Biển Đông: Cái khó của lãnh đạo CSVN

Chuyện Biển Đông 2014

Năm 2014, ngay sau chuyến viếng thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines vào cuối tháng Tư, ngày 2/5/2014 Bắc Kinh đã mang giàn khoan HD 981 cùng hơn 80 tàu bảo vệ ra Biển Đông, trong vùng biển chủ quyền Việt Nam.

Đây không chỉ là một hành động riêng rẽ nhằm thách thức phản ứng của Việt Nam mà còn là một thông điệp nhắm vào các nước đồng minh của Hoa Kỳ ở Châu Á-Thái Bình Dương mới được tổng thống Mỹ trấn an. Nó cũng có thể coi như một cuộc hành quân thăm dò nhắm trực diện vào chiến lược xoay trục về Á Châu mà Hoa Kỳ đang ráo riết thực hiện.

Trót đặt tin tưởng vào Bắc Kinh qua nhiều thập kỷ trong quan hệ chư hầu, sự kiện HD 981 gây cho Hà Nội một sự ngỡ ngàng. Nó cũng tạo ra một tình trạng chia rẽ trầm trọng trong nội bộ đảng trước nay chưa từng có. Liên tiếp những vụ đối đầu chung quanh HD 981 khiến ban lãnh đạo Việt Nam càng ngày càng tỏ ra lúng túng, không đưa ra được một đường lối nhất quán nào trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh hải.

Ngày 23/6/2014, sau khi Việt Nam công bố một video mới, cáo buộc các tàu của Trung Quốc bao vây và đâm nát một tàu kiểm ngư của mình, dư luận trong nước càng thêm sôi sục, kêu gọi đảng và nhà nước phải phản ứng mạnh mẽ trước hành động khiêu khích này. Nhiều cuộc biểu tình của người dân yêu nước ở Hà Nội đã bùng nổ nhưng cuối cùng bị chính quyền dập tắt.

Các lãnh đạo cao cấp nhất trong bộ máy cầm quyền lúc ấy đều lặng thinh, ngoại trừ lời tuyên bố ngoài lề chuyến viếng thăm Philippines của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông”. Cũng như khi trả lời báo chí, ông cũng nói gần xa rằng Hà Nội có thể xem xét hành động pháp lý chống lại Trung Quốc ở biển Đông. Tuy nhiên, đó chỉ là một phương pháp trấn an và làm dịu bớt dư luận đang chỉ trích chính quyền hèn yếu trước ngọai xâm.

Bên cạnh đó, dù đang trong kỳ họp của quốc hội, cơ quan lập pháp của Việt Nam chỉ ra một “thông cáo” về tình hình biển Đông, thay vì một nghị quyết như theo đề nghị của một số đại biểu. Như trước đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa ở Sài Gòn đã nói rằng “nhân dân sẽ rất thất vọng, thậm chí hoang mang” nếu “Quốc hội lần này không có tuyên bố hay nghị quyết chính thức gì về Biển Đông”.

Giải thích việc này chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Các đại biểu quốc hội đã mạnh mẽ lên án hành động sai trái của Trung Quốc, đã thảo luận sâu sắc, đã ra thông cáo tuyên bố lập trường chính nghĩa của Việt Nam”. Ý ông nói như thế là đã quá đủ cho quốc hội!

Trong khi quốc hội Việt Nam không có phản ứng nào thì ngược lại, vào ngày 10/7/2014 Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua Nghị quyết S. RES.412 về Biển Đông, trong đó yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan HD 981 ra khỏi vị trí hiện tại. Đó là chuyện của năm 2014.

Cuối cùng, giàn khoan HD 981 cũng rút đi nhưng nó đã đục thủng một lỗ lớn trong cơ cấu quyền lực của đảng Cộng Sản. Trước con mắt của người dân Việt, hơn bao giờ hết đảng đã để lộ chân tướng là một nhóm người chỉ biết đặt quyền lợi của đảng lên trên quyền lợi dân tộc.

Chuyện Biển Đông 2015

Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, chưa bao giờ Trung Cộng dừng chân trong ý đồ thu hồi những vùng đất gọi là phiên thuộc phía Nam, ngay cả những nơi mà họ chưa từng đặt chân tới. Ngày nay muốn tranh cường, nhất thiết họ phải từng bước chiếm lấy biển Đông làm bàn đạp để về lâu dài thôn tính lân bang.

Năm 2015, Trung Cộng không ngần ngại tiến thêm một bước quan trọng trong mục tiêu xé nát chiến lược xoay trục của Hoa Kỳ và đặt các nước Á Châu trước một thách thức mới. Song song với việc huy động tiềm lực lớn lao vào công cuộc bồi đắp các bãi cạn ở Trường Sa, Trung Cộng ngang nhiên tiến hành quân sự hóa các đảo nhân tạo này, biến chúng thành những căn cứ hỏa lực để từ đó có thể tung lực lượng của mình ra ngăn chận, chiếm lấy hải lộ quan trọng nhất Châu Á khi cần. Làm điều này, rõ ràng Trung Cộng để ngõ cho một cuộc xung đột cục bộ tương lai.

