„Chỉ có một con đường duy nhất để ra khỏi cuộc chiến tranh này“

 Ảnh: Edward Luttwak
Von Mladen Gladić - Nguyễn Xuân Hoài chuyển dịch
„Nước Đức đã gây ra cuộc chiến tranh này“: Edward Luttwak

Các chính trị gia phương Tây cần tuyên bố ủng hộ chiến thắng của Ukraine. Nhưng điều đó là không thể, chuyên gia về các vấn đề chiến lược Edward Luttwak nói. Vũ khí hạt nhân của Putin không phải là lý do duy nhất cho điều này. Trong một cuộc phỏng vấn, Luttwak giải thích, tại sao đáng ra chỉ có nước Đức mới có thể ngăn chặn cuộc chiến tranh này, điều gì có thể kết thúc cuộc chiến tranh này vào thời điểm.
Tại sao Olaf Scholz và bộ trưởng quốc phòng của ông ta lại kiên quyết từ chối nói về một chiến thắng của Ukraine trước Nga? Bất cứ ai nói chuyện với Edward Luttwak (79 tuổi), chuyên gia về các vấn đề chiến lược về chủ đề này đều nhận ra rằng điều này không phải chỉ do Putin có đầu đạn hạt nhân.
Luttwak là một trong những nhà lý luận quân sự được kính nể nhất trên thế giới. Ông sinh ra trong một gia đình Do Thái ở Arad, Romania, năm 1942, và lớn lên ở Ý và Anh. Tại đây, ông theo học Trường Kinh tế London và được đào tạo quân sự cơ bản trong Quân đội Anh.
Luttwak đã giảng dạy ở Bath, Anh, cũng như tại các trường Đại học Johns Hopkins và Georgetown ở Hoa Kỳ. Cuốn “Lý thuyết đảo chính” của ông, xuất bản năm 1968, đến nay vẫn được giảng dạy trong các học viện quân sự trên khắp thế giới, cũng như cuốn sổ tay Strategy: The Logic of War and Peace (1987) của ông. Năm 1997, cùng với ba đối tác kinh doanh, ông đã mua 17.000 ha đất ở vùng Amazon thuộc Bolivia, nơi ông dành toàn bộ tâm sức cho việc chăn nuôi gia súc hữu cơ.

Die WELT: Thưa ông Luttwak, trong một bài đăng trên tờ “Frankfurter Allgemeine Zeitung” mới đây Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã viết: “Nếu Kiew thất thủ hoặc nếu Ukraine bị thua trận, thì không ai có thể bị đổ lỗi vì điều đó.” Morawiecki nói rằng hãy tin vào một chiến thắng của Ukraine. Chính xác thì điều gì đã thay đổi và người ta, theo ông , có thể đặt cược vào chiến thắng của Ukraine lúc này không?
Edward Luttwak: Tôi sử dụng Twitter vì Twitter có chức năng ngày tháng. Các vị nên xem tài khoản twitter của tôi, các tweet đề ngày 23, 24, 25 tháng hai. Khi đó tôi đã nói xác suất chiến thắng của Nga bằng không. Các vị cũng sẽ tìm thấy các dòng tweet giải thích lý do tại sao cả FSB của Nga và CIA ở Washington đều tin vào một kịch bản trong đó Zelenskyy bỏ trốn và chính phủ sẽ tan rã. Nếu không có tổng thống và chính phủ, người Ukraine thậm chí sẽ không tham gia cuộc chiến.
Các tweet của tôi đã bác bỏ thẳng thừng kịch bản này. Trước khi cuộc xâm lược bắt đầu, tôi đã nói người Nga thật điên rồ khi xâm lược đất nước lớn nhất châu Âu với một đội quân rất nhỏ. Sau đó, vào ngày 25 tháng 2, tôi nói rằng Putin là tay chơi poker thận trọng, ông ta đã thắng Nam Ossetia, Abkhazia và Crimea mà không tốn một viên đạn nào, giờ đã bước lên bàn roulette và đặt cược tất cả vào một con số. Ông ta sẽ thua. Cuối cùng, tôi giải thích lý do tại sao các tướng lĩnh Hoa Kỳ và giới quân sự Nga, trong các trò chơi chiến tranh của họ, đã quên rằng chiến đấu với những người châu Âu yêu nước khác với đánh nhau với những kẻ theo chủ nghĩa bè phái và cuồng tín ở Iraq, Afghanistan hay Syria mà người Mỹ và người Nga đã từng trải qua. Vì vậy, tôi không tán thành khi Morawiecki nói rằng điều đó không thể dự đoán được. Mọi chuyện đều rất rõ ràng.

