Cuộc chiến xâm lược Ukraine của Nga đặt ra vấn đề về thay đổi trong ý thức hệ

Hình minh hoạ: Lính Ukraine mang quan tài một người lính Ukraine hy sinh trong cuộc chiến chống Nga xâm lược hôm 3/4/2022. Reuters 

Bài phân tích của TS. Phạm Quý Thọ|
 

Thế giới loài người cần có các thái cực theo đó các quốc gia tập hợp lại dựa trên hệ tư tưởng nhất định, hình thành phe phái đối lập để cạnh tranh và phát triển. Thế kỷ 20 ghi đậm thời kỳ lịch sử lưỡng cực với các vệ tinh xoay quanh: chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Năm 1917 với cuộc cách mạng tháng 10 Nga ghi dấu mốc của sự hình thành mô hình Xô – Viết với ý thức hệ chủ nghĩa xã hội, tồn tại hơn 70 năm cho đến khi sụp đổ vào đầu những năm 1990. Còn lại đơn cực phương Tây do Mỹ dẫn đầu với các giá trị phổ quát về tự do, dân chủ và nhân quyền khiến thế giới rơi vào trạng thái bất ổn thường xuyên ở nhiều khu vực, lãnh thổ và quốc gia. Đây là sự thách đố loài người nói chung, các quốc gia, giới tinh hoa, các nhà tư tưởng nói riêng tìm kiếm các phương thức khoả lấp khoảng trống ý thức hệ mênh mông và kéo dài tới nay nhưng vẫn không thể.

Cuộc chiến tranh với Ukraina do Vladimir Putin phát động ngày 24/2/2022, một sự kiện nổi bật hiên nay, mang tầm quốc tế phản ánh tham vọng của cường quốc đòi lại vị thế đã mất khi mô hình Xô-viết sụp đổ, bởi vì ông ta hiểu rằng đứng sau cuộc xâm lược Ukraina, một quốc gia đang trong quá trình tìm bản sắc hướng tới dân chủ, là những đòi hỏi về an ninh, nhưng thực chất là đối đầu với NATO và EU, Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, tham vọng này không thể khoả lấp khoảng trống ý thức hệ vốn có nguồn gốc từ thời chiến tranh lạnh, nhưng đang làm bộc lộ rõ hơn những gì cần thay đổi để hướng tới trật tự thế giới mới và cho Việt Nam.

Trước hết, khát vọng quyền lực được nuôi dưỡng ở những cá nhân trong những cường quốc và dựa trên sự kích động chủ nghĩa dân tộc thường là khởi nguồn của các cuộc chiến tranh và, đối với cuộc xâm lược vào Ukraina là Putin và nước Nga.

Như đã biết, sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 Boris Yeltsin (1931– 2007, tiếng Nga: Борис Ельцин), cố Tổng thống Liên bang Nga đầu tiên, không ủng hộ mô hình Xô-viết, nhưng đã ấp ủ khát vọng vị thế “xứng đáng” của nước Nga trong trật tự thế giới mới. Sau các thử nghiệm về sự kế vị năm 1999, Vladimir Putin, xuất thân từ Cơ quan An ninh KGB, đã được lựa chọn, “hội tụ” khả năng để thực hiện “xứ mệnh” cường quốc Nga. Trong thời gian nắm quyền, Putin đã có quá trình chuẩn bị mọi mặt, từ tiềm lực kinh tế và quân sự, cũng như thử thách phương Tây trước khi phát động xâm lược Ukraina. Ông ta thể hiện sức mạnh khi đè bẹp ly khai ở cộng hoà Chechnya năm 2000, chiếm Nam Ossetia năm 2008, cho đến việc sáp nhập bán đảo Crimea (tiếng Nga: Крым) năm 2014. Ngày 2/3 ở Moskva Putin vừa rầm rộ tổ chức kỷ niệm tám năm sự kiện này trong khi chiến tranh vẫn đang diễn ra khốc liệt!

