Củng cố chế độ : Sức ép lớn đối với quan chức và cảm tưởng về chính sách đột phá

Một gia đình người dân đứng mua kem trước một tấm biển cổ động cho Đại hội 13 Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hà Nội hôm 24/1/2021 ( Ảnh minh hoạ:)

TS. Phạm Quý Thọ - RFA|

Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam luôn cho rằng, tham nhũng là do quan chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chứ không phải do bản chất chế độ. Bởi vậy, Đảng gây sức ép tối đa đối với quan chức trong bộ máy lãnh đạo giúp củng cố chế độ. Nửa đầu năm 2021, có 51 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; Đầu tháng 9/2021 Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông báo rằng tại Kỳ họp thứ 6 rằng nhiều cán bộ liên quan đến tha hoá quyền lực trong lĩnh vực kinh tế bị kỷ luật…

Việt Nam vừa trải qua thập kỷ khó khăn của hai nhiệm kỳ Đại hội đảng toàn quốc năm năm (2011-2021) với “bất ổn” kinh tế vĩ mô và thể chế, trong đó sự tha hoá quyền lực của cán bộ lãnh đạo diễn ra nghiêm trọng đe doạ sự tồn vong chế độ. Giới lãnh đạo chính thức đặt vấn đề cải tổ chính trị tại Đại hội Đảng CS lần thứ 13 đầu năm 2021, nhấn mạnh củng cố hệ thống chính trị, trong đó kiện toàn tổ chức cán bộ là trọng tâm trong cải cách, được cho là điểm mới so với các Đại hội trước đó.

Cách tiếp cận cải cách như vậy xuất phát từ bản chất của chế độ tập quyền. GS chính trị học Fransis Fukuama đã chỉ ra rằng chế độ đảng cộng sản toàn trị có “hai cội nguồn” với chế độ phong kiến tập quyền Á Đông. Đó là giáo dục giới quan lại thấm nhuần tư tưởng nho giáo đồng thời với trừng phạt nghiêm khắc họ nếu bất tuân và hư hỏng. Chức năng “đao phủ” này được thực hiện bởi các thái giám (tương tự như Uỷ ban kiểm tra Trung ương) và tội nặng nhất là khi “quân”, “bất trung”, nghĩa là phỉ báng và không trung thành với nhà vua…

Cách đối phó với khủng hoảng chế độ hiện nay đang diễn ra dưới nhiều hình thức, nhưng phổ biến nhất là chống tham nhũng “không vùng cấm” đồng thời với sàng lọc nhân sự đảng thông qua “kiện toàn” tổ chức bộ máy. Trước hết, sức ép lớn nhất được tạo ra đối với lãnh đạo đảng các cấp. Trước Đại hội 13 hàng chục nghìn cán bộ bị kỷ luật với lý do vi phạm quy chế làm việc của đảng, lợi dụng chức vụ quyền hạn và tham nhũng, và quá trình này vẫn đang tiếp tục. Quá nửa dàn lãnh đạo mới trong số 200 uỷ viên trung ương khoá 13 xuất thân từ các ban của đảng, đoàn hay các lĩnh vực quân đội, an ninh. Họ được xem là chỗ dựa trung thành cho quyền lực tuyệt đối.

Cựu quan chức ngành dầu khí Trịnh Xuân Thanh (giữa) và các đồng phạm tại phiên toà ở Hà Nội hôm 8/1/2018. Ông Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc tội tham ô. AFP

Hàng loạt quy chế, quy định mới của Đảng về ứng cử, đề cử nhân sự đứng đầu tổ chức, siết chặt kỷ luật cán bộ và nêu gương lãnh đạo được ban hành, thực thi theo hướng tập trung quyền lực cao hơn. Các ban của Đảng như Uỷ ban kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính, Ban Tuyên giáo được tăng thêm quyền lực. Và mới đây, Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng được bổ sung quyền hạn chống “tiêu cực” và đổi tên thành Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Điều này cho thấy chiến dịch thanh trừng “làm trong sạch” đội ngũ tiếp tục được đẩy mạnh. Những hiện tượng  “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” hay “suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống” của quan chức thường là định tính nhưng có thể vận dụng theo ý lãnh tụ.

Việc tăng cường những động thái cải cách trong thời kỳ khủng hoảng cho thấy đặc điểm mang “tính thích nghi, tính tinh vi, tính tự trị và tính gắn kết” của chế độ, như một trong các nguyên nhân quan trọng tạo nên “sự dẻo dai” chính trị trong suốt hơn một phần ba thế kỷ. Điều này được GS chính trị học Samuel P. Huntington (1927-2008), tác giả của quan điểm “Sự va chạm của các nền văn minh” (1994) chỉ ra khi nghiên cứu chế độ đảng cộng sản toàn trị ở Trung Quốc. 