WELT: Chỉ vì những người Ukraine không phải là bọn theo chủ nghĩa bè phái, cuồng tín mà là những người yêu nước?
Luttwak: Người ta gọi đó là hội chứng chiến tranh thuộc địa. Điều đó đã xảy ra trước đây. Năm 1914, người Bỉ, người Pháp và người Anh đã có rất nhiều kinh nghiệm chiến đấu trên khắp thế giới. Là một quốc gia tham chiến, người Đức khi đó vẫn còn là trinh nữ. Phải mất khoảng sáu tháng để các đội quân khác nhau nhận ra rằng kinh nghiệm thuộc địa còn tồi tệ hơn nhiều so với việc thiếu kinh nghiệm. Vì nó dẫn đến sự điên rồ.

WELT: Rất nhiều người không nghĩ rằng Nga sẽ thua trong cuộc chiến này. Bây giờ thì khác, ở Đức, thủ tướng và bộ trưởng quốc phòng của ông ta đang bị áp lực từ mọi phía, để tuyên bố rằng họ tin tưởng vào một chiến thắng của Ukraine.
Luttwak: Đầu tiên bên đó có phe thất bại. Họ muốn sơ tán Zelenskyy. Sau đó, trong vòng vài tuần, đã xuất hiện phe chiến thắng. Phe này hiện diện mạnh mẽ ở nhiều nơi, chẳng hạn như ở London, Ba Lan và Estonia.

WELT: Ông cũng liệt kê cả một bộ phận thuộc nhóm Green của Đức trong số lực lượng "Lobby" này, như ông từng gọi họ như vậy khi đăng tải trên tờ "UnHerd" cách đây mấy hôm.
Luttwak: Theo tôi, những người này cũng có ảo tưởng. Các ông biết đấy, Davos, đã có thời từng là nơi diễn ra các cuộc họp mặt quan trọng. Từ nhiều năm nay Davos đã biến thành một cái chợ của những kẻ giả danh, lừa bịp. George Soros đã nói ở Davos: "Chiến đấu cho đến khi giành được thắng lợi". Và Henry Kissinger cũng đã nói ở đó: "Hãy từ bỏ". Điều đó cho thấy rằng hai con người này đáng ra nên ngồi ở nhà. Họ thực ra đã hết thời rồi.

WELT: Ý ông là gì?
Luttwak: Những người vận động cho thắng lợi đáng ra rất có lý nếu có ai đó biết cách đảo ngược sự phát minh ra vũ khí hạt nhân. Đây có lẽ là một nghệ thuật rất cần thiết. Chỉ có điều chúng ta không kiểm soát được chúng.

WELT: Ông tán thành Jürgen Habermas, người gần đây đã viết kình địch với một cường quốc hạt nhân để giành chiến thắng là không thể?
Luttwak: Đã có những thắng lợi trong cuộc chiến chống lại một cường quốc hạt nhân: Việt Nam đã đánh bại Hoa Kỳ. Nhưng không có chiến thắng nào trước một cường quốc hạt nhân mà không cách xa vạn dặm. Người Mỹ đã bị tống cổ khỏi Việt Nam. Và tất nhiên họ đã bị đánh bại ở Afghanistan. Thực ra họ không bị đánh bại ở Iraq. Nhưng ví thử nếu có một cuộc chiến ở Mexico liên quan đến người Trung Quốc, người Nga hoặc bất kỳ ai khác, người Mỹ sẽ không thể bị đánh bại. Họ cũng không thể rút lui về biên giới của họ và xem các cuộc diễu binh của kẻ thù đã giành chiến thắng. Habermas lẽ ra phải nói rằng không có chiến thắng nào trước một cường quốc hạt nhân của một lục địa, của Á-Âu mà không thể lên máy bay và tàu thuyền và cao chạy xa bay hàng vạn dặm.

