Nhà hoạt động Lê Mỹ Hạnh và Đoàn Huy Chương trong phỏng vấn với RFA ở Thái Lan năm 2019
Ben Ngo - RFA|
Trong cuộc phỏng vấn video hôm 26/9 tại một địa điểm nằm bên ngoài Bangkok, hai nhà hoạt động đang tạm lánh ở Thái Lan nói với phóng viên RFA rằng họ “vẫn kiên định về con đường đấu tranh dân chủ, cho dù đang phải sống trong cảnh giác nơi xứ người”.
Ước tính tại Thái Lan hiện đang có khoảng 150 người Việt thuộc giới đấu tranh, nhà hoạt động dân chủ, blogger… sống trong cảnh “tạm lánh” do bị chính quyền Việt Nam trấn áp, đe dọa bỏ tù.
Hôm 26/9, RFA đã có dịp trò chuyện với hai gương mặt nổi bật chịu công khai lên tiếng về tình cảnh của họ tại Thái Lan. Đó là ông Đoàn Huy Chương, nhà hoạt động công đoàn, từng mãn hạn hai bản án tổng cộng 8 năm rưỡi tù ở Việt Nam vì ông có các hoạt động đòi hỏi quyền lợi cho công nhân và cô Lê Mỹ Hạnh, nhà hoạt động từng bị “tấn công” hồi năm 2017.
Mở đầu cuộc phỏng vấn, nói về lý do chọn Thái Lan để tạm lánh, ông Đoàn Huy Chương chia sẻ: “Cách đây hai năm, tôi quyết định tìm đường đến Thái Lan qua ngả đường bộ vì thời điểm đó, chính quyền đã câu lưu bố tôi để tạo áp lực bắt tôi. Đến giờ, sau hơn hai năm ở Thái, tôi nhận thấy quyết định này là đúng đắn. Đã là người Việt thì không ai muốn rời bỏ quê hương của mình cả, nhất là vào những dịp Tết mà mình vẫn đang lưu lạc ở xứ người thì thấy trong lòng rất trống trải, đau buồn. Nhưng tôi cũng như các anh chị em khác trong giới đấu tranh, vì hoàn cảnh và sự an nguy của mình mà đành phải tìm đường đi tỵ nạn chính trị, nếu không muốn tiếp tục nhận thêm án tù.”
Cô Lê Mỹ Hạnh nói: “Cách đây bảy tháng, tôi gấp rút lên đường đi qua Thái Lan lánh nạn. Vì tôi tiên liệu, ở thời điểm đó, nếu còn ở Việt Nam thì tôi sẽ bị bắt vì cáo buộc liên quan đến vụ án của ông Michael Phương Minh Nguyễn và có thể phải đối mặt với bản án lên đến 10 năm tù. Trước đó, an ninh Việt Nam đã liên tục gây sức ép, ập vào nhà tôi.”
Đề cập về cuộc sống tại Thái Lan, ông Huy Chương nói: “Nỗi lo thường trực của chúng tôi là an ninh với các nguy cơ là mình có thể bị bắt cóc, bị gây tai nạn.... Nhưng đó là những nguy cơ mà một nhà đấu tranh dân chủ phải chấp nhận và tìm cách vượt qua.”
Cô Mỹ Hạnh bổ sung: “Đã qua đây thì điều quan trọng nhất với tôi là phải học cách thích nghi để tồn tại, hòa nhập với người dân nước sở tại. Theo như tôi thấy, người Việt ở Thái vẫn chịu sự kỳ thị nhất định do cách hành xử và sinh hoạt. Do vậy mà tôi luôn cố gắng học nói tiếng Thái, sống hòa đồng.”
“Một trong các thử thách là do mình đang tạm lánh nên không thể làm việc, phải sống nhờ sự trợ giúp của những người đi trước hoặc những người muốn giúp cho phong trào đấu tranh. Bên cạnh đó, người đang lánh nạn thì bao giờ cũng có tâm trạng bất an, phải đề cao cảnh giác, hết sức tỉnh táo trong mọi tình huống, tuyệt đối không tiếp đón ai tại nhà trọ. Khi có người lạ xuất hiện tại khu vực của mình thì phải lập tức tìm hiểu mục đích của họ. Việc đảm bảo kết nối với những nhà đấu tranh khác ở đây rất quan trọng. Mỗi khi dự định đi gặp ai hoặc làm gì, tôi đều báo cho người mà tôi tin tưởng biết để đề phòng bất trắc.”
