Mức độ chuẩn mực của báo chí là chỉ dấu mức độ văn minh của một xã hội

Ở post này tôi sẽ không nhắc lại sự việc này nữa mà tôi muốn nói tới mức độ cẩu thả của tờ VietnamNet, tờ CAND khi nói tới sự việc này.

Nội dung hai tờ này gần như nhau, các lỗi y như nhau như đưa tin một chiều, chỉ lấy ý kiến của cán bộ phường, trong ấy nói các clip là cắt ghép, là sai sự thật, không có chuyện xịt hơi cay (thực chất là xịt cồn) vào mặt người dân, không có chuyện lấy đồ trong nhà mang đi (nhìn trong clip rất rõ và con chủ nhà xác nhận việc này) cho là họ lấn chiếm lòng đường (trong clip nhìn rất rõ là hàng của họ để sâu vào trong, còn thụt vào rất nhiều so với mấy chậu cây cảnh to trước nhà, và cho rằng con trai của chủ nhà chính là Phạm Minh Vũ, trong khi ấy Phạm Minh Vũ là một Fbker hay viết phản biện, chẳng liên quan gì tới gia đình này.

Một tờ báo tử tế thì trước khi lên bài, biên tập viên sẽ tự kiểm tra thông tin, hay đưa ra câu hỏi với phóng viên để phóng viên kiểm tra lại nguồn tin hay trường hợp quan trọng thì tự mình liên lạc với nguồn tin, nhưng ở trường hợp này, sự sao chép cẩu thả, vô trách nhiệm đã thể hiện rõ ràng. Bài báo của hai tờ này vẫn giữ nguyên thông tin sau khi có phản hồi từ con trai chủ nhà.

Điều này càng thể hiện sự cẩu thả, vô trách nhiệm trong tác nghiệp báo chí.

Hai tờ Thanh Niên và Tuổi Trẻ đưa tin sau và họ đã phỏng vấn cả hai bên, phía chính quyền và phía người dân trong cuộc và không có những lỗi đưa tin một chiều như hai tờ trước.

Các bạn làm báo cần thay đổi quan niệm về nghề nghiệp này nếu muốn báo của mình chiếm được lòng tin của người đọc, cũng như thị phần.

Báo chí ngày càng khó kiếm sống, quảng cáo khó bán, lại bị chia sẻ bạn đọc với mạng xã hội, do vậy việc giữ uy tín là cần thiết để tồn tại.

Qua sự việc này tôi thấy chất lượng tác nghiệp của hai tờ VietnamNet và CAND là rất kém.

Người làm báo cần phải nhanh nhạy để đưa tin nhanh nhưng cần phải có nghiệp vụ để xác định đâu là sự thật. Sự việc này so với mặt bằng thông tin chung thì không phải câu chuyện gì quá lớn ở Việt Nam nên tôi tin là không có áp lực nào khiến các bạn bắt buộc phải đưa tin nhanh và sai sót quá nhiều như vậy.

Trong một xã hội văn minh thì quyền lực bao giờ cũng được kiểm soát bởi báo chí. Bởi quyền lực mà không được kiểm soát thì bao giờ cũng dẫn đến lạm quyền. Báo chí có chức năng soi ra những sai sót của quyền lực để đảm bảo sự công bằng cho xã hội, và như vậy báo chí thường phải để ý và bênh vực quyền lợi của người dân. Tiếc thay, ở Việt Nam tồn tại một quan niệm rất sai lầm là báo chí là cơ quan tuyên truyền của nhà nước, mà đã mang cái chức năng ấy thì không còn giữ được tính liêm chính và uy tín của báo chí.

Điều báo chí chưa làm được thì mạng xã hội đã làm được một phần. Báo chí đừng để thua mạng xã hội về khía cạnh này.

Tôi biết, nhiều bạn sẽ cười điều tôi viết ở đây nhưng tôi vẫn tin là báo chí ở Việt Nam có thể thay đổi được và những người lãnh đạo về lĩnh vực này cũng sẽ thay đổi quan niệm về quản lý báo chí.

Hãy trả lại tên đích thực cho báo chí! Báo chí cần phụng sự Sự Thật chứ không phải quyền lực. Làm được thế chúng ta sẽ thấy tốc độ tiến bộ của xã hội được đẩy nhanh hơn rất nhiều.