Kích động chủ nghĩa dân tộc dẫn đến sự thù hằn dân tộc và, nguy hiểm hơn khi nó dựa vào lý thuyết mang tư tưởng cực đoan và mang nguồn gốc ý thức hệ. Âm mưu và hành động của Putin chịu ảnh hưởng bởi lý thuyết về nền tảng của một "đế chế Âu-Á", mà Alexander Dugin (tiếng Nga: Александр Дугин) là đại diện nổi bật “hiếu chiến”, một chính trị gia cực hữu thân cận với Putin. Dugin tán thành quan điểm của chủ nghĩa phát xít và đã xây dựng lý thuyết này, được cho là nền tảng tư tưởng của các hành động có khả năng chống lại thế giới phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo. Tư tưởng này của Dugin chịu ảnh hưởng bởi các lý thuyết địa chính trị “cực đoan” và dự đoán về quan hệ phức tạp Nga – Ukraina không tránh khỏi dẫn tới xung đột, tất cả đều hướng tới sự thống nhất của các dân tộc nói tiếng Nga trong một quốc gia duy nhất thông qua việc cưỡng bức chia cắt lãnh thổ của các nước cộng hòa trước đây thuộc Liên bang Xô-Viết. Nó “phù hợp với khoảng trống ý thức hệ” sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản.” Về cuộc chiến tranh Nga – Ukraina, Dugin thẳng thừng tuyên bố đó “chính xác là “cuộc chiến với trật tự tự do”.

Hai là, sự phản kháng của Ukraina, sự thống nhất của EU, Mỹ và phương Tây nói chung, sự phản đối của cộng đồng quốc tế là những “bất ngờ”, không lường hết đối với Putin, phản ánh về mức độ và tính chất phi nghĩa của cuộc xâm lược.

Về Ukraina, Putin khăng khăng rằng ở đó chính phủ tham nhũng và thối nát, đang quân sự hoá, phát xít hoá và “bài Nga” ông ta sẽ được “chào đón” và, hơn thế với sức mạnh quân sự ông ta sẽ nhanh chóng đè bẹp Kyiv. Thực tế sau hơn một tháng tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” cho thấy quân đội Nga đang sa lầy. Sự thiệt hại về quân lực, phương tiện chiến tranh, bế tắc chiến lược khiến mục tiêu xâm lược thu hẹp. Sự kháng cự của quân đội Ukraina được ca ngợi, Tổng thống Zelenskyy từ “diễn viên hài” đã trở thành anh hùng…

Liên Âu (EU), Mỹ và phương Tây trong con mắt Putin là sự áp đặt các giá trị tự do cho các nước khác và sự ngạo mạn của Mỹ, chia rẽ vì lợi ích và yếu đuối, chậm chạp quyết định các vấn đề hệ trọng vì bản chất dân chủ. Bởi vậy, Putin đã răn đe vũ khí hạt nhân nếu can thiệp vào cuộc chiến do ông ta khởi xướng. Trái với suy nghĩ này, các nước EU, lúc đầu bị bất ngờ, nhưng đã “thức tỉnh” về cách “ứng xử” với cuộc xâm lược. Phương Tây, Mỹ, các nước G7 và NATO đã thống nhất hơn “chấp nhận rủi ro” không chỉ về kinh tế, nhanh chóng hơn trong quyết định trừng phạt “chưa từng thấy” với nước Nga và Putin, viện trợ vũ khí, cứu trợ nhân đạo, tăng cường phòng thủ chung, đối phó với đe doạ hạt nhân và ngừng cung cấp khí đốt, dầu từ Nga… Ngày 1/4 ba nước Bantic từng là các nước cộng hoà trong Liên Xô trước đây đã tuyên bố không nhập hoàn toàn khí đốt từ Nga và muốn các thành viên khác trong EU noi gương. Ngoài ra, các giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền vẫn được đề cao trong các tuyên bố. Tổng thống Mỹ Joe Biden từng phát biểu: "Vì Chúa, người đàn ông này (Putin) không thể tiếp tục nắm quyền". Đây có thể phản ánh một cảm xúc không thể kiềm chế sau khi ông ấy chứng kiến thảm cảnh hàng triệu người Ukraina phải rời bỏ đất nước để tị nạn sang nước láng giềng Ba Lan. Tuy nhiên, ông đã không xin lỗi sau đó về điều này mặc dù Nhà trắng phải thanh minh rằng chính sách của Mỹ không thể hiện việc lật đổ chế độ ở Nga.

Về phản ứng của thế giới, đại đa số các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc (LHQ), 141/193 sau hai lần bỏ phiếu lên án cuộc xâm lược của Nga, yêu cầu Putin rút quân khỏi Ukraina và viện trợ nhân đạo. Nghị quyết này của LHQ tuy không có chế tài thực thi nhưng mang ý nghĩa chính trị quan trọng cho thấy Nga bị cô lập hơn trên trường quốc tế và cảnh báo “tinh thần” đối với những cường quốc có ý đồ xâm lăng các nước nhỏ, khuyến cáo tôn trọng chủ quyền quốc gia của các dân tộc.

Ba là, sự liên kết “không giới hạn” của Putin với Tập Cận Bình. Họ đã “hứa hẹn” với nhau trước thềm Olympic mùa đông ở Bắc Kinh đầu tháng 2/2022, tuy nhiên, Nga và Trung Quốc, từng có chung ý thức hệ đối nghịch các giá trị tự do, dân chủ phương Tây nhưng ngày nay cả hai nước đã khoác trên mình hệ tư tưởng, chủ thuyết phát triển khác nhau. Trung Quốc từng nổi lên như  mô hình “mẫu” cho các quốc gia đang phát triển khi sự tăng trưởng nhanh và kéo dài đảm bảo duy trì sự lãnh đạo chuyên chế. Một logic thực dụng là thị trường với vai trò khởi nguồn và thúc đẩy kinh doanh đã tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế như một điều kiện quan trọng đảm bảo tính chính danh cho chế độ đảng cộng sản toàn trị. Ý thức hệ cộng sản bị “bẻ cong” trong nhận thức xã hội thông qua chính sách thực dụng để lợi dụng “lòng tham” và sự độc lập tương đối với chính phủ của các nhà tư bản.

Tuy nhiên, phản ứng trước cuộc xâm lược của Putin vào Ukraina các tập đoàn, các công ty nước ngoài lớn nhỏ cũng đã lần lượt rời bỏ thị trường Nga, giàu tài nguyên thiên nhiên và “đói” hàng tiêu dùng để “hưởng ứng” các biện pháp trừng phạt kinh tế. Một Trung Quốc thực dụng đến “tàn nhẫn” không thể không nghĩ cho lợi ích của chính nền kinh tế của họ. Mỹ và EU đang dõi theo tính thực dụng của Trung Quốc trong trường hợp này để ngăn ngừa cũng như có những giải pháp đối phó. Vẫn phải tập trung dồn sức đương đầu với Putin nhưng phương Tây và Mỹ vẫn coi Trung Quốc với chế độ chuyên quyền được che phủ tinh vi bởi ý thức hệ cộng sản phức tạp là đối thủ nguy hiểm hơn.

Sau cùng, cuộc chiến xâm lược Ukraina của Putin đã không còn chỉ là chiến tranh, xung đột do mâu thuẫn đơn thuần mà mang tầm quốc tế. Không hoàn toàn phụ thuộc vào việc Nga rút quân như thế nào, liệu sẽ chiếm đóng lãnh thổ hay sáp nhập Donbas, Lugansk bao lâu, nhưng hậu quả của cuộc chiến này đánh dấu sự thay đổi lớn về trật tự thế giới mới.

Trong bối cảnh như vậy, một chút liên hệ với Việt Nam, một quốc gia có liên quan “sâu sắc”, không chỉ với Nga và Ukraina về cuộc chiến, mà còn cả với Trung Quốc có nguồn gốc tương đồng ý thức hệ như cầu nối của sự tin cậy. Chính phủ Việt Nam đã nêu quan điểm phản đối chiến tranh, chấm dứt bằng đối thoại hoà bình, nhưng không chỉ đích danh kẻ xâm lược không phải chỉ bởi ở “thế kẹt”. Tuy nhiên, từ góc nhìn “khoảng trống ý thức hệ” cũng cần thay đổi chính sách cho thích hợp với tình hình thực tế, “bớt cực đoan” hay bị níu kéo bởi ý thức hệ giáo điều không chỉ trong quan hệ quốc tế mà còn trong quá trình cải cách thể chế. Sự níu kéo này đang khiến nỗ lực tìm kiếm chủ thuyết cho sự phát triển trở nên thách đố và, không phải ngẫu nhiên, còn một bộ phận không nhỏ người dân trên mạng xã hội tỏ thái độ “cuồng” Putin và “coi thường” Zelenskyy một cách cảm tính, thiếu khách quan. Sự thay đổi ý thức hệ giáo điều đang là đòi hỏi cấp thiết không chỉ trong cải cách thể chế mà còn cho sự phát triển của đất nước.