Trả lời về cáo buộc mình qua Thái Lan để tìm đường đi Mỹ, ông Huy Chương cho biết: “Nói thật là trước đây, tôi đã từng bỏ qua hai cơ hội đi Mỹ trong các lần ra tù hồi năm 2008 và 2017. Trong một lần qua Thái Lan dự một khóa huấn luyện, tôi từng được đề nghị làm hồ sơ đi Mỹ nếu đồng ý. Thời điểm đó rất dễ đi cho các cựu tù nhân lương tâm. Lần sau thì người của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đánh tiếng nhưng tôi từ chối vì muốn ở lại Việt Nam. Mãi đến hai năm trước, nhận thấy hoàn cảnh không phép, tôi mới đành tìm đường quay lại Thái Lan và ở lại đây cho đến nay.”
Trong buổi phỏng vấn, cô Mỹ Hạnh chia sẻ tâm sự: “Nếu so với các nhà hoạt động khác, tôi là người mới bước vào con đường đấu tranh, kể từ lần tham gia biểu tình chống Formosa hồi năm 2016 và thấy mình cần lên tiếng trước tình trạng bất công, thiếu dân chủ trong xã hội. Trước đó, tôi có người nhà nắm giữ chức vụ trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Là một người phụ nữ đang sống cảnh tạm lánh xa nhà thì có những hạn chế nhất định, nhất là việc khó chu toàn trách nhiệm với con cái đang còn ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, tôi còn có chút nỗi niềm là gia đình phản đối những việc tôi đang làm và có khuynh hướng cô lập tôi. Các con tôi ở quê nhà cũng đang bị rầy rà, bị gây khó dễ.”
Tâm tình về công cuộc đấu tranh, ông Huy Chương nói: “Dù gặp nhiều trở ngại hay bị điều tiếng vì thể hiện quan điểm phản đối người Việt ở hải ngoại gửi tiền về giúp cho người ở quốc nội, tôi chưa bao giờ nản. Tôi kiên định với mục tiêu đấu tranh cho đến khi nào thể chế độc tài ở Việt Nam bị gạt qua một bên. Một con én có thể không làm nên mùa xuân nhưng nhiều con én thì có thể. Mục tiêu sau cùng của tôi cũng như của nhiều anh em khác là muốn đất nước phát triển, dân chủ và người Việt dù đi đến đâu cũng được tôn trọng.”
Cô Lê Mỹ Hạnh tiếp lời: “Tôi mong muốn mình góp phần tạo được sự chuyển biến về nhận thức của người dân để thay đổi thể chế. Và theo tôi, dân chủ là một quá trình đòi hỏi sự cố gắng không chỉ của riêng tôi hoặc bất kỳ nhà hoạt động nào, mà cần sự tiếp sức, đồng lòng của cả người ở hải ngoại và quốc nội.”
Kết thúc cuộc phỏng vấn, cả Huy Chương lẫn cô Lê Mỹ Hạnh đều nói với RFA rằng họ “tuy hiện đang lưu lạc khỏi Việt Nam nhưng chúng tôi luôn muốn có cơ hội quay trở về khi đất nước có dân chủ”.
Về ông Đoàn Huy Chương, báo Thời Nay, một ấn phẩm của báo Nhân Dân hồi tháng 8/2019 viết: “Ông Chương từng gia nhập một tổ chức phản động ở Mỹ do Nguyễn Công Bằng khởi xướng; năm 2006 anh ta bị bắt và tòa án nhân dân tuyên án 18 tháng tù vì có hành vi “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân”. Ra tù, Đoàn Huy Chương vẫn chứng nào tật ấy, đến năm 2010 lại bị bắt, bị xét xử về tội gây rối trật tự, an ninh và đã phải nhận án 7 năm tù giam. Năm 2017, Đoàn Huy Chương mãn hạn tù, và vừa hung hăng tuyên bố tiếp tục “đấu tranh” vừa chuồn sang Thái Lan cầu cạnh xin xỏ Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên Hợp Quốc giúp định cư ở nước thứ ba…”
Về cô Lê Mỹ Hạnh, trang Hội Cờ Đỏ hồi tháng 6/2019 viết: “Mới đây trên trang Facebook cá nhân của Lê Mỹ Hạnh có bình luận trong chuyên mục hỏi đáp có viết: “Đảng đóng vai trò gì về việc phòng chống tham nhũng?”, ”Không có đảng thì làm đ** gì có tham nhũng mà chống”. Đây là những ngôn từ hết sức ngông cuồng, thô tục, thiếu văn hóa của kẻ bất mãn nhằm chia rẽ lòng dân với Đảng, hạ thấp uy tín cán bộ đảng viên và cơ quan của Đảng và nhà nước ta...”