Khi dịch bệnh là kẻ tố cáo mạnh mẽ chế độ độc tài và phơi bày những sự thật

Tân Phong|

Phần 1: Tỷ lệ nghèo đói thực sự của Việt Nam là bao nhiêu?

Biểu đồ báo cáo kết quả xóa đói giảm nghèo của nhà cầm quyền CSVN trong giải đoạn 2016-2020. Ảnh: Internet

Biểu đồ báo cáo kết quả xóa đói giảm nghèo của nhà cầm quyền CSVN trong giải đoạn 2016-2020. Ảnh: Internet


Trên đây là biểu đồ báo cáo kết quả xóa đói giảm nghèo của nhà cầm quyền CSVN trong giai đoạn 2016-2020. Theo đó, năm 2019 con số hộ nghèo trên toàn quốc là 917.559 hộ chiếm 3,75% dân số, tức khoảng 3,7 triệu người. Trong nhiều thập kỷ qua, những báo cáo về xóa đói giảm nghèo của nhà cầm quyền Việt Nam luôn là những bức tranh màu hồng và các bảng thành tích đáng khen ngợi.

Các tổ chức quốc tế tài trợ cho các chương trình xóa đói giảm nghèo trên thế giới thường viện dẫn những báo cáo của Hà Nội để minh chứng hiệu quả cho các quĩ nhân đạo này cũng như ghi nhận “nỗ lực” của Hà Nội. Hãy đọc một đoạn trong báo cáo về “thành tích và mục tiêu xóa đói giảm nghèo” của nhà cầm quyền CSVN giai đoạn 2016-2020 “…Tỷ lệ nghèo từ 9,88% năm 2015 xuống còn 3,75% vào cuối năm 2019, dự kiến, hết năm 2020 chỉ còn dưới 3% – đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc về giảm nghèo…”

Nhà cầm quyền CSVN có một truyền thống xin tiền viện trợ, tranh thủ các nguồn tiền viện trợ cũng như vốn vay giá rẻ mà quốc tế dành cho các nước nghèo đang phát triển của WB, Oxfam, UNDP, UNICEF… nhưng số tiền này phần lớn bị tham nhũng và chi sai mục đích. Tuy vậy, giới chức CSVN thì rất giỏi bịa tạo ra những báo cáo đẹp đẽ và thế là tiền cứ được đổ vào những cái “hang chuột” không đáy nhiều thập kỷ qua. Thực sự khó tin rằng, những chuyên gia của các tổ chức này hoàn toàn không nhìn thấy vấn đề phía sau những bản báo cáo ngụy tạo đó.

Vấn đề ở đây là tính trung thực của những báo cáo. Vẫn biết rằng các con số thống kê của Tổng Cục Thống Kê (GSO) thường rất ít khả tín, cả về phương diện khoa học cho đến khả năng bị tác động theo ý chí của các cơ quan quyền lực từ phía nhà cầm quyền. Khi những con số đã bị “đẽo gọt” cho vừa ý các nhà lãnh đạo xứ toàn trị, sau môt thời gian chính họ – những người đã tạo ra những con số ma – cũng tin tưởng và dựa vào những con số dối trá đó để lập ra những “kế hoạch 5 năm tiếp theo.”

Đúng như trùm phát xít Hitler từng nói “khi dối trá đủ lớn và đủ lặp lại, người ta sẽ tin đó là sự thực.” Trong trường hợp này, thì kẻ đi nói dối lại cố tình “tự kỷ ám thị” – tin tưởng vào những sản phẩm dối trá do chính họ tạo ra. Tất nhiên, một bộ phận lớn dân chúng – vốn là đối tượng để các cơ quan tuyên truyền tác động tới – cũng có một niềm tin ngây ngô vào những “thành tựu vĩ đại” của đảng.

Câu hỏi mà người viết muốn đặt ra ở đây là “Thực sự bao nhiêu người Việt Nam đang sống ở mức nghèo khổ theo tiêu chuẩn của WB, UNDP?”

Vừa qua, lời khẩn cầu khẩn cấp của UBND thành phố HCM xin trung ương cứu trợ khẩn cấp 28.000 tỷ đồng và 140.000 tấn gạo để cứu đói cho số lao động nghèo dự kiến 1.580.100 hộ với khoảng 4.749.330 người, có thể gây sự chú ý công chúng về mức độ cấp bách và con số “choáng ngợp” này. Như vậy, có thể thấy chỉ riêng thành phố HCM với hơn 10 triệu dân đã có tới 4,7 triệu người lao động nghèo cần hỗ trợ khẩn cấp vì thiếu đói. Với 4.749.330 người lao động nghèo, chỉ riêng ở thành Hồ đã vượt qua con số người nghèo của toàn quốc theo con số thống kê 2019 của Tổng Cục Thống Kê.