WELT: Vũ khí hạt nhân không phải là thứ duy nhất khiến Nga trở nên bất khả chiến bại?
Luttwak: Điều kỳ lạ và lạ lùng ở Nga là ngay cả khi nước này không có vũ khí hạt nhân, thì Ukraine cũng không thể đạt được chiến thắng theo nghĩa quân Nga buộc phải rút lui hoàn toàn, thậm chí có thể rời khỏi Crimea. Người Nga là quốc gia châu Âu lớn nhất. Mặc dù tình hình nhân khẩu học rất tệ, vẫn có hơn 114 triệu người trong số họ. Họ là người thuộc dân tộc Nga, tất nhiên, Liên bang Nga có nhiều người hơn. Đặc điểm về vị trí địa lý của Nga và thực tế là ngay cả dù mạnh hay yếu, Nga vẫn hiện diện ở Viễn Đông, Trung Đông, Bắc Cực cũng như ở Biển Đen, chỉ riêng điều đó đã khiến điều này hoàn toàn không thực tế. Để cuộc chiến này kết thúc, phải được sự đồng ý của Tổng thống Liên bang Nga. Ông ấy phải chấp nhận cái kết này.

WELT: Tổng thống này có nhất thiết phải là Putin không?
Luttwak: Vâng, tất nhiên có thể có một Tổng thống mới của Liên bang Nga. Có lẽ nên có một tổng thống khác. Nhưng đây là những suy nghĩ viển vông. Nó giống như tưởng tượng rằng người Nga có thể giành chiến thắng ở Ukraine như là với Iraq hoặc Syria hoặc một trong những nơi mà bạn chỉ cần đạp cửa để xông vào.

WELT: Làm thế nào để có thể kết thúc cuộc chiến tranh này, khi một trong hai bên dường như không thể giành thắng lợi?
Luttwak: Chỉ có một lối thoát cho cuộc chiến này và duy nhất chỉ có một cánh cửa trong hành lang này: người Nga phải chấp nhận các cuộc trưng cầu dân ý thực sự ở Donetsk và Luhansk, không phải do họ tự tổ chức và thực hiện, mà là những cuộc trưng cầu với hàng nghìn thanh tra. Theo quy định của năm 1919.

WELT: Ý ông là như thế nào?
Luttwak: Năm 1919 có rất nhiều người cùng đinh (Plebiszite), từ Malmedy ở Bỉ đến Đan Mạch, Ba Lan và Hungary. Các quy định về thủ tục năm 1919 nói rõ ai có thể bỏ phiếu và người đó đăng ký sự hiện diện của mình với các quan sát viên trung lập. Không phải bốn hoặc năm, mà là hàng nghìn ở khắp mọi nơi, khiến cho việc gian lận là không thể. Và điều này bất chấp những điều kiện hoàn toàn không thể tưởng tượng nổi vì Chiến tranh thế giới thứ nhất vừa kết thúc, nó đã gây ra thiệt hại to lớn ở khắp mọi nơi và dịch cúm lại đang hoành hành và cướp đi sinh mạng của nhiều người. Ngoài ra, một số nước có liên quan lại là những nước mới xuất hiện 100%, như Ba Lan. Hungary cũng là một quốc gia mới được độc lập. Tuy nhiên, các cuộc trưng cầu dân ý với những người cùng đinh đã diễn ra mà không xảy ra sự cố. Người ta ngừng đánh nhau. Ngay cả ở Silesia, nơi mọi người chém giết lẫn nhau, những người dân cũng kết thúc các cuộc giao tranh. Vì vậy, đây là một cái gì đó đặc biệt chứ không phải một cái gì đó chung chung như bất kỳ một cuộc trưng cầu dân ý nào, giống như người Nga đã làm ở Crimea.

WELT: Tại sao lại là dân cùng đinh?
Luttwak: Để Putin có thể nói: “Tôi đã giành được điều gì đó cho người dân Nga. Bởi vì trước đó họ là tù nhân, những người dân Donetsk và Luhansk khốn khổ, cùng đinh. ”Và ngay cả Ukraine cũng không thể từ chối cách tiếp cận dân chủ như vậy. Ukraine cũng không thể từ chối cho mọi người một sự lựa chọn. Theo tôi, đây là cách duy nhất để thoát khỏi cuộc xung đột này, và đó là quan điểm của tôi từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh này. Thật là hoang đường khi cho rằng có thể đánh bại được nước Nga, đó là điều không thể. Những gì người ta có thể làm được là mang lại cho Putin một thắng lợi nho nhỏ.

WELT: Làm thế nào để có thể thuyết phục Nga tham gia một cuộc bỏ phiếu như vậy?
Luttwak: Người ta có thể đạt được thỏa thuận ngừng bắn mà người ta mong muốn bằng cách dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, nhưng có thể khôi phục các lệnh trừng phạt đó nếu người Nga khai hỏa.