Trong lúc đó, so với năm 2014, các kỳ họp của quốc hội Việt Nam khóa XIII chỉ thảo luận sôi nổi với dự án phi trường Long Thành trong chiều hướng “Bộ chính trị đã quyết, quốc hội tán thành”. Còn mối đe dọa của Trung Cộng ở Biển Đông, những vấn đề liên quan với sự tồn vong của đất nước, theo con đường năm ngoái, quốc hội vẫn bình chân như vại. Trong khi đó tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam tiếp tục bị quấy nhiễu, thậm chí việc cứu nạn cũng bị tàu Trung Cộng ngăn cản.

Ngày 5/6/2015 quốc hội ấy dành ra đúng 1 giờ cho một phiên họp kín về Biển Đông. Đem một sự kiện đang diễn ra công khai để bàn theo thủ tục kín thì quả trên thế giới chỉ có quốc hội Việt Nam. Nó cũng cho thấy chế độ đã khinh thường người dân Việt đến mức nào khi đóng lại cánh cửa mà họ tự hào là “đại biểu của nhân dân”! Dù sao cũng có những người như đại biểu Dương Trung Quốc vẫn hy vọng và “chờ đợi một hành động cứng rắn từ Quốc hội”. Hay nói như ông Trần Công Trục “người dân mong lắm Quốc hội lên tiếng về Biển Đông”! Nhưng cuối cùng đó chỉ là những tiếng kêu trong sa mạc.

Thái độ câm lặng của “cơ quan quyền lực cao nhất nước” ấy nói lên điều gì trong tình hình dầu sôi lửa bỏng hiện nay? Phải chăng đó là truyền thống của nó?

Thật ra chỉ có thể giải thích, để lừa bịp người dân về tính chất dân chủ, chung quanh cơ cấu quyền lực của đảng cầm quyền, lúc nào cũng luôn có những vòng cây kiểng bao quanh. Quốc hội được đảng tạo ra chỉ là một chậu kiểng để tô điểm thêm cho bộ mặt của chế độ vốn đã có nhiều vết sẹo phản dân chủ.

Không khác hồi năm 2014, chậu kiểng “vô duyên” ấy dĩ nhiên chưa dám hó hé nửa lời. Vì biết thân phận chỉ là vật trang trí mang màu sắc dân chủ, khi đảng chưa “quyết” thì quốc hội cứ ngậm miệng ăn tiền, dù cho có bị dư luận phỉ nhổ là “cuốc hội”!

Năm 2016 sẽ là năm diễn ra hai sự kiện quan trọng nhất của đảng CSVN. Đại hội đảng bầu lại ê-kíp lãnh đạo đảng mới và Bầu cử quốc hội khóa mới.

Ngay từ bây giờ, cơ cấu quyền lực của đảng sẽ thay đổi và thay đổi theo chiều hướng nào là điều đang được sắp xếp trong nhóm thượng tầng. Đương nhiên vì đảng chưa bao giờ thoát khỏi cái bóng của Bắc Kinh nên yếu tố xếp đặt nhân sự tương lai không thể thiếu ảnh hưởng của thiên triều, mà lắm khi đó lại là yếu tố quyết định nhất.

Một nghị quyết liên quan đến tình hình Biển Đông dù với bất cứ thái độ hòa dịu đến đâu, quốc hội Việt Nam cũng phải lên án ý đồ của Bắc Kinh chiếm đóng bất hợp pháp biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam và vi phạm các thỏa thuận quốc tế. Do đó trong trường hợp đảng còn đang rụt rè tránh né, chuyện quốc hội phải ăn nói thế nào cho nhân dân ít phẫn nộ và nhất là cố gắng làm đẹp lòng Bắc Kinh như lâu nay quả là một chuyện khó. Vì thế chọn thái độ câm lặng cố đấm ăn xôi có vẻ là thái độ “trí tuệ” nhất dù là quốc hội hay “cuốc hội”.

Trong khi trí thức, nhân dân mong chờ một thái độ cứng rắn của đảng và quốc hội thì quốc hội đang ngậm miệng chờ đảng như vị cứu tinh trong tinh thần mà Đại biểu Dương Trung Quốc đã nói “đảng quyết rồi thì quốc hội bàn làm chi nữa”.

Nhưng chuyện khó của quốc hội ngày nay - lỡ được đảng phong cho là cơ quan quyền lực cao nhất - suy ra cũng là chuyện khó của đảng, làm sao tránh được hai chữ “hảo nô” mà không làm cho “hảo chủ” nổi giận.

Phạm Nhật Bình