gì trong vụ xử “bọn” Báo Sạch. Tinh những chuyện xảy ra đẩu đâu, tinh những vụ việc chả liên quan gì tới huyện nhà, tinh những bị cáo cư ngụ ở nơi khác, “phạm tội” chỗ khác, thế mà cứ dúi cứ ấn cho quan tòa Thới Lai bắt xử.
 
Các bị cáo phạm tội gì, liên quan tới chuyện gì? Nào là theo đuổi làm rõ vụ án Hồ Duy Hải ở Long An, nói xấu ông bí thư, không phải bí thư Thới Lai hoặc Cần Thơ mà là tuốt tận Quảng Trị, tự động đi điều tra BOT bẩn, chống tham nhũng trong giao thông, bênh ông hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng, là dân thường mà có cả tài liệu mật, lộ bí mật quốc gia, nói xấu cấp ủy, bôi xấu cán bộ… Tinh những tội tày đình dưới góc nhìn của nhà cai trị. Rồi dường như tòa thấy những tội như thế chưa đủ đánh gục bị cáo, còn kể lể và cung cấp thông tin cho báo chí mậu dịch “tội” nhóm Báo Sạch kiếm tiền, ăn tiền của doanh nghiệp, v.v..
 
Rõ là buồn cười và nhố nhăng. Trung ương, đứng đầu là ông tổng bí thư, hô hào chống tham những, gần đây còn ra vẻ sáng tạo kết hợp với chống tiêu cực, kêu gọi nhân dân cùng tham gia công cuộc chống ấy để làm sạch bộ máy cai trị, để cuộc sống tốt đẹp hơn, để, để… Nhưng hình như các vị chỉ thích kêu cho sướng mồm, còn khi người ta tham gia, người ta cùng chống thì lại tỏ ý không hài lòng, tìm cách bắt tội. Phải nói thẳng, những việc mà nhóm Báo Sạch làm, về bản chất là chống tham nhũng, chống tiêu cực. Dân tham gia vào công việc nhà nước hô hào, họ đâu phải lực lượng chuyên nghiệp, thiện chiến, được nhà nước trả lương, mà họ làm với ý thức công dân, với trình độ của mình, tránh sao khỏi thế này thế khác. Đã không ủng hộ, động viên, biết ơn họ, lại tìm đủ mọi cách trù dập, trừng phạt, lôi họ ra tòa kết án. Chỉ những kẻ giả dối chống tham nhũng mồm, chống tham nhũng bằng lý luận mới cư xử vậy.


Sau này, nếu ai viết về lịch sử tư pháp Việt Nam chớ có quên phiên tòa Thới Lai. Gắn cho nó màu gì, tùy người biên chép. Chỉ có điều nó rất buồn cười, thậm chí giống trò đùa.
 
Ai đời, như tường thuật của báo Tuổi Trẻ hôm 27.10, ngày đầu phiên xử Báo Sạch, tòa cho biết bị cáo Thắng đang ở Hà Nội có đơn xin vắng mặt, đã làm cam kết chấp nhận mọi phán quyết của tòa. Hỏi tại sao không triệu tập bị cáo vào, tòa bảo do hoàn cảnh, nhất là đang có dịch… Đúng là đùa, giống như học trực tuyến, giờ bắt chước xử trực tuyến chăng. Đường bay đã nối lại, đã “cuộc sống bình thường mới”, khó gì việc đưa đương sự vào. Nhưng tòa cứ thích xử vắng mặt, làm gì nhau.
 
Lại nhớ xứ này chả thiếu vụ xử vắng mặt. Thậm chí cả án tử hình vắng mặt. Chánh, phó tổng thống chính quyền Sài Gòn từng bị phe “cách mạng” kết án tử hình vắng mặt. Nhưng như thế vẫn chưa ghê bằng các văn nghệ sĩ Phạm Duy, Mai Thảo, Du Tử Lê cũng bị án tử hình treo. Ông Hoàng Văn Hoan do mâu thuẫn trốn sang Trung Quốc cũng nhận án tử hình… Cộng sản biết là không thể bắt được đối tượng, nhưng cứ lập tòa tuyên án triệt sinh cho bõ ghét, để trong lý lịch có vệt mực tàu án tử hình. Báo Sạch chả là cái đinh trước ý chí của quan tòa, tha tử hình là may. Chẳng phải không có lý khi người ta định nghĩa “cách mạng” là thích cách cái mạng của người khác, lớn thì bằng chiến tranh, nhỏ thì bằng tòa án.
 
Các thành viên nhóm Báo Sạch bị truy tố cả “tội” lem nhem tiền bạc, nào là thu nhiêu trăm triệu, bao nhiêu tỉ đồng của doanh nghiệp rồi… chia nhau. Báo chí mậu dịch a dua a tòng với tòa cũng đưa tin rất mập mờ, lại còn dùng thủ đoạn gây chia rẽ nói bị cáo Trung Bảo vẫn còn giữ riêng vài trăm triệu. Tòa và báo cố tình lơ đi (chứ không phải không biết) nhóm Báo Sạch có cả công ty truyền thông do Trung Bảo phụ trách, mọi hoạt động tài chính, quảng cáo đều theo đúng quy định của pháp luật. Tiền ấy là từ hợp đồng truyền thông với doanh nghiệp, là tiền công, tiền thu nhập chính đáng chứ không phải do ăn cướp, ăn cắp của ai. Lôi cả chuyện này vào phiên xử, có nhẽ tòa đã hết cách gán tội. Nếu kiếm tiền chính đáng đều bị tội thì cả nước này thành tù nhân hết. Có lẽ thành viên Báo Sạch đã nộp thuế thu nhập, chứ trốn thì đời nào nhà chức việc bỏ qua. Hồi ông Điếu cày Nguyễn Văn Hải bị lôi xềnh xệch ra tòa xử, khó kiếm tội quá, cuối cùng chẳng bị kết tội trốn thuế do có nhà cho thuê mà không nộp thuế thu nhập đó sao. Chuyện ấy ai cũng biết.
 
Chiều 28.10, tòa huyện Thới tuyên án, phạt Báo Sạch về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Đây là thứ tội rất vu vơ, áp dụng trong vài nghìn năm cũng được, với bất cứ ai. Ông hàng xóm nhà tôi cười bảo làm quái gì có quyền tự do dân chủ mà lợi dụng, gớm, nếu có thì đã quý. Nói cho cùng, những hoạt động, hành vi của “đám” Báo Sạch, nếu có vi phạm pháp luật cũng chả đáng phải phạt hành chính chứ đừng nói lôi ra tòa. Nhưng trong con mắt nhà cai trị phải trừng trị. Tội” lớn nhất của Báo Sạch là gây khó chịu cho họ, dám lấn chính quyền để chống tiêu cực chống tham nhũng ngoài luồng, dám hoạt động tách khỏi sự chỉ đạo của hệ thống chính trị do đảng cầm đầu, dám khẳng định và bày tỏ tinh thần tự do dân chủ khi chưa có cái quyền đó, dám tự do báo chí. Dập tắt Báo Sạch không cốt nhằm vào mấy cá nhân hăng hái, mà chính để dập lụi ngay những mầm mống của tự do dân chủ, của tự do báo chí, dập luôn cả tinh thần ngay thẳng chống tham nhũng tiêu cực trong dân chúng bởi sự chống này có hại cho “lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân”.
Báo Sạch chỉ là nhúm cỏ khô, phải đốt cho khéo kẻo lây lan ra cả cánh đồng. Đó là lý do của phiên tòa Thới Lai.
 
Thông cào