WELT: Chẳng hạn như những biện pháp trừng phạt nào?
Luttwak: Ví dụ, người ta có thể dỡ bỏ lệnh trừng phạt Swift. Điều đó có thể được thực hiện chỉ bằng một cuộc điện thoại. Cũng giống như áp đặt nó trở lại. Đúng vậy, hầu hết mọi người ở Nga hầu như không bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến này, vì Nga tự sản xuất lương thực, thực phẩm và có các nguồn năng lượng riêng. Và không ai quan tâm đến việc những người này nghĩ gì. Không giống như đối với người dân ở Moscow. Họ phải chịu đựng rất nhiều khó khăn, bạn biết đấy, thời buổi này thật u ám, thật đen tối. Tất cả các cửa hàng sang trọng đều đóng cửa. Không có rau xanh từ Hà Lan ở trong các siêu thị. Không chỉ giới tinh hoa cầm quyền, mà toàn bộ Moscow đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Cả Petersburg nữa. Ngay cả ở Omsk: Tôi đã đến Omsk một lần vào lúc 6 giờ sáng và nơi duy nhất để ăn là nhà hàng McDonalds.

WELT: Vậy đối với Selenskyj? Lý do gì ông ta lại đồng ý để người cùng đinh bỏ phiếu?
Luttwak: Selenskyj không thể nói không về chuyện này. Khác với đề nghị của Kissinger, một đề nghị hoàn toàn không thực tế.

WELT: Henry Kissinger đề nghị Ukraine nhượng bộ một phần lãnh thổ của mình để có hòa bình. Tại sao điều đó lại là không thực tế?
Luttwak: Zelenskyy hoàn toàn không có thẩm quyền cho các bộ phận lãnh thổ của Ukraine. Ông ấy là một Tổng thống được bầu, nhưng ông ta không có quyền hạn như vậy. Không ai có thể thực hiện đề xuất kết thúc chiến tranh bằng cách tặng chiến thắng cho Putin sau thất bại của lực lượng của ông ta. Những lực lượng này đã bị đánh bại, và do đó ông ta không thể tuyên bố đã chiến thắng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Người ta không thể đánh bại nước Nga, nhưng người ta cũng không thể buộc Ukraine phải đầu hàng.

WELT: Huy động dân cùng đinh liệu có thể là một rủi ro quá lớn cho cả hai bên tham chiến?
Luttwak: Giải pháp phải là một cuộc trưng cầu dân ý. Thực tế là kết quả của cuộc lấy ý kiến của bàn dân thiên hạ không chắc chắn không làm cho nó kém đi chút nào. Điều đó làm cho nó tốt hơn lên. Bởi vì cả hai bên đều có thể hy vọng nhập cuộc và sau đó xuất hiện kết quả. Mà kết quả là kết quả. Mọi người có thể ra về.

WELT: Ý tưởng của ông có gì khác so với Minsk 1 và Minsk 2, vốn đã thất bại do sự kháng cự của cả hai nước?
Luttwak: Minsk 1 và Minsk 2 thuộc về một thời xa xưa, về thời kỳ đồ sắt hoặc thời trung cổ. Minsk 1 và 2 đã bị xóa sổ bởi chiến tranh. Và tại Minsk 1 và 2, không có cơ chế trung lập nào để chịu trách nhiệm cho các nhà lãnh đạo của cả hai bên tranh chấp. Trong một cuộc lấy ý kiến bàn dân thiên hạ họ không cần phải nói rằng họ đang từ bỏ Donbass. Putin cũng không cần phải nói rằng ông ấy từ bỏ Kherson.

WELT: Thế còn với Crimea thì sao?
Luttwak: Đó là ngày 24 tháng 2 và hiện trạng trước là chủ đề của một cuộc trưng cầu dân ý như vậy.

WELT: Ai sẽ đàm phán tất cả những điều này?
Luttwak: Để đưa điều này vào cuộc cần phải có một cuộc thảo luận chung. Đó là lý do tại sao tôi dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này. Ý tưởng này cần phải trở thành chủ đề của một cuộc thảo luận, nên để nó trở thành một bộ phận của các cuộc trao đổi. Phải tạo ra một bầu không khí để những người có trách nhiệm có thể nghĩ về nó và nói: “Tại sao chúng ta không kết thúc cuộc chiến này bằng một cuộc trưng cầu dân ý thông qua những người cùng đinh?” Xét cho cùng thì Zelenskyy là Tổng thống đắc cử của Ukraine.

