Mỗi bản án chính trị là điểm nối tan vỡ của chế độ

Bản án 9 năm của nhà báo Phạm Đoan Trang không khác gì những tiếng chuông cuối, báo sự rã rời của chế độ về sự mâu thuẫn khôn cùng: sự khao khát chính danh trên trường quốc tế và cách kiểm soát quốc gia theo kiểu bàn tay sắt của thời Xô-viết cũ.

Suốt trong nhiều năm nay, Hà Nội đã làm mọi cách để chứng minh tính chính danh của mình, đặc biệt sau 1995, khi người Mỹ bỏ cấm vận. Chính danh để xoá mờ ý nghĩa khác của sự kiện thống nhất Việt Nam sau năm 1975 – mà Hà Nội gọi là “giải phóng”, còn dư luận thế giới thì gọi là “cưỡng chiếm”.

Để được tính chính danh, ung dung đối diện với thế giới, và kể cả cựu thù là nước Mỹ, nhà nước Việt Nam đã âm thầm nỗ lực rất nhiều thứ, kể cả việc nhận trả luôn 140 triệu USD phần nợ của chế độ VNCH đã mượn chính phủ Hoa Kỳ để xây dựng các hệ thống hạ tầng quốc gia. Xin tham gia vào WTO, Hà Nội đã phải bước qua các tranh cãi về tính lý thuyết của chủ nghĩa cộng sản, chấp nhận mở lại các không gian tự do tôn giáo, thả bớt tù chính trị…

Hiểu rõ chủ nghĩa cộng sản chỉ còn là tấm bình phong mong manh trước thời đại mới, và không thể cứ là phần nối dài của anh cả Trung Quốc, nhiều năm nay Việt Nam cố gắng ra mặt trong các vai trò của khối Asean, tổ chức hội nghị quốc tế, xuất hiện nhiều trong các chương trình của Liên Hiệp Quốc. Đỉnh điểm mới, là việc ứng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Nhưng với những điều luật mơ hồ và ngớ ngẩn như điều 117, 331… và vô số các chi tiết khác để kềm hãm con người và đất nước Việt Nam trong sự kiểm soát bằng công an, quân đội và hệ thống toà án giả hình, chính Hà Nội đang tự huỷ diệt tính chính danh của mình từng ngày, hay nói đúng hơn là qua các phiên toà như sân khấu hiện nay. Việc tổ chức làm khó, ngăn cản người bào chữa với thân chủ, hành hạ người bị giam giữ… và cuối cùng là tổ chức những phiên xử như phường tuồng với những mức án nặng, mỗi ngày càng làm nhơ nhuốc bộ mặt của chế độ trước quốc tế.

Hà Nội hiểu điều đó không? Chắc chắn là có, vì trong các cuộc đánh nhau ở tầng lành đạo cấp cao, tháng 3-2007, bức hình linh mục Nguyễn Văn Lý bị mật vụ thường phục bịt miệng trước toà đột ngột xuất hiện trước thế giới – điều mà không có báo nào của nhà nước Việt Nam dám đăng – từ chỗ mà không có một thường dân nào có thể giơ máy lên chụp như vậy, cho thấy chỉ có trò cố ý làm bẽ mặt nhau vào lúc chủ tịch nhà nước Việt Nam Nguyễn Minh Triểt đi công du Hoa Kỳ và đến Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc. Khi báo chí quốc tế nhân dịp đó, cụ thể là đài CNN, đã phỏng vấn ông Triểt về bức hình này. Sau đó, ông Triết đã tự giải thích rằng “cho rằng trong lúc xét xử ông Lý có những lời lẽ thô bạo, chửi bới chính tòa nên đã xảy ra chuyện bịt miệng nhưng hành động này là không tốt, không đúng, là sai sót của một nhân viên bình thường không phải là chủ trương của nhà nước và việc này sẽ bị xử lý”. Trong ngôn luận, có thể thấy ông Triết đang làm mọi cách để bảo vệ cho tính chính danh của Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đang lao ra thế giới phương Tây để tìm một chỗ đứng.

Nên nhớ, sau khi cuộc chiến kết thúc năm 1975, Hà Nội không cần thể hiện tính chính danh với phương Tây. Dựa lưng vào khối chủ nghĩa xã hội, những người cộng sản cầm súng có ngôn luận riêng của mình. Trong cuộc họp báo ở Paris cuối tháng 4 năm 1977, Khi được báo chí phỏng vấn chuyện lùa hàng trăm ngàn người của chế độ VNCH ra “học tập ngắn ngày” rồi đưa đi giam giữ không án,  Thủ tướng lúc ấy là ông Phạm Văn Đồng quả quyết những trại cải tạo là “sự thể hiện cực kỳ nghiêm túc quan niệm nhân quyền” của Việt Nam và có mục đích giúp những người “phạm tội ác tày trời” trở về với cuộc sống bình thường. Chỉ tay vào giới phóng viên quốc tế, ông Phạm Văn Đồng trợn mắt, kết luận rằng “các người còn muốn gì nữa?”.