Như vậy có ba khả năng xảy ra với những con số thống kê về số lượng người nghèo ở Việt Nam. Khả năng thứ nhất là GSO nói láo, khả năng thứ 2 là UBND thành phố HCM nói láo, khả năng thứ 3 là cả GSO và thành Hồ đều… nói láo. Theo tôi, thì khả năng thứ 3 là lớn hơn cả vì chẳng có con số thống kê nào ở Việt Nam chính xác và tất cả các cơ cấu trong hệ thống cầm quyền CSVN đều là những cỗ máy tham nhũng ở cấp độ khác nhau. Trong trường hợp này, tôi xin lựa chọn con số “ít dối trá” hơn theo nhận định của mình. Đó là con số 4.749.330 người lao động nghèo ở thành Hồ đang cần cứu đói khẩn cấp.

Căn cứ vào trải nghiệm và quan sát của bản thân sau gần 10 năm sống ở nơi đất Saigon, lăn lóc ở những xóm trọ khu Bình Tân, Củ Chi, Hóc Môn… thì phía sau ánh đèn màu hào nhoáng của các cao ốc, trung tâm thương mại, những con phố mặt tiền lúc nào cũng náo nhiệt mua bán ở quận Nhất, quận 5, khu nhà giàu Thảo Điền của đám “thượng lưu tôn quí Đỏ”… là những xóm trọ nghèo nàn mênh mông. Tại đây đông nghẹt công nhân từ đồng bằng sông Cửu Long nghèo khổ, từ miền Trung “chó ăn đá, gà ăn sỏi” tha phương cầu thực, chen chúc nhau bên những dòng kênh đen đặc, hôi thối. Số lượng công nhân làm việc cho các công xưởng và dân nghèo ngụ cư làm các công việc hạ bạc kiếm miếng cơm ở vỉa hè những con phố Saigon này đông vô kể.

Chính họ là lực lượng vô sản của thế kỷ 21 mà theo định nghĩa của lý thuyết Marx Lenin là “giai cấp tiền phong, giai cấp lãnh đạo cuộc đấu tranh giai cấp, phá bỏ bất công xã hội, giải phóng con người.” Giờ đây, dưới sự lãnh đạo của đảng và chính sách “vắt kiệt sức dân” bằng hàng trăm loại thuế phí cao ngất, giai cấp vô sản ở “thiên đường CSVN” ngày một đông đảo hơn bao giờ hết. Họ là lực lượng đã đem về nguồn đóng góp ngân sách lớn nhất quốc gia.

Hàng triệu người lao động nghèo nhập cư đã còng lưng ở các công xưởng mỗi ngày từ 10-12 tiếng, đánh đổi những đồng lương rẻ mạt và chấp nhận một cuộc sống bần cùng ở những khu ổ chuột. Các nhà lãnh đạo CSVN luôn mời chào các nhà đầu tư nước ngoài rằng “Việt Nam có nguồn tài nguyên dồi dào và nhân công giá rẻ” như một “lợi thế quốc gia.” Thu nhập của người lao động Việt Nam hiện chỉ cao hơn so với Myamar trong khi chi phí sinh hoạt ở các thành phố lớn ở Việt Nam thì đắt đỏ so với mặt bằng chung khu vực.

Cũng theo GSO, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện khoảng 4,2 triệu đồng/tháng – tương đương với khoảng 6,7 usd/ngày. Với mức thu nhập này, thì việc chi trả cho một cuộc sống tối thiểu ở thành thị cũng là một điều chật vật. Không những không thể tích lũy và không đủ bù đắp, tái tạo sức lao động cần thiết, cũng như chi phí học hành cho con cái, gần như 80% công nhân phải vay nợ để tiêu dùng.

Khi bị mất việc trong những đợt giãn cách xã hội vừa qua, hầu như tất cả đều rơi vào khủng hoảng. Không còn nguồn sống mà còn bị các ngân hàng, công ty tài chính khủng bố tinh thần, không có sự trợ giúp đã khiến hàng trăm ngàn người tháo chạy khỏi thành phố. Hàng triệu người lao động trẻ đã sống mòn trong điều kiện sống và làm việc tồi tệ ở những hãng xưởng và khu ô chuột, hoàn toàn không có chút tương lai ở đô thị giàu có nhất xứ thiên đường cộng sản.

Quay trở lại câu hỏi “Có bao nhiêu hộ gia đình, bao nhiêu người nghèo hoặc dưới mức nghèo khổ ở Việt Nam?”

Tất nhiên, để có một câu trả lời chính xác thì người viết không thể trả lời được vì đó là công việc của một cơ quan thống kê độc lập với đội ngũ chuyên gia thống kê mẫn cán, khách quan và không chịu ảnh hưởng tác động bởi các chỉ đạo của giới chức. Nhưng chắc chắn, con số dưới 3% hộ gia đình ở Việt Nam là một con số hoàn toàn bịa đặt và sự thực phơi bày trong cơn dịch bệnh này sẽ cho ngoại giới nhìn thấy rõ hơn bức tranh về xã hội Việt Nam. Dưới “thiên đường cộng sản” giả tưởng và ma mị ấy là triệu triệu người lao động lầm than cùng cực đang xây đắp “giấc mơ hùng cường” cho các gia tộc Đỏ và những nhà lãnh đạo xứ toàn trị luôn miệng rao giảng “đạo đức Hồ Chí Minh” và hô hào “do dân và vì dân.”

(Còn tiếp)

Tân Phong
https://viettan.org/khi-dich-benh-la-ke-to-cao-manh-me-che-do-doc-tai-va...