WELT: Và Putin là một nhà cai trị độc tài với đầu đạn hạt nhân.
Luttwak: Putin là Tổng thống được bầu của Liên bang Nga. Những người gọi ông ta là nhà độc tài là xúc phạm ông ấy . Bối cảnh lựa chọn ông ấy có hoàn hảo không? Không, nhưng ông ấy là một Tổng thống được bầu. Vì vậy, bất cứ ai bầu ra một tổng thống không nên chống lại người dân bỏ phiếu cho đất nước họ.

WELT: Ông có đề cập đến những người lobby cho thắng lợi, họ không chấp thuận đình chiến. Họ cũng từ chối trưng cầu ý dân?
Luttwak: Ý tưởng về một cuộc trưng cầu ý dân chưa mở rộng đến mức tạo ra lực lượng đối lập. Tôi ủng hộ ý kiến này, nhưng tôi chỉ là một người thấp cổ bé họng, tôi đang cố gắng để yêu cầu này được chấp thuận. Đề xuất này hoàn toàn mới. Không có ý kiến phản đối vì nó chưa thực sự được khởi xướng. Các vị biết đấy, tôi không phải là người bán bảo hiểm hay đại loại như vậy. Đó là lý do tại sao tôi không xuất hiện ở Davos để trình bày ý tưởng của mình. Là một nhà chiến lược, tôi sẽ không bao giờ nói về bất cứ điều gì sẽ xảy ra. Nhưng tôi có thể nói với bạn một điều khác, đó là không có lối thoát ra khỏi cuộc chiến nếu cánh cửa mà bạn có thể gọi là của một cuộc trưng cầu dân ý bị đóng lại. Và kể từ khi vũ khí hạt nhân xuất hiện, chúng ta đã học được rất nhiều điều. Ví dụ, chiến tranh có thể diễn ra mãi mãi.

WELT: Bất kể một sự phản đối nào đối với một lệnh ngừng bắn đều là sai?
Luttwak: Một cuộc trưng cầu dân ý yêu cầu đình chiến vì mọi người phải lái xe đi lòng vòng để phân phát các lá phiếu và để bỏ phiếu v.v. Ý tưởng này là về một hiệp định đình chiến có ý nghĩa về chức năng. Hành lang lobby cho chiến thắng là một chuyện. Đây là những kẻ muốn đánh bại hoàn toàn Nga và lật đổ Putin. Nhưng những người phản đối lệnh ngừng bắn có thể phản đối vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có những lý do chính đáng.

WELT: Thí dụ?
Luttwak: Ví dụ, nếu lúc này người ta ký một hiệp định đình chiến không phải để trưng cầu dân ý, người Nga sẽ giữ tất cả các lãnh thổ mà họ đã chinh phục. Và điều đó rất không mong muốn bởi vì điều đó có nghĩa là một người nào đó bắt đầu chiến tranh và chiến đấu rất tệ vẫn có thể giành được rất nhiều lãnh thổ. Sẽ là phi logic nếu chấp nhận một lệnh ngừng bắn như vậy. Việc chấp nhận trưng cầu ý dân và đòi hỏi phải đình chiến là hoàn toàn logich.

WELT: Điều nào sẽ không dẫn đến việc Nga tiếp quản lãnh thổ Ukraine mà họ đã chinh phục?
Luttwak: Nếu người Nga chấp nhận ý tưởng trưng cầu dân ý vào sáng mai, điều đó có nghĩa là từ bỏ các khu vực họ kiểm soát ở Zaporizhia và Kherson. Thời điểm họ chấp nhận trưng cầu ý dân, họ đã tự động từ bỏ mọi yêu sách đối với lãnh thổ bên ngoài Donbass.

WELT: Ông đánh giá như thế nào về hành động của Thủ tướng Đức ? Ông ấy hầu như không thuộc nhóm vận động hành lang cho chiến thắng.
Luttwak: Tôi e rằng sự khẳng định lập trường của Thủ tướng Đức và những thông điệp của ông ấy chỉ nhằm nhấn mạnh đến sự khôn ngoan thông thường, rằng người Đức có nhiều tài năng trong nhiều lĩnh vực từ âm nhạc, công nghệ, chế tạo xe hơi, bất cứ thứ gì khác chỉ ngoại trừ chiến lược. Họ không biết gì về chiến lược. Có một người Đức hiểu vấn đề này hơn bất kỳ ai trong lịch sử. Đó là Bismarck. Bismarck quả là một con người siêu phàm! Còn sau Bismarck thì Đức nổi tiếng là tồi về chiến lược. Ý tưởng về chiến lược của Scholz thật kỳ lạ và không hay. Có hai điều mà ông ta đã làm. Một là ông ấy đã làm chủ tịch của một đảng chia rẽ trong một liên minh chia rẽ. Có lẽ ông ấy đã làm khá tốt phần đó. Về điều này tôi không có ý kiến.

WELT: Thế còn phần mà ông có ý kiến?
Luttwak: Đó là ông đã có một lập trường chiến lược sai lầm vào ngày 23 tháng Hai. Nếu hôm 23 tháng 2 ông ấy nói Đức sẽ dừng Nord Stream 2, rằng nước Đức sẽ cung cấp vũ khí cho Ukraine, rằng Đức sẽ cho phép Estonia cung cấp đại bác cho Ukraine khi Nga xâm lược Ukraine, thì Putin rất có thể đã không tấn công Ukraine. Vì Putin rất chú ý đến nước Đức. Chính Đức đã gây ra cuộc chiến này. Chính thái độ của người Đức đã khiến cuộc chiến này có thể xảy ra. Vì vậy, đây là một thất bại lớn về chiến lược của Đức .

WELT: Ông thấy có bao nhiêu ý đồ ở đàng sau điều này?
Luttwak: Lời bào chữa của Olaf Scholz, khi ông ta phải đối mặt với tòa án lịch sử, sẽ là, ông ta đã bị chính các cơ quan tình báo đánh lừa. Họ đã lừa dối Putin và cả người Mỹ. Tại sao ông ta lại gây thiệt hại cho nền kinh tế Đức khi người Nga sẽ giành chiến thắng trong vòng 24 giờ? Nhưng điều đó cũng có nghĩa cơ quan mật vụ Đức cũng thất bại. Khi các cơ quan tình báo Mỹ sai, không thể đổ lỗi cho họ vì họ luôn luôn sai. Họ thậm chí đã dự đoán rằng sẽ có sự kháng cự dữ dội ở Kabul và không có chuyện Taliban giành chiến thắng, dù là năm nay hay năm sau. Vì vậy, họ luôn luôn sai lầm.

WELT: Và các cơ quan mật vụ của Đức?
Luttwak: Nước Đức lẽ ra phải được biết đến nhiều hơn. Như tôi đã nói, nếu chính phủ Đức vào ngày 23 tháng hai đã nói những gì họ đã nói vào ngày 25 tháng Hai, thì sẽ không có chiến tranh. Tín hiệu mà Đức đưa ra trước cuộc chiến đã bật đèn xanh cho Putin. Đức có tầm quan trọng, có ý nghĩa trung tâm với Nga. Đức có một vị trí nhất định trên thế giới. Hãy chỉ gọi vị trí này là "A". Và sau đó Đức có một vị trí ở Nga. Và đó là một nhân ba "A." "A" cho lũy thừa của ba. Và nếu chính phủ Đức đã nói nếu ông tấn công Ukraine, dù chỉ với khẩu súng lục Parabellum chín mm, chúng tôi cũng sẽ ngăn chặn Nord Stream hai và chúng tôi sẽ ngăn chặn nhiều thứ khác nữa, thì người Nga sẽ không dám tấn công.

WELT: Còn ai có thể ngăn cản được cuộc chiến tranh này?
Luttwak: Chính phủ Ý nói gì, chẳng ai quan tâm. Còn với người Anh, họ luôn tạo dáng và nhảy tâng tâng lên. Rất nhiều người bỏ qua, không để mắt tới mấy cái trò đó. Nếu chính phủ Đức nói rằng sẽ không có Nord Stream 2 và họ sẽ ngừng mua khí đốt nếu người Nga xâm lược Ukraine, thì người Nga đã không xâm lược Ukraine. Hệ thống chính trị Đức đã không hiểu điều đó. Tôi thấy điều đó đáng chú ý. Bởi vì người Bồ Đào Nha không thể làm được điều đó. Người Pháp không thể làm được. Chỉ có Đức.

Von Mladen Gladić -

Nguyễn Xuân Hoài chuyển dịch
 
 
Nguồn; Strategie-Experte Luttwak: „Der einzigen Weg raus aus diesem Krieg“ - WELT