Nhưng sau 1990, mọi thứ đã khác. Tính chính danh là sự phấn đấu miệt mài của chính quyền Việt Nam, bao gồm luôn cả các quan chức cộng sản cũng tìm cách thể hiện sự gần gũi của mình với thế giới bằng cách thỉnh thoảng cho thấy việc nói đôi chút tiếng Anh, chứ không hề giới thiệu mình sành sõi tiếng Nga hoặc tiếng Trung.

Nhưng chỉ ít thời gian sau, cái gọi là “không phải chủ trương cúa nhà nước” của chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã không còn ở tư thế bào chữa cho bộ mặt một chế độ. Căn tính độc tài cùng sự chiếm lĩnh quyền lực quốc gia của Bộ công an, được hậu thuẫn phe lý thuyết cộng sản bảo thủ, đã biến những điều như trò bịt miệng bằng luật. Mọi thứ đã tiến dần từ chuyện bảo vệ an ninh quốc gia đến bảo vệ danh tính của các nhà lãnh đạo cao, thấp.

Nhà báo Phạm Đoan Trang đã phạm những tội quốc gia lớn đến mức nào, mà phải bị biệt giam điều tra cả năm trời, không cho gặp luật sư hay người thân? Hay đó là cách luật hoá chuyện tra tấn tinh thần, cô lập và hành hạ để dẫn dắt người bị khởi tố vào chỗ dễ dàng thoả hiệp hay nhận tội? Trò biệt giam rồi bỏ mặc các tình trạng khó khăn thể chất, liệu có là một loại “luật” của nhà nước Việt Nam?

Dù có luật định là phụ nữ có con dưới 36 tháng tuổi sẽ được hoãn thi hành án hoặc không bị giam giữ điều tra, nhưng Việt Nam đã từng có cô Đoàn Thị Hồng, có con nhỏ vẫn bị biệt giam – không thông báo gì cho gia đình – cho đến ngày ra án. Mới đây, cô Huỳnh Thục Vy cũng bị ép thi hành án, dù còn đến nửa năm nữa tại ngoại theo đúng luật của chính nhà nước Việt Nam ban hành.

Nhà tranh đấu Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực, chỉ đòi được trả lời việc thi hành luật đúng như đã ghi trong sách, nhưng cả một hệ thống chọn im lặng vì không đủ khả năng trả lời bằng luật. Trại giam thì tìm cách giữ lại thư gửi cho các cơ quan, như kiểu bịt miệng linh mục Nguyễn Văn Lý.

Chẳng phải những bản án quyết tuyên, và gần đây là Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, Lê Trọng Hùng, Đỗ Nam Trung… là những điểm tan vỡ rất rõ của bộ mặt chính danh, mà chế độ đã và đang cố gắng nỗ lực sao? Tất cả những lời cam kết với quốc tế, tất cả những khát vọng đưa Việt Nam vào thế giới văn minh của nhiều thế hệ quan chức thầm lặng của Hà Nội đã bị phản bội không ít khi mọi thứ hôm nay hỗn loạn hơn, rừng rú hơn. Và đặc biệt khi tráo trở hơn với thế giới: lớp son phấn chính danh của một chế độ có phải đang trôi tuột?

Nói với điều tra viên, Phạm Đoan Trang nhấn mạnh từng chữ “Bắt giam một người viết đã là một tội ác. Bắt giam một người viết tàn tật là một trọng tội”. Nhân dân như vậy đó, vẫn đứng cao hơn một bậc, vẫn cao quý hơn một chế độ, họ vẫn nói để cảnh báo về những tội ác của nhà cầm quyền, và sẳn sàng đi tù để dành thời gian chứng nghiệm sự rơi rụng của phần trang điểm chính danh và bước ra, sống mãi trong lòng dân tộc.

Dĩ nhiên, với cái cách liên tục và điên cuồng tự huỷ diệt mình như hiện nay, với các phiên toà vô nghĩa, viện kiểm sát, bộ công an toa rập với nhau, ngày mà tính chính danh của chế độ không còn, chắc cũng không còn xa nữa.