Tuy nhiên, điều mà GS Samuel P. Huntington chưa thể dự đoán là sự thay đổi diễn ra nhanh chóng trong cải cách thị trường dưới chế độ này. Nhà nghiên cứu  Isabella Weber đã mô tả quá trình này như trò chơi rút gỗ [game of Jenga]:  chỉ rút ra những thanh gỗ nào khi có thể sắp xếp lại được mà không làm sụp đổ cả khối gỗ, nghĩa là gây hại đến sự ổn định của chế độ, và các khoảng trống để lại được chính sách thị trường lấp đầy. Kết quả của cải cách thị trường là tăng trưởng nhanh sau hơn một phần ba thế kỷ đã giúp Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế, nhưng về bản chất là  chủ nghĩa tư bản chính trị, thân hữu. Sự không tương thích giữa “thượng tầng kiến trúc” là chế độ toàn trị và “hạ tầng cơ sở” là kinh tế thị trường phản ánh vấn đề mấu chốt là đảng cộng sản lãnh đạo kinh tế thị trường thế nào khi mâu thuẫn cơ bản giữa hai hệ tư tưởng đối kháng: chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản.

Sự thay đổi lớn đang diễn ra ở Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực kinh tế, tài chính, văn hóa và chính trị từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền ở Trung Quốc từ 2013. Mới gần đây, ông ta chỉ đạo ‘tấn công’ vào giới nhà giàu công nghệ như Alibaba, Tencent và hãng gọi xe khổng lồ Didi Global trong chính sách “thịnh vượng chung”, nghĩa nhà nước giành lấy chức năng tái phân phối của cải, lấy từ giới tỷ phủ chia cho người nghèo, và gửi đi thông điệp rằng “thị trường tư bản sẽ không còn là thiên đường cho các nhà tư bản làm giàu nhanh chóng”. Ngoài ra, các hãng phim giải trí, sao điện ảnh, các công ty giáo dục tư nhân cũng bị đàn áp, tư tưởng của Tập Cận Bình bắt buộc phải đưa vào chương trình học từ cấp tiểu học trở lên…

Ông chủ Alibaba Jack Ma (giữa) và CEO của Tencent trong lễ kỷ niệm 40 năm thực hiện chính sách mở cửa của Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm 18/12/2018. AFP

Việt Nam đang cải cách thị trường về cơ bản theo cách trên khi có chế độ chính trị tương đồng với Trung Quốc dù thấp hơn về trình độ phát triển. Ngoài ra, những động thái cải cách sửa sai và củng cố chế độ hiện nay ở Việt Nam cho thấy bản chất chính trị không hề thay đổi: chế độ phụ thuộc vào người đứng đầu; Sử dụng bộ máy cai trị đặc quyền đặc lợi tập hợp những quan chức phải tuyệt đối trung thành, bởi vậy thiếu tính độc lập; chấp nhận ý thức hệ CNXH xa với thực tế, nên dễ sa vào giáo điều; Thực hành vô điều kiện các tiêu chuẩn đạo đức cách mạnh sẵn có, và sẵn sàng hành động theo cương lĩnh mang tính bạo lực dựa trên đấu tranh giai cấp và sự tương phản giữa “chúng ta” và “bọn phản động” để bảo vệ chế độ…. Những thay đổi gần đây của chế độ Đảng cộng sản lãnh đạo ở Trung Quốc như phân tích ở trên liệu có phải là “tương lai” xa hay gần của chế độ ở Việt Nam hay không và bài học “tránh” sai lầm thế nào đang là vấn đề chưa có câu trả lời.

Khủng hoảng kinh tế và thể chế gây nên sự bất bình của nhân dân đối với “bộ phận không nhỏ” cán bộ lãnh đạo nhũng nhiễu và tham lam. Đây là nhân tố chủ chốt khiến người ta mong có một chế độ quyết đoán và đòi hỏi phải có những hành động khẩn trương và quyết liệt. Trong tình hình như thế, một chính khách tỏ ra dũng cảm, sẵn sàng “hành động”, sẽ là người được quần chúng “gửi gắm” để trừng trị những quan chức “hư hỏng”. Đó là lý do khiến người cầm đầu có được hậu thuẫn, một sự hậu thuẫn giúp cho ông ta gây sức ép tối đa trong nội bộ để củng cố chế độ. Tuy nhiên, sự kỳ vọng về chính sách đột phá để chuyển đổi dân chủ chỉ là ảo tưởng rằng khi vượt qua khủng khoảng ông ta sẽ thực hiện được mọi điều.

***Bí thư Hà Nội, Đinh Tiến Dũng, có nguy cơ "vào lò"?