Khởi Đầu Của Mọi Khởi Đầu

Ngô Mai Hương: Khởi Đầu Của Mọi Khởi Đầu

(để tạ ơn các bằng hữu Úc châu nhân ngày Quốc Tế Nhân Quyền 2013)

Tượng đài thuyền nhân Úc Châu

Tôi rời Cali vào những ngày trời chớm lạnh và đến Úc Châu khi mùa hè vừa mới bắt đầu. Chuyến đi như là một cuộc trở về, trở về tới điểm khởi đầu. Mỗi người đều có điểm khởi đầu của mình. Điểm khởi đầu của tôi là một buổi chiều đầy mây tím, khi mặt trời chìm xuống qua đám lau sậy, khi tôi còn ngơ ngác trước hướng đi của tương lai, và lúc đó cũng là lúc chiếc ghe nhỏ đã lặng lẽ vào vùng nước lợ, chỗ giao tiếp của giòng sông và biển. Rời quê hương ở cái tuổi vừa có ý thức, tôi cũng như bao nhiêu người khác, có ai không từng đứng ở mũi tàu tha thiết nhìn lại hướng quê nhà khi biển đã mênh mông một màu xám trắng!

 

Ở Úc, tôi đã gặp lại những thuyền nhân, gặp lại chính mình của ba mươi năm về trước, những bắt gặp bất ngờ làm mình xúc động. Tôi có cảm giác như những thuyền nhân này chưa từng bỏ quên lời hứa của họ trên bến sông ngày nào. Tấm lòng của những người Việt ở đây đối với quê hương có cái gì đó làm mình rưng rưng, nó tha thiết và trong sáng quá! Tha thiết và trong sáng đến mức độ tôi có cảm tưởng như những đòn ly gián của cộng sản sẽ không, và khó có thể làm vẩn đục được các cộng đồng người Việt ở đất nước này.

***
 

Tôi đứng trên ngã tư đường William và Brisbane nơi tượng đài thuyền nhân Việt Nam của tiểu bang Tây Úc vừa được khánh thành một tháng trước. Nếu xuất phát từ điểm tôi đứng, con đường sẽ dẫn thẳng về Việt Nam. Bỗng dưng tôi nhớ hai câu thơ cuối trong bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu do Ngô Tất Tố dịch: “Gần xa chiều xuống đâu quê quán?/đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi!”

Nhìn hình tượng con tàu mong manh trên ngọn sóng, dáng dấp của những đoàn người vượt chết ra đi, ai mà không xốn xang! Mãi cho đến tận bây giờ, tôi vẫn thường tránh không nghe những câu chuyện về vượt biên. Có lẽ vì chuyện xảy ra trong thế hệ của mình, nó gần gũi quá, những đau thương nó thật quá! Những thế hệ sau này, khi nhìn những tượng đài thuyền nhân chắc cũng không thể nào hình dung hết được những gian nan mà cha mẹ họ đã trải qua. Tôi đã được đi thăm hai tượng đài một ở Perth, và một ở Brisbane. Tôi nghĩ nếu như hai tấm Bia Tỵ Nạn trên đảo Galang và Bidong không bị CSVN với tay qua giật sập một cách thảm thương, có lẽ không có nhiều tượng đài thuyền nhân được xây dựng ở khắp nơi trên thế giới như ngày hôm nay. Bidong và Galang là hai nơi tạm trú của người Việt trong khi chờ đợi để được đi định cư tại các nước khác. Người Việt ở hai nơi này đã dựng tấm Bia Tỵ Nạn ghi dấu đoạn đường họ đi qua và để tưởng nhớ những người đã bỏ mình trên đoạn đường tìm tự do. Giật sập hai Bia Tỵ Nạn ở Bidong và Galang, CSVN đã không thể phá huỷ được nó mà ngược lại.

 

Rời quê hương trên những con tàu monh manh hơn ba mươi năm trước, người Việt vẫn chưa từng lìa bỏ quê hương của mình. Tôi đã ghé Adelaide, qua Perth, đến Brisbane để cảm nhận hết những tình cảm thật đơn sơ mà thắm thiết của người Việt ở đây dành cho quê hương. Ngay tại hai thành phố lớn là Melbourne và Sydney, cái gọi là “văn hoá vận” của VC vẫn chưa với tay tới được. Chưa có một đài truyền hình nào, trong nước được quyền phát sóng tại các nơi này. Nơi mà sự hiện diện của ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh đã đem được cả ngàn người cùng đến, cùng nghe, và cùng hát với chị những bài hát đấu tranh.

 

Cũng tại nơi chốn này, tôi tìm thấy mình lặng người đi vì xúc động trước tấm lòng của một đồng bào. Chị chưa một lần tham dự hết một buổi nói chuyện về tình hình đất nước của một tổ chức chính trị hay một buổi gây quỹ nào. Người phụ nữ này đã cho tôi một bài học đáng giá nhất trên đoạn đường đi của mình. Nói qua giòng nước mắt, chị bảo chị ít học, chỉ biết đóng góp cái phần nhỏ bé của mình cho những người đang đấu tranh trong nước. Chị cầu nguyện hằng đêm cho họ và mong sao Việt Nam đừng rơi vào tay Trung Cộng. Cái phần đóng góp thường là không minh danh, mà chị gọi là “nhỏ bé” đó, là một số tiền khá lớn, là cả một gia tài đối với chị. Tôi tự hỏi làm sao các con của chị có thể hiểu được rằng cha mẹ chúng đã phải mặc loại áo quần mua lại (second hand), dè xẻn từng đồng - để cho đi cái phần lớn nhất của mình.

 

Đã nói chuyến đi Úc này cho tôi cái cảm giác như một cuộc trở về! Như mình soi lại bóng mình trên những dấu chân của những người đi trước. Đầu tiên, chúng tôi có chút việc phải dừng chân tại Hawaii. Trong một ngày rảnh rang, một người bạn đã dẫn chúng tôi đi thăm mộ của một chiến hữu ngày xưa. Ngôi mộ của anh nằm trên một đồi thông, anh mất đi khi chỉ vừa qua tuổi bốn mươi. Nghe kể lại khi vừa đến Mỹ, vừa ổn định gia đình, anh bảo vợ: “bây giờ bà lo làm nuôi con đi, để tôi lo việc nước”. Anh mất sớm nên không hề biết rằng quê hương của anh nay đã thành một khối đau thương từ Bắc chí Nam. Trời mưa, nhang bị ướt, không cháy. Bạn tôi thắp một điếu thuốc đặt lên mộ bạn mình rồi lâm râm khấn vái: “hôm nay tụi tôi đến thăm ông nè, ông hút thuốc đi rồi phù hộ cho đất nước mình, phù hộ cho tụi tôi chân cứng đá mềm nghe ông”. Tôi cố tình đứng lùi lại phía sau lưng hai người đàn ông, quay đi để giấu những giọt nước mắt của mình.

Cũng ở tại Hawaii, cũng trong chuyến đi này, vô tình tôi được chạm vào những kỷ vật rất riêng tư của một người ra đi vì đất nước khác. Đó là những đồ vật được gởi lại của anh Nguyễn Trọng Hùng, người đi trong chiến dịch Đông Tiến. Cái bóp da màu nâu cũ, một cây thánh giá, những lá thư của các con của anh và vô số những hình ảnh hạnh phúc của gia đình anh. Tôi chạm vào tình thương thiết tha của một người cha dành cho các con và cảm nhận được hết cả sự hy sinh to lớn của anh.

 

Nhớ ơn và trả ơn là truyền thống ngàn đời của người VN. Nguyễn Trọng Hùng đã trả ơn đất nước anh bằng tất cả những gì anh có thể làm trong hoàn cảnh lúc đó, khi thế giới đã quay mặt với đất nước VN. Khi mỗi chúng ta chỉ còn chính mình đối diện với những bất hạnh của quê hương. Có người cho rằng việc làm của các anh là chuyện hoang tưởng, đội đá vá trời. Để hiểu được một Trần Văn Bá, một Vũ Đình Khoa, một Nguyễn Trọng Hùng có lẽ người ta phải quay lại từ điểm khởi đầu. Họ làm tôi nhớ đến những công dân tuyệt vời của nước Pháp sau đệ nhị thế chiến. Câu chuyện được nghe kể lại từ một người bạn - Nước Pháp lúc ấy gần như kiệt quệ vì chiến tranh. Để xây dựng lại một đất nước từ đống gạch vụn đổ nát, đã có 32 gia đình thế phiệt, giàu có vào bậc nhất nước Pháp đã tình nguyện dâng hiến tất cả tài sản của họ cho công cuộc canh tân nước Pháp. Sau đó, nghe nói là trong số họ có những người đã hành nghề taxi để kiếm sống cho gia đình. Họ hoà mình vào cuộc sống bình thường đầy khó khăn như tuyệt đại đa số người dân Pháp vào lúc ấy. Họ chìm vào quên lãng, nhưng chính những người tài xế taxi đó đã làm nước Pháp đi lên với niềm tự hào.

Một thống kê của năm 2013, do tổ chức quốc tế tranh đấu cho nhân quyền mang tên Walkfree, đã xếp hạng Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới về tổng số “nô lệ”. Một tiết lộ làm chúng ta giật mình và không khỏi xót xa! Chiến tranh đã kết thúc hơn ba mươi năm mà đất nước vẫn nghèo đói khổ nhục. Dân ta tiếng là cần cù, hiếu học, thông minh, nay trở thành những kẻ làm nô lệ, tôi đòi cho xứ người. Theo ước đoán của Walkfree có vào khoảng từ 240 ngàn đến 260 ngàn người Việt đang làm “nô lệ” cả bên trong VN và ở tại các quốc gia khác. Nếu quay lại từ điểm khởi đầu, khi cộng sản Bắc Việt vừa mới chiếm được miền Nam, ta khó có thể tin được chỉ trong một thời gian kỷ lục mà đất nước đi xuống như thế. Văn hoá xuống cấp, đạo đức suy đồi, và một dân tộc ngày nào từng kiêu hãnh về truyền thống chống ngoại xâm nay trở nên khiếp nhược đến thảm thương!

***

Mọi thứ dường như đã sụp đổ, đã chạm đáy. Những công dân đầy nhân cách, mọi giá trị tốt đẹp dường như đã biến mất dưới mái nhà “xã hội chủ nghĩa”. Như bao nhiêu dân tộc lầm đường khác, người dân VN đang phải bắt đầu từ một kết thúc.

Và khởi đầu của mọi khởi đầu vẫn là con người. Là giành lại chính mình - giành lại cuộc sống con người đúng nghĩa của chính mình. Tôi trộm nghĩ Kiến nghị 72, Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự, hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam, ... đang là những đấu trường để mỗi người dân Việt từng bước dài quay lại điểm khởi đầu danh dự ấy. Chúng ta hãy cùng nhau chứng tỏ với thế giới rằng người dân Việt Nam đang khao khát “được sống như một con người” mãnh liệt đến dường nào./.

Ngô